Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Tổng Trì Tự »»
(正法寺, Shōhō-ji): ngôi danh sát của Tào Động Tông, hiện tọa lạc tại Ōshū-shi (奥州市), Iwate-ken (岩手縣); hiệu là Đại Mai Niêm Hoa Sơn Viên Thông Chánh Pháp Tự (大梅拈華山圓通正法寺), tượng thờ chính là Như Ý Luân Quan Âm. Người khai sáng ngôi chùa này là Vô Để Lương Thiều (無底良韶), một trong 25 đệ tử nổi tiếng của Nga Sơn Thiệu Thạc (峨山紹碩), vị Tổ đời thứ 2 của Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) ở vùng Hạc Kiến (鶴見, Tsurumi). Ngôi chùa được sáng lập vào năm 1348. Thiền sư cảm mộng có con gấu hiện ra, từ đó phát nguyện lập nên nơi đây một ngôi chùa. Nơi đây là lãnh địa của hai vị lãnh chúa Hắc Thạch (黑石) và Trường Bộ (長部), ông được sự sùng tín của Hắc Thạch Chánh Đoan (黑石正端) và Trường Bộ Thanh Trường (長部清長), nên dựng lên nơi đây ngôi già lam, và trở thành ngôi danh sát nổi tiếng nhất ở địa phương Áo Vũ (奥羽). Vào năm 1350, Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji) và Tổng Trì Tự được Sùng Quang Thiền Hoàng (崇光天皇, Sukō Tennō, tại vị 1348-1351) công nhận tư cách của hai ngôi Đại Bản Sơn của Tào Động Tông; đến năm 1441, chùa lại được Hậu Hoa Viên Thiên Hoàng (後花園天皇, Gohanazono Tennō, tại vị 1428-1464) ban tặng cho hiệu là Tứ Tử Xuất Thế Đạo Tràng (賜紫出世道塲). Từ đó trở về sau, nó trở thành ngôi chùa bổn sơn trung tâm của Phái Vô Để (無底派) ở hai châu Áo Châu (奥州) và Vũ Châu (羽州). Tất cả những tăng lữ của phái này trong đời phải một lần nhập sơn tu hành tại chùa này, và chùa có đến khoảng hơn 1000 ngôi chùa con trực thuộc. Chùa rất trang nghiêm tráng lệ, nhưng do bị hỏa tai, nên kiến trúc ngày xưa còn sót lại chỉ có Sơn Môn mà thôi. Chánh Điện, Khai Sơn Đường, Lầu Chuông, Nhà Kho, v.v., tất cả gồm 16 kiến trúc thì được xây dựng lại gần đây thôi. Đại Chánh Điện, Tăng Đường là hai kiến trúc rất to lớn, hùng vĩ. Hiện chùa vẫn còn có 78 ngôi tự viện con trực thuộc, và nơi đây là chốn tu hành chuyên môn, nên chư tăng thường xuyên tập trung về tu tập. Chùa hiện còn lưu lại rất nhiều bảo vật.
(大洞院, Daitō-in): ngôi chùa con trực thuộc vào Tổng Trì Tự của Tào Động Tông, hiệu là Quất Cốc Sơn (橘谷山); hiện tọa lạc tại số 249 Toizume (橘), Morimachi (森町), Shūchi-gun (周智郡), Shizuoka-ken (靜岡縣). Chùa do Thiền sư Thứ Trọng Thiên Ngân (恕仲天誾) sáng lập, nhưng ông lại mời thầy ông là Mai Sơn Văn Bổn (梅山聞本) làm Tổ khai sơn chùa, còn ông thì làm vị Tổ thứ 2. Tương truyền rằng trước đây khi Thứ Trọng đi hành cước thì bị lạc đường trong núi, may thay gặp được một lão ông đang trồng hạt vừng, nhân đó ông lão mới chỉ đường cho Thiền sư đi; sau này Thiền sư biết được rằng ông lão ấy chính là hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát vốn hiện đang thờ trong chùa, nên từ đó Thiền sư mới đặt cho tượng này là Ma Thì Địa Tạng (麻蒔地藏, Địa Tạng Trồng Vừng).
(s, p: dāna, 檀那): còn gọi là Đà Na (柁那), Đán Na (旦那), Đà Nẵng (馱曩), Đàn (檀); ý dịch là thí (施, cho, ban phát), bố thí (布施), tức lấy tâm từ bi mà ban phát phước lợi cho tha nhân; cả Phạn Hán cùng gọi là Đàn Thí (檀施), Đàn Tín (檀信). Những tín đồ cúng dường y thực cho tăng chúng, hay xuất tiền tài để tiến hành pháp hội, tu hạnh bố thí được gọi là Thí Chủ (s: dānapati, 施主); âm dịch là Đàn Việt (檀越), Đà Na Bát Để (陀那鉢底), Đàn Na Ba Để (檀那波底), Đà Na Bà (陀那婆); cả Phạn Hán đều gọi chung là Đàn Việt Thí Chủ (檀越施主), Đàn Na Chủ (檀那主), Đàn Chủ (檀主). Trong Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập (翻譯名義集) quyển 1 có giải thích rằng: “Đàn Na hựu xưng Đàn Việt; Đàn tức thí; thử nhân hành thí, việt bần cùng hải, cố xưng Đàn Việt; tâm sanh xả pháp, năng phá xan tham, thị vi Đàn Na (檀那又稱檀越、檀卽施、此人行施,越貧窮海、故稱檀越、心生捨法、能破慳貪、是爲檀那, Đàn Na còn gọi là Đàn Việt; Đàn tức là bố thí; người này hành bố thí, vượt qua biển bần cùng; nên gọi là Đàn Việt; tâm sanh khởi pháp xả bỏ, có thể phá tan sự tham lam, keo kiệt, đó là Đàn Na).” Theo Thiện Sanh Kinh (善生經) của Trường A Hàm (長阿含經) quyển 11 có đoạn rằng: “Đàn Việt đương dĩ ngũ sự cung phụng Sa Môn, Bà La Môn. Vân hà vi ngũ ? Nhất giả thân hành từ, nhị giả khẩu hành từ, tam giả ý hành từ, tứ giả dĩ thời thí, ngũ giả môn bất chế chỉ. Thiện Sanh, nhược Đàn Việt dĩ thử ngũ sự cung phụng Sa Môn, Bà La Môn; Sa Môn, Bà La Môn đương phục dĩ lục sự nhi giáo thọ chi. Vân hà vi lục ? Nhất giả phòng hộ bất linh vi ác, nhị giả chỉ thọ thiện xứ, tam giả giáo hoài thiện tâm, tứ giả sử vị văn giả văn, ngũ giả dĩ văn năng sử thiện giải, lục giải khai thị thiên lộ (檀越當以五事供奉沙門、婆羅門、云何爲五、一者身行慈、二者口行慈、三者意行慈、四者以時施、五者門不制止、善生、若檀越以此五事供奉沙門、婆羅門、沙門、婆羅門當復以六事而敎授之、云何爲六、一者防護不令爲惡、二者指授善處、三者敎懷善心、四者使未聞者聞、五者已聞能使善解、六者開示天路, Thí chủ nên lấy năm việc để cung phụng Sa Môn, Bà La Môn. Thế nào là năm ? Một là thân hành từ bi, hai là miệng hành từ bi, ba là ý hành từ bi, bốn là cúng dường đúng thời, năm là cổng không đóng dừng. Này Thiện Sanh ! Nếu Thí chủ lấy năm việc trên để cung phụng Sa Môn, Bà La Môn; Sa Môn, Bà La Môn phải lấy sáu việc để giáo hóa lại cho họ. Thế nào là sáu ? Một là phòng ngừa, bảo hộ không khiến cho làm điều ác; hai là chỉ bày, truyền trao nơi tốt lành; ba là dạy họ luôn nhớ tâm lành; bốn là khiến cho người chưa nghe được nghe; năm là người được nghe có thể khiến cho khéo hiểu rõ; sáu là khai thị rõ đường lên trời).” Lại theo Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 24 cho biết rằng vị Thí Chủ Đàn Việt tùy thời mà bố thí, cúng dường thì sẽ có 5 công đức:
(1) Tiếng tăm vang khắp bốn phương và mọi người đều hoan hỷ, vui mừng;
(2) Nếu sanh làm thân chúng sanh, không mang tâm xấu hổ và cũng không có sự sợ hãi;
(3) Được mọi người kính ngưỡng, người thấy cũng sanh tâm hoan hỷ;
(4) Sau khi mạng hết, hoặc sanh lên cõi Trời, được chư Thiên cung kính; nếu sanh trong cõi người, cũng được người tôn quý;
(5) Trí tuệ xuất chúng, thân hiện đời hết lậu hoặc, chẳng trãi qua đời sau.
Món cháo do Thí Chủ cúng dường cho đại chúng được gọi là Đàn Na Chúc (檀那粥). Như trong Oánh Sơn Thanh Quy (瑩山清規) quyển Thượng, phần Nguyệt Trung Hành Sự (月中行事) của Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾, Keizan Jōkin, 1268-1325), Tổ khai sơn Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) ở vùng Năng Đăng (能登, Noto), có câu: “Đàn Na Chúc, thán kệ như tiền, kim thần tịnh chúc nhất đường, phụng vị bổn tự Đàn Na thập phương Thí Chủ phước thọ trang nghiêm, ngưỡng bằng tôn chúng niệm (檀那粥、歎偈如前、金晨淨粥一堂、奉爲本寺檀那十方施主福壽莊嚴、仰憑尊眾念, Cháo Đàn Na, kệ tán thán như trước, hôm nay cháo chay một nhà, kính vì cầu chúc Đàn Na chùa này, Thí Chủ mười phương được phước thọ trang nghiêm, ngưỡng mong đại chúng tưởng niệm).” Đặc biệt, tại Nhật Bản, ngôi chùa sở thuộc nhà Đàn Việt được gọi là Đàn Na Tự (檀那寺, Danna-dera) hay Đán Na Tự (旦那寺, Danna-dera); hay còn có nghĩa là ngôi chùa ban pháp cho bản thân mình, hoặc là ngôi chùa do mình cúng dường và duy trì. Từ này xuất hiện trong khoảng thời gian niên hiệu Khoan Vĩnh (寛永, 1624-1644), khi tiến hành đàn áp Thiên Chúa Giáo. Đàn Na Tự còn gọi với tên khác là Bồ Đề Tự (菩提寺), Hương Hoa Viện (香華院).
(和羅飯): từ gọi tắt của Bát Hòa La Phạn (缽和羅飯). Bát Hòa La (缽和羅、鉢和羅、盋和羅) là âm dịch của từ Phạn ngữ pravāraṇā (s.) và pavāraṇā (p.); còn có một số âm dịch khác như Bát Lợi Bà Thích Noa (鉢利婆刺拏), Bát Hòa Lan (缽和蘭、鉢和蘭); ý dịch là đầy đủ, vui vẻ, việc tùy ý, tùy theo ý của người khác mà tự thân mình nêu ra những sai phạm, Tự Tứ (自恣). Theo Sa Môn Huyền Ứng (玄應, ?-?), nhân vật sống dưới thời nhà Đường, đệ tử của Huyền Trang (玄奘, 602-664), tu sĩ của Đại Tổng Trì Tự (大總持寺) ở Trường An (長安), người biên soạn bộ Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (一切經音義, 25 quyển), giải thích rằng sau An Cư là ngày Tự Tứ, tức nhằm vào Rằm tháng 7 (tại Việt Nam thường tổ chức vào ngày 16). Ngày này, món ăn cúng dường Tam Bảo được gọi là Hòa La Phạn, tức là món ăn Tự Tứ. Trong Vu Lan Bồn Kinh Tân Sớ (盂蘭盆經新疏, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 21, No. 377) giải thích rõ rằng: “Thọ Bát Hòa La Phạn giả, lân mẫn thí chủ, vô trước vô tham, mỹ thực ố thực, bất sanh tăng giảm, cố danh nhất tâm (受缽和羅飯者、憐愍施主、無著無貪、美食惡食、不生增減、故名一心, người thọ nhận cơm Tự Tứ, phải biết thương xót thí chủ, không chấp trước không tham lam, thức ăn ngon hay thức ăn dở, không sinh cũng không giảm, nên gọi là nhất tâm).” Trong Tông Môn Niêm Cổ Vị Tập (宗門拈古彙集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 66, No. 1296 q.37) quyển 37 có câu: “Trai thời nhất Bát Hòa La Phạn, Thiền đạo thị phi tổng bất tri (齋時一缽和羅飯、禪道是非總不知, khi ăn một bát cơm Tự Tứ, Thiền đạo đúng sai thảy không hay).” Hay trong bài Nữ Tử Xuất Định (女子出定) của Vô Dị Nguyên Lai Thiền Sư Quảng Lục (無異元來禪師廣錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 72, No. 1435) quyển 11 có đoạn: “Xuất định mạn vân đàn chỉ gian, không lao thần lực bất tương quan, nhi kim quán khiết Hòa La Phạn, nhất nhật tam xan bão tiện nhàn (出定謾云彈指間、空勞神力不相關、而今慣喫和羅飯、一日三餐飽便閒, xuất định dối cho [trong khoảng] khảy móng tay, nhọc gì thần lực liên quan đây, như nay quen ăn cơm Tự Tứ, ba bữa một ngày no ngũ say).”
(玄透卽中, Gentō Sokuchū, 1729-1807): vị tăng của Tào Động Tông Nhật Bản, sống vào khoảng giữa và cuối thời kỳ Giang Hộ, vị Tổ đời thứ 50 của Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji), húy là Tức Trung (卽中), đạo hiệu Huyền Thấu (玄透), thụy hiệu là Động Tông Hoành Chấn Thiền Sư (洞宗宏振禪師); xuất thân vùng Danh Cổ Ốc (名古屋, Nagoya), Vĩ Trương (尾張, Owari, thuộc Aichi-ken [愛知縣]); họ Kim Tỉnh (今井, Imai). Sau khi xuất gia, ông kế thừa dòng pháp của Quan Khánh (官慶) ở Thanh Lương Tự (清涼寺) vùng Cận Giang (近江, Ōmi). Ông từng sống qua các chùa như Thiện Ứng Tự (善應寺) ở Mỹ Nùng (美濃, Mino), Long Ẩn Tự (龍隱寺) ở Võ Tàng (武藏, Musashi, thuộc Saitama-ken [埼玉縣]); rồi đến năm 1795 thì làm Trú Trì đời thứ 50 của Vĩnh Bình Tự. Ông là người tận lực làm giảng hòa cuộc đối lập giữa Vĩnh Bình Tự với Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji), cho đối chiếu Vĩnh Bình Thanh Quy (永平清規) với Hoàng Bá Thanh Quy (黃檗清規) và tiến hành phục hưng nếp phong xưa. Chính ông đã từng tập trung tái hưng già lam và trở thành vị Tổ thời Trung Hưng của chùa. Pháp từ của ông có Đại Khí Thạch Đỉnh (大器石鼎), Huệ Môn Thiền Trí (慧門禪智). Trước tác của ông có Vĩnh Bình Tiểu Thanh Quy (永平小清規) 3 quyển, Tổ Quy Phục Cổ Tạp Cảo (祖規復古雜稿) 1 quyển, Không Hoa Am Lục (空華庵錄) 1 quyển, Huyền Thấu Thiền Sư Ngữ Lục (玄透禪師語錄) 8 quyển, v.v.
(立川寺, Ryūsen-ji) hay Lập Sơn Tự (立山寺, Ryūsen-ji): ngôi chùa của Tông Tào Động, hiêu núi là Nhãn Mục Sơn (眼目山), hiện tọa lạc tại Kamiichi-machi (上市町), Nakaniikawa-gun (中新川郡), Toyama-ken (富山縣). Chùa do Đại Triệt Tông Lịnh (大徹宗令), đệ tử của Nga Sơn Thiệu Thạc (峨山紹碩), sáng kiến nên vào trong khoảng niên hiệu Kiến Đức (建德, 1370-1372). Do sự thị hiện của chư Phật ở Lập Sơn nên chùa mới lấy tên này. Trong khoảng thời gian niên hiệu Ứng Vĩnh (應永, 1394-1428), vị Thành Chủ vùng này là Thổ Phì Di Thái Lang (土肥彌太郎) quy y theo chùa, nên ông phát tâm cúng dường đất đai cho chùa. Đương thời nơi đây cũng là ngôi chùa chính của Tông Tào Động. Về sau, nhóm Thượng Sam Khiêm Tín (上杉謙信) loạn nhập vào vùng này, nên chùa gặp phải nạn binh hỏa cháy tan tành. Đến năm 1633, vị Tổ thời trung hưng của chùa là Áo Sơn Thị Việt (拗山是越) thể theo mệnh của Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) đến trú trì chùa này, rồi nỗ lực phục hưng chốn Thiền Lâm này, lập nên chánh điện tạm thời mà tu hành. Mãi đến thời Minh Trị thì chùa mới bắt đầu cải tu các ngôi đường vũ, và đến đầu niên hiệu Đại Chánh mới lạc thành. Ban đầu chùa lấy tên là Lập Sơn Tự, nhưng sau lại đổi thành Lập Xuyên Tự, và gần đây thì lấy lại tên cũ.
(峨山紹[韶]碩, Gasan Jōseki, 1276-1366): vị Tăng của Tào Động Tông Nhật Bản, hiệu là Nga Sơn (峨山), người Quận Vũ Trách (羽咋郡), Năng Đăng (能登, Noto, thuộc Ishikawa-ken [石川縣]), họ là Nguyên (源). Năm lên 11 tuổi, ông đến tu tại ngôi chùa trong làng, rồi năm lên 16 tuổi thì lên Tỷ Duệ Sơn xuất gia và học tông yếu của Thiên Thai. Đến năm 1297, khi Oánh Sơn (瑩山) đi hành hóa ở kinh đô Kyoto, ông đến tham vấn Thiền chỉ nơi vị này. Vào mùa xuân năm 1299, ông chính thức tham vấn Oánh Sơn cũng như Triệt Thông (徹通) ở Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji). Đến năm 1306, lúc 32 tuổi, ông đại ngộ. Sau đó, ông đi tham bái khắp chốn tòng lâm, rồi đến năm 1321 thì trở về lại cố hương Năng Đăng của mình. Vào năm 1324, ông đến trú ở Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji), rồi đến năm 1340 thì chuyển đến sống ở Vĩnh Quang Tự (永光寺). Đến cuối đời, ông nhường chức trú trì lại cho Thái Nguyên Tông Chơn (太源宗眞), khai sáng ra Dưỡng Thọ Viện (養壽院) và lui về ẩn cư. Vào ngày 20 tháng 10 năm thứ 5 (1366) niên hiệu Trinh Trị (貞治), ông thị tịch, hưởng thọ 91 tuổi. Ông được ban cho thụy hiệu là Đại Hiện Tông Dụ Quốc Sư (大現宗猷國師). Đệ tử của ông có Thái Nguyên Tông Chơn, Thông Huyễn Tịch Linh (通幻寂靈), Vô Đoan Tổ Hoàn (無端祖環), Đại Triệt Tông Lịnh (大徹宗令), Thật Phong Lương Tú (實峰良秀), được gọi là Nga Sơn Ngũ Triết (峨山五哲).
(瑩山紹瑾, Keizan Shōkin, 1268-1325): vị Thái Tổ của Tào Động Tông Nhật Bản, cháu đời thứ 4 của Cao Tổ Đạo Nguyên (道元), hiệu là Oánh Sơn (瑩山). Ông sinh ra vào ngày mồng 8 tháng 10 năm 1268 nơi Quan Âm Đường ở vùng Việt Tiền (越前, Echizen, thuộc Fukui-ken [福井縣]), tên lúc nhỏ là Hạnh Sanh (行生). Mẹ ông được cảm hóa nhờ đức tin vào Quan Âm Bồ Tát. Năm lên 8 tuổi, ông lên Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji) ở Việt Tiền, tham vấn Triệt Thông Nghĩa Giới (徹通義介). Đến năm 13 tuổi, ông đắc độ thọ giới với Cô Vân Hoài Trang (孤雲懷奘), vị Tổ đời thứ 2 của chùa này. Vào ngày 24 tháng 8 năm 1280, khi Hoài Trang qua đời thì ông theo hầu Nghĩa Giới và chuyên tâm tu hành tọa Thiền. Đến năm lên 18 tuổi, ông phát nguyện đi hành cước khắp các tiểu quốc, và đến tham vấn Tịch Viên (寂圓) ở Bảo Khánh Tự (寶慶寺). Tiếp theo, ông lên kinh đô Kyoto, học về Thiền phong mang tính Mật Giáo của Phái Thánh Nhất (聖一派) thuộc Lâm Tế Tông với Đông Sơn Trạm Chiếu (東山湛照), Bạch Vân Huệ Kiểu (白雲慧皎); thêm vào đó ông còn tiếp xúc với giáo học Thiên Thai trên Tỷ Duệ Sơn. Kế đến ông đến tham học với Vô Bổn Giác Tâm (無本覺心) ở Hưng Quốc Tự (興國寺) thuộc vùng Kỷ Y (紀伊, Kii, thuộc Wakayama-ken [和歌山縣] ngày nay), và sau đó ông lại đến tham yết Tịch Viên ở Bảo Khánh Tự lần nữa. Năm lên 22 tuổi, ông phản tỉnh khi đọc được câu kệ trong Phẩm Pháp Sư Công Đức (法師功德) của Kinh Pháp Hoa rằng “phụ mẫu sở sanh nhãn tất kiến tam thiên giới (父母所生眼悉見三千界, con mắt do cha mẹ mình sanh ra tất thấy được ba ngàn thế giới)”, rồi đến năm 25 tuổi thì ông phát thệ nguyện rộng lớn. Năm lên 28 tuổi, ông được cung thỉnh đến làm Tổ khai sơn ngôi Thành Mãn Tự (城滿寺) của dòng họ Phú Kiên (富樫) ở vùng A Ba (阿波, Awa, thuộc Tokushima-ken [德島縣]). Năm sau, lúc 29 tuổi, ông lên Vĩnh Bình Tự, sao chép tập Phật Tổ Chánh Truyền Bồ Tát Giới Tác Pháp (佛祖正傳菩薩戒作法), rồi được vị trú trì chùa này là Nghĩa Diễn (義演) trao truyền Bồ Tát Giới cho. Cũng vào mùa đông năm này, lần đầu tiên ông khai đường thuyết pháp ở Thành Mãn Tự, và truyền trao giới pháp cho nhóm 5 người Nhãn Khả Thiết Kính (眼可鐵鏡). Sau đó, ông đến tham yết Hàn Nham Nghĩa Duẫn (寒巖義尹) ở Đại Từ Tự (大慈寺, Daiji-ji) thuộc vùng Phì Hậu (肥後, Higo, thuộc Kumamoto-ken [熊本縣]), rồi đến kết thảo am ở gần nơi Đông Cung Ngự Sở tại Kyoto, và tương truyền tại đây ông hội ngộ với Nga Sơn Thiệu Thạc (峨山紹碩). Cho đến năm 31 tuổi, ông khai mở giới pháp ở Thành Mãn Tự, độ cho hơn 70 người, và tận lực trong việc giáo hóa dân chúng. Đến năm 32 tuổi, ông kế thừa dòng pháp của Nghĩa Giới, được trao truyền pháp y, làm vị Thủ Tọa đầu tiên của Đại Thừa Tự, và đến năm 35 tuổi thì làm vị Tổ đời thứ 2 của chùa này. Từ ngày 11 tháng giêng năm 1300, ông bắt đầu khai thị bộ Phật Quang Lục (佛光錄). Rồi vào tháng 8 cũng như tháng 11 năm 1306, trải qua hai lần ông được Nghĩa Giới trao truyền cho bí pháp. Cho đến năm 1311, ông chuyên tâm vào việc bổ sung quy cũ ở Đại Thừa Tự, tiếp độ đồ chúng, và trước tác Tọa Thiền Dụng Tâm Ký (坐禪用心記), Tam Căn Tọa Thiền Thuyết (三根坐禪說), Tín Tâm Minh Niêm Đề (信心銘拈提), v.v. Hơn nữa, ông còn khai sáng Tịnh Trú Tự (淨住寺) ở vùng Gia Hạ (加賀, Kaga). Rồi vào năm 1317, ông còn sáng lập ra Vĩnh Quang Tự (永光寺) ở Động Cốc Sơn (洞谷山). Sau đó thể theo lời thỉnh cầu của vị quan Địa Đầu vùng Vũ Trách (羽咋, Hakui) ở Năng Đăng (能登, Noto), ông đến khai sơn Quang Hiếu Tự (光孝寺). Kế đến ông lại khai sáng thêm Phóng Sanh Tự (放生寺) ở vùng Năng Đăng này. Chính trong khoảng thời gian này, thanh danh của Oánh Sơn rất nổi bật, nên được Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng (後醍醐天皇) ban sắc phong cho. Năm sau, nhờ sự cúng dường của đàn na thí chủ, ông xây dựng Điện Phật, rồi Khai Sơn Đường, Pháp Đường, và chỉnh trang toàn bộ ngôi già lam Vĩnh Quang Tự. Từ đó, vào năm đầu niên hiệu Nguyên Hanh (元亨), ông cảm ứng điềm báo mộng khai đường Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji), rồi thể theo lời thỉnh cầu của vị Viện Chủ Chư Nhạc Tự (諸嶽寺) thuộc Chơn Ngôn Luật Tông (có thuyết cho là Thiên Thai Tông) ở Quận Phụng Khí Chí (鳳氣至郡), Năng Đăng, ông đến vùng đất này, và vào ngày mồng 8 tháng 6 cùng năm, ông khai sáng ra Tổng Trì Tự tại đây. Đến ngày 22 tháng 7 thì được cúng dường đất đai của chùa, rồi đến ngày 14 tháng 9 thì nhận được sắc phong chùa, và vào ngày 28 tháng 8 năm sau thì được công nhận là ngôi chùa của Tào Động Tông. Đây là ngôi chùa trung tâm thứ hai của phái Tào Động Nhật Bản. Sau đó, chùa được dòng họ Trường Cốc Bộ (長谷部) chuyên tâm ủng hộ. Vào ngày mòng 8 tháng 8 năm 1325, ông cử Minh Phong Tố Triết (明峯素哲) làm chức Tăng Lục 8 ngôi chùa gồm Vĩnh Quang Tự (永光寺), Viên Thông Viện (圓通院), Quang Hiếu Tự (光孝寺), Tổng Trì Tự (總持寺), Bảo Ứng Tự (寶應寺), Phóng Sanh Tự (放生寺), Đại Thừa Tự (大乘寺); rồi nhường ngôi Tọa Chủ cho vị này và lui về ẩn cư. Đến nữa đêm ngày 15 tháng 8, ông thuyết pháp lần cuối cùng, để lại di kệ và thị tịch, hưởng thọ 58 tuổi đời (có thuyết cho là 62 tuổi). Xá lợi của ông được phân phối ra tôn trí tại 4 ngôi chùa Đại Thừa Tự, Vĩnh Quang Tự, Tịnh Trú Tự và Tổng Trì Tự. Môn nhân đắc độ của ông ngoài Minh Phong Tố Triết (明峰素哲), Vô Nhai Trí Hồng (無涯智洪), Nga Sơn Thiệu Thạc (峨山紹碩), Hồ Am Chí Giản (壺庵至簡), còn có Cô Phong Giác Minh (孤峰覺明), Trân Sơn Nguyên Chiếu (珍山源照) là những nhân vật xuất chúng. Đệ tử Ni của ông có Mặc Phổ Tổ Nhẫn (默譜祖忍), Nhẫn Giới (忍戒), Kim Đăng Huệ Cầu (金燈惠球), Minh Chiếu (明照), v.v. Hậu Thôn Thượng Thiên Hoàng (後村上天皇) ban tặng cho ông thụy hiệu là Phật Từ Thiền Sư (佛慈禪師); Hậu Đào Viên Thiên Hoàng (後桃園天皇) thì ban thụy hiệu là Hoằng Đức Viên Minh Quốc Sư (弘德圓明國師), và Minh Trị Thiên Hoàng (明治天皇) là Thường Tế Đại Sư (常濟大師). Trước tác của ông để lại có Truyền Quang Lục (傳光錄) 2 quyển, Oánh Sơn Hòa Thượng Thanh Quy (瑩山和尚清規) 2 quyển, Tọa Thiền Dụng Tâm Ký (坐禪用心記) 1 quyển, Tam Căn Tọa Thiền Thuyết (三根坐禪説) 1 quyển, v.v.
(梵宇): hay Phạm cung (梵宮), Phạm sát (梵刹), nghĩa là chùa, tự viện Phật Giáo. Phạm hay Phạn (s: brahman, 梵) nghĩa là tịch tĩnh, thanh tịnh, ly dục; cho nên nơi tịch tĩnh dành cho các vị xuất gia tu hành thanh tịnh, ly dục, được gọi là Phạm vũ, Phạm cung hay Phạm sát. Tống Chi Vấn (宋之問, khoảng 656-712) nhà Đường có làm bài Đăng Thiền Định Tự Các (登禪定寺閣, có tên khác là Đăng Tổng Trì Tự Các [登總持寺閣]) rằng: “Phạm vũ xuất tam thiên, đăng lâm vọng bát xuyên, khai khâm tọa tiêu hán, huy thủ phất vân yên, hàm cốc thanh sơn ngoại, hỗn trì lạc nhật biên, đông kinh dương liễu mạch, thiếu biệt dĩ kinh niên (梵宇出三天、登臨望八川、開襟坐霄漢、揮手拂雲煙、函谷青山外、昆池落日邊、東京楊柳陌、少別已經年, chùa cổ vút trời xanh, lên lầu ngắm núi sông, vén áo ngồi trời rộng, khua tay vẫy mây vờn, khe thẳm núi xanh vắng, hồ trăng trời lặn buông, kinh đô dương liễu rũ, xa cách đã mấy năm).” Hay như trong Pháp Bảo Đàn Kinh (法寳壇經), Phẩm Cơ Duyên (機緣品) có đoạn: “Thời Bảo Lâm Cổ Tự, tự tùy mạt binh hỏa, dĩ phế, toại ư cố cơ trùng kiến Phạm vũ (時寶林古寺、自隋末兵火、已廢、遂於故基重建梵宇, ngôi chùa cổ Bảo Lâm đương thời, bị nạn binh hỏa cháy rụi từ cuối thời nhà Tùy, nay đã hoang phế, bèn trùng kiến ngôi chùa mới trên nền cũ).” Trong bài Vịnh Hà Trung Tự Thi (詠河中寺詩) của cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (海外紀事) do Tổ Thạch Liêm (石濂, 1633-1702, tức Thích Đại Sán [釋大汕]) sáng tác lại có đoạn: “Lục liễu thùy thùy ẩn Phạm cung, chung thanh điều đệ mãn hà phong (綠柳垂垂隱梵宮、鐘聲迢遞滿河風, nép bóng chùa xưa liễu xanh non, tiếng chuông xa vẳng theo gió sông)”; hay tả cảnh Chùa Linh Mụ (靈姥寺) ở cố đô Huế như “Phạm vương cung khuyết Nguyễn vương khai, ngọc điện châu môn sanh lục đài (梵王宮闕阮王開、玉殿朱門生綠苔, chùa xưa cung gác chúa Nguyễn khai, điện ngọc lầu son phủ rêu dài)”. Ngay tại cổng sơn môn của Đài Đồng Tự (壹同寺), Phố Tân Trúc (新竹市), Đài Loan (臺灣) có hai câu đối như sau: “Sơn khai giác lộ liên hoa xán, môn ánh kinh lâu Phạm vũ tân (山開覺路蓮花燦、門映經樓梵宇新, núi khai nẻo giác hoa sen rực, cửa rạng lầu kinh mới cảnh chùa).” Trong Tây Sương Ký (西廂記) cũng có câu rằng: “Sinh rằng quán khách lạ lùng, trộm nghe đây lối Phạm cung cảnh mầu.”
(曹洞宗, Sōtō-shū): một trong Ngũ Gia Thất Tông (五家七宗) của Trung Quốc, một trong ba tông phái lớn của Thiền Tông Nhật Bản. Về nguồn gốc của tên gọi tông phái có hai thuyết. Thuyết thứ nhất là lấy chữ Động (洞) của Động Sơn Lương Giới (洞山良价) và chữ Tào (曹) của Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂), rồi đảo ngược vị trí để gọi là Tào Động Tông (曹洞宗). Thuyết thứ hai là kết hợp chữ Tào (曹) của Tào Khê Huệ Năng (曹溪慧能) với chữ Động (洞) của Động Sơn Lương Giới (洞山良价) để hình thành nên tên gọi như vậy. Thuyết đầu phát xuất từ Trung Quốc và thuyết sau được hình thành ở Nhật Bản. Tào Động Tông Trung Quốc kế thừa Nam Tông Thiền của Lục Tổ Huệ Năng (六祖慧能), từ thời vị này trở đi có xuất hiện Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思), Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷), Dược Sơn Duy Nghiễm (藥山惟儼), Vân Nham Đàm Thịnh (雲巖曇晟), lấy Động Sơn Lương Giới (洞山良价)—đệ tử của Vân Nham—và Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂)—đệ tử của Động Sơn—làm vị tổ của tông phái. Như được đánh giá là “Tào Động tế mật (曹洞細密)”, tông phong của họ có đặc sắc là tông phong chặt chẽ, lấy tư tưởng Ngũ Vị (五位) do Động Sơn và Tào Sơn đề xướng làm trung tâm để triển khai. Tuy nhiên, pháp hệ của Tào Sơn không được lưu truyền lâu dài; sau đó hệ thống của Vân Cư Đạo Ưng (雲居道膺)—pháp từ của Động Sơn—trở thành đại biểu cho Tào Động Tông. Đến thời nhà Tống, môn hạ thuộc dòng phái của Vân Cư xuất hiện Đơn Hà Tử Thuần (丹霞子淳); kế đến pháp từ của ông có Chơn Hiết Thanh Liễu (眞歇清了) và Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺), từ đó Tào Động Tông phân chia thành Phái Chơn Hiết (眞歇派) và Phái Hoằng Trí (宏智派). Đối lập với Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) của Lâm Tế Tông (臨濟宗) vốn cổ xúy Khán Thoại Thiền (看話禪), Chơn Hiết cũng như Hoằng Trí rất nổi tiếng là những người tuyên xướng Thiền phong của Mặc Chiếu Thiền (默照禪). Cả hai Phái Chơn Hiết và Phái Hoằng Trí này đều được truyền vào Nhật Bản. Thiên Đồng Như Tịnh (天童如淨) là pháp tôn đời thứ 4 của Chơn Hiết. Chính Đạo Nguyên (道元) là người kế thừa dòng pháp của vị này. Nhờ Đông Minh Huệ Nhật (東明慧日) sang Nhật vào năm thứ 2 (1309) niên hiệu Diên Khánh (延慶) và Đông Lăng Vĩnh Dư (東陵永璵) đến Nhật vào năm thứ 2 (1351) niên hiệu Quán Ứng (觀應), Tào Động Tông thuộc Phái Hoằng Trí được truyền vào nước này. Sau khi sang Nhật, Đông Minh đến trú tại Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji) ở Liêm Thương (鎌倉, Kamakura); Đông Lăng thì trú một số chùa tại Thiên Long Tự (天龍寺, Tenryū-ji), Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji), Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji), Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji), v.v. Cả hai đều nương gá vào các tự viện của Lâm Tế Tông để cử xướng Thiền phong Phái Hoằng Trí thuộc Tào Động Tông; thế nhưng pháp hệ của họ không được truyền thừa lâu dài. Tuy nhiên, khi thời đại thay đổi, là một dòng phái của Tào Động Tông, Phái Thọ Xương (壽昌派) vốn tôn thờ Vô Minh Huệ Kinh (無明慧經) nhà Minh làm vị khai tổ được Tâm Việt Hưng Trù (心越興儔) đời thứ 5 truyền vào Nhật Bản vào năm thứ 5 (1677) niên hiệu Diên Bảo (延寶); song không bao lâu sau phái này cũng tuyệt dứt. Chính vì lẽ đó, Phái Đạo Nguyên trở thành đại biểu cho Tào Động Tông Nhật Bản. Tại Trung Quốc, pháp hệ của Như Tịnh về sau cũng lụi tàn, đến thời nhà Minh và Nguyên thì Tào Động Tông của phái Phù Dung Đạo Giai (芙蓉道楷) cố gắng phô trương tàn lực cuối cùng, cho đến khi Lâm Tế Tông hưng thịnh thì tông phái này không còn nữa. Đạo Nguyên kế thừa dòng pháp của Thiên Đồng Như Tịnh, sau khi trở về nước ông tạm thời lưu trú tại Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji), đến năm đầu (1233) niên hiệu Thiên Phước (天福) thì khai sáng Hưng Thánh Tự (興聖寺, Kōshō-ji) ở vùng Thâm Thảo (深草, Fukakusa), có sự tham gia của một số người xuất thân Đạt Ma Tông như Cô Vân Hoài Trang (孤雲懷奘) và hình thành nên giáo đoàn Hưng Thánh Tự. Tuy nhiên, 10 năm sau, vào tháng 7 năm đầu (1243) niên hiệu Khoan Nguyên (寬元), Đạo Nguyên chuyển lên sống ở địa phương Việt Tiền (越前, Echizen), sáng lập Đại Phật Tự (大佛寺, Daibutsu-ji), sau đổi tên thành Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji) và hình thành giáo đoàn Vĩnh Bình Tự. Song vì Đạo Nguyên rất kiêng kỵ trong việc gọi tông chỉ của mình là Tào Động Tông hay Thiền Tông; cho nên giáo đoàn này được gọi là Chánh Pháp Tông (正法宗) hay Đạo Nguyên Tông (道元宗). Trải qua vị tổ đời thứ 2 của Vĩnh Bình Tự là Cô Vân Hoài Trang (孤雲懷奘), thứ 3 Triệt Thông Nghĩa Giới (徹通義介), cho đến pháp từ của Nghĩa Giới là Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾), để tiếp nối mạng mạch của Tào Động Tông Trung Quốc, Đạo Nguyên đã được tôn xưng với vị trí là tổ khai sáng Tào Động Tông Nhật Bản. Cùng lúc đó, chủ nghĩa xuất gia của Đạo Nguyên được Oánh Sơn đề cao với kỳ vọng đưa vào cuộc đời. Lúc còn trẻ, Oánh Sơn đã theo xuất gia với Nghĩa Giới (義介) trên Vĩnh Bình Tự, rồi kế thừa trú trì Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji) vùng Gia Hạ (加賀, Kaga), tiếp theo ông khai sáng Vĩnh Quang Tự (永光寺, Eikō-ji), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji), v.v., ở Năng Đăng (能登, Noto) và nỗ lực cử xướng tông phong của mình. Dưới trướng của Oánh Sơn xuất hiện hai nhân vật xuất chúng là Minh Phong Tố Triết (明峯素哲) và Nga Sơn Thiều Thạc (峨山韶碩). Minh Phong thì kế thừa Vĩnh Quang Tự, còn Nga Sơn thì kế thế Tổng Trì Tự. Bên cạnh đó, môn hạ của Nga Sơn còn có 25 nhân vật tuấn tú, làm cho uy thế của Tào Động Tông được lan rộng khắp toàn quốc. Mặt khác, sau vị tổ đời thứ 3 là Nghĩa Giới, Vĩnh Bình Tự có Nghĩa Diễn (義演)—đệ tử của Hoài Trang lên kế thừa và sau đó thì bị hoang phế; nhưng nhờ có Nghĩa Vân (義雲)—vị tăng nhà Tống sang Nhật vì mến mộ đạo phong của Đạo Nguyên và là đệ tử của Tịch Viên (寂圓), tổ khai sơn Bảo Khánh Tự (寶慶寺, Hōkei-ji)—xuất hiện, tiến hành phục hưng ngôi già lam và làm cho tông phong thịnh vượng. Vì thế, Nghĩa Vân được gọi là vị tổ trung hưng của Vĩnh Bình Tự. Từ đó về sau, ngôi tổ đình này được hộ trì bởi Phái Tịch Viên (寂圓派) cho đến vị tổ đời thứ 37 là Thạch Ngưu Thiên Lương (石牛天梁). Tào Động Tông thời Trung Đại phát triển với trung tâm của giáo đoàn Tổng Trì Tự. Ngoài ra, Vĩnh Bình Tự, Đại Từ Tự (大慈寺, Daiji-ji) ở vùng Phì Hậu (肥後, Higo) do Hàn Nham Nghĩa Duẫn (寒巖義尹) khai sơn, Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji) vùng Gia Hạ (加賀, Kaga) do Nghĩa Giới (義介) khai sáng, Vĩnh Quang Tự (永光寺, Eikō-ji) ở Năng Đăng (能登, Noto) do Oánh Sơn sáng lập, Chánh Pháp Tự (正法寺, Shōbō-ji) ở Lục Áo (陸奥, Mutsu) do Vô Để Lương Thiều (無底良韶)—đệ tử của Nga Sơn—khai sơn, v.v., đã trở thành những ngôi chùa Bản Sơn (chùa tổ) của mỗi dòng phái, mở rộng giáo tuyến của họ khắp toàn quốc. Theo điều tra trong khoảng niên hiệu Diên Hưởng (延享, 1744-1748), cho biết rằng tổng số tự viện Tào Động Tông trên toàn quốc là 17.549 ngôi. Tào Động Tông thời Cận Đại phối hợp các tự viện trên toàn quốc trực thuộc vào Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự dưới chế độ quản lý tự viện của chính quyền Mạc Phủ để xác lập mối quan hệ chùa tổ chùa con mang tính phục tùng. Các tự viện của Tào Động Tông trên toàn quốc được chia đều theo từng tiểu quốc, mỗi nơi đều có cơ sở quản lý chung như ba ngôi danh sát Tổng Ninh Tự (總寧寺, Sōnei-ji) ở vùng Hạ Tổng (下總, Shimōsa), Long Ổn Tự (龍穩寺, Ryūon-ji) ở Võ Tàng (武藏, Musashi), Đại Trung Tự (大中寺, Daichū-ji) ở Hạ Dã (下野, Shimotsuke). Tào Động Tông đã trải qua một lịch sử đấu tranh cam go làm thế nào để thoát xác khỏi thể chế phong kiến dưới thời đại Giang Hộ (江戸, Edo) và làm sao để đưa ra một thể chế giáo cho phù hợp với thời đại mới. Việc biên soạn bộ Tu Chứng Nghĩa (修証義) được công bố vào năm thứ 23 (1890) niên hiệu Minh Trị (明治, Meiji) như là tiêu chuẩn để làm an tâm cho tăng lẫn tục, đã nói lên cuộc tranh đấu này. Tào Động Tông ngày nay kính ngưỡng hai vị tổ: Đạo Nguyên là Cao Tổ và Oánh Sơn là Thái Tổ, tôn sùng cả Vĩnh Bình Tự lẫn Tổng Trì Tự như là hai ngôi Đại Bản Sơn (大本山, Daihonzan, ngôi chùa tổ lớn) và hình thành nên tông phái lớn nhất của Phật Giáo Nhật Bản với số lượng tự viện trên 14.000 ngôi. Theo thống kê của Bộ Văn Hóa (1998), hiện tại Tào Động Tông có 14.699 ngôi chùa và 1.579.301 tín đồ. Một số dòng phái khác (theo thứ tự tên dòng phái, ngôi chùa trung tâm) của Tông này là: (1) Phái Oánh Sơn (瑩山派, Keizan-ha), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) và Vĩnh Quang Tự (永光寺, Yōkō-ji); (2) Phái Minh Phong (明峯派, Meihō-ha), Vĩnh Quang Tự (永光寺, Yōkō-ji); (3) Phái Nga Sơn (峨山派, Gasan-ha), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji); (4) Phái Thái Nguyên (太源派, Taigen-ha), Phật Đà Tự (佛陀寺, Budda-ji); (5) Phái Thông Huyễn (通幻派, Tsūgen-ha), Vĩnh Trạch Tự (永澤寺, Yōtaku-ji); (6) Phái Hàn Nham (寒巖派, Kangan-ha), Đại Từ Tự (大慈寺, Daiji-ji); và (7) Phái Tâm Việt (心越派, Shinetsu-ha), Kỳ Viên Tự (祇園寺, Gion-ji). Ngoài Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự là hai ngôi chùa bản sơn trung tâm của tông phái cũng như các ngôi chùa đã nêu trên, còn có nhiều ngôi tự viện nổi tiếng khác được xem như Chuyên Môn Tăng Đường như: Chánh Pháp Tự (正法寺, Shōhō-ji, Iwate-ken [岩手縣]); Trường Cốc Tự (長谷寺, Chōkoku-ji, Tōkyō-to [東京都]); Tối Thừa Tự (最乘寺, Saijō-ji, Kanagawa-ken [神奈川縣]), Trường Quốc Tự (長國寺, Chōkoku-ji, Nagano-ken [長野縣]), Diệu Nham Tự (妙巖寺, Myōgon-ji, Aichi-ken [愛知縣]), Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji, Ishikawa-ken [石川縣]), Ngự Đản Sanh Tự (御誕生寺, Gotanjō-ji, Fukui-ken [福井縣]), Hưng Thánh Tự (興聖寺, Kōshō-ji, Kyōto-fu [京都府]), Động Tùng Tự (洞松寺, Tōshō-ji, Okayama-ken [岡山縣]), Tuyền Nhạc Tự (泉岳寺, Sengaku-ji, Tōkyō-to), Cao Nham Tự (高岩寺, Kōgan-ji, Tōkyō-to), Thanh Tùng Tự (青松寺, Seishō-ji, Tōkyō-to), Tu Thiền Tự (修禪寺, Shuzen-ji, [靜岡縣]), Đại Thuyền Quán Âm Tự (大船觀音寺, Ōfunakannon-ji, Kanagawa-ken), v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.218.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập