Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Thanh Liên »»
(寳林傳, Hōrinden): nguyên bản là Đại Đường Thiều Châu Song Phong Sơn Tào Hầu Khê Bảo Lâm Truyện (大唐韶州雙峰山曹候溪寳林傳, Daitōshōshūsōhōzansōkōkeihōrinden), tất cả gồm 10 quyển, nhưng bản hiện hành thì khuyết mất quyển 7, 9 và 10, còn quyển 2 thì có bổ sung thêm Thánh Trụ Tập (聖胄集), do Chu Lăng Sa Môn Trí Cự (朱陵沙門智炬, hay Huệ Cự [慧炬]) biên, được thành lập vào năm thứ 17 (801) niên hiệu Trinh Nguyên (貞元). Thư tịch này tương truyền từ xưa đã được Viên Nhân (圓仁, Ennin, 794-864, vị tăng của Thiên Thai Tông Nhật Bản) mang từ bên Trung Quốc về Nhật. Nó được lưu truyền rộng rãi dưới thời nhà Đường, nhưng khi Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄) và Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記) được thành lập và đưa vào Đại Tạng thì nó mất đi ý nghĩa lịch sử và về sau thì tán thất luôn. Bản hiện lưu hành là bản kết hợp của hai bản: bản sở thâu trong Đại Tạng Kinh mới được phát hiện gần đây (quyển 1~5) và Thanh Liên Viện Tàng Bản (quyển 6). Tác phẩm này nói về hệ phổ truyền pháp từ 28 vị tổ của Tây Thiên, qua 6 vị tổ ở Đông Độ cho đến Mã Tổ Đạo Nhất, Thạch Đầu Hy Thiên, và ghi lại đầy đủ lời nói cũng như việc làm của mỗi vị tổ sư. Đương nhiên, phần nhiều ký thuật ấy đều là hoang đường hư cấu, không phải là một sáng tác hoàn toàn, nhưng vì nó dựa trên cơ sở của các Đăng Sử đời sau như Thánh Trụ Tập (聖胄集), Tổ Đường Tập (祖堂集), Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄), Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記), v.v., cho nên các định thuyết về lịch sử Thiền Tông thì chiếm phần nhiều. Đặc biệt, Kệ Truyền Pháp để làm chứng phú pháp vốn bắt đầu trong Lục Tổ Đàn Kinh (六祖壇經), và điểm đáng chú ý nơi đây là tác phẩm này đã phóng lớn Kệ Truyền Pháp cho tất cả các tổ sư. Ảnh hưởng phản tác đối với thư tịch này rất lớn, và thông qua tác phẩm Tục Bảo Lâm Truyện (續寳林傳, đầu thế kỷ thứ 10), bản tục biên của Nam Nhạc Duy Kính (南嶽惟勁, ?-?), đệ tử của Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存), chúng ta có thể biết được điều đó.
(地藏菩薩本願經): còn gọi là Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh (地藏本願經), Địa Tạng Bổn Hạnh Kinh (地藏本行經), Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh (地藏本誓力經); gọi tắt là Địa Tạng Kinh (地藏經). Đây là kinh điển quan trọng tán dương nguyện lực cao cả, vĩ đại của Bồ Tát Địa Tạng (s: Kṣitigarbha, 地藏) như có đề cập trong kinh là: “Địa Ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề (地獄未空誓不成佛、眾生度盡方證菩提, Địa Ngục chưa hết thề không thành Phật, chúng sanh độ sạch mới chứng Bồ Đề).” Kinh được thâu lục vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (大正新脩大藏經, Taishō Vol. 13, No. 412). Do vì nguyên lưu của kinh không được rõ ràng, sau khi được thâu lục vào Đại Tạng Kinh dưới thời nhà Minh (明, 1368-1662), học giả Phật Giáo hoài nghi rằng có bộ phận của kinh không phải do được truyền nhập từ Ấn Độ vào, mà do chế tác tại Trung Quốc. Về dịch giả, phần đầu kinh có ghi là “Đường Vu Điền Quốc Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà dịch (唐于闐國三藏沙門實叉難陀譯, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà [s: Śikṣānanda, 529-645, tức Giới Hiền] của nước Vu Điền nhà Đường dịch).” Nhưng bản nhà Minh thì lại ghi là Pháp Đăng (法燈), Pháp Cự (法炬) dịch. Trên thực tế, dịch giả và niên đại dịch kinh này vẫn chưa xác định rõ. Như trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋敎錄, Taishō Vol. 55, No. 2154) do Trí Thăng (智昇) của Sùng Phước Tự (崇福寺) nhà Đường, cũng như Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục (貞元新定釋敎目錄, Taishō Vol. 55, No. 2157) do Sa Môn Viên Chiếu (圓照) ở Tây Minh Tự (西明寺), Tây Kinh (西京) biên soạn, cho biết rằng Thật Xoa Nan Đà dịch được 19 bộ kinh điển, nhưng lại không thấy đề cập đến bộ kinh Địa Tạng này. Đại Sư Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, 1535-1615) nhà Minh lại y cứ vào lời bạt đầu kinh mà cho là Thật Xoa Nan Đà dịch. Tuy nhiên, đại đa số các bản lưu thông thời nhà Minh lại ghi là do Pháp Đăng và Pháp Cự dịch. Trong khi đó, hai nhân vật này không rõ thuộc thời đại nào. Tại Việt Nam, bản thông dụng do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Việt dịch cũng căn cứ vào bản Hán dịch của Pháp Sư Pháp Đăng. Kinh này được đề cập đến đầu tiên trong Địa Tạng Bồ Tát Tượng Linh Nghiệm Ký (地藏菩薩像靈驗記, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 87, No. 1638), tác phẩm được thâu tập vào khoảng niên hiệu Đoan Củng (端拱, 988-989) nhà Bắc Tống, do Sa Môn Truyền Giáo Thường Cẩn (常謹) ghi lời tựa vào năm Kỷ Sửu (989) cùng niên hiệu trên. Bản này có trích dẫn nội dung của Phẩm Phân Thân Công Đức (分身功德品) và cho biết rằng Phạn bản của kinh được Sa Môn Trí Hựu (知祐) của Tây Ấn Độ mang đến Thanh Thái Tự (清泰寺), Trung Quốc vào khoảng niên hiệu Thiên Phước (天福, 936-948) của vua Cao Tổ Thạch Kính Đường (高祖石敬瑭, tại vị 936-942) nhà Hậu Tấn, thời Ngũ Đại. Thêm vào đó, tác phẩm Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục (三寶感應要略錄, Taishō Vol. 51, No. 2084) do Thích Phi Trọc (釋非濁) thâu lục, cũng có đề cập đến nội dung của Phẩm Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông (忉利天宮神通品), từ đó mới biết được rằng kinh này đã được lưu hành dưới thời Bắc Tống. Gần đây, tại Tây Hạ, người ta có phát hiện bản văn tiếng Tây Hạ của Địa Tạng Kinh Tàn Bản, và đây cũng là chứng cứ cho biết rằng trước thời nhà Tống, Kinh Địa Tạng đã được truyền vào Nhật Bản rồi. Về nội dung, kinh được hình thành bởi 13 phẩm chính:
(1) Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông Phẩm (忉利天宮神通品),
(2) Phân Thân Tập Hội Phẩm (分身集會品),
(3) Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên Phẩm (觀眾生業緣品),
(4) Diêm Phù Chúng Sanh Nghiệp Cảm Phẩm (閻浮眾生業感品),
(5) Địa Ngục Danh Hiệu Phẩm (地獄名號品),
(6) Như Lai Tán Thán Phẩm (如來讚歎品),
(7) Lợi Ích Tồn Vong Phẩm (利益存亡品),
(8) Diêm La Vương Chúng Tán Thán Phẩm (閻羅王眾讚歎品),
(9) Xưng Phật Danh Hiệu Phẩm (稱佛名號品),
(10) Giảo Lượng Bố Thí Công Đức Duyên Phẩm (校量布施功德緣品),
(11) Địa Thần Hộ Pháp Phẩm (地神護法品),
(12) Kiến Văn Lợi Ích Phẩm (見聞利益品) và
(13) Chúc Lụy Nhân Thiên Phẩm (囑累人天品).
Các bản chú giải liên quan đến kinh có Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Khoa Văn (地藏本願經科文, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 21, No. 382), 1 quyển, của Tần Khê Thanh Liên Đại Sư (秦谿青蓮大師); Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú (地藏本願經科註, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 21, No. 384), 6 quyển, của Thanh Liên Bí Sô Linh Thừa (青蓮苾芻靈乘) ở Cổ Diêm Khuông Am (古鹽匡菴); Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Luân Quán (地藏本願經綸貫, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 21, No. 383), 1 quyển, cũng do Thanh Liên Bí Sô Linh Thừa soạn, v.v. Đối với tín ngưỡng dân gian, Kinh Địa Tạng đóng vai trò quan trọng trong việc cầu siêu độ cho những vong linh thân nhân quá vãng. Cho nên, tại Việt Nam, vào dịp Lễ Vu Lan, Lễ Chung Thất Trai Tuần, lễ Húy Nhật, Đại Trai Đàn Chẩn Tế, v.v., kinh này được trì tụng rất phổ biến.
(蓮眼): mắt hoa sen, chỉ con mắt của chư Phật, Bồ Tát, một trong 32 tướng tốt của đức Phật, tức là mắt trong xanh (s: abhinīla-netta, 眞青眼) như hoa sen xanh (s: utpala, p: uppala, 青蓮, âm dịch là Ưu Bát La [優鉢羅], Thanh Liên). Các ngài thường có tâm từ bi, nhu hòa, lắng trong, thanh tịnh, nên con mắt của các ngài như hoa sen xanh. Vì vậy từ này thường dùng để chỉ cho Phật nhãn hay bản thân đức Phật. Trong Phẩm Phật Quốc (佛國品) của Duy Ma Kinh (s: Vimalakīrti-nideśa, 維摩經) có diễn tả về con mắt của chư Phật, Bồ Tát như sau: “Mục tịnh tu quảng như Thanh Liên, tâm tịnh dĩ độ chư Thiền định, cửu tích tịnh nghiệp xưng vô lượng, đạo chúng dĩ tịch cố khể thủ, kí kiến Đại Thánh dĩ thần biến, phổ hiện thập phương vô lượng độ (目淨脩廣如青蓮、心淨已度諸禪定、久積淨業稱無量、導眾以寂故稽首、旣見大聖以神變、普現十方無量國度, mắt sạch dài rộng như hoa sen xanh, tâm sạch chứng khắp các Thiền định, tích tập lâu vô lượng các tịnh nghiệp, dẫn dắt mọi loài giải thoát nên con cúi lạy, đã thấy Đại Thánh dùng thần biến, hiện khắp mười phương vô lượng cõi nước).” Trong Tánh Linh Tập (性靈集) quyển 8, Chiều Đề Tự Đát Sấn Văn (招提寺噠嚫文) có câu: “Nhĩ nãi vạn đức khai từ bi chi liên nhãn, nhất xa huy trí tuệ chi đao nhận (爾乃萬德開慈悲之蓮眼、一車揮智慧之刀刃, Người lấy vạn đức mở mắt sen từ bi, một xe rung lưỡi đao trí tuệ).” Trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 大方廣佛華嚴經, Taishō No. 293) quyển 25 lại có câu: “Phật khai quảng đại Thanh Liên nhãn, diệu tướng trang nghiêm công đức thân, nhân thiên cọng tán bất năng lường, thí nhược vạn lưu quy đại hải (佛開廣大青蓮眼、妙相莊嚴功德身、人天共讚不能量、譬若萬流歸大海, Phật mở mắt sen xanh rộng lớn, tướng mầu trang nghiêm công đức thân, trời người xưng tán không thể lường, giống như muôn dòng về biển cả).” Hay trong Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh (大乘入楞伽經, Taishō No. 672) quyển 7 cũng có câu: “Thế gian đọa nhị biên, chư kiến sở mê hoặc, duy nguyện Thanh Liên nhãn, thuyết chư địa thứ đệ (世間墮二邊、諸見所迷惑、惟願青蓮眼、說諸地次第, thế gian rơi hai bên, chỗ thấy bị mê hoặc, xin nguyện đấng mắt sen, nói cảnh giới giải thoát).”
(了實, Ryōjitsu, 1303-1386): vị tăng của Phái Bạch Kỳ (白旗派) thuộc Tịnh Độ Tông, sống vào khoảng giữa hai thời đại Liêm Thương và Nam Bắc Triều, húy Liễu Thật (了實), hiệu là Thạnh Liên Xã (盛蓮社), Thành A (成阿). Lúc trẻ, ông theo xuất gia với Liên Thắng (蓮勝) ở Pháp Nhiên Tự (法然寺) vùng Thường Lục (常陸, Hitachi). Đến năm 1330 ông thọ Viên Đốn Giới với Định Huệ (定慧) ở Quang Minh Tự (光明寺) vùng Liêm Thương. Trong khoảng niên hiệu Diên Nguyên (延元, 1336-1340), ông được vị Thành chủ Tá Trúc Nghĩa Đôn (佐竹義敦, Satake Yoshiatsu) quy y theo, nên kiến lập ra Thường Phước Tự (常福寺) ở vùng Qua Liên (瓜連, Urizura), và nới đây đã trở thành cứ điểm phát triển giáo đoàn của Tịnh Độ Tông vùng Quan Đông. Môn đệ của ông có Thánh Quynh (聖冏), Lương Hựu (良祐), Liên Không (蓮空), v.v.
(門跡, monzeki): nguyên lai đây là từ dùng để chỉ những di tích được đặc biệt quy định như Môn Tích của Hoằng Pháp Đại Sư (弘法大師, Kōbō Daishi, tức Không Hải [空海, Kūkai]), Môn Tích của Từ Giác Đại Sư (慈覺大師, Jikaku Daishi, tức Viên Nhân [圓仁, Ennin]), hay Môn Tích của Trí Chứng Đại Sư (智証大師, Chishō Daishi, tức Viên Trân [圓珍, Enchin]), v.v. Nhưng sau này tầng lớp Hoàng tộc xuất gia, chùa họ ở cũng được gọi là Môn Tích, đặc biệt còn dùng từ kính xưng như Ngự Môn Tích (御門跡). Vào năm 899, đầu tiên Vũ Đa Thiên Hoàng (宇多天皇, Uda Tennō) xuất gia và sống ở Nhân Hòa Tự (仁和寺, Ninna-ji), và từ xưng hô Môn Tích có thể tìm thấy qua bộ Nguyên Bình Thạnh Suy Ký (源平盛衰記) hay Bình Gia Vật Ngữ (平家物語), được phát xuất từ đầu thời đại Liêm Thương (鎌倉, Kamakura, 1185-1333). Còn Tự Viện Môn Tích là nơi Hoàng tộc cũng như con quan Nhiếp Chính đến xuất gia và cư trú, nơi có tư cách chùa tối cao và được mọi người tôn sùng tối đa. Đến thời đại Thất Đinh (室町, Muromachi, 1292-1573), Môn Tích trở thành ngôn từ thể hiện cách thức của tự viện; đến thời Mạc Phủ thì có đặt ra chức quan Môn Tích Phụng Hành (門跡奉行, Monzekibugyō) để quản lý việc chính trị liên quan đến các Tự Viện Môn Tích. Những Tự Viện Môn Tích dưới thời đại Thất Đinh gồm Nhân Hòa Tự (仁和寺), Đại Giác Tự (大覺寺), Tùy Tâm Tự (隨心寺), Khuyến Tu Tự (勸修寺), Tam Bảo Viện (三寶院), Liên Hoa Quang Viện (蓮華光院), An Tường Tự (安祥寺), Thiền Lâm Tự (禪林寺), Thắng Bảo Viện (勝寶院), Kim Cang Vương Viện (金剛王院), Bồ Đề Viện (菩提院), v.v., của Chơn Ngôn Tông; Viên Dung Viện (圓融院), Thanh Liên Viện (青蓮院), Diệu Pháp Viện (妙法院) của Thiên Thai Tông; về phía Phái Tự Môn thì có Thánh Hộ Viện (聖護院), Thật Tướng Viện (實相院), Viên Mãn Viện (圓滿院); Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji) có Nhất Thừa Viện (一乘院) và Đại Thừa Viện (大乘院); Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) có Đông Nam Viện (東南院), v.v. Ngoài ra, còn có Chiếu Cao Viện (照高院), Bình Đẳng Viện (平等院), Pháp Trú Tự (法住寺), Bản Giác Tự (本覺寺), v.v., cũng được xếp vào hạng Môn Tích. Trường hợp Bổn Nguyện Tự (本願寺, Hongan-ji) cũng đã bao lần xin được xếp vào hạng chùa Chuẩn Môn Tích, và mãi đến năm 1559 mới được công nhận; sau đó, Chuyên Tu Tự (專修寺) ở vùng Cao Điền (高田) cũng được liệt vào hạng Chuẩn Môn Tích. Đến thời đại Giang Hộ (江戸, Edo, 1600-1867), vào năm 1607, Tri Ân Viện (知恩院, Chion-in) được xếp vào hàng Tự Viện Môn Tích. Đến năm 1655, Luân Vương Tự (輪王院), Tư Hạ Viện (滋賀院) được liệt vào hạng Chùa Môn Tích. Dưới thời đại Giang Hộ, các Tự Viện Môn Tích được chế độ hóa rõ ràng, phân chia thành nhiều loại khác nhau như Cung Môn Tích (宮門跡), Thanh Hoa Môn Tích (清華門跡), Nhiếp Gia Môn Tích (攝家門跡), Chuẩn Môn Tích (准門跡, tức Hiếp Môn Tích [脇門跡, wakimonzeki]), v.v. Cung Môn Tích là những ngôi tự viện do các vị Thân Vương sống ở đó, gồm có Thánh Hộ Viện (聖護院), Luân Vương Tự (輪王院), Nhân Hòa Tự (仁和寺), Diệu Pháp Viện (妙法院), Chiếu Cao Viện (照高院), Thanh Liên Viện (青蓮院), Tri Ân Viện (知恩院), Khuyến Tu Tự (勸修寺), Nhất Thừa Viện (一乘院), Viên Dung Viện (圓融院), Mạn Thù Viện (曼殊院), Tỳ Sa Môn Đường (毘沙門堂), Viên Mãn Viện (圓滿院), v.v. Còn Nhiếp Gia Môn Tích là nơi do con của những vị công khanh đến xuất gia và trú ngụ, gồm Tùy Tâm Viện (隨心院), Tam Bảo Viện (三寶院), Đại Thừa Viện (大乘院), Đại Giác Tự (大覺寺), Liên Hoa Quang Viện (蓮華光院), v.v. Còn như trường hợp Viên Mãn Viện, Thật Tướng Viện, Nhất Thừa Viện, v.v., được gọi là Công Phương Môn Tích (公方門跡). Các ngôi chùa Thanh Hoa Môn Tích có Khuyến Tu Tự, Tỳ Sa Môn Đường, v.v. Những ngôi chùa được xếp hạng Chuẩn Môn Tích có Đông Tây Bổn Nguyện Tự (東西本願寺), Chuyên Tu Tự (專修寺), Phật Quang Tự (佛光寺), Cẩm Chức Tự (錦織寺), v.v. Đến năm 1871, dưới thời Minh Trị (明治, Meiji), hiệu Môn Tích bị phế bỏ, nhưng sau đó thì được sử dụng lại cho đến ngày nay. Trong số các ngôi chùa Môn Tích này có chư tăng xuất gia, cũng có nhiều hạng người để phục dịch như Tăng quan; họ cũng xuống tóc xuất gia, mặc y phục tu sĩ nhưng mang đao kiếm, ăn thịt, có vợ con; lại có đại đồng tử, tiểu đồng tử, v.v. Chính vì tên gọi Môn Tích thể hiện toàn bộ tính cách ngôi chùa như thế nào, nên sau này mỗi khi dùng đến từ này (hay Môn Chủ), người ta còn ám chỉ đến vị Trú Trì chùa ấy nữa. Thêm vào đó, ngôi chùa nào có các vị Nội Thân Vương xuất gia và cư trú, cũng được xếp vào hạng Chuẩn Môn Tích. Về nguồn gốc phát sinh từ Môn Tích, có tác phẩm Môn Tích Truyện (門跡傳), 1 quyển, thuật lại rất chi tiết, đầy đủ. Thư tịch này ghi rõ lịch đại chư vị trú trì cũng như ngày tháng năm qua đời của họ ở các chùa Môn Tích. Không rõ ai là người biên tập nên tác phẩm này.
(日印, Nichiin, 1264-1328): vị tăng của Nhật Liên Tông Nhật Bản, sống vào khoảng cuối thời Liêm Thương, húy là Nhật Ấn (日印), hiệu Ma Ha Nhất A Xà Lê (摩訶一阿闍梨), xuất thân vùng Việt Hậu (越後, Echigo, thuộc Niigata [新潟]), con của Triêu Thương An Cao (朝倉安高). Ông vốn là vị tăng của Thiên Thai Tông, đến năm 1294, nhân nghe Nhật Lãng (日朗) của Nhật Liên Tông thuyết giảng về Ma Ha Chỉ Quán, ông cải tông theo tông phái này. Sau ông đến truyền đạo ở vùng Việt Hậu, sáng lập các chùa như Thanh Liên Hoa Tự (青蓮華寺, tức Bổn Thành Tự [本成寺]), Diệu Quang Tự (妙光寺), Pháp Phước Tự (法福寺), v.v., và mở rộng phạm vi thuyết giáo của ông. Sau khi Nhật Lãng qua đời, ông còn khai sáng ra Bổn Thắng Tự (本勝寺) ở vùng Liêm Thương; rồi đến năm 1321, ông thâu tập được các di thư của Nhật Lãng và tách thành một giáo phái riêng. Trước tác của ông có Bổn Thành Tự Trí Văn (本成寺置文) 1 quyển, v.v.
(焚香): đốt hương, xông hương, đốt nhang. Tại Trung Quốc, từ xưa đến nay, từ trong cung đình cho đến ngoài dân gian, đều có tập tục đốt hương để làm cho không khí thanh tịnh, đốt hương đàn cầm, hay đốt hương ngâm thơ, tĩnh tọa, v.v. Hai bên phải trái của bệ trước Thái Hòa Điện (太和殿) nhà Thanh có đặt 4 cái ghế cao gọi là Hương Kỷ (香幾), mỗi ghế an trí Lò Hương 3 chân. Khi Hoàng Đế lên điện, thường đốt Đàn Hương (檀香) ở trong lò, đem đặt trong Kim Loan Điện (金鑾殿); khói hương nghi ngút bay vờn chung quanh, khí thơm tỏa ngát bốn phương, khiến cho tinh thần con người phấn chấn lên. Thời xưa, khi chơi đàn cầm, Gia Cát Khổng Minh (諸葛孔明, 181-234) không chỉ có đồng tử hầu hạ hai bên, mà còn thường đặt hương án, đốt hương để tạo thêm cảm hứng. Các văn sĩ, thục nữ thời cổ đại, khi chơi đàn cũng có thói quen đốt hương, tạo thêm không khí u tĩnh, thanh thoát, phong nhã. Lục Du (陸游, 1125-1210), thi nhân ái quốc thời Nam Triều, mỗi khi đọc sách thường có xông hương. Như trong bài Hà Trung Nhàn Hộ Chung Nhật Ngẫu Đắc Tuyệt Cú (假中閒戶終日偶得絕句), ông có diễn tả cảm hứng rằng: “Thặng hỷ kim triêu tịch vô sự, phần hương nhàn khán ngọc khê thi (剩喜今朝寂無事、焚香閒看玉溪詩, vui quá sáng nay lặng vô sự, đốt hương nhàn ngắm khe ngọc thơ).” Cũng vậy, Tô Đông Pha (蘇東坡, 1037-1101), đại văn hào nhà Bắc Tống, lại thường đốt hương tĩnh tọa và tu tâm dưỡng tánh. Trên đường đến nhậm chức ở Đam Châu (儋州), Hải Nam (海南), ông có mua hơn 10 cân Đàn Hương, sau đó lập nên xe gọi là Tức Hiên (息軒), và tương truyền rằng ông thường xông hương tĩnh tọa trong xe đó. Cho nên, ông bảo rằng: “Vô sự thử tĩnh tọa, nhất nhật thị lưỡng nhật, nhược hoạt thất thập niên, tiện thị bách tứ thập (無事此靜坐、一日是兩日、若活七十年、便是百四十, vô sự ngồi yên lắng, một ngày là hai ngày, nếu sống bảy mươi năm, tức trăm bốn mươi tuổi).” Ngay như Tề Bạch Thạch (齊白石, 1864-1957), họa sĩ trứ danh hiện đại của Trung Quốc, cũng rất tôn kính tác dụng thần kỳ của việc xông hương vẽ tranh. Trong bài thơ Đông Đáo Kim Hoa Sơn Quán (冬到金華山觀) của Đỗ Phủ (杜甫, 712-770) nhà Đường có câu rằng: “Phần hương ngọc nữ quỳ, vụ lí tiên nhân lai (焚香玉女跪、霧裏仙人來, đốt hương ngọc nữ quỳ, sương mù tiên nhân đến).” Sách Hiền Kỷ Tập (賢己集) của Lý Tướng (李相) cho rằng khởi đầu của việc đốt hương là từ Phật Đồ Trừng (佛圖澄, 232-348). Như trong Cao Tăng Truyện (高僧傳, Taishō Vol. 50, No. 2059) quyển 9, phần Trúc Phật Đồ Trừng (竺佛圖澄), có đoạn: “Tức thủ ứng khí thạnh thủy thiêu hương chú chi, tu du sanh Thanh Liên hoa (卽取應器盛水燒香咒之、須臾生青蓮花, tức lấy bình bát đỗ đầy nước rồi chú nguyện, trong chốc lát thì hoa sen xanh sanh ra).” Trong khi đó, tác phẩm Năng Cải Trai Mạn Lục (能改齋漫錄) của Ngô Tằng (吳曾, ?-?) nhà Nam Tống thì cho là khởi đầu từ thời nhà Hán. Tập tục đốt hương đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân châu Á nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Đốt hương để làm thanh tịnh đàn tràng, môi trường, thân tâm, để mặc khải với chư Phật, Bồ Tát, thần linh. Như trong Thiện Nữ Nhân Truyện (善女人傳, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 88, No. 1657) quyển Hạ, phần Minh Nhân Hiếu Từ Hoàng Hậu (明仁孝徐皇后), có đoạn rằng: “Hồng Võ tam thập nhất niên, Xuân chánh nguyệt sóc đán, ngô phần hương tĩnh tọa các trung, duyệt cổ kinh điển, tâm thần ngưng định, hốt hữu tử kim quang tụ, di mãn tứ châu, hoảng hốt nhược thùy, mộng kiến Quán Thế Âm Bồ Tát (洪武三十一年、春正月朔旦、吾焚香靜坐閣中、閱古經典、心神凝定、忽有紫金光聚、彌滿四周、恍惚若睡、夢見觀世音菩薩, vào sáng sớm ngày mồng một tháng Giêng mùa Xuân năm Hồng Võ thứ 31 [1398], ta đốt hương tĩnh tọa trong gác, đọc kinh điển xưa, tâm thần ngưng định, chợt có hào quang vàng tía tụ lại, đầy khắp bốn phía, mơ hồ như trong giấc ngủ, mơ thấy Bồ Tát Quán Thế Âm).” Đặc biệt, đối với Phật Giáo, truyền thống tắm rửa sạch sẽ, xông hương, ngồi tĩnh tọa và xả báo thân ra đi, được tìm thấy khá nhiều trong các thư tịch. Như trong Cư Sĩ Truyện (居士傳, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 88, No. 1646) quyển 42, phần Ân Trần Cố Châu Chu Thái Ngu Hoàng Trang Bào Truyện (殷陳顧朱周蔡虞黃莊鮑傳), có đoạn: “Niên lục thập hữu nhị, tự tri thệ kỳ, phần hương tọa thoát (年六十有二、自知逝期、焚香坐脫, vào năm 62 tuổi, ông tự biết lúc ra đi, bèn xông hương ngồi yên mà thoát hóa).” Hay trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục (淨土聖賢錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 78, No. 1549) quyển 9, phần Kim Thích (金奭), lại có đoạn: “Phần hương an tọa, dĩ thủ kết ấn nhi hóa, thiên nhạc dị hương, chung nhật bất tán (焚香安坐、以手結印而化、天樂異香、終日不散, đốt hương ngồi yên, lấy tay bắt ấn mà ra đi, nhạc trời hương thơm lạ, suốt ngày vẫn không hết).” Hoặc trong Ngũ Đăng Hội Nguyên (五燈會元, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 80, No. 1565) quyển 6, phần Thụy Châu Cửu Phong Đạo Kiền Thiền Sư (瑞州九峰道虔禪師), cũng có đoạn: “Toại phần hương, hương yên vị đoạn, tọa dĩ thoát khứ (遂焚香、香煙未斷、座已脫去, bèn đốt hương, khói hương chưa dứt, sư đã ngồi yên mà ra đi).”
(法名): tên gọi do người Phật tử thọ trì sau khi quy y Phật Giáo, còn gọi là Pháp Hiệu (法號), Pháp Húy (法諱), Giới Danh (戒名). Đối với tăng lữ, đây là tên gọi do vị thầy ban cho sau khi cử hành lễ xuất gia. Đối với người Phật tử tại gia, đây là tên gọi được ban cho sau khi quy y, thọ giới, hay khi tiến hành tang lễ. Pháp Danh còn là biểu tượng thiêng liêng đánh dấu bước thay đổi cuộc sống tâm linh của người Phật tử khi thật sự bước chân vào Đạo. Đối với thế tục, khi con người mới sinh ra được cha mẹ đặt cho cái tên, đó là Tục Danh (俗名); khi vị ấy chuyển hóa tâm thức, quyết định quy y theo Phật Giáo, có nghĩa là được sanh ra lần thứ hai; tên gọi lúc này là Pháp Danh. Nó thể hiện việc xuất gia hay quy y trở thành đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuni, p: Sakyamuni,釋迦牟尼); cho nên đối với người xuất gia, thường có chữ “Thích (釋)” đi theo với Pháp Danh như Thích Từ Thiện (釋慈善), v.v. Về phía Phật tử tại gia, do có khác nhau về giới tính, tuổi tác; vì vậy sau Pháp Danh thường có thêm các danh hiệu khác như Cư Sĩ (居士), Tín Sĩ (信士), Đại Tỷ (大姉), Tín Nữ (信女), Đồng Tử (童子), Đồng Nữ (童女), v.v.; như Thanh Liên Cư Sĩ (青蓮居士), Chân Tâm Tín Nữ (眞心信女), v.v. Đối với truyền thống đang hiện hành của Việt Nam, Pháp Danh có 2 chữ; chư Tăng xuất gia thường có chữ “Thích” trước Pháp Danh, như Thích Huệ Học (釋惠學), v.v.; chư Ni xuất gia thường có chữ “Thích Nữ (釋女)” trước Pháp Danh, như Thích Nữ Huệ Học (釋女惠學), v.v. Cách đặt Pháp Danh được tuân theo thứ tự của các chữ trong các bài kệ do chư vị tổ đức thuộc dòng phái đặt ra. Như Môn Phái Thập Tháp Di Đà ở Bình Định dùng bài kệ của Thiền Sư Vạn Phong Thời Ủy: “Tổ đạo giới định tông, phương quảng chứng viên thông, hành siêu minh thật tế, liễu đạt ngộ chơn không, như nhật quang thường chiếu, phổ châu lợi nhân thiên, tín hương sanh phước tuệ, tương kế chấn từ phong (祖道戒定宗、方廣證圓通、行超明寔際、了達悟眞空、如日光常照、普周利人天、信香生福慧、相繼振慈風).” Trong khi đó, Môn Phái Liễu Quán tại Huế thì đặt Pháp Danh theo bài kệ của Tổ Sư Thật Diệu Liễu Quán (實妙了觀, 1670-1742): “Thật tế đại đạo, tánh hải thanh trừng, tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong, giới định phước tuệ, thể dụng viên thông, vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công, truyền trì diệu lý, diễn sướng chánh tông, hành giải tương ưng, đạt ngộ chơn không (實際大道、性海清澄、心源廣潤、德本慈風、戒定福慧、體用圓通、永超智果、密契成功、傳持妙里、演暢正宗、行解相應、達悟眞空).” Môn Phái Quốc Ân có bài kệ của Tổ Đạo Mân rằng: “Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên, minh như hồng nhật lệ trung thiên, linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ, chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền (道本原成佛祖先、明如紅日麗中天、靈源廣潤慈風溥、照世眞燈萬古懸).” Tại Quảng Nam, Dòng Chúc Thánh thì dùng bài kệ truyền thừa pháp phái của Tổ Minh Hải Pháp Bảo: “Minh thật pháp toàn chương, ấn chơn như thị đồng, chúc thánh thọ thiên cữu, kỳ quốc tộ địa trường, đắc chánh luật vi tuyên, tổ đạo hành giải thông, giác hoa Bồ Ðề thọ, sung mãn nhân thiên trung (明寔法全章、印眞如是同、祝聖壽天久、祈國祚地長、得正律爲宣、祖道行解通、覺花菩提樹、充滿人天中).” Ngoài ra, còn một số bài kệ khác như bài của ngài Minh Hành Tại Toại ở miền Bắc: “Minh chân như bảo hải, kim tường phổ chiếu thông, chí đạo thành chánh quả, giác ngộ chứng chơn không (明眞如寶海、金祥普照通、至道成正果、覺悟證眞空).” Hay bài kệ của ngài Tri Giáo Nhất Cú: “Tịnh trí viên thông tông từ tánh, khoan giác đạo sanh thị chánh tâm, mật hạnh nhân đức xưng lương tuệ, đăng phổ chiếu hoằng pháp vĩnh trường (淨智圓通宗慈性、寬覺道生是正心、密行仁德稱良慧、燈普照宏法永長)”, v.v. Đặc biệt, việc đặt Pháp Danh ở Nhật Bản có nét đặc trưng hoàn toàn khác với các nước Phật Giáo Đại Thừa. Tùy theo tông phái khác nhau mà Pháp Danh cũng được đặt dưới nhiều hình thức khác nhau, dưới tên gọi là Giới Danh (戒名, kaimyō). Nhìn chung, Giới Danh của Nhật Bản được kết cấu bởi ít nhất 3 yếu tố: Viện Hiệu (院號, ingō) hay Viện Điện Hiệu (院殿號, indonogō), Đạo Hiệu (道號, dōgō) và Vị Hiệu (位號, igō). Viện Hiệu được dùng cho những người trong lúc sanh tiền có cống hiến to lớn đối với tự viện, Phật Giáo, xã hội. Tỷ dụ như lịch đại chư vị Tướng Quân dưới thời đại Thất Đinh (室町, Muromachi, 1392~1573) và Giang Hộ (江戸, Edo, 1600~1867) đều được đặt cho Viện Hiệu hay Viện Điện Hiệu; như trường hợp Tướng Quân Chức Điền Tín Tú (織田信秀, Oda Nobuhide, 1510-1551) có Giới Danh là Vạn Tùng Tự Đào Nham Đạo Kiến (萬松寺桃巖道見); Tướng Quân Túc Lợi Nghĩa Tình (足利義晴, Ashikaga Yoshiharu, 1511-1550) là Vạn Tùng Viện Hoa Sơn Đạo Chiếu (萬松院曄山道照), hay Tướng Quân Chức Điền Tín Trưởng (織田信長, Oda Nobunaga, 1534-1582) có Giới Danh đặc biệt là Tổng Kiến Viện Điện Tặng Đại Tướng Quốc Nhất Phẩm Thái Nham Tôn Nghi (總見院殿贈大相國一品泰巖尊儀), v.v. Vốn phát xuất từ Trung Quốc, được chư vị Thiền tăng truyền vào Nhật, Đạo Hiệu là một tên khác được đặt trước Pháp Danh; như Nhất Hưu Tông Thuần (一休宗純, Ikkyū Sōjun, 1394-1481) có Đạo Hiệu là Nhất Hưu. Trừ Luật Tông, Tịnh Độ Chơn Tông ra, các tông phái như Chơn Ngôn Tông, Thiên Thai Tông, Tịnh Độ Tông, Lâm Tế Tông, Tào Động Tông, Nhật Liên Tông đều dùng đến Đạo Hiệu này. Vị Hiệu là tên gọi được đặt sau cùng của Giới Danh để phân biệt về giới tính, tuổi tác, v.v. Đối với trường hợp thành nhân (người lớn), một số Vị Hiệu được dùng như Tín Sĩ (信士), Tín Nữ (信女), Thanh Tín Sĩ (清信士), Thanh Tín Nữ (清信女), Cư Sĩ (居士), Đại Tỷ (大姉), Đại Cư Sĩ (大居士), Thanh Đại Tỷ (清大姉), Thiền Định Môn (禪定門, dành cho chư Tăng), Thiền Định Ni (禪定尼, dành cho chư Ni). Đối với trường hợp các em nhỏ thì có Thủy Tử (水子, dùng cho các thai nhi bị lưu sản, sút sảo tảo sa); Anh Nhi (嬰兒) Anh Tử (嬰子), Anh Nữ (嬰女) dùng cho các trẻ nhỏ đang còn bú mẹ; Hài Tử (孩子), Hài Nữ (孩女) dùng cho các em nhỏ khoảng 2-3 tuổi; Đồng Tử (童子), Đồng Nữ (童女) dùng cho các em từ 4-14 tuổi, v.v.
(心覺, Shingaku, 1117-1180/1182): vị học tăng của Chơn Ngôn Tông Nhật Bản, sống vào cuối thời Bình An, vị Tổ của Dòng Thường Hỷ Viện (常喜院流), húy là Tâm Giác (心覺), tự là Phật Chủng Phòng (佛種房), thông xưng là Tể Tướng A Xà Lê (宰相阿闍梨), Thường Hỷ Viện A Xà Lê (常喜院阿闍梨), xuất thân vùng Kyoto, con trai của Tham Nghị Bình Thật Thân (參議平實親). Ông xuất gia ở Viên Thành Tự (園城寺, Onjō-ji) vùng Cận Giang (近江, Ōmi), rồi đến trú tại Thường Hỷ Viện (常喜院) của Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji). Sau khi bị bại trong cuộc luận nghị với Trân Hải (珍海) trong cung nội, ông chuyển sang Chơn Ngôn Tông, rồi thọ pháp của Dòng Tiểu Dã (小野流) từ Hiền Giác (賢覺) cũng như Thật Vận (實運) của Đề Hồ Tự (醍醐寺, Daigo-ji), và thọ phép Quán Đảnh từ Kiêm Ý (兼意) ở Thành Liên Viện (成蓮院) của Cao Dã Sơn. Ông lại kiến lập Thường Hỷ Viện trên Cao Dã Sơn, sau đó đến trú tại Vãng Sanh Viện (徃生院, tức Biến Chiếu Quang Viện [遍照光院]). Ông chuyên tu về Đông Mật lẫn Thai Mật, nghiên cứu về sự tướng và viết tập đồ tượng Biệt Tôn Tạp Ký (別尊雜記). Trước tác của ông có Biệt Tôn Tạp Ký 57 quyển, Chư Tôn Đồ Tượng (諸尊圖像) 2 quyển, Đa La Diệp Ký (多羅葉記) 3 quyển, Bối Diệp Tập (貝葉集) 50 quyển, Tâm Mật Sao (心密抄) 16 quyển, v.v.
(天台宗, Tendai-shū): tên gọi của một trong 13 tông phái lớn của Phật Giáo Trung Quốc, học phái lấy Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Trí Khải (天台智者大師智顗, 538-597) của Trung Quốc làm vị Cao Tổ, lấy Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng (傳敎大師最澄, Saichō, 767-822) của Nhật làm Tông Tổ. Tông này còn được gọi là Pháp Hoa Viên Tông (法華圓宗) hay Thiên Thai Pháp Hoa Tông (天台法華宗). Chính vị tổ sư của tông này là Trí Khải đã từng sống ở núi Thiên Thai, nên lấy tên núi này đặt tên cho tông phái của mình. Tông này dựa trên tông chỉ của Pháp Hoa Kinh, lấy Ngũ Thời Bát Giáo (五時八敎) làm giáo tướng, rồi lấy Thập Thừa Quán Pháp (十乘觀法), Nhất Niệm Tam Thiên (一念三千), Thập Giới Hỗ Cụ (十界互具), Chư Pháp Thật Tướng (諸法實相) làm quán tâm mà tu tập. Ở Trung Quốc,trước thời Trí Khải có Huệ Văn (慧文) và Huệ Tư (慧思), sau này Trí Khải đã để lại rất nhiều trước tác như Tam Đại Bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa (三大部法華玄義), Pháp Hoa Văn Cú(法華文句), Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀),v.v. Tiếp theo đó trải qua các đời của Quán Đảnh (觀頂), Trí Uy (智威), Huệ Uy (慧 威), Huyền Lãng (玄朗), cho đến Lục Tổ Kinh Khê Trạm Nhiên (湛然) đã tiến hành chú thích rất nhiều kinh điển và làm cho tông này hưng thịnh tột độ. Đến dưới thời vị tổ thứ 12 là Thanh Tủng (清竦) có hai nhân vật Nghĩa Tịch (義寂) và Chí Nhân (志因); từ đó tông này chia thành 2 phái là Sơn Gia (山家) và Sơn Ngoại (山外). Phái Sơn Gia có Trí Lễ (智禮) xuất hiện và đã nỗ lực phục hưng tông phong. Đối với trường hợp Nhật Bản thì cả 3 bộ kinh luận của Thiên Thai Đại Sư đều được truyền vào nhưng không phát triển cho mấy; sau này Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng mới học giáo lý này, sang nhà Đường cầu pháp và trực tiếp được chân truyền, vì thế ông được xem như là vị tổ khai sáng ra Thiên Thai Tông Nhật Bản. Đối với Thiên Thai Tông của Nhật, ngoài Thiên Thai Viên Giáo ra còn có sự hợp nhất của Thiền pháp, Viên Đốn Giới, và Mật Giáo nữa. Đây chính là đặc thù nỗi bật nhất của Thiên Thai Tông Nhật Bản, khác với Thiên Thai Tông của Trung Quốc. Đặc biệt từ sau thời của Từ Giác Đại Sư Viên Nhân (慈覺大師圓仁) và Trí Chứng Đại Sư Viên Trân (智証大師圓珍) thì yếu tố mang tính Mật Giáolại càng mạnh thêm. Tuy nhiên, về sau Phái Sơn Môn (山門派) của Từ Giác (慈覺) lấy trung tâm là Diên Lịch Tự (延曆寺, Enryaku-ji) trên Tỷ Duệ Sơn, còn Phái Tự Môn (寺門派) của Trí Chứng (智証) lấy Viên Thành Tự (園城寺, Onjō-ji) làm trung tâm, bắt đầu phân liệt và tranh giành nhau thế lực. Bên cạnh đó lại xuất hiện Thiên Thai Luật Tông (天台律宗) của Phái Chơn Thạnh (眞盛派), bắt đầu tách riêng ra khỏi sơn môn vào cuối thế kỷ thứ 15. Chính Đạo Nguyên (道元, Dōgen), Vinh Tây (榮西, Eisai), v.v., tổ sư khai sáng các tông phái Thiền của Nhật sau này, cũng đã từng xuất gia theo Thiên Thai Tông, và cũng từ đây mà chuyển hướng sang Thiền. Sau khi vị Tông Tổ qua đời, nội bộ mâu thuẩn nhau và các dòng phái phân chia rõ rệt. Trong đó, có ba dòng căn bản nhất của Thai Mật là Dòng Căn Bản Đại Sư (根本大師流), Dòng Từ Giác Đại Sư (慈覺大師流) và Dòng Trí Chứng Đại Sư (智証大師流). Trong ba dòng trên thì dòng của Từ Giác Đại Sư là dòng hưng thạnh nhất, rồi từ hai dòng nầy lại xuất hiện ra hai nhân vật nổi tiếng là Hoàng Khánh (皇慶) ở Đông Tháp Nam Cốc và Giác Siêu (覺超) ở Hoành Xuyên (横川). Sau nầy, hai vị nầy lại phân chia thành hai dòng khác gọi là Dòng Cốc (谷流) và Dòng Xuyên (川流). rồi từ hai dòng nầy, lại phân chia thành 13 chi nhánh nhỏ khác, gọi chung là 13 dòng Thai Mật. Đồng thời với sự phân phái mạnh mẽ của Thiên Thai Mật Giáo thì Thiên Thai Viên Giáo vốn lấy giáo học của vị Tông Tổ làm trung tâm đã phát triển rõ rệt. Khởi đầu là hai vị môn hạ tuyệt bích của Từ Huệ Đại Sư Lương Nguyên (良源) là Huệ Tâm Viện Nguyên Tín (慧心院源信) và Đàn Na Viện Giác Vận (檀那院覺運). Họ lấy tên mình đặt cho hai dòng phái là Dòng Huệ Tâm và Đàn Na. Hai dòng nầy lại phân chia thành 8 dòng khác, gọi là Huệ Đàn Bát Lưu (慧檀八流). Theo bản Tôn Giáo Niên Giám (宗敎年鑑, năm 1997) của Bộ Văn Hóa Nhật Bản, hiện tại trong hệ Thiên Thai có các tông phái như sau: (1) Thiên Thai Tông (天台宗, 3,349 ngôi chùa), (2) Thiên Thai Tự Môn Tông (天台寺門宗, 235 ngôi chùa), (3) Thiên Thai Chơn Thạnh Tông (天台眞盛宗, 426 ngôi chùa), (4) Bổn Sơn Tu Nghiệm Tông (本山修驗宗, 218 ngôi chùa), (5) Kim Phong Sơn Tu Nghiệm Bổn Tông (金峰山修驗本宗, 211 ngôi chùa), (6) Hòa Tông (和宗, 29 ngôi chùa), (7) Phấn Hà Quan Âm Tông (粉河觀音宗, 5 ngôi chùa), (8) Vũ Hắc Sơn Tu Nghiệm Bổn Tông (羽黑山修驗本宗, 23 ngôi chùa), (9) Thánh Quan Âm Tông (聖觀音宗, 26 ngôi chùa). Một số ngôi chùa trung tâm nổi tiếng của tông này là Diên Lịch Tự (延曆寺, Enryaku-ji, Shiga-ken), Trung Tôn Tự (中尊寺, Chūson-ji, Iwate-ken), Luân Vương Tự (輪王寺, Rinnō-ji, Tōchigi-ken), Khoan Vĩnh Tự (寛永寺, Kanei-ji, Tōkyō-to), Thiện Quang Tự (善光寺, Zenkō-ji, Nagano-ken), Tư Hạ Viện (滋賀院, Shiga-in), Diệu Pháp Viện (妙法院, Myōhō-in, Kyōto-shi), Tam Thiên Viện (三千院, Sanzen-in, Kyōto-shi), Thanh Liên Viện (青蓮院, Shōren-in, Kyōto-shi), Mạn Thù Viện (曼殊院, Manshu-in, Kyōto-shi), Tỳ Sa Môn Đường (毘沙門堂, Bishamon-dō, ), Mao Việt Tự (毛越寺, Mōtsū-ji, Iwate-ken), Thâm Đại Tự (深大寺, Jindai-ji, Tōkyō-to), Quang Tiền Tự (光前寺, Kōzen-ji, Nagano-ken), Thủy Gian Tự (水間寺, Mizuma-dera, Ōsaka-fu), (圓敎寺, Engyō-ji, Hyōgo-ken), v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.255.122 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập