Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Thần Sát »»
(白虎): hổ trắng, trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, là tên gọi của 1 trong 4 vị thần. Căn cứ học thuyết Ngũ Hành (五行), đây là con linh thú đại biểu cho phương Tây, hình tượng là con hổ màu trắng, đại diện cho mùa Thu. Trong Nhị Thập Bát Tú (二十八宿), nó là tên gọi chung của 7 ngôi sao ở phương Tây gồm: Khuê (奎), Lâu (婁), Vị (胃), Mão (昴), Tất (畢), Tuy (觜) và Sâm (參). Cho nên trong Thái Thượng Hoàng Lục Trai Nghi (太上黃籙齋儀) quyển 44 của Đạo Giáo gọi Bạch Hổ Tây Đẩu Tinh Quân (白虎西斗星君) là: “Khuê Tú Thiên Tướng Tinh Quân, Lâu Tú Thiên Ngục Tinh Quân, Vị Tú Thiên Thương Tinh Quân, Mão Tú Thiên Mục Tinh Quân, Tất Tú Thiên Nhĩ Tinh Quân, Chuy Tú Thiên Bình Tinh Quân, Tham Tú Thiên Thủy Tinh Quân (奎宿天將星君、婁宿天獄星君、胃宿天倉星君、昴宿天目星君、畢宿天耳星君、觜宿天屛星君、參宿天水星君).” Người thời nhà Hán xem con hổ là tượng trưng cho vua của trăm thú. Tương truyền khi một con hổ sống đến 500 tuổi thì lông của nó tự nhiên biến thành màu trắng; cho nên hổ trắng được xem như là đại diện cho một loại linh vật. Khi bậc đế vương có đủ tài đức hay lúc thiên hạ thái bình thì loại thần thú này xuất hiện. Vì màu trắng đại biểu cho phương Tây, nên hổ trắng là thần bảo vệ phương Tây. Trong Đạo Môn Thông Giáo Tất Dụng Tập (道門通敎必用集) quyển 7 có giải thích rằng: “Tây phương Bạch Hổ thượng ứng Chuy tú, anh anh tố chất, túc túc thanh âm, uy nhiếp cầm thú, khiếu động sơn lâm, lai lập ngô hữu (西方白虎上應觜宿、英英素質、肅肅聲音、威攝禽獸、嘯動山林、來立我右, hổ trắng phương Tây trên ứng với sao Chuy, tinh túy nguyên chất, nghiêm nghị âm thanh, uy nhiếp cầm thú, rống động núi rừng, đến bên phải ta).” Hổ trắng là chiến thần, tức là Thần Sát phạt, do tinh tú biến thành, có đủ quyền năng thần lực như trừ tà, giải trừ tai ương, cầu no đủ, trị ác, khuyến thiện, ban tài lộc, kết lương duyên, v.v. Sở dĩ hổ trắng đại diện cho phương Tây vì trong Ngũ Hành, phương Tây thuộc về Kim, màu trắng. Cho nên tên gọi Bạch Hổ không phải căn cứ vào màu sắc, mà vốn có do Ngũ Hành. Đạo Giáo cũng lấy hổ trắng làm thuật ngữ luyện đơn, như trong Vân Cấp Thất Hy (雲笈七羲) quyển 72 có dẫn bài Cổ Kinh (古經), cho rằng: “Bạch Hổ giả, Tây phương Canh Tân Kim Bạch Kim dã, đắc chân nhất chi vị (白虎者、西方庚辛金白金也、得眞一之位, Bạch Hổ là Kim, Bạch Kim thuộc Canh Tân ở phương Tây, đắc chân vị số một).” Ngoài ra, Bạch Hổ còn là hình tượng của một hung thần; như trong Hiệp Kỷ Biện Phương (協紀辨方) có dẫn nhân Nguyên Bí Xu Kinh (元秘樞經): “Bạch Hổ giả, tuế trung hung thần dã, thường cư tuế hậu Tứ Thần, sở cư chi địa, phạm chi, chủ hữu tang phục chi tai (白虎者、歲中凶神也、常居歲後四辰、所居之地、犯之、主有喪服之災, Bạch Hổ là hung thần trong năm, thường cư bốn mùa sau một năm; vùng đất ngài sống, nếu phạm phải, chủ yếu có tai họa tang phục).” Thuật Phong Thủy chỉ Bạch Hổ là địa hình phía bên phải huyệt núi; như trong Táng Kinh (葬經) của Quách Phác (郭璞, 276-324) nhà Đông Tấn có cho rằng: “Địa hữu tứ thế, khí tùng bát phương, cố táng giả dĩ tả vi Thanh Long, hữu vi Bạch Hổ (地有四勢、氣從八方、故葬者以左爲青龍、右有白虎, đất có bốn thế, khí từ tám hướng, cho nên người chôn cất gọi bên trái là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ).” Hay Bạch Hổ còn là tên gọi của con đường lớn bên phải, như trong Dương Trạch Thập Thư (陽宅十書) quyển 1 có câu: “Phàm trạch, hữu hữu trường đạo vị chi Bạch Hổ (凡宅、右有長道謂之白虎, phàm nhà phía bên phải có đường dài, được gọi là Bạch Hổ).” Trong Bắc Cực Thất Nguyên Tử Diên Bí Quyết (北極七元紫延秘訣) có đề cập đến hiệu của Bạch Hổ là “Giám Binh Thần Quân (監兵神君).”
(九天應元雷聲普化天尊): còn gọi là Cửu Thiên Ứng Nguyên Lôi Thanh Phổ Hóa Chơn Vương (九天應元雷聲普化眞王), tức Lôi Thần (雷神), Lôi Tổ (雷祖), Thiên Lôi (天雷). Về lai lịch, Vô Thượng Cửu Tiêu Ngọc Thanh Đại Phạm Tử Vi Huyền Đô Lôi Đình Ngọc Kinh (無上九霄玉清大梵紫微玄都雷霆玉經) cho rằng Lôi Tổ là hóa thân của Ngọc Thanh Chơn Vương (玉清眞王), con thứ 9 của Phù Lê Nguyên Thỉ Thiên Tôn (浮黎元始天尊). Cũng có thuyết cho rằng Hoàng Đế Hiên Viên (軒轅) sau khi lên cõi tiên thì trở thành Lôi Tinh (雷精), thần chủ quản về sấm sét, mưa. Lôi Tổ là phong hiệu của ông, cư trú tại Thần Tiêu Ngọc Phủ (神霄玉府), trong Bích Tiêu Phạm Khí (碧霄梵氣), cách Lôi Thành (雷城) khoảng 2.300 dặm. Lôi Thành là nơi Thiên Đình làm sấm, bên trái có Ngọc Xu Ngũ Lôi Sứ Viện (玉樞五雷使院), bên phải có Ngọc Phủ Ngũ Lôi Sứ Viện (玉府五雷使院). Trước Thiên Tôn có trống sấm 36 mặt, do 36 vị thần quản lý. Khi làm sấm, Lôi Tổ đánh một tiếng trống, tức thời Lôi Công (雷公), Lôi Sư (雷師) phát ra tiếng sấm. Trong Lôi Bộ có 36 thành viên, mỗi người đều có công trạng và được phong thần. Tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa (封神演義) nhà Minh cho Văn Trọng (聞仲) là Cửu Thiên Ứng Nguyên Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn, thống lãnh bộ hạ 24 bộ hạ kéo mây góp mưa, làm sấm. Trong số đó, tại các đền thờ Đạo Giáo thường có tôn thờ các vị Thiên Tướng như Luật Lịnh Đại Thần Đặng Nguyên Soái Trung (律令大神鄧元帥忠), Ngân Nha Diệu Mục Tân Thiên Quân Hoàn (銀牙耀目辛天君環), Phi Tiệp Báo Ứng Trương Sứ Giả Tiết (飛捷報應張使者節), Tả Phạt Ma Sứ Cẩu Nguyên Soái Chương (左伐魔使苟元帥章), Hữu Phạt Ma Sứ Tất Nguyên Soái Hoàn (右伐魔使畢元帥環). Bên cạnh đó, lại có Đào Thiên Quân Vinh (陶天君榮), Bàng Thiên Quân Hồng (龐天君洪), Tần Thiên Quân Hoàn (秦天君完), Triệu Thiên Quân Giang (趙天君江), Đổng Thiên Quân Toàn (董天君全), Viên Thiên Quân Giác (袁天君角), v.v. Từ ngàn xưa, người ta đã sùng bái Lôi Công, Lôi Thần; nhưng mãi đến cuối thời Bắc Tống (北宋, 960-1127) mới hình thành việc thiết trí ra Lôi Bộ do Cửu Thiên Ứng Nguyên Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn quản lãnh. Trong phần Lễ Chí (禮志) của Minh Sử (明史) có giải thích rằng: “Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn giả, Đạo gia dĩ vi tổng ty Ngũ Lôi, hựu dĩ lục nguyệt nhị thập tứ nhật vi Thiên Tôn hiện thị chi nhật, cố tuế dĩ thị nhật khiển quan nghệ Hiển Linh Cung trí tế (雷聲普化天尊者、道家以爲總司五雷、又以六月二十四日爲天尊現示之日、故歲以是日遣官詣顯靈宮致祭, Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn, Đạo Giáo cho rằng người tổng quản Ngũ Ty, lại lấy ngày 24 tháng 6 làm ngày Thiên Tôn thị hiện; cho nên hằng năm vào ngày này sai các quan đến Hiển Linh Cung cúng tế).” Vì vậy, cứ mỗi năm vào ngày 24 tháng 6 Âm Lịch, tín đồ Đạo Giáo đến các đền thờ dâng hương, cầu phước, tiêu trừ tai họa. Trong nghi lễ trai đàn của Chánh Nhất Phái (正一派) thuộc Đạo Giáo có thiết bài vị của Lôi Tổ, và trong khoa nghi cũng có văn triệu thỉnh chư vị Thiên Quân trong Lôi Bộ. Như trong lòng văn sớ trên, khi tiến hành tụng kinh cầu nguyện giải Trùng Tang, Thần Sát thì cần phải tuyên sớ cung thỉnh Thiên Lôi giáng lâm đàn tràng chứng minh, gia hộ để được giải nạn, hạn ách, tiêu tai cát tường.
(幡[旛]): một loại cờ dài, hẹp, treo rũ thẳng xuống, có ghi nội dung tùy theo mục đích của buổi lễ; còn gọi là lá phướn. Như trong Sử Ký (史記) quyển 117, truyện Tư Mã Tương Như (司馬相如) có đoạn: “Thùy giáng phan chi tố nghê hề, tải vân khí nhi thượng phù (垂絳幡之素蜺兮、載雲氣而上浮, cầu vồng trắng phan đỏ chừ, chở khí mây mà nổi lên). Trong Phật Giáo, loại này thường được dùng với nhiều ý nghĩa, mục đích và tên gọi khác nhau: (1) Bạch Phan (白幡) hay Dẫn Lộ Phan (引路幡) là loại lá phướn dài, hẹp, màu trắng, được dùng bài trí trước linh cữu trong khi đám tang; với ý nghĩa là để dẫn dắt linh hồn người quá cố; trên đó ghi tên họ, quê quán, pháp danh, v.v., những thông tin liên quan đến người quá cố. Tại Việt Nam, loại này thường có màu đỏ, được gọi là lá Triệu. (2) Tràng Phan (幢幡) được xem như là một loại pháp khí, rất thông dụng trong các pháp đàn của Phật Giáo lẫn Đạo Giáo, dùng để cáo Trời đất, mời gọi chư Thần linh. Tràng (幢) khác với Phan ở điểm là trên đầu của lá Tràng thường có lọng che, cầm với cây cán; còn Phan thì không có lọng che, cầm trực tiếp bằng tay. Như trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (妙法蓮華經) quyển 1, Phẩm Tựa (序品) thứ nhất có câu: “Nhất nhất tháp miếu, các thiên tràng phan (一一塔廟、各千幢幡, mỗi một tháp miếu, có ngàn tràng phan).” (3) Bạch Hổ Phan (白虎幡) là loại lá phướn trên có trang trí hình con hổ trắng, dùng để truyền tin chiếu lệnh. Như trong Tống Thư (宋書) quyển 40, phần Bách Quan Chí (百官志) có đoạn: “Triêu hội yến hưởng, tắc Tướng Quân nhung phục, trực thị tả hữu, dạ khai thành chư môn, tắc chấp Bạch Hổ Phan giám chi (朝會宴饗、則將軍戎服、直侍左右、夜開城諸門、則執白虎幡監之, sáng gặp yến tiệc, tất Tướng Quân mặc nhung phục, hai bên có người hầu hạ, đêm về mở các cửa thành, thì cầm Phan Bạch Hổ đi giám sát). (4) Phan Cái (幡蓋) là một loại tràng phan trên có lọng che, dùng để trang trí tại các nơi tôn nghiêm như đền thờ, chùa chiền, v.v. Như trong bài thơ Đăng Thiên Phước Tự Sở Kim Thiền Sư Pháp Hoa Viện Đa Bảo Tháp (登千福寺楚金禪師法華院多寶塔) của Sầm Tham (岑參, khoảng 715-770) có câu: “Phần hương như vân đồn, phan cái san san thùy (焚香如雲屯、幡蓋珊珊垂, hương xông như mây tụ, phan cái rũ leng keng).” Trong Công Văn Đàn Tràng, thường có các loại Phan như Trùng Tang Phan (重喪旛), Thập Nhị Thần Sát Phan (十二神煞旛), Chiêu Linh Phan (召靈旛), Thiên Lôi Phan (天雷旛), Thất Như Lai Phan (七如來旛), v.v.
(津和野藩, Tsuwano-han): tên của một Phiên cai trị vùng Tân Hòa Dã (津和野, Tsuwano) thuộc tiểu quốc Thạch Kiến (石見, Iwami) dưới thời Giang Hộ. Cơ quan hành chính của Phiên là Thành Tân Hòa Dã (津和野城, Tsuwano-jō). Dưới thời đại Chiến Quốc, dòng họ Cát Kiến (吉見, Yoshimi), nhà hào tộc từng phục vụ cho hai dòng họ Đại Nội (大內, Ōuchi) và Mao Lợi (毛利, Mōri), quản lãnh địa phương này. Cho nên, trước khi xảy ra cuộc chiến ở Sekigahara (關ヶ原), vùng đất này là sở hữu của dòng họ Mao Lợi. Vào ngày 15 tháng 10 năm 1600 (Khánh Trường [慶長] 5), trong trận chiến Sekigahara, Phản Khi Trực Thạnh (坂崎直盛, Sakazaki Naomori), người anh em họ của Hỷ Vũ Đa Tú Gia (喜宇多秀家), lập chiến công lớn và hình thành một Phiên mới với 3 vạn thạch. Sau đó, trong trận chiến ở Đại Phản (大阪, Ōsaka), ông xông trận cứu thoát công chúa Thiên Cơ (千姫), nên được ban cho 1 vạn 3468 thạch vào ngày 20 tháng 7 năm 1617 (Nguyên Hòa [元和] 3). Tuy nhiên, ngày 11 tháng 9 cùng năm, do những dư âm về sự kiện công chúa Thiên Cơ, Trực Thạnh bị gia Thần Sát hại và dòng họ Phản Khi coi như đoạn diệt. Thay vào đó, ngày 20 tháng 7 năm 1618 (Nguyên Hòa 3), Quy Tỉnh Chính Củ (龜井政矩, Kamei Masanori) của Phiên Nhân Phan Lộc Dã (因幡鹿野藩) đến nhậm chức với 4 vạn 3000 thạch. Kể từ đó cho đến thời Minh Trị, dòng họ Quy Tỉnh (龜井, Kamei) thống lãnh toàn Phiên. Chính Củ được chính quyền Mạc Phủ tín nhiệm sâu sắc, nhưng lại chế đột ngột vào năm 1619 (Nguyên Hòa 5). Quy Tỉnh Tư Chính (龜井茲政, Kamei Koremasa), người kế thế đời thứ hai của dòng họ này, lại quá nhỏ, nên tạo ra những xáo động trong Phiên; nhưng may nhờ trung thần Đa Hồ Chơn Thanh (多胡眞清) chủ đạo, khống chế phân tranh nội bộ và dốc lực xác lập nền chính trị của Phiên được ổn định. Đến thời của Quy Tỉnh Củ Hiền (龜井矩賢, Kamei Norikata), Phiên chủ đời thứ 8, sáng lập ra trường học Dưỡng Lão Quán (養老館) và mãi cho đến nay trường này vẫn còn. Vị Phiên chủ đời cuối cùng là Quy Tỉnh Tư Giám (龜井茲監, Kamei Koremi) thực hành cải cách và trọng dụng nhân tài có năng lực. Hơn nữa, ông còn tin thờ Thần Đạo và dốc toàn lực phát triển quốc học. Vào năm 1867 (Khánh Ứng [慶應] 3), ngay trước khi chuyển qua thời Minh Trị, nhân cuộc đàn áp tín đồ Thiên Chúa Giáo của chính phủ mới, các tín đồ bị lưu đày ở các địa phương. Ngay như 158 người tín đồ của tôn giáo này cũng bị lưu đày và khảo vấn khốc liệt ở Phiên Tân Hòa Dã; cho nên Phiên này chuyển vào thời kỳ u ám nhất. Đến tháng 7 năm 1871 (Minh Trị [明治] 4), Phiên bị phế bỏ và chuyển nhập vào Shimane-ken (島根縣). Lịch đại chư vị Phiên chủ của Phiên Tát Ma có 12 người, gồm: (1) Phản Khi Trực Thạnh (坂崎直盛, Sakazaki Naomori); (2) Quy Tỉnh Chính Củ (龜井政矩, Kamei Masanori); (3) Quy Tỉnh Tư Chính (龜井茲政, Kamei Koremasa); (4) Quy Tỉnh Tư Thân (龜井茲親, Kamei Korechika); (5) Quy Tỉnh Tư Mãn (龜井茲滿, Kamei Koremitsu); (6) Quy Tỉnh Tư Diên (龜井茲延, Kamei Korenobu); (7) Quy Tỉnh Tư Dận (龜井茲胤, Kamei Koretane); (8) Quy Tỉnh Củ Trinh (龜井矩貞, Kamei Norisada); (9) Quy Tỉnh Củ Hiền (龜井矩賢, Kamei Norikata); (10) Quy Tỉnh Tư Thượng (龜井茲尚, Kamei Korenao); (11) Quy Tỉnh Tư Phương (龜井茲方, Kamei Korekata); và (12) Quy Tỉnh Tư Giám (龜井茲監, Kamei Koremi).
(太歲): Mộc Tinh (木星, Jupiter), còn gọi là Tuế Tinh (歲星), Thái Âm (太陰), Tuế Âm (歲陰), Tuế Quân (歲君), Thái Tuế Tinh Quân (太歲星君), là tên gọi của vị thần trong Đạo Giáo Trung Quốc. Ngày xưa ngôi sao này được dùng để đếm tuổi nên có tên gọi như vậy, về sau biến thành một loại tín ngưỡng thần linh. Thái Tuế còn là tên của một trong Lưu Niên Tuế Số Thập Nhị Thần Sát (流年歲數十二神煞), lưu hành trong 12 tháng, với câu kệ là: “Thái Tuế đương đầu tọa, chư thần bất cảm đương, tự thân vô khắc hại, tu dụng khốc đa dương (太歲當頭坐、諸神不敢當、自身無剋害、須用哭爹娘, Thái Tuế ngay đầu tọa, các thần chẳng dám chường, tự thân không nguy hại, nên thương khóc mẹ cha).” Sao này có công năng đè ép các sao Thần Sát, người gặp sao này nếu gặp vận thì xấu nhiều tốt ít, chủ yếu gặp tai nạn bất trắc, nên làm việc phước thiện. Trong dân gian thường có từ “phạm Thái Tuế (犯太歲)”, “xung Thái Tuế (衝太歲)”, “hình Thái Tuế (刑太歲)” hay “thiên xung Thái Tuế (偏衝太歲)”. Tỷ dụ như năm nay là năm con Tỵ (巳, con rắn), người tuổi con rắn là phạm Thái Tuế, tuổi Hợi (亥, con heo) là xung Thái Tuế; tuổi Thân (申, con khỉ) và Dần (寅, con cọp) là thiên xung Thái Tuế. Vì vậy, có câu ngạn ngữ rằng: “Thái Tuế đương đầu tọa, vô hỷ khủng hữu họa (太歲當頭坐、無喜恐有禍, Thái Tuế trên đầu ngự, chẳng vui e có họa).” Cho nên, người ta có tục lệ An Thái Tuế (安太歲), tức cúng sao giải hạn, cầu nguyện được vạn sự bình an, cát tường. Ngay từ buổi đầu, tục lệ An Thái Tuế rất giản dị. Tín đồ nào muốn cúng An Thái Tuế thì nên nhân dịp trước hay sau tiết Xuân, lấy giấy màu hồng hay vàng viết lên dòng chữ như “Bổn niên Thái Tuế Tinh Quân đáo thử (本年太歲星君到此, năm nay Thái Tuế Tinh Quân đến đây)”, “Bổn niên Thái Tuế Tinh Quân thần vị (本年太歲星君神位, thần vị của Thái Tuế Tinh Quân năm nay)”, “Nhất tâm kính phụng Thái Tuế Tinh Quân (一心敬奉太歲星君, một lòng kính thờ Thái Tuế Tinh Quân)”, đem dán trong nhà, hằng ngày dâng hương cầu khấn. Đến cuối năm, nên đem giấy đó ra đốt với ý nghĩa là “tiễn Thần lên Trời.” Tương truyền trong vòng 60 năm, mỗi năm Trời phái một vị thần phụ trách năm ấy, quản lý toàn bộ việc phước họa của con người. Cho nên, trong thời gian 60 năm ấy có 60 vị Thái Tuế. Tín ngưỡng này có từ thời Nam Bắc Triều (南北朝, 220-589), và đến đầu thời nhà Thanh (清, 1616-1911) thì có tên họ rõ ràng của 60 vị thần Thái Tuế Tinh Quân. Tên của mỗi vị ứng vào các năm như sau:
(1) Thái Tuế năm Giáp Tý là Kim Biện Tổ Sư (金辦祖師),
(2) Thái Tuế năm Ất Sửu là Trần Tài Tổ Sư (陳材祖師),
(3) Thái Tuế năm Bính Dần là Đam Chương Tổ Sư (耿章祖師),
(4) Thái Tuế năm Đinh Mão là Trầm Hưng Tổ Sư (沉興祖師),
(5) Thái Tuế năm Mậu Thìn là Triệu Đạt Tổ Sư (趙達祖師),
(6) Thái Tuế năm kỷ tỵ là Quách Xán Tổ Sư (郭燦祖師),
(7) Thái Tuế năm Canh Ngọ là Vương Thanh Tổ Sư (王清祖師),
(8) Thái Tuế năm Tân Mùi là Lý Tố Tổ Sư (李素祖師),
(9) Thái Tuế năm Nhâm Thân là Lưu Vượng Tổ Sư (劉旺祖師),
(10) Thái Tuế năm Quý Dậu là Khang Chí Tổ Sư (康志祖師),
(11) Thái Tuế năm Giáp Tuất là Thí Quảng Tổ Sư (施廣祖師),
(12) Thái Tuế năm Ất Hợi là Nhiệm Bảo Tổ Sư (任保祖師),
(13) Thái Tuế năm Bính Tý là Quách Gia Tổ Sư (郭嘉祖師),
(14) Thái Tuế năm Đinh Sửu là Uông Văn Tổ Sư (汪文祖師),
(15) Thái Tuế năm Mậu Dần là Tằng Quang Tổ Sư (曾光祖師),
(16) Thái Tuế năm Kỷ Mão là Long Trọng Tổ Sư (龍仲祖師),
(17) Thái Tuế năm Canh Thìn là Đổng Đức Tổ Sư (董德祖師),
(18) Thái Tuế năm Tân Tỵ là Trịnh Đán Tổ Sư (鄭但祖師),
(19) Thái Tuế năm Nhâm Ngọ là Lục Minh Tổ Sư (陸明祖師),
(20) Thái Tuế năm Quý Mùi là Ngụy Nhân Tổ Sư (魏仁祖師),
(21) Thái Tuế năm Giáp Thân là Phương Kiệt Tổ Sư (方杰祖師),
(22) Thái Tuế năm Ất Dậu là Tương Sùng Tổ Sư (蔣崇祖師),
(23) Thái Tuế năm Bính Tuất là Bạch Mẫn Tổ Sư (白敏祖師),
(24) Thái Tuế năm Đinh Hợi là Phong Tề Tổ Sư (封齊祖師),
(25) Thái Tuế năm Mậu Tý là Trịnh Thang Tổ Sư (鄭鏜祖師),
(26) Thái Tuế năm Kỷ Sửu là Phan Tá Tổ Sư (潘佐祖師),
(27) Thái Tuế năm canh dần là Ổ Hoàn Tổ Sư (鄔桓祖師),
(28) Thái Tuế năm Tân Mão là Phạm Ninh Tổ Sư (范寧祖師),
(29) Thái Tuế năm Nhâm Thìn là Bành Thái Tổ Sư (彭泰祖師),
(30) Thái Tuế năm Quý Tỵ là Từ Hoa Tổ Sư (徐華祖師),
(31) Thái Tuế năm Giáp Ngọ là Chương Từ Tổ Sư (章詞祖師),
(32) Thái Tuế năm Ất Mùi là Dương Tiên Tổ Sư (楊仙祖師),
(33) Thái Tuế năm Bính Thân là Quản Trọng Tổ Sư (管仲祖師),
(34) Thái Tuế năm Đinh Dậu là Đường Kiệt Tổ Sư (唐傑祖師),
(35) Thái Tuế năm Mậu Tuất là Khương Võ Tổ Sư (姜武祖師),
(36) Thái Tuế năm Kỷ Hợi là Tạ Đảo Tổ Sư (謝燾祖師),
(37) Thái Tuế năm Canh Tý là Ngu Khởi Tổ Sư (虞起祖師),
(38) Thái Tuế năm Tân Sửu là Dương Tín Tổ Sư (楊信祖師),
(39) Thái Tuế năm Nhâm Dần là Hiền Ngạc Tổ Sư (賢諤祖師),
(40) Thái Tuế năm Quý Mão là Bì Thời Tổ Sư (皮時祖師),
(41) Thái Tuế năm Giáp Thìn là Lý Thành Tổ Sư (李誠祖師),
(42) Thái Tuế năm Ất Tỵ là Ngô Toại Tổ Sư (吳遂祖師),
(43) Thái Tuế năm Bính Ngọ là Văn Triết Tổ Sư (文哲祖師),
(44) Thái Tuế năm Đinh Mùi là Mậu Bính Tổ Sư (繆丙祖師),
(45) Thái Tuế năm Mậu Thân là Từ Hạo Tổ Sư (徐浩祖師),
(46) Thái Tuế năm Kỷ Dậu là Trình Bảo Tổ Sư (程寶祖師),
(47) Thái Tuế năm Canh Tuất là Nghê Bí Tổ Sư (倪秘祖師),
(48) Thái Tuế năm Tân Hợi là Diệp Kiên Tổ Sư (葉堅祖師),
(49) Thái Tuế năm Nhâm Tý là Kheo Đức Tổ Sư (丘德祖師),
(50) Thái Tuế năm Quý Sửu là Chu Đắc Tổ Sư (朱得祖師),
(51) Thái Tuế năm Giáp Dần là Trương Triều Tổ Sư (張朝祖師),
(52) Thái Tuế năm Ất Mão là Vạn Thanh Tổ Sư (萬清祖師),
(53) Thái Tuế năm Bính Thìn là Tân Á Tổ Sư (辛亞祖師),
(54) Thái Tuế năm Đinh Tỵ là Dương Ngạn Tổ Sư (楊彥祖師),
(55) Thái Tuế năm Mậu Ngọ là Lê Khanh Tổ Sư (黎卿祖師),
(56) Thái Tuế năm Kỷ Mùi là Phó Đảng Tổ Sư (傅黨祖師),
(57) Thái Tuế năm Canh Thân là Mao Tử Tổ Sư (毛梓祖師),
(58) Thái Tuế năm Tân Dậu là Thạch Chính Tổ Sư (石政祖師),
(59) Thái Tuế năm Nhâm Tuất là Hồng Sung Tổ Sư (洪充祖師), và
(60) Thái Tuế năm Quý Hợi là Ngu Trình Tổ Sư (虞程祖師).
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.8.36 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập