Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Quan thư »»
(本朝新修徃生傳, Honchōshinshūōjōden): truyền ký về những người có dị tướng vãng sanh, được biên tập vào giữa thời đại Bình An, do Đằng Nguyên Tông Hữu (藤原宗友, Fujiwara-no-Munetomo), Quyền Trưởng Quan Kami vùng Mỹ Nùng (美濃, Mino), soạn thuật, 1 quyển. Để phân biệt với Tân Tu Tịnh Độ Vãng Sanh Truyện (新修淨土徃生傳, gọi tắt là Tân Tu Vãng Sanh Truyện [新修徃生傳]) của Thanh Nguyên Vương Cổ (清源王古) nhà Tống, bản này có thêm vào hai chữ “Bản Triều (本朝)”. Năm thành lập được ghi rõ trong bài tựa là mồng 1 tháng 12 năm 1151 (Nhân Bình [仁平] nguyên niên). Trong số những trường hợp vãng sanh đuợc thâu lục trong tác phẩm này, người mất xưa nhất là Thế Duyên (勢緣, trong khoảng niên hiệu Thừa Bảo [承保, 1074-1077]) và người qua đời gần nhất là Đại Giang Thân Thông (大江親通, ngày 15 tháng 10 năm 1151), hơn 1 tháng rưỡi trước khi tác phẩm này ra đời. Tính cả Tăng lẫn tục, số lượng người được thâu lục là 41; nhưng có 9 truyện trùng lặp trong bản Hậu Thập Di Vãng Sanh Truyện (後拾遺徃生傳) đã ra đời trước. Đặc sắc của thư tịch này là về tầng lớp Phật tử tại gia thế tục, có cả hàng quý tộc thuộc trung và hạ tầng; hạnh nghiệp của người vãng sanh không chỉ giới hạn trong pháp môn Niệm Phật, mà còn có cả Mật Giáo. Năm sinh và mất của người biên tập không rõ; song hầu hết những người vãng sanh trong tác phẩm này được xem là đồng thời kỳ với ông; cho nên có thể nói rằng các truyền ký ấy là sử liệu đáng tin cậy. San bản có trong Sử Tịch Tập Lãm (史籍集覧) 19, phần Truyện Bộ của Tục Quần Thư Loại Tùng (續群書類從), Tục Tịnh Độ Tông Toàn Thư (續淨土宗全書) 6, Đại Nhật Bản Phật Giáo Toàn Thư (大日本佛敎全書), Nhật Bản Vãng Sanh Toàn Truyện (日本徃生全傳) 8, Nhật Bản Tư Tưởng Đại Hệ (日本思想大系) 7.
(琴瑟): tên hai loại nhạc khí là cây đàn cầm, đàn dài 3 thước, 6 tấc, căng 7 dây; và cây đàn sắt, loại đàn có 25 dây. Khi hai loại này cùng đàn tấu lên, âm sắc của chúng mười phần hòa điệu với nhau. Như trong Thượng Thư (尚書), phần Ích Tắc (益稷) có câu: “Ca kích minh cầu, bác phụ cầm sắt chi vịnh, tổ khảo lai cách (嘎擊鳴球、搏拊琴瑟以詠、祖考來格, đánh cầu kêu lắc cắc, gãy đàn cầm sắt vịnh theo, ông nội đến thán phục).” Từ đó, cầm sắt được dùng để tỷ dụ cho sự hòa hợp tốt đẹp của vợ chồng với nhau, hay tình cảm dung hòa giữa bằng hữu, anh em; như trong Thi Kinh (詩經), phần Quan thư (關雎) có câu: “Yểu điệu thục nữ, cầm sắt hữu chi (窈窕淑女,琴瑟友之, yểu điệu thục nữ, cầm sắt bạn đôi).” Hay như trong Nghĩ Liên Châu (擬連珠) của Dữu Tín (庾信, 513-581) thời Bắc Chu lại có câu: “Trung tín vi cầm sắt, nhân nghĩa vi bào trù (忠信為琴瑟,仁義為庖廚, trung tín là cầm sắt, nhân nghĩa là bồi bếp).” Trong dân gian vẫn thường dùng một số câu đối từ để chúc mừng tân hôn, vợ chồng song toàn, v.v., như “cầm sắt hữu chi (琴瑟友之, cầm sắt bạn đôi)”, “cầm sắt canh hòa (琴瑟賡和, cầm sắt hòa theo)”, “bách niên cầm sắt (百年琴瑟, trăm năm cầm sắt)”, “như cổ cầm sắt (如鼓琴瑟, như trống hòa âm)”, “cầm sắt hòa minh (琴瑟和鳴, cầm sắt hòa vang)”, “cầm sắt trùng điệu (琴瑟重調, cầm sắt trùng điệu)”, “cầm sắt bách niên (琴瑟百年, cầm sắt trăm năm)”, v.v.
(織田, Oda): tên gọi của một dòng họ, con của Bình Tư Thạnh là vị Tổ của họ này. Con cháu ông kế thừa nhau, sống ở vùng Chức Điền (織田), Quận Đơn Sanh (丹生郡), Việt Tiền (越前, Echizen). Đến đầu thời đại Thất Đinh thì họ này theo vị quan Thủ Hộ Tư Ba (斯波) đến vùng Vĩ Trương (尾張, Owari), và đến thời Tín Trưởng (信長) thì rất hưng thạnh.
(s: Kumārajīva, j: Kumarajū, 鳩摩羅什, 344-413, có thuyết cho là 350-409): âm dịch tiếng Phạn là Cứu Ma La Thập (究摩羅什), Cưu Ma La Thập Bà (鳩摩羅什婆), Cưu Ma La Đổ Bà (鳩摩羅耆婆), Cưu Ma La Thời Bà (鳩摩羅時婆), Câu Ma La Đổ Bà (拘摩羅耆婆), gọi tắt là La Thập (羅什), ý dịch là Đồng Thọ (童壽), còn gọi là La Thập Tam Tạng (羅什三藏). Ông người gốc nước Quy Tư (龜兹, thuộc vùng Sớ Lặc [疏勒], Tân Cương [新疆]), một trong 4 nhà dịch kinh vĩ đại của Trung Quốc. Cả cha mẹ ông đều tin thờ Phật. Cha là Cưu Ma La Viêm (鳩摩羅炎), gốc người Ấn Độ, từ bỏ ngôi vị Tể Tướng và xuất gia. Sau đó, ông đi du hóa khắp nơi, đến nước Quy Tư thuộc trung ương Châu Á, được quốc vương nước này kính mộ, rồi kết hôn với em gái nhà vua là Đổ Bà (耆婆) và sanh ra được một người con. Tên của Cưu Ma La Thập được hợp thành bởi tên cha (Cưu Ma La Viêm) và mẹ (Đổ Bà). Lúc nhỏ La Thập đã thông mẫn, năm lên 7 tuổi theo cha nhập đạo tu tập, rồi đi du học khắp xứ Thiên Trúc (天竺), tham cứu khắp các bậc tôn túc nổi tiếng đương thời, nghe rộng và ghi nhớ kỹ, nên tiếng tăm vang khắp. Sau đó ông trở về cố quốc, nhà vua trong nước tôn kính ông làm thầy. Vua Phù Kiên (符堅) nhà Tiền Tần (前秦) nghe đức độ của ông, bèn sai tướng Lữ Quang (呂光) đem binh đến rước ông. Lữ Quang chinh phạt miền Tây giành thắng lợi, rồi đến nghênh đón La Thập về kinh, nhưng giữa đường nghe Phù Kiên qua đời, bèn tự xưng vương ở Hà Tây (河西), do đó La Thập phải lưu lại Lương Châu (涼州) 16, 17 năm. Mãi cho đến khi Diêu Hưng (姚興) nhà Hậu Tần tấn công dẹp tan nhà họ Lữ, La Thập mới có thể đến Trường An (長安) được, tức là sau khi Đạo An (道安) qua đời 16 năm. Lúc bấy giờ là năm thứ 5 (401) niên hiệu Long An (隆安) nhà Đông Tấn. Diêu Hưng bái ông làm Quốc Sư, thỉnh ông đến trú tại Tiêu Dao Viên (逍遙園), cùng với Tăng Triệu (僧肇), Tăng Nghiêm (僧嚴) tiến hành công tác dịch kinh. Từ đó về sau, vào tháng 4 năm thứ 5 (403) niên hiệu Hoằng Thỉ (弘始) nhà Hậu Tần (後秦), La Thập bắt đầu dịch Trung Luận (中論), Bách Luận (百論), Thập Nhị Môn Luận (十二門論), Bát Nhã (般若), Pháp Hoa (法華), Đại Trí Độ Luận (大智度論), A Di Đà Kinh (阿彌陀經), Duy Ma Kinh (維摩經), Thập Tụng Luật (十頌律), v.v. Có nhiều thuyết khác nhau về số lượng kinh luận do ông phiên dịch. Xuất Tam Tạng Ký Tập (出三藏記集) cho là 35 bộ, 294 quyển. Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋敎錄) là 74 bộ, 384 quyển. Từ khi Phật Giáo được truyền vào Trung Hoa, số lượng kinh điển Hán dịch ngày càng tăng nhiều, tuy nhiên lối dịch phần nhiều không thông suốt, văn chương khó hiểu, chẳng nhất trí với nguyên bản. Riêng La Thập thì vốn thông hiểu nhiều ngôn ngữ ngoại quốc, cho nên nội dung phiên dịch của ông hoàn toàn khác xa với các dịch bản trước đây, văn thể tuy giản dị nhưng súc tích, rõ ràng. Suốt đời La Thập đã đem tất cả năng lực của mình để phiên dịch các kinh điển Đại Thừa thuộc hệ Bát Nhã, cùng với những luận thư của học phái Trung Quán thuộc hệ Long Thọ (龍樹), Đề Bà (提婆). Những kinh điển Hán dịch của ông có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự phát triển Phật Giáo ở Trung Hoa. Sau này Đạo Sanh (道生) truyền Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận về phương Nam, kinh qua Tăng Lãng (僧朗), Tăng Thuyên (僧詮), Pháp Lãng (法朗), cho đến Cát Tạng (吉藏) nhà Tùy thì hình thành hệ thống Tam Luận Tông, và thêm vào Đại Trí Độ Luận (大智度論) để thành lập học phái Tứ Luận. Ngoài ra, Kinh Pháp Hoa (法華經) do ông phiên dịch đã tạo nhân duyên cho Thiên Thai Tông ra đời; Thành Thật Luận (成實論) là điển tịch trọng yếu của Thành Thật Tông; A Di Đà Kinh (阿彌陀經) cũng như Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毘婆沙論) là kinh luận sở y của Tịnh Độ Tông. Bên cạnh đó, Di Lặc Thành Phật Kinh (彌勒成佛經) giúp cho tín ngưỡng Di Lặc phát triển cao độ; Phạm Võng Kinh (梵綱經) ra đời làm cho toàn Trung Quốc được truyền Đại Thừa giới; Thập Tụng Luật (十頌律) trở thành tư liệu nghiên cứu quan trọng về Luật học. Môn hạ của La Thập có hơn 3.000 người, trong số đó những nhân vật kiệt xuất có Đạo Dung (道融), Tăng Duệ (僧叡), Tăng Triệu (僧肇), Đạo Sanh (道生), Đàm Ảnh (曇影), Huệ Quán (慧觀), Đạo Hằng (道恒), Đàm Tế (曇濟), Tăng Đạo (僧導), v.v. Ông được kính ngưỡng như là vị tổ của Tam Luận Tông. Vào năm thứ 9 (413, có thuyết cho là năm thứ 5 [409]) niên hiệu Nghĩa Hy (義熙), ông thị tịch, hưởng thọ 70 tuổi.
(久遠寺, Kuon-ji): ngôi chùa Tổng Bản Sơn trung tâm của Nhật Liên Tông, hiện tọa lạc tại số 3567 Minobu (身延), Minobu-chō (身延町), Minamikoma-gun (南巨摩郡), Yamanashi-ken (山梨縣); hiệu núi là Thân Diên Sơn (身延山), tên gọi chính thức là Thân Diên Sơn Diệu Pháp Hoa Viện Cửu Viễn Tự (身延山妙法華院久遠寺), tượng thờ chính là Thập Giới Mạn Trà La (十界曼荼羅). Đây là di tích quan trọng đánh dấu Nhật Liên (日蓮, Nichiren) đã từng lưu trú kể từ năm thứ 11 (1274) niên hiệu Văn Vĩnh (文永), và cũng là nơi được biến thành tự viện với ngôi Miếu Đường làm trung tâm sau khi Nhật Liên qua đời vào năm thứ 5 (1282) niên hiệu Hoằng An (弘安). Tên chùa được thấy đầu tiên qua thư tịch ghi năm 1283 là Thân Diên Sơn Cửu Viễn Tự Phiên Trương (身延山久遠寺番帳). Về ngôi Miếu Đường, 6 người cao đệ chân truyền của Nhật Liên cùng với 12 người khác, tổng cọng là 18 người, thay phiên nhau mỗi người 1 tháng canh giữ; nhưng không bao lâu sau thì hủy bỏ quy định này. Vào khoảng năm 1284, 1285, Nhật Hưng (日興) trở thành người thường trú ở đây, và trong khoảng thời gian này có Nhật Hướng (日向) cũng cùng chung sức duy trì và phát triển Thánh địa này. Tuy nhiên, Nhật Hưng lại bất hòa với lãnh chúa Ba Mộc Tỉnh Thật Trường (波木井實長), tín đồ đắc lực từ thời Nhật Liên; cho nên vào năm đầu (1288) niên hiệu Chánh Ứng (正應), ông lui về vùng Phú Sĩ (富士, Fuji), Tuấn Hà (駿河, Suruga). Từ đó trở về sau, Nhật Hướng và môn lưu của ông kế thừa chùa này. Hệ thống của ông được gọi là Dòng Phái Nhật Hướng (日向門流), Dòng Phái Thân Diên (身延門流). Từ đó, Cửu Viễn Tự mở rộng giáo tuyến, và đôi khi chùa mang đậm sắc thái là ngôi tự viện của chính dòng họ Ba Mộc Tỉnh. Trong khoảng thời gian 10 năm từ năm đầu (1466) niên hiệu Văn Chánh (文正) cho đến năm thứ 7 (1475) niên hiệu Văn Minh (文明), Nhật Triêu (日朝), vị Quán Thủ đời thứ 11 của chùa, đã di chuyển ngôi đường vũ cũng như các kiến trúc khác ở Tây Cốc (西谷) đến vị trí hiện tại; đồng thời ông cũng quy định ra những hành sự trong năm, đặt ra cơ quan điều hành các lễ hội hàng tháng và mở rộng giáo hóa. Cửu Viễn Tự thời Trung Đại chủ yếu lấy vùng Giáp Phỉ (甲斐, Kai), Tuấn Hà (駿河, Suruga) làm cứ điểm hoạt động. Tướng Quân Võ Điền Tình Tín (武田晴信, Takeda Harunobu, tức Tín Huyền [信玄, Shingen]) của Giáp Phỉ tiến hành cầu nguyện ở Cửu Viễn Tự cho vận thế của dòng họ Võ Điền (武田, Takeda) được dài lâu; đồng thời bảo chứng cho quyền trú trì của chùa. Bên cạnh đó, trung thần của ông là Huyệt Sơn Tín Quân (穴山信君) cũng dốc toàn lực bảo trợ cho chùa. Sau khi dòng họ Võ Điền qua đời, Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) lên thay thế nắm chính quyền vùng Giáp Phỉ, cũng tiếp tục bảo hộ cho chùa, rồi vào năm thứ 16 niên hiệu (1588) niên hiệu Thiên Chánh (天正), ông quy định miễn trừ các lao dịch cho chùa và bảo chứng quyền trú trì ở đây. Về sau, qua các đời chùa được ban cho như quy định cũ. Đến đầu thời Cận Đại, từ vụ đàn áp Phái Không Nhận Không Cho vốn phát sinh qua cuộc tựu nhiệm trú trì Quán Thủ chùa cho Nhật Càn (日乾), Nhật Viễn (日遠) của Bổn Mãn Tự (本滿寺) ở Tokyo, nơi đây trở thành chủ tọa cho giáo đoàn Nhật Liên trên toàn quốc. Trong bản Pháp Hoa Tông Chư Tự Mục Lục (法華宗諸寺目錄) được hình thành năm thứ 10 (1633) niên hiệu Khoan Vĩnh (寛永), những chùa con trực thuộc Cửu Viễn Tự có 412 cơ sở; và chùa còn gián tiếp quản lý 1.519 ngôi chùa con khác nữa. Mặt khác, theo sự tăng dần số lượng người đến tham bái từ cuối thời Trung Đại trở đi, những ngôi viện con xuất hiện. Trú trì cũng như tăng chúng của các viện con thì phục vụ trực tiếp cho viện chính, cùng nhau tham gia điều hành chùa; cho nên Cửu Viễn Tự là một phức hợp thể của viện chính và các viện con. Vị trú trì đời thứ 31 của chùa là Nhật Thoát (日脫) cũng như trú trì đời thứ 32 là Nhật Tỉnh (日省) đều được cho phép đắp Tử Y. Vào năm thứ 3 (1706) niên hiệu Bảo Vĩnh (寶永), dưới thời vị trú trì thứ 33 là Nhật Hanh (日亨), từ đó về sau lịch đại chư vị trú trì đều được phép mang Tử Y. Cũng vào thời này, nhờ sự cúng dường của các nhà Đại Danh cũng như hàng cung thất của họ, nhiều kiến trúc đường xá của chùa được tạo dựng; nhưng chùa lại bị mấy lần hỏa tai vào những năm thứ 4 (1821), thứ 7 (1824), thứ 12 (1829) niên hiệu Văn Chính (文政). Trãi qua các niên hiệu Thiên Bảo (天保), Gia Vĩnh (嘉永), già lam lại được phục hưng; song đến năm thứ 8 (1875) thời Minh Trị (明治), chùa lần nữa bị hỏa tai và hơn phần nữa già lam bị cháy rụi. Sau mấy lần trùng tu, hiện tại chùa có một quần thể kiến trúc rộng lớn với rất nhiều ngôi đường xá như Tổng Môn (總門), Tam Môn (三門), Bổn Đường (本堂, Chánh Điện) tôn trí bức Mạn Trà La do chính tay Nhật Liên vẽ; Ngũ Trùng Tháp (五重塔, tháp 5 tầng); Thê Thần Các Tổ Sư Đường (棲神閣祖師堂) an trí tượng Nhật Liên; Thích Ca Điện (釋迦殿); Ngự Chơn Cốt Đường (御眞骨堂) an trí hài cốt của Nhật Liên; Khai Cơ Đường (開基堂) tôn thờ Ba Mộc Tỉnh Thật Trường, v.v.
(大內義弘, Ōuchi Yoshihiro, 1356-1399): tên vị Võ Tướng sống dưới hai thời đại Nam Bắc Triều và Thất Đinh; tên lúc nhỏ là Tôn Thái Lang (孫太郎); con của Đại Nội Hoằng Thế (大內弘世, Ōuchi Hiroyo). Ông xuất gia lấy hiệu là Hữu Phồn (有繁). Ông đã từng mở rộng thế lực của mình ở các địa phương Cửu Châu, Trung Quốc, rồi làm quan Thủ Hộ các vùng Châu Phòng (周防, Suō), Trường Môn (長門, Nagato), Phong Tiền (豐前, Buzen), Thạch Kiến (石見, Iwami). Hơn nữa, do vì ông có công trong việc bình định vụ loạn Minh Đức (明德), nên ông còn được ban cho chức quan Thủ Hộ hai vùng Hòa Tuyền (和泉, Izumi) và Kỷ Y (紀伊, Kii). Ông đã từng giao dịch với Triều Tiên và có công trong việc hợp nhất hai triều Nam Bắc. Nhưng do vì ông nghịch ý của Túc Lợi Nghĩa Mãn (足利義滿, Ashikaga Yoshimitsu) nên bị thảo phạt và chết trong trận chiến của Vụ Loạn Ứng Vĩnh (應永の亂). Pháp danh của ông là Hương Tích Tự Điện Tú Sơn Nhân Thật (香積寺殿秀山仁實); còn gọi là Tú Sơn Thật Công (秀山實公) hay Mai Song Đạo Thật (梅窻道實).
(s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 大方廣佛華嚴經): gọi tắt là Hoa Nghiêm Kinh (c: Hua-yen-ching, j: Kegonkyō, 華嚴經), Tạp Hoa Kinh (雜華經). Đây là một trong những bộ kinh quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa. Hoa Nghiêm Tông (華嚴宗, Kegonshū) của Trung Hoa và Nhật Bản đều ý cứ vào bộ kinh này, lập ra diệu nghĩa gọi là pháp giới duyên khởi (法界緣起), sự sự vô ngại (事事無礙), v.v., để làm tông chỉ. Theo tựa đề mà luận, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh lấy pháp dụ cho nhân quả, nêu lên danh xưng gọi là “lý trí nhân pháp (理智人法, lý trí người và pháp)”; cho nên yếu chỉ của kinh đều ở trong đây. Từ đại (大) ở đây có nghĩa là bao hàm; phương (方) là quỹ phạm; quảng (廣) là cùng khắp; tức nói chung thể dụng của pháp giới nhất tâm, rộng lớn không cùng, nên mới gọi là đại phương quảng. Phật là đấng chứng nhập vào pháp giới vô tận to lớn không cùng; hoa (華) là thí dụ nhân hạnh thành tựu vạn đức tròn đầy; cho nên để khai diễn muôn hạnh nhân vị, lấy thâm nghĩa của hoa để trang sức cho quả vị Phật, nên có tên là Phật Hoa Nghiêm (佛華嚴). Vào ngày thứ 14 sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, kinh này được đức Như Lai thuyết cho các Bồ Tát thượng vị như Văn Thù (s: Mañjuśrī, 文殊), Phổ Hiền (s: Samantabhadra, 普賢), v.v., về pháp môn tự nội chứng. Giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm là bánh xe pháp căn bản trong các giáo pháp, vì vậy có tên là Xưng Tánh Bản Giáo (稱性本敎); hơn nữa, giáo pháp này thuộc về pháp môn Đốn Giáo (頓敎), nên được gọi là Sơ Đốn Hoa Nghiêm (初頓華嚴). Mặc dầu kinh này xuất phát từ Ấn Độ, nhưng vẫn chưa phát huy toàn bộ huyền chỉ tối cao của kinh; cho đến khi Trung Hoa thành lập Hoa Nghiêm Tông, áo nghĩa đó mới đạt đến tột đỉnh chân nghĩa. Về Phạn bản của kinh này, từ xưa đến nay vẫn có nhiều thuyết khác nhau. Theo bản Hoa Nghiêm Kinh Truyền Ký (華嚴經傳記, Taishō Vol. 51, No. 2073) quyển 1 của Sa Môn Pháp Tạng (法藏, 643-712) của Sùng Phước Tự (崇福寺) ở Kinh Triệu (京兆) cho biết rằng Bồ Tát Long Thọ (s: Nāgājruna, 龍樹) thấy kinh này dưới Long Cung, có 3 bản Thượng Trung Hạ. Trong bản Thượng và Trung, số phẩm tụng rất nhiều, với sức phàm tình thì không thể nào thọ trì được; nên ẩn tàng không truyền ra. Và bản được truyền đến nay là bản Hạ, có đến mười vạn (100.000) câu kệ và 48 phẩm (hay 38 phẩm). Về sau, Bồ Tát Thế Thân (s: Vasubandhu, 世親) viết ra Thập Địa Kinh Luận (十地經論, Taishō Vol. 26, No. 1522, 12 quyển) để giải thích Phẩm Thập Địa (十地品) của kinh này. Các luận sư khác như Kim Cang Quân (金剛軍), Kiên Huệ (堅慧), v.v., cũng có các luận chú về Phẩm Thập Địa. Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (華嚴經探玄記, Taishō Vol. 35, No. 1733) quyển 1 lại chia kinh này thành 6 bản là Hằng Bản (恆本), Đại Bản (大本), Thượng Bản (上本), Trung Bản (中本), Hạ Bản (下本) và Lược Bản (略本). Ngoài ra, Hoa Nghiêm Kinh Chỉ Quy (華嚴經旨歸, Taishō Vol. 45, No. 1871), Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Sớ (大方廣佛華嚴經疏, Taishō Vol. 35, No. 1735) quyển 3 lại nêu ra 10 tên khác của kinh như Dị Thuyết Kinh (異說經), Đồng Thuyết Kinh (同說經), Phổ Nhãn Kinh (普眼經), Thượng Bản Kinh (上本經), Trung Bản Kinh (中本經), Hạ Bản Kinh (下本經), Lược Bản Kinh (略本經), Chủ Bạn Kinh (主伴經), Quyến Thuộc Kinh (眷屬經), Viên Mãn Kinh (圓滿經). Lại theo Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 100, Phạn bản của Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh (不可思議解脫經, tức Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh [四十華嚴經]) có tất cả mười vạn câu kệ. Tuy nhiên, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích (攝大乘論釋, Taishō Vol. 31, No. 1595) quyển 15, bản dịch của Thiên Trúc Tam Tạng Chơn Đế (s: Paramārtha, 眞諦, 499-569) nhà Lương, lại cho rằng Hoa Nghiêm Kinh có trăm ngàn kệ, nên có tên là Bách Thiên Kinh (百千經). Bản hiện tồn có ba loại: (1) Lục Thập Hoa Nghiêm (六十華嚴, Taishō Vol. 9, No. 278), 60 quyển, do Phật Đà Bạt Đà La (s: Buddhabhadra, 佛駄跋陀羅, 359-429) dịch từ năm 418-420 hay 421 (niên hiệu Nghĩa Hy [義熙] thứ 14 đến niên hiệu Nguyên Hy [元熙] thứ 2 hoặc Nguyên Sơ [元初] thứ 2) thời Đông Tấn; còn gọi là Cựu Hoa Nghiêm (舊華嚴), Cựu Dịch Hoa Nghiêm Kinh (舊譯華嚴經), Cựu Kinh (舊經), Tấn Kinh (晉經); tổng thành 7 nơi, 8 hội, 34 phẩm. Hoa Nghiêm Tông lấy 8 hội phân thành phần trước và phần sau; 7 hội của phần trước được thuyết trong thời gian 21 ngày sau khi đức Phật thành đạo; 1 hội của phần sau được thuyết vào thời kỳ sau. Trong khi đó, Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支, 562-727) lại cho rằng 5 hội trước được thuyết vào 7 ngày đầu sau khi đức Phật thành đạo; còn 2 hội sau được thuyết vào tuần thứ hai. Trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Sớ quyển 4, Trừng Quán (澄觀, 738-839) cho rằng trong 9 hội của Tân Hoa Nghiêm (新華嚴, tức Bát Thập Hoa Nghiêm, theo thuyết 7 chỗ, 9 hội), 5 hội đầu được thuyết vào tuần đầu tiên; hội thứ 6, 8 và 8 thuộc vào tuần thứ 2; và hội thứ 9 có Phẩm Nhập Pháp Giới (入法界品) thì thuộc về sau này. Về việc phiên dịch kinh này, theo Xuất Tam Tạng Ký Tập (出三藏記集, Taishō Vol. 55, No. 2145) quyển 9, Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký quyển 1, v.v., Phạn bản của Hoa Nghiêm Kinh nguyên lai có mười vạn (100.000) câu kệ, do Chi Pháp Lãnh (支法領) nhà Đông Tấn mang từ nước Vu Điền (s: Ku-stana, 于闐) vào ba vạn sáu ngàn (360.000) câu kệ, từ tháng 3 năm 418 (Nghĩa Hy [義熙] thứ 14) đời vua An Đế (安帝, tại vị 397-419); rồi được Phật Đà Bạt Đà La dịch thành 60 quyển; nên có tên gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm. Đây là bản dịch thứ nhất. Tuy nhiên, trong dịch bản này, Phẩm Nhập Pháp Giới vẫn còn khuyết văn, và mãi cho đến năm 680 (Vĩnh Long [永隆] nguyên niên) đời vua Huyền Tông (玄宗, 712-756) nhà Đường mới được bổ dịch. Bản Chú Sớ của kinh này thì rất nhiều, như Hoa Nghiêm Kinh Sớ (華嚴經疏, 7 quyển) của Huệ Viễn (慧遠, 334-416); Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Phân Tề Thông Trí Phương Quỹ (華嚴經搜玄分齊通智方軌, 5 quyển) của Trí Nghiễm (智儼, 620-668); Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (華嚴經探玄記, 20 quyển) của Pháp Tạng (法藏, 643-712), v.v. (2) Bát Thập Hoa Nghiêm (八十華嚴, Taishō Vol. 10, No. 279), 80 quyển, do Thật Xoa Nan Đà (s: Śikṣānanda, 實叉難陀, 652-710) nhà Đường dịch; còn gọi là Tân Hoa Nghiêm (新華嚴), Đường Kinh (唐經); tổng thành 7 chỗ, 9 hội, 39 phẩm, là bản dị dịch của Lục Thập Hoa Nghiêm. Một vài điểm dị đồng giữa hai bản Lục Thập Hoa Nghiêm và Bát Thập Hoa Nghiêm có thể nêu ra như sau: Phạn bản của Bát Thập Hoa Nghiêm được Thật Xoa Nan Đà mang từ nước Vu Điền vào Trung Quốc thể theo lời thỉnh cầu của Võ Tắc Thiên (武則天, tại vị 684-705); bắt đầu dịch từ tháng 3 năm 695 (Chứng Thánh [證聖] nguyên niên) tại Biến Không Tự (遍空寺), đến tháng 10 năm 699 (Thánh Lịch [聖曆] thứ 2) thì hoàn tất. Tương truyền trong khoảng thời gian này, đích thân Võ Hậu đến dịch trường, tự tay đề tên phẩm kinh. Đây được xem như là bản dịch thứ hai. So với bản Cựu Dịch Lục Thập Hoa Nghiêm, bản Tân Dịch này có văn từ lưu loát, nghĩa lý tròn đầy, cho nên được lưu thông thịnh hành. Kinh điển chính của Hoa Nghiêm Tông chính là bản Bát Thập Hoa Nghiêm này. Ngoài ra, dịch bản tiếng Tây Tạng có 45 phẩm; trong đó 44 phẩm đầu tương đương với 38 phẩm trước của kinh này, phẩm thứ 45 thì tương đương với Phẩm Nhập Pháp Giới thứ 39. Về các bản Chú Sớ của Bát Thập Hoa Nghiêm, có Lược Sớ San Định Ký (略疏刊定記, 15 quyển) của Huệ Uyển (慧苑, 673-?); Hoa Nghiêm Kinh Sớ (華嚴經疏, 30 quyển) của Thần Tú (神秀, 605-706); Hoa Nghiêm Kinh Sớ (華嚴經疏, 60 quyển) của Trừng Quán (澄觀, 738-839); Hoa Nghiêm Kinh Luân Quán (華嚴經綸貫, 1 quyển) của Phục Am (復菴); Hoa Nghiêm Kinh Cương Yếu (華嚴經綱要, 80 quyển) của Hám Sơn Đức Thanh (憨山德清, 1546-1623), v.v. (3) Tứ Thập Hoa Nghiêm (四十華嚴), 40 quyển, do Bát Nhã (s: Prajñā, 般若, 734-?) nhà Đường dịch; gọi đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm (大方廣佛華嚴經入不思議解脫境界普賢行願品, Taishō Vol. 10, No. 293); gọi tắt là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm (普賢行願品), còn có tên là Trinh Nguyên Kinh (貞元經). Bản này được truyền vào nước Ni Ba La (尼波羅, tức Ni Bạc Nhĩ [尼泊爾], Nepal), là cùng với bản Hoa Nghiêm Kinh trong 9 bộ kinh Đại Thừa. Nội dung bộ kinh thuật lại việc Thiện Tài Đồng Tử (s: Sudhana-śreṣṭhi-dāraka, 善財童子) từng đi tham vấn qua 55 (hoặc 53) vị thiện tri thức và thành tựu hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Đặc biệt, trong bản Tứ Thập Hoa Nghiêm này có nêu lên 10 hạnh nguyện của Phổ Hiền. Về vấn đề phiên dịch bản kinh này, vào tháng 11 năm 795 (Trinh Nguyên [貞元] thứ 11) đời vua Đức Tông (德宗, tại vị 779-805) nhà Đường, do Sư Tử Vương (師子王) của nước Ô Đồ (s: Oḍra, 烏荼), Thiên Trúc (天竺), phái sứ giả tiến cống Phạn bản Hoa Nghiêm Kinh vốn do tự tay nhà vua viết. Đến tháng 6 năm sau, bản này được Bát Nhã Tam Tạng (般若三藏) người Kế Tân (罽賓, tức Ca Tất Thí [s: Kāpiśa, 迦畢試]) dịch tại Sùng Phước Tự (崇福寺), Trường An (長安). Hai cao tăng Trừng Quán và Viên Chiếu (圓照) giám định dịch bản tại Giám Hư Tự (鑑虛等); và đến tháng 2 năm 798 (Trinh Quán thứ 14) thì hoàn tất công tác phiên dịch. Phạn bản của kinh này hiện bảo tồn tại thư viện của các nước như Anh, Pháp, Ấn Độ, v.v. Bản biệt dịch của kinh này có La Ma Già Kinh (羅摩伽經, 3 quyển) của Thánh Kiên (聖堅, ?-?) nhà Đông Tấn; Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Pháp Giới Phẩm (大方廣佛華嚴經入法界品, 1 quyển) của Địa Bà Ha La (地婆訶羅, 613-687) nhà Đường; Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Pháp Giới Phẩm Tứ Thập Nhị Tự Quán Môn (大方廣佛華嚴經入法界品四十二字觀門, 1 quyển) của Bất Không (s: Amoghavajra, 不空, 705-774) nhà Đường, v.v. Về bản Chú Sớ của kinh có Hoa Nghiêm Kinh Hạnh Nguyện Phẩm Sớ (華嚴經行願品疏, 10 quyển) của Trừng Quán; Hoa Nghiêm Kinh Biệt Hành Sớ (華嚴經別行疏, 2 quyển) của Trọng Hy (仲希, ?-?); Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Tu Chứng Nghi (華嚴經普賢行願修證儀, 1 quyển) của Tịnh Nguyên (淨源, 1011-1088), v.v. Ngoài ra, còn có một số bản tán vịnh Thiện Tài Đồng Tử đi tham vấn chư thiện trí thức như Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Nhập Pháp Giới Phẩm Tán (大方廣華嚴入法界品讚) của Dương Kiệt (楊傑, hậu bán thế kỷ 11); Văn Thù Chỉ Nam Đồ Tán (文殊指南圖讚) của Phật Quốc Duy Bạch (佛國惟白, ?-?), v.v.
(叡山大師傳, Eizandaishiden): 1 quyển, do Nhất Thừa Trung (一乘忠) soạn, còn gọi là Tỷ Duệ Đại Sư Truyện (比叡大師傳), Truyền Giáo Đại Sư Truyện Ký (傳敎大師傳記), Đại Sư Nhất Sanh Ký (大師一生記), được thành lập vào năm thứ 2 (825) niên hiệu Thiên Trường (天長), sau khi Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng (最澄, Saichō) qua đời 2 năm. Nội dung tác phẩm này thuật rõ từ khi Tối Trừng ra đời, tên họ, xuất thân, xuất gia, lên núi tu hành, học tập kinh điển, khai giảng Pháp Hoa, rồi sang nhà Đường cầu pháp, sự tích khi còn tham học bên Trung Quốc, sau đó đem truyền pháp môn Thiên Thai vào Nhật và khai sáng Thiên Thai Tông, quá trình đi tuần lễ chiêm bái ở Cửu Châu (九州, Kyūshū), Nam Đô (南都, Nanto), Quan Đông (關東, Kantō), sự nỗ lực kiến lập đại giới, di huấn và lúc thị tịch, sự vinh quang sau khi ông qua đời, danh sách những nhà ngoại hộ đắc lực, v.v. Thư tịch này còn dẫn dụng các sử liệu phong phú như những bức nguyện văn, tờ biểu dâng lên triều đình do chính tay Tối Trừng viết, sắc chiếu của vua ban cũng như Quan Phù, v.v.; là tư liệu chính xác và căn bản nhất nói về cuộc đời cũng như con người Tối Trừng. Vào năm đầu (1704) niên hiệu Bảo Vĩnh (寳永), lần đầu tiên Tú Vân (秀雲) của Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan) cho phổ biến dưới tên gọi là Duệ Sơn Tứ Đại Sư Truyện (叡山四大師傳); và đến năm thứ 4 (1767) niên hiệu Minh Hòa (明和) thì chính thức được san hành. Bản của Tú Vân được thâu lục vào trong Tục Quần Thư Loại Tùng (續群書類從, phần Truyện Bộ) 8, Sử Tịch Tập Lãm (史籍集覽) 12, phần Thiên Thai Tông Hiển Giáo Chương Sớ (天台宗顯敎章疏) 2 của Nhật Bản Đại Tạng Kinh (日本大藏經). Tuy nhiên, một phần của bản này bị sai lộn thứ tự, nên cần phải lưu ý khi dùng làm tham khảo. Riêng tả bản xưa nhất hiện đang được tàng trữ tại Thạch Sơn Tự (石山寺) thì vẫn còn nguyên vẹn, không bị sai sót về thứ tự như bản trên; cho nên bộ Truyền Giáo Đại Sư Toàn Tập (傳敎大師全集) thì y cứ vào bản này.
(香嚴): có hai nghĩa. (1) Tên vị thiên tử, đồng tử trong kinh điển Phật Giáo. Như trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (維摩詰所說經, Taishō Vol. 14, No. 475) quyển Hạ có câu: “Hữu chư thiên tử, giai hiệu Hương Nghiêm (有諸天子、皆號香嚴, có các thiên tử, đều hiệu Hương Nghiêm).” Hay trong Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經, Taishō Vol. 19, No. 945) quyển 5 có đoạn Hương Nghiêm đồng tử bạch Phật rằng: “Kiến chư Tỳ Kheo, thiêu trầm thủy hương, hương khí tịch nhiên, lai nhập tỷ trung, ngã quán thử khí, phi mộc phi không, phi yên phi hỏa, khứ vô sở trước, lai vô sở tùng, do thị ý tiêu, phát minh vô lậu, Như Lai ấn ngã đắc Hương Nghiêm hiệu (見諸比丘、燒沉水香、香氣寂然、來入鼻中、我觀此氣、非木非空、非煙非火、去無所著、來無所從、由是意銷、發明無漏、如來印我得香嚴號, con thấy các Tỳ Kheo, đốt loại trầm hương, hương khí lặng lẽ, xông vào trong mũi, con quán khí này, chẳng gỗ chẳng không, chẳng khói chẳng lửa, đi không nơi bám, đến không chỗ theo, do vậy ý tiêu, phát sáng vô lậu, Như Lai ấn chứng cho con được hiệu là Hương Nghiêm).” Trong bài tán Tâm Nhiên có đề cập đến Hương Nghiêm đồng tử: “Hương Nghiêm đồng tử ngộ chơn thường, tỷ quán thiệt nan lường (香嚴童子悟眞常、鼻觀實難量, Hương Nghiêm đồng tử ngộ chơn thường, mũi quán thật khó lường).” (2) Tên của vị tăng sống vào thời nhà Đường, pháp hiệu là Trí Nhàn (智閑, ?-898); xuất thân vùng Thanh Sơn (青州, Sơn Đông), pháp từ của Quy Sơn Linh Hựu (潙山靈祐). (xin tham khảo thêm mục Hương Nghiêm Trí Nhàn)
(香嚴): có hai nghĩa.
(1) Tên vị thiên tử, đồng tử trong kinh điển Phật Giáo. Như trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (維摩詰所說經, Taishō Vol. 14, No. 475) quyển Hạ có câu: “Hữu chư thiên tử, giai hiệu Hương Nghiêm (有諸天子、皆號香嚴, có các thiên tử, đều hiệu Hương Nghiêm).” Hay trong Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經, Taishō Vol. 19, No. 945) quyển 5 có đoạn Hương Nghiêm đồng tử bạch Phật rằng: “Kiến chư Tỳ Kheo, thiêu trầm thủy hương, hương khí tịch nhiên, lai nhập tỷ trung, ngã quán thử khí, phi mộc phi không, phi yên phi hỏa, khứ vô sở trước, lai vô sở tùng, do thị ý tiêu, phát minh vô lậu, Như Lai ấn ngã đắc Hương Nghiêm hiệu (見諸比丘、燒沉水香、香氣寂然、來入鼻中、我觀此氣、非木非空、非煙非火、去無所著、來無所從、由是意銷、發明無漏、如來印我得香嚴號, con thấy các Tỳ Kheo, đốt loại trầm hương, hương khí lặng lẽ, xông vào trong mũi, con quán khí này, chẳng gỗ chẳng không, chẳng khói chẳng lửa, đi không nơi bám, đến không chỗ theo, do vậy ý tiêu, phát sáng vô lậu, Như Lai ấn chứng cho con được hiệu là Hương Nghiêm).” Trong bài tán Tâm Nhiên có đề cập đến Hương Nghiêm đồng tử: “Hương Nghiêm đồng tử ngộ chơn thường, tỷ quán thiệt nan lường (香嚴童子悟眞常、鼻觀實難量, Hương Nghiêm đồng tử ngộ chơn thường, mũi quán thật khó lường).”
(2) Tên của vị tăng sống vào thời nhà Đường, pháp hiệu là Trí Nhàn (智閑, ?-898); xuất thân vùng Thanh Sơn (青州, Sơn Đông), pháp từ của Quy Sơn Linh Hựu (潙山靈祐). (xin tham khảo thêm mục Hương Nghiêm Trí Nhàn)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.54.83 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập