Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Phật Đà Bạt Đà La »»
(s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 大方廣佛華嚴經): gọi tắt là Hoa Nghiêm Kinh (c: Hua-yen-ching, j: Kegonkyō, 華嚴經), Tạp Hoa Kinh (雜華經). Đây là một trong những bộ kinh quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa. Hoa Nghiêm Tông (華嚴宗, Kegonshū) của Trung Hoa và Nhật Bản đều ý cứ vào bộ kinh này, lập ra diệu nghĩa gọi là pháp giới duyên khởi (法界緣起), sự sự vô ngại (事事無礙), v.v., để làm tông chỉ. Theo tựa đề mà luận, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh lấy pháp dụ cho nhân quả, nêu lên danh xưng gọi là “lý trí nhân pháp (理智人法, lý trí người và pháp)”; cho nên yếu chỉ của kinh đều ở trong đây. Từ đại (大) ở đây có nghĩa là bao hàm; phương (方) là quỹ phạm; quảng (廣) là cùng khắp; tức nói chung thể dụng của pháp giới nhất tâm, rộng lớn không cùng, nên mới gọi là đại phương quảng. Phật là đấng chứng nhập vào pháp giới vô tận to lớn không cùng; hoa (華) là thí dụ nhân hạnh thành tựu vạn đức tròn đầy; cho nên để khai diễn muôn hạnh nhân vị, lấy thâm nghĩa của hoa để trang sức cho quả vị Phật, nên có tên là Phật Hoa Nghiêm (佛華嚴). Vào ngày thứ 14 sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, kinh này được đức Như Lai thuyết cho các Bồ Tát thượng vị như Văn Thù (s: Mañjuśrī, 文殊), Phổ Hiền (s: Samantabhadra, 普賢), v.v., về pháp môn tự nội chứng. Giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm là bánh xe pháp căn bản trong các giáo pháp, vì vậy có tên là Xưng Tánh Bản Giáo (稱性本敎); hơn nữa, giáo pháp này thuộc về pháp môn Đốn Giáo (頓敎), nên được gọi là Sơ Đốn Hoa Nghiêm (初頓華嚴). Mặc dầu kinh này xuất phát từ Ấn Độ, nhưng vẫn chưa phát huy toàn bộ huyền chỉ tối cao của kinh; cho đến khi Trung Hoa thành lập Hoa Nghiêm Tông, áo nghĩa đó mới đạt đến tột đỉnh chân nghĩa. Về Phạn bản của kinh này, từ xưa đến nay vẫn có nhiều thuyết khác nhau. Theo bản Hoa Nghiêm Kinh Truyền Ký (華嚴經傳記, Taishō Vol. 51, No. 2073) quyển 1 của Sa Môn Pháp Tạng (法藏, 643-712) của Sùng Phước Tự (崇福寺) ở Kinh Triệu (京兆) cho biết rằng Bồ Tát Long Thọ (s: Nāgājruna, 龍樹) thấy kinh này dưới Long Cung, có 3 bản Thượng Trung Hạ. Trong bản Thượng và Trung, số phẩm tụng rất nhiều, với sức phàm tình thì không thể nào thọ trì được; nên ẩn tàng không truyền ra. Và bản được truyền đến nay là bản Hạ, có đến mười vạn (100.000) câu kệ và 48 phẩm (hay 38 phẩm). Về sau, Bồ Tát Thế Thân (s: Vasubandhu, 世親) viết ra Thập Địa Kinh Luận (十地經論, Taishō Vol. 26, No. 1522, 12 quyển) để giải thích Phẩm Thập Địa (十地品) của kinh này. Các luận sư khác như Kim Cang Quân (金剛軍), Kiên Huệ (堅慧), v.v., cũng có các luận chú về Phẩm Thập Địa. Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (華嚴經探玄記, Taishō Vol. 35, No. 1733) quyển 1 lại chia kinh này thành 6 bản là Hằng Bản (恆本), Đại Bản (大本), Thượng Bản (上本), Trung Bản (中本), Hạ Bản (下本) và Lược Bản (略本). Ngoài ra, Hoa Nghiêm Kinh Chỉ Quy (華嚴經旨歸, Taishō Vol. 45, No. 1871), Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Sớ (大方廣佛華嚴經疏, Taishō Vol. 35, No. 1735) quyển 3 lại nêu ra 10 tên khác của kinh như Dị Thuyết Kinh (異說經), Đồng Thuyết Kinh (同說經), Phổ Nhãn Kinh (普眼經), Thượng Bản Kinh (上本經), Trung Bản Kinh (中本經), Hạ Bản Kinh (下本經), Lược Bản Kinh (略本經), Chủ Bạn Kinh (主伴經), Quyến Thuộc Kinh (眷屬經), Viên Mãn Kinh (圓滿經). Lại theo Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 100, Phạn bản của Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh (不可思議解脫經, tức Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh [四十華嚴經]) có tất cả mười vạn câu kệ. Tuy nhiên, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích (攝大乘論釋, Taishō Vol. 31, No. 1595) quyển 15, bản dịch của Thiên Trúc Tam Tạng Chơn Đế (s: Paramārtha, 眞諦, 499-569) nhà Lương, lại cho rằng Hoa Nghiêm Kinh có trăm ngàn kệ, nên có tên là Bách Thiên Kinh (百千經). Bản hiện tồn có ba loại: (1) Lục Thập Hoa Nghiêm (六十華嚴, Taishō Vol. 9, No. 278), 60 quyển, do Phật Đà Bạt Đà La (s: Buddhabhadra, 佛駄跋陀羅, 359-429) dịch từ năm 418-420 hay 421 (niên hiệu Nghĩa Hy [義熙] thứ 14 đến niên hiệu Nguyên Hy [元熙] thứ 2 hoặc Nguyên Sơ [元初] thứ 2) thời Đông Tấn; còn gọi là Cựu Hoa Nghiêm (舊華嚴), Cựu Dịch Hoa Nghiêm Kinh (舊譯華嚴經), Cựu Kinh (舊經), Tấn Kinh (晉經); tổng thành 7 nơi, 8 hội, 34 phẩm. Hoa Nghiêm Tông lấy 8 hội phân thành phần trước và phần sau; 7 hội của phần trước được thuyết trong thời gian 21 ngày sau khi đức Phật thành đạo; 1 hội của phần sau được thuyết vào thời kỳ sau. Trong khi đó, Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支, 562-727) lại cho rằng 5 hội trước được thuyết vào 7 ngày đầu sau khi đức Phật thành đạo; còn 2 hội sau được thuyết vào tuần thứ hai. Trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Sớ quyển 4, Trừng Quán (澄觀, 738-839) cho rằng trong 9 hội của Tân Hoa Nghiêm (新華嚴, tức Bát Thập Hoa Nghiêm, theo thuyết 7 chỗ, 9 hội), 5 hội đầu được thuyết vào tuần đầu tiên; hội thứ 6, 8 và 8 thuộc vào tuần thứ 2; và hội thứ 9 có Phẩm Nhập Pháp Giới (入法界品) thì thuộc về sau này. Về việc phiên dịch kinh này, theo Xuất Tam Tạng Ký Tập (出三藏記集, Taishō Vol. 55, No. 2145) quyển 9, Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký quyển 1, v.v., Phạn bản của Hoa Nghiêm Kinh nguyên lai có mười vạn (100.000) câu kệ, do Chi Pháp Lãnh (支法領) nhà Đông Tấn mang từ nước Vu Điền (s: Ku-stana, 于闐) vào ba vạn sáu ngàn (360.000) câu kệ, từ tháng 3 năm 418 (Nghĩa Hy [義熙] thứ 14) đời vua An Đế (安帝, tại vị 397-419); rồi được Phật Đà Bạt Đà La dịch thành 60 quyển; nên có tên gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm. Đây là bản dịch thứ nhất. Tuy nhiên, trong dịch bản này, Phẩm Nhập Pháp Giới vẫn còn khuyết văn, và mãi cho đến năm 680 (Vĩnh Long [永隆] nguyên niên) đời vua Huyền Tông (玄宗, 712-756) nhà Đường mới được bổ dịch. Bản Chú Sớ của kinh này thì rất nhiều, như Hoa Nghiêm Kinh Sớ (華嚴經疏, 7 quyển) của Huệ Viễn (慧遠, 334-416); Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Phân Tề Thông Trí Phương Quỹ (華嚴經搜玄分齊通智方軌, 5 quyển) của Trí Nghiễm (智儼, 620-668); Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (華嚴經探玄記, 20 quyển) của Pháp Tạng (法藏, 643-712), v.v. (2) Bát Thập Hoa Nghiêm (八十華嚴, Taishō Vol. 10, No. 279), 80 quyển, do Thật Xoa Nan Đà (s: Śikṣānanda, 實叉難陀, 652-710) nhà Đường dịch; còn gọi là Tân Hoa Nghiêm (新華嚴), Đường Kinh (唐經); tổng thành 7 chỗ, 9 hội, 39 phẩm, là bản dị dịch của Lục Thập Hoa Nghiêm. Một vài điểm dị đồng giữa hai bản Lục Thập Hoa Nghiêm và Bát Thập Hoa Nghiêm có thể nêu ra như sau: Phạn bản của Bát Thập Hoa Nghiêm được Thật Xoa Nan Đà mang từ nước Vu Điền vào Trung Quốc thể theo lời thỉnh cầu của Võ Tắc Thiên (武則天, tại vị 684-705); bắt đầu dịch từ tháng 3 năm 695 (Chứng Thánh [證聖] nguyên niên) tại Biến Không Tự (遍空寺), đến tháng 10 năm 699 (Thánh Lịch [聖曆] thứ 2) thì hoàn tất. Tương truyền trong khoảng thời gian này, đích thân Võ Hậu đến dịch trường, tự tay đề tên phẩm kinh. Đây được xem như là bản dịch thứ hai. So với bản Cựu Dịch Lục Thập Hoa Nghiêm, bản Tân Dịch này có văn từ lưu loát, nghĩa lý tròn đầy, cho nên được lưu thông thịnh hành. Kinh điển chính của Hoa Nghiêm Tông chính là bản Bát Thập Hoa Nghiêm này. Ngoài ra, dịch bản tiếng Tây Tạng có 45 phẩm; trong đó 44 phẩm đầu tương đương với 38 phẩm trước của kinh này, phẩm thứ 45 thì tương đương với Phẩm Nhập Pháp Giới thứ 39. Về các bản Chú Sớ của Bát Thập Hoa Nghiêm, có Lược Sớ San Định Ký (略疏刊定記, 15 quyển) của Huệ Uyển (慧苑, 673-?); Hoa Nghiêm Kinh Sớ (華嚴經疏, 30 quyển) của Thần Tú (神秀, 605-706); Hoa Nghiêm Kinh Sớ (華嚴經疏, 60 quyển) của Trừng Quán (澄觀, 738-839); Hoa Nghiêm Kinh Luân Quán (華嚴經綸貫, 1 quyển) của Phục Am (復菴); Hoa Nghiêm Kinh Cương Yếu (華嚴經綱要, 80 quyển) của Hám Sơn Đức Thanh (憨山德清, 1546-1623), v.v. (3) Tứ Thập Hoa Nghiêm (四十華嚴), 40 quyển, do Bát Nhã (s: Prajñā, 般若, 734-?) nhà Đường dịch; gọi đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm (大方廣佛華嚴經入不思議解脫境界普賢行願品, Taishō Vol. 10, No. 293); gọi tắt là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm (普賢行願品), còn có tên là Trinh Nguyên Kinh (貞元經). Bản này được truyền vào nước Ni Ba La (尼波羅, tức Ni Bạc Nhĩ [尼泊爾], Nepal), là cùng với bản Hoa Nghiêm Kinh trong 9 bộ kinh Đại Thừa. Nội dung bộ kinh thuật lại việc Thiện Tài Đồng Tử (s: Sudhana-śreṣṭhi-dāraka, 善財童子) từng đi tham vấn qua 55 (hoặc 53) vị thiện tri thức và thành tựu hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Đặc biệt, trong bản Tứ Thập Hoa Nghiêm này có nêu lên 10 hạnh nguyện của Phổ Hiền. Về vấn đề phiên dịch bản kinh này, vào tháng 11 năm 795 (Trinh Nguyên [貞元] thứ 11) đời vua Đức Tông (德宗, tại vị 779-805) nhà Đường, do Sư Tử Vương (師子王) của nước Ô Đồ (s: Oḍra, 烏荼), Thiên Trúc (天竺), phái sứ giả tiến cống Phạn bản Hoa Nghiêm Kinh vốn do tự tay nhà vua viết. Đến tháng 6 năm sau, bản này được Bát Nhã Tam Tạng (般若三藏) người Kế Tân (罽賓, tức Ca Tất Thí [s: Kāpiśa, 迦畢試]) dịch tại Sùng Phước Tự (崇福寺), Trường An (長安). Hai cao tăng Trừng Quán và Viên Chiếu (圓照) giám định dịch bản tại Giám Hư Tự (鑑虛等); và đến tháng 2 năm 798 (Trinh Quán thứ 14) thì hoàn tất công tác phiên dịch. Phạn bản của kinh này hiện bảo tồn tại thư viện của các nước như Anh, Pháp, Ấn Độ, v.v. Bản biệt dịch của kinh này có La Ma Già Kinh (羅摩伽經, 3 quyển) của Thánh Kiên (聖堅, ?-?) nhà Đông Tấn; Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Pháp Giới Phẩm (大方廣佛華嚴經入法界品, 1 quyển) của Địa Bà Ha La (地婆訶羅, 613-687) nhà Đường; Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Pháp Giới Phẩm Tứ Thập Nhị Tự Quán Môn (大方廣佛華嚴經入法界品四十二字觀門, 1 quyển) của Bất Không (s: Amoghavajra, 不空, 705-774) nhà Đường, v.v. Về bản Chú Sớ của kinh có Hoa Nghiêm Kinh Hạnh Nguyện Phẩm Sớ (華嚴經行願品疏, 10 quyển) của Trừng Quán; Hoa Nghiêm Kinh Biệt Hành Sớ (華嚴經別行疏, 2 quyển) của Trọng Hy (仲希, ?-?); Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Tu Chứng Nghi (華嚴經普賢行願修證儀, 1 quyển) của Tịnh Nguyên (淨源, 1011-1088), v.v. Ngoài ra, còn có một số bản tán vịnh Thiện Tài Đồng Tử đi tham vấn chư thiện trí thức như Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Nhập Pháp Giới Phẩm Tán (大方廣華嚴入法界品讚) của Dương Kiệt (楊傑, hậu bán thế kỷ 11); Văn Thù Chỉ Nam Đồ Tán (文殊指南圖讚) của Phật Quốc Duy Bạch (佛國惟白, ?-?), v.v.
(童齔): có hai nghĩa:
(1) Tuổi ấu thơ, đồng niên. Như trong Cựu Đường Thư (舊唐書), Truyện Bùi Hưu (裴休傳) có câu: “Hưu chí thao kiên chánh, đồng sấn thời, huynh đệ đồng học ư Tế Nguyên biệt thự (休志操堅正、童齔時、兄弟同學於濟源別墅, Hưu chí vững kiên trì, lúc tuổi nhỏ, anh em cùng học nơi biệt thự của Tế Nguyên).” Hay như trong Quách Tân Giai Truyện (郭新楷傳) của Vương Khải Vận (王闓運, 1833-1916) cũng có câu: “Đồng sấn dĩnh dị, sổ tuế tang phụ, cô cư Trường Sa (童齔穎異、數歲喪父、孤居長沙, lúc nhỏ khác thường, mấy năm sau để tang cha, sống một mình nơi Trường Sa).”
(2) Chỉ cho tiểu nhi, đứa con nít. Như trong Bắc Sử (北史), Truyện Hàn Kỳ Lân (韓麒麟傳) có đoạn rằng: “Giả lịnh nhất xứ đàn tranh, xuy địch, hoãn vũ trường ca, nhất xứ nghiêm sư khổ huấn, tụng thi giảng lễ, tuyên lịnh đồng sấn, nhậm ý sở tùng (假令一處彈箏、吹笛、緩舞長歌、一處嚴師苦訓、誦詩講禮、宣令童齔、任意所從, giả ra lịnh cho một nơi chơi đàn tranh, thổi sáo, nhảy múa, ca hát; một nơi khác thì có thầy nghiêm khắc, dạy khó khăn, đọc thơ giảng lễ nghi, rồi ra lịnh bảo trẻ nít, tùy ý theo nơi nào).” Hơn nữa, Thuyết Văn (說文) có giải thích rõ rằng: “Nam bát nguyệt sanh xỉ, bát tuế nhi sấn; nữ thất nguyệt sanh xỉ, thất tuế nhi sấn (男八月生齒、八歲而齔、女七月生齒、七歲而齔, nam tám tháng mọc răng, tám tuổi mọc răng già; nữ bảy tháng mọc răng, bảy tuổi mọc răng già).” Cho nên trẻ em 7, 8 tuổi còn được gọi là Đồng Sấn (童齔). Trẻ lên 9 tuổi là Cửu Linh (九齡). Trong Chu Thư (周書), quyển 12, Liệt Truyện (列傳) thứ 4, phần Tề Dương Vương Hiến (齊煬王憲) có đoạn rằng: “Tề Dương Vương Hiến tự Tỳ Hạ Đột, Thái Tổ đệ ngũ tử dã; tánh thông mẫn, hữu độ lượng, tuy tại đồng sấn, nhi thần thái ngực nhiên (齊煬王憲字毗賀突、太祖第五子也、性通敏、有度量、雖在童齔、而神彩嶷然, Tề Dương Vương Hiến tự là Tỳ Hạ Đột, con thứ năm của Thái Tổ [tại vị 479-482]; tánh thông mẫn, có độ lượng, tuy đang còn nhỏ tuổi mà thần thái khác người).” Trong Ma Ha A Di Đà Kinh Trung Luận (摩訶阿彌陀經衷論, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 22, No. 401) có câu rằng: “Dư đồng sấn thời, nhật tùng tiên tỉ chú hương đảnh lễ, cập thập tuế quá hương đôn, văn kỳ sư phương thọ chư đệ Mạnh Tử thư (余童齔時、日從先妣炷香頂禮、及十歲過鄉墩、聞其師方授諸弟孟子書, lúc ta tuổi còn bé, hằng ngày theo mẹ đã quá vãng thắp hương đảnh lễ, đến mười tuổi khi đi qua ụ đất của làng, nghe vị thầy ấy dạy cho học trò sách Mạnh Tử).” Hoặc như trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋敎錄, Taishō Vol. 55, No. 2154) quyển 3, truyện của Phật Đà Bạt Đà La (s: Buddhabhadra, 佛陀跋陀羅) cũng có câu: “Kỳ đồng sấn xuất gia, dĩ thông giải kinh luận, thiếu thọ nghiệp ư Đại Thiền Sư Phật Đại Tiên (其童齔出家、已通解經論、少受業於大禪師佛大先, Ngài xuất gia lúc bé, đã thông hiểu kinh luận, lớn lên thọ giáo với Đại Thiền Sư Phật Đại Tiên).”
(s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, c: Hua-yen-ching, j: Kegonkyō, 華嚴經): còn gọi là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (大方廣佛華嚴經), Lục Thập Hoa Nghiêm (六十華嚴), Cựu Dịch Hoa Nghiêm Kinh (舊譯華嚴經), Cựu Kinh (舊經), Tấn Kinh (晋經), 60 quyển, hiện còn, Taishō 45, 477, No. 1866, Phật Đà Bạt Đà La (s: Buddhabhadra, 佛駄跋陀羅, 359-429) dịch từ năm 418-420 hay 421 (niên hiệu Nghĩa Hy [義熙] thứ 14 đến niên hiệu Nguyên Hy [元熙] thứ 2 hoặc Nguyên Sơ [元初] thứ 2) thời Đông Tấn.
(慧遠, Eon, 334-416): vị tăng sống dười thời Đông Tấn, sơ tổ của Tịnh Độ Tông Trung Quốc, người vùng Lâu Phiền (婁煩), Nhạn Môn (鴈門, thuộc Huyện Quách [崞縣], Sơn Tây [山西]), họ Cổ (賈). Năm lên 13 tuổi, ông đi du học khắp các vùng Hứa Xương (許昌), Lạc Dương (洛陽), thông hiểu các học vấn của Lão Trang. Năm 21 tuổi, ông cùng với người em là Huệ Trì (慧持) lên Hằng Sơn (恒山, Tây Bắc Khúc Dương [曲陽], Hà Bắc [河北]) nghe Đạo An (道安) giảng Kinh Bát Nhã, nhân đó ông lãnh ngộ, bèn cùng với em theo xuất gia làm đệ tử của Đạo An. Ông rất tinh thông học thuyết Tánh Không của Bát Nhã, năm 24 tuổi đăng đàn thuyết pháp, lúc ấy ông dẫn chứng 1 quyển sách của Trang Tử để nói về nghĩa thật tướng của Phật Giáo, khiến cho chúng hội thông hiểu rõ ràng. Đến năm thứ 6 (381) niên hiệu Thái Nguyên (太元), ông lên Lô Sơn (廬山), trú tại Đông Lâm Tự (東林寺) truyền bá giáo pháp, đệ tử đến nghe rất đông. Ông tập trung vào việc nghiên cứu kinh điển, thường than thở vùng đất Giang Đông chưa có đủ kinh điển, Thiền pháp chưa từng được nghe, luật tạng thiếu sót, nên sai đệ tử Pháp Tịnh (法淨), Pháp Lãnh (法領), v.v., đi tìm các kinh để truyền dịch. Cứ mỗi lần gặp được vị Tam Tạng pháp sư nào của Tây Vức, ông đều cung thỉnh về trú xứ mình. Vào năm thứ 16 (391) cùng niên hiệu trên, ông cung thỉnh vị tăng người Kế Tân (罽賓) là Tăng Già Đề Bà (s: Saṃghadeva, 僧伽提婆) đến phiên dịch A Tỳ Đàm Tâm Luận (阿毘曇心論), Tam Pháp Độ Luận (三法度論), v.v. Khi ông nghe tin Cưu Ma La Thập (s: Kumārajīva, 鳩摩羅什) đến Trung Quốc, bèn tức tốc cho các đệ tử Đạo Sanh (道生), Huệ Quán (慧觀), Đạo Ôn (道溫), Đàm Dực (曇翼), v.v., đến Trường An hầu hạ vị này, học Đại Thừa Không Quán của hệ Long Thọ (s: Nāgārjuna, 龍樹). Bên cạnh đó, ông thường dùng thư từ qua lại với La Thập để nghiên cứu trao đổi nghĩa lý kinh điển. Khi Đàm Ma Lưu Chi (s: Dharmaruci, 曇摩流支) sang Trung Hoa, ông cho đệ tử Đàm Ung (曇邕) đến tham gia dịch Thập Tụng Luật (十頌律). Ngoài ra, ông còn đích thân cung thỉnh Phật Đà Bạt Đà La (s: Buddhabhadra, 佛陀跋陀羅) đến Lô Sơn để dịch bản Đạt Ma Đa La Thiền Kinh (達磨多羅禪經). Song song với việc tuyên dương giáo học Bát Nhã của Đại Thừa, ông còn đề xướng Thiền học Tiểu Thừa. Vào năm đầu (402) niên hiệu Nguyên Hưng (元興), ông cùng với Lưu Di Dân (劉遺民) và đồng đạo hơn 100 người sáng lập Bạch Liên Xã (白蓮社), chuyên lấy việc niệm Phật cầu vãng sanh về Tịnh Độ làm pháp môn tu tập, trong suốt hơn 30 năm chưa từng hạ sơn lần nào. Vào năm thứ 2 (403) niên hiệu Nguyên Hưng, khi Hoàn Huyền (桓玄) hạ lệnh sa thải các vị Sa Môn và bắt họ phải kính trọng nhà vua, ông bèn viết cuốn Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận (沙門不敬王者論) để luận về vấn đề người xuất gia không cần phải khuất phục vương quyền, chủ trương giữ gìn truyền thống cao quý của Phật Giáo. Ông là người rất uyên thâm giáo lý Phật Giáo, lại rành tất cả sách vở, là bậc tông tượng đương thời và thậm chí còn được chư tăng ngoại quốc kính quý. Đông Lâm Tự trên Lô Sơn lúc bấy giờ là trung tâm Phật Giáo phương Nam, cùng với vùng Trường An, nơi La Thập trú ngụ, hùng bá thiên hạ. Vào năm thứ 12 (416) niên hiệu Nghĩa Hy (義熙), ông thị tịch, hưởng thọ 83 tuổi đời. Về sau, ông được các vị vua Đường Tống ban tặng cho những thụy hiệu là Biện Giác Đại Sư (辨覺大師), Chánh Giác Đại Sư (正覺大師), Viên Ngộ Đại Sư (圓悟大師), Đẳng Biến Chánh Giác Viên Ngộ Đại Sư (等徧正覺圓悟大師). Trước tác của ông có Lô Sơn Tập (廬山集) 10 quyển, Vấn Đại Thừa Trung Thâm Nghĩa Thập Bát Khoa (問大乘中深義十八科, tức Đại Thừa Đại Nghĩa Chương [大乘大義章]) 3 quyển, Minh Báo Ứng Luận (明報應論) 1 quyển, Thích Tam Báo Luận (釋三報論) 1 quyển, Biện Tâm Thức Luận (辯心識論) 1 quyển, Sa Môn Đản Phục Luận (沙門袒服論) 1 quyển, Đại Trí Độ Luận Tự (大智度論序), v.v. Đệ tử xuất chúng có Huệ Quán (慧觀), Tăng Tế (僧濟), Pháp An (法安), Đàm Ung (曇邕), Đạo Tổ (道祖), v.v.
(法顯, Hōken, 340?-?): vị tăng sống dưới thời Đông Tấn, xuất thân vùng Võ Dương (武陽), Bình Dương (平陽), họ là Cung (龔). Có thuyết cho rằng ông sanh vào năm thứ 6 (340) niên hiệu Hàm Khang (咸康) nhà Đông Tấn. Năm lên 3 tuổi, ông xuất gia, đến 20 tuổi thì thọ Cụ Túc giới. Sau đó, nhân đau xót vì sự mất mác về thanh quy và hành trì kinh luật trong tăng đoàn, nên vào năm thứ 3 (399) niên hiệu Long An (隆安), ông cùng với các bạn đồng học Huệ Cảnh (慧景), Đạo Chỉnh (道整), Huệ Ứng (慧應), Huệ Ngôi (慧嵬) rời Trường An đi về hướng Tây, qua vùng Thông Lãnh (葱嶺), đến Thiên Trúc (天竺), lúc đó khoảng 60 tuổi. Trước sau hơn 10 năm, ông đã đi qua hơn 30 nước, mang về rất nhiều kinh điển Phật Giáo bằng tiếng Phạn. Lộ trình ông đi qua Trường An, Đôn Hoàng (敦煌), Vu Chấn (于闐) rồi đến miền trung Ấn Độ, tham bái các thánh tích Phật Giáo, sau đó lưu học 3 năm tại Hoa Thị Thành (華氏城), 2 năm học ở vùng phụ cận Gia Nhĩ Các Đáp (加爾各答) thuộc hạ lưu sông Hằng, rồi lưu trú tại Tích Lan (錫蘭, Sri Lanka) trong vòng 2 năm, đi qua địa phương Tô Môn Đáp Lạp (蘇門答臘) và đến năm thứ 9 (413) niên hiệu Nghĩa Hy (義熙) thì trở về nước. Trong thời gian ấy, ông đã học được Luật, Trường A Hàm, Tạp A Hàm, Kinh Niết Bàn, v.v. Sau khi trở về nước, ông cùng với Phật Đà Bạt Đà La (s: Buddhabhadra, 佛駄跋陀羅, 359-429) dịch bộ Ma Ha Tăng Kỳ Luật (摩訶僧祇律), Đại Bát Nê Hoàn Kinh (大般泥洹經), Tạp Tạng Kinh (雜藏經), Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận (雜阿毘曇心論). Bên cạnh đó, ông còn lấy những ký lục trong chuyến lữ hành của mình viết thành sách với tựa đề Phật Quốc Ký (佛國記), miêu tả những tình huống của Ấn Độ và Trung Á đương thời, cho nên tác phẩm này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt tư liệu. Sau đó ông thị tịch tại Kinh Châu Tân Tự (荆州新寺). Niên đại thị tịch của ông được xác định trong khoảng từ năm thứ 14 (418) niên hiệu Nghĩa Hy (義熙) cho đến năm đầu (423) niên hiệu Cảnh Bình (景平). Cùng với Huyền Trang (玄奘, 602-664), Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) vào khoảng thế kỷ thứ 7, ông được xem như là một trong những danh tăng từng chiêm bái Ấn Độ.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.47.172 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập