Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Pháp Hoa Văn Cú »»
(s: Vakkula, Bakkula, Bakula, Vakula, p: Bakkula, Bākula, 薄拘羅): còn gọi là Bạc Cự La (薄炬羅), Bạc Câu La (薄俱羅), Ba Cưu Lãi (波鳩蠡), Bà Câu La (婆拘羅), Ba Câu Lô (波拘盧), Phược Củ La (縛矩羅), v.v. Hán dịch là Thiện Dung (善容), Vĩ Hình (偉形), Trùng Tánh (重姓). Pháp Hoa Văn Cú (法華文句, tức Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú [妙法蓮華經文句, Taishō No. 1718]) quyển 2 cho biết rằng: “Bạc Câu La giả, thử phiên Thiện Dung, hoặc Vĩ Hình, hoặc Đại Phì Thịnh, hoặc Lăng Đặng, hoặc Mại Tánh; nhiên nhi sắc mạo đoan chánh cố ngôn Thiện Dung dã; niên nhất bách lục thập tuế vô bệnh vô yểu, hữu ngũ bất tử báo (薄拘羅者、此翻善容、或偉形、或大肥盛、或楞鄧、或賣性、然而色貌端正故言善容也、年一百六十歲無病無夭、有五不死報, Bạc Câu La, Tàu dịch là Thiện Dung, hoặc Vĩ Hình, hoặc Đại Phì Thịnh, hoặc Lăng Đặng, hoặc Mại Tánh; tuy nhiên vì có sắc mạo đoan chánh nên gọi là Thiện Dung; sống đến 160 tuổi, không bệnh, không chết yểu, nhờ quả báo của 5 điều bất tử).” Huyền Ứng Âm Nghĩa (玄應音義) quyển 22 lại giải thích rằng: “Bạc Câu La, Trung Quốc dịch là Thiện Dung, do trì giới không sát sanh mà được 5 điều bất tử.” Kinh Bạc Câu La (薄拘羅經) của Trung A Hàm Kinh (中阿含經, Taishō No. 26) quyển 8 cho hay rằng: “Ngã ư thử chánh pháp, Luật trung học đạo dĩ lai bát thập niên, vị tằng hữu bệnh, nãi chí đàn chỉ đầu thống giả, vị tằng ức phục dược, nãi chí nhất phiến Ha Lê Lặc (我於此正法、律中學道已來八十年、未曾有病、乃至彈指頃頭痛者、未曾憶服藥、乃至一片訶梨勒, ta ở trong chánh pháp, Luật, học đạo đến nay đã 80 năm, mà chưa từng có bệnh, cho dù là đau đầu trong khoảng thời gian một cái khảy móng tay; chưa từng uống thuốc dù là một miếng Ha Lê Lặc).” Vì trong thời quá khứ của Tỳ Bà Thi Phật (s: Vipaśyin-buddha, p: Vipassin-buddha, 毘婆尸佛), Tôn Giả đã từng lấy thuốc Ha Lê Lặc dâng cúng cho một vị tăng chứng quả Bích Chi Phật. Từ đó đến nay, trãi qua 91 kiếp, ông đều được phước báo không bệnh tật, và không chết yểu. Hơn nữa, nhân hành trì giới không sát sanh, ông được quả báo 5 điều bất tử (không bị lửa thiêu đốt cháy chết, nước sôi không làm cho phỏng chín thân, không bị chết chìm trong nước, không bị cá cắn, không bị đao chém thây). Tương truyền lúc nhỏ, bà kế mẫu đã từng rắp tâm sát hại ông 5 lần mà không thành (tức 5 điều bất tử), do vì đời trước ông đã từng tinh tấn hành trì giới không sát sanh. Sau khi lớn lên xuất gia, chỉ trong 3 ngày, ông chứng quả A La Hán. Ông không bị quả báo khổ đau vì bệnh tật, thọ 160 tuổi, được xưng tụng là Trường Thọ Đệ Nhất. Theo A Dục Vương Kinh (阿育王經), A Dục Vương (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) là người thâm tín Phật pháp, thi hành nhân chính, thống nhất thiên hạ, kiến lập vương triều Khổng Tước (孔雀). Có hôm nọ, nhà vua cùng với Tôn Giả Ưu Ba Cấp Đa (s: Upagupta, 優波笈多) tham bái các ngôi tháp, tiến hành bố thí cúng dường. Khi đến bên tháp của Bạc Câu La, Tôn Giả Ưu Ba Cấp Đa thưa nhà vua rằng đây là tháp của Bạc Câu La, nhà vua nên cúng dường. A Dục Vương bèn hỏi rằng vị Tôn Giả này có công đức thù thắng nào mà đáng cúng dường như vậy ? Ưu Ba Cấp Đa trả lời rằng vị Tôn Giả này là người không có bệnh tật số một trong các đệ tử của Phật, yên lặng tu hành, thiểu dục tri túc. Nghe vậy, nhà vua lấy một đồng tiền cúng dường nơi tháp. Tuy nhiên, đồng tiền kia lại bay đi, trở lại bên chân của A Dục Vương. Khi ấy, nhà vua bảo rằng: “Vị A La Hán này có năng lực công đức thiểu dục, cho đến khi chứng quả Niết Bàn mà vẫn không thọ nhận một đồng tiền.”
(s: advaya, 不二): không hai. Trong thế giới hiện tượng này sanh khởi đủ loại sự vật, hiện tượng, giống như mình người, nam nữ, già trẻ, vật tâm, sống chết, thiện ác, khổ vui, đẹp xấu, v.v., chúng được chỉnh lý theo hai trục đối lập. Tuy nhiên, các cặp phạm trù này không phải có thực thể tồn tại độc lập, cố định, mà trên cơ sở của Không (s: śūnya, p: suñña, 空), Vô Ngã (s: nirātman, nairātmya, p: anattan, 無我), căn để của chúng là Bất Nhị, Nhất Thể (一体). Bất Nhị là cách nói khác của Không về mặt quan hệ. Một trong các kinh điển Bát Nhã giải thích về Không có Duy Ma Kinh (s: Vimalakīrti-nideśa, 維摩經); trong Phẩm Nhập Bất Nhị Pháp Môn (入不二法門品) của kinh này có giải thích rất rõ về pháp môn Bất Nhị như: “Đức Thủ Bồ Tát viết: 'Ngã, ngã sở vi nhị, nhân hữu ngã cố, tiện hữu ngã sở; nhược vô hữu ngã, tắc vô ngã sở, thị vi nhập Bất Nhị pháp môn' (德守菩薩曰、我、我所爲二、因有我故、便有我所、若無有我、則無我所、是爲入不二法門, Đức Thủ Bồ Tát nói rằng: 'Tôi và cái của tôi là hai; nhân vì có tôi mới có cái của tôi; nếu không có tôi, tất không có cái của tôi; đó là vào pháp môn Không Hai').” Từ đó, Bất Nhị cũng như Không là chơn tướng của sự vật; hiểu được điều này được gọi là ngộ. Ngay như trong triết học Vedanta của Bà La Môn Giáo cũng có nhấn mạnh Bất Nhị (advaita), nó được lập cước trên Phát Sinh Luận; hoàn toàn khác với tư tưởng Bất Nhị (advaya) của Phật Giáo. Phật Giáo không lấy Phát Sinh Luận, mà quán sát một cách như thật sự vật hiện thực và làm sáng tỏ sự hiện hữu của chúng. Bất Nhị theo quan điểm của Phật Giáo là nói về hình thức hiện hữu của sự vật hiện thực, là Bất Nhị với tư cách Quan Hệ Luận. Tại Nhật Bản, người nhấn mạnh pháp môn Bất Nhị là Đại Sư Không Hải (空海, Kūkai, 774-835), tổ sư khai sáng Chơn Ngôn Tông Nhật Bản. Đại Sư dùng Thích Ma Ha Diễn Luận (釋摩訶衍論) để ứng dụng giải thích bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận (大乘起信論), tận lực hệ thống hóa Mật Giáo. Đây chính là tiên phong của tư tưởng Bản Giác ở Nhật Bản. Trong Thích Ma Ha Diễn Luận, ngoài tư tưởng Bản Giác, Bất Nhị Ma Ha Diễn Pháp (不二摩訶衍法) được khẳng định rõ ràng. Sau khi Không Hải qua đời, tư tưởng Bản Giác này di nhập vào Thiên Thai Tông của Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan) và đến thời Trung Đại thì trở thành Bất Nhị Luận khẳng định hiện thực. Trong Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) 6 có câu: “Nhị nhi Bất Nhị, Bất Nhị nhi nhị (二而不二、不二而二, hai mà Không Hai, Không Hai mà hai).” Hay như trong tác phẩm Gia Truyện (家傳, Kaden, tức Đằng Nguyên Gia Truyện [藤氏家傳, Tōshikaden]) quyển thượng do Huệ Mỹ Áp Thắng (惠美押勝, Emi-no-Oshikatsu, tức Đằng Nguyên Trọng Ma Lữ [藤原仲麻呂, Fujiwara-no-Nakamaro, 706-764]) soạn, có đoạn: “Mỗi năm và tháng 10, trang nghiêm pháp diên, kính ngưỡng di hạnh của Duy Ma, thuyết diệu lý Bất Nhị (毎年十月法筵を荘厳し、維摩の景行を仰ぎ、不二の妙理を説く).”
(曇花): từ gọi tắt của hoa Ưu Đàm Bạt La (s: udumbara, udumbara, p: udumbara, 優曇跋羅), hay Ô Đàm Bát La Hoa (烏曇盋羅花), Ô Đàm Bát La Hoa (鄔曇鉢羅花), Ưu Đàm Ba Hoa (優曇波花), Ưu Đàm Hoa (優曇花), Uất Đàm Hoa (鬱曇花); ý dịch là Linh Thoại Hoa (靈瑞花), Không Khởi Hoa (空起花), Khởi Không Hoa (起空花). Nó là loại thực vật có hoa ẩn tàng thuộc khoa Dâu, tên khoa học là Ficus glomerata, sanh sản ven chân núi Hỷ Mã Lạp Nhã Sơn (喜馬拉雅山, Himalaya), cao nguyên Đức Can (德干), Tư Lí Lan Tạp (斯里蘭卡), v.v. Thân cây cao hơn 3 tấc, lá có hai loại: phẳng trơn và thô nhám, đầu nhọn, thon dài, đều có chiều dài từ 10-18 phân. Nó có 2 loại hoa đực và cái, hoa xòe to như đấm tay, hoa búp như ngón tay cái, nở ra từ cành cây hơn 10 bông; tuy có thể ăn được nhưng mùi vị không ngon. Căn cứ vào Huệ Lâm Âm Nghĩa (慧琳音義) quyển 8 cho biết rằng: “Ưu Đàm Hoa, Phạn ngữ cổ dịch ngoa lược dã; Phạn ngữ chánh vân Ô Đàm Bạt La, thử vân Tường Thoại Linh Dị, thiên hoa dã; thế gian vô tỉ hoa; nhược Như Lai hạ sanh, Kim Luân Vương xuất hiện thế gian, dĩ đại phước đức lực cố, cảm đắc thử hoa xuất hiện (優曇花、梵語古譯訛略也、梵語正云烏曇跋羅、此云祥瑞靈異、天花也、世間無此花、若如來下生、金輪王出現世間、以大福德力故、感得此花出現, Hoa Ưu Đàm là từ dịch tắt sai lầm ngày xưa của tiếng Phạn, tiếng Phạn đúng là Ô Đàm Bạt La, Tàu gọi là Tường Thoại Linh Dị [loại hoa mang lại điềm lành linh dị], là hoa Trời, loại hoa trên đời không gì sánh bằng; nếu Như Lai hạ sanh, bậc Kim Luân Vương [Chuyển Luân Thánh Vương] sẽ xuất hiện trên thế gian; vì Ngài có oai lực phước đức to lớn, nên có thể cảm ứng loài hoa này xuất hiện).” Hơn nữa, do vì nó hiếm có và khó gặp, trong kinh điển Phật Giáo thường ví hoa Ưu Đàm với việc khó gặp được đức Phật xuất hiện giữa đời. Như Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經, Taishō 12, 266) quyển thượng có giải thích rằng: “Vô lượng ức kiếp nan trị nan kiến, do linh thoại hoa thời thời nãi xuất (無量億劫難值難見、猶靈瑞華時時乃出, vô lượng ức kiếp khó gặp, khó thấy, giống như hoa Linh Thoại thỉnh thoảng mới xuất hiện)”. Hay như Pháp Hoa Văn Cú (法華文句, Taishō No. 1718) cũng cho rằng: “Ưu Đàm Hoa giả, thử ngôn Linh Thoại, tam thiên niên nhất hiện, hiện tắc Kim Luân Vương xuất (優曇花者、此言靈瑞、三千年一現、現則金輪王出, Hoa Ưu Đàm, Tàu gọi là Linh Thoại, ba ngàn năm mới xuất hiện một lần, hiện tất Kim Luân Vương ra đời).” Tại Ấn Độ, từ thời đại Phệ Đà (s: Veda, 吠陀) cho đến ngày nay, lá của nó được dùng làm cây bảo vệ trừ tà ma, hay làm củi đốt trong lúc tế tự. Trong Phật Giáo, cây Bồ Đề thành đạo của 7 đức Phật thời quá khứ đều khác nhau, riêng cây Ưu Đàm Bạt La là cây Bồ Đề thành đạo của vị Phật thứ 5, Câu Na Hàm Mâu Ni (s: Kanakamuni, p: Konāgamana, 拘那含牟尼). Hoa Ưu Đàm là loại hoa ngàn năm mới nở một lần; cho nên nó có mùi thơm tuyệt diệu hơn tất cả loài hoa khác. Cũng vậy, giáo Pháp của Đức Phật luôn tỏa sáng và thơm ngát đến mọi người. Những ai lắng nghe và thực hành giáo pháp ấy thì sẽ có được an lạc, giải thoát nhờ hương thơm đó. Và từ đó vị ấy có thể đem hương thơm ấy ban phát, chia xẻ với mọi người chung quanh. Như trong Phẩm Phương Tiện (方便品) của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (s: Saddharma-puṇḍarīka,妙法蓮華經) có câu: “Phật cáo Xá Lợi Phất, như thị diệu pháp, chư Phật Như Lai, thời nãi thuyết chi, như Ưu Đàm Bát Hoa, thời nhất hiện nhĩ (佛告舍利佛、如是妙法、諸佛如來、時乃說之、如優曇缽花、時一現耳, Phật bảo Xá Lợi Phất rằng pháp mầu như vậy, chư Phật Như Lai, chỉ thuyết một lần; như Hoa Ưu Đàm, chỉ xuất hiện một lần thôi).” Hoặc như trong Đại Trí Độ Luận (大知度論) cũng khẳng định rõ rằng: “Phật thế nan trị, như Ưu Đàm Ba La thọ hoa, thời thời hữu nhất, kỳ nhân bất kiến (佛世難值、如優曇波羅樹華、時時一有、其人不見, trên đời khó gặp được Phật, như hoa cây Ưu Đàm Ba La, thỉnh thoảng mới có một lần, người thường không thấy được).” Vì vậy trong dân gian cũng như văn học xuất hiện thuật ngữ “Đàm Hoa Nhất Hiện (曇花一現, Hoa Ưu Đàm chỉ xuất hiện một lần).” Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (大般若波羅蜜多經, Taishō No. 220) cho chúng ta biết rõ thêm rằng: “Nhân thân vô thường, phú quý như mộng, chư căn bất khuyết, chánh tín thượng nan, huống trị Như Lai đắc văn diệu pháp, bất vi hy hữu như Ưu Đàm Hoa (人身無常、富貴如夢、諸根不缺、正信尚難、況值如來得聞妙法、不爲稀有如優曇花, thân người vô thường, giàu sang như mộng, các căn đầy đủ, chánh tín lại khó, huống chi gặp Như Lai được nghe pháp mầu, không phải hy hữu như Hoa Ưu Đàm sao ?).” Trong bài thơ Na Tra (那吒), Tô Triệt (蘇轍, 1039-1112) nhà Tống có nêu rõ giá trị tối thượng của loại hoa này: “Phật như Ưu Đàm nan trị ngộ, kiến giả văn đạo xuất sanh tử (佛如優曇難值遇、見者聞道出生死, Phật như Ưu Đàm khó gặp được, người thấy nghe đạo thoát sanh tử).” Hay như trong bài thơ Kỷ Hợi Tạp Thi (己亥雜詩) của Củng Tự Trân (龔自珍, 1792-1841) nhà Thanh cũng có câu rằng: “Nan bằng nhục nhãn thức thiên nhân, khủng thị Ưu Đàm thị hiện thân (難憑肉眼識天人、恐是優曇示現身, khó nương mắt thịt biết trời người, e chính Ưu Đàm thị hiện thân).” Trong dân gian Trung Quốc, vẫn có những truyền thuyết về giấc mộng thấy Hoa Ưu Đàm, như trường hợp Tề Võ Đế Tiêu Trách (齊武帝蕭賾, tại vị 482-493) bị bệnh, nằm mộng thấy Hoa Ưu Đàm và được lành bệnh; cho nên, trong chiêm tinh bói toán, người ta thường xem giấc mộng Hoa Ưu Đàm là có điềm lành. Như trong Uyên Giám Loại Hàm (淵鑑類函) do nhóm Trương Thanh (張英, ?-1708) nhà Thanh biên soạn có đoạn: “Tề Cảnh Lăng Vương Tử Lương, đốc tín Thích thị, Võ Đế bất dự, Tử Lương khải tấn Sa Môn ư điện tiền tụng kinh, Võ Đế cảm mộng, kiến Ưu Đàm Bát Hoa ư Tử Lương án (齊竟陵王子良、篤信釋氏、武帝不豫、子良啟進沙門於殿前誦經、武帝感夢、見優曇缽花於子良案, vua Cảnh Lăng Vương nhà Tề tên Tử Lương, thâm tín Phật pháp, Võ Đế chẳng vui lòng; Tử Lương cung thỉnh Sa Môn tụng kinh trước điện; Võ Đế cảm ứng mộng thấy Hoa Ưu Đàm nơi án của Tử Lương).”
(荆溪湛然, Keikei Tannen, 711-782): vị tăng sống dưới thời nhà Đường, tổ thứ 9 của Thiên Thai Tông Trung Quốc, người vùng Kinh Khê (荆溪), Thường Châu (常州, tức Nghi Hưng, Giang Tô), họ Thích (戚), cả nhà đều theo Nho Giáo, chỉ mình ông thích Phật pháp. Năm 17 tuổi, ông học Thiên Thai Chỉ Quán (天台止觀) với Kim Hoa Phương Nham (金華芳巖), đến năm 20 tuổi theo làm môn hạ của Tả Khê Huyền Lãng (左溪玄朗), dốc chí học tập giáo quán Tông Thiên Thai. Năm 38 tuổi, ông xuất gia ở Tịnh Lạc Tự (淨樂寺) vùng Nghi Hưng (宜興), rồi đến Việt Châu (越州) học luật với Đàm Nhất (曇一) và sau đó giảng Chỉ Quán ở Khai Nguyên Tự (開元寺), Quận Ngô (呉郡). Sau khi thầy mình qua đời, ông kế thừa pháp tịch, tự nhận trách nhiệm trùng hưng Thiên Thai Tông, đưa ra thuyết “vô tình hữu tánh (無情有性)”, chủ trương các loài cỏ cây, sỏi đá đều có Phật tánh. Ông đã từng sống qua các chùa Lan Lăng (蘭陵), Thanh Lương (清涼), và khi ông đến nơi đâu thì chúng theo học rất đông, tiếng tăm vang khắp. Trong khoảng thời gian niên hiệu Thiên Bảo (天寳) và Đại Lịch (大曆), các vua Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông đều ưu ái thỉnh vào cung, tuy nhiên ông cáo bệnh không đi. Đến cuối đời, ông đến trú tại Thiên Thai Quốc Thanh Tự (天台國清寺). Vào năm thứ 3 niên hiệu Kiến Trung (建中), ông thị tịch tại đạo tràng Phật Lũng (佛隴), thọ 72 tuổi đời và 43 hạ lạp. Đệ tử Lương Túc (梁肅) soạn văn bia. Ông là vị tổ trung hưng của Thiên Thai Tông, được người đời gọi là Kinh Khê Tôn Giả (荆溪尊者), Diệu Lạc Đại Sư (妙樂大師) hay Ký Chủ Pháp Sư (記主法師). Đệ tử của ông có 39 người như Đạo Thúy (道邃), Phổ Môn (普門), Nguyên Hạo (元皓), Trí Độ (智度), Hành Mãn (行滿), v.v. Bình sinh ông soạn thuật rất nhiều như Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm (法華經玄義釋籤) 10 quyển, Pháp Hoa Văn Cú Ký (法華文句記) 10 quyển, Chỉ Quán Phổ Hành Truyền Hoằng Quyết (止觀普行傳弘決) 10 quyển, Chỉ Quán Sưu Yếu Ký (止觀捜要記) 10 quyển, Chỉ Quán Đại Ý (止觀大意) 1 quyển, Kim Cang Phê Luận (金剛錍論) 1 quyển, Pháp Hoa Tam Muội Bổ Trợ Nghi (法華三昧補助儀) 1 quyển, Thủy Chung Tâm Yếu (始終心要) 1 quyển, Thập Bất Nhị Môn (十不二門) 1 quyển, v.v.
(s: Mahākalpina, p: Mahākapphiṇa, 摩訶劫賓那): còn gọi là Ma Ha Kiếp Tân Ninh (摩訶劫賓寧), Ma Ha Kiếp Tỷ Noa (摩訶劫比拏), Ma Ha Kế Tân Na (摩訶罽賓那), Ma Ha Ca Thất Na (摩訶迦匹那), Ma Ha Kim Tỳ La (摩訶金毘羅), hay Đại Kiếp Tân Na (大劫賓那), Kiếp Tân Na (劫賓那); ý dịch là Hoàng Sắc (黃色), Phòng Túc (房宿), Đại Phân Biệt Thời (大分別時), v.v. Ông là một trong các đại đệ tử của Phật, rất tinh thông thiên văn, lịch số, biết được sự vận hành của các vì sao, được gọi là Tri Tinh Tú Đệ Nhất (知星宿第一). Theo phẩm Đại Kiếp Tân Ninh (大劫賓寧), Hiền Ngu Kinh (賢愚經) 7, ông là con của đức vua Kiếp Tân Ninh nước Kim Địa Quốc (金地國), bẩm tánh thông minh, có sức mạnh cường tráng. Sau khi vua cha qua đời, ông kế thừa ngôi vị, binh lửa dẹp yên, đất nước an bình, uy phong chấn động khắp nơi; từ đó ông muốn chế ngự miền trung Ấn Độ, bèn sai sứ đến Thành Xá Vệ cầu viện vua Ba Tư Nặc (s: Prasenajit, p: Pasenadi, 波斯匿). Lúc bấy giờ đức Phật đang trú tại Tinh Xá Kỳ Hoàn (p: Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇洹精舍), tự biến hóa thành vị Chuyển Luân Thánh Vương, dùng thần thông biến hiện làm cho Kiếp Tân Na quy phục. Từ đó, ông phát tâm xuất gia, thường tinh tấn dõng mãnh tu tập, trú định Tam Muội. Về sau ông chứng đắc Pháp Nhãn thanh tịnh và A La Hán quả. Lại căn cứ vào Quang Trạch Pháp Hoa Nghĩa Sớ (光宅法華義疏) quyển 1, Pháp Hoa Huyền Tán (法華玄贊) quyển 1 cho biết rằng Kiếp Tân Na có tên là Phòng Túc. Lúc mới xuất gia, ông chỉ nghe danh Phật chứ chưa từng được diện kiến Ngài, vì vậy ông khát khao muốn được gặp Ngài, bèn lên đường đến trú xứ Phật. Ban đêm gặp trời mưa to, ông phải tá túc qua đêm tại một nhà làm đồ gốm. Chủ nhà dành cho ông một căn phòng tá túc qua đêm. Tuy nhiên, Kiếp Tân Na lại trãi cỏ mà nằm, đến nữa đêm bỗng nhiên có một vị Tỳ Kheo già đến xin tá túc. Ông nhường chỗ cho lão Tỳ Kheo kia và tự mình ngồi. Nhân đó, lão Tỳ Kheo thuyết pháp cho ông nghe, và đêm ấy ông ngộ đạo. cuối cùng ông mới biết được vị kia chính là đức Phật đã hóa hiện ra để hóa độ mình. Hay theo Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) quyển 1, nhân vì cha mẹ ông kết hôn đã lâu năm mà chẳng sanh con, nên thành tâm cầu nguyện các vì sao để mong có con, từ đó cảm ứng được sao thứ tư Phòng Túc trong 28 ngôi sao giáng sanh.
(s, p: upāya, 方便): âm dịch là Âu Ba Da (漚波耶), một trong 10 Ba La Mật, còn gọi là Thiện Quyền (善權), Biến Mưu (變謀), chỉ sự uyển chuyển biến đổi tùy theo hoàn cảnh, không gian, thời gian; cũng là một loại phương pháp phát triển hướng thượng. Trong các kinh luận Phật Giáo thường dùng từ này, quy nạp lại thì ý nghĩa của nó có thể phân làm 4 loại:
(1) Đối với pháp chân thật mà nói, là pháp môn giả lập ra để dẫn dụ chúng sanh đi vào pháp chân thật; nên được gọi là Quyền Giả Phương Tiện (權假方便), Thiện Xảo Phương Tiện (善巧方便); tức chư Phật, Bồ Tát tùy theo căn cơ của chúng sanh để dùng các loại phương pháp ban cho lợi ích.
(2) Đối với Thật Trí (實智) của Bát Nhã mà nói. Theo Vãng Sanh Luận Chú (徃生論註) quyển hạ của Đàm Loan (曇鸞, 476-?), Bát Nhã là đạt đến tuệ như như, phương tiện là thông trí quyền xảo; nên lấy Quyền Trí (權智) để quán chiếu những sai biệt hiện ra trong Bình Đẳng Thật Trí (平等實智).
(3) Hai trí quyền và thật đều là pháp môn do chư Phật, Bồ Tát thường dùng để hóa độ chúng sanh.
(4) Là hạnh gia trì, tu tập để chúng ngộ chân lý.
Lại nữa, trong 12 phương tiện của Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘義章) quyển 15 do Huệ Viễn (慧遠, 523-592) nhà Tùy trước tác, Pháp Hoa Huyền Tán (法華玄讚) của Khuy Cơ (窺基, 632-682), cũng có nêu ra 4 loại phương tiện khác, gồm:
(1) Tấn Thú Phương Tiện (進趣方便), giống như 7 phương tiện trước khi ngộ đạo, tức sự chuẩn bị hướng đến Bồ Đề.
(2) Quyền Xảo Phương Tiện (權巧方便), như Phương Tiện Trí trong 2 loại trí tuệ, lấy pháp môn của Ba Thừa để tùy theo vật mà quyền hiện.
(3) Thí Tạo Phương Tiện (施造方便, hay Thí Vi Phương Tiện [施爲方便]), như Phương Tiện Ba La Mật (方便波羅蜜) trong 10 Ba La Mật, tức làm những việc thiện xảo để đạt đến mục đích lý tưởng.
(4) Tập Thành Phương Tiện (集成方便), như thuyết về 6 tướng của Thập Địa Kinh Luận (十地經論), các pháp đồng thể nhưng biến tướng hiện thành, nghĩa là bản chất của các pháp đều như nhau; trong một có tất cả, và trong tất cả cũng thành một.
Hơn nữa, theo Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) quyển 7 của Đại Sư Trí Khải (智顗), có nêu ra 3 loại phương tiện là Pháp Dụng (法用), Năng Thông (能通) và Bí Diệu (祕妙); ứng với đối tượng của Tam Giáo Tạng (藏), Thông (通) và Biệt (別). Tịnh Danh Kinh Sớ (淨名經疏) lại đề cập đến 3 loại phương tiện khác là Tự Hành (自行), Hóa Tha (化他) và Tự Tha (自他), v.v. Câu “Từ tâm vô lượng, quảng khai phương tiện chi huyền môn (慈心無量、廣開方便之玄門)” trong lòng văn sớ trên có nghĩa là với tâm từ bi vô lượng, chư Phật đã mở rộng cánh cửa vi diệu của phương tiện để cứu độ chúng sanh; cho nên hình thức cúng Cầu Siêu, Cầu An cũng là phương tiện trong muôn vàn phương tiện khác của Phật Giáo.
(增賀, Zōga, 917-1003): vị Tăng của Thiên Thai Tông, sống vào khoảng giữa thời Bình An, húy là Tăng Hạ (增賀), thường được gọi là Đa Võ Phong Tiên Đức (多武峰先德), xuất thân vùng Kyoto; con của Tham Nghị Quất Hằng Bình (參議橘恆平). Năm 10 tuổi, ông lên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan), theo hầu Lương Nguyên (良源). Năm 963, theo lời khuyên của Như Giác (如覺), ông đến sống trong núi Đa Võ Phong (多武峰) thuộc vùng Đại Hòa (大和, Yamato). Mỗi năm bốn mùa ông đều chuyên tu Pháp Hoa Tam Muội (法華三昧), đến năm 964 thì giảng Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀), rồi năm sau thì giảng Pháp Hoa Văn Cú (法華文句). Vào năm 996, nhân mùa kiết hạ An Cư, ông đọc tụng Pháp Hoa Kinh và cảm ứng được Quan Âm cũng như Văn Thù Bồ Tát, rồi sống mãi trong núi ấy suốt 41 năm trường. Tác phẩm của ông để lại có Du Già Sư Địa Luận Vấn Đáp (瑜伽師地論問答) 7 quyển, Vô Ngôn Niệm Phật Quán (無言念佛觀) 1 quyển, Pháp Hoa Huyền Nghĩa Sao (法華玄義鈔). Hơn nữa, theo như trong Bản Triều Pháp Hoa Nghiệm Ký (本朝法華驗記) có ghi về việc ông đã tu trì Pháp Hoa Kinh và khi lâm chung thì thể hiện dưới hình thức như sau: “Tụng Pháp Hoa Kinh thủ kết Kim Cang Ấn tọa Thiền cư nhập diệt (誦法華經手結金剛印坐禪居入滅, ông vừa tụng Kinh Pháp Hoa, tay bắt Ấn Kim Cang, ở thế tọa Thiền mà nhập diệt).” Như vậy theo nhận xét trên của tác giả Ngu Quản Sao (愚管抄, Gukanshō), ta có thể suy đoán được rằng hình thái khi lâm chung của Pháp Nhiên (法然) không giống với Tăng Hạ Thượng Nhân. Có nghĩa rằng khi Pháp Nhiên thị tịch, có lẽ ông đã bắt Ấn Kim Cang và tọa Thiền. Và hình thức khi Pháp Nhiên thị tịch như thế nào thì tác giả cũng không ghi rõ chi tiết.
(天台宗, Tendai-shū): tên gọi của một trong 13 tông phái lớn của Phật Giáo Trung Quốc, học phái lấy Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Trí Khải (天台智者大師智顗, 538-597) của Trung Quốc làm vị Cao Tổ, lấy Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng (傳敎大師最澄, Saichō, 767-822) của Nhật làm Tông Tổ. Tông này còn được gọi là Pháp Hoa Viên Tông (法華圓宗) hay Thiên Thai Pháp Hoa Tông (天台法華宗). Chính vị tổ sư của tông này là Trí Khải đã từng sống ở núi Thiên Thai, nên lấy tên núi này đặt tên cho tông phái của mình. Tông này dựa trên tông chỉ của Pháp Hoa Kinh, lấy Ngũ Thời Bát Giáo (五時八敎) làm giáo tướng, rồi lấy Thập Thừa Quán Pháp (十乘觀法), Nhất Niệm Tam Thiên (一念三千), Thập Giới Hỗ Cụ (十界互具), Chư Pháp Thật Tướng (諸法實相) làm quán tâm mà tu tập. Ở Trung Quốc,trước thời Trí Khải có Huệ Văn (慧文) và Huệ Tư (慧思), sau này Trí Khải đã để lại rất nhiều trước tác như Tam Đại Bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa (三大部法華玄義), Pháp Hoa Văn Cú(法華文句), Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀),v.v. Tiếp theo đó trải qua các đời của Quán Đảnh (觀頂), Trí Uy (智威), Huệ Uy (慧 威), Huyền Lãng (玄朗), cho đến Lục Tổ Kinh Khê Trạm Nhiên (湛然) đã tiến hành chú thích rất nhiều kinh điển và làm cho tông này hưng thịnh tột độ. Đến dưới thời vị tổ thứ 12 là Thanh Tủng (清竦) có hai nhân vật Nghĩa Tịch (義寂) và Chí Nhân (志因); từ đó tông này chia thành 2 phái là Sơn Gia (山家) và Sơn Ngoại (山外). Phái Sơn Gia có Trí Lễ (智禮) xuất hiện và đã nỗ lực phục hưng tông phong. Đối với trường hợp Nhật Bản thì cả 3 bộ kinh luận của Thiên Thai Đại Sư đều được truyền vào nhưng không phát triển cho mấy; sau này Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng mới học giáo lý này, sang nhà Đường cầu pháp và trực tiếp được chân truyền, vì thế ông được xem như là vị tổ khai sáng ra Thiên Thai Tông Nhật Bản. Đối với Thiên Thai Tông của Nhật, ngoài Thiên Thai Viên Giáo ra còn có sự hợp nhất của Thiền pháp, Viên Đốn Giới, và Mật Giáo nữa. Đây chính là đặc thù nỗi bật nhất của Thiên Thai Tông Nhật Bản, khác với Thiên Thai Tông của Trung Quốc. Đặc biệt từ sau thời của Từ Giác Đại Sư Viên Nhân (慈覺大師圓仁) và Trí Chứng Đại Sư Viên Trân (智証大師圓珍) thì yếu tố mang tính Mật Giáolại càng mạnh thêm. Tuy nhiên, về sau Phái Sơn Môn (山門派) của Từ Giác (慈覺) lấy trung tâm là Diên Lịch Tự (延曆寺, Enryaku-ji) trên Tỷ Duệ Sơn, còn Phái Tự Môn (寺門派) của Trí Chứng (智証) lấy Viên Thành Tự (園城寺, Onjō-ji) làm trung tâm, bắt đầu phân liệt và tranh giành nhau thế lực. Bên cạnh đó lại xuất hiện Thiên Thai Luật Tông (天台律宗) của Phái Chơn Thạnh (眞盛派), bắt đầu tách riêng ra khỏi sơn môn vào cuối thế kỷ thứ 15. Chính Đạo Nguyên (道元, Dōgen), Vinh Tây (榮西, Eisai), v.v., tổ sư khai sáng các tông phái Thiền của Nhật sau này, cũng đã từng xuất gia theo Thiên Thai Tông, và cũng từ đây mà chuyển hướng sang Thiền. Sau khi vị Tông Tổ qua đời, nội bộ mâu thuẩn nhau và các dòng phái phân chia rõ rệt. Trong đó, có ba dòng căn bản nhất của Thai Mật là Dòng Căn Bản Đại Sư (根本大師流), Dòng Từ Giác Đại Sư (慈覺大師流) và Dòng Trí Chứng Đại Sư (智証大師流). Trong ba dòng trên thì dòng của Từ Giác Đại Sư là dòng hưng thạnh nhất, rồi từ hai dòng nầy lại xuất hiện ra hai nhân vật nổi tiếng là Hoàng Khánh (皇慶) ở Đông Tháp Nam Cốc và Giác Siêu (覺超) ở Hoành Xuyên (横川). Sau nầy, hai vị nầy lại phân chia thành hai dòng khác gọi là Dòng Cốc (谷流) và Dòng Xuyên (川流). rồi từ hai dòng nầy, lại phân chia thành 13 chi nhánh nhỏ khác, gọi chung là 13 dòng Thai Mật. Đồng thời với sự phân phái mạnh mẽ của Thiên Thai Mật Giáo thì Thiên Thai Viên Giáo vốn lấy giáo học của vị Tông Tổ làm trung tâm đã phát triển rõ rệt. Khởi đầu là hai vị môn hạ tuyệt bích của Từ Huệ Đại Sư Lương Nguyên (良源) là Huệ Tâm Viện Nguyên Tín (慧心院源信) và Đàn Na Viện Giác Vận (檀那院覺運). Họ lấy tên mình đặt cho hai dòng phái là Dòng Huệ Tâm và Đàn Na. Hai dòng nầy lại phân chia thành 8 dòng khác, gọi là Huệ Đàn Bát Lưu (慧檀八流). Theo bản Tôn Giáo Niên Giám (宗敎年鑑, năm 1997) của Bộ Văn Hóa Nhật Bản, hiện tại trong hệ Thiên Thai có các tông phái như sau: (1) Thiên Thai Tông (天台宗, 3,349 ngôi chùa), (2) Thiên Thai Tự Môn Tông (天台寺門宗, 235 ngôi chùa), (3) Thiên Thai Chơn Thạnh Tông (天台眞盛宗, 426 ngôi chùa), (4) Bổn Sơn Tu Nghiệm Tông (本山修驗宗, 218 ngôi chùa), (5) Kim Phong Sơn Tu Nghiệm Bổn Tông (金峰山修驗本宗, 211 ngôi chùa), (6) Hòa Tông (和宗, 29 ngôi chùa), (7) Phấn Hà Quan Âm Tông (粉河觀音宗, 5 ngôi chùa), (8) Vũ Hắc Sơn Tu Nghiệm Bổn Tông (羽黑山修驗本宗, 23 ngôi chùa), (9) Thánh Quan Âm Tông (聖觀音宗, 26 ngôi chùa). Một số ngôi chùa trung tâm nổi tiếng của tông này là Diên Lịch Tự (延曆寺, Enryaku-ji, Shiga-ken), Trung Tôn Tự (中尊寺, Chūson-ji, Iwate-ken), Luân Vương Tự (輪王寺, Rinnō-ji, Tōchigi-ken), Khoan Vĩnh Tự (寛永寺, Kanei-ji, Tōkyō-to), Thiện Quang Tự (善光寺, Zenkō-ji, Nagano-ken), Tư Hạ Viện (滋賀院, Shiga-in), Diệu Pháp Viện (妙法院, Myōhō-in, Kyōto-shi), Tam Thiên Viện (三千院, Sanzen-in, Kyōto-shi), Thanh Liên Viện (青蓮院, Shōren-in, Kyōto-shi), Mạn Thù Viện (曼殊院, Manshu-in, Kyōto-shi), Tỳ Sa Môn Đường (毘沙門堂, Bishamon-dō, ), Mao Việt Tự (毛越寺, Mōtsū-ji, Iwate-ken), Thâm Đại Tự (深大寺, Jindai-ji, Tōkyō-to), Quang Tiền Tự (光前寺, Kōzen-ji, Nagano-ken), Thủy Gian Tự (水間寺, Mizuma-dera, Ōsaka-fu), (圓敎寺, Engyō-ji, Hyōgo-ken), v.v.
(智顗, Chigi, 538-597): vị Thiền tăng thống nhiếp Phật Giáo Trung Quốc trong khoảng 3 triều đại Lương, Trần và Tùy với Thiên Thai giáo nghĩa của ông, vị tổ sư khai sáng ra Thiên Thai Tông. Ông cũng được xem như là vị tổ sư thứ 3, kế thừa Huệ Văn (慧文) và Huệ Tư (慧思). Xuất thân từ Huyện Hoa Dung (華容), Kinh Châu (荆州, thuộc Tỉnh Hồ Nam ngày nay), ông là con của Trần Khởi Tổ (陳起祖), vị cao quan thời nhà Lương, tự là Đức An (德安). Lúc 15 tuổi, ông gặp phải nạn Hầu Cảnh (候景), đến năm 18 tuổi thì xuất gia ở Quả Nguyện Tự (果願寺) vùng Sương Châu (湘州, thuộc Trường Sa, tỉnh Hồ Nam). Sau một thời gian đi tham học tu tập ở các nơi, đến năm 23 tuổi, ông đến làm môn hạ của Huệ Tư (慧思) ở Đại Tô Sơn (大蘇山), Quang Châu (光州), tu học Pháp Hoa Tam Muội và được khai ngộ. Vâng theo lời thầy, ông cùng với nhóm Pháp Hỷ (法喜) gồm 27 người vào Kim Lăng (金陵, Nam Kinh), thuyết giảng Pháp Hoa Kinh ở Ngõa Quan Tự (瓦官寺). Từ đó Thỉ Hưng Vương (始興王) nhà Trần và một số vị cao quan khác ở Kim Lăng cũng quy y theo ông; hơn nữa các vị cao tăng như Pháp Tế (法濟), Đại Nhẫn (大忍), Huệ Biện (慧辨), Huệ Vinh (慧榮), v.v., ở đây cũng đến nghe pháp. Đến năm 34 tuổi, ông từ giã kinh thành trở về Thiên Thai Sơn và bắt đầu lập nên hệ thống Thiên Thai giáo học. Vào năm 584, nhận lời cung thỉnh của vua Trần, ông đến Linh Diệu Tự (靈曜寺) và Quảng Trạch Tự (廣擇寺) thuyết giảng. Đến năm 588, vì chiến loạn ông phải đến lánh nạn ở địa phương Kinh Châu (荆州) và Lô Sơn (廬山); nhưng sau khi nhà Tùy thống nhất thì Văn Đế và Tấn Vương Quảng quy y theo ông. Chính ông đã truyền trao Bồ Tát giới cho Tấn Vương, và được ban tặng hiệu là Trí Giả Đại Sư (智者大師). Sau đó ông sáng lập nên Ngọc Tuyền Tự (玉泉寺) ở cố hương của mình là Kinh Châu, rồi năm 593 thì giảng bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義), và năm sau thì bộ Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀). Sau ông đi xuống vùng Dương Châu, dâng hiến bộ Duy Ma Sớ (維摩疏) cho Tấn Vương, và lại trở về Thiên Thai Sơn, thành lập nên quy phạm của giáo đoàn và nỗ lực xác lập học thuyết Chỉ Quán. Vào năm 597, trên đường lên kinh đô theo lời thỉnh cầu của Tần Vương, ông thọ bệnh ở Thạch Thành Tự (石城寺) và thị tịch tại đây vào ngày 24 tháng 11 cùng năm. Các sách giảng thuật của ông ngoài Tam Đại Bộ là Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義), Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) và Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀) ra, còn có một số soạn thuật hơn 10 bộ dựa trên Duy Ma Kinh, Kim Quang Minh Kinh, Quán Âm Kinh để giải thích về Ngũ Trùng Huyền Nghĩa (五重玄義) như Thứ Đệ Thiền Môn (次第禪門), Lục Diệu Pháp Môn (六妙法門), Thiên Thai Tiểu Chỉ Quán (天台小止觀), v,v. Từ tư tưởng Pháp Hoa Tam Muội (法華三昧), Tam Quy Tam Quán (三歸三觀), Nhất Niệm Tam Thiên (一念三千), Ngũ Thời Bát Giáo (五時八敎), v.v., mang tính độc đáo riêng biệt của mình, ông được xưng tụng như là người thứ nhất hình thành nên Phật Giáo Trung Quốc. Ông là người đầu tiên thiết lập nên hồ phóng sanh rất nổi tiếng mà vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.
(四明知禮, Shimei Chire, 960-1028): vị tăng của Thiên Thai Tông Trung Quốc, xuất thân vùng Tứ Minh (四明, Tỉnh Triết Giang), họ Kim (金), tự là Ước Ngôn (約言). Năm lên 7 tuổi, ông đã để tang mẹ, bèn phát nguyện xuất gia, và năm 15 tuổi thì thọ Cụ Túc giới, chuyên tâm nghiên cứu về Luật tạng. Năm 20 tuổi, ông theo Bảo Vân Nghĩa Thông (寳雲義通) học giáo điển Thiên Thai, được 1 tháng sau thì có thể giảng Tâm Kinh được. Vào năm thứ 2 (991) niên hiệu Thuần Hóa (純化), ông đến trú trì Càn Phù Tự (乾符寺). Đến năm đầu (995) niên hiệu Chí Đạo (至道), ông chuyển đến sống ở Bảo Ân Viện (保恩院) thuộc Tứ Minh Sơn (四明山). Vào năm thứ 2 (1009) niên hiệu Tường Phù (祥符), công việc trùng kiến ngôi Bảo Ân Viện được hoàn thành, và năm sau thì được ban sắc ngạch chùa là Diên Khánh Tự (延慶寺). Chính nơi đây ông đã chuyên tâm sám hối trong vòng hơn 40 năm và học chúng theo ông rất đông. Ông là nhân vật trung tâm của Phái Sơn Gia (山家派), đối lập với hệ thống Phái Sơn Ngoại (山外派) của Ngộ Ân (晤恩) và các môn hạ của nhân vật này như Hồng Mẫn (洪敏), Nguyên Thanh (源清), Trí Viên (智圓), Khánh Chiêu (慶昭), v.v., trong vòng 40 năm trường. Cả hai phái này kéo dài luận tranh và phần lớn các nghị luận đều do Tri Lễ làm ra và những văn thư trao đổi qua lại giữa hai phái này được thâu lục vào trong Thập Nghĩa Thư (十義書), Quán Tâm Nhị Bách Vấn (觀心二百問), v.v. Trong đó tác phẩm tiêu biểu là Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao (十不二門指要鈔), ngoài ra còn có một số bản chú sớ về các tác phẩm của Trí Khải (智顗). Môn hạ của ông chia thành 3 dòng, hưng thịnh qua các triều đại không hề dứt tuyệt. Vua Chơn Tông nhà Tống cảm niệm công đức của ông, bèn tặng cho hiệu là Pháp Trí Đại Sư (法智大師). Sau này ông được tôn xưng là vị tổ thứ 17 của Thiên Thai Tông. Vì ông thường trú tại Tứ Minh Diên Thọ Tự, nên người đời thường gọi ông là Tứ Minh Tôn Giả (四明尊者), Tứ Minh Đại Sư (四明大師). Vào năm thứ 6 niên hiệu Thiên Thánh (天聖), ông niệm A Di Đà Phật mấy trăm biến rồi an nhiên thị tịch, hưởng thọ 69 tuổi. Bình sanh ông tập trung vào việc trước tác, giảng diễn và sám hối, kể từ năm thứ 2 (999) niên hiệu Hàm Bình (咸平), ông giảng Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義) 7 lần, Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) 8 lần, Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀) 8 lần, Đại Niết Bàn Kinh (大涅槃經) 1 lần, Tịnh Danh Kinh Sớ (淨名經疏) 2 lần, Kim Quang Minh Kinh Huyền Sớ (金光明經玄疏) 10 lần, Quan Âm Biệt Hành Huyền Sớ (觀音別行玄疏) 7 lần, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ (觀無量壽佛經疏) 7 lần, v.v. Môn đồ của ông có rất nhiều, trong đó có những nhân vật xuất chúng như Thượng Hiền (尚賢), Bổn Như (本如), Phạn Trăn (梵臻), v.v. Trước tác của ông để lại có Kim Quang Minh Kinh Văn Cú Ký (金光明經文句記), Giải Báng Thư (解謗書), Đại Bi Sám Pháp (大悲懺法), Tu Sám Yếu Chỉ (修懺要指), Quang Minh Sám Nghi (光明懺儀), Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Dung Tâm Giải (觀無量壽佛經融心解), Quán Âm Biệt Hành Huyền Nghĩa Ký (觀音別行玄義記), Quán Âm Biệt Hành Sớ Ký (觀音別行疏記), Thích Thỉnh Quán Âm Sớ Trung Tiêu Phục Tam Dụng (釋請觀音疏中消伏三用), Vấn Mục Nhị Thập Thất Điều Đáp Thích (問目二十七條答釋), Nhị Thập Vấn (二十問), Biệt Lý Tùy Duyên Nhị Thập Vấn (別理隨緣二十問), v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.252.19 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập