Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Pháp đàn »»
(高貴寺, Kōki-ji): ngôi chùa của Chơn Ngôn Tông, hiện tọa lạc tại Kanan-chō (河南町), Minamikawauchi-gun (南河內郡), Osaka-fu (大阪府); tên núi là Thần Hạ Sơn (神下山). Theo truyền ký của chùa cho biết rằng khi Văn Võ Thiên Hoàng (文武天皇, Mommu Tennō, tại vị 697-707) cho chép phẩm thứ 28 của Kinh Pháp Hoa, rồi đem an trí 28 nơi tại Cát Thành Sơn (葛城山), và chùa này thuộc một trong 28 chỗ đó, với tên gọi ban đầu là Thần Hạ Sơn Hương Sơn Tự (神下山香山寺). Đến thời Tha Nga Thiên Hoàng (嵯峨天皇, Saga Tennō, tại vị 809-823), Hoằng Pháp Đại Sư đã có lần đến quải tích dựng thảo am tại đây. Khi Đại Sư tu pháp Tam Mật Du Già, thấy xuất hiện ánh sáng kỳ diệu dưới sàng của Cao Quý Đức Vương Bồ Tát (高貴德王菩薩), nên mới đổi tên chùa thành Cao Quý Tự. Từ đó, thể theo sắc chỉ của Thiên Hoàng, các ngôi đường tháp, già lam được tạo dựng; nhưng sau đó do vì binh hỏa nên ngọn pháp đăng nơi đây hầu như tắt ngúm. Tuy nhiên, về sau khoảng thời gian niên hiệu Khoan Vĩnh (寛永, 1772-1781), Huệ Vân (慧雲) mới đến vùng này tu hành, dần dần chiếm được uy tín với Hoàng Thất, ông tiến hành phục hưng ngôi già lam này, và đến năm 1786 thì được tôn làm vị Tổ thứ nhất thời Trung Hưng của chùa. Cảnh nội của chùa có Kim Đường, Khai Sơn Đường, Giảng Đường, Thập Tam Tháp, Ngự ảnh Đường, Huệ Vân Tôn Giả Thảo Am, v.v.
(孤峰覺明, Kohō Kakumyō, 1271-1361): vị tăng của Phái Pháp Đăng thuộc Lâm Tế Tông Nhật Bản, hiệu là Cô Phong (孤峰), xuất thân Hội Tân (會津, Aizu, thuộc Fukushima-ken [福島縣]), họ Bình (平), sinh năm thứ 8 niên hiệu Văn Vĩnh (文永). Năm lên 7 tuổi, ông đã để tang mẹ, đến năm 17 tuổi ông theo xuất gia với giảng sư Lương Phạm (良範), thọ giới trên Duệ Sơn (叡山), học giáo lý Thiên Thai được 8 năm, sau đó theo hầu Pháp Đăng Quốc Sư Vô Bổn Giác Tâm (法燈國師無本覺心) ở Hưng Quốc Tự (興國寺) được 3 năm. Tiếp theo, ông đến tham học với Liễu Nhiên Pháp Minh (了然法明) ở Xuất Vũ (出羽, Dewa) và thỉnh giáo nơi Cao Phong Hiển Nhật (高峰顯日), Nam Phố Thiệu Minh (南浦紹明), v.v. Đến năm đầu (1311) niên hiệu Ứng Trường (應長), ông sang nhà Nguyên, đến tham yết Trung Phong Minh Bổn (中峰明本) ở Thiên Mục Sơn (天目山). Ngoài ra ông còn tham học với các danh tăng khác như Nguyên Ông Tín (元應信), Cổ Lâm Thanh Mậu (古林清茂), Đoạn Nhai Liễu Nghĩa (斷崖了義), Vân Ngoại Vân Tụ (雲外雲岫), Vô Kiến Tiên Đỗ (無見先覩), v.v. Sau khi trở về nước, ông lại đến tham vấn Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾) ở Vĩnh Quang Tự (永光寺) vùng Năng Đăng (能登, Noto), thọ bồ tát giới và khai sáng Vân Thọ Tự (雲樹寺) tại vùng Xuất Vân (出雲, Izumo). Vào đầu niên hiệu Nguyên Hoằng (元弘), Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng (後醍醐天皇) mời ông đến truyền giới và ban cho hiệu là Quốc Tế Quốc Sư (國濟國師). Đến năm thứ 2 (1346) niên hiệu Trinh Hòa (貞和), ông tiến hành tái kiến Hưng Quốc Tự, rồi đến sống ở Diệu Quang Tự (妙光寺), được Hậu Thôn Thượng Thiên Hoàng (後村上天皇) ban tặng cho hiệu là Tam Quang Quốc Sư (三光國師) và thể theo sắc chỉ của nhà vua ông làm tổ khai sơn Cao Thạch Đại Hùng Tự (高石大雄寺) ở vùng Hòa Tuyền (和泉, Izumi). Chính trong khoảng thời gian này, ông đã dâng sớ thỉnh cầu triều đình ban cho thầy ông là Oánh Sơn Thiệu Cẩn tước hiệu Thiền Sư. Vào ngày 24 tháng 5 năm thứ 16 (1361) niên hiệu Chánh Bình (正平, tức năm đầu niên hiệu Khang An [康安]), ông thị tịch, hưởng thọ 91 tuổi đời và 75 hạ lạp.
(等覺): tên gọi khác của đức Phật, còn gọi là Đẳng Chánh Giác (等正覺), một trong 10 đức hiệu của Phật. Đẳng (等) nghĩa là bình đẳng; giác (覺) tức là giác ngộ; sự giác ngộ của chư Phật là bình đẳng, nhất như, nên được gọi là Đẳng Giác. Như trong Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 10 có cho biết rằng: “Chư Phật đẳng cố, danh vi Đẳng Giác (諸佛等故、名爲等覺, các đức Phật bình đẳng nên có tên là Đẳng Giác).” Hay như trong Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Bà Tẩu Bàn Đầu Bồ Tát Tạo Tinh Chú (無量壽經優婆提舍願生偈婆藪槃頭菩薩造幷註, tức Tịnh Độ Luận Chú [淨土論註], Vãng Sanh Luận Chú [往生論註], Taishō Vol. 40, No. 1819) quyển Thượng cũng giải thích rằng: “Dĩ chư pháp đẳng cố, chư Như Lai đẳng, thị cố chư Phật Như Lai danh vi Đẳng Giác (以諸法等故、諸如來等、是故諸佛如來名爲等覺, vì các pháp bình đẳng, nên các Như Lai bình đẳng, vì vậy các đức Phật Như Lai có tên gọi là Đẳng Giác).” Trong 52 vị của giai vị Đại Thừa, vị Bồ Tát ở giai vị thứ 51 được gọi là Đẳng Giác, là địa vị tối cao của Bồ Tát. Nghĩa là khi đầy đủ ba kỳ trăm kiếp tu hành, Bồ Tát của Biệt Giáo thì đoạn tận 11 phẩm vô minh, Bồ Tát của Viên Giáo thì đoạn tận 41 phẩm vô minh, sẽ chứng đắc Phật quả Diệu Giác; công đức trí tuệ của vị ấy ngang hàng với Diệu Giác; nên được có tên là Đẳng Giác, hay gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ (一生補處, ý chỉ một kiếp kế tiếp sẽ thành Phật), Kim Cang Tâm (金剛心, tâm kiên cố như kim cương, có thể phá tan phiền não), Hữu Thượng Sĩ (有上士, đức Phật Diệu Giác thì được gọi là Vô Thượng Sĩ, bậc Đẳng Giác thì có tên như vậy), Vô Cấu Địa (無垢地, đạt đến cảnh giới không cấu nhiễm), v.v. Như trong Tứ Giáo Nghi (四敎儀, Taishō Vol. 46, No. 1929) quyển 10 có đoạn rằng: “Nhược vọng Pháp Vân danh chi vi Phật, vọng Diệu Giác danh Kim Cang Tâm Bồ Tát, diệc danh Vô Cấu Địa Bồ Tát (若望法雲名之爲佛、望妙覺名金剛心菩薩、亦名無垢地菩薩, nếu hướng về quả vị Pháp Vân Địa thì gọi đó là Phật, hướng về Diệu Giác thì gọi là Bồ Tát Kim Cang Tâm, cũng có tên là Bồ Tát Vô Cấu Địa).” Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀, Taishō Vol. 46, No. 1911) quyển 1 khẳng định rằng: “Cứu cánh tức Bồ Đề giả, Đẳng Giác nhất chuyển nhập ư Diệu Giác (究竟卽菩提者、等覺一轉入於妙覺, cứu cánh tức Bồ Đề nghĩa là Đẳng Giác một lần chuyển nhập vào Diệu Giác).”
(地藏菩薩本願經): còn gọi là Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh (地藏本願經), Địa Tạng Bổn Hạnh Kinh (地藏本行經), Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh (地藏本誓力經); gọi tắt là Địa Tạng Kinh (地藏經). Đây là kinh điển quan trọng tán dương nguyện lực cao cả, vĩ đại của Bồ Tát Địa Tạng (s: Kṣitigarbha, 地藏) như có đề cập trong kinh là: “Địa Ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề (地獄未空誓不成佛、眾生度盡方證菩提, Địa Ngục chưa hết thề không thành Phật, chúng sanh độ sạch mới chứng Bồ Đề).” Kinh được thâu lục vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (大正新脩大藏經, Taishō Vol. 13, No. 412). Do vì nguyên lưu của kinh không được rõ ràng, sau khi được thâu lục vào Đại Tạng Kinh dưới thời nhà Minh (明, 1368-1662), học giả Phật Giáo hoài nghi rằng có bộ phận của kinh không phải do được truyền nhập từ Ấn Độ vào, mà do chế tác tại Trung Quốc. Về dịch giả, phần đầu kinh có ghi là “Đường Vu Điền Quốc Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà dịch (唐于闐國三藏沙門實叉難陀譯, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà [s: Śikṣānanda, 529-645, tức Giới Hiền] của nước Vu Điền nhà Đường dịch).” Nhưng bản nhà Minh thì lại ghi là Pháp Đăng (法燈), Pháp Cự (法炬) dịch. Trên thực tế, dịch giả và niên đại dịch kinh này vẫn chưa xác định rõ. Như trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋敎錄, Taishō Vol. 55, No. 2154) do Trí Thăng (智昇) của Sùng Phước Tự (崇福寺) nhà Đường, cũng như Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục (貞元新定釋敎目錄, Taishō Vol. 55, No. 2157) do Sa Môn Viên Chiếu (圓照) ở Tây Minh Tự (西明寺), Tây Kinh (西京) biên soạn, cho biết rằng Thật Xoa Nan Đà dịch được 19 bộ kinh điển, nhưng lại không thấy đề cập đến bộ kinh Địa Tạng này. Đại Sư Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, 1535-1615) nhà Minh lại y cứ vào lời bạt đầu kinh mà cho là Thật Xoa Nan Đà dịch. Tuy nhiên, đại đa số các bản lưu thông thời nhà Minh lại ghi là do Pháp Đăng và Pháp Cự dịch. Trong khi đó, hai nhân vật này không rõ thuộc thời đại nào. Tại Việt Nam, bản thông dụng do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Việt dịch cũng căn cứ vào bản Hán dịch của Pháp Sư Pháp Đăng. Kinh này được đề cập đến đầu tiên trong Địa Tạng Bồ Tát Tượng Linh Nghiệm Ký (地藏菩薩像靈驗記, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 87, No. 1638), tác phẩm được thâu tập vào khoảng niên hiệu Đoan Củng (端拱, 988-989) nhà Bắc Tống, do Sa Môn Truyền Giáo Thường Cẩn (常謹) ghi lời tựa vào năm Kỷ Sửu (989) cùng niên hiệu trên. Bản này có trích dẫn nội dung của Phẩm Phân Thân Công Đức (分身功德品) và cho biết rằng Phạn bản của kinh được Sa Môn Trí Hựu (知祐) của Tây Ấn Độ mang đến Thanh Thái Tự (清泰寺), Trung Quốc vào khoảng niên hiệu Thiên Phước (天福, 936-948) của vua Cao Tổ Thạch Kính Đường (高祖石敬瑭, tại vị 936-942) nhà Hậu Tấn, thời Ngũ Đại. Thêm vào đó, tác phẩm Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục (三寶感應要略錄, Taishō Vol. 51, No. 2084) do Thích Phi Trọc (釋非濁) thâu lục, cũng có đề cập đến nội dung của Phẩm Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông (忉利天宮神通品), từ đó mới biết được rằng kinh này đã được lưu hành dưới thời Bắc Tống. Gần đây, tại Tây Hạ, người ta có phát hiện bản văn tiếng Tây Hạ của Địa Tạng Kinh Tàn Bản, và đây cũng là chứng cứ cho biết rằng trước thời nhà Tống, Kinh Địa Tạng đã được truyền vào Nhật Bản rồi. Về nội dung, kinh được hình thành bởi 13 phẩm chính:
(1) Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông Phẩm (忉利天宮神通品),
(2) Phân Thân Tập Hội Phẩm (分身集會品),
(3) Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên Phẩm (觀眾生業緣品),
(4) Diêm Phù Chúng Sanh Nghiệp Cảm Phẩm (閻浮眾生業感品),
(5) Địa Ngục Danh Hiệu Phẩm (地獄名號品),
(6) Như Lai Tán Thán Phẩm (如來讚歎品),
(7) Lợi Ích Tồn Vong Phẩm (利益存亡品),
(8) Diêm La Vương Chúng Tán Thán Phẩm (閻羅王眾讚歎品),
(9) Xưng Phật Danh Hiệu Phẩm (稱佛名號品),
(10) Giảo Lượng Bố Thí Công Đức Duyên Phẩm (校量布施功德緣品),
(11) Địa Thần Hộ Pháp Phẩm (地神護法品),
(12) Kiến Văn Lợi Ích Phẩm (見聞利益品) và
(13) Chúc Lụy Nhân Thiên Phẩm (囑累人天品).
Các bản chú giải liên quan đến kinh có Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Khoa Văn (地藏本願經科文, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 21, No. 382), 1 quyển, của Tần Khê Thanh Liên Đại Sư (秦谿青蓮大師); Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú (地藏本願經科註, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 21, No. 384), 6 quyển, của Thanh Liên Bí Sô Linh Thừa (青蓮苾芻靈乘) ở Cổ Diêm Khuông Am (古鹽匡菴); Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Luân Quán (地藏本願經綸貫, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 21, No. 383), 1 quyển, cũng do Thanh Liên Bí Sô Linh Thừa soạn, v.v. Đối với tín ngưỡng dân gian, Kinh Địa Tạng đóng vai trò quan trọng trong việc cầu siêu độ cho những vong linh thân nhân quá vãng. Cho nên, tại Việt Nam, vào dịp Lễ Vu Lan, Lễ Chung Thất Trai Tuần, lễ Húy Nhật, Đại Trai Đàn Chẩn Tế, v.v., kinh này được trì tụng rất phổ biến.
(融通念佛宗, Yūzūnembutsushū): một trong 13 tông phái lớn của Nhật Bản, còn gọi là Đại Niệm Phật Tông (大念佛宗). Vị Tông Tổ sáng lập ra tông phái này Thánh Ứng Đại Sư Lương Nhẫn (聖應大師良忍). Năm 1117, ông cảm đắc được câu kệ của A Di Đà Như Lai là “nhất nhân nhất thiết nhân, nhất thiết nhân nhất nhân, nhất hạnh nhất thiết hạnh, nhất thiết hạnh nhất hạnh, thị danh tha lực vãng sanh, Thập Giới nhất niệm, dung thông niệm Phật, ức bách vạn biến, công đức viên mãn (一人一切人、一切人一人、一行一切行、一切行一行、是名他力徃生、十界一念、融通念佛、億百萬遍、功德圓滿, một người hết thảy mọi người, hết thảy mọi người một người, một hạnh hết thảy mọi hạnh, hết thảy mọi hạnh một hạnh, ấy tên tha lực vãng sanh, mười cõi một niệm, dung thông niệm Phật. trăm vạn ức biến, công đức tròn đầy)”, rồi lấy câu kệ này làm tư tưởng căn bản; và nhân lúc đó làm năm khai sáng Tông này. Khi ấy, ông lấy bức tranh vẽ tượng Phật ở giữa và có 10 vị Thánh cung quanh làm tượng thờ chính, và ngôi chùa trung tâm của Tông này là Đại Niệm Phật Tự (大念佛寺, Dainembutsu-ji), hiện tọa lạc tại Hirano-ku (平野區), Ōsaka-shi (大阪市). Vị Tông Tổ Lương Nhẫn sinh ra ở vùng Phú Đa (富多), Quận Tri Đa (知多郡, Chita-gun), Vĩ Châu (尾州, Bishū, thuộc Aichi-ken [愛知縣]). Năm lên 12 tuổi, ông lên xuất gia trên Duệ Sơn, làm vị tăng Hành Đường ở Đông Tháp. Nơi đây ông thường tham gia tu pháp môn niệm Phật không gián đoạn, nên đã tạo cơ hội bồi dưỡng thêm cho thiên tài về âm nhạc của Lương Nhẫn. Về sau, ông đến ẩn cư ở vùng Đại Nguyên (大原, Ōhara), hoàn thành phần Thanh Minh do Viên Nhân (圓仁, Ennin) truyền lại, và khai xướng ra pháp môn Dung Thông Niệm Phật với khúc hợp xướng mang tính âm nhạc. Sau ông lại được cảm đắc về giáo lý Tự Tha Dung Thông (自他融通) từ đức Di Đà Như Lai, và khai sáng ra Dung Thông Niệm Phật Tông. Từ đó tiếng tăm ông vang khắp, chúng đạo tục khắp các nơi tập trung theo ông rất đông. Pháp môn Dung Thông Niệm Phật của Lương Nhẫn được tổ chức theo cách ghi tên vào sổ danh bạ, nên mọi người được gọi là Đồng Chí. Còn xướng niệm Phật thì chủ trương có công đức dung thông với nhau, cả đời này và đời sau đều được lợi ích to lớn. Sau khi Lương Nhẫn qua đời, có Nghiêm Hiền (嚴賢, tức Lương Huệ [良惠]), Minh Ứng (明應), Quán Tây (觀西), Tôn Vĩnh (尊永), Lương Trấn (良鎭) kế thừa ông; nhưng đến thời Pháp Minh (法明, tức Lương Tôn [良尊]) tiếp nối Lương Trấn, thì ngọn pháp đăng bị tuyệt diệt trong khoảng thời gian 140 năm trường. Tuy nhiên, chính trong khoảng thời gian này, Dung Thông Niệm Phật Tông lại được truyền bá đến các địa phương khác nhờ các vị Thánh Niệm Phật (念佛聖) và Thánh Khuyến Tấn (勸進聖). Trong số đó có Đạo Ngự (道御, tức Viên Giác Thập Vạn Thượng Nhân [圓覺十萬上人]) đã khởi xướng ra Dung Thông Đại Niệm Phật Cuồng Ngôn (融通大念佛狂言, ngày nay gọi là Nhâm Sanh Cuồng Ngôn [壬生狂言]) ở Địa Tạng Viện (地藏院) thuộc vùng Nhâm Sanh (壬生) vào năm 1257, rồi Dung Thông Đại Niệm Phật Hội (融通大念佛會) ở Pháp Kim Cang Viện (法金剛院) vào năm 1276, cũng như tại Thanh Lương Tự (清涼寺) vào năm 1279. Thêm vào đó, vị Tổ sư của Thời Tông (時宗, Jishū) là Nhất Biến (一遍, Ippen) cũng được gọi là “vị Thánh khuyên người Niệm Phật Dung Thông”. Nguyên lai, Dung Thông Niệm Phật của Lương Nhẫn là hình thức niệm Phật hợp xướng với số đông người, từ việc thể nghiệm sự cảm đắc mang tính huyễn mộng bằng cảm giác thông qua âm điệu phong phú, và cuối cùng trở thành Đại Niệm Phật. Hơn nữa, vì pháp môn này phù hợp với hoạt động quyên góp tiền để xây dựng chùa chiền, nên Tông này đã vượt qua các tông phái khác để lan truyền rộng rãi khắp toàn quốc nước Nhật; từ đó tập đoàn Dung Thông Niệm Phật cũng được hình thành ở các địa phương. Thư tịch hiện tồn nói lên sự hoạt động hưng thạnh rực rõ của tông phái này là Dung Thông Niệm Phật Duyên Khởi Hội Quyển (融通念佛緣起繪巻). Người có công lao to lớn trong việc lưu truyền di phẩm này là Lương Trấn. Kể từ năm 1382 cho đến 1423, trong vòng 42 năm trường, ở mỗi tiểu quốc trong nước Nhật đều được phân bố 1 hay 2 bản này. Những vị Thánh Khuyến Tấn tập trung theo Lương Trấn thì vẽ các bức tranh giải thích rõ về tác phẩm này, rồi khuyên mọi người tham gia vào Dung Thông Niệm Phật Tông; ghi tên những ai kết duyên với tông phái vào sổ danh bạ, và đem nạp vào Lưu Ly Đường (瑠璃堂) của Đương Ma Tự (當麻寺, Taima-ji) ở tiểu quốc Đại Hòa (大和, Yamato). Những hành sự đáng lưu ý nhất hiện tại vẫn còn được tiến hành trong Dung Thông Niệm Phật Tông là Ngự Hồi Tại (御回在), Truyền Pháp (傳法). Về lễ Ngự Hồi Tại, hằng năm người ta thường lấy tượng thời chính của Tông này đem đi vòng quanh các nhà tín đồ để cầu nguyện cũng như cúng dường cho tổ tiên. Còn lễ Truyền Pháp thì chỉ giới hạn trong 2 ngày mồng 5 và mồng 7 hằng tháng. Khi ấy, các tự viện trở thành đạo tràng nghiêm tịnh, các tín đồ đệ tử tập trung về tham bái, lễ sám, dội nước lên mình, nghe pháp tu hành, thọ giới Viên Đốn, và được truyền trao cho pháp an tâm của Tông môn. Hiện tại, tông này có khoảng 357 ngôi chùa khắp nơi trong nước như Ōsaka-fu (大阪府), Kyoto-fu (京都府), Nara-ken (奈良縣), Mie-ken (三重縣), Hyōgo-ken (兵庫縣).
(立石寺, Risshaku-ji): ngôi chùa của Thiên Thai Tông, tọa lạc tại Yamagata-shi (山形市), Yamagata-ken (山形縣), thường được gọi là Sơn Tự (山寺, Yama-dera), do Viên Nhân (圓仁, Ennin) sáng lập. Tại Căn Bổn Trung Đường của chùa vẫn còn giữ lại ngọn pháp đăng được chuyển từ Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan) đến khi thánh địa này bị đốt cháy tan tành. Về sau, chùa cũng gặp phải nạn hỏa hoạn, nhưng nhờ sự viện trợ đắc lực của hai dòng họ Tối Thượng (最上) và Đức Xuyên (德川), chùa phục hưng và hưng thạnh trở lại. Căn Bổn Trung Đường và tháp nhỏ 3 tầng là các kiến trúc của thời đại Thất Đinh, và hiện tại chùa vẫn còn lưu giữ nhiều kiến trúc quan trọng khác. Trong những năm gần đây, người ta phát hiện ra tiêu tượng, hình đầu và di cốt của Viên Nhân trong hang nhập định của ông. Chính Ba Tiêu (芭蕉, Bashō), nhà Haiku nổi danh của Nhật, đã từng đến đây tham bái và để lại bài Haiku tuyệt tác về chùa này.
(五山派, Gozan-ha): trong Thiền Tông dưới thời đại Liêm Thương có các tông phái mà do những người đến triều đình Nhật mang vào từ Trung Hoa Đại Lục, và có những tông phái mà do những người đến Nhật truyền thừa vào. Những tông phái được mang vào do nhóm người đến triều đình Nhật gồm các phái của Lâm Tế Tông như Phái Đại Giác (大覺派) do Lan Khê Đạo Long (蘭溪道隆) làm tổ, Phái Phật Quang (佛光派) do Vô Học Tổ Nguyên (無學祖元) làm tổ, Phái Phật Nguyên (佛源派) do Đại Hưu Chánh Niệm (大休正念) làm tổ, Phái Nhất Sơn (一山) do Nhất Sơn Nhất Ninh (一山一寧) làm tổ, Phái Đại Giám (大鑑派) do Thanh Chuyết Chánh Trừng (清拙正澄) làm tổ, và Phái Cổ Lâm (古林派) do Trúc Tiên Phạn Tiên (竺仙梵僊) làm tổ, v.v.; cọng thêm đó còn có Phái Tông Hoằng (宗宏派) của Tào Động Tông do Đông Minh Huệ Nhật (東明慧日) làm tổ. Mặt khác, những tông phái do nhóm người sang đến Nhật truyền vào gồm các phái của Lâm Tế Tông như Phái Hoàng Long (黃龍派) do Minh Am Vinh Tây (明菴榮西) làm tổ, Phái Thánh Nhất (聖一派) của Viên Nhĩ Biện Viên (圓爾辨圓), Phái Pháp Đăng (法燈派) của Vô Bổn Giác Tâm (無本覺心), Phái Đại Ứng (大應派) của Nam Phố Thiệu Minh , v.v.; và phái của Tào Động Tông do Đạo Nguyên (道元) sáng lập. Đến thời đại Thất Đinh, trong số các phái như đã trình bày ở trên, trừ phái của Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji) thuộc Tào Động Tông và Phái Đại Ứng của Lâm Tế Tông ra, các phái Thiền Tông được sự bảo hộ và thống chế của chính quyền Mạc Phủ Thất Đinh, lấy những ngôi chùa quan làm cứ điểm hành đạo, phát triển rộng khắp toàn quốc, và cuối thời đại Thất Đinh thì trở thành chủ lưu của Thiền mà phồn vinh cực độ. Phái Ngũ Sơn là tiếng gọi tổng xưng của các phái Thiền Tông, hay còn gọi là Ngũ Sơn Tùng Lâm (五山叢林).
(幡[旛]): một loại cờ dài, hẹp, treo rũ thẳng xuống, có ghi nội dung tùy theo mục đích của buổi lễ; còn gọi là lá phướn. Như trong Sử Ký (史記) quyển 117, truyện Tư Mã Tương Như (司馬相如) có đoạn: “Thùy giáng phan chi tố nghê hề, tải vân khí nhi thượng phù (垂絳幡之素蜺兮、載雲氣而上浮, cầu vồng trắng phan đỏ chừ, chở khí mây mà nổi lên). Trong Phật Giáo, loại này thường được dùng với nhiều ý nghĩa, mục đích và tên gọi khác nhau: (1) Bạch Phan (白幡) hay Dẫn Lộ Phan (引路幡) là loại lá phướn dài, hẹp, màu trắng, được dùng bài trí trước linh cữu trong khi đám tang; với ý nghĩa là để dẫn dắt linh hồn người quá cố; trên đó ghi tên họ, quê quán, pháp danh, v.v., những thông tin liên quan đến người quá cố. Tại Việt Nam, loại này thường có màu đỏ, được gọi là lá Triệu. (2) Tràng Phan (幢幡) được xem như là một loại pháp khí, rất thông dụng trong các Pháp đàn của Phật Giáo lẫn Đạo Giáo, dùng để cáo Trời đất, mời gọi chư Thần linh. Tràng (幢) khác với Phan ở điểm là trên đầu của lá Tràng thường có lọng che, cầm với cây cán; còn Phan thì không có lọng che, cầm trực tiếp bằng tay. Như trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (妙法蓮華經) quyển 1, Phẩm Tựa (序品) thứ nhất có câu: “Nhất nhất tháp miếu, các thiên tràng phan (一一塔廟、各千幢幡, mỗi một tháp miếu, có ngàn tràng phan).” (3) Bạch Hổ Phan (白虎幡) là loại lá phướn trên có trang trí hình con hổ trắng, dùng để truyền tin chiếu lệnh. Như trong Tống Thư (宋書) quyển 40, phần Bách Quan Chí (百官志) có đoạn: “Triêu hội yến hưởng, tắc Tướng Quân nhung phục, trực thị tả hữu, dạ khai thành chư môn, tắc chấp Bạch Hổ Phan giám chi (朝會宴饗、則將軍戎服、直侍左右、夜開城諸門、則執白虎幡監之, sáng gặp yến tiệc, tất Tướng Quân mặc nhung phục, hai bên có người hầu hạ, đêm về mở các cửa thành, thì cầm Phan Bạch Hổ đi giám sát). (4) Phan Cái (幡蓋) là một loại tràng phan trên có lọng che, dùng để trang trí tại các nơi tôn nghiêm như đền thờ, chùa chiền, v.v. Như trong bài thơ Đăng Thiên Phước Tự Sở Kim Thiền Sư Pháp Hoa Viện Đa Bảo Tháp (登千福寺楚金禪師法華院多寶塔) của Sầm Tham (岑參, khoảng 715-770) có câu: “Phần hương như vân đồn, phan cái san san thùy (焚香如雲屯、幡蓋珊珊垂, hương xông như mây tụ, phan cái rũ leng keng).” Trong Công Văn Đàn Tràng, thường có các loại Phan như Trùng Tang Phan (重喪旛), Thập Nhị Thần Sát Phan (十二神煞旛), Chiêu Linh Phan (召靈旛), Thiên Lôi Phan (天雷旛), Thất Như Lai Phan (七如來旛), v.v.
(心地覺心, Shinchi Kakushin): tức Vô Bổn Giác Tâm (無本覺心, Muhon Kakushin, 1207-1298), vị Tổ của Phái Pháp Đăng (法燈派) thuộc Lâm Tế Tông Nhật Bản; húy là Giác Tâm (覺心), đạo hiệu Vô Bổn (無本), hiệu là Tâm Địa Phòng (心地房); thụy hiệu Pháp Đăng Thiền Sư (法燈禪師), Pháp Đăng Viên Minh Quốc Sư (法燈圓明國師); xuất thân vùng Tín Nùng (信濃, Shinano, thuộc Nagano-ken [長野縣]), họ là Hằng (恆, có thuyết cho là Thường Trừng [常澄]). Vào năm thứ 3 (1221) niên hiệu Thừa Cửu (承久), ông vào Thần Cung Viện ở quê mình mà học kinh sử, rồi đến năm 29 tuổi thì đến Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) đăng đàn thọ Cụ Túc Giới. Tiếp đến, ông theo hầu Giác Phật (覺佛) ở Truyền Pháp Viện (傳法院) trên Cao Dã Sơn (高野山, Kōyasan) mà tu học về Mật Giáo, rồi kế đến ông đến tham bái Thối Canh Hành Dũng (退耕行勇) ở Kim Cang Tam Muội Viện (金剛三昧院). Sau đó, ông lại đến bái yết Đạo Nguyên (道元) ở Cực Lạc Tự (極樂寺, Gokuraku-ji) thuộc vùng Thâm Thảo (深草, Fukakusa) và thọ Bồ Tát Giới với vị này. Tiếp theo ông còn đến tham vấn nhiều nơi như Vinh Triêu (榮朝) ở Trường Lạc Tự (長樂寺, Chōraku-ji) vùng Thượng Dã (上野, Ueno, thuộc Gunma-ken [群馬縣]), Sanh Liên (生蓮) ở Tâm Hành Tự (心行寺) vùng Giáp Phỉ (甲斐, Kai, thuộc Yamanashi-ken [山梨縣]), Tạng Tẩu Lãng Dự (藏叟朗譽) ở Thọ Phước Tự (壽福寺, Jufuku-ji), và Thiên Hựu Tư Thuận (天祐思順) ở Thắng Lâm Tự (勝林寺, Shōrin-ji). Đến năm thứ 3 (1249) niên hiệu Bảo Trị (寶治), ông khởi chí muốn sang nhà Tống cầu pháp, rồi lênh đênh trải qua hai tháng trường mới đến được vùng Cửu Châu. Đến năm thứ 10 (1250) niên hiệu Thuần Hựu (淳祐), ông đến được Dục Vương Sơn (育王山), rồi tham yết Vô Môn Huệ Khai (無門慧開) và đắc pháp của vị này. Sau đó, ông trở về nước, lên Cao Dã Sơn, nương theo Long Thiền (隆禪) ở Thiền Định Viện (禪定院) làm Thủ Tòa ở đây, nhưng sau ông lại từ giã nơi ấy mà đến ở tại Thứu Phong Sơn (鷲峰山) thuộc vùng Kỷ Y (紀伊, Kii, thuộc Wakayama-ken [和歌山懸]). Vào năm thứ 4 (1264) niên hiệu Hoằng Trường (弘長), Nguyện Chủ Nguyện Tánh (願主願性) của Tây Phương Tự (西方寺, Saihō-ji, sau là Hưng Quốc Tự [興國寺]) nhường chùa này lại cho Giác Tâm. Năm thứ 4 (1281) niên hiệu Hoằng An (弘安), Quy Sơn Thiên Hoàng (龜山天皇, Kameyama Tennō) cho mời ông đến ở tại Thắng Lâm Tự (勝林寺, Shōrin-ji) trong Kinh Đô để thường xuyên vấn pháp, rồi Hậu Vũ Đa Thiên Hoàng (後宇多天皇, Gouda Tennō) cũng biến ly cung của mình thành Thiền lâm, rồi thỉnh ông làm sơ Tổ nơi ấy, nhưng ông đã cố từ mà không nhận. Vào ngày 13 tháng 10 năm thứ 6 niên hiệu Vĩnh Nhân (永仁), ông thị tịch tại Tây Phương Tự, hưởng thọ 92 tuổi. Quy Sơn Thiên Hoàng ban thụy hiệu cho ông là Pháp Đăng Thiền Sư; sau đó Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng (後醍醐天皇, Godaigo Tennō) còn ban tặng thêm cho ông thụy hiệu khác là Pháp Đăng Viên Minh Quốc Sư. Tương truyền tâm ông mến mộ vùng Phổ Hóa (普化), Trấn Châu (鎭州), thường hay thổi sáo hát ca, nên được kính ngưỡng như là vị Tổ của Tông Phổ Hóa (普化宗).
(石雨明方, Sekiu Myōhō, 1593-1648): vị tăng của Tào Động Tông Trung Quốc, tự là Thạch Vũ (石雨), sinh ngày 29 tháng giêng năm thứ 21 (1593) niên hiệu Vạn Lịch (萬曆) nhà Minh, xuất thân Võ Đường (武塘), Phủ Gia Hưng (嘉興府, Tỉnh Triết Giang), họ là Trần (陳). Ông đến tham học và xuất gia với Tây Trúc Tông (西築宗). Vào năm thứ 43 (1615) niên hiệu Vạn Lịch, ông đến tham yết Trạm Nhiên Viên Trừng (湛然圓澄) ở Thạch Phật Tự (石佛寺), Gia Hưng (嘉興). Tu hành khắc khổ trong vòng 7 năm, cuối cùng ông kế thừa dòng pháp của vị này. Đến năm thứ 5 (1632) niên hiệu Sùng Trinh (崇禎), ông làm trú trì Thiên Hoa Tự (天華寺) ở Phủ Thiệu Hưng (紹興府, Tỉnh Triết Giang) và sau đó từng sống qua các chùa khác như Vân Môn Thánh Hiển Tự (雲門聖顯寺), Bảo Thọ Sơn Quang Hiếu Tự (寶壽山光孝寺) ở Hàng Châu (杭州, Tỉnh Triết Giang), Di Sơn Tây Thiền Tự (怡山西禪寺), Tuyết Phong Tự (雪峰寺) ở Phúc Châu (福州, Tỉnh Phúc Kiến), Linh Sơn Tự (靈山寺) ở Đinh Châu (汀州, Tỉnh Phúc Kiến), Phổ Minh Tự (普明寺) ở Phủ Kiến Ninh (建寧府, Tỉnh Phúc Kiến), Linh Phong Tự (靈峰寺) ở Khảo Đình (考亭), Long Môn Sơn Ngộ Không Tự (龍門山悟空寺) ở Hàng Châu, Đông Tháp Quảng Phước Tự (東塔廣福寺) ở Phủ Gia Hưng (嘉興府, Tỉnh Triết Giang), Cao Đình Sơn Phật Nhật Tự (皐亭山佛日寺) ở Hàng Châu, Tượng Điền Tự (象田寺) và Lan Ngạc Sơn Tự (蘭萼山寺) ở Phủ Thiệu Hưng (紹興府). Vào ngày mồng 8 tháng giêng năm thứ 5 (1648) niên hiệu Thuận Trị (順治), ông thị tịch, hưởng thọ 56 tuổi đời và 35 hạ lạp. Môn nhân là Viễn Môn Tịnh Trú (遠門淨住) biên tập bộ Thạch Vũ Thiền Sư Pháp Đàn (石雨禪師法檀) 20 quyển và soạn bản Hành Trạng (行狀).
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.54.83 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập