Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Phạm Võng Kinh »»
(s: Kumārajīva, j: Kumarajū, 鳩摩羅什, 344-413, có thuyết cho là 350-409): âm dịch tiếng Phạn là Cứu Ma La Thập (究摩羅什), Cưu Ma La Thập Bà (鳩摩羅什婆), Cưu Ma La Đổ Bà (鳩摩羅耆婆), Cưu Ma La Thời Bà (鳩摩羅時婆), Câu Ma La Đổ Bà (拘摩羅耆婆), gọi tắt là La Thập (羅什), ý dịch là Đồng Thọ (童壽), còn gọi là La Thập Tam Tạng (羅什三藏). Ông người gốc nước Quy Tư (龜兹, thuộc vùng Sớ Lặc [疏勒], Tân Cương [新疆]), một trong 4 nhà dịch kinh vĩ đại của Trung Quốc. Cả cha mẹ ông đều tin thờ Phật. Cha là Cưu Ma La Viêm (鳩摩羅炎), gốc người Ấn Độ, từ bỏ ngôi vị Tể Tướng và xuất gia. Sau đó, ông đi du hóa khắp nơi, đến nước Quy Tư thuộc trung ương Châu Á, được quốc vương nước này kính mộ, rồi kết hôn với em gái nhà vua là Đổ Bà (耆婆) và sanh ra được một người con. Tên của Cưu Ma La Thập được hợp thành bởi tên cha (Cưu Ma La Viêm) và mẹ (Đổ Bà). Lúc nhỏ La Thập đã thông mẫn, năm lên 7 tuổi theo cha nhập đạo tu tập, rồi đi du học khắp xứ Thiên Trúc (天竺), tham cứu khắp các bậc tôn túc nổi tiếng đương thời, nghe rộng và ghi nhớ kỹ, nên tiếng tăm vang khắp. Sau đó ông trở về cố quốc, nhà vua trong nước tôn kính ông làm thầy. Vua Phù Kiên (符堅) nhà Tiền Tần (前秦) nghe đức độ của ông, bèn sai tướng Lữ Quang (呂光) đem binh đến rước ông. Lữ Quang chinh phạt miền Tây giành thắng lợi, rồi đến nghênh đón La Thập về kinh, nhưng giữa đường nghe Phù Kiên qua đời, bèn tự xưng vương ở Hà Tây (河西), do đó La Thập phải lưu lại Lương Châu (涼州) 16, 17 năm. Mãi cho đến khi Diêu Hưng (姚興) nhà Hậu Tần tấn công dẹp tan nhà họ Lữ, La Thập mới có thể đến Trường An (長安) được, tức là sau khi Đạo An (道安) qua đời 16 năm. Lúc bấy giờ là năm thứ 5 (401) niên hiệu Long An (隆安) nhà Đông Tấn. Diêu Hưng bái ông làm Quốc Sư, thỉnh ông đến trú tại Tiêu Dao Viên (逍遙園), cùng với Tăng Triệu (僧肇), Tăng Nghiêm (僧嚴) tiến hành công tác dịch kinh. Từ đó về sau, vào tháng 4 năm thứ 5 (403) niên hiệu Hoằng Thỉ (弘始) nhà Hậu Tần (後秦), La Thập bắt đầu dịch Trung Luận (中論), Bách Luận (百論), Thập Nhị Môn Luận (十二門論), Bát Nhã (般若), Pháp Hoa (法華), Đại Trí Độ Luận (大智度論), A Di Đà Kinh (阿彌陀經), Duy Ma Kinh (維摩經), Thập Tụng Luật (十頌律), v.v. Có nhiều thuyết khác nhau về số lượng kinh luận do ông phiên dịch. Xuất Tam Tạng Ký Tập (出三藏記集) cho là 35 bộ, 294 quyển. Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋敎錄) là 74 bộ, 384 quyển. Từ khi Phật Giáo được truyền vào Trung Hoa, số lượng kinh điển Hán dịch ngày càng tăng nhiều, tuy nhiên lối dịch phần nhiều không thông suốt, văn chương khó hiểu, chẳng nhất trí với nguyên bản. Riêng La Thập thì vốn thông hiểu nhiều ngôn ngữ ngoại quốc, cho nên nội dung phiên dịch của ông hoàn toàn khác xa với các dịch bản trước đây, văn thể tuy giản dị nhưng súc tích, rõ ràng. Suốt đời La Thập đã đem tất cả năng lực của mình để phiên dịch các kinh điển Đại Thừa thuộc hệ Bát Nhã, cùng với những luận thư của học phái Trung Quán thuộc hệ Long Thọ (龍樹), Đề Bà (提婆). Những kinh điển Hán dịch của ông có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự phát triển Phật Giáo ở Trung Hoa. Sau này Đạo Sanh (道生) truyền Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận về phương Nam, kinh qua Tăng Lãng (僧朗), Tăng Thuyên (僧詮), Pháp Lãng (法朗), cho đến Cát Tạng (吉藏) nhà Tùy thì hình thành hệ thống Tam Luận Tông, và thêm vào Đại Trí Độ Luận (大智度論) để thành lập học phái Tứ Luận. Ngoài ra, Kinh Pháp Hoa (法華經) do ông phiên dịch đã tạo nhân duyên cho Thiên Thai Tông ra đời; Thành Thật Luận (成實論) là điển tịch trọng yếu của Thành Thật Tông; A Di Đà Kinh (阿彌陀經) cũng như Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毘婆沙論) là kinh luận sở y của Tịnh Độ Tông. Bên cạnh đó, Di Lặc Thành Phật Kinh (彌勒成佛經) giúp cho tín ngưỡng Di Lặc phát triển cao độ; Phạm Võng Kinh (梵綱經) ra đời làm cho toàn Trung Quốc được truyền Đại Thừa giới; Thập Tụng Luật (十頌律) trở thành tư liệu nghiên cứu quan trọng về Luật học. Môn hạ của La Thập có hơn 3.000 người, trong số đó những nhân vật kiệt xuất có Đạo Dung (道融), Tăng Duệ (僧叡), Tăng Triệu (僧肇), Đạo Sanh (道生), Đàm Ảnh (曇影), Huệ Quán (慧觀), Đạo Hằng (道恒), Đàm Tế (曇濟), Tăng Đạo (僧導), v.v. Ông được kính ngưỡng như là vị tổ của Tam Luận Tông. Vào năm thứ 9 (413, có thuyết cho là năm thứ 5 [409]) niên hiệu Nghĩa Hy (義熙), ông thị tịch, hưởng thọ 70 tuổi.
(覺道): có hai nghĩa chính. (1) Chỉ con đường chánh giác, giác ngộ, chứng thành Phật quả, đồng nghĩa với đạo Bồ Đề. Như trong Bảo Tinh Đà La Ni Kinh (寶星陀羅尼經, Taishō Vol. 13, No. 402) có câu: “Như Lai sơ chứng giác đạo, độ Mục Liên thân tử, cập hàng phục ma vương, hộ trì quốc độ (如來初證覺道、度目連身子、及降伏魔王、護持國土, đức Như Lai lúc mới chứng đạo Bồ Đề, độ mẹ con Mục Liên, cùng hàng phục ma vương, hộ trì đất nước).” Hay trong Phạm Võng Kinh Trực Giải (梵網經直解, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 38, No. 697) quyển Hạ giải thích rằng: “Bồ Đề, Hoa ngôn giác đạo, diệc danh đạo thọ; phàm nhất thiết chư Phật, giai tại thử thọ hạ thị thành vô thượng giác đạo cố dã (菩提、華言覺道、亦名道樹、凡一切諸佛、皆在此樹下示成無上覺道故也, Bồ Đề, Tàu gọi là con đường giác ngộ, còn gọi là đạo thọ; vì phàm hết thảy chư Phật, đều dưới cây này thị hiện thành đạo giác ngộ vô thượng vậy).” (2) Từ gọi chung của Thất Giác Chi (s: saptapodhyaṅgāni, p: satta-pojjharigā, 七覺支) và Bát Chánh Đạo (s: āryāṣṭāṇga-mārga, āryāṣṭāṇgika-mārga, p: ariyāṭṭhaṅgika-magga, 八正道).
(華嚴宗, Kegon-shū): tông phái được thành lập vào khoảng đời nhà Tùy cho đến đầu nhà Đường và hìnhthành nên giáo học cố hữumang tính căn bản dựa trên kinh điển tối cao là Hoa Nghiêm Kinh (s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 華嚴經) và tư tưởng của bộ kinh này. Theo cách nhìn truyền thống thì có hai thuyết: Ngũ Tổ và Thất Tổ. Ngũ Tổ gồm Sơ Tổ Đỗ Thuận (杜順, 557-640), Nhị Tổ Trí Nghiêm (智嚴, 602-668), Tam Tổ Pháp Tạng (法藏, 643-712), Tứ Tổ Trừng Quán (澄觀, 738-839) và Ngũ Tổ Tông Mật (宗密, 780-841). Thất Tổ thì trước Đỗ Thuận có thêm vào Mã Minh (Aśvaghoṣa, 馬鳴, khoảng thế kỷ thứ 2) và Long Thọ (Nāgārjuna, 龍樹, khoảng 150-250). Ở Trung Hoa, sau thời Tông Mật thì Hoa Nghiêm Tông bắt đầu yếu dần thế lực. Đến năm 671 có Nghĩa Sương (義湘), người đồng hàng sư huynh của Pháp Tạng, đã truyền tông này sang Tân La (新羅, tức Triều Tiên); và vào năm 736 thì Thẩm Tường (審祥), môn hạ của Pháp Tạng, truyền tông này sang Nhật Bản. Bên cạnh căn cứ vào Hoa Nghiêm Kinh, Hoa Nghiêm Tông của Nhật còn chú trọng đến Phạm Võng Kinh (梵綱經), lập cước ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), kết hợp giữa tư tưởng của Lý Thông Huyền (李通玄) và tư tưởng Mật Giáo. Thêm vào đó, việc xác lập nên hệ thống giáo học Đông Đại Tự của Ngưng Nhiên (凝然, Gyōnen, 1240-1321) là điểm trọng yếu.
(和光同塵): vốn xuất xứ từ lời dạy của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh (道德經) rằng: “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần (和其光、同其塵, hòa với ánh sáng ấy, đồng với bụi trần ấy)”; nghĩa là cùng với trần tục hợp lại với nhau, nhưng không tự lập dị. Theo Phật Giáo, từ này chỉ cho chư Phật, Bồ Tát vì cứu độ chúng sanh mà ẩn tàng ánh sáng trí tuệ, lấy phương tiện quyền giả của Ứng Hóa Thân (應化身) mà sanh ra nơi cõi trần thế đầy rẫy phiền não, khổ đau; cùng kết duyên với chúng sanh, dần dần dẫn dắt họ đến với Phật pháp, nhưng vẫn siêu trần thoát tục; như trường hợp Phổ Môn Thị Hiện của Bồ Tát Quan Âm (s: Avalokiteśvara, 觀音), v.v. Như trong Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀, Taishō Vol. 46, No. 1911) quyển 6 có dạy rằng: “Hòa quang đồng trần, kết duyên chi thỉ; Bát Tướng Thành Đạo, dĩ luận kỳ chung (和光同塵、結緣之始、八相成道、以論其終, hòa quang đồng trần, ban đầu kết duyên; Tám Tướng Thành Đạo, để luận chung cuộc).” Tuy nhiên, Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō Vol. 12, No. 375) quyển 6 lại đưa ra thuyết “hòa quang bất đồng trần (和光不同塵)” với ý nghĩa rằng chư Phật, Bồ Tát vì muốn đạt mục đích cứu độ chúng sanh nên cùng hòa hợp với chúng sanh nơi cõi trần thế, nhưng không bị ô nhiễm. Cho nên, Duy Ma Kinh Lược Sớ Thùy Dụ Ký (維摩經略疏垂裕記, Taishō Vol. 38, No. 1779) quyển 5 có dạy rằng: “Hòa quang bất đồng kỳ trần giả phương tiện hiện tật, cố viết hòa quang; nội vô hoặc nghiệp, cố bất đồng trần (和光不同其塵者方便現疾、故曰和光、內無惑業、故不同塵, hòa cùng ánh sáng mà chẳng đồng với bụi trần ấy, phương tiện hiện ra tật bệnh, nên gọi là hòa quang; trong không có nghiệp mê hoặc, nên không đồng trần).” Trong Quy Sơn Cảnh Sách Chú (溈山警策註, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 63, No. 1239) lại có câu rằng: “Ẩn mai kỳ tích nhi hòa quang đồng trần, thao tàng hư danh nhi khử hoa vụ thật (隱晦其跡而和光同塵、韜藏虛名而去華務實, mai danh ẩn tích mà hòa quang đồng trần, giấu kín hư danh mà bỏ hoa lấy quả).” Hay trong Phạm Võng Kinh Trực Giải (梵網經直解, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 38, No. 697) cũng có đoạn rằng: “Chư Phật Bồ Tát, giáo hóa chúng sanh, tất nhiên ẩn Thánh hiện liệt, hòa quang đồng trần, dĩ đồng chúng sanh thân tướng sự nghiệp, như ảnh tùy hình, cửu hóa phương quy, sử kỳ giải thoát; thị cố giả thọ Tứ Đại huyễn thân, giả thọ Ngũ Uẩn hình mạng, nhi nhập lợi ích Tam Muội (諸佛菩薩、敎化眾生、必然隱聖現劣、和光同塵、以同眾生身相事業、如影隨形、久化方皈、使其解脫、是故假受四大幻身、假受五蘊形命、而入利益三昧, chư Phật Bồ Tát, giáo hóa chúng sanh, tất nhiên giấu sự Thánh thiện mà hiện ra sự yếu kém, hòa quang đồng trần, để cùng với thân tướng sự nghiệp của chúng sanh, như bóng theo hình, hóa độ lâu mới quy phục; cho nên mới giả thọ thân huyễn Bốn Đại, giả thọ hình hài Năm Uẩn, mà nhập vào lợi ích Tam Muội).”
(靈空, Reikū, 1652-1739): vị Tăng của Thiên Thai Tông Nhật Bản, sống vào đầu và giữa thời đại Giang Hộ, Tổ của Dòng An Lạc Viện (安樂院流); húy là Quang Khiêm (光謙), tự Linh Không (靈空), hiệu Huyễn Huyễn Am (幻幻庵), xuất thân vùng Phước Cương (福岡, Fukuoka), Trúc Tiền (筑前, Chikuzen, thuộc Fukuoka-ken [福岡縣]), họ Cương Thôn (岡村, Okamura). Vào năm 1665, ông xuất gia tại Tùng Nguyên Am (松源庵) ở vùng Trúc Tiền, đến năm 1668 thì lên tu học trên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan). Năm 1678, ông thọ 10 điều cấm giới trong Phạm Võng Kinh (梵綱經), rồi năm sau thì thọ tiếp 48 giới khinh từ Diệu Lập (妙立, Myōryū). Đến năm 1689, ông viết cuốn Tịch Tà Biên (闢邪編) để bài xích pháp môn truyền khẩu gọi là Huyền Chỉ Quy Mạng Đàn (玄指歸命壇). Vào năm 1693, ông nhận lệnh của Công Biện (公辯) đến trú trì An Lạc Viện (安樂院), rồi chỉnh bị chỉnh bị nơi đây thành đạo tràng truyền bá Luật Tông, biến thành cứ địa của Phái An Lạc Luật (安樂律派), chuyên kiêm học cả Phạn Cương Đại Giới (梵綱大戒) và Tứ Phần Luật (四分律). Ông chuyển Tịnh Danh Viện (淨名院) ở Khoan Vĩnh Tự (寬永寺) vùng Giang Hộ (江戸, Edo) thành Luật Viện, kiến lập Hưng Vân Viện (興雲院) ở vùng Nhật Quang (日光, Nikkō), v.v., và tận lực phục hưng Thiên Thai Giáo Quán. Trước tác của ông có Tịch Tà Biên 1 quyển, Pháp Hoa Hoằng Truyền (法華弘傳) 2 quyển, Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao Tường Giải Ngạn Thuyên (十不二門指要抄詳解諺詮) 3 quyển, Tức Tâm Niệm Phật An Tâm Quyết Định Đàm Nghĩa Bổn (卽心念佛安心決定談義本) 1 quyển, v.v.
(能仁): dịch nghĩa của Thích Ca Mâu Ni (s: Śākya-muni, 釋迦牟尼), là người có đức nhân từ, bậc hiền nhân, cũng là tên gọi khác của đức Phật Thích Ca. Trong Phạm Võng Kinh Thuật Ký (梵綱經述記) quyển thượng có đoạn rằng: “Thích Ca Mâu Ni, Đại Đường phiên vân Năng Tịch, cựu diệc vân Năng Mãn, diệc vân Năng Nhân (釋迦牟尼、大唐翻云能寂、舊亦云能滿、亦云能仁, Thích Ca Mâu Ni, nhà Đường [Trung Hoa] dịch là Năng Tịch; xưa kia cũng dịch là Năng Mãn hay Năng Nhân).”
(蕅益智旭, Gueki Chikyoku, 1599-1655): vị tăng sống dưới thời nhà Minh, người Mộc Độc (木瀆), Huyện Ngô (呉縣, Tỉnh Giang Tô), họ là Chung (鍾), tên Tế Minh (際明), tự Ngẫu Ích (蕅益), hiệu Bát Bất Đạo Nhân (八不道人). Hồi nhỏ ông học Nho học, từng soạn ra Tịch Phật Luận (闢佛論) khoảng 10 thiên. Đến năm lên 17 tuổi, nhân đọc bộ Tự Tri Lục (自知錄) và Trúc Song Tùy Bút (竹窗隨筆) của Liên Trì Châu Hoằng (蓮池袾宏), mới biết mình đã phạm phải sai lầm lớn, bèn đem cuốn Tịch Phật Luận đốt đi. Năm 20 tuổi, ông tụng Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh (地藏本願經), phát khởi chí nguyện xuất gia. Năm 23 tuổi, ông phát 48 lời nguyện, tự đặt tên là Đại Lãng Ưu Bà Tắc (大朗優婆塞). Nhân nghe giảng Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (大佛頂首楞嚴經), ông sanh tâm nghi ngờ các vấn đề như làm sao có sự giác ngộ lớn, làm thế nào sanh khởi hư không cùng với thế giới, cho nên cuối cùng ông quyết chí xuất gia. Đến năm 24 tuổi, ông theo xuất gia với Tuyết Lãnh (雪嶺), đệ tử của Hám Sơn (憨山), đổi tên là Trí Húc. Trong khoảng thời gian mùa hạ và thu, ông đến nghe giảng về Duy Thức Luận (唯識論) ở Vân Thê Tự (雲棲寺), bỗng nhiên chỗ nghi ngờ càng mâu thuẩn hơn với tông chỉ của Phật Đảnh Kinh. Ông bèn đến Kinh Sơn ngồi Thiền, bỗng nhiên ngộ được rằng hai tông tánh và tướng vốn không xung đột và mâu thuẩn lẫn nhau. Đến năm 26 tuổi, ông thọ Bồ Tát giới, rồi năm sau thì đọc hết Luật tạng. Nhân vì bệnh tình nguy ngập, ông chuyên tâm cầu được vãng sanh về Tịnh Độ. Đến năm 30 tuổi, thể theo lời thỉnh cầu của đạo hữu Tuyết Hàng (雪航), ông đến Long Cư Tự (龍居寺) giảng thuyết về Luật. Sau ông đến Kim Lăng (金陵), rất đau xót trước những sa sút, suy đồi về tông môn, nên từ đó ông quyết chí hoằng truyền Luật. Năm 32 tuổi, nhân muốn chú thích Kinh Phạm Võng (梵綱經), nên ông tham cứu tường tận giáo nghĩa Thiên Thai. Năm sau, ông đến Linh Phong Tự (靈峰寺) vùng Triết Giang (浙江), rồi sống qua các nơi như Cửu Hoa (九華), Ôn Lăng (溫陵), Thạch Thành (石城), Thịnh Khê (晟溪), Tân An (新安), v.v., chuyên tâm hoằng dương giáo nghĩa Thiên Thai và chú thích các kinh luận. Đến năm 56 tuổi, nhân lúc ngọa bệnh tại Linh Phong, ông có soạn ra Tây Trai Tịnh Độ Thi (西齋淨土詩) cùng với 9 bộ khác, gọi chung là 10 bộ trọng yếu của Tịnh Độ. Sau khi lành bệnh, ông viết ra 2 cuốn Duyệt Tạng Tri Tân (閲藏知津) và Pháp Hải Quán Lạn (法海觀瀾). Đến tháng 10, bệnh cũ tái phát, ông để lại di chúc, truyền trao câu kệ cầu sanh Tịnh Độ. Vào tháng giêng năm thứ 12 niên hiệu Thuận Trị (順治), ông ngồi xếp bằng an nhiên chấp tay hướng về phương Tây mà thị tịch, hưởng thọ 57 tuổi đời và 34 hạ lạp. Ông là người rất nghiêm trì giới luật, ghét bỏ danh lợi, chuyên tâm hoằng dương Luật tạng, lúc sanh tiền thường xuyên lấy việc đọc tạng kinh luật và trước tác làm sự nghiệp. Giáo nghĩa các tông Pháp Tướng, Thiền, Luật, Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tịnh Độ ông đều thông suốt, nhưng lại thiên nặng về Thiên Thai và chủ trương tam giáo Nho Lão Phật nhất trí với nhau. Trừ các tông phái Phật Giáo ra, ông còn nghiên cứu cả Nho Giáo và Cơ Đốc Giáo, cho nên phạm vi trước tác của ông rất rộng rãi. Thiền pháp của ông vốn kế thừa Văn Tự Thiền của Diên Thọ (延壽), Phạn Kỷ (梵琦), Chơn Khả (眞可), nhưng tất cả đều hội quy về Thiên Thai Giáo Quán. Ông cũng có cái nhìn độc đáo về giáo nghĩa Thiên Thai. Về Luật Tông, ông chú trọng thật tiễn hành trì giới luật. Tuy nhiên, Thiền, Giáo và Luật học của ông cuối cùng đều quy về Tịnh Độ với chủ trương Thiền Tịnh hợp nhất. Tổng kết tư tưởng của ông là Tam Học nhiếp quy về một niệm, và lấy niệm Phật để thống nhiếp toàn bộ giáo lý của một đời đức Thích Ca. Đến cuối thời nhà Thanh, hầu hết các nhà Thiên Thai đều lấy kinh luận và kinh sớ của ông làm y cứ để thuyết giảng, hình thành nên Phái Linh Phong (靈峰派) với chủ trương “dung hợp Thiền Giáo Luật quy nhập Tịnh Độ” và kéo dài mãi cho đến ngày nay. Sau khi qua đời, đệ tử Thành Thời (成時) phong cho ông thụy là Thỉ Nhật Đại Sư (始日大師), ngoài đời gọi ông là Linh Phong Ngẫu Ích Đại Sư, được sùng kính như là vị tổ thứ 9 của Tịnh Độ Tông. Ông cùng với Hám Sơn (憨山), Tử Bá (紫柏), Liên Trì (蓮池) được gọi là tứ đại cao tăng thời nhà Minh. Đệ tử của ông có Chiếu Nam (照南), Linh Thịnh (靈晟), Tánh Đản (性旦), Đẳng Từ (等慈), v.v.Trước tác của ông có rất nhiều, hơn 40 bộ như Lăng Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa (楞嚴經玄義) 2 quyển, Lăng Nghiêm Kinh Văn Cú (楞嚴經文句) 10 quyển, A Di Đà Kinh Yếu Giải (阿彌陀經要解) 1 quyển, Kim Cang Kinh Phá Không Luận (金剛經破空論) 1 quyển, Phạm Võng Kinh Hợp Chú (梵綱經合注) 7 quyển, Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu (毘尼事義集要) 17 quyển, Tướng Tông Bát Yếu Trực Giải (相宗八要直解) 8 quyển, Duyệt Tạng Tri Tân (閲藏知津) 48 quyển, Chu Dịch Thiền Giải (周易禪解) 10 quyển, Tứ Thư Ngẫu Ích Giải (四書蕅益解) 4 quyển, v.v. Đệ tử Thành Thời biên tập di văn của ông thành Ngẫu Ích Đại Sư Tông Luận (蕅益大師宗論) gồm 10 quyển, và ngày nay được biên tập thành Ngẫu Ích Đại Sư Toàn Tập (蕅益大師全集).
(業感): nghĩa là lấy nhân nghiệp của thiện ác mà cảm nhận quả của khổ vui. Như trong Bí Tạng Bảo Thược (秘藏寶鑰) quyển Trung do Đại Sư Không Hải (空海, Kūkai, 774-835), Tổ sáng lập ra Chơn Ngôn Tông Nhật Bản sáng tác, có đoạn rằng: “Phù tai họa chi hưng, lược hữu tam chủng, nhất thời vận, nhị thiên phạt, tam nghiệp cảm (夫災禍之興、略有三種、一時運、二天罰、三業感, phàm tai họa sinh khởi, tóm tắt có ba loại, một là thời vận, hai là trời phạt, ba là nghiệp cảm).” Trong Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Lược Sớ (梵網經菩薩戒略疏, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 38, No. 695) quyển 2 giải thích rằng: “Tùy nghiệp cảm báo, thân chi hình đoạn, hữu trường hữu đoản, mạng chi phân hạn, hữu thọ hữu yểu dã (隨業感報、身之形段、有長有短、命之分限、有壽有夭也, tùy theo quả báo của nghiệp cảm, hình dáng của thân, có dài có ngắn; thời hạn của mạng, có thọ có yểu vậy).” Hay trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080) lại có đoạn: “Chơn nguyên trạm tịch, nãi tội tánh chi bản không; khổ hải hồng thâm, trục vọng ba nhi bất tức; do chúng sanh chi nghiệp cảm, trí trường kiếp dĩ trầm luân; thọ báo Địa Ngục chi trung, vĩnh la khổ sở; chuyển sanh Ngạ Quỷ chi nội, trường nhẫn cơ hư; ký vô giải thoát chi kỳ, ninh hữu siêu thăng chi lộ (眞源湛寂、乃罪性之本空、苦海洪深、逐妄波而不息、由眾生之業感、致長劫以沉淪、受報地獄之中、永罹苦楚、轉生餓鬼之內、長忍饑虛、旣無解脫之期、寧有超昇之路, nguồn chơn vắng lặng, ấy tội tánh vốn là không; biển khổ rộng sâu, theo sóng mê lầm không dứt; do chúng sanh bao nghiệp cảm, chịu bao kiếp mãi đắm chìm; chịu báo Địa Ngục bên trong, mắc hoài khổ sở; chuyển sanh Ngạ Quỷ kiếp sống, chịu đựng đói khát; đã không giải thoát thời kỳ, sao có siêu thăng nẻo trước).”
(飯僧): tên gọi khác của Trai Tăng (齋僧), tức thiết bày cơm chay cúng dường Tăng chúng, chỉ chung cho việc cúng dường tại các tự viện hay tư gia Phật tử. Theo Phạm Võng Kinh (梵綱經) quyển hạ, vào ngày cha mẹ, anh em, Hòa Thượng, A Xà Lê (阿闍梨) qua đời, hoặc vào dịp 21 ngày hay 49 ngày, nên đọc tụng, thuyết giảng kinh luật Đại Thừa, thiết lập Trai Hội để hồi hướng công đức cho những người này. Ban đầu, việc Trai Tăng thể hiện tín tâm, quy y; nhưng về sau thì chuyển sang mục đích chúc tụng, báo ân, làm điều thiện, v.v.; vì vậy việc làm này trở thành phổ cập hóa. Tại Trung Quốc, Pháp Hội Trai Tăng rất thịnh hành dưới thời nhà Đường, vào năm thứ 7 (772) niên hiệu Đại Lịch (大曆), trong khoảng niên hiệu Trinh Nguyên (貞元, 785-805), năm thứ 12 (871) niên hiệu Hàm Thông (咸通), đều có cử hành những lễ Trai Tăng long trọng. Ngoài ra, tại Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Việt Nam, v.v., hình thức Trai Tăng cũng rất phổ cập và được xem trọng. Trong Ma Ha Tăng Kỳ Luật (s: Mahāsaṅghavinaya, 摩訶僧祇律卷, Taishō No. 1425) quyển 22 có đoạn: “Nhĩ thời hữu Trưởng Giả tựu Tinh Xá trung phạn tăng, Lục Quần Tỳ Kheo tiên đa thọ canh, hậu thọ phạn (爾時有長者就精舍中飯僧、六群比丘先多受羹、後受飯, lúc bấy giờ có vị Trưởng Giả đến Tinh Xá cúng dường Trai Tăng, nhóm Lục Quần Tỳ Kheo trước hết thọ nhận nhiều canh xúp, sau mới thọ nhận cơm).”
(法進, Hōshin, 709-778): vị tăng của Luật Tông Trung Quốc, sang Nhật Bản dưới thời đại Nại Lương, húy là Pháp Tấn (法進), xuất thân La Sơn (羅山), Thân Châu (申州), họ Vương (王). Ông thọ Cụ Túc giới với Giám Chơn (鑑眞, Ganjin) ở Đại Minh Tự (大明寺), Dương Châu (揚州), đến trú tại Bạch Tháp Tự (白塔寺) và tinh thông về giới luật cũng như Thiên Thai Học. Năm 753, ông theo Giám Chơn sang Nhật, tận lực giúp thầy sáng lập Giới Đàn Viện ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji). Khi Giám Chơn chuyển sang Đường Chiêu Đề Tự (唐招提寺, Tōshōdai-ji), ông quản chưởng Giới Đàn Viện cũng như Đường Thiền Viện của chùa này. Vào năm 756, ông làm Luật Sư và đến năm 774 thì được thăng chức Tăng Đô. Ông nỗ lực thuyết giảng giới luật và khai sáng Phật Quốc Tự (佛國寺, Bukkoku-ji). Trước tác của ông có Đông Đại Tự Thọ Giới Pháp Quỹ (東大寺授戒法軌), Sa Di Thập Giới Tinh Uy Nghi Kinh Sớ (沙彌十戒并威儀經疏) 5 quyển, Chú Phạm Võng Kinh (註梵綱經) 6 quyển, v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.184.55 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập