Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Ngũ Căn »»
(鼓): trống; tên loại nhạc khí, được chế tạo bằng vàng, ngọc, gỗ, đá, v.v. Đối với Phật Giáo, trống cũng là một trong những pháp khí quan trọng trong các tự viện. Vào thời cổ đại của Trung Quốc, trống được dùng như là vật môi giới thông với chư vị thần linh, là vật tượng trưng giao lưu với thế giới tự nhiên, có sắc thái thần bí, được lịch sử rất xem trọng. Trong các thư tịch cổ có liệt kê hơn 300 loại trống, tùy theo hình chế mà có phân chia thành 7 loại khác nhau như: Đại Cổ (大鼓), Kiến Cổ (建鼓), Cổ (鼓), Huyền Cổ (懸鼓, trống treo), Thủ Cổ (手鼓, trống cầm tay), Trượng Cổ (杖鼓, trống có dây thắt ở hai đầu), Đồng Thạch Cổ (銅石鼓, trống bằng đồng, đá). (1) Đại Cổ (Trống Lớn) là trống có ngoại hình lớn nhất, loại đại biểu nhất cho trống cổ đại Trung Quốc, được đặt trên giá, dùng đùi lớn để đánh. Trong Lã Thị Xuân Thu (呂氏春秋), Thiên Xỉ Lạc (侈樂篇) có đoạn rằng: “Hạ Kiệt, Ân Trụ tác vi Xỉ Nhạc, Đại Cổ, Chung, Khánh, Quản, Tiêu lục âm, dĩ cự vi mỹ, dĩ chúng vi quan (夏傑、殷紂作爲侈樂,大鼓、鐘、磬、管、簫六音,以鉅爲美,以眾爲觀, vua Hạ Kiệt, vua Ân Trụ làm thành sáu loại âm thanh là Xỉ Nhạc, Trống Lớn, Chuông, Khánh, Sáo, Tiêu; lấy móc sắt treo lên cho đẹp, để mọi người chiêm ngưỡng).” Như vậy, trống đã có mặt hơn 17 thế kỷ trước công nguyên, thường được sử dụng trong các nhạc đội của cung đình. Loại Trống Lớn thời Cổ Đại có công năng rất rộng lớn, được dung để tế tự, cúng tế, nghi tiết trọng đại, quân sự, báo thì giờ; hoặc dùng cho việc khánh chúc hôn lễ, thông báo tang lễ, v.v. Khi trống được dùng trong các buổi yến tiệc của cung đình thì có khí thế hùng tráng. Như trong của Cựu Đường Thư (舊唐書), phần Âm Nhạc (音樂), cho biết rằng: “Huyền Tông tại vị đa niên, thiện âm nhạc; nhược yến thiết phủ hội, tức ngự Cần Chính Lâu, … thái thường đại cổ, nhạc công tề kích, thanh chấn thành khuyết (玄宗在位多年、善音樂、若宴設甫會、卽御勤政樓、…太常大鼓、樂工齊擊、聲震城關, Huyền Tông tại vị nhiều năm, có tài về âm nhạc; nếu có thiết bày yến tiệc, liền đến ngự tại Lầu Cần Chính, trống lớn khác thường, nhạc công cùng đánh, âm thanh vang chấn động khắp thành quách).” Dưới thời nhà Chu (1046-256 ttl.), trống lớn được dùng làm hiệu lệnh chỉ huy chiến tranh. (2) Kiến Cổ, về ngoại hình thì tượng tợ với Trống Lớn, cũng dùng 2 đùi trống để đánh; chỉ có khác là giá treo bọc quanh trống. Sau này trống cũng được lưu nhập vào trong Phật Giáo, sử dụng để tụng kinh, lễ bái, hành đại lễ, v.v. Như vào những dịp lễ chính trong năm như Tết, Rằm Tháng Giêng, Lễ Phật Đản, Vu Lan, v.v.; hay vào những dịp ngày Rằm, 30 hàng tháng, các ngày vía của chư Phật, Bồ Tát; hoặc nhân dịp lễ húy kỵ chư vị cao tăng, hay đón rước các cao tăng, v.v. Từ “trống” được tìm thấy khá nhiều trong các kinh điển Phật Giáo, như Khổ Ấm Kinh (苦陰經) của Trung A Hàm Kinh (中阿含經, Taishō Vol. 1, No. 26) quyển 25, Mộng Kiến Kim Cổ Sám Hối Phẩm (夢見金鼓懺悔品) của Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (金光明最勝王經, Taishō Vol. 16, No. 665) quyển 2, Phẩm Đề Bà Đạt Đa (提婆達多品) của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (妙法蓮華經, Taishō Vol. 9, No. 262) quyển 4, Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō Vol. 12, No. 374) quyển Thượng, v.v. Như trong Phẩm Tựa của Kinh Pháp Hoa có đoạn: “Kim Phật Thế Tôn dục thuyết đại pháp, vũ đại pháp vũ, xuy đại pháp loa, kích đại pháp cổ diễn đại pháp nghĩa (今佛世尊欲說大法、雨大法雨、吹大法螺、擊大法鼓、演大法義, nay đức Phật Thế Tôn muốn thuyết pháp lớn, mưa trận mưa pháp lớn, thổi ốc pháp lớn, đánh trống pháp lớn, diễn nghĩa pháp lớn).” Trong Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh (佛說無量壽經, Taishō Vol. 12, No. 360) quyển Thượng cũng có câu: “Khấu pháp cổ, xuy pháp loa, chấp pháp kiếm, kiến pháp tràng, chấn pháp lôi, diệu pháp điện, chú pháp vũ, diễn pháp thí (扣法鼓、吹法螺、執法劍、建法幢、震法雷、曜法電、澍法雨、演法施, gõ trống pháp, thổi ốc pháp, cầm kiếm pháp, chấn động sấm pháp, tỏa sáng điện pháp, mưa trận mưa pháp, diễn bày bố thí pháp).” Hay như Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh (大方等大集經, Taishō Vol. 13, No. 397) quyển 56 có dạy rằng: “Pháp tràng đương tồi chiết, pháp cổ thanh diệc tuyệt (法幢當摧折、法鼓聲亦絕, cờ pháp bị gãy đứt, trống pháp tiếng cũng dứt).” Trong Mộng Kiến Kim Cổ Sám Hối Phẩm của Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh quyển 2, có kể câu chuyện Diệu Tràng Bồ Tát (妙幢菩薩), sau khi nghe pháp xong, tâm sanh hoan hỷ, trở về chỗ của mình, đến đêm mộng thấy cái trống vàng lớn, ánh sáng rực rỡ, như vòng mặt trời. Trong ánh sáng ấy, Bồ Tát thấy có mười phương vô lượng các đức Phật, ngồi trên tòa Lưu Ly dưới cây báu; thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn chúng đang vây quanh chư Phật. Bồ Tát lại thấy có một vị Bà La Môn lấy dùi trống đánh chiếc trống bằng vàng, phát ra âm thanh lớn; trong âm thanh ấy diễn thuyết các câu kệ của pháp sám hối vi diệu. Nghe xong, Diệu Tràng Bồ Tát nhớ kỹ, đến sáng mai mang các vật phẩm cúng dường, đến Linh Thứu Sơn, nơi đức Phật đang an trú, thuật lại câu chuyện trên, được đức Phật tán thán, khen ngợi là người có nhân duyên lớn mới nghe được tiếng trống đó. Pháp Cổ là Trống Pháp, thí dụ khi đánh trống để khuyên răn, cảnh tỉnh binh lính, sách tấn mọi người; cho nên, tiếng trống cũng ví dụ cho sự thuyết pháp của chư Phật giúp cảnh tỉnh, khuyên răn mọi người trở về với con đường thiện. Xưa kia, trống được chế tạo bằng kim thuộc, ngọc, gỗ, đá, v.v. Cho đến hiện tại, phần lớn trống được làm bằng gỗ hay các loại da trâu, ngựa, heo, v.v.; cho nên có các tên gọi khác nhau tùy theo chất liệu như trống kim loại, trống đá, trống da. Về cách dùng trống, trong Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽, Taishō Vol. 54, No. 2127) có đoạn: “Ngũ Phần Luật vân: 'Chư Tỳ Kheo Bố Tát, chúng bất thời tập, Phật ngôn, hoặc đả kiền chùy, hoặc đả cổ xuy bối' (五分律云、諸比丘布薩、眾不時集、佛言、或打犍椎、或打鼓吹貝, Ngũ Phần Luật dạy rằng: 'Khi các Tỳ Kheo Bố Tát, hay chúng tăng tập trung bất thường, đức Phật dạy hoặc đánh kiền chùy [chuông], hoặc đánh trống, thổi ốc').” Khi ăn cũng đánh trống báo hiệu tập trung, như Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經, Taishō Vol. 19, No. 945) có dạy rằng: “Thực biện kích cổ, chúng tập chàng chung (食辦擊鼓、眾集撞鐘, khi ăn cơm thì đánh trống, khi tập trung đại chúng thì đánh chuông).” Hay khi thuyết pháp cũng phải đánh trống thông báo, như trong Ma Ha Tăng Kỳ Luật (摩訶僧祇律, Taishō Vol. 22, No. 1425) quyển 1 có đoạn rằng: “Chư thiên hữu tam thời cổ, chư thiên A Tu La cọng chiến thời đả đệ nhất cổ, Câu Tỳ La viên chúng hoa khai phu thời đả đệ nhị cổ, tập Thiện Pháp Giảng Đường thính thiện pháp thời đả đệ tam cổ (諸天有三時鼓、諸天阿修羅共戰時打第一鼓、俱毘羅園眾花開敷時打第二鼓、集善法講堂聽善法時打第三鼓, chư thiên có ba loại trống, khi chư thiên và A Tu La cùng nhau giao chiến thì đánh trống thứ nhất, khi các hoa trong vườn Câu Tỳ La bắt đầu nở thì đánh cái thứ hai, khi tập trung tại Thiện Pháp Giảng Đường để nghe thiện pháp thì đánh cái thứ ba).” Như vậy, khi đức Phật còn tại thế, trống được dùng để báo hiệu tập trung đại chúng hành lễ Bố Tát (tụng giới), ăn cơm, nghe pháp, v.v. Về sau, trống được dùng trong Thiền môn với ý nghĩa làm hiệu lịnh báo thức đại chúng thức khuya, dậy sớm; đặc biệt được dùng trong các nghi lễ, phối hợp xướng niệm, phổ thành khúc điệu để cúng dường và trang nghiêm đạo tràng, giúp cho đại chúng phát khởi tâm kính thành hơn. Tùy theo mục đích sử dụng, hiện tại trong các tự viện Phật Giáo có một số tên gọi khác nhau về trống như: (1) Pháp Cổ (法鼓), Trống Pháp, thí dụ khi đánh trống để khuyên răn, cảnh tỉnh binh lính, sách tấn mọi người; cho nên, tiếng trống cũng ví dụ cho sự thuyết pháp của chư Phật giúp cảnh tỉnh, khuyên răn mọi người trở về với con đường thiện. (2) Đăng Tòa Cổ (登座鼓), dùng để cung thỉnh pháp sư thăng tòa thuyết pháp. (3) Trà Cổ (茶鼓), loại trống được thiết trí ở phía Tây Bắc Pháp Đường của các Thiền viện, được dùng để tập trung tăng chúng dùng trà nóng. Như trong bài thơ Tây Hồ Xuân Nhật (西湖春日) của Lâm Bô (林逋, 967-1028) nhà Tống có câu: “Xuân yên tự viện cảo Trà Cổ, tịch chiếu lâu đài trác tửu kỳ (春煙寺院敲茶皷、夕照樓台卓酒旗, khói xuân tự viện gióng Trà Cổ, đêm chiếu lâu đài nhắp rượu say).” (4) Trai Cổ (齋鼓), dùng tập trung tăng chúng thọ trai. (5) Vấn Tấn Cổ (問訊鼓), trống đánh để thăm hỏi, học đạo, tham Thiền, v.v. (6) Phóng Tham Cổ (放參鼓), loại đánh báo hiệu đại chúng dùng cháo buổi chiều. Nguyên lai từ “Phóng Tham (放參)” nghĩa là ăn cháo hay bánh bao buổi chiều. Đức Phật chế chư tăng xuất gia chỉ được ăn mỗi ngày một bữa cơm, quá giờ ngọ (sau 1 giờ chiều) thì không được ăn. Trước thời nhà Đường, chư tăng Trung Quốc tuân thủ nghiêm minh nguyên tắc này; về sau trải qua diễn biến của thời gian, tăng chúng phần lớn sinh hoạt theo hình thức tự canh tác tự nuôi sống, lao động thể lực rất lớn, dần dần nguyên tắc này được thay đổi để tồn tại và phù hợp với môi trường sống. Các tự viện bắt đầu quy định cho ăn chiều (vãn xan [晚餐]), được gọi là Dược Thực (藥食, món ăn như là thuốc để cứu chữa căn bệnh khô gầy), hay Dược Thạch (藥石), có nghĩa là ăn cháo nhẹ; và có tên gọi khác là Vãn Chúc (晚粥, cháo chiều). (7) Hôn Cổ (昏鼓): trống đánh vào buổi chiều. (8) Hiểu Cổ (曉鼓): dùng vào buổi sáng sớm. (9) Canh Cổ (更鼓): trống đánh vào các canh buổi khuya. (10) Dục Cổ (浴鼓): dùng báo hiệu giờ tắm của tăng chúng. (11) Phổ Thỉnh Cổ (普請鼓): dùng để cung thỉnh toàn thể đại chúng cùng tham gia lao tác việc chùa.(12) Hỏa Cổ (火鼓): dùng báo hiệu khi có hỏa hoạn. Vào các buổi lễ lớn, các tự viện thường thỉnh Chuông Trống Bát Nhã theo bài kệ: “Bát Nhã hội, Bát Nhã hội, Bát Nhã hội, thỉnh Phật thượng đường, đại chúng đồng văn, Bát Nhã âm, phổ nguyện pháp giới, đẳng hữu tình, nhập pháp giới, Ba La Mật môn (般若會、般若會、般若會、請佛上堂、大衆同聞、般若音、普願法界、等有情、入法界、波羅蜜門, Bát Nhã hội, Bát Nhã hội, Bát Nhã hội, thỉnh Phật thượng đường, đại chúng cùng nghe, Bát Nhã âm, nguyện khắp pháp giới, chúng hữu tình, nhập pháp giới, cửa Ba La Mật).” Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc (征婦吟曲), nguyên tác của Ðặng Trần Côn (鄧陳琨, 1715?-1745), do Ðoàn Thị Ðiểm (段氏點, 1705-1748) dịch, có câu: “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.” Tại Long Tế Tự (龍濟寺) ở Cát Thủy (吉水), Giang Tây (江西), Trung Quốc, còn lưu lại hai câu thơ tương truyền của Thi sĩ Tô Đông Pha (蘇東坡, 1036-1101) nhà Tống: “Thiên thượng lâu đài sơn thượng tự, vân biên chung cổ nguyệt biên tăng (天上樓臺山上寺、雲邊鐘鼓月邊僧, trên trời lâu đài chùa trên núi, bên mây chuông trống tăng bên trăng).”
(閻魔): trong cổ đại Trung Quốc vốn không có quan niệm về Diêm Ma hay Diêm Vương (閻王), nhưng sau khi Phật Giáo du nhập vào đất nước này, Diêm Vương được xem như là vị chủ thần của Địa Ngục và tín ngưỡng này bắt đầu lưu hành. Từ Diêm Ma, nguyên ngữ Sanskrit là Yama, âm dịch là Diêm Ma La Xã (閻魔羅社), Diễm Ma La Xà (琰摩羅闍), Diêm La (閻羅), Viêm Ma (炎摩), Diệm Ma (焰摩), Diễm Ma (琰魔), Diêm Ma La (閻摩羅); ý dịch có nhiều nghĩa khác nhau như trói buộc (trói tội nhân), song thế (nơi thế gian thường chịu hai loại quả báo vui và khổ), vua bình đẳng (trừng phạt tội một cách bình đẳng), dứt trừ tội ác, ngăn chận tranh giành và chấm dứt tội ác. Tất cả những ý nghĩa trên đều nói lên trách nhiệm của vua Diêm Ma dưới Minh Phủ nhằm giám thị tội của chúng sanh và làm cho phải khiếp sợ khi làm điều ác. Theo thần thoại cổ đại Ấn Độ, Yama—vị thần của chánh pháp—cùng với Yamī là thần song sinh, là người chết đầu tiên của nhân loại; vì vậy sau này họ được xem như là tử thần và thống quản âm giới. Sau khi Phật Giáo có mặt tại Ấn Độ, vua Diêm Ma được xem như là chủ của cõi Ngạ Quỷ, vua quản lý thế giới Địa Ngục, thân của ác nghiệp chiêu cảm, hay hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát (地藏菩薩), v.v. Trong Mật Giáo, vua Diêm Ma là một trong 12 vị trời của Ngoại Kim Cang Bộ thuộc Kim Cang Giới Mạn Trà La (金剛界曼荼羅), là vị thần của Ngoại Kim Cang Bộ thuộc Thai Tạng Giới Mạn Trà La (胎藏界曼荼羅). Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Bao Chửng (包拯, tức Bao Thanh Thiên [包青天]) là hóa thân của Diêm Vương. Sau khi qua đời, ông hóa thành Diêm La Vương, tiếp tục thẩm lý các vụ án dưới Âm Phủ. Có thuyết cho rằng ban ngày ông xét án trên dương gian, đến tối thì xử tội dưới địa ngục. Con người sau khi chết, linh hồn của họ sẽ được dẫn đến cho Bao Chửng thẩm phán; nếu quả thật người đó bị hảm hại, hàm oan, ông sẽ trả về dương gian cho sống lại. Nếu có tội thật sự thì sẽ bị tống vào địa ngục chịu hình phạt. Tương truyền Tứ Đại Diêm Vương (四大閻王) là Bao Chửng, Hàn Cầm Hổ (韓擒虎), Phạm Trọng Yêm (范仲淹) và Khấu Chuẩn (寇準). Có một vài tục ngữ liên quan đến Diêm Vương như “Diêm Vương bất tại gia, nghiệp quỷ do tha náo (閻王不在家、業鬼由他鬧, Diêm Vương không ở nhà, quỷ con gây náo loạn)”, có nghĩa là khi người chủ vắng mặt thì người cấp dưới lợi dụng cơ hội làm náo loạn; “Diêm Vương hảo kiến, tiểu quỷ nan đương (閻王好見、小鬼難當, Diêm Vương dễ thấy, quỷ con khó gặp)” hay “Diêm Vương phán nhĩ tam canh tử, bất đắc lưu nhân đáo ngũ canh (閻王判你三更死、不得留人到五更, Diêm Vương phán ngươi canh ba chết, chẳng được giữ người đến canh năm)”, v.v.
(s: ṣaḍ-indriyāṇi, 六根): hay còn gọi là Lục Tình (六情), tức 6 cơ quan cảm giác hay năng lực nhận thức, là Sáu Xứ trong Mười Hai Xứ, Sáu Căn Giới trong Mười Tám Giới. Căn (s, p: indriya, 根) có nghĩa là cơ quan nhận thức. Sáu Căn gồm:
(1) Nhãn (s: cakṣus, p: cakkhu, 眼, mắt, cơ quan và năng lực thị giác);
(2) Nhĩ (s: śrotra, śrotas, p: sota, 耳, tai, cơ quan và năng lực thính giác);
(3) Tỷ (s: ghrāṇa, p: ghāna, 鼻, mũi, cơ quan và năng lực khứu giác);
(4) Thiệt (s: jihvā, p: jivhā, 舌, lưỡi, cơ quan và năng lực vị giác);
(5) Thân (s, p: kāya, 身, thân thể, cơ quan và năng lực xúc giác); và
(6) Ý (s: manaḥ, p: mano, manas, 意, ý, cơ quan và năng lực tư duy).
Năm Căn đầu được gọi là Ngũ Căn (五根), thuộc về sắc pháp, có 2 loại: cơ quan sinh lý là Phù Trần Căn (浮塵根, hay Thô Sắc Căn [粗色根]), tức 5 căn này hiện hình trạng ra bên ngoài; còn Ý Căn là nơi nương tựa của tâm để sanh khởi tâm lý, nương vào Phù Trần Căn để có thể phát sinh tác dụng thấy, nghe, hiểu biết, v.v.; có tên là Thắng Nghĩa Căn (勝義根, hay Tịnh Sắc Căn [淨色根]). Như trong Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經, Taishō No. 945) quyển 6 có dạy rằng: “Nhất thiết chúng sanh, Lục Thức tạo nghiệp, sở chiêu ác báo, tùng Lục Căn xuất (一切眾生、六識造業、所招惡報、從六根出, hết thảy chúng sanh, Sáu Thức tạo nghiệp, ác báo nhận lấy, do Sáu Căn ra).” Hay trong Đạt Ma Đại Sư Phá Tướng Luận (達磨大師破相論, CBETA No. 1220) có giải thích về Lục Căn thanh tịnh rằng: “Lục Ba La Mật giả, tức tịnh Lục Căn dã; Hồ danh Ba La Mật, Hán danh đạt bỉ ngạn, dĩ Lục Căn thanh tịnh, bất nhiễm Lục Trần, tức thị độ phiền não hà, chí Bồ Đề ngạn; cố danh Ba La Mật (六波羅蜜者、卽淨六根也、胡名波羅蜜、漢名達彼岸、以六根清淨、不染六塵、卽是度煩惱河、至菩提岸、故名六波羅蜜, Sáu Ba La Mật tức là làm trong sạch Sáu Căn; người Ấn Độ gọi là Ba La Mật, người Trung Quốc gọi là qua bờ bên kia; do Sáu Căn trong sạch, không nhiễm Sáu Trần, tức là qua sông phiền não, đến bờ Bồ Đề; nên được gọi là Ba La Mật).” Hoặc trong bài Di Sơn Phát Nguyện Văn (怡山發願文) của Thiền Sư Di Sơn Kiểu Nhiên (怡山皎然, ?-?) nhà Đường cũng có câu: “Đệ tử mỗ giáp, tự vi chơn tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sanh tử dĩ phiêu trầm, trục sắc thanh nhi tham nhiễm; Thập Triền Thập Sử, tích thành Hữu Lậu chi nhân; Lục Căn Lục Trần, vọng tác vô biên chi tội (弟子某甲、自違眞性、枉入迷流、隨生死以飄沉、逐色聲而貪染、十纏十使、積成有漏之因、六根六塵、妄作無邊之罪, đệ tử …, tự sai chơn tánh, lầm nhập dòng mê, theo sanh tử để thăng trầm, đắm sắc thanh mà tham nhiễm; Mười Triền Mười Sử, tích thành Hữu Lậu nhân sâu, Sáu Căn Sáu Trần, lầm tạo vô biên tội lỗi).”
(s: Maṇḍala, 曼茶羅 hay 曼陀羅): theo nguyên ngữ Sanskrit là maṇḍala, ngữ căn maṇḍa có nghĩa là "chơn tủy, bản chất", và vì tiếp vĩ ngữ la có nghĩa là "có được", cho nên từ này có nghĩa là "có được bản chất", tức là đạt được giác ngộ tối cao gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác của Phật. Chính vì đó là cảnh địa sung thật, đầy đủ như vòng tròn, nên từ này còn được dịch là "Luân Viên Cụ Túc" (輪圓具足, vòng tròn đầy đủ). Về mặt ngữ nguyên học, từ maṇḍala vẫn chưa được giải thích một cách trọn vẹn cho lắm, nhưng trong văn bản bình thường nó có nghĩa là "hình thức giống như vòng tròn". Trong Chơn Ngôn Mật Giáo, nó có nghĩa là "nơi đắc ngộ" hay "đạo tràng". Vì trong đạo tràng có thiết lập đàn tràng để cho chư Phật và Bồ Tát vân tập, nên từ này còn có nghĩa là "đàn" hay "sự tập hợp", từ đó nó được dùng để gọi những hình đồ vẽ các hình tượng tập trung. Quan niệm mang tính trừu tượng một cách thuần túy thì được gọi là Tự Tánh Mạn Trà La (自性曼茶羅). Theo đà phát triển về quán tưởng Phật, hình thức Quán Tưởng Mạn Trà La phản ánh thế giới của Phật trong tâm mang tính cụ thể bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, theo thường tình thì việc quán Phật rất khó khăn, nên hiện tại các hình tượng được vẽ rất cụ thể. Trong Kinh Ngưu Lê Mạn Đà La Chú (牛梨曼陀羅呪經) được dịch vào thời nhà Lương (502-557), có đề cập đến cách vẽ tượng Bổn Tôn ở giữa trung tâm của đàn, và các tượng quyến thuộc nằm chung quanh tượng Bổn Tôn này. Gần đây nguyên bản chép bằng tiếng Sanskrit (thế kỷ thứ 5-6) của kinh này được phát hiện ở Kashmir, và điều này chứng tỏ rằng vào thời ấy ở Ấn Độ cũng đã xuất hiện hình thức Mạn Đà La rồi. Từ thời Nam Bắc Triều (420-589) cho đến thời nhà Tùy (581-619), hình thức vẽ các họa tượng như Phép Cầu Mưa (請雨法), Thập Nhất Diện Quan Âm (十一面觀音), v.v., đã trở nên rõ ràng. Vào đầu thời nhà Đường thì trong Đà La Ni Tập Kinh (陀羅尼集經) do A Địa Cù Đa (阿地瞿多) dịch có đề cập đến Tập Hội Đàn (集會壇). Đến thế kỷ thứ 8, trong Bất Không Quyên Sách Kinh (不空羂索經) hay Nhất Tự Phật Đảnh Luân Vương Kinh (一字佛頂輪王經) do Bồ Đề Lưu Chí (菩提流志) dịch đã thấy xuất hiện hình thức Thai Tạng Mạn Trà La (胎藏曼茶羅). Ở Ấn Độ, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ thứ 8 thì Đại Nhật Kinh (大日經), Kim Cang Đảnh Kinh (金剛頂經) đã được thành lập, cho nên trong Thai Tạng Mạn Trà La và Kim Cang Giới Mạn Trà La (金剛界曼茶羅) đã xuất hiện Đại Nhật Như Lai (大日如來) làm đấng Trung Tôn. Chính vì lẽ đó, trong Mật Giáo gọi hình thức trước là Tạp Mật (雜密) và hình thức sau là Thuần Mật (純密). Cả hai đều được truyền vào Trung Hoa và được chỉnh bị thống nhất lại với nhau, hoàn thành nên Lưỡng Giới Mạn Trà La (兩界曼茶羅). Rồi cả hai bộ này cũng được Không Hải sang Trung Hoa thỉnh về Nhật và lưu bố với tư cách là Hiện Đồ Mạn Trà La (現圖曼茶羅).
(元霄): lễ hội truyền thống rất quan trọng, vốn phát xuất từ Trung Quốc, được tiến hành vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, sau dịp tiết xuân; còn gọi là Tiểu Chánh Nguyệt (小正月), Nguyên Tịch (元夕), Đăng Tiết (燈節), Thượng Nguyên Tiết (上元節). Như trong bài Song Đầu Mẫu Đơn Đăng Ký (雙頭牡丹燈記) của Cù Hựu (瞿佑, 1341-1427) người vùng Tiền Đường (錢塘, nay thuộc Hàng Châu [杭州], Triết Giang [浙江]) có câu: “Mỗi tuế Nguyên Tịch, ư Minh Châu trương đăng ngũ dạ, khuynh thành sĩ nữ, giai đắc túng quan (每歲元夕、於明州張燈五夜、傾城士女、皆得縱觀, mỗi năm vào dịp Nguyên Tịch, tại Minh Châu giăng đèn năm đêm, nam nữ khuynh thành đều được xem thoải mái).” Chánh nguyệt (正月, tháng Giêng) là tháng đầu tiên trong một năm, người xưa gọi là tiêu (霄); vì vậy, ngày rằm tháng Giêng được gọi là Nguyên Tiêu Tiết (元霄節, Tết Nguyên Tiêu). Đây cũng là ngày lễ hội tình nhân của người Trung Quốc. Nguồn gốc truyền thuyết về lễ hội này vốn có từ xa xưa. Có thuyết cho rằng nó được thiết lập từ thời Hán Văn Đế (漢文帝, tại vị 180-157 tcn). Tương truyền sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang (漢高祖劉邦, tại vị 202-195 tcn) qua đời, Lữ Hậu (呂后, 241-180 tcn) soán quyền, cả dòng tộc nhà họ Lữ lên năm quyền bính; sau khi ba qua đời, nhóm người Châu Bột (周勃), Trần Bình (陳平), v.v., dẹp trừ thế lực của Lữ Hậu, lập Lưu Hằng (劉恆) lên làm Hán Văn Đế. Nhân ngày bình định thế lực nhà họ Lữ và thống nhất quốc gia vào ngày rằm tháng Giêng, từ đó hằng năm vào ngày này, nhà vua thường mặc áo mỏng, ra ngoài cung nội cùng với dân chúng vui chơi thái bình, và cũng lấy ngày này làm Tết Nguyên Tiêu. Dưới thời Hán Võ Đế, hoạt động tế tự Thái Nhất Thần (太一神, các vị thần chủ tể của vũ trụ) cũng được quy định đúng ngày rằm tháng Giêng; cho nên khi Tư Mã Thiên (司馬遷, 135-90 tcn) sáng kiến ra Thái Sơ Lịch (太初歷), xác định Tết Nguyên Tiêu là lễ hội vô cùng trọng đại đối với quốc gia và dân tộc. Về truyền thống thắp đèn vào dịp Nguyên Tiêu này, nguồn gốc của nó phát xuất từ thuyết Tam Nguyên (三元) của Đạo Giáo: rằm tháng Giêng là Thượng Nguyên Tiết, rằm tháng 7 là Trung Nguyên Tiết (中元節) và rằm tháng 10 là Hạ Nguyên Tiết (下元節). Người chủ quản ba lễ hội này là 3 vị quan tên Thiên, Địa, Thủy. Thiên Quan (天官), thường được gọi là Thiên Quan Tứ Phước (天官賜福, Quan Trời Ban Phước), là người thường vui vẻ, hoan hỷ, nên vào dịp Thượng Nguyên, kỷ niệm sinh nhật của ông thì cần phải đốt đèn chúc mừng. Lại có thuyết cho rằng tục lệ giăng đèn vào dịp này vốn phát xuất từ thời đại của Minh Đế (明帝, tại vị 57-75) nhà Đông Hán. Nhà vua rất tin sùng Phật pháp, nghe rằng vào ngày rằm tháng Giêng, chúng tăng thường chiêm ngưỡng xá lợi Phật, thắp đèn cúng dường chư Phật, bèn ra lịnh cho thắp đèn cúng dường chư Phật suốt một ngày đêm tại Hoàng Cung cũng như các chùa chiền, miếu vũ và cho mọi người rước đèn đi khắp nơi. Từ đó, trở đi, nghi thức Phật Giáo này đã trở thành lễ hội truyền thống trọng đại của dân gian, phá triển từ trong cung đình ra đến ngoài dân chúng. Có thuyết khác cho rằng Lễ Thượng Nguyên là để kỷ niệm Đông Phương Sóc (東方朔, 154-93 tcn) và Nguyên Tiêu Cô Nương (元宵姑娘). Tương truyền Hán Võ Đế có một vị thần rất sủng ái tên Đông Phương Sóc, nhân vật rất hiền lương và phong lưu. Có hôm nọ vào dịp tiết đông, sau mấy ngày tuyết rơi nhiều, Đông Phương Sóc bèn đến Ngự Hoa Viên để ngắm hoa mai cùng với nhà vua, khi vừa đến cổng vườn hoa, chợt phát hiện có một người cung nữ đang khóc thảm thiết, chuẩn bị gieo mình xuống giếng tự sát. Ông hoang mang vội vàng chạy đến cứu và hỏi rõ nguyên nhân vì sao tự sát. Nguyên lai cung nữ ấy tên là Nguyên Tiêu (元宵), gia đình có song thân và một người em gái. Từ ngày vào cung nội đến nay, chưa có cơ duyên gặp người thân; cho nên cứ mỗi năm vào tháp chạp cho đến đầu xuân, thường nhớ đến gia đình, song thân, muốn báo hiếu cũng không thực hiện được; vì vậy quyết định tự sát cho xong. Nghe vậy, Đông Phương Sóc rất thông cảm cho hiếu tình cao cả của nàng cung nữ, bèn hứa sẽ tìm cách giúp nàng đoàn tụ cùng gia đình. Có hôm nọ, ông ra ngoài thành, thấy trên đường Trường An có một gian bói toán, nhiều người tranh nhau xem bói. Ai cũng bốc trúng quẻ “chánh nguyệt thập lục hỏa phần thân (正月十六火焚身, mười sáu tháng Giêng lửa thiêu thân).” Nhất thời, kinh đô Trường An sinh hỗn loạn vì quẻ bói xấu kia; mọi người đều tìm biện pháp giải quyết khỏi ách nạn ấy. Thấy vậy, Đông Phương Sóc bảo rằng: “Vào đêm 13 tháng Giêng, Thần Lửa có phái một vị Thần Nữ Áo Đỏ hạ phàm thẩm tra, vị ấy là người phụng chỉ đốt cháy Trường An. Ta sẽ thảo đôi dòng này đưa các ngươi tâu lên Thiên Tử, có thể giúp người tìm ra biện pháp.” Nói xong, ông viết lên một phong thiếp hồng, giao mọi người rồi quay về nhà. Dân chúng cầm thiếp hồng đến Hoàng Cung, tâu lên Hoàng Thượng. Hán Võ Đế xem qua, thấy có dòng chữ: “Trường An tại kiếp, hỏa phần đế khuyết, thập ngũ thiên hỏa, diệm hồng tiêu dạ (長安在劫、火焚帝闕、十五天火、焰紅宵夜, Trường An kiếp nạn, lửa thiêu cung vua, ngày rằm lửa bốc, đỏ rực đêm rằm).” Nhà vua kinh sợ, cho triệu Đông Phương Sóc đa mưu túc kế đến để tìm biện pháp giải quyết. Ông giả bộ thưa rằng: “Thần thường nghe rằng Thần Lửa rất thích bánh nếp tròn, trong cung nội có Nguyên Tiêu chẳng phải là người làm bánh nếp tròn ngon lắm sao ? Vào đêm rằm, bảo cung nữ đó làm bánh, Hoàng Thượng đích thân dâng hương cúng dường, truyền lệnh cho mỗi nhà trong kinh đô đều phải làm bánh nếp tròn để cùng nhau dâng cúng cho Thần Lửa. Rồi ra lịnh cho khắp thần dân đều cầm đèn vào đêm rằm, đốt pháo, phóng lửa khói, như thể cả thành đang bị đốt cháy. Ngoài ra, còn thông báo cho bá tánh ngoài thành, vào đêm rằm được vào thành ngắm đèn hoa; nhờ vậy mới có thể tiêu trừ tai họa và giải nạn được.” Hoàng Đế nghe xong rất cao hứng, lập tức truyền lệnh cho thực hiện phương pháp của Đông Phương Sóc. Vào đêm rằm tháng Giêng, khắp thành Trường An náo nhiệt, vui nhộn hơn bao giờ. Cả song thân và em gái Nguyên Tiêu cũng được vào thành xem hoa đăng, nhờ vậy cả gia đình nàng được đoàn tụ. Từ đó, tương truyền Hán Võ Đế hạ lịnh dâng cúng bánh nếp tròn nhân ngày rằm tháng Giêng hằng năm. Tục lệ này vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay. Từ “thang viên (湯圓, bánh nếp tròn, bánh trôi nước)” có nghĩa là “tròn nóng”, có âm đọc cùng với từ “đoàn viên (團圓, đoàn tụ, sum họp)”, tức chỉ cho sự đoàn tụ, hòa hợp, hạnh phúc của gia đình; cũng là hình thức thể hiện sự tưởng nhớ đến thân nhân ở xa, mong ngày hội ngộ, và nói lên nguyện vọng muốn có cuộc sống an bình, đoàn tụ trong tương lai. Ngoài ra, cũng có thuyết cho rằng nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua triệu tập các Trạng Nguyên đến để thết đãi và mời vào vườn Thượng Uyển ngắm hoa, làm thi phú. Hoạt động của lễ hội này phát triển theo thời gian và diễn biến của lịch sử. Như dưới thời nhà Hán, Tết Nguyên Tiêu được tiến hành trong 1 ngày, đến thời nhà Đường thì kéo dài 3 ngày, nhà Tống là 5 ngày; sang đến nhà Minh thì vào ngày mồng 8, người ta đã bắt đầu thắp đèn cho đến ngày 17. Trong ngày Tết Nguyên Tiêu, ngoài ngắm đèn, ăn bánh trôi, còn có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí, tỷ dụ như đi cà kheo, múa ương ca, múa sư tử, v.v. Đối với Việt Nam, rằm tháng Giêng cũng là một ngày rất quan trọng đối với người dân. Họ thường đến chùa lễ Phật, dâng hương tụng kinh, sám hối, cầu an để nguyện cầu cho một năm mới được an bình, hanh thông, hạnh phúc, vạn sự cát tường như ý. Bên cạnh đó, cũng nhân ngày này, tín đồ Phật tử Việt Nam thường hành lễ dâng sao giải nạn hạnh ách của một năm. Cho nên dân gian Việt Nam vẫn có câu rằng: “Lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng Giêng.” Lễ hội này đã lưu lại khá nhiều dấu ấn trong các văn chương, thi phú như trong Cựu Đường Thư (舊唐書), phần Trung Tông Kỷ (中宗紀) có đoạn: “Cảnh Long tứ niên Thượng Nguyên dạ, đế dữ Hoàng Hậu vi hành quán đăng (景龍四年上元夜、帝與皇后微行觀燈, vào đêm Thượng Nguyên năm Cảnh Long thứ 4 [710], nhà vua [Đường Trung Tông] cùng với Hoàng Hậu thân hành đi xem hoa đăng).” Hay trong Thủy Hử Truyện (水滸傳), hồi thứ 66 có kể rằng: “Thứ nhật, chánh thị chánh nguyệt thập ngũ nhật, Thượng Nguyên giai tiết, hảo sanh tình minh, hoàng hôn nguyệt thướng, lục nhai tam thị, các xứ phường ngung hạng mạch, điểm phóng hoa đăng (次日、正是正月十五日、上元佳節、好生晴明、黃昏月上、六街三市、各處坊隅巷陌、點放花燈, hôm sau, đúng vào ngày rằm tháng Giêng, tiết đẹp Thượng Nguyên, trời đất trong sáng, hoàng hôn trăng lên, sáu phố ba chợ, các nơi phố phường, hẽm ngách, đều thắp sáng thả hoa đăng).” Đặc biệt thi ca đã ca ngợi nhiều về lễ hội linh thiêng này. Tùy Dương Đế (隋煬帝, tại vị 604-618) có để lại bài Nguyên Tịch Ư Thông Cù Kiến Đăng Dạ Thăng Nam Lâu (元夕於通衢建燈夜升南樓, Ngày Nguyên Tiêu Lập Hoa Đăng Nơi Đường Lộ, Đêm Lên Lầu Nam) như sau: “Pháp luân thiên thượng chuyển, Phạm thanh thiên thượng lai, đăng thọ thiên quang chiếu, hoa diệm thất chi khai, nguyệt ảnh nghi lưu thủy, xuan phong hàm dạ lai, phần động hoàng kim địa, chung phát Lưu Ly đài (法輪天上轉、梵聲天上來、燈樹千光照、花焰七枝開、月影疑流水、春風含夜梅、燔動黃金地、鐘發琉璃台, xe pháp trên trời chuyển, tiếng Phạm vẳng trời bay, đèn cây ngàn ánh chiếu, hoa rực bảy nhánh khai, ánh trăng như nước chảy, gió xuân ngậm đêm mai, xoay động vàng ròng đất, chuông vọng Lưu Ly đài).” Thi sĩ Thôi Dịch (崔液, ?-713) nhà Đường có làm bài Thượng Nguyên Dạ (上元夜): “Ngọc lậu đồng hồ thả mạc tồi, thiết quan kim tỏa triệt dạ khai, thùy gia kiến nguyệt năng nhàn tọa, hà xứ văn đăng bất khán lai (玉漏銅壺且莫催、鐵關金鎖徹夜開、誰家見月能閒坐、何處聞燈不看來, thời gian vàng ngọc chớ giục thôi, khóa vàng cửa thiết suốt đêm khai, nhà ai trăng ngắm ngồi nhàn hạ, nào chốn nghe đèn chẳng đến xem).” Trong khi đó, Trương Hỗ (張祜, khoảng 785-849?) nhà Đường cũng có làm bài Chánh Nguyệt Thập Ngũ Dạ Đăng (正月十五夜燈) như sau: “Thiên môn khai tỏa vạn đăng minh, chánh nguyệt trung tuần động địa kinh, tam bách nội nhân liên tụ vũ, nhất tấn thiên thượng trước từ thinh (千門開鎖萬燈明、正月中旬動地京、三百內人連袖舞、一進天上著詞聲, mở tung ngàn cửa đèn sáng trong, tuần giữa tháng giêng động thần kinh, ba trăm người cùng nối áo múa, vọng đến trời cao khúc thái bình).” Thi hào Lý Thương Ẩn (李商隱, khoảng 813-858) nhà Đường có bài thơ diễn tả về phong cảnh Tết Nguyên Tiêu rằng: “Nguyệt sắc đăng sơn mãn đế đô, xa hương bảo cái ải thông cù, thân nhàn bất đổ trung hưng thịnh, tu trục hương nhân tái Tử Cô (月色燈山滿帝都、香車寶蓋隘通衢、身閒不睹中興盛、羞逐鄉人賽紫姑, trăng tỏ đèn đêm khắp đế đô, xe hương lọng báu rợp đường xa, nhàn hạ chẳng màng đời suy thịnh, dân làng dâng cúng đáp Tử Cô [theo truyền thuyết dân gian trung quốc là một cô nương bần cùng nhưng hiền lương]).” Hay như thi hào Âu Dương Tu (歐陽修, 1007-1072) nhà Tống có để lại bài Sanh Tra Tử Nguyên Tịch (生查子元夕) rằng: “Khứ niên Nguyên Dạ thời, hoa thị đăng như trú, nguyệt đáo liễu tiêu đầu, nhân ước hoàng hôn hậu, kim niên Nguyên Dạ thời, nguyệt dữ đăng y cựu, bất kiến khứ niên nhân, lệ thấp xuân sam tụ (去年元夜時、花市燈如晝、月到柳梢頭、人約黃昏後、今年元夜時、月與燈依舊、不見去年人、淚濕春衫袖, năm ngoái đêm Nguyên Tiêu, hoa đèn như ngày sáng, trăng đến trên đầu liễu, người về sau hoàng hôn, năm nay đêm Nguyên Tiêu, nguyệt cùng trăng như cũ, chẳng thấy người cũ đâu, lệ ướt tay áo mỏng).” Thi nhân Nguyên Hảo Vấn (元好問, 1190-1257) nhà Nguyên cũng có bài Kinh Đô Nguyên Tịch (京都元夕) như sau: “Huyền phục hoa trang trước xử phùng, lục nhai đăng hỏa náo nhi đồng, trường sam ngã diệc hà vi giả, dã tại du nhân tiếu ngữ trung (袨服華妝著處逢、六街燈火鬧兒童、長衫我亦何爲者、也在遊人笑語中, áo thâm hoa kết mặc theo cùng, phố phường đèn sáng rộn nhi đồng, áo rộng ta cũng là ai nhỉ, vẫn với du nhân cười nói vang).” Sau này, Kheo Phùng Giáp (丘逢甲, 1864-1912) nhà Thanh có làm bài Nguyên Tịch Vô Nguyệt (元夕無月) rằng: “Tam niên thử tịch vô nguyệt quang, minh nguyệt đa ưng tại cố hương, dục hướng hải thiên tầm nguyệt khứ, ngũ canh phi mộng độ côn dương (三年此夕無月光、明月多應在故鄉、欲向海天尋月去、五更飛夢渡鯤洋, ba năm đêm ấy chẳng sáng trăng, trăng tỏ phần nhiều tại cố hương, muốn hướng chân trời tìm trăng lặn, năm canh cỡi mộng vượt ngàn trùng).” Ngoài ra, còn một số câu đối liễn được dùng để treo nhân dịp Tết Nguyên Tiêu, như: “phong thanh nguyệt lãng, đăng thái tinh huy (風清月朗、燈彩星輝, gió mát trăng thanh, đèn rực sao tỏ)”, “vô biên xuân sắc, hữu khánh niên đầu (無邊春色、有慶年頭, vô biên sắc xuân, tốt đẹp đầu năm)”, “nguyệt quang kiểu khiết, nhân chúc huy hoàng (月光皎潔、銀燭輝煌, ánh trăng sáng tỏ, đèn hoa huy hoàng)”, “vạn gia Nguyên Tịch yến, nhất lộ thái bình ca (萬家元夕宴、一路太平歌, vạn nhà đón Nguyên Tịch, một cõi thái bình ca)”, “minh nguyệt thiên môn tuyết, ngân đăng vạn thọ hoa (明月千門雪、銀燈萬樹花, trăng tỏ ngàn nhà tuyết, đèn trong vạn cây hoa)”, “phóng thủ kình minh nguyệt, khai tâm lạc Nguyên Tiêu (放手擎明月、開心樂元宵, buông tay nâng trăng sáng, mở lòng vui Nguyên Tiêu)”, “vạn hộ quản huyền ca thạnh thế, mãn thiên diệm hỏa diệu xuân quang (萬戶管弦歌盛世、滿天焰火耀春光, vạn nhà gãy đàn ca đời thịnh, khắp trời lửa rực tỏa ánh xuân)”, “thiên không minh nguyệt tam thiên giới, nhân túy xuân phong thập nhị lâu (天空明月三千界、人醉春風十二樓, trời cao trăng tỏ ba ngàn cõi, người say xuân gió mười hai lầu)”, “Ngũ dạ tinh kiều liên Nguyệt Điện, lục nhai đăng hỏa bộ Thiên Thai (五夜星橋連月殿、六街燈火步天台, năm đêm sao cầu nối Cung Nguyệt, sáu đường đèn rực bước Thiên Thai)”, “ngọc vũ vô trần thiên khoảnh bích, ngân hoa hữu diệm vạn gia xuân (玉宇無塵千頃碧、銀花有焰萬家春, nhà ngọc không bụi ngàn dặm sáng, hoa đồng tỏa rạng vạn chốn xuân)”, v.v.
(七重行樹): bảy lớp hàng cây, từ xuất hiện trong A Di Đà Kinh (阿彌陀經). Con số 7 ở đây chỉ cho các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới và ở giữa; thể hiện ý nghĩa viên mãn. Theo Đại Sư Ngẫu Ích Trí Húc (蕅益智旭, 1599-1655) nhà Minh giải thích trong A Di Đà Kinh Yếu Giải (阿彌陀經要解, 1 quyển, Taishō No. 1762), là “Thất trùng biểu thất khoa đạo phẩm (七重表七科道品, bảy lớp biểu thị cho bảy khoa đạo phẩm).” Như vậy, Thất Khoa Đạo Phẩm ở đây là 37 Phẩm Trợ Đạo, gồm:
(1) Tứ Niệm Xứ (s: catvāri smṛti-upasthānāni, p: cattāro sati-patṭḥānāni, 四念處), tức Thân Niệm Xứ (s: kāya-smṛty-upasthāna, p: kayekāyānupassi viharati atāpi sampajāno satimā, 身念處), quán thân thể là bất tịnh; Thọ Niệm Xứ (s: vedanā-smṛty-upasthāna, p: vedanāsu vedanānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā, 受念處), quán sự thích ghét của các tác dụng thọ cảm, hết thảy đều là khổ; Tâm Niệm Xứ (s: citta-smṛty-upasthāna, p: citte cittānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā, 心念處), quán tâm là sinh diệt, vô thường; Pháp Niệm Xứ (s: dharma-smṛty-upasthāna, p: dhammesu dhammānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā, 法念處), quán hết thảy các pháp là vô ngã.
(2) Tứ Chánh Cần (s: catvāri prahāṇāni, p: cattāri sammappadhānāni, 四正勤), tức siêng năng tinh tấn đoạn trừ các điều ác đã sanh; siêng năng tinh tấn làm cho không sanh khởi các điều ác chưa sanh; siêng năng tinh tấn làm cho sanh khởi các điều thiện chưa sanh; siêng năng tinh tấn làm cho tăng trưởng các điều thiện đã sanh.
(3) Tứ Như Ý Túc (s: catur-ṛddhipāda, p: catu-iddhipāda, 四如意足), tức Dục Như Ý Túc, Tinh Tấn Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, Tư Duy Như Ý Túc.
(4) Ngũ Căn (s: pañcendriyāni, 五根), tức Tín Căn (s: śradhendriya, 信根), niềm tin vào Tam Bảo, đạo lý Tứ Đế (s: catur-ārya-satya, p: catu-ariya-sacca, 四諦), v.v.; Tấn Căn (s: vīryendriya, 進根), hay còn gọi là Tinh Tấn Căn, siêng năng dũng mãnh tu các pháp lành; Niệm Căn (s: smṛtīndriya, 念根), nghĩ nhớ đến các pháp đúng; Định Căn (s: samādhīndriya, 定根), năng lực khiến cho tâm dừng lại một chỗ, không bị tán loạn; Tuệ Căn (s: prajñendriya, 慧根), nhờ có định mà trí tuệ quán xét sanh khởi, cho nên biết được như thật chân lý.
(5) Ngũ Lực (s: pañca-bala, 五力), tức Tín Lực (s: raddhā-bala, 信力), năng lực tin tưởng; Tinh Tấn Lực (s: vīrya-bala, 精進力), năng lực cố gắng tinh tấn; Niệm Lực (s: smṛti-bala, 念力), năng lực bảo trì; Định Lực (s: samādhi-bala, 定力), năng lực chú tâm tập trung vào Thiền định; Tuệ Lực (s: prajñā-bala, 慧力), năng lực chọn lọc trí tuệ.
(6) Thất Giác Chi (s: saptapodhyaṅgāni, p: satta-pojjharigā, 七覺支), tức Trạch Pháp Giác Chi (s: dharma-pravicaya-sambodhyaṅga, 擇法覺支), nghĩa là chọn lựa sự đúng sai của pháp, lấy cái đúng và bỏ đi cái sai; Tinh Tấn Giác Chi (s: virya-sambodhyaṅga, 精進覺支), là chọn lựa pháp đúng đắn và tinh tấn chuyên tâm tu tập pháp ấy; Hỷ Giác Chi (s: srīti-sambodhyaṅga, 喜覺支), an trú trong pháp vui đúng đắn; Khinh An Giác Chi (s: prasrabdhi-sambodhyaṅga, 輕安覺支), là đoạn trước tà ác đạt được sự nhẹ nhàng an lạc của thân tâm và tăng trưởng thiện căn; Xả Giác Chi (s: supeksā-sambodhyaṅga, 捨覺支), là xả bỏ đi tâm phan duyên với ngoại cảnh và quay trở về sống bình an.
(7) Bát Chánh Đạo (s: āryāṣṭāṇga-mārga, āryāṣṭāṇgika-mārga, p: ariyāṭṭhaṅgika-magga, 八正道), tức Chánh Kiến (s: samyag-dṛṣṭi, p: sammā-diṭṭhi, 正見); Chánh Tư Duy (s: samyak-saṃkalpa, p: sammā-saṅkappa, 正思惟); Chánh Ngữ (s: samyag-vāc, p: sammā-vācā, 正語); Chánh Nghiệp (s: samyakkarmanta, p: sammā-kammanta, 正業); Chánh Mạng (s: samyag-ājīva, p: sammā-ājīva, 正命); Chánh Tinh Tấn (s: samyag-vyāyāma, p: sammā-vāyāma, 正精進); Chánh Niệm (s: samyak-smṛti, p: sammā-sati, 正念); Chánh Định (s: samyak-samādhi, p: sammā-samādhi, 正定).
Cho nên thất trùng hàng thọ còn có nghĩa là bảy lớp chồng chất các pháp môn tu tập giải thoát, nhờ vậy hành giả mới có thể an nhiên, tự tại.
(khoảng thế kỷ thứ 7 trước công nguyên): âm dịch là Da Tư Khải (耶斯卡), nhà từ nguyên học và văn pháp học tiếng Sanskrit, sống trước thời Pāṇini. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Nirukta (sách ngữ học tối cổ hiện tồn của thế giới), bàn về từ nguyên, phạm trù từ vựng và ngữ nghĩa của từ. Tương truyền ông kế thừa Sakatāyana, nhà văn pháp học xưa và người trình bày các thánh điển Phệ Đà (s: Veda, 吠陀), được nhắc đến trong tác phẩm của Yāska. Đôi khi ông được gọi là Yāska Acharya. Tác phẩm Nirukta nổ lực giải thích các từ ngữ có nghĩa của chúng như thế nào, đặc biệt trong ngữ cảnh diễn dịch những văn bản Phệ Đà. Nó bao gồm một hệ thống các nguyên tắc để hình thành từ ngữ từ tiếp vĩ ngữ và tiếp đầu ngữ, một bảng chú giải về các từ bất quy tắc, và hình thành cơ sở cho từ vựng và tự điển sau này. Tác phẩm này gồm 3 phần: (1) Naighantuka, một tuyển tập các từ đồng ngữ; (2) Naigama, tuyển tập các từ khác với những thánh thư Phệ Đà; và (3) Daivata, những từ ngữ đề cập đến các vị thần và tế lễ.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.67.120 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập