Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Nhập thất »»
(行明, Gyōmyō, ?-1073): vị tăng của Chơn Ngôn Tông Nhật Bản, sống vào giữa thời Bình An, vị Kiểm Hiệu đời thứ 9 của Cao Dã Sơn, húy là Hành Minh (行明), thông xưng là Đại Bắc Thất Đại Sư (大北室大師). Ông lên tu ở Bắc Thất Viện (北室院) trên Cao Dã Sơn, đến năm 1044 thì làm chức Sơn Lung (山籠), Nhập thất tu hành, bắt đầu công phu tu tập một ngày 3 thời tại Ngự ảnh Đường (御影堂), nơi thờ phụng Không Hải Đại Sư. Cùng năm đó, ông làm chức Kiểm Hiệu. Đến năm 1069, ông thọ pháp của Dòng Quảng Trạch (廣澤流) với Tánh Tín (性信) ở Nhân Hòa Tự (仁和寺, Ninna-ji). Đệ tử phú pháp của ông có Lương Thiền (良禪).
(明峯素哲, Meihō Sotetsu, 1277-1350): vị Tăng của Tào Động Tông Nhật Bản, người vùng Gia Hạ (加賀, Kaga, có thuyết cho rằng ông người vùng Năng Đăng [能登, Noto], thuộc Ishikawa-ken [石川縣]), họ là Phú Kiên (富樫), hiệu là Minh Phong (明峯). Ban đầu ông xuất gia trên Tỷ Duệ Sơn, rồi thọ cụ túc giới và học giáo học Thiên Thai, sau ông đổi y đến Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji) tham vấn Thiền yếu. Tiếp theo ông đến làm thị giả cho Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾) ở Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji). Theo thầy học đạo được 8 năm trường, sau đó ông được khai ngộ. Từ ấy về sau, ông đi du phương hành hóa khắp nơi. Rồi lần thứ hai ông lại quay trở về với Oánh Sơn tại Vĩnh Quang Tự (永光寺), và đến tháng 6 năm 1323 thì Nhập thất tu hành. Trong khoảng thời gian đầu niên hiệu Nguyên Hoằng (元弘, 1321-1323), khi thiên hạ xảy ra đại loạn, triều đình sắc phong cho Vĩnh Quang Tự thành ngôi chùa sắc nguyện. Vào đầu niên hiệu Lịch Ứng (曆應, 1338-1341), ông chuyển đến sống ở Đại Thừa Tự, rồi đến cuối đời thì sáng lập ra Quang Thiền Tự (光禪寺) ở vùng Việt Trung (越中, Ecchū, thuộc Toyama-ken [富山縣]), và đến sống ở đó. Vào ngày 28 tháng 3 năm đầu (1350) niên hiệu Quán Ứng (觀應), ông thị tịch, hưởng thọ 74 tuổi đời và 58 hạ lạp.
(歸眞): quay trở về với chân như bản tánh, trả lại trạng thái xưa nay, tức Niết Bàn (s: nirvāṇa, p: nibbāna, 涅槃); cho nên đức Phật cũng như chư Tổ sư viên tịch cũng gọi là quy chơn. Về sau, từ này cũng được dùng phổ cập cho các cao tăng, tu sĩ Phật Giáo khi qua đời; đồng nghĩa với quy tịch (歸寂). Như trong Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽, Taishō Vol. 54, No. 2127) quyển Hạ, phần Tống Chung (送終), giải thích rõ rằng: “Thích thị tử, vị Niết Bàn, viên tịch, quy chơn, quy tịch, diệt độ, thiên hóa, thuận thế, giai nhất nghĩa dã; tùy tiện xưng chi, cái dị tục dã (釋氏死、謂涅槃、圓寂、歸眞、歸寂、滅度、遷化、順世、皆一義也、隨便稱之、蓋異俗也, dòng họ Thích [tu sĩ] qua đời, gọi là Niết Bàn, viên tịch, quy chơn, quy tịch, diệt độ, thiên hóa, thuận thế, đều cùng một nghĩa cả; tùy tiện mà gọi, vì khác với thế tục vậy).” Trong Tứ Giáo Nghi (四敎義, Taishō Vol. 46, No. 1929) quyển 1 cũng cho biết rằng: “Phù đạo tuyệt nhị đồ, tất cánh giả thường lạc, pháp duy nhất vị, tịch diệt giả quy chơn (夫道絕二途、畢竟者常樂、法唯一味、寂滅者歸眞, phàm đạo dứt hai đường, rốt cùng là thường lạc, pháp chỉ một vị, vắng lặng là về chơn).” Trong bài Đông Đô Phú (東都賦) của Ban Cố (班固, 32-92) nhà Hán có câu: “Toại linh hải nội khí mạt nhi phản bổn, bối ngụy nhi quy chơn (遂令海內棄末而反本、背僞而歸眞, bèn khiến cho trong nước bỏ ngọn mà tìm nguồn, dứt dối mà về chơn).” Hay trong Nam Nhạc Tổng Thắng Tập (南嶽總勝集, Taishō Vol. 51, No. 2097) quyển Hạ, phần Lương Song Tập Tổ (梁雙襲祖), lại có đoạn: “Hốt nhất nhật vị môn nhân viết: 'Ngô tương Nhập thất chi hậu, nhược hữu thiên khí dị thường, tốc lai báo ngô.' Lạp nhật trung ngọ tứ khí trừng thanh, đệ tử báo chi, nhi sách mộc dục phần hương, tịch nhiên quy chơn (忽一日謂門人曰、吾將入室之後、若有天氣異常、速來報吾、翌日中午四氣澄清、弟子報之、而索沐浴焚香、寂然歸眞, Một hôm nọ, Tổ chợt bảo với môn nhân rằng: 'Sau khi vào trong thất rồi, nếu có khí trời khác thường, mau đến báo cho ta biết.' Vào giữa trưa hôm sau, bốn khí lắng trong, đệ tử báo cho ngài biết, Tổ bèn nhờ tắm rửa, xông hương, rồi lẳng lặng ra đi).” Trong bài Bảo Nguyệt Đại Sư Tháp Minh (寶月大師塔銘) của Tô Thức (蘇軾, 1037-1101) nhà Tống có câu: “Oánh nhiên Ma Ni, quy chơn thử độ (瑩然摩尼、歸眞於土, suốt trong Ma Ni, quy chơn cõi này).”
(請益): có ba nghĩa chính:
(1) Thỉnh cầu thầy giảng lại một đoạn văn hay một chương nào đó. Như trong Lễ Ký (禮記), phần Khúc Lễ (曲禮) có câu: “Thỉnh nghiệp tắc khởi, thỉnh ích tắc khởi (請業則起、請益則起, thỉnh cầu dạy thì phải đứng dậy, thỉnh cầu giảng lại cũng phải đứng dậy).” Hay trong Đường Quốc Sử Bổ (唐國史補) quyển Hạ của Lý Triệu (李肇, ?-?) nhà Đường có đoạn: “Hàn Dũ dẫn trí hậu tấn, vi cầu khoa đệ, đa hữu đầu thư thỉnh ích giả, thời nhân vị chi Hàn môn đệ tử (韓愈引致後進、爲求科第、多有投書請益者、時人謂之韓門弟子, Hàn Dũ hết mình hướng dẫn lớp đi sau, để cầu thi đỗ, có nhiều người đem sách đến xin giảng cho một đoạn, người đương thời gọi họ là môn đệ của Hàn Dũ).”
(2) Thỉnh cầu thêm nữa.
(3) Trong Thiền lâm, phần lớn học trò sau khi thọ giáo xong, vẫn có chỗ chưa rõ ràng, thấu triệt, nên lại đến cầu xin thầy chỉ giáo cho lần nữa; đó gọi là thỉnh ích. Về nguyên tắc thỉnh ích, trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (勅修百丈清規, Taishō Vol. 48, No. 2025) quyển 6, phần Thỉnh Ích có giải thích rõ rằng: “Phàm dục thỉnh ích giả, tiên bẩm Thị Giả, thông phú Trú Trì: 'Mỗ giáp Thượng Tọa kim vãn dục nghệ Phương Trượng thỉnh ích.' Như duẫn sở thỉnh, định chung hậu nghệ Thị Ty, hầu Phương Trượng bỉnh chúc trang hương, Thị Giả dẫn nhập Trú Trì tiền vấn tấn sáp hương, đại triển cửu bái, thâu Tọa Cụ tấn vân: 'Mỗ vi sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc, phục vọng Hòa Thượng từ bi phương tiện khai thị.' Túc cung trắc lập đế thính thùy hối tất, tấn tiền sáp hương, đại triển cửu bái, vị chi tạ nhân duyên, tắc miễn xúc lễ, thứ nghệ thị ty Trí Tạ (凡欲請益者、先稟侍者、通覆住持、某甲上座今晚欲詣方丈請益、如允所請、定鍾後詣侍司、候方丈秉燭裝香、侍者引入住持前問訊插香、大展九拜、收坐具進云、某爲生死事大、無常迅速、伏望和尚慈悲方便開示、肅恭側立諦聽垂誨畢、進前插香、大展九拜、謂之謝因緣、免則觸禮、次詣侍司致謝, phàm có người xin chỉ giáo, trước thưa với Thị Giả để thông qua trước với vị Trú Trì rằng: 'Có Thượng Tọa … chiều nay muốn đến gặp Phương Trượng để xin thỉnh giáo.' Như được chấp thuận lời thỉnh cầu, sau khi cử chuông xong thì đến gặp người hầu cận, hầu Phương Trượng cầm đuốc dâng hương; Thị Giả dẫn vào trước mặt vị Trú Trì thưa hỏi, cắm hương lên, rồi lạy xuống chín lạy, gấp Tọa Cụ lại và thưa rằng: 'Con vì sanh tử chuyện lớn, vô thường chóng qua, cúi mong Hòa Thượng từ bi phương tiện khai thị.' Xong cung kính đứng qua một bên lắng nghe lời dạy xong, tiến về phía trước cắm hương, lạy xuống chín lạy, đó gọi là lạy nhân duyên; nếu được miễn thì chỉ vái thôi, tiếp theo đến gặp người hầu cận tạ lễ).” Cho nên, quy tắc thỉnh ích rất nghiêm cẩn. Trong các Ngữ Lục của Thiền Tông thường thấy xuất hiện rất nhiều ký lục liên quan đến việc thỉnh ích. Như trong Tục Chỉ Nguyệt Lục (續指月錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 84, No. 1579) quyển 4 có đoạn: “Lâm An Kính Sơn Vô Chuẩn Sư Phạm Thiền Sư, sanh ư Thục chi Tử Đồng Ung thị, cửu tuế xuất gia, trường du Thành Đô chi tọa hạ, thỉnh ích Tọa Thiền chi pháp ư lão túc Nghiêu Thủ Tòa (臨安徑山無準師範禪師、生於蜀之梓潼雍氏、九歲出家、長遊成都坐夏、請益坐禪之法於老宿堯首座, Thiền Sư Vô Chuẩn Sư Phạm ở Kính Sơn, Lâm An, sanh ra trong nhà họ Ung ở Tử Đồng nước Thục, năm 9 tuổi xuất gia, giao du thân mật với chư vị tăng An Cư Kiết Hạ ở Thành Đô, thỉnh giáo pháp môn Tọa Thiền với bậc lão túc Nghiêu Thủ Tòa).” Hay trong Vân Cốc Hòa Thượng Ngữ Lục (雲谷和尚語錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 73, No. 1454) quyển Hạ có câu: “Tài đáo nhất sở tại, tu thị tiên thỉnh ích nhân duyên, phương hứa Nhập thất (纔到一所在、須是先請益因緣、方許入室, mới đến một nơi nào, trước nên xin chỉ giáo nhân duyên, mới cho vào thất).”
(住持, jūji): nguyên ban đầu có ý nghĩa là sống lâu, hộ trì Phật pháp; nhưng sau này chuyển sang nghĩa chỉ cho vị tăng chưởng quản một ngôi chùa; còn gọi là Trú Trì Chức (住持職), gọi tắt là Trú Chức (住職, jūshoku); hay gọi là Duy Na (維那), Tự Chủ (寺主). Từ sau thời nhà Tống (宋, hay Lưu Tống [劉宋], 420-479) trở đi, chức danh Trú Trì được dùng rộng rãi trong Thiền Lâm. Khi Phật Giáo đầu tiên mới du nhập vào Trung Quốc, những người tu Thiền lấy đạo truyền trao cho nhau, hoặc là sống trong hang động núi rừng, hoặc nương nơi các ngôi chùa Luật; và thưở ấy chưa có tên gọi Trú Trì. Mãi đến thời nhà Đường (唐, 618-907), Thiền phong dần dần hưng thịnh, đồ chúng mỗi ngày một tăng, Thiền Sư Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海, 749-814) mới bắt đầu chế ra chức Trú Trì; sau này được tôn xưng là Trưởng Lão (長老), hay Phương Trượng (方丈). Như trong Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký (百丈清規證義記, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 63, No. 1244) quyển 5 có ghi rằng: “Thiền Tông Trú Trì, nhi xưng chi viết Trưởng Lão, dĩ xỉ đức cụ tôn dã (禪宗住持、而稱之曰長老、以齒德俱尊也, vị Trú Trì trong Thiền Tông được gọi là Trưởng Lão, vì coi trọng đức của vị ấy đủ tôn kính).” Trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (敕修百丈清規, Taishō Vol. 48, No. 2025) quyển 2, phần Trú Trì Nhật Dụng (住持日用) có giải thích chi tiết 16 pháp vị Trú Trì phải hành trì bao quát hằng ngày, gồm:
(1) Thượng đường (上堂, thuyết pháp cho đại chúng tại Pháp Đường),
(2) Vãn tham (晚參, buổi chiều thuyết pháp, giáo huấn cho đại chúng tại Pháp Đường),
(3) Tiểu tham (小參, thuyết pháp không phải theo thời gian quy định),
(4) Cáo hương (告香, thuyết pháp khai thị cho vị tăng mới đến),
(5) Phổ thuyết (普說, thuyết pháp),
(6) Nhập thất (入室),
(7) Niệm tụng (念誦),
(8) Tuần liêu (巡寮, tuần tra các liêu phòng của chúng tăng),
(9) Túc chúng (肅眾, giám sát và đốc thúc đại chúng),
(10) Huấn đồng hành (訓童行, dạy cho chúng điệu nhỏ mới vào tu),
(11) Vị hành giả phổ thuyết (爲行者普說, thuyết pháp cho hành giả),
(12) Thọ Pháp Y (受法衣, nhận Pháp Y),
(13) Nghênh thị tôn túc (迎侍尊宿, nghinh tiếp chư tôn túc đến thăm),
(14) Thí chủ thỉnh thăng tòa Trai Tăng (施主請陞座齋僧, thí chủ cung thỉnh lên tòa chứng minh, thọ nhận lễ Trai Tăng),
(15) Thọ từ pháp nhân tiên điểm (受嗣法人煎點, châm trà tiếp đãi những vị đến thọ nhận từ pháp),
(16) Từ pháp sư di thư chí (嗣法師遺書至, vị thầy truyền pháp mang từ thư đến).
Trú Trì là người phải đầy đủ đức hạnh kiêm toàn, nên trong Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō Vol. 53, No. 2122) quyển 30 có câu: “Tương dục Trú Trì Tam Bảo, tất tu đức hạnh nội sung (將欲住持三寶、必須德行內充, nếu muốn Trú Trì Tam Bảo, tất phải có đầy đủ đức hạnh bên trong).” Hay trong Thiền Lâm Bảo Huấn Hợp Chú (禪林寶訓合註, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 64, No. 1263) quyển 4 có nêu ra 4 yếu tố cần thiết cho vị Trú Trì: “Trú Trì chi thể hữu tứ yên, nhất đạo đức, nhị ngôn hạnh, tam nhân nghĩa, tứ lễ pháp; đạo đức ngôn hạnh, nãi giáo chi bổn, nhân nghĩa lễ pháp, nãi giáo chi mạt dã; vô bổn bất năng lập, vô mạt bất năng thành (住持之體有四焉、一道德、二言行、三仁義、四禮法、道德言行、乃敎之本也、仁義禮法、乃敎之末也、無本不能立、無末不能成, thể của Trú Trì có bốn điều, một là đạo đức, hai là ngôn hạnh, ba là nhân nghĩa, bốn là lễ pháp; đạo đức ngôn hạnh là gốc của giáo pháp; nhân nghĩa lễ pháp là rễ của giáo pháp; không gốc thì không đứng vững được, không rễ thì không hình thành được).” Cho nên, Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký quyển 1 còn khẳng định thêm rằng: “Khả kiến vi tăng giả, toàn lại tu hành vi bổn, sở vị trú trì giả hữu đạo đức, tắc tùng lâm nhật an, vô tắc tùng lâm nhật nguy (可見爲僧者、全賴修行爲本、所謂住持有道德、則叢林日安、無則叢林日危, có thể thấy rằng làm tăng sĩ toàn bộ đều lấy việc tu hành làm gốc, gọi là vị Trú Trì có đạo đức thì tùng lâm ngày một yên ổn, nếu không thì tùng lâm ngày một nguy khốn).” Quyển 5 của tác phẩm trên còn cho biết rằng: “Linh Sơn trú trì, Đại Ca Diếp thống chi; Trúc Lâm trú trì, Xá Lợi Phất chủ chi (靈山住持、大迦葉統之、竹林住持、舍利弗主之, trù trì Linh Sơn do Đại Ca Diếp thống quản, trú trì Trúc Lâm Tinh Xá do Xá Lợi Phất làm chủ).” Hay trong Niệm Phật Tam Muội (念佛三昧, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 62, No. 1190) cũng nêu rõ rằng: “Ta Bà thế giới, Thích Tôn trú trì, Hoa Tạng Thế Giới, Lô Xá Na Thế Tôn trú trì (娑婆世界、釋尊住持、華藏世界、盧舍那世尊住持, thế giới Ta Bà do đức Thích Tôn trú trì, thế giới Hoa Tạng do đức Thế Tôn Lô Xá Na trú trì).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.93.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập