Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Nguyên Trí »»
(高峰原妙, Kōhō Genmyō, 1238-1295): vị tăng của phái Phá Am và Dương Kì thuộc Lâm Tế Tông Trung Quốc, hiệu là Cao Phong (高峰), xuất thân Huyện Ngô Giang (呉江縣), Phủ Tô Châu (蘇州府), Tỉnh Giang Tô (江蘇省), họ Từ (徐), sanh ngày 23 tháng 3 năm thứ 2 niên hiệu Nguyên Hy (元熙) nhà Nam Tống. Năm 15 tuổi, ông xuống tóc xuất gia, đến năm 17 tuổi thì theo tu học với Pháp Trú (法住) ở Mật Ấn Tự (密印寺) vùng Gia Hòa (嘉禾). Ông còn học cả giáo học Thiên Thai, sau đến tham vấn Đoạn Kiều Diệu Luân (斷橋妙倫), rồi Tuyết Nham Tổ Khâm (雪巖祖欽) và đắc pháp với vị này. Vào năm thứ 2 (1266) niên hiệu Hàm Thuần (咸淳), ông ẩn cư tại vùng Long Tu (龍鬚), Lâm An (臨安) và 5 năm sau thì hoát nhiên triệt ngộ. Đến năm thứ 10 cũng niên hiệu trên, ông đến trú tại Song Kế Phong (雙髻峰), rồi đến năm thứ 16 (1279) niên hiệu Chí Nguyên (至元), ông đến Tây Phong (西峰) trên Thiên Mục Sơn (天目山) và bắt đầu hoằng pháp ở Sư Tử Nham (獅子巖). Ông sáng lập ra 2 ngôi chùa Sư Tử (獅子) và Đại Giác (大覺), đệ tử tham học có đến cả ngàn người và thọ giới hơn vạn người. Ông dùng gia phong gọi là Tam Quan Ngữ (三關語) để lại cho hậu thế bộ Cao Phong Đại Sư Ngữ Lục (高峰大師語錄) 2 quyển. Vào ngày mồng 1 tháng 12 năm đầu niên hiệu Nguyên Trinh (元貞), ông thị tịch, hưởng thọ 58 tuổi đời và 43 hạ lạp, được ban tặng cho thụy hiệu là Phổ Minh Quảng Tế Thiền Sư (普明廣濟禪師). Chi Tốn (之巽) soạn văn bia tháp, cư sĩ Trực Ông (直翁) và Hồng Kiêu Tổ (洪喬祖) viết hành trạng của ông.
(覺運, Kakuun, 953-1007): học tăng của Thiên Thai Tông Nhật Bản, sống vào khoảng giữa thời Bình An, vị tổ của Dòng Đàn Na (檀那流), húy Giác Vận (覺運), thông xưng là Đàn Na Tăng Chánh (檀那僧正), xuất thân kinh đô Kyōto, con của Đằng Nguyên Trinh Nhã (藤原貞雅). Sau khi xuất gia, ông lên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan), làm việc cho hội Quảng Học Thụ Nghĩa (廣學竪義, Kōgakuryūgi) với tư cách là người có học thức cao và để lại khá nhiều trước tác. Vì ông trú tại Đàn Na Viện (檀那院) ở Tây Tháp, nên pháp phái của ông được gọi là Dòng Đàn Na; và cùng sánh ngang hàng với Dòng Huệ Tâm (惠心流) của Nguyên Tín (源信, Genshin), cả hai được gọi là Nhị Đại Học Lưu (二大學流, hai dòng phái học thức lớn). Ông đã từng làm Giảng Sư tại các pháp hội như giảng nghĩa về Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀) cho Tướng Quân Đằng Nguyên Đạo Trưởng (藤原道長) nghe và gần gủi với tầng lớp quý tộc trong cung nội. Trước tác của ông có Chỉ Quán Khám Văn (止觀勘文) 1 quyển, Niệm Phật Bảo Hiệu (念佛寳號) 1 quyển, Thảo Mộc Phát Tâm Tu Hành Thành Phật Ký (草木發心修行) 1 quyển, Thập Nhị Nhân Duyên Nghĩa Tư Ký (十二因緣義私記) 1 quyển, Nhất Tâm Tam Quán Ký (一心三觀記) 1 quyển, v.v.
(皇慶, Kōgei, 977-1049): vị học tăng của Thiên Thai Tông Nhật Bản, sống vào khoảng giữa thời Bình An, tổ của Dòng Cốc (谷流), húy Hoàng Khánh (皇慶), thông xưng là Cốc A Xà Lê (谷阿闍梨), Đơn Ba A Xà Lê (丹波阿闍梨), Trì Thượng A Xà Lê (池上阿闍梨), hiệu Biến Chiếu Kim Cang (遍照金剛), thụy hiệu là Từ Ứng (慈應), xuất thân kinh đô Kyōto. Năm 983, ông lên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan), theo học Thai Mật với Tĩnh Chơn (靜眞) của Pháp Hưng Viện (興法院) ở Đông Tháp, rồi đi du hóa khắp các tiểu quốc và trong khoảng thời gian niên hiệu Trường Đức (長德, 995-999), tiến hành pháp Phổ Hiền Diên Mạng (普賢延命) tại vùng Y Do (伊予, Iyo) cho vị quan Kami là Đằng Nguyên Tri Chương (藤原智章). Sau ông theo học Đông Mật với Cảnh Vân (景雲) ở Bối Chấn Sơn (背振山), Trúc Tiền (筑前, Chikuzen). Trong khoảng thời gian niên hiệu Vạn Thọ (萬壽, 1024-1028), ông đến trú trì Đại Nhật Tự (大日寺) ở vùng Trì Thượng (池上, Ikegami), Đơn Ba (丹波, Tamba), được vị quan Kami là Đằng Nguyên Nguyên Chương (藤原源章) trọng dụng và trở thành A Xà Lê (阿闍梨). Pháp lưu của ông được gọi là Dòng Cốc, đời sau rất hưng thạnh. Trước tác của ông có Quán Đảnh Tùy Yếu Ký (灌頂隨要記) 2 quyển, Thai Tạng Đạo Tràng Quán Tư Ký (胎藏道塲觀私記) 1 quyển, v.v.
(虛堂集, Kidōshū): 6 quyển, có lời bình xướng của Lâm Tuyền Tùng Luân (林泉從倫), san hành vào năm đầu (1295) niên hiệu Nguyên Trinh (元貞) nhà Nguyên. Nguyên văn là Lâm Tuyền Lão Nhân Bình Xướng Đơn Hà Thuần Thiền Sư Tụng Cổ Hư Đường Tập (林泉老人評唱丹霞淳禪師頌古虛堂集, Rinsenrōjinhyōshōtankajunzenjijukokidōshū). Đây là tập thâu lục 100 tắc tụng cổ của Đơn Hà Tử Thuần (丹霞子淳) nhà Tống để làm kim chỉ nam cho hàng hậu học biện đạo. Từ các bài tụng cổ được thâu lục trong Đơn Hà Ngữ Lục (丹霞語錄), mỗi tắc có lời dạy chúng của Lâm Tuyền Lão Nhân, rồi được thêm vào trước ngữ cho cổ tắc do Đơn Hà nêu lên, kế đến thêm vào tụng cổ của Đơn Hà, cuối cùng có lời bình xướng của riêng tác giả. Bộ này bắt chước hình thức biên tập của Bích Nham Lục (碧巖錄) và Tùng Dung Lục (從容錄).
(楚石梵琦, Soseki Bonki, 1296-1370): vị tăng của Phái Đại Huệ thuộc Lâm Tế Tông Trung Quốc, tự là Đàm Diệu (曇曜), Sở Thạch (楚石), hiệu Tây Trai Lão Nhân (西齋老人), sinh tháng 6 năm thứ 2 niên hiệu Nguyên Trinh (元貞), xuất thân Tượng Sơn (象山), Minh Châu (明州, Tỉnh Triết Giang), họ Chu (朱). Năm 9 tuổi, ông đến tham yết và xuất gia với Nột Ông Mô (訥翁模) ở Thiên Ninh Tự (天寧寺), Hải Diêm (海塩, Tỉnh Triết Giang). Ngoài ra, ông còn tham vấn Tấn Ông Tuân (晉翁洵) ở Sùng Ân Tự (崇恩寺) vùng Hồ Châu (湖州, Tỉnh Triết Giang). Năm 16 tuổi, ông thọ Cụ Túc giới ở Chiêu Khánh Tự (昭慶寺) vùng Hàng Châu (杭州, Tỉnh Triết Giang). Từ đó, ông lại đến tham yết một số danh tăng khác như Hư Cốc Hy Lăng (虛谷希陵) ở Kính Sơn (徑山), Vân Ngoại Vân Tụ (雲外雲岫) ở Thiên Đồng Sơn (天童山), Hối Cơ Nguyên Hy (晦機元熙) ở Tịnh Từ Tự (淨慈寺), v.v. Cuối cùng ông đến tham vấn Nguyên Tẩu Hành Đoan (元叟行端) ở Kính Sơn và kế thừa dòng pháp của vị này. Vào mùa đông năm đầu (1324) niên hiệu Thái Định (泰定), thể theo lời thỉnh cầu ông đến trú trì Phước Trăn Tự (福臻寺) ở Hải Diêm, rồi đến ngày mồng 3 tháng 2 năm đầu (1328) niên hiệu Thiên Lịch (天曆) đến Thiên Ninh Vĩnh Tộ Tự (天寧永祚寺), ngày 25 tháng 7 năm đầu niên hiệu Chí Nguyên (至元) đến Đại Báo Quốc Tự (大報國寺) ở Lộ Phụng Sơn (路鳳山), Hàng Châu (杭州), và ngày mồng 8 tháng 8 năm thứ 4 (1344) niên hiệu Chí Chánh (至正) đến Bổn Giác Tự (本覺寺) ở Gia Hưng (嘉興, Tỉnh Triết Giang). Sau đó, ông nhận sắc chỉ được ban tặng hiệu Phật Nhật Phổ Chiếu Huệ Biện Thiền Sư (佛日普照慧辯禪師). Ngoài ra, vào ngày mồng 1 tháng 8 năm thứ 17 cùng niên hiệu trên, ông đến sống ở Báo Ân Quang Hiếu Tự (報恩光孝寺), rồi trở về lại Thiên Ninh Vĩnh Tộ Tự. Đến năm thứ 19 (1359) niên hiệu Chí Chánh, ông xây dựng một ngôi chùa ở phía tây Thiên Ninh Tự, đặt tên là Tây Trai Tự (西齋寺) và lui về đó ẩn cư. Sau đó, ông phụng chiếu khai đường thuyết pháp ở Tương Sơn Tự (蔣山寺), Kim Lăng (金陵). Ông có mối thâm giao với Tống Cảnh Liêm (宋景濂). Vào ngày 26 tháng 7 năm thứ 3 niên hiệu Hồng Võ (洪武), ông thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi đời và 63 hạ lạp. Ông có để lại một số trước tác như Tịnh Độ Thi (淨土詩), Từ Thị Thượng Sanh Kệ (慈氏上生偈), Bắc Du Tập (北遊集), Phụng Sơn Tập (鳳山集), Tây Trai Tập (西齋集), Hòa Thiên Thai Tam Thánh Thi (和天台三聖詩), Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư Sơn Cư Thi (永明壽禪師山居詩), Đào Tiềm Thi (陶潛詩), Lâm Thông Thi (林通詩), v.v. Nhóm môn nhân Tổ Quang (祖光) của ông biên tập bộ Sở Thạch Phạm Kỳ Thiền Sư Ngữ Lục (楚石梵琦禪師語錄) 20 quyển, lại còn có Chí Nhân (至仁) soạn bản Sở Thạch Hòa Thượng Hành Trạng (楚石和尚行狀). Tống Cảnh Liêm soạn văn Phật Nhật Phổ Chiếu Huệ Biện Thiền Sư Tháp Minh (佛日普照慧辯禪師塔銘).
(清拙正澄, Seisetsu Shōchō, 1274-1339): vị Thiền Tăng của Phái Dương Kì (楊岐) và Phá Am (破庵), thuộc Lâm Tế Tông, vị Tổ khai sáng Phái Đại Giám (大鑑派), hiệu là Thanh Chuyết (清拙), ngoài ra còn có hiệu khác là Tất Cánh Diệt (畢竟滅), thụy hiệu là Đại Giám Thiền Sư (大鑑禪師); người vùng Phúc Châu (福州, thuộc Tỉnh Phúc Kiến), họ là Lưu (劉). Năm 15 tuổi, ông theo xuất gia với người bác mình là Nguyệt Khê Viên (月溪圓) ở Báo Ân Tự (報恩寺), năm sau thì thọ Cụ Túc Giới ở Khai Nguyên Tự (開元寺). Ông đến tham vấn ở pháp tịch của Cổ Sơn Bình Sở Tủng (鼓山平楚聳), rồi đến Tịnh Từ Tự (淨慈寺) ở vùng Triết Giang bái yết Ngu Cực Trí Tuệ (愚極智慧), và sau khi Ngu Cực qua đời thì ông kế thừa dòng pháp của Phương Sơn Văn Bảo (方山文寶). Về sau, ông cũng đã từng đến tham học ở các nơi như Hổ Nham (虎巖) tại Linh Ấn Tự (靈隱寺), Đông Nham (東巖) tại Dục Vương Sơn (育王山), Nguyệt Đình (月庭) ở Tương Sơn (蔣山), cũng như Hư Cốc Hy Lăng (虛谷希陵) ở Ngưỡng Sơn (仰山). Sau đó, ông bắt đầu hóa đạo ở Kê Túc Sơn (雞足山), chuyên tâm báo đáp ơn pháp nhũ của Ngu Cực Trí Tuệ. Đến năm thứ 3 (1326) niên hiệu Thái Định (泰定), nhận lời mời của dòng họ Bắc Điều (北條, Hōjō), ông cùng với người đệ tử Vĩnh Kỳ (永錤) sang Nhật Bản. Thể theo lời thỉnh cầu của Tướng Quân Bắc Điều Cao Thời (北條高時, Hōjō Takatoki), ông đến sống tại Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji). Sau đó, ông đã từng sống qua ở hai chùa Tịnh Trí (淨智) và Viên Giác (圓覺), nhưng sau ông lại trở về dựng ngôi thảo am lấy tên Thiền Cư Am (禪居庵) ở trong khuôn viên Kiến Trường Tự mà sống. Vào năm thứ 3 (1333) niên hiệu Nguyên Hoằng (元弘), ông chuyển đến Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji) ở vùng Kinh Đô Kyoto, rồi Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji). Sau đó, nhận lời thỉnh cầu của vị thí chủ Tiểu Lạp Nguyên Trinh Tông (小笠原貞宗), ông đến làm Tổ khai sơn Khai Thiện Tự (開善寺, Kaizen-ji) ở vùng Y Hạ Lương (伊賀良) thuộc Tín Nùng (信濃, Shinano, thuộc Nagano-ken [長野縣]). Nhưng sau ông lại rút lui khỏi đây mà trở về Thiền Am Cư. Tiếp theo sau đó, nhận sắc chỉ của triều đình, lần thứ hai ông trở về sống ở Kiến Nhân Tự, và đến ngày 17 tháng giêng năm thứ 2 niên hiệu Ứng Lịch (應曆), ông thị tịch, hưởng thọ 66 tuổi đời và 53 hạ lạp. Ông được ban cho thụy hiệu là Đại Giám Thiền Sư. Trước tác của ông để lại có Thanh Chuyết Hòa Thượng Ngữ Lục (清拙和尚語錄), Đại Giám Thanh Quy (大鑑清規), Đại Giám Tiểu Thanh Quy (大鑑小清規), Thanh Chuyết Hòa Thượng Thiền Cư Tập (清拙和尚前居集), Vô Môn Quan Chú (無門關註). Đông Lăng Vĩnh Dư (東陵永璵) soạn bài Thanh Chuyết Đại Giám Thiền Sư Tháp Minh (清拙大鑑禪師塔銘).
(天龍寺, Tenryu-ji): ngôi chùa trung tâm của Phái Thiên Long Tự (天龍寺派) thuộc Lâm Tế Tông, ngôi Thiền Tự được xây dựng vào đời đại Nam Bắc Triều, tọa lạc tại số 68 Sagatennōjisusukinobabachō (嵯峨天龍寺芒ノ馬場町), Ukyō-ku (右京区), Kyoto-shi (京都市), Kyoto-fu (京都府); hiệu núi là Linh Quy Sơn (靈龜山), còn gọi là Thiên Long Tư Thánh Thiền Tự (天龍資聖禪寺); tên chính thức là Linh Quy Sơn Thiên Long Tư Thánh Thiền Tự (靈龜山天龍資聖禪寺). Lúc ban đầu mới thành lập thì chùa được gọi là Lịch Ứng Tự (曆應寺), nhưng không bao lâu thì tên này được sửa đổi. Đây là ngôi chùa đứng hàng đầu nổi tiếng trong năm ngôi bảo sát ở vùng kinh đô Kyoto. Nơi vùng đất chùa ngày xưa có Đàn Lâm Tự (檀林寺), rồi có Tiên Động Ngự Sở của Hậu Tha Nga Thượng Hoàng (後嵯峨上皇), và Ly Cung của Quy Sơn Thiên Hoàng (龜山天皇, Kameyama Tennō). Vào năm thứ 4 (1339) niên hiệu Diên Nguyên (延元), khi Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng (後醍醐天皇, Godaigo Tennō) băng hà ở vùng Cát Dã (吉野, Yoshino), theo lời khuyên của Mộng Song Sơ Thạch (夢窻疎石), Tướng Quân Túc Lợi Tôn Thị (足利尊氏, Ashikaga Takauji) mới nhận chiếu chỉ và khai sáng chùa này. Chính bản thân Mộng Song và Túc Lợi đã tự mình bưng đất cát xây chùa, rồi cho đến năm thứ 6 (1345) niên hiệu Hưng Quốc (興國) thì chùa được hoàn thành, và Mộng Song trở thành vị Tổ khai sơn chùa này. Kế đến bảy ngôi đường vũ già lam cũng đều được hoàn bị. Về sau, chùa cũng đã nhiều lần bị nạn binh hỏa, các ngôi đường vũ dần dần bị cháy tan tành. Đến trong khoảng niên hiệu Ứng Vĩnh (應永, 1394-1427), khuôn viên chùa được nới rộng ra thêm, có đến khoảng 110 ngôi tháp. Kiến trúc hiện còn lại là Tổng Môn, Sắc Tứ Môn, Chánh Điện, Pháp Đường, Thư Viện, Đại Phương Trượng, Tuyển Phật Trường, Tàng Kinh, Sơn Môn, v.v. Phần lớn những kiến trúc này đều được xây dựng lại dưới thời Minh Trị trở về sau. Chánh Điện chùa được gọi là Đa Vũ Điện (多宇殿), nơi đây an trí tôn bia của Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng. Còn ở trên trần nhà của Pháp Đường có vẽ hình rồng ẩn trong mây, là thư bút nổi tiếng của Linh Mộc Tùng Niên (鈴木松年). Trong khuôn viên chùa còn có rất nhiều tòa viện và chùa nhỏ như Kim Cang Viện (金剛院), Bảo Thọ Viện (寶壽院), Từ Tế Viện (慈濟院), Diệu Trí Viện (妙智院), Tùng Nham Tự (松岩院), Lộc Vương Viện (鹿王院), Tây Phương Tự (西芳寺), Địa Tạng Viện (地藏院), v.v. Đình viên Tào Nguyên Trì (曹源池) của chùa được công nhận là thắng cảnh nổi tiếng, tương truyền do tay Mộng Song Sơ Thạch làm ra.
(淨土宗, Jōdo-shū): tông phái tin vào bản nguyện của đức Phật A Di Đà (s: Amitābha, 阿彌陀佛), và tuyên thuyết rằng nhờ xưng danh hiệu của đức Phật ấy mà tất cả chúng sanh đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tịnh Độ (極樂淨土). Vị tông tổ là Pháp Nhiên Phòng Nguyên Không (法然房源空, Hōnenbō Genkū). Tổng Bản Sơn (ngôi chùa tổ) của tông phái này là Tri Ân Viện (知恩院, Chion-in), hiện tọa lạc tại Higashiyama-ku (東山區), Kyōto-shi (京都市). Vào tháng 3 năm đầu (1175) niên hiệu An Nguyên (安元), khi đang tu hành trên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan), Nguyên Không nhân đọc được bản Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ (觀無量壽經疏) của Thiện Đạo (善導), có được niềm tin sâu xa, nên ông quay về với pháp môn Chuyên Tu Niệm Phật. Sau đó, ông hạ sơn, chuyển đến Tây Sơn Quảng Cốc (西山廣谷), nhưng không bao lâu sau lại dời về vùng Cát Thủy (吉水, Yoshimuzu), Lạc Đông (洛東, Rakutō) và chuyên tâm bố giáo tại đây. Đến năm thứ 9 (1198) niên hiệu Kiến Cửu (建久), ông soạn bộ Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập (選擇本願念佛集) để thể hiện lập trường cứu độ kẻ phàm phu, lấy 3 bộ Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經), Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經), A Di Đà Kinh (阿彌陀經) cũng như Vãng Sanh Luận (徃生論) của Thế Thân (s: Vasubandhu, 世親) làm kinh luận y cứ cho tông phái, và chọn việc an tâm, khởi hành, tác nghiệp làm phương pháp tu hành. Tư tưởng của ông đã tạo ảnh hưởng to lớn đối với xã hội đương thời. Đặc biệt, nó đã kích động các tông phái của Phật Giáo cũ, làm gia tăng số lượng người ủng hộ pháp môn Niệm Phật và tạo ác cảm không ít. Sự đàn áp từ sự kiện của Trú Liên (住蓮) cũng như An Lạc Phòng Tuân Tây (安樂房遵西) ngày càng trở nên mãnh liệt, dẫn đến đình chỉ Niệm Phật; vì vậy vào năm đầu (1207) niên hiệu Thừa Nguyên (承元), từ Nguyên Không trở xuống cho đến nhóm đệ tử Thân Loan (親鸞, Shinran) đều bị lưu đày (gọi là Pháp Nạn Thừa Nguyên); nhưng từ đó số lượng người ủng hộ như hàng võ sĩ, nông dân lại tăng lên cao hơn. Vào năm thứ 2 (1212) niên hiệu Kiến Lịch (建曆), khi Nguyên Không qua đời, vị môn hạ trưởng lão Pháp Liên Phòng Tín Không (法蓮房信空) lên kế thừa, muốn thống lãnh giáo đoàn, nên về mặt đối ngoại ông đã tạo sự luận tranh đối kháng với vị tổ của Trường Lạc Tự (長樂寺, Chōraku-ji) là Long Khoan (隆寬). Chính vì vậy, giáo đoàn gặp Pháp Nạn Gia Lộc (嘉祿法難), miếu thờ của Nguyên Không bị phá hoại, Long Khoan thì bị lưu đày đến địa phương Lục Áo (陸奥, Mutsu); nhưng kết quả việc này đã tạo sự khích lệ vô cùng to lớn cho sự phát triển Tịnh Độ Giáo ở vùng Quan Đông (關東, Kantō). Dòng phái của Long Khoan vốn chủ trương Đa Niệm Nghĩa (多念義) thì được nhóm Trí Khánh (智慶) thọ dung; riêng Hạnh Tây (幸西), người chủ trương Nhất Niệm Nghĩa (一念義), thì bị lưu đày đến Nhất Khi (壱岐), nhưng lại được nhóm Minh Tín (明信) ủng hộ. Dòng phái của Trường Tây (長西), người chủ trương Chư Hạnh Bổn Nguyện Nghĩa (諸行本願義) cũng hưng thạnh một thời, nhưng dần dần suy tàn. Mặt khác, vị tổ của môn đồ vùng Tử Dã (紫野, Murasakino) là Nguyên Trí (源智) lại khuyến khích triển khai hoạt động báo ân cho Nguyên Không, tạc bức tượng Phật A Di Đà (hiện an trí tại Ngọc Quế Tự [玉桂寺] thuộc Shiga-ken) để kết duyên với mọi người, nỗ lực phục hưng Tri Ân Viện và có được số lượng tín đồ khá đông. Bên cạnh đó, Chứng Không (証空), vị tổ của Tây Sơn Nghĩa (西山義), thì hoạt động dựa trên bối cảnh thế lực của Từ Viên (慈圓), làm cho Tịnh Độ Giáo thẩm thấu vào trong tầng lớp võ sĩ và quý tộc. Như vậy, sau khi Nguyên Không qua đời, giáo đoàn Chuyên Tu Niệm Phật đã phân hóa thành từng nhóm khác nhau và trở thành thời đại không thống nhất về mặt chính trị cũng như tổ chức giáo đoàn. Lương Trung (良忠), đệ tử của Biện Trường (辨長)—vị tổ của Trấn Tây Nghĩa (鎭西義) vốn hoạt động ở vùng Cửu Châu (九州, Kyūshū), đã đi qua vùng kinh đô Kyōto, Tín Nùng (信濃, Shinano), xuống Quan Đông (關東, Kantō), được cả dòng họ Thiên Diệp (千葉, Chiba) quy y theo và giáo hóa khắp các nơi; nhưng trở thành bất hòa từ vấn đề kinh tế tại đây nên ông tiến về vùng Liêm Thương (鎌倉, Kamakura), được Đại Phật Triêu Trực (大佛朝直) quy y theo, sáng lập Ngộ Chơn Tự (悟眞寺) và xác lập cơ sở ở địa phương này. Ngay như tu sĩ của các tông phái khác cũng tín nhiệm ông, nên ông rất nổi tiếng; nhưng vì cao tuổi và để sửa đổi lại những điều không thống nhất trong giáo nghĩa Tịnh Độ Tông, ông xuống Kyōto và cùng hòa hợp với Tín Huệ (信慧), đệ tử của Nguyên Trí (源智). Từ đó, ông thống nhất với môn đồ vùng Tử Dã, tạo thành cứ địa cho Dòng Trấn Tây Chánh Thống. Sau khi Lương Trung qua đời, Lương Hiểu (良曉) của Bạch Kỳ Phái (白旗派), Tánh Tâm (性心, tức Tánh Chơn [性眞]) của Đằng Điền Phái (藤田派), Tôn Quán (尊觀) của Danh Việt Phái (名越派, cả ba được gọi là Ba Phái Quan Đông), Nhiên Không (然空) của Nhất Điều Phái (一條派), Đạo Quang (道光) của Tam Điều Phái (三條派), Từ Tâm (慈心) của Mộc Phan Phái (木幡派, cả ba được gọi là Ba Phái Kinh Đô) phân hóa rõ rệt, mỗi người tự nỗ lực mở rộng giáo tuyến cho giáo phái mình. Khi chủ trương này càng lúc càng mạnh mẽ, ba đời của Tịnh Độ Tông gồm Nguyên Không, Biện Trường, Lương Trung càng được xác định rõ và Dòng Trấn Tây trở thành dòng phái chính của Tịnh Độ Tông. Riêng cuộc luận tranh giữa Danh Việt Phái và Bạch Kỳ Phái vẫn tiếp diễn cho đến thời đại Minh Trị (明治, Meiji). Danh Việt Phái lấy Fukushima-ken (福島縣) làm cứ địa để mở rộng giáo tuyến ở vùng đông bắc, còn Bạch Kỳ Phái thì mở rộng bố giáo ở trung tâm vùng Quan Đông. Đặc biệt, đến thời đại Thất Đinh (室町, Muromachi), có vị học tăng Tây Liên Xã Liễu Dự Thánh Quynh (西蓮社了譽聖冋) xuất hiện, đưa ra thuyết Ngũ Trùng Tương Truyền (五重相傳) để hệ thống hóa lại toàn bộ huyết mạch cũng như giáo nghĩa và tạo quyền uy đối với các tông phái khác. Sau đó, đệ tử ông là Đại Liên Xã Tây Dự Thánh Thông (大蓮社西譽聖聰) đã sáng lập Tăng Thượng Tự (増上寺) để nuôi dưỡng nhân tài. Hành Liên Xã Đại Dự Khánh Trúc (行蓮社大譽慶竺), đệ tử của Thánh Thông, tiến về kinh đô Kyōto và trú tại Tri Ân Tự (知恩寺, Chion-ji). Nhóm đệ tử của Thông Liên Xã Thán Dự Lương Triệu (聰蓮社嘆譽良肇), người khai sáng Hoằng Kinh Tự (弘經寺) ở Phạn Chiểu (飯沼), tiến về địa phương Tam Hà (三河, Mikawa), sáng lập Đại Ân Tự (大恩寺, Daion-ji), Đại Thọ Tự (大樹寺, Daijū-ji), Tín Quang Minh Tự (信光明寺, Shinkōmyō-ji), lấy những nơi này làm bàn đạp tiến về kinh đô Kyōto; cuối cùng Bạch Kỳ Phái làm chủ thế lực chiếm cứ toàn bộ vùng này. Sau đó, Tri Ân Viện và Tri Ân Viện tranh giành ngôi vị chủ tôn. Tịnh Hoa Viện (淨華院), căn cứ địa của Dòng Nhất Điều, được sự hộ trì của dòng họ Vạn Lý Tiểu Lộ (萬里小路) và trở nên hưng thịnh, nhưng lại bị quý tộc hóa. Trong lúc đó, Lương Như (良如)—đệ tử của Kính Pháp (敬法)—cũng tận lực giáo hóa hàng thứ dân ở địa phương Việt Tiền (越前, Echizen), còn Long Nghiêu (隆堯)—đệ tử của Định Huyền (定玄)—thì giáo hóa tại vùng Cận Giang (近江, Ōmi) và mở rộng giáo tuyến của họ. Như vậy, Tịnh Độ Tông đã được tổ chức hóa về mặt giáo nghĩa, tại các địa phương đều hình thành cơ sở hoạt động, nhưng không thống nhất. Nhân vật tổng hợp thống nhất toàn bộ những thế lực phân tán như vậy là Trinh Liên Xã Nguyên Dự Tồn Ứng (貞蓮社源譽存應), người từng lấy quyền lực của Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) làm thế lực. Tồn Ứng chế ra Chế Độ Đàn Lâm (檀林制度), dựa trên Pháp Độ Nguyên Hòa (元和法度, các pháp độ của Tịnh Độ Tông) để xác lập Chế Độ Bản Mạt (本末制度, chế độ chùa tổ chùa con) và lập ra giáo đoàn mang tính hữu cơ. Tuy nhiên, dần dần nảy sinh hiện tượng sa đọa, phóng túng và thế tục hóa trong giáo đoàn. Đến thời Trung Kỳ của thời đại Giang Hộ (江戸, Edo), lại xuất hiện những vị tăng xa lìa thế tục như Đàn Thệ (彈誓), Tồn Dịch (存易), cuộc vận động hành trì giới luật của nhóm Linh Đàm (靈潭) cũng bộc phát và đã đem lại tính cách cách tân cho giáo đoàn. Về mặt giáo học, có nhóm Lương Định (良定), Văn Hùng (文雄) xuất hiện, tạo sự chú tâm của mọi người, nhưng cuối cùng cũng không có ảnh hưởng nào. Khi chính phủ Duy Tân (維新) ra đời, giáo đoàn đã gặp phải làn sóng Phế Phật Hủy Thích. Chế Độ Tri Ân Viện Môn Tích (知恩院門跡制度) bị phế chỉ và phải chịu biết bao thử thách đồng dạng với các tông phái khác. Tuy nhiên, nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của nhóm Phước Điền Hành Giới (福田行誡), giáo đoàn đã vượt qua thời kỳ hỗn loạn. Đến hậu bán thời đại Minh Trị (明治, Meiji), Tịnh Độ Tông đã xác lập thể chế với tư cách là giáo đoàn cận đại. Về mặt học vấn, có những học giả lãnh đạo giới Phật Giáo Học như Vọng Nguyệt Tín Hanh (望月信亨), Độ Biên Hải Húc (渡邊海旭) xuất hiện, đã tạo nên thời đại hoàng kim của Tịnh Độ Tông từ niên hiệu Đại Chánh (大正, Taishō, 1912-1926) đến Chiêu Hòa (昭和, Shōwa, 1926-1989). Ngoài ra, cuộc vận động tín ngưỡng bắt đầu dấy khởi như Cọng Sanh Hội (共生會) của Chuy Vĩ Biện Khuông (椎尾辨匡), Quang Minh Hội (光明會) của Sơn Khi Biện Vinh (山崎辨榮), v.v., tập trung sự quan tâm của đa số quần chúng. Sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, phát sanh vấn đề độc lập phân phái trong Tịnh Độ Tông và cuối cùng vào năm thứ 36 (1961) niên hiệu Chiêu Hòa thì tông phái này đã thống nhất thành một thể. Hiện tại theo bản Tôn Giáo Niên Giám (宗敎年鑑, năm 1997) của Bộ Văn Hóa Nhật Bản, còn lại các phái như sau: Tịnh Độ Tông (淨土宗) có 7080 ngôi chùa, Tịnh Độ Tông Trấn Tây Thâm Thảo Phái (淨土宗鎭西深草派) có 283 ngôi chùa, Tịnh Độ Tông Tây Sơn Thiền Lâm Tự Phái (淨土宗西山禪林寺派) có 372 ngôi chùa, và Tây Sơn Tịnh Độ Tông (西山淨土宗) có 603 ngôi chùa. Một số ngôi tự viện trung tâm, nổi tiếng của tông phái này có Tri Ân Viện (知恩院, Chion-in, Kyōto-shi); Tăng Thượng Tự (增上寺, Zōjō-ji, Kyōto-to); Kim Giới Quang Minh Tự (金戒光明寺, Konkaikōmyō-ji, Kyōto-shi); Bách Vạn Biến Tri Ân Tự (百萬遍知恩寺, Hyakumanbenchion-ji, Kyōto-shi); Thanh Tịnh Hoa Viện (清淨華院, Shōjōkein, Kyōto-shi); Thiện Đạo Tự (善導寺, Zendō-ji, Fukuoka-ken); Quang Minh Tự (光明寺, Kōmyō-ji, Kanagawa-ken); Thiện Quang Tự (善光寺, Zenkō-ji, Nagano-ken); Thiền Lâm Tự (禪林寺, Zenrin-ji, Kyōto-shi); Thệ Nguyện Tự (誓願寺, Seigan-ji, Kyōto-shi), v.v.
(知恩院, Chion-in): ngôi chùa Tổng Bản Sơn của Tịnh Độ Tông, hiện tọa lạc tại Higashiyama-ku (東山區), Kyoto (京都市), gọi cho đủ là Hoa Đảnh Sơn Tri Ân Giáo Viện Đại Cốc Tự (華頂山知恩敎院大谷寺). Pháp Nhiên Thượng Nhân (法然上人, Hōnen Shōnin) được xem như là người khai sơn ngôi viện này, và vị pháp đệ của ông Thế Quán Phòng Nguyên Trí (勢觀房源智) là người sáng kiến. Vào năm 1175, qua bộ Quán Kinh Sớ (觀經疏) của Thiện Đạo Đại Sư (善導大師), Pháp Nhiên Thượng Nhân ngộ được rằng việc xưng danh hiệu Di Đà là con đường thích hợp với bản nguyện của Như Lai, nên ông khai sáng ra Tịnh Độ Tông. Sau đó, ông dựng một ngôi thảo am ở vùng Cát Thủy (吉水, Yoshimizu), cho dù có bị áp bức thế nào đi nữa ông vẫn truyền bá pháp môn Niệm Phật, và đến năm 1211, lúc 80 tuổi, ông thị tịch ở Thiền phòng (nay là thuộc nơi gần bên Thế Chí Đường) nơi vùng Đại Cốc (大谷, Ōtani) thuộc Đông Sơn (東山, Higashiyama). Chúng môn đệ của ông mới an táng di cốt của ông nơi một góc phòng ở, rồi lập nên Miếu Đường để thờ phụng. Sau đó, phòng xá này bị chúng đồ của Sơn Môn phá hại, nên hài cốt của Thượng Nhân được dời về vùng Tha Nga (嵯峨, Saga), rồi làm lễ Trà Tỳ ở vùng Lật Sanh Dã (栗生野, nay ở cạnh bên Quang Minh Tự [光明寺]), và đem an táng ở vùng Tiểu Thương Sơn (小倉山). Về sau, vào năm 1234, Thế Quán Phòng Nguyên Trí lo sợ di tích ở vùng Đại Cốc bị phế diệt, nên mới thỉnh cầu Tứ Điền Thiên Hoàng (四條天皇, Shijō Tennō), và xây dựng lại Điện Phật, Ảnh Đường, Tổng Môn, v.v, lấy tên là Đại Cốc Tự (大谷寺). Nguồn gốc của chùa này là như vậy. Sau đó các đường vũ dần dần được xây dựng thêm, chùa trở rất hưng thạnh với tư cách là bản cứ của Tịnh Độ Tông, song đến năm 1434 chùa lại bị cháy rụi tan tành do hỏa tai. Đến thời vị Tổ đời thứ 20 của chùa là Không Thiền (空禪, Kūzen), ông mới thỉnh cầu sự ủng hộ của Tướng Quân Túc Lợi Nghĩa Giáo (足利義敎, Ashikaga Yoshinori), rồi mãi mấy năm sau thì mới tái kiến được các ngôi đường vũ và làm cho cảnh quan cũ trở lại như xưa. Vào năm 1467, nhân vụ loạn Ứng Nhân (應仁), chùa lại bị thiêu cháy rụi, vị Tổ kế thế đời thứ 22 của chùa là Châu Dữ (周與) thì chạy trốn lên vùng Cận Giang (近江, Ōmi), và xây dựng lên một ngôi chùa khác. Đây chính là ngôi Tân Tri Ân Viện (新知恩院) ngày nay. Rồi đến 11 năm sau, tức vào năm 1478, ông thỉnh cầu Túc Lợi Nghĩa Chính (足利義政), xây dựng lại A Di Đà Đường và Ngự Ảnh Đường ở vùng đất cũ. Nhưng sau đó thì chùa cũng mấy lần bị hỏa hoạn cháy tan tành, mãi đến năm 1524 chùa mới được Hậu Bá Nguyên Thiên Hoàng (後柏原天皇, Gokashiwabara Tennō) cho phép gọi tên là Tổng Bản Sơn của Tịnh Độ Tông. Rồi Hậu Nại Lương Thiên Hoàng (後奈良天皇, Gonara Tennō) còn gởi sắc phong ban tên chùa là Tri Ân Giáo Viện Đại Cốc Tự (知恩敎院大谷寺). Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) thì quy y với vị đệ tử kế thế đời thứ 29 của chùa là Tôn Chiếu (尊照, Sonshō), cho nên Đại Ngự Ảnh Đường rồi các ngôi đường vũ khác đươc xây dựng lên, đăc biệt Cung Môn Tích (宮門跡) là nơi xuống tóc xuất gia của vị Hoàng Tử thứ 8 của Dương Thánh Thiên Hoàng (陽成天皇, Yōzei Tennō) là Lương Vụ Thân Vương (良輔親王). Tuy nhiên, ngôi già lam do Gia Khang tạo dựng cũng biến thành tro bụi vào năm 1633, rồi sau đó thì vị Tướng Quân đời thứ 3 của dòng họ Đức Xuyên là Gia Quang (家光, Iemitsu) mới phục hưng lại cảnh quang như xưa. Sau thời Gia Quang, đời đời con cháu dòng họ Đức Xuyên cũng luôn thâm tín quy ngưỡng với chùa này, và đã cúng dường ngoại hộ rất nhiều vô số kể. Đến thời Minh Trị, chùa được công nhiên gọi tên là chùa Môn Tích. Thêm vào đó, vào năm 1887, chức Quản Trưởng của Tịnh Độ Tông cũng được chế định ra để thống suất toàn giáo đồ Sơn Môn. Hiện tại, chánh điện chùa (tức Ngự Ảnh Đường), kiến trúc được Đức Xuyên Gia Quang tái kiến vào năm 1633, là kiến trúc đồ sộ được xếp nhất nhì ở vùng Kyoto. Ngoài ra Tam Môn, Đường Môn, Kinh Tàng, Thế Chí Đường, Đại Phương Trượng, Tiểu Phương Trượng, v.v, là những quần thể được kiến trúc được xếp vào di sản văn hóa quốc gia. Hiện chùa vẫn còn lưu lại nhiều bảo vật quý giá như 48 quyển tranh vẽ về Pháp Nhiên Thượng Nhân, tranh vẽ 25 vị Bồ Tát Lai Nghênh, v.v.
(貞慶, Jōkei, 1155-1213): vị Tăng của Pháp Tướng Tông, sống vào khoảng cuối thời Bình An và đầu thời Liêm Thương, húy là Trinh Khánh (貞慶), thường được gọi là Lạp Trí Thượng Nhân (笠置房上人), Thị Tùng Dĩ Giảng (侍從已講), hiệu là Giải Thoát Phòng (解脫房), húy là Giải Thoát Thượng Nhân (解脫上人); xuất thân vùng Kyoto, con của quan Quyền Hữu Trung Biện Đằng Nguyên Trinh Hiến (權右中辨藤原貞憲). Năm lên 8 tuổi, ông đến Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji), theo học Pháp Tướng và Luật với người chú của mình là Giác Hiến (覺憲). Năm 1172, ông được Thật Phạm (實範) ở Đề Hồ Tự (醍醐寺, Daigo-ji) thuộc vùng Sơn Thành (山城, Yamashiro) truyền thọ cho Hư Không Tạng Cầu Văn Trì Pháp (虛空藏求聞持法). Năm 1182, ông làm việc cho Hội Duy Ma, rồi đến năm 1186 thì làm Giảng Sư của hội này, từ đó về sau thỉnh thoảng ông có xuất hiện giảng diễn ở các Ngự Trai Hội hay Tối Thắng Giảng, v.v. Năm 1193, ông trở về ẩn cư ở Lạp Trí Tự (笠置寺) thuộc vùng Sơn Thành, rồi đến năm 1196 thì thiết lập Bát Nhã Đài để an trí bộ Đại Bát Nhã Kinh mà ông đã bỏ hết thời gian 11 năm trường biên chép nên, rồi đến năm 1204 thì lập ra Hoa Long Hội và tuyên dương tín ngưỡng Di Lặc. Năm sau, ông tâu thỉnh lên triều đình để đình chỉ việc Chuyên Tu Niệm Phật của Nguyên Không (源空, Genkū, tức Pháp Nhiên). Đến năm 1208, ông tái hưng Hải Trú Sơn Tự (海住山寺), rồi năm 1212 thì kiến lập Thường Hỷ Viện (常喜院) ở Hưng Phước Tự, bắt đầu giảng về Luật và tận lực phục hưng Giới Luật. Trước tác của ông có Ngu Mê Phát Tâm Tập (愚迷發心集) 3 quyển, Khuyến Dụ Đồng Pháp Ký (勸誘同法記) 1 quyển, Di Lặc Giảng Thức (彌勒講式) 1 quyển, Quan Âm Giảng Thức (觀音講式) 1 quyển, Hưng Phước Tự Tấu Trạng (興福寺奏狀) 1 tờ, Thành Duy Thức Luận Tầm Tư Sao (成唯識論尋思抄) 1 quyển, Tâm Yếu Sao (心要抄) 1 quyển, v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.144.73 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập