Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Ngụy »»
(阿彌陀五十菩薩像, Amidagojūbosatsuzō): hay còn gọi là Ngũ Thông Mạn Trà La (五通曼茶羅), một trong đồ hình biến tướng của Tịnh Độ, là bức họa đồ hình lấy đức Phật Di Đà làm trung tâm và chung quanh có 50 vị Phật, Bồ Tát khác. Căn cứ vào quyển trung của bộ Thần Châu Tam Bảo Cảm Thông Lục (神州三寳感通錄) do Đạo Tuyên (道宣, 596-667) nhà Đường (唐, 618-907) thâu tập có ghi rằng xưa kia Ngũ Thông Bồ Tát (五通菩薩) ở Kê Đầu Ma Tự (雞頭摩寺) xứ Thiên Trúc đến thế giới Cực Lạc cung thỉnh đức Phật A Di Đà giáng xuống tượng Phật, khiến cho chúng sanh nào ở cõi Ta Bà nguyện sanh về cõi Tịnh Độ, nhờ có hình tượng Phật mà đạt được nguyện lực của mình, nhân đó Phật hứa khả cho. Vị Bồ Tát này trở về nước thì tượng Phật kia đã đến rồi, có một đức Phật và 50 vị Bồ Tát đều ngồi tòa sen trên lá cây. Ngũ Thông Bồ Tát bèn lấy lá cây ấy đem vẽ ra và cho lưu hành rộng rãi gần xa. Trong khoảng thời gian niên hiệu Vĩnh Bình (58-75) dưới thời Hán Minh Đế, nhân nằm mộng, nhà vua bèn sai sứ sang Tây Vức cầu pháp, thỉnh được Ca Diếp Ma Đằng (s: Kāśyapamātaṅga, 迦葉摩騰, ?-73) sang Lạc Dương (洛陽), sau đó cháu ngoại của Ma Đằng xuất gia làm Sa Môn, có mang bức tượng linh thiêng này sang Trung Quốc; tuy nhiên nó không được lưu truyền rộng rãi cho lắm, vì kể từ thời Ngụy, Tấn trở đi gặp phải nạn diệt pháp, cho nên các kinh tượng theo đó mà bị thất truyền. Vào đầu thời nhà Tùy, Sa Môn Minh Hiến (明憲) may gặp được một bức tượng này từ xứ Đạo Trường (道長) của nước Cao Tề (高齊, tức Bắc Tề), bèn cho đem chép vẽ và lưu hành khắp nơi. Đương thời, Tào Trọng Vưu Thiện (曹仲尤善), họa sĩ trứ danh của Bắc Tề, là người vẽ ra bức tượng này. Từ đó, các nhân sĩ dưới thời nhà Đường cũng bắt đầu sao chép lưu truyền tượng này rất nhiều, lấy nó làm tượng thờ chính. Hơn nữa, các đồ hình biến tướng của A Di Đà Tịnh Độ cũng được lưu bố rất rộng rãi, nhưng xét cho cùng thì đồ hình Ngũ Thông Mạn Trà La này là tối cổ. Trong phần A Di Đà Quyển của bộ Giác Thiền Sao (覺禪鈔) do vị tăng Nhật Bản là Giác Thiền (覺禪, Kakuzen, 1143-?) trước tác, có đồ hình 52 thân tượng của đức Phật A Di Đà; tuy nhiên đây không phải là truyền bản đồ hình Mạn Trà La thời nhà Đường.
(s: Amitāyus, Amitābha; t: Dpag-tu-med, Dpag-yas, j: Amidabutsu, 阿彌陀佛): tên gọi của một vị Phật rất quan trọng trong Phật Giáo Đại Thừa, giáo chủ của thế giới Tây Phương Cực Lạc, còn gọi là A Di Đa Phật (阿彌多佛), A Nhi Đa Phật (阿弭跢佛), thường được gọi là A Di Đà Phật hay A Di Đà Như Lai, gọi tắt là Di Đà. Nguyên bản Sanskrit có hai chữ: Amitāyus có âm dịch là A Di Đa Sưu (阿彌多廋), nghĩa là người có thọ mạng vô hạn hay vô lượng thọ; còn Amitābha có âm dịch là A Di Đa Bà (阿彌多婆), là người có ánh sáng vô hạn hay vô lượng quang; nhưng cả hai đều được phiên âm là A Di Đà. Trên thực tế, nguyên ngữ Amitābha được dùng khá phổ biến. Về xuất xứ của danh hiệu A Di Đà Phật này, trong A Di Đà Kinh (阿彌陀經) do Cưu Ma La Thập (s: Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413) dịch, có đề cập đến. Vị Phật này có ánh sáng vô lượng, tuổi thọ vô lượng, cho nên được gọi là A Di Đà Phật. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào bản tiếng Sanskrit A Di Đà Kinh (阿彌陀經) và Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh (稱讚淨土佛攝受經), vị Phật này có tuổi thọ vô số, ánh sáng vô biên, cho nên được gọi là Vô Lượng Thọ Phật và Vô Lượng Quang Phật. Riêng trong Bình Đẳng Giác Kinh (平等覺經) có bài kệ của A Di Đà Phật, còn trong Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, v.v., có danh hiệu khác là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật hiện trú tại thế giới thanh tịnh tên Cực Lạc. Kinh điển lấy tín ngưỡng A Di Đà Phật làm chủ đề có 3 bộ kinh của Tịnh Độ là Vô Lượng Thọ Kinh (s: Sukhāvatīvyūha-sūtra, 無量壽經), Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經) và A Di Đà Kinh (阿彌陀經); cho nên trên cơ sở của ba kinh này Tịnh Độ Giáo được thành lập. Theo Vô Lượng Thọ Kinh, quyển thượng, trong đời quá khứ xa xưa thời đức Thế Tự Tại Vương Phật (世自在王佛) trụ thế, có vị quốc vương phát tâm vô thượng, xả bỏ vương vị xuất gia, tên là Bồ Tát Pháp Tạng (s: Dharmākara, 法藏, hay Tỳ Kheo Pháp Tạng). Vị này theo tu tập với Thế Tự Tại Vương Phật, phát 48 lời thệ nguyện để cứu độ chúng sanh và sau một thời gian tu hành lâu xa, ngài thành tựu bản nguyện của mình và được thành Phật. Vị Phật này chính là A Di Đà Phật. Cho đến hiện tại ngài vẫn đang thuyết pháp tại thế giới gọi là Cực Lạc (s: Sukhāvatī, 極樂), cách đây khoảng 10 vạn ức Phật độ về phía Tây. Ngài thường tiếp dẫn những người niệm Phật vãng sanh về cõi Tây Phương Tịnh Độ, cho nên được gọi là Tiếp Dẫn Phật. Thông thường tượng A Di Đà Tam Tôn có hai vị Bồ Tát Quan Âm (s: Avalokiteśvara, 觀音) và Thế Chí (s: Mahāsthāmaprāpta, 勢至) đứng hầu hai bên, cho nên hai vị này cùng với Phật A Di Đà được gọi là Tây Phương Tam Thánh. Theo Bát Nhã Tam Muội Kinh (般若三昧經) quyển thượng cho biết rằng đức Phật A Di Đà có 32 tướng tốt, ánh sáng chiếu tỏa khắp, hùng tráng không gì sánh bằng. Đặc biệt, theo lời dạy trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh cho thấy rằng thân của đức Phật Vô Lượng Thọ có trăm ngàn sắc màu vàng rực như vàng Diêm Phù Đàn (s: jambūnadasuvarṇa, 閻浮檀) của Trời Dạ Ma (s, p: Yāma, 夜摩), cao 60 vạn ức na do tha (s: nayuta, niyuta, 那由他) Hằng hà sa số do tuần (s, p: yojana, 由旬). Giữa hai lông mi của ngài có lông mi trắng uyển chuyển xoay về bên phải, tướng lớn nhỏ của lông mi có độ cao gấp 5 lần núi Tu Di (s, p: Sumeru, 須彌山). Mắt của ngài trong trắng, rõ ràng, có bề ngang rộng gấp 4 lần nước biển lớn. Thân ngài có 84.000 tướng tốt, trong mỗi mỗi tướng như vậy có 84.000 ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp các chúng sanh niệm Phật. Tại Tây Tạng, Phật A Di Đà được xem như hai vị Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ; nếu ai mong cầu có trí tuệ thì quy y Phật Vô Lượng Quang, ai mong cầu tuổi thọ và phước lạc thì quy y Phật Vô Lượng Thọ. Trong Mật Giáo, Phật A Di Đà được xem như là diệu quang sát trí của Đại Nhật Như Lai (s: Vairocana, 大日如來), được gọi là Cam Lồ Vương (s: Amṛta-rāja, 甘露王). Trong Kim Cang Giới Mạn Trà La (金剛界曼茶羅), ngài được gọi là A Di Đà Như Lai có thân thọ dụng trí tuệ, nằm ở trung ương vòng nguyệt luân phía Tây. Thân của ngài có sắc vàng ròng, tay bắt ấn Tam Ma Địa (s, p: samādhi, 三摩地), chủng tử là hrīḥ, mật hiệu là Thanh Tịnh Kim Cang, và hình Tam Muội Da là hoa sen. Trong Thai Tạng Giới Mạn Trà La (胎藏界曼茶羅), ngài được gọi là Vô Lượng Thọ Như Lai, nằm ở phía Tây, trong đài có 8 cánh sen. Thân ngài có sắc màu vàng trắng hay vàng ròng, mắt nhắm lại, thân nhẹ như tà áo, ngồi xếp bằng trên tòa sen báu, tay bắt ấn nhập định, chủng tử là saṃ, mật hiệu là Thanh Tịnh Kim Cang, và hình Tam Muội Da là hoa sen vừa mới hé nở. Tại An Lạc Lâm (安樂林), Bạch Vân Am (白雲菴), thuộc Từ Khê (慈谿), Ninh Ba (寧波), Tỉnh Triết Giang (浙江省) có câu đối như sau: “Nhất cú Di Đà hữu thể hữu tông hữu dụng, tam thiên thế giới tức không tức giả tức trung (一句彌陀有體有宗有用、三千世界卽空卽假卽中, một câu Di Đà, có thể có tông có dụng, ba ngàn thế giới là không là giả là trung).” Hay tại Phổ Đà Tự (普陀寺) ở Hạ Môn (廈門), Tỉnh Phúc Kiến (福建省南) cũng có câu đối tán thán công hạnh của đức Phật A Di Đà như: “Di Đà thủ tiếp Liên Trì khách, chúng sanh tâm quy Cực Lạc bang (彌陀手接蓮池客、眾生心歸極樂邦, Di Đà tay rước Liên Trì khách, chúng sanh tâm về Cực Lạc bang).” Đào Duy Từ (1572-1634) có câu thơ rằng: “Những khi khói tỏ yên hà, mảng âu mây cuốn Di Đà Tây Thiên.” Hay trong truyện Phan Trần cũng có câu: “Tam Quy Ngũ Giới chứng tình, xem câu nhân quả niệm kinh Di Đà.”
(阿彌陀三十七號, Amidasanjūnanagō): 37 đức hiệu của đức Phật A Di Đà, do Thân Loan (親鸞, Shinran, 1173-1262), tổ khai sáng Tịnh Độ Chơn Tông (淨土眞宗, Jōdōshin-shū) của Nhật Bản lấy từ bài Kệ Tán A Di Đà của Đàm Loan (曇鸞, 476-?) cho vào trong bản Tịnh Độ Hòa Tán (淨土和讚, Jōdōwasan) của ông. Đó là:
(1) Vô Lượng Quang, - (2) Chân Thật Minh,
(3) Vô Biên Quang, - (4) Bình Đẳng Giác,
(5) Vô Ngại Quang - (6) Nan Tư Nghì,
(7) Vô Đối Quang, - (8) Tất Cánh Y,
(9) Quang Viêm Vương, - (10) Đại Ứng Cúng,
(11) Thanh Tịnh Quang, - (12) Hoan Hỷ Quang,
(13) Đại An Úy, - (14) Trí Huệ Quang,
(15) Bất Đoạn Quang, - (16) Nan Tư Quang
(17) Vô Xưng Quang, - (18) Siêu Nhật Nguyệt Quang,
(19) Vô Đẳng Đẳng, - (20) Quảng Đại Hội,
(21) Đại Tâm Hải, - (22) Vô Thượng Tôn,
(23) Bình Đẳng Lực, - (24) Đại Tâm Lực,
(25) Vô Xưng Phật, - (26) Bà Già Bà,
(27) Giảng Đường, - (28) Thanh Tịnh Đại Nhiếp Thọ,
(29) Bất Khả Tư Nghì Tôn, - (30) Đạo Tràng Thọ,
(31) Chơn Vô Lượng, - (32) Thanh Tịnh Lạc,
(33) Bản Nguyện Công Đức Tụ, - (34) Thanh Tịnh Huân,
(35) Công Đức Tạng, - (36) Vô Cực Tôn, và
(37) Nam Mô Bất Khả Tư Nghì Quang.
(阿彌陀三尊, Amidasanzon): hay còn gọi là Tây Phương Tam Thánh, tức A Di Đà Phật và 2 người hầu hai bên; ở giữa là đức Phật A Di Đà, bên trái là Bồ Tát Quan Thế Âm (s: Avalokiteśvara, 觀世音) và bên phải Bồ Tát Đại Thế Chí (s: Mahāsthāmaprāpta, 大勢至). Dạng thức của Di Đà Tam Tôn này vốn phát xuất từ Ấn Độ, là di phẩm được bảo tồn trên bích họa trong động thứ 9 của thạch động A Chiên Đa (s: Ajantā, p: Ajanta, 阿栴多). Ở Trung Hoa, tượng Di Đà Tam Tôn có sớm nhất được khắc vào năm 538 (Nguyên Tượng [元象] nguyên niên) nhà Đông Ngụy. Tại Nhật Bản, có bức bích họa trong Kim Đường của Pháp Long Tự (法隆寺, Hōryū-ji) và bức Niệm Trì Phật của Quật Phu Nhân là nổi tiếng nhất. Nhìn chung, nghi tướng của chư tôn đều y cứ vào quyển 8 của Kinh Vô Lượng Thọ (無量壽經) mà tạo nên. Kinh dạy rằng quán tưởng đức hai bên đức Phật Di Đà có hai tòa sen, Bồ Tát Quan Thế Âm ngồi trên tòa sen bên tay trái, Bồ Tát Đại Thế Chí ngồi trên tòa sen bên tay phải. Hơn nữa, trong quyển 5 của Bất Không Quyên Sách Thần Biến Chơn Ngôn Kinh (不空羂索神變眞言經) có dạy rằng tâm thương xót (bi) của Bồ Tát Quan Âm thể hiện cho ý nghĩa dưới hóa độ chúng sanh, nên vị này được đặt bên trái; trí tuệ (trí) của Bồ Tát Thế Chí có ý nghĩa là trên cầu bồ đề, nên vị này được đặt bên phải. Ngoài ra, Quan Thế Âm Bồ Tát Tam Thế Tối Thắng Tâm Minh Vương Kinh (觀世音菩薩三世最勝心明王經) lại cho rằng bên trái của Phật Di Đà là Quán Tự Tại (觀自在), còn bên phải là Kim Cang Thủ (金剛手).
(s: Aśoka, p: Asoka, Aikuō, 阿育王, tại vị khoảng 270-230 ttl): âm dịch là A Du Ca (阿輸迦), ý dịch là Vô Ưu (無憂) gọi tắt là Dục Vương (育王), vị vua đời thứ 3 của vương triều Khổng Tước (s: Maurya, 孔雀) vốn lấy thành phố Pāṭaliputra (tức Hoa Thị Thành [華氏城]) của nước Ma Kiệt Đà (s, p: Magadha, 摩掲陀) làm thủ đô. Trong kinh điển Bắc Truyền bằng tiếng Phạn, Hán và Tây Tạng, đại thể ông xuất hiện khoảng hơn 100 năm sau khi đức Phật diệt độ; theo truyền thuyết của thánh điển Pāli thì cho rằng ông tức vị vào năm thứ 128 sau khi đức Phật diệt độ. Niên đại này được suy định từ niên đại của các vị vua Girisha mà có trong bản pháp sắc văn của nhà vua. Khi vua này tại vị, Ấn Độ là quốc gia vĩ đại thống nhất lần đầu tiên và chiếm đại bộ phận nước Ấn Độ dưới thời đại Anh Quốc. Vào thời trai trẻ, ông rất hung bạo đã giết anh em mình để lên làm vua rồi xâm lược các quốc gia lân cận; thế nhưng cuối cùng ông mới phản tỉnh hiểu được rằng bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng bi thảm cũng có nhiều người phải hy sinh, cho nên ông tự trách mình và vô cùng ân hận. Chính sự ân hận ấy đã dẫn dắt ông đến với Phật Giáo, biết rõ rằng chính Phật Giáo có lợi ích cho lí tưởng của nhân sinh và hoà bình của xã hội. Vì vậy ông đã qui y và nỗ lực tuyên xướng giáo lý Phật Giáo. Nhà vua đã đặt tên cho giáo lý này là “pháp”, cho biệt phái các vị Pháp Đại Thần cũng như tăng sĩ để đi truyền giảng pháp trong và ngoài nước. Chính đích thân ông cũng đi tuần du khắp nước, tiến hành thuyết pháp và tham bái các Phật tích. Tương truyền rằng ông đã cho xây dựng đầu tiên là A Dục Vương Viên Tự (阿育王園寺) tại thủ đô và kiến lập 84.000 ngôi tháp xá lợi khắp trong nước. Bên cạnh đó, ông còn chuyên tâm làm Phật sự, cho nên Phật Giáo đã nhất thời đi đến hưng thịnh tột đỉnh của nó. Chính nhờ vị vua này mà Phật Giáo cũng đã được lan truyền sang các quốc gia lân cận tại Ấn Độ. Phía Tây Bắc từ địa phương Gandhāra đến Girisha, rồi thông qua vùng trung ương Châu Á và đến tận Trung Quốc. Về phương Nam, Phật Giáo cũng được truyền sang Tích Lan (Sri Lanka), và nơi đây đã trở thành nguyên lưu của Phật Giáo Pāli (Nam Truyền Phật Giáo) của các nước phương Nam. Nhờ có A Dục Vương, Phật Giáo Ấn Độ đã phát triển rất mạnh với tư cách là Phật Giáo quốc tế, cho nên trong lịch sử Phật Giáo ông đã trở thành người có công lao cống hiến và ủng hộ đắc lực nhất. Với tư cách là trưởng lão của Phật Giáo, trong các truyện bằng tiếng Pāli, có nêu lên nhân vật Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (p: Moggaliputta-tissa, 目犍連子帝須), còn Phật Giáo Bắc Truyền có nhân vật Ưu Ba Cúc Đa (s, p: Upagupta, 優波毱多), cũng chính là vị vua này.
(s: arhat, p: arahant, j: arakan, 阿羅漢): âm dịch là Ứng Cúng, Phước Điền, Sát Tặc, Vô Học, là người đã đoạn tận hết tất cả phiền não, đã hoàn thành tất cả những việc mình nên làm. Là một vị thánh giả tối cao của đệ tử Phật (Thanh Văn), vị này chứng quả A La Hán thứ 8 của tứ hướng và tứ quả (quả vị được phân loại thành 8 giai đoạn theo cảnh giới mà vị ấy đạt được). Bên cạnh đó đây còn là một trong mười danh hiệu của một đấng Như Lai. Cho nên A La Hán còn được dùng chỉ cho tự thân của đức Phật, trong trường hợp này từ ứng cúng được dùng nhiều hơn. Nguyên gốc của từ này có nghĩa là “người có tư cách”, vì vậy người này xứng đáng để thọ nhận sự cúng dường về y thực, v.v., của hàng tín đồ. Cho nên được gọi là ứng cúng. Hơn nữa, nhờ có sự cúng dường của hàng tín đồ mà có công đức to lớn, người này được ví dụ như là mảnh ruộng ban phước cho tín đồ, nên được gọi là phước điền. Lại nữa, người này đã giết hết loại giặc phiền não nên cũng được gọi là sát tặc. Vị này đã đoạn sạch hết tất cả phiền não không còn gì để học nữa nên được gọi là vô học. Trong quyển I của Kinh Tạp A Hàm (雜阿含經) giải thích người đã chứng quả A La Hán là “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ tác, tự tri bất thọ hậu hữu (我生巳盡、梵行巳立、所作巳作、自知不受後有, mạng sống của ta đã hết, phạm hạnh đã thành lập, những điều nên làm đã làm, tự biết không còn thọ sanh về sau nữa),” và gọi người ấy là người đã đạt được tận trí, vô sanh trí. Sau này trong A Tỳ Đạt Ma (阿毘達磨), tùy theo trí tuệ và căn cơ của vị A La Hán, người ta phân ra làm sáu loại gồm: Thối Pháp, Tư Pháp, Hộ Pháp, An Trú Pháp, Kham Đạt Pháp và Bất Động Pháp.
(s: anuttara-samyak-sambodhi, p: anuttara-sammā-sambodhi, j: anokutarasammyakusambodai, 阿耨多羅三藐三菩提): cựu ý dịch là Vô Thượng Chánh Biến Tri (無上正遍[徧]知), Vô Thượng Chánh Biến Đạo (無上正遍[徧]道); tân ý dịch là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (無上正等正覺); gọi tắt là A Nậu Tam Bồ Đề (阿耨三菩提), A Nậu Bồ Đề (阿耨菩提), v.v. Do vì nội dung của từ này không thể hiện một cách chính xác, nên trong kinh điển phần nhiều người ta vẫn dùng nguyên âm. Cụm từ này có nghĩa là đức Phật thoát ly khỏi thế giới mê muội, chứng được giác trí viên mãn, trong chân lý bình đẳng không có nơi nào không biết đến, cho nên trên thế gian ngài là bậc vô thượng (không ai trên ngài).
(s: Aniruddha, p: Anuruddha, 阿冕樓馱): còn gọi là A Na Luật (阿那律), A Nan Luật (阿難律), A Lâu Đà (阿樓陀), hay A Ni Luật Đà (阿尼律陀), A Nê Lô Đậu (阿泥盧豆); ý dịch là Vô Diệt (無滅), Vô Tham (無貪), Vô Chướng (無障), Như Ý (如意), Thiện Ý (善意), Bất Tranh Hữu Vô (不爭有無); là người em họ của Đức Phật, một trong các vị đại đệ tử của Phật. Về xuất xứ tên Vô Tham của Tôn Giả, do đời trước xa xưa đói khát, ông thường lấy thức ăn của mình cúng dường cho một vị Bích Chi Phật (辟支佛), do đó, 7 đời sanh lên cõi trời đều làm Thiên Vương; 7 đời sanh vào cõi người đều làm vua, đời đời về sau mọi cầu mong đều được như ý, và trong 91 kiếp không chịu nỗi khổ nghèo cùng, khốn khổ. Về thân thế của Tôn Giả, Khởi Thế Kinh (起世經) quyển 10, Ngũ Phần Luật (五分律) quyển 15, Chúng Hứa Ma Ha Đế Kinh (眾許摩訶帝經) quyển 2, v.v., cho biết rằng Tôn Giả là con của Hộc Phạn Vương (斛飯王). Tuy nhiên, Phật Bản Hạnh Tập Kinh (佛本行集經) quyển 11, Đại Trí Độ Luận (大智度論) quyển 3 lại cho rằng Tôn Giả là con Cam Lồ Phạn Vương (甘露飯王). Sau khi thành đạo, đức Phật trở về thăm cố hương, lúc đó A Na Luật cùng với A Nan (阿難), Nan Đà (難陀), Ưu Ba Ly (優波離), v.v., xuất gia làm đệ tử đức Phật. Tôn Giả cũng giống như A Nan và rất nhiều người trong giòng họ xuất gia theo Phật. Tôn Giả có tật vừa nghe thuyết pháp vừa ngủ gục nên một lần kia bị Đức Phật quở mắng, Ngài phát thệ nguyện từ đó trở đi, tuyệt đối không ngủ nghỉ, đến nỗi, về sau Tôn Giả bị mù cả hai mắt. Tuy nhiên, do kết quả của sự tinh tấn tu hành như vậy, Tôn Giả đã chứng được Thiên Nhãn. Tôn Giả thông cả Bát Đại Niệm (八大念, tức tám điều giác ngộ của bậc đại nhân) và Tứ Niệm Xứ (四念處, bốn phép Thiền Quán). Tôn Giả được liệt vào 10 vị đại đệ tử và được xem là người có Thiên Nhãn Đệ Nhất. Khi Đức Phật nhập diệt thì Tôn Giả đã cùng với A Nan và các đệ tử khác hầu cận một bên.
(s: Akṣhobhya-buddha, t: Saṅs-rgyas mi-ḥkhrugs-pa, 阿閦佛): gọi tắt là A Súc (阿閦), còn gọi là A Súc Tì Phật (阿閦鞞佛), A Sô Tì Da Phật (阿芻鞞耶佛), Ác Khất Sô Tỳ Dã Phật (噁乞蒭毘也佛); ý dịch là Bất Động Phật (不動佛), Vô Động Phật (無動佛), hay Vô Nộ Phật (無怒佛), Vô Sân Nhuế Phật (無瞋恚佛); là tên gọi của một trong 5 vị Phật ở 5 phương khác nhau; vị này thường ngự ở phương Đông. Theo Phẩm Phát Ý Thọ Tuệ (發意受慧) và Thiện Khoái (善快) của A Súc Phật Quốc Kinh (阿閦佛國經, Taishō Vol. 11, No. 313) quyển Thượng, vào thời quá khứ cách hơn Phật quốc độ về phương Đông có thế giới tên gọi là A Tỷ La Đề (s: Abhirati, 阿比羅提), đức Đại Mục Như Lai (大目如來) xuất hiện trong thế giới ấy, vì các Bồ Tát thuyết về hạnh Lục Độ Vô Cực (六度無極). Khi ấy có một vị Bồ Tát nhân khi nghe pháp bèn phát tâm vô thượng chánh chân; đức Đại Mục Như Lai thấy vậy rất hoan hỷ nên ban cho hiệu là A Súc. Bồ Tát A Súc thành Phật ở thế giới A Tỷ La Đề, cho đến hiện tại vẫn còn đang thuyết pháp tại quốc độ của Ngài. Hơn nữa, lại căn cứ vào Phẩm Hóa Thành Dụ (化城喩品) của Pháp Hoa Kinh (s: Saddharma-puṇḍarīka-sūtra, 法華經, Taishō Vol. 9, No. 262) cho hay rằng khi chưa xuất gia, đức Đại Thông Trí Thắng Phật (大通智勝佛) có 16 vương tử, về sau tất cả đều xuất gia làm Sa Di; trong đó người con thứ nhất tên Trí Tích (智積), tức là A Súc, thành Phật tại nước Hoan Hỷ ở phương Đông. Bi Hoa Kinh (s: Karuṇā-puṇḍarīka-sūtra, 悲華經, Taishō Vol. 3, No. 157) quyển 4 có ghi rằng đức A Di Đà Phật (s: Amitāyus, Amitābha, 阿彌陀佛) trong thời quá khứ khi làm vua Vô Tránh Niệm (無諍念), có cả ngàn người con, trong đó người con thứ 9 tên Mật Tô (蜜蘇), tức là A Súc, thành Phật ở phương Đông, cõi nước tên là Diệu Lạc (妙樂). Mật Giáo xem A Súc Phật này là một trong 5 vị Phật của Kim Cang Giới (金剛界), tượng trưng cho Đại Viên Cảnh Trí (大圓境智), hay Kim Cang Trí (金剛智). Ngài ngự ở trung ương chánh Đông Nguyệt Luân trong Ngũ Giải Thoát Luân (五解脫輪), phía trước là Kim Cang Tát Đỏa (金剛薩埵), bên phải là Kim Cang Vương Bồ Tát (金剛王菩薩), bên trái là Kim Cang Ái Bồ Tát (金剛愛菩薩), phía sau là Kim Cang Hỷ Bồ Tát (金剛喜菩薩). Hình tượng của Ngài màu vàng kim, tay trái bắt ấn để trên bắp vế, tay phải buông xuống chạm đất, nên được gọi là A Súc Xúc Địa ấn (阿閦觸地印). Mật hiệu của Ngài là Bất Động Kim Cang (不動金剛); chủng tử là hūṃ. Chơn ngôn là “án ác khất sô tỳ dã hồng (唵噁乞蒭毘也吽).” Thân Ngài màu xanh, như trong Phật Mẫu Khổng Tước Tôn Kinh Khoa Thức (佛母孔雀尊經科式, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1479) có đoạn rằng: “Phụng thỉnh Đông phương A Súc Phật, kỳ thân thanh sắc phóng quang minh, thủ ấn chấp trì Hàng Ma Chử, chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ (奉請東方阿閦佛、其身青色放光明、手印執持降魔杵、眾等志心歸命禮, cung thỉnh Đông phương A Súc Phật, thân Ngài sắc xanh phóng hào quang, tay ấn cầm giữ Chày Hàng Ma, chúng con chí tâm cung kính lễ).” Trong Diệu Cát Tường Bình Đẳng Bí Mật Tối Thượng Quán Môn Đại Giáo Vương Kinh (妙吉祥平等祕密最上觀門大敎王經, Taishō Vol. 20, No. 1192) quyển 4 lại dạy thêm rằng: “Cầu trường thọ thư A Súc Phật Chủng Trí tự (求長壽書阿閦佛種智字, nếu cầu sống lâu thì viết chữ Chủng Trí của A Súc Phật).” Trong Kim Cang Đảnh Du Già Tam Thập Thất Tôn Lễ (金剛頂瑜伽三十七尊禮, Taishō Vol. 18, No. 879) có đảnh lễ danh hiệu của Ngài: “Nam Mộ Kim Cang Kiên Cố Tự Tánh Thân A Súc Phật (南慕金剛堅固自性身阿閦佛, Kính Lễ Phật A Súc Thân Tự Tánh Kiên Cố Như Kim Cang).”
(阿圓, Aen, ?-?): vị tăng tạc tượng Phật sống dưới thời đại Liêm Thương, không rõ năm sinh và mất, húy là A Viên. Vào năm 1254, ông cùng với nhóm Hạnh Hựu (幸祐), Hạnh Dận (幸胤), Lại Viên (賴圓) tạo lập tượng ngồi Địa Tạng Bồ Tát ở Phước Trí Viện (福智院, Fukuchi-in) thuộc vùng Nại Lương (奈良, Nara). Với sự phát nguyện lớn, ông đã tạc tượng Phật trong thời gian lâu dài.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.142.64 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập