Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Nam thiên »»
(白兔): thỏ trắng, xưa kia người ta xem con thỏ trắng là điềm báo trước cho hòa bình. Nó còn có nghĩa là mặt trăng, dựa trên truyền thuyết cho rằng trên mặt trăng có con thỏ trắng, đồng nghĩa với Ngọc Thố (玉兔, thỏ ngọc). Trong truyện cổ tích về Hằng Nga của Việt Nam, Bạch Thố là con Thỏ Ngọc Trắng giã thuốc tiên. Theo dân gian Việt Nam cũng cho rằng Bạch Thố là cái bóng trên mặt trăng, còn được gọi là Thiềm Thừ (蟾蜍, con cóc). Thơ Hồ Xuân Hương (khoảng cuối tk 18 và đầu tk 19) có câu rằng: “Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi, hở chị Hằng Nga đã mấy con ?” Trong bài thơ “Bả Tửu Vấn Nguyệt (把酒問月, Mượn Rượu Hỏi Trăng)” của thi hào Trung Quốc, Lý Bạch (李白, 701-762), cũng có đoạn rằng: “Bạch Thố đảo dược thu phục xuân, Thường Nga cô thê dữ thùy lân (白兔擣藥秋復春、嫦娥孤棲與誰鄰, Thỏ Trắng giã thuốc thu lại xuân, Hằng Nga giường lẽ có ai thương ?)”. Trong dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết về Ngọc Thố như:
(1) Trong cung trăng có một con thỏ ngọc màu trắng, đó chính là hóa thân của Thường Nga (嫦娥, tức Hằng Nga). Nhân sau khi Hằng Nga đùa giỡn với mặt trăng xong, xúc phạm đến Ngọc Đế, cho nên làm cho nàng biến thành con thỏ ngọc; cứ mỗi độ trăng tròn, thường ở tại cung trăng mà giã thuốc để trừng phạt.
(2) Tương truyền có 3 vị thần tiên, hóa thân thành 3 lão già rất đáng thương, thường nhắm chồn cáo, khỉ và thỏ để xin ăn. Chồn cáo và khỉ thì lấy thức ăn tiếp tế cho mấy ông lão, chỉ có thỏ thì không cho mà còn đem thức ăn ném vào trong lửa nóng rồi bỏ đi. Nhân đó, chư vị thần tiên bèn bắt thỏ tống vào Quảng Hàn Cung (廣寒宮) và trở thành thỏ ngọc. Từ đó về sau, thỏ ngọc thường làm bạn với Hằng Nga ở Quảng Hàn Cung, chuyên giã chế thuốc trường sanh bất lão.
(3) Xưa kia, có một con thỏ tu hành đã ngàn năm, đắc đạo thành tiên. Nó có 4 con thỏ cái rất dễ thương, mỗi con đều trắng tinh và lanh lợi. Một hôm nọ, Ngọc Hoàng Đại Đế (玉皇大帝) cho mời con thỏ đực lên Thiên Cung. Chú thỏ liền từ bỏ vợ con, đạp mây bay lên Thiên Cung. Ngay khi mới đến Nam thiên Môn, chú thỏ thấy Thái Bạch Kim Tinh cùng các tướng trời đang giải giáp Hằng Nga đi ngang qua. Thỏ tiên chẳng biết chuyện gì xảy ra, bèn hỏi vị thiên thần đang canh gác cổng trời. Nghe xong, thỏ tiên mới biết Hằng Nga bị tội oan, biết sức mình không làm gì được, lại thương cho Hằng Nga phải chịu cảnh cô đơn, lạnh lẽo trong cung trăng, chẳng có ai bầu bạn, rồi chợt nhớ đến vợ con mình, nên thỏ tiên liền bay trở về nhà. Thỏ tiên đem câu chuyện gặp Hằng Nga kể lại cho vợ thỏ nghe và khuyên nên đưa một đứa con lên làm bạn với Hằng Nga. Mặc dù được sự đồng tình của vợ thỏ, mấy thỏ con vẫn không chịu rời xa cha mẹ; nên con nào cũng khóc lóc thảm thiết. Thấy vậy, thỏ tiên bảo rằng: “Nếu như ta cô độc như vậy, các con có đến bầu bạn với ta chăng ? Hằng Nga đã vì bá tánh mà phải chịu lụy hình, chúng ta không biết cảm thương sao ? Này các con ! Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi.” Sau khi hiểu được tâm nguyện của cha, bầy thỏ con phát nguyện ra đi. Cả nhà quyết định nhường cho con thỏ nhỏ nhất ra đi. Từ đó, thỏ con lên cung trăng làm bạn hằng ngày với Hằng Nga.
(4) Có thuyết khác cho rằng thỏ ngọc là Hậu Nghệ (后羿). Nhân khi Hằng Nga chơi với mặt trăng, lại nhớ đến Hậu Nghệ; thấy Hậu Nghệ tình nguyện biến thành một con động vật rất dễ thương là thỏ ngọc để làm cho nàng được vui; nhưng tiếc thay Hằng Nga vẫn không biết chính con thỏ ngọc là Hậu Nghệ mà ngày đêm mình thương nhớ. Trong Nghĩ Thiên Vấn (擬天問) của Phó Huyền (傅玄) nhà Tấn có câu: “Nguyệt trung hà hữu, bạch thố đảo dược (月中何有、白兔擣藥, Trong trăng có gì, thỏ trắng giã thuốc)”. Thuyết cho rằng “có thỏ ngọc” đã được lưu truyền trong dân gian từ lâu. Cho nên, xưa kia, cứ mỗi dịp tháng 8 Trung Thu, trên các đường phố đều có bán các đồ chơi như “ông thỏ con (兔兒爺)”, “thỏ ngọc giã thuốc (玉兔擣藥)”, “thố sơn (兔山)”, v.v. Trong dân gian vẫn thường dùng từ “bạch thố xích ô (白兔赤烏, thỏ trắng quạ đỏ)” để ví dụ cho thời gian trôi qua rất nhanh.
Như trong bài thơ Khuyến Tửu Thi (勸酒詩) của Bạch Cư Dị (白居易, 772-846) nhà Đường có câu: “Thiên địa điều diêu tự trường cửu, bạch thố xích ô tương sấn tẩu (天地迢遙自長久、白兔赤烏相趁走, trời đất xa xăm vốn dài lâu, thời gian thấm thoắt trôi qua mau).”
(s: Bodhidharma, 菩提達磨, ?-495, 346-495, ?-528, ?-536): xưa kia người ta viết chữ Ma là 摩, nhưng về mặt truyền thống thì viết là 磨. Các học giả Cận Đại thì viết là 磨, khi xem Đại Sư như là vị Tổ sư; còn viết là 摩 khi xem như là nhân vật lịch sử. Theo hệ thống truyền đăng của Thiền Tông, Đại Sư là vị Tổ thứ 28 của Tây Thiên (Ấn Độ), và là sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Những truyền ký về Đạt Ma thì xưa nay đều y cứ vào bản Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄, năm 1004) cũng như Bồ Đề Đạt Ma Chương (菩提達磨章); nhưng theo những nghiên cứu gần đây, người ta có khuynh hướng cấu thành truyền ký về ông dựa trên những tư liệu xưa hơn hai tư liệu vừa nêu trên. Tư liệu về Đạt Ma Truyện thì có nhiều loại như Lạc Dương Già Lam Ký (洛陽伽藍記, năm 547), Đàm Lâm Nhị Chủng Nhập (曇琳二種入, khoảng năm 600), Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, năm 645), Truyền Pháp Bảo Ký (傳法寳記, khoảng năm 712), Lăng Già Sư Tư Ký (楞伽師資記, khoảng năm 713, 716), Lịch Đại Pháp Bảo Ký (歷代法寳記, khoảng năm 774), Bảo Lâm Truyện (寳林傳, năm 801), Tổ Đường Tập (祖堂集, năm 952), v.v. Thông qua Bảo Lâm Truyện từ đó các ký lục của Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記, năm 1061), v.v., được hình thành. Lại nữa, chúng ta cần phải lưu ý đến những văn bản như Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ (內證佛法相承血脈譜, năm 819) của Tối Trừng (最澄, Saichō), Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận (菩提達摩南宗定是非論, năm 732), Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa (問答雜徴義) của Thần Hội (神會), rồi Thiền Môn Sư Tư Tương Thừa Đồ (禪門師資相承圖), Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序), Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao (圓覺經大疏鈔) của Tông Mật (宗密). Từ đó, xét về tiểu sử của Đạt Ma, ta thấy rằng Đại Sư sanh ra ở nước Ba Tư (波斯) hay Nam thiên Trúc (南天竺). Theo như tài liệu mới thành lập sau này cho thấy rằng ông là người con thứ 3 của quốc vương nước này. Ông kế thừa dòng pháp của Bát Nhã Đa La (s: Prajñātara, 般若多羅), rồi sau đó sang Trung Quốc. Bảo Lâm Truyện thì cho rằng ông đến Quảng Châu (廣州) vào ngày 21 tháng 9 năm thứ 8 (527) niên hiệu Phổ Thông (普通) nhà Lương. Bản ghi rõ ngày tháng thì có Bảo Lâm Truyện này, nhưng đời sau lại có khá nhiều dị thuyết xuất hiện. Sự việc vua Lương Võ Đế (武帝, tại vị 502-549) xuất hiện trong câu chuyện Đạt Ma, lần đầu tiên được tìm thấy trong Nam Tông Định Thị Phi Luận và Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa; còn các tư liệu trước đó thì không thấy. Câu trả lời “vô công đức (無功德, không có công đức)” của Đạt Ma đối với vua Lương Võ Đế, mãi cho đến bản Tổ Đường Tập mới thấy xuất hiện. Về sau, Đạt Ma đến tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (嵩山少林寺), ngồi xoay mặt vào vách tường suốt 9 năm trường. Còn câu chuyện Huệ Khả (慧可) tự mình chặt tay giữa lúc tuyết rơi rồi dâng lên cho Đạt Ma để cầu pháp, lần đâu tiên được ghi lại trong Lăng Già Sư Tư Ký; nhưng Tục Cao Tăng Truyện thì lại cho rằng Huệ Khả gặp bọn cướp giữa đường và bị chặt tay. Môn nhân của Đạt Ma có 4 nhân vật nổi tiếng là Đạo Dục (道育), Huệ Khả (慧可), Ni Tổng Trì (尼總持) và Đạo Phó (道副). Đại Sư có trao truyền cho Huệ Khả 4 quyển Kinh Lăng Già, y Ca Sa, và bài kệ phú pháp. Bài này được ghi lại trong Bảo Lâm Truyện. Bản Lạc Dương Già Lam Ký có ghi rằng lúc khoảng 150 tuổi, Đạt Ma tán thán cảnh sắc hoa mỹ của chốn già lam Vĩnh Ninh Tự (永寧寺), rồi xướng danh hiệu Nam Mô, chấp tay mà thị tịch. Còn việc Đạt Ma bị giết chết bằng thuốc độc có ghi lại trong Truyền Pháp Bảo Ký. Trong Lịch Đại Pháp Bảo Ký có đề cập rằng Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支) và Quang Thống Luật Sư (光統律師, tức Huệ Quang [慧光]) đã trãi qua 6 lần bỏ thuốc độc hại Đạt Ma. Về năm Ngài thị tịch, Bảo Lâm Truyện có ghi là vào ngày mồng 5 tháng 12 năm Bính Thìn (536), đời vua Hiếu Minh Đế (孝明帝, tại vị 515-528) nhà Hậu Ngụy. Trong khi đó, bản bia minh của Huệ Khả thì ghi ngày mồng 5 tháng 12 năm thứ 2 (536) niên hiệu Đại Đồng (大同). Bản Tổ Đường Tập thì ghi là năm thứ 19 (495) niên hiệu Thái Hòa (太和); và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thì ghi là ngày mồng 5 tháng 10 cùng năm trên; hưởng thọ 150 tuổi. Ngài được an táng tại Hùng Nhĩ Sơn (熊耳山), nhưng theo vị sứ nhà Đông Ngụy là Tống Vân (宋雲), ông gặp Đạt Ma ở Thông Lãnh (葱嶺) đang quảy một chiếc hài đi về hướng Tây; nên khi trở về nước, ông cho mở quan tài ra để xem hư thực, mới phát hiện bên trong quan tài chỉ còn lại một chiếc hài mà thôi. Tương truyền vua Võ Đế soạn bài bia minh tháp. Vua Đại Tông ban cho Đạt Ma thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư (圓覺大師); trong bản văn tế của Chiêu Minh Thái Tử (昭明太子) thì gọi là Thánh Trụ Đại Sư (聖胄大師). Những soạn thuật của Đại Sư được lưu truyền cho đến nay có Nhị Chủng Nhập (二種入), Tâm Kinh Tụng (心經誦), Phá Tướng Luận (破相論), An Tâm Pháp Môn (安心法門), Ngộ Tánh Luận (悟性論), Huyết Mạch Luận (血脈論), được thâu tập thành bản gọi là Thiếu Thất Lục Môn (少室六門). Còn trong Thiền Môn Nhiếp Yếu (禪門攝要) của Triều Tiên có thâu lục Huyết Mạch Luận, Quán Tâm Luận (觀心論), Tứ Hành Luận (四行論). Sau này trong các văn bản được khai quật ở động Đôn Hoàng (敦煌) còn có Nhị Nhập Tứ Hành Luận (二入四行論), Tạp Lục (雜錄), Tuyệt Quán Luận (絕觀論), Vô Tâm Luận (無心論), Chứng Tâm Luận (證心論), Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn (達磨禪師觀門), Đạt Ma Thiền Sư Luận (達磨禪師論), v.v. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phần nhiều đó là những trước tác của chư Tổ sư khác nhưng lại lấy tên Đạt Ma; và người ta cũng công nhận rằng trước tác của Đạt Ma chỉ là Nhị Chủng Nhập mà thôi. Nếu căn cứ vào bản này, ta thấy rằng tư tưởng của Đạt Ma là Tứ Như Thị (四如是, bốn điều như vậy) và Nhị Nhập Tứ Hạnh (二入四行). Tứ Như Thị là Như Thị An Tâm (如是安心), Như Thị Phát Hạnh (如是發行), Như Thị Thuận Vật (如是順物) và Như Thị Phương Tiện (如是方便). Nhị Nhập là Lý Nhập (理入) và Hạnh Nhập (行入). Còn Tứ Hạnh là 4 yếu tố được hình thành từ Hạnh Nhập. Tâm yếu làm cơ sở cho Thiền pháp của Đạt Ma được xem như là y cứ vào 4 quyển Kinh Lăng Già; nhưng đó không phải là văn bản giải thích về mặt học vấn của kinh này, mà nhằm nhấn mạnh việc cần phải lấy trọn tinh thần kinh. Theo Tục Cao Tăng Truyện, giới Phật Giáo đương thời rất chú trọng đến nghiên cứu, giảng diễn kinh luận; trong khi đó, Đạt Ma thì lại cổ xúy Thiền mang tính thật tiễn của cái gọi là “không vô sở đắc (空無所得, không có cái gì đạt được)”; cho nên ông bị học giả lúc bầy giờ phê phán mãnh liệt. Từ đó, các thuật ngữ như giáo ngoại biệt truyền (敎外別傳), bất lập văn tự (不立文字), dĩ tâm truyền tâm (以心傳心), kiến tánh thành Phật (見性成佛), v.v., được thành lập. Thời đại thay đổi cho đến thời Lục Tổ Huệ Năng (慧能) trở về sau, những thuật ngữ này trở nên rất thịnh hành, thông dụng; vậy ta có thể khẳng định rằng manh nha của chúng vốn phát xuất từ thời Đạt Ma.
(s: Bodhisena, j: Bodaisenna, 菩提僊那, 704-760): vị tăng Ấn Độ sang Nhật Bản dưới thời đại Nại Lương (奈良, Nara), xuất thân dòng dõi Bà La Môn ở Nam Ấn Độ, còn gọi là Bà La Môn Tăng Chánh (婆羅門僧正), Bồ Đề Tăng Chánh (菩提僧正). Truyền ký về ông trong Đại An Tự Bồ Đề Truyền Lai Ký (大安寺菩提傳來記) của Nam thiên Trúc Bà La Môn Tăng Chánh Bi (南天竺婆羅門僧正碑) do đệ tử Tu Vinh (修榮) soạn cũng như Đông Đại Tự Yếu Lục (東大寺要錄), vẫn còn lưu lại. Tiên Na được khắp nơi trong nước tôn kính và rất nhiều tư tưởng gia tán dương. Ông đi từ Trung Á, Tây Á để sang Trung Quốc, theo bước chân truyền bá Phật Giáo của các danh tăng như An Thế Cao (安世高), v.v., từ rặng Hy Mã Lạp Sơn vượt qua Tây Tạng và cuối cùng đến nước Đại Đường, Trung Hoa. Mục đích chính của ông tại đây là tham bái Bồ Tát Văn Thù (s: Mañjuśrī, 文殊) trên Ngũ Đài Sơn (五台山). Tại nhà Đường, tương truyền ông từng lấy Sùng Phước Tự (崇福寺) ở Trường An (長安) làm cứ điểm hoạt động bố giáo. Sau đó, thể theo lời thỉnh cầu của vị tăng sang nhà Đường cầu pháp là Lý Kính (理鏡) và vị Chánh Sứ Đa Trị Tỉ Quảng (多治比廣), ông cùng với đệ tử xuất thân vùng Lâm Ấp (林邑, Nam bộ Việt Nam)—Phật Triết (佛哲, hay Phật Triệt [佛徹]) và vị Đường tăng Đạo Tuyền (道璿) sang Nhật Bản vào năm thứ 8 (736) niên hiệu Thiên Bình (天平). Ban đầu, cả ba người dừng chân ở Đại Tể Phủ (大宰府, Dazaifu), rồi được Hành Cơ (行基, Gyōki) nghênh đón lên kinh đô, sau đó đến trú ở Đại An Tự (大安寺, Daian-ji). Tại đây, ông thường đọc tụng Hoa Nghiêm Kinh (s: Buddhāvataṁsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 華嚴經) và tinh thông về chú thuật, cho nên chú thuật Ấn Độ đã được Tiên Na truyền trao cho các vị đệ tử tăng Nhật Bản. Vào năm thứ 3 (751) niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo (天平勝寶), ông được bổ nhiệm làm chức Tăng Chánh (僧正), vì vậy ông được gọi là Bà La Môn Tăng Chánh. Năm sau, ông được cung cử làm vị Đạo Sư (Chủ Sám) trong buổi lễ Cúng Dường Khai Nhãn Tượng Đại Phật (大佛開眼供養) Lô Xá Na (s: Vairocana, 盧舍那) ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji). Cây bút ông dùng để khai nhãn lúc bấy giờ hiện vẫn còn lưu lại tại Chánh Thương Viện (正倉院, Shōsō-in) của chùa này. Trong bức nguyện văn của Quốc Gia Trân Bảo Trương (國家珍寶張) có ghi tên ông, chứng tỏ ông có mối quan tâm rất lớn đối với việc xây dựng tượng Đại Phật. Vào năm thứ 2 (758) niên hiệu Thiên Bình Bảo Tự (天平寶字), ông được Thượng Hoàng và Hoàng Thái Hậu ban cho tôn hiệu. Vào ngày 25 tháng 2 năm thứ 4 (760) cùng niên hiệu trên, ông hướng về phương Tây, chấp tay an nhiên thị tịch tại Đại An Tự, hưởng thọ 57 tuổi. Năm sau, ông được an táng tại Hữu Bộc Xạ Lâm (右僕射林) thuộc Đăng Mỹ Sơn (登美山). Mấy năm gần đây, ngôi mộ của Bồ Đề Tăng Chánh được khai quật ở Linh Sơn Tự (靈山寺, Ryōsen-ji, thuộc Nara-ken [奈良縣]), nhưng không tìm thấy di vật nào cả; vì thế nó được xem như là ngôi mộ cúng dường thôi. Về vị Bà La Môn trong Vạn Diệp Tập (萬葉集, Manyōshū) 16, có thuyết cho rằng đó là ám chỉ Bồ Đề Tiên Na. Đệ tử của ông có nhóm Tu Vinh (修榮).
(正傳寺, Shōden-ji): ngôi chùa của Phái Nam Thiền Tự (南禪寺派) thuộc Lâm Tế Tông, hiệu núi là Cát Tường Sơn (吉祥山); hiện tọa lạc tại 72 Nishikamo (西賀茂), Chinjuan-chō (北鎭守菴町), Kita-ku (市北區), Kyōto-shi (京都市), Kyōto-fu (京都府), gọi cho đủ là Chánh Truyền Hộ Quốc Thiền Tự (正傳護國禪寺). Tượng thờ chính của chùa là Thích Ca Như Lai. Khởi đầu, vào năm thứ 5 (1282) niên hiệu Hoằng An (弘安), pháp từ của Ngột Am Phổ Ninh (兀菴普寧) là Đông Nham Huệ An (東巖慧安) kiến lập một ngôi chùa ở vùng Nhất Điều Kim Xuất Xuyên (一條今出川), và người khai cơ chùa này là Tĩnh Thành Pháp Ấn (靜成法印). Sau đó, Quy Sơn Thiên Hoàng (龜山天皇, Kameyama Tennō) ban sắc hiệu cho chùa là Chánh Pháp Hộ Quốc Thiền Tự (正法護國禪寺), và nơi đây trở thành ngôi danh lam của vùng Lạc Bắc (洛北). Đến tháng 4 năm đầu (1340) niên hiệu Hưng Quốc (興國), chùa được liệt ngang hàng với những ngôi danh lam khác. Các tòa đường vũ của chùa hiện tại là kiến trúc ngôi điện của Thành Đào Sơn (桃山城, Momoyama-jō) được dời đến dựng nên, vì thế hiện tại quần thể kiến trúc của chùa được nhà nước đặc biệt bảo hộ. Chánh Điện chùa là kiến trúc được dời từ Thành Phục Kiến (伏見城, Fushimi-jō) vào năm thứ 2 niên hiệu Thừa Ứng (承應).
(本末制度, Honmatsu-seido, Bản Mạt Chế Độ): chế độ mang tính giai cấp phong kiến phân biệt giữa chùa chính (chùa bản sơn trung tâm) với chùa con trong hệ thống tự viện Phật Giáo. Chế độ này được quy định dưới thời Cận Đại, với tư cách là chế độ có hệ thống hẳn hòi. Mối quan hệ Chùa Chính Chùa Con dưới thời Trung Đại là chế độ được sản sinh từ tính tất yếu trong nội bộ Tông phái, là chế độ Ngũ Sơn thuộc thể chế quan quyền do chính quyền Mạc Phủ Thất Đinh tác thành. Về chế độ được sản sinh từ tính tất yếu trong nội bộ Tông phái, từ đầu thời đại Thất Đinh trở đi, vị Du Hành Thượng Nhân của Thanh Tịnh Quang Tự (清淨光寺, Shōjōkō-ji) khi đi hành cước các tiểu quốc, ông đã từng cải tông các tự viện của Tông phái khác, thăng cách những am đền lên thành chùa, vè biến chúng thành những ngôi chùa con của ông. Nhật Liên Tông thì cũng giống như trường hợp Pháp Hoa Kinh Tự (法華經寺, Hokkekyō-ji) ở Trung Sơn (中山, Nakayama), đã lấy thư thệ nguyện gọi là Trạng Quy Phục để xác lập mối quan hệ này. Trường hợp Tịnh Độ Tông thì lập ra những trường Đàn Lâm (檀林, danrin) ở miền quê vùng Quan Đông (關東, Kantō) làm đạo tràng học vấn, và xác lập mối quan hệ Chùa Chính Chùa Con thông qua việc tương thừa giữa thầy với trò. Đối với Tịnh Độ Chơn Tông, Bổn Nguyện Tự (本願寺, Hongan-ji) hạ lệnh cho những ngôi chùa con phải thờ tượng thờ chính A Di Đà Như Lai bằng gỗ để phân biệt rõ mối quan hệ này. Vào năm 1386 (Chí Đức [至德] 3), chính quyền mạc phủ thất đinh đã ban hành Chế Độ Chùa Chính Chùa Con theo thể chế quan quyền đối với Ngũ Sơn, Thập Sát và chư sơn của Lâm Tế Tông. Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji) ở Kyoto được đặt hàng đầu, tiếp theo dưới đó là Thập Sát ở kinh đô, Thập Sát ở Quan Đông; rồi đặt ra nhưũng ngôi chùa trung tâm ở các tiểu quốc để tạo mối quan hệ Chùa Chính Chùa Con trùng trùng như vậy. Đến thời Cận Đại, chế độ này cũng được cải biên theo mục đích tổ chức các tự viện trên cơ cấu chính trị. Cho đến tháng 7 năm 1615 (Nguyên Hòa [元和] nguyên niên), Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) đã hạ chiếu chỉ giải thích về pháp luật tự viện đối với những ngôi chùa trung tâm của các Tông phái. Nội dung của pháp luật ấy quy định việc những ngôi chùa trung tâm bản sơn của các Tông phái có đặc quyền về kinh tế cũng như chính trị kể từ thời Trung Đại trở về sau, việc chùa trung tâm bản sơn có quyền bãi miễn chức Trú Trì của chùa con, việc chùa con phải phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của chùa trung tâm, việc chùa trung tâm quy định nơi tu hành cũng như học tập của Tông phái và sau khi học xong thì đương sự phải có nghĩa vụ phục vụ nơi ấy một thời gian nhất định nao đó, việc chùa trung tâm có quyền hạn thăng cách giai cấp Tăng lữ, v.v. Về mặt pháp lịnh, mối quan hệ Chùa Chính Chùa Con được xác lập theo pháp luật tự viện, nhưng thực tế chế độ hóa vẫn còn hơi chậm. Vào năm 1632 (Khoan Vĩnh [寛永] 9), chính quyền Mạc Phủ ra lệnh cho những ngôi chùa trung tâm bản sơn của các Tông phái phải dâng nộp lên danh sách Chùa Chính Chùa Con của Tông phái mình, và buộc phải thi hành chế độ này. Trong lúc đó, về phía các ngôi chùa trung tâm lại lợi dụng cơ hội này để xác lập vững chắc sự chi phối các chùa con. Theo nguyên tắc, đương thời kèm theo bản danh sách Chùa Chính Chùa Con có các điều kiện xin chùa công nhận và tất nhiên các ngôi tự viện cổ xưa cũng được ban cho đặc quyền khác. Tuy nhiên, mấy năm sau khi Chế Độ Xin Chùa Công Nhận (寺請制度, Terauke-seido) ra đời, chính chùa con cũng thỉnh thoảng xảy ra việc chùa con tranh đoạt tín đồ, rồi chùa chính tranh giành chùa con; vì thế các nhà Nho học đã phê phán kịch liệt Chế Độ Chùa Chính Chùa Con này. Chính vì lẽ đó, thể theo văn bản pháp luật Chư Tông Tự Viện Pháp Độ (諸宗寺院法度), vào tháng 7 năm 1665 (Khoan Văn [寛文] 5), chính quyền Mạc Phủ đã sửa đổi lại chế độ này, nhấn mạnh rằng chùa chính không được xem thường ý hướng của chùa con để cưỡng quyền. Thế nhưng, một khi đã có được quyền hạn tối cao trong tay, những ngôi chùa chính không dễ gì để nó mất đi được; và họ đã đưa ra Luật Chùa Con để tăng cường quyền hạn của mình thêm lên. Từ đó, việc quản lý về thân phận Tăng lữ ở chùa con, quyền bổ nhiệm người trú trì tương lai của chùa, rồi quyền quản lý tài sản của chùa con, v.v., bị nắm chặt hơn trong tay của chùa chính. Thời đại qua đi, những ngôi chùa chính lại tái biên tư cách của chùa con, và càng tăng cường mạnh việc quản lý chặt chẽ các chùa con hơn trước. Cùng với việc tiến hành cho chư tăng ở chùa con đến tham bái chùa chính trong những dịp lễ Húy Kỵ Tổ sư khai sáng Tông phái, lễ hội hằng năm, hay Đại Pháp Hội, các chùa chính đã ra quy định rằng chùa con phải cúng dường đúng lượng vào những dịp này. Từ đó, nảy sinh ra việc cạnh tranh nhau xây dựng, tu sửa già lam của chùa chính. Những ngôi già lam hùng vĩ hiện còn chính là sản phẩm của Chế Độ Chùa Chính Chùa Con này. Và mãi cho đến ngày nay, chế độ này vẫn còn tồn tại.
(公據): chứng cứ, bằng chứng của quan phủ, vật làm tin để dựa vào mà nói chuyện. Như trong bản Khất Tăng Tu Cung Tiễn Xã Điều Ước Trạng (乞增修弓箭社條約狀) của Tô Thức (蘇軾, 1037-1101) nhà Tống có câu: “Dục khất lập định niên hạn, mỗi cú đương cập tam niên, vô thấu lậu cập tư tội tình trọng giả, ủy bổn Huyện Lịnh Tá cập bổ đạo quan, bảo minh thân an phủ tư cấp dữ công cứ (欲乞立定年限、每句當及三年、無透漏及私罪情重者、委本縣令佐及捕盜官、保明申安撫司給與公據, muốn xin lập định mức tuổi giới hạn, mỗi câu hợp với ba năm, không có người tiết lộ và tội tình riêng, ủy thác cho phụ tá Huyện Lịnh và quan bắt cướp, bảo đảm làm sáng tỏ vỗ về cho yên cấp sở và chứng cứ).” Trong Phật Giáo thường xuất hiện các thuật ngữ “Tây phương công cứ (西方公據, chứng cứ được sanh về Tây phương)”, “vãng sanh công cứ (徃生公據, bằng chứng vãng sanh)”, v.v. Như trong Tịnh Độ Chỉ Quy Tập (淨土指歸集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 61, No. 1154) quyển Hạ, phần Tây Phương Công Cứ (西方公據), có đoạn: “Tô Văn Trung Công Nam thiên nhật, bội họa nhất trục, nhân vấn chi. Công viết: 'Thử ngô Tây phương công cứ dã' (蘇文忠公南遷日、佩畫一軸、人問之、公曰、此吾西方公據也, ngày Tô Văn Trung Công [tức Tô Thức] dời về phương Nam, mang theo một bức tranh, có người hỏi. Ông đáp: 'Đây là chứng cứ về Tây phương của ta').” Trong A Di Đà Kinh Trực Giải Chánh Hạnh (阿彌陀經直解正行, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 22, No. 434) cũng có đoạn: “Tô Đông Pha thường đới Tây phương công cứ A Di Đà tượng, giai thị quy thê Cực Lạc chi tâm, kim nhân dục mích phiết khổ chi pháp, tu bằng niệm Phật năng tiêu vạn kiếp chi khổ (蘇東坡常帶西方公據彌陀佛像、皆是歸栖極樂之心、今人欲覓撇苦之法、須憑念佛能消萬劫之苦, Tô Đông Pha thường mang tượng A Di Đà làm bằng chứng về Tây phương, đều là tâm quay về an trú Cực Lạc; người thời nay muốn tìm phương pháp hết khổ, nên nương vào niệm Phật thì có thể tiêu được cái khổ của muôn kiếp).” Sau này, Tri Quy Học Nhân Bành Tế Thanh (知歸學人彭際清, 1740-1796) có sáng tác bộ Trùng Đính Tây Phương Công Cứ (重訂西方公據, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 62, No. 1180), 2 quyển.
(s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒): tức Bồ Tát Di Lặc, âm dịch là Mai Đát Ma Da (梅怛魔耶), Mạt Đát Rị Da (末怛唎耶), Di Đế Lệ (彌帝隸), Di Đế Lễ (彌帝禮), Mai Để Lê (梅低梨), Mê Đế Lệ (迷諦隸), Mỗi Đát Rị (每怛哩); ý dịch là Từ Thị (慈氏), Từ Tôn (慈尊). Bên cạnh đó, Bồ Tát còn có tên là A Dật Đa (s, j: Ajita, 阿逸多), dịch là Vô Năng Thắng (無能勝); cho nên có tên A Dật Đa Bồ Tát (阿逸多菩薩). Hoặc A Dật Đa là họ, Di Lặc là tên. Theo Di Lặc Thượng Sanh Kinh (彌勒上生經), Di Lặc Hạ Sanh Kinh (彌勒下生經), Bồ Tát Di Lặc vốn sanh ra trong một gia đình Bà La Môn ở miền Nam thiên Trúc (天竺), sau theo làm đệ tử của Phật, được thọ ký sẽ thành Phật trong tương lai. Hiện tại, ngài thường trú trên cung trời Đâu Suất (s: Tuṣita, p: Tusita, 兜率). Theo truyện kể rằng, do muốn thành thục các chúng sanh, vị Bồ Tát này phát tâm không ăn thịt; vì nhân duyên đó nên có tên là Từ Thị. Tương truyền sau khi đức Phật diệt độ khoảng 56 ức 7 ngàn vạn năm (có thuyết cho là 57 ức 6 ngàn vạn năm), từ trên cung trời, Bồ Tát Di Lặc hạ sanh xuống nhân gian, xuất gia học đạo, ngồi thành chánh giác dưới gốc cây Long Hoa (s: nāga-puṣpa, 龍華樹, Mesuna roxburghii Wigh, Mesuna ferrea) trong vườn Hoa Lâm (華林), Thành Xí Đầu (翅頭城), và thuyết pháp trước sau 3 lần. Đây được gọi là Long Hoa Tam Hội (龍華三會), Long Hoa Tam Đình (龍華三庭), Di Lặc Tam Hội (彌勒三會), Từ Tôn Tam Hội (慈尊三會), hay Long Hoa (龍華). Trong các kinh điển Đại Thừa, Bồ Tát Di Lặc được đề cập nhiều nơi. Tương truyền Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (s: Mahākāśyapa, p: Mahākassapa, 摩訶迦葉) vẫn chưa nhập diệt, mà còn đang nhập định trong Kê Túc Sơn (s: Kukkuṭapādagiri, Kurkuṭapādagiri, p: Kukkuṭapadagiri, Kurkuṭapadagiri,雞足山) để chờ đợi Phật Di Lặc xuất hiện. Hay có truyền thuyết cho rằng Bồ Tát Di Lặc ở trên cung trời Đâu Suất, hạ sanh xuống cõi Ta Bà, thuyết Du Già Sư Địa Luận (瑜伽師地論); cho nên, tư tưởng vãng sanh về cõi Đâu Suất trở nên thịnh hành và tín ngưỡng Di Lặc theo đó xuất hiện. Trong Mật Giáo, Di Lặc của Thai Tạng Giới ngự trên tòa sen, phương đông bắc của Trung Đài Bát Diệp Viện (中台八葉院); còn Di Lặc của Kim Cang Giới thì ngự ở phương đông, mật hiệu là Tốc Tật Kim Cang (迅疾金剛). Ngoài ra, Bố Đại Hòa Thượng (布袋, ?-916) ở Huyện Phụng Hóa (奉化縣), Minh Châu (明州), Triết Giang (浙江) được xem như là Di Lặc hóa thân. Trong Minh Châu Định Ứng Đại Sư Bố Đại Hòa Thượng Truyện (明州定應大師布袋和尚傳) có thuật rõ hành trạng của Hòa Thượng. Ông có bài kệ nổi tiếng là: “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lí du, thanh mục đổ nhân thiểu, vấn lộ bạch vân đầu (一鉢千家飯、孤身萬里遊、青目覩人少、問路白雲頭, bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem người thế, mây trắng hỏi đường qua).” Sau khi thâu thần tịch diệt, Hòa Thượng có để lại bài kệ tại Nhạc Lâm Tự (岳林寺), Huyện Phụng Hóa: “Di Lặc chơn Di Lặc, phân thân thiên bách ức, thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức (彌勒眞彌勒、分身千百億、時時示時人、時人自不識, Di Lặc đúng Di Lặc, phân thân trăm ngàn ức, luôn luôn dạy mọi người, bấy giờ chẳng ai biết).” Từ đó, người ta tạc tượng Hòa Thượng để tôn thờ như là Phật Di Lặc. Trong Động Thượng Già Lam Chư Đường An Tượng Ký (洞上伽藍諸堂安像記) quy định trong 3 tôn tượng an trí tại Chánh Điện, có tượng Di Lặc, ghi rõ rằng: “Chi Na Thiên Đồng Sơn Phật Điện, an Thích Ca Di Đà Di Lặc, nhi ngạch ư Tam Thế Như Lai tứ tự dã. Nhật Bản Vĩnh Bình hiệu chi, Đông Sơn Tuyền Dũng Tự diệc thị dã; án Tuyền Dũng Tự điện đường sắc mục vân, Phật Điện giả an trí Thích Ca, Di Đà, Di Lặc, tam thế chi giáo chủ, dĩ vi nhất tự sùng ngưỡng chi bổn tôn dã. Đại Đường chư tự phổ giai như thử vân vân, y chi tắc an Tam Thế Như Lai giả, bất đản Thiên Đồng dư ? (支那天童山佛殿、安釋迦彌陀彌勒、而額於三世如來四字也。日本永平傚之、東山泉涌寺亦是也、案泉涌寺殿堂色目云、佛殿者安置釋迦彌陀彌勒三世之敎主、以爲一寺崇仰之本尊也。大唐諸寺普皆如此云云、依之則安三世如來者、不但天童歟, Điện Phật của Thiên Đồng Sơn ở Trung Quốc an trí Thích Ca, Di Đà và Di Lặc; trên biển đề bốn chữ 'Tam Thế Như Lai [Như Lai Ba Đời]'. Vĩnh Bình Tự của Nhật Bản bắt chước theo; Tuyền Dũng Tự ở vùng Đông Sơn cũng như vậy. Căn cứ bản danh mục các ngôi điện đường của Tuyền Dũng Tự, nơi Chánh Điện án trí các đức giáo chủ của ba đời là Thích Ca, Di Đà và Di Lặc, để làm các tôn tượng thờ phụng của chùa. Những ngôi chùa của nước Đại Đường [Trung Quốc] thảy đều như vậy, v.v.; nương theo đó mà an trí các đức Như Lai của ba đời, không phải chỉ có Thiên Đồng Sơn mà thôi đâu).” Tại Điện Di Lặc của Thủy Liêm Tự (水簾寺) ở Đồng Bá Sơn (桐柏山), Tỉnh Hà Nam (河南省) có câu đối tán dương Bồ Tát Di Lặc rằng: “Khai khẩu tiện tiếu tiếu cổ tiếu kim phàm sự phó chi nhất tiếu, đại đỗ năng dung dung thiên dung địa ư nhân hà sở bất dung (開口便笑笑古笑今凡事付之一笑、大肚能容容天容地於人何所不容, mở miệng là cười cười xưa cười nay mọi sự phó cho nụ cười, bụng lớn bao dung dung trời dung đất với người chỗ nào chẳng dung).”
(東土): có mấy nghĩa. (1) Thời cổ dại, chỉ cho một địa khu hay tiểu quốc nào đó ở phía Đông của đất Thiểm (陝). Như trong Quốc Ngữ (國語), phần Trịnh Ngữ (鄭語), có đoạn: “Hoàn Công vi Tư Đồ, thậm đắc Chu chúng dữ Đông độ chi nhân (桓公為司徒,甚得周眾與東土之人, Hoàn Công làm chức Tư Đồ, rất được lòng dân xứ Chu và người đất Thiểm).” (2) Dưới thời Đông Tấn, Nam Triều, từ này đặc biệt dùng để chỉ cho một dãy Tô Nam (蘇南) và Triết Giang (浙江). Như trong Tấn Thư (晉書), Dữu Dực Truyện (庾翼傳), có đoạn: “Thời Đông Độ đa phú dịch, bách tánh nãi tùng hải đạo nhập Quảng Châu, Sắc Sứ Đặng Nhạc đại khai cổ chú, chư di nhân thử tri tạo binh khí (時東土多賦役、百姓乃從海道入廣州、刺史鄧嶽大開鼓鑄、諸夷因此知造兵器, lúc bấy giờ Đông Độ nhiều sưu thuế và lao dịch, bá tánh bèn từ đường biển vào Quảng Châu, Sắc Sứ Đặng Nhạc bắt đầu đúc khí giới, nhờ đó bọn mọi rợ mới biết chế tạo binh khí).” (3) Tên gọi thời xưa của Trung Quốc, đối với phương Tây mà nói. Như trong Tông Thống Biên Niên (宗統編年, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 86, No. 1600) quyển 8 có đoạn: “Đông Độ đệ nhất thế Tổ Bồ Đề Đạt Ma tôn giả tự Nam thiên Trúc lai, cửu nguyệt nhị thập nhất nhật đạt ư Quảng Châu (東土第一世祖菩提達磨尊者自南天竺來、九月二十一日達於廣州, Tổ đời thứ nhất của Trung Hoa là tôn giả Bồ Đề Đạt Ma, từ Nam thiên Trúc đến, ngày 21 tháng 9 thì đến tại Quảng Châu).” Hay trong Nguyên Tẩu Hành Đoan Thiền Sư Ngữ Lục (元叟行端禪師語錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 71, No. 1419) quyển 4, phần Hàng Châu Kính Sơn Hưng Thánh Vạn Thọ Thiền Tự Ngữ Lục (杭州徑山興聖萬壽禪寺語錄), lại có câu: “Tây Thiên tích nhật Tịnh Danh lão, Đông Độ kim triêu Bàng Uẩn công (西天昔日淨名老、東土今朝龐蘊公, Tây Thiên [Ấn Độ] ngày xửa Tịnh Danh lão, Đông Độ [Trung Hoa] sáng nay Bàng Uẩn ông).” Hoặc trong Liên Tu Khởi Tín Lục (蓮修起信錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 62, No. 1204) quyển 1, phần Trí Tuệ Linh Lung Phạ Ra Đát Đa Như Lai Bảo Huấn (智慧玲瓏嚩囉噠哆如來寶訓), cũng có câu: “Hình cốt tuy tồn Đông Độ, tâm thần dĩ tại Liên Trì (形骸雖存東土、心神已在蓮池, hình cốt tuy còn Đông Độ [Ấn Độ], tâm thần đã ở Liên Trì [Tây phương]).”
(東陵永璵, Tōrei Eiyo, 1285-1365): vị tăng của Phái Hoằng Trí (宏智派) thuộc Tào Động Tông Trung Quốc, hiệu là Đông Lăng (東陵), xuất thân Minh Châu (明州, Phủ Ninh Ba, Tỉnh Triết Giang), pháp từ của Vân Ngoại Vân Tụ (雲外雲岫) ở Thiên Đồng Sơn (天童山) vùng Minh Châu. Ông trú tại Thiên Ninh Tự (天寧寺) trong làng và đến năm thứ 2 (1351) niên hiệu Quán Ứng (觀應) thì sang Nhật Bản. Thể theo lời mời của Mộng Song Sơ Thạch (夢窻疎石), ông sống qua một số chùa như Thiên Long Tự (天龍寺, Tenryū-ji), Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji), Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji), Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji), v.v. Vào năm thứ 4 (1365) niên hiệu Trinh Trị (貞治), ông thị tịch và được ban cho thụy hiệu là Diệu Ứng Quang Quốc Huệ Hải Huệ Tế Thiền Sư (妙應光國慧海慧濟禪師). Môn phái của ông được gọi là Đông Lăng Phái (東陵派). Trước tác của ông có Dư Đông Lăng Nhật Bản Lục (璵東陵日本錄).
(虎關師錬, Kokan Shiren, 1278-1346): vị Tăng của Lâm Tế Tông, sống vào khoảng cuối thời Liêm Thương và đầu thời Nam Bắc Triều, Tổ đời thứ 15 của Đông Phước Tự (東福寺, Tōfuku-ji), Tổ đời thứ 15 của Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji); húy là Sư Luyện (師錬), thông xưng là Hải Tạng Hòa Thượng (海藏和尚); đạo hiệu là Hổ Quan (虎關), thụy hiệu Bản Giác Thiền Sư (本覺禪師); xuất thân vùng Kyoto, họ Đằng Nguyên. Ông đến tham Thiền với Trạm Chiếu (湛照) ở Đông Phước Tự vùng Sơn Thành (山城, Yamashiro); rồi năm lên 10 tuổi thì thọ giới ở trên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan). Vào năm 1291, ông theo học pháp với Quy Am Tổ Viên (規庵祖圓) ở Nam Thiền Tự, rồi năm 1293 thì đến sống ở Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji) thuộc vùng Liêm Thương. Sau khi trở về Kinh Đô Kyoto, ông lại theo học Nho Giáo với vị quan Quản Nguyên Tại Phụ (菅原在輔), rồi tu thêm cả Mật Giáo, và có được tri thức rất rộng rãi về mọi mặt. Hơn nữa ông còn cảm hóa được vị Tăng du học trở về là Nhất Sơn Nhất Ninh (一山一寧). Đến năm 1312, theo lệnh của Hậu Phục Kiến Thượng Hoàng (後伏見上皇), ông đến sống ở Hoan Hỷ Quang Viện (歡喜光院). Năm sau, ông chuyển đến Tế Bắc Am (濟北庵) ở vùng Bạch Hà (白河, Shirakawa), và năm 1215 thì khai sáng ra Bản Giác Tự (本覺寺) ở vùng Y Thế (伊勢, Ise). Năm 1322, ông hoàn thành bộ Nguyên Hanh Thích Thư (元亨釋書) ở Tế Bắc Am, bộ sử thư Phật Giáo tối cổ của Nhật Bản. Năm 1232, ông làm trú trì của Đông Phước Tự, rồi năm 1239 thì làm trú trì Nam Thiền Tự, và đến cuối đời thì ông sống nhàn cư ở Hải Tạng Viện (海藏院) nơi Đông Phước Tự. Tác phẩm để lại của ông có Nguyên Hanh Thích Thư (元亨釋書) 30 quyển, Thập Thiền Chi Lục (十禪支錄), Tục Thập Thiền Chi Lục (續十禪支錄) 3 quyển, Tế Bắc Tập (濟北集) 20 quyển, Phật Ngữ Tâm Luận (佛語心論) 18 quyển, v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.158.246 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập