Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Nga lâm »»
(彌切): tha thiết, da diết. Như trong quyển thứ 76 của Đại Nhật Bản Sử (大日本史, Dainihonshi) có đoạn: “Trung cung châu kỵ, đương lai nguyệt nhị thập bát nhật, lễ chế hốt chung, tân tuế tu cập, kỵ cảnh Nga lâm, di thiết võng cực chi thống (中宮周忌、當來月二十八日、禮制忽終、新歲須及、忌景俄臨、彌切罔極之痛, lễ kỵ trong cung, nhằm ngày 28 tháng sau, tang chế chợt hết, năm mới lại đến, cảnh kỵ chợt về, đau xót nhớ tưởng song thân vô cùng tận).” Hay trong Toàn Đường Thi (全唐詩) quyển 788, Tả Phụ Nguyên (左輔元) có hai câu liên cú rằng: “Kinh trúc xuy di thiết, quá tùng vận cánh u (經竹吹彌切、過松韻更幽, qua trúc thổi da diết, xuyên tùng tiếng lại buồn).”
(中秋節): đây là ngày Tết truyền thống của nhân dân các nước Đông Á, vốn khởi nguồn từ Trung Quốc, nhằm vào ngày rằm tháng 8 Âm Lịch hằng năm. Theo Âm Lịch Trung Quốc, tháng Tám là tháng thứ hai của mùa Thu; xưa kia gọi là Trọng Thu (仲秋); sau này dân gian gọi là Trung Thu (中秋), Thu Tịch (秋夕), Bát Nguyệt Tiết (八月節), Bát Nguyệt Bán (八月半), Nguyệt Tịch (月夕), Nguyệt Tiết (月節). Hơn nữa, do vì vào lúc này mặt trăng tròn đầy, tượng trưng cho sự đoàn viên, nên có tên là Đoàn Viên Tiết (團圓節). Ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, v.v., cũng xem Tết Trung Thu như là ngày Tết truyền thống của quốc gia. Từ ngữ “Trung Thu” được tìm thấy sớm nhất trong các thư tịch Chu Lễ (周禮), Lễ Ký (禮記), v.v. Như trong chương Nguyệt Lịnh (月令) của Lễ Ký có ghi rằng: “Trung Thu chi nguyệt dưỡng suy lão, hành mi chúc ẩm thực (仲秋之月養衰老、行糜粥飲食, tháng của giữa Thu dưỡng tuổi già, nấu cháu kê mà ăn uống).” Từ thời nhà Đường (唐, 618-907) trở về sau, Tết Trung Thu trở thành ngày Têt cố định. Truyền thuyết cho rằng vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ (唐玄宗李隆基, tại vị 658-762) mộng thấy đi chơi trên cung trăng, thưởng thức nhạc trời gọi là Nghê Thường Vũ Y Khúc (霓裳羽衣曲), từ đó dân gian bắt đầu thịnh hành tập tục Tết Trung Thu. Thông thường, người ta vẫn cho rằng lễ Tết này bắt đầu thịnh hành dưới thời nhà Tống (宋, 960-1279). Đến cuối thời nhà Nguyên (元, 1271-1368), khi khởi binh, Chu Nguyên Chương (朱元璋, tại vị 1368-1398) có bí mật lấy bánh Trung Thu làm tín hiệu “bát nguyệt thập ngũ nhật sát Thát Tử (八月十五日殺韃子, ngày Rằm tháng Tám giết quân Mông Cổ)”; cho nên vào năm 1368 (Hồng Võ [洪武] nguyên niên), Chu Nguyên Chương cho lấy bánh Trung Thu làm bánh ngọt thiết đãi quần thần. Vào thời nhà Minh (明, 1368-1644) và Thanh (清, 1616-1636), Tết Trung Thu đã trở thành một trong những ngày Tết truyền thống lớn nhất của Trung Quốc. Bộ Chánh Đức Giang Ninh Huyện Chí (正德江寧縣誌) có ghi lại rằng vào đêm Trung Thu, người dân Nam Kinh thường thưởng thức trăng Thu, cả nhà cùng nhau ngắm trăng được gọi là khánh đoàn viên (慶團圓), ngồi quanh quần ăn uống vui vẻ gọi là viên nguyệt (圓月), ra ngoài đi chơi các phố phường gọi là tẩu nguyệt (走月). Một trong những truyền thuyết nổi tiếng về nguồn gốc của Tết Trung Thu là Thường Nga Bôn Nguyệt (嫦娥奔月, Thường Nga [Hằng Nga] đùa giỡn với trăng). Tương truyền từ thời cổ đại xa xưa, anh hùng bắn mặt trời là Hậu Nghệ (后羿) cưới Hằng Nga làm vợ, trở thành đế vương, thường thi hành chính sách hung bạo, ác độc. Có một hôm nọ, Hậu Nghệ xin được một bao thuốc trường sinh bất tử từ tay Tây Vương Mẫu (西王母). Hậu Nghệ mang thuốc về nhà và cất vào trong một cái hộp. Hằng Nga biết được, sợ rằng sau khi uống thuốc này vào thì Hậu Nghệ sẽ trở thành trường sinh bất tử, làm cho muôn dân càng thống khổ hơn, bèn lấy toàn bộ thuốc ấy uống sạch, sau đó biến thành tiên nữ, bay lên trên cung trăng. Bá tánh sau khi biết Hằng Nga thành tiên bay lên cung trăng rồi, thiết bàn hương án dưới mặt trăng, cầu xin tiên nữ ban cho bình an, cát tường. Vì vậy có phong tục lạy mặt trăng vào dịp Tết Trung Thu. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều có những tập tục trong dịp Tết Trung Thu. Tại Trung Hoa, có một số phong tục chính như ngắm trăng Trung Thu, ăn Bánh Trung Thu, treo hay rước lồng đèn, đốt tháp đồ mã, v.v. Tập tục ngắm trăng được xem như là một trong những hoạt động truyền thống vào dịp này. Trong Lễ Ký có từ “Thu mộ tịch nguyệt (秋暮夕月)”, ý là bái tế Thần Mặt Trăng; vào lúc này thì thiết hương án để nghinh đón mùa lạnh và tế mặt trăng. Như trong Đông Kinh Mộng Hoa Lục (東京夢華錄) có ghi rằng: “Trung Thu dạ, quý gia kết sức đài tạ, dân gian tranh chiếm tửu lâu ngoạn nguyệt (中秋夜、貴家結飾台榭、民間爭占酒樓玩月, vào đêm Trung Thu, nhà cao sang thì trang trí đài cao, dân gian thì tranh nhau chiếm quán rượu để ngắm trăng).” Về Bánh Trung Thu, dân gian Trung Quốc có câu rằng: “Bát nguyệt thập ngũ nhật chánh viên, Trung Thu nguyệt bính hương hựu điềm (八月十五日正圓、中秋月餅香又甜, ngày Rằm tháng Tám trăng thật tròn, ăn bánh Trung Thu hương ngọt thơm).” Trong Mộng Lương Lục (夢梁錄) của Ngô Tự Mai (吳自牧, ?-?) nhà Nam Tống cho biết rằng Bánh Trung Thu đương thời là một loại thực phẩm điểm tâm. Sau này, loại bánh này được đem dùng ăn ngắm trăng và đã trở thành một món ăn không thể thiếu vào dịp lễ hội này. Đồng thời, Bánh Trung Thu cũng là lễ vật để liên lạc cảm tình giữa bằng hữu với nhau trong dịp Tết Trung Thu. Ngoài các loại bánh thông thường ra, tại Triết Giang (江浙) còn có Bánh Trung Thu Thịt Tươi (鮮肉月餅, Tiên Nhục Nguyệt Bính). Riêng tập quán đốt tháp vàng mã rất thịnh hành ở các vùng nông thôn của Phúc Kiến (福建), Giang Tây (江西), Quảng Đông (廣東), Quảng Tây (廣西), v.v. Thân của tháp được kết thành bởi những miếng gạch vỡ vụn, thân cây, cỏ bện; hình tròn, trên nhỏ dưới to, bên trong rỗng. Tại bán đảo Triều Tiên, lễ hội này được gọi là Thu Tịch (秋夕), Trọng Thu Tiết (仲秋節), Gia Bài (嘉俳), Trọng Thu (仲秋), Gia Bài Nhật (嘉俳日), Trọng Thu Giai Tiết (仲秋佳節). Nhân ngày này, người dân ở đây có phong tục thường đi tảo mộ, lấy các loại sản phẩm thu hoạch được để cúng tế tổ tiên, trở về quê thăm người thân, v.v. Đối với Nhật Bản, Tết Trung Thu được gọi là Thập Ngũ Dạ (十五夜, jūgoya), Trung Thu Danh Nguyệt (中秋の名月, chūshū-no-meigetsu), Vu Danh Nguyệt (芋の名月, imo-no-meigetsu). Người Nhật cũng có phong tục ngắm trăng gọi là nguyệt kiến (月見, tsukimi) và ăn loại bánh gọi là tsukimidango (月見團子, nguyệt kiến đoàn tử). Đặc biệt đối với Việt Nam, Tết Trung Thu đã trở thành ngày Tết long trọng của trẻ em, còn được gọi là Tết Trông Trăng hay Tết Thiếu Nhi, Tết Nhi Đồng. Trẻ em Việt Nam rất mong đợi được đón Tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước, v.v., rồi các thứ bánh như bánh nướng, bánh dẻo. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức Múa Lân, Múa Sư Tử, Múa Rồng để các em vui chơi thỏa thích. Thi sĩ Tản Đà (傘沱, 1889-1939) có làm bài thơ về Trung Thu rằng: “Có bầu có bạn can chi tủi, cùng gió cùng mây thế mới vui, rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám, tựa nhau trông xuống thế gian cười.” Hay trong bài hát Rước Đèn Tháng Tám có câu như: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca trong ánh trăng rằm, đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bướm bướm, em rước đèn này đến cung trăng, đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng, trong ánh đèn rực rỡ muôn màu.” Tết Trung Thu là một đề tài vô cùng phong phú cho các thi hào, văn sĩ. Như trong bài Thu Tiêu Nguyệt Hạ Hữu Hoài (秋宵月下有懷) của Mạnh Hạo Nhiên (孟浩然, 689-740) nhà Đường có câu: “Thu không minh nguyệt huyền, quang thái lộ triêm thấp, kinh thước thê vị định, phi oanh quyển liêm nhập (秋空明月懸、光彩露沾濕、驚鵲棲未定、飛螢捲簾入, trời Thu trăng sáng tỏ, rực rỡ sương thấm ướt, chim khách không bến đậu, đóm bay cuộn rèm thưa).” Thi nhân Trương Cửu Linh (張九齡, 678-740) nhà Đường lại diển tả một sắc thái khác qua bài Vọng Nguyệt Hoài Viễn (望月懷遠): “Hải thượng sanh minh nguyệt, thiên nhai cọng thử thời, tình nhân oán dao dạ, cánh tịch khởi tương tư (海上生明月、天涯共此時、情人怨遙夜、竟夕起相思, trên biển vừng trăng sáng, bờ trời cùng lúc này, tình nhân đêm não nuột, trọn buổi ôm tương tư).” Trong bài Bát Nguyệt Thập Ngũ Nhật Dạ Bồn Đình Vọng Nguyệt (八月十五日夜湓亭望月), thi hào Bạch Cư Dị (白居易, 772-846) nhà Đường đã gởi gắm cả nỗi niềm hoài vọng của ông rằng: “Tích niên bát nguyệt thập ngũ dạ, Khúc Giang trì bạn hạnh viên biên, kim niên bát nguyệt thập ngũ dạ, Bồn phố sa đầu thủy quán tiền, Tây Bắc vọng hương hà xứ thị, Đông Nam kiến nguyệt kỷ hồi viên, tạc phong nhất xuy vô nhân hội, kim dạ thanh quang tợ vãng niên (昔年八月十五夜、曲江池畔杏園邊、今年八月十五夜、湓浦沙頭水館前、西北望鄉何處是、東南見月幾回圓、昨風一吹無人會、今夜清光似往年, năm xưa đêm Rằm tháng Tám ấy, cạnh hồ Khúc Giang vườn mơ thơm, năm nay đêm Rằm tháng Tám đến, sông Bồn bãi cát quán nước còn, Tây Bắc trông quê nào chốn nhỉ, Đông Nam trăng ngắm mấy lần tròn, gió thổi hôm qua đâu ai gặp, đêm nay sáng tỏ tợ năm nào).” Vương Kiến (王建, ?-?), thi nhân nhà Đường, cũng chia xẻ cùng nỗi niềm qua bài Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt (十五夜望月): “Trung đình địa bạch thọ thê nha, lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa, kim dạ nguyệt minh nhân tận vọng, bất tri Thu tư lạc thùy gia (中庭地白樹棲鴉、冷露無聲濕桂花、今夜月明人盡望、不知秋思落誰家, giữa sân nền sáng quạ trên xa, sương lạnh im lìm ướt quế hoa, đêm nay trăng tỏ người ngắm trọn, nào hay Thu niệm rụng ai nhà).” Trong Kiến Trung Tĩnh Quốc Tục Đăng Lục (建中靖國續燈錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 78, No. 1556) quyển 30 có đoạn rằng: “Phỉ tấn phỉ tu siêu Thập Địa, vô văn vô đắc việt Tam Kỳ, Trung Thu ngọc thố đoàn đoàn thạnh, bán dạ khuê đồng toàn toàn khuy, nhập hải ba tư tham bất dĩ, nghĩ tương từ khí hoán Ma Ni (匪進匪修超十地、無聞無得越三祇、中秋玉兔團團盛、半夜圭桐旋旋虧、入海波斯貪不已、擬將瓷器換摩尼, chẳng tiến chẳng tu qua Mười Địa, không nghe không chứng vượt Ba Kỳ, Trung Thu trăng sáng tròn vành vạnh, đêm nửa ngô đồng gió vút vi, vào biển sóng cồn tham chẳng dứt, nghĩ đem đồ sứ đổi Ma Ni).” Hay trong Hoàn Khê Duy Nhất Thiền Sư Ngữ Lục (環溪惟一禪師語錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 70, No. 1388) quyển Thượng lại có câu: “Kiểu khiết Trung Thu nguyệt, thanh quang xứ xứ đồng (皎潔中秋月、清光處處同, sáng rực Trung Thu nguyệt, trong vắt chốn chốn cùng).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.158.246 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập