Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Lý Hoa »»
(敎判, kyōhan), Giáo Tướng Phán Thích (敎相判釋, kyōsōhanshaku) hay Giáo Tướng Phán Giáo (敎相判敎, kyōsōhankyō): sự giải thích kinh điển vốn được hệ thống hóa, phân loại chỉnh lý dựa trên các tiêu chuẩn như hình thức, phương pháp, thứ tự của kinh điển được đức Thích Tôn thuyết ra trong thời gian 45 năm từ khi thành đạo lúc 35 tuổi cho đến khi nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi, hay về mặt tu tập thì giáo lý nào là cứu cánh, chân lý căn bản là gì, v.v. Dưới thời Tùy Đường, có khuynh hướng làm sáng tỏ lập trường mang tính giáo nghĩa vốn tín phụng vào tự than và chủ trương tính ưu việt của các kinh điển cũng như nội dung giáo nghĩa làm chỗ nương tựa. Về tự thể của kinh điển, chúng ta có thể thấy trong Pháp Hoa Kinh (法華經) có thuyết về sự khác nhau giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa, trong Lăng Già Kinh (楞伽經) có Đốn Giáo và Tiệm Giáo, trong Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經) có Tam Chiếu, hay trong Giải Thâm Mật Kinh (解深密經) có Tam Thời, v.v.; hoặc trong các luận thư như Đại Trí Độ Luận (大智度論) thì thuyết về Tam Tạng (三藏) và Ma Ha Diên (摩訶衍), trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毘婆娑論) có Nan Hành Đạo (難行道) và Dị Hành Đạo (易行道), v.v.; tất cả đều chỉ phân loại sự sâu cạn của giáo thuyết và đó không phải là Giáo Phán. Tại Trung Quốc, vào thời Trí Khải (智顗) khoảng thế kỷ thứ 6, tương truyền ở Giang Nam có Giáo Phán Tam Thuyết (三說), ở bắc bộ có Thất Thuyết (七說), được gọi là Nam Tam Bắc Thất (南三北七, theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa [法華玄義] 10). Giáo Phán tiêu biểu là Ngũ Thời Bát Giáo (五時八敎) của Trí Khải. Ngũ Thời là thời Hoa Nghiêm (華嚴), Lộc Uyển (鹿苑, tức A Hàm [阿含]), Phương Đẳng (方等), Bát Nhã (般若) và Pháp Hoa Niết Bàn (法華涅槃); Bát Giáo gồm Hóa Nghi Tứ Giáo (化儀四敎) của giáo lý Đốn (頓), Tiệm (漸), Bí Mật (秘密), Bất Định (不定) nếu nhìn từ mặt hình thức thuyết pháp; và Hóa Pháp Tứ Giáo (化法四敎) của Tam Tạng (三藏, Tiểu Thừa), Thông (通, cọng thông cả Tiểu lẫn Đại Thừa), Biệt (別, Đại Thừa), Viên (圓, giáo lý hoàn toàn) nếu nhìn từ mặt nội dung. Tiếp theo, Nhị Tạng Tam Luận (二藏三論) của Cát Tạng (吉藏)—người hình thành giáo học Tam Luận, Tam Giáo Bát Tông (三敎八宗) của Khuy Cơ (窺基) thuộc Pháp Tướng Tông, bắt đầu xuất hiện. Kế thừa những giáo học này, Pháp Tạng (法藏), người hình thành giáo học Hoa Nghiêm, đã thuyết về Giáo Phán gọi là Ngũ Giáo Thập Tông (五敎十宗). Ngoài ra, Đạo Xước (道綽) của Tịnh Độ Giáo có thuyết về Nhị Môn Giáo Phán (二門敎判), gồm Thánh Đạo và Tịnh Độ. Tại Nhật Bản, Không Hải (空海, Kūkai), vị tổ khai sáng Chơn Ngôn Tông có lập ra 2 loại Giáo Phán Hoành Thụ (橫竪). Về phía Thai Mật (台密), An Nhiên (安然, Annen) đề xướng thuyết Ngũ Thời Ngũ Giáo (五時五敎). Ngoài ra, Thân Loan (親鸞, )—người kết hợp tự lực và tha lực, Tiệm Giáo và Đốn Giáo—thì chủ trương thuyết Nhị Song Tứ Trùng (二雙四重); Nhật Liên (日蓮, Nichiren) thì có thuyết Ngũ Cương (五綱), v.v.
(河伯): tên gọi của vị Thủy Thần ở Hoàng Hà (黃河) trong truyền thuyết thần thoại Trung Quốc. Về lịch sử, tên ban đầu của Hà Bá là Băng Di (冰夷), Bằng Di (馮夷), Hà Thần (河神), Vô Di (無夷). Tên gọi Hà Bá phát xuất từ thời Chiến Quốc (戰國, 403 hay 453-221 ttl.), truyền thuyết không thống nhất với nhau. Vì Hoàng Hà thường lũ lụt, gây tai họa khôn xiết, cho nên người ta cho rằng tính tình của Hà Bá cũng hung bạo. Thần thoại kể rằng Hậu Nghệ (后羿) đã từng dùng tên bắn vào mắt trái Hà Bá. Do vì ông có uy lực không thể lường, nên từ xưa đã có tập tục xấu “Hà Bá Thú Phụ (河伯娶婦, Hà Bá Cưới Vợ)”, lấy đó để cầu được bình an, không hoạn nạn. Về truyền thuyết “Hà Bá Thú Phụ (河伯娶婦, Hà Bá Cưới Vợ)”, dưới thời đại Chiến Quốc, Tây Môn Báo được phái đến Nghiệp Thành (鄴城, nay thuộc Huyện Lâm Chương [臨漳縣], Tỉnh Hà Bắc [河北省]) làm quan huyện. Khi đến nơi thì không bóng người qua lại, cả ngày hoang vắng, bèn hỏi xem thử nguyên do vì sao. Có một lão già tóc bạc phơ bảo rằng đó là do vì chuyện Hà Bá cưới vợ gây nên náo loạn như vậy. Hà Bá là thần của sông Chương, hằng năm đều phải cưới một cô nương xinh đẹp. Nếu như không đem cống nạp, tất sông Chương sẽ phát sinh lũ lớn, làm cho ruộng đất, nhà cửa đều ngập trong biển nước. Nghe vậy, Tây Môn Báo biết rằng đây là câu chuyện bịa đặt của tên tham quan nào đó để xách nhiễu lòng dân. Đợi đến ngày Hà Bá Cưới Vợ năm sau, ông đến ngay tại hiện trường quan sát. Ông phát hiện con quan lớn nhỏ cùng với mấy bà đồng bóng đội lốt thần quỷ cũng có mặt. Về sau, Tây Môn Báo (西門豹) nhà Ngụy không tin vào truyền thuyết đó, cấm tuyệt không cho thờ cúng, kêu gọi dân chúng làm cầu, ngăn đê, cuối cùng dứt được sự lo âu về thủy tai. Về truyền thuyết, Hà Bá có thân người đuôi cá, tóc trên đầu màu trắng bạc, tròng mắt có màu sắc rực rỡ như ngọc Lưu Ly. Tuy nhiên, ông là người nam, có vẻ đẹp dị thường, trên thân có mùi hương thơm ngát, mới nhìn thoáng qua khoảng không quá 20 tuổi. Trong Bão Phác Tử (抱朴子), Thiên Thích Quỷ (釋鬼篇), có giải thích rằng Băng Di đi qua sông, bị chết đuối, được Thiên Đế giao cho làm Hà Bá để quản lý sông hồ. Hay như trong Sưu Thần Ký (搜神記) quyển 4 có đoạn giải thích sự việc trên rằng: “Tống thời Hoằng Nông Bằng Di, Hoa Âm, Đồng Hương, Đê Thủ nhân dã, dĩ bát nguyệt thượng Canh nhật độ hà, nịch tử; Thiên Đế thự vi Hà Bá (宋時弘農馮夷、華陰潼鄉隄首人也、以八月上庚日渡河、溺死、天帝署爲河伯, vào niên hiệu Hoằng Nông nhà Tống, có Bằng Di, người Đê Thủ, Đồng Hương, vùng Hoa Âm, nhân qua sông vào ngày Canh đầu tháng 8, bị chết đuối; Thiên Đế phong cho làm Hà Bá).” Trong tác phẩm Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō No. 2122) quyển 75 của Phật Giáo cũng có cùng nội dung tương tự như vậy. Cũng có thuyết cho rằng Hà Bá dùng 8 thứ đá (xưa kia các Đạo gia dùng 8 loại nguyên liệu bằng đá để luyện đơn, gồm Chu Sa [硃砂], Hùng Hoàng [雄黃], Thử Hoàng [雌黃], Không Thanh [空青], Vân Mẫu [雲母], Lưu Huỳnh [硫黃], Nhung Diêm [戎鹽], và Tiêu Thạch [硝石]) và thành thần, như trong Sơn Hải Kinh Hải Kinh Tân Thích (山海經海經新釋) quyển 7 có giải thích: “Bằng Di, Hoa Âm, Đồng Hương, Đê Thủ nhân dã, phục bát thạch, đắc Thủy Tiên, thị vi Hà Bá (馮夷華陰潼鄉隄首人也、服八石、得水仙、是爲河伯, Bằng Di, người Đê Thủ, Đồng Hương, vùng Hoa Âm, dùng tám loại đá, thành Thủy Tiên, đó là Hà Bá).” Vị thần này còn có tên gọi khác là Hà Bá Sứ Giả (河伯使者), như trong Thần Dị Kinh (神异經), phần Tây Hoang Kinh (西荒經) có câu: “Tây hải thủy thượng hữu nhân, thừa bạch mã chu liệp, bạch y huyền quan, tùng thập nhị đồng tử, sử mã Tây hải thủy thượng, như phi như phong, danh viết Hà Bá Sứ Giả (西海水上有人、乘白馬朱鬣、白衣玄冠、從十二童子、駛馬西海水上、如飛如風、名曰河伯使者, trên mặt nước biển Tây có người cỡi con ngựa trắng, bờm đỏ, mặc áo trắng, đội mũ đen, cùng với mười hai đồng tử, cỡi ngựa trên mặt nước biển Tây, bay nhanh như gió, tên là Hà Bá Sứ Giả).” Tên gọi Kappa ở Nhật cũng xuất phát từ nguyên ngữ này. Nó đồng nghĩa với Hà Tông (河宗). Tín ngưỡng Hà Bá cũng rất thịnh hành ở Việt Nam; cho nên tục ngữ Việt Nam thường có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá.” Truyền thuyết của Hà Đồng (河童) vốn phát xuất rất sớm từ vùng thượng du của lưu vực Hoàng Hà; xưa kia gọi là Thủy Hổ (水虎), hay Hà Bá. Về truyền thuyết của Hà Đồ, khi vua Đại Vũ (大禹) quản lý Hoàng Hà, có 3 báu vật là Hà Đồ (河圖, Bản Đồ Sông Nước), Khai Sơn Phủ (開山斧, Búa Mở Núi) và Tỵ Thủy Kiếm (避水劍, Kiếm Tránh Nước). Truyền thuyết cho rằng Hà Đồ do vị Thủy Thần là Hà Bá trao cho vua Đại Vũ. Vua phục nghi (伏羲) quan sát rất kỹ lưỡng đối với sự hưng suy của mặt trời, mặt trăng, tinh tú, thời tiết, khí hầu, cây cỏ, v.v. Có hôm nọ, bỗng nhiên giữa Hoàng Hà xuất hiện một con Long Mã (龍馬), ông thấy chấn động tâm thần, tự thân cảm xúc được sự linh thiêng của trời đất, tự nhiên. Nhà vua phát hiện trên thân con ngựa có đồ hình, rất tâm đầu ý hợp với ý tưởng về quá trình quán sát vạn vật. Phục nghi đi qua thân con ngựa, quan sát thật kỹ, vẽ ra đồ hình Bát Quái (八卦). Từ đó, đò hình trên thân con ngựa kia được gọi là Hà Đồ. Trong Sơn Hải Kinh (山海經) có giải thích rằng: “Phục Nghi đắc Hà Đồ, Hạ nhân nhân chi, viết Liên Sơn (伏羲得河圖、夏人因之、曰連山, Phục Nghi có được Hà Đồ, người Hạ nhân đó gọi là Liên Sơn).” Ngay như Kinh Quái (經卦) của Phục Nghi cũng xuất phát từ nguồn gốc hiện tượng thiên văn, có căn nguyên từ Hà Đồ. Trong bài Cửu Ca (九歌) của Khuất Nguyên (屈原, 340-278 ttl.) cũng có thiên viết về Hà Bá.
(鶴林玄素, Gakurin Genso, 668-752): vị tăng của Ngưu Đầu Tông Trung Quốc, pháp từ của Trí Uy (智威), vị tổ đời thứ 5 của Ngưu Đầu Tông, tự là Đạo Thanh (道清), họ Mã (馬), cho nên ông thông xưng là Mã Tố (馬素), xuất thân Diên Lăng (延陵), Nhuận Châu (潤州, Tỉnh Giang Tô). Ông xuất gia ở Trường Thọ Tự (長壽寺) vùng Giang Ninh (江寧, Tỉnh Giang Tô) và sau khi thọ Cụ Túc giới xong, ông sống ẩn cư. Đến cuối đời, ông theo hầu hạ Trí Uy ở U Thê Tự (幽棲寺), Thanh Sơn (青山), thân hình khắc khổ. Trong khoảng thời gian niên hiệu Khai Nguyên (開元, 713-742), thể theo lời thỉnh cầu của vị tăng Uông Mật (汪密), ông đến Kinh Khẩu (京口) và đáp ứng sự khẩn thỉnh của vị quan trong quận Vi Tiển (微銑), ông đến sống tại Hạc Lâm Tự (鶴林寺) thuộc Hoàng Hạc Sơn (黃鶴山), Nhuận Châu (潤州). Vào ngày 11 tháng 11 năm thứ 11 (752) niên hiệu Thiên Bảo (天寳), ông an nhiên thị tịch, hưởng thọ 85 tuổi. Tháp ông được dựng ở Tây Hoàng Hạc Sơn. Ông được ban cho thụy hiệu là Đại Luật Thiền Sư (大律禪師). Môn nhân của ông có Pháp Hải (法海), người biên tập bộ phận tối cổ của Lục Tổ Đàn Kinh Bản Đôn Hoàng. Lý Hoa (李華) soạn bia văn cho tháp của ông.
(行狀): là một thể loại văn chương ghi lại sơ lược tất cả những việc làm, sinh hoạt, quê quán, ngày tháng năm sinh và năm mất của một người nào đó; còn gọi là Hành Trạng Ký (行狀記), Hành Thuật (行述), Hành Thật (行實), Hành Nghiệp (行業), Hành Nghiệp Ký (行業記). Dưới thời nhà Hán thì gọi là Trạng, và từ thời nhà Nguyên trở về sau thì gọi là Hành Trạng. Nguồn gốc của Hành Trạng khởi đầu vào thời Đông Hán (東漢, 25-220), đến thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (魏晉南北朝, 220-589) thì bắt đầu thịnh hành; được tìm thấy trong phần trích dẫn về hành trạng của chư vị hiền đi trước của Truyện Viên Thiệu (袁紹), Ngụy Chí (魏志) 6 thuộc Tam Quốc Chí (三國志); hay trong Truyện Vương Ẩn (王隱) của Tấn Thư (晉書) quyển 82, cho biết rằng Vương Ẩn lúc nhỏ rất thích học, có chí viết ký thuật, thường ghi chép lại những sự việc nhà Tấn cũng như hành trạng của chư vị công thần. Có một số ký thuật hành trạng nổi tiếng qua các triều đại của Trung Quốc. Tỷ dụ như dưới thời nhà Đường (唐, 618-907) có Đại Đường Cố Tam Tạng Huyền Trang Pháp Sư Hành Trạng (大唐故三藏玄奘法師行狀), 1 quyển, không rõ tác giả; Đổng Tấn Hành Trạng (董晉行狀) của Hàn Dũ (韓愈, 768-824); Hàn Lại Bộ Hành Trạng (韓吏部行狀) của Lý Cao (李翱, 774-836), v.v. Thời nhà Tống (宋, 960-1279) có Tư Mã Ôn Công Hành Trạng (司馬溫公行狀) của Tô Thức (蘇軾, 1037-1101); Phó Anh Châu Khất Đan Hành Trạng (赴英州乞舟行狀) cũng của Tô Thức; Minh Đạo Tiên Sinh Hành Trạng (明道先生行狀) của Trình Di (程頤, 1033-1107); Hoàng Khảo Lại Bộ Chu Công Hành Trạng (皇考吏部朱公行狀) của Chu Hy (朱熹, 1130-1200); Trương Ngụy Công Hành Trạng (張魏公行狀) của Chu Hy; Triều Phụng Đại Phu Văn Hoa Các Đãi Chế Tặng Bảo Mô Các Trực Học Sĩ Thông Nghị Đại Phu Thụy Văn Chu Tiên Sinh Hành Trạng (朝奉大夫文華閣待制贈寶謨閣直學士通議大夫諡文朱先生行狀) của Hoàng Càn (黃乾, 1152-1221), v.v. Thời nhà Nguyên (元, 1206-1368) có Cao Phong Thiền Sư Hành Trạng (高峰禪師行狀) của Triệu Mạnh Phủ (趙孟頫, 1254-1322). Dưới thời nhà Minh (明, 1368-1662) thì có Thành Ý Lưu Công Cơ Hành Trạng (誠意伯劉公基行狀) của Hoàng Bá Sanh (黃伯生, ?-?); Tự Tự Tiên Thế Hành Trạng (自敘先世行狀) của Hoàng Tá (黃佐, 1490-1566); Viên Trung Lang Hành Trạng (袁中郎行狀) của Viên Trung Đạo (袁中道, 1570-1623), v.v. Thời nhà Thanh (清, 1616-1911) có Ngô Đồng Sơ Hành Trạng (吳同初行狀) của Cố Viêm Võ (顧炎武, 1613-1682). Về hành trạng của Phật Giáo, trong Nghệ Văn Chí (藝文志) của Tân Đường Thư (新唐書) quyển 59 có Tăng Già Hành Trạng (僧伽行狀) do Tân Sùng (辛崇) soạn, 1 quyển; trong Thiên Tăng Hành (僧行篇) của Quảng Hoằng Minh Tập (廣弘明集) quyển 23 có phần Chư Tăng Luy Hành Trạng (諸僧誄行狀). Trong Đại Tạng Kinh của Phật Giáo có Đại Đường Cố Tam Tạng Huyền Trang Pháp Sư Hành Trạng (大唐故三藏玄奘法師行狀, Taishō Vol. 50, No. 2052), 1 quyển; Huyền Tông Triều Phiên Kinh Tam Tạng Thiện Vô Úy Tặng Hồng Lô Khanh Hành Trạng (玄宗朝翻經三藏善無畏贈鴻臚卿行狀, Taishō Vol. 50, No. 2055), do Lý Hoa (李華) soạn, 1 quyển; Đại Đường Cố Đại Đức Tặng Tư Không Đại Biện Chánh Quảng Trí Bất Không Tam Tạng Hành Trạng (大唐故大德贈司空大辨正廣智不空三藏行狀, Taishō Vol. 50, No. 2056) do Triệu Thiên (趙遷) soạn, 1 quyển; Đại Đường Thanh Long Tự Tam Triều Cúng Phụng Đại Đức Hành Trạng (大唐青龍寺三朝供奉大德行狀, Taishō Vol. 50, No. 2057, không rõ tác giả), 1 quyển, v.v. Trong Kim Thạch Tụy Biên (金石萃編) quyển 134 có Truyền Ứng Pháp Sư Hành Trạng (傳應法師行狀); Tục Kim Thạch Tụy Biên (續金石萃編) quyển 17 có Chiêu Hóa Tự Chính Thiền Sư Hành Trạng (昭化寺政禪師行狀), v.v.
(愚庵智及, Guan Chikyū, 1311-1378): vị tăng của Phái Đại Huệ thuộc Lâm Tế Tông Trung Quốc, tự là Dĩ Trung (以中), hiệu Ngu Am (愚庵), thông xưng là Tây Lộc (西麓), xuất thân Huyện Ngô (呉縣), Tô Châu (蘇州, Tỉnh Giang Tô), họ Cố (顧). Ông đến xuất gia tại Hải Vân Viện (海雲院), học nội ngoại điển, rồi thọ Cụ Túc giới và chuyên học về giáo Lý Hoa Nghiêm. Sau đó, ông đến Kiến Nghiệp (建業, Tỉnh Giang Tô), theo thọ giáo với Tiếu Ẩn Đại Hân (笑隱大訢) ở Đại Long Tường Tập Khánh Tự (大龍翔集慶寺). Có lần ông trở về Hải Vân Viện, nhưng rồi lại ngao du đó đây, đến tham yết Tịch Chiếu Hành Đoan (寂照行端) ở Kính Sơn (徑山) và kế thừa dòng pháp của vị này. Vào năm thứ 2 (1342) niên hiệu Chí Chánh (至正), ông bắt đầu khai đường thuyết giáo ở Long Giáo Thiền Tự (隆敎禪寺) vùng Khánh Nguyên Lộ (慶元路, Tỉnh Triết Giang) và sống qua một số chùa khác như Phổ Từ Thiền Tự (普慈禪寺), Tịnh Từ Báo Ân Thiền Tự (淨慈報恩禪寺) ở Hàng Châu (杭州, Tỉnh Triết Giang), Hưng Thánh Vạn Thọ Thiền Tự (興聖萬壽禪寺) ở Kính Sơn. Đến năm thứ 6 (1373) niên hiệu Hồng Võ (洪武), ông là người dẫn đầu trong số 10 vị Sa Môn cao đức tập trung tại Đại Thiên Giới Tự (大天界寺) trên kinh đô. Vào ngày mồng 4 tháng 9 năm thứ 11 cùng niên hiệu trên, ông thị tịch, hưởng thọ 68 tuổi đời, 51 hạ lạp và được ban cho hiệu là Minh Biện Chánh Tông Quảng Huệ Thiền Sư (明辨正宗廣慧禪師). Ông có bộ Ngu Am Trí Cập Thiền Sư Ngữ Lục (愚庵智及禪師語錄) 10 quyển.
(s, p: sahā, j: saba, 娑婆): âm dịch là Sa Ha (娑訶), Sách Ha (索訶), ý dịch là nhẫn (忍), nói cho đúng là Ta Bà Thế Giới (s, p: sahā-lokadhātu, 娑婆世界), ý dịch là thế giới chịu đựng (nhẫn độ, nhẫn giới), tức chỉ thế giới, cõi đời này, thế giới mà đức Thích Tôn giáo hóa. Nó còn được gọi là Nhân Gian Giới (人間界, cõi con người), Tục Thế Giới (世俗界, thế giới phàm tục), Hiện Thế (現世, cõi đời này). Chúng sanh ở trong thế giới này chịu đựng các phiền não, vì vậy mới có tên là thế giới chịu đựng. Bên cạnh đó từ này còn được dịch là Tạp Hội (雜會) hay Tập Hội (集會). Nguyên ngữ của từ tập hội là sabhā, muốn ám chỉ sự tập hội phức tạp của các tầng lớp như con người, trên trời, Sa Môn, Bà La Môn, Sát Đế Lợi, cư sĩ, v.v. Người ta cho rằng nguyên lai từ sahā cũng phát xuất từ sabhā, là thế giới có nhiều loại người khác nhau làm đối tượng hóa độ của đức Phật Thích Ca. Thiền sư Chơn Không (眞空, 1045-1100) của Việt Nam có bài thơ rằng: “Diệu bổn hư vô minh tự khoa, hòa phong xuy khởi biến Ta Bà, nhân nhân tận thức vô vi lạc, nhược đắc vô vi thỉ thị gia (妙本虛無明自誇、和風吹起遍娑婆、人人盡識無爲樂、若得無爲始是家, diệu bản thênh thang sáng tự khoa, gió hòa thổi khắp cõi Ta Bà, người người thảy biết vô vi lạc, nếu đạt vô vi mới là nhà).” Cổ Côn Pháp Sư (古崑法師) cũng có hai câu đối như sau: “Ta Bà giáo chủ bi nguyện hoằng thâm thệ độ khổ nhân ly hỏa trạch, Cực Lạc đạo sư từ tâm quảng đại thường nghinh mê tử nhập Liên Trì (娑婆敎主悲願宏深誓度苦人離火宅、極樂導師慈心廣大常迎迷子入蓮池, Ta Bà giáo chủ bi nguyện rộng sâu thề độ người khổ xa nhà lửa, Cực Lạc đạo sư từ tâm rộng lớn thường đón kẻ mê vào Liên Trì).”
(s, p: saṅgha, 僧): tiếng gọi tắt của Tăng Già (僧伽); ý dịch là hòa (和), chúng (眾), hòa hợp chúng (和合眾), hòa hợp tăng (和合僧), hải chúng (海眾, nghĩa là chúng tăng hòa hợp như một vị nước biển); hay kết hợp cả Phạn ngữ và Hán ngữ lại mà có tên gọi là tăng lữ (僧侶). Ngoài ra, còn có cách gọi khác như tăng gia (僧家), tăng ngũ (僧伍), v.v. Tăng là một trong ba ngôi báu (Tam Bảo [三寶], gồm Phật, Pháp và Tăng), là người tín thọ giáo pháp của đức Như Lai, vâng theo hành trì đạo của Ngài để nhập vào hàng Thánh và chứng quả. Tăng còn là hàng ngũ Thánh đệ tử cắt tóc, xuất gia, theo Phật học đạo, thọ giới Cụ Túc, có đủ Giới, Định, Tuệ, Giải Thoát và Giải Thoát Tri Kiến, trú vào Tứ Hướng, Tứ Quả. Từ này còn được dùng để chỉ cho đoàn thể tín thọ Phật pháp, tu hành Phật đạo. Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn độ cho nhóm 5 Tỳ Kheo A Nhã Kiều Trần Như (s: Ājñātakauṇḍinya, p: Aññā-Koṇḍañña, 阿若憍陳如), v.v., và đây được xem như là Tăng Đoàn đầu tiên của Phật Giáo. Luật Sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) nhà Đường cho rằng muốn cấu thành Tăng Già phải có 2 điều kiện:
(1) Lý hòa, tức tuân thủ giáo nghĩa Phật Giáo, lấy việc giải thoát Niết Bàn (s: nirvāṇa, p: nibbāna, 涅槃) làm mục đích tối thượng.
(2) Sự hòa, có 6 loại, tức Lục Hòa, gồm Giới Hòa Đồng Tu (戒和同修), Kiến Hòa Đồng Giải (見和同解), Thân Hòa Đồng Trụ (身和同住), Lợi Hòa Đồng Quân (利和同均), Khẩu Hòa Vô Tránh (口和無諍), Ý Hòa Đồng Duyệt (意和同悅).
Ngoài ra, nguyên lai Tăng là tên gọi thông thường của Tỳ Kheo (s: bhikṣu, p: bhikkhu, 比丘), Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼). Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, v.v., gọi Tỳ Kheo là Tăng, Tỳ Kheo Ni là Ni. Sau này, ngoài hai chúng trên còn có Sa Di (s: śrāmaṇera, p: sāmaṇera, 沙彌), Sa Di Ni (s: śrāmaṇerikā, p: sāmaṇerā, sāmaṇerī, 沙彌尼) cũng được gọi là Tăng hay Ni. Tăng Già Tỳ Kheo và Tăng Già Tỳ Kheo Ni được gọi là hai bộ chúng. Hết thảy các Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni trong bốn phương có tên gọi là Bốn Phương Tăng Già. Chư Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni hiện hữu trước mặt được gọi là Hiện Tiền Tăng Già. Hiện Tiền Tăng Già tất phải có từ 4 người trở lên, tập trung, hòa hợp, mới có thể thực hành pháp Yết Ma (羯磨), Bỉnh Pháp (秉法), v.v. Nếu dưới số lượng ấy, được gọi là quần, nhóm. Hơn nữa, do vì hình thức Yết Ma không giống nhau, nên số lượng chúng Tỳ Kheo cũng bất đồng. Theo Tứ Phần Luật (四分律) quyển 44, phần Chiêm Ba Kiền Độ (瞻波揵度) có nêu Tăng 4 người, Tăng 5 người, Tăng 10 người, Tăng 20 người. Đối với Tăng 4 người, trừ Tự Tứ (s: pravāraṇā, p: pavāraṇā, 自恣), thọ đại giới, xuất tội ra, có thể tác các pháp Yết Ma khác một cách như pháp. Trường hợp Tăng 5 người, trừ thọ đại giới, xuất tội ra, có thể tác các pháp Yết Ma khác một cách như pháp. Trường hợp Tăng 20 người thì có thể tác bất cứ pháp Yết Ma nào.
(s, p: saṃgha, 僧伽): gọi tắt là tăng; ý dịch là hòa (和), chúng (眾), hòa hợp (和合); cho nên còn được gọi là hòa hợp chúng (和合眾), hòa hợp tăng (和合僧), hải chúng (海眾, nghĩa là chúng tăng hòa hợp như một vị nước biển). Hoặc lấy Phạn ngữ cùng Hán ngữ hợp chung lại gọi là tăng lữ (僧侶). Ngoài ra, còn cách gọi khác như tăng gia (僧家), tăng ngũ (僧伍), v.v. Tăng là một trong ba ngôi báu, là người tín thọ giáo pháp của đức Như Lai, vâng theo đạo ấy, tinh cần tu tập, nhập vào dòng Thánh và chứng quả vị. Từ này cũng chỉ cho hàng Thánh đệ tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, theo học đạo của đức Phật, đầy đủ Giới, Định, Tuệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến, an trú trong Tứ Hướng Tứ Quả; hoặc chỉ cho đoàn thể tín thọ Phật pháp, tu hành Phật đạo. Sau khi thành đạo, trước hết đức Phật đến vườn Lộc Uyển (s: Mṛgadāva, p: Migadāya, 鹿苑), độ cho 5 anh em Kiều Trần Như (s: Ājñātakauṇḍinya, p: Aññā-Koṇḍañña, 憍陳如) và đây được xem như khởi đầu hình thành Tăng Già. Luật sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) nhà Đường cho rằng muốn cấu thành Tăng Già phải có 2 điều kiện: (1) Lý hòa, tức tuân thủ giáo nghĩa Phật Giáo, lấy việc giải thoát Niết Bàn (s: nirvāṇa, p: nibbāna, 涅槃) làm mục đích tối thượng. (2) Sự hòa, có 6 loại, tức Lục Hòa, gồm Giới Hòa Đồng Tu (戒和同修), Kiến Hòa Đồng Giải (見和同解), Thân Hòa Đồng Trụ (身和同住), Lợi Hòa Đồng Quân (利和同均), Khẩu Hòa Vô Tránh (口和無諍), Ý Hòa Đồng Duyệt (意和同悅). Ngoài ra, nguyên lai Tăng là tên gọi thông thường của Tỳ Kheo (s: bhikṣu, p: bhikkhu, 比丘), Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼). Trung Quốc, Việt Nam, v.v., gọi Tỳ Kheo là Tăng, Tỳ Kheo Ni là Ni. Đặc biệt, Nhật Bản gọi tu sĩ nam là Tăng Lữ (僧侶, sōryo), tu sĩ nữ là Ni Tăng (尼僧, nisō). Sau này, ngoài hai chúng trên còn có Sa Di (s: śrāmaṇera, p: sāmaṇera, 沙彌), Sa Di Ni (s: śrāmaṇerikā, p: sāmaṇerī, 沙彌尼) cũng được gọi là Tăng hay Ni. Tăng Già Tỳ Kheo và Tăng Già Tỳ Kheo Ni được gọi là hai bộ chúng. Hết thảy các Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni trong bốn phương có tên gọi là Bốn Phương Tăng Già. Chư Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni hiện hữu trước mặt được gọi là Hiện Tiền Tăng Già. Hiện Tiền Tăng Già tất phải có từ 4 người trở lên, tập trung, hòa hợp, mới có thể thực hành pháp Yết Ma (羯磨), Bỉnh Pháp (秉法), v.v. Nếu dưới số lượng ấy, được gọi là quần, nhóm. Hơn nữa, do vì hình thức Yết Ma không giống nhau, nên số lượng chúng Tỳ Kheo cũng bất đồng. Theo Tứ Phần Luật (四分律, Taishō Vol. 22, No. 1428) quyển 44, phần Chiêm Ba Kiền Độ (瞻波揵度) có nêu Tăng 4 người, Tăng 5 người, Tăng 10 người, Tăng 20 người. Đối với Tăng 4 người, trừ Tự Tứ (s: pravāraṇā, p: pavāraṇā, 自恣), thọ đại giới, xuất tội ra, có thể tác các pháp Yết Ma khác một cách như pháp. Trường hợp Tăng 5 người, trừ thọ đại giới, xuất tội ra, có thể tác các pháp Yết Ma khác một cách như pháp. Trường hợp Tăng 20 người thì có thể tác bất cứ pháp Yết Ma nào. Theo Thập Tụng Luật (十誦律, Taishō Vol. 23, No. 1435) quyển 30, phần Chiêm Ba Pháp (瞻波法), có nêu ra 5 loại tăng: (1) Vô tàm quy tăng (無慚愧僧), tức chỉ các Tỳ Kheo phá giới mà không biết xấu hổ; (2) Nhu dương tăng (羺羊僧), chỉ cho hạng Tỳ Kheo phàm phu căn tánh chậm lụt, không có trí tuệ, giống như đàn dê tụ tập mà chẳng biết gì cả; các Tỳ Kheo này cũng không biết Bố Tát, Yết Ma, thuyết giới, pháp hội, v.v.; (3) Biệt chúng tăng (別眾僧), tức là các Tỳ Kheo ở trong một phạm vi, mỗi nơi tác pháp Yết Ma riêng biệt, không đồng nhất; (4) Thanh tịnh tăng (清淨僧), tức chỉ cho các vị chuyên trì giới pháp thanh tịnh; (5) Chân thật tăng (眞實僧), chỉ cho các bậc Hữu Học và Vô Học. Riêng Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán Kinh (大乘本生心地觀經, Taishō Vol. 3, No. 159) quyển 2 nêu ra 3 loại tăng của thế gian và xuất thế gian, gồm: (1) Bồ Tát Tăng (菩薩僧), như Văn Thù Sư Lợi (s: Mañjuśrī, 文殊師利), Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒), v.v.; (2) Thanh Văn Tăng (聲聞僧), như Xá Lợi Phất (s: Śāriputra, p: Sāriputta, 舍利弗), Mục Kiền Liên (s: Maudgalyāyana; p: Moggallāna, 目犍連), v.v.; (3) Phàm phu tăng (凡夫僧). Trong Tứ Phần Luật Danh Nghĩa Tiêu Thích (四分律名義標釋, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 44, No. 744) quyển 25, phần (襯體), có đoạn: “Phàm thị Tăng Già ngọa cụ, thọ dụng chi thời, bất đắc tùy nghi tương khinh tiểu Tọa Cụ, cập cấu nhị sơ bạc ố vật, nhi vi sấn thế, đắc ác tác tội (凡是僧伽臥具、受用之時、不得隨宜將輕小坐具、及垢膩疏薄惡物、而爲儭替、得惡作罪, phàm là vật trãi nằm của tăng, khi thọ dụng, không được tùy tiện lấy Tọa Cụ nhỏ nhẹ, và vật nhơ nhớp mỏng manh, mà đem cúng thay thế, [như vậy] mắc tội ác tác).” Hay trong bài tựa của Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu (重治毗尼事義集要, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 40, No. 719) lại có đoạn: “Tỳ Ni Tạng giả, Phật pháp chi cương kỷ, Tăng Già chi mạng mạch, khổ hải chi tân lương, Niết Bàn chi yếu đạo dã (毗尼藏者、佛法之紀綱、僧伽之命脈、苦海之津梁、涅槃之要道也, Tạng Tỳ Ni là, cương kỷ của Phật pháp, mạng mạch của Tăng Già, cầu bắc qua biển khổ, đường chính của Niết Bàn vậy).”
(淨土, Jōdo): hai chữ lấy từ câu “Thanh Tịnh Quốc Độ (清淨國土)” của bản Hán dịch Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經). Theo Thỉ Hoàng Bổn Kỷ (始皇本紀) của Sử Ký (史記), Thanh Tịnh (清淨, trong sạch) nghĩa là “(quốc độ) trong ngoài thanh tịnh”. Bên cạnh đó, từ này còn gọi là Tịnh Sát (淨刹). Chữ sát (刹) trong trường hợp này là âm tả của tiếng Sanskrit kṣetra, nghĩa là thế giới vĩnh viễn có phước đức trong sạch; đối xứng với thế giới này là thế giới hiện thực Uế Độ (穢土). Nếu cho rằng Uế Độ là thế giới của kẻ phàm phu thì Tịnh Độ là thế giới của chư Phật (thường được gọi là Phật Độ [佛土], Phật Quốc [佛國], Phật Giới [佛界], Phật Sát [佛刹]). Trong lịch sử tư tưởng Phật Giáo, Tịnh Độ được chia thành 3 loại: Lai Thế Tịnh Độ (來世淨土), Tịnh Phật Quốc Độ (淨佛國土) và Thường Tịch Quang Độ (常寂光土). Lai Thế Tịnh Độ là cõi Tịnh Độ sau khi chết, được lập ra cho đời sau, tưởng định ở bốn hướng đông tây nam bắc như thế giới Tây Phương Cực Lạc (西方極樂) của A Di Đà Phật (s: Amitābha Buddha, 阿彌陀佛), Đông Phương Diệu Hỷ Quốc (東方妙喜國) của A Súc Phật (s: Akṣobhya Buddha, 阿閦佛) là nổi tiếng nhất. Nguyên lai, cõi này được nghĩ ra theo hướng sung bái đức Phật và vốn phát xuất từ tư tưởng chư phật ở quốc độ khác đời sau. Nói tóm lại, đức Phật của cõi hiện tại không có, nhưng nếu sau khi mạng chung đời sau được sanh về thế giới khác thì sẽ được gặp chư Phật. Tín ngưỡng vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật rất thịnh hành ở Nhật Bản, từ đó phát sanh tín ngưỡng ngay lúc lâm chung có A Di Đà Phật đến tiếp rước (lai nghênh [來迎]). Những tín ngưỡng này được giáo lý hóa và tư tuởng Tịnh Độ Niệm Phật phát triển mạnh, từ đó tranh vẽ về các đồ hình Tịnh Độ Biến Tướng cũng như Lai Nghênh xuất hiện. Tịnh Phật Quốc Độ có nghĩa là “làm trong sạch quốc độ Phật”. Nguyên lai, Phật Quốc Độ (s: buddha-kṣetra, 佛國土) ám chỉ tất cả thế giới do chư Phật thống lãnh, nhưng ở đây muốn nói đến thế giới hiện thực; cho nên Tịnh Phật Quốc Độ còn có nghĩa là Tịnh Độ hóa thế giới hiện thực. Nói cách khác, đây là cõi Tịnh Độ của hiện thực. Trong kinh điển Đại Thừa có thuyết rằng chư vị Bồ Tát thường nỗ lực giáo hóa trong Tịnh Phật Quốc Độ, vì vậy thế giới được lập nên với sự nỗ lực của vị Bồ Tát luôn tinh tấn thực hành Phật đạo trong cõi hiện thực chính là Tịnh Phật Quốc Độ. Từ đó, thông qua sự hoạt động của hàng Phật Giáo đồ Đại Thừa trong xã hội hiện thực, đây là cõi Tịnh Độ được nghĩ ra đầu tiên. Thường Tịch Quang Độ là cõi Tịnh Độ tuyệt đối vượt qua tất cả hạn định, nếu nói một cách tích cực thông qua tín ngưỡng, đây là cõi Tịnh Độ ngay chính trong hiện tại, bây giờ, ở đây. Với ý nghĩa đó, đây là cõi Tịnh Độ tồn tại ngay trong hiện thưc này. Chính Thiên Thai Trí Khải (天台智顗) có thuyết về thế giới này, như trong Duy Ma Kinh Văn Sớ (維摩文疏) có lập ra 4 quốc độ, đặt Thường Tịch Quang Độ là cõi Tịnh Độ tuyệt đối, cứu cánh cuối cùng, cõi có Phật thân là Pháp Thân Độ (法身土), hay còn gọi là Pháp Tánh Độ (法性土). Cách gọi tên Thường Tịch Quang Độ được lấy từ Quán Phổ Hiền Kinh (觀普賢經), phần kết kinh của Pháp Hoa Kinh (法華經). Thế giới hiện thực còn được gọi là thế giới Ta Bà (s, p: sahā, 娑婆), cõi Thường Tịch Quang Độ vốn có trong thế giới Ta Bà, cho nên xuất hiện câu “Ta Bà tức Tịch Quang (娑婆卽寂光)”. Ba loại thuyết về Tịnh Độ vừa nêu trên đôi khi có mâu thuẩn, đối lập nhau. Tỷ dụ như, Lai Thế Tịnh Độ là cõi hạn định và tương đối nhất, là thuyết phương tiện cho hạng có căn cơ thấp kém; nhưng thuyết chân thật thì cho cõi này là Thường Tịch Quang Độ—Tịnh Độ tuyệt đối vượt qua khỏi mọi giới hạn của nơi này và nơi kia, sống và chết; cho nên pháp môn Tịnh Độ Niệm Phật dựa trên cơ sở của Lai Thế Tịnh Độ bị phê phán không ít và sự tuyệt đối hóa chính cõi Lai Thế Tịnh Độ cũng được thử nghiệm xem sao. Từ lập trường khẳng định hiện thực của tư tưởng Bản Giác, v.v., Thường Tịch Quang Độ rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, khi lâm chung, con người vẫn có nguyện vọng được vãng sanh. Với một sự thật không thể nào chối từ được như vậy, ngay như Trí Khải—người từng cho rằng Lai Thế Tịnh Độ là cõi thấp đi chăng nữa, vẫn có niệm nguyện được vãng sanh về cõi Tịnh Độ của Phật Di Đà lúc ông lâm chung. Tại Nhật Bản, cho đến nay tín ngưỡng Lai Thế Tịnh Độ vẫn tiếp tục cắm sâu gốc rễ và bối cảnh của tín ngưỡng này có liên quan đến tâm tình giống như trường hợp Trí Khải.
(長水子璿, Chōsui Shisen, ?-1038): vị tăng của Hoa Nghiêm Tông Trung Quốc, sống dưới thời Bắc Tống, xuất thân Tiền Đường (錢塘) Hàng Châu (杭州, có thuyết cho là Gia Hưng, Tú Châu), họ Trịnh (鄭), hiệu Đông Bình (東平) hay Trường Thủy Đại Sư (長水大師). Năm lên 9 tuổi, ông theo hầu hạ Khế Tông (契宗) ở Phổ Tuệ Tự (普慧寺), chuyên tụng Kinh Lăng Nghiêm. Năm 13 tuổi, ông thọ Cụ Túc giới, ban đầu theo Hồng Mẫn (洪敏) ở Tú Châu (秀州) học về giáo Lý Hoa Nghiêm, sau tham vấn Lang Da Huệ Giác (瑯琊慧覺) và có chỗ sở ngộ. Huệ Giác bèn khuyên ông nên trở về quê cũ, truyền bá Hoa Nghiêm Tông, vì vậy ông đến sống ở Trường Thủy Tự (長水寺), thiết lập đạo tràng chuyên lấy giáo học Hoa Nghiêm và Lăng Nghiêm để dạy cho học đồ của mình với số lượng lên đến cả ngàn người. Ông có công lao rất lớn trong việc chấn hưng Hoa Nghiêm Tông dưới thời nhà Tống. Vào năm thứ 6 (1013) niên hiệu Tường Phù (祥符), Hàn Lâm Học Sĩ Tiền Công Dị (錢公易) tâu xin nhà vua ban cho ông Tử Y và hiệu là Trường Thủy Sớ Chủ Lăng Nghiêm Đại Sư (長水疏主楞嚴大師). Trước tác của ông có Thủ Lăng Nghiêm Nghĩa Sớ Chú Kinh (首楞嚴義疏注經) 20 quyển, Thủ Lăng Nghiêm Kinh Khoa (首楞嚴經科) 2 quyển, Kim Cang Bát Nhã Kinh Toản Yếu Khoa (金剛般若經纂要科) 1 quyển, Đại Thừa Khởi Tín Luận Bút Tước Ký (大乘起信論筆削記) 20 quyển, v.v. Vào năm đầu niên hiệu Bảo Nguyên (寳元), ông thị tịch, hưởng thọ 74 tuổi.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.170.115 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập