Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Huyền văn »»
(九壘): Đạo Giáo chia thế giới dưới lòng đất (thế giới u minh, hay Địa Ngục) làm 9 tầng, gọi là Cửu Lũy; trong đó mỗi Lũy có 4 tầng, cọng thành 36 tầng, mỗi Lũy đều có 1 vị Thổ Hoàng (土皇) cai quản. Theo Động Huyền Linh Bảo Hà Đồ Ngưỡng Tạ Tam Thập Lục Thổ Hoàng Trai Nghi (洞玄靈寶河圖仰謝三十六土皇齋儀), tên gọi Cửu Lũy gồm:
(1) Sắc Nhuận Địa (色潤地) có vị Thổ Hoàng thứ nhất họ Tần (秦), húy là Hiếu Cảnh Thung (孝景椿); vị thứ 2 họ Hoàng (黃), Húy Xương Thượng Văn (昌上文); vị thứ 3 họ Thanh (青), húy Huyền văn Cơ (玄文基); vị thứ 4 họ Phỉ (蜚), húy là Trung Trận Hoàng (忠陣皇).
(2) Cang Sắc Địa (剛色地) có vị Thổ Hoàng thứ 5 họ Thú (戍), húy là Thần Văn Quang (神文光); vị thứ 6 họ Úc (郁), húy là Hoàng Mẫu Sanh (黃母生); vị thứ 7 họ Huyền (玄), húy là Càn Đức Duy (乾德維); vị thứ 8 họ Trường (長), húy là Hoàng Minh (皇明).
(3) Thạch Lạp Sắc Trạch Địa (石臘色澤地) có vị Thổ Hoàng thứ 9 họ Trương (張), húy là Duy Thần (維神); vị thứ 10 họ Châu (周), húy là Bá Thượng Nhân (伯上人); vị thứ 11 họ Chu (朱), húy là Minh Xa Tử (明車子); vị thứ 12 họ Canh (庚), húy là Văn Kính Sĩ (文敬士).
(4) Nhuận Trạch Địa (潤澤地) có vị Thổ Hoàng thứ 13 họ Cổ (賈), húy là Vân Tử Cao (雲子高); vị thứ 14 họ Tạ (謝), húy là Bá Vô Nguyên (伯無元); vị thứ 15 họ Kỷ (己), húy là Văn Thái Trận (文泰陣); vị thứ 16 họ Hành (行), húy là Cơ Chánh Phương (機正方).
(5) Kim Túc Trạch Địa (金粟澤地) có vị Thổ Hoàng thứ 17 họ Hoa (華), húy là Diên Kỳ Minh (延期明); vị thứ 18 họ Hoàng (黃), húy là Linh Ngã Dung (齡我容); vị thứ 19 họ Vân (雲), húy là Thám Vô Uyên (探無淵); vị thứ 20 họ Tương (蔣), húy là Thông Bát Quang (通八光).
(6) Kim Cang Thiết Trạch Địa (金剛鐵澤地) có vị Thổ Hoàng thứ 21 họ Lý (李), húy là Thượng Thiếu Quân (上少君); vị thứ 22 họ Phạm (范), húy là Lai Lực An (來力安); vị thứ 23 họ Trương (張), húy là Quý Quý Nguyên (李季元); vị thứ 24 họ Vương (王), húy là Tứ Nữ Dung (駟女容).
(7) Thủy Chế Trạch Địa (水制澤地) có vị Thổ Hoàng thứ 25 họ Đường (唐), húy là Sơ Sanh Ánh (初生映); vị thứ 26 họ Ngô (吳), húy là Chánh Pháp Đồ (正法圖); vị thứ 27 họ Hán (漢), húy là Cao Văn Triệt (高文徹); vị thứ 28 họ Kinh (京), húy là Trọng Long Thủ (仲龍首).
(8) Đại Phong Trạch Địa (大風澤地) có vị Thổ Hoàng thứ 29 họ Cát (葛), húy là Huyền Thăng Quang (玄升光); vị thứ 30 họ Hoa (華), húy là Mậu Vân Trường (茂雲長); vị thứ 31 họ Dương (羊), húy là Chơn Động Huyền (眞洞玄); vị thứ 32 họ Châu (周), húy là Thượng Kính Nguyên (尚敬原).
(9) Động Uyên Vô Sắc Cang Duy Địa (洞淵無色剛維地) có vị Thổ Hoàng thứ 33 họ Cực (極), húy là Vô Thượng Huyền (無上玄); vị thứ 34 họ Thăng (升), húy là Linh Nguyên Hạo (靈元浩); vị thứ 35 họ Triệu (趙), húy là Thượng Bá Huyền (上伯玄); vị thứ 36 họ Nông (農), húy là Lặc Vô Bá (勒無伯).
Trong tác phẩm Vô Thượng Hoàng Lục Đại Trai Lập Thành Nghi (無上黃籙大齋立成儀) do Tương Thúc Dư (蔣叔輿) nhà Nam Tống biên soạn có thêm vào hai chữ Hậu Thổ (后土) trước mỗi danh hiệu của các vị Thổ Hoàng để cho biết rằng đạo giáo dưới thời kỳ này xem Thổ Hoàng là những vị thần linh thuộc hạ của Hậu Thổ. Tại điện thờ Tứ Ngự đều có an trí thần tượng hay thần vị của 36 vị Thổ Hoàng này. Trong các trai đàn cúng tế lớn đều có dâng cúng 36 vị Thiên Đế cũng như 36 vị Thổ Hoàng.
(覺皇): vua giác ngộ; đức Phật được xem như là vị vua giác ngộ, nên Giác Hoàng còn là tên gọi khác của Phật. Như trong Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄, CBETA No. 1277) quyển 3 có đoạn: “Như Cam Lồ nhi ốc tâm, tợ Đề Hồ nhi quán đảnh, hà tất cánh tầm Di Lặc Phật, chỉ kim hạnh đổ Thích Ca sư, cung đối Giác Hoàng, liêu ngâm Phật vận, tín sĩ kiền thành, cung thân thiết bái (如甘露而沃心、似醍醐而灌頂、何必更尋彌勒佛、只今幸睹釋迦師、恭對覺皇、聊吟佛韻、信士虔誠、躬身設拜, như Cam Lồ mà rưới tâm, tựa Đề Hồ mà rưới đầu, đâu cần đi tìm Di Lặc Phật, chỉ nay may gặp Thầy Thích Ca, đối trước Giác Hoàng, cùng ngâm lời Phật, tín đồ lòng thành, cúi mình vái lạy).” Hay trong Từ Bi Thủy Sám Pháp (慈悲水懺法) quyển Hạ có câu: “Giác Hoàng tòa hạ, huân tu Tam Muội Huyền văn, kim đối đệ tam quyển, công đức châu long (覺皇座下、薰脩三昧玄文、今對第三卷、功德周隆, dưới tòa Giác Hoàng, chuyên tu Tam Muội văn mầu, nay đến quyển thứ ba, công đức trọn vẹn).” Trong Chánh Pháp Nhãn Tạng (正法眼藏, Shōbōgenzō) quyển 72 của Thiền Sư Đạo Nguyên (道元, Dōgen, 1200-1253), vị tổ sáng lập ra Tào Động Tông Nhật Bản, cũng có câu: “Đương Giác Hoàng giải chế chi thời, thị pháp tuế châu viên chi nhật, cửu tuần vô nạn, nhất chúng hàm an (當覺皇解制之時、是法歳周圓之日、九旬無難、一眾咸安, lúc Giác Hoàng giải hạ kết chế, là đúng ngày tuổi hạ tròn đầy, chín tuần chẳng nạn, toàn chúng đều yên).”
(開光): có nhiều loại Khai Quang khác nhau. Căn cứ vào tôn giáo mà có Khai Quang của Phật Giáo, Khai Quang của Đạo Giáo, Khai Quang của Âm Dương Sư (陰陽師), v.v.; như ở các đền thờ Quan Thánh Đế Quân (關聖帝君) thường tiến hành nghi thức Quan Công Khai Quang (關公開光). Khai Quang của Phật Giáo lại chia thành Quần Khai Quang (群開光, Khai Quang cho nhiều hình tượng) và Đơn Độc Khai Quang (單獨開光, Khai Quang chỉ cho một tượng). Mỗi khi có tự viện nào lạc thành hay trùng tu, sau khi điêu khắc tượng Phật Bồ Tát xong, thường cung thỉnh chư tôn Thiền đức đến để tiến hành lễ Khai Quang Điểm Nhãn (開光點眼) cho các pho tượng đó. Đối với các tôn giáo, Khai Quang được xem như là một loại nghi thức vô cùng linh thiêng, quan trọng, tiếp dẫn linh tánh cũng như tiên khí vào trong tôn tượng. Nguồn gốc của nghi thức này phát xuất từ Đạo Giáo; lấy cái vô hình trong vũ trụ, có đủ linh tánh với pháp lực vô biên đem nhập vào trong thần tượng; cho nên sau khi đem thờ phụng thì tôn tượng ấy trở thành linh hiển. Nguyên lai, Phật Giáo không có nghi thức này, mà chỉ có nghi thức gia trì tượng Phật, so với nghi Khai Quang có khác nhiều. Nếu xét về phương pháp Khai Quang thần tượng theo Đạo Giáo, mọi việc đều thông qua vị Cao Công Pháp Sư (高功法師), chọn ngày giờ tốt để tiến hành nghi Khai Quang Điểm Nhãn. Nghi thức ấy gồm 12 loại khoa nghi: Thanh Tịnh (清淨), Thỉnh Thần (請神), Phát Chỉ (發旨), Phát Lịnh (發令), Thất Tinh (七星), Bát Quái (八卦), Nhập Thần (入神), Sắc Bút (敕筆), Sắc Kính (敕鏡), Sắc Kê (敕雞), Khai Quang (開光), Phát Hào (發毫). Khai Quang còn gọi là Khai Nhãn (開眼), Khai Minh (開明), Khai Quang Minh (開光明), Khai Nhãn Cúng Dường (開眼供養), Khai Nhãn Giới (開眼界), Khai Nhãn Căn (開眼根). Thiền Lâm Tượng Khí (禪林象器) quyển Thượng có ghi rằng: “Phàm tân tạo Phật Tổ Thần Thiên tượng giả, chư tông sư gia, lập địa sổ ngữ, tác bút điểm thế, trực điểm khai tha Kim Cang chánh nhãn, thử vi Khai Nhãn Phật sự, hựu danh Khai Thủy Minh (凡新造佛祖神天像者、諸宗師家、立地數語、作筆點勢、直點開他金剛正眼、此爲開眼佛事、又名開水明, phàm các tượng Phật, Tổ, Thần, chư Thiên mới tạo nên, các nhà Tông sư, đứng trên mặt đất nói vài lời, cầm cây bút theo tư thế điểm, điểm thẳng khai mở chánh nhãn Kim Cang của tượng; đây là Phật sự Khai Nhãn, còn gọi là Khai Thủy Minh).” Phật Giáo cho rằng chúng sanh từ vô thỉ kiếp cho đến nay, đã chịu biết bao nhiêu ô nhiễm của trần cấu, vô minh, nên không thể nào thấy rõ chân lý của các pháp, vì vậy cần phải khai mở trí tuệ bên trong mỗi chúng ta. Khai Quang cũng là một hình thức để tu chứng đạt đến tương ứng với Phật tâm, cầu thỉnh chư Phật Bồ Tát giáng lâm, ấn chứng cho Ứng Thân của tôn tượng, rót vào đó năng lượng đại từ đại bi, đại trí đại tuệ, Ngũ Nhãn Lục Thông, thông qua người tiến hành lễ Khai Quang. Do đó, hiệu quả của việc Khai Quang hoàn toàn liên quan đến vị Đạo Sư hành lễ, chứ không phải do nghi thức hay hình thức gì cả. Về tiến trình lễ Khai Quang, trước khi hành lễ, phải an trí tôn tượng một nơi cố định, trước tụng kinh và thần chú để cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát an tọa; sau đó mới thỉnh chư vị cao tăng vì tôn tượng mà tiến hành Khai Quang, thuyết pháp. Hắc Cốc Đăng Ngữ Lục (黑谷燈語錄) quyển Trung có giải thích rằng: “Khai Nhãn giả, bổn thị Phật tượng điêu khai nhãn, thị sự Khai Nhãn, thứ tăng gia tụng Phật Nhãn Chơn Ngôn, tụng Đại Nhật Chơn Ngôn, nhi thành tựu Phật nhất thiết công đức, thử vị Khai Nhãn dã (開眼者、本是佛匠雕開眼、是事開眼、次僧家誦佛眼真言、誦大日真言、而成就佛一切功德、此謂開眼也, Khai Nhãn vốn là khai mở con mắt của tượng điêu khắc, việc đó là Khai Nhãn; kế đến chư tăng tụng Phật Nhãn Chơn Ngôn, tụng Đại Nhật Chơn Ngôn, để thành tựu hết thảy công đức, đây được gọi là Khai Nhãn vậy).” Thật ra, Khai Quang là một loại nghi thức thuyết pháp cử hành cho tượng Phật. Nghi thức cụ thể như sau: Trước hết vị chủ lễ cầm một cái khăn lông hướng về tượng Phật làm động tác lau chùi tôn tượng, rồi nói một câu kệ, tán tụng công đức của chư Phật Bồ Tát, như vậy được gọi là Khai Nhãn. Tiếp theo, vị ấy dùng cái kính hướng đối chiếu ngay chánh diện của tượng Phật, nói vài lời về ngôi tự viện hiện tại, nhân duyên hoàn thành tôn tượng. Sau đó, vị chủ lễ cầm cây bút Chu Sa (硃砂), lại nói một câu kệ ngữ khác, rồi cầm cây bút hướng về tôn tượng làm động tác “điểm”, hô vang một tiếng “khai (開, mở ra)”; khi nghi thức ấy đã xong, như vậy việc Khai Quang được xem như là hoàn tất. Khi Khai Quang, do vì công đức của chư Phật Bồ Tát không giống nhau, nên vị chủ lễ nói pháp ngữ cũng không thống nhất. Tại Trung Quốc, Pháp Hội Khai Quang được tiến hành đầu tiên vào năm thứ 5 (980) niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (太平興國) nhà Bắc Tống. Truyền Pháp Đại Sư Thí Hộ (傳法大師施護), người nước Ô Điền Nẵng (烏塡曩) ở Bắc Ấn Độ, đã dịch bản Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai An Tượng Tam Muội Nghi Quỹ Kinh (佛說一切如來安像三昧儀軌經, Taishō Vol. 21, No. 1418) tại Dịch Kinh Viện (譯經院) của Thái Bình Hưng Quốc Tự (太平興國寺) thuộc Phủ Khai Phong. Dịch bản này ghi rõ toàn bộ quy trình tiến hành nghi thức Khai Quang Điểm Nhãn một cách chi tiết. Tại Nhật Bản, trong Điều Thiên Trí Thiên Hoàng Thập Niên Thập Nguyệt (天智天皇十年十月條, tháng 10 năm thứ 10 [671] đời Thiên Trí Thiên Hoàng [天智天皇, Tenji Tennō, tại vị 661-671]) của bộ Nhật Bản Thư Kỷ (日本書紀, Nihonshōki) có ghi lại Lễ Khai Nhãn cho trăm tượng Phật trong cung nội; rồi trong Điều Trì Thống Thiên Hoàng Thập Nhất Niên Thất Nguyệt (持統天皇十一年七月條, tháng 7 năm thứ 11 [697] đời Trì Thống Thiên Hoàng [持統天皇, Jitō Tennō, tại vị 690-697]) có ký lục cho biết rằng tại Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji) ở vùng Phi Điểu (飛鳥, Asuka) có tiến hành Hội Khai Nhãn. Vào ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ 4 (752) niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo (天平勝寶), lễ Hội Khai Nhãn Tượng Đại Phật (大佛開眼會) được diễn ra tại Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), thành phố Nại Lương (奈良, Nara). Hiếu Khiêm Thiên Hoàng (孝謙天皇, Kōken Tennō, tại vị 749-758), Thánh Võ Thiên Hoàng (聖武天皇, Shōmu Tennō, tại vị 724-749), Hoàng Thái Hậu và phi tần nội cung, cùng toàn thể quần thần bá quan văn võ đồng đến tham dự với khoảng hơn 1 vạn tăng sĩ hành lễ. Đặc biệt, lễ hội này do Bồ Đề Tiên Na (s: Bodhisena, 菩提僊那) chủ lễ, và điều khiển nhạc lễ thì do Phật Triết (佛哲, Buttetsu, ?-?, hay Phật Triệt [佛徹]), vị tăng sang Nhật Bản dưới thời đại Nại Lương (奈良, Nara), xuất thân vùng Lâm Ấp (林邑, Nam bộ Việt Nam, Huế-Phan Rang). Trong khoảng thời gian niên hiệu Khai Nguyên (開元, 713-741) nhà Đường, ông theo Bồ Đề Tiên Na sang Trung Quốc. Đến năm thứ 8 (736) niên hiệu Thiên Bình (天平), thể theo lời thỉnh cầu của vị tăng Nhật Bản sang nhà Đường là Lý Kính (理鏡) và vị Chánh Sứ Đa Trị Tỉ Quảng Thành (多治比廣成), ông cùng với thầy sang Nhật, đến trú tại Đại An Tự (大安寺, Daian-ji). Bồ Đề Tiên Na dạy Phật pháp, còn Phật Triệt chuyên tâm truyền dạy Nhã Nhạc Lâm Ấp cho nội cung triều đình Nhật, cùng là dạy các điệu múa Bồ Tát, Bạt Đầu, v.v., để cúng dường trong các lễ hội Phật Giáo. Trong lễ Hội Khai Nhãn năm 752 này, Phật Triệt điều khiển dàn nhạc gồm hơn 400 nhạc công và vũ công của Nhã Nhạc Viện (雅樂院) trong nội cung, diễn tấu Nhạc Lâm Ấp để cúng dường Tượng Đại Phật Tỳ Lô Giá Na (s: Vairocana, 毘盧遮那); lễ Hội kéo dài trong 3 tháng. Trong Chuẩn Đề Phần Tu Tất Địa Sám Hối Huyền văn (准提焚修悉地懺悔玄文, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1482) có ghi lại sự huyền nhiệm của lễ Khai Nhãn như sau: “Hựu như Đinh Nguyên Công Tịnh Y Thiền Sư, vi cư sĩ thời, tằng vi dư y Bất Không dịch, tả Chuẩn Đề tượng ư Dược Sơn viên trung; Khai Quang chi nhật, hốt hữu cốt đổng gia, dĩ Chuẩn Đề Chơn Ngôn Phạn thư cựu hồng nha trục, Phạn thư cổ từ lư, đồng hương hạp, lai trợ trang diễn cúng dường giả, tinh cảm chiêu trung bất tư nghì sự (又如丁元公淨伊禪師、爲居士時、曾爲余依不空譯、寫准提像於藥山園中、開光之日、忽有骨董家、以准提眞言梵書舊紅牙軸、梵書古瓷罏、銅香盒、來助裝演供養者、幷感召中不思議事, lại như Đinh Nguyên Công Tịnh Y Thiền Sư, khi còn làm cư sĩ, từng theo bản dịch của Bất Không, vẽ tượng Chuẩn Đề trong vườn Dược Sơn; ngày lễ Khai Quang, chợt có một người chơi đồ cổ, lấy cuộn sách cũ kỹ ghi Chuẩn Đề Chơn Ngôn bằng tiếng Phạn, bình sứ có ghi tiếng Phạn, hộp đốt hương bằng đồng, đến giúp trang trí cúng dường, bèn cảm biết trong ấy việc không nghĩ bàn).” Trong Thiền Lâm Sớ Ngữ Khảo Chứng (禪林疏語考證, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 63, No. 1252) quyển 1, có lòng văn Sớ về Tạo Tượng Khai Quang (造像開光) như: “Tướng hảo trang nghiêm, dĩ tận quỳ khuynh chi khẩn; trai tu túc liệt, viên thân bộc hiến chi cung; ngung nhược hữu phu, nghiễm nhiên như tại. Thiết niệm: [Mỗ] thọ hạ liệt thân phạp đại nhân tướng, đổ Tử Ma chi sắc, hạt thắng kỳ thừa; vọng bạch hào chi quang, đồ thiết bi ngưỡng; thị dĩ kính vu [mỗ] tự thí tạo [mỗ] tượng nhất tôn, tạo công ký tất nhưng diên tăng kiến Khai Quang thực phước đạo tràng, [nhập Phật sự] phủ tu vi thiện, ngưỡng đáp hồng hưu. Phục nguyện: Ngộ chơn không tướng, hoạch pháp tánh thân; bị nhị nghiêm chi tư, biến du giác uyển; tiêu Ngũ Trược chi uế, hằng xử Tịnh Bang (相好莊嚴、已盡葵傾之懇、齋饈肅列、爰申曝獻之恭、顒若有孚、儼然如在、竊念[某]受下劣身乏大人相、睹紫磨之色、曷勝祇承、望白毫之光、徒切悲仰、是以敬于[某]寺施造[某]像一尊、造功既畢仍延僧建開光植福道塲、[入佛事]俯修微善、仰答洪休、伏願悟眞空相、獲法性身。備二嚴之資、遍遊覺苑、消五濁之穢、恆處淨邦, tướng tốt trang nghiêm, bày tận tấc lòng khẩn thiết; cỗ chay thiết đủ, chí thành dâng hiến cúng dường; vĩ đại đức tin, nghiễm nhiên hiện hữu. Thiết nghĩ: [Con…] thọ thân hạ liệt thiếu tướng đại nhân [bậc giác ngộ], thấy vàng ròng sắc tướng, sao khỏi ước mong; ngắm mày trắng hào quang, không sao buồn tủi; do vậy kính ngưỡng chùa …, tạo dựng tượng một pho, công trình hoàn tất, lại thỉnh chư tăng lập đạo tràng Khai Nhãn gieo phước; [phần Phật sự], cúi tu chút thiện, ngưỡng đáp hồng ân. Cúi mong: Ngộ chơn không tướng, đạt pháp tánh thân; đủ phước trí dáng hình, chơi khắp vườn giác; tiêu Năm Trược ô uế, thường trú Tịnh Bang).” Trong Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai An Tượng Tam Muội Nghi Quỹ Kinh có nêu một số câu Thần Chú dùng cho lễ Khai Quang như Chơn Ngôn Hiến Ứ Già Cúng Dường (眞言獻閼伽供養, cúng dường nước) là “Án, tát rị phạ bá ba ta phổ tra na hạ nẵng phạ nhật ra dã tát phạ hạ (唵薩哩嚩播波娑普吒那賀曩嚩日囉野薩嚩賀)”; Hương Du Chơn Ngôn (香油眞言, Chơn Ngôn cúng dường hương dầu) là “Án, tát rị phạ đát tha nga đa ca dã vĩ thú đà nhĩ ta phạ hạ (唵薩哩嚩怛他誐多迦野尾戍馱你娑嚩賀)”; Phật Nhãn Bồ Tát Chơn Ngôn Năng Trừ Nhất Thiết Cấu (佛眼菩薩眞言能除一切垢, Chơn Ngôn của Phật Nhãn Bồ Tát có thể trừ tất cả những dơ bẩn) là “Án, tát rị phạ ra tổ ba hạ ra noa ta phạ hạ (唵薩哩嚩囉祖波賀囉拏娑嚩賀)”; Quán Đảnh Chơn Ngôn (灌頂眞言) là “Án, tát rị phạ đát tha nga đa tỷ sân ca tam ma dã thất rị duệ hồng (唵薩哩嚩怛他誐哆鼻詵迦三摩野室哩曳吽)”; Trước Y Chơn Ngôn (著衣眞言, Chơn Ngôn mặc áo) là “Án, phạ nhật ra phạ ta tế ta phạ hạ (唵嚩日囉嚩娑細娑嚩賀)”; An Nhĩ Chơn Ngôn (安耳眞言, Chơn Ngôn an vị lỗ tai) là “Án, ca ra noa ma lộ đà ra noa hồng (唵迦囉拏摩路馱囉拏吽)”; An Phát Kế Chơn Ngôn (安髮髻眞言, Chơn Ngôn an vị tóc và búi tóc) là “Án, tát rị phạ chỉ ta a phạ đa ra noa hồng ta phạ hạ (唵薩哩嚩枳娑阿嚩哆囉拏吽娑嚩賀)”; An Chỉ Giáp Chơn Ngôn (安指甲眞言, Chơn Ngôn an vị ngón tay) là “Án, tát rị phạ thâu nẵng khư thế na nẵng ra nhã ta phạ hạ (唵薩哩嚩輸曩佉砌那曩囉惹娑嚩賀)”; An Tì Tu Chơn Ngôn (安髭鬚眞言, Chơn Ngôn an vị râu ria) là “Án, tát rị phạ ta ma tô rô đà ra noa hồng hồng hứ lăng (唵薩哩嚩娑摩酥嚕馱囉拏吽吽呬凌)”; Hiến Đồ Hương Chơn Ngôn (獻塗香眞言, Chơn Ngôn dâng cúng dầu hương) là “Án, phạ nhật ra hiến đệ ta phạ hạ (唵嚩日囉巘弟娑嚩賀)”; An Trang Nghiêm Chơn Ngôn (安莊嚴眞言) là “Án, phạ nhật ra bà ra noa vĩ bộ sắt ni ta phạ hạ (唵嚩日囉婆囉拏尾部瑟尼娑嚩賀)”; Bổn Tôn Tam Muội Chơn Ngôn (本尊三昧眞言) là “Án, hồng đát lạc ngật rị ác (唵吽怛落仡哩惡)”; Hiến Hoa Chơn Ngôn (獻花眞言) là “Án, phạ nhật ra bổ sắt bế hồng (唵嚩日囉補瑟閉吽)”; Hiến Hương Chơn Ngôn (獻香眞言) là “Án, phạ nhật ra độ bế (唵嚩日囉度閉)”; Đăng Chơn Ngôn (燈眞言) là “Án, phạ nhật ra nễ bế ta phạ hạ (唵嚩日囉禰閉娑嚩賀)”; Thực Chơn Ngôn (食眞言) là “Án, tân nỗ ba đán bát ra để ngật rị hận nẵng ta phạ hạ (唵賓努波旦缽囉底仡哩恨曩娑嚩賀)”; Khai Nhãn Quang Chơn Ngôn (開眼光眞言) là “Án, tác sô tác sô tam mãn đa tác sô vĩ thú đà nễ ta phạ hạ (唵作芻作芻三滿哆作芻尾戍馱你娑嚩賀)” và “Án, nễ đát ra ba tra lộ ba hạ ra noa hứ lăng (唵你怛囉波吒路波賀囉拏呬凌)”; Hộ Ma Chơn Ngôn (護摩眞言) là “Án, phạ nhật ra dụ thế ta phạ hạ (唵嚩日囉喻世娑嚩賀)”; Tức Tai Tăng Ích Chơn Ngôn (息災增益眞言) là “Án, phạ nhật ra bố sắt tra duệ ta phạ hạ (唵嚩日囉布瑟吒曳娑嚩賀)”; Hộ Thế Chơn Ngôn (護世眞言) là “Ấn, nại ra dã ta phạ hạ (印捺囉野娑嚩賀)”, v.v.
(六供): Theo Đinh Phúc Bảo Phật Học Đại Từ Điển (丁福保佛學大詞典), căn cứ vào Tăng Đường Thanh Quy (僧堂清規) 3 do Diện Sơn Thụy Phương (面山瑞方, Menzan Zuihō, 1683-1769), tăng sĩ Tào Động Tông của Nhật Bản soạn, Lục Cúng là 6 phẩm vật dâng cúng lên chư Phật của Thiền lâm; gồm (1) hoa (華), (2) hương lô (香爐, lò hương), (3) chúc (燭, đèn nến), (4) thang (湯, nước nóng), (5) quả (果) và (6) trà (茶). Đối với Mật Tông, Lục Cúng cũng là pháp tu cúng dường căn bản, gồm (1) hoa (花), (2) linh (鈴), (3) thiêu hương (燒香, hương đốt), (4) phạn thực (飯食, thức ăn), (5) đồ hương (塗香, hương xoa), và (6) đăng minh (燈明, đèn). Sáu vật cúng này tượng trưng cho Sáu Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp. Sáu vật này còn biểu tượng cho Lục Độ (s: ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā, 六度), tức Lục Độ Ba La Mật (六度波羅蜜), gồm Bố Thí Ba La Mật (s, p: dāna-pāramitā, 布施波羅蜜), Trì Giới Ba La Mật (s: śīla-pāramitā, p: sīla-pāramitā, 持戒波羅蜜), Nhẫn Nhục Ba La Mật (s: kṣānti-pāramitā, p: khantī-pāramitā, 忍辱波羅蜜), Tinh Tấn Ba La Mật (s: vīrya-pāramitā, p: virya-pāramitā, 精進波羅蜜), Thiền Định Ba La Mật (s: dhyāna-pāramitā, p: jhāna-pāramitā, 禪定波羅蜜) và Trí Tuệ Ba La Mật (s: prajñā-pāramitā, p: paññā-pāramitā, 智慧波羅蜜). Theo bài tán “Nhân duyên tự tánh sở xuất sanh, sở hữu chủng chủng vi diệu, hoa hương đăng đồ quả nhạc, phụng hiến Thượng Sư Tam Bảo tôn, duy nguyện từ bi ai nạp thọ (因緣自性所出生、所有種種微妙、華香燈塗果樂、上獻上師三寶尊、惟願慈悲納受, nhân duyên tự tánh vốn sanh ra, vốn có các thứ mầu nhiệm, hoa hương đèn dầu quả nhạc, dâng cúng Thượng Sư Tam Bảo trên, cúi xin từ bi thương thọ nhận)” vốn thường được dùng trong các buổi lễ Cúng Ngọ hay trong đàn Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Hạ, v.v.; Lục Cúng ở đây là hoa, hương, đèn, dầu, quả và âm nhạc. Như vậy, cho dầu định nghĩa về Lục Cúng có khác nhau đi chăng nữa, một số vật dâng cúng quan trọng không thể thiếu được như hoa quả, thức ăn, nước uống, đèn, hương, v.v. Như Mật Giáo giải thích về ý nghĩa và tầm quan trọng của 5 loại vật dâng cúng như sau:
(1) Hoa là tâm của chư Phật; khi hoa khai mở thì tượng trưng cho vạn đức mật vận (萬德密運, muôn đức âm thầm chuyển vận), là công đức viên mãn của chư Phật. Lấy hoa dâng cúng chư Phật tức là làm cho trang nghiêm tâm của chính mình.
(2) Hương là một loại thể giới tánh. Dùng hương dâng cúng các đấng Như Lai có nghĩa là trang nghiêm Giới Thể (戒體) của chính mình. Sự trang nghiêm của ngoại tướng kết hợp với sự trang nghiêm của nội tướng, hợp nhất thành trang nghiêm Năm Phần Pháp Thân.
(3) Đèn là ánh sáng chiếu soi của chư Phật, tức chính là trí tuệ nội tâm. Lấy hết thảy ánh sáng mà dâng cúng lên các đấng Như Lai thì sẽ được ánh sáng chiếu rọi khắp, ánh sáng cùng giao nhau, chiếu tận đến bờ bên kia của trí tuệ và hiển hiện công đức trang nghiêm của trí tuệ nội tâm.
(4) Trà bản nguyên là loại nước thanh tịnh, biểu thị cho Pháp Tánh (法性). Lấy trà dâng cúng Phật, tức là mười phương các đức Như Lai ứng hóa vào thân ta, dùng loại “nước thanh tịnh của Pháp Tánh” để trước rửa sạch khí bất tịnh của tự thân, biến thành Pháp Tánh Thân (法性身), Vô Cấu Thân (無垢身, thân không dơ bẩn) và trở thành trang nghiêm Pháp Tánh.
(5) Quả tượng trưng cho thức ăn, lấy sự viên mãn to lớn của thức ăn vi diệu biểu thị cho một loại viên thành. Loại Thiền ý có vị thù thắng như vậy, có nghĩa lý vô cùng thâm sâu; cho nên dâng cúng thức ăn và quy y chư Phật thì sẽ có được thiện quả, tượng trưng cho sự viên thành pháp vị. Đó là một loại “quả công đức trang nghiêm nội tâm.”
Trong Niệm Tụng Kết Hộ Pháp Phổ Thông Chư Bộ (念誦結護法普通諸部, Taishō Vol. 18, No. 904) có nêu một số câu thần chú khi dâng cúng các phẩm vật. Như Chơn Ngôn dùng cho hương đốt là: “Án bạt chiết la đỗ bệ a (唵跋折羅杜鞞阿).” Chơn Ngôn dùng cho rãi hoa là: “Án bạt chiết la bổ sắt bệ án (唵跋折羅補瑟鞞唵).” Chơn Ngôn dâng cúng đèn là: “Án bạt chiết la lô kế nễ (唵跋折羅盧計你).” Chơn Ngôn cho hương xoa là: “Án bạt chiết la kiền đề già (唵跋折羅犍提伽).” Trong Thánh Hạ Dã Hột Lí Phược Đại Uy Nỗ Vương Lập Thành Đại Thần Nghiệm Cúng Dường Niệm Tụng Nghi Quỹ Pháp Phẩm (聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品, Taishō Vol. 20, No. 1072A) có đoạn rằng: “Mỗi nhật thủ chủng chủng thời hoa tán đàn thượng, thiêu hương đồ hương đăng minh ẩm thực cập quả tử, gia trì phân bố tứ biên cúng dường, tùy lực sở biện trần thiết trang nghiêm, mỗi nhập đạo tràng kiền thành tác lễ, phát lộ sám hối tùy hỷ khuyến thỉnh hồi hướng phát nguyện (每日取種種時花散壇上、燒香塗香燈明飲食及果子、加持分布四邊供養、隨力所辦陳設莊嚴、每入道塲虔誠作禮、發露懺悔隨喜勸請迴向發願, mỗi ngày lấy các thứ hoa hiện thời rãi trên đàn, hương đốt, hương xoa, đèn sáng, thức ăn uống và bánh kẹo, gia trì phân chia bốn phía cúng dường, tùy sức bày biện, thiết trí trang nghiêm, mỗi khi vào đạo tràng thì chí thành đảnh lễ, phát lộ sám hối, tùy hỷ cung thỉnh, hồi hướng và phát nguyện).” Trong Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Đại Trai Phổ Lợi Đạo Tràng Tánh Tướng Thông Luận (法界聖凡水陸大齋普利道塲性相通論, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1498) quyển 4 có nêu rõ 6 loại điệp cho Lục Cúng là: “Lục cúng điệp, hương nhất, hoa nhất, quả nhất, đồ nhất, tiểu thực nhất, pháp bảo nhất (六供牒、香一、華一、果一、塗一、小食一、法寶一, sáu loại điệp dâng cúng gồm hương một tờ, hoa một tờ, quả một tờ, đồ thoa một tờ, thức ăn một tờ, pháp bảo một tờ).” Trong Ư Mật Sấm Thí Thực Chỉ Khái (於密滲施食旨槩, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1082) lại có đoạn rằng: “Nhiên chư Phật tức ngã Hóa Thân, cố Quan Âm, phóng quang dĩ thỉnh chư Phật dã, Phật chí tắc thân Lục Cúng dĩ cúng dường chi, thử Phổ Hiền hạnh dã (然諸佛卽我化身、故觀音、放光以請諸佛也、佛至則伸六供以供養之、此普賢行也, như vậy chư Phật là Hóa Thân của ta, cho nên đức Quan Âm phóng hào quang để thỉnh chư Phật; khi Phật đến thì bày sáu món cúng mà cúng dường Ngài, đây là hạnh của đức Phổ Hiền).” Đàn Lục Cúng trong lòng văn Sớ nêu trên là Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), một trong bộ ba của nghi thức Chạy Đàn: Lục Cúng, Khai Tịch và Bạt Độ (hay Chẩn Tế). Múa Lục Cúng Hoa Đăng là một điệu múa cổ xưa của Phật Giáo do các vị sư Ấn Độ truyền vào Việt Nam. Sau khi du nhập vào xứ Đàng Trong tại Thuận Hóa-Phú Xuân, được các vị Tổ sư trong chốn Thiền môn xứ Huế tiếp thu và phát triển lên đến đỉnh cao nghệ thuật, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng từ đó trở thành là một loại hình âm nhạc đặc thù của Phật Giáo xứ Huế. Điệu múa này được diễn múa theo sáu lần dâng cúng; tương ứng với mỗi lần cúng là một lễ vật cúng dường lên đức Phật gồm: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc. Vì vậy môi trường diễn xướng của điệu múa này luôn được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt như lễ An Vị Phật, lễ Lạc Thành Chùa hay lễ hội, vía Phật. Hình thức này cũng được thể hiện với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên trong các trai đàn Chẩn Tế, Giải Oan Bạt Độ, v.v. Do đó, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng tồn tại với thời gian theo sự phát triển của văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Đến thời vua Minh Mạng (1820-1840), Lục Cúng Hoa Đăng đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình, trở thành một điệu múa đặc sắc được lưu truyền cho đến ngày nay. Trong quá trình tiến hành Lục Cúng Hoa Đăng, có một số bài tán theo các điệu tán cổ xưa trong kho tàng âm nhạc Phật Giáo như tán trạo, tán rơi, tán xấp và có cả Thài—một điệu tán rất cổ xưa—để dâng cúng trong nghi lễ cúng Phật cũng như chư Tổ, như bài Nhân Duyên ở trên, hay bài La Liệt (羅列) được đề cập trong Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ: “La liệt hương hoa kiến bảo đàn, trùng trùng Phật cảnh nhất hào đoan, tâm dung diệu lí hư không tiểu, đạo khế chơn như pháp giới khoan, tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn, hóa thân đằng xứ mộ vân phiền, hương yên đôi lí chiêm ứng hiện, vạn tượng sum la hải ấn hàm (羅列香花建寶壇、重重佛境一毫端、心融妙理虛空小、道契眞如法界寬、相好慈悲秋月滿、化身騰處暮雲繁、香煙堆裏瞻應現、萬象森羅海印含, la liệt hương hoa lập báu đàn, hàng hàng cảnh Phật sợi lông bằng, tâm thâu lí mầu hư không nhỏ, đạo hợp chơn như pháp giới tròn, tướng tốt từ bi trăng thu rọi, hóa thân khắp chốn mây chiều tan, trong làn mây khói chư Phật hiện, vạn pháp bao la biển trí hàm).” Hoặc bài Phật [Phù] Diện (佛面) được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Thượng, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Thượng, v.v.: “Phật diện do như tịnh mãn nguyệt, diệc như thiên nhật phóng quang minh, viên quang phổ chiếu ư thập phương, hỷ xả từ bi giai cụ túc (佛面猶如淨滿月、亦如千日放光明、圓光普照於十方、喜捨慈悲皆具足, mặt Phật giống như trăng tròn lắng, cũng như ngàn trời tỏa hào quang, ánh sáng chiếu khắp cõi mười phương, hỷ xả từ bi thảy đầy đủ)”, v.v.
(蓼莪廢讀): bỏ không đọc phần Lục Nga (蓼莪) của Thi Kinh (詩經). Điển cố này phát xuất từ câu chuyện chí hiếu của Vương Bầu (王裒) nhà Ngụy thời Tam Quốc, như trong Bát Đức Cố Sự (八德故事), Hiếu Thiên (孝篇) có ghi lại như sau: “Vương Bầu khấp mộ, vị mẫu úy lôi, Lục Nga phế độc, khái niệm ai ai. Ngụy Vương Bầu, phụ Nghi, vi Tấn Văn Đế sở sát, Bầu chung thân vị hướng Tây tọa, thị bất thần Tấn. Mẫu úy lôi, mỗi văn lôi, tức bôn mộ tiền bái khấp cáo viết: 'Bầu tại thử, mẫu vật cụ'. Thường phàn mộ tiền bá thọ hiệu khấp, lệ trước thọ, thọ vị chi khô. Độc thi chí 'ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao', tất tam phục lưu thế, môn nhân tận phế 'Lục Nga' thiên (王裒泣墓、爲母畏雷、蓼莪廢讀、慨念哀哀。魏王裒、父儀、爲晉文帝所殺、裒終身未向西坐、示不臣晉。母畏雷、每聞雷、卽奔墓前拜泣告曰、裒在此、母勿懼。嘗攀墓前柏樹號泣、淚著樹、樹爲之枯。讀《詩》至「哀哀父母、生我劬勞」、必三復流涕、門人盡廢《蓼莪》篇, Vương Bầu khóc mộ, vì mẹ sợ sấm, Lục Nga bỏ đọc, xót nhớ bùi ngùi. Vương Bầu nhà Ngụy, cha là Nghi, bị Tấn Văn Đế giết, Bầu suốt đời chưa từng ngồi hướng về phía Tây, chứng tỏ không thần phục nhà Tấn. Mẹ ông sợ sấm sét, mỗi lần nghe sấm sét, ông liền chạy ra trước mộ mẹ, lạy khóc và thưa rằng: 'Bầu con ở đây, mẹ đừng sợ'. Ông thường vin vào cây bách trước mộ mà khóc thảm thiết, nước mắt dính cây, cây liền khô héo. Ông đọc Thi Kinh đến đoạn 'thương thay cha mẹ, sanh ta khổ nhọc', cả ba lần đều rơi lệ; môn nhân thấy vậy, phế bỏ đi thiên 'Lục Nga' ấy).” Sự cố này cũng được ghi lại trong Nhị Thập Tứ Hiếu (二十四孝), câu chuyện Văn Lôi Khấp Mộ (聞雷泣墓, nghe sấm khóc mộ). Từ đó, Lục Nga Phế Độc còn có nghĩa là cha mẹ đã qua đời.
(三山燈來, Sanzan Tōrai, 1614-1685): vị tăng của Lâm Tế Tông Trung Quốc, tự là Vi Độ (葦度), hiệu Tam Sơn (三山), xuất thân Điếm Giang (墊江), Trùng Khánh (重慶, Tỉnh Tứ Xuyên), họ là Tằng (曾). Đi thi cử không đỗ, ông chuyên tâm nghiên cứu Thiền học, đọc say sưa bộ Cổ Âm Lục (古音錄) cũng như Bình Sơn Lục (平山錄) của Tụ Tuyết Xuy Phương Quảng Chơn (聚雪吹風廣眞) và muốn trở thành con cháu của Tụ Tuyết. Vào năm thứ 6 (1643) niên hiệu Sùng Trinh (崇禎), lúc 30 tuổi, ông theo xuất gia với Nam Triết Nhị (南浙二) ở Phí Nham Sơn (弔嵓山). Năm sau, ông đến trú tại Đông Minh Tự (東明寺) ở Trung Châu (忠州, Tỉnh Tứ Xuyên), rồi chuyển đến Thạch Phong (石峰), tham bái Khánh Trung Thiết Bích Huệ Cơ (慶忠鐵壁慧機), nhưng chẳng khế ngộ, nên ông quay về đất Thục. Đến năm thứ 5 (1648) niên hiệu Thuận Trị (順治), lúc 35 tuổi, ông trở về tham yết Huệ Cơ lần thứ hai. Vào năm thứ 11 (1654) cùng niên hiệu trên, ông viếng thăm Huệ Cơ ở Trung Nam Ngọc Ấn Sơn (忠南玉印山), kế thừa dòng pháp của vị này và đến trú tại Sùng Thánh Viện (崇聖院), Trung Châu. Sau đó, ông đã từng sống qua một số nơi khác như Hưng Long Viện (興龍院), Ngũ Vân Viện (五雲院) và Ngũ Vân Bổn Viện (五雲本院) ở Huyện Lương Sơn (梁山縣), Phủ Quỳ Châu (夔州府, Tỉnh Tứ Xuyên), Bàn Thạch Sơn Đàm Hoa Viện (磐石山曇華院) ở Huyện Vân Dương (雲陽縣), Phủ Quỳ Châu, Thiên Ninh Viện (天寧院) ở Phủ Gia Hưng (嘉興府, Tỉnh Triết Giang). Vào ngày 18 tháng 7 năm thứ 24 (1685) niên hiệu Khang Hy (康熙), ông thị tịch, hưởng thọ 72 tuổi đời và 43 hạ lạp. Tác phẩm của ông để lại có Tam Sơn Lai Thiền Sư Ngữ Lục (三山來禪師語錄) 16 quyển, Ngũ Gia Tông Chỉ Toản Yếu (五家宗旨纂要) 3 quyển, Cao Phong Tam Sơn Thiền Sư Sớ Ngữ (高峰三山禪師疏語) 3 quyển. Bên cạnh đó, ông có bản tự thuật về hành trạng và Tánh Thống (性統) soạn bản Niên Phổ.
(圓仁, Ennin, 794-864): vị tổ của Phái Sơn Môn (山門派) thuộc Thiên Thai Tông Nhật Bản, sống dưới thời đại Bình An, người vùng Hạ Dã (下野, Shimotsuke, thuộc Tochigi-ken [栃木縣]), tục danh là Nhâm Sanh (壬生). Lúc lên 9 tuổi, ông theo học với Quảng Trí (廣智, Kōchi), nhưng sau xuất gia với Tối Trừng. Sau khi thọ giới lúc 23 tuổi, ông khép mình ẩn tu trong núi suốt 12 năm trường, đến năm 35 tuổi mới đến giảng thuyết về Pháp Hoa ở Pháp Long Tự (法隆寺, Hōryū-ji), rồi tuyên dương diệu nghĩa của kinh này ở Tứ Thiên Vương Tự (四天王寺, Shitennō-ji), và tiến hành bố giáo ở địa phương phía bắc. Sau đó, ông lại trở về núi, ẩn cư ở vùng Hoành Xuyên (横川, Yokogawa) mà tu luyện trong vòng 3 năm. Vào lúc 42 tuổi, ông nhận được chiếu chỉ sang nhà Đường cầu pháp, nhưng phải lưu lại Thái Tể Phủ 2 năm; mãi cho đến năm 838 ông mới có thể rời Nhật, sang vùng Dương Châu (楊州, thuộc Tỉnh Giang Tô ngày nay) của Trung Quốc được. Trong thời gian trú tại Khai Nguyên Tự (開元寺), ông có học Tất Đàm với Tông Duệ (宗叡) và Mật Giáo với Toàn Nhã (全雅). Vì không có được sự hứa khả cho nhập quốc, nên năm sau ông dự định trở về nước song không được, vì thế ông phải phiêu lãng đến Pháp Hoa Viện (法華院) ở Huyện Văn Đăng (文登), thuộc vùng Đăng Châu (登州). Sau ông được Tướng Quân Trương Vịnh (張詠) giúp cho xin được điệp trạng nhập quốc, và cuối cùng vào năm 840 ông mới bắt đầu đi đến Ngũ Đài Sơn. Giữa đường ông gặp Tiêu Khánh Trung (蕭慶中) truyền cho yếu chỉ của Thiền, rồi Chí Viễn (志遠) và Huyền Giám (玄鑑) truyềncho diệu chỉ của Chỉ Quán; kế đến ông đến tham bái linh địa của Văn Thù và được truyền thọ hành pháp của Niệm Phật TamMuội. Sau ông đến Trường An, học được Kim Cang Giới ở Nguyên Chính (元政) của Đại Hưng Thiện Tự (大興善寺), Thai Tạng Nghi Quỹ ở Pháp Toàn (法全) của Huyền Pháp Tự (玄法寺), Tất Đàm ở Bảo Nguyệt Tam Tạng (寳月三藏), và Thiên Thai Diệu Nghĩa ở Tông Dĩnh (宗穎) của Lễ Tuyền Tự (醴泉寺). Sau 10 trường lưu học và cầu pháp ở Trung Quốc, năm 847 ông trở về nước. Bộ Nhập Đường Cầu Pháp Tuần Lễ Hành Ký (入唐求法巡禮行記) gồm 4 quyển của ông, đã ghi lại tất cả hành trạng và những kiến văn của ông trong suốt thời gian 10 năm này. Ông đã mang về nước một số kinh luận sớ gồm 589 bộ và 802 quyển. Năm sau, ông trở về Tỷ Duệ Sơn, nhậm chức Truyền Đăng Đại Pháp Sư và khai sáng nên Pháp Hoa Tổng Trì Viện (法華總持院), rồi đến năm 854 thì làm Tọa Chủ của Diên Lịch Tự. Đây là chức Tọa Chủ đầu tiên được công xưng. đệ tử của ông có những bậc anh tú tài ba như An Huệ (安慧, Anne), Huệ Lượng (慧亮, Eryō), Lân Chiêu (憐昭, Renshō), Tương Ưng (相應, Sōō), Biến Chiêu (遍昭, Henjō), An Nhiên (安然, Annen), v.v. Các trước tác của ông để lại cho hậu thế có Kim Cang Đảnh Kinh Sớ (金剛頂經疏) 7 quyển, Tô Tất Địa Kinh Sớ (蘇悉地經疏) 7 quyển, Hiển Dương Đại Giới Luận (顯揚大戒論) 8 quyển.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.35.211 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập