Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Huyền Môn »»
(景德傳燈錄, Keitokudentōroku): bộ Đăng Sử tiêu biểu nhất do Vĩnh An Đạo Nguyên (永安道原) nhà Tống, tương đương đời thứ 3 của môn hạ Pháp Nhãn, biên tập thành thông qua kết hợp các bản Bảo Lâm Truyện (寳林傳), Tục Bảo Lâm Truyện (續寳林傳), Huyền Môn Thánh Trụ Tập (玄門聖冑集), Tổ Đường Tập (祖堂集), v.v., toàn bộ gồm 30 quyển. Có thuyết cho là do Củng Thần (拱辰) ở Thiết Quan Âm Viện (鐵觀音院), Hồ Châu (湖州) soạn. Nó được hoàn thành vào năm đầu (1004) niên hiệu Cảnh Đức (景德), sau khi được nhóm Dương Ức (楊億) hiệu đính thì được thâu lục vào Đại Tạng và san hành vào năm thứ 3 (1080) niên hiệu Nguyên Phong (元豐). Phần mạo đầu có lời tựa của Dương Ức và bản Tây Lai Niên Biểu (西來年表), từ quyển 1 cho đến 29 thâu lục các truyền ký cũng như cơ duyên của 52 đời, từ 7 vị Phật trong quá khứ, trải qua 28 vị tổ của Tây Thiên, 6 vị tổ của Đông Độ cho đến hàng đệ tử của Pháp Nhãn Văn Ích (法眼文益), gồm tất cả 1701 người (người đời thường căn cứ vào đây mà gọi là 1700 Công Án, nhưng trong đó thật ra có rất nhiều người chỉ có tên thôi, còn truyền ký và cơ duyên thì không có). Riêng quyển thứ 30 thì thâu lục các kệ tụng liên quan đến Thiền Tông, và phần cuối có kèm theo lời bạt. Ảnh hưởng của bộ này rất to lớn, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác lập giáo điều độc đáo của Thiền Tông. Bản được thâu lục vào trong Đại Chánh Đại Tạng Kinh (大正大藏經, Taishō) 51 là bản trùng san của niên hiệu Nguyên Hựu (元祐, 1314-1320) nhà Nguyên; trong đó có thêm lời tựa của Dương Ức, văn trạng trùng san, bảng Niên Biểu Tây Lai, lá thư của Dương Ức, lời bạt của Trịnh Ngang (鄭昂), lời tựa sau sách của Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺) và Lưu Phỉ (劉棐). Tại Nhật bản, nó cũng được xem như là thư tịch căn bản nhất thể hiện lập trường của Thiền Tông. Từ cuối thời Thất Đinh (室町, Muromachi) trở đi, thỉnh thoảng nó được khai bản ấn hành, và dưới thời đại Giang Hộ (江戸, Edo) có xuất hiện bộ Diên Bảo Truyền Đăng Lục (延寳傳燈錄) của Vạn Nguyên Sư Man (卍元師蠻) cũng do ảnh hưởng hình thái ấy. Tống bản hiện tồn có bản của Phúc Châu Đông Thiền Tự (福州東禪寺) được thâu lục vào Đại Tạng Kinh (hiện tàng trữ tại Đề Hồ Tự [醍醐寺, Daigo-ji], Đông Tự [東寺, Tō-ji] của Nhật), bản sở tàng của Kim Trạch Văn Khố (金澤文庫, Kanazawa-bunko, có khuyết bản), v.v. Thêm vào đó, một số bản san hành đang được lưu hành tại Nhật là bản năm thứ 4 (1348) niên hiệu Trinh Hòa (貞和), Bản Ngũ Sơn năm thứ 3 (1358) niên hiệu Diên Văn (延文), bản năm thứ 17 (1640) niên hiệu Khoan Vĩnh (寬永), v.v.
(正法寺, Shōhō-ji): ngôi danh sát của Tào Động Tông, hiện tọa lạc tại Ōshū-shi (奥州市), Iwate-ken (岩手縣); hiệu là Đại Mai Niêm Hoa Sơn Viên Thông Chánh Pháp Tự (大梅拈華山圓通正法寺), tượng thờ chính là Như Ý Luân Quan Âm. Người khai sáng ngôi chùa này là Vô Để Lương Thiều (無底良韶), một trong 25 đệ tử nổi tiếng của Nga Sơn Thiệu Thạc (峨山紹碩), vị Tổ đời thứ 2 của Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) ở vùng Hạc Kiến (鶴見, Tsurumi). Ngôi chùa được sáng lập vào năm 1348. Thiền sư cảm mộng có con gấu hiện ra, từ đó phát nguyện lập nên nơi đây một ngôi chùa. Nơi đây là lãnh địa của hai vị lãnh chúa Hắc Thạch (黑石) và Trường Bộ (長部), ông được sự sùng tín của Hắc Thạch Chánh Đoan (黑石正端) và Trường Bộ Thanh Trường (長部清長), nên dựng lên nơi đây ngôi già lam, và trở thành ngôi danh sát nổi tiếng nhất ở địa phương Áo Vũ (奥羽). Vào năm 1350, Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji) và Tổng Trì Tự được Sùng Quang Thiền Hoàng (崇光天皇, Sukō Tennō, tại vị 1348-1351) công nhận tư cách của hai ngôi Đại Bản Sơn của Tào Động Tông; đến năm 1441, chùa lại được Hậu Hoa Viên Thiên Hoàng (後花園天皇, Gohanazono Tennō, tại vị 1428-1464) ban tặng cho hiệu là Tứ Tử Xuất Thế Đạo Tràng (賜紫出世道塲). Từ đó trở về sau, nó trở thành ngôi chùa bổn sơn trung tâm của Phái Vô Để (無底派) ở hai châu Áo Châu (奥州) và Vũ Châu (羽州). Tất cả những tăng lữ của phái này trong đời phải một lần nhập sơn tu hành tại chùa này, và chùa có đến khoảng hơn 1000 ngôi chùa con trực thuộc. Chùa rất trang nghiêm tráng lệ, nhưng do bị hỏa tai, nên kiến trúc ngày xưa còn sót lại chỉ có Sơn Môn mà thôi. Chánh Điện, Khai Sơn Đường, Lầu Chuông, Nhà Kho, v.v., tất cả gồm 16 kiến trúc thì được xây dựng lại gần đây thôi. Đại Chánh Điện, Tăng Đường là hai kiến trúc rất to lớn, hùng vĩ. Hiện chùa vẫn còn có 78 ngôi tự viện con trực thuộc, và nơi đây là chốn tu hành chuyên môn, nên chư tăng thường xuyên tập trung về tu tập. Chùa hiện còn lưu lại rất nhiều bảo vật.
(九有): chỉ cho 9 xứ sở cư trú của chúng hữu tình, hay 9 loại sinh tồn của thế giới hữu tình, còn gọi là Cửu Cư (九居), Cửu Chúng Sanh Cư (九眾生居), Cửu Hữu Tình Cư (九有情居), Cửu Môn (九門), Cửu Địa (九地); có thể chia thành Dục Giới (欲界), Sắc Giới (色界) và Vô Sắc Giới (無色界). Tùy theo tam muội Thiền định sâu hay cạn mà Sắc Giới và Vô Sắc Giới lại chia thành Tứ Thiền Thiên (四禪天, bốn cõi Thiền) và Tứ Vô Sắc Thiên (四無色天, bốn cõi trời vô sắc); như vậy cọng với Dục Giới thành 9 cõi gồm:
(1) Dục Giới Ngũ Thú Địa (欲界五趣地, cõi dục có 5 đường): nơi sinh sống lẫn lộn của các hiện hữu Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, người và trời (kể cả cõi trời Sáu Dục), nên được gọi là Ngũ Thú Tạp Cư Địa (五趣雜居地, nơi 5 loài sống hỗn tạp lẫn nhau).
(2) Ly Sanh Hỷ Lạc Địa (離生喜樂地): cảnh địa sanh khởi niềm vui sướng nhờ xa lìa đường ác của Dục Giới; cõi Sơ Thiền của Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(3) Định Sanh Hỷ Lạc Địa (定生喜樂地): cảnh địa sanh khởi niềm hỷ lạc nhờ có định; cõi Thiền thứ 2 của Sắc Giới thuộc cảnh địa này.
(4) Ly Hỷ Diệu Lạc Địa (離喜妙樂地): cảnh địa có sự an lạc thù thắng nhờ xa lìa niềm vui của cảnh địa trước; cõi Thiền thứ 3 của Sắc Giới thuộc cảnh địa này.
(5) Xả Niệm Thanh Tịnh Địa (捨念清淨地): cảnh địa có được nhờ xả ly tất cả hỷ lạc của các cảnh địa trước, cho nên tâm đạt được sự an tĩnh, bình đẳng, tự giác và thanh tịnh; cõi Thiền thứ 4 của Sắc Giới thuộc cảnh địa này.
(6) Không Vô Biên Xứ Địa (空無邊處地): cảnh địa có được nhờ xa lìa tánh vật chất của Sắc Giới và chứng đắc tánh tự tại của hư không không cùng tận; cõi trời thứ nhất của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(7) Thức Vô Biên Xứ Địa (識無邊處地): cảnh địa đạt được thức là vô hạn, rộng rãi vô cùng; cõi trời thứ 2 của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(8) Vô Sở Hữu Xứ Địa (無所有處地): cảnh địa xa lìa tính động của 2 địa trước, nhập vào tưởng vắng lặng gọi là “không có một vật”; cõi trời thứ 3 của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(9) Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Địa (非想非非想處地): cảnh địa xa lìa cả có tưởng cũng như không có tưởng, không thiên về có và không, đạt đến trạng thái an tĩnh, bình đẳng; cõi trời thứ 4 của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
Trong Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經) có câu: “Tứ Sanh Cửu Hữu, đồng đăng Hoa Tạng Huyền Môn, Bát Nạn Tam Đồ, cọng nhập Tỳ Lô tánh hải (四生九有、同登華藏玄門、八難三途、共入毘盧性海, Bốn Loài Chín Cõi, cùng lên Hoa Tạng cửa huyền; Tám Nạn Ba Đường, đều vào Tỳ Lô biển tánh).” Hay như trong Tự Sa Môn Huyền Trang Thượng Biểu Ký (寺沙門玄奘上表記), phần Thỉnh Đắc Thiện Lạc Pháp Sư Đẳng Trùng Xuất Gia Biểu (請得善洛法師等重出家表) lại có đoạn: “Phục duy: Hoàng Đế Hoàng Hậu Bệ Hạ, uẩn linh diệu giác, ứng tích thiện quyền, cố năng giám cực chơn như, chuyển Pháp Luân ư Cửu Hữu, bi hoài thứ loại, chửng trầm nạn ư Tam Đồ (伏惟、皇帝皇后陛下、蘊靈妙覺、應跡善權、故能鑒極眞如、轉法輪於九有、悲懷庶類、拯沉難於三塗, Cúi mong: Hoàng Đế, Hoàng Hậu, Bệ Hạ, linh thiêng biết tỏ, ứng tích hiển bày, nên có thể chứng giám chơn như, chuyển Xe Pháp nơi Chín Cõi, xót thương muôn dân, cứu khổ nạn nơi Ba Đường).” Hoặc như trong A Tỳ Đạt Ma Tàng Hiển Tông Luận (阿毘達磨藏顯宗論, Taishō No. 1563) quyển 12 có câu: “Như thị giải thích Thất Thức Trú dĩ, nhân tư phục biện Cửu Hữu Tình Cư (如是解釋七識住已、因茲復辯九有情居, như vậy đã giải thích xong Bảy Thức Trú, nhân đây lại bàn rõ Chín Cõi Cư Trú Của Chúng Hữu Tình).”
(融通念佛宗, Yūzūnembutsushū): một trong 13 tông phái lớn của Nhật Bản, còn gọi là Đại Niệm Phật Tông (大念佛宗). Vị Tông Tổ sáng lập ra tông phái này Thánh Ứng Đại Sư Lương Nhẫn (聖應大師良忍). Năm 1117, ông cảm đắc được câu kệ của A Di Đà Như Lai là “nhất nhân nhất thiết nhân, nhất thiết nhân nhất nhân, nhất hạnh nhất thiết hạnh, nhất thiết hạnh nhất hạnh, thị danh tha lực vãng sanh, Thập Giới nhất niệm, dung thông niệm Phật, ức bách vạn biến, công đức viên mãn (一人一切人、一切人一人、一行一切行、一切行一行、是名他力徃生、十界一念、融通念佛、億百萬遍、功德圓滿, một người hết thảy mọi người, hết thảy mọi người một người, một hạnh hết thảy mọi hạnh, hết thảy mọi hạnh một hạnh, ấy tên tha lực vãng sanh, mười cõi một niệm, dung thông niệm Phật. trăm vạn ức biến, công đức tròn đầy)”, rồi lấy câu kệ này làm tư tưởng căn bản; và nhân lúc đó làm năm khai sáng Tông này. Khi ấy, ông lấy bức tranh vẽ tượng Phật ở giữa và có 10 vị Thánh cung quanh làm tượng thờ chính, và ngôi chùa trung tâm của Tông này là Đại Niệm Phật Tự (大念佛寺, Dainembutsu-ji), hiện tọa lạc tại Hirano-ku (平野區), Ōsaka-shi (大阪市). Vị Tông Tổ Lương Nhẫn sinh ra ở vùng Phú Đa (富多), Quận Tri Đa (知多郡, Chita-gun), Vĩ Châu (尾州, Bishū, thuộc Aichi-ken [愛知縣]). Năm lên 12 tuổi, ông lên xuất gia trên Duệ Sơn, làm vị tăng Hành Đường ở Đông Tháp. Nơi đây ông thường tham gia tu pháp môn niệm Phật không gián đoạn, nên đã tạo cơ hội bồi dưỡng thêm cho thiên tài về âm nhạc của Lương Nhẫn. Về sau, ông đến ẩn cư ở vùng Đại Nguyên (大原, Ōhara), hoàn thành phần Thanh Minh do Viên Nhân (圓仁, Ennin) truyền lại, và khai xướng ra pháp môn Dung Thông Niệm Phật với khúc hợp xướng mang tính âm nhạc. Sau ông lại được cảm đắc về giáo lý Tự Tha Dung Thông (自他融通) từ đức Di Đà Như Lai, và khai sáng ra Dung Thông Niệm Phật Tông. Từ đó tiếng tăm ông vang khắp, chúng đạo tục khắp các nơi tập trung theo ông rất đông. Pháp môn Dung Thông Niệm Phật của Lương Nhẫn được tổ chức theo cách ghi tên vào sổ danh bạ, nên mọi người được gọi là Đồng Chí. Còn xướng niệm Phật thì chủ trương có công đức dung thông với nhau, cả đời này và đời sau đều được lợi ích to lớn. Sau khi Lương Nhẫn qua đời, có Nghiêm Hiền (嚴賢, tức Lương Huệ [良惠]), Minh Ứng (明應), Quán Tây (觀西), Tôn Vĩnh (尊永), Lương Trấn (良鎭) kế thừa ông; nhưng đến thời Pháp Minh (法明, tức Lương Tôn [良尊]) tiếp nối Lương Trấn, thì ngọn pháp đăng bị tuyệt diệt trong khoảng thời gian 140 năm trường. Tuy nhiên, chính trong khoảng thời gian này, Dung Thông Niệm Phật Tông lại được truyền bá đến các địa phương khác nhờ các vị Thánh Niệm Phật (念佛聖) và Thánh Khuyến Tấn (勸進聖). Trong số đó có Đạo Ngự (道御, tức Viên Giác Thập Vạn Thượng Nhân [圓覺十萬上人]) đã khởi xướng ra Dung Thông Đại Niệm Phật Cuồng Ngôn (融通大念佛狂言, ngày nay gọi là Nhâm Sanh Cuồng Ngôn [壬生狂言]) ở Địa Tạng Viện (地藏院) thuộc vùng Nhâm Sanh (壬生) vào năm 1257, rồi Dung Thông Đại Niệm Phật Hội (融通大念佛會) ở Pháp Kim Cang Viện (法金剛院) vào năm 1276, cũng như tại Thanh Lương Tự (清涼寺) vào năm 1279. Thêm vào đó, vị Tổ sư của Thời Tông (時宗, Jishū) là Nhất Biến (一遍, Ippen) cũng được gọi là “vị Thánh khuyên người Niệm Phật Dung Thông”. Nguyên lai, Dung Thông Niệm Phật của Lương Nhẫn là hình thức niệm Phật hợp xướng với số đông người, từ việc thể nghiệm sự cảm đắc mang tính huyễn mộng bằng cảm giác thông qua âm điệu phong phú, và cuối cùng trở thành Đại Niệm Phật. Hơn nữa, vì pháp môn này phù hợp với hoạt động quyên góp tiền để xây dựng chùa chiền, nên Tông này đã vượt qua các tông phái khác để lan truyền rộng rãi khắp toàn quốc nước Nhật; từ đó tập đoàn Dung Thông Niệm Phật cũng được hình thành ở các địa phương. Thư tịch hiện tồn nói lên sự hoạt động hưng thạnh rực rõ của tông phái này là Dung Thông Niệm Phật Duyên Khởi Hội Quyển (融通念佛緣起繪巻). Người có công lao to lớn trong việc lưu truyền di phẩm này là Lương Trấn. Kể từ năm 1382 cho đến 1423, trong vòng 42 năm trường, ở mỗi tiểu quốc trong nước Nhật đều được phân bố 1 hay 2 bản này. Những vị Thánh Khuyến Tấn tập trung theo Lương Trấn thì vẽ các bức tranh giải thích rõ về tác phẩm này, rồi khuyên mọi người tham gia vào Dung Thông Niệm Phật Tông; ghi tên những ai kết duyên với tông phái vào sổ danh bạ, và đem nạp vào Lưu Ly Đường (瑠璃堂) của Đương Ma Tự (當麻寺, Taima-ji) ở tiểu quốc Đại Hòa (大和, Yamato). Những hành sự đáng lưu ý nhất hiện tại vẫn còn được tiến hành trong Dung Thông Niệm Phật Tông là Ngự Hồi Tại (御回在), Truyền Pháp (傳法). Về lễ Ngự Hồi Tại, hằng năm người ta thường lấy tượng thời chính của Tông này đem đi vòng quanh các nhà tín đồ để cầu nguyện cũng như cúng dường cho tổ tiên. Còn lễ Truyền Pháp thì chỉ giới hạn trong 2 ngày mồng 5 và mồng 7 hằng tháng. Khi ấy, các tự viện trở thành đạo tràng nghiêm tịnh, các tín đồ đệ tử tập trung về tham bái, lễ sám, dội nước lên mình, nghe pháp tu hành, thọ giới Viên Đốn, và được truyền trao cho pháp an tâm của Tông môn. Hiện tại, tông này có khoảng 357 ngôi chùa khắp nơi trong nước như Ōsaka-fu (大阪府), Kyoto-fu (京都府), Nara-ken (奈良縣), Mie-ken (三重縣), Hyōgo-ken (兵庫縣).
(黃水) hay Hoàng Hà (黃河): là dòng sông dài, lớn thứ 2 của Trung Quốc, sau Trường Giang (長江), lớn thứ 5 của thế giới. Dòng sông này phát nguyên từ rặng núi Ba Nhan Khách Lạp (巴顏喀拉, Bayan Har) của Tỉnh Thanh Hải (青海省); chảy qua 9 tỉnh khu là Thanh Hải (青海), Tứ Xuyên (四川), Cam Túc (甘肅), Ninh Hạ (寧夏), Nội Mông Cổ (內蒙古), Thiểm Tây (陝西), Sơn Tây (山西), Hà Nam (河南) Sơn Đông (山東); cuối cùng đi qua cửa khẩu sông Đông Doanh (東營) của Tỉnh Sơn Đông (山東省) và đỗ vào Bột Hải (渤海, Bohai Sea), với chiều dài toàn bộ là 5464 km. Hoàng Hà có nghĩa là dòng sông màu vàng. Chữ Hoàng (黃) ở đây dùng để miêu tả hiện trang nước sông như thế nào. Trong Nhĩ Nhã (爾雅), phần Thích Thủy (釋水) có câu: “Hà xuất Côn Lôn, sắc bạch, sở lương tinh thiên thất bách nhất xuyên, sắc hoàng (河出崑崙、色白、所渠並千七百一川、色黃, Hoàng Hà xuất phát từ Côn Lôn, nước trong, chảy qua hơn một ngàn bảy trăm sông, sắc thành màu vàng).” Sơn Hải Kinh (山海經) cũng như Thủy Kinh Chú (水經注) đều cho rằng hoàng hà phát xuất từ Côn Lôn. Chi lưu của Hoàng Hà có Bạch Hà (白河), Hắc Hà (黑河), Hoàng Thủy (湟水), Tổ Lệ Hà (祖厲河), Thanh Thủy Hà (清水河), Đại Hắc Hà (大黑河), Quật Dã Hà (窟野河), Vô Định Hà (無定河), Phần Hà (汾河), Vị Hà (渭河), Lạc Hà (洛河), Thấm Hà (沁河), Đại Vấn Hà (大汶河). Hoàng Hà được xem như là người mẹ sản sinh văn minh Trung Quốc. Có một số nhân vật nổi tiếng có liên quan đến dòng sông vĩ đại này như Đại Vũ (大禹), vua nhà Hạ (夏, khoảng 2000-1600 ttl.), người từng chế ngự thành công nạn lũ lụt ở Hoàng Hà; Điền Phân (田蚡), Đại Thần dưới triều Hán Võ Đế; Cổ Nhượng (賈讓), nhà thủy lợi tài ba thời Tây Hán; Đỗ Sung (杜充, ?-1141), Thái Thú Khai Phong (開封) thời Bắc Tống (北宋, 960-1127); phan quý tuần (潘季馴, 1521-1595); nhà chuyên môn trị thủy nổi tiếng thời nhà Minh; Cận Phụ (靳輔, 1633-1692), danh thần trị thủy thời nhà Thanh; Lưu Ngạc (劉鶚, 1857-1909); nhà thủy lợi học cuối thời nhà Thanh, v.v. Chính vì sự vĩ đại của dòng sông, tầm quan trọng như là người mẹ sản sinh ra nền văn minh Trung Quốc, Hoàng Hà còn được xem như là tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ đối với con, đối xứng với Thái Sơn là người cha.
(臨濟宗, Rinzai-shū): tông phái tôn Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄, Rinzai Gigen) làm tổ, một trong Ngũ Gia Thất Tông (五家七宗) của Trung Quốc. Trải qua 11 đời từ vị sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma (s: Bodhidharma, 菩提達磨[摩]) cho đến Nghĩa Huyền, từ đó trải qua 7 đời truyền thừa và xuất hiện Thạch Sương Sở Viên (石霜楚圓). Môn hạ của Thạch Sương có Hoàng Long Huệ Nam (黃龍慧南) và Dương Kì Phương Hội (楊岐方會), từ đó phát sanh ra hai phái Hoàng Long (黃龍), Dương Kì (楊岐). Đối với Thiền Tông Trung Quốc, nếu thêm 2 phái này vào trong 5 tông phái Vân Môn (雲門), Pháp Nhãn (法眼), Tào Động (曹洞), Lâm Tế (臨濟), Quy Ngưỡng (溈仰) thì gọi là Ngũ Gia Thất Tông. Trừ Phái Hoàng Long của Minh Am Vinh Tây (明庵榮西) ra, Lâm Tế Tông đuợc truyền vào Nhật tất cả đều thuộc về hệ thống của Phái Dương Kì. Hàng cháu đời thứ 4 của Dương Kì Phương Hội có xuất hiện Viên Ngộ Khắc Cần (圜悟克勤); thế rồi từ môn hạ của Viên Ngộ có Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) và Hổ Kheo Thiệu Long (虎丘紹隆), từ đó ra đời hai phái Đại Huệ (大慧) và Hổ Kheo (虎丘). Hơn nữa, từ môn hạ của Mật Am Hàm Kiệt (密庵咸傑)—pháp hệ của Hổ Kheo—phát sinh dòng phái môn lưu của Tùng Nguyên Sùng Nhạc (松源崇岳), Phá Am Tổ Tiên (破庵祖先) và Tào Nguyên Đạo Sanh (曹源道生). Trước hết, người truyền thừa Thiền nhà Tống sang Nhật Bản đầu tiên là Duệ Sơn Giác A (叡山覺阿), vị tăng đã từng tham vấn Hạt Đường Huệ Viễn (瞎堂慧遠)—pháp từ của Viên Ngộ Khắc Cần. Tiếp theo đó là Minh Am Vinh Tây (明庵榮西), người đã sang nhà Tống lần thứ hai và kế thừa dòng pháp của Hư Am Hoài Sưởng (虛庵懷敞). Dòng pháp của Giác A bị dứt tuyệt; riêng Phái Hoàng Long (黃龍派) của Minh Am Vinh Tây vẫn kéo dài cho đến hiện tại thong qua hai chùa Thọ Phước Tự (壽福寺, Jufuku-ji) và Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji). Người đồng thời đại với Vinh Tây là Đại Nhật Năng Nhẫn (大日能忍) thì trú tại Tam Bảo Tự (三寶寺, Sampō-ji), Nhiếp Tân (攝津, Settsu), nhân đọc các thư tịch Thiền mà độc ngộ, tự xưng là Đạt Ma Tông (達磨宗) và mở rộng giáo hóa khắp nơi, nhưng ông lại bị phê phán là “không thầy ngộ một mình”. Từ đó, ông giao phó cho đệ tử đem chỗ sở ngộ của ông sang nhà Tống trình lên cho Chuyết Am Đức Quang (拙庵德光)—đệ tử của Đại Huệ Tông Cảo—để nhận ấn khả. Sau đó, môn lưu của ông được giáo đoàn của Vĩnh Bình Đạo Nguyên (永平道元, Eihei Dōgen) hấp thu rồi đi đến đoạn tuyệt. Thiên Hựu Tư Thuận (天祐思順), v.v., sang nhà Tống cầu pháp, trải qua 13 năm trường, rồi được ấn khả của Kính Tẩu Cư Giản (敬叟居簡)—đệ tử của Chuyết Am Đức Quang, đến trú trì Thắng Lâm Tự (勝林寺) vùng Thảo Hà (草河), nhưng môn lưu của ông chẳng phát triển được chút nào. Viên Nhĩ (圓爾)—người theo học môn lưu của Vinh Tây, sang nhà Tống cầu pháp và đến tham yết Vô Chuẩn Sư Phạm (無準師範) thuộc Phái Phá Am—cũng trở về nước vào năm thứ 2 (1241) niên hiệu Nhân Trị (仁治), khai sáng Thừa Thiên Tự (承天寺, Shōten-ji) và Sùng Phước Tự (崇福寺, Sūfuku-ji) ở vùng Bác Đa (博多, Hakata), rồi kiến lập Đông Phước Tự (東福寺, Tōfuku-ji) ở kinh đô Kyōto, được hàng công võ quy y theo và nỗ lực xây dựng cơ sở để phát triển một môn phái lớn. Đạo Hựu (道祐) ở Diệu Kiến Đường (妙見堂) vùng Lạc Bắc (洛北, Rakuhoku), Tánh Tài Pháp Thân (性才法身)—vị tổ khai sơn Viên Phước Tự (圓福寺) ở Tùng Đảo (松島, Matsushima), v.v., cũng là những người đồng môn của Viên Nhĩ. Kế đến, Vô Bổn Giác Tâm (無本覺心)—vị tổ khai sơn Tây Phương Tự (西方寺, Saihō-ji) ở Do Lương (由良), Kỷ Y (紀伊, Kii)—cũng đã từng được Thối Canh Hành Dũng (退耕行勇), Đạo Nguyên (道元), Thiên Hựu Tư Thuận (天祐思順) động viên và sang nhà Tống cầu đạo, thọ pháp với Vô Môn Huệ Khai (無門慧開)—người thuộc dòng phái của Đạo Giả Đạo Ninh (道者道寧), nhân vật huynh đệ với Viên Ngộ Khắc Cần (圜悟克勤), và trở về nước. Một loạt những người như vậy đều xuất thân từ hai tông Hiển Mật, đã truyền vào Nhật tôn giáo mới của nhà Tống để bổ sung thêm cho Phật Giáo cũ, nhưng lại mai danh ẩn tích ở các địa phương chứ không xuất hiện nơi chốn đô hội, và ý thức khai sáng giáo đoàn mới cũng rất mong manh. Tiếp theo, xuất hiện những vị tăng do vì tránh tình hình bất an dưới thời nhà Tống đã vượt biển sang Nhật Bản để tìm lẽ sống. Tỷ dụ như trường hợp của Lan Khê Đạo Long (蘭溪道隆) sang Nhật vào năm thứ 4 (1246) niên hiệu Khoan Nguyên (寬元). Sau khi sống qua Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji) ở vùng Bác Đa và Tuyền Dũng Tự (泉涌寺, Senyū-ji) ở kinh đô Kyōto, Lan Khê xuống vùng Liêm Thương (鎌倉, Kamakura), được Tướng Quân Bắc Điều Thời Lại (北條時頼, Hōjō Tokiyori) quy y theo và làm tổ khai sơn Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji). Đó là cuộc truyền thừa Thiền thuần túy, thoát xác khỏi các tông Hiển Mật. Thêm vào đó, thông qua môi giới của Viên Nhĩ, có đồng môn Ngột Am Phổ Ninh (兀庵普寧) sang Nhật, nhờ sự hộ trì của Thời Lại; nhờ vậy Thiền lâm Nhật Bản dần dần được chỉnh đốn, sản sinh ra nhiều môn đệ và các vị tăng Nhật Bản sang nhà Tống cầu pháp tăng thêm nhiều. Nam Phố Thiệu Minh (南浦紹明) và Cự Sơn Chí Nguyên (巨山志源)—những người truyền thừa dòng pháp của Phái Tùng Nguyên (松源派) cùng trở về nước, rồi Đại Hưu Chánh Niệm (大休正念)—đồng hàng huynh đệ với Vô Tượng Tĩnh Chiếu (無象靜照) cũng thuộc Phái Tùng Nguyên—quy quốc, được Tướng Quân Bắc Điều Thời Tông (北條時宗, Hōjō Tokimune) và anh em Tông Chính (宗政) quy y theo. Hơn nữa, đáp lời thỉnh cầu của Thời Tông, Tây Giản Tử Đàm (西礀子曇) cũng đáp thuyền sang Nhật; nhưng sau khi Lan Khê Đạo Long viên tịch, ông lại trở về nước. Sau đó, có Vô Học Tổ Nguyên (無學祖元) và Kính Đường Giác Viên (鏡堂覺圓) sang Nhật. Được Tướng Quân Bắc Điều Thời Tông tín nhiệm và quy y theo, Vô Học trở thành tổ khai sơn của Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji) ở vùng Liêm Thương (鎌倉, Kamakura). Giống như Vô Học và Kính Đường, có Tiều Cốc Duy Tiên (樵谷惟僊)—người thuộc Phái Tùng Nguyên—trở về nước và truyền trao dòng pháp mới. Trong khi đó, có vị tăng sang Nhật là Linh Sơn Đạo Ẩn (靈山道隱). Đến thời nhà Nguyên, có hai nhân vật làm sứ tiết hòa bình của hai triều Văn Vĩnh (文永), Hoằng An (弘安) và làm Thông Sự hướng dẫn cho Tây Giản Tử Đàm (西礀子曇), là Nhất Sơn Nhất Ninh (一山一寧) và Đông Lí Đức Hội (東里德會) của Phái Tào Nguyên (曹源派) cũng sang Nhật. Tiếp theo đó, có mấy người thuộc Phái Tào Nguyên lên thuyền sang Nhật như Thanh Chuyết Chánh Trừng (清拙正澄) theo lời thỉnh cầu của tướng quân Bắc Điều Cao Thời (北條高時, Hōjō Takatoki); Minh Cực Sở Tuấn (明極楚俊), Trúc Tiên Phạn Tiên (竺仙梵僊), v.v., theo lời mời của dòng họ Đại Hữu (大友) ở vùng Phong Hậu (豐後). Đồng môn với Trúc Tiên có Nguyệt Lâm Đạo Kiểu (月林道皎), Thạch Thất Thiện Cửu (石室善玖) thì sang nhà Tống cầu pháp và trở về nước. Trong hệ thống Thiền nhà Nguyên, tông phong của các vị tăng theo Thiền Niệm Phật rất thịnh hành; vì mến mộ tông phong của Trung Phong Minh Bổn (中峰明本) trên Thiên Mục Sơn (天目山), nên nhiều tăng sĩ Nhật Bản đã đến đây cầu pháp và trở về nước. Tỷ dụ như Viễn Khê Tổ Hùng (遠溪祖雄), Cổ Tiên Ấn Nguyên (古先印元), Phục Am Tông Kỷ (復庵宗己), Nghiệp Hải Bổn Tịnh (業海本淨), Minh Tẩu Tề Triết (明叟齊哲), Vô Ẩn Nguyên Hối (無隱元晦), Quan Tây Nghĩa Nam (關西義南), v.v. Bên cạnh đó, còn có mấy người kế thừa dòng pháp của Thiên Nham Nguyên Trường (千岩元長)—đệ tử của Trung Phong—như Đại Chuyết Tổ Năng (大拙祖能), Bích Nham Vi Xán (碧巖囗璨). Những người cùng dòng pháp của Vạn Phong Thời Úy (萬峰時蔚)—người đồng môn với Đại Chuyết và Bích Nham—có Ẩn Nguyên Long Kỷ (隱元隆琦) thuộc Phái Hoàng Bá (黃檗派). Tông phong mang tính ẩn dật chính là đặc trưng dưới thời đại này. Giống như những người kế thừa Thiền Niệm Phật, môn hạ của Phái Phá Am (破庵派) có Vô Văn Nguyên Tuyển (無文元選)—nhân vật kế thừa dòng pháp của Cổ Mai Chánh Hữu (古梅正友), hay Tịch Thất Nguyên Quang (寂室元光)—pháp tôn của Lan Khê Đạo Long. Họ thọ nhận tông phong phái này, trở về nước và truyền bá khắp các địa phương. Về Phái Đại Huệ, Trung Nham Viên Nguyệt (中巖圓月), Đông Truyền Chánh Tổ (東傳正祖), Vô Sơ Đức Thỉ (無初德始), v.v., truyền bá dòng pháp mới; riêng Ngu Trung Châu Cập (愚中周及) thì truyền thừa dòng pháp của Tức Hưu Khế Liễu (卽休契了) và hình thành nên một phái mới. Xưa nay, những người cầu pháp ở ngoại quốc có 24 dòng, 46 dòng hay 59 dòng; trong đó trừ 4 dòng của Tào Động Tông (曹洞宗, Sōtō-shū) ra, còn lại 55 dòng thuộc về Lâm Tế Tông. Trong số những nhà truyền pháp thuộc các dòng này, trừ những người bảo trì Thiền Niệm Phật mang tính ẩn dật ra, đại bộ phận các môn lưu đều được hàng công võ quy y theo, thường sống tại 5 ngôi danh sát lớn ở kinh đô Kyōto, Liêm Thương (鎌倉, Kamakura) và hình thành nên Phái Ngũ Sơn (五山派) với giáo đoàn phức hợp, đa dạng. Đó là hai chùa Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji) cũng như Thọ Phước Tự (壽福寺, Jufuku-ji) của Vinh Tây; Tịnh Diệu Tự (淨妙寺, Jōmyō-ji) của Thối Canh Hành Dũng (退耕行勇); Đông Phước Tự (東福寺, Tōfuku-ji) của Viên Nhĩ; Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji) của Lan Khê Đạo Long; Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji) của Vô Học Tổ Nguyên; Tịnh Trí Tự (淨智寺, Jōchi-ji) của Ngột Am Phổ Ninh (兀庵普寧) và Nam Châu Hoằng Hải (南洲宏海); Vạn Thọ Tự (萬壽寺, Manju-ji) của Đông Sơn Trạm Chiếu (東山湛照); Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji) của Vô Quan Huyền Ngộ (無關玄悟); Thiên Long Tự (天龍寺, Tenryū-ji) và Tướng Quốc Tự (相國寺, Sōkoku-ji) của Mộng Song Sơ Thạch (夢窻疎石), v.v. Ngoài Phái Ngũ Sơn chịu dưới sự quản chế của chính quyền Mạc Phủ, có xuất hiện Bạt Đội Đắc Thắng (拔隊得勝) và Từ Vân Diệu Ý (慈雲妙意)—pháp tôn của Vô Bổn Giác Tâm (無本覺心), người đi về bố giáo ở các địa phương ngay từ ban đầu. Bạt Đội sáng lập Hướng Nhạc Tự (向嶽寺, Kōgaku-ji) ở vùng Giáp Phỉ (甲斐, Kai); còn Từ Vân thì khai sáng Quốc Thái Tự (國泰寺, Kokutai-ji) ở Việt Trung (越中, Ecchū) và hình thành nên một dòng phái riêng. Ngoài ra, Vô Văn Nguyên Tuyển kiến lập Phương Quảng Tự (方廣寺, Hōkō-ji) ở Áo Sơn (奥山, Okuyama), Viễn Giang (遠江). Tịch Thất Nguyên Quang là hàng pháp tôn của Lan Khê Đạo Long, không có mối quan hệ gì với Phái Ngũ Sơn, chuyên tâm giáo hóa ở các địa phương và xây dựng Vĩnh Quang Tự (永光寺, Eikō-ji) ở vùng Cận Giang (近江). Những Thiền tăng tại các địa phương có Ngu Trung Châu Cập thoát ly khỏi Phái Mộng Song của Ngũ Sơn; ông khai sáng Phật Thông Tự (佛通寺, Buttsū-ji) ở An Nghệ (安芸), được sự ủng hộ đắc lực của dòng họ Tiểu Tảo Xuyên (小早川) và hình thành giáo đoàn nhỏ. Tại trưng ương kinh đô, trong số những người không chịu sự thống chế của chính quyền Mạc Phủ có Tông Phong Diệu Siêu (宗峰妙超)—môn hạ của Nam Phố Thiệu Minh (南浦紹明), vị tăng truyền dòng pháp của mình dưới thời đại Liêm Thương. Bên cạnh đó, còn xuất hiện đệ tử của Tông Phong là Quan Sơn Huệ Huyền (關山慧玄). Tông Phong thì khai sáng Đại Đức Tự (大德寺, Daitoku-ji) ở vùng Tử Dã (紫野, Murasakino); Quan Sơn thì kiến lập Diệu Tâm Tự (妙心寺, Myōshin-ji) ở Hoa Viên (花園, Hanazono) và trở thành sơ tổ của chùa này.Cả hai thầy trò đều được Hoa Viên Pháp Hoàng (花園法皇, Hanazono Hōkō) thâm tín quy y theo. Đối với Thiền lâm Ngũ Sơn, những ngôi chùa Hướng nhạc, Quốc Thái, Phương Quảng, Vĩnh Nguyên, Phật Thông, Đại Đức, Diệu Tâm được gọi là Lâm Hạ Thiền Lâm (林下禪林), vẫn duy trì tông phong từ ngàn xưa, khắc kỷ, đạm bạc mà không hề nhận sự ủng hộ của chính quyền Mạc Phủ. Chính nhân tài của Ngũ Sơn cũng lưu nhập vào hệ thống này, làm cho hưng thạnh; cuối cùng nhờ những nhà Đại Danh thời Chiến Quốc (戰國, Sengoku) quy y theo, hơn nữa những ngôi chùa con ở các địa phương thuộc Phái Ngũ Sơn đã quy hướng về Phái Diệu Tâm Tự (妙心寺派) của Quan Sơn. Cuộc biến động cải cách vào cuối thời nhà Minh và đầu nhà Thanh đã đưa đẩy Ẩn Nguyên Long Kỷ (隱元隆琦), Đạo Giả Siêu Nguyên (道者超元), v.v., sang Nhật, đem lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với Thiền lâm trong nước. Từ các phái nhỏ xuất hiện Cổ Nguyệt Thiền Tài (古月禪才), Tuyệt Đồng Bất Nhị (絕同不二), v.v., những nhân vật thuộc Phái Linh Vân (靈雲派) trong Diệu Tâm Tây Phái (妙心西派); cho nên các Tăng Đường ở địa phương được phục hưng và làm cho hồi phục quy cũ tu hành của tập đoàn. Thêm vào đó, từ Phái Thánh Trạch (聖澤派) trong Diệu Tâm Tây Phái lại xuất hiện Bạch Ẩn Huệ Hạc (白隱慧鶴)—người kế thừa dòng pháp của Đạo Kính Huệ Đoan (道鏡慧端); nhờ vậy đã quét sạch những tệ hại lâu năm và vãn hồi được tông phong. Vào năm thứ 7 (1874) niên hiệu Minh Trị (明治, Meiji), qua bản cáo bố của Bộ Tuyên Giáo, hai tông Lâm Tế và Tào Động được độc lập. Đến năm thứ 9 cùng niên hiệu trên, từ Lâm Tế Tông, môn hạ của Ẩn Nguyên Long Kỷ cũng được độc lập với tên gọi là Hoàng Bá Tông (黃檗宗, Ōbaku-shū), trở thành thế chân vạc ba phái Thiền Tông. Trong những Bản Sơn (本山, Honzan, ngôi chùa tổ) các phái của Lâm Tế Tông có 14 phái với các chùa như Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji), Thiên Long Tự (天龍寺, Tenryū-ji), Tướng Quốc Tự (相國寺, Sōkoku-ji), Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji), Đông Phước Tự (東福寺, Tōfuku-ji), Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji), Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji), Đại Đức Tự (大德寺, Daitoku-ji), Diệu Tâm Tự (妙心寺, Myōshin-ji), Hướng Nhạc Tự (向嶽寺, Kōgaku-ji), Quốc Thái Tự (國泰寺, Kokutai-ji), Phương Quảng Tự (方廣寺, Hōkō-ji), Vĩnh Nguyên Tự (永源寺, Eigen-ji) và Phật Thông Tự (佛通寺, Buttsū-ji). Vị Quản Trưởng (管長, Kanchō) thống lãnh trong phái, đặt đạo tràng chuyên môn để đào tạo đàn hậu tấn.
(s, p: upāya, 方便): âm dịch là Âu Ba Da (漚波耶), một trong 10 Ba La Mật, còn gọi là Thiện Quyền (善權), Biến Mưu (變謀), chỉ sự uyển chuyển biến đổi tùy theo hoàn cảnh, không gian, thời gian; cũng là một loại phương pháp phát triển hướng thượng. Trong các kinh luận Phật Giáo thường dùng từ này, quy nạp lại thì ý nghĩa của nó có thể phân làm 4 loại:
(1) Đối với pháp chân thật mà nói, là pháp môn giả lập ra để dẫn dụ chúng sanh đi vào pháp chân thật; nên được gọi là Quyền Giả Phương Tiện (權假方便), Thiện Xảo Phương Tiện (善巧方便); tức chư Phật, Bồ Tát tùy theo căn cơ của chúng sanh để dùng các loại phương pháp ban cho lợi ích.
(2) Đối với Thật Trí (實智) của Bát Nhã mà nói. Theo Vãng Sanh Luận Chú (徃生論註) quyển hạ của Đàm Loan (曇鸞, 476-?), Bát Nhã là đạt đến tuệ như như, phương tiện là thông trí quyền xảo; nên lấy Quyền Trí (權智) để quán chiếu những sai biệt hiện ra trong Bình Đẳng Thật Trí (平等實智).
(3) Hai trí quyền và thật đều là pháp môn do chư Phật, Bồ Tát thường dùng để hóa độ chúng sanh.
(4) Là hạnh gia trì, tu tập để chúng ngộ chân lý.
Lại nữa, trong 12 phương tiện của Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘義章) quyển 15 do Huệ Viễn (慧遠, 523-592) nhà Tùy trước tác, Pháp Hoa Huyền Tán (法華玄讚) của Khuy Cơ (窺基, 632-682), cũng có nêu ra 4 loại phương tiện khác, gồm:
(1) Tấn Thú Phương Tiện (進趣方便), giống như 7 phương tiện trước khi ngộ đạo, tức sự chuẩn bị hướng đến Bồ Đề.
(2) Quyền Xảo Phương Tiện (權巧方便), như Phương Tiện Trí trong 2 loại trí tuệ, lấy pháp môn của Ba Thừa để tùy theo vật mà quyền hiện.
(3) Thí Tạo Phương Tiện (施造方便, hay Thí Vi Phương Tiện [施爲方便]), như Phương Tiện Ba La Mật (方便波羅蜜) trong 10 Ba La Mật, tức làm những việc thiện xảo để đạt đến mục đích lý tưởng.
(4) Tập Thành Phương Tiện (集成方便), như thuyết về 6 tướng của Thập Địa Kinh Luận (十地經論), các pháp đồng thể nhưng biến tướng hiện thành, nghĩa là bản chất của các pháp đều như nhau; trong một có tất cả, và trong tất cả cũng thành một.
Hơn nữa, theo Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) quyển 7 của Đại Sư Trí Khải (智顗), có nêu ra 3 loại phương tiện là Pháp Dụng (法用), Năng Thông (能通) và Bí Diệu (祕妙); ứng với đối tượng của Tam Giáo Tạng (藏), Thông (通) và Biệt (別). Tịnh Danh Kinh Sớ (淨名經疏) lại đề cập đến 3 loại phương tiện khác là Tự Hành (自行), Hóa Tha (化他) và Tự Tha (自他), v.v. Câu “Từ tâm vô lượng, quảng khai phương tiện chi Huyền Môn (慈心無量、廣開方便之玄門)” trong lòng văn sớ trên có nghĩa là với tâm từ bi vô lượng, chư Phật đã mở rộng cánh cửa vi diệu của phương tiện để cứu độ chúng sanh; cho nên hình thức cúng Cầu Siêu, Cầu An cũng là phương tiện trong muôn vàn phương tiện khác của Phật Giáo.
(三要): 3 yếu tố quan trọng, có 2 nghĩa. (1) Đạo gia cho Tam Yếu là tai, mắt và miệng. Như trong Âm Phù Kinh (陰符經) có đoạn: “Cửu Khiếu chi tà, tại hồ Tam Yếu, khả dĩ động tĩnh (九竅之邪、在乎三要、可以動靜, Chín Lỗ sai lầm, ở ba điểm chính, có thể động tĩnh).” Thái Công giải thích rằng: “Tam Yếu giả, nhĩ, mục, khẩu dã (三要者、耳、目、口也, ba nơi trọng yếu là tai, mắt, miệng).” (2) Chỉ cho 3 yếu tố quan trọng trong mỗi một Huyền Môn, do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền cử xướng. Đó là: (a) Trong lời nói không có phân biệt tạo tác; (b) Chư vị thánh đều phải vào thẳng chỗ huyền áo; (c) Dứt bặt ngôn ngữ. Trong Thiền Gia Quy Giám (禪家龜鑑, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 63, No. 1255) giải thích rằng: “Tham Thiền tu cụ tam yếu, nhất hữu đại tín căn, nhị hữu đại phẫn chí, tam hữu đại nghi tình (參禪須具三要、一有大信根、二有大憤志、三有大疑情, tham Thiền phải có đủ ba yếu tố chính, một là có tín căn lớn, hai là có chí giận dữ lớn, ba là có nghi tình lớn).” Hay trong Thiền Lâm Loại Tụ (禪林類聚, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 67, No. 1299) quyển 6, phần Thị Chúng (示眾), lại có đoạn: “Phù nhất cú ngữ tu cụ Tam Huyền Môn, nhất Huyền Môn tu cụ Tam Yếu, hữu quyền hữu dụng (夫一句語須具三玄門、一玄門須具三要、有權有用, phàm một câu nói phải có Ba Huyền Môn, một Huyền Môn phải có Ba Yếu, có quyền có dụng).”
(曹洞宗, Sōtō-shū): một trong Ngũ Gia Thất Tông (五家七宗) của Trung Quốc, một trong ba tông phái lớn của Thiền Tông Nhật Bản. Về nguồn gốc của tên gọi tông phái có hai thuyết. Thuyết thứ nhất là lấy chữ Động (洞) của Động Sơn Lương Giới (洞山良价) và chữ Tào (曹) của Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂), rồi đảo ngược vị trí để gọi là Tào Động Tông (曹洞宗). Thuyết thứ hai là kết hợp chữ Tào (曹) của Tào Khê Huệ Năng (曹溪慧能) với chữ Động (洞) của Động Sơn Lương Giới (洞山良价) để hình thành nên tên gọi như vậy. Thuyết đầu phát xuất từ Trung Quốc và thuyết sau được hình thành ở Nhật Bản. Tào Động Tông Trung Quốc kế thừa Nam Tông Thiền của Lục Tổ Huệ Năng (六祖慧能), từ thời vị này trở đi có xuất hiện Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思), Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷), Dược Sơn Duy Nghiễm (藥山惟儼), Vân Nham Đàm Thịnh (雲巖曇晟), lấy Động Sơn Lương Giới (洞山良价)—đệ tử của Vân Nham—và Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂)—đệ tử của Động Sơn—làm vị tổ của tông phái. Như được đánh giá là “Tào Động tế mật (曹洞細密)”, tông phong của họ có đặc sắc là tông phong chặt chẽ, lấy tư tưởng Ngũ Vị (五位) do Động Sơn và Tào Sơn đề xướng làm trung tâm để triển khai. Tuy nhiên, pháp hệ của Tào Sơn không được lưu truyền lâu dài; sau đó hệ thống của Vân Cư Đạo Ưng (雲居道膺)—pháp từ của Động Sơn—trở thành đại biểu cho Tào Động Tông. Đến thời nhà Tống, môn hạ thuộc dòng phái của Vân Cư xuất hiện Đơn Hà Tử Thuần (丹霞子淳); kế đến pháp từ của ông có Chơn Hiết Thanh Liễu (眞歇清了) và Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺), từ đó Tào Động Tông phân chia thành Phái Chơn Hiết (眞歇派) và Phái Hoằng Trí (宏智派). Đối lập với Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) của Lâm Tế Tông (臨濟宗) vốn cổ xúy Khán Thoại Thiền (看話禪), Chơn Hiết cũng như Hoằng Trí rất nổi tiếng là những người tuyên xướng Thiền phong của Mặc Chiếu Thiền (默照禪). Cả hai Phái Chơn Hiết và Phái Hoằng Trí này đều được truyền vào Nhật Bản. Thiên Đồng Như Tịnh (天童如淨) là pháp tôn đời thứ 4 của Chơn Hiết. Chính Đạo Nguyên (道元) là người kế thừa dòng pháp của vị này. Nhờ Đông Minh Huệ Nhật (東明慧日) sang Nhật vào năm thứ 2 (1309) niên hiệu Diên Khánh (延慶) và Đông Lăng Vĩnh Dư (東陵永璵) đến Nhật vào năm thứ 2 (1351) niên hiệu Quán Ứng (觀應), Tào Động Tông thuộc Phái Hoằng Trí được truyền vào nước này. Sau khi sang Nhật, Đông Minh đến trú tại Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji) ở Liêm Thương (鎌倉, Kamakura); Đông Lăng thì trú một số chùa tại Thiên Long Tự (天龍寺, Tenryū-ji), Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji), Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji), Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji), v.v. Cả hai đều nương gá vào các tự viện của Lâm Tế Tông để cử xướng Thiền phong Phái Hoằng Trí thuộc Tào Động Tông; thế nhưng pháp hệ của họ không được truyền thừa lâu dài. Tuy nhiên, khi thời đại thay đổi, là một dòng phái của Tào Động Tông, Phái Thọ Xương (壽昌派) vốn tôn thờ Vô Minh Huệ Kinh (無明慧經) nhà Minh làm vị khai tổ được Tâm Việt Hưng Trù (心越興儔) đời thứ 5 truyền vào Nhật Bản vào năm thứ 5 (1677) niên hiệu Diên Bảo (延寶); song không bao lâu sau phái này cũng tuyệt dứt. Chính vì lẽ đó, Phái Đạo Nguyên trở thành đại biểu cho Tào Động Tông Nhật Bản. Tại Trung Quốc, pháp hệ của Như Tịnh về sau cũng lụi tàn, đến thời nhà Minh và Nguyên thì Tào Động Tông của phái Phù Dung Đạo Giai (芙蓉道楷) cố gắng phô trương tàn lực cuối cùng, cho đến khi Lâm Tế Tông hưng thịnh thì tông phái này không còn nữa. Đạo Nguyên kế thừa dòng pháp của Thiên Đồng Như Tịnh, sau khi trở về nước ông tạm thời lưu trú tại Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji), đến năm đầu (1233) niên hiệu Thiên Phước (天福) thì khai sáng Hưng Thánh Tự (興聖寺, Kōshō-ji) ở vùng Thâm Thảo (深草, Fukakusa), có sự tham gia của một số người xuất thân Đạt Ma Tông như Cô Vân Hoài Trang (孤雲懷奘) và hình thành nên giáo đoàn Hưng Thánh Tự. Tuy nhiên, 10 năm sau, vào tháng 7 năm đầu (1243) niên hiệu Khoan Nguyên (寬元), Đạo Nguyên chuyển lên sống ở địa phương Việt Tiền (越前, Echizen), sáng lập Đại Phật Tự (大佛寺, Daibutsu-ji), sau đổi tên thành Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji) và hình thành giáo đoàn Vĩnh Bình Tự. Song vì Đạo Nguyên rất kiêng kỵ trong việc gọi tông chỉ của mình là Tào Động Tông hay Thiền Tông; cho nên giáo đoàn này được gọi là Chánh Pháp Tông (正法宗) hay Đạo Nguyên Tông (道元宗). Trải qua vị tổ đời thứ 2 của Vĩnh Bình Tự là Cô Vân Hoài Trang (孤雲懷奘), thứ 3 Triệt Thông Nghĩa Giới (徹通義介), cho đến pháp từ của Nghĩa Giới là Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾), để tiếp nối mạng mạch của Tào Động Tông Trung Quốc, Đạo Nguyên đã được tôn xưng với vị trí là tổ khai sáng Tào Động Tông Nhật Bản. Cùng lúc đó, chủ nghĩa xuất gia của Đạo Nguyên được Oánh Sơn đề cao với kỳ vọng đưa vào cuộc đời. Lúc còn trẻ, Oánh Sơn đã theo xuất gia với Nghĩa Giới (義介) trên Vĩnh Bình Tự, rồi kế thừa trú trì Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji) vùng Gia Hạ (加賀, Kaga), tiếp theo ông khai sáng Vĩnh Quang Tự (永光寺, Eikō-ji), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji), v.v., ở Năng Đăng (能登, Noto) và nỗ lực cử xướng tông phong của mình. Dưới trướng của Oánh Sơn xuất hiện hai nhân vật xuất chúng là Minh Phong Tố Triết (明峯素哲) và Nga Sơn Thiều Thạc (峨山韶碩). Minh Phong thì kế thừa Vĩnh Quang Tự, còn Nga Sơn thì kế thế Tổng Trì Tự. Bên cạnh đó, môn hạ của Nga Sơn còn có 25 nhân vật tuấn tú, làm cho uy thế của Tào Động Tông được lan rộng khắp toàn quốc. Mặt khác, sau vị tổ đời thứ 3 là Nghĩa Giới, Vĩnh Bình Tự có Nghĩa Diễn (義演)—đệ tử của Hoài Trang lên kế thừa và sau đó thì bị hoang phế; nhưng nhờ có Nghĩa Vân (義雲)—vị tăng nhà Tống sang Nhật vì mến mộ đạo phong của Đạo Nguyên và là đệ tử của Tịch Viên (寂圓), tổ khai sơn Bảo Khánh Tự (寶慶寺, Hōkei-ji)—xuất hiện, tiến hành phục hưng ngôi già lam và làm cho tông phong thịnh vượng. Vì thế, Nghĩa Vân được gọi là vị tổ trung hưng của Vĩnh Bình Tự. Từ đó về sau, ngôi tổ đình này được hộ trì bởi Phái Tịch Viên (寂圓派) cho đến vị tổ đời thứ 37 là Thạch Ngưu Thiên Lương (石牛天梁). Tào Động Tông thời Trung Đại phát triển với trung tâm của giáo đoàn Tổng Trì Tự. Ngoài ra, Vĩnh Bình Tự, Đại Từ Tự (大慈寺, Daiji-ji) ở vùng Phì Hậu (肥後, Higo) do Hàn Nham Nghĩa Duẫn (寒巖義尹) khai sơn, Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji) vùng Gia Hạ (加賀, Kaga) do Nghĩa Giới (義介) khai sáng, Vĩnh Quang Tự (永光寺, Eikō-ji) ở Năng Đăng (能登, Noto) do Oánh Sơn sáng lập, Chánh Pháp Tự (正法寺, Shōbō-ji) ở Lục Áo (陸奥, Mutsu) do Vô Để Lương Thiều (無底良韶)—đệ tử của Nga Sơn—khai sơn, v.v., đã trở thành những ngôi chùa Bản Sơn (chùa tổ) của mỗi dòng phái, mở rộng giáo tuyến của họ khắp toàn quốc. Theo điều tra trong khoảng niên hiệu Diên Hưởng (延享, 1744-1748), cho biết rằng tổng số tự viện Tào Động Tông trên toàn quốc là 17.549 ngôi. Tào Động Tông thời Cận Đại phối hợp các tự viện trên toàn quốc trực thuộc vào Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự dưới chế độ quản lý tự viện của chính quyền Mạc Phủ để xác lập mối quan hệ chùa tổ chùa con mang tính phục tùng. Các tự viện của Tào Động Tông trên toàn quốc được chia đều theo từng tiểu quốc, mỗi nơi đều có cơ sở quản lý chung như ba ngôi danh sát Tổng Ninh Tự (總寧寺, Sōnei-ji) ở vùng Hạ Tổng (下總, Shimōsa), Long Ổn Tự (龍穩寺, Ryūon-ji) ở Võ Tàng (武藏, Musashi), Đại Trung Tự (大中寺, Daichū-ji) ở Hạ Dã (下野, Shimotsuke). Tào Động Tông đã trải qua một lịch sử đấu tranh cam go làm thế nào để thoát xác khỏi thể chế phong kiến dưới thời đại Giang Hộ (江戸, Edo) và làm sao để đưa ra một thể chế giáo cho phù hợp với thời đại mới. Việc biên soạn bộ Tu Chứng Nghĩa (修証義) được công bố vào năm thứ 23 (1890) niên hiệu Minh Trị (明治, Meiji) như là tiêu chuẩn để làm an tâm cho tăng lẫn tục, đã nói lên cuộc tranh đấu này. Tào Động Tông ngày nay kính ngưỡng hai vị tổ: Đạo Nguyên là Cao Tổ và Oánh Sơn là Thái Tổ, tôn sùng cả Vĩnh Bình Tự lẫn Tổng Trì Tự như là hai ngôi Đại Bản Sơn (大本山, Daihonzan, ngôi chùa tổ lớn) và hình thành nên tông phái lớn nhất của Phật Giáo Nhật Bản với số lượng tự viện trên 14.000 ngôi. Theo thống kê của Bộ Văn Hóa (1998), hiện tại Tào Động Tông có 14.699 ngôi chùa và 1.579.301 tín đồ. Một số dòng phái khác (theo thứ tự tên dòng phái, ngôi chùa trung tâm) của Tông này là: (1) Phái Oánh Sơn (瑩山派, Keizan-ha), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) và Vĩnh Quang Tự (永光寺, Yōkō-ji); (2) Phái Minh Phong (明峯派, Meihō-ha), Vĩnh Quang Tự (永光寺, Yōkō-ji); (3) Phái Nga Sơn (峨山派, Gasan-ha), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji); (4) Phái Thái Nguyên (太源派, Taigen-ha), Phật Đà Tự (佛陀寺, Budda-ji); (5) Phái Thông Huyễn (通幻派, Tsūgen-ha), Vĩnh Trạch Tự (永澤寺, Yōtaku-ji); (6) Phái Hàn Nham (寒巖派, Kangan-ha), Đại Từ Tự (大慈寺, Daiji-ji); và (7) Phái Tâm Việt (心越派, Shinetsu-ha), Kỳ Viên Tự (祇園寺, Gion-ji). Ngoài Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự là hai ngôi chùa bản sơn trung tâm của tông phái cũng như các ngôi chùa đã nêu trên, còn có nhiều ngôi tự viện nổi tiếng khác được xem như Chuyên Môn Tăng Đường như: Chánh Pháp Tự (正法寺, Shōhō-ji, Iwate-ken [岩手縣]); Trường Cốc Tự (長谷寺, Chōkoku-ji, Tōkyō-to [東京都]); Tối Thừa Tự (最乘寺, Saijō-ji, Kanagawa-ken [神奈川縣]), Trường Quốc Tự (長國寺, Chōkoku-ji, Nagano-ken [長野縣]), Diệu Nham Tự (妙巖寺, Myōgon-ji, Aichi-ken [愛知縣]), Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji, Ishikawa-ken [石川縣]), Ngự Đản Sanh Tự (御誕生寺, Gotanjō-ji, Fukui-ken [福井縣]), Hưng Thánh Tự (興聖寺, Kōshō-ji, Kyōto-fu [京都府]), Động Tùng Tự (洞松寺, Tōshō-ji, Okayama-ken [岡山縣]), Tuyền Nhạc Tự (泉岳寺, Sengaku-ji, Tōkyō-to), Cao Nham Tự (高岩寺, Kōgan-ji, Tōkyō-to), Thanh Tùng Tự (青松寺, Seishō-ji, Tōkyō-to), Tu Thiền Tự (修禪寺, Shuzen-ji, [靜岡縣]), Đại Thuyền Quán Âm Tự (大船觀音寺, Ōfunakannon-ji, Kanagawa-ken), v.v.
(十類): 10 loại cô hồn. Theo Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi (瑜伽集要焰口施食儀, Taishō No. 1320), quyển 1, cũng như Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Thắng Hội Tu Trai Nghi Quỹ (法界聖凡水陸勝會修齋儀軌, Taishō No. 1497) quyển 3, có liệt kê 10 loại như:
(1) Nhất thiết thủ cương hộ giới, trần lực ủy mạng quân trận tương trì, vị quốc vong thân quan viên tướng sĩ binh tốt cô hồn chúng (一切守疆護界、陳力委命軍陣相持、爲國亡身官員將士兵卒孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của các quan viên, tướng sĩ, binh tốt đã trấn giữ biên cương, đem sức bỏ mạng trong chiến trận, hay vì nước quên mình).
(2) Nhất thiết phụ tài thất khiếm mạng, tình thức câu hệ sinh sản trí mạng, oan gia trái chủ đọa thai cô hồn chúng (一切負財欠命、情識拘繫生產致命、冤家債主墮胎孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của những người không có tiền tài mất mạng, tình cảm vương vào sinh sản mà bỏ mạng, các oan gia trái chủ sẩy thai).
(3) Nhất thiết khinh bạc Tam Bảo, bất hiếu phụ mẫu, thập ác ngũ nghịch tà kiến cô hồn chúng (一切輕薄三寶、不孝父母、十惡五逆邪見孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của những người khinh thường Tam Bảo, không có hiếu thảo với cha mẹ, phạm mười điều ác, năm tội nghịch, tà kiến).
(4) Nhất thiết giang hà thủy nịch, đại hải vi thương, phong lãng phiêu trầm thái bảo cô hồn chúng (一切江河水溺、大海爲商、風浪飄沉採寶孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của những người chết đuối vì lặn lội khắp sông nước, biển lớn để bán buôn, sóng gió nỗi trôi trên biển cả để tìm kho báu).
(5) Nhất thiết biên địa tà kiến trí mạng man di cô hồn chúng (一切邊地邪見致命蠻夷孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của mọi rợ bỏ mạng chốn biên địa, không có chánh kiến).
(6) Nhất thiết phao ly hương tinh khách tử tha châu, vô y vô thác du đãng cô hồn chúng (一切拋離鄉并客死他州、無依無托游蕩孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của những người du đãng từ bỏ quê hương, bỏ mạng xứ người, không nơi nương tựa, không ai phó thác).
(7) Nhất thiết hà tỉnh đao sách phó hó đầu nhai, tường băng ốc đảo thọ chiết nham tồi, thú giảo trùng thương hoạnh tử cô hồn chúng (一切河井刀索赴火投崖、牆崩屋倒樹折嵒摧、獸咬虫傷橫死孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn bị hoạnh tử vì sông giếng, đao chém, xông vào lửa, nhảy xuống vực, tường sụp, nhà đỗ, cây gãy, núi lỡ, thú cắn, trùng làm thương tổn).
(8) Nhất thiết ngục trung trí mạng, bất tuân vương pháp, tặc khấu thiết đạo, bão khuất hàm oan, đại tịch phân thi phạm pháp cô hồn chúng (一切獄中致命、不遵王法、賊寇劫盜、抱屈銜冤、大辟分屍犯法孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của những người mất mạng trong ngục thất, không tuân phép vua, trộm cướp, ăn cắp, mang nỗi hàm oan, phạm pháp bị phân thây).
(9) Nhất thiết nô tỳ cấp sử, cần lao trần lực, ủy mạng bần tiện cô hồn chúng (一切奴婢給使、懃勞陳力、委命貧賤孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của các nô tỳ phục dịch, lao nhọc tận sức, bỏ mạng, bần tiện).
(10) Nhất thiết manh lung ám á túc bí thủ quyện, tật bệnh triền miên ung thư tàn hại, quan quả cô độc vô kháo cô hồn chúng (一切盲聾瘖啞足跛手裨、疾病纏綿癰疽殘害、鰥寡孤獨無靠孤魂眾, hết thảy linh hồn cô đơn của những người bị đui điếc, ngọng lịu, chân khập khểnh, tay tàn tật, tật bệnh triền miên, ung thư tàn hại, góa vợ cô độc không nơi nương tựa).
Tuy nhiên, trong bản hiện hành Chánh Khắc Trung Khoa Du Già Tập Yếu (正刻中科瑜伽集要)—khoa nghi cúng Chẩn Tế Âm Linh Cô Hồn do chư tăng thường dùng—được khắc dưới thời nhà Nguyễn vào năm Mậu Tý (1888) đời vua Đồng Khánh và tàng bản tại Chùa Báo Quốc, Thành Phố Huế, lại liệt kê đến 13 loại cô hồn như:
(1) vua chúa cai trị đất nước;
(2) anh hùng tướng lãnh triều đình;
(3) văn thần tể tướng, quan lại;
(4) văn nhân tài tử;
(5) tu sĩ xuất gia Phật giáo;
(6) Huyền Môn đạo sĩ của Khổng Giáo;
(7) kẻ lang thang không nơi nương tựa nơi đất khách;
(8) binh sĩ chết ngoài chiến trận;
(9) những phụ nữ chết vì sinh con;
(10) những người phỉ báng Tam Bảo và bất hiếu với cha mẹ;
(11) cung phi mỹ nữ trong cung nội;
(12) những vong hồn chết oan uổng; và
(13) pháp giới sáu đường, hết thảy linh hồn trong đại địa, v.v.
Như vậy, con số 10 hay 13, v.v., chỉ là con số tượng trưng để liệt kê những loại cô hồn chính mà thôi. Thật ra trên thế gian có bao nhiêu hạng người thì có bấy nhiêu loại cô hồn. Cho nên, Thập Loại ở đây không phải dừng lại ở ý nghĩa 10 loại, mà còn có nghĩa vô số loại khác nhau. Trong Chúng Sanh Thập Loại Tế Văn (眾生十類祭文, Văn Tế Mười Loại Chúng Sanh) của thi hào Nguyễn Du (阮攸, 1765-1820) có câu: “Trong trường dạ tối tăm trời đất, có khôn thiêng phảng phất u minh, thương thay thập loại chúng sinh, hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người…” Hay như trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (地藏菩薩本願經) có bài tán công hạnh của Ngài rằng: “Địa Tạng Bồ Tát diệu nan luân, hóa hiện kim dung xứ xứ phân, Tam Đồ Lục Đạo văn diệu pháp, Tứ Sanh Thập Loại mông từ ân, minh châu chiếu triệt Thiên Đường lộ, kim tích chấn khai Địa Ngục môn, lụy kiếp thân nhân mông tiếp dẫn, Cửu Liên đài bạn lễ Từ Tôn (地藏菩薩妙難倫、化現金容處處分、三途六道聞妙法、四生十類蒙慈恩、明珠照徹天堂路、金錫振開地獄門、累劫親姻蒙接引、九蓮臺畔禮慈尊, Địa Tạng Bồ Tát mầu khó lường, hóa hiện dung vàng chốn chốn nương, Ba Đường Sáu Nẻo nghe diệu pháp, bốn loài mười loại đội ơn thương, châu sáng chiếu tận Thiên Đường cõi, kim tích chấn mở Địa Ngục toang, nhiều kiếp thân bằng được tiếp dẫn, sen đài Chín Phẩm lễ Từ Tôn).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.72.250 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập