Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Hòa phong »»
(火德星君):
(1) Dân gian thường gọi là Hỏa Thần Da (火神爺, Ông Thần Lửa), hay Hỏa Thiên Kim Cang (火天金剛), Xích Đế (赤帝), là con của vị trưởng bộ tộc thời cổ đại xa xưa. Ông là người phát hiện ra phương pháp khẻ đá châm lửa. Hoàng Đế (黃帝) biết được bèn phong cho ông làm quan chưởng quản về lửa, cũng ban cho tên là Chúc Dung (祝融). Dưới thời đại của Hoàng Đế, ở phương nam có một thị tộc tên Xí Vưu (蚩尤), thường vào gây rối ở Trung Nguyên; nhân đó, Hoàng Đế hạ lệnh cho Chúc Dung đem binh mã thảo phạt. Tuy nhiên Xí Vưu người nhiều thế mạnh, anh em lại rất đông, mỗi người đều mang áo da thú, đầu đội sừng trâu, trông rất hùng mạnh và ghê tợn. Chúc Dung chỉ biết dùng lửa làm vũ khí, đốt cháy quân đội của Xí Vưu. Địch quân tháo chạy, Chúc Dung đuổi đến tận Hoàng Hà (黃河), Trường Giang (長江) và cuối cùng đánh bại Xí Vưu. Sau khi trở về triều, Chúc Dung được Hoàng Đế ban cho chưởng quan phương Nam, cho nên tại đây ông đã giáo hóa dân chúng biết cách dùng lửa trong sinh hoạt hằng ngày, như dùng lửa để xua đuổi dã thú, muỗi, để chế tạo các đồ dùng kim thuộc; nhờ vậy cuộc sống của người dân được cải thiện hơn nhiều. Cảm kích trước ân đức đó, người dân tôn xưng ông là Xích Thần (赤帝, xích là màu đỏ, cũng có ý là lửa). Ông sống được hơn trăm tuổi, và sau khi qua đời, bá tánh lập Xích Đế Điện để tôn thờ và tưởng nhớ đến ân đức cao dày của ông. Lịch đại chư vị đế vương đều phong hiệu cho ông như Hỏa Thần (火神), Hỏa Đức Tinh Quân (火德星君). Như trong Thần Đản Phổ (神誕譜) có giải thích rằng: “Hỏa Đức Tinh Quân, vi Viêm Đế Thần Nông thị chi linh, tự chi vi Hỏa Thần, dĩ nhương hỏa tai (火德星君、爲炎帝神農氏之靈、祀之爲火神、以禳火災, Hỏa Đức Tinh Quân là linh của Viêm Đế Thần Nông, thờ làm Hỏa Thần để giải trừ hỏa tai).” Sử Ký (史記) ghi rõ rằng: “Hỏa Thần vi Chúc Dung, Chuyên Húc chi tử, danh Lê (火神爲祝融、顓頊之子、名黎, Thần Lửa là Chúc Dung, con của Chuyên Húc, tên là Lê).” Trong khi đó, Quốc Ngữ (國語) lại cho hay một thông tin thú vị khác: “Hỏa Thần vi Hồi Lộc (火神爲回祿, Thần Lửa là Hồi Lộc).” Hồi Lộc hay Hồi Lục (回陸), do vì xưa kia tại nước Sở có một người tên Ngô Hồi (吳回), làm quan trông coi về lửa, nên có thuyết cho rằng ông là Hồi Lộc. Vì vậy trong Tả Truyện (左傳) có đoạn rằng: “Trịnh nhương hỏa vu Hồi Lộc (鄭禳火于回祿, Trịnh cầu nguyện lửa nơi Hồi Lộc).” Và người thời nay gọi hỏa hoạn là “Hồi Lộc chi tai (回祿之災, tai họa Hồi Lộc).”
(2) Là tên gọi khác của Táo Quân (竈君), vị thần chưởng quản Nhà Bếp.
(3) Là tên gọi của một trong Ngũ Đức Tinh Quân (五德星君), gồm Đông Phương Mộc Đức Tinh Quân (東方木德星君), húy Trọng Hoa (重華); Nam Phương Hỏa Đức Tinh Quân (南方火德星君), húy Huỳnh Hoặc (熒惑); Tây Phương Kim Đức Tinh Quân (金德星君), húy Thái Bạch (太白); Bắc Phương Thủy Đức Tinh Quân (水德星君), húy Tứ Thần (伺晨); Trung Ương Thổ Đức Tinh Quân (土德星君), húy Địa Nhật Hầu (地日侯).
(4) Là tên gọi của một trong Cửu Diệu (九曜), gồm Kế Đô Tinh Quân (計都星君), Hỏa Đức Tinh Quân (火德星君), Mộc Đức Tinh Quân (木德星君), Thái Âm Tinh Quân (太陰星君), Thổ Đức Tinh Quân (土德星君), La Hầu Tinh Quân (羅睺星君), Thái Dương Tinh Quân (太陽星君), Kim Đức Tinh Quân (金德星君), và Thủy Đức Tinh Quân (水德星君).
Hằng năm vào ngày 23 tháng 6 Âm Lịch, dân gian vẫn thường hành lễ kỷ niệm Thánh đản của Hỏa Đức Tinh Quân. Trong Phật Giáo vẫn công nhận Hỏa Đức Tinh Quân là một vị thần. Từ thời nhà Tống (宋, 960-1279) trở đi, trước tượng thờ chính trong Chánh Điện của các Thiền viện đều có treo bài vị “Nam Phương Hỏa Đức Tinh Quân Thần (南方火德星君神).” Mỗi tháng vào ngày mồng 4 và 18, chư tăng tụng kinh hồi hướng để cầu nguyện cho già lam hưng thạnh, yên ổn, không bị hỏa hoạn. Tương truyền Hòa Thượng Đạo Tế (道濟, tức Tế Công [濟公]) của Linh Ẩn Tự (靈隱寺) đã từng thấy Hỏa Đức Tinh Quân hóa hiện người nữ vào chùa, bèn chạy đến trước mặt cô ta chận đường, liền bị quở trách là đùa giỡn với nữ nhân. Tế Công trở về phòng nhập định và kết quả chùa bị hỏa hoạn thảm khốc. Có hôm nọ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (朱元璋, tại vị 1368-1398) ăn bánh nướng ở trong điện, ăn ngụm đầy cả miệng. Quan Nội Giám thấy vậy bèn chạy đi báo cho Quốc Sư Lưu Cơ (劉基) biết, nhân đó Quốc Sư có làm bài Thiêu Bính Ca (燒餠歌), trong đó có đề cập đến Hỏa Đức Tinh Quân rằng: “Hỏa phong đỉnh, lưỡng hỏa sơ hưng định thái bình; hỏa sơn lữ, Ngân Hà Chức Nữ nhượng Ngưu Tinh, Hỏa Đức Tinh Quân lai hạ giới, kim điện lâu đài tận Bính Đinh, nhất cá hồ tử Đại Tướng Quân (火風鼎,兩火初興定太平,火山旅,銀河織女讓牛星,火德星君來下界,金殿樓臺盡丙丁,一個鬍子大將軍, đỉnh gió lửa, hai lửa mới thành định thái bình; núi lửa chơi, Ngân Hà Chức Nữ nhường Sao Ngưu, Hỏa Đức Tinh Quân xuống hạ giới, điện vàng lâu đài thảy tiêu tan, còn một chòm râu Đại Tướng Quân).”
(放生): Phóng Sanh là một hành vi có tâm thương yêu, nhân từ, biết thông cảm cho nỗi khổ bị giam cầm, bắt bớ của các loài động vật; có nghĩa là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống của sinh vật khác. Nguyên lai, Trung Quốc đã có quan niệm truyền thống cho rằng Trời có đức háo sinh (muốn sống, ham sống). Lập cước trên tinh thần từ bi, cứu nhân độ thế, Phật Giáo lại càng nêu cao và tôn trọng tinh thần Phóng Sanh. Trong Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 13 có nhấn mạnh rằng: “Chư dư tội trung, sát tội tối trọng; chư công đức trung, bất sát đệ nhất (諸餘罪中、殺罪最重、諸功德中、不殺第一, trong các tội lỗi, tội giết là nặng nhất; trong các công đức, không giết là số một).” Cho nên, không sát sanh cũng như Phóng Sanh là phương pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng và làm tăng trưởng tâm từ bi. Phạm Võng Kinh (梵網經, Taishō Vol. 24, No. 1484) quyển 2 nhấn mạnh rằng: “Nhược Phật tử, dĩ từ tâm cố hành phóng sanh nghiệp, nhất thiết nam tử thị ngã phụ, nhất thiết nữ nhân thị ngã mẫu; ngã sanh sanh vô bất tùng chi thọ sanh; cố Lục Đạo chúng sanh giai thị ngã ngã phụ mẫu, nhi sát nhi thực giả, tức sát ngã phụ mẫu diệc sát ngã cố thân; nhất thiết địa thủy thị ngã tiên thân, nhất thiết hỏa phong thị ngã bản thể; cố thường hành phóng sanh, sanh sanh thọ sanh thường trú chi pháp, giáo nhân phóng sanh; nhược kiến thế nhân sát súc sanh thời, ưng phương tiện cứu hộ giải kỳ khổ nạn (若佛子、以慈心故行放生業、一切男子是我父、一切女人是我母、我生生無不從之受生、故六道眾生皆是我父母、而殺而食者、卽殺我父母亦殺我故身、一切地水是我先身、一切火風是我本體、故常行放生、生生受生常住之法、敎人放生、若見世人殺畜生時、應方便救護解其苦難, nếu Phật tử, vì lấy từ tâm mà thực hành nghiệp phóng sanh, hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta; ta đời đời không theo đó mà thọ sanh; cho nên sáu đường chúng sanh đều là cha mẹ của ta; nếu giết nếu ăn thịt họ, tức là giết cha mẹ ta cũng như giết thân trước kia của ta; hết thảy đất nước là thân trước kia của ta, hết thảy gió lửa là bản thể của ta; cho nên thường thực hành phóng sanh, đời đời thọ sanh pháp thường trú, chỉ cho người phóng sanh; nếu khi thấy người đời giết sinh vật nuôi, nên phương tiện cứu giúp để giải mở khổ nạn của con vật ấy).” Đại Thừa Đại Tập Đia Tạng Thập Luân Kinh (大乘大集地藏十輪經, Taishō Vol. 13, No. 411) có nêu một số công đức của việc Phóng Sanh như:
(1) Được sống lâu,
(2) Tâm từ bi tự nhiên sanh khởi,
(3) Chư thiện thần là bạn,
(4) Các động vật đều nhận là thân thuộc,
(5) Có vô lượng công đức,
(6) Mọi người cung kính,
(7) Không bệnh hoạn, không nguy hại,
(8) Vui vẻ và mãi được hạnh phúc,
(9) Đời đời kiếp kiếp thường kính tin công hạnh của chư Phật,
(10) Không rời Tam Bảo,
(11) Cuối cùng chứng quả vô thượng bồ đề,
(12) Vãng sanh về cõi Tịnh Độ.
Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục Tục Biên (淨土聖賢錄續編, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 78, No. 1550) quyển 4, phần Vãng Sanh Nữ Nhân Đệ Lục (往生女人第六) có kể câu chuyện Điền Bà (田婆): “Điền Bà, Thái Châu dã điền trang nhân, phu phụ câu tín Tam Bảo, tạo tượng phóng sanh, trai tăng bố thí; kỳ phu nhật tụng Pháp Hoa Kinh, bà độc niệm Phật, như thị nhị thập dư niên (田婆、泰州野田莊人、夫婦俱信三寶、造像放生、齋僧布施、其夫日誦法華經、婆獨念佛、如是二十餘年, Điền Bà, người nhà nông quê ở Thái Châu, cả chồng vợ đều tin vào Tam Bảo, làm tượng, phóng sanh, trai tăng và bố thí; chồng bà hằng ngày tụng Kinh Pháp Hoa, riêng bà chỉ có niệm Phật, như vậy hơn hai mươi năm).” Hay như trong Cư Sĩ Truyện (居士傳, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 88, No. 1646) quyển 16, Truyện Nhan Thanh Thần Vi Thành Võ (顏清臣韋城武傳) có đoạn: “Thời Túc Tông chiếu thiên hạ lập Phóng Sanh Trì, Thanh Thần vi lập bi, ca tụng chúa đức, trợ tuyên Phật hóa (時肅宗詔天下立放生池、清臣爲立碑、歌誦主德、助宣佛化, lúc bấy giờ vua Túc Tông [tại vị 756-762] nhà Đường hạ chiếu khắp thiên hạ cho lập Hồ Phóng Sanh, Nhan Thanh Thần vì vậy lập bia, ca tụng đức của nhà vua, giúp tuyên diễn Phật pháp).” Trong Tịnh Độ Tư Lượng Toàn Tập (淨土資糧全集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 61, No. 1162) quyển 4 có đề cập câu chuyện nhờ thực hành hạnh phóng sanh mà sau khi chết được sanh lên cõi Trời: “Trương Đề Hình thường nghệ đồ gia dĩ tiền thục vật phóng chi; hậu lâm chung, ngữ gia nhân vân, ngô dĩ phóng sanh cố, Thiên Cung lai nghênh, đương thượng sanh hĩ, an nhiên nhi thệ (張提刑常詣屠家以錢贖物放之、後臨終、語家人云、吾以放生故、天宮來迎、當上生矣、安然而逝, Trương Đề Hình thường đến nhà đồ tể lấy tiền mua chuộc con vật rồi thả chúng đi; về sau khi lâm chung, ông bảo với người nhà rằng ta nhờ có phóng sanh, nên cung Trời đến đón đi, sẽ sanh lên cõi trên, rồi an nhiên mà ra đi).”
(s, p: sahā, j: saba, 娑婆): âm dịch là Sa Ha (娑訶), Sách Ha (索訶), ý dịch là nhẫn (忍), nói cho đúng là Ta Bà Thế Giới (s, p: sahā-lokadhātu, 娑婆世界), ý dịch là thế giới chịu đựng (nhẫn độ, nhẫn giới), tức chỉ thế giới, cõi đời này, thế giới mà đức Thích Tôn giáo hóa. Nó còn được gọi là Nhân Gian Giới (人間界, cõi con người), Tục Thế Giới (世俗界, thế giới phàm tục), Hiện Thế (現世, cõi đời này). Chúng sanh ở trong thế giới này chịu đựng các phiền não, vì vậy mới có tên là thế giới chịu đựng. Bên cạnh đó từ này còn được dịch là Tạp Hội (雜會) hay Tập Hội (集會). Nguyên ngữ của từ tập hội là sabhā, muốn ám chỉ sự tập hội phức tạp của các tầng lớp như con người, trên trời, Sa Môn, Bà La Môn, Sát Đế Lợi, cư sĩ, v.v. Người ta cho rằng nguyên lai từ sahā cũng phát xuất từ sabhā, là thế giới có nhiều loại người khác nhau làm đối tượng hóa độ của đức Phật Thích Ca. Thiền sư Chơn Không (眞空, 1045-1100) của Việt Nam có bài thơ rằng: “Diệu bổn hư vô minh tự khoa, Hòa phong xuy khởi biến Ta Bà, nhân nhân tận thức vô vi lạc, nhược đắc vô vi thỉ thị gia (妙本虛無明自誇、和風吹起遍娑婆、人人盡識無爲樂、若得無爲始是家, diệu bản thênh thang sáng tự khoa, gió hòa thổi khắp cõi Ta Bà, người người thảy biết vô vi lạc, nếu đạt vô vi mới là nhà).” Cổ Côn Pháp Sư (古崑法師) cũng có hai câu đối như sau: “Ta Bà giáo chủ bi nguyện hoằng thâm thệ độ khổ nhân ly hỏa trạch, Cực Lạc đạo sư từ tâm quảng đại thường nghinh mê tử nhập Liên Trì (娑婆敎主悲願宏深誓度苦人離火宅、極樂導師慈心廣大常迎迷子入蓮池, Ta Bà giáo chủ bi nguyện rộng sâu thề độ người khổ xa nhà lửa, Cực Lạc đạo sư từ tâm rộng lớn thường đón kẻ mê vào Liên Trì).”
(瑞彩): sắc thái ánh sáng cầu vồng tốt lành. Như trong bài Phụng Hòa Nguyệt Dạ Quán Tinh Ứng Lịnh (奉和月夜觀星應令) của Ngu Thế Nam (虞世南, 558-638) nhà Đường có câu: “Hưu quang chước tiền diệu, thụy thái tiếp trùng luân (休光灼前曜、瑞彩接重輪, hào quang rực trời tỏ, sắc lành tiếp trời trăng).” Hay trong hồi thứ 82 của Phong Thần Diễn Nghĩa (封神演義) cũng có câu: “Nhị lục liên đài sanh thụy thái, Ba La hoa phóng mãn viên hương (二六蓮臺生瑞彩、波羅花放滿園香, mười hai đài sen sanh sắc đẹp, Ưu Đàm hoa tỏa ngát vườn hương).” Trong Biện Chánh Luận (辯正論, Taishō Vol. 52, No. 2110) quyển 6, phần Nội Kiến Tạo Tượng Tháp Chỉ (內建造像塔指), lại có câu: “Thần quang đạo ư Tương Thủy, thụy thái phát ư Đàn Khê (神光導於湘水、瑞彩發於檀溪, hào quang tỏa tràn Tương Thủy [sông Tương], sắc lành phát khắp Đàn Khê).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.134.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập