Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Hoa đàn »»
(本師): Phật Giáo lấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm vị thầy dạy căn bản, nên gọi là bổn sư. Như trong bài Họa Tây Phương Tránh Ký (畫西方幀記) của Bạch Cư Dị (白居易, 772-846) nhà Đường có đoạn: “Ngã bổn sư Thích Ca Như Lai ngôn, tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới hiệu Cực Lạc (我本師釋迦如來言、從是西方遇十萬億佛土、有世界號極樂, đức Thích Ca Như Lai bổn sư của chúng ta dạy rằng, từ phương Tây này qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới hiệu là Cực Lạc).” Ngoài ra, từ này còn có nghĩa là vị thầy dạy dỗ, truyền trao học vấn. Như trong Sử Ký (史記) quyển 80, Lạc Nghị Liệt Truyện (樂毅列傳) thứ 20, có đoạn: “Lạc Thần Công học Hoàng Đế, Lão Tử, kỳ bổn sư hiệu viết Hà Thượng Trượng Nhân (樂臣公學黃帝、老子、其本師號曰河上丈人, Lạc Thần Công học Hoàng Đế, Lão Tử, thầy dạy của ông là Hà Thượng Trượng Nhân).” Hay trong Hậu Hán Thư (後漢書) quyển 37, Hoàn Vinh Đinh Hồng Liệt Truyện (桓榮丁鴻列傳) cũng có đoạn rằng: “Hà Thang vi Hổ Bôn Trung Lang Tướng, dĩ Thượng Thư thọ Thái Tử; Thế Tổ Tùng Dung vấn Thang bổn sư vi thùy (何湯爲虎賁中郎將、以尚書授太子、世祖從容問湯本師爲誰, Hà Thang làm Hổ Bôn Trung Lang Tướng, lấy Thượng Thư dạy cho Thái Tử; vua Thế Tổ Tùng Dung hỏi Hà Thang thầy dạy là ai).” Trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (勅修百丈清規, Taishō Vol. 48, No. 2025) quyển 2, phần Phật Giáng Đản (佛降誕), lại có đoạn: “Cung ngộ bổn sư Thích Ca Như Lai Đại Hòa Thượng giáng đản lệnh thần, suất Tỳ Kheo chúng, nghiêm bị hương hoa đăng chúc trà quả trân tu, dĩ thân cúng dường (恭遇本師釋迦如來大和尚降誕令辰、率比丘眾、嚴備香花燈燭茶果珍羞、以伸供養, kính gặp lúc tốt bổn sư Đại Hòa Thượng Thích Ca Như Lai đản sanh, chỉ huy chúng Tỳ Kheo, chuẩn bị tinh nghiêm hương hoa, đèn nến, trà, trái cây, món ăn trân quý, để dâng cúng dường).”
(丹霞天然, Tanka Tennen, 739-824): lúc nhỏ ông theo học Nho Giáo, trúng khoa cử, giữa đường khi lên Trường An (長安), tình cờ nhân ghé nghỉ qua đêm tại một lữ quán, cùng hàn huyên với một Thiền giả qua đường, nên thay vì chọn làm quan, ông quyết định chọn tu hành làm Phật. Ông đến gặp Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一), rồi đi theo hầu Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷) được 3 năm. Sau đó ông lại quay trở về với Mã Tổ, nhưng ông chẳng tham lễ gì cả mà vào trong nhà, cỡi lên đầu thánh tăng ngồi. Chúng tăng đến thưa với Mã Tổ sự việc này, Mã Tổ đến xem thấy vậy bảo rằng: “con ta Thiên Nhiên.” Nghe vậy ông bước xuống lễ bái và nói: “xin cám ơn thầy đã ban cho pháp hiệu.” Từ đó ông được gọi là Thiên Nhiên. Sau ông đến ở tại Hoa Đảnh Phong (華頂峰) trên Thiên Thai Sơn được 3 năm, rồi đến lễ bái Kính Sơn Đạo Khâm (徑山道欽). Trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (元和, 806-821), ông đến Long Môn Hương Sơn (龍門香山) vùng Lạc Đông (洛東), kết bạn với Phục Ngưu Tự Tại (伏牛自在). Về sau, ông đến kết thảo am ở Đơn Hà Sơn (丹霞山), Nam Dương (南陽, Tỉnh Hà Nam), học đồ theo tham học lên đến hơn 300 người. Vào tháng 6 năm thứ 4 (824) niên hiệu Trường Khánh (長慶), ông thị tịch, hưởng thọ 86 tuổi, và được ban cho thụy hiệu là Trí Thông Thiền Sư (智通禪師).
(金蓮): có mấy nghĩa khác nhau. (1) Hoa sen bằng vàng. Như trong bài thơ Nam Triều (南朝) của Lý Thương Ẩn (李商隱, khoảng 813-858) nhà Đường có câu: “Thùy ngôn quỳnh thọ triêu triêu kiến, bất cập kim liên bộ bộ lai (誰言瓊樹朝朝見、不及金蓮步步來, ai bảo cây quỳnh sáng sáng thấy, chẳng bằng sen vàng bước bước đi).” (2) Chỉ cho bàn chân bó nhỏ lại của người nữ theo tục lệ ngày xưa. Như trong bài Hòa Hàn Trí Quang Thị Lang Vô Đề (和韓致光侍郎無題) 2 của Ngô Dung (吳融, ?-?) nhà Đường có câu: “Ngọc trứ hòa trang ấp, kim liên trục bộ tân (玉箸和妝裛、金蓮逐步新, đũa ngọc cùng áo kép, gót vàng theo bước xinh).” (3) Chỉ cho tòa sen, tòa ngồi của Phật hình hoa sen. Như trong bài Thất Ngôn (七言) thứ 9 của Lữ Nham (呂岩, 798-?) nhà Đường có câu: “Thủy trung bạch tuyết vi vi kết, hỏa lí kim liên tạm tạm sanh (水中白雪微微結、火裏金蓮漸漸生, trong nước tuyết trắng nho nhỏ kết, lửa rực đài sen dần dần sinh).” (4) Chỉ hoa đăng. Như trong tác phẩm Tuyên Hòa Di Sự (宣和遺事) có câu: “Kim liên vạn trản, tản hướng thiên cù (金蓮萬盞、撒向天街, hoa đăng muôn ngọn, tung khắp không gian).” Trong Chỉ Nguyệt Lục (指月錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 83, No. 1578) quyển 31 có đoạn: “Kim liên tùng địa dũng, bảo cái tự thiên thùy, vi thị thần thông diệu dụng, vi thị pháp nhĩ như nhiên (金蓮從地湧、寶蓋自天垂、爲是神通妙用、爲是法爾如然, sen vàng từ đất vọt, lọng báu tự trời buông, đó là thần thông diệu dụng, đó là pháp vốn tự nhiên).” Hay trong Ảnh Hưởng Tập (影響集, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 62, No. 1209), bài Tịnh Độ Thi (淨土詩), có đoạn: “Nhất cú Di Đà tận lực xưng, Tam Đồ Bát Nạn tổng siêu thăng, trì danh diệt tội kim liên hiện, bi nguyện toàn bằng Phật lực tăng (一句彌陀盡力稱、三塗八難總超升、持名滅罪金蓮現、悲願全憑佛力增, một câu Di Đà tận lực xưng, Ba Đường Tám Nạn thảy siêu thăng, trì danh diệt tội sen vàng hiện, bi nguyện toàn nhờ Phật lực tăng).”
(六供): Theo Đinh Phúc Bảo Phật Học Đại Từ Điển (丁福保佛學大詞典), căn cứ vào Tăng Đường Thanh Quy (僧堂清規) 3 do Diện Sơn Thụy Phương (面山瑞方, Menzan Zuihō, 1683-1769), tăng sĩ Tào Động Tông của Nhật Bản soạn, Lục Cúng là 6 phẩm vật dâng cúng lên chư Phật của Thiền lâm; gồm (1) hoa (華), (2) hương lô (香爐, lò hương), (3) chúc (燭, đèn nến), (4) thang (湯, nước nóng), (5) quả (果) và (6) trà (茶). Đối với Mật Tông, Lục Cúng cũng là pháp tu cúng dường căn bản, gồm (1) hoa (花), (2) linh (鈴), (3) thiêu hương (燒香, hương đốt), (4) phạn thực (飯食, thức ăn), (5) đồ hương (塗香, hương xoa), và (6) đăng minh (燈明, đèn). Sáu vật cúng này tượng trưng cho Sáu Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp. Sáu vật này còn biểu tượng cho Lục Độ (s: ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā, 六度), tức Lục Độ Ba La Mật (六度波羅蜜), gồm Bố Thí Ba La Mật (s, p: dāna-pāramitā, 布施波羅蜜), Trì Giới Ba La Mật (s: śīla-pāramitā, p: sīla-pāramitā, 持戒波羅蜜), Nhẫn Nhục Ba La Mật (s: kṣānti-pāramitā, p: khantī-pāramitā, 忍辱波羅蜜), Tinh Tấn Ba La Mật (s: vīrya-pāramitā, p: virya-pāramitā, 精進波羅蜜), Thiền Định Ba La Mật (s: dhyāna-pāramitā, p: jhāna-pāramitā, 禪定波羅蜜) và Trí Tuệ Ba La Mật (s: prajñā-pāramitā, p: paññā-pāramitā, 智慧波羅蜜). Theo bài tán “Nhân duyên tự tánh sở xuất sanh, sở hữu chủng chủng vi diệu, hoa hương đăng đồ quả nhạc, phụng hiến Thượng Sư Tam Bảo tôn, duy nguyện từ bi ai nạp thọ (因緣自性所出生、所有種種微妙、華香燈塗果樂、上獻上師三寶尊、惟願慈悲納受, nhân duyên tự tánh vốn sanh ra, vốn có các thứ mầu nhiệm, hoa hương đèn dầu quả nhạc, dâng cúng Thượng Sư Tam Bảo trên, cúi xin từ bi thương thọ nhận)” vốn thường được dùng trong các buổi lễ Cúng Ngọ hay trong đàn Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Hạ, v.v.; Lục Cúng ở đây là hoa, hương, đèn, dầu, quả và âm nhạc. Như vậy, cho dầu định nghĩa về Lục Cúng có khác nhau đi chăng nữa, một số vật dâng cúng quan trọng không thể thiếu được như hoa quả, thức ăn, nước uống, đèn, hương, v.v. Như Mật Giáo giải thích về ý nghĩa và tầm quan trọng của 5 loại vật dâng cúng như sau:
(1) Hoa là tâm của chư Phật; khi hoa khai mở thì tượng trưng cho vạn đức mật vận (萬德密運, muôn đức âm thầm chuyển vận), là công đức viên mãn của chư Phật. Lấy hoa dâng cúng chư Phật tức là làm cho trang nghiêm tâm của chính mình.
(2) Hương là một loại thể giới tánh. Dùng hương dâng cúng các đấng Như Lai có nghĩa là trang nghiêm Giới Thể (戒體) của chính mình. Sự trang nghiêm của ngoại tướng kết hợp với sự trang nghiêm của nội tướng, hợp nhất thành trang nghiêm Năm Phần Pháp Thân.
(3) Đèn là ánh sáng chiếu soi của chư Phật, tức chính là trí tuệ nội tâm. Lấy hết thảy ánh sáng mà dâng cúng lên các đấng Như Lai thì sẽ được ánh sáng chiếu rọi khắp, ánh sáng cùng giao nhau, chiếu tận đến bờ bên kia của trí tuệ và hiển hiện công đức trang nghiêm của trí tuệ nội tâm.
(4) Trà bản nguyên là loại nước thanh tịnh, biểu thị cho Pháp Tánh (法性). Lấy trà dâng cúng Phật, tức là mười phương các đức Như Lai ứng hóa vào thân ta, dùng loại “nước thanh tịnh của Pháp Tánh” để trước rửa sạch khí bất tịnh của tự thân, biến thành Pháp Tánh Thân (法性身), Vô Cấu Thân (無垢身, thân không dơ bẩn) và trở thành trang nghiêm Pháp Tánh.
(5) Quả tượng trưng cho thức ăn, lấy sự viên mãn to lớn của thức ăn vi diệu biểu thị cho một loại viên thành. Loại Thiền ý có vị thù thắng như vậy, có nghĩa lý vô cùng thâm sâu; cho nên dâng cúng thức ăn và quy y chư Phật thì sẽ có được thiện quả, tượng trưng cho sự viên thành pháp vị. Đó là một loại “quả công đức trang nghiêm nội tâm.”
Trong Niệm Tụng Kết Hộ Pháp Phổ Thông Chư Bộ (念誦結護法普通諸部, Taishō Vol. 18, No. 904) có nêu một số câu thần chú khi dâng cúng các phẩm vật. Như Chơn Ngôn dùng cho hương đốt là: “Án bạt chiết la đỗ bệ a (唵跋折羅杜鞞阿).” Chơn Ngôn dùng cho rãi hoa là: “Án bạt chiết la bổ sắt bệ án (唵跋折羅補瑟鞞唵).” Chơn Ngôn dâng cúng đèn là: “Án bạt chiết la lô kế nễ (唵跋折羅盧計你).” Chơn Ngôn cho hương xoa là: “Án bạt chiết la kiền đề già (唵跋折羅犍提伽).” Trong Thánh Hạ Dã Hột Lí Phược Đại Uy Nỗ Vương Lập Thành Đại Thần Nghiệm Cúng Dường Niệm Tụng Nghi Quỹ Pháp Phẩm (聖賀野紇哩縛大威怒王立成大神驗供養念誦儀軌法品, Taishō Vol. 20, No. 1072A) có đoạn rằng: “Mỗi nhật thủ chủng chủng thời hoa tán đàn thượng, thiêu hương đồ hương đăng minh ẩm thực cập quả tử, gia trì phân bố tứ biên cúng dường, tùy lực sở biện trần thiết trang nghiêm, mỗi nhập đạo tràng kiền thành tác lễ, phát lộ sám hối tùy hỷ khuyến thỉnh hồi hướng phát nguyện (每日取種種時花散壇上、燒香塗香燈明飲食及果子、加持分布四邊供養、隨力所辦陳設莊嚴、每入道塲虔誠作禮、發露懺悔隨喜勸請迴向發願, mỗi ngày lấy các thứ hoa hiện thời rãi trên đàn, hương đốt, hương xoa, đèn sáng, thức ăn uống và bánh kẹo, gia trì phân chia bốn phía cúng dường, tùy sức bày biện, thiết trí trang nghiêm, mỗi khi vào đạo tràng thì chí thành đảnh lễ, phát lộ sám hối, tùy hỷ cung thỉnh, hồi hướng và phát nguyện).” Trong Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Đại Trai Phổ Lợi Đạo Tràng Tánh Tướng Thông Luận (法界聖凡水陸大齋普利道塲性相通論, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1498) quyển 4 có nêu rõ 6 loại điệp cho Lục Cúng là: “Lục cúng điệp, hương nhất, hoa nhất, quả nhất, đồ nhất, tiểu thực nhất, pháp bảo nhất (六供牒、香一、華一、果一、塗一、小食一、法寶一, sáu loại điệp dâng cúng gồm hương một tờ, hoa một tờ, quả một tờ, đồ thoa một tờ, thức ăn một tờ, pháp bảo một tờ).” Trong Ư Mật Sấm Thí Thực Chỉ Khái (於密滲施食旨槩, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1082) lại có đoạn rằng: “Nhiên chư Phật tức ngã Hóa Thân, cố Quan Âm, phóng quang dĩ thỉnh chư Phật dã, Phật chí tắc thân Lục Cúng dĩ cúng dường chi, thử Phổ Hiền hạnh dã (然諸佛卽我化身、故觀音、放光以請諸佛也、佛至則伸六供以供養之、此普賢行也, như vậy chư Phật là Hóa Thân của ta, cho nên đức Quan Âm phóng hào quang để thỉnh chư Phật; khi Phật đến thì bày sáu món cúng mà cúng dường Ngài, đây là hạnh của đức Phổ Hiền).” Đàn Lục Cúng trong lòng văn Sớ nêu trên là Lục Cúng Hoa Đăng (六供華燈), một trong bộ ba của nghi thức Chạy Đàn: Lục Cúng, Khai Tịch và Bạt Độ (hay Chẩn Tế). Múa Lục Cúng Hoa Đăng là một điệu múa cổ xưa của Phật Giáo do các vị sư Ấn Độ truyền vào Việt Nam. Sau khi du nhập vào xứ Đàng Trong tại Thuận Hóa-Phú Xuân, được các vị Tổ sư trong chốn Thiền môn xứ Huế tiếp thu và phát triển lên đến đỉnh cao nghệ thuật, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng từ đó trở thành là một loại hình âm nhạc đặc thù của Phật Giáo xứ Huế. Điệu múa này được diễn múa theo sáu lần dâng cúng; tương ứng với mỗi lần cúng là một lễ vật cúng dường lên đức Phật gồm: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc. Vì vậy môi trường diễn xướng của điệu múa này luôn được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt như lễ An Vị Phật, lễ Lạc Thành Chùa hay lễ hội, vía Phật. Hình thức này cũng được thể hiện với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên trong các trai đàn Chẩn Tế, Giải Oan Bạt Độ, v.v. Do đó, điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng tồn tại với thời gian theo sự phát triển của văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Đến thời vua Minh Mạng (1820-1840), Lục Cúng Hoa Đăng đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình, trở thành một điệu múa đặc sắc được lưu truyền cho đến ngày nay. Trong quá trình tiến hành Lục Cúng Hoa Đăng, có một số bài tán theo các điệu tán cổ xưa trong kho tàng âm nhạc Phật Giáo như tán trạo, tán rơi, tán xấp và có cả Thài—một điệu tán rất cổ xưa—để dâng cúng trong nghi lễ cúng Phật cũng như chư Tổ, như bài Nhân Duyên ở trên, hay bài La Liệt (羅列) được đề cập trong Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Hạ: “La liệt hương hoa kiến bảo đàn, trùng trùng Phật cảnh nhất hào đoan, tâm dung diệu lí hư không tiểu, đạo khế chơn như pháp giới khoan, tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn, hóa thân đằng xứ mộ vân phiền, hương yên đôi lí chiêm ứng hiện, vạn tượng sum la hải ấn hàm (羅列香花建寶壇、重重佛境一毫端、心融妙理虛空小、道契眞如法界寬、相好慈悲秋月滿、化身騰處暮雲繁、香煙堆裏瞻應現、萬象森羅海印含, la liệt hương hoa lập báu đàn, hàng hàng cảnh Phật sợi lông bằng, tâm thâu lí mầu hư không nhỏ, đạo hợp chơn như pháp giới tròn, tướng tốt từ bi trăng thu rọi, hóa thân khắp chốn mây chiều tan, trong làn mây khói chư Phật hiện, vạn pháp bao la biển trí hàm).” Hoặc bài Phật [Phù] Diện (佛面) được tìm thấy trong Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ (瑜伽集要施食儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1080), Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển Thượng, Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Toản Yếu Nghi Quỹ (瑜伽燄口註集纂要儀軌, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1084) quyển Thượng, v.v.: “Phật diện do như tịnh mãn nguyệt, diệc như thiên nhật phóng quang minh, viên quang phổ chiếu ư thập phương, hỷ xả từ bi giai cụ túc (佛面猶如淨滿月、亦如千日放光明、圓光普照於十方、喜捨慈悲皆具足, mặt Phật giống như trăng tròn lắng, cũng như ngàn trời tỏa hào quang, ánh sáng chiếu khắp cõi mười phương, hỷ xả từ bi thảy đầy đủ)”, v.v.
(元慶寺, Genkei-ji): ngôi chùa của Thiên Thai Tông, hiện tọa lạc tại Yamashina-ku (山科區), Kyoto-shi (京都市), tên núi là Hoa Đảnh Sơn (華頂山), tượng thờ chính là Dược Sư Như Lai. Người khai sáng chùa là Tăng Chánh Biến Chiếu (遍照), rất nổi danh về thi ca. Vào năm đầu (877) niên hiệu Nguyên Khánh (元慶), thể theo sắc chỉ của hai Thiên Hoàng Thanh Hòa (清和) và Dương Thành (陽成), chùa được xây dựng gần bên Hoa Sơn (華山), thuộc vùng Sơn Khoa (山科, Yamashina). Mặc dầu hiện tại chùa rất nhỏ, những vẫn nổi tiếng với tư cách là một trong 33 ngôi cổ sát thường được chiêm bái ở vùng Tây Quốc (西國). Chính Hoa Sơn Pháp Hoàng (華山法皇) là người khởi đầu cho truyền thống chiêm bái này. Trong khuôn viên vườn chùa có mộ của Tăng Chánh Biến Chiếu. Tôn tượng Dược Sư Như Lai là kiệt tác của Biến Chiếu, còn tượng Hiếp Thị A Di Đà Phật là của Từ Giác Đại Sư (慈覺大師), tượng Tỳ Sa Môn Thiên Vương là tác phẩm của Vận Khánh (運慶). Ngoài ra còn có một số tượng tự tác của Biến Chiếu và Hoa Sơn Pháp Hoàng.
(元霄): lễ hội truyền thống rất quan trọng, vốn phát xuất từ Trung Quốc, được tiến hành vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, sau dịp tiết xuân; còn gọi là Tiểu Chánh Nguyệt (小正月), Nguyên Tịch (元夕), Đăng Tiết (燈節), Thượng Nguyên Tiết (上元節). Như trong bài Song Đầu Mẫu Đơn Đăng Ký (雙頭牡丹燈記) của Cù Hựu (瞿佑, 1341-1427) người vùng Tiền Đường (錢塘, nay thuộc Hàng Châu [杭州], Triết Giang [浙江]) có câu: “Mỗi tuế Nguyên Tịch, ư Minh Châu trương đăng ngũ dạ, khuynh thành sĩ nữ, giai đắc túng quan (每歲元夕、於明州張燈五夜、傾城士女、皆得縱觀, mỗi năm vào dịp Nguyên Tịch, tại Minh Châu giăng đèn năm đêm, nam nữ khuynh thành đều được xem thoải mái).” Chánh nguyệt (正月, tháng Giêng) là tháng đầu tiên trong một năm, người xưa gọi là tiêu (霄); vì vậy, ngày rằm tháng Giêng được gọi là Nguyên Tiêu Tiết (元霄節, Tết Nguyên Tiêu). Đây cũng là ngày lễ hội tình nhân của người Trung Quốc. Nguồn gốc truyền thuyết về lễ hội này vốn có từ xa xưa. Có thuyết cho rằng nó được thiết lập từ thời Hán Văn Đế (漢文帝, tại vị 180-157 tcn). Tương truyền sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang (漢高祖劉邦, tại vị 202-195 tcn) qua đời, Lữ Hậu (呂后, 241-180 tcn) soán quyền, cả dòng tộc nhà họ Lữ lên năm quyền bính; sau khi ba qua đời, nhóm người Châu Bột (周勃), Trần Bình (陳平), v.v., dẹp trừ thế lực của Lữ Hậu, lập Lưu Hằng (劉恆) lên làm Hán Văn Đế. Nhân ngày bình định thế lực nhà họ Lữ và thống nhất quốc gia vào ngày rằm tháng Giêng, từ đó hằng năm vào ngày này, nhà vua thường mặc áo mỏng, ra ngoài cung nội cùng với dân chúng vui chơi thái bình, và cũng lấy ngày này làm Tết Nguyên Tiêu. Dưới thời Hán Võ Đế, hoạt động tế tự Thái Nhất Thần (太一神, các vị thần chủ tể của vũ trụ) cũng được quy định đúng ngày rằm tháng Giêng; cho nên khi Tư Mã Thiên (司馬遷, 135-90 tcn) sáng kiến ra Thái Sơ Lịch (太初歷), xác định Tết Nguyên Tiêu là lễ hội vô cùng trọng đại đối với quốc gia và dân tộc. Về truyền thống thắp đèn vào dịp Nguyên Tiêu này, nguồn gốc của nó phát xuất từ thuyết Tam Nguyên (三元) của Đạo Giáo: rằm tháng Giêng là Thượng Nguyên Tiết, rằm tháng 7 là Trung Nguyên Tiết (中元節) và rằm tháng 10 là Hạ Nguyên Tiết (下元節). Người chủ quản ba lễ hội này là 3 vị quan tên Thiên, Địa, Thủy. Thiên Quan (天官), thường được gọi là Thiên Quan Tứ Phước (天官賜福, Quan Trời Ban Phước), là người thường vui vẻ, hoan hỷ, nên vào dịp Thượng Nguyên, kỷ niệm sinh nhật của ông thì cần phải đốt đèn chúc mừng. Lại có thuyết cho rằng tục lệ giăng đèn vào dịp này vốn phát xuất từ thời đại của Minh Đế (明帝, tại vị 57-75) nhà Đông Hán. Nhà vua rất tin sùng Phật pháp, nghe rằng vào ngày rằm tháng Giêng, chúng tăng thường chiêm ngưỡng xá lợi Phật, thắp đèn cúng dường chư Phật, bèn ra lịnh cho thắp đèn cúng dường chư Phật suốt một ngày đêm tại Hoàng Cung cũng như các chùa chiền, miếu vũ và cho mọi người rước đèn đi khắp nơi. Từ đó, trở đi, nghi thức Phật Giáo này đã trở thành lễ hội truyền thống trọng đại của dân gian, phá triển từ trong cung đình ra đến ngoài dân chúng. Có thuyết khác cho rằng Lễ Thượng Nguyên là để kỷ niệm Đông Phương Sóc (東方朔, 154-93 tcn) và Nguyên Tiêu Cô Nương (元宵姑娘). Tương truyền Hán Võ Đế có một vị thần rất sủng ái tên Đông Phương Sóc, nhân vật rất hiền lương và phong lưu. Có hôm nọ vào dịp tiết đông, sau mấy ngày tuyết rơi nhiều, Đông Phương Sóc bèn đến Ngự Hoa Viên để ngắm hoa mai cùng với nhà vua, khi vừa đến cổng vườn hoa, chợt phát hiện có một người cung nữ đang khóc thảm thiết, chuẩn bị gieo mình xuống giếng tự sát. Ông hoang mang vội vàng chạy đến cứu và hỏi rõ nguyên nhân vì sao tự sát. Nguyên lai cung nữ ấy tên là Nguyên Tiêu (元宵), gia đình có song thân và một người em gái. Từ ngày vào cung nội đến nay, chưa có cơ duyên gặp người thân; cho nên cứ mỗi năm vào tháp chạp cho đến đầu xuân, thường nhớ đến gia đình, song thân, muốn báo hiếu cũng không thực hiện được; vì vậy quyết định tự sát cho xong. Nghe vậy, Đông Phương Sóc rất thông cảm cho hiếu tình cao cả của nàng cung nữ, bèn hứa sẽ tìm cách giúp nàng đoàn tụ cùng gia đình. Có hôm nọ, ông ra ngoài thành, thấy trên đường Trường An có một gian bói toán, nhiều người tranh nhau xem bói. Ai cũng bốc trúng quẻ “chánh nguyệt thập lục hỏa phần thân (正月十六火焚身, mười sáu tháng Giêng lửa thiêu thân).” Nhất thời, kinh đô Trường An sinh hỗn loạn vì quẻ bói xấu kia; mọi người đều tìm biện pháp giải quyết khỏi ách nạn ấy. Thấy vậy, Đông Phương Sóc bảo rằng: “Vào đêm 13 tháng Giêng, Thần Lửa có phái một vị Thần Nữ Áo Đỏ hạ phàm thẩm tra, vị ấy là người phụng chỉ đốt cháy Trường An. Ta sẽ thảo đôi dòng này đưa các ngươi tâu lên Thiên Tử, có thể giúp người tìm ra biện pháp.” Nói xong, ông viết lên một phong thiếp hồng, giao mọi người rồi quay về nhà. Dân chúng cầm thiếp hồng đến Hoàng Cung, tâu lên Hoàng Thượng. Hán Võ Đế xem qua, thấy có dòng chữ: “Trường An tại kiếp, hỏa phần đế khuyết, thập ngũ thiên hỏa, diệm hồng tiêu dạ (長安在劫、火焚帝闕、十五天火、焰紅宵夜, Trường An kiếp nạn, lửa thiêu cung vua, ngày rằm lửa bốc, đỏ rực đêm rằm).” Nhà vua kinh sợ, cho triệu Đông Phương Sóc đa mưu túc kế đến để tìm biện pháp giải quyết. Ông giả bộ thưa rằng: “Thần thường nghe rằng Thần Lửa rất thích bánh nếp tròn, trong cung nội có Nguyên Tiêu chẳng phải là người làm bánh nếp tròn ngon lắm sao ? Vào đêm rằm, bảo cung nữ đó làm bánh, Hoàng Thượng đích thân dâng hương cúng dường, truyền lệnh cho mỗi nhà trong kinh đô đều phải làm bánh nếp tròn để cùng nhau dâng cúng cho Thần Lửa. Rồi ra lịnh cho khắp thần dân đều cầm đèn vào đêm rằm, đốt pháo, phóng lửa khói, như thể cả thành đang bị đốt cháy. Ngoài ra, còn thông báo cho bá tánh ngoài thành, vào đêm rằm được vào thành ngắm đèn hoa; nhờ vậy mới có thể tiêu trừ tai họa và giải nạn được.” Hoàng Đế nghe xong rất cao hứng, lập tức truyền lệnh cho thực hiện phương pháp của Đông Phương Sóc. Vào đêm rằm tháng Giêng, khắp thành Trường An náo nhiệt, vui nhộn hơn bao giờ. Cả song thân và em gái Nguyên Tiêu cũng được vào thành xem hoa đăng, nhờ vậy cả gia đình nàng được đoàn tụ. Từ đó, tương truyền Hán Võ Đế hạ lịnh dâng cúng bánh nếp tròn nhân ngày rằm tháng Giêng hằng năm. Tục lệ này vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay. Từ “thang viên (湯圓, bánh nếp tròn, bánh trôi nước)” có nghĩa là “tròn nóng”, có âm đọc cùng với từ “đoàn viên (團圓, đoàn tụ, sum họp)”, tức chỉ cho sự đoàn tụ, hòa hợp, hạnh phúc của gia đình; cũng là hình thức thể hiện sự tưởng nhớ đến thân nhân ở xa, mong ngày hội ngộ, và nói lên nguyện vọng muốn có cuộc sống an bình, đoàn tụ trong tương lai. Ngoài ra, cũng có thuyết cho rằng nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua triệu tập các Trạng Nguyên đến để thết đãi và mời vào vườn Thượng Uyển ngắm hoa, làm thi phú. Hoạt động của lễ hội này phát triển theo thời gian và diễn biến của lịch sử. Như dưới thời nhà Hán, Tết Nguyên Tiêu được tiến hành trong 1 ngày, đến thời nhà Đường thì kéo dài 3 ngày, nhà Tống là 5 ngày; sang đến nhà Minh thì vào ngày mồng 8, người ta đã bắt đầu thắp đèn cho đến ngày 17. Trong ngày Tết Nguyên Tiêu, ngoài ngắm đèn, ăn bánh trôi, còn có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí, tỷ dụ như đi cà kheo, múa ương ca, múa sư tử, v.v. Đối với Việt Nam, rằm tháng Giêng cũng là một ngày rất quan trọng đối với người dân. Họ thường đến chùa lễ Phật, dâng hương tụng kinh, sám hối, cầu an để nguyện cầu cho một năm mới được an bình, hanh thông, hạnh phúc, vạn sự cát tường như ý. Bên cạnh đó, cũng nhân ngày này, tín đồ Phật tử Việt Nam thường hành lễ dâng sao giải nạn hạnh ách của một năm. Cho nên dân gian Việt Nam vẫn có câu rằng: “Lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng Giêng.” Lễ hội này đã lưu lại khá nhiều dấu ấn trong các văn chương, thi phú như trong Cựu Đường Thư (舊唐書), phần Trung Tông Kỷ (中宗紀) có đoạn: “Cảnh Long tứ niên Thượng Nguyên dạ, đế dữ Hoàng Hậu vi hành quán đăng (景龍四年上元夜、帝與皇后微行觀燈, vào đêm Thượng Nguyên năm Cảnh Long thứ 4 [710], nhà vua [Đường Trung Tông] cùng với Hoàng Hậu thân hành đi xem hoa đăng).” Hay trong Thủy Hử Truyện (水滸傳), hồi thứ 66 có kể rằng: “Thứ nhật, chánh thị chánh nguyệt thập ngũ nhật, Thượng Nguyên giai tiết, hảo sanh tình minh, hoàng hôn nguyệt thướng, lục nhai tam thị, các xứ phường ngung hạng mạch, điểm phóng hoa đăng (次日、正是正月十五日、上元佳節、好生晴明、黃昏月上、六街三市、各處坊隅巷陌、點放花燈, hôm sau, đúng vào ngày rằm tháng Giêng, tiết đẹp Thượng Nguyên, trời đất trong sáng, hoàng hôn trăng lên, sáu phố ba chợ, các nơi phố phường, hẽm ngách, đều thắp sáng thả hoa đăng).” Đặc biệt thi ca đã ca ngợi nhiều về lễ hội linh thiêng này. Tùy Dương Đế (隋煬帝, tại vị 604-618) có để lại bài Nguyên Tịch Ư Thông Cù Kiến Đăng Dạ Thăng Nam Lâu (元夕於通衢建燈夜升南樓, Ngày Nguyên Tiêu Lập Hoa Đăng Nơi Đường Lộ, Đêm Lên Lầu Nam) như sau: “Pháp luân thiên thượng chuyển, Phạm thanh thiên thượng lai, đăng thọ thiên quang chiếu, hoa diệm thất chi khai, nguyệt ảnh nghi lưu thủy, xuan phong hàm dạ lai, phần động hoàng kim địa, chung phát Lưu Ly đài (法輪天上轉、梵聲天上來、燈樹千光照、花焰七枝開、月影疑流水、春風含夜梅、燔動黃金地、鐘發琉璃台, xe pháp trên trời chuyển, tiếng Phạm vẳng trời bay, đèn cây ngàn ánh chiếu, hoa rực bảy nhánh khai, ánh trăng như nước chảy, gió xuân ngậm đêm mai, xoay động vàng ròng đất, chuông vọng Lưu Ly đài).” Thi sĩ Thôi Dịch (崔液, ?-713) nhà Đường có làm bài Thượng Nguyên Dạ (上元夜): “Ngọc lậu đồng hồ thả mạc tồi, thiết quan kim tỏa triệt dạ khai, thùy gia kiến nguyệt năng nhàn tọa, hà xứ văn đăng bất khán lai (玉漏銅壺且莫催、鐵關金鎖徹夜開、誰家見月能閒坐、何處聞燈不看來, thời gian vàng ngọc chớ giục thôi, khóa vàng cửa thiết suốt đêm khai, nhà ai trăng ngắm ngồi nhàn hạ, nào chốn nghe đèn chẳng đến xem).” Trong khi đó, Trương Hỗ (張祜, khoảng 785-849?) nhà Đường cũng có làm bài Chánh Nguyệt Thập Ngũ Dạ Đăng (正月十五夜燈) như sau: “Thiên môn khai tỏa vạn đăng minh, chánh nguyệt trung tuần động địa kinh, tam bách nội nhân liên tụ vũ, nhất tấn thiên thượng trước từ thinh (千門開鎖萬燈明、正月中旬動地京、三百內人連袖舞、一進天上著詞聲, mở tung ngàn cửa đèn sáng trong, tuần giữa tháng giêng động thần kinh, ba trăm người cùng nối áo múa, vọng đến trời cao khúc thái bình).” Thi hào Lý Thương Ẩn (李商隱, khoảng 813-858) nhà Đường có bài thơ diễn tả về phong cảnh Tết Nguyên Tiêu rằng: “Nguyệt sắc đăng sơn mãn đế đô, xa hương bảo cái ải thông cù, thân nhàn bất đổ trung hưng thịnh, tu trục hương nhân tái Tử Cô (月色燈山滿帝都、香車寶蓋隘通衢、身閒不睹中興盛、羞逐鄉人賽紫姑, trăng tỏ đèn đêm khắp đế đô, xe hương lọng báu rợp đường xa, nhàn hạ chẳng màng đời suy thịnh, dân làng dâng cúng đáp Tử Cô [theo truyền thuyết dân gian trung quốc là một cô nương bần cùng nhưng hiền lương]).” Hay như thi hào Âu Dương Tu (歐陽修, 1007-1072) nhà Tống có để lại bài Sanh Tra Tử Nguyên Tịch (生查子元夕) rằng: “Khứ niên Nguyên Dạ thời, hoa thị đăng như trú, nguyệt đáo liễu tiêu đầu, nhân ước hoàng hôn hậu, kim niên Nguyên Dạ thời, nguyệt dữ đăng y cựu, bất kiến khứ niên nhân, lệ thấp xuân sam tụ (去年元夜時、花市燈如晝、月到柳梢頭、人約黃昏後、今年元夜時、月與燈依舊、不見去年人、淚濕春衫袖, năm ngoái đêm Nguyên Tiêu, hoa đèn như ngày sáng, trăng đến trên đầu liễu, người về sau hoàng hôn, năm nay đêm Nguyên Tiêu, nguyệt cùng trăng như cũ, chẳng thấy người cũ đâu, lệ ướt tay áo mỏng).” Thi nhân Nguyên Hảo Vấn (元好問, 1190-1257) nhà Nguyên cũng có bài Kinh Đô Nguyên Tịch (京都元夕) như sau: “Huyền phục hoa trang trước xử phùng, lục nhai đăng hỏa náo nhi đồng, trường sam ngã diệc hà vi giả, dã tại du nhân tiếu ngữ trung (袨服華妝著處逢、六街燈火鬧兒童、長衫我亦何爲者、也在遊人笑語中, áo thâm hoa kết mặc theo cùng, phố phường đèn sáng rộn nhi đồng, áo rộng ta cũng là ai nhỉ, vẫn với du nhân cười nói vang).” Sau này, Kheo Phùng Giáp (丘逢甲, 1864-1912) nhà Thanh có làm bài Nguyên Tịch Vô Nguyệt (元夕無月) rằng: “Tam niên thử tịch vô nguyệt quang, minh nguyệt đa ưng tại cố hương, dục hướng hải thiên tầm nguyệt khứ, ngũ canh phi mộng độ côn dương (三年此夕無月光、明月多應在故鄉、欲向海天尋月去、五更飛夢渡鯤洋, ba năm đêm ấy chẳng sáng trăng, trăng tỏ phần nhiều tại cố hương, muốn hướng chân trời tìm trăng lặn, năm canh cỡi mộng vượt ngàn trùng).” Ngoài ra, còn một số câu đối liễn được dùng để treo nhân dịp Tết Nguyên Tiêu, như: “phong thanh nguyệt lãng, đăng thái tinh huy (風清月朗、燈彩星輝, gió mát trăng thanh, đèn rực sao tỏ)”, “vô biên xuân sắc, hữu khánh niên đầu (無邊春色、有慶年頭, vô biên sắc xuân, tốt đẹp đầu năm)”, “nguyệt quang kiểu khiết, nhân chúc huy hoàng (月光皎潔、銀燭輝煌, ánh trăng sáng tỏ, đèn hoa huy hoàng)”, “vạn gia Nguyên Tịch yến, nhất lộ thái bình ca (萬家元夕宴、一路太平歌, vạn nhà đón Nguyên Tịch, một cõi thái bình ca)”, “minh nguyệt thiên môn tuyết, ngân đăng vạn thọ hoa (明月千門雪、銀燈萬樹花, trăng tỏ ngàn nhà tuyết, đèn trong vạn cây hoa)”, “phóng thủ kình minh nguyệt, khai tâm lạc Nguyên Tiêu (放手擎明月、開心樂元宵, buông tay nâng trăng sáng, mở lòng vui Nguyên Tiêu)”, “vạn hộ quản huyền ca thạnh thế, mãn thiên diệm hỏa diệu xuân quang (萬戶管弦歌盛世、滿天焰火耀春光, vạn nhà gãy đàn ca đời thịnh, khắp trời lửa rực tỏa ánh xuân)”, “thiên không minh nguyệt tam thiên giới, nhân túy xuân phong thập nhị lâu (天空明月三千界、人醉春風十二樓, trời cao trăng tỏ ba ngàn cõi, người say xuân gió mười hai lầu)”, “Ngũ dạ tinh kiều liên Nguyệt Điện, lục nhai đăng hỏa bộ Thiên Thai (五夜星橋連月殿、六街燈火步天台, năm đêm sao cầu nối Cung Nguyệt, sáu đường đèn rực bước Thiên Thai)”, “ngọc vũ vô trần thiên khoảnh bích, ngân hoa hữu diệm vạn gia xuân (玉宇無塵千頃碧、銀花有焰萬家春, nhà ngọc không bụi ngàn dặm sáng, hoa đồng tỏa rạng vạn chốn xuân)”, v.v.
(知恩院, Chion-in): ngôi chùa Tổng Bản Sơn của Tịnh Độ Tông, hiện tọa lạc tại Higashiyama-ku (東山區), Kyoto (京都市), gọi cho đủ là Hoa Đảnh Sơn Tri Ân Giáo Viện Đại Cốc Tự (華頂山知恩敎院大谷寺). Pháp Nhiên Thượng Nhân (法然上人, Hōnen Shōnin) được xem như là người khai sơn ngôi viện này, và vị pháp đệ của ông Thế Quán Phòng Nguyên Trí (勢觀房源智) là người sáng kiến. Vào năm 1175, qua bộ Quán Kinh Sớ (觀經疏) của Thiện Đạo Đại Sư (善導大師), Pháp Nhiên Thượng Nhân ngộ được rằng việc xưng danh hiệu Di Đà là con đường thích hợp với bản nguyện của Như Lai, nên ông khai sáng ra Tịnh Độ Tông. Sau đó, ông dựng một ngôi thảo am ở vùng Cát Thủy (吉水, Yoshimizu), cho dù có bị áp bức thế nào đi nữa ông vẫn truyền bá pháp môn Niệm Phật, và đến năm 1211, lúc 80 tuổi, ông thị tịch ở Thiền phòng (nay là thuộc nơi gần bên Thế Chí Đường) nơi vùng Đại Cốc (大谷, Ōtani) thuộc Đông Sơn (東山, Higashiyama). Chúng môn đệ của ông mới an táng di cốt của ông nơi một góc phòng ở, rồi lập nên Miếu Đường để thờ phụng. Sau đó, phòng xá này bị chúng đồ của Sơn Môn phá hại, nên hài cốt của Thượng Nhân được dời về vùng Tha Nga (嵯峨, Saga), rồi làm lễ Trà Tỳ ở vùng Lật Sanh Dã (栗生野, nay ở cạnh bên Quang Minh Tự [光明寺]), và đem an táng ở vùng Tiểu Thương Sơn (小倉山). Về sau, vào năm 1234, Thế Quán Phòng Nguyên Trí lo sợ di tích ở vùng Đại Cốc bị phế diệt, nên mới thỉnh cầu Tứ Điền Thiên Hoàng (四條天皇, Shijō Tennō), và xây dựng lại Điện Phật, Ảnh Đường, Tổng Môn, v.v, lấy tên là Đại Cốc Tự (大谷寺). Nguồn gốc của chùa này là như vậy. Sau đó các đường vũ dần dần được xây dựng thêm, chùa trở rất hưng thạnh với tư cách là bản cứ của Tịnh Độ Tông, song đến năm 1434 chùa lại bị cháy rụi tan tành do hỏa tai. Đến thời vị Tổ đời thứ 20 của chùa là Không Thiền (空禪, Kūzen), ông mới thỉnh cầu sự ủng hộ của Tướng Quân Túc Lợi Nghĩa Giáo (足利義敎, Ashikaga Yoshinori), rồi mãi mấy năm sau thì mới tái kiến được các ngôi đường vũ và làm cho cảnh quan cũ trở lại như xưa. Vào năm 1467, nhân vụ loạn Ứng Nhân (應仁), chùa lại bị thiêu cháy rụi, vị Tổ kế thế đời thứ 22 của chùa là Châu Dữ (周與) thì chạy trốn lên vùng Cận Giang (近江, Ōmi), và xây dựng lên một ngôi chùa khác. Đây chính là ngôi Tân Tri Ân Viện (新知恩院) ngày nay. Rồi đến 11 năm sau, tức vào năm 1478, ông thỉnh cầu Túc Lợi Nghĩa Chính (足利義政), xây dựng lại A Di Đà Đường và Ngự Ảnh Đường ở vùng đất cũ. Nhưng sau đó thì chùa cũng mấy lần bị hỏa hoạn cháy tan tành, mãi đến năm 1524 chùa mới được Hậu Bá Nguyên Thiên Hoàng (後柏原天皇, Gokashiwabara Tennō) cho phép gọi tên là Tổng Bản Sơn của Tịnh Độ Tông. Rồi Hậu Nại Lương Thiên Hoàng (後奈良天皇, Gonara Tennō) còn gởi sắc phong ban tên chùa là Tri Ân Giáo Viện Đại Cốc Tự (知恩敎院大谷寺). Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) thì quy y với vị đệ tử kế thế đời thứ 29 của chùa là Tôn Chiếu (尊照, Sonshō), cho nên Đại Ngự Ảnh Đường rồi các ngôi đường vũ khác đươc xây dựng lên, đăc biệt Cung Môn Tích (宮門跡) là nơi xuống tóc xuất gia của vị Hoàng Tử thứ 8 của Dương Thánh Thiên Hoàng (陽成天皇, Yōzei Tennō) là Lương Vụ Thân Vương (良輔親王). Tuy nhiên, ngôi già lam do Gia Khang tạo dựng cũng biến thành tro bụi vào năm 1633, rồi sau đó thì vị Tướng Quân đời thứ 3 của dòng họ Đức Xuyên là Gia Quang (家光, Iemitsu) mới phục hưng lại cảnh quang như xưa. Sau thời Gia Quang, đời đời con cháu dòng họ Đức Xuyên cũng luôn thâm tín quy ngưỡng với chùa này, và đã cúng dường ngoại hộ rất nhiều vô số kể. Đến thời Minh Trị, chùa được công nhiên gọi tên là chùa Môn Tích. Thêm vào đó, vào năm 1887, chức Quản Trưởng của Tịnh Độ Tông cũng được chế định ra để thống suất toàn giáo đồ Sơn Môn. Hiện tại, chánh điện chùa (tức Ngự Ảnh Đường), kiến trúc được Đức Xuyên Gia Quang tái kiến vào năm 1633, là kiến trúc đồ sộ được xếp nhất nhì ở vùng Kyoto. Ngoài ra Tam Môn, Đường Môn, Kinh Tàng, Thế Chí Đường, Đại Phương Trượng, Tiểu Phương Trượng, v.v, là những quần thể được kiến trúc được xếp vào di sản văn hóa quốc gia. Hiện chùa vẫn còn lưu lại nhiều bảo vật quý giá như 48 quyển tranh vẽ về Pháp Nhiên Thượng Nhân, tranh vẽ 25 vị Bồ Tát Lai Nghênh, v.v.
(依稀、依希、依俙): có ba nghĩa. (1) Lờ mờ, mơ hồ, không sáng tỏ. Như trong bào thơ Hành Điền Đăng Hải Khẩu Bàn Tự Sơn (行田登海口盤嶼山) của Tạ Linh Vận (謝靈運, 385-433) nhà Tống thời Nam Triều có câu: “Y hi thái lăng ca, phảng phất hàm tần dung (依稀採菱歌、彷彿含嚬容, mơ hồ ca hái ấu, phảng phất dáng u sầu).” Hay trong bài thơ Chí Hòa Nguyên Niên Tứ Nguyệt Nhị Thập Nhật Dạ Mộng Giác Nhi Lục Chi (至和元年四月二十日夜夢覺而錄之) cũng có câu: “Hoảng lãng thiên khai Vân Vụ Các, y hi thân tại Phụng Hoàng Trì (滉朗天開雲霧閣、依稀身在鳳皇池, rực rỡ trời bày Mây Sương Gác, mơ hồ thân tại Phụng Hoàng Hồ).” (2) Tương tự, giống như. Như trong bài Di Tống Tiểu Trứ Thư (貽宋小著書) của Điền Tích (田錫, 940-1004) nhà Tống có câu: “Vi văn vi thi, vi minh vi tụng, vi châm vi tán, vi phú vi ca, nhân ôn vẫn hợp, tâm dữ ngôn hội, nhậm kỳ hoặc loại ư Hàn, hoặc tiêu ư Liễu, hoặc y hi ư Nguyên Bạch, hoặc phảng phất ư Lý Đỗ (爲文爲詩、爲銘爲頌、爲箴爲贊、爲賦爲歌、氤氳吻合、心與言會、任其或類於韓、或肖於柳、或依稀於元白、或髣髴於李杜, là văn là thơ, là bài minh là bài tụng, là bài châm là bài tán, là bài phú là bài ca, như khí trời đất hòa hợp, tâm và lời gặp nhau, cho dù nó hoặc giống với Hàn Dũ [768-824], hoặc như Liễu Tông Nguyên [773-819], hay tương tự với Nguyên Chẩn [779-813] và Bạch Cư Dị [772-846], hay giống với Lý Bạch [701-762] và Đỗ Phủ [712-770]).” (3) Nhỏ mọn, chút ít. Như trong bài Tế Trần Tiên Bối (祭陳先輩) của Hoàng Thao (黃滔, 840-911) nhà Đường có câu: “Cẩn dĩ y hi sơ quả, nhất nhị tinh thành, nguyện minh phù ư hật hưởng, thân vĩnh quyết ư u minh (謹以依稀蔬果、一二精誠、願冥符於肹蠁、申永訣於幽明, xin lấy rau quả ít ỏi, một hai tấc thành, nguyện thầm chứng thảy cùng khắp, mong trối trăn chốn âm dương).” Trong Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Đại Trai Phổ Lợi Đạo Tràng Tánh Tướng Thông Luận (法界聖凡水陸大齋普利道塲性相通論, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1498) quyển 9 có đoạn: “Nhân thiên hình tượng, diện mục y hi, y thường đạm bạc, thần tình phiêu động, tợ vô sở y, tợ hữu sở y (人天形像、面目依稀、衣裳淡白、神情飄動、似無所依、似有所依, hình tượng trời người, mặt mày giống hệt, áo quần đạm bạc, tinh thần lay động, như không chỗ nương, như có chỗ nương).” Hay trong Trạm Nhiên Viên Trừng Thiền Sư Ngữ Lục (湛然圓澄禪師語錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 72, No. 1444) quyển 8, phần Ưng Khòa Đảnh Vân Tụ Am Vô Hoại Quan Chủ (鷹窠頂雲岫菴無壞關主), lại có đoạn: “Tích nhật văn danh vị kiến y, kim triêu dung mạo thượng y hi, thiên nhai hải giác tầm tương tợ, nhược cá mi mao bất hạ thùy (昔日聞名未見伊、今朝容貌尚依稀、天涯海角尋相似、若個眉毛不下垂, ngày xửa nghe danh chẳng thấy hình, sáng nay dung mạo lại mờ thinh, bờ trời góc bể tìm tương tự, giống mấy lông mày chẳng rũ hàng).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.218.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập