Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Hiên ngự »»
(白虎): hổ trắng, trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, là tên gọi của 1 trong 4 vị thần. Căn cứ học thuyết Ngũ Hành (五行), đây là con linh thú đại biểu cho phương Tây, hình tượng là con hổ màu trắng, đại diện cho mùa Thu. Trong Nhị Thập Bát Tú (二十八宿), nó là tên gọi chung của 7 ngôi sao ở phương Tây gồm: Khuê (奎), Lâu (婁), Vị (胃), Mão (昴), Tất (畢), Tuy (觜) và Sâm (參). Cho nên trong Thái Thượng Hoàng Lục Trai Nghi (太上黃籙齋儀) quyển 44 của Đạo Giáo gọi Bạch Hổ Tây Đẩu Tinh Quân (白虎西斗星君) là: “Khuê Tú Thiên Tướng Tinh Quân, Lâu Tú Thiên Ngục Tinh Quân, Vị Tú Thiên Thương Tinh Quân, Mão Tú Thiên Mục Tinh Quân, Tất Tú Thiên Nhĩ Tinh Quân, Chuy Tú Thiên Bình Tinh Quân, Tham Tú Thiên Thủy Tinh Quân (奎宿天將星君、婁宿天獄星君、胃宿天倉星君、昴宿天目星君、畢宿天耳星君、觜宿天屛星君、參宿天水星君).” Người thời nhà Hán xem con hổ là tượng trưng cho vua của trăm thú. Tương truyền khi một con hổ sống đến 500 tuổi thì lông của nó tự nhiên biến thành màu trắng; cho nên hổ trắng được xem như là đại diện cho một loại linh vật. Khi bậc đế vương có đủ tài đức hay lúc thiên hạ thái bình thì loại thần thú này xuất hiện. Vì màu trắng đại biểu cho phương Tây, nên hổ trắng là thần bảo vệ phương Tây. Trong Đạo Môn Thông Giáo Tất Dụng Tập (道門通敎必用集) quyển 7 có giải thích rằng: “Tây phương Bạch Hổ thượng ứng Chuy tú, anh anh tố chất, túc túc thanh âm, uy nhiếp cầm thú, khiếu động sơn lâm, lai lập ngô hữu (西方白虎上應觜宿、英英素質、肅肅聲音、威攝禽獸、嘯動山林、來立我右, hổ trắng phương Tây trên ứng với sao Chuy, tinh túy nguyên chất, nghiêm nghị âm thanh, uy nhiếp cầm thú, rống động núi rừng, đến bên phải ta).” Hổ trắng là chiến thần, tức là thần sát phạt, do tinh tú biến thành, có đủ quyền năng thần lực như trừ tà, giải trừ tai ương, cầu no đủ, trị ác, khuyến thiện, ban tài lộc, kết lương duyên, v.v. Sở dĩ hổ trắng đại diện cho phương Tây vì trong Ngũ Hành, phương Tây thuộc về Kim, màu trắng. Cho nên tên gọi Bạch Hổ không phải căn cứ vào màu sắc, mà vốn có do Ngũ Hành. Đạo Giáo cũng lấy hổ trắng làm thuật ngữ luyện đơn, như trong Vân Cấp Thất Hy (雲笈七羲) quyển 72 có dẫn bài Cổ Kinh (古經), cho rằng: “Bạch Hổ giả, Tây phương Canh Tân Kim Bạch Kim dã, đắc chân nhất chi vị (白虎者、西方庚辛金白金也、得眞一之位, Bạch Hổ là Kim, Bạch Kim thuộc Canh Tân ở phương Tây, đắc chân vị số một).” Ngoài ra, Bạch Hổ còn là hình tượng của một hung thần; như trong Hiệp Kỷ Biện Phương (協紀辨方) có dẫn nhân Nguyên Bí Xu Kinh (元秘樞經): “Bạch Hổ giả, tuế trung hung thần dã, thường cư tuế hậu Tứ Thần, sở cư chi địa, phạm chi, chủ hữu tang phục chi tai (白虎者、歲中凶神也、常居歲後四辰、所居之地、犯之、主有喪服之災, Bạch Hổ là hung thần trong năm, thường cư bốn mùa sau một năm; vùng đất ngài sống, nếu phạm phải, chủ yếu có tai họa tang phục).” Thuật Phong Thủy chỉ Bạch Hổ là địa hình phía bên phải huyệt núi; như trong Táng Kinh (葬經) của Quách Phác (郭璞, 276-324) nhà Đông Tấn có cho rằng: “Địa hữu tứ thế, khí tùng bát phương, cố táng giả dĩ tả vi Thanh Long, hữu vi Bạch Hổ (地有四勢、氣從八方、故葬者以左爲青龍、右有白虎, đất có bốn thế, khí từ tám hướng, cho nên người chôn cất gọi bên trái là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ).” Hay Bạch Hổ còn là tên gọi của con đường lớn bên phải, như trong Dương Trạch Thập Thư (陽宅十書) quyển 1 có câu: “Phàm trạch, hữu hữu trường đạo vị chi Bạch Hổ (凡宅、右有長道謂之白虎, phàm nhà phía bên phải có đường dài, được gọi là Bạch Hổ).” Trong Bắc Cực Thất Nguyên Tử Diên Bí Quyết (北極七元紫延秘訣) có đề cập đến hiệu của Bạch Hổ là “Giám Binh Thần Quân (監兵神君).”
(半言): nửa lời, còn gọi là bán kệ (半偈, nửa bài kệ). Theo Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經) quyển 14, Phẩm Thánh Hạnh (聖行品), xưa kia khi Như Lai chưa xuất hiện trên đời, lúc bấy giờ đức Phật Thích Ca thị hiện là một người ngoại đạo Bà La Môn, tinh thông hết thảy các học vấn, hành vi rất nhu hòa, tịch tĩnh, tâm thanh tịnh, vô nhiễm. Vị ấy có chí nguyện muốn tìm học kinh điển Đại Thừa; nhưng trãi qua một thời gian lâu mà không có kết quả. Sau ông vào trong núi Tuyết Sơn tu khổ hạnh, hành Thiền định và chờ đợi đấng Như Lai xuất hiện để được nghe giáo pháp Đại Thừa. Thấy vậy, Trời Đế Thích bèn biến hóa thành một con quỷ La Sát rất hung dữ, đáng sợ, bay đến gần chỗ vị tiên nhân, rồi lớn tiếng tuyên thuyết nửa bài kệ tụng do trước kia đã từng nghe từ đức Như Lai rằng: “Chư hành vô thường, hữu sinh hữu diệt (諸行無常、有生有滅, các hành vô thường, có sinh thì có diệt)”, và đến bên tiên nhân đảo mắt hung tợn nhìn khắp bốn phương. Nghe xong nửa bài kệ này, tiên nhân cảm thấy như có được thuốc hay để trị lành căn bệnh lâu ngày, như rơi xuống nước mà được thuyền cứu vớt, như đất hạn hán lâu ngày gặp nước mưa, như thân hình bị giam hãm lâu ngày nay được phóng thích; nên thân tâm rất hoan hỷ. Tiên nhân đứng dậy nhìn quanh, chỉ thấy con quỷ La Sát thân hình hung tợn, nên rất hồ nghi không biết ai đã tuyên thuyết câu kệ vi diệu như vậy; cuối cùng mới biết do con quỷ La Sát thuyết. Vị tiên nhân chí thành cầu xin con quỷ nói tiếp nửa bài kệ sau; sau nhiều lần thử thách, con quỷ vẫn không bằng lòng; cho nên vị tiên nhân phát nguyện hiến cả thân mạng cho con quỷ đói, chỉ với mục đích là nghe được chánh pháp mà thôi. Nhân đó, quỷ La Sát thuyết nửa bài kệ sau: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc (生滅滅已、寂滅爲樂, Sinh diệt diệt hết, vắng lặng an vui)”. Nghe xong, vị Bà La Môn biết câu kệ này rất có lợi ích cho mọi người, liền khắc lên khắp nơi như vách đá, thân cây, v.v., để lưu truyền cho hậu thế. Sau đó, ông leo lên cây cao, buông mình xuống để xả thân cho con quỷ đói ăn, theo như lời phát nguyện. Lúc bấy giờ, trên không trung văng vẳng âm thanh vi diệu, các vua trời cùng Trời Đế Thích hiện nguyên thân hình đón lấy thân thể vị Bà La Môn, cung kính đãnh lễ và cầu xin hóa độ cho họ trong tương lai. Nhờ nhân duyên xả thân mạng để nghe được nửa câu kệ như vậy, sau 12 kiếp tu hành, vị Bà La Môn thành Phật trước cả Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, 彌勒). Hơn nữa, trong Bách Nghiệp Kinh (百業經), có đề cập đến câu chuyện tiền thân của đức Phật là của Tích Phổ Quốc Vương (昔普國王) cũng tương tự như vậy; song nội dung chuyện và văn kệ có phần khác. Đức vua là người có tâm từ bi lớn, chuyên bố thí khắp mọi người, thương yêu thần dân hết mực. Trời Đế Thích thấy vậy muốn thử tâm của nhà vua, bèn biến thành con quỷ La Sát, đến trước vua tuyên thuyết nửa bài kệ rằng: “Chư pháp giai vô thường, nhất thiết sinh diệt tánh (諸法皆無常、一切生滅性, các pháp đều vô thường, tất cả có tánh sinh diệt)”. Nghe xong pháp xong, đức vua sanh tâm hoan hỷ, liền cung kính đãnh lễ La Sát và cầu xin cho nghe nửa bài kệ sau với lời phát nguyện sẽ dâng hiến thịt máu của vua cho con quỷ. Trước lời thỉnh cầu chí thành của nhà vua, quỷ La Sát nói tiếp nửa bài kệ sau là: “Sinh diệt tức diệt tận, bỉ đẳng tịch diệt lạc (生滅卽滅盡、彼等寂滅樂, Sinh diệt đã diệt hết, ấy niềm vui vắng lặng)”. Sau khi nghe được cả bài kệ, đức vua lấy toàn bộ thịt máu của mình dâng cho quỷ La Sát. Lúc bấy giờ, đại địa chấn động, trời người rải hoa cúng dường và tán thán đại nguyện của Tích Phổ Quốc Vương. Sau này, Huyền Trang (玄奘, 602-664) có làm bài “Đề Bán Kệ Xả Thân Sơn (題半偈捨身山)” rằng: “Hốt văn bát tự siêu thi cảnh, bất tích đơn xu xả thử sơn, kệ cú thiên lưu phương thạch thượng, nhạc âm thời tấu bán không gian (忽聞八字超詩境、不惜丹軀捨此山、偈句篇留方石上、樂音時奏半空間, chợt nghe tám chữ siêu thi hứng, chẳng tiếc thân mình bỏ núi non, câu kệ còn lưu trên vách đá, nhạc âm vang vọng nửa không gian)”. Ngoài ra, Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 675-713), tác giả của bài Chứng Đạo Ca (証道歌), cũng có Bán Cú Kệ rằng: “Sanh dã điên đảo, tử dã điên đảo (生也顚倒、死也顚倒, sống cũng điên đảo, chết cũng điên đảo).”
(寶相): có mấy nghĩa khác nhau. (1) Chỉ cho hình tượng đế vương. Như trong bài Văn Tương Hoàng Đế Kim Tượng Minh (文襄皇帝金像銘) của Hình Thiệu (邢邵, 496-?) nhà Bắc Tề có câu: “Thần nghi nội oánh, bảo tướng ngoại tuyên (神儀內瑩、寶相外宣, dáng thần trong sáng, tướng báu ngoài rõ).” (2) Tên của loài hoa, thuộc một loại của hoa Tường Vi. (3) Chỉ hình tướng của chư Phật trang nghiêm, tôn quý như của báu. Như trong bài Đầu Đà Tự Bi Văn (頭陀寺碑文) của Vương Triệt (王屮, ?-?) nhà Lương thời Nam Triều có câu: “Kim tư bảo tướng, vĩnh tạ nhàn an (金資寶相、永藉閑安, dáng vàng tướng báu, mãi hiện an nhàn).” Trong Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 65, No. 1277) quyển 5, phần Chư Ban Kệ Tán Môn (諸般偈讚門), có câu: “Vạn thánh khuynh tâm chiêm bảo tướng, cửu long phún thủy dục kim thân (萬聖傾心瞻寶相、九龍吐水浴金身, muôn thánh dốc lòng xem tướng báu, chín rồng phun nước tắm thân vàng).”
(悲悴, 悲瘁): buồn thương, bi thương, đau xót. Trong Vấn Tiến Sĩ Sách Đề Ngũ Đạo (問進士策題五道) của Âu Dương Tu (歐陽修, 1007-1072) nhà Tống có đoạn: “Nhất nhân chi vi vịnh ca, hoan lạc bi tụy nghi nhược sở hệ giả vị vi trọng hỉ (一人之爲詠歌、歡樂悲瘁宜若所繫者未爲重矣, một người vì vịnh ca, hoan lạc, buồn thương, nên nếu ai bị trói buộc thì vẫn chưa xem là trọng).” Lại nữa, trong Hiền Ngu Kinh (賢愚經) quyển thứ 3, Cứ Đà Thân Thí Phẩm (鋸陀身施品) thứ 15 có đoạn: “Thiên thời thạnh thử, đáo nhiệt sa đạo, thần càn khát phạp, uất chưng dục tử, cùng toan khổ thiết, bi tụy nhi ngôn: 'Thùy hữu từ bi, căng mẫn ngã giả, đương kiến chửng tế, cứu ngã thân mạng (天時盛暑、到熱沙道、唇乾渴乏、鬱蒸欲死、窮酸苦切、悲悴而言、誰有慈悲、矜愍我者、當見拯濟、救我身命, lúc ấy trời nóng bức, sức nóng bốc lên trên đường cát, môi khô khát mệt, hơi bốc muốn chết, hết chua đắng cạn, buồn đau nói rằng: 'Ai có từ bi, thương xót tôi với, thấy vậy cứu vớt, cứu thân mạng tôi).”
(s: Bodhidharma, 菩提達磨, ?-495, 346-495, ?-528, ?-536): xưa kia người ta viết chữ Ma là 摩, nhưng về mặt truyền thống thì viết là 磨. Các học giả Cận Đại thì viết là 磨, khi xem Đại Sư như là vị Tổ sư; còn viết là 摩 khi xem như là nhân vật lịch sử. Theo hệ thống truyền đăng của Thiền Tông, Đại Sư là vị Tổ thứ 28 của Tây Thiên (Ấn Độ), và là sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Những truyền ký về Đạt Ma thì xưa nay đều y cứ vào bản Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄, năm 1004) cũng như Bồ Đề Đạt Ma Chương (菩提達磨章); nhưng theo những nghiên cứu gần đây, người ta có khuynh hướng cấu thành truyền ký về ông dựa trên những tư liệu xưa hơn hai tư liệu vừa nêu trên. Tư liệu về Đạt Ma Truyện thì có nhiều loại như Lạc Dương Già Lam Ký (洛陽伽藍記, năm 547), Đàm Lâm Nhị Chủng Nhập (曇琳二種入, khoảng năm 600), Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, năm 645), Truyền Pháp Bảo Ký (傳法寳記, khoảng năm 712), Lăng Già Sư Tư Ký (楞伽師資記, khoảng năm 713, 716), Lịch Đại Pháp Bảo Ký (歷代法寳記, khoảng năm 774), Bảo Lâm Truyện (寳林傳, năm 801), Tổ Đường Tập (祖堂集, năm 952), v.v. Thông qua Bảo Lâm Truyện từ đó các ký lục của Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Truyền Pháp Chánh Tông Ký (傳法正宗記, năm 1061), v.v., được hình thành. Lại nữa, chúng ta cần phải lưu ý đến những văn bản như Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ (內證佛法相承血脈譜, năm 819) của Tối Trừng (最澄, Saichō), Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận (菩提達摩南宗定是非論, năm 732), Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa (問答雜徴義) của Thần Hội (神會), rồi Thiền Môn Sư Tư Tương Thừa Đồ (禪門師資相承圖), Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序), Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao (圓覺經大疏鈔) của Tông Mật (宗密). Từ đó, xét về tiểu sử của Đạt Ma, ta thấy rằng Đại Sư sanh ra ở nước Ba Tư (波斯) hay Nam Thiên Trúc (南天竺). Theo như tài liệu mới thành lập sau này cho thấy rằng ông là người con thứ 3 của quốc vương nước này. Ông kế thừa dòng pháp của Bát Nhã Đa La (s: Prajñātara, 般若多羅), rồi sau đó sang Trung Quốc. Bảo Lâm Truyện thì cho rằng ông đến Quảng Châu (廣州) vào ngày 21 tháng 9 năm thứ 8 (527) niên hiệu Phổ Thông (普通) nhà Lương. Bản ghi rõ ngày tháng thì có Bảo Lâm Truyện này, nhưng đời sau lại có khá nhiều dị thuyết xuất hiện. Sự việc vua Lương Võ Đế (武帝, tại vị 502-549) xuất hiện trong câu chuyện Đạt Ma, lần đầu tiên được tìm thấy trong Nam Tông Định Thị Phi Luận và Vấn Đáp Tạp Chưng Nghĩa; còn các tư liệu trước đó thì không thấy. Câu trả lời “vô công đức (無功德, không có công đức)” của Đạt Ma đối với vua Lương Võ Đế, mãi cho đến bản Tổ Đường Tập mới thấy xuất hiện. Về sau, Đạt Ma đến tại Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (嵩山少林寺), ngồi xoay mặt vào vách tường suốt 9 năm trường. Còn câu chuyện Huệ Khả (慧可) tự mình chặt tay giữa lúc tuyết rơi rồi dâng lên cho Đạt Ma để cầu pháp, lần đâu tiên được ghi lại trong Lăng Già Sư Tư Ký; nhưng Tục Cao Tăng Truyện thì lại cho rằng Huệ Khả gặp bọn cướp giữa đường và bị chặt tay. Môn nhân của Đạt Ma có 4 nhân vật nổi tiếng là Đạo Dục (道育), Huệ Khả (慧可), Ni Tổng Trì (尼總持) và Đạo Phó (道副). Đại Sư có trao truyền cho Huệ Khả 4 quyển Kinh Lăng Già, y Ca Sa, và bài kệ phú pháp. Bài này được ghi lại trong Bảo Lâm Truyện. Bản Lạc Dương Già Lam Ký có ghi rằng lúc khoảng 150 tuổi, Đạt Ma tán thán cảnh sắc hoa mỹ của chốn già lam Vĩnh Ninh Tự (永寧寺), rồi xướng danh hiệu Nam Mô, chấp tay mà thị tịch. Còn việc Đạt Ma bị giết chết bằng thuốc độc có ghi lại trong Truyền Pháp Bảo Ký. Trong Lịch Đại Pháp Bảo Ký có đề cập rằng Bồ Đề Lưu Chi (s: Bodhiruci, 菩提流支) và Quang Thống Luật Sư (光統律師, tức Huệ Quang [慧光]) đã trãi qua 6 lần bỏ thuốc độc hại Đạt Ma. Về năm Ngài thị tịch, Bảo Lâm Truyện có ghi là vào ngày mồng 5 tháng 12 năm Bính Thìn (536), đời vua Hiếu Minh Đế (孝明帝, tại vị 515-528) nhà Hậu Ngụy. Trong khi đó, bản bia minh của Huệ Khả thì ghi ngày mồng 5 tháng 12 năm thứ 2 (536) niên hiệu Đại Đồng (大同). Bản Tổ Đường Tập thì ghi là năm thứ 19 (495) niên hiệu Thái Hòa (太和); và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thì ghi là ngày mồng 5 tháng 10 cùng năm trên; hưởng thọ 150 tuổi. Ngài được an táng tại Hùng Nhĩ Sơn (熊耳山), nhưng theo vị sứ nhà Đông Ngụy là Tống Vân (宋雲), ông gặp Đạt Ma ở Thông Lãnh (葱嶺) đang quảy một chiếc hài đi về hướng Tây; nên khi trở về nước, ông cho mở quan tài ra để xem hư thực, mới phát hiện bên trong quan tài chỉ còn lại một chiếc hài mà thôi. Tương truyền vua Võ Đế soạn bài bia minh tháp. Vua Đại Tông ban cho Đạt Ma thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư (圓覺大師); trong bản văn tế của Chiêu Minh Thái Tử (昭明太子) thì gọi là Thánh Trụ Đại Sư (聖胄大師). Những soạn thuật của Đại Sư được lưu truyền cho đến nay có Nhị Chủng Nhập (二種入), Tâm Kinh Tụng (心經誦), Phá Tướng Luận (破相論), An Tâm Pháp Môn (安心法門), Ngộ Tánh Luận (悟性論), Huyết Mạch Luận (血脈論), được thâu tập thành bản gọi là Thiếu Thất Lục Môn (少室六門). Còn trong Thiền Môn Nhiếp Yếu (禪門攝要) của Triều Tiên có thâu lục Huyết Mạch Luận, Quán Tâm Luận (觀心論), Tứ Hành Luận (四行論). Sau này trong các văn bản được khai quật ở động Đôn Hoàng (敦煌) còn có Nhị Nhập Tứ Hành Luận (二入四行論), Tạp Lục (雜錄), Tuyệt Quán Luận (絕觀論), Vô Tâm Luận (無心論), Chứng Tâm Luận (證心論), Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn (達磨禪師觀門), Đạt Ma Thiền Sư Luận (達磨禪師論), v.v. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phần nhiều đó là những trước tác của chư Tổ sư khác nhưng lại lấy tên Đạt Ma; và người ta cũng công nhận rằng trước tác của Đạt Ma chỉ là Nhị Chủng Nhập mà thôi. Nếu căn cứ vào bản này, ta thấy rằng tư tưởng của Đạt Ma là Tứ Như Thị (四如是, bốn điều như vậy) và Nhị Nhập Tứ Hạnh (二入四行). Tứ Như Thị là Như Thị An Tâm (如是安心), Như Thị Phát Hạnh (如是發行), Như Thị Thuận Vật (如是順物) và Như Thị Phương Tiện (如是方便). Nhị Nhập là Lý Nhập (理入) và Hạnh Nhập (行入). Còn Tứ Hạnh là 4 yếu tố được hình thành từ Hạnh Nhập. Tâm yếu làm cơ sở cho Thiền pháp của Đạt Ma được xem như là y cứ vào 4 quyển Kinh Lăng Già; nhưng đó không phải là văn bản giải thích về mặt học vấn của kinh này, mà nhằm nhấn mạnh việc cần phải lấy trọn tinh thần kinh. Theo Tục Cao Tăng Truyện, giới Phật Giáo đương thời rất chú trọng đến nghiên cứu, giảng diễn kinh luận; trong khi đó, Đạt Ma thì lại cổ xúy Thiền mang tính thật tiễn của cái gọi là “không vô sở đắc (空無所得, không có cái gì đạt được)”; cho nên ông bị học giả lúc bầy giờ phê phán mãnh liệt. Từ đó, các thuật ngữ như giáo ngoại biệt truyền (敎外別傳), bất lập văn tự (不立文字), dĩ tâm truyền tâm (以心傳心), kiến tánh thành Phật (見性成佛), v.v., được thành lập. Thời đại thay đổi cho đến thời Lục Tổ Huệ Năng (慧能) trở về sau, những thuật ngữ này trở nên rất thịnh hành, thông dụng; vậy ta có thể khẳng định rằng manh nha của chúng vốn phát xuất từ thời Đạt Ma.
(蒲室集, Hoshitsushū): 15 quyển 7 tập, ngoài ra còn có bản 5 tập và 10 tập, do Tiếu Ẩn Đại Hân (笑隱大訢) nhà Nguyên soạn, san hành dưới thời nhà Nguyên. Đây là tác phẩm biên tập toàn bộ Ngữ Lục, thi văn, thư vấn, sớ, v.v., của Tiếu Ẩn Đại Hân, pháp từ của Hối Cơ Nguyên Hy (晦機元熙). Tập I là Thiên Ngữ Lục được chia thành 4 quyển: quyển 1 có Ô Hồi Thiền Tự Ngữ Lục (烏回禪寺語錄, do nhóm Diên Tuấn [延俊] biên), Thiền Tông Đại Báo Quốc Thiền Tự Ngữ Lục (禪宗大報國禪寺語錄, do nhóm Huệ Đàm [慧曇] biên), Trung Thiên Trúc Thiền Tự Ngữ Lục (中天竺禪寺語錄, do nhóm Trung Tự [中字] biên); quyển 2 có Đại Long Tường Tập Khánh Tự Ngữ Lục (大龍翔集慶寺語錄, do nhóm Sùng Dụ [崇裕] biên); quyển 3 có các bài tán, kệ tụng, bia minh; quyển 4 có lời tựa, đề bạt. Tập II là thiên về thơ, được chia thành 5 quyển, có những bài cổ từ, cổ thi (tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn), luật thi (ngũ ngôn, thất ngôn). Tập III là thơ tuyệt cú (ngũ ngôn, thất ngôn), bài liễn, tựa. Tập IV là thiên ký lục. Tập V là thiên về văn bia, gồm các bài minh văn bia, bài minh tháp, lời bạt, tán, văn tế, v.v. Tập VI là thiên về thư vấn. Tập VII là thiên về sớ, gồm văn sớ và biểu trình tấu. Tại Nhật Bản, có Bản Ngũ Sơn (五山版, 20 quyển, phụ 1 quyển) được san hành vào năm thứ thứ 4 (1359) niên hiệu Diên Văn (延文), bản sao, bản chia ra san hành riêng. Tác phẩm này được giới văn nghệ Ngũ Sơn rất trân trọng và có một số sách chú thích như Bồ Thất Tập Chú Thích (蒲室集註釋) của Trung Nham Viên Nguyệt (中巖圓月), Bồ Thất Tập Sao (蒲室集抄, còn có tên là Bồ Căn [蒲根]) của Nguyệt Chu Thọ Quế (月舟壽桂), Bồ Thất Sớ Sao (蒲室疏抄) của Nguyệt Khuê Thánh Trừng (月溪聖澄), Bồ Thất Bí Chỉ Tứ Lục Khẩu Quyết (蒲室祕旨四六口訣) của Cao Phong Đông Tuấn (高峰東晙), Bồ Thất Sớ Tục Khảo (蒲室疏續考) của cùng tác giả trên, Bồ Thất Tập Thư Vấn Chi Mạn Lược Sao (蒲室集書問枝蔓略抄) của Thử Sơn Huyền Uyên (此山玄淵), v.v.
(眞常): chân thật thường trụ, dụng ngữ của Phật Giáo lẫn Đạo Giáo. Như trong Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經, Taishō Vol. 19, No. 945) quyển 2 có đoạn: “Tánh chơn thường trung, cầu ư khứ lai, mê ngộ sanh tử, liễu vô sở đắc (性眞常中、求於去來、迷悟生死、了無所得, trong tánh chơn thường, tìm nơi đến đi, mê ngộ sống chết, biết không thể được).” Hay trong bài Xao Hào Ca (敲爻歌) của Lữ Nham (呂岩, 789-?) nhà Đường cũng có đoạn: “Đạt Thánh đạo, hiển chơn thường, hổ hủy đo binh cánh bất thương (達聖道、顯眞常、虎兕刀兵更不傷, đạt đến Thánh đạo, hiển bày chơn thường, cọp tê giác, đao binh cũng không làm tổn thương).” Hoặc trong bức Thượng Chấp Chính Thư (上執政書) của Phạm Trọng Yêm (范仲淹, 989-1052) nhà Tống lại có đoạn: “Phù Thích Đạo chi thư, dĩ chơn thường vi tánh, dĩ thanh tịnh vi tông (夫釋道之書、以眞常爲性、以清淨爲宗, phàm sách của Phật Giáo và Đạo Giáo, lấy chơn thường làm tánh, lấy sự thanh tịnh làm tông).” Bài tán Tâm Nhiên rất phổ biến trong Thiền môn cũng đề cập đến chơn thường như: “Tâm nhiên Ngũ Phận, phổ biến thập phương, Hương Nghiêm đồng tử ngộ chơn thường, tỷ quán thiệt nan lường, thụy ái tường quang, kham hiến pháp trung vương (心燃五分、普遍十方、香嚴童子悟眞常、鼻觀實難量、瑞靄祥光、堪獻法中王, tâm nhen Năm Món, biến khắp mười phương, Hương Nghiêm đồng tử ngộ chơn thường, mũi quán thật khó lường, khí tốt hào quang, dâng cúng đấng pháp vương).”
(鐘、鍾): chuông; tên một loại pháp khí được dùng trong các tự viện Phật Giáo để báo thì giờ, tập trung tăng chúng. Tại Ấn Độ, khi triệu tập tăng chúng, người ta thường đánh loại Kiền Chùy (s: ghaṇṭā, 揵椎) bằng gỗ. Như trong Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō Vol. 2, No. 125) quyển 24 có ghi lại việc đức Phật dạy tôn giả a nan đánh Kiền Chùy để tập trung đại chúng: “Nhữ kim ư lộ địa tốc kích Kiền Chùy, sở dĩ nhiên giả ? Kim thất nguyệt thập ngũ nhật thị thọ tuế chi nhật (汝今於露地速擊揵椎、所以然者、今七月十五日是受歲之日, các ngươi nay ở nơi đất trống mau đánh Kiền Chùy, vì cớ sao vậy ? Vì hôm nay ngày 15 tháng 7 là ngày nhận thêm tuổi).” Chuông có hai loại chính: Phạn Chung (梵鐘) và Hoán Chung (喚鐘). (1) Phạn Chung, còn gọi là Đại Chung (大鐘, chuông lớn), Điếu Chung (釣鐘), Chàng Chung (撞鐘), Hồng Chung (洪鐘), Kình Chung (鯨鐘), Bồ Lao (蒲牢), Hoa Kình (華鯨), Hoa Chung (華鐘), Cự Chung (巨鐘), v.v.; thông thường cao khoảng 150 cm, đường kính khoảng 60 cm; được treo trên lầu chuông, dùng để triệu tập đại chúng, hay để báo thời khắc sáng tối. Phần trên của Phạn Chung có đầu rồng, được gọi là điếu thủ (釣手, tay câu). Phần bên dưới có hình hai tòa hoa sen tương đối, được gọi là bát diệp (八葉, tám cánh). Trong Thiền lâm, chuông này được dùng để thông báo thời gian Tọa Thiền vào đầu đêm, nên có tên là Định Chung (定鐘); hay để thông báo đại chúng vào Tăng Đường, được gọi là Nhập Đường Chung (入堂鐘). Về ngữ nghĩa Bồ Lao, Lý Thiện (李善, 630-689), học giả thời nhà Đường, có chú dẫn lời của Tiết Tông (薛綜, ?-243) nhà Ngô thời Tam Quốc rằng: “Hải trung hữu đại ngư viết Kình, hải biên hựu hữu thú danh Bồ Lao; Bồ Lao tố úy Kình, Kình ngư kích Bồ Lao, triếp dại minh; phàm chung dục linh thanh đại giả, cố tác Bồ Lao ư thượng, sở dĩ chàng chi giả vi Kình ngư (海中有大魚曰鯨、海邊又有獸名蒲牢、蒲牢素畏鯨、鯨魚擊蒲牢、輒大鳴、凡鐘欲令聲大者、故作蒲牢於上、所以撞之者爲鯨魚, trong biển có con cá lớn gọi là Kình, ven biển lại có con thú tên là Bồ Lao; Bồ Lao chẳng sợ cá Kình, cá Kình đánh Bồ Lao, thường tạo ra tiếng vang lớn; hễ chuông muốn có âm thanh lớn thì nên tạc hình con Bồ Lao lên trên, vì vậy vật để đánh chuông là cá Kình).” Cho nên, đùi đánh chuông thường được khắc hình con cá Kình. Theo Thăng Am Ngoại Tập (升庵外集) quyển 95 của Dương Thận (楊愼, 1488-1559) nhà Minh cho biết rằng tục truyền rồng sinh ra chín con, con thứ ba tên là Bồ Lao, hình như con rồng nhưng nhỏ; và nay chính là hình con rồng trên đầu chuông. (2) Hoán Chung, còn gọi là Bán Chung (半鐘, chuông bằng một nữa), Tiểu Chung (小鐘, chuông nhỏ); thông thường cao khoảng 60 đến 80 cm, dùng để thông báo bắt đầu tiến hành pháp hội, v.v., nên được gọi là Hành Sự Chung (行事鐘). Tại Trung Quốc, từ xưa đã có chế tạo chuông bằng đồng, nhưng không rõ nguồn gốc. Trong Quảng Hoằng Minh Tập (廣弘明集, Taishō Vol. 52, No. 2103) quyển 28 cho biết rằng vào năm 566 (Thiên Hòa [天和] thứ 5) nhà Bắc Chu, có bài Chu Võ Đế Nhị Giáo Chung Minh (周武帝二敎鐘銘); Đường Thái Tông Đại Hưng Thiện Tự Chung Minh (唐太宗大興善寺鐘銘); Đường Đông Cung Hoàng Thái Tử Tây Minh Tự Chung Minh (唐東宮皇太子西明寺鐘銘), v.v. Theo Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, Taishō Vol. 50, No. 2060) quyển 29, Truyện Trí Hưng (智興傳), vào năm 609 (Đại Nghiệp [大業] thứ 5) nhà Tùy, trong khi trú tại Thiền Định Tự (禪定寺) ở Kinh Sư, Trí Hưng đã từng giữ chức Thời Chung. Theo thông tin trên, việc tạo lập Phạn Chung từ thời Bắc Chu trở đi đã bắt đầu thịnh hành. Ngoài ra, chuông ở Hàn Sơn Tự (寒山寺), Tô Châu (蘇州), nhờ bài Phong Kiều Dạ Bạc (楓橋夜泊) của thi nhân Trương Kế (張繼, ?-779) nhà Đường mà trở nên nổi tiếng. Căn cứ vào tác phẩm Nhập Đường Cầu Pháp Tuần Lễ Ký (入唐求法巡禮記) quyển 3 của Viên Nhân (圓仁, Ennin, 794-864), vị tăng Nhật Bản sang nhà Đường cầu pháp, tại Ngũ Đài Sơn (五臺山) có hang lầu chuông với chuông vàng, lầu báu, là nơi Bồ Tát Văn Thù thường thị hiện. Tại Nhật Bản, hiện còn lưu lại một số chuông được đưa từ Trung Quốc vào, như chuông ở Vũ Tá Thần Cung (宇佐神宮, Usa Jingū) vùng Phong Tiền (豐前, Buzen); ở Ba Thượng Cung (波上宮, Nami-no-uegū) vùng Lưu Cầu (琉球, Ryūkyū); ở Viên Thành Tự (園城寺, Onjō-ji) vùng Cận Giang (近江, Ōmi), v.v.; chuông hiện tồn tối cổ được đúc vào năm 698 (Văn Võ Thiên Hoàng [文武天皇] thứ 2), và bảo lưu tại Diệu Tâm Tự (妙心寺, Myōshin-ji), Kyoto. Chuông đối với việc tu hành có công đức rất lớn và đóng vài trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống tâm linh của tín đồ Phật Giáo. Trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (敕修清規, Taishō Vol. 48, No. 2025) quyển 8, Chương Pháp Khí (法器章) thứ 9, phần Chuông, có giải thích rằng: “Đại Chung, tùng lâm hiệu lịnh tư thỉ dã, hiểu kích tắc phá trường dạ cảnh thùy miên, mộ kích tắc giác hôn cù sơ minh muội (大鍾、叢林號令資始也、曉擊則破長夜警睡眠、慕擊則覺昏衢疏冥昧, chuông lớn là vật khởi đầu hiệu lịnh trong tùng lâm; đánh buổi sáng thì phá tan sự đêm dài, đánh thức ngủ say; đánh buổi tối thì làm tỉnh thức con đường mê muội, tối tăm).” Trong Sa Di Luật Nghi Tỳ Ni Nhật Dụng Hợp Tham (沙彌律儀毗尼日用合參, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 60, No. 1120) lại dạy rằng: “Hồng chung chấn hưởng giác quần mê, thanh biến thập phương vô lượng độ, hàm thức quần sanh phổ văn tri, bạt trừ chúng sanh trường dạ khổ, Lục Thức thường hôn chung dạ khổ, vô minh bị phú thức mê tình, tĩnh dạ văn chung khai giác ngộ, di thần tịnh sát đắc thần thông (洪鐘震響覺群迷、聲遍十方無量土、含識群生普聞知、拔除眾生長夜苦、六識常昏終夜苦、無明被覆識迷情、靜夜聞鐘開覺悟、怡神淨剎得神通, Hồng chung vang vọng tỉnh quần mê, tiếng khắp mười phương vô lượng cõi, nhận thức quần sanh khắp nghe biết, đoạn trừ chúng sanh đêm dài khổ, Sáu Thức thường mờ suốt đêm khổ, vô minh che lấp cõi mê tình, đêm lắng nghe chuông bày giác ngộ, hân hoan trong sạch chứng thần thông).” Lại nữa, trong Thích Môn Chánh Thống (釋門正統, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 75, No. 1513) quyển 4 có dẫn lời dạy của Kinh Tăng Nhất A Hàm rằng: “Nhược đả chung thời, nhất thiết ác đạo chư khổ, tinh đắc đình chỉ (若打鐘時、一切惡道諸苦、幷得停止, nếu khi đánh chuông, hết thảy các nỗi khổ của đường ác, đều được dừng lại).” Trong Phú Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện (付法藏因緣傳, Taishō Vol. 50, No. 2058) quyển 5 có ghi lại câu chuyện quốc vương nước Nguyệt Chi (月支) là Chiên Đàn Kế Nặc Tra (栴檀罽昵吒) cùng giao chiến với nước An Tức (安息), sát hại 9 ức người. Do vì nhân ác đó, nhà vua sau khi chết bị đọa làm thân con cá có ngàn cái đầu, vòng kiếm quay quanh thân chém đứt từng đầu, nhưng rồi lại sanh ra đầu khác; đau đớn vô cùng, không thể nào kể xiết. Tuy nhiên, mỗi khi nghe tiếng chuông thì vòng kiếm kia dừng lại; cho nên nhà vua cầu xin vị La Hán thường xuyên đánh chuông. Vị này thương xót, đánh chuông liên tục trong vòng 7 ngày thì không còn chịu khổ nữa. Trong Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, Taishō Vol. 50, No. 2060) quyển 29, phần Đường Kinh Sư Đại Trang Nghiêm Tự Thích Trí Hưng Truyện (唐京師大莊嚴寺釋智興傳) có đề cập đến câu chuyện người anh của sư trên đường cùng với nhà vua đến Bành Thành (彭城) thì đột nhiên qua đời giữa đường. Người này về báo mộng cho vợ biết rằng mình đã chết, nay đọa xuống Địa Ngục, chịu khổ báo vô cùng, nên bảo rằng: “Lại dĩ kim nguyệt sơ nhật mông Thiền Định Tự tăng Trí Hưng minh chung phát thanh hưởng chấn Địa Ngục, đồng thọ khổ giả nhất thời giải thoát (賴以今月初日蒙禪定寺僧智興鳴鍾發聲響振地獄、同受苦者一時解脫, vào ngày mồng một tháng này, nhờ tăng sĩ Trí Hưng ở Thiền Định Tự đánh chuông phát ra tiếng vang chấn động Địa Ngục, khiến cho người chịu khổ nhất thời được giải thoát).” Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記, Taishō Vol. 51, No. 2087) quyển 1 ghi lại câu chuyện vua Ca Nị Sắc Ca (s: Kaniṣka, p: Kanisika, 迦膩色迦) của vương quốc Kiện Đà La (s, p: Gandhāra, 健駄羅) nhận lời thỉnh cầu của con rồng ác, kiến lập chùa chiền, đánh chuông và nhờ đó mà tâm sân hận của rồng được tiêu tan. Vì tầm quan trọng của tiếng chuông như vậy, trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu Hương Nhũ Ký (毗尼日用切要香乳記, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 60, No. 1116) trích dẫn lời dạy của Tạp Thí Dụ Kinh (雜譬喻經) về thái độ của người nghe chuông: “Sở tại văn chung thanh, ngọa giả tất tu khởi, hiệp chưởng phát thiện tâm, hiền thánh giai hoan hỷ (所在聞鐘聲、臥者必須起、合掌發善心、賢聖皆歡喜, nơi mình nghe tiếng chuông, người nằm phải nên dậy, chấp tay phát thiện tâm, hiền thánh đều hoan hỷ).” Cũng điển tịch này có dẫn lời của cổ đức rằng: “Văn chung ngọa bất khởi, hộ pháp thiện thần sân, hiện tiền giảm phước huệ, hậu thế đọa xà thân (聞鐘臥不起、護法善神嗔、現前減福慧、後世墮蛇身, nghe chuông nằm không dậy, hộ pháp thiện thần sân, hiện tiền giảm phước huệ, đời sau đọa rắn thân).” Trong Thiền môn có các bài kệ nguyện chuông rất phổ biến như: “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới, Thiết Vi u ám tất giai văn, văn trần thanh tịnh chứng viên thông, nhất thiết chúng sanh thành chánh giác (願此鐘聲超法界、鐵圍幽暗悉皆聞、聞塵清淨證圓通、一切眾生成正覺, nguyện tiếng chuông này siêu pháp giới, Thiết Vi tăm tối thảy đều nghe, nghiệp trần trong sạch chứng viên thông, tất cả chúng sanh thành chánh giác).”; hay “Văn chung thanh phiền não khinh, trí huệ trưởng bồ đề sinh, ly Địa Ngục xuất hỏa khanh, nguyện thành Phật độ chúng sinh (聞鐘聲煩惱輕、智慧長菩提生、離地獄出火坑、願成佛度眾生, nghe tiếng chuông phiền não tan, trí huệ lớn bồ đề sanh, lìa Địa Ngục ra hỏa than, nguyện thành Phật độ chúng sanh).” Theo nghiên cứu cho thấy rằng trong bộ Toàn Đường Thi (全唐詩) cũng như Toàn Đường Thi Bổ Biên (全唐詩補編), có gần 1100 câu thơ về tiếng chuông, về Phạn Chung có 300 câu, cho ta thấy tầm quan trọng của tiếng chuông chùa như thế nào. Xin giới thiệu một số tác phẩm liên quan đến tiếng chuông như sau. Trong bài Trường Thọ Tự Xán Công Viện Tân Trứu Tỉnh (長壽寺粲公院新甃井) của Lý Kì (李頎, 690-751) có đoạn: “Tăng phòng lai trú cửu, lộ tỉnh mỗi đồng quan, bạch thạch bảo tân trứu, thương đài y cựu lan, không bình uyển chuyển hạ, trường cảnh lộc lô bàn, cảnh giới nhân tâm tịnh, tuyền nguyên kiến để hàn, chung minh thời quán đảnh, đối thử nhật nhàn an (僧房來往久、露井每同觀、白石抱新甃、蒼苔依舊欄、空瓶宛轉下、長綆轆轤盤、境界因心淨、泉源見底寒、鐘鳴時灌頂、對此日閒安, tăng phòng đến đây ở, giếng nước ngày mỗi xem, đá trắng che mặt giếng, rêu xanh vẫn lan cùng, gàu nước buông thong thả, dây dài theo trục xoay, cảnh giới theo tâm lắng, suối nguồn tận đáy trong, chuông ngân dài quán đảnh, đối diện ngày an nhàn).” Trương Kế có làm bài Phong Kiều Dạ Bạc (楓橋夜泊): “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, giang phong ngư hỏa đối sầu miên, Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự, dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (月落烏啼霜滿天、江楓漁火對愁眠、姑蘇城外寒山寺、夜半鐘聲到客船, trăng tà chiếc quạ kêu sương, lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ, thuyền ai đậu bến Cô Tô, nửa đêm nghe tiếng chuông Chùa Hàn San).” Như trong Vãn Đường Chung Thanh (晚唐鐘聲) của Phó Đạo Bân (傅道彬) có nêu một đoạn trong bài thơ Du Long Môn Phụng Tiên Tự (遊龍門奉先寺) của Đỗ Phủ (杜甫, 712-770): “Dĩ tùng Chiêu Đề du, cánh túc Chiêu Đề cảnh, âm hác sanh hư lại, nguyệt lâm tán thanh ảnh, thiên khuyết tượng vĩ bức, vân ngọa y thường lãnh, dục giác văn thần chung, linh nhân phát thâm tỉnh (已從招提遊、更宿招提境、陰壑生虛籟、月林散清影、天闕象緯逼、雲臥衣裳冷、欲覺聞晨鐘、令人發深省, từ độ thăm Chiêu Đề, lại luyến cảnh Chiêu Đề, hang tối vang tiếng vọng, rừng trăng bóng tỏ mờ, cổng trời bóng voi hiện, mây nằm áo lạnh băng, muốn dậy nghe chuông sớm, khiến người tỉnh thức sâu).” Trong bài Kinh Thiếu Lâm Tinh Xá Ký Đô Ấp Thân Hữu (經少林精舍寄都邑親友) của Vi Ứng Vật (韋應物, 737-792) có câu: “Xuất hi thính vạn lại, nhập lâm trạc u tuyền, minh chung sanh đạo tâm, mộ khánh không vân yên (出巘聽萬籟、入林濯幽泉、鳴鐘生道心、暮磬空雲煙, ra hang vạn dây vướng, vào rừng rửa suối thiêng, chuông ngân sanh đạo tâm, khánh chiều mây khói quyện).” Lô Luân (盧綸, 739-799) có làm bài Thù Quý Đoan Công Dã Tự Bệnh Cư Kiến Ký (酬李端公野寺病居見寄): “Dã tự chung hôn sơn chánh âm, loạn đằng cao trúc thủy thanh thâm, điền phu tựu hướng hoàn y thảo, dã trĩ kinh phi bất quá lâm, trai mộc tạm tư đồng tĩnh thất, thanh luy dĩ giác trợ Thiền tâm, tịch mịch nhật trường thùy vấn tật, liệu quân duy thủ cổ phương tầm (野寺鐘昏山正陰、亂藤高竹水聲深、田夫就餉還依草、野雉驚飛不過林、齋沐暫思同靜室、清羸已覺助禪心、寂寞日長誰問疾、料君惟取古方尋, chùa hoang chuông chiều núi tỏa râm, dây leo trúc bám tiếng nước trầm, nông phu cất bước theo lối cỏ, gà đồng kinh hoảng bay qua rừng, chay tịnh ưu tư cùng tịnh thất, gầy xanh mới rõ ấy Thiền tâm, vắng lặng tháng ngày ai hỏi bệnh, khuyên người thôi chớ nhọc công tìm).” Hay trong bài Du Vân Tế Tự (遊雲際寺) của Chương Hiếu Tiêu (章孝標) có câu: “Vân lãnh phù danh khứ, chung chàng đại mộng tỉnh, mang mang sơn hạ sự, mãn nhãn tống lưu bình (雲領浮名去、鐘撞大夢醒、茫茫山下事、滿眼送流萍, mây núi phù danh bỏ, chuông ngân đại mộng tỉnh, mênh mang chuyện đời mặc, trước mắt bèo dạt trôi).” Trong bài Tặng Thiên Khanh Tự Thần Lượng Thượng Nhân (贈天卿寺神亮上人) của Triệu Hỗ (趙嘏, 806-853) cũng có đề cập đến tiếng chuông: “Ngũ khán xuân tận thử giang phần, hoa tự phiêu linh nhật tự huân, không hữu từ bi tùy vật niệm, dĩ vô tung tích tại nhân quần, nghênh thu nhật sắc diêm tiền kiến, nhập dạ chung thanh trúc ngoại văn, tiếu chỉ bạch liên tâm tự đắc, thế gian phiền não thị phù vân (五看春盡此江濆、花自飄零日自曛、空有慈悲隨物念、已無蹤跡在人群、迎秋日色簷前見、入夜鐘聲竹外聞、笑指白蓮心自得、世間煩惱是浮雲, năm bận đón xuân nơi bến sông, ngày nắng chói chan hoa phiêu bồng, không tâm từ bi theo vật nhớ, đã chẳng dấu tích chốn nhân quần, đón thu ngày mới trước thềm thấy, đêm về chuông vọng trúc ngoài vang, cười chỉ trắng sen lòng tự đắc, thế gian phiền não ấy phù vân).” Hay như trong bài Quá Hương Tích Tự (過香積寺) của Vương Duy (王維, ?-761) cũng vậy: “Bất tri Hương Tích Tự, sổ lí nhập vân phong, cổ mộc vô nhân kính, thâm sơn hà xứ chung, tuyền thanh yến nguy thạch, nhật sắc lãnh thanh tùng, bạc mộ không đàm khúc, an Thiền chế độc long (不知香積寺、數里入雲峰、古木無人逕、深山何處鐘、泉聲咽危石、日色冷青松、薄暮空潭曲、安禪制毒龍, nào hay Hương Tích Tự, mấy dặm trong mây rừng, cây xưa không người bước, núi sâu chuông chốn nào, tiếng suối ngâm lòng đá, ngày lên lạnh tùng xanh, chiều buông trên hồ vắng, tọa Thiền chế độc long).” Tại Tây Hồ, Hàng Châu có 2 ngôi danh lam là Tịnh Từ Tự (淨慈寺) và Linh Ẩn Tự (靈隱寺). Ở Tịnh Từ Tự có một đại hồng chung rất nổi tiếng, nơi nhà bia an trí chuông có bút tích của vua Khang Hy với dòng chữ: “Nam Bình Vãn Chung (南屏晚鐘, Chuông Chiều Nam Bình).” Thi sĩ Trương Đại (張岱, ?-?) nhà Đường có làm bài thơ để diễn tả sự xuất thần nhập hóa của tiếng chuông chùa này như sau: “Dạ khí ổng Nam Bình, khinh phong bạc như chỉ, chung thanh xuất thượng phương, dạ độ không giang thủy (夜氣滃南屏、輕風薄如紙、鐘聲出上方、夜渡空江水, màn đêm trùm khắp Nam Bình, gió nhè nhẹ thổi như hình giấy manh, tiếng chuông vút tận trời xanh, buông vào đêm vắng sông thanh nghìn trùng).” Sau này dân gian vẫn có câu: “Ngọc Bình thanh chướng mộ yên phi, cam điện chung thanh lạc thúy vi (玉屏青嶂暮煙飛、紺殿鐘聲落翠微, Ngọc Bình mây khói chiều lặng bay, điện báu chuông chùa rụng sương chầy).” Về phía Việt Nam, cũng có khá nhiều bài thơ nói về tiếng chuông, như trong bài Cảnh Chùa Đọi của Nguyễn Khuyến (阮勸, 1835-1909) có đoạn: “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá, sư cụ nằm chung với khói mây, chuông trưa vẳng tiếng người không biết, trâu thả sườn non ngủ gốc cây.” Trong bài Vịnh Hà Trung Tự Thi (詠河中寺詩) của Hòa Thượng Thạch Liêm (石濂, 1633-1702) cũng có đoạn diễn tả như sau: “Lục liễu thùy thùy ẩn Phạm cung, chung thanh điều đệ mãn hà phong, trúc li thảo kính phù lam yểm, thạch hác hà lâu đảo ảnh không (綠柳垂垂隠梵宮、鐘聲迢遞滿河風、竹籬草徑浮嵐掩、石壑霞樓倒影空, nép bóng chùa xưa liễu xanh non, tiếng chuông xa vẳng theo gió sông, lối cỏ bờ trúc mây khói phủ, hang đá lầu chiều bóng nghiêng lồng).” Tục ngữ dân gian Việt Nam thường có câu: “Đánh tan tục lụy hồi chuông sớm, gõ nát trần tâm tiếng mõ trưa”; hay “Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Sương, mịt mù khói toả ngàn sương, nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.” Hòa Thượng Giác Tiên (1880-1936), Tổ khai sáng Chùa Trúc Lâm (竹林寺), Huế, có câu thơ: “Tuần diêm thanh khánh sao minh nguyệt, nhiễu thọ sơ chung khấu bích thiên (巡簷清磬敲明月、繞樹疏鐘扣碧天, tiếng khánh quanh nhà lay trăng sáng, cùng cây chuông sớm gõ trời xanh).” Cố Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Không (1905-1997), nguyên trú trì và khai sơn Hồng Ân Ni Tự (鴻恩尼寺) tại Huế, cũng có lưu lại bài thơ ca ngợi về nét Thiền vị của chùa Trúc Lâm như sau: “Bước đến Trúc Lâm luống chạnh lòng, chuông chùa tiếng dội khắp rừng thông, trông lên bảo tháp mây quang đãng, ngó xuống ao sen cá vẫy vùng, cảnh tịnh soi tâm tâm cũng tịnh, nước trong trăng chiếu bóng thường trong, cảnh này nếu được đem thêu vẽ, tỏa rạng ngàn năm nét Đại Hùng.”
(孤魂): những vong hồn cô quạnh, sống lây lất đây đó, không nơi nương tựa, không ai thờ tự. Trong Đạo Giáo cũng như Phật Giáo thường tiến hành nghi thức cúng cho các âm linh cô hồn để cho họ có thức ăn uống và nhờ nghe câu kinh, tiếng kệ mà được siêu độ, thoát khỏi cảnh khổ sống không nơi nương tựa như vậy. Theo Linh Bảo Lãnh Giáo Tế Độ Kim Thư (靈寶領敎濟度金書) của Đạo Giáo, nghi thức này được gọi là Ngọc Sơn Tịnh Cúng (玉山淨供), Cam Lồ Tịnh Cúng (甘露淨供), Tế Luyện (祭煉), hay tên gọi phổ biến nhất là Phóng Diệm Khẩu (放焰口). Trong Lịch Thế Chơn Tiên Thể Đạo Thông Giám (歷世眞仙體道通鑒) quyển 23 có dạy rằng: “Mỗi ư Tam Nguyên Bát Tiết, cát nhật lương tiêu, phổ triệu thập phương chư đại Địa Ngục, cùng hồn trệ phách, lai nghệ đàn tiền, câu thọ Tế Luyện, kỳ thừa phù lục, các toại siêu sanh (毎於三元八節、吉日良宵、普召十方諸大地獄、窮魂滞魄、來詣壇前、倶受祭煉、祇承符籙、各逐超生, Vào mỗi dịp Tam Nguyên, tám tiết, ngày tốt đêm lành, mời khắp mười phương các địa ngục lớn, hồn cùng đường, phách lang thang, đến tập trung trước đàn, đều thọ lễ Tế Luyện, mong thừa phù phép, thảy được siêu sanh).” Trong Phật Giáo, lễ nghi này cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống tâm linh của người Phật tử. Tùy theo nghi lễ tiến hành đơn giản hay long trọng, tên gọi có khác nhau như Cúng Cháo, Cúng Cô Hồn, Cúng Thí Thực, Chẩn Tế Cô Hồn, Phóng Diệm Khẩu, Thí Ngạ Quỷ, v.v. Trong bài Chúng Sanh Thập Loại Tế Văn (眾生十類祭文, Văn Tế Mười Loại Chúng Sanh) của Nguyễn Du (阮攸, 1765-1820) có đoạn rằng: “Trong trường dạ tối tăm trời đất, có khôn thiêng phảng phất u minh, thương thay thập loại chúng sinh, hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người, hương lửa đã không nơi nương tựa, hồn mồ côi lần lữa đêm đen, còn chi ai khá ai hèn, còn chi mà nói kẻ hiền người ngu…”
(大覺寺, Daikaku-ji): ngôi chùa trung tâm của Phái Đại Giác Tự (大覺寺派) thuộc Chơn Ngôn Tông, hiện tọa lạc tại Sagaōzawa-chō (嵯峨大澤町), Sakyō-ku (左京區), Kyoto-shi (京都市), còn được gọi là Tha Nga Ngự Sở (嵯峨御所), Đại Giác Tự Môn Tích (大覺寺門跡). Nguyên lai xưa kia chùa là Ly Cung của Tha Nga Thiên Hoàng (嵯峨天皇, Saga Tennō, tại vị 809-823), Không Hải Đại Sư điêu khắc tượng Ngũ Đại Minh Vương (五大明王) và kiến lập Ngũ Giác Viện (五覺院). Khi gặp bệnh dịch hoành hành, Đại Sư cho đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh do tự tay mình viết và nạp vào Tâm Kinh Đường (心經堂). Vào năm 876 (niên hiệu Trinh Quán [貞觀] thứ 18), thể theo lịnh chỉ của Hoàng Hậu Chánh Tử (正子), chùa được khai sáng và ban tặng cho Hoàng Tử thứ 2 là Thân Vương Hằng Tịch (恆寂, Kōjaku). Thân Vương an trí tượng A Di Đà, chỉnh trang cảnh quan chùa, và vào năm 878 (niên hiệu Nguyên Khánh [元慶] thứ 2), chùa được phép cho độ mỗi năm 2 người. Đến năm 918 (niên hiệu Diên Hỷ [延喜] thứ 18), Vũ Đa Thiên Hoàng (宇多天皇, Uda Tennō, tại vị 887-897) thọ trì hai bộ Quán Đảnh tại chùa này, và Khoan Không (寛空) làm vị Tổ đời thứ 2 của chùa. Trong khoảng thời gian niên hiệu Thiên Nguyên (天元, 978-983), chùa thuộc quyền quản lý của Nhất Thừa Viện (一乘院) của Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji). Đến năm 1268 (niên hiệu văn vĩnh thứ 5), Hậu Tha Nga Thiên Hoàng (後嵯峨天皇, Gosaga Tennō, tại vị 1242-1246) đến tu tại đây, rồi sau đó Quy Sơn Thiên Hoàng (龜山天皇, Kameyama Tennō, tại vị 1259-1274) cũng đến nhập chúng. Vào năm 1307 (niên hiệu Đức Trị [德治] thứ 2), Hậu Vũ Đa Thiên Hoàng (後宇多天皇, Gouda Tennō, tại vị 1274-1287) tiến hành tổ chức Viện Chính tại Thọ Lượng Viện (壽量院), cho xây dựng phòng ốc và trở thành vị Tổ thời Trung Hưng của chùa. Đến năm 1336 (niên hiệu Kiến Võ thứ 3), chùa bị cháy toàn bộ. Năm 1392 (niên hiệu Nguyên Trung thứ 9), ngay tại chùa này, Hậu Quy Sơn Thiên Hoàng (後龜山天皇, Gokameyama Tennō, tại vị 1383-1392) nhường thần khí lại cho Hậu Tiểu Tùng Thiên Hoàng (後小松天皇, Gokomatsu Tennō, tại vị 1382-1412) và nơi đây trở thành vũ đài lịch sử đấu tranh. Đời đời chư vị Thân Vương đều làm trú trì ở đây, mặc dầu bị đốt cháy tan tành trong vụ loạn Ứng Nhân (應仁), nơi đây vẫn trở thành ngôi chùa Môn Tích và rất hưng thịnh. Chính các dòng họ Phong Thần (豐臣, Toyotomi), Đức Xuyên (德川, Tokugawa) đã từng hộ trì đắc lực cho chùa, nhưng kể từ cuối thời Giang Hộ trở đi thì trở nên hoang phế. Dưới thời Minh Trị Duy Tân, có khi chẳng ai trú trì ở đây cả, rồi sau đó nhóm Nam Ngọc Đế (楠玉諦), Cao Tràng Long Sướng (高幢龍暢) đã tận lực phục hưng lại hiện trạng. Khách Điện (客殿) của chùa là kiến trúc thời Đào Sơn (桃山, Momoyama), trong đó có 13 bức tranh tùng và chim ưng. Thần Điện (宸殿) là kiến trúc cung điện đầu thời thời Giang Hộ, có 18 bức tranh hoa Mẫu Đơn, 8 bức Hồng Mai với bút tích của Thú Dã Sơn Lạc (狩野山樂, Kanō Sanraku, 1559-1635), do Hậu Thủy Vĩ Thiên Hoàng (後水尾天皇, Gomizunō Tennō, tại vị 1611-1629) hiến cúng. Trong Ngũ Đại Đường (五大堂) có an trí tượng Ngũ Đại Minh Vương thuộc cuối thời Bình An và một số tượng khác. Bảo vật của chùa có đồ hình Ngũ Đại Hư Không Tạng (五大虛空藏), Khổng Tước Kinh Âm Nghĩa (孔雀經音義), v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.109.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập