Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Giám Chơn »»
(s: bhūta-tathatā, tathatā, 眞如): chơn nghĩa là chơn thật, không hư vọng; như là như thường, bất biến. Chơn như là bản thể chân thật trùm khắp vũ trụ vạn vật, là chân lý vĩnh cửu bất biến, căn nguyên của hết thảy vạn hữu. Từ này còn được gọi là Như Như (如如), Như Thật (如實), Pháp Giới (法界), Pháp Tánh (法性), Thật Tế (實際), Thật Tướng (實相), Như Lai Tạng (如來藏), Pháp Thân (法身), Phật Tánh (佛性), Tự Tánh Thanh Tịnh Thân (自性清淨身), Nhất Tâm (一心), Bất Tư Nghì Giới (不思議界). Trong các Phật điển Hán dịch thời kỳ đầu, Chơn Như được dịch là Bản Vô (本無). Nếu nghiên cứu kỹ, các tông phái dùng từ này với nghĩa khác nhau. Theo A Hàm Kinh (阿含經), lý pháp của Duyên Khởi là chân lý vĩnh viễn bất biến, nên gọi đó là Chơn Như. Lại nữa, căn cứ vào thuyết Cửu Vô Vi (九無爲, 9 loại Vô Vi) do Hóa Địa Bộ (s: Mahīśāsaka, 化地部) trong Dị Bộ Tông Luân Luận (異部宗輪論), có Thiện Pháp Chơn Như (善法眞如), Bất Thiện Pháp Chơn Như (不善法眞如), Vô Ký Pháp Chơn Như (無記法眞如), Đạo Chi Chơn Như (道支眞如), Duyên Khởi Chơn Như (緣起眞如), v.v. Theo chủ trương của Phật Giáo Đại Thừa, bản tánh của tất cả tồn tại như người và pháp đều vô ngã, vượt qua các tướng sai biệt vốn có; nên gọi là Chơn Như. Tỷ dụ sự tự tại của Pháp Thân Như Lai là Chơn Như. Theo Phật Địa Kinh Luận (佛地經論) quyển 7, Chơn Như là thật tánh của tất cả vạn tượng; tướng của nó tuy có nhiều loại khác nhau, nhưng thể của nó cùng một vị, cùng với các pháp không một cũng không khác, vượt ra ngoài những phạm trù của ngôn ngữ, tư duy. Từ quan điểm xa lìa những sai khác, hư ngụy, Chơn Như, nó được gọi là Giả Danh Chơn Như (假名眞如). Hay nếu là nơi nương tựa của tất cả các điều thiện, nó có tên là Pháp Giới. Nếu là chỗ sở ngộ của trí vô phân biệt, nó có tên là Thắng Nghĩa (勝義). Về các tên gọi khác nhau của Chơn Như, Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經) quyển 360, có nêu 12 từ như Chơn Như, Pháp Tánh, Bất Hư Vọng Tánh (不虛妄性), Bình Đẳng Tánh (平等性), Ly Sanh Tánh (離生性), Pháp Định (法定), Pháp Trú (法住), Thật Tế, Hư Không Giới (虛空界) và Bất Tư Nghì Giới. Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận (阿毘達磨雜集論) quyển 2 có liệt ra 6 từ như Chơn Như, Không Tánh (空性), Vô Tướng (無相), Thật Tế, Thắng Nghĩa, Pháp Giới. Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義) quyển 8 cũng nêu lên 14 từ khác nhau như Thật Tướng, Diệu Hữu (妙有), Chơn Thiện Diệu Sắc (眞善妙色), Thật Tế, Tất Cánh Không (畢竟空), Như Như, Niết Bàn (涅槃), Hư Không (虛空), Phật Tánh, Như Lai Tạng (如來藏), Trung Thật Lý Tâm (中實理心), Phi Hữu Phi Vô Trung Đạo (非有非無中道), Đệ Nhất Nghĩa Đế (第一義諦), Vi Diệu Tịch Diệt (微妙寂滅). Theo Thành Duy Thức Luận (成唯識論) quyển 10, Pháp Tướng Tông lập ra 10 loại Chơn Như khác nhau, tùy theo cấp độ giác ngộ sâu cạn của vị Bồ Tát, gồm: Biến Hành Chơn Như (變行眞如), Tối Thắng Chơn Như (最勝眞如), Thắng Lưu Chơn Như (勝流眞如), Vô Nhiếp Thọ Chơn Như (無攝受眞如), Loại Vô Biệt Chơn Như (類無別眞如), Vô Nhiễm Tịnh Chơn Như (無染淨眞如), Pháp Vô Biệt Chơn Như (法無別眞如), Bất Tăng Giảm Chơn Như (不增減眞如), Trí Tự Tại Sở Y Chơn Như (智自在所依眞如) và Nghiệp Tự Tại Đẳng Sở Y Chơn Như (業自在等所依眞如). Còn Địa Luân Tông thì chủ trương tự thể của A Lại Da Thức (s: ālaya-vijñāna, 阿賴耶識) thứ 8 là Tự Tánh Thanh Tịnh Tâm (自性清淨心) và đó là Chơn Như. Thức này do bị Vô Minh huân tập, nên xuất hiện các hiện tượng ô nhiễm, thanh tịnh, v.v. Hoa Nghiêm Tông lại chủ trương “bản thể là hiện tượng”, có nghĩa rằng Chơn Như vốn là vạn pháp và vạn pháp cũng là Chơn Như. Cho nên, tông này nêu ra 2 loại Chơn Như: Nhất Thừa Chơn Như (一乘眞如, gồm Biệt Giáo Chơn Như [別敎眞如] và Đồng Giáo Chơn Như [同敎眞如]) và Tam Thừa Chơn Như (三乘眞如, gồm Đốn Giáo Chơn Như [頓敎眞如] và Tiệm Giáo Chơn Như [漸敎眞如]). Trong khi đó, Thiên Thai Tông thì dựa trên thuyết Tánh Cụ (性具, tánh có đầy đủ các pháp) mà cho rằng bản thân Chơn Như xưa nay vốn đầy đủ các pháp ô nhiễm, thanh tịnh, thiện ác, v.v. Từ đó, tự tánh thanh tịnh của chư Phật được gọi là Vô Cấu Chơn Như (無垢眞如), hay Xuất Triền Chơn Như (出纒眞如); còn thể tánh của chúng sanh bị phiền não làm cho cấu nhiễm, nên gọi là Hữu Cấu Chơn Như (有垢眞如), hoặc Tại Triền Chơn Như (在纒眞如); cả có tên là Lưỡng Cấu Chơn Như (兩垢眞如). Tổ Giác Tiên (覺先, 1880-1936), người khai sáng An Nam Phật Học Hội (安南佛學會) ở miền Trung và cũng là vị tổ khai sơn Chùa Trúc Lâm tại Huế, có làm bài thơ rằng: “Phù sanh ký thác chơn như mộng, đáo xứ năng an tiện thị gia (浮生寄托眞如夢、到處能安便是家, phù sanh tạm gởi chơn như mộng, đến chốn khéo an ấy là nhà).”
(九有): chỉ cho 9 xứ sở cư trú của chúng hữu tình, hay 9 loại sinh tồn của thế giới hữu tình, còn gọi là Cửu Cư (九居), Cửu Chúng Sanh Cư (九眾生居), Cửu Hữu Tình Cư (九有情居), Cửu Môn (九門), Cửu Địa (九地); có thể chia thành Dục Giới (欲界), Sắc Giới (色界) và Vô Sắc Giới (無色界). Tùy theo tam muội Thiền định sâu hay cạn mà Sắc Giới và Vô Sắc Giới lại chia thành Tứ Thiền Thiên (四禪天, bốn cõi Thiền) và Tứ Vô Sắc Thiên (四無色天, bốn cõi trời vô sắc); như vậy cọng với Dục Giới thành 9 cõi gồm:
(1) Dục Giới Ngũ Thú Địa (欲界五趣地, cõi dục có 5 đường): nơi sinh sống lẫn lộn của các hiện hữu Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, người và trời (kể cả cõi trời Sáu Dục), nên được gọi là Ngũ Thú Tạp Cư Địa (五趣雜居地, nơi 5 loài sống hỗn tạp lẫn nhau).
(2) Ly Sanh Hỷ Lạc Địa (離生喜樂地): cảnh địa sanh khởi niềm vui sướng nhờ xa lìa đường ác của Dục Giới; cõi Sơ Thiền của Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(3) Định Sanh Hỷ Lạc Địa (定生喜樂地): cảnh địa sanh khởi niềm hỷ lạc nhờ có định; cõi Thiền thứ 2 của Sắc Giới thuộc cảnh địa này.
(4) Ly Hỷ Diệu Lạc Địa (離喜妙樂地): cảnh địa có sự an lạc thù thắng nhờ xa lìa niềm vui của cảnh địa trước; cõi Thiền thứ 3 của Sắc Giới thuộc cảnh địa này.
(5) Xả Niệm Thanh Tịnh Địa (捨念清淨地): cảnh địa có được nhờ xả ly tất cả hỷ lạc của các cảnh địa trước, cho nên tâm đạt được sự an tĩnh, bình đẳng, tự giác và thanh tịnh; cõi Thiền thứ 4 của Sắc Giới thuộc cảnh địa này.
(6) Không Vô Biên Xứ Địa (空無邊處地): cảnh địa có được nhờ xa lìa tánh vật chất của Sắc Giới và chứng đắc tánh tự tại của hư không không cùng tận; cõi trời thứ nhất của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(7) Thức Vô Biên Xứ Địa (識無邊處地): cảnh địa đạt được thức là vô hạn, rộng rãi vô cùng; cõi trời thứ 2 của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(8) Vô Sở Hữu Xứ Địa (無所有處地): cảnh địa xa lìa tính động của 2 địa trước, nhập vào tưởng vắng lặng gọi là “không có một vật”; cõi trời thứ 3 của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
(9) Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Địa (非想非非想處地): cảnh địa xa lìa cả có tưởng cũng như không có tưởng, không thiên về có và không, đạt đến trạng thái an tĩnh, bình đẳng; cõi trời thứ 4 của Vô Sắc Giới thuộc về cảnh địa này.
Trong Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經) có câu: “Tứ Sanh Cửu Hữu, đồng đăng Hoa Tạng huyền môn, Bát Nạn Tam Đồ, cọng nhập Tỳ Lô tánh hải (四生九有、同登華藏玄門、八難三途、共入毘盧性海, Bốn Loài Chín Cõi, cùng lên Hoa Tạng cửa huyền; Tám Nạn Ba Đường, đều vào Tỳ Lô biển tánh).” Hay như trong Tự Sa Môn Huyền Trang Thượng Biểu Ký (寺沙門玄奘上表記), phần Thỉnh Đắc Thiện Lạc Pháp Sư Đẳng Trùng Xuất Gia Biểu (請得善洛法師等重出家表) lại có đoạn: “Phục duy: Hoàng Đế Hoàng Hậu Bệ Hạ, uẩn linh diệu giác, ứng tích thiện quyền, cố năng giám cực chơn như, chuyển Pháp Luân ư Cửu Hữu, bi hoài thứ loại, chửng trầm nạn ư Tam Đồ (伏惟、皇帝皇后陛下、蘊靈妙覺、應跡善權、故能鑒極眞如、轉法輪於九有、悲懷庶類、拯沉難於三塗, Cúi mong: Hoàng Đế, Hoàng Hậu, Bệ Hạ, linh thiêng biết tỏ, ứng tích hiển bày, nên có thể chứng Giám Chơn như, chuyển Xe Pháp nơi Chín Cõi, xót thương muôn dân, cứu khổ nạn nơi Ba Đường).” Hoặc như trong A Tỳ Đạt Ma Tàng Hiển Tông Luận (阿毘達磨藏顯宗論, Taishō No. 1563) quyển 12 có câu: “Như thị giải thích Thất Thức Trú dĩ, nhân tư phục biện Cửu Hữu Tình Cư (如是解釋七識住已、因茲復辯九有情居, như vậy đã giải thích xong Bảy Thức Trú, nhân đây lại bàn rõ Chín Cõi Cư Trú Của Chúng Hữu Tình).”
(道璿, Dōsen, 702-760): vị tăng sống dưới thời nhà Đường, một trong những người đem Thiền, Luật và Hoa Nghiêm truyền sang Nhật Bản, vị tổ thứ 2 của Thiền Tông Nhật Bản và cũng là sơ tổ của Hoa Nghiêm Tông Nhật Bản, sang Nhật dưới thời đại Nại Lương, húy là Đạo Tuyền (道璿), xuất thân Hứa Châu (許州, Tỉnh Hà Nam), hậu duệ của Vệ Linh Công (衛靈公). Ông thọ giới với Định Tân (定賓), theo học Luật với vị này, học Thiền và Hoa Nghiêm với Phổ Tịch (普寂), sau đó đến giáo hóa cho chúng tăng ở Đại Phước Tiên Tự (大福先寺). Khi Phổ Chiếu (普照, Fushō), Vinh Duệ (榮叡, Yōei) của Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji) sang nhà Đường cầu sư truyền giới luật, ông được hai vị này cung thỉnh sang Nhật. Vào năm 734, ông cùng với nhóm Bồ Đề Tiên Na (菩提僊那, Bodaisenna) và Phật Triết (佛哲, Buttetsu) lên thuyền sang Nhật; nhưng giữa đường gặp gió bão, đến năm 736 họ mới lên đất liền được và trú tại Đại An Tự (大安寺, Daian-ji). Năm 751, ông làm Luật Sư, năm sau thì làm Chú Nguyện Sư cho Lễ Cúng Dường Khai Nhãn Tượng Đại Phật tại Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji). Năm 754, ông đến vấn an Giám Chơn (鑑眞, Ganjin) khi vị này vừa sang Nhật và năm sau thì lui về ẩn cư tại Tỉ Tô Tự (比蘇寺) vùng Cát Dã (吉野, Yoshino). Đạo Tuyền là người rất tinh thông về Hoa Nghiêm lẫn Thiên Thai, và thông qua người đệ tử Hành Biểu (行表, Gyōhyō) của ông đã tạo ảnh hưởng lớn cho Tối Trừng (最澄, Saichō)—tổ khai sáng Thiên Thai Tông Nhật Bản. Vào năm đầu (760) niên hiệu Thượng Nguyên (上元), ông thị tịch, hưởng thọ 59 tuổi.
(東大寺, Tōdai-ji): ngôi chùa Tổng Bản Sơn của Hoa Nghiêm Tông Nhật Bản, hiện tọa lạc tại Zasshi-chō (雜司町), Nara-shi (奈良市), Nara-ken (奈良縣). Chùa còn có các tên gọi khác như Kim Quang Minh Tứ Thiên Vương Hộ Quốc Chi Tự (金光明四天王護國之寺), Đại Hoa Nghiêm Tự (大華嚴寺), Thành Đại Tự (城大寺), Tổng Quốc Phận Tự (總國分寺), là một trong bảy ngôi chùa lớn của vùng Nam Đô. Hiệu chùa có nghĩa là ngôi chùa lớn nằm ở phía đông kinh đô Bình Thành (平城). Tên chùa được tìm thấy lần đầu tiên trong phần Đông Đại Tự Tả Kinh Sở Giải Án (東大寺冩經所解案) ghi tháng 11 năm thứ 9 (747) niên hiệu Thiên Bình (天平) thứ 9 của Chánh Thương Viện Văn Thư (正倉院文書) và đôi khi trong văn thư này chùa được gọi là Đông Tự (東寺). Theo Tục Nhật Bản Kỷ (續日本書紀), nhân ghé tham bái Tri Thức Tự (知識寺) ở tiểu quốc Hà Nội (河內, Kawauchi) vào tháng 2 năm thứ 12 (748) cùng niên hiệu trên, Thánh Võ Thiên Hoàng (聖武天皇, Shōmu Tennō, tại vị 724-749) thấy tượng Lô Xá Na Phật (盧舍那佛) tướng hảo trang nghiêm, bèn thốt lên rằng: “Trẫm cũng tạo tượng này để tôn thờ”; cho nên nhà vua phát nguyện tạc tượng Phật. Vào ngày rằm tháng 10 năm thứ 15 cùng niên hiệu trên, dựa trên cơ sở giáo lý của Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經), chiếu chỉ tạo lập tượng Đại Phật Lô Xá Na được ban bố. Chiếu chỉ này thể hiện đế quyền vĩ đại trên cơ sở của Chế Độ Luật Lịnh, kêu gọi sự viện trợ của đại chúng quốc dân. Chánh điện chùa thờ đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana Buddha), rất nổi tiếng với danh hiệu là Đại Phật Nại Lương. Vào năm 751 (năm thứ 3 niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寳]), Đại Hùng Bảo Điện được hoàn thành, năm sau thì tiến hành lễ Khai Nhãn Cúng Dường tượng Đại Phật, rồi đến năm 754 vị Đường tăng của Trung Hoa là Giám Chơn (鑑眞, Ganjin) đã thiết lập Giới Đàn Viện tại chùa và đây được xem như là một trong ba giới đàn lớn nhất của Nhật Bản. Đến thế kỷ thứ 9, chùa có cả trang viên và Tăng binh rộng lớn, cho nên uy thế của chùa rất nổi bật. Kể từ khi thành lập cho đến nay, chùa hiện còn một số kiến trúc đường xá như Pháp Hoa Đường (法華堂), Chuyển Hại Môn (轉害門), Kinh Khố (經庫) và Chánh Thương Viện (正倉院), v.v. Chùa hiện tàng trữ các tượng Phật được làm vào thời đại Thiên Bình, và cổng Nam Đại Môn Nhân Vương thuộc thời đại Liêm Thương là do sự hợp tác của Vận Khánh (運慶) và Khoái Khánh (快慶). Chánh điện Đại Phật hiện tồn được trùng tu vào giữa thời Giang Hộ (江戸, Edo, 1600-1868), là kiến trúc làm bằng gỗ lớn nhất thế giới.
(唐招提寺, Tōshōdai-ji): ngôi Tổng Bản Sơn trung tâm của Luật Tông Nhật Bản, tọa lạc tại Gojō-chō (五條町), Nara-shi (奈良市), Nara-ken (奈良縣), một trong 7 ngôi chùa lớn của vùng Nam Đô. Tượng thờ chính của chùa là tượng ngồi Lô Xá Na Phật (盧舍那佛, thời đại Nại Lương) cao 6 trượng. Là ngôi tự viện có liên quan mật thiết với vị Đường tăng Giám Chơn (鑑眞, Ganjin), về sự tình xây dựng chùa được miêu tả rất rõ trong Đường Đại Hòa Thượng Đông Chinh Truyện (唐大和上東征傳) do Đạm Hải Tam Thuyền (淡海三船, Oumi-no-Mifune) soạn thuật vào năm 779. Vượt qua biết bao gian khổ để đến được triều đình Nhật, vào năm 754 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寳] 6), Giám Chơn đã thiết lập Giới Đàn trước tượng Đại Phật của Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) để truyền thọ giới pháp cho Thiên Hoàng, Hoàng Hậu và hơn 440 người trong cung nội. Từ đó về sau, ông xác lập chế độ thọ giới. Sau đó, ông nhường lại Đường Thiền Viện (唐禪院) ở Đông Đại Tự cho đệ tử Pháp Tấn (法進, Hōshin), rồi xây dựng một ngôi Biệt Viện mới tại khu đất nhà ở cũ của cố Thân Vương Tân Điền Bộ (新田部, Nitabe)—khu đất do triều đình ban tặng vào năm 759 (Thiên Bình Bảo Tự [天平寳字] 3), và chuyển đến trú ở đây với tên do ông đặt là Đường Chiêu Đề Tự. Đây chính là duyên khởi của chùa này. Về quy mô của ngôi già lam, người tạo lập, v.v., có ghi rõ trong Chiêu Đề Tự Kiến Lập Duyên Khởi (招提寺建立緣起, năm 835). Quần thể đại quy mô của ngôi già lam này có Kim Đường (金堂) nối liền với Hành Lang chạy vòng quanh, Giảng Đường (講堂), Lầu Kinh (經樓), Lầu Chuông (金樓), Tăng Phòng (僧房), v.v., là những kiến trúc được dời từ Đông Triều Tập Điện của Bình Thành Kinh (平城京). Sau khi kinh đô được dời về Trường Cương (長岡), chùa vẫn tiếp tục xây dựng thêm. Dưới thời Bình An, do vì kinh đô dời đi nơi khác nên chùa phải chịu số phận suy vong cùng với những ngôi chùa khác của vùng Nam Đô. Trong phần Thật Phạm Luật Sư Truyện (實範律師傳) của bản Chiêu Đề Thiên Tuế Truyện Ký (招提寺千歳傳記) được hình thành vào năm 1701 (Nguyên Lộc [元祿] 14), có ghi lại lần hoang phế của chùa dưới thời đại này. Đến thời đại Liêm Thương, chùa bắt đầu tái hưng nhờ những hoạt động phục hưng giáo học vùng Nam Đô của Trinh Khánh (貞慶, Jōkei), Duệ Tôn (叡尊, Eison), Giác Thạnh (覺盛, Kakujō), v.v. Vào năm 1202 (Kiến Nhân [建仁] 2), Trinh Khánh bắt đầu tu sửa Đông Thất (東室), thiết lập Đạo Tràng Niệm Phật; đến năm 1240 (Nhân Trị [仁治] nguyên niên) thì xây dựng Lầu Kinh, v.v. Năm 1244 (Khoan Nguyên [寬元] 2), Giác Thạnh—người được kính ngưỡng như là vị sơ tổ thời Trung Hưng của chùa—đến làm trú trì. Ông tiến hành phục hưng về mặt giáo học; và vị tổ thứ 2 là Chứng Huyền (証玄, Shōgen) cũng tận lực góp phần làm cho chùa xương thạnh. Bức tượng Thích Ca theo dạng thức của Thanh Lương Tự (清涼寺, Seiryō-ji) được tôn trí tại Lễ Đường (禮堂, năm 1202), tranh vẽ Đông Chinh Truyện (東征傳), v.v., nói lên một cách chân thật thời kỳ phục hưng này. Lịch sử của chùa từ thời Nam Bắc Triều trở đi thì không rõ lắm, nhưng giống như các ngôi tự viện khác, chùa cũng bị suy tàn mãi cho đến thời Cận Đại. Đến năm 1596 (Trường Khánh [長慶] nguyên niên), do vì động đất, toàn bộ ngôi già lam bị hư nát. Sau đó, nhờ Tướng Quân Đức Xuyên Cương Cát (德川綱吉, Tokugawa Tsunayoshi) quy y với Long Quang (隆光, Ryūkō)—vị trú trì Hộ Trì Viện (護持院) của chùa, Tướng Quân phát nguyện tu bổ lại toàn bộ già lam để hồi hướng công đức cho thân mẫu ông. Từ khi chùa thành lập chưa có trận hỏa tai nào xảy ra cho đến thời Cận Đại; nhưng vào năm 1802 (Hưởng Hòa [享和] nguyên niên), ngôi tháp được dựng vào năm 810 bị sét đánh làm cháy rụi. Thêm vào đó, vào năm 1833 (Thiên Bảo [天保] 4), Tây Thất (西室), Khai Sơn Đường (開山堂) và năm 1848 (năm đầu niên hiệu Gia Vĩnh [嘉永]) thì Giới Đàn Đường (戒壇堂) bị cháy thành tro bụi. Tuy nhiên, cũng may mắn thay, trung tâm già lam thì không bị ảnh hưởng hỏa tai lớn, các kiến trúc quý giá như Kim Đường, Giảng Đường, Kho Kinh, Kho Báu, v.v., vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay. Bảo vật của chùa hiện có một quần thể tượng điêu khắc giá trị gồm mấy mươi pho như tượng ngồi Lô Xá Na Phật, tượng đứng Thiên Thủ Quan Âm (thời đại Nại Lương), tượng đứng Dược Sư Như Lai (đầu thời Bình An), tượng ngồi Giám Chơn Hòa Thượng (thời đại Nại Lương), v.v. Ngoài ra, còn có rất nhiều bảo vật khác như bình đựng xá lợi do Giám Chơn đem sang, tranh vẽ, kinh điển, v.v. Về tên gọi Đường Chiêu Đề Tự (唐招提寺), Đường (唐) ở đây có nghĩa nói đến vị Đường Tăng Giám Chơn sang truyền Luật Tông vào Nhật. Còn Chiêu Đề (招提) là âm dịch của tiếng Pāli hay Sanskrit cātuddisa, nghĩa là tứ phương, bốn phương. Vậy ngôi Đường Chiêu Đề Tự là ngôi chùa của vị Đường Tăng Giám Chơn dành cho người của bốn phương đến tu tập. Có lẽ đây cũng là chân ý của Hòa Thượng Giám Chơn.
(唐大和上東征傳, Tōdaiwajōtōseiden): 1 quyển, truyền ký của vị Đường tăng Giám Chơn (鑑眞, Ganjin), gọi tắt là Đông Chinh Truyện (東征傳, Tōseiden), do Chân Nhân Nguyên Khai (眞人元開, 722-785, tục danh là Đạm Hải Tam Thuyền [淡海三船, Oumi-no-Mifune]) soạn, thành lập vào năm 779 (Bảo Quy [寳龜] 10). Đây là thư tịch lấy ngòi bút hoa lệ của vị văn nhân nổi tiếng đương thời là Đạm Thuyền Mẫn Lang để hòa giải những phản đối cũng như ngộ nhận của chư tăng đối với Giám Chơn sau khi Tư Thác (思託, Shitaku)—đệ tử của Giám Chơn—sang triều đình Nhật Bản. Đạm Thuyền Mẫn Lang đã dựa trên bản Đại Đường Truyền Giới Sư Tăng Danh Ký Đại Hòa Thượng Giám Chơn Truyện (大唐傳戒師僧名記大和上鑑眞傳, còn gọi là Quảng Truyện [廣傳], 3 quyển) để chỉnh lý thành 1 quyển. Nội dung của tác phẩm này thuật rõ ý của Vinh Duệ (榮叡) và Phổ Chiếu (普照)—hai vị tăng sang nhà Đường với mục đích cung thỉnh Giám Chơn sang làm Truyền Giới Sư cho Nhật Bản, thông qua quyết tâm của Giám Chơn vượt biển để sang truyền trao giới luật, trãi biết bao gian khổ qua 6 lần vượt biển trong vòng 12 năm, từ đó viết nên câu chuyện về tinh thần bất khuất, nhiệt tâm đối với vấn đề truyền pháp như thế nào qua hình ảnh Giám Chơn. Phần đầu thuật về xuất thân cũng như quá trình hành đạo của ông tại Trung Quốc; sau khi sang Nhật vào năm 754 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寳] 6), ông đã thiết lập Giới Đàn Viện tại Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), rồi sáng lập Đường Chiêu Đề Tự (唐招提寺, Tōshōdai-ji), v.v., giây phút qua đời và tán dương về đức hạnh cao cả của ông. Cuối sách có phụ thêm 2 đoạn Hán thi có lời tựa của Nguyên Khai và một số bài thơ khác truy niệm về Giám Chơn. Vào năm 1298 (Vĩnh Nhân [永仁] 6), trên cơ sở của tác phẩm này, Truyện Tranh Đông Chinh (東征繪傳, 5 quyển) được vẽ ra và tranh vẽ do ngòi bút của Lục Lang Binh Vệ Nhập Đạo Vận Hành (六郎兵衛入道運行).
(戒壇): là đàn tràng dùng để cử hành nghi thức truyền thọ giới pháp cũng như thuyết giới. Nguyên lai, Giới Đàn không cần phải xây dựng nhà cửa gì cả, tùy theo chỗ đất trống kết giới mà thành. Xưa kia, thời cổ đại Ấn Độ tác pháp ngoài trời, không cần phải làm đàn. Về việc Giới Đàn được kiến lập đầu tiên, Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽, Taishō Vol. 54, No. 2127) quyển Thượng, có ghi lại rằng Bồ Tát Lâu Chí (樓至) thỉnh ý đức Phật xin thiết lập Giới Đàn cho chư vị Tỳ Kheo thọ giới và được Ngài hoan hỷ chấp thuận: “Tây Thiên Kỳ Viên, Tỳ Kheo Lâu Chí thỉnh Phật lập đàn, vi Tỳ Kheo thọ giới Như Lai ư viên ngoại viện Đông Nam, trí nhất đàn, thử vi thỉ dã (西天祇園、比丘樓至請佛立壇、爲比丘受戒、如來於園外院東南、置一壇、此爲始也, Kỳ Viên ở Tây Thiên [Ấn Độ], Tỳ Kheo Lâu Chí xin Phật thiết lập Giới Đàn để truyền thọ giới cho Tỳ Kheo; đức Như Lai thiết lập một đàn ở phía Đông Nam ngoài Kỳ Viên; đây là khởi đầu).” Tại Trung Quốc, tương truyền Giới Đàn đầu tiên do Đàm Kha Ca La (s: Dharmakāla, 曇柯迦羅) kiến lập trong khoảng thời gian niên hiệu Gia Bình (嘉平, 249-254), Chánh Nguyên (正元, 254-256) nhà Tào Ngụy. Từ thời nhà Tấn, Tống trở đi, ở phương Nam kiến lập Giới Đàn rất nhiều. Như Pháp Hộ (法護) nhà Đông Tấn lập đàn ở Ngõa Quan Tự (瓦官寺), Dương Đô (揚都, Nam Kinh [南京]). Chi Đạo Lâm (支道林, 314-366) cũng thiết lập ở Thạch Thành (石城, Lê Thành [黎城], Sơn Tây [山西]), Phần Châu (汾州, Tân Xương [新昌], Triết Giang [浙江]) mỗi nơi một đàn. Chi Pháp Tồn (支法存, ?-457) lập đàn ở Nhã Da (若耶, Thiệu Hưng [紹興], Triết Giang). Trí Nghiêm (智嚴) nhà Nam Tống lập đàn ở Thượng Định Lâm Tự (上定林寺, Nam Kinh). Huệ Quán (慧觀) lập đàn ở Thạch Lương Tự (石梁寺, Thiên Thai Sơn [天台山]). Cầu Na Bạt Ma (s: Guṇavarman, 求那跋摩, 367-431) lập đàn ở Nam Lâm Tự (南林寺). Tăng Phu (僧敷, ?-?) của nhà Nam Tề lập đàn ở Vu Hồ (蕪湖). Pháp Siêu (法超) của nhà Lương thời Nam Triều lập đàn ở Nam Giản (南澗, Nam Kinh). Tăng Hựu (僧祐, 445-518) thiết lập tại Nam Kinh 4 chùa Vân Cư (雲居), Thê Hà (棲霞), Quy Thiện (歸善) và Ái Kính (愛敬) mỗi nơi một đàn. Tổng cọng hơn 300 Giới Đàn. Đến thời nhà Đường, vào năm thứ 2 (667) niên hiệu Càn Phong (乾封), Luật Sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) kiến lập Giới Đàn tại Tịnh Nghiệp Tự (淨業寺) ở ngoại ô Trường An (長安). Bắt đầu từ thời này, Giới Đàn đã hình thành quy thức nhất định. Về sau, chư cao tăng khác như Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713), Nhất Hành (一行, 683-727), Kim Cang Trí (金剛智, 671-741), v.v., từng kiến lập Giới Đàn ở vùng phụ cận Lạc Dương (洛陽). Vào năm đầu (765) niên hiệu Vĩnh Thái (永泰), vua Đại Tông (代宗, tại vị 762-779) ban sắc lệnh kiến lập Phương Đẳng Giới Đàn (方等戒壇, tức Đại Thừa Giới Đàn) ở Đại Hưng Thiện Tự (大興善寺); rồi cho đặt 10 vị Lâm Đàn Đại Đức (臨壇大德) trong giáo đoàn Tăng Ni ở Kinh Thành; tức sau này là Tam Sư Thất Chứng (三師七證). Về phía Nhật Bản, Giới Đàn đầu tiên do Giám Chơn (鑑眞, Ganjin, 688-763) kiến lập ở phía trước Chánh Điện Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) vào năm 749 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寶] thứ 6). Đến tháng 4 năm này, Giám Chơn đã truyền giới cho Thánh Võ Thiên Hoàng (聖武天皇, Shōmu Tennō, tại vị 724-749) cùng với 430 người khác. Sau đó, Giới Đàn Viện (戒壇院) được kiến lập ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji); và hai Giới Đàn khác ở Quan Thế Âm Tự (觀世音寺, Kanzeon-ji), vùng Trúc Tử (筑紫, Chikushi) và Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji) thuộc tiểu quốc Hạ Dã (下野, Shimotsuke). Trong (Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành) Thích Giáo Bộ Vị Khảo ([古今圖書集成]釋敎部彙考, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 77, No. 1521) quyển 2 có câu: “Trường Khánh tứ niên, Kính Tông tức vị, Từ Tứ Vương Trí Hưng, thỉnh trí Tăng Ni Giới Đàn (長慶四年、敬宗卽位、徐泗王智興、請置僧尼戒壇, niên hiệu Trường Khánh thứ 4 [824], vua Kính Tông nhà Đường lên ngôi, Từ Tứ Vương Trí Hưng, xin thiết trí Giới Đàn Tăng Ni).” Hay trong Chung Nam Gia Nghiệp (終南家業, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1109) quyển Trung có đoạn rằng: “Chí Nguyên Hỷ thập niên, hữu Tăng Già Bạt Ma, ư Dương Đô Nam Lâm Giới Đàn, vi Tăng Huệ Chiếu đẳng ngũ thập nhân, Ni Huệ Quả đẳng tam thập tam nhân, trùng thọ cụ giới (至元喜十年、有僧伽拔摩、於揚都南林戒壇、爲僧慧照等五十人、尼慧果等三十三人、重受具戒, cho đến niên hiệu Nguyên Hỷ thứ 10, tại Giới Đàn Chùa Nam Lâm ở Dương Đô, có Tăng Già Bạt Ma vì nhóm Tăng Huệ Chiếu 50 người, nhóm Ni Huệ Quả 33 người, thọ giới Cụ Túc lại).”
(隆尊, Ryūson, 702-760): vị tăng của Pháp Tướng Tông Nhật Bản, sống dưới thời đại Nại Lương, húy là Long Tôn (隆尊). Ông theo Nghĩa Uyên (義淵, Gien) ở Đại Hòa Cương Tự (大和岡寺) học về Pháp Tướng, Duy Thức và Hoa Nghiêm; sau thể theo lời cung thỉnh của đại chúng, ông đến trú tại Nguyên Hưng Tự (元興寺, Gankō-ji) và năm 746 thì chuyển đến Hưng Phước Tự (興福寺, Kōfuku-ji). Vào năm 752, ông làm chủ lễ cho Lễ Cúng Dường Khai Nhãn Tượng Đại Phật tại Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji). Thể hiện nguyện vọng tha thiết muốn tổ chức thọ giới chính thức với Thập Sư như pháp, ông kiến nghị lên Xá Nhân Thân Vương (舍人親王) cho phép Vinh Duệ (榮叡, Yōei) và Phổ Tịch (普寂, Fujaku) sang nhà Đường, từ đó tạo nhân duyên cho Giám Chơn (鑑眞, Ganjin) qua Nhật.
(律宗, Ris-shū): học phái chuyên nhấn mạnh về sự tu tập và nghiên cứu giới luật, do Đạo Tuyên (道宣, 596-667) nhà Đường thành lập nên ở Trung Hoa, lấy việc thọ trì Tứ Phần Luật (四分律) cũng như Tam Tụ Tịnh Giới (三聚淨戒) của Bồ Tát làm yếu nhân để thành Phật. Giới luật do đức Phật chế ra được thâu tập thành Luật Tạng; nhưng khi giáo đoàn phân liệt thì giới luật được truyền thừa khác nhau theo 20 bộ phái. Tại Trung Hoa, 4 bộ luật gồm Thập Tụng Luật (十頌律), Tứ Phần Luật (四分律), Tăng Kỳ Luật (僧祇律) và Ngũ Phần Luật (五分律) được lưu truyền. Trong đó, chỉ có Tứ Phần Luật là được phổ biến nhất, từ đó phân phái thành Tướng Bộ Tông (相部宗) của pháp Lệ (法礪, 560-635), Nam Sơn Tông (南山宗) của Đạo Tuyên (道宣, 596-667), Đông Tháp Tông (東塔宗) của Hoài Tố (懷素, 624-697). Học phái này cũng được truyền sang Nhật, và trở thành một trong 6 tông phái lớn vùng Nam Đô. Vào năm 754 (năm thứ 6 niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寳]), Giám Chơn (鑑眞, Ganjin)—cao đệ của Hằng Cảnh (恒景, Kōkei), đệ tử của Đạo Tuyên, đã từ Trung Quốc sang và truyền thừa tông này vào Nhật. Sau đó, ông thành lập 3 giới đàn tại Đông Tự (東寺, Tō-ji), Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji), Quan Thế Âm Tự (觀世音寺, Kanzeon-ji) và khai sáng Đường Chiêu Đề Tự (唐招提寺, Tōshōdai-ji) làm đạo tràng căn bản để nghiên cứu về giới luật cũng như làm ngôi chùa trung tâm chính cho tông phái này. Về sau, tông phái này trãi qua một thời suy vong, nhưng rồi được phục hưng lại nhờ nhóm Thật Phạm (實範, Jitsuhan), Giác Thạnh (覺盛, Kakujō) và Duệ Tôn (叡尊, Eison). Hơn nữa, nhóm Tuấn Nhưng (俊芿, Shunjō), Đàm Chiếu (曇照, Donshō) sang nhà Đường cầu pháp, rồi truyền giới luật vào Nhật và xác lập nên Bắc Kinh Luật (北京律) ở trung tâm Tuyền Dũng Tự (泉涌寺, Senjū-ji), đối lập với Nam Kinh Luật (南京律) của Giác Thạnh. Hiện tại, bên cạnh ngôi chùa Tổng Bản Sơn của Luật Tông là Đường Chiêu Đề Tự, còn có sự hiện hữu của giáo đoàn Chơn Ngôn Luật Tông (眞言律宗), lấy Tây Đại Tự (西大寺, Saidai-ji) làm Tổng Bản Sơn.
(玉泉寺, Gyokusen-ji): còn gọi là Ngọc Tuyền Thiên Thai (玉泉天台), là ngôi tự viện quan trọng của Phật Giáo thuộc địa khu Hán tộc, là đơn vị bảo hộ văn vật trọng điểm của quốc gia; hiện tọa lạc tại Ngọc Tuyền Sơn (玉泉山), Phủ Kinh Khê (荆溪府), trong phạm vi của Đương Dương, Tỉnh Hồ Bắc. Trong khoảng niên hiệu Kiến An (建安) nhà Đông Hán, tăng Phổ Tịnh (普淨) đã từng kết thảo am tu tập tại núi này. Vào năm 528 (Đại Thông [大通] 2) của Nam Bắc Triều, vua Lương Võ Đế ban sắc chỉ kiến tạo nơi đây ngôi Phú Thuyền Sơn Tự (覆船山寺). Đến năm 593 (Khai Hoàng [開皇] 13) nhà Tùy, Thiên Thai Đại Sư Trí Khải (智顗, 538-397) vâng chỉ kiến lập chùa, nhân thấy dòng suối dưới núi trong vắt như viên ngọc, bèn đổi tên thành Ngọc Tuyền Tự. Chính Đại Sư đã từng thuyết giảng Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義) và Ma Ha Chỉ Quán (摩訶止觀) tại chùa này. Trong khoảng thời gian niên hiệu Đại Nghiệp (大業, 605-617) nhà Tùy, Tấn Vương Dương Quảng (晉王揚廣, tại vị 604~618) ban cho bức ngạch đề dòng chữ “Ngọc Tuyền Tự (玉泉寺)”. Năm 676 (Nghi Phụng [儀鳳] nguyên niên) nhà Đường, Thần Tú đến trú tại đây và xiển dương Thiền pháp; từ đó, ngôi già lam này càng lúc càng hưng thịnh và nổi tiếng khắp chốn tòng lâm trong thiên hạ. Về sau, trãi qua các triều đại, chùa đều được trùng tu và sữa chữa nhiều lần. Từ khi Giám Chơn (鑑眞, Ganjin, 688-763), đệ tử của Hoằng Cảnh (弘景), được mời sang Nhật làm Luật Sư, ngôi chùa này trở nên nổi tiếng như là nơi nghiên cứu về Giới Luật rất thịnh hành. Ngoài ra, Nam Nhạc Hoài Nhượng (南岳懷讓) đã từng xuống tóc xuất gia với Hoằng Cảnh tại linh địa này; hay như trường hợp Đại Mai Pháp Thường (大梅法常) lúc thanh niên đã tu học tại đây.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.249.58 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập