Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Du Già »»
(s, p: Ānanda, 阿難): từ gọi tắt của âm dịch A Nan Đà (阿難陀), ý dịch là Khánh Hỷ (慶喜), Vô Nhiễm (無染), con trai của vương tộc Sĩ Cam Lộ Phạn (s: Amṛtodana, 士甘露飯, còn gọi là Bạch Phạn Vương [白飯王]) thuộc dòng họ Thích Ca (s: Śākya, p: Sakya, 釋迦), anh em với Đề Bà Đạt Đa (s, p: Devadatta, 提婆達多), anh em chú bác với đức Phật, là thị giả hầu cận Ngài trong một thời gian lâu dài. Ngày đức Thế Tôn thành đạo là ngày A Nan ra đời; Ngài giảng kinh xong 20 năm thì khi ấy A Nan mới xuất gia. Sau khi thành đạo, lần đầu tiên đức Thế Tôn trở về thành Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛), khi Ngài trú tại Vườn Xoài (s: Āmrapāli-vana, p: Ambapāli-vana, 菴婆波梨園, tức Am Bà Ba Lợi Viên), Tôn giả A Nan đã cùng với các vương tử thuộc dòng họ Thích Ca và người thợ hớt tóc Ưu Ba Ly (s, p: Upāli, 優波離) xin xuất gia theo Phật. Từ đó trở đi, Tôn giả thường hầu hạ bên đức Thích Tôn, phần nhiều nghe được những lời dạy của Ngài, nên được xưng tụng là Đa Văn Đệ Nhất (多聞第一, nghe nhiều số một). Có thuyết cho rằng Tôn giả đã tu đắc pháp gọi là Tánh Giác Tự Tại Tam Muội (性覺自在三昧), có thể ở trong định thấu hiểu các pháp; cho nên khi kết tập Pháp Tạng thì A Nan được suy cử. Khi dưỡng mẫu của Phật là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī Gautamī, s: Mahāpajāpatī Gotamī, 摩訶波闍波提) cầu xin xuất gia nhưng không được phép, chính Tôn giả đã đích thân xin Phật và sau khi được phép thì Tôn giả là người đã tận lực sáng lập giáo đoàn Tỳ Kheo Ni đầu tiên. Vào tháng thứ 2 sau khi Phật diệt độ, khi cuộc kết tập lần đầu tiên được tiến hành tại Hang Thất Diệp (s: Sapta-parṇa-guhā, 七葉窟) ngoài Thành Vương Xá (s: Rājagṛha, p: Rājagaha, 王舍城), Tôn giả đã cùng tham dự với 499 vị đệ tử của đức Phật chứng quả A La Hán. Khi đức Phật diệt độ, tương lai của giáo đoàn được phó thác lại cho Ma Ha Ca Diếp (s: Mahākāśyapa, p: Mahākassapa, 摩訶迦葉), cho nên A Nan được Ca Diếp truyền trao giáo pháp cho và trở thành vị tổ thứ 2 của Thiền Tông Tây Thiên. Theo các tài liệu như Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh (救拔焰口餓鬼陀羅尼經, Taishō 1313), Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni Thần Chú Kinh (救面燃餓鬼陀羅尼神呪經, Taishō 1314), Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh (瑜伽集要救阿難陀羅尼焰口儀軌經, Taishō 1318), Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Khởi Giáo A Nan Đà Duyên Do (瑜伽集要焰口施食起敎阿難陀緣由, Taishō 1319), có dẫn về nguồn gốc cúng thí thực Ngạ Quỷ, âm linh cô hồn. Câu chuyện kể rằng có một đêm nọ trong khi đang hành Thiền định quán chiếu những lời dạy của Đức Phật, vào canh ba tôn giả A Nan chợt nhìn thấy một con quỷ đói thật hung tợn tên là Diệm Khẩu (s: Ulkā-mukha, 焰口) có thân hình gầy ốm, miệng rực cháy lửa và cổ họng của nó nhỏ như cây kim. Con quỷ ấy đến trước mặt tôn giả thưa rằng ba ngày sau mạng của tôn giả sẽ hết và sanh vào thế giới ngạ quỷ (ma đói). Nghe vậy, tôn giả A Nan vô cùng ngạc nhiên và lấy làm sợ hãi, bèn hỏi con quỷ kia xem có cách nào thoát khỏi tai họa ấy không. Con quỷ trả lởi rằng: “Vào sáng ngày mai nếu tôn giả có thể cúng dường thức ăn và nước uống cho trăm ngàn ức chúng ngạ quỷ nhiều như cát sông Hằng, cho vô số đạo sĩ Bà La Môn, cho chư thiên và các vị thần cai quản việc làm của con người, cho quá cố các vong linh, dùng cái hộc của nước Ma Kiệt Đà (s, p: Magadha, 摩掲陀) để cúng dường cho họ 49 hộc thức ăn và nước uống, và vì họ mà cúng dường cho Tam Bảo, như vậy tôn giả sẽ được tăng thêm tuổi thọ, cùng lúc đó sẽ làm cho chúng tôi thoát khỏi cảnh khổ đau của Ngạ Quỷ và sanh lên cõi trời.” Trên cơ sở của nguồn gốc này, nghi lễ Cúng Thí Thực cho âm linh cô hồn Ngạ Quỷ ra đời cho đến ngày nay.
(s: Akṣhobhya-buddha, t: Saṅs-rgyas mi-ḥkhrugs-pa, 阿閦佛): gọi tắt là A Súc (阿閦), còn gọi là A Súc Tì Phật (阿閦鞞佛), A Sô Tì Da Phật (阿芻鞞耶佛), Ác Khất Sô Tỳ Dã Phật (噁乞蒭毘也佛); ý dịch là Bất Động Phật (不動佛), Vô Động Phật (無動佛), hay Vô Nộ Phật (無怒佛), Vô Sân Nhuế Phật (無瞋恚佛); là tên gọi của một trong 5 vị Phật ở 5 phương khác nhau; vị này thường ngự ở phương Đông. Theo Phẩm Phát Ý Thọ Tuệ (發意受慧) và Thiện Khoái (善快) của A Súc Phật Quốc Kinh (阿閦佛國經, Taishō Vol. 11, No. 313) quyển Thượng, vào thời quá khứ cách hơn Phật quốc độ về phương Đông có thế giới tên gọi là A Tỷ La Đề (s: Abhirati, 阿比羅提), đức Đại Mục Như Lai (大目如來) xuất hiện trong thế giới ấy, vì các Bồ Tát thuyết về hạnh Lục Độ Vô Cực (六度無極). Khi ấy có một vị Bồ Tát nhân khi nghe pháp bèn phát tâm vô thượng chánh chân; đức Đại Mục Như Lai thấy vậy rất hoan hỷ nên ban cho hiệu là A Súc. Bồ Tát A Súc thành Phật ở thế giới A Tỷ La Đề, cho đến hiện tại vẫn còn đang thuyết pháp tại quốc độ của Ngài. Hơn nữa, lại căn cứ vào Phẩm Hóa Thành Dụ (化城喩品) của Pháp Hoa Kinh (s: Saddharma-puṇḍarīka-sūtra, 法華經, Taishō Vol. 9, No. 262) cho hay rằng khi chưa xuất gia, đức Đại Thông Trí Thắng Phật (大通智勝佛) có 16 vương tử, về sau tất cả đều xuất gia làm Sa Di; trong đó người con thứ nhất tên Trí Tích (智積), tức là A Súc, thành Phật tại nước Hoan Hỷ ở phương Đông. Bi Hoa Kinh (s: Karuṇā-puṇḍarīka-sūtra, 悲華經, Taishō Vol. 3, No. 157) quyển 4 có ghi rằng đức A Di Đà Phật (s: Amitāyus, Amitābha, 阿彌陀佛) trong thời quá khứ khi làm vua Vô Tránh Niệm (無諍念), có cả ngàn người con, trong đó người con thứ 9 tên Mật Tô (蜜蘇), tức là A Súc, thành Phật ở phương Đông, cõi nước tên là Diệu Lạc (妙樂). Mật Giáo xem A Súc Phật này là một trong 5 vị Phật của Kim Cang Giới (金剛界), tượng trưng cho Đại Viên Cảnh Trí (大圓境智), hay Kim Cang Trí (金剛智). Ngài ngự ở trung ương chánh Đông Nguyệt Luân trong Ngũ Giải Thoát Luân (五解脫輪), phía trước là Kim Cang Tát Đỏa (金剛薩埵), bên phải là Kim Cang Vương Bồ Tát (金剛王菩薩), bên trái là Kim Cang Ái Bồ Tát (金剛愛菩薩), phía sau là Kim Cang Hỷ Bồ Tát (金剛喜菩薩). Hình tượng của Ngài màu vàng kim, tay trái bắt ấn để trên bắp vế, tay phải buông xuống chạm đất, nên được gọi là A Súc Xúc Địa ấn (阿閦觸地印). Mật hiệu của Ngài là Bất Động Kim Cang (不動金剛); chủng tử là hūṃ. Chơn ngôn là “án ác khất sô tỳ dã hồng (唵噁乞蒭毘也吽).” Thân Ngài màu xanh, như trong Phật Mẫu Khổng Tước Tôn Kinh Khoa Thức (佛母孔雀尊經科式, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1479) có đoạn rằng: “Phụng thỉnh Đông phương A Súc Phật, kỳ thân thanh sắc phóng quang minh, thủ ấn chấp trì Hàng Ma Chử, chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ (奉請東方阿閦佛、其身青色放光明、手印執持降魔杵、眾等志心歸命禮, cung thỉnh Đông phương A Súc Phật, thân Ngài sắc xanh phóng hào quang, tay ấn cầm giữ Chày Hàng Ma, chúng con chí tâm cung kính lễ).” Trong Diệu Cát Tường Bình Đẳng Bí Mật Tối Thượng Quán Môn Đại Giáo Vương Kinh (妙吉祥平等祕密最上觀門大敎王經, Taishō Vol. 20, No. 1192) quyển 4 lại dạy thêm rằng: “Cầu trường thọ thư A Súc Phật Chủng Trí tự (求長壽書阿閦佛種智字, nếu cầu sống lâu thì viết chữ Chủng Trí của A Súc Phật).” Trong Kim Cang Đảnh Du Già Tam Thập Thất Tôn Lễ (金剛頂瑜伽三十七尊禮, Taishō Vol. 18, No. 879) có đảnh lễ danh hiệu của Ngài: “Nam Mộ Kim Cang Kiên Cố Tự Tánh Thân A Súc Phật (南慕金剛堅固自性身阿閦佛, Kính Lễ Phật A Súc Thân Tự Tánh Kiên Cố Như Kim Cang).”
(s: Ratna-saṃbhava, t: Rin-chen ḥbyun-ba, 寶生佛): âm dịch là La Đát Nẵng Tam Bà Phược (羅怛曩三婆縛); còn gọi là Bảo Sanh Như Lai (寶生如來), Bảo Tướng Như Lai (寶相如來); là tên gọi của một trong 5 vị Phật thuộc Kim Cang Giới (金剛界) của Mật Giáo; ngự ở ngay ở giữa của vòng Nguyệt Luân ở hướng chánh Nam. Vị Phật này lấy phước đức báu Ma Ni để tích tụ công đức, có thể làm cho hết thảy nguyện ước của chúng sanh được thành tựu viên mãn; cũng như có thể giúp cho hành giả lên đến ngôi vị Pháp Vương được dự Quán Đảnh. Ngài là chủ của Bảo Bộ (寶部) trong Ngũ Bộ, tượng trưng cho Bình Đẳng Tánh Trí (平等性智) của Ngũ Trí. Mật hiệu của vị Phật này là Bình Đẳng Kim Cang (平等金剛); chủng tử là trāḥ, hoặc ja; hình Tam Muội Da là bảo châu. Hình tượng của Ngài có khác nhau trong các hội của Kim Cang Giới, như trong Thành Thân Hội (成身會) thì toàn thân Ngài hiện sắc màu vàng kim, tay trái nắm lại đặt lên dưới bắp vế, tay phải hướng ra bên ngoài, bắt Ấn Thí Nguyện (施願印), ngồi xếp bằng trên tòa sen. Xưa nay vị Phật này thường được xem là tương đồng với Bảo Tràng Như Lai (寶幢如來) ở phương Đông của Thai Tạng Giới Mạn Trà La (胎藏界曼茶羅). Trong Kim Quang Minh Kinh (金光明經) quyển 1, Quán Phật Tam Muội Hải Kinh (觀佛三昧海經) quyển 9, Đà La Ni Tập Kinh (陀羅尼集經) quyển 10, v.v., Bảo Sanh Phật tương đương với Bảo Tướng Phật (寶相佛) ở phương Nam; hoặc tương đương với Bảo Tràng Phật (寶幢佛) ở phương Nam như trong Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (金光明經最勝王經) quyển 8 có đề cập. Về chư vị Bồ Tát quyến thuộc của Ngài, Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修設瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1081) cho biết rằng: “Bảo Sanh Phật tứ Bồ Tát giả, nhất Kim Cang Bảo Bồ Tát, nhị Kim Cang Uy Quang Bồ Tát, tam Kim Cang Tràng Bồ Tát, tứ Kim Cang Quyến Bồ Tát (寶生佛四菩薩者、一金剛寶菩薩、二金剛威光菩薩、三金剛幢菩薩、四金剛眷菩薩, bốn vị Bồ Tát của Bảo Sanh Phật là, một Kim Cang Bảo Bồ Tát, hai Kim Cang Uy Quang Bồ Tát, ba Kim Cang Tràng Bồ Tát, bốn Kim Cang Quyến Bồ Tát).” Trong Phật Mẫu Khổng Tước Tôn Kinh Khoa Thức (佛母孔雀尊經科式, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1479) có đoạn rằng: “Phụng thỉnh Nam phương Bảo Sanh Phật, kỳ thân xích sắc phóng quang minh, thủ ấn chấp trì Ma Ni Bảo, chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ (奉請南方寶生佛、其身赤色放光明、手印執持摩尼寶、眾等志心歸命禮, cung thỉnh Nam phương A Súc Phật, thân Ngài sắc đỏ phóng hào quang, tay ấn cầm giữ Báu Ma Ni, chúng con chí tâm cung kính lễ).” Diệu Cát Tường Bình Đẳng Bí Mật Tối Thượng Quán Môn Đại Giáo Vương Kinh (妙吉祥平等祕密最上觀門大敎王經, Taishō Vol. 20, No. 1192) quyển 4 lại dạy rằng: “Cầu phú quý thư Bảo Sanh Phật Chủng Trí tự (求富貴書寶生佛種智字, nếu cầu giàu sang thì viết chữ Chủng Trí của Bảo Sanh Phật).” Hay trong Đại Nhạo Kim Cang Bất Không Chân Thật Tam Muội Da Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Lý Thú Thích (大樂金剛不空眞實三昧耶經般若波羅蜜多理趣釋, Taishō Vol. 19, No. 1003) có giải thích thêm rằng: “Nhất thiết Tam Giới chủ Như Lai giả, Bảo Sanh Phật giả, Bảo Sanh chi biến hóa, tắc Hư Không Tạng Bồ Tát thị dã (一切三界主如來者、寶生佛也、寶生之變化、則虛空藏菩薩是也, đức Như Lai làm chủ của hết thảy Ba Cõi là Bảo Sanh Phật; khi Bảo Sanh biến hóa tức chính là Hư Không Tạng Bồ Tát vậy).” Trong Kim Cang Đảnh Du Già Tam Thập Thất Tôn Lễ (金剛頂瑜伽三十七尊禮, Taishō Vol. 18, No. 879) có đảnh lễ danh hiệu của Ngài: “Nam Mộ Công Đức Trang Nghiêm Tụ Thân Bảo Sanh Phật (南慕功德莊嚴聚身寶生佛, Kính Lễ Phật Bảo Sanh Thân Tập Trung Công Đức Trang Nghiêm).”
(寶篆): có hai nghĩa chính. (1) Chỉ cho dấu ấn của vua Nghiêu tương truyền do chim phụng hoàng trao; vì văn khắc trên con dấu như chữ Triện, nên có tên gọi như vậy. Về sau, từ này được dùng tượng trưng cho sách đồ lục (圖籙), tức sách mệnh của thiên thần ban cho. Như trong bài tựa của Càn Nguyên Điện Tụng (乾元殿頌) do Vương Bột (王勃, 649-675) nhà Đường sáng tác có đoạn: “Linh hào mật phát, bát phương chiêu Đại Hữu chi hòa; bảo triện tiềm khai, Lục Hợp khải Đồng Nhân chi hội (靈爻密發、八方昭大有之和、寶篆潛開、六合啟同人之會, quẻ Hào mật phát, tám phương bày Đại Hữu hài hòa; ấn bàu thầm khai, Lục Hợp mở Đồng Nhân tụ hội).” (2) Từ mỹ xưng của hương thơm, vì khi đốt, khói quyện tỏa hình dáng như chữ Triện. Như trong bài Ký Ngọc Sơn Thi (寄玉山詩) của Trần Cơ (陳基, 1314-1370) nhà Nguyên có câu: “Bảo triện phần hương lưu thùy áp, thải tiên hàng mặc tả lai cầm (寶篆焚香留睡鴨、綵箋行墨寫來禽, triện báu hương xông vịt ngái ngủ, giấy tiên mực vẽ chim bay về).” Hay trong Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修習瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1083) quyển 1, phần Duyên Khởi Văn (緣起文), có đoạn: “Hương phần bảo triện, đằng ngũ sắc chi vân hà; chúc trán kim liên, xán nhất thiên chi tinh đẩu; pháp nhạc tấu vô sanh chi khúc, Phạm âm diễn tối thượng chi tông (香焚寶篆、騰五色之雲霞、燭綻金蓮、燦一天之星斗、法樂奏無生之曲、梵音演最上之宗, hương xông triện báu, vọt năm sắc ấy mây lành; nến gắn sen vàng, rực một trời muôn sao sáng; pháp nhạc tấu vô sanh điệu khúc, Phạm âm diễn tối thượng tông phong).”
(s: Amogha-siddhi, t: Don-yod-grub-pa, 不空成就佛): hay Bất Không Thành Tựu Như Lai (不空成就如來), gọi tắt là Bất Không Phật (不空佛); còn có các danh hiệu khác như Thiên Cổ Lôi Âm Phật (天鼓雷音佛), Thiên Cổ Âm Phật (天鼓音佛), Lôi Âm Vương Phật (雷音王佛); là tên gọi của một trong 5 vị Phật thuộc Kim Cang Giới (金剛界) của Mật Giáo, ngự ngay trung tâm của vòng Nguyệt Luân ở hướng chánh Bắc. Ngài tượng trưng cho Thành Sở Tác Trí (成所作智) của Ngũ Trí, là Bộ chủ của Nghiệp Bộ (業部). Trong Hội Thành Thân, thân của Ngài thể hiện sắc màu vàng; tay trái bắt ấn, để trên gót chân, tay phải đưa ngang ngực, ngồi xếp bằng trên tòa sen. Tuy nhiên, trong Phật Mẫu Khổng Tước Tôn Kinh Khoa Thức (佛母孔雀尊經科式, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1479) lại giải thích thân Ngài màu đen: “Phụng thỉnh Bắc phương Thành Tựu Phật, kỳ thân hắc sắc phóng quang minh, thủ ấn chấp trì Diệu Hàng Ma, chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ (奉請北方成就佛、其身黑色放光明、手印執持妙降魔、眾等志心歸命禮, cung thỉnh Bắc phương Thành Tựu Phật, thân Ngài sắc đen phóng hào quang, tay ấn cầm giữ Diệu Hàng Ma, chúng con chí tâm cung kính lễ).” Mật hiệu của Ngài là Bất Động Kim Cang (不動金剛), chủng tử là aḥ, hình Tam Muội Da là Chày Yết Ma Chữ Thập. Trong Thai Tạng Giới gọi Ngài là Thiên Cổ Lôi Âm Phật. Tác phẩm Phật Danh Thích Điển Truyện Lược (佛名釋典傳略) cho biết rằng Bất Không Thành Tựu Phật đại biểu cho Thành Sở Tác Trí của Tỳ Lô Giá Na Phật (s: Vairocana, 毘盧遮那佛, tức Đại Nhật Như Lai [大日如來]); phần lớn hóa hiện sắc màu xanh lục, vàng kim; thường hiện hình tượng ngự giá trên Đại Bàng Kim Xí Điểu (大鵬金翅鳥) có thể hàng phục ác long, rắn độc. Ngài còn tượng trưng có thể lấy trí tuệ lớn để thành tựu sự nghiệp của tất cả chư Như Lai cũng như của chúng sanh. Hành giả Phật Giáo nếu gặp phải phiền não, lo âu, nên chí thành cầu xin sự gia trì Phật lực của đức Bất Không Thành Tựu, thì có thể được tự lợi và lợi tha, khiến cho hết thảy chúng sanh xa lìa khổ não. Trong Mật Giáo, Uế Tích Kim Cang Vương (穢跡金剛明王), đấng có đức chuyển hóa từ “bất tịnh” thành “thanh tịnh”, chính là hóa thân của Bất Không Thành Tựu Phật. Về ấn quyết của Ngài, trong Phật Thuyết Du Già Đại Giáo Vương Kinh (佛說瑜伽大敎王經, Taishō Vol. 18, No. 890) có đề cập rằng: “Dĩ hữu thủ tác Vô Úy tướng, thử thị Bất Không Thành Tựu Phật căn bản ấn (以右手作無畏相、此是不空成就佛根本印, dùng tay phải làm hình tướng Vô Úy, đây là ấn căn bản của Bất Không Thành Tựu Phật).” Về chư vị Bồ Tát quyến thuộc của Ngài, Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (修設瑜伽集要施食壇儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1081) cho biết rằng: “Thành Tựu Phật tứ Bồ Tát giả, nhất Kim Cang Nghiệp Bồ Tát, nhị Kim Cang Ngữ Bồ Tát, tam Kim Cang Dược Xoa Bồ Tát, tứ Kim Cang Quyền Bồ Tát (成就佛四菩薩者、一金剛業菩薩、二金剛語菩薩、三金剛藥叉菩薩、四金剛拳菩薩, bốn vị Bồ Tát của Thành Tựu Phật là, một Kim Cang Nghiệp Bồ Tát, hai Kim Cang Ngữ Bồ Tát, ba Kim Cang Dược Xoa Bồ Tát, bốn Kim Cang Quyền Bồ Tát).” Trong Kim Cang Đảnh Du Già Trung Phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm Luận (金剛頂瑜伽中發阿耨多羅三藐三菩提心論, Taishō Vol. 32, No. 1665) có giải thích rằng: “Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật, do thành Thành Sở Tác Trí, diệc danh Yết Ma Trí dã (北方不空成就佛、由成成所作智、亦名羯磨智也, Bất Không Thành Tựu Phật ở phương Bắc do thành tựu Thành Sở Tác Trí, nên cũng được gọi là Yết Ma Trí).” Phật Thuyết Du Già Đại Giáo Vương Kinh (佛說瑜伽大敎王經, Taishō Vol. 18, No. 890) quyển 5 lại giải thích thêm rằng: “Phục thứ hàng phục pháp, trì tụng giả tiên tưởng Hồng tự, hóa thành Bất Không Thành Tựu Phật, thân tướng lục sắc quảng đại viên mãn (復次降伏法、持誦者先想吽字、化成不空成就佛、身相綠色廣大圓滿, lại nữa về pháp hàng phục, người trì tụng nên trước tưởng tượng chữ Hồng, hóa thành Bất Không Thành Tựu Phật, thân tướng màu xanh lục, to lớn tròn đầy).” Trong Kim Cang Đảnh Du Già Tam Thập Thất Tôn Lễ (金剛頂瑜伽三十七尊禮, Taishō Vol. 18, No. 879) có đảnh lễ danh hiệu của Ngài: “Nam Mộ Tác Biến Hóa Thân Bất Không Thành Tựu Phật (南慕作變化身不空成就佛, Kính Lễ Phật Bất Không Thành Tựu Có Thân Biến Hóa).”
(s: Prajñā, 般若, 734-?): tức Bát Nhã Tam Tạng (般若三藏), vị cao tăng dịch kinh dưới thời nhà Đường, còn gọi là Bát Lạt Nhã (般剌若); xuất thân người nước Ca Tất Thí (迦畢試, Kế Tân [罽賓]), họ là Kiều Đáp Ma (喬答摩). Năm lên 7 tuổi, ông xuất gia, đến 20 tuổi thì thọ Cụ Túc Giới. Năm 23 tuổi, ông đến Na Lan Đà Tự (娜爛陀寺) ở miền trung Ấn, nương theo ba vị đại luận sư Trí Hộ (智護), Tấn Hữu (進友), Trí Hữu (智友), chuyên nghiên cứu về Duy Thức, Du Già, Trung Quán, Kim Cang Kinh, Ngũ Minh, v.v. Sau đó, ông lên thuyền chu du khắp các nước vùng Nam Hải, vào năm 781 (Kiến Trung [建中] 2) đời vua Đức Tông (德宗, tại vị 779-805) nhà Đường, ông đến Quảng Châu, rồi vào kinh đô Trường An. Vào năm 788 (Trinh Nguyên 4), ông dịch được Đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật Đa Kinh (大乘理趣六波羅密多經) 10 quyển. Đến tháng 7 năm 790, ông phụng sắc chỉ theo sứ sang nước Ca Thấp Di La (s: Kaśmīra, p: Kasmīra, 迦濕彌羅). Không bao lâu sau, ông được ban cho hiệu Bát Nhã Tam Tạng và Tử Y. Về sau, ông còn dịch thêm một số kinh điển khác như Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (般若波羅蜜多心經), Tứ Thập Hoa Nghiêm (四十華嚴), Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán Kinh (大乘本生心地觀經), Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni Kinh (守護國界主陀羅尼經), v.v.
(辯顯密二敎論, Bengemmitsunikyōron): 2 quyển, do Không Hải soạn, là bộ luận thư tuyên ngôn lập tông, làm sáng tỏ sự phân biệt giữa Hiển Giáo và Mật Giáo, nêu lên điển cứ của 6 bộ kinh và 3 bộ luận, rồi dàn luận trận ngang dọc. Sáu bộ kinh gồm:
(1) Ngũ Bí Mật Kinh (五秘密經),
(2) Du Kỳ Kinh (瑜祇經),
(3) Lược Thuật Kim Cang Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng Pháp Môn (略術金剛瑜伽分別聖位修証法門),
(4) Đại Nhật Kinh (大日經),
(5) Lăng Già Kinh (楞伽經),
(6) Tam Quyển Giáo Vương Kinh (三巻敎王經).
Ba bộ luận là:
(1) Bồ Đề Tâm Luận (菩提心論),
(2) Đại Trí Độ Luận (大智度論),
(3) Thích Ma Ha Diễn Luận (釋摩訶衍論).
Ngoài ra còn có một số kinh điển khác được trích dẫn như Lục Ba La Mật Kinh (六波羅蜜經), Thủ Hộ Kinh (守護經), v.v. Về niên đại thành lập luận thư này, có một vào thuyết khác nhau.
(1) Vào năm 813 (niên hiệu Hoằng Nhân [弘仁] thứ 4), nhân dịp Trai Hội trong cung nội, chư tôn thạc đức của 8 tông phái hoạt động mạnh mẽ, nên tác phẩm này ra đời như là động cơ để xác lập tông phái mình.
(2) Có thuyết cho là tác phẩm này hình thành vào năm 815 (niên hiệu Hoằng Nhân thứ 6), đồng thời với bộ Tánh Linh Tập (性靈集), v.v. Như vậy chúng ta có thể tưởng tượng được luận thư này ra đời trong khoảng thời gian này. Một số sách chú thích về bộ luận này gồm Huyền Kính Sao (懸鏡鈔, 6 quyển) của Tế Xiêm (濟暹), Cương Yếu Sao (綱要鈔, 2 quyển) của Tĩnh Biến (靜遍), Thính Văn Sao (聽聞鈔) của Giác Noan (覺鑁), Thủ Kính Sao (手鏡鈔, 3 quyển) của Đạo Phạm (道範), Chỉ Quang Sao (指光鈔, 5 quyển) của Lại Du (賴瑜), v.v.
(s: Bodhiruci, j: Bodairushi, 菩提流[留]支, ?-527): vị tăng sống dười thời Bắc Ngụy, xuất thân miền Bắc Thiên Trúc, ý dịch là Đạo Hy (道希), học giả của hệ Du Già Đại Thừa, tánh chất thông tuệ, tinh thông cả ba tạng, rành về chú thuật, mang chí nguyện hoằng pháp khắp mọi nơi. Vào năm đầu (508) niên hiệu Vĩnh Bình (永平) đời vua Tuyên Võ Đế (宣武帝) nhà Bắc Ngụy, ông đến Lạc Dương (洛陽), được nhà vua rất kính trọng, sắc mệnh cho trú trì Vĩnh Ninh Tự (永寧寺) và chuyên tâm phiên dịch các kinh điển Phạn văn khoảng 39 bộ 27 quyển như Thập Địa Kinh Luận (十地經論), Kim Cang Bát Nhã Kinh (金剛般若經), Phật Danh Kinh (佛名經), Pháp Tập Kinh (法集經), Thâm Mật Giải Thoát Kinh (深密解脫經), Đại Bảo Tích Kinh Luận (大寳積經論), Pháp Hoa Kinh Luận (法華經論), Vô Lượng Thọ Kinh Luận (無量壽經論), v.v. Ngoài ra, nhân vì ông cùng với Lạc Na Ma Đề (勒那摩提) phiên dịch bộ Thập Địa Kinh Luận, nên được tôn làm vị tổ của Địa Luận Tông. Đối xứng với Nam Đạo Phái ở Tương Châu (相州) thuộc hệ Lặc Na (勒那), Huệ Quang (慧光), dòng phái của ông và Đạo Sủng (道寵) gọi là Bắc Đạo Phái. Ngoài ra, do vì ông thường xiển dương Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經), nên sau này được tôn sùng như là sơ tổ của Tịnh Độ Tông.
(高貴寺, Kōki-ji): ngôi chùa của Chơn Ngôn Tông, hiện tọa lạc tại Kanan-chō (河南町), Minamikawauchi-gun (南河內郡), Osaka-fu (大阪府); tên núi là Thần Hạ Sơn (神下山). Theo truyền ký của chùa cho biết rằng khi Văn Võ Thiên Hoàng (文武天皇, Mommu Tennō, tại vị 697-707) cho chép phẩm thứ 28 của Kinh Pháp Hoa, rồi đem an trí 28 nơi tại Cát Thành Sơn (葛城山), và chùa này thuộc một trong 28 chỗ đó, với tên gọi ban đầu là Thần Hạ Sơn Hương Sơn Tự (神下山香山寺). Đến thời Tha Nga Thiên Hoàng (嵯峨天皇, Saga Tennō, tại vị 809-823), Hoằng Pháp Đại Sư đã có lần đến quải tích dựng thảo am tại đây. Khi Đại Sư tu pháp Tam Mật Du Già, thấy xuất hiện ánh sáng kỳ diệu dưới sàng của Cao Quý Đức Vương Bồ Tát (高貴德王菩薩), nên mới đổi tên chùa thành Cao Quý Tự. Từ đó, thể theo sắc chỉ của Thiên Hoàng, các ngôi đường tháp, già lam được tạo dựng; nhưng sau đó do vì binh hỏa nên ngọn pháp đăng nơi đây hầu như tắt ngúm. Tuy nhiên, về sau khoảng thời gian niên hiệu Khoan Vĩnh (寛永, 1772-1781), Huệ Vân (慧雲) mới đến vùng này tu hành, dần dần chiếm được uy tín với Hoàng Thất, ông tiến hành phục hưng ngôi già lam này, và đến năm 1786 thì được tôn làm vị Tổ thứ nhất thời Trung Hưng của chùa. Cảnh nội của chùa có Kim Đường, Khai Sơn Đường, Giảng Đường, Thập Tam Tháp, Ngự ảnh Đường, Huệ Vân Tôn Giả Thảo Am, v.v.
(眞言宗, Shingon-shū): tông phái của Nhật Bản, do Không Hải Đại Sư (空海大師, Kūkai Daishi) sáng lập nên với tư cách là vị khai tổ. Đối tượng lễ bái của tông này là Đại Nhật Như Lai (s: Vairocana, 大日如來), do vì pháp thân của đức Đại Nhật Như Lai biến mãn khắp hết thảy pháp giới, nên vớiý nghĩa đó thì đối tượng lễ bái của tông này trở thành hết thảy tồn tại. Chơn Ngôn Tông hay còn gọi là Chơn Ngôn Mật Giáo, là đối với Hiển Giáo, tức đối ứng với vị giáo chủ của Hiển Giáo là Ứng Hóa Thân (應化身), và thay vào đó giáo chủ của Mật Giáo là Pháp Thân (法身), vì thế giáo thuyết của tông này là tự nội chứng của Pháp Thân để đối xứng với giáo thuyết của Hiển Giáo là tùy cơ. Đối ứng với Hiển Giáo cho rằng thời gian thành Phật là rất lâu dài, Mật Giáo chủ trương rằng trong hiện đời này có thể thành Phật. Đây chính là Tức Thân Thành Phật. Phương pháp đó là quán niệm chư tôn Mạn Đà La, xướng tụng chơn ngôn của chư tôn bằng miệng, và tay thì kết ấn của chư tôn. Đây được gọi là Tam Mật Du Già Hành (三密瑜伽行). Đối với Mật Tông thì vị giáo chủ là Đại Nhật Như Lai, rồi kế đến là Long Mãnh (龍猛, tức Long Thọ), Long Trí (龍智), Kim Cang Trí (金剛智), Bất Không (不 空), Huệ Quả (惠果), và Không Hải (空海). Theo tổng kết của Bộ Văn Hóa (bản năm 1997), hiện tại trên toàn quốc Chơn Ngôn Tông có rất nhiều chùa và nhiều phân phái khác nhau như sau: (1) Cao Dã Sơn Chơn Ngôn Tông (高野山眞言宗) có 3615 ngôi, (2) Chơn Ngôn Tông Đề Hồ Phái (眞言宗醍醐派) có 1094 ngôi, (3) Chơn Ngôn Tông Đông Tự Phái (眞言宗東寺派) có 85 ngôi, (4) Chơn Ngôn Tông Tuyền Dũng Tự Phái (眞言宗泉涌寺派) có 63 ngôi, (5) Chơn Ngôn Tông Sơn Giai Phái (眞言宗山階派) có 134 ngôi, (6) Chơn Ngôn Tông Ngự Thất Phái (眞言宗御室派) có 798 ngôi, (7) Chơn Ngôn Tông Đại Giác Tự Phái (眞言宗大覺寺派) có 353 ngôi, (8) Chơn Ngôn Tông Thiện Thông Tự Phái (眞言宗善通寺派) có 262 ngôi, (9) Chơn Ngôn Tông Trí Sơn Phái (眞言宗智山派) có 2893 ngôi, (10) Chơn Ngôn Tông Phong Sơn Phái (眞言宗豐山派) có 2656 ngôi, (11) Tân Nghĩa Chơn Ngôn Tông (新義眞言宗) có 208 ngôi, (12) Chơn Ngôn Tông Thất Sanh Tự Phái (眞言宗室生寺派) có 54 ngôi, (13) Tín Quý Sơn Chơn Ngôn Tông (信貴山眞言宗) có 191 ngôi. Một số ngôi chùa trung tâm nổi tiếng của tông phái này là Kim Cang Phong Tự (金剛峯寺, Kongōbu-ji, Wakayama-ken) Tổng Bản Sơn của Cao Dã Sơn Chơn Ngôn Tông (高野山眞言宗); Đông Tự (東寺, Tō-ji, tức Giáo Vương Hộ Quốc Tự [敎王護國寺], Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Đông Tự Chơn Ngôn Tông (東寺眞言宗); Thiện Thông Tự (善通寺, Zentsū-ji, Kagawa-ken), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Thiện Thông Tự Phái (眞言宗善通寺派); Tùy Tâm Viện (隨心院, Zuishin-in, Kyōto-shi), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Thiện Thông Tự Phái; Đề Hồ Tự (醍醐寺, Daigo-ji, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Đề Hồ Phái (眞言宗醍醐派); Nhân Hòa Tự (仁和寺, Ninna-ji, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Ngự Thất Phái (真言宗御室派); Đại Giác Tự (大覺寺, Daikaku-ji, Kyōto-shi), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Đại Giác Tự Phái (眞言宗大覺寺派); Tuyền Dũng Tự (泉涌寺, Sennyū-ji, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Tuyền Dũng Tự Phái (眞言宗泉涌寺派); Khuyến Tu Tự (勸修寺, Kanjū-ji, Kyōto-shi), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Sơn Giai Phái (眞言宗山階派); Triều Hộ Tôn Tử Tự (朝護孫子寺, Chōgosonshi-ji, Nara-ken), Tổng Bản Sơn của Tín Quý Sơn Chơn Ngôn Tông (信貴山眞言宗); Trung Sơn Tự (中山寺, Nakayama-dera, Hyōgo-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Trung Sơn Tự Phái (眞言宗中山寺派); Thanh Trừng Tự (清澄寺, Seichō-ji, Hyōgo-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tam Bảo Tông (眞言三寶宗); Tu Ma Tự (須磨寺, Suma-dera, Hyōgo-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Tu Ma Tự Phái (眞言宗須磨寺派); Trí Tích Viện (智積院, Chishaku-in, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Trí Sơn Phái (眞言宗智山派); Trường Cốc Tự (長谷寺, Hase-dera, Nara-ken), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Phong Sơn Phái (眞言宗豐山派); Căn Lai Tự (根來寺, Negoro-ji, Wakayama-ken), Tổng Bản Sơn của Tân Nghĩa Chơn Ngôn Tông (新義眞言宗); Tây Đại Tự (西大寺, Saidai-ji, Nara-ken), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Luật Tông (眞言律宗); Bảo Sơn Tự (寶山寺, Hōzan-ji, Nara-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Luật Tông, v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.71.60 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập