Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Đạo Tuyền »»
(阿彌陀五十菩薩像, Amidagojūbosatsuzō): hay còn gọi là Ngũ Thông Mạn Trà La (五通曼茶羅), một trong đồ hình biến tướng của Tịnh Độ, là bức họa đồ hình lấy đức Phật Di Đà làm trung tâm và chung quanh có 50 vị Phật, Bồ Tát khác. Căn cứ vào quyển trung của bộ Thần Châu Tam Bảo Cảm Thông Lục (神州三寳感通錄) do Đạo Tuyên (道宣, 596-667) nhà Đường (唐, 618-907) thâu tập có ghi rằng xưa kia Ngũ Thông Bồ Tát (五通菩薩) ở Kê Đầu Ma Tự (雞頭摩寺) xứ Thiên Trúc đến thế giới Cực Lạc cung thỉnh đức Phật A Di Đà giáng xuống tượng Phật, khiến cho chúng sanh nào ở cõi Ta Bà nguyện sanh về cõi Tịnh Độ, nhờ có hình tượng Phật mà đạt được nguyện lực của mình, nhân đó Phật hứa khả cho. Vị Bồ Tát này trở về nước thì tượng Phật kia đã đến rồi, có một đức Phật và 50 vị Bồ Tát đều ngồi tòa sen trên lá cây. Ngũ Thông Bồ Tát bèn lấy lá cây ấy đem vẽ ra và cho lưu hành rộng rãi gần xa. Trong khoảng thời gian niên hiệu Vĩnh Bình (58-75) dưới thời Hán Minh Đế, nhân nằm mộng, nhà vua bèn sai sứ sang Tây Vức cầu pháp, thỉnh được Ca Diếp Ma Đằng (s: Kāśyapamātaṅga, 迦葉摩騰, ?-73) sang Lạc Dương (洛陽), sau đó cháu ngoại của Ma Đằng xuất gia làm Sa Môn, có mang bức tượng linh thiêng này sang Trung Quốc; tuy nhiên nó không được lưu truyền rộng rãi cho lắm, vì kể từ thời Ngụy, Tấn trở đi gặp phải nạn diệt pháp, cho nên các kinh tượng theo đó mà bị thất truyền. Vào đầu thời nhà Tùy, Sa Môn Minh Hiến (明憲) may gặp được một bức tượng này từ xứ Đạo Trường (道長) của nước Cao Tề (高齊, tức Bắc Tề), bèn cho đem chép vẽ và lưu hành khắp nơi. Đương thời, Tào Trọng Vưu Thiện (曹仲尤善), họa sĩ trứ danh của Bắc Tề, là người vẽ ra bức tượng này. Từ đó, các nhân sĩ dưới thời nhà Đường cũng bắt đầu sao chép lưu truyền tượng này rất nhiều, lấy nó làm tượng thờ chính. Hơn nữa, các đồ hình biến tướng của A Di Đà Tịnh Độ cũng được lưu bố rất rộng rãi, nhưng xét cho cùng thì đồ hình Ngũ Thông Mạn Trà La này là tối cổ. Trong phần A Di Đà Quyển của bộ Giác Thiền Sao (覺禪鈔) do vị tăng Nhật Bản là Giác Thiền (覺禪, Kakuzen, 1143-?) trước tác, có đồ hình 52 thân tượng của đức Phật A Di Đà; tuy nhiên đây không phải là truyền bản đồ hình Mạn Trà La thời nhà Đường.
(s: Bodhisena, j: Bodaisenna, 菩提僊那, 704-760): vị tăng Ấn Độ sang Nhật Bản dưới thời đại Nại Lương (奈良, Nara), xuất thân dòng dõi Bà La Môn ở Nam Ấn Độ, còn gọi là Bà La Môn Tăng Chánh (婆羅門僧正), Bồ Đề Tăng Chánh (菩提僧正). Truyền ký về ông trong Đại An Tự Bồ Đề Truyền Lai Ký (大安寺菩提傳來記) của Nam Thiên Trúc Bà La Môn Tăng Chánh Bi (南天竺婆羅門僧正碑) do đệ tử Tu Vinh (修榮) soạn cũng như Đông Đại Tự Yếu Lục (東大寺要錄), vẫn còn lưu lại. Tiên Na được khắp nơi trong nước tôn kính và rất nhiều tư tưởng gia tán dương. Ông đi từ Trung Á, Tây Á để sang Trung Quốc, theo bước chân truyền bá Phật Giáo của các danh tăng như An Thế Cao (安世高), v.v., từ rặng Hy Mã Lạp Sơn vượt qua Tây Tạng và cuối cùng đến nước Đại Đường, Trung Hoa. Mục đích chính của ông tại đây là tham bái Bồ Tát Văn Thù (s: Mañjuśrī, 文殊) trên Ngũ Đài Sơn (五台山). Tại nhà Đường, tương truyền ông từng lấy Sùng Phước Tự (崇福寺) ở Trường An (長安) làm cứ điểm hoạt động bố giáo. Sau đó, thể theo lời thỉnh cầu của vị tăng sang nhà Đường cầu pháp là Lý Kính (理鏡) và vị Chánh Sứ Đa Trị Tỉ Quảng (多治比廣), ông cùng với đệ tử xuất thân vùng Lâm Ấp (林邑, Nam bộ Việt Nam)—Phật Triết (佛哲, hay Phật Triệt [佛徹]) và vị Đường tăng Đạo Tuyền (道璿) sang Nhật Bản vào năm thứ 8 (736) niên hiệu Thiên Bình (天平). Ban đầu, cả ba người dừng chân ở Đại Tể Phủ (大宰府, Dazaifu), rồi được Hành Cơ (行基, Gyōki) nghênh đón lên kinh đô, sau đó đến trú ở Đại An Tự (大安寺, Daian-ji). Tại đây, ông thường đọc tụng Hoa Nghiêm Kinh (s: Buddhāvataṁsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 華嚴經) và tinh thông về chú thuật, cho nên chú thuật Ấn Độ đã được Tiên Na truyền trao cho các vị đệ tử tăng Nhật Bản. Vào năm thứ 3 (751) niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo (天平勝寶), ông được bổ nhiệm làm chức Tăng Chánh (僧正), vì vậy ông được gọi là Bà La Môn Tăng Chánh. Năm sau, ông được cung cử làm vị Đạo Sư (Chủ Sám) trong buổi lễ Cúng Dường Khai Nhãn Tượng Đại Phật (大佛開眼供養) Lô Xá Na (s: Vairocana, 盧舍那) ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji). Cây bút ông dùng để khai nhãn lúc bấy giờ hiện vẫn còn lưu lại tại Chánh Thương Viện (正倉院, Shōsō-in) của chùa này. Trong bức nguyện văn của Quốc Gia Trân Bảo Trương (國家珍寶張) có ghi tên ông, chứng tỏ ông có mối quan tâm rất lớn đối với việc xây dựng tượng Đại Phật. Vào năm thứ 2 (758) niên hiệu Thiên Bình Bảo Tự (天平寶字), ông được Thượng Hoàng và Hoàng Thái Hậu ban cho tôn hiệu. Vào ngày 25 tháng 2 năm thứ 4 (760) cùng niên hiệu trên, ông hướng về phương Tây, chấp tay an nhiên thị tịch tại Đại An Tự, hưởng thọ 57 tuổi. Năm sau, ông được an táng tại Hữu Bộc Xạ Lâm (右僕射林) thuộc Đăng Mỹ Sơn (登美山). Mấy năm gần đây, ngôi mộ của Bồ Đề Tăng Chánh được khai quật ở Linh Sơn Tự (靈山寺, Ryōsen-ji, thuộc Nara-ken [奈良縣]), nhưng không tìm thấy di vật nào cả; vì thế nó được xem như là ngôi mộ cúng dường thôi. Về vị Bà La Môn trong Vạn Diệp Tập (萬葉集, Manyōshū) 16, có thuyết cho rằng đó là ám chỉ Bồ Đề Tiên Na. Đệ tử của ông có nhóm Tu Vinh (修榮).
(戒壇): là đàn tràng dùng để cử hành nghi thức truyền thọ giới pháp cũng như thuyết giới. Nguyên lai, Giới Đàn không cần phải xây dựng nhà cửa gì cả, tùy theo chỗ đất trống kết giới mà thành. Xưa kia, thời cổ đại Ấn Độ tác pháp ngoài trời, không cần phải làm đàn. Về việc Giới Đàn được kiến lập đầu tiên, Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽, Taishō Vol. 54, No. 2127) quyển Thượng, có ghi lại rằng Bồ Tát Lâu Chí (樓至) thỉnh ý đức Phật xin thiết lập Giới Đàn cho chư vị Tỳ Kheo thọ giới và được Ngài hoan hỷ chấp thuận: “Tây Thiên Kỳ Viên, Tỳ Kheo Lâu Chí thỉnh Phật lập đàn, vi Tỳ Kheo thọ giới Như Lai ư viên ngoại viện Đông Nam, trí nhất đàn, thử vi thỉ dã (西天祇園、比丘樓至請佛立壇、爲比丘受戒、如來於園外院東南、置一壇、此爲始也, Kỳ Viên ở Tây Thiên [Ấn Độ], Tỳ Kheo Lâu Chí xin Phật thiết lập Giới Đàn để truyền thọ giới cho Tỳ Kheo; đức Như Lai thiết lập một đàn ở phía Đông Nam ngoài Kỳ Viên; đây là khởi đầu).” Tại Trung Quốc, tương truyền Giới Đàn đầu tiên do Đàm Kha Ca La (s: Dharmakāla, 曇柯迦羅) kiến lập trong khoảng thời gian niên hiệu Gia Bình (嘉平, 249-254), Chánh Nguyên (正元, 254-256) nhà Tào Ngụy. Từ thời nhà Tấn, Tống trở đi, ở phương Nam kiến lập Giới Đàn rất nhiều. Như Pháp Hộ (法護) nhà Đông Tấn lập đàn ở Ngõa Quan Tự (瓦官寺), Dương Đô (揚都, Nam Kinh [南京]). Chi Đạo Lâm (支道林, 314-366) cũng thiết lập ở Thạch Thành (石城, Lê Thành [黎城], Sơn Tây [山西]), Phần Châu (汾州, Tân Xương [新昌], Triết Giang [浙江]) mỗi nơi một đàn. Chi Pháp Tồn (支法存, ?-457) lập đàn ở Nhã Da (若耶, Thiệu Hưng [紹興], Triết Giang). Trí Nghiêm (智嚴) nhà Nam Tống lập đàn ở Thượng Định Lâm Tự (上定林寺, Nam Kinh). Huệ Quán (慧觀) lập đàn ở Thạch Lương Tự (石梁寺, Thiên Thai Sơn [天台山]). Cầu Na Bạt Ma (s: Guṇavarman, 求那跋摩, 367-431) lập đàn ở Nam Lâm Tự (南林寺). Tăng Phu (僧敷, ?-?) của nhà Nam Tề lập đàn ở Vu Hồ (蕪湖). Pháp Siêu (法超) của nhà Lương thời Nam Triều lập đàn ở Nam Giản (南澗, Nam Kinh). Tăng Hựu (僧祐, 445-518) thiết lập tại Nam Kinh 4 chùa Vân Cư (雲居), Thê Hà (棲霞), Quy Thiện (歸善) và Ái Kính (愛敬) mỗi nơi một đàn. Tổng cọng hơn 300 Giới Đàn. Đến thời nhà Đường, vào năm thứ 2 (667) niên hiệu Càn Phong (乾封), Luật Sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) kiến lập Giới Đàn tại Tịnh Nghiệp Tự (淨業寺) ở ngoại ô Trường An (長安). Bắt đầu từ thời này, Giới Đàn đã hình thành quy thức nhất định. Về sau, chư cao tăng khác như Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713), Nhất Hành (一行, 683-727), Kim Cang Trí (金剛智, 671-741), v.v., từng kiến lập Giới Đàn ở vùng phụ cận Lạc Dương (洛陽). Vào năm đầu (765) niên hiệu Vĩnh Thái (永泰), vua Đại Tông (代宗, tại vị 762-779) ban sắc lệnh kiến lập Phương Đẳng Giới Đàn (方等戒壇, tức Đại Thừa Giới Đàn) ở Đại Hưng Thiện Tự (大興善寺); rồi cho đặt 10 vị Lâm Đàn Đại Đức (臨壇大德) trong giáo đoàn Tăng Ni ở Kinh Thành; tức sau này là Tam Sư Thất Chứng (三師七證). Về phía Nhật Bản, Giới Đàn đầu tiên do Giám Chơn (鑑眞, Ganjin, 688-763) kiến lập ở phía trước Chánh Điện Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) vào năm 749 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寶] thứ 6). Đến tháng 4 năm này, Giám Chơn đã truyền giới cho Thánh Võ Thiên Hoàng (聖武天皇, Shōmu Tennō, tại vị 724-749) cùng với 430 người khác. Sau đó, Giới Đàn Viện (戒壇院) được kiến lập ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji); và hai Giới Đàn khác ở Quan Thế Âm Tự (觀世音寺, Kanzeon-ji), vùng Trúc Tử (筑紫, Chikushi) và Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji) thuộc tiểu quốc Hạ Dã (下野, Shimotsuke). Trong (Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành) Thích Giáo Bộ Vị Khảo ([古今圖書集成]釋敎部彙考, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 77, No. 1521) quyển 2 có câu: “Trường Khánh tứ niên, Kính Tông tức vị, Từ Tứ Vương Trí Hưng, thỉnh trí Tăng Ni Giới Đàn (長慶四年、敬宗卽位、徐泗王智興、請置僧尼戒壇, niên hiệu Trường Khánh thứ 4 [824], vua Kính Tông nhà Đường lên ngôi, Từ Tứ Vương Trí Hưng, xin thiết trí Giới Đàn Tăng Ni).” Hay trong Chung Nam Gia Nghiệp (終南家業, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1109) quyển Trung có đoạn rằng: “Chí Nguyên Hỷ thập niên, hữu Tăng Già Bạt Ma, ư Dương Đô Nam Lâm Giới Đàn, vi Tăng Huệ Chiếu đẳng ngũ thập nhân, Ni Huệ Quả đẳng tam thập tam nhân, trùng thọ cụ giới (至元喜十年、有僧伽拔摩、於揚都南林戒壇、爲僧慧照等五十人、尼慧果等三十三人、重受具戒, cho đến niên hiệu Nguyên Hỷ thứ 10, tại Giới Đàn Chùa Nam Lâm ở Dương Đô, có Tăng Già Bạt Ma vì nhóm Tăng Huệ Chiếu 50 người, nhóm Ni Huệ Quả 33 người, thọ giới Cụ Túc lại).”
(洛陽伽藍記, Rakuyōgaranki): 5 quyển, trước tác của Dương Huyễn Chi (楊衒之), được thành lập vào năm thứ 5 (547) niên hiệu Võ Định (武定) nhà Đông Ngụy, san hành dưới thời nhà Minh. Sau thời phế Phật của vua Võ Đế nhà Hậu Ngụy, nhờ các chính sách bảo hộ, Phật Giáo lần nữa đón chào thời đại hưng thịnh của mình. Tại kinh đô Lạc Dương (洛陽), thủ đô do vua Hiếu Văn Đế sáng lập, tương truyền có khoảng 1.300 ngôi tự viện lớn nhỏ. Tuy nhiên, do vì đối lập với nhà Tây Ngụy, vua Hiếu Tĩnh Đế phải dời đô về Nghiệp Đô (鄴都), cho nên đại bộ phận các tự viện ở Lạc Dương lần lượt bị hư phế. Dương Huyễn Chi lúc bấy giờ giữ chức Tư Mã của Phủ Phủ Quân (撫軍府) ở Đông Ngụy, nên nhìn thấy các tự viện ở Lạc Dương dần dần bị hoang phế, ông bèn chấp bút viết tác phẩm này để cho hậu thế biết được xuất xứ những ngôi danh sát như vậy. Quyển 1 ghi lại các tự viện trong thành, quyển 2 là các tự viện ở phía đông thành, quyển 3 phía nam thành, quyển 4 phía tây thành và quyển 5 phía bắc thành, tất cả gồm 58 ngôi tự viện danh tiếng. Cùng với Ngụy Thư Thích Lão Chí (魏書釋老志), bộ này là tư liệu không thể nào thiếu được đối với việc nghiên cứu Phật Giáo thời Bắc Ngụy. Đặc biệt, ký sự Tây Vức Sa Môn Bồ Đề Đạt Ma (西域沙門菩提達磨) được tìm thấy trong phần Vĩnh Ninh Tự (永寧寺) của quyển 1 là tư liệu mang tính lịch sử tối cổ liên quan đến Đạt Ma để khảo sát về lịch sử Thiền Tông. Truyện của tác giả Dương Huyễn Chi được thâu lục vào trong phần Tự Liệt Đại Vương Thần Trệ Cảm Giải (敍列代王臣滯感解) của Quảng Hoằng Minh Tập (廣弘明集) do Đạo Tuyên (道宣) biên soạn.
(律宗, Ris-shū): học phái chuyên nhấn mạnh về sự tu tập và nghiên cứu giới luật, do Đạo Tuyên (道宣, 596-667) nhà Đường thành lập nên ở Trung Hoa, lấy việc thọ trì Tứ Phần Luật (四分律) cũng như Tam Tụ Tịnh Giới (三聚淨戒) của Bồ Tát làm yếu nhân để thành Phật. Giới luật do đức Phật chế ra được thâu tập thành Luật Tạng; nhưng khi giáo đoàn phân liệt thì giới luật được truyền thừa khác nhau theo 20 bộ phái. Tại Trung Hoa, 4 bộ luật gồm Thập Tụng Luật (十頌律), Tứ Phần Luật (四分律), Tăng Kỳ Luật (僧祇律) và Ngũ Phần Luật (五分律) được lưu truyền. Trong đó, chỉ có Tứ Phần Luật là được phổ biến nhất, từ đó phân phái thành Tướng Bộ Tông (相部宗) của pháp Lệ (法礪, 560-635), Nam Sơn Tông (南山宗) của Đạo Tuyên (道宣, 596-667), Đông Tháp Tông (東塔宗) của Hoài Tố (懷素, 624-697). Học phái này cũng được truyền sang Nhật, và trở thành một trong 6 tông phái lớn vùng Nam Đô. Vào năm 754 (năm thứ 6 niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寳]), Giám Chơn (鑑眞, Ganjin)—cao đệ của Hằng Cảnh (恒景, Kōkei), đệ tử của Đạo Tuyên, đã từ Trung Quốc sang và truyền thừa tông này vào Nhật. Sau đó, ông thành lập 3 giới đàn tại Đông Tự (東寺, Tō-ji), Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji), Quan Thế Âm Tự (觀世音寺, Kanzeon-ji) và khai sáng Đường Chiêu Đề Tự (唐招提寺, Tōshōdai-ji) làm đạo tràng căn bản để nghiên cứu về giới luật cũng như làm ngôi chùa trung tâm chính cho tông phái này. Về sau, tông phái này trãi qua một thời suy vong, nhưng rồi được phục hưng lại nhờ nhóm Thật Phạm (實範, Jitsuhan), Giác Thạnh (覺盛, Kakujō) và Duệ Tôn (叡尊, Eison). Hơn nữa, nhóm Tuấn Nhưng (俊芿, Shunjō), Đàm Chiếu (曇照, Donshō) sang nhà Đường cầu pháp, rồi truyền giới luật vào Nhật và xác lập nên Bắc Kinh Luật (北京律) ở trung tâm Tuyền Dũng Tự (泉涌寺, Senjū-ji), đối lập với Nam Kinh Luật (南京律) của Giác Thạnh. Hiện tại, bên cạnh ngôi chùa Tổng Bản Sơn của Luật Tông là Đường Chiêu Đề Tự, còn có sự hiện hữu của giáo đoàn Chơn Ngôn Luật Tông (眞言律宗), lấy Tây Đại Tự (西大寺, Saidai-ji) làm Tổng Bản Sơn.
(曼陀): tên một loài hoa, gọi đủ là Mạn Đà La (s: māndāra, māndārava, māndāraka, 曼陀羅), ý dịch là thiên diệu (天妙), duyệt ý (悅意), thích ý (適意), bạch (白). Nó còn được gọi là Mạn Đà Lặc Hoa (曼陀勒華), Mạn Na La Hoa (曼那羅華), Mạn Đà La Phạn Hoa (曼陀羅梵華), Mạn Đà La Phàm Hoa (曼陀羅帆華). Đây là một trong 4 loại hoa trời và là tên loài hoa trên thiên giới. Hoa có màu đỏ, rất đẹp làm cho người nhìn thấy sanh tâm vui mừng. Cây của nó giống như cây Ba Lợi Chất Đa (s: pārijāta, pārijātaka, pāriyātraka, p: pāricchattaka, 波利質多, tên loại cây trên cung trời Đao Lợi [s: Trāyastriṃśa, p: Tāvatiṃsa,忉利]). Tên khoa học của loài hoa này là Erythrina indica (Coral tree), sanh sản ở Ấn Độ, nở hoa vào mùa hè, đến khoảng tháng 6, 7 thì kết trái, lá rất sum sê. Bên cạnh đó, nó còn có tên khoa học khác là Calotropis gigantean, là loài thực vật thuộc Mã Lợi Cân (馬利筋), cũng được gọi là Mạn Đà La, thường dùng để dâng cúng cho thần Thấp Bà (s: Śiva, p: Siva, 濕婆). Tại Bồ Tát Đảnh Văn Thù Điện (菩薩頂文殊殿) ở Ngũ Đài Sơn (五臺山), Tỉnh Sơn Tây (山西省), Trung Quốc có câu đối: “Bách đạo tuyền phi giản lưu công đức thủy, ngũ phong vân dũng thiên vũ Mạn Đà hoa (百道泉飛澗流功德水、五峰雲湧天雨曼陀花, trăm lối khe bay suối chảy nước công đức, năm núi mây tuôn trời mưa hoa Mạn Đà).” Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (s: Mahāparinirvāṇasūtra, 大般涅槃經, Taishō No. 374) có đoạn: “Thiện Kiến Thái Tử kiến dĩ, tức sanh ái tâm, hỷ tâm, kính tín chi tâm, vi thị sự cố nghiêm thiết chủng chủng cúng dường chi cụ nhi cúng dường chi; hựu phục bạch ngôn: 'Đại Sư thánh nhân, ngã kim dục kiến Mạn Đà La hoa.' Thời Điều Bà Đạt Đa tức tiện vãng chí Tam Thập Tam Thiên, tùng bỉ thiên nhân cầu tác chi (善見太子見已、卽生愛心、喜心、敬信之心、爲是事故嚴設種種供養之具而供養之、又復白言、大師聖人、我今欲見曼陀羅花、時調婆達多卽便徃至三十三天、從彼天人而求索之, Thái Tử Thiện Kiến thấy xong, tức sanh tâm yêu thích, tâm vui mừng, tâm kính tín, vì việc này nên trang nghiêm thiết bày các vật phẩm cúng dường để cúng dường; rồi lại thưa rằng: 'Thưa Đại Sư thánh nhân, con nay muốn thấy hoa Mạn Đà La.' Khi ấy Điều Bà Đạt Đa bèn qua đến cõi Trời Ba Mươi Ba, theo thiên nhân ở đó mà cầu xin hoa).” Hay trong Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh (佛說觀彌勒菩薩上生兜率天經, Taishō No. 452) cũng có đoạn: “Bách thiên thiên tử tác thiên kỷ nhạc, trì thiên Mạn Đà La hoa, Ma Ha Mạn Đà La hoa, dĩ Tán Kì thượng, tán ngôn: 'Thiện tai ! Thiện tai ! Thiện nam tử, nhữ ư Diêm Phù Đề quảng tu phước nghiệp lai sanh thử xứ, thử xứ danh Đâu Suất Đà Thiên; kim thử chủ danh viết Di Lặc, nhữ đương quy y' (百千天子作天伎樂、持天曼陀羅花、摩訶曼陀羅華、以散其上、讚言、善哉善哉善男子、汝於閻浮提廣修福業來生此處、此處名兜率陀天、今此天主名曰彌勒、汝當歸依, trăm ngàn thiên tử tấu các kỷ nhạc trời, mang hoa trời Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La để rãi lên vị ấy, rồi tán thán rằng: 'Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử, ngươi đã rộng tu phước nghiệp nơi Diêm Phù Đề mà sanh về cõi này; cõi này tên là Đâu Suất Đà Thiên; chủ nhân hiện tại tên là Di Lặc, ngươi nên quy y người').”
(二入四行論, Ninyūshigyōron): 1 quyển, tác phẩm được xem như là của Đàm Lâm (曇琳, ?-?), đệ tử của Đạt Ma, ghi lại những giáo thuyết và ngôn hạnh của thầy mình cũng như các nhân vật thời kỳ đầu của Thiền Tông. Nó được trích dẫn trong Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳) của Đạo Tuyên (道宣) và các bản của Đôn Hoàng cũng như Triều Tiên rất nổi tiếng. Bản Đôn Hoàng có S2715, S3375, S7159, P2923, P3018, P4634, P4795. Ngoài ra còn có Bồ Đề Đạt Ma Tứ Hành Luận (菩提達摩四行論) được thâu tập vào trong Thiền Môn Toát Yếu (禪門撮要). Bên cạnh đó, Nhị Nhập Tứ Hành Thuyết còn được thâu lục trong Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳) 16, Lăng Già Sư Tư Ký (楞伽師資記), Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄) 30, Thiếu Thất Lục Môn (少室六門). Nội dung của nó giới thiệu tổng quát con đường dẫn đến giác ngộ thông qua Lý Nhập (理入, lý luận) và Hành Nhập (行入, thật tiễn). Hành Nhập được chia giải thích làm 4 loại, cho nên Lý Nhập là niềm tin cho rằng “thông qua phép quán [bích quán], nếu trừ bỏ được lớp bụi làm che mờ chân tánh vốn sẵn có trong con người thì chân tánh ấy sẽ hiển hiện”. Bốn loại Hành Nhập gồm Báo Oán Hành (報怨行, chấp nhận cái khổ của đời này là kết quả của nghiệp quá khứ), Tùy Duyên Hành (隨緣行, sự vui sướng cũng là nhân duyên quá khứ, không đặt thành vấn đề), Vô Sở Cầu Hành (無所求行, dứt hết mọi chấp trước, không mong cầu được gì cả) và Xưng Pháp Hành (稱法行, thực hành pháp Ba La Mật thanh tịnh). Rõ ràng tư tưởng này cũng chẳng giống gì với Thiền đời sau này, thế nhưng chúng ta có thể công nhận rằng thái độ tôn trọng tư tưởng Như Lai Tạng và tính thật tiễn cũng cọng thông với tư tưởng này.
(s: Dharmaguptaka, p: Dhammaguttaka, 法藏部): một trong 20 bộ phái của Tiểu Thừa, âm dịch là Đàm Vô Đức (曇無德), Đàm Ma Cúc Đa (曇摩毱多), Đàm Ma Đức (曇摩德), Đàm Ma Khuất Đa Ca (曇摩屈多迦), Đạt Ma Cập Đa (達摩及多); ý dịch là Pháp Chánh (法正), Pháp Kính (法鏡), Pháp Hộ (法護), Pháp Mật (法密), Pháp Tạng (法藏). Bộ phái này có nguồn gốc từ Hóa Địa Bộ (s: Mahīśāsaka, p: Mahiṃsāsaka, 化地部), đóng vai trò chủ đạo ở Trung Á và Trung Quốc. Khi Ưu Bà Ly (s, p: Upāli, 優婆離) làm thủ chúng trong lần kiết tập Luật Tạng, ông chia làm 80 lần để tụng luật căn bản; từ đó có tên gọi là Bát Thập Tụng Luật (八十誦律). Sau này, Đàm Vô Đức (s: Dharmaguptaka, 曇無德) lấy Bát Thập Tụng Luật để hình thành một bộ phái riêng với tên gọi là Đàm Vô Đức Bộ (曇無德部) hay Pháp Tạng Bộ, truyền thừa Tứ Phần Luật (四分律)—một trong 5 bộ luật. Cho nên, Đàm Vô Đức là vị tổ khai sáng của bộ phái này; và về sau Đạo Tuyên (道宣, 596-667) nhà Đường của Trung Quốc là người hình thành hệ thống Đàm Vô Đức Luật Tông (曇無德律宗, hay Tứ Phần Luật Tông [四分律宗]). Trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, khi nói về Luật Tông, phần nhiều ám chỉ Tứ Phần Luật Tông. Bên cạnh đó, vì Đạo Tuyên đã từng truyền bá Luật Tông ở Chung Nam Sơn (終南山), nên có tên gọi là Nam Sơn Luật Tông (南山律宗). Đây là kết quả phát triển của Pháp Tạng Bộ. Giáo lý của Pháp Tạng Bộ nhấn mạnh đến công đức cúng dường tháp (stupa), nơi ấy thường có miêu tả bằng tranh câu chuyện tiền thân của vị Bồ Tát (Jātaka). Vì vậy, họ xem con đường của Bồ Tát và con đường của Thanh Văn là riêng biệt. Tam Tạng của bộ phái này có hai hướng mới: Tam Tạng Bồ Tát (p: Bodhisattvatipiṭaka, 菩薩三藏) và Tam Tạng Tổng Trì (p: Dharaṇītipiṭaka, 總持三藏). Các văn bản Phật Giáo Gandhāra rõ ràng thuộc về chư vị đạo sư của Pháp Tạng Bộ. Họ muốn khẳng định sự hưng thịnh của bộ phái này ở vùng Tây Bắc Ấn vào khoẳng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên; và điều này cũng giải thích ảnh hưởng về sau của Pháp Tạng Bộ ở Trung Á và Đông Bắc Á. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 7, khi Huyền Trang (玄奘, 602-664) du lịch vùng Châu Á, ông tường thuật rằng Pháp Tạng Bộ đã hoàn toàn biến mất ở Ấn Độ và Trung Á. Ngày nay, Luật Tạng của bộ phái này vẫn được thực hành ở Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam cũng như một số tông phái ở Nhật Bản và Triều Tiên.
(s: deśanā, kṣama, paṭi karoti, āpatti-pratideśanā, 懺悔): còn gọi là hối quá (悔過, ăn năn những điều sai lầm), là hành vi bộc bạch trước chư Phật và các vị tỳ kheo về những tội lỗi, sai lầm tự mình phạm phải và cầu xin được công nhận. Nguyên ngữ tiếng Sanskrit của từ này có mấy loại khác nhau. Kṣama (悔摩, hối ma) nghĩa là cầu xin tha tội và ăn năn, hối lỗi với những tội lỗi của quá khứ. Trong Luật, khi thuyết giới vào mỗi nữa tháng hay vào ngày chấm dứt kỳ An Cư (安居), có nghi thức tụng giới bổn và phát lộ những tội lỗi đã vi phạm trước đại tăng từ 1 người (Đối Thủ Sám [對首懺]) cho đến 4 người (Chúng Pháp Sám [眾法懺]); hình thức này được gọi là āpatti-pratideśanā (đối trước người khác bộc bạch). Trong A Hàm Kinh (阿含經), có nhiều trường hợp bộc bạch tội lỗi lên đức Thế Tôn và cầu xin tha tội. Trong Phật Giáo Đại Thừa, có nghi thức lễ bái mười phương chư Phật, phát lộ những tội lỗi của Ba Nghiệp thân, miệng, ý cũng như các tội lỗi khác và cầu xin sám hối. Tại Trung Quốc, sám hối đã trở thành một nghi lễ đặc biệt, cho nên nghi thức Sám Pháp (懺法) được hình thành và rất phổ cập, tỷ dụ như Lương Hoàng Sám (梁皇懺), Thủy Sám (水懺), Đại Bi Sám (大悲懺), Dược Sư Sám (藥師懺), Tịnh Độ Sám (淨土懺), Địa Tạng Sám (地藏懺), v.v. Thiên Thai Trí Khải Đại Sư (天台智顗大師) chia sám hối thành Sự Sám (事懺, thể hiện sám hối bằng hành động), Lý Sám (理懺, nhờ quán pháp về lý của thật tướng mà diệt được tội lỗi) và phân ra 3 loại: Tác Pháp (作法, sám hối theo Luật), Thủ Tướng (取相, quán pháp), Vô Sanh (無生, lý sám hối). Đạo Tuyên (道宣) của Nam Sơn Luật Tông (南山律宗) cho rằng Chế Giáo Sám (制敎懺) của giới luật là thuộc về Tiểu Thừa, còn Hóa Giáo Sám (化敎懺) với hình thức sám hối các tội của nghiệp đạo là cọng thông tất cả Phật Giáo, không giới hạn ở thừa nào cả. Y cứ vào Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毘婆沙論), trong giáo học của Thiên Thai Tông có nội dung của sám hối với 5 giai đoạn là Sám Hối (懺悔), Khuyến Thỉnh (勸請), Tùy Hỷ (隨喜), Hồi Hướng (廻向), Phát Nguyện (發願). Bài kệ văn sám hối rất phổ biến được lấy từ quyển 4, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện (普賢行願品) của Hoa Nghiêm Kinh (s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 華嚴經, Taishō 10, 847) là: “Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp, giai do vô thỉ tham sân si, tùng thân ngữ ý chi sở sanh, nhất thiết ngã kim giai sám hối (我昔所造諸惡業、皆無始貪瞋癡、從身語意之所生、一切我今皆懺悔, con xưa vốn tạo các nghiệp ác, đều do từ trước tham sân si, do thân miệng ý mà sanh ra, hết thảy con nay xin sám hối).”
(s, p: Piṇḍola-bharadvāja, 賓頭盧頗羅墮): gọi đủ là Tân Đầu Lô Phả La Đọa Thệ (賓頭盧頗羅墮誓), gọi tắt là Phả La Đọa (s: Bharadvāja, 頗羅墮), Tân Đầu Lô (賓頭盧) hay Tân Đầu (賓頭); là người đứng đầu trong 16 vị La Hán. Tôn giả Tân Đầu Lô trụ thế lâu dài, hiện tướng tóc bạc mày dài, nên có tên gọi là Trường Mi Tăng (長眉僧) hay Trường Mi Sa Môn (長眉沙門). Tên Tân Đầu Lô ý dịch là Bất Động (不動), họ Phả La Đọa nghĩa là Lợi Căn (利根). Ông vâng lời đức Phật sống lâu trên cõi đời mạt pháp để thọ nhận cúng dường của chúng sanh, giúp cho họ tạo phước điền; nên ông có tên là Phước Điền Đệ Nhất (福田第一). Nguyên lai ông là vị đại thần của vua Ưu Điền (s, p: Udayana, 優填). Đức vua thấy ông siêng năng tinh tấn, nên khuyên ông xuất gia với Phật. Sau khi chứng quả A La Hán, ông trở về nước, thuyết pháp cho nhà vua nghe. Do đó, vua rất kính trọng ông, sớm tối đều đến hỏi han học đạo. đương thời có một vị Đại Thần Bà La Môn ngoại đạo không tin Phật pháp, khi thấy vua Ưu Điền đến tham vấn, Tân Đầu Lô chỉ ngồi một bên mà không đứng dậy chào nghinh đón vua, nhân đó người này dùng kế ly gián xúi giục nhà vua. Vua bèn bảo rằng: “Ngày mai khi ta đến tham vấn, nếu ông ấy không đứng dậy nghinh tiếp, ta sẽ giết ngay.” Hôm sau, khi Tân Đầu Lô thấy đức vua từ xa đến, bèn đứng dậy đón tiếp và mở lời chào hỏi trước. Thấy vậy, nhà vua ngạc nhiên hỏi duyên cớ vì sao. Tôn Giả đáp: “Tôi làm vậy vì nhà vua đó !” Vua hỏi: “Sao lại vì ta ?” Đáp: “Trước đây đức vua đến với thiện tâm, hôm nay Ngài đến với ác tâm; nếu tôi không đứng dậy đón tiếp thì Ngài sẽ giết tôi. Ai giết vị La Hán thì sẽ đọa vào Địa Ngục. Vậy nếu tôi đứng dậy đón Ngài thì Ngài sẽ mất vương vị; nhưng thà rằng để Ngài mất vương vị còn hơn là đọa vào Địa Ngục. Đó là lý do vì sao hôm nay tôi đứng dậy đón Ngài.” Nghe vậy, đức vua hỏi: “Khi nào ta mất vương vị ?” Đáp: “Trong 7 ngày sau.” Quả nhiên 7 ngày sau nhà vua bị nước bên cạnh bắt đi làm tù nhân. Lúc bấy giờ có một vị Trưởng Giả Thọ Đề (樹提), dùng loại gỗ Chiên Đàn (旃檀), làm thành một bình bát, đem đặt trên đầu cây sào cao và lớn tiếng bảo rằng: “Bất luận người nào, nếu có thể lấy được bát này mà chẳng dùng gậy thang, bát này thuộc về người ấy.” Khi ấy Tân Đầu Lô hiện thần thông lấy bình bát đi. Biết được chuyện này, đức Thế Tôn liền quở trách ông rằng: “Tỳ Kheo có thể lạm dụng thần thông để lấy bình bát ngoại đạo được sao ?” Và hạ lệnh cho ông suốt đời không được trú tại cõi Diêm Phù Đề (s: Jambudvīpa, p: Jambudīpa, 閻浮提), cho nên ông đến trú tại Tây Ngưu Hóa Châu (s: Apara-godhānīya, 西牛貨洲). Về sau, chúng đệ tử thương nhớ Tôn Giả, khẩn cầu đức Phật cho phép ông trở lại cõi Diêm Phù Đề. Nhưng đức Phật lại không cho phép ông nhập Niết Bàn, mà phải thường trụ trên thế gian, hộ trì chánh pháp, thọ nhận sự cúng dường của chúng sanh thời mạt pháp. Vì vậy, tại Trai Đường của các tự viện, thường có một chỗ ngồi ở hàng đầu phía Tây, tức là chỗ của Hòa Thượng Thủ Tòa (首座, trong Thiền Tông, là tên gọi của vị đứng đầu trong chúng), nhưng lại không có ai ngồi. Tuy nhiên tại chỗ đó vẫn thường xuyên có thiết dọn thức ăn, vật uống, chén đũa, v.v., để cúng dường Tôn Giả. Khi cúng dường Trai Tăng, Tôn Giả sẽ hiện thân Tỳ Kheo đến thọ nhận cúng dường. Cho nên khi chú nguyện cúng dường thường có câu: “Nam Mô Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà Tôn Giả tác đại chứng minh.” Tương truyền có một phú ông nọ phát tâm cúng dường Trai Tăng cho 1000 vị tăng với mục đích cầu phước và mong được La Hán đến thọ nhận. Ông thiết lễ trai đàn trong 3 ngày, đến tối thứ 3 ông nằm mộng thấy một lão Tỳ Kheo mặc áo quần lam lũ, trên trán nỗi 3 cục u ghê sợ hiện đến bảo phú ông rằng: “Tôi là Tân Đầu Lô đây !” “Ồ, ngài là Tân Đầu Lô sao ? Ngài có đến dự cúng dường không ?” Tôn Giả đáp: “Có chứ ! Ngày thứ nhất, tôi đến thì người giữ cửa không cho vào. Tôi bảo là tôi đến để ban phước cho chủ nhà này. Người canh cổng không tin, bảo rằng áo quần tôi lam lũ thế này, lấy gì có phước mà ban cho người khác. Nói xong người ấy dùng gậy đánh tôi, làm cho trán tôi u lên một cục. Đến ngày thứ hai, tôi lại bị đánh u thêm một cục nữa. Qua ngày thứ ba, tôi tưởng là ngày cuối cùng có thể vào được, nhưng cũng bị đánh thêm lần nữa.” Phú ông tỉnh dậy, biết được sự thật, vô cùng tiếc nuối không có phước duyên để đón tiếp Thánh tăng. Lại có một ông quan huyện, nghe đồn cúng dường Trai Tăng nhất định sẽ có Thánh tăng Tân Đầu Lô quang lâm thọ cúng dường. Ông bèn thiết trai cúng dường tại Thiên Đồng Tự (天童寺) ở Ninh Ba (寧波). Đến thời thọ trai buổi trưa, ông chợt thấy một vị Tỳ Kheo mặc áo quần lam lũ, già khụm, nước miệng nước mũi chảy nhễ nhại, chẳng chút oai nghi nào, bước đi ngã nghiêng, tiến về phía chỗ ngồi của vị Thủ Tòa. Thông thường vị trí này luôn dành để cúng dường cho Thánh tăng. Ông quan huyện đến gần xem, nhìn kỹ thấy toàn thân từ trên xuống dưới của vị Tỳ Kheo ấy nhơ nhớp không thể chịu được. Ông bèn dùng tay xách lỗ tai vị kia kéo xuống ngồi hàng ghế cuối cùng. Sau khi thọ trai xong, quan huyện hỏi Thiên Đồng Thiền Sư xem thử hôm nay Thánh tăng có đến tham dự không ? Thiền Sư trả lời có. Nghe vậy, quan huyện mừng rỡ hỏi xem đó là ai ? Đáp: “Đó chính là vị Tỳ Kheo mà ông xách lỗ tai.” Lão quan huyện kinh ngạc, run bắn người thốt lên rằng: “Quả là có mắt mà không tròng. Ta đã làm nhục Thánh tăng rồi ! Tội lỗi tày trời !” Theo Đại Tống Tăng Sử Lược (大宋僧史略) quyển 3, phần Phương Đẳng Giới Đàn (方等戒壇) cho biết rằng khi Luật Sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) ở Chung Nam Sơn (終南山) kiến lập Linh Cảm Giới Đàn tại Tinh Xá Thanh Quan Thôn (清官村), có vị tăng lông mày dài đến trước Giới Đàn tán thán. Như trong Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 3 có đoạn: “Hàng phục ngoại đạo, lý hành chánh pháp, sở vị Tân Đầu Lô Tỳ Kheo thị (降伏外道、履行正法、所謂賓頭盧比丘是, hàng phục ngoại đạo, thực hành chánh pháp, đó gọi là Tỳ Kheo Tâm Đầu Lô).” Cũng lại trong Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 44, đức Phật thọ ký cho 4 vị Thanh Văn, trong đó có Tân Đầu Lô rằng: “Ngô kim niên dĩ suy hao, niên hướng bát thập dư, nhiên kim Như Lai hữu tứ đại Thanh Văn, kham nhiệm du hóa, trí tuệ vô tận, chúng đức cụ túc. Hà đẳng vi tứ ? Sở vị Đại Ca Diếp Tỳ Kheo, Quân Đồ Bát Tỳ Kheo, Tân Đầu Lô Tỳ Kheo, La Vân Tỳ Kheo. Nhữ đẳng tứ đại Thanh Văn yếu bất bát Niết Bàn, tu ngô pháp một tận, nhiên hậu nãi đương bát Niết Bàn (吾今年已衰耗、年向八十餘、然今如來有四大聲聞、堪任遊化、智慧無盡、眾德具足、云何爲四、所謂大迦葉比丘、君屠缽漢比丘、賓頭盧比丘、羅云比丘、汝等四大聲聞要不般涅槃、須吾法沒盡、然後乃當般涅槃, năm nay ta đã suy yếu, tuổi đã hơn tám mươi, tuy nhiên nay Như Lai có bốn vị đại Thanh Văn, có thể đảm nhiệm việc du hóa, trí tuệ vô tận, các đức đầy đủ. Thế nào là bốn ? Đó là Tỳ Kheo Đại Ca Diếp, Tỳ Kheo Quân Đồ Bát, Tỳ Kheo Tân Đầu Lô, Tỳ Kheo La Vân. Các người, bốn đại Thanh Văn này chủ yếu không nhập Niết Bàn, đến khi pháp của ta diệt hết, sau đó mới nhập Niết Bàn).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.166.5 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập