Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Cơ cừu »»
(s: Navagrahā, 九曜): 9 loại thiên thể chiếu sáng rất quan trọng trong hiện tượng thiên văn, còn gọi là Cửu Chấp (九執), tùy theo ngày giờ mà không xa rời nhau, có nghĩa nắm chặt nhau (chấp trì). Nghi quỹ trọng yếu của Cửu Diệu được thuyết trong Túc Diệu Kinh (宿曜經, 2 quyển, Bất Không [不空] dịch, Taishō 21, 1299), Thất Diệu Nhương Tai Quyết (七曜攘災決, Đường Kim Câu Tra [唐倶金吒] soạn, Taishō 21, 1308), Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp (七曜星辰別行法, Nhất Hành [一行] soạn, Taishō 21, 1309), Phạm Thiên Hỏa La Cửu Diệu (梵天火羅九曜, Nhất Hành [一行] soạn, Taishō 21, 1311). Về đồ hình của Cửu Diệu có Cửu Diệu Tôn Tượng (九曜尊像), Cửu Diệu Bí Lịch (九曜秘曆), v.v., phần lớn có các yếu tố thiên văn của Trung Quốc. Căn cứ vào lịch Ấn Độ bằng tiếng Phạn, Cửu Diệu được phân thành:
(1) Nhật Diệu (s: Āditya, 日曜): còn gọi là Thái Dương (太陽), Nhật Tinh (日精、日星), Nhật Đại Diệu (日大曜); hình tượng bàn tay phải xòe ra cầm nhật luân (bánh xe mặt trời), tai trái kê lên đầu gối, mang thiên y và cỡi trên mình 3 con bạch mã (hay 5 con ngựa, trong Phạm Thiên Hỏa La Cửu Diệu có thể nhầm sao này với Nguyệt Diệu);
(2) Nguyệt Diệu (s: Soma, 月曜): còn gọi là Nguyệt Thiên Diệu (月天曜), Nguyệt Tinh (月精、月星), Mộ Thái Âm (暮太陰), Thái Âm (太陰); hình tượng bàn tai phải xòe ra cầm hình mặt trăng có con thỏ nằm trên, tay trái đưa lên ngang ngực và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; hoặc hình tượng trên đỉnh đầu có con chim bồ câu, mang y Yết Ma, hai tay bỏ trong tay áo và cầm nguyệt luân (vòng tròn mặt trăng), cỡi lên trên 5 cánh chim bồ câu;
(3) Hỏa Diệu (s: Aṅgāraka, 火曜): còn gọi là Huỳnh Hoặc Tinh (熒惑星, Sao Hỏa), Hỏa Tinh (火精、火星), Hỏa Đại Diệu (火大曜), Phạt Tinh (罰星); hình tượng tay phải đặt trên bắp đùi, tay trái cầm cái giáo dài mũi nhọn, chân phải hơi nhếch lên một chút, ngồi với tư thế hai bàn chân giao nhau; tuy nhiên trong đồ hình Bắc Đẩu Mạn Trà La (北斗曼茶羅) thân hình vị này có màu đỏ, tóc rực lửa dựng ngược, mang áo và mũ trời, chung quanh lửa cháy, thân đứng với 4 tay;
(4) Thủy Diệu (s: Budha, 水曜): còn gọi là Thần Tinh (辰星), Thủy Tinh (水精、水星), Thần Tinh (辰星), Trích Tinh (滴星), Thủy Đại Diệu (水大曜); hình tượng chấp tay, ngồi xếp bằng hai bàn chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng tay phải cầm bình, tay trái cầm xâu chuổi và ngồi bán già trên tòa hoa sen;
(5) Mộc Diệu (s: Bṛhaspati, 木曜): còn gọi là Tuế Tinh (歳星), Nhiếp Đề (攝提), Đại Chủ (大主), Mộc Đại Diệu (木大曜), Mộc Tinh (木精); hình tượng ngón tay áp út và ngón giữa của bàn tay phải cong lên, ngón tay cái ấn xuống trên hai ngón kia, tai trái để lên bắp đùi và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng tay trái cầm cây gậy trên có hình bán nguyệt, hay hình ông lão đứng, đội mũ đầu heo, tay trái cầm cây gậy;
(6) Kim Diệu (s: Śukra, 金曜): còn gọi là Thái Bạch Tinh (太白星), Trường Canh (長庚), Na Hiệt (那頡), Kim Tinh (金星、金精), Kim Đại Diệu (金大曜); hình tượng mang thiên y, tay phải để ngang ngực, tay trái đưa lên với 4 ngón tay bẻ gập lại và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng hai tay cầm bình và xâu chuỗi; hay hình người nữ đội con gà trên đầu và gãy đàn Tỳ Bà (琵琶);
(7) Thổ Diệu (s: Śanaiścara, 土曜): còn gọi là Trấn Tinh (鎭星), Thổ Tinh (土星、土精), Thổ Đại Diệu (土大曜); hình tượng ông lão khỏa thân đứng, mang quần da nai, tay phải cầm cây gậy tiên; hay hình Bồ Tát tay cầm bình; hoặc hình ông lão cỡi trâu, tay trái cầm tích trượng, có 2 đồng tử cầm giáo đứng hầu hai bên;
(8) La Hầu (s: Rāhu, 羅睺): còn gọi là Hoàng Phan Tinh (黃旛星), Thực Thần (蝕神), Thái Dương Thủ (太陽首); hình tượng ẩn trong mây với 2 bàn tay hai bên khuôn mặt giận dữ; bên cạnh đó còn có hình tượng giận dự với 3 mặt và tóc rực lửa, trên mỗi đỉnh đầu có đầu rắn và từ ngực trở xuống ẩn trong mây;
(9) Kế Đô (s: Ketu, 計都): còn gọi là Tuệ Tinh (彗星), Báo Vĩ Tinh (豹尾星), Kỳ Tinh (旗星), Thực Thần Vĩ (蝕神尾), Thái Âm Thủ (太陰首), Nguyệt Bộc Lực (月勃力); hình tượng nữa thân phải lộ ra khỏi mây, tay phải để ngang ngực, tay trái đưa lên cao; hay hình có khuôn mặt giận dữ, khỏa thể một nữa ẩn trong đám mây đen; hoặc hình tướng giận dữ có 3 mặt, trên mỗi mặt có 3 con rắn, từ ngực trở xuống ẩn trong mây. Trong đồ hình Bắc Đẩu Mạn Trà La thân hình vị này có màu đỏ, 3 mặt và 4 tay, tóc dựng ngược, mang áo và mũ trời, chân trái duỗi ra và cỡi lên con rồng. Ngoài ra còn có hình tượng tay phải ẩn trong đầu rồng, cầm lỗ tai con thỏ, tay trái cầm cương rồng và tóc người).
Trong Tân Đường Thư Lịch Chí (新唐書曆志) quyển 18 có ghi rằng vào năm thứ 6 (718) niên hiệu Khai Nguyên (開元) đời vua Huyền Tông, Thái Sử Giám Cù Đàm Tất Đạt (太史監瞿曇悉達) vâng chiếu phiên dịch Lịch Cửu Diệu; nó cũng tương tự với loại lịch Thái Dương bằng tiếng Phạn. Nếu phối hợp phương vị, Nhật Diệu thuộc về phương Sửu Dần, Nguyệt Diệu thuộc phương Tuất Hợi, Hỏa Diệu thuộc phương Nam, Thủy Diệu là phương Bắc, Mộc Diệu ở phương Đông, Kim Diệu ở phương Tây, Thổ Diệu ở trung ương, La Hầu ở phương Thìn Tỵ (Đông Bắc), Kế Đô thuộc phương Mùi Thân (Tây Nam). Hơn nữa, theo Thuyết Bản Địa của Nhật Bản, Nhật Diệu là Quan Âm (觀音, hay Hư Không Tạng [虛空藏]), Nguyệt Diệu là Thế Chí (勢至, hay Thiên Thủ Quan Âm [千手觀音]), Hỏa Diệu là Bảo Sanh Phật (寳生佛, hay A Rô Ca Quan Âm [阿嚕迦觀音]), Thủy Diệu là Vi Diệu Trang Nghiêm Thân Phật (微妙莊嚴身佛, hay Thủy Diện Quan Âm [水面觀音]), Mộc Diệu là Dược Sư Phật (藥師佛, hay Mã Đầu Quan Âm [馬頭觀音]), Kim Diệu là A Di Đà Phật (阿彌陀佛, hay Bất Không Quyên Sách [不空羂索]), Thổ Diệu là Tỳ Lô Giá Na Phật (毘盧遮那佛, hay Thập Nhất Diện Quan Âm [十一面觀音]), La Hầu là Tỳ Bà Thi Phật (毘婆尸佛), Kế Đô là Bất Không Quyên Sách (不空羂索). Người xưa thường phối hợp Cửu Diệu này với tuổi tác của con người để phán đoán tốt xấu.
(藤原師輔, Fujiwara-no-Morosuke, 908-960): nhà quý tộc và quan lại sống giữa thời Bình An, con của Trung Bình (忠平), thông xưng là Cửu Điều Điện (九條殿). Con của ông là Kiêm Thông (兼通), Kiêm Gia (兼家) và cháu ông là Đạo Trưởng (道長) kế thừa dòng Quan Bạch (關白, Kampaku), trở thành vị tổ của nhà Nhiếp Chính (攝政). Trước tác của ông có Cửu Điều Niên Trung Hành Sự Nhật Ký (九條年中行事日記), Cửu Lịch (九曆), v.v.
(禪宗): lược xưng của Tọa Thiền Tông (坐禪宗, Zazen-shū), còn gọi là Phật Tâm Tông (佛心宗), Đạt Ma Tông (達磨宗), Vô Môn Tông (無門宗); chỉ tông phái của Phật Giáo Đại Thừa, lấy Bồ Đề Đạt Ma (s: Bodhidharma, 菩提達磨, ?-495, 346-495, ?-528, ?-536) làm sơ Tổ, tham cứu bản nguyên của tâm tánh với yếu chỉ “kiến tánh thành Phật (見性成佛, thấy tánh thành Phật)”, chuyên tu ngộ đạo theo Thiền pháp của Đạt Ma truyền thừa. Đây là một trong 13 tông phái của Phật Giáo Trung Quốc, và cũng là một trong 13 tông phái của Phật Giáo Nhật Bản. Từ ngày xưa ở Trung Quốc hệ thống của những người chuyên tu tọa Thiền được gọi chung là Thiền Tông; vì thế trong đó ngoài Đạt MaTông ra, còn có Thiên Thai Tông và Tam Luận Tông, nhưng từ giữa thời nhà Đường trở đithì chỉ có Đạt MaTông mới được gọi là Thiền Tông mà thôi. Theo truyền thuyết cho rằng ngày xưa khi đức Phật Thích Ca đang ở trên Hội Linh Sơn, lúc ấy ngài cầm cành hoa Kim Ba La Hoa (金波羅華) do chư thiên đem dâng cúng, đưa ra trước hội chúng hơn 80.000 người. Đại chúng hết thảy đều ngẩn ngơ im lặng mà không thể nào hiểu được thâm ý của đức Như Lai thế nào. Khi ấy chỉ có một mình tôn giả Ma Ha Ca Diếp (s: Mahākāśyapa, 摩訶迦葉) mĩm cười mà thôi. Thấy vậy đức Phật bảo với tôn giả rằng: “Ngã hữu chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, phó chúc dữ nhữ (我有正法眼藏、涅槃妙心、實相無相、微妙法門、付囑與汝, ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng không tướng, phó chúc cho ngươi)”, và truyền trao chánh pháp cho vị này. Đây được xem như là khởi nguyên của Thiền Tông. Câu chuyện này được ghi lại trong Phẩm Niêm Hoa (拈華品) thứ 2 của Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh (大梵天王問佛決疑經, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 1, No. 27) và không phải là sự thật mang tính lịch sử. Thế nhưng ở Trung Quốc, Thiền từ thời Lục Tổ trở đi thì chú trọng đến vấn đề gọi là “dĩ tâm truyền tâm, giáo ngoại biệt truyền (以心傳心、敎外別傳)”, nên câu chuyện phú pháp tương thừa của Ca Diếp cũng được xem trọng. Ca Diếp sau đó truyền pháp này lại cho A Nan (s: Ānanda, 阿難), từ A Nan đến Thương Na Hòa Tu (s: Śāṇakavāsa,商那和修), Ưu Bà Cúc Đa (s: Upagupta, 優婆毱多), Đề Đa Ca (s: Dhṛtaka, 提多迦), Di Giá Ca (s: Miccaka, 彌遮迦), Bà Tu Mật (s: Vasumitra, 婆須蜜), Phật Đà Nan Đề (s: Buddhanandi, 佛陀難提), Phục Đà Mật Đa (s: Buddhamitra, 伏駄蜜多), Ba Lật Thấp Bà (s: Pārśvika, 波栗濕婆), Phú Na Dạ Xà (s: Puṇyayaśas, 富那夜奢), A Na Bồ Đề (s: Aśvaghoṣa, 阿那菩提, tức Mã Minh [馬鳴]), Ca Tỳ Ma La (s: Kapiñdjala, 迦毘摩羅), Na Già Yên Thích Thọ Na (s: Nāgārjuna, 那伽閼刺樹那, tức Long Thọ [龍樹]), Ca Na Đề Bà (s: Kāṇadeva, 迦那提婆, tức Thánh Thiên [聖天]), La Hầu La Đa (s: Rāhulata, 羅詭羅多), Tăng Già Nan Đề (s: Sañghānandi, 僧伽難提), Ca Da Xá Đa (s: Gayāśata, 迦耶舍多), Cưu Ma La Đa (s: Kumāralabdha, 鳩摩羅多), Xà Dạ Đa (s: Gayata, 闍夜多), Bà Tu Bàn Đầu (s: Vasubandhu, 婆修盤頭, tức Thế Thân [世親]), Ma Nã La (s: Manorhita, 摩拏羅), Hạc Lặc Na (s: Haklenayaśas, 鶴勒那), Sư Tử Bồ Tát (s: Siṁhabhikśu, 師子菩薩), Bà Xá Tư Đa (s: Basiasita, 婆舍斯多), Bất Như Mật Đa (s: Purjamitra, 不如蜜多), Bát Nhã Đa La (s: Prajñātara, 般若多羅), cho đến Bồ Đề Đạt Ma (s: Bodhidharma, 菩提達磨) như vậy là 28 vị tổ tương thừa, được gọi là Tây Thiên Nhị Thập Bát Tổ (西天二十八祖, Hai Tám Vị Tổ Ấn Độ). Sau khi Bồ Đề Đạt Ma sang miền Đông Độ Trung Hoa thì truyền lại cho Huệ Khả (慧可), rồi Huệ Khả truyền thừa kế tiếp cho Tăng Xán (僧璨), Đạo Tín (道信), Hoằng Nhẫn (弘忍) cho đến Huệ Năng (慧能). Đây được gọi là Đông Độ Lục Tổ (東土六祖, Sáu Vị Tổ Trung Hoa). Cụ thể, vào trong khoảng niên hiệu Phổ Thông (普通, 520-527) đời vua Võ Đế (武帝, tại vị 502-449) nhà Lương, Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Nam Thiên Trúc (南天竺) đến Kiến Nghiệp (建業, Nam Kinh [南京] ngày nay), truyền tông này vào Trung Hoa; nên được gọi là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa. Ban đầu, Đại Sư đến yết kiến vua Lương Võ Đế, nhưng không khế hợp cơ duyên, bèn vào Thiếu Lâm Tự (少林寺) ở Tung Sơn (嵩山) ngồi xoay mặt vào tường 9 năm; vì vậy người đời gọi Đại Sư là Bích Quán Bà La Môn (壁觀婆羅門). Kế đến, Thần Quang (神光, tức Huệ Khả [慧可]) đứng ngoài tuyết lạnh chặt cánh tay dâng lên để bày tỏ ý chí cầu đạo, cuối cùng được Tổ Sư Đạt Ma truyền tâm ấn cho, làm Tổ thứ 2 của Thiền Tông Trung Hoa. Huệ Khả truyền cho Tăng Xán (僧璨); Tăng Xán truyền cho Đạo Tín (道信) và làm cho tong này hưng thịnh. Môn hạ của Đạo Tín có hai nhân vật kiệt xuất là Hoằng Nhẫn (弘忍) và Pháp Dung (法融). Môn hạ của Pháp Dung thì có Trí Nghiễm (智儼), Huệ Phương (慧方), Pháp Trì (法持), v.v. Vì pháp hệ này trú tại Ngưu Đầu Sơn (牛頭山) ở Kim Lăng (金陵), thế gian gọi là Ngưu Đầu Thiền (牛頭禪) với yếu chỉ là “dục đắc tâm tịnh, vô tâm dụng công (欲得心淨、無心用功, muốn được tâm tịnh, dụng công với vô tâm).” Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trú tại Hoàng Mai Sơn (黃梅山), Kì Châu (蘄州, Hồ Bắc [湖北]), xiển dương áo chỉ của Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh (s: Vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra, 金剛般若波羅蜜經); có một số môn đệ xuất sắc như Ngọc Tuyền Thần Tú (玉泉神秀), Đại Giám Huệ Năng (大鑑慧能), Tung Sơn Huệ An (嵩山慧安), Mông Sơn Đạo Minh (蒙山道明), Tư Châu Trí Tiển (資州智侁), v.v. Trong số đồ chúng của Ngũ Tổ, Thần Tú được xem như là thượng thủ, nên gọi là Tú Thượng Tọa (秀上座). Sau khi Ngũ Tổ qua đời, Thần Tú chấn tích ở phương Bắc, vì vậy có tên là Bắc Tú (北秀); được tôn xưng là Tổ của Bắc Tông Thiền (北宗禪). Thiền phái này lấy Trường An (長安), Lạc Dương (洛陽) làm trung tâm, xiển dương đạo pháp và hưng thịnh trong vòng khoảng 100 năm. Môn hạ của Thần Tú có Tung Sơn Phổ Tịch (嵩山普寂), Kinh Triệu Nghĩa Phước (京兆義福), v.v., truyền thừa được 4, 5 đời thì tuyệt dứt. Ngoài ra, Tung Sơn Huệ An khai sáng Lão An Thiền (老安禪); còn Tư Châu Trí Tiển thì cổ xướng Nam Tiển Thiền (南侁禪). Về trường hợp Đại Giám Huệ Năng, nhân một bài kệ mà được Ngũ Tổ ấn khả, truyền cho ý bát, kế thừa làm Lục Tổ. Sau đó, sư đi lánh nạn ở phương Nam, trú tại Tào Khê (曹溪), Thiều Dương (韶陽, Quảng Đông [廣東]), cử xướng Thiền phong, được tôn sùng là Tổ của Nam Tông Thiền (南宗禪). Vì tông phong của Nam Tông và Bắc Tông có khác nhau, nên có thuyết Nam Đốn Bắc Tiệm (南頓北漸). Đệ tử nối dòng pháp của Huệ Năng có hơn 40 người; các nhân vật trứ danh phải kể đến là Nam Nhạc Hoài Nhượng (南嶽懷讓), Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思), Nam Dương Huệ Trung (南陽慧忠), Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺), Hà Trạch Thần Hội (荷澤神會), v.v. Trong đó, Hà Trạch Thần Hội thì khai sáng Hà Trạch Tông (荷澤宗), tận lực đề xướng pháp môn Đốn Ngộ, lấy “nhất niệm bất khởi (一念不起, một niệm không dấy khởi)” để ngồi, và “liễu kiến bản tánh (了見本性, thấy rõ bản tánh)” để Thiền. Nam Nhạc Hoài Nhượng thọ tâm ấn từ Lục Tổ, đến trú tại Bát Nhã Tự (般若寺), tiếp hóa đồ chúng trong vòng 30 năm; kế thừa dòng pháp có 9 vị và Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一) được xem như là bậc nhất. Về sau, Mã Tổ cử xướng Thiền pháp tại Cung Công Sơn (龔公山), Giang Tây (江西), cơ phong sắc bén, khai sáng Thiền phong đánh hét độc đáo, được thế gian gọi là Hồng Châu Tông (洪州宗). Mã Tổ chủ trương rằng những hoạt động thường ngày như khởi tâm động niệm, dương lông mày, chớp mắt, v.v., đều là Phật tánh; nên có thuyết gọi là “kiến tánh thị Phật (見性是佛, thấy tánh là Phật)” hay “tánh tại tác dụng (性在作用, tánh ở nơi tác dụng).” Môn hạ của Mã Tổ có hơn 100 người, có các Thiền kiệt xuất như Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海), Nam Tuyền Phổ Nguyện (南泉普願), Tây Đường Trí Tàng (西堂智藏), Đại Mai Pháp Thường (大梅法常), Chương Kính Hoài Huy (章敬懷暉), Đại Châu Huệ Hải (大珠慧海), v.v. Kể từ khi Hoài Hải sáng kiến Thiền sát, lập ra Thanh Quy, Thiền Tông bắt đầu thoát ly khỏi chế độ các Thiền tăng phải nương náu vào chùa Luật Tông. Môn lưu của Bách Trượng có Hoàng Bá Hy Vận (黃檗希運), Quy Sơn Linh Hựu (潙山靈祐), v.v. Đệ tử của Hy Vận thì có Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄). Sau này, Nghĩa Huyền chủ xướng ra Tam Huyền Tam Yếu (三玄三要), Tứ Liệu Giản (四料簡), v.v., để tiếp hóa đồ chúng, cơ phong nghiêm mật; môn đồ theo rất đông, hình thành Lâm Tế Tông (臨濟宗). Lúc bấy giờ thuộc cuối thời nhà Đường. Đến nhà Tống, từ Lâm Tế Nghĩa Huyền kinh qua Hưng Hóa Tồn Tương (興化存獎), Nam Viện Huệ Ngung (南院慧顒), Phong Huyệt Diên Chiểu (風穴延沼), Thủ Sơn Tỉnh Niệm (首山省念), Phần Dương Thiện Chiểu (汾陽善沼), truyền cho đến Thạch Sương Sở Viên (石霜楚圓). Trong khi đó, môn hạ Hoàng Long Huệ Nam (黃龍慧南), Dương Kì Phương Hội (楊岐方會) lại hình thành hai phái Hoàng Long và Dương Kì, cùng tồn tại với Tào Động (曹洞), Vân Môn (雲門). Riêng Quy Sơn Linh Hựu thì trú tại Đàm Châu (潭州, Hồ Nam [湖南]), người đến tham học lên đến 1.500; trong đó, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (仰山慧寂) là nổi tiếng nhất, được gọi là Quy Ngưỡng Tông (潙仰宗). Môn hạ của Thanh Nguyên Hành Tư có Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷), soạn bản Tham Đồng Khế (參同契); cùng với Mã Tổ được gọi là hai bậc long tượng vĩ đại. Đệ tử của Thạch Đầu lại có Dược Sơn Duy Nghiễm (藥山惟儼), Đơn Hà Thiên Nhiên (丹霞天然), Thiên Hoàng Đạo Ngộ (天皇道悟). Hệ phái của Dược Sơn xuất hiện Vân Nham Đàm Thịnh (雲巖曇晟), Động Sơn Lương Giới (洞山良价), Vân Cư Đạo Ưng (雲居道膺), Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂), v.v., hình thành nên Tào Động Tông (曹洞宗). Thiên Hoàng Đạo Ngộ thì truyền xuống 3 đời đến Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存), chấn tích ở Tuyết Phong Sơn (雪峰山), Phúc Châu (福州); từ pháp có hơn 50 vị; trong số đó có Vân Môn Văn Yển (雲門文偃) là người phát huy Thiền phong độc diệu, hình thành nên Vân Môn Tông (雲門宗). Bên cạnh đó, có Huyền Sa Sư Bị (玄沙師僃), truyền xuống cho La Hán Quế Sâm (羅漢桂琛), Pháp Nhãn Văn Ích (法眼文益). Văn Ích trú tại Thanh Lương Tự (清涼寺), Kim Lăng (金陵), khai sáng Pháp Nhãn Tông (法眼宗). Hệ thống này có các cao tăng như Thiên Thai Đức Thiều (天台德韶), Vĩnh Minh Diên Thọ (永明延壽), Vĩnh An Đạo Nguyên (永安道原), v.v. Trong đó, Đức Thiều được xem như là Trí Khải tái lai; Diên Thọ thì soạn bộ Tông Kính Lục (宗鏡錄), xem trọng giáo học; còn Đạo Nguyên thì viết bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈錄), làm sáng tỏ hệ phổ của Đạt Ma Thiền. Trừ các tông phái đã nêu trên, theo Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序, Taishō Vol. 48, No. 2015) của Khuê Phong Tông Mật (圭峰宗密) cho biết, các giáo phái Thiền Tông dưới thời nhà Đường có Hồng Châu (洪州), Hà Trạch (荷澤), Bắc Tú (北秀), Nam Tiển (南侁), Ngưu Đầu (牛頭), Thạch Đầu (石頭), Bảo Đường (保唐), Tuyên Thập (宣什, Thiền niệm Phật), Huệ Trù (惠稠), Cầu Na (求那), Thiên Thai (天台), v.v. Trong Viên Giác Kinh Đại Sớ Thích Nghĩa Sao (圓覺經大疏釋義鈔, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 9, No. 245) của Tông Mật có nêu ra 7 tông là Bắc Tông Thiền (北宗禪), Trí Tiển Thiền (智侁禪), Lão An Thiền (老安禪), Nam Nhạc Thiền (南嶽禪), Ngưu Đầu Thiền (牛頭禪), Nam Sơn Niệm Phật Môn Thiền (南山念佛門禪), Hà Trạch Thiền (荷澤禪), v.v. Chủ yếu, từ Đạt Ma cho đến Huệ Năng, trong vòng khoảng 250 năm, Thiền phong của được cử xướng chỉ mang một phong cách duy nhất; Ngữ Lục các Tổ sư thường dẫn cứ kinh điển, nêu rõ thể cách Phật pháp, không bị mắc kẹt vào những đối lập của tông phái; cho nên có thể nói rằng đây là thời kỳ thành lập Thiền Tông. Từ Nam Nhạc, Thanh Nguyên cho đến thời Ngũ Đại cuối nhà Đường, trong khoảng 250 năm, riêng một nhánh Nam Tông Thiền phát triển rực rỡ; nếu nói về mặt tư tưởng, họ đã kiến lập nên tinh thần gọi là “tức tâm thị Phật (卽心是佛, ngay tâm này là Phật)”, “bình thường tâm thị đạo (平常心是道, tâm bình thường là đạo).” Còn về mặt sinh hoạt thực tế, thiết lập quy tắc Thiền viện lấy Tăng Đường làm trung tâm; về phương diện hoằng truyền lưu bố Thiền pháp, họ lấy cách hoạt động linh hoạt để tiếp độ học đồ, lấy cơ dụng đánh hét để tuyên xướng Thiền phong. Dần dà, Ngũ Gia (五家) được thành lập. Thời kỳ này có thể nói là giai đoạn phát triển của Thiền Tông. Trong vòng 320 năm của hai triều đại nhà Tống, Lâm Tế Tông lại cho ra đời hai chi phái Hoàng Long và Dương Kì; hình thành nên hệ thống Ngũ Gia Thất Tông (五家七宗). Trong đó, Phái Hoàng Long được Vinh Tây (榮西, Eisai) truyền vào Nhật Bản; còn về Phái Dương Kì, sau thời Dương Kì Phương Hội có Ngũ Tổ Pháp Diễn (五祖法演), Viên Ngộ Khắc Cần (圜悟克勤), Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲), v.v., tận lực xiển dương Thiền chỉ, tạo thành chủ lưu của Thiền. Trong khi đó, Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺) của hệ thống Tào Động Tông cùng với Đại Huệ Tông Cảo của Lâm Tế Tông mỗi bên đều cử xướng Mặc Chiếu Thiền (默照禪) và Khán Thoại Thiền (看話禪). Chính trong thời kỳ này, các đạo giáo dung hợp, hình thành khuynh hướng Tam Giáo Nhất Trí (三敎一致), Giáo Thiền Điều Hợp (敎禪調合), Thiền Tịnh Song Tu (禪淨雙修). Vì vậy, Thiền Tông dần dần mất đi tính cách độc lập, trở thành thời kỳ thủ vệ. Từ thời nhà Nguyên, Minh cho đến triều vua Càn Long (乾隆, tại vị 1735-1796) nhà Thanh, trong khoảng 450 năm, là thời kỳ suy yếu của Thiền Tông. Trong thời gian này tuy có Hải Vân Ấn Giản (海雲印簡), Vạn Tùng Hành Tú (萬松行秀), Pháp Am Tổ Tiên (破菴祖先), Vô Chuẩn Sư Phạm (無準師範), v.v., nhưng cũng chỉ thể hiện tư tưởng Nho Thích Điều Hợp, Giáo Thiền Nhất Trí mà thôi. Thiền Tông thời Cận Đại có Hòa Thượng Hư Vân (虛雲, 1839-1958), thọ đến 120 tuổi, một đời hoằng pháp không mệt mỏi, sáng lập tùng lâm rất nhiều, tận lực quảng bá tông phong, là cao tăng thuộc pháp phái của Lục Tổ Huệ Năng. Thiền Tông của Hàn Quốc thì có Cửu Sơn Thiền Môn (九山禪門). Phần lớn chư vị khai tong lập phái đều sang nhà Đường cầu pháp, rồi trở về nước tuyên xướng Thiền phong, tận lực giáo hóa, hình thành 9 tông phái chính. (1) Thời Thiện Đức Nữ Vương (善德女王, tại vị 632-647) của Tân La (新羅), có Pháp Lãng (法朗) sang nhà Đường, theo hầu Tứ Tổ Đạo Tín, sau truyền pháp ở Hải Đông (海東). Dưới thời Huệ Cung Vương (惠恭王, tại vị 765-780), có Thần Hành (神行) sang nhà Đường cầu pháp, tham yết Chí Không (志空), chứng đắc tâm ấn, sau trở về nước hoằng truyền Bắc Tông Thiền ở Đoạn Tục Tự (斷俗寺), vùng Đơn Thành (丹城). Môn hạ của Thần Hành, từ Tuân Phạm (遵範), Huệ Ẩn (惠隱) cho đến thời của Trí Tiển (智侁), được Cảnh Văn Vương (景文王, tại vị 861-875) quy y theo, khai sáng Hi Dương Sơn Phái (曦陽山派). (2) Vào năm thứ 5 (784) đời Tuyên Đức Vương (宣德王, tại vị 781-785), Kê Lâm Đạo Nghĩa (雞林道義) sang nhà Đường, thọ pháp với môn hạ của Mã Tổ là Tây Đường Trí Tàng và Bách Trượng Hoài Hải, thực hành yếu chỉ Nam Đốn, lưu lại bên đó 37 năm; sau đó trở về nước truyền pháp, hoằng hóa; môn hạ theo rất đông, lập ra Ca Trí Sơn Phái (迦智山派). (3) Dưới thời của Hiến Đức Vương (憲德王, tại vị 810-826), có Hồng Trắc (洪陟) sang nhà Đường tham học, nối tiếp dòng pháp của Tây Đường; sau khi về nước thì dừng chân trú tại Nam Nhạc (南岳). Vào năm thứ 3 (828) đời Hưng Đức Vương (興德王, tại vị 827-836), sư khai sáng Thật Tướng Tự (實相寺), cử xướng Thiền phong; môn hạ theo tham học lên đến hơn ngàn người, và hình thành nên Thật Tướng Sơn Phái (實相山派). (4) Nhân vật đồng thời với Đạo Nghĩa sang nhà Đường cầu pháp, có Chơn Giám Huệ Chiểu (眞鑒慧沼), sư được ấn khả của Thương Châu Thần Giám (滄州神鑑), môn hạ của Mã Tổ; sau khi về nước thì sáng lập Song Khê Tự (雙溪寺). Vào năm thứ 6 (814) đời Hiến Đức Vương, Tịch Nhẫn Huệ Triết (寂忍惠哲) cũng sang nhà Đường, thọ pháp của Tây Đường, rồi trở về nước và hoằng pháp, độ chúng ở Đại An Tự (大安寺) thuộc Đồng Lí Sơn (桐裏山), Võ Châu (武州). Pháp hệ do Huệ Chiểu và Huệ Triết truyền thừa được gọi là Đồng Lí Sơn Phái (桐裏山派). (5) Vô Nhiễm (無染) sang nhà Đường cầu pháp, được tâm ấn của Bảo Triệt (寶徹), rồi về nước vào năm thứ 7 (846) đời Văn Thánh Vương (文聖王, tại vị 840-858) và tận lực cổ xúy Thiền pháp. Nhờ đức độ của sư, Hiến An Vương (憲安王, tại vị 858-861), Cảnh Văn Vương đều quy y theo, nên sư sáng lập Thánh Trú Sơn Phái (聖住山派). (6) Vào năm thứ 6 (831) đời Hưng Đức Vương, có Thông Hiểu Phạn Nhật (通曉梵日) sang nhà Đường, theo học Thiền với Diêm Quan Tề An (鹽官齊安), pháp từ của Mã Tổ, được ấn khả của vị này; sau đó trở về nước và khai sáng Xà Quật Sơn Phái (闍崛山派) trên Thiên Thai Sơn (天台山). Về sau, môn nhân của Phạn Nhật là Lãng Không (朗空) cũng theo bước chân thầy sang nhà Đường, tham học với Thạch Sương Khánh Chư (石霜慶諸), pháp hệ của Thanh Nguyên Hành Tư; vị này trở về nước, trú tại Thật Tế Tự (實際寺) ở Nam Sơn (南山) và xiển dương Thiền chỉ. Đây được xem như là truyền thừa sớm nhất của hệ thống pháp phái Thanh Nguyên sang Hàn Quốc. (7) Song Phong Đạo Duẫn (雙峰道允) sang nhà Đường, thọ pháp với Nam Tuyền Phổ Nguyện (南泉普願), môn nhân của Mã Tổ, được vị này ấn chứng cho, và trở về nước cùng năm với Phạn Nhật. Sau này, môn nhân của Đạo Duẫn là Trừng Quán Chiết Trung (澄觀折中) cũng có dịp sang nhà Đường, tham vấn Phổ Nguyện, rồi trở về nước và trú tại Hưng Ninh Thiền Viện (興寧禪院) thuộc Sư Tử Sơn (師子山). Pháp hệ của Đạo Duẫn và Chiết Trung được gọi là Sư Tử Sơn Phái (師子山派). (8) Dưới thời Cảnh Văn Vương, có Liễu Ngộ Thuận Chi (了悟順之) sang nhà Đường, tham học với Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, sau trở về nước, trú tại Thụy Vân Tự (瑞雲寺) hoằng bố Thiền pháp. Đến năm thứ 16 (824) đời Hiến Đức Vương, Viên Giám Huyền Dục (圓鑑玄昱) sang nhà Đường, học Thiền của Mã Tổ với Chương Kính Hoài Huy (章敬懷暉); sau khi trở về nước thì được 4 đời vua Mẫn Ai (閔哀, ?-839), Thần Võ (神武, ?-839), Văn Thánh (文聖, tại vị 840-858) và Hiến An (憲安) đãi ngộ. pháp từ của sư sáng lập ra Phụng Lâm Tự (鳳林寺) và hình thành Phụng Lâm Sơn Phái (鳳林山派). (9) Vào thời kỳ cuối của triều đình Tân La, có Khánh Du (慶猷), Quýnh Vi (迥微) liên tục sang nhà Đường cầu pháp, được yếu chỉ của Vân Cư Đạo Ưng; sau khi về nước thì tận lực cổ xướng Thiền phong, và đây chính là sơ truyền của Tào Động Tông vào đất nước này. Đến triều đình Cao Lệ (高麗), lại có các cao tăng như Lợi Nghiêm (利嚴), Lệ Nghiêm (麗嚴), Khánh Phủ (慶甫), Căng Nhượng (兢讓), Xán U (璨幽), v.v., kế tục hoằng truyền huyền chỉ tông môn. Trong số đó, Lợi Nghiêm đã từng sang nhà Đường, theo làm môn hạ của Đạo Ưng, được ấn khả tâm truyền; sau khi trở về nước, sư được vua Thái Tổ (太祖, tại vị 918-943) quy y theo, kiến lập Quảng Chiếu Tự (廣照寺) ở Tu Di Sơn (須彌山), Hải Châu (須彌山). Đây chính là khai thỉ của Tu Di Sơn Phái (須彌山派). Chín Thiền phái nêu trên được gọi chung là Tào Khê Tông (曹溪宗). Nhờ sự sùng kính Phật pháp của Thái Tổ, sau này các đời vua khác như Định Tông (定宗, tại vị 945-949), Quang Tông (光宗, tại vị 949-975), Văn Tông (文宗, tại vị 1046-1083), Tuyên Tông (宣宗, tại vị 1083-1094), Thần Tông (神宗, tại vị 1197-1204), v.v., liên tiếp hộ trì; nên Thiền Tông nhất thời hưng thịnh cao độ. Tuy nhiên, đến thời Trung Liệt Vương (忠烈王, tại vị 1274-1298, 1298-1308) trở về sau, quốc thế suy yếu, Thiền Tông cũng theo đó mà bị ảnh hưởng, dẫn đến trầm trệ. Về Thiền Tông của Nhật Bản, đầu tiên vào năm thứ 4 (653) niên hiệu Bạch Trĩ (白雉) đời Hiếu Đức Thiên Hoàng (孝德天皇, Kōtoku Tennō, tại vị 645-654), Đạo Chiêu (道昭, Dōshō) sang nhà Đường cầu pháp. Đến năm thứ 8 (736) niên hiệu Thiên Bình (天平), Đạo Tuyền (道璿) của Trung Hoa sang Nhật, hoằng truyền Bắc Tông Thiền. Trong thời gian Tha Nga Thiên Hoàng (嵯峨天皇, Saga Tennō, tại vị 809-823) ở ngôi, có đặc phái cung thỉnh Nghĩa Không (義空) sang Nhật truyền bá Nam Tông Thiền, và bắt đầu mở ra phong thái Thiền Tông Nhật Bản. Đến năm thứ 3 (1187), niên hiệu Văn Trị (文治), Minh Am Vinh Tây (明庵榮西, Myōan Eisai) sang nhà Tống cầu pháp, theo hầu Hư Am Hoài Sưởng (虛菴懷敞), lấy pháp của Phái Hoàng Long truyền vào và khai sáng Lâm Tế Tông Nhật Bản. Vào năm thứ 2 (1223) niên hiệu Trinh Ứng (貞應), Vĩnh Bình Đạo Nguyên (永平道元, Eisai Dōgen) sang nhà Tống, được ấn khả của Thiên Đồng Như Tịnh (天童如淨), rồi quay về nước và trở thành Tổ của Tào Động Tông Nhật Bản. Môn hạ của Đạo Nguyên có Triệt Thông Nghĩa Giới (徹通義介, Tettō Gikai), Hàn Nham Nghĩa Duẫn (寒巖義尹, Kangan Giin); cả hai cũng đã từng sang nhà Tống, sau đó về nước, tận lực cử xướng Thiền phong và lập ra Hàn Nham Phái (寒巖派, còn gọi là Pháp Hoàng Phái [法皇派]). Năm đầu (1235) niên hiệu Gia Trinh (嘉禎), Viên Nhĩ Biện Viên (圓爾辨圓, Enni Benen) sang nhà Tống, đến Kính Sơn (徑山) tham yết Vô Chuẩn Sư Phạm (無準師範), được tâm ấn của vị này; sau khi trở về nước thì sáng lập Đông Phước Tự (東福寺, Tōfuku-ji) ở kinh đô Kyoto và hoằng pháp bố giáo. Đến năm tứ 4 (1246), niên hiệu Khoan Nguyên (寬元), Lan Khê Đạo Long (蘭溪道隆) của Trung Hoa sang Nhật, khai sáng Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji); nhờ vậy Thiền phong ở địa phương Quan Đông (關東, Kantō) nhất thời cực thịnh. Vào năm thứ 4 (1267) niên hiệu Văn Vĩnh (文永), Nam Phố Thiệu Minh (南浦紹明, Nampo Shōmyō) sang nhà Tống, được Hư Đường Trí Ngu (虛堂智愚) ấn chứng cho và trở về bổn quốc. Hai năm sau (1269), cao tăng Đại Hưu Chánh Niệm (大休正念) của Trung Hoa sang Nhật, trú ở hai chùa Kiến Trường (建長, Enchō) và Viên Giác (圓覺, Enkaku), được triều đình cũng như dân chúng kính ngưỡng. Sau đó, một số cao tăng khác sang Nhật truyền đạo như Nhất Sơn Nhất Ninh (一山一寧), Tây Giản Tử Đàm (西磵子曇), Đông Lí Hoằng Hội (東里弘會), Viễn Khê Tổ Hùng (遠谿祖雄), Linh Sơn Đạo Ẩn (靈山道隱), v.v. Cuối cùng 24 dòng phái của Thiền Tông Nhật Bản được hình thành; gồm (1) Phái Thiên Quang (千光派, Vinh Tây), (2) Phái Đạo Nguyên (道元派, Đạo Nguyên), (3) Phái Thánh Nhất (聖一派, Viên Nhĩ), (4) Phái Pháp Đăng (法燈派, Giác Tâm [覺心]), (5) Phái Đại Giác (大覺派, Đạo Long), (6) Phái Ngột Am (兀庵派, Phổ Ninh [普寧]), (7) Phái Đại Hưu (大休派, Chánh Niệm), (8) Phái Pháp Hải (法海派, Tĩnh Chiếu [靜照]), (9) Phái Vô Học (無學派, Tổ Nguyên [祖元]), (10) Phái Nhất Sơn (一山派, Nhất Sơn Nhất Ninh), (11) Phái Đại Ứng (大應派, Nam Phố Thiệu Minh), (12) Phái Tây Giản (西磵派, Tây Giản Tử Đàm), (13) Phái Kính Đường (鏡堂派, Kính Đường Giác Viên [鏡堂覺圓]), (14) Phái Phật Huệ (佛慧派, Linh Sơn Đạo Ẩn), (15) Phái Đông Minh (東明派, Đông Minh Huệ Nhật [東明慧日]), (16) Phái Thanh Chuyết (清拙派, Thanh Chuyết Chánh Trừng [清拙正澄]), (17) Phái Minh Cực (明極派, Minh Cực Sở Tuấn [明極楚俊]), (18) Phái Ngu Trung (愚中派, Ngu Trung Châu Cập [愚中周及]), (19) Phái Trúc Tiên (竺僊派, Trúc Tiên Phạn Tiên [竺僊梵仙]), (20) Phái Biệt Truyền (別傳派, Biệt Truyền Minh Dận [別傳明胤]), (21) Phái Cổ Tiên (古先派, Cổ Tiên Ấn Nguyên [古先印元]), (22) Phái Đại Chuyết (大拙派, Đại Chuyết Tổ Năng [大拙祖能]), (23) Phái Trung Nham (中巖派, Trung Nham Viên Nguyệt [中巖圓月]), (24) Phái Đông Lăng (東陵派, Đông Lăng Vĩnh Dư [東陵永璵]). Trong số đó, trừ 3 phái Đạo Nguyên, Đông Minh, Đông Lăng thuộc về Tào Động Tông, 21 phái khác thuộc Lâm Tế Tông. Ngoài ra, vào năm thứ 3 (1654) niên hiệu Thừa Ứng (承應), Ẩn Nguyên Long Kỷ (隱元隆琦) của Trung Hoa sang Nhật, khai sáng Hoàng Bá Tông (黃檗宗), cùng với Tào Động, Lâm Tế hình thành thế chân vạc của Thiền Nhật Bản. Trong bài tựa của Thiền Tông Chánh Mạch (禪宗正脈, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 85, No. 1593) quyển 1 có đoạn rằng: “Thiền Tông nhất tông, biến mãn hoàn vũ, Phật Tổ dĩ hạ, đắc kỳ truyền giả, tự nhất đăng dĩ chí vô tận đăng yên, ngật kim đãi nhị thiên tự (禪宗一宗、遍滿寰宇、佛祖以下、得其傳者、自一燈以至無盡燈焉、迄今逮二千祀, một tông phái Thiền Tông, đầy khắp hoàn vũ, từ Phật Tổ trở xuống, có người truyền thừa, từ một ngọn đèn đến vô tận ngọn đèn vậy, đến nay đã hai ngàn năm).”
(中元): tức Trung Nguyên Tiết (中元節), đối với Thượng Nguyên (中元) nhằm ngày rằm tháng giêng âm lịch, Hạ Nguyên (下元) vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, Trung Nguyên nhằm vào ngày rằm tháng 7 âm lịch. Trung Nguyên Tiết là tên gọi của Đạo Giáo, Vu Lan Bồn Tiết (盂蘭盆節) là tên gọi của Phật Giáo, còn gọi là Trung Nguyên Phổ Độ (中元普渡), Hiếu Tử Tiết (孝子節).Thuyết Tam Nguyên này phát xuất từ Đạo Giáo, sau này lễ Trung Nguyên được hỗn hợp với truyền thống Vu Lan Bồn của Phật Giáo để cúng dường và cầu siêu độ cho các vong linh đã quá cố. Vì vậy khi nói đến Trung Nguyên cũng có nghĩa là Vu Lan Bồn. Bên cạnh đó, theo truyền thống Phật Giáo, rằm tháng 7 cũng là ngày xá tội vong nhân, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày Tự Tứ (s: pravāraṇā, p: pavāraṇā, 自恣) của chư tăng ni, như trong Tuế Thời Quảng Ký (歲時廣記) quyển 29, phần Kinh Sở Tuế Thời Ký (荊楚歲時記) có đề cập rằng: “Tứ nguyệt thập ngũ nhật nãi Pháp Vương cấm túc chi thần, Thích tử hộ sanh chi nhật, tăng ni dĩ thử nhật tựu Thiền sát kết hạ lực, hựu vị chi Kết Chế; cái trưỡng dưỡng chi tiết tại ngoại hành, khủng thương thảo mộc trùng loại; cố cửu thập nhật An Cư, chí thất nguyệt thập ngũ nhật Giải Hạ, hựu vị chi Giải Chế (四月十五日乃法王禁足之辰、釋子護生之日、僧尼以此日就禪剎結夏力、又謂之結制、蓋長養之節在外行、恐傷草木蟲類、故九十日安居、至七月十五日解夏、又謂之解制, rằm tháng tư là ngày đấng Pháp Vương [đức Phật] cấm túc [giới hạn đi ra ngoài], là ngày người con Phật bảo vệ sinh mạng, tăng ni lấy ngày này đến các Thiền viện Kết Hạ An Cư, còn gọi là Kết Chế; lấy năng lực đó nuôi lớn, giới hạn việc đi ra ngoài, sợ làm tổn thương cây cỏ, côn trùng; cho nên sau 90 ngày An Cư, đến ngày rằm tháng 7 thì Giải Hạ [kết thúc kỳ Kết Hạ An Cư], còn gọi là Giải Chế).” Sau ngày Giải Hạ, từ ngày 16 tháng 7 âm lịch trở đi, cuộc sống mới bắt đầu; vì vậy ngày rằm tháng 7 cũng tượng trưng cho sự phục hoạt và sinh sống mới. Xưa kia, trong dân gian vẫn thường gọi lễ hội này là Quỷ Tiết (鬼節). Tương truyền có một hôm nọ, cửa địa ngục mở tung ra, các âm linh, quỷ sứ dưới âm ty được tự do thoát ra ngoài. Người nào có chủ thì về nhà mình, người không chủ thì đi lang thang, vất vưởng đây đó; cho nên, trong dân gian thường thiết lễ tụng kinh cầu nguyện vào dịp tháng 7 để cầu siêu độ các âm linh cô hồn, để họ không gây họa cho con người, và trở lại phò trợ cho tật bệnh tiêu trừ, gia trạch bình an. Về truyền thuyết của lễ hội này, bên cạnh thuyết đệ tử của đức Phật là Mục Kiền Liên (s: Maudgalyāyana, p: Moggallāna, 目犍連) cứu mẹ như được thuyết trong Vu Lan Bồn Kinh (s: Ulambanasūtra, 盂蘭盆經) của Phật Giáo, về phía dân gian cung như Đạo Giáo, có truyền thuyết khác đến tiền giấy. Theo thuyết của Thái Luân (蔡倫, khoảng 63-121) thời Đông Hán (東漢, 25-220) sau khi phát minh ra tiền giấy, cuộc sống hưng thịnh, khá giả, tiền của dư dật. Anh trai ông là Thái Mạc (蔡莫) cùng với chị Huệ Nương (慧娘) thấy vậy rất thèm muốn. Cả hai cùng đến gặp Thái Luân xin học cách chế tạo giấy. Tuy nhiên, tâm của Thái Mạc thì quá nôn nóng muốn làm giàu, nên công phu học tập tuy chưa thuần thục đã vội mở tiệm kinh doanh. Cuối cùng, kết quả cho thấy rằng giấy do ông làm ra có phẩm chất không tốt, bị mọi người chê trách; cả hai vợ chồng ngồi buồn rầu rĩ. Chợt Huệ Nương nảy ra một diệu kế, bàn nhỏ với chồng và thực hiện. Có một đêm nọ, người dân hàng xóm bỗng nhiên nghe tiếng khóc lóc thảm thiết vọng lại từ nhà của Thái Mạc. Mọi người chạy đến xem hư thực, mới biết là Huệ Nương đã chết tối hôm qua. Đến sáng hôm sau, trước mặt mọi người, Thái Mạc kêu gào bi thương bên quan tài vợ hiền, vừa khóc vừa đốt giấy. Bỗng nhiên, từ trong quan tài vọng ra tiếng nói rằng: “Mở cửa ra, mở cửa ra ! Ta sống lại đây !” Người tham dự kinh sợ, cuối cùng có người gan dạ mới dám bước đến mở nắp quan tài ra. Huệ Nương từ trong quan tài bước ra kể với mọi người rằng sau khi bà qua đời, sanh xuống cõi âm; khi ấy Diêm Vương xét tội trạng và ban cực hình, chịu cực khổ muôn vàn. Nhưng nhờ có Thái Mạc đốt giấy tiền, chúng tiểu quỷ thâu lấy đem dâng cho Diêm Vương; cho nên Diêm Vương mới tha cho trở về lại dương gian. Nghe vậy, Thái Mạc giả vờ hỏi: “Ta đâu có đốt tiền.” Huệ Nương lấy tay chỉ vào đống tro tàn bảo: “Dưới cõi âm đó chính là tiền.” Từ đó, người dân mới phát hiện ra công dụng và lợi ích của tiền giấy; họ đỗ xô đến tiệm của Thái Mạc mua giấy tiền về cúng. Ngày Huệ Nương sống lại cũng đúng vào rằm tháng bảy; cho nên cũng nhân ngày này, dân chúng mua giất tiền đốt dâng cúng tổ tiên cũng như những người đã qua đời. Theo Đạo Giáo, ngày Thượng Nguyên là ngày Thiên Quan (天官) ban phước; ngày Trung Nguyên là ngày Địa Quan (地官) xá tội; và ngày Hạ Nguyên là ngày Thủy Quan (水官) giải ách. Cho nên, vào ngày rằm tháng 7, dân gian thường chuẩn bị các mâm cỗ cúng rất phong phú để dâng cúng cho Địa Quan cũng như tổ tiên quá cố. Về tập tục cúng tế vào dịp Trung Nguyên này, có nhiều tài liệu ghi lại như tác phẩm Đường Lục Điển (唐六典, tức Đại Đường Lục Điển [唐六典]) ghi rằng: “Trung Thượng Thự thất nguyệt thập ngũ nhật tấn Vu Lan Bồn (中尚署七月十五日進盂蘭盆, vào ngày rằm tháng bảy, Trung Thượng Thự [cơ quan chuyên trách đồ ẩm thức hiến cúng] hiến cúng Vu Lan Bồn).” Như vậy, đương thời việc tiến cúng Vu Lan Bồn vào dịp Trung Nguyên là định lệ trong cung nội. Trong Đông Kinh Mộng Hoa Lục (東京夢華錄) quyển 8 do (孟元老, ?-?) nhà Tống soạn có đoạn: “Tiên sổ nhật, thị tỉnh mại minh ngoa hài, kim tê giả đái, ngọc thải y phục, … cập ấn mại Tôn Thắng Mục Liên Kinh (先數日、市井賣冥器靴鞋、金犀假帶、五綵衣服、… 及印賣尊勝目蓮經, trước [Trung Nguyên] vài ngày, phố xá có bán các thứ giày dép, tê giác vàng, dây đai giả, y phục lụa năm màu đồ âm binh, … và mua Tôn Thắng Mục Liên Kinh).” Hay như trong Đế Kinh Cảnh Vật Lược (帝京景物略) quyển 2 do Lưu Đồng (劉侗, khoảng 1593-1636) và Vu Dịch Chánh (于奕正, ?-?) nhà Minh soạn, có kể rằng: “Thập ngũ nhật, chư tự kiến Vu Lan Hội, dạ ư thủy thứ phóng đăng, nhật phóng hà đăng (十五日、諸寺建盂蘭會、夜於水次放燈、日放河燈, vào ngày rằm, các chùa mở hội Vu Lan, đêm về thả đèn trên nước, ban ngày thả đèn trên sông).” Hoặc như trong Huyền Đô Đại Hiến Kinh (玄都大獻經) của Đạo Giáo có dạy rằng: “Thất nguyệt thập ngũ nhật, Trung Nguyên chi tiết dã; … thị nhật Địa Quan hiệu duyệt, sưu thuyết chúng nhân, phân biệt thiện ác, chư thiên Thánh chúng, phổ nghệ cung trung, giản định kiếp số nhân quỷ bộ lục, ngạ quỷ tù đồ, nhất thời câu tập, dĩ kỳ nhật tác Huyền Đô đại trai, địch ư Ngọc Kinh, cập thái hoa quả, thế gian sở hữu kỳ dị chi vật, ngoạn lộng phục sức, tràng phan bảo cái, trang nghiêm cúng dường chi cụ, thanh thiện ẩm thực, bách vị phân phương, hiến chư chúng Thánh, cập dữ đạo sĩ, dữ kỳ nhật nguyệt giảng tụng thị kinh, thập phương Đại Thánh, cao lục linh thiên, tù đồ ngạ quỷ, đương thời giải thoát, nhất câu bão mãn, miễn ư chúng khổ, đắc tuyển nhân trung; nhược phi như thử, nan khả bạt thoát (七月十五日、中元之節也、…是日地官校閱、搜說眾人、分別善惡、諸天聖眾、譜詣宮中、簡定劫數人鬼簿錄、餓鬼囚徒、一時俱集、以其日作玄都大齋、敵於玉京、及採諸花果、世間所有奇異之物、玩弄服飾、幢幡寶蓋、莊嚴供養之具、清膳飲食、百味芬芳、獻諸眾聖、及與道士、與其日月講誦是經、十方大聖、高錄靈篇、囚徒餓鬼、當時解脫、一俱飽滿、免於眾苦、得選人中、若非如此、難可拔脫, ngày rằm tháng bảy là Tiết Trung Nguyên; ngày này Địa Quan xét duyệt, sưu tra mọi người, phân biệt thiện ác; các Thánh trên trời, tập trung trong cung điện, định rõ sổ bộ kiếp số của quỷ và con người, chúng quỷ đói giam tù, cùng lúc tập họp, lấy ngày này làm ngày cúng chay Huyền Đô, tranh nhau cúng ở Ngọc Kinh; cùng chọn các thứ hoa quả, những vật kỳ dị hiếm có trên đời, áo quần trang phục vua đùa, tràng phan lọng báu, các vật cúng dường trang nghiêm, mâm cỗ ăn uống trong sạch, trăm vị thơm ngon, hiến cúng các bậc Thánh, cùng những đạo sĩ, vào ngày tháng này giảng tụng kinh này; các Đại Thánh trong mười phương, ghi rõ sổ linh; chúng quỷ đói bị giam cầm, lúc bấy giờ được giải thoát, hết thảy đều no đủ, xa lìa các khổ, được sanh làm người; nếu không làm như vậy, khó được giải thoát)”, v.v. Lễ hội này cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống tâm linh con người Á Châu, dầu bất cứ tôn giáo nào đi nữa; cho nên, văn chương, thi phú ca ngợi nhiều về nó. Như Linh Cô Sở (令孤楚, 766-837) có làm bài thơ Nhật Tặng Trương Tôn Sư (日贈張尊師) về Tiết Trung Nguyên rằng: “Ngẫu lai nhân thế trị Trung Nguyên, bất hiến Nguyên Đô vị nhật nhàn, tịch tịch phần hương tại tiên quán, tri sư diêu lễ Ngọc Kinh San (偶來人世值中元、不獻元都未日閒、寂寂焚香在仙觀、知師遙禮玉京山, tình cờ nhân thế gặp Trung Nguyên, chẳng cúng Nguyên Đô chưa an nhàn, lẳng lặng đốt hương nơi tiên quán, biết thầy xa lễ Ngọc Kinh San).” Thi sĩ Ân Nghiêu Phiên (殷堯藩, ?-?) nhà Đường có bài Trung Nguyên Quán Pháp Sự Bộ Hư (中元觀法事步虛) rằng: “Ngột đô khai bí lục, bạch thạch lễ tiên sanh, thượng giới thu quang tịnh, Trung Nguyên dạ khí thanh, tinh thần triều đế xứ, tư hạc bộ hư thanh, ngọc động hoa trường phát, châu cung nguyệt tối minh, tảo đàn thiên địa túc, đầu giản quỷ thần kinh, thảng tứ Đao Khuê Dược, hoàn lưu bất tử danh (兀都開秘籙、白石禮先生、上界秋光淨、中元夜氣清、星辰朝帝處、鷥鶴步虛聲、玉洞花長發、珠宮月最明、掃壇天地肅、投簡鬼神驚、儻賜刀圭藥、還留不死名, kinh đô bày bí điển, đá trắng lạy tiên sanh, cõi trên ánh thu lắng, Trung Nguyên đêm khí trong, sao trời chầu đế chúa, cò hạc bước thong dong, động ngọc hoa nở ngát, cung báu trăng sáng ngần, quét đàn trời đất dịu, gieo ống quỷ thần kinh, nếu ban Đao Khuê Thuốc [thuốc tán viên bột], lưu mãi bất tử danh).” Trong khi đó, Biên Cống (邊貢, 1476-1532) nhà Minh có làm bài Trung Nguyên Kiến Nguyệt (中元見月) như sau: “Tọa ái thanh quang hảo, cánh thâm bất hạ lâu, bất nhân phùng nhuận nguyệt, kim dạ thị trung thu (坐愛清光好、更深不下樓、不因逢閏月、今夜是中秋, ngồi ngắm ánh trăng sáng, hồi lâu chẳng xuống lầu, chẳng hay gặp tháng nhuận, đêm nay là giữa thu)”, v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.77.29 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập