Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Đại đức »»
(碧巖錄, Hekiganroku): 10 quyển, trước tác do Viên Ngộ Khắc Cần (圜悟克勤) biên tập lại bản Tụng Cổ Bách Tắc (頌古百則) mà Tuyết Đậu Trùng Hiển (雪竇重顯) đã từng thuyết giảng khắp nơi, được san hành vào năm thứ 4 (1300) niên hiệu Đại Đức (大德), gọi đủ là Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục (佛果圜悟禪師碧巖錄, Bukkaengozenjihekiganroku) hay còn gọi là Bích Nham Tập (碧巖集, Hekiganshū). Tên bộ này phát xuất từ bức ngạch nơi Giáp Sơn Linh Tuyền Thiền Viện (夾山靈泉禪院) mà Khắc Cần đã từng trú trì. Mỗi tắc công án được hình thành bởi các phần như Thùy Thị (垂示, lời tựa), Bổn Tắc (本則, công án); Bình Xướng (評唱) đối với Bổn Tắc, Tụng Cổ (頌古) và Bình Xướng đối với Tụng Cổ. Bổn Tắc và Tụng Cổ thì thuộc về phần của Tuyết Đậu Trùng Hiển, vốn là người được xem như là vị tổ thứ 3 của Vân Môn Tông, các Tụng Cổ của ông rất phong phú về tính chất văn học có truyền thống, cho nên được rất nhiều người ưa chuộng. Việc Khắc Cần tiến hành giảng nghĩa bộ này cũng là nhằm đáp ứng trào lưu đương thời. Bản Tụng Cổ Bách Tắc của Tuyết Đậu Trùng Hiển vừa hàm chứa sự châm biếm, mà cũng thể hiện tràn đầy niềm yêu thương đối với các bậc Thiền sư ngày xưa. Viên Ngộ đã thêm vào đó những lời giáo giới cho hàng đệ tử mình cũng như những giai thoại trong lịch sử Thiền Tông mà người tu hành cần phải khắc cốt ghi tâm bằng các câu Thùy Thị và Bình Xướng. Đối ứng với Bổn Tắc và Tụng Cổ, Viên Ngộ đã thêm vào lời phê bình cay chua dưới hình thức gọi là Trước Ngữ, cho nên ba nhân vật là Thiền giả xuất hiện trong công án, cùng Tuyết Đậu và Viên Ngộ, vốn có các tánh khác nhau, đã được nối kết lại với nhau, và đây là tác phẩm rất hy hữu mang âm hưởng về mối quan hệ căng thẳng chồng chất lên nhau. Chính vì lẽ đó, khi tác phẩm này xuất hiện, đã được người đời tuyên truyền ngay lập tức, nhưng tương truyền đệ tử của Viên Ngộ là Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) lại cho rằng nó có hại cho người tu hành nên ông cho tập trung tất cả ấn bản rồi đem đốt hết. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tác phẩm này quá to lớn, một số tập công án khác có hình thức tương tợ như vậy lại thay nhau ra đời như Tùng Dung Lục (從容錄, năm 1224, Tụng Cổ của Hoằng Trí Chánh Giác [宏智正覺], bình xướng của Vạn Tùng Hành Tú [萬松行秀]), Không Cốc Tập (空谷集, năm 1285, Tụng Cổ của Đầu Tử Nghĩa Thanh [投子義清], trước ngữ của Đơn Hà Tử Thuần [丹霞子淳], và bình xướng của Lâm Tuyền Tùng Luân [林泉從倫]), Hư Đường Tập (虛堂集, Tụng Cổ của Đơn Hà Tử Thuần, bình xướng của Lâm Tuyền Tùng Luân), v.v. Thiền của Nhật Bản là sự di nhập của Thiền nhà Tống, cho nên Bích Nham Lục cũng được xem như là "thư tịch số một của tông môn", được đem ra nghiên cứu, giảng nghĩa, và từ thời Nam Bắc Triều trở đi thỉnh thoảng có khai bản ấn hành. Ngoài ra, Viên Ngộ Khắc Cần còn có trước tác Phật Quả Viên Ngộ Kích Tiết Lục (佛果圜悟擊節錄, Niêm Cổ của Tuyết Đậu Trùng Hiển, trước ngữ và bình xướng của Viên Ngộ Khắc Cần) và nó cũng được lưu hành rộng rãi. Còn Thỉnh Ích Lục (請益錄, năm 1230, Niêm Cổ của Hoàng Trí Chánh Giác, trước ngữ và bình xướng của Vạn Tùng Hành Tú) là bản mô phỏng theo tác phẩm Phật Quả Viên Ngộ Kích Tiết Lục này. Bản Bích Nham Lục hiện tồn là bản do Trương Minh Viễn (張明遠) nhà Thục san hành vào năm thứ 4 niên hiệu Đại Đức (大德), có khác với Tụng Cổ Bách Tắc về thứ tự của các tắc công án. Tại Nhật Bản, Bản Ngũ Sơn cũng là bản khắc lại nguyên hình bản của Trương Minh Viễn. Tuy nhiên, trong bản này có lời hậu tựa của Quan Vô Đảng (關無黨) ghi năm thứ 7 (1125) niên hiệu Tuyên Hòa (宣和), và lời tựa của Phổ Chiếu (普照) ghi năm thứ 2 (1128) niên hiệu Kiến Viêm (建炎), chúng ta biết được rằng trước đó đã có san hành rồi. Như trong lời hậu tựa của Hư Cốc Hy Lăng (虛谷希陵) có đoạn: “Ngu trung Trương Minh Viễn, ngẫu hoạch tả bản hậu sách, hựu hoạch Tuyết Đường san bản cập Thục bản, hiệu đính ngoa suyễn, san thành thử thư (嵎中張明遠、偶獲寫本後册、又獲雪堂刊本及蜀本、校訂訛舛、刊成此書, Trương Minh Viễn tình cờ có được quyển sau của tả bản trong hẽm núi, lại có thêm san bản của Tuyết Đường và bản nhà Thục, bèn hiệu đính những chỗ sai lầm, in thành sách này)” và san bản của Tuyết Đường Đạo Hạnh (雪堂道行) cũng nói lên vấn đề trên.
(十方住持制, Juppōjūjisei): chế độ quy định khi cung đón vị Trú Trì mới về nhậm chức, các tự viện Thiền Tông không quan tâm đến quan hệ về pháp hệ cũng như môn phái của vị tăng ấy, mà tự do cung thỉnh chư vị danh tăng khắp các nơi trong thiên hạ về làm trú trì. Phần lớn những ngôi tự viện Lâm Tế Tông thuộc loại Ngũ Sơn Thập Sát như Đại Đức Tự (大德寺, Daitoku-ji), Diệu Tâm Tự (妙心寺, Myōshin-ji), v.v., đều thực hiện chế độ này.
(普庵咒): nguyên danh là Phổ Am Đại Đức Thiền Sư Thích Đàm Chương Thần Chú (普庵大德禪師釋談章神咒), còn gọi là Chú Phổ An (普安咒), hoặc Thích Đàm Chương (釋談章), lần đầu tiên thấy xuất hiện trong bản cầm phổ Tam Giáo Đồng Thanh (三敎同聲, 1592). Căn cứ vào văn ký tải của Dương Luân Bá Nha Tâm Pháp (楊掄伯牙心法) cho biết rằng: “Tư khúc tức Phổ Am Thiền Sư chi chú ngữ, hậu nhân dĩ luật điệu nghĩ chi (斯曲卽普庵禪師之咒語,後人以律調擬之也, khúc này là chú ngữ của Thiền Sư Phổ Am, người đời sau lấy luật điệu mô phỏng theo).” Chú này được xem như là Tổ Sư Chú (祖師咒), rất ít thấy ở Trung Quốc và không rõ nguyên nhân sáng tác thế nào. Trong lúc sinh tiền, Thiền Sư Phổ Am Ấn Túc (普庵印肅, 1115-1169) thường làm những điều linh nghiệm như bẻ cây trị bệnh, chặt cây ma quái, cầu mưa, v.v. Hơn nữa, ông lại rất tinh thông Phạn văn, từng lấy Phạn văn phiên âm thành chú, người đời gọi đó là Phổ Am Chú (普庵咒). Thần chú này có thần lực làm cho an định mười phương và tòng lâm, nên thường được tụng tại các tự viện vào mỗi dịp đầu và giữa tháng. Thậm chí thần chú này còn có công năng xua đuổi các loài muỗi, trùng, rắn rít, v.v. Trong khoảng niên hiệu Vạn Lịch (萬曆, 1573-1620) nhà Minh, Thiền Sư Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, 1535-1615) mới đưa thần chú này vào bản Chư Kinh Nhật Tụng (諸經日誦). Trong bản Thiền Môn Nhật Tụng (禪門日誦) được khắc ấn đầu tiên vào khoảng niên hiệu Đạo Quang (道光, 1821-1850) của vua Tuyên Tông (宣宗, tại vị 1820-1850) nhà Thanh, cũng có thâu lục thần chú này. Chú Phổ Am có kết cấu rất nghiêm cẩn, dễ đọc tụng và ghi nhớ. Thần chú này có nhiều tổ hợp đơn âm, cấu thành một loại luật tắc tự nhiên, giống như sự giao hòa hỗ tương của ba yếu tố Thiên-Địa-Nhân, khiến cho người nghe tự nhiên thể nhập vào cảnh giới linh không, thanh tịnh, và có tinh thần cảm ứng đạo giao, có cầu có ứng qua hình tượng Thiền Sư Phổ Am. Tương truyền thần chú này có công năng có thể tiêu tai, giải trừ ách nạn, khiến cho các loài côn trùng, chuột, muỗi, kiến, rắn, rít, v.v., phải tránh xa, các hung thần ác sát đều xa lánh. Nội dung của thần chú như sau: “Nam Mô Phật Đà Da. Nam Mô Đạt Ma Da. Nam Mô Tăng Già Da. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Phổ Am Tổ Sư Bồ Tát. Nam Mô Bách Vạn Hỏa Thủ Kim Cang Vương Bồ Tát. Án, ca ca kê kê cu cu kê; cu kê cu; kiêm kiều kê; kiều kê kiêm. Ca ca kê kê cu cu kê kiều kiêm, kiêm, kiêm, kiêm kiêm kiêm; nghiệm nghiêu nghê, nghiêu nghê nghiệm; ca ca kê kê cu cu da; dụ dụ, dụ dụ, dụ dụ, dụ dụ dụ. Nghiên, giới. Già già chi chi châu châu chi; châu chi châu; chiêm chiêu chi, chiêu chi chiêm. Già già chi chi châu châu chi chiêu chiêm, chiêm, chiêm, chiêm chiêm chiêm; nghiệm nghiêu nghê; nghiêu nghê nghiệm. Già già chi chi châu châu da; dụ dụ, dụ dụ, dụ, dụ, dụ dụ dụ. Thần, nhạ. Tra tra tri tri đô đô tri; đô tri đô; đảm đa tri; đa tri đảm. Tra tra tri tri đô đô tri đa đảm, đảm, đảm, đảm đảm đảm; nam na ni; na ni nam. Tra tra tri tri đô đô da; nô nô, nô nô, nô, nô, nô nô nô. Đát, na. Đa đa đế đế đa đa đế; đa đế đa, đàm đa đế; đa đế đàm. Đa đa đế đế đa đa đế đa đàm, đàm, đàm, đàm đàm đàm; nam na ni; na ni nam. Đa đa đế đế đa đa da; nô nô, nô nô, nô, nô, nô nô nô. Đàn, na. Ba ba bi bi ba ba bi; ba bi ba; phạn ba bi; ba bi phạn. Ba ba bi bi ba ba bi ba phạn, phạn, phạn, phạn phạn phạn; phạn ma mê; ma mê phạn. Ba ba bi bi ba ba da; Mẫu mẫu, mẫu mẫu, mẫu, mẫu, mẫu mẫu mẫu. Phạn, ma. Án, ba đa tra; già ca da; dạ lan ha; a sắt tra; tát hải tra; lậu lô lậu lô tra; già ca dạ, ta ha. Vô số Thiên Long Bát Bộ, bách vạn Hỏa Thủ Kim Cang, tạc nhật phương ngung, kim nhật Phật địa, Phổ Am đáo thử, bách vô cấm kỵ (南無佛陀耶、南無達摩耶、南無僧伽耶、南無本師釋迦牟尼佛、南無大悲觀世音菩薩、南無普庵祖師菩薩。唵、迦迦雞雞倶倶雞、倶雞倶、兼喬雞、喬雞兼。迦迦雞雞倶倶雞喬兼、兼、兼、兼兼兼、驗堯倪、堯倪驗。迦迦雞雞倶倶耶、喻喻、喻喻、喻、喻、喻喻喻。研、界。遮遮支支朱朱支、朱支朱、占昭支、昭支占。遮遮支支朱朱支昭占、占、占、占占占、驗堯倪、堯倪驗。遮遮支支朱朱耶、喻喻、喻喻、喻、喻、喻喻喻。神、惹。吒吒知知都都知、都知都、擔多知、多知擔。吒吒知知都都知多擔、擔、擔、擔擔擔、喃那呢、那呢喃。吒吒知知都都耶、奴奴、奴奴、奴、奴、奴奴奴。怛、那。多多諦諦多多諦、多諦多、談多諦、多諦談。多多諦諦多多諦多談、談、談、談談談、喃那呢、那呢喃。多多諦諦多多耶、奴奴、奴奴、奴、奴、奴奴奴。檀、那。波波悲悲波波悲、波悲波、梵波悲、波悲梵。波波悲悲波波悲波梵、梵、梵、梵梵梵、梵摩迷、摩迷梵。波波悲悲波波耶、母母、母母、母、母、母母母。梵、摩。唵、波多吒、遮迦耶、夜闌訶、阿瑟吒、薩海吒、漏嚧漏嚧吒、遮迦夜、娑訶。無數天龍八部、百萬火首金剛、昨日方隅、今日佛地、普庵到此、百無禁忌).” Trong Thiền Môn của Việt Nam, thần chú này cũng được dùng để trì tụng đặc biệt trong các lễ nghi quan trọng như tang lễ, khánh thành tân gia, Trai Đàn Chẩn Tế, Giải Oan Bạt Độ, v.v.
(古林清茂, Kurin Seimu, 1262-1329): vị Thiền tăng dưới thời nhà Nguyên, xuất thân Lạc Thanh (樂清), Ôn Châu (溫州, Tỉnh Triết Giang), họ Lâm (林), tự là Cổ Lâm (古林), hiệu Kim Cang Tràng (金剛幢), Lâm Cư Tẩu (林居叟), thông xưng là Mậu Cổ Lâm (茂古林). Ông nổi tiếng ở nước ngoài nhờ bút pháp của mình. Năm 12 tuổi, ông xuất gia với Cô Nham Khải (孤巖啓) ở Quốc Thanh Tự (國清寺) trên Thiên Thai Sơn (天台山). Sau đó, gặp phải nạn giặc giả đầu thời nhà Nguyên, ông đi ngao du khắp thiên hạ, tham vấn Giản Ông Cư Kính (簡翁居敬) ở Tuyết Đậu Sơn (雪竇山) vùng Minh Châu (明州), Thạch Lâm Hành Củng (石林行鞏) ở Nam Bình (南屏), và Giác Am Mộng Chơn (覺庵夢眞) ở Thừa Thiên (承天). Bên cạnh đó, ông còn đến làm môn hạ của Hoành Xuyên Như Củng (横川如珙) ở Nhạn Hoằng Năng Nhân Tự (鴈宏能仁寺), tinh tấn tu hành và đến năm 19 tuổi thì kế thừa dòng pháp của vị này. Sau đó, ông trở về lại Quốc Thanh Tự. Vào năm thứ 2 (1298) niên hiệu Đại Đức (大德) nhà Thanh, ông lui về ẩn cư tại Bạch Vân Tự (白雲寺) trên Thiên Bình Sơn (天平山) thuộc Phủ Bình Giang (平江府); 9 năm sau ông chuyển về Khai Nguyên Tự (開元寺) và không bao lâu sau lại về ẩn cư trên Hổ Kheo Sơn (虎丘山), chuyên tâm thêm niêm bình cho Bách Tắc Tụng Cổ (百則頌古) của Tuyết Đậu (雪竇). Đến năm đầu (1312) niên hiệu Hoàng Khánh (皇慶), ông trở lại Khai Nguyên Tự và nhờ có sự đề bạt của Dương Quốc Công (楊國公), ông được ban cho hiệu là Phù Tông Phổ Giác Phật Tánh Thiền Sư (扶宗普覺佛性禪師). Vào năm thứ 2 (1315) niên hiệu Diên Hựu (延祐), ông chuyển đến sống tại Vĩnh Phước Tự (永福寺) vùng Nhiêu Châu (饒州, Huyện Bà Dương, Tỉnh Giang Tây), rồi Bảo Ninh Tự (保寧寺) ở Phụng Đài Sơn (鳳臺山) vùng Kiến Khang (建康) trong vòng 6 năm. Đến cuối đời, ông phụng mệnh triều đình tham dự Đại Hội Kim Sơn, được tôn xưng là Vương Thần Đại Phu (王神大夫), cho nên hàng sĩ thứ, thứ dân đến cầu pháp trên cả ngàn người. Vào năm thứ 2 (1329) niên hiệu Thiên Lịch (天曆), ông thị tịch, hưởng thọ 68 tuổi. Đệ tử kế thừa dòng pháp của ông có Liễu Am Thanh Dục (了庵清欲), Trọng Mưu Lương Du (仲謀良猷), Trúc Tiên Phạn Tiên (竹仙梵僊). Sau Phạn Tiên sang Nhật Bản, khai sáng ra Phái Trúc Tiên trong số 24 dòng phái của Thiền Tông. Ngữ Lục của ông có Cổ Lâm Thanh Mậu Thiền Sư Ngữ Lục (古林清茂禪師語錄) 5 quyển, Cổ Lâm Thanh Mậu Thiền Sư Thập Di Kệ Tụng (古林清茂禪師語錄拾遺偈頌) 2 quyển, Sơ Trú Bình Giang Phủ Thiên Bình Sơn Bạch Vân Thiền Tự Ngữ Lục (初住平江府天平山白雲禪寺語錄), Khai Nguyên Thiền Tự Ngữ Lục (開元禪寺語錄).
(大德): có 4 nghĩa chính:
(1) Công đức lớn, đại ân. Như trong Hệ Từ (繫辭) của Dịch Kinh (易經) có câu: “Thiên địa chi đại đức viết sinh (天地之大德曰生, đức lớn của trời đất là sinh).” Hay trong Thi Kinh, phần Tiểu Nhã (小雅), Cốc Phong (谷風) có câu: “Vong ngã đại đức, tư ngã tiểu oán (忘我大德、思我小怨, quên đức lớn của ta, nhớ oán hận nhỏ quả ta).”
(2) Phẩm đức cao thượng. Như trong chương Lập Chính (立政) của Quản Tử (管子) có câu: “Quân chi sở thận giả tứ, nhất viết đại đức bất chí nhân, bất khả dĩ thọ quốc bính (君之所愼者四、一曰大德不至仁、不可以授國柄, có bốn điều người quân tử phải thận trọng, một là phẩm đức cao thượng không bằng lòng nhân, không thể lấy vậy mà ban cho quyền lực quốc gia được).” Quan Đại Thần Duẫn Tri Chương (尹知章, 669-718) nhà Đường chú thích rằng: “Đức tuy đại nhi nhân bất chí, hoặc bao tàng họa tâm, cố bất khả thọ quốc bính (德雖大而仁不至、或包藏禍心、故不可授國柄, đức tuy lớn mà lòng nhân vẫn không thấu đáo, hoặc có thể ẩn tàng tâm gây hiểm họa, nên không thể ban cho quyền lực quốc gia được).”
(3) Chỉ cho người có đức hạnh cao thượng. Như trong Lễ Ký (禮記), chương Trung Dung (中庸) có câu: “Cố đại đức tất đắc kỳ vị (故大德必得其位, cho nên người có đức hạnh cao thượng tất đạt được vị trí ấy).” Hay trong chương Ly Lâu (離婁) của Mạnh Tử (孟子) có đoạn: “Thiên hạ hữu đạo, tiểu đức dịch đại đức, tiểu hiền dịch đại hiền (天下有道、小德役大德、小賢役大賢, thiên hạ có đạo rằng người đức ít thì phục dịch người đức lớn, người hiền nhỏ thì phục vụ người hiền lớn).”
(4) Đại Đức(s, p: bhadanta, 大德), âm dịch là Bà Đàn Đà (婆檀陀). Tại Ấn Độ, đây là tiếng kính xưng đối với Phật, Bồ Tát hay cao tăng; hoặc trong hàng ngũ chư vị Tỳ Kheo, bậc Trưởng Lão cũng được gọi là Đại Đức. Như trong Phật Thuyết Văn Thù Sư Lợi Tuần Hành Kinh (佛說文殊師利巡行經, Taishō Vol. 14, No. 470) quyển 57 có đoạn: “Nhĩ thời Văn Thù Sư Lợi đồng tử, ký kiến Trưởng Lão Xá Lợi Phất dĩ, nhi ngữ chi ngôn: 'Đại Đức Xá Lợi Phất ! Nhữ nhập Thiền da ?' (爾時文殊師利童子、旣見長老舍利弗已、而語之言、大德舍利弗、汝入禪耶, lúc bấy giờ đồng tử Văn Thù Sư Lợi, đã thấy Trưởng Lão Xá Lợi Phất rồi, mà nói lời rằng: 'Đại Đức Xá Lợi Phất ! Có phải người nhập vào Thiền định không ?').” Trong các bộ Luật, khi đối trước đại chúng hiện tiền, chỉ cho chúng Tỳ Kheo, người ta thường dùng từ “Đại Đức Tăng (大德僧)”; với chúng Tỳ Kheo Ni là “Đại Tỷ Tăng (大姊僧)”. Tỷ dụ như trong Luật Uyển Sự Quy (律苑事規, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 60, No. 1113) có đoạn: “Đại Đức nhất tâm niệm ngã [mỗ giáp] kim thỉnh Đại Đức vi lạc phát Hòa Thượng, nguyện Đại Đức vi ngã lạc phát Hòa Thượng, ngã y Đại Đức cố đắc thế phát xuất gia, từ mẫn cố [tam thỉnh] (大德一心念、我[某甲]今請大德爲落髮和尚、願大德爲我落髮和尚、我依大德故得剃髮出家、慈愍故[三請], Đại Đức một lòng nghĩ nhớ, con […] nay cung thỉnh Đại Đức làm Hòa Thượng xuống tóc, ngưỡng mong Đại Đức làm Hòa Thượng xuống tóc của con, vì con nương Đại Đức nên được xuống tóc xuất gia, xin thương xót cho [ba lần thưa như vậy]).” Tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, từ Đại Đức không dùng để tôn xưng chư Phật, Bồ Tát; mà chỉ dùng cho chư vị cao tăng mà thôi. Tuy nhiên, dưới thời Tùy Đường, những người tham gia dịch kinh đều được gọi là Đại Đức. Như trong Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện (大唐大慈恩寺三藏法師傳, Taishō Vol. 50, No. 2053) quyển 6 cho biết rằng vào tháng 6 năm Trinh Quán (貞觀) thứ 19 (645), khi Huyền Trang (玄奘, 602-664) dịch kinh tại Hoằng Phước (弘福), có 12 vị Chứng Nghĩa Đại Đức (證義大德), 9 vị Chuyết Văn Đại Đức (綴文大德), 1 vị Tự Học Đại Đức (字學大德), 1 vị Chứng Phạn Ngữ Phạn Văn Đại Đức (證梵語梵文大德), v.v. Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục (貞元新定釋敎目錄, Taishō Vol. 55, No. 2157) quyển 16 cũng có nêu lên một số danh xưng khác như Lâm Đàn Đại Đức (臨壇大德), Bách Tòa Đại Đức (百座大德), Tam Học Đại Đức (三學大德), Giảng Luận Đại Đức (講論大德), Nghĩa Học Đại Đức (義學大德), Phiên Kinh Đại Đức (翻經大德), Dịch Ngữ Đại Đức (譯語大德), v.v. Ngoài ra, người thống lãnh Tăng Ni cũng gọi là Đại Đức. Như trong Tục Cao Tăng Truyện (續高僧傳, Taishō Vol. 50, No. 2060) quyển 11, Đường Kinh Sư Diên Hưng Tự Thích Cát Tạng Truyện (唐京師延興寺釋吉藏傳) có đề cập sự việc vào năm đầu (618) niên hiệu Võ Đức (武德) nhà Đường, vì số lượng tăng chúng quá đông, chức Thập Đại Đức (十大德) được thiết trí để quản lý tăng chúng. Ngoài những ý nghĩa nêu trên, hiện nay tại Việt Nam, danh xưng Đại Đức được dùng cho những vị mới thọ giới cũng như có Hạ lạp thấp, sau Thượng Tọa và Hòa Thượng.
(檀林, danrin): nguyên lai, nó là từ gọi tắt của Chiên Đàn Lâm (旃檀林), nơi chúng tăng hòa hợp, tập trung tu hành; thường chỉ cho tự viện; cho nên nó cũng là tên gọi khác của tự viện Phật Giáo. Về sau, nó trở thành cơ sở học vấn của Phật Giáo, vì tính chất cũng như cơ năng của nó giống như Học Lâm (學林), Học Liêu (學寮). Tại Nhật Bản, Đàn Lâm Viện (檀林院) được xây dựng vào năm thứ 3 (853) niên hiệu Nhân Thọ (仁壽) được xem như là tiền thân đầu tiên của Đàn Lâm. Đến thời đại Đức Xuyên (德川, Tokugawa), các tông phái bắt đầu thiết kế những cơ sở học vấn Đàn Lâm và Quan Đông Thập Bát Đàn Lâm (關東十八檀林, 18 cơ sở học vấn Đàn Lâm ở vùng Quan Đông) là tiêu biểu, nổi tiếng nhất. Riêng Tào Động Tông, trong khuôn viên của Cát Tường Tự (吉祥寺, Kichijō-ji) ở Giang Hộ (江戸, Edo) có Chiên Đàn Lâm với rất nhiều tăng chúng đến tham học. Tương truyền đến năm thứ 3 (1774) niên hiệu Khoan Vĩnh (寬永), nơi đây có đến 641 người. Khoảng vào năm đầu (1624) niên hiệu Khoan Vĩnh, Quan Đông Thập Bát Đàn Lâm được thành lập, nhưng người hình thành hệ thống là Nguyên Dự Tồn Ứng (源譽存應, Genyō Zonō, 1544-1620), vị tổ đời thứ 12 của Tăng Thượng Tự (增上寺, Zōjō-ji). Đây là 18 ngôi tự viện có cơ cấu giáo dục cho tăng sĩ của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, gồm:
(1) Quang Minh Tự (光明寺, Kōmyō-ji) ở vùng Liêm Thương (鎌倉, Kamakura, thuộc Kanagawa-ken [神奈川縣]);
(2) Thắng Nguyện Tự (勝願寺, Shōgan-ji) ở Hồng Sào (鴻巢, Konosu, thuộc Saitama-ken [埼玉縣]);
(3) Thường Phước Tự (常福寺, Jōfuku-ji) ở Qua Liên (瓜連, Urizura, thuộc Ibaraki-ken [茨城縣]);
(4) Tăng Thượng Tự (增上寺, Zōjō-ji) ở Đông Kinh (東京, Tokyo);
(5) Hoằng Kinh Tự (弘經寺, Gukyō-ji) ở Phạn Chiểu (飯沼, Iinuma, thuộc Ibaraki-ken);
(6) Đông Tiệm Tự (東漸寺, Tōzen-ji) ở Tùng Hộ (松戸, Maddo, thuộc Chiba-ken [千葉縣]);
(7) Đại Nham Tự (大巖寺, Daigan-ji) ở Thiên Diệp (千葉, Chiba, thuộc Chiba-ken);
(8) Liên Hinh Tự (蓮馨寺, Renkei-ji) ở Xuyên Việt (川越, Kawagoe, thuộc Saitama-ken);
(9) Đại Thiện Tự (大善寺, Daizen-ji) ở Bát Vương Tử (八王子, Hachiōji, thuộc Tokyo);
(10) Tịnh Quốc Tự (淨國寺, Jōkoku-ji) ở Nham Quy (岩槻, Iwatsuki, thuộc Saitama-ken);
(11) Đại Niệm Tự (大念寺, Dainen-ji) ở Đạo Phu (稻敷, Inashiki, thuộc Ibaraki-ken);
(12) Thiện Đạo Tự (善導寺, Zendō-ji) ở Quán Lâm (館林, Tatebayashi, thuộc Gunma-ken [群馬縣]);
(13) Hoằng Kinh Tự (弘經寺, Gukyō-ji) ở Thường Tổng (常總, Jōsō, thuộc Ibaraki-ken);
(14) Linh Sơn Tự (靈山寺, Reizan-ji) ở Mặc Điền (墨田, Sumida, thuộc Tokyo);
(15) Phan Tùy Viện (幡隨院, Banzui-in) ở Tiểu Kim Tỉnh (小金井, Koganei, thuộc Tokyo);
(16) Truyền Thông Viện (傳通院, Denzū-in) ở Văn Kinh (文京, Bunkyō, thuộc Tokyo);
(17) Đại Quang Viện (大光院, Daikō-in) ở Thái Đa (太田, Ōta, thuộc Gunma-ken);
(18) Linh Nham Tự (靈巖寺, Reigan-ji) ở Thâm Xuyên (深川, Fukagawa, thuộc Tokyo).
Trong Khổng Tước Tôn Kinh Khoa Nghi (孔雀尊經科儀) có câu: “Chiên Đàn Lâm nội lục thù giá trọng ư Ta Bà, Cấp Cô Viên trung nhất chú thông tân ư Linh Thứu, cổ chế bàn toàn thanh thoại khí, ngọc lô liêu nhiễu bích tường vân, ngã kim nhiệt xử hiến Như Lai, duy nguyện từ bi ai nạp thọ (旃檀林內六銖價重於娑婆、給孤園中一炷通津於靈鷲、古晢盤旋清瑞氣、玉爐繚遶碧祥雲、我今熱處獻如來、唯願慈悲哀納受, trong Chiên Đàn Lâm sáu cây giá nặng bằng Ta Bà, nơi Vườn Cấp Cô một nén hương xông tận Linh Thứu, sao xưa xoay chuyển trong lành khí, lò ngọc tỏa vờn mây xanh thiêng, con nay đốt lên cúng Như Lai, cúi mong từ bi thương lãnh thọ).” Hay trong Chứng Đạo Ca (證道歌) của Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 675-713) cũng có câu: “Chiên Đàn Lâm vô tạp thọ, uất mật sum trầm sư tử trú, cảnh tĩnh lâm nhàn độc tự du, tẩu thú phi cầm giai viễn khứ (旃檀林無雜樹、鬱密森沉師子住、境靜林間獨自遊、走獸飛禽皆遠去, Chiên Đàn Lâm chẳng cây tạp, rừng rậm thâm u sư tử sống, cảnh vắng non nhàn mặc ngao du, thú chạy chim bay đều xa lánh).”
(妙心寺, Myōshin-ji): ngôi chùa trung tâm của Phái Diệu Tâm Tự thuộc Lâm Tế Tông, hiệu là Chánh Pháp Sơn (正法山), hiện tọa lạc tại Hanazonomyōshinji-chō (花園妙心寺町), Sakyō-ku (左京區), Tokyo-shi (東京市). Tượng thờ chính là Thích Ca Như Lai. Vào năm 1342 (Lịch Ứng [曆應] 5), Hoa Viên Thượng Hoàng (花園上皇) đến tham Thiền với Đại Đăng Quốc Sư (大燈國師, tức Tông Phong Diệu Siêu [宗峰妙超]), Tổ khai sơn Đại Đức Tự (大德寺, Daitoku-ji), rồi lấy Ly Cung của mình mà xây dựng nên ngồi Thiền tự này. Đây chính là nguồn gốc của ngôi chùa này, và người khai sơn là Quan Sơn Huệ Huyền (關山慧玄), cao đệ của Đại Đăng Quốc Sư. Đại Sư Quan Sơn Vô Tướng là người đúng như tên gọi, không chấp trước vào ngôn từ chữ nghĩa, cũng chẳng để lại ngữ lục gì cả, không tu tạo đường vũ già lam, mà chỉ chuyên tào tạo nhân tài, và đã tạo thành cơ sở phát triển cho Lâm Tế Tông hiện tại. Trong vụ Loạn Ứng Nhân (應仁の亂), chùa bị đốt cháy tan tành, nhưng rồi lại được vị Tổ đời thứ 6 của chùa là Tuyết Giang Tông Thâm (雪江宗深) tái kiến lại. Bốn vị đệ tử nổi tiếng của Tuyết Giang là Cảnh Giang (景江), Ngộ Khê (悟溪), Đặc Phương (特芳), Đông Dương (東陽), mỗi người lập thành một phái khác, thành 4 phái là Long Tuyền (龍泉), Đông Hải (東海), Linh Vân (靈雲) và Thánh Trạch (聖澤). Từ đó, họ mở rộng phái của mình đi khắp toàn quốc. Đến năm 1509 (Vĩnh Chánh [永正] 6), nhờ sự ngoại hộ của vị Ni Lợi Trinh (利貞), phu nhân của Tề Đằng Lợi Quốc (齊藤利國) ở Mỹ Nùng (美濃, Mino), nên khuôn viên chùa được mở rộng trên phạm vị rộng lớn. Hiện chùa có đến 57 ngôi viện, tất cả đều là nơi cầu nguyện của hai dòng họ Phong Thần (豐臣, Toyotomi) và Đức Xuyên (德川, Tokugawa) xưa kia, chùa trực thuộc có đến 3.500 ngôi, khoảng 10.000 vị tăng. Sắc Sứ Môn, Sơn Môn, Đại Phương Trượng, Nhà Kho, Khai Sơn Đường, đều là những kiến trúc được xếp vào hạng tài sản văn hóa quan trọng của nhà nước. Nổi tiếng nhất là đại hồng chung, được xem như là tối cổ và được xếp vào hạng quốc bảo. Ngoài ra còn có 2 bức thủ bút của Đại Đăng Quốc Sư, rồi trên trần nhà của Pháp Đường có bức tranh hoành tráng, nổi tiếng của nhà danh họa Thú Dã Thám U (狩野探幽).
(德川秀忠, Tokugawa Hidetada, 1579-1632): vị Tướng Quân đời thứ 2 của dòng họ Đức Xuyên (德川, Tokugawa), con thứ 3 của Gia Khang (家康, Ieyasu). Chính ông là người đã tận lực xây dựng chính quyền Mạc Phủ và được ban cho thụy hiệu là Đài Đức Viện (台德院).
(敎授): tức Giáo Thọ A Xà Lê (敎授阿闍梨), là tên gọi của một trong Tam Sư (三師), gồm Giới Sư (戒師, tức Đàn Đầu Hòa Thượng [壇頭和尚]), Yết Ma A Xà Lê (羯摩阿闍梨) và Giáo Thọ A Xà Lê. Hay là một trong 5 loại A Xà Lê, như trong Tứ Phần Luật (四分律, Taishō Vol. 22, No. 1428) quyển 39 có nêu rõ là: “Hữu ngũ chủng A Xà Lê, hữu Xuất Gia A Xà Lê, Thọ Giới A Xà Lê, Giáo Thọ A Xà Lê, Thọ Kinh A Xà Lê, Y Chỉ A Xà Lê (有五種阿闍梨、有出家阿闍梨、受戒阿闍梨、敎授阿闍梨、受經阿闍梨、依止阿闍梨, có năm loại A Xà Lê, có Xuất Gia A Xà Lê, Thọ Giới A Xà Lê, Giáo Thọ A Xà Lê, Thọ Kinh A Xà Lê, Y Chỉ A Xà Lê).” Giáo Thọ A Xà Lê còn gọi là Giáo Thọ Sư (敎授師), là vị A Xà Lê (s: ācārya, p: ācariya, 阿闍梨) dạy dỗ, truyền trao cho Giới Tử oai nghi tác pháp, v.v., trong Giới Đàn. Tiểu Thừa Giới thì lấy vị thầy hiện tiền làm Giáo Thọ A Xà Lê; cùng với vị Yết Ma A Xà Lê có giới lạp phải từ 5 tuổi trở lên. Đối với Đại Thừa Viên Đốn Giới (大乘圓頓戒) thì cung thỉnh đức Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒) làm vị Giáo Thọ A Xà Lê. Trong Mật Giáo, tại đàn tràng Quán Đảnh, vị hướng dẫn người thọ lễ Quán Đảnh vào trong đàn tràng, chỉ cho các nghi thức tấn thối, v.v., được gọi là Giáo Thọ A Xà Lê. Trong Thọ Bồ Tát Giới Nghi (受菩薩戒儀, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1085) có chỉ rõ cách cung thỉnh chư tôn như sau: “Phụng thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật tác Hòa Thượng, phụng thỉnh Văn Thù Sư Lợi Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật tác Yết Ma A Xà Lê, phụng thỉnh Đương Lai Di Lặc Tôn Phật tác Giáo Thọ A Xà Lê, phụng thỉnh Thập Phương Hiện Tại Chư Phật tác Chứng Giới Sư (奉請釋迦牟尼佛作和尚、奉請文殊師利龍種上尊王佛作羯磨阿闍梨、奉請當來彌勒尊佛作敎授阿闍梨、奉請十方現在諸佛作證戒師, cung thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật làm Hòa Thượng, cung thỉnh Văn Thù Sư Lợi Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật làm Yết Ma A Xà Lê, cung thỉnh Đương Lai Di Lặc Tôn Phật làm Giáo Thọ A Xà Lê, cung thỉnh Mười Phương Hiện Tại Chư Phật làm Chứng Giới Sư).” Trong phần Thỉnh Giáo Thọ Sư Pháp (請敎授師法) của Tăng Yết Ma (僧羯磨, Taishō Vol. 40, No. 1809) quyển Thượng có đoạn rằng: “Đại Đức nhất tâm niệm, ngã mỗ giáp, kim thỉnh Đại Đức vi Giáo Thọ A Xà Lê, nguyện Đại Đức vị ngã tác Giáo Thọ A Xà Lê, ngã y Đại Đức cố, đắc thọ Cụ Túc Giới (大德一心念、我某甲、今請大德爲敎授阿闍梨、願大德爲我作敎授阿闍梨、我依大德故、得受具足戒, Đại Đức một lòng ghi nhớ, con tên là …, nay cung thỉnh Đại Đức làm Giáo Thọ A Xà Lê, cúi mong Đại Đức vì con làm Giáo Thọ A Xà Lê, vì con nương vào Đại Đức, được thọ Cụ Túc Giới).”
(戒壇): là đàn tràng dùng để cử hành nghi thức truyền thọ giới pháp cũng như thuyết giới. Nguyên lai, Giới Đàn không cần phải xây dựng nhà cửa gì cả, tùy theo chỗ đất trống kết giới mà thành. Xưa kia, thời cổ đại Ấn Độ tác pháp ngoài trời, không cần phải làm đàn. Về việc Giới Đàn được kiến lập đầu tiên, Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽, Taishō Vol. 54, No. 2127) quyển Thượng, có ghi lại rằng Bồ Tát Lâu Chí (樓至) thỉnh ý đức Phật xin thiết lập Giới Đàn cho chư vị Tỳ Kheo thọ giới và được Ngài hoan hỷ chấp thuận: “Tây Thiên Kỳ Viên, Tỳ Kheo Lâu Chí thỉnh Phật lập đàn, vi Tỳ Kheo thọ giới Như Lai ư viên ngoại viện Đông Nam, trí nhất đàn, thử vi thỉ dã (西天祇園、比丘樓至請佛立壇、爲比丘受戒、如來於園外院東南、置一壇、此爲始也, Kỳ Viên ở Tây Thiên [Ấn Độ], Tỳ Kheo Lâu Chí xin Phật thiết lập Giới Đàn để truyền thọ giới cho Tỳ Kheo; đức Như Lai thiết lập một đàn ở phía Đông Nam ngoài Kỳ Viên; đây là khởi đầu).” Tại Trung Quốc, tương truyền Giới Đàn đầu tiên do Đàm Kha Ca La (s: Dharmakāla, 曇柯迦羅) kiến lập trong khoảng thời gian niên hiệu Gia Bình (嘉平, 249-254), Chánh Nguyên (正元, 254-256) nhà Tào Ngụy. Từ thời nhà Tấn, Tống trở đi, ở phương Nam kiến lập Giới Đàn rất nhiều. Như Pháp Hộ (法護) nhà Đông Tấn lập đàn ở Ngõa Quan Tự (瓦官寺), Dương Đô (揚都, Nam Kinh [南京]). Chi Đạo Lâm (支道林, 314-366) cũng thiết lập ở Thạch Thành (石城, Lê Thành [黎城], Sơn Tây [山西]), Phần Châu (汾州, Tân Xương [新昌], Triết Giang [浙江]) mỗi nơi một đàn. Chi Pháp Tồn (支法存, ?-457) lập đàn ở Nhã Da (若耶, Thiệu Hưng [紹興], Triết Giang). Trí Nghiêm (智嚴) nhà Nam Tống lập đàn ở Thượng Định Lâm Tự (上定林寺, Nam Kinh). Huệ Quán (慧觀) lập đàn ở Thạch Lương Tự (石梁寺, Thiên Thai Sơn [天台山]). Cầu Na Bạt Ma (s: Guṇavarman, 求那跋摩, 367-431) lập đàn ở Nam Lâm Tự (南林寺). Tăng Phu (僧敷, ?-?) của nhà Nam Tề lập đàn ở Vu Hồ (蕪湖). Pháp Siêu (法超) của nhà Lương thời Nam Triều lập đàn ở Nam Giản (南澗, Nam Kinh). Tăng Hựu (僧祐, 445-518) thiết lập tại Nam Kinh 4 chùa Vân Cư (雲居), Thê Hà (棲霞), Quy Thiện (歸善) và Ái Kính (愛敬) mỗi nơi một đàn. Tổng cọng hơn 300 Giới Đàn. Đến thời nhà Đường, vào năm thứ 2 (667) niên hiệu Càn Phong (乾封), Luật Sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) kiến lập Giới Đàn tại Tịnh Nghiệp Tự (淨業寺) ở ngoại ô Trường An (長安). Bắt đầu từ thời này, Giới Đàn đã hình thành quy thức nhất định. Về sau, chư cao tăng khác như Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713), Nhất Hành (一行, 683-727), Kim Cang Trí (金剛智, 671-741), v.v., từng kiến lập Giới Đàn ở vùng phụ cận Lạc Dương (洛陽). Vào năm đầu (765) niên hiệu Vĩnh Thái (永泰), vua Đại Tông (代宗, tại vị 762-779) ban sắc lệnh kiến lập Phương Đẳng Giới Đàn (方等戒壇, tức Đại Thừa Giới Đàn) ở Đại Hưng Thiện Tự (大興善寺); rồi cho đặt 10 vị Lâm Đàn Đại Đức (臨壇大德) trong giáo đoàn Tăng Ni ở Kinh Thành; tức sau này là Tam Sư Thất Chứng (三師七證). Về phía Nhật Bản, Giới Đàn đầu tiên do Giám Chơn (鑑眞, Ganjin, 688-763) kiến lập ở phía trước Chánh Điện Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) vào năm 749 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寶] thứ 6). Đến tháng 4 năm này, Giám Chơn đã truyền giới cho Thánh Võ Thiên Hoàng (聖武天皇, Shōmu Tennō, tại vị 724-749) cùng với 430 người khác. Sau đó, Giới Đàn Viện (戒壇院) được kiến lập ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji); và hai Giới Đàn khác ở Quan Thế Âm Tự (觀世音寺, Kanzeon-ji), vùng Trúc Tử (筑紫, Chikushi) và Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji) thuộc tiểu quốc Hạ Dã (下野, Shimotsuke). Trong (Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành) Thích Giáo Bộ Vị Khảo ([古今圖書集成]釋敎部彙考, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 77, No. 1521) quyển 2 có câu: “Trường Khánh tứ niên, Kính Tông tức vị, Từ Tứ Vương Trí Hưng, thỉnh trí Tăng Ni Giới Đàn (長慶四年、敬宗卽位、徐泗王智興、請置僧尼戒壇, niên hiệu Trường Khánh thứ 4 [824], vua Kính Tông nhà Đường lên ngôi, Từ Tứ Vương Trí Hưng, xin thiết trí Giới Đàn Tăng Ni).” Hay trong Chung Nam Gia Nghiệp (終南家業, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1109) quyển Trung có đoạn rằng: “Chí Nguyên Hỷ thập niên, hữu Tăng Già Bạt Ma, ư Dương Đô Nam Lâm Giới Đàn, vi Tăng Huệ Chiếu đẳng ngũ thập nhân, Ni Huệ Quả đẳng tam thập tam nhân, trùng thọ cụ giới (至元喜十年、有僧伽拔摩、於揚都南林戒壇、爲僧慧照等五十人、尼慧果等三十三人、重受具戒, cho đến niên hiệu Nguyên Hỷ thứ 10, tại Giới Đàn Chùa Nam Lâm ở Dương Đô, có Tăng Già Bạt Ma vì nhóm Tăng Huệ Chiếu 50 người, nhóm Ni Huệ Quả 33 người, thọ giới Cụ Túc lại).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.248.248 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập