Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Bồ Đề Tự »»
(檀家制度, Danka-seido, Đàn Gia Chế Độ): chế độ thắt chặt mối quan hệ giữa chùa chiền với tín đồ Phật tử theo điều kiện do các tự viện tiến hành một cách độc chiếm việc tang tế cúng dường của nhà Đàn Việt (Phật tử tại gia) kể từ thời Giang Hộ trở đi. Nguyên do thành lập nên chế độ này vốn phát xuất từ chính sách đàn áp Thiên Chúa Giáo của chính quyền Mạc Phủ Giang Hộ; và tự viện là trợ lực trong việc thi hành chính sách này. Chế độ này sớm được thành lập vào năm 1634 (Khoan Vĩnh [寛永] 11), và 4 năm sau thì được tiến hành rộng rãi trên toàn quốc. Đối với người không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo thì bắt buộc phải có Bản Chứng Minh Chùa Công Nhận vốn do vị trú trì chùa ấy bảo chứng về thân phận người đó. Với khế cơ đó, các tự viện đã thành công trong việc cố định được những người sống gần chùa trở thành tín đồ của chùa. Việc này gọi là Chế Độ Xin Chùa Công Nhận (寺請制度, Terauke-seido). Sau đó, khi chính sách đàn áp Thiên Chúa Giáo của chính quyền Mạc Phủ càng được tăng cường ráo riết, thì quyền hạn của các tự viện cũng từ từ lớn mạnh thêm lên. Trong hai năm 1659 (Vạn Trị [萬治] 2) và 1662 (Khoan Văn [寛文] 2), theo như pháp chế của chính quyền Mạc Phủ thì Bồ Đề Tự (菩提寺, Bodai-ji) có trách nhiệm trong việc làm cho cải đổi tông môn của tín đồ Thiên Chúa Giáo; vì thế quyền hạn của của chùa lại càng vững mạnh hơn thêm. Đến năm 1687 (Trinh Hưởng [貞享] 4), pháp chế của chính quyền nêu rõ rằng nhà tín đồ phải có nghĩa vụ đến tham bái ngôi chùa mình quy y theo, tổ chức lễ kỵ giỗ cho song thân tại chùa, v.v. Nếu ai không chấp nhận quy chế như vậy thì sẽ bị loại trừ ra khỏi danh sách nhà Đàn Việt, bị dán cho nhãn hiệu là tín đồ Thiên Chúa Giáo và bị xử phạt. Hơn nữa, khoảng vào năm 1730 (Hưởng Bảo [享保] 15), phía các tự viện lại chế ra Luật Tông Môn Đàn Na Thỉnh Hợp, để nói rõ về những nghĩa vụ của người tín đồ đối với ngôi chùa của mình thế nào. Đó là những quy định như hằng ngày đến tham bái, tham dự các buổi lễ kỵ giỗ hằng năm, kỵ Tổ sư, ngày Phật Đản, ngày đức Thích Ca Nhập Niết Bàn, Vu Lan, v.v. Ngoài ra, người tín đồ buộc phải đảm đương về mặt kinh tế với nhiều danh mục như tiền xây dựng cũng như tân trang cùa chiền, tiền cống nạp cho ngôi chùa trung tâm bản sơn, v.v. Đương nhiên, việc tách ly khỏi chùa hay chuyển sang chùa khác thì bị nghiêm khắc cấm chỉ, còn người tín đồ thì không có quyền hạn lựa chọn ngôi chùa mình muốn theo. Nói tóm lại, Chế Độ Nhà Đàn Việt của chính quyền Mạc Phủ Giang Hộ ban ra là chế độ do các tự viện quản lý một cách hoàn toàn các tín đồ tại gia, là tổ chức do tín đồ góp công nuôi sống các tự viện. Từ cuối thời Minh Trị (明治, Meiji, 1868-1911) trở đi, chế độ này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay dưới hình thức môi giới nghi lễ tống táng. Tuy nhiên, do vì hàng tín đồ di chuyển chỗ ở của họ, rồi những công viên mộ tập thể ra đời, nên cũng có nhiều trường hợp thoát ly khỏi ngôi chùa họ quy y theo. Còn ở vùng nông thôn, trong số những ngôi chùa xưa nay nương nhờ vào sự bảo trợ của Chế Độ Nhà Đàn Việt này để tồn tại, thì cũng có không ít chùa đã trở thành hoang phế. Hơn nữa, ngày nay việc lo tống táng phần nhiều đều do các Công Ty Mai Táng đảm trách; nên nếu nói về mặt tín ngưỡng thì người tín đồ có quyền chọn lựa. Thêm vào đó, các nghi lễ tống táng theo kiểu Thần Đạo, Thiên Chúa Giáo, tân tôn giáo hay vô tôn giáo cũng rất thịnh hành; vì thế Chế Độ Nhà Đàn Việt do vị Trú Trì nắm quyền chủ đạo như dưới thời Giang Hộ, thì nay không còn nữa.
(寺請制度, Terauke-seido, Tự Thỉnh Chế Độ): còn gọi là Tự Đàn Chế Độ (寺檀制度); là chế độ được chính quyền Mạc Phủ Giang Hộ chế định ra vào năm 1664 (Khoan Văn [寛文] 4), để nhằm mục đích cấm chế Thiên Chúa Giáo cũng như Phái Không Nhận Không Cho, và ngăn chận việc cải tông của tín đồ. Cụ thể là xin phía tự viện chứng nhận rằng bản thân mình là tín đồ Phật Giáo, chứ không phải là giáo đồ của Thiên Chúa Giáo. Nhờ chế độ này được thi hành, người dân bắt đầu quyết định chùa nâo là Bồ Đề Tự (菩提寺, Bodai-ji) của mình, và gắn thêm nghĩa vụ cho biết rằng mình là tín đồ của chùa ấy. Tại các hộ dân thì bàn thờ Phật được thiết lập, rồi quy định tập quán cung thỉnh chư Tăng đến làm lễ và đó cũng là hình thức để bảo chứng số lượng tín đồ cũng như thâu nhập nhất định của chùa. Dưới thời Minh Trị Duy Tân, chế độ này quá căng thẳng và cuối cùng tạo nguyên nhân dẫn đến nạn Phế Phật Hủy Thích.
(s, p: dāna, 檀那): còn gọi là Đà Na (柁那), Đán Na (旦那), Đà Nẵng (馱曩), Đàn (檀); ý dịch là thí (施, cho, ban phát), bố thí (布施), tức lấy tâm từ bi mà ban phát phước lợi cho tha nhân; cả Phạn Hán cùng gọi là Đàn Thí (檀施), Đàn Tín (檀信). Những tín đồ cúng dường y thực cho tăng chúng, hay xuất tiền tài để tiến hành pháp hội, tu hạnh bố thí được gọi là Thí Chủ (s: dānapati, 施主); âm dịch là Đàn Việt (檀越), Đà Na Bát Để (陀那鉢底), Đàn Na Ba Để (檀那波底), Đà Na Bà (陀那婆); cả Phạn Hán đều gọi chung là Đàn Việt Thí Chủ (檀越施主), Đàn Na Chủ (檀那主), Đàn Chủ (檀主). Trong Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập (翻譯名義集) quyển 1 có giải thích rằng: “Đàn Na hựu xưng Đàn Việt; Đàn tức thí; thử nhân hành thí, việt bần cùng hải, cố xưng Đàn Việt; tâm sanh xả pháp, năng phá xan tham, thị vi Đàn Na (檀那又稱檀越、檀卽施、此人行施,越貧窮海、故稱檀越、心生捨法、能破慳貪、是爲檀那, Đàn Na còn gọi là Đàn Việt; Đàn tức là bố thí; người này hành bố thí, vượt qua biển bần cùng; nên gọi là Đàn Việt; tâm sanh khởi pháp xả bỏ, có thể phá tan sự tham lam, keo kiệt, đó là Đàn Na).” Theo Thiện Sanh Kinh (善生經) của Trường A Hàm (長阿含經) quyển 11 có đoạn rằng: “Đàn Việt đương dĩ ngũ sự cung phụng Sa Môn, Bà La Môn. Vân hà vi ngũ ? Nhất giả thân hành từ, nhị giả khẩu hành từ, tam giả ý hành từ, tứ giả dĩ thời thí, ngũ giả môn bất chế chỉ. Thiện Sanh, nhược Đàn Việt dĩ thử ngũ sự cung phụng Sa Môn, Bà La Môn; Sa Môn, Bà La Môn đương phục dĩ lục sự nhi giáo thọ chi. Vân hà vi lục ? Nhất giả phòng hộ bất linh vi ác, nhị giả chỉ thọ thiện xứ, tam giả giáo hoài thiện tâm, tứ giả sử vị văn giả văn, ngũ giả dĩ văn năng sử thiện giải, lục giải khai thị thiên lộ (檀越當以五事供奉沙門、婆羅門、云何爲五、一者身行慈、二者口行慈、三者意行慈、四者以時施、五者門不制止、善生、若檀越以此五事供奉沙門、婆羅門、沙門、婆羅門當復以六事而敎授之、云何爲六、一者防護不令爲惡、二者指授善處、三者敎懷善心、四者使未聞者聞、五者已聞能使善解、六者開示天路, Thí chủ nên lấy năm việc để cung phụng Sa Môn, Bà La Môn. Thế nào là năm ? Một là thân hành từ bi, hai là miệng hành từ bi, ba là ý hành từ bi, bốn là cúng dường đúng thời, năm là cổng không đóng dừng. Này Thiện Sanh ! Nếu Thí chủ lấy năm việc trên để cung phụng Sa Môn, Bà La Môn; Sa Môn, Bà La Môn phải lấy sáu việc để giáo hóa lại cho họ. Thế nào là sáu ? Một là phòng ngừa, bảo hộ không khiến cho làm điều ác; hai là chỉ bày, truyền trao nơi tốt lành; ba là dạy họ luôn nhớ tâm lành; bốn là khiến cho người chưa nghe được nghe; năm là người được nghe có thể khiến cho khéo hiểu rõ; sáu là khai thị rõ đường lên trời).” Lại theo Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 24 cho biết rằng vị Thí Chủ Đàn Việt tùy thời mà bố thí, cúng dường thì sẽ có 5 công đức:
(1) Tiếng tăm vang khắp bốn phương và mọi người đều hoan hỷ, vui mừng;
(2) Nếu sanh làm thân chúng sanh, không mang tâm xấu hổ và cũng không có sự sợ hãi;
(3) Được mọi người kính ngưỡng, người thấy cũng sanh tâm hoan hỷ;
(4) Sau khi mạng hết, hoặc sanh lên cõi Trời, được chư Thiên cung kính; nếu sanh trong cõi người, cũng được người tôn quý;
(5) Trí tuệ xuất chúng, thân hiện đời hết lậu hoặc, chẳng trãi qua đời sau.
Món cháo do Thí Chủ cúng dường cho đại chúng được gọi là Đàn Na Chúc (檀那粥). Như trong Oánh Sơn Thanh Quy (瑩山清規) quyển Thượng, phần Nguyệt Trung Hành Sự (月中行事) của Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾, Keizan Jōkin, 1268-1325), Tổ khai sơn Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) ở vùng Năng Đăng (能登, Noto), có câu: “Đàn Na Chúc, thán kệ như tiền, kim thần tịnh chúc nhất đường, phụng vị bổn tự Đàn Na thập phương Thí Chủ phước thọ trang nghiêm, ngưỡng bằng tôn chúng niệm (檀那粥、歎偈如前、金晨淨粥一堂、奉爲本寺檀那十方施主福壽莊嚴、仰憑尊眾念, Cháo Đàn Na, kệ tán thán như trước, hôm nay cháo chay một nhà, kính vì cầu chúc Đàn Na chùa này, Thí Chủ mười phương được phước thọ trang nghiêm, ngưỡng mong đại chúng tưởng niệm).” Đặc biệt, tại Nhật Bản, ngôi chùa sở thuộc nhà Đàn Việt được gọi là Đàn Na Tự (檀那寺, Danna-dera) hay Đán Na Tự (旦那寺, Danna-dera); hay còn có nghĩa là ngôi chùa ban pháp cho bản thân mình, hoặc là ngôi chùa do mình cúng dường và duy trì. Từ này xuất hiện trong khoảng thời gian niên hiệu Khoan Vĩnh (寛永, 1624-1644), khi tiến hành đàn áp Thiên Chúa Giáo. Đàn Na Tự còn gọi với tên khác là Bồ Đề Tự (菩提寺), Hương Hoa Viện (香華院).
(s: Mahendra, p: Mahinda, 摩哂陀): còn gọi là Ma Hê Nhân Đà La (摩酼因陀羅), Mã Hân Đạt (馬欣達), vị khai tổ của Phật Giáo Tích Lan, thường được gọi là tổ truyền Luật thứ 6, con của A Dục Vương (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) thuộc vương triều Khổng Tước (s: Maurya, 孔雀), sanh tại Ujayana (鄔闍衍那, Ổ Xà Diễn Na, thuộc Ma Kiệt Đà [s, p: Magadha, 摩掲陀], tiểu bang Bihar ngày nay), miền tây bắc Ấn Độ; mẹ là Devī (戴蜚, Đới Phi), con gái của nhà phú thương Vedisa (卑地寫, Ty Địa Tả). Năm lên 20 tuổi, ông xuất gia, bái Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (p: Moggaliputta Tissa, 目犍連子帝須) làm thầy, thọ Sa Di giới với Ma Ha Đề Bà (摩訶提婆), Cụ Túc giới với Mạt Xiển Đề (末闡提) và chứng đắc quả A La Hán. Vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, ông vâng mệnh cha đến Tích Lan truyền bá Phật Giáo. Tại đây, ông được vua Tích Lan đương thời là Devānaṃpiyatissa (天愛帝須, Thiên Ái Đế Tu) sùng kính và bảo hộ, xây dựng Đại Tự (p: Mahāvihāra, 大寺) ở thủ đô Anurādhapura để phổ biến Bình Đẳng Tâm Kinh (p: Samacitta-suttanta, 平等心經), và tạo hang đá để an cư kiết hạ, từ đó thành lập cơ sở cho Phật Giáo Tích Lan. Kế tiếp, tu viện Cetiyavihāra được thành lập ở Mihintale. Về sau, em gái Ma Sẩn Đà là Tỳ Kheo Ni Tăng Già Mật Đa (s: Saṃghamitrā, p: Saṅghamittā, 僧伽密多) mang nhánh cây Bồ Đề từ nơi đức Phật thành đạo sang trồng tại Tích Lan và truyền thọ giới pháp Tỳ Kheo Ni. Ông còn triệu tập Đại Hội Tỳ Kheo tại tháp Đỗ Ba La Mi (睹波羅糜), chính thức sáng lập tăng đoàn Phật Giáo đầu tiên của nước này do trưởng lão A Lợi Đa (p: Arittha, 阿利多) lãnh đạo, dùng ngôn ngữ địa phương để giảng giải Tam Tạng Thánh Điển Tiếng Pāli. Cả ông và em gái đều tận lực cống hiến cho Phật Giáo Tích Lan trong vòng hơn 30 năm, và cuối cùng qua đời ở độ tuổi 80, thọ hơn cả vua Devānaṃpiyatissa. Vua Uttiya, người kế thừa ngôi vị của anh mình, đã tổ chức tang lễ long trọng cho Ma Sẩn Đà và cho xây dựng một ngôi tháp tại Mihintale để an trí xá lợi của ông. Wapola Rahula, tu sĩ nổi tiếng của Tích Lan ở thế kỷ 20, có miêu tả Ma Sẩn Đà là “cha đẻ của nền văn học Tích Lan”, vì ông đã chuyển dịch và viết luận thư Tam Tạng bằng tiếng Tích Lan, chuyển ngôn ngữ kinh điển thành ngôn ngữ văn học. Ông còn được công nhận là người đưa văn hóa của đế quốc Khổng Tước vào quần đảo này.
(s: catasraḥ parṣadaḥ, p: catasso parisā, 四眾): Bốn Chúng; còn gọi là Tứ Bối (四輩), Tứ Bộ Chúng (四部眾), Tứ Bộ Đệ Tử (四部弟子); có mấy nghĩa khác nhau. (1) Chỉ cho 4 hạng người, hay 4 hạng đệ tử hình thành nên giáo đoàn Phật Giáo, gồm Tỳ Kheo (s: bhikṣu, p: bhikkhu, 比丘), Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼), Ưu Bà Tắc (s, p: upāsaka, 優婆塞), Ưu Bà Di (s, p: upāsikā, 優婆夷). Hay chỉ cho bốn chúng xuất gia là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di (s: śrāmaṇera, p: sāmaṇera, 沙彌) và Sa Di Ni (s: śrāmaṇerikā, p: sāmaṇerī, 沙彌尼). Như trong Liễu Đường Duy Nhất Thiền Sư Ngữ Lục (了堂惟一禪師語錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 71, No. 1417) quyển 2 có câu: “Nhất ngôn huýnh xuất thanh tiêu ngoại, Tứ Chúng vân trăn tiếu điểm đầu (一言迥出青霄外、四眾雲臻笑點頭, một lời buông tận trời xanh thẳm, Bốn Chúng về đây cười gật đầu).” Hay trong Cẩm Giang Thiền Đăng (錦江禪燈, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 85, No. 1590) quyển 19, phần Huệ Thông (慧聰), lại có đoạn: “Pháp Hoa Kinh Thường Bất Khinh Bồ Tát, bất chuyên độc tụng kinh điển, đản hành lễ bái Tứ Chúng, thượng đắc Lục Căn thanh tịnh, ngã hà vi bất lễ chư Phật Thế Tôn. (法華經常不輕菩薩、不專讀誦經典、但行禮拜四眾、尚得六根清淨、我何爲不禮諸佛世尊, Bồ Tát Thường Bất Khinh trong Kinh Pháp Hoa, không chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ thực hành lễ bái Bốn Chúng, mà được sáu căn thanh tịnh, ta sao lại không lễ bái các đức Phật Thế Tôn).” (2) Chỉ cho 4 loại đại chúng ngồi nghe đức Phật thuyết pháp, gồm: (a) Phát Khởi Chúng (發起眾), tức là những người có thể biết được thời cơ lúc nào bắt đầu tập hội, hoặc phát khởi tướng kỳ lạ, vấn đáp, v.v., để sắp xếp cho đức Phật thuyết pháp. (b) Đương Cơ Chúng (當機眾), chỉ cho những người có túc duyên thuần thục, chín muồi, thích hợp để nghe chánh giáo, và ngay trong hội đó được xuất gia. (c) Ảnh Hưởng Chúng (影響眾), chỉ chư Phật, Bồ Tát xưa kia, từ phương khác đến giúp đỡ đức Phật giáo hóa, giấu đi quả vị của họ mà thị hiện hình tướng của chúng căn cơ hiện tại, như bóng theo hình, như âm vang ứng với tiếng, để phò trợ đấng Pháp Vương và làm trang nghiêm pháp tòa. (d) Kết Duyên Chúng (結緣眾), chỉ cho những người có phước thiện đời trước mỏng manh, căn cơ lại thấp kém, tuy chưa chứng ngộ được gì, nhưng nhờ nhân duyên gặp được Phật và nghe pháp, mà kết nhân duyên tương lai sẽ xuất gia tu học. (3) Dưới thời đại vua A Dục (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育), đại chúng Phật pháp được phân chia thành 4 loại; 4 chúng này nhân nghị luận về 5 việc của Tỳ Kheo Đại Thiên (s, p: Mahādeva, 大天) mà hình thành nên Thượng Tọa Bộ (s: Sthaviravāda, p: Theravāda, 上座部) và Đại Chúng Bộ (s, p: Mahāsāṅghika, 大眾部). (a) Long Tượng Chúng (龍象眾), còn gọi là Đại Quốc Chúng (大國眾), chỉ cho dòng phái của Đại Thiên, tức những người phát sinh luận tranh. (b) Biên Bỉ Chúng (邊鄙眾), còn gọi là Ngoại Biên Chúng (外邊眾), chỉ cho môn đồ của Đại Thiên. (c) Đa Văn Chúng (多聞眾), chỉ cho hạng phàm phu chuyên giữ giới, học rộng. (d) Đại Đức Chúng (大德眾), là Thánh chúng chứng 4 quả vị. (4) Chỉ cho 4 chúng là người, trời, rồng và quỷ.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.220.64.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập