Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Chuẩn Đề »»
(倶胝, Gutei, ?-?): nhân vật sống dưới thời nhà Đường, không rõ tánh danh, vì ông thường tụng chú Quan Âm Chuẩn Đề Câu Chi nên người đời gọi ông là Câu Chi. Ông sống ở vùng Kim Hoa (金華), Vụ Châu (婺州), Tỉnh Triết Giang (淅江省). Do vì không trả lời được câu hỏi của vị Ni Thật Tế (實際), ông từ giã thảo am của mình mà đi du hóa khắp nơi. Ông có đến tham vấn Thiên Long (天龍), pháp từ của Đại Mai Pháp Thường (大梅法常), rồi kể lại câu chuyện trước kia cho vị này nghe, Thiên Long bèn đưa một ngón tay lên. Câu Chi hốt nhiên đại ngộ, và từ đó về sau mỗi khi ai hỏi điều gì, ông chỉ đưa một ngón tay lên trả lời mà thôi. Khi sắp lâm chung, ông bảo rằng: “Ngô đắc Thiên Long nhất chỉ Thiền, sanh thọ dụng bất tận (吾得天龍一指禪、生受用不盡, ta đây đắc được Thiền một ngón tay của Thiên Long, suốt cả đời dùng cũng chẳng hết).”
(醍醐寺, Daigo-ji): ngôi chùa trung tâm của Phái Đề Hồ (醍醐派) thuộc Chơn Ngôn Tông, hiệu núi là Thâm Tuyết Sơn (深雪山), hiện tọa lạc tại Daigo (醍醐), Fushimi-ku (伏見區), Kyoto-shi (京都市). Theo truyền ký của chùa cho biết, Thánh Bảo (聖寶) là người khai sáng chùa vào năm 874 (niên hiệu Trinh Quán [貞觀] thứ 16). Ban đầu ông trú tại Tây Nam Viện của Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), vùng đất chùa này là khoảng giữa của Thạch Sơn Tự (石山寺) và Đông Đại Tự. Ông điêu khắc hai bức tượng Chuẩn Đề và Quan Âm, rồi an trí trên núi. Người con gái của nhà hào tộc vùng Sơn Khoa (山科, Yamashina) là Dận Tử (胤子) theo làm cung phi của Vũ Đa Thiên Hoàng (宇多天皇, Uda Tennō, tại vị 887-897) và hạ sanh Đề Hồ Thiên Hoàng (醍醐天皇, Daigo Tennō, tại vị 897-930). Hay đời sau Châu Tước Thiên Hoàng (朱雀天皇, Suzaku Tennō, tại vị 930-946) hạ sanh cũng nhờ cầu nguyện đức Chuẩn Đề. Với mối quan hệ dó, chùa được tầng lớp Hoàng Thất quy y theo. Vì thế, năm 904 (niên hiệu Diên Hỷ [延喜] thứ 4), Thích Ca Đường; rồi đến năm 907 thì Dược Sư Đường, Ngũ Đại Dường lần lượt được kiến lập, và đến năm 913 thì nơi đây trở thành chùa được cấp định ngạch của Hoàng triều. Vào năm 949 (niên hiệu Thiên Lịch [天曆] thứ 3), Pháp Hoa Tam Muội Đường được kiến lập dưới chân núi; đến năm 952, ngôi tháp 5 tầng hiện tồn được tạo dựng và coi như ngôi già lam được hoàn bị. Đối với các công trình kiến trúc này, hệ thống của Đề Hồ Thiên Hoàng đã có nỗ lực rất lớn; nhưng đến khi dòng họ Đằng Nguyên (藤原, Fujiwara) nắm chính quyền thì sự ngoại hộ từ phía Hoàng Thất trở nên thưa thớt dần, song đến thời Viện Chính thì chùa lại được phục hưng nhờ vị Tọa Chủ xuất thân dòng họ Nguyên (源, Minamoto). Tức là các vị Tọa Chủ đời thứ 13 là Giác Nguyên (覺源, con thứ 4 của Hoa Sơn Thiên Hoàng [花山天皇, Kazan Tennō, tại vị 984-986]), đời thứ 14 là Định Hiền (定賢, con của Nguyên Long Quốc [源隆國]), đời thứ 15 là Thắng Giác (勝覺) cũng như đời thứ 18 là Thật Vận (實運, con của Nguyên Tuấn Phòng [源俊房]), đời thứ 16 là Định Hải (定海, con của Nguyên Hiển Phòng Tử [源顯房子]), đời thứ 17 là Nguyên Hải (元海, con của Nguyên Nhã Tuấn [源雅俊]), v.v. Thêm vào đó, nhờ có các danh tăng xuất hiện nên mọi người đều quy ngưỡng về chùa này. Vốn là con cháu đích truyền của Dòng Tiểu Dã (小野流), là trung tâm nghiên cứu dòng pháp, hiện tại Đề Hồ Tự vẫn bảo quản khá nhiều sách khẩu truyền, nghiên cứu, đặc biệt là các đồ hình, tượng, v.v. Vào năm 1115 (niên hiệu Vĩnh Cửu [永久] thứ 3), tiếp theo việc kiến lập Tam Bảo Viện của Thắng Giác, Kim Cang Vương Viện của Thánh Hiền (聖賢), Lý Tánh Viện của Hiền Giác (賢覺), Vô Lượng Thọ Viện của Nguyên Hải, Báo Ân Viện của Thành Hiền (成賢), Địa Tạng Viện của Đạo Giáo (道敎) lần lượt xuất hiện, hình thành nên 6 dòng phái Đề Hồ. Về mặt chính trị, dưới thời đại Liêm Thương (鎌倉, Kamakura) thì không có can hệ gì, chùa trở thành trung tâm nghiên cứu sự tướng, đồ tượng cho các tông phái. Về sau, chùa bị cháy hơn phân nữa trong vụ loạn Ứng Nhân (應仁). Đến thời Nghĩa Diễn (義演) làm Tọa Chủ nơi đây, nhờ sự hỗ trợ của dòng họ Phong Thần (豐臣, Toyotomi), ông tiến hành phục hưng chùa. Đến thời đại Giang Hộ (江戸, Edo), nhờ sự bảo hộ phái Tân Nghĩa Chơn Ngôn Tông (新義眞言宗), nên chùa không bị dao động gì cả. Chùa hiện tồn rất nhiều quần thể kiến trúc cũng như bảo vật có giá trị cấp quốc bảo như Dược Sư Đường, Khai Sơn Đường, Như Ý Luân Đường, Kim Đường, 5 bức Ngũ Đại Tôn Tượng, Diêm Ma Thiên Tượng, Đại Nhật Kim Luân, A Di Đà Tam Tôn, v.v.
(夾鍾): có hai nghĩa chính:
(1) Tên gọi âm thứ 2 trong 6 âm thanh thuộc về Âm của 12 luật âm, tương đương với âm Thắng Tuyệt (勝絶, shōzetsu) trong 12 âm luật của Nhật Bản.
(2) Tên gọi khác của tháng 2 Âm Lịch. Như trong Lã Thị Xuân Thu (吕氏春秋) quyển 6 của Lã Bất Vi (呂不韋, 290-235 ttl.) có đoạn: “Giáp Chung chi nguyệt, khoan dụ hòa bình, hành đức khử hình, vô hoặc tác sự, dĩ hại quần sinh (夾鐘之月、寬裕和平、行德去刑、無或作事、以害群生, tháng Hai là tháng khoan dung, hòa bình, thực hành nhân đức, bỏ hình phạt, không nên làm việc, tác hại quần sinh).” Trong Nhạc Điển (樂典) quyển 143 có giải thích rõ về Giáp Chung rằng: “Mão vi Giáp Chung, nhị nguyệt chi thần danh vi Mão; Mão giả, mậu dã; ngôn dương khí chí thử, vật sanh tư mậu dã, cố vị chi Mão (卯爲夾鍾、二月之辰名爲卯、卯者、茂也、言陽氣至此、物生孳茂也、故謂之卯, Mão là Giáp Chung, chi của tháng Hai là Mão; Mão là mậu [tươi tốt], nghĩa là khí dương đến tháng này, muôn vật sinh nở tươi tốt, nên gọi nó là Mão).” Trong Chuẩn Đề Tịnh Nghiệp (準提淨業, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1077) quyển 3 lại có câu: “Giáp Chung nhị nguyệt luật, do đắc Xuân khí, thảo mộc vinh hoa (夾鐘二月律、由得春氣、草木榮華, Giáp Chung tháng Hai luật, do có khí Xuân, cỏ cây tươi tốt).” Hay trong Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký (百丈清規證義記, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 63, No. 1244) quyển 8 lại giải thích rằng: “Nhị nguyệt kiến Mão, viết Đan Át, hựu viết Giáp Chung, hựu vân Trọng Xuân, hựu xưng Phương Xuân (二月建卯、曰單閼、又曰夾鐘、又云仲春、又稱芳春, tháng Hai kiến Mão, gọi là Đan Át, hay còn gọi là Giáp Chung, lại có tên là Trọng Xuân, hay gọi là Phương Xuân).”
(黃鐘, 黃鍾): âm thanh đầu tiên thuộc về Dương trong 12 Luật của âm nhạc được quy định từ thời xưa của Trung Quốc, và cũng là tên gọi khác của tháng 11 Âm Lịch. Âm này tương đương với âm Nhất Việt (壱越, ichikotsu) trong 12 âm luật của Nhật Bản. Trong A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa (阿彌陀經疏鈔事義, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 22, No. 425) có giải thích rõ rằng 6 âm thanh thuộc về Dương gồm Hoàng Chung (黃鍾), Thái Thốc (太簇), Cô Tẩy (姑洗), Nhuy Tân (蕤賓), Di Tắc (夷則) và Vô Xạ (無射); 6 âm thanh thuộc về Âm là Đại Lữ (大呂), Giáp Chung (夾鍾), Trọng Lữ (仲呂), Lâm Chung (林鐘), Nam Lữ (南呂) và Ưng Chung (應鍾). Từ đó có cụm từ Hoàng Chung hủy khí (黃鐘毀棄) ám chỉ người hiền bị bài xích, ruồng bỏ. Như trong bài Bốc Cư (卜居) của Khuất Nguyên (屈原, 340-278 ttl.) của nhà Sở thời Chiến Quốc có đoạn: “Hoàng Chung hủy khí, ngõa phữu lôi minh, sàm nhân cao trương, hiền sĩ vô danh (黃鐘毀棄、瓦缶雷鳴、讒人高張、賢士無名, Hoàng Chung đem bỏ, bụng rỗng kêu to, kẻ hèn lên mặt, người hiền không tên).” Hay trong Chuẩn Đề Tịnh Nghiệp (準提淨業, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1077) quyển 3 có câu: “Hoàng Chung thập nhất nguyệt luật, đắc Đông khí cố, ngưng âm băng đống (黃鐘十一月律、得冬氣故、凝陰冰凍, Hoàng Chung tháng Mười Một luật, vì có khí Đông, đất trời băng đóng).” Trong Nhạc Điển (樂典) quyển 143 có giải thích về Hoàng Chung rằng: “Hoàng Chung giả, thị âm dương chi trung, nhược thiên hữu Lục Khí, giáng vi Ngũ Vị, thiên hữu Lục Giáp, địa hữu Ngũ Tý, tổng thập nhất, nhi thiên địa chi số tất hỉ, cố dĩ lục vi trung. Hoàng Chung giả, thị Lục Luật chi thủ, cố dĩ Hoàng Chung vi danh. Hoàng giả, thổ chi sắc, dương khí tại địa trung, cố dĩ Hoàng vi xưng. Chung giả, động dã, tụ dã; dương khí tiềm động ư huỳnh tuyền, tụ dưỡng vạn vật, manh nha tương xuất, cố danh Hoàng Chung dã (黃鍾者、是陰陽之中、若天有六氣、降爲五味、天有六甲、地有五子、總十一、而天地之數畢矣、故以六爲中、黃鍾者、是六律之首、故以黃鍾爲名、黃者、土之色、陽氣在地中、故以黃爲稱、鍾者、動也、聚也、陽氣潛動於黃泉、聚養萬物、萌芽將出、故名黃鍾也, Hoàng Chung là ở trong âm dương, nếu trời có Sáu Khí, giáng xuống thành Năm Vị, trời có Sáu Giáp, đất có Năm Tý, tổng cọng là mười một, là đủ hết số của trời đất vậy, nên lấy số sáu làm chính. Hoàng Chung là đứng đầu trong Sáu Luật, nên lấy Hoàng Chung làm tên. Hoàng [màu vàng] là sắc màu của đất, khí dương ở trong đất, cho nên lấy màu vàng mà gọi tên. Chung nghĩa là động, là tích tụ; khí dương ngầm chuyển động dưới Suối Vàng, tích tụ và nuôi dưỡng vạn vật, mầm non sẽ nhú ra, nên có tên là Hoàng Chung vậy).”
(開光): có nhiều loại Khai Quang khác nhau. Căn cứ vào tôn giáo mà có Khai Quang của Phật Giáo, Khai Quang của Đạo Giáo, Khai Quang của Âm Dương Sư (陰陽師), v.v.; như ở các đền thờ Quan Thánh Đế Quân (關聖帝君) thường tiến hành nghi thức Quan Công Khai Quang (關公開光). Khai Quang của Phật Giáo lại chia thành Quần Khai Quang (群開光, Khai Quang cho nhiều hình tượng) và Đơn Độc Khai Quang (單獨開光, Khai Quang chỉ cho một tượng). Mỗi khi có tự viện nào lạc thành hay trùng tu, sau khi điêu khắc tượng Phật Bồ Tát xong, thường cung thỉnh chư tôn Thiền đức đến để tiến hành lễ Khai Quang Điểm Nhãn (開光點眼) cho các pho tượng đó. Đối với các tôn giáo, Khai Quang được xem như là một loại nghi thức vô cùng linh thiêng, quan trọng, tiếp dẫn linh tánh cũng như tiên khí vào trong tôn tượng. Nguồn gốc của nghi thức này phát xuất từ Đạo Giáo; lấy cái vô hình trong vũ trụ, có đủ linh tánh với pháp lực vô biên đem nhập vào trong thần tượng; cho nên sau khi đem thờ phụng thì tôn tượng ấy trở thành linh hiển. Nguyên lai, Phật Giáo không có nghi thức này, mà chỉ có nghi thức gia trì tượng Phật, so với nghi Khai Quang có khác nhiều. Nếu xét về phương pháp Khai Quang thần tượng theo Đạo Giáo, mọi việc đều thông qua vị Cao Công Pháp Sư (高功法師), chọn ngày giờ tốt để tiến hành nghi Khai Quang Điểm Nhãn. Nghi thức ấy gồm 12 loại khoa nghi: Thanh Tịnh (清淨), Thỉnh Thần (請神), Phát Chỉ (發旨), Phát Lịnh (發令), Thất Tinh (七星), Bát Quái (八卦), Nhập Thần (入神), Sắc Bút (敕筆), Sắc Kính (敕鏡), Sắc Kê (敕雞), Khai Quang (開光), Phát Hào (發毫). Khai Quang còn gọi là Khai Nhãn (開眼), Khai Minh (開明), Khai Quang Minh (開光明), Khai Nhãn Cúng Dường (開眼供養), Khai Nhãn Giới (開眼界), Khai Nhãn Căn (開眼根). Thiền Lâm Tượng Khí (禪林象器) quyển Thượng có ghi rằng: “Phàm tân tạo Phật Tổ Thần Thiên tượng giả, chư tông sư gia, lập địa sổ ngữ, tác bút điểm thế, trực điểm khai tha Kim Cang chánh nhãn, thử vi Khai Nhãn Phật sự, hựu danh Khai Thủy Minh (凡新造佛祖神天像者、諸宗師家、立地數語、作筆點勢、直點開他金剛正眼、此爲開眼佛事、又名開水明, phàm các tượng Phật, Tổ, Thần, chư Thiên mới tạo nên, các nhà Tông sư, đứng trên mặt đất nói vài lời, cầm cây bút theo tư thế điểm, điểm thẳng khai mở chánh nhãn Kim Cang của tượng; đây là Phật sự Khai Nhãn, còn gọi là Khai Thủy Minh).” Phật Giáo cho rằng chúng sanh từ vô thỉ kiếp cho đến nay, đã chịu biết bao nhiêu ô nhiễm của trần cấu, vô minh, nên không thể nào thấy rõ chân lý của các pháp, vì vậy cần phải khai mở trí tuệ bên trong mỗi chúng ta. Khai Quang cũng là một hình thức để tu chứng đạt đến tương ứng với Phật tâm, cầu thỉnh chư Phật Bồ Tát giáng lâm, ấn chứng cho Ứng Thân của tôn tượng, rót vào đó năng lượng đại từ đại bi, đại trí đại tuệ, Ngũ Nhãn Lục Thông, thông qua người tiến hành lễ Khai Quang. Do đó, hiệu quả của việc Khai Quang hoàn toàn liên quan đến vị Đạo Sư hành lễ, chứ không phải do nghi thức hay hình thức gì cả. Về tiến trình lễ Khai Quang, trước khi hành lễ, phải an trí tôn tượng một nơi cố định, trước tụng kinh và thần chú để cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát an tọa; sau đó mới thỉnh chư vị cao tăng vì tôn tượng mà tiến hành Khai Quang, thuyết pháp. Hắc Cốc Đăng Ngữ Lục (黑谷燈語錄) quyển Trung có giải thích rằng: “Khai Nhãn giả, bổn thị Phật tượng điêu khai nhãn, thị sự Khai Nhãn, thứ tăng gia tụng Phật Nhãn Chơn Ngôn, tụng Đại Nhật Chơn Ngôn, nhi thành tựu Phật nhất thiết công đức, thử vị Khai Nhãn dã (開眼者、本是佛匠雕開眼、是事開眼、次僧家誦佛眼真言、誦大日真言、而成就佛一切功德、此謂開眼也, Khai Nhãn vốn là khai mở con mắt của tượng điêu khắc, việc đó là Khai Nhãn; kế đến chư tăng tụng Phật Nhãn Chơn Ngôn, tụng Đại Nhật Chơn Ngôn, để thành tựu hết thảy công đức, đây được gọi là Khai Nhãn vậy).” Thật ra, Khai Quang là một loại nghi thức thuyết pháp cử hành cho tượng Phật. Nghi thức cụ thể như sau: Trước hết vị chủ lễ cầm một cái khăn lông hướng về tượng Phật làm động tác lau chùi tôn tượng, rồi nói một câu kệ, tán tụng công đức của chư Phật Bồ Tát, như vậy được gọi là Khai Nhãn. Tiếp theo, vị ấy dùng cái kính hướng đối chiếu ngay chánh diện của tượng Phật, nói vài lời về ngôi tự viện hiện tại, nhân duyên hoàn thành tôn tượng. Sau đó, vị chủ lễ cầm cây bút Chu Sa (硃砂), lại nói một câu kệ ngữ khác, rồi cầm cây bút hướng về tôn tượng làm động tác “điểm”, hô vang một tiếng “khai (開, mở ra)”; khi nghi thức ấy đã xong, như vậy việc Khai Quang được xem như là hoàn tất. Khi Khai Quang, do vì công đức của chư Phật Bồ Tát không giống nhau, nên vị chủ lễ nói pháp ngữ cũng không thống nhất. Tại Trung Quốc, Pháp Hội Khai Quang được tiến hành đầu tiên vào năm thứ 5 (980) niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (太平興國) nhà Bắc Tống. Truyền Pháp Đại Sư Thí Hộ (傳法大師施護), người nước Ô Điền Nẵng (烏塡曩) ở Bắc Ấn Độ, đã dịch bản Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai An Tượng Tam Muội Nghi Quỹ Kinh (佛說一切如來安像三昧儀軌經, Taishō Vol. 21, No. 1418) tại Dịch Kinh Viện (譯經院) của Thái Bình Hưng Quốc Tự (太平興國寺) thuộc Phủ Khai Phong. Dịch bản này ghi rõ toàn bộ quy trình tiến hành nghi thức Khai Quang Điểm Nhãn một cách chi tiết. Tại Nhật Bản, trong Điều Thiên Trí Thiên Hoàng Thập Niên Thập Nguyệt (天智天皇十年十月條, tháng 10 năm thứ 10 [671] đời Thiên Trí Thiên Hoàng [天智天皇, Tenji Tennō, tại vị 661-671]) của bộ Nhật Bản Thư Kỷ (日本書紀, Nihonshōki) có ghi lại Lễ Khai Nhãn cho trăm tượng Phật trong cung nội; rồi trong Điều Trì Thống Thiên Hoàng Thập Nhất Niên Thất Nguyệt (持統天皇十一年七月條, tháng 7 năm thứ 11 [697] đời Trì Thống Thiên Hoàng [持統天皇, Jitō Tennō, tại vị 690-697]) có ký lục cho biết rằng tại Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji) ở vùng Phi Điểu (飛鳥, Asuka) có tiến hành Hội Khai Nhãn. Vào ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ 4 (752) niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo (天平勝寶), lễ Hội Khai Nhãn Tượng Đại Phật (大佛開眼會) được diễn ra tại Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), thành phố Nại Lương (奈良, Nara). Hiếu Khiêm Thiên Hoàng (孝謙天皇, Kōken Tennō, tại vị 749-758), Thánh Võ Thiên Hoàng (聖武天皇, Shōmu Tennō, tại vị 724-749), Hoàng Thái Hậu và phi tần nội cung, cùng toàn thể quần thần bá quan văn võ đồng đến tham dự với khoảng hơn 1 vạn tăng sĩ hành lễ. Đặc biệt, lễ hội này do Bồ Đề Tiên Na (s: Bodhisena, 菩提僊那) chủ lễ, và điều khiển nhạc lễ thì do Phật Triết (佛哲, Buttetsu, ?-?, hay Phật Triệt [佛徹]), vị tăng sang Nhật Bản dưới thời đại Nại Lương (奈良, Nara), xuất thân vùng Lâm Ấp (林邑, Nam bộ Việt Nam, Huế-Phan Rang). Trong khoảng thời gian niên hiệu Khai Nguyên (開元, 713-741) nhà Đường, ông theo Bồ Đề Tiên Na sang Trung Quốc. Đến năm thứ 8 (736) niên hiệu Thiên Bình (天平), thể theo lời thỉnh cầu của vị tăng Nhật Bản sang nhà Đường là Lý Kính (理鏡) và vị Chánh Sứ Đa Trị Tỉ Quảng Thành (多治比廣成), ông cùng với thầy sang Nhật, đến trú tại Đại An Tự (大安寺, Daian-ji). Bồ Đề Tiên Na dạy Phật pháp, còn Phật Triệt chuyên tâm truyền dạy Nhã Nhạc Lâm Ấp cho nội cung triều đình Nhật, cùng là dạy các điệu múa Bồ Tát, Bạt Đầu, v.v., để cúng dường trong các lễ hội Phật Giáo. Trong lễ Hội Khai Nhãn năm 752 này, Phật Triệt điều khiển dàn nhạc gồm hơn 400 nhạc công và vũ công của Nhã Nhạc Viện (雅樂院) trong nội cung, diễn tấu Nhạc Lâm Ấp để cúng dường Tượng Đại Phật Tỳ Lô Giá Na (s: Vairocana, 毘盧遮那); lễ Hội kéo dài trong 3 tháng. Trong Chuẩn Đề Phần Tu Tất Địa Sám Hối Huyền Văn (准提焚修悉地懺悔玄文, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1482) có ghi lại sự huyền nhiệm của lễ Khai Nhãn như sau: “Hựu như Đinh Nguyên Công Tịnh Y Thiền Sư, vi cư sĩ thời, tằng vi dư y Bất Không dịch, tả Chuẩn Đề tượng ư Dược Sơn viên trung; Khai Quang chi nhật, hốt hữu cốt đổng gia, dĩ Chuẩn Đề Chơn Ngôn Phạn thư cựu hồng nha trục, Phạn thư cổ từ lư, đồng hương hạp, lai trợ trang diễn cúng dường giả, tinh cảm chiêu trung bất tư nghì sự (又如丁元公淨伊禪師、爲居士時、曾爲余依不空譯、寫准提像於藥山園中、開光之日、忽有骨董家、以准提眞言梵書舊紅牙軸、梵書古瓷罏、銅香盒、來助裝演供養者、幷感召中不思議事, lại như Đinh Nguyên Công Tịnh Y Thiền Sư, khi còn làm cư sĩ, từng theo bản dịch của Bất Không, vẽ tượng Chuẩn Đề trong vườn Dược Sơn; ngày lễ Khai Quang, chợt có một người chơi đồ cổ, lấy cuộn sách cũ kỹ ghi Chuẩn Đề Chơn Ngôn bằng tiếng Phạn, bình sứ có ghi tiếng Phạn, hộp đốt hương bằng đồng, đến giúp trang trí cúng dường, bèn cảm biết trong ấy việc không nghĩ bàn).” Trong Thiền Lâm Sớ Ngữ Khảo Chứng (禪林疏語考證, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 63, No. 1252) quyển 1, có lòng văn Sớ về Tạo Tượng Khai Quang (造像開光) như: “Tướng hảo trang nghiêm, dĩ tận quỳ khuynh chi khẩn; trai tu túc liệt, viên thân bộc hiến chi cung; ngung nhược hữu phu, nghiễm nhiên như tại. Thiết niệm: [Mỗ] thọ hạ liệt thân phạp đại nhân tướng, đổ Tử Ma chi sắc, hạt thắng kỳ thừa; vọng bạch hào chi quang, đồ thiết bi ngưỡng; thị dĩ kính vu [mỗ] tự thí tạo [mỗ] tượng nhất tôn, tạo công ký tất nhưng diên tăng kiến Khai Quang thực phước đạo tràng, [nhập Phật sự] phủ tu vi thiện, ngưỡng đáp hồng hưu. Phục nguyện: Ngộ chơn không tướng, hoạch pháp tánh thân; bị nhị nghiêm chi tư, biến du giác uyển; tiêu Ngũ Trược chi uế, hằng xử Tịnh Bang (相好莊嚴、已盡葵傾之懇、齋饈肅列、爰申曝獻之恭、顒若有孚、儼然如在、竊念[某]受下劣身乏大人相、睹紫磨之色、曷勝祇承、望白毫之光、徒切悲仰、是以敬于[某]寺施造[某]像一尊、造功既畢仍延僧建開光植福道塲、[入佛事]俯修微善、仰答洪休、伏願悟眞空相、獲法性身。備二嚴之資、遍遊覺苑、消五濁之穢、恆處淨邦, tướng tốt trang nghiêm, bày tận tấc lòng khẩn thiết; cỗ chay thiết đủ, chí thành dâng hiến cúng dường; vĩ đại đức tin, nghiễm nhiên hiện hữu. Thiết nghĩ: [Con…] thọ thân hạ liệt thiếu tướng đại nhân [bậc giác ngộ], thấy vàng ròng sắc tướng, sao khỏi ước mong; ngắm mày trắng hào quang, không sao buồn tủi; do vậy kính ngưỡng chùa …, tạo dựng tượng một pho, công trình hoàn tất, lại thỉnh chư tăng lập đạo tràng Khai Nhãn gieo phước; [phần Phật sự], cúi tu chút thiện, ngưỡng đáp hồng ân. Cúi mong: Ngộ chơn không tướng, đạt pháp tánh thân; đủ phước trí dáng hình, chơi khắp vườn giác; tiêu Năm Trược ô uế, thường trú Tịnh Bang).” Trong Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai An Tượng Tam Muội Nghi Quỹ Kinh có nêu một số câu Thần Chú dùng cho lễ Khai Quang như Chơn Ngôn Hiến Ứ Già Cúng Dường (眞言獻閼伽供養, cúng dường nước) là “Án, tát rị phạ bá ba ta phổ tra na hạ nẵng phạ nhật ra dã tát phạ hạ (唵薩哩嚩播波娑普吒那賀曩嚩日囉野薩嚩賀)”; Hương Du Chơn Ngôn (香油眞言, Chơn Ngôn cúng dường hương dầu) là “Án, tát rị phạ đát tha nga đa ca dã vĩ thú đà nhĩ ta phạ hạ (唵薩哩嚩怛他誐多迦野尾戍馱你娑嚩賀)”; Phật Nhãn Bồ Tát Chơn Ngôn Năng Trừ Nhất Thiết Cấu (佛眼菩薩眞言能除一切垢, Chơn Ngôn của Phật Nhãn Bồ Tát có thể trừ tất cả những dơ bẩn) là “Án, tát rị phạ ra tổ ba hạ ra noa ta phạ hạ (唵薩哩嚩囉祖波賀囉拏娑嚩賀)”; Quán Đảnh Chơn Ngôn (灌頂眞言) là “Án, tát rị phạ đát tha nga đa tỷ sân ca tam ma dã thất rị duệ hồng (唵薩哩嚩怛他誐哆鼻詵迦三摩野室哩曳吽)”; Trước Y Chơn Ngôn (著衣眞言, Chơn Ngôn mặc áo) là “Án, phạ nhật ra phạ ta tế ta phạ hạ (唵嚩日囉嚩娑細娑嚩賀)”; An Nhĩ Chơn Ngôn (安耳眞言, Chơn Ngôn an vị lỗ tai) là “Án, ca ra noa ma lộ đà ra noa hồng (唵迦囉拏摩路馱囉拏吽)”; An Phát Kế Chơn Ngôn (安髮髻眞言, Chơn Ngôn an vị tóc và búi tóc) là “Án, tát rị phạ chỉ ta a phạ đa ra noa hồng ta phạ hạ (唵薩哩嚩枳娑阿嚩哆囉拏吽娑嚩賀)”; An Chỉ Giáp Chơn Ngôn (安指甲眞言, Chơn Ngôn an vị ngón tay) là “Án, tát rị phạ thâu nẵng khư thế na nẵng ra nhã ta phạ hạ (唵薩哩嚩輸曩佉砌那曩囉惹娑嚩賀)”; An Tì Tu Chơn Ngôn (安髭鬚眞言, Chơn Ngôn an vị râu ria) là “Án, tát rị phạ ta ma tô rô đà ra noa hồng hồng hứ lăng (唵薩哩嚩娑摩酥嚕馱囉拏吽吽呬凌)”; Hiến Đồ Hương Chơn Ngôn (獻塗香眞言, Chơn Ngôn dâng cúng dầu hương) là “Án, phạ nhật ra hiến đệ ta phạ hạ (唵嚩日囉巘弟娑嚩賀)”; An Trang Nghiêm Chơn Ngôn (安莊嚴眞言) là “Án, phạ nhật ra bà ra noa vĩ bộ sắt ni ta phạ hạ (唵嚩日囉婆囉拏尾部瑟尼娑嚩賀)”; Bổn Tôn Tam Muội Chơn Ngôn (本尊三昧眞言) là “Án, hồng đát lạc ngật rị ác (唵吽怛落仡哩惡)”; Hiến Hoa Chơn Ngôn (獻花眞言) là “Án, phạ nhật ra bổ sắt bế hồng (唵嚩日囉補瑟閉吽)”; Hiến Hương Chơn Ngôn (獻香眞言) là “Án, phạ nhật ra độ bế (唵嚩日囉度閉)”; Đăng Chơn Ngôn (燈眞言) là “Án, phạ nhật ra nễ bế ta phạ hạ (唵嚩日囉禰閉娑嚩賀)”; Thực Chơn Ngôn (食眞言) là “Án, tân nỗ ba đán bát ra để ngật rị hận nẵng ta phạ hạ (唵賓努波旦缽囉底仡哩恨曩娑嚩賀)”; Khai Nhãn Quang Chơn Ngôn (開眼光眞言) là “Án, tác sô tác sô tam mãn đa tác sô vĩ thú đà nễ ta phạ hạ (唵作芻作芻三滿哆作芻尾戍馱你娑嚩賀)” và “Án, nễ đát ra ba tra lộ ba hạ ra noa hứ lăng (唵你怛囉波吒路波賀囉拏呬凌)”; Hộ Ma Chơn Ngôn (護摩眞言) là “Án, phạ nhật ra dụ thế ta phạ hạ (唵嚩日囉喻世娑嚩賀)”; Tức Tai Tăng Ích Chơn Ngôn (息災增益眞言) là “Án, phạ nhật ra bố sắt tra duệ ta phạ hạ (唵嚩日囉布瑟吒曳娑嚩賀)”; Hộ Thế Chơn Ngôn (護世眞言) là “Ấn, nại ra dã ta phạ hạ (印捺囉野娑嚩賀)”, v.v.
(蕤賓): có ba nghĩa chính:
(1) Tên gọi âm thứ 4 trong 6 âm thanh thuộc về Dương của 12 luật âm, tương đương với âm Phù Chung (鳧鐘, fushō) trong 12 âm luật của Nhật Bản. Như trong Chu Lễ (周禮), chương Xuân Quan (春官), Đại Ty Nhạc (大司樂) có ghi rằng: “Nãi tấu Nhuy Tân, ca Hàm Chung, vũ Đại Hạ, dĩ tế sơn xuyên (乃奏蕤賓、歌函鐘、舞大夏、以祭山川, bèn tấu điệu Nhuy Tân, ca khúc Hàm Chung, múa điệu Đại Hạ, để tế núi sông).”
(2) Tên gọi khác của tháng 5 Âm Lịch. Như trong bài Hòa Hồ Tây Tào Thị Cố Phú Tào (和胡西曹示顧賊曹) của Đào Tiềm (陶潛, tức Đào Uyên Minh [陶淵明], khoảng 365-427) nhà Tấn có câu: “Nhuy Tân ngũ nguyệt trung, thanh triêu khởi Nam ti, bất sử diệc bất trì, phiêu phiêu xuy ngã y (蕤賓五月中、清朝起南颸、不駛亦不遲、飄飄吹我衣, Nhuy Tân giữa tháng Năm, sáng trong dậy gió Nam, chẳng nhanh cũng chẳng chậm, thổi áo ta bềnh bồng).” Trong Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký (百丈清規證義記, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 63, No. 1244) quyển 8 có giải thích rằng: “Ngũ nguyệt kiến Ngọ viết Đôn Tang, hựu viết Nhuy Tân, hoặc danh Thiên Trung Tiết, hoặc Tu Nguyệt, hựu xưng Cao Nguyệt, Bồ Nguyệt, Ngải Nguyệt, Lựu Nguyệt đẳng (五月建午曰敦牂、又曰蕤賓、或名天中節、或脩月、又稱皋月、蒲月、艾月、榴月等, tháng Năm kiến Ngọ gọi là Đôn Tang, hay gọi là Nhuy Tân, hoặc có tên Thiên Trung Tiết, hoặc Tu Nguyệt, còn gọi là Cao Nguyệt, Bồ Nguyệt, Ngải Nguyệt, Lựu Nguyệt, v.v.).” Trong Nhạc Điển (樂典) quyển 143 còn cho biết thêm về Nhuy Tân rằng: “Ngọ vi Nhuy Tân, ngũ nguyệt chi thần danh Ngọ; Ngọ giả, trưởng dã; minh vật giai trưởng đại, cố vị chi Ngọ (午爲蕤賓、五月之辰名午、午者、長也、明物皆長大、故謂之午, Ngọ là Nhuy Tân, chi của tháng Năm là Ngọ; Ngọ là trưởng [phát triển], nghĩa là muôn vật đều phát triển to lớn, nên gọi nó là Ngọ).”
(3) Chỉ tiết Đoan Ngọ vào tháng 5 Âm Lịch. Như trong tác phẩm Toàn Nguyên Tán Khúc (全元散曲), chương Nghênh Tiên Khách (迎仙客), Ngũ Nguyệt (五月) của Tùy Thọ Sum (隋樹森, 1906-1989) có câu: “Kết ngải nhân, khánh Nhuy Tân, Xương Bồ tửu hương khai ngọc tôn (結艾人、慶蕤賓、菖蒲酒香開玉樽, bện người ngải [trừ tà], vui khúc Nhuy Tân, hương rượu Xương Bồ thơm phức chén ngọc).” Hay trong Thủy Hử Truyện (水滸傳) hồi thứ 13 của có đoạn: “Thời phùng Đoan Ngọ, Nhuy Tân tiết chí, Lương Trung Thư dữ Thái Phu Nhân tại hậu đường gia yến, khánh hạ Đoan Dương (時逢端午、蕤賓節至、梁中書與蔡夫人在後堂家宴、慶賀端陽, gặp dịp Đoan Ngọ, tiết tháng 5 đến, Lương Trung Thư cùng Thái Phu Nhân ở nhà sau vui yến tiệc gia đình, để chúc mừng tiết Đoan Dương).” Trong Chuẩn Đề Tịnh Nghiệp (準提淨業, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1077) quyển 3 có câu: “Nhuy Tân ngũ nguyệt luật, đắc Hạ khí cố, kiên băng tiêu tán (蕤賓五月律、得夏氣故、堅冰消散, Nhuy Tân luật tháng Năm, vì có khí Hè, băng cứng tiêu tan).” Hay trong bài Trí Môn Tộ Thiền Sư Ngữ Lục Tự (智門祚禪師語錄序) của Cổ Tôn Túc Ngữ Lục (古尊宿語錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 68, No. 1315) quyển 39 có đoạn: “Thời Tân Mùi tuế Nhuy Tân nguyệt chi ngũ nhật, môn nhân trú Minh Châu Tuyết Đậu Sơn Tư Thánh Tự Minh Giác Đại Sư Tứ Tử Trùng Hiển tự (時辛未歲蕤賓月之五日、門人住明州雪竇山資聖寺明覺大師賜紫重顯序, lúc bấy giờ vào ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Mùi [1031], môn nhân Minh Giác Đại Sư hiệu Tứ Tử Trùng Hiển [tức Tuyết Đậu Trùng Hiển] ở Tuyết Đậu Sơn Tư Thánh Tự vùng Minh Châu, ghi lời tựa).”
(s: Avalokiteśvara, 觀世音): âm dịch là A Phược Lô Chỉ Để Thấp Phiệt Ra (阿縛盧枳低濕伐邏), cựu ý dịch là Quang Thế Âm (光世音), tân ý dịch là Quán Tự Tại (觀自在), Quán Thế Tự Tại (觀世自在), tên gọi vị Bồ Tát lấy hạnh nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh với lòng từ bi của mình. Do vì ngài thường xuyên ban bố sự không sợ hãi cho mọi người nên được gọi là Thí Vô Úy (施無畏). Theo Phẩm Nhập Pháp Giới (入法界品) của Bát Thập Hoa Nghiêm Kinh (八華嚴經), ngài hiện trú tại Bổ Đà Lạc Sơn (s: Potalaka, 補陀洛山) thuộc miền Nam Ấn Độ. Trong Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經), v.v., ngài thường hầu bên đức Phật A Di Đà với Thế Chí Bồ Tát (s: Mahāsthāmaprāpta, 勢至). Hơn nữa, trong Đại Thanh Tịnh Quán Thế Âm Phổ Hiền Đà La Ni Kinh (大清淨觀世音普賢陀羅尼經), ngài thưòng hầu hạ bên đức Phật cùng với Phổ Hiền Bồ Tát (s: Samantabhadra, 普賢). Trong số các vị Bồ Tát của Đại Thừa, cùng với đức Văn Thù (s: Mañjuśrī, 文殊) có trí tuệ, Phổ Hiền hạnh nguyện rộng khắp, đức Quán Thế Âm là nổi tiếng nhất, thông qua Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, tín ngưỡng Quan Âm phổ biến rất rộng rãi và các hình tượng điêu khắc cũng như tranh vẽ có rất nhiều. Ngài được xem như là vị Phật có thân biến hóa rộng khắp, cho nên trong Quán Âm Kinh (觀音經) có dạy rằng ngài biến hóa thành 33 thân để cứu độ hết thảy chúng sanh; vì vậy ngài có nhiều tên gọi khác nhau như Thiên Thủ Thiên Nhãn (千手千眼, ngàn tay ngàn mắt), Thập Nhất Diện (十一面, 11 mặt), Chuẩn Đề (准胝), Như Ý Luân (如意輪), Bất Không Quyên Sách (不空羂索), Thanh Cảnh (青頸, cổ xanh), Hương Vương (香王), v.v. Ngoài ra còn có một số tên gọi khác như Thánh Quán Âm (聖觀音), Mã Đầu (馬頭, đầu ngựa), Bạch Y (白衣), Thủy Nguyệt (水月), Dương Liễu (楊柳), Đa La (多羅), Ngư Lam (魚籃), v.v.
(曹洞宗, Sōtō-shū): một trong Ngũ Gia Thất Tông (五家七宗) của Trung Quốc, một trong ba tông phái lớn của Thiền Tông Nhật Bản. Về nguồn gốc của tên gọi tông phái có hai thuyết. Thuyết thứ nhất là lấy chữ Động (洞) của Động Sơn Lương Giới (洞山良价) và chữ Tào (曹) của Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂), rồi đảo ngược vị trí để gọi là Tào Động Tông (曹洞宗). Thuyết thứ hai là kết hợp chữ Tào (曹) của Tào Khê Huệ Năng (曹溪慧能) với chữ Động (洞) của Động Sơn Lương Giới (洞山良价) để hình thành nên tên gọi như vậy. Thuyết đầu phát xuất từ Trung Quốc và thuyết sau được hình thành ở Nhật Bản. Tào Động Tông Trung Quốc kế thừa Nam Tông Thiền của Lục Tổ Huệ Năng (六祖慧能), từ thời vị này trở đi có xuất hiện Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思), Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷), Dược Sơn Duy Nghiễm (藥山惟儼), Vân Nham Đàm Thịnh (雲巖曇晟), lấy Động Sơn Lương Giới (洞山良价)—đệ tử của Vân Nham—và Tào Sơn Bổn Tịch (曹山本寂)—đệ tử của Động Sơn—làm vị tổ của tông phái. Như được đánh giá là “Tào Động tế mật (曹洞細密)”, tông phong của họ có đặc sắc là tông phong chặt chẽ, lấy tư tưởng Ngũ Vị (五位) do Động Sơn và Tào Sơn đề xướng làm trung tâm để triển khai. Tuy nhiên, pháp hệ của Tào Sơn không được lưu truyền lâu dài; sau đó hệ thống của Vân Cư Đạo Ưng (雲居道膺)—pháp từ của Động Sơn—trở thành đại biểu cho Tào Động Tông. Đến thời nhà Tống, môn hạ thuộc dòng phái của Vân Cư xuất hiện Đơn Hà Tử Thuần (丹霞子淳); kế đến pháp từ của ông có Chơn Hiết Thanh Liễu (眞歇清了) và Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺), từ đó Tào Động Tông phân chia thành Phái Chơn Hiết (眞歇派) và Phái Hoằng Trí (宏智派). Đối lập với Đại Huệ Tông Cảo (大慧宗杲) của Lâm Tế Tông (臨濟宗) vốn cổ xúy Khán Thoại Thiền (看話禪), Chơn Hiết cũng như Hoằng Trí rất nổi tiếng là những người tuyên xướng Thiền phong của Mặc Chiếu Thiền (默照禪). Cả hai Phái Chơn Hiết và Phái Hoằng Trí này đều được truyền vào Nhật Bản. Thiên Đồng Như Tịnh (天童如淨) là pháp tôn đời thứ 4 của Chơn Hiết. Chính Đạo Nguyên (道元) là người kế thừa dòng pháp của vị này. Nhờ Đông Minh Huệ Nhật (東明慧日) sang Nhật vào năm thứ 2 (1309) niên hiệu Diên Khánh (延慶) và Đông Lăng Vĩnh Dư (東陵永璵) đến Nhật vào năm thứ 2 (1351) niên hiệu Quán Ứng (觀應), Tào Động Tông thuộc Phái Hoằng Trí được truyền vào nước này. Sau khi sang Nhật, Đông Minh đến trú tại Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji) ở Liêm Thương (鎌倉, Kamakura); Đông Lăng thì trú một số chùa tại Thiên Long Tự (天龍寺, Tenryū-ji), Nam Thiền Tự (南禪寺, Nanzen-ji), Kiến Trường Tự (建長寺, Kenchō-ji), Viên Giác Tự (圓覺寺, Enkaku-ji), v.v. Cả hai đều nương gá vào các tự viện của Lâm Tế Tông để cử xướng Thiền phong Phái Hoằng Trí thuộc Tào Động Tông; thế nhưng pháp hệ của họ không được truyền thừa lâu dài. Tuy nhiên, khi thời đại thay đổi, là một dòng phái của Tào Động Tông, Phái Thọ Xương (壽昌派) vốn tôn thờ Vô Minh Huệ Kinh (無明慧經) nhà Minh làm vị khai tổ được Tâm Việt Hưng Trù (心越興儔) đời thứ 5 truyền vào Nhật Bản vào năm thứ 5 (1677) niên hiệu Diên Bảo (延寶); song không bao lâu sau phái này cũng tuyệt dứt. Chính vì lẽ đó, Phái Đạo Nguyên trở thành đại biểu cho Tào Động Tông Nhật Bản. Tại Trung Quốc, pháp hệ của Như Tịnh về sau cũng lụi tàn, đến thời nhà Minh và Nguyên thì Tào Động Tông của phái Phù Dung Đạo Giai (芙蓉道楷) cố gắng phô trương tàn lực cuối cùng, cho đến khi Lâm Tế Tông hưng thịnh thì tông phái này không còn nữa. Đạo Nguyên kế thừa dòng pháp của Thiên Đồng Như Tịnh, sau khi trở về nước ông tạm thời lưu trú tại Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji), đến năm đầu (1233) niên hiệu Thiên Phước (天福) thì khai sáng Hưng Thánh Tự (興聖寺, Kōshō-ji) ở vùng Thâm Thảo (深草, Fukakusa), có sự tham gia của một số người xuất thân Đạt Ma Tông như Cô Vân Hoài Trang (孤雲懷奘) và hình thành nên giáo đoàn Hưng Thánh Tự. Tuy nhiên, 10 năm sau, vào tháng 7 năm đầu (1243) niên hiệu Khoan Nguyên (寬元), Đạo Nguyên chuyển lên sống ở địa phương Việt Tiền (越前, Echizen), sáng lập Đại Phật Tự (大佛寺, Daibutsu-ji), sau đổi tên thành Vĩnh Bình Tự (永平寺, Eihei-ji) và hình thành giáo đoàn Vĩnh Bình Tự. Song vì Đạo Nguyên rất kiêng kỵ trong việc gọi tông chỉ của mình là Tào Động Tông hay Thiền Tông; cho nên giáo đoàn này được gọi là Chánh Pháp Tông (正法宗) hay Đạo Nguyên Tông (道元宗). Trải qua vị tổ đời thứ 2 của Vĩnh Bình Tự là Cô Vân Hoài Trang (孤雲懷奘), thứ 3 Triệt Thông Nghĩa Giới (徹通義介), cho đến pháp từ của Nghĩa Giới là Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾), để tiếp nối mạng mạch của Tào Động Tông Trung Quốc, Đạo Nguyên đã được tôn xưng với vị trí là tổ khai sáng Tào Động Tông Nhật Bản. Cùng lúc đó, chủ nghĩa xuất gia của Đạo Nguyên được Oánh Sơn đề cao với kỳ vọng đưa vào cuộc đời. Lúc còn trẻ, Oánh Sơn đã theo xuất gia với Nghĩa Giới (義介) trên Vĩnh Bình Tự, rồi kế thừa trú trì Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji) vùng Gia Hạ (加賀, Kaga), tiếp theo ông khai sáng Vĩnh Quang Tự (永光寺, Eikō-ji), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji), v.v., ở Năng Đăng (能登, Noto) và nỗ lực cử xướng tông phong của mình. Dưới trướng của Oánh Sơn xuất hiện hai nhân vật xuất chúng là Minh Phong Tố Triết (明峯素哲) và Nga Sơn Thiều Thạc (峨山韶碩). Minh Phong thì kế thừa Vĩnh Quang Tự, còn Nga Sơn thì kế thế Tổng Trì Tự. Bên cạnh đó, môn hạ của Nga Sơn còn có 25 nhân vật tuấn tú, làm cho uy thế của Tào Động Tông được lan rộng khắp toàn quốc. Mặt khác, sau vị tổ đời thứ 3 là Nghĩa Giới, Vĩnh Bình Tự có Nghĩa Diễn (義演)—đệ tử của Hoài Trang lên kế thừa và sau đó thì bị hoang phế; nhưng nhờ có Nghĩa Vân (義雲)—vị tăng nhà Tống sang Nhật vì mến mộ đạo phong của Đạo Nguyên và là đệ tử của Tịch Viên (寂圓), tổ khai sơn Bảo Khánh Tự (寶慶寺, Hōkei-ji)—xuất hiện, tiến hành phục hưng ngôi già lam và làm cho tông phong thịnh vượng. Vì thế, Nghĩa Vân được gọi là vị tổ trung hưng của Vĩnh Bình Tự. Từ đó về sau, ngôi tổ đình này được hộ trì bởi Phái Tịch Viên (寂圓派) cho đến vị tổ đời thứ 37 là Thạch Ngưu Thiên Lương (石牛天梁). Tào Động Tông thời Trung Đại phát triển với trung tâm của giáo đoàn Tổng Trì Tự. Ngoài ra, Vĩnh Bình Tự, Đại Từ Tự (大慈寺, Daiji-ji) ở vùng Phì Hậu (肥後, Higo) do Hàn Nham Nghĩa Duẫn (寒巖義尹) khai sơn, Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji) vùng Gia Hạ (加賀, Kaga) do Nghĩa Giới (義介) khai sáng, Vĩnh Quang Tự (永光寺, Eikō-ji) ở Năng Đăng (能登, Noto) do Oánh Sơn sáng lập, Chánh Pháp Tự (正法寺, Shōbō-ji) ở Lục Áo (陸奥, Mutsu) do Vô Để Lương Thiều (無底良韶)—đệ tử của Nga Sơn—khai sơn, v.v., đã trở thành những ngôi chùa Bản Sơn (chùa tổ) của mỗi dòng phái, mở rộng giáo tuyến của họ khắp toàn quốc. Theo điều tra trong khoảng niên hiệu Diên Hưởng (延享, 1744-1748), cho biết rằng tổng số tự viện Tào Động Tông trên toàn quốc là 17.549 ngôi. Tào Động Tông thời Cận Đại phối hợp các tự viện trên toàn quốc trực thuộc vào Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự dưới chế độ quản lý tự viện của chính quyền Mạc Phủ để xác lập mối quan hệ chùa tổ chùa con mang tính phục tùng. Các tự viện của Tào Động Tông trên toàn quốc được chia đều theo từng tiểu quốc, mỗi nơi đều có cơ sở quản lý chung như ba ngôi danh sát Tổng Ninh Tự (總寧寺, Sōnei-ji) ở vùng Hạ Tổng (下總, Shimōsa), Long Ổn Tự (龍穩寺, Ryūon-ji) ở Võ Tàng (武藏, Musashi), Đại Trung Tự (大中寺, Daichū-ji) ở Hạ Dã (下野, Shimotsuke). Tào Động Tông đã trải qua một lịch sử đấu tranh cam go làm thế nào để thoát xác khỏi thể chế phong kiến dưới thời đại Giang Hộ (江戸, Edo) và làm sao để đưa ra một thể chế giáo cho phù hợp với thời đại mới. Việc biên soạn bộ Tu Chứng Nghĩa (修証義) được công bố vào năm thứ 23 (1890) niên hiệu Minh Trị (明治, Meiji) như là tiêu chuẩn để làm an tâm cho tăng lẫn tục, đã nói lên cuộc tranh đấu này. Tào Động Tông ngày nay kính ngưỡng hai vị tổ: Đạo Nguyên là Cao Tổ và Oánh Sơn là Thái Tổ, tôn sùng cả Vĩnh Bình Tự lẫn Tổng Trì Tự như là hai ngôi Đại Bản Sơn (大本山, Daihonzan, ngôi chùa tổ lớn) và hình thành nên tông phái lớn nhất của Phật Giáo Nhật Bản với số lượng tự viện trên 14.000 ngôi. Theo thống kê của Bộ Văn Hóa (1998), hiện tại Tào Động Tông có 14.699 ngôi chùa và 1.579.301 tín đồ. Một số dòng phái khác (theo thứ tự tên dòng phái, ngôi chùa trung tâm) của Tông này là: (1) Phái Oánh Sơn (瑩山派, Keizan-ha), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji) và Vĩnh Quang Tự (永光寺, Yōkō-ji); (2) Phái Minh Phong (明峯派, Meihō-ha), Vĩnh Quang Tự (永光寺, Yōkō-ji); (3) Phái Nga Sơn (峨山派, Gasan-ha), Tổng Trì Tự (總持寺, Sōji-ji); (4) Phái Thái Nguyên (太源派, Taigen-ha), Phật Đà Tự (佛陀寺, Budda-ji); (5) Phái Thông Huyễn (通幻派, Tsūgen-ha), Vĩnh Trạch Tự (永澤寺, Yōtaku-ji); (6) Phái Hàn Nham (寒巖派, Kangan-ha), Đại Từ Tự (大慈寺, Daiji-ji); và (7) Phái Tâm Việt (心越派, Shinetsu-ha), Kỳ Viên Tự (祇園寺, Gion-ji). Ngoài Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự là hai ngôi chùa bản sơn trung tâm của tông phái cũng như các ngôi chùa đã nêu trên, còn có nhiều ngôi tự viện nổi tiếng khác được xem như Chuyên Môn Tăng Đường như: Chánh Pháp Tự (正法寺, Shōhō-ji, Iwate-ken [岩手縣]); Trường Cốc Tự (長谷寺, Chōkoku-ji, Tōkyō-to [東京都]); Tối Thừa Tự (最乘寺, Saijō-ji, Kanagawa-ken [神奈川縣]), Trường Quốc Tự (長國寺, Chōkoku-ji, Nagano-ken [長野縣]), Diệu Nham Tự (妙巖寺, Myōgon-ji, Aichi-ken [愛知縣]), Đại Thừa Tự (大乘寺, Daijō-ji, Ishikawa-ken [石川縣]), Ngự Đản Sanh Tự (御誕生寺, Gotanjō-ji, Fukui-ken [福井縣]), Hưng Thánh Tự (興聖寺, Kōshō-ji, Kyōto-fu [京都府]), Động Tùng Tự (洞松寺, Tōshō-ji, Okayama-ken [岡山縣]), Tuyền Nhạc Tự (泉岳寺, Sengaku-ji, Tōkyō-to), Cao Nham Tự (高岩寺, Kōgan-ji, Tōkyō-to), Thanh Tùng Tự (青松寺, Seishō-ji, Tōkyō-to), Tu Thiền Tự (修禪寺, Shuzen-ji, [靜岡縣]), Đại Thuyền Quán Âm Tự (大船觀音寺, Ōfunakannon-ji, Kanagawa-ken), v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.44.252 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập