136 em khuyết tật bẩm sinh và 69 em lành lặn bị cha mẹ bỏ rơi đều được sư thầy Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang 2, 154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, quận Gò Vấp, TP.HCM) nuôi dưỡng với tình yêu thương vô bờ bến.
“Ầu ơ, dí dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi cha dắt con đi, con đi đường học, cha tu ở chùa…”, lời ru ngọt ngào của sư thầy Thích Thiện Chiếu khiến những phật tử đến thăm bùi ngùi xúc động.
“Các con có duyên với chùa”
Vừa nghe thấy giọng của thầy đằng xa, hơn chục em nhỏ đang tập viết đồng thanh: “Chúng con chào thầy Cả (tên thân mật những đứa con gọi thầy Thiện Chiếu – PV)” rồi tíu tít chạy ùa đến ngã vào lòng thầy như những đứa trẻ mong mẹ đi chợ về. Thầy ôm hôn từng đứa một, hỏi các em nay tập viết được chữ nào rồi lại nô đùa cùng bọn trẻ.
Thầy Thiện Chiếu cho biết, hiện thầy vừa làm cha, làm mẹ của 205 em nhỏ, trong đó chỉ có 69 em bình thường, còn lại đều dị dạng hoặc khuyết tật bẩm sinh (mù, câm, điếc, bại não, não úng thủy,…). Đều do cha mẹ mang đến đặt trước cổng chùa hoặc ở chính điện.
Bé Kiến Tánh có đôi mắt long lanh nhanh nhẹn, đang được thầy Thiện Chiếu nuôi dưỡng
Nâng niu vỗ về đứa trẻ có đôi mắt long lanh trên tay, thầy Thiện Chiếu giới thiệu đây là đứa con đặc biệt nhất ở chùa, thầy nhớ mãi hoàn cảnh khi ẵm về. Khi đó điện thoại thầy có tin nhắn với nội dung: Con không thể đem con đến chùa được, xin thầy mở lòng từ bi đến trước bệnh viện nhân dân Gia Định ẵm bé về chăm sóc để bé nên người.
Xúc động khi đọc tin nhắn ấy, thầy Thiện Chiếu đến ngay bệnh viện ẵm bé về đặt tên là Kiến Tánh. Đến nay, Kiến Tánh đã được 3 tháng 10 ngày tuổi. Thầy giải thích, tên bé có nghĩa là thấy được những gì tốt đẹp, còn trong nhà Phật tức là đã thành Phật.
Thầy tâm sự: “Không có cha mẹ nào nỡ bỏ con mình đâu. Tất cả các con đều có duyên với chùa, có duyên với thầy nên giờ mới ở đây. Thầy nuôi dưỡng các con như hóa giải oan trắc của cuộc đời”.
Nhiều em bị cha mẹ bỏ từ lúc mới lọt lòng.
Thầy Thiện Chiếu và hai bé gái sinh đôi Trinh Nương và Xuân Nương.
Đa phần các em đều được thầy chăm sóc từ lúc mới lọt lòng, thậm chí có em mới sinh còn chưa được cắt rốn cũng được người nhà đặt ở chính điện.
Tất cả đều được thầy đích thân làm giấy khai sinh và đi học khi đủ tuổi: “Đến nay, có những em lớn lên trong này, học xong 12, học được cái nghề, rồi nên duyên cùng nhau dọn ra ngoài sinh sống nhưng thường xuyên về thăm chùa. Với thầy, đó là những niềm vui khôn xiết”.
‘Con ai đem bỏ chùa này, xem ra thì giống con thầy, thầy nuôi’
Đó là câu hát ru quen thuộc của thầy Thiện Chiếu với thiên thần nhỏ của mình. Thầy nói: “Được làm cha, làm mẹ của các con với thầy là hạnh phúc, là nhân duyên phát sinh từ kiếp trước. Các con được ra đời là điều tuyệt vời, được nuôi dưỡng các con thì tuyệt vời hơn”.
Nhóm tình nguyện viên vui chơi với các em nhỏ bị khuyết tật.
Thầy Thiện Chiếu cho biết, bắt đầu từ năm 1994, thầy xin phép chính quyền địa phương cho mở một Trung tâm từ thiện chăm sóc 20 em bị khuyết tật. Đến năm 2000 thì có cả những em bé bình thường được bỏ ở đây. Cứ vậy, hiện nay chùa đang nuôi dưỡng và chăm sóc 205 em. Tất cả đều rất đáng thương bởi chính bậc sinh thành không muốn bảo bọc các em nữa nên mang đến phó thác cho chùa.
Nhờ sự góp sức bằng tài vật của các nhà hảo tâm cùng những tình nguyện viên góp công và tấm lòng nhân ái của thầy Thiện Chiếu mà các em nhỏ ở đây đã trưởng thành và có thể tự bước ra cuộc đời trên đôi chân của mình.
Thầy Thiện Chiếu chăm sóc và yêu thương các em như những đứa con của chính mình.
Bà Nguyễn Thị Cuộng (54 tuổi, quê Tây Ninh) đang chăm sóc cho các em bị não úng thủy tại đây chia sẻ, năm 1997 bà đến chùa để thăm người em khiếm thị mà dì bỏ ở chùa, thấy nhiều trường hợp thương tâm khác nên xin sư thầy trụ trì cho ở lại, đến nay đã được 19 năm.
Khi được hỏi về những ngày tháng lớn lên trong chùa, em Trần Xuân Thủy (16 tuổi) nghẹn ngào: “Em nghe Cả kể lại em và anh trai sinh đôi bị bỏ rơi khi mới 7 ngày tuổi. Lúc đó, hai anh em cộng lại nặng có hơn 2 ký nên chẳng ai dám nhận nuôi mà để trước cổng làng SOS, Cả thấy thương nên Cả mang về chùa”.
Bài và ảnh: Vũ Phượng
(Tiêu đề của Ban Truyền Thông Liên Phật Hội)
Có thể nói, Chùa Kỳ Quang II nằm ở 154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, Quận Gò Vấp là một trong những địa chỉ vàng của thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Đến đây, bạn sẽ được chứng kiến cuộc sống khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tình cảm của hàng trăm đứa trẻ đang hàng ngày, hàng giờ phải đấu tranh với bệnh tật, với số phận nghiệt ngã, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Các em được nuôi dưỡng ở đây phải chịu thiệt thòi hơn chúng bạn bởi không những phải chịu kiếp mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, mà còn vì đang mang trong người các chứng bệnh nan y (bại não, thần kinh, dị dạng, mù, câm, điếc, nhiễm chất độc da cam… và gần đây còn có cả thêm các em mắc HIV dương tính hoặc đã phát triển thành AIDS cũng gia nhập vào cái tập thể trẻ bất hạnh ấy).
Đến đây, bạn sẽ được chứng kiến sự hy sinh thầm lặng, những tấm lòng vàng, những trái tim nhân ái của những con người đã cưu mang, chia sẻ, giành giật với bệnh tật, với tử thần, giúp hồi sinh cho những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi trở về với cuộc sống bình thường, tái hòa nhập dần với cộng đồng. Thầy trụ trì và cũng là người sáng lập ra cơ sở đào tạo và hướng nghiệp cho cô nhi khuyết tật và Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường mà không ít người biết đến, chính là Thượng tọa Thích Thiện Chiếu.
(Chia sẻ của bạn đọc từ Facebook.)