Người Cư Sĩ          [ Mục lục         [Trang chính]
Tâm lý học Phật giáo trong đời sống hàng ngày
Nina Van Gorkhom
Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt


 
 Chương 4

Ðặc tính của Tâm Tham

-ooOoo-

Tâm có nhiều loại khác nhau. Chúng được người ta phân loại là tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả, tâm tố. Tất cả những loại tâm này phát sinh thường xuyên. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về chúng. Hầu hết chúng ta không biết có tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả, tâm tố không? Nếu chúng ta học cách phân loại tâm của chúng ta, chúng ta sẽ có sự hiểu biết nhiều về tâm của mình và tâm của người khác. Chúng ta sẽ có nhiều tâm từ và tâm bi đối với những người khác, thậm chí khi họ cư xử mất lịch sự với mình. Chúng ta không thích tâm bất thiện của người khác; khi người ta keo kiệt hoặc nói những lời thô lỗ chúng ta cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên chúng ta có biết những khoảnh khắc nào chúng ta có tâm bất thiện không. Khi chúng ta không thích lời nói thô lỗ của kẻ khác, lúc đó chúng ta có tâm sân. Thay vì để ý tâm bất thiện của người khác, chúng ta nên ghi nhận tâm bất thiện của chúng ta. Nếu một người không học Vi Diệu Pháp thì không thể biết được tâm bất thiện. Người ta nhầm lẫn điều bất thiện cho là thiện và như vậy sẽ huân tập điều bất thiện mà họ không biết. Nếu chúng ta hiểu nhiều về những loại tâm khác nhau, chúng ta có thể thấy các loại tâm của chúng ta phát sinh thường xuyên như tâm thiện, tâm bất thiện, và do đó chúng ta sẽ hiểu rõ chính chúng ta hơn.

Chúng ta nên biết, sự khác nhau giữa tâm thiện và tâm bất thiện. Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì) quyển I, phần 1, chương I, 38 đề cập đến ý nghĩa của danh từ "thiện". Danh từ thiện có nhiều ý nghĩa như vô bệnh, không lỗi lầm, khéo léo và cho quả lành.

Khi chúng ta bố thí, trì giới, tu tiến, đây là tâm thiện. Tất cả những loại tâm thiện khác nhau như tùy hỷ, phục vụ, cung kính, trì giới, học pháp và dạy pháp, thực hành thiền chỉ quán, tất cả những pháp trên bao gồm trong việc bố thí, trì giới hoặc tu tiến. Thiện pháp thì "cho những kết quả lành"; mỗi hành động thiện sẽ mang lại kết quả an vui. Chú giải bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì, quyển 1, phần I, chương I, 39) đề cập đến bất thiện pháp như sau:

"Bất thiện pháp nghĩa là "hành động xấu". Ví như đối nghịch với bạn hữu là kẻ thù, hoặc đối nghịch với tham ... là vô tham... như vậy "bất thiện pháp" thì đối nghịch với "thiện pháp".
Những hành động bất thiện sẽ mang lại những kết quả đau khổ. Không ai mong muốn mình có một cuộc đời bất hạnh, nhưng nhiều người không hiểu hành động bất thiện sẽ dẫn đến đau khổ. Khi tâm bất thiện phát sinh chúng ta không phân biệt được và vì không phân biệt nên chúng ta thực hiện những hành động bất thiện.

Lúc học Vi Diệu Pháp, chúng ta biết rằng có ba loại tâm bất thiện là:

Tâm tham căn,
Tâm sân căn,
Tâm si căn,
Tâm Si phát sinh cùng với tất cả các tâm bất thiện. Tâm bất thiện có căn tham, đúng ra nó có 2 căn: tâm si và tâm tham. Cho nên chúng được đặt tên là tâm tham căn, bởi vì nó không chỉ có tâm si mà còn có tâm tham nữa. Như vậy nguồn gốc tâm tham người ta gọi là tâm tham căn. Tâm bất thiện có căn sân, chúng cũng có 2 căn: si và sân. Cho nên nguồn gốc tâm sân người ta gọi là tâm sân căn. Tâm bất thiện có căn si nó chỉ có một căn là si. Mỗi tâm của ba loại tâm bất thiện này bao gồm có những loại tâm bất thiện khác nữa và như vậy chúng ta thấy rằng có nhiều loại tâm khác nhau.

Bây giờ trước tiên chúng ta phải giải quyết tâm tham căn. Tham là pháp chân đế mà nó cũng là sở hữu tâm; đây là sự thật cho nên người ta có thể biết được.

Tham là sự dính mắc. Thanh tịnh đạo (XIV, 162) có đề cập đến như sau:

...tham có tướng trạng là dính mắc trần cảnh, giống như nhựa bẩy chim (bẩy khỉ), chức năng của nó là chấp thủ, giống như miếng thịt đặt trong chảo nóng. Nó được hiển lộ sự không xả ly, giống như thuốc nhuộm chế bằng khói đèn. Nhân gần của nó là thấy thỏa thích trong các pháp dẫn đến dính mắc. Bị lôi cuốn theo dòng sông ái dục, tham ái được xem như là pháp đưa chúng sanh đến khổ cảnh, như dòng nước chảy vào đại dương.
Danh từ Lobha đôi khi được dịch là tham hoặc là "ái dục"; nó có thể được dịch bằng những từ khác nhau, bởi vì có nhiều mức độ tham. Tham ái có thể biểu hiện bằng cách thô thiển, trung bình hoặc vi tế. Hầu hết người ta có thể nhận thức tham khi nó biểu hiện rõ ràng, nhưng không nhận thức nó ở mức độ vi tế. Ví dụ chúng ta có thể nhận thức tham khi chúng ta có ý định ăn quá nhiều thực phẩm ngon hoặc khi chúng ta ham muốn uống rượu hoặc hút thuốc. Chúng ta thương yêu một ai khi người mình thương bị mất thì chúng ta cảm thấy đau khổ. Vậy thì chúng ta có thể biết rằng tham ái dẫn đến đau khổ. Ðôi khi tham ái thì rất rõ, nhưng có nhiều mức độ tham ái và thường chúng ta không biết rằng chúng ta có tham ái. Tâm sinh diệt rất nhanh chóng và chúng ta không thể biết nó, khi tham ái phát sinh vì những điều mà chúng ta cảm nhận trong đời sống hằng ngày là do bởi sáu căn, đặc biệt là nếu mức độ tham muốn không mạnh bằng ái dục hoặc tham đắm. Mỗi khi có cảnh sắc, thinh, hương, vị, xúc lạc thì tham có thể phát sinh. Nó phát sanh nhiều lần trong một ngày.

Tham có thể phát sinh khi có đầy đủ nhân duyên; nó khó kiểm soát được. Trong nhiều kinh điển Ðức Phật nói đến tham, ngài chỉ rõ sự nguy hiểm cả sự khắc phục nó. Dục lạc có thể được cảm nhận xuyên qua 5 căn, trong nhiều kinh điển gọi là "ngũ dục". Chúng ta xem trong kinh Ðại Khổ Uẩn (Mahàdukkhakkhandhasutta), Trung Bộ Kinh, tập I, số 13, Ðức Phật lúc ngụ gần Sàvatthì, trong vườn Kỳ Ðà, ngài dạy chư Tỳ khưu như sau:

Và này chư Tỳ khưu, thế nào là vị ngọt trong dục lạc? Này các Tỳ khưu có 5 món dục lạc. Thế nào là năm? Sắc do nhãn căn nhận biết, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ tương ưng với dục, lôi cuốn. Thinh do nhỉ căn nhận biết ... hương do tỷ căn nhận biết ... vị do thiệt căn nhận biết ... xúc do thân căn nhận biết, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ tương ưng với dục , lôi cuốn. Này các Tỳ khưu đây là năm loại dục lạc. Bất cứ hỷ lạc nào phát sinh đến do năm dục lạc này. Ðây là vị ngọt của dục lạc.
Vị ngọt của dục lạc không phải là hạnh phúc thật sự. Người không biết giáo pháp của Ðức Phật có thể suy nghĩ rằng tham ái là thiện, đặc bi?t khi nó phát sinh với hỷ thọ. Người ta không biết sự khác biệt giữa tham ái và từ bi, cả hai hiện tượng này có thể phát sinh với hỷ thọ. Tuy nhiên một tâm đồng sinh với hỷ thọ không nhất thiết phải là tâm thiện. Khi chúng ta biết nhiều về tâm bất thiện và tâm thiện, chúng ta sẽ nhận biết những tướng trạng của chúng, chúng ta nên lưu ý rằng hỷ thọ có thể phát sinh với tâm tham căn thì khác hỷ thọ phát sinh với tâm thiện. Thọ là sở hữu phát sinh với tất cả tâm. Khi tâm là bất thiện, thọ cũng là bất thiện, khi tâm là thiện, thọ cũng là thiện. Chúng ta có thể biết sự khác biệt giữa tướng trạng của hỷ thọ phát sinh khi chúng ta tham đắm cảnh sắc, thinh ... khả ái, và tướng trạng của hỷ thọ phát sinh khi chúng ta bố thí.

Ðức Phật cho chúng ta thấy rằng tham thì dẫn đến đau khổ. Khi chúng ta xa lìa người mình yêu, hoặc mất mát vật gì mình quí mến, chúng ta bị đau khổ. Nếu chúng ta tham đắm tài sản khi gặp phải sự khó khăn thì chúng ta sân hận, hoặc khi cần điều gì mà không thành tựu thì dẫn đấn sụ bực bội. Chúng ta xem trong Kinh Ðại Khổ Uẩn được trích dẫn ở trên mà Ðức Phật đã dạy cho chư Tỳ khưu về sự nguy hiểm của các dục lạc:

Và nầy chư Tỳ khưu, thế nào là sự nguy hiểm của các dục lạc? Ở đây, này chư Tỳ khưu có một thanh niên nuôi sống bằng nghề thủ công ... người đó phải chịu lạnh, chịu nóng, chịu sự đau khổ do sự xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng, các loài bò sát, chịu sự đói khát. Nầy chư Tỳ khưu, đây là sự nguy hiểm của các dục lạc, nó thiết thực trong hiện tại, là nguồn gốc của đau khổ.

Nầy chư Tỳ khưu, nếu một thanh niên cố gắng, nỗ lực, tinh cần như vậy, mà nếu tài sản không đến tay mình, vị ấy than phiền, buồn chán, khóc than, đấm ngực, bất tỉnh, và người đó suy nghĩ "thật sự nỗ lực của ta là vô ích, sự chuyên cần của ta thật sự không có kết quả". Nầy chư Tỳ khưu, đây cũng là sự nguy hiểm các dục lạc, thiết thực trong hiện tại.

Lại nữa nầy chư Tỳ khưu, khi dục lạc làm nhân ... vua tranh đoạt với vua, Sát đế lỵ tranh đoạt với Sát đế lỵ, Bà la môn tranh đoạt với Bà la môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bằng hữu tranh đoạt với bằng hữu. Những ai tranh luận, tranh cải, tranh đoạt và đánh nhau bằng tay, bằng đá, bằng gậy, bằng vũ khí, những hành động này dẫn đến đau khổ tử vong. Nầy chư Tỳ khưu, đây cũng là sự nguy hiểm của các dục lạc, thiết thực trong hiện tại.

Ðức Phật cũng giải thích về vị ngọt và sự nguy hiểm trong "sắc pháp". Chúng ta hãy xem:
"Nầy chư Tỳ khưu, thế nào là vị ngọt trong sắc pháp? Nầy chư Tỳ khưu, ví như một thiếu nữ trong gia đình quí tộc, Bà la môn, hay gia chủ ở khoảng tuổi 15 hay 16 tuổi, không quá cao, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng - Nầy chư Tỳ khưu, có phải thiếu nữ ấy có sắc đẹp và sự duyên dáng cao nhất vào thời điểm đó?"

"Bạch hóa Thế Tôn, đúng vậy."

"Nầy chư Tỳ khưu, bất cứ loại hạnh phúc và lạc thú nào phát sinh vì sắc đẹp và sự duyên dáng, đây là vị ngọt trong sắc pháp.

Và nầy chư Tỳ khưu, thế nào là sự nguy hiểm trong sắc pháp? Như vậy ở đây nầy chư Tỳ khưu, người ta có thể thấy cùng một cô thiếu nữ đó trong một thời gian sau khoảng độ tuổi 80, 90 hoặc 100 thì cô ấy già yếu, lưng còm, đi phải chống gậy, tay chân run rẩy, suy yếu, thời thanh xuân đã qua, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, sói đầu, tứ chi thay hình đổi dạng..."

"Lại nữa, nầy chư Tỳ khưu, người ta có thể thấy cùng cô thiếu nữ đó, thể xác của cô ta bị quăng vào nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày thì nó trương phồng, biến màu, hôi thúi. Nầy chư Tỳ khưu, các thầy suy nghĩ như thế nào? Có phải sắc đẹp và sự duyên dáng xưa kia của cô ta đã biến mất và sự nguy hiểm đã xuất hiện?"

"Bạch hóa Thế Tôn, đúng vậy."

"Nầy chư Tỳ khưu, đây cũng là sự nguy hiểm trong sắc pháp."

Ðiều mà Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu, chúng ta nghe có vẻ khô khan, nhưng đó là sự thật. Sinh, già, bịnh, chết là sự thật nhưng chúng ta khó chấp nhận. Chúng ta không dám suy nghĩ thân của mình và thân thể người mà mình yêu thương sẽ là tử thi. Chúng ta chấp nhận sự sinh, nhưng chúng ta khó chấp nhận hậu quả của sự sinh là già, bịnh, chết. Khi nhìn vào gương và lúc trang điểm xác thân, chúng ta có ý định giữ nó tồn tại và muốn nó thuộc về chúng ta. Tuy nhiên, thân thể chỉ là sắc tứ đại hoại diệt ngay khi chúng phát sinh. Không có thành phần của thân thể nào mà tồn tại cả.

Với tà kiến, người ta có thể dính mắc vào xác thân, tiếng Pàli gọi là Ditthi. Tà kiến là một sở hữu mà có thể phát sinh với tâm tham căn. Ðôi khi tham không có tà kiến, đôi khi có tà kiến.

Có những loại tà kiến khác nhau. Chấp vào bản ngã là một loại tà kiến. Chúng ta bám bíu vào thân tâm với ngã kiến. Một số người tin rằng, có một bản ngã tồn tại ngay trong kiếp này và sẽ tiếp tục tồn tại sau kiếp sống khác. Ðây là thường kiến. Một số người khác tin rằng có kiếp này mà không có kiếp khác. Ðây là đoạn kiến. Hình thức khác của tà kiến là tin rằng không có nghiệp quả. Có một số người trong những quốc gia khác suy nghĩ rằng họ có thể rửa sạch những tội lỗi đơn thuần chỉ bằng nước hoặc cầu nguyện. Họ tin rằng kết quả của những hành động ác mà họ đã phạm có thể tránh khỏi. Họ không biết rằng mỗi hành động có thể mang lại những kết quả riêng của nó. Chúng ta có thể tự làm thanh tịnh những lỗi lầm của chúng ta nếu như trí tuệ được tu tập thì có thể đoạn trừ chúng. Nếu người ta nghĩ rằng những việc làm không mang lại những kết quả tương xứng thì người ta có thể dễ tin rằng tu tập thiện nghiệp thì vô ích. Loại đức tin này có thể dẫn đến những hành vi xấu và làm băng hoại xã hội.

Có tám loại tâm tham căn và những loại tâm này có 4 loại phát sinh với tà kiến, tiếng Pàli gọi là Ditthigatasampayutta; (từ sampayutta có nghĩa: tương ưng). Bốn tâm còn lại phát sinh không có tà kiến (từ Pàli gọi là Ditthigatavippayutta; vippayutta nghĩa là: bất tương ưng).

Ðối với cảm thọ câu sinh với tâm tham căn, tâm tham căn có thể phát sinh vừa thọ hỷ vừa thọ xả, không bao giờ phát sinh với cảm thọ ưu. Ðối với 4 loại tâm tham căn câu sinh với tà kiến, hai loại phát sinh với hỷ thọ (từ Pàli Somanassasahagata; sahagata nghĩa là câu sinh), hai loại phát sinh với thọ xả (Upekkhà). Ví dụ khi người ta dính mắc vào tà kiến cho rằng có một bản ngã sẽ tồn tại, tâm có thể câu sinh với thọ hỷ hoặc thọ xả. Ðối với 4 loại tâm tham căn phát sinh không có tà kiến, hai loại câu sinh với thọ hỷ và hai loại với thọ xả. Như vậy tám loại tâm tham căn là có 4 loại phát sinh với thọ hỷ và 4 loại phát sinh với thọ xả.

Về việc phân tích tâm tham căn, ở đây người ta còn phân tích thêm nữa. Tâm tham căn có thể là không cần nhắc bảo (Asankhàrika) hoặc cần nhắc bảo (Asankhàrika). Danh từ Asankhàrika có thể được dịch là "không ai xúi bảo", "không ai sai khiến", "tự ý". Thanh tịnh đạo (XIV, 91) nói đến tâm tham căn là nói đến sự nhắc bảo "khi hành động với tâm yếu ớt cần nhắc bảo." Tâm tham căn cần được nhắc bảo có thể được khuyến khích do lời động viên hoặc yêu cầu của người khác, hoặc chúng có thể phát sinh do sự suy nghĩ trước của chính mình. Thậm chí khi chính mình là động cơ thúc đẩy, thì chúng là những tâm "yếu ớt cần được nhắc bảo".

Ðối với tâm tham căn phát sinh với tà kiến, có hai loại không cần nhắc bảo, và hai loại thì cần được nhắc bảo. Ðối với tâm tham căn phát sinh không có tà kiến, có hai loại không cần nhắc bảo và hai loại cần được nhắc bảo. Như vậy tám loại tâm tham căn, có 4 loại không cần nhắc bảo, và 4 loại cần nhắc bảo.

Ðể học thuật ngữ Pàli và ý nghĩa của chúng thì thật là hữu ích, bởi vì việc phiên dịch tiếng anh không diễn đạt ý nghĩa rõ ràng lắm.

Tám loại tâm tham căn là:

1. Một tâm câu hành hỷ, tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo

(Somanassasahagatam, ditthigatasampayuttam asankhàrikam ekam [1]).

2. Một tâm câu hành hỷ, tương ưng tà kiến cần được nhắc bảo

(Somanassasahagatam, ditthigatasampayuttam sasankhàrikamekam).

3. Một tâm câu hành hỷ, bất tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo

(Somanassasahagatam, ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam).

4. Một tâm câu hành hỷ, bất tương ưng tà kiến, cần được nhắc bảo

(Somanassasahagatam, ditthigatavippayuttam sasankhàrikamekam).

5. Một tâm câu hành xả, tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo

(Upekkhàsahagatam, ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam).

6. Một tâm câu hành xả, tương ưng tà kiến, cần được nhắc bảo

(Upekkhàsahagatam, ditthigatasampayuttam sasankhàrikamekam).

7. Một tâm câu hành xả, bất tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo

(Upekkhàsahagatam, ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam).

8. Một tâm câu hành xả, bất tương ưng tà kiến, cần được nhắc bảo

(Upekkhàsahagatam, ditthigatavippayuttam sasankhàrikamekam).

Như chúng ta biết, tâm tham căn có thể không cần nhắc bảo hoặc cần được nhắc bảo. Chú giải bộ Pháp Tụ (quyển II, phần IX, chương III, 225) nêu một ví dụ về tâm tham căn, câu sinh tà kiến, cần được nhắc bảo. Một thanh niên gia đình quí tộc lập gia đình với một thiếu nữ tà kiến và do đó anh ta chung sống với người tà kiến. Dần dần anh ta chấp nhận tà kiến và như vậy tà kiến làm anh ta thỏa mãn.

Tâm tham căn bất tương ưng tà kiến cần được nhắc bảo phát sinh, ví dụ, khi một người lần đầu tiên không ham thích uống rượu, nhưng do sự mời của bạn bè nên anh ta uống.

Như chúng ta biết, tâm tham căn có thể là câu hành hỷ và câu hành xả. Tâm tham căn tương ưng tà kiến câu hành hỷ có thể phát sinh, ví dụ như khi chúng ta thích nhìn cảnh đẹp hoặc nghe một âm thanh hay. Ở thời điểm như vậy chúng ta có thể tham bất tương ưng tà kiến về những sự thật. Khi chúng ta thích mặc quần áo đẹp, đi xem phim, hoặc trò chuyện với những người khác về những điều lạc thú, lúc đó có nhiều khoảnh khắc thú vị mà không có ý niệm về "bản ngã".

Tâm tham căn bất tương ưng tà kiến, câu hành xả có thể phát sinh, ví dụ giống như khi cầm một vật gì khác. Bởi vì thường thường chúng ta không hoan hỷ với những hành động này, ở thời điểm như vậy có thể là tham tương ưng thọ xả. Do đó chúng ta thấy rằng, tham thường sai khiến hầu hết những hành động thông thường trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
 
 

CÂU HỎI:

1/- Khi nào có tâm tham thì luôn luôn có thọ hỷ phải không?
2/- Tà kiến chỉ phát sinh với tâm tham căn phải chăng?
3/- Có bao nhiêu loại tâm tham căn? Tại sao biết tâm tham căn thì hữu ích?
Chú thích:

[1] Eka.m (ê-kăng) nghĩa là "một". Chữ .m ở cuối từ được phát âm như là ng.

-ooOoo-

 Trang trước | Mục lục | Ðầu trang | Trang kế

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 05-2001)

[Trở về trang Thư Mục]

update: 01-05-2001