Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Thích Trí Siêu
1. Mở
Ðầu
2. Khổ 3. Nguyên nhân của Khổ 4. Giải thoát 5. Con đường giải thoát 6. Liên hệ Thầy Trò |
7.
Vô Ngã
8. Phương pháp Tu hành 9. Sự quan trọng của Vô Ngã 10. Lời cuối Tài liệu Tham Khảo Tác giả - Thư mục |
* Sabbe sankhara dukkha, chư hành
là khổ. Câu này quá ngắn gọn và
súc tích, cần được giải thích
và bình luận. Nếu giải thích theo nguyên
văn thì tất cả sự vật gì do
nhân duyên kết hợp thành (conditionné) đều
là khổ.
Không biết bạn đọc nghĩ sao, nhưng theo ý kiến cá nhân thì tôi không đồng ý. Cái bàn là một thứ giả hợp, do nhân duyên kết thành, nhưng cái bàn đâu có khổ! Ngay như nếu đem nó ra chặt chẻ, thiêu đốt thì nó cũng đâu có la hét, đau đớn! Ta có thể nêu ra những thứ khác như nhà, cửa, xe, cộ v.v... đều do nhân duyên tạo thành, nhưng chúng đâu có khổ. Khổ là một loại cảm thọ (sensation) của loài hữu tình (sattva, sentient beings), do đó các loại khác như nhà, cửa, bàn, ghế, xe, cộ, mây, mưa, v..v... là loài vô tình nên không có cảm thọ. Không có cảm thọ nên không có sướng, khổ. Chữ hành (sankhara) trong câu 'Chư hành là khổ', theo tôi nghĩ thì nó chỉ định cho loài hữu tình. Hành của loài hữu tình, nhất là con người, đó là ngũ uẩn. Ngũ uẩn là những yếu tố cấu tạo nên cái mà ta gọi là con người. Bản chất của chúng là vô thường, biến chuyển, sinh diệt. Chính vì sự biến chuyển vô thường này mà chúng trở thành một môi trường cho đau khổ phát sanh. Loại đau khổ này có thể được xem là ngũ uẩn thủ khổ (pancupadana-kkhanda- dukkha) hoặc hành khổ (sankharadukkha). Như đã nói ở đầu sách, nếu không có khổ thì không có đạo Phật, vì đạo Phật là đạo cứu khổ! Ấy thế mà vẫn có nhiều người chưa ý thức được điều này. Khổ có thể được chia làm ba loại hay tám loại như đã nói ở phần trước. Ở đây tôi tạm chia ra hai loại khổ: khổ tinh thần và khổ thể xác. Trong tám loại khổ nói ở phần trước, - Có ba loại được xếp vào khổ tinh thần: ái biệt ly, cầu bất đắc và oắn tắng hội.Nếu bạn là người tu hành có đạo lực khá, không ưa ai, ghét ai, hoặc không mong cầu gì hết thì bạn có thể tự hào mà nói rằng tôi không khổ! Nhưng đây mới chỉ là không khổ tinh thần thôi. Hoặc có bạn đời này sinh trưởng trong gia đình giàu có, thân ít bệnh tật, đau ốm, lại thêm tâm thần không lo lắng gì nhiều. Xin khuyên bạn đừng nên tự hào cho rằng mình không khổ, đó chẳng qua nhờ túc duyên đời trước, bạn đã tạo nhiều nhân lành, nên ngày nay được hưởng quả báo tốt. Bạn hãy cẩn thận vì phước báo của bạn đang bị tiêu thụ đó! Dù sao đi nữa bạn cũng khó lòng tránh khỏi cái khổ về thể xác. Ngay cả đức Phật và các bậc A La Hán xưa kia cũng không tránh khỏi. Ðức Phật đã bị bệnh kiết lî trước khi nhập Niết Bàn. Nếu bạn học Y khoa hay Vạn Vật thì bạn sẽ dễ dàng công nhận điều này. Thân thể con người, ngoài tim, gan, thận, phổi... 32 thứ liệt kê trong kinh, nó còn được cấu tạo bởi trăm triệu ngàn tế bào khác nhau (đó là chưa kể vô số vi khuẩn, vi trùng sống trong ruột non, ruột già, bao tử...). Mỗi khi có một tế bào phát triển vô trật tự thì lúc đó bạn bị mang bệnh. Như vậy bạn đã có đến trăm triệu ngàn cơ hội để bị bệnh. Thế mà ngày hôm nay đây bạn còn khỏe mạnh, sống còn. Quả thật là một điều may mắn, hy hữu. Nếu ý thức được điều đó thì bạn hãy nên thầm cảm ơn và đảnh lễ Tam Bảo. Bị bệnh khổ lắm, ngoài việc không ăn uống dễ dàng, lại bị đau nhức hành hạ. Bệnh khổ cũng là một chướng ngại lớn lao cho người tu hành, vì bạn sẽ không tụng kinh được, không ngồi thiền được, v.v... không làm gì được cả ngoài việc đi Bác sĩ rồi về nhà nằm một chỗ, cảm thọ sự đau nhức của căn bệnh. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Trong lúc thân thể còn khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo, bạn hãy nên tu tập, trau giồi phước huệ, đừng chờ đến khi có bệnh mới vào chùa cầu an. "Hãy nên tu trước, kẻo sau mà nhờ". * Sabbe dhamma anatta, chư pháp Vô Ngã. Câu này bên giáo lý Tiểu thừa thường giải là các pháp không phải là Ta (ngã), không phải là của Ta (ngã sở), không phải là tự ngã của Ta. Một số đông các học giả Ðại thừa cũng đồng ý quan niệm này. Quan niệm này có vẻ như chỉ nhằm đả phá sự chấp ngã nơi một chúng sinh, chứ nó không đi sâu vào thể tánh của các pháp. Câu trên có thể hiểu là các pháp không có tự ngã, tức không có một tự tánh cố định. Sau này Ðại thừa xiển dương lý Không Tánh (sunyata) chẳng qua cũng bắt nguồn từ lý Vô Ngã (anatta) và khai triển rộng ra các pháp, không còn hạn cuộc ở một chúng sinh. Trong câu thứ ba này, không còn dùng chữ hành (sankhara) mà dùng chữ pháp (dhamma). Chữ pháp ở đây rộng hơn và bao trùm cả hành. Hành là tất cả các pháp hữu vi, chữ pháp ở đây bao gồm cả những pháp hữu vi và vô vi. Vô vi là những pháp không sinh diệt như: Phật tánh, Niết bàn, Chân như v.v... Mục đích của tập sách này nói về Vô Ngã, nhằm giải trừ sự chấp ngã, nên tôi tạm thu hẹp chữ pháp ở đây về một đối tượng giới hạn và cụ thể, đó là con người. Con người Vô Ngã, tức con người không có Ta! Nếu không có Ta thì có gì? Trước khi hiểu Vô Ngã, cần phải rõ thế nào là Ngã? Trước khi muốn hiểu Không Ta thì phải rõ thế nào là Ta. Ðến đây chắc bạn còn nhớ, ở Chương 3 - Nguyên nhân của khổ, tôi có đề nghị bạn đi ngược dòng tư tưởng đến tận bức tường của con đường cùng, đó là câu "Ta là ai?". Câu này có vẻ "vớ vẩn" nhưng quan trọng vô cùng! Nếu bạn không biết ta là ai thì không thể "làm ăn" gì được. Khi đi đường nếu có người hỏi bạn là ai, mà bạn trả lời:"Tôi không biết" thì người ta sẽ cho bạn là người mất trí! Do đó, bạn mới trả lời: "Tôi là Nguyễn văn A! Tôi là Giám Ðốc, Kỹ Sư, Bác Sĩ, v.v... Khi trả lời như thế thì người ta bằng lòng mà bạn cũng yên chí. Nhưng sự thật bạn có phải là những gì bạn vừa nói chăng? Ðó chỉ là những nhãn hiệu của cuộc đời mà bạn tạm vay mượn chứ tự thân bạn đâu phải những thứ ấy. Trong đạo cũng vậy, nếu bạn không biết "Ta là ai?" thì cũng khó tu tiến được. Nếu bạn cho "Ta là Thượng Tọa A, Ðại Ðức B, Hội Trưởng C, Tiến Sĩ D..." thì lại càng nguy to! Vì cho "Ta" là như thế nên bạn phải làm chùa cho to, lập Hội cho lớn, Hội đàm cho đông để xứng đáng với cái nhãn hiệu mà bạn gắn lên cho cái Ta. Ngoài cái Ta ra, còn có cái của Ta (ngã sở) như con Ta, vợ Ta, nhà của Ta, chùa của Ta v.v... Suốt cuộc đời bạn đã đầu tắt mặt tối, nai lưng ra làm việc, tạo nghiệp chẳng qua chỉ làm công cho cái Ta và những cái của Ta, để rồi cuối cuộc đời, ra đi với hai bàn tay trắng, không đem theo được một chút phước đức nào cả. Kể có đáng giận chăng? Giờ đây trở lại câu: "Ta là ai?". Theo tôi câu: "Ta là gì?" có lẽ dễ hiểu hơn. Ta là người, một con người. Như bạn thường biết, con người được cấu tạo bởi 5 uẩn. Mỗi khi có 5 uẩn hợp lại thì chúng ta gọi đó là con người. Vậy con người là một tổng thể của 5 uẩn. Theo giáo lý Tiểu thừa thì có con người (l'être) nhưng không có cái Ta (le Je, moi) vì cái Ta chỉ là một giả danh, tức danh từ tạm lập. Sau này theo giáo lý Không Tánh của Trung Quán thì con người cũng chỉ là một giả danh (nom désigné). Ở đây chúng ta tạm gác giáo lý Không Tánh qua một bên, chỉ bàn đến giáo lý Vô Ngã theo quan niệm Tiểu thừa, vì hiểu được Vô Ngã theo Tiểu thừa cũng là quý lắm rồi! Thật ra Vô Ngã không phải là riêng của Thừa nào cả, chẳng qua vì Tiểu thừa nhấn mạnh và chú trọng đến nó hơn, nên tạm gọi như vậy. Theo tôi nghĩ, Vô Ngã là một giáo lý căn bản rất cần thiết cho sự giải thoát. Những giáo lý khác tuy cũng quan trọng và có thể thâm diệu hơn nhưng vẫn cần dựa trên nó, ví như căn nhà lầu dựng trên nền đá. Nếu nền không chắc, làm bằng bùn, cát, thì trước sau gì căn nhà lầu kia cũng bị sụp đổ. Tuy có tầm mức quan trọng như vậy, nhưng lại ít có sách vở nói về Vô Ngã cùng những cách thức tu tập. |
1/ Ngũ uẩn
Hiểu Vô Ngã hay nói chuyện Vô Ngã không có nghĩa là thành A La Hán liền đâu nhé bạn! Hiểu là một chuyện, tu tập chứng đắc là một chuyện khác. Ở đây không có chuyện "kiến tánh thành Phật", vì chúng ta đang bàn luận theo Tiểu thừa! Theo Tiểu thừa thì tất cả các pháp đều có, trừ cái Ta (ngã), vì cái Ta chỉ là một ảo tưởng (imagination), một giả danh (désignation) của 5 uẩn. Nhưng 5 uẩn là gì? Là phật tử lâu năm chắc chắn bạn biết 5 uẩn là gì, nhưng ở đây tôi xin định nghĩa lại. Năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Uẩn (P. Khanda, Skt. Skandha) Pháp dịch là "agrégat" có nghĩa là một nhóm, một tổng hợp. * Sắc uẩn: Tức thân thể con người, được cấu tạo bởi bốn đại (đất, nước, gió, lửa), nếu kể chi tiết thì gồm 32 thứ: tóc, tai, mũi, lưỡi, tim, gan, ruột, phổi... Sắc uẩn tương đối cụ thể, dễ nhận biết nên không cần nói nhiều. * Thọ uẩn: Là những cảm thọ (sensation) phát sinh do sự tiếp xúc giữa 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Có 6 loại thọ: nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ, ý thọ. Tính chất của 5 loại thọ đầu có thể là: lạc (dễ chịu), khổ (khó chịu), xả (không khổ, không sướng). Riêng ý thọ, theo Duy Thức, có thể có 5 tính chất: lạc, khổ, xả, ưu (buồn) và hỷ (vui). Khi mắt nhìn lên mặt trời bị chói và nhức, đó là nhãn thọ khổ. Khi tai nghe nhạc êm dịu, thoải mái, muốn nghe nữa, đó là nhĩ thọ lạc. Khi nghe tin người thân chết, sanh ra buồn khổ, đó là ý thọ ưu. * Tưởng uẩn: Tưởng (P. Sanna, Skt. Samjna) được dịch là tri giác (perception) có nghĩa là sự biết (tri) của các giác quan (căn). Tri giác được phát sanh do sự tiếp xúc giữa 6 căn và 6 trần. Và như thế cúng ta có đến 6 loại tưởng. Mắt thấy sắc. Sự thấy của mắt gọi là nhãn tưởng.Chữ Ý ở đây là ý căn (manas, organe mental) và các pháp là những gì thuộc tâm linh như: ý nghĩ, ý niệm, ý tưởng... Những sự thấy, nghe, ngửi,..., biết ở đây chưa tạo nghiệp, vì nó không có khả năng tác ý mà chỉ là sự cảm nhận đơn thuần, vô tư của 6 căn đối với 6 trần. Nếu nói theo Duy Thức thì nó có thể được xem như là hiện lượng (pratyaksapramana). Tới đây cần định nghĩa lại vài danh từ thông dụng: ý thức, ý niệm, ý tưởng, ý nghĩ. Bốn danh từ này đều liên quan đến Ý, tức ý căn (manas). Trong ngôn ngữ việt nam, khi nói đến chữ "ý nghĩ", ta có thể hiểu theo hai chiều: chủ thể (sujet) và đối tượng (objet). 1/ Chủ thể: Ý (căn) suy nghĩ (esprit pense). [2]Thông thường chữ "ý nghĩ" được hiểu theo nghĩa thứ hai. Ý niệm và ý tưởng cũng vậy. Ý niệm có thể được hiểu là: 1/ Ý (căn) ghi nhớ (esprit se souvient).Ý tưởng có thể được hiểu là: 1/ Ý (căn) thâu nhận (esprit perçoit).Khi Ý-tưởng-một điều gì đó, chúng ta cho cái "điều-gì-đó" là ý tưởng. Khi Ý-nghĩ-một điều gì, chúng ta cho cái "điều-gì" này là ý nghĩ. Khi Ý-niệm-một điều gì, chúng ta cho cái "điều-gì " này là ý niệm. Ý tưởng, ý nghĩ, ý niệm thường được chúng ta xem là những sản phẩm của Ý, hay nói dễ hiểu hơn là của tâm. Nhưng thực ra chúng không phải là sản phẩm của Ý mà là những đối tượng của sự tưởng, nghĩ, niệm của Ý. Thay vì hiểu ý tưởng là sự tri giác của Ý, chúng ta lại cho ý tưởng là một sản phẩm của Ý, đồng nghĩa với tư tưởng. Ðể tránh trường hợp khó xử này, chúng ta có thể tạm gom cả 3 thứ: ý tưởng, ý nghĩ, ý niệm, đối tượng của ý thành một loại: ý trần. Chữ ý trần này chỉ là một thuộc phần của pháp trần tức đối tượng tổng quát, bao la của Ý. Về tưởng uẩn, đa số thường hiểu là tưởng tượng (imaginer). Tưởng tượng là gì? Ở đây có hai nghĩa: thụ động và tác ý. 1/ Nghĩa thụ động: Tưởng là sự cảm nhận, thâu nhận, ghi nhận của 6 căn còn gọi là tri giác. Tượng là những hình tượng, hình ảnh thuộc tâm linh.Theo ngôn ngữ thông dụng thì tưởng tượng mang nghĩa thứ hai, tức tác ý. Như vậy tưởng tượng (imaginer) là một tác động từ ý nên có thể tạo nghiệp. Còn tưởng (percevoir) của tưởng uẩn là một động từ cảm nhận nên không tạo nghiệp. Chữ tưởng (samjna) của tưởng uẩn, thấy có vẻ giản dị nhưng cho tới bây giờ, nó vẫn chưa được giảng giải và dịch nhất định là gì. Những điều vừa nói ở trên chỉ là ý kiến cá nhân, nên không chắc là đúng. Ai cũng có quyền cho những điều mình hiểu là đúng nhưng không có quyền bắt người khác phải tin và nghe theo mình. Vì thấy đúng hay sai chỉ là chủ quan tương đối. Sau đây tôi xin liệt kê vài dịch từ về chữ tưởng (samjna) trong các tác phẩm Việt ngữ để bạn đọc tùy ý lựa chọn. - Trong sách "Vấn đề nhận thức trong Duy Thức Học" của thầy Nhất Hạnh, tr.79, nói về 5 uẩn, dịch chữ tưởng là các khái niệm (concepts). Trong Kinh "Pháp Ấn" do thầy Nhất Hạnh dịch và chú giải, tr.28, dịch tưởng là tri giác (perception). Trong "Câu Xá Luận Cương Yếu " của thầy Ðức Niệm, tr.40, dịch tưởng (uẩn) là nhận thức tổng hợp của các cảm giác đưa đến tưởng nhớ, nghĩ ngợi. Trong Phật Học Từ Ðiển của Ðoàn Trung Còn, tập 3, trang 1093, dịch tưởng (uẩn) là tư tưởng, sự tưởng tượng nơi tâm trí. Ngoài ra đa số đều dịch tưởng (uẩn) là tưởng tượng, tưởng nhớ. Ðến đây bạn đọc có thể ngạc nhiên hỏi lại tôi rằng: "Tưởng tượng không thuộc tưởng uẩn, thế nó thuộc cái gì?" Trong pháp số Phật học, có nhiều danh từ giống nhau, nhưng ý nghĩa lại khác, tùy trường hợp, vị trí và bối cảnh. Theo tôi, chữ tưởng trong ngũ uẩn, không có nghĩa là tưởng tượng, nó chỉ có nghĩa là tri giác. Trong tâm lý học Phật giáo có nói đến tưởng (P.Sanna, Skt.Samjna) như là một tâm sở trong 51 tâm sở (caittas) của Duy Thức, hoặc 52 tâm sở (cetasika) của A Tỳ Ðàm Tiểu Thừa (Abhidham-matthasangaha), hoặc 46 tâm sở của Câu Xá Hữu Bộ. Trong phạm vi này, nó có thể được xem là tưởng tượng (imaginer), vì có sự tác ý và như vậy nó thuộc về hành uẩn. - Trong "Vấn đề nhận thức trong Duy Thức học", tr.66, nói về tưởng (tâm sở) như sau: Tưởng là động tác của trí năng trên ảnh tượng thu nhận được, nói một cách khác hơn, là sự cấu tạo thành khái niệm. - Trong Phật Học phổ thông, khóa thứ IX, tr.38, nói giản dị hơn: Tưởng là nhớ tưởng. Nghiệp dụng của nó là bịa đặt những danh từ để kêu gọi. Tóm lại khi nói về tưởng, bạn đọc nên cân nhắc xem mình muốn nói về tưởng uẩn hay hành uẩn. Nãy giờ chưa nói về ý thức, vì nó thuộc thức uẩn, sẽ được bàn đến sau. * Hành uẩn: Là một tổng hợp của những ý nghĩ lưu chuyển. Hành có nghĩa là đi, là làm, là tiếp tục, là chuyển. Pháp dịch là formations mentales. Khi Ý căn hoạt động phối hợp với các tâm sở, kết quả của sự hoạt động này cho ra những ý nghĩ, hay nói chung là tất cả ý trần, đối tượng của 51 tâm sở. Như vậy hành uẩn bao gồm cả 51 tâm sở (caittas, facteurs mentaux) và cùng những đối tượng của nó. Năm mươi mốt tâm sở là: - Năm biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư.Ðể biết nhiều hơn, bạn có thể nghiên cứu về Duy thức hoặc A Tỳ Ðàm. * Thức uẩn: Thức (P.Vinnãna, Skt.Vijnãna) là sự nhận thức, phân biệt, hiểu biết. Pháp dịch là conscience hay discernement. Theo giáo lý nguyên thủy thì thức được phát sinh do sự tiếp xúc giữa 6 căn và 6 trần. Và như vậy chúng ta có 6 loại thức. Nhãn thức là cái biết của mắt khi nhìn thấy cảnh trần.Ðến đây, chắc hẳn bạn đọc đã để ý, từ lúc nói về Tưởng uẩn, tôi đã dùng chữ Ý đi đôi với căn. Ðó là để phân biệt Ý căn (Manas) với Ý thức (Mano- vijnãna). Ý căn là một bộ phận tâm linh (organe mental) mà từ nơi đó làm phát sinh ra sự nhận thức. Sự nhận thức này gọi là Ý thức (conscience mentale). * Sự khác biệt giữa Tưởng và Thức. Tưởng là tri giác, tức sự biết của các giác quan. Thức cũng là sự biết của 6 căn, vậy hai cái biết này giống hay khác? Cái biết của Tưởng có tính chất cảm nhận đơn thuần, vô tư, trong khi cái biết của Thức lại có tính chất phân biệt, khái niệm. Ðể dễ hiểu, xin lấy thí dụ về một em bé gái (ngây thơ), một anh thợ săn và một đồng tiền vàng. Khi đi đường, nếu em bé nhặt được một đồng tiền vàng, em sẽ chỉ thấy đó là một vật tròn, mỏng, màu vàng, có hình vẽ xinh xắn, có thể trở thành một món đồ chơi của em. Em không hề hay biết gì về giá trị của đồng tiền cả. Sự "thấy" đồng tiền vàng của em bé được dụ cho Tưởng. Ngược lại, đối với anh thợ săn thì khác. Khi thấy đồng tiền vàng, anh ta liền biết đó là một đồng tiền vàng cùng với giá trị của nó. Vói tiền này anh sẽ mua được tất cả thứ gì anh thích. Sự "thấy" đồng tiền vàng của anh thợ săn này dụ cho Thức. Ðúng ra theo giáo lý Tiểu thừa thì chúng ta có thể ngưng ở đây, sau khi đã định nghĩa 5 uẩn. Nhưng đa số thường hay lầm lẫn giữa Tâm, Ý và Thức nên tôi sẽ tạm mượn một ít giáo lý của Duy Thức, trong đó phân biệt chi tiết về Tâm, Ý và Thức. Vẫn biết mục đích của tập sách này là nói về Vô Ngã chứ không phải Duy Thức, nhưng cái Ngã là một tổng hợp phức tạp, cấu tạo bởi 5 uẩn, trong đó thủ phạm chấp ngã nằm trong Thức uẩn. Nói về thức uẩn, không gì đầy đủ chi tiết hơn Duy Thức. Ðây là lý do thứ hai cần phải nói một chút về Duy Thức. Theo Duy Thức thì Thức uẩn (vijnãna skandha) bao gồm Tâm (citta), Ý (manas) và Thức (Vijnãna). Tâm được xem là thức thứ 8, Ý được xem là thức thứ 7, Thức tức là 6 thức đầu được kể ở trên. Sau đây chỉ xin lược nêu về 3 thức: thứ 8, thứ 7 và thứ 6. Thức thứ 8, có tên là Tàng thức hay A lại Da thức (Alaya-vijnãna). Thức này có 3 nghĩa: a/ Năng tàng: Thức này chứa đựng, gìn giữ chủng tử (bija) của các pháp.Thể và dụng của thức này sâu rộng vô cùng, chúng ta không thể thấu hiểu bằng ý thức thông thường được. Nó chính là nền tảng cho 7 thức kia phát sinh. Tánh chất của nó là vô phú vô ký, có nghĩa là không bị che lấp bởi vô minh, nhưng cũng không thiện, không ác. Như vậy nó không phải là thủ phạm chấp ngã. Thức thứ 7 tên Mạt Na (manas-vijnãna). Nó là Ý căn (organe mental) tức là căn cứ, nơi phát sinh ra ý thức (conscience mentale). Cũng như mắt là nhãn căn, nơi phát sinh ra nhãn thức. Thức này còn có tên là "Truyền tống thức" vì nó công năng truyền các pháp hiện hành vào Tàng thức và tống đưa các pháp chủng tử khởi ra hiện hành. Thức này được xem là thủ phạm chính của sự chấp ngã. Sự chấp ngã của nó thuộc loại "câu sinh ngã chấp" tức sự chấp ngã sinh ra cùng lúc với thân mạng. Sự chấp ngã này rất khó diệt trừ. Mạt Na thường tương ưng với bốn căn bản phiền não: ngã si (avidya), ngã ái (atmasneha), ngã kiến (atmadrsti), ngã mạn (asmimana). Ngã si chíng là vô minh, ngã ái là sự thương yêu, ái luyến cái Ta, ngã kiến là cái thấy sai lầm về ngã, ngã mạn là sự kiêu ngạo cho cái Ta cao cả hơn hết. Hai thức A lại Da và Mạt Na hằng chuyển không bao giờ gián đoạn, ngay cả khi cá nhân đã chết. Thức thứ 6, gọi là Ý thức (mano-vijnãna). Khi Ý căn tiếp xúc với pháp trần làm phát sinh ra sự nhận thức, sự nhận thức này được gọi là Ý thức. Ý thức có ba hình thái nhận thức: hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng. - Hiện lượng: sự nhận thức trực tiếp, vô tư, chưa trải qua suy luận, phân biệt.Trong tám thức, duy có thức này là lanh lẹ và khôn ngoan hơn hết. Trong Bát Thức Quy Củ tụng khi nói về Ý Thức có câu: "Ðộc hữu nhứt cá tối linh ly" nghĩa là riêng có một cái thức rất lanh lẹ. Suy nghĩ làm việc phải, thức này đứng đầu, tính toán tạo nghiệp ác thì nó cũng hơn cả (công vi thủ, tội vi khôi). Về tội thì thức này cũng chấp ngã và chấp pháp. Nhưng sự chấp ngã của nó là "phân biệt ngã chấp", tức chấp ngã do nhận thức phân biệt sai lầm mà ra. Sự chấp ngã này tương đối dễ loại trừ. Sau này tu tập về Vô Ngã, chúng ta sẽ rất cần đến thức thứ 6 này. Ðến đây sự định nghĩa về 5 uẩn có thể được xem như tạm đủ. Năm uẩn, còn gọi tắt là thân tâm, tuy được liệt kê thành từng phần, nhưng thật ra chúng hoạt động rất chặt chẽ, không thể tách rời được. Thí dụ khi ta bị đau răng. Răng thuộc về thân (sắc uẩn), đau thuộc khổ thọ (thọ uẩn), cảm biết có sự đau thuộc tưởng uẩn, biết rõ đó là đau răng thuộc thức uẩn, và mỗi khi thức làm việc đều có sự tương ưng, trợ giúp của các tâm sở, do đó hành uẩn cũng có trong cuộc. |
2/ Chấp Ngã
Từ xưa đến nay chưa bao giờ có Ta cả. Cái Ta chưa bao giờ hiện hữu, Ta chỉ là một ảo ảnh, một giả danh. Thế nào là ảo ảnh (mirage)? Khi đi trong sa mạc, đói khát, nhìn xa thấy có ao nước nhưng khi chạy lại gần thì chẳng thấy gì cả. Ao nước là một ảo ảnh, nó ảnh hiện như có mà kỳ thực là không. Cũng vậy, con người luôn luôn cảm thấy như có một cái Ta (hiện hữu), nhưng khi tìm lại thì không thấy. Vì sao? Vì nó chỉ là một giả danh, danh từ tạm lập (nom désigné) của một hợp thể 5 uẩn. Như vậy, không có Ta (ngã) mà chỉ có 5 uẩn. Thế nhưng tại sao lại luôn luôn thấy có Ta, mở miệng ra là nói Ta (tôi) thế này, Ta thế nọ. Luôn luôn khuyên bảo người khác phá ngã, hoặc mắng chửi họ là "đồ chấp ngã"! Ai thực sự thấy ngã là gì? Ai thực sự thấy ngã là gì? Ai hoàn toàn không còn chấp ngã? Những câu như: "Anh phải phá ngã đi" hoặc "Anh còn chấp ngã quá!" là những câu vô nghĩa (non-sens) vì không có nền tảng (sans fondement). Cái ngã (Ta) chưa bao giờ hiện hữu (exister), vậy làm sao phá? Bảo phá ngã cũng giống như bảo đi nhổ lông rùa. Con rùa chưa hề có lông, mà bảo người ta đi nhổ tức đã tự cho là có. Bảo người khác phá ngã tức tự mình đã chấp nhận cái ngã (Ta) là có (exister). Còn chữ "chấp ngã " có nghĩa là bám víu vào một cái gì rồi cho nó là Ngã. Do đó khi chữ "chấp ngã" được dùng như một danh từ hay thuật ngữ (terminologie) như "sự chấp ngã" thì được, nhưng nếu dùng nó như một động từ (verbe) thì phải thêm vào một túc từ (complément) như "chấp ngã cái gì? " hoặc "chấp cái gì là ngã?". Nếu có ai chửi bạn là "đồ chấp ngã" thì bạn có thể photocopie trang này đưa cho họ và khuyên họ lần sau nên chửi cho đủ câu. Trong kinh luận có nói đến 62 tà kiến về sự chấp ngã, nhưng chung quy cũng không ngoài 5 uẩn. Ðó là chấp: - Sắc là TaChấp sắc là Ta: Cho thân tứ đại, đầu, mắt, tay, chân,... là Ta. Khi thân đi thì cho là Tôi (Ta) đi. Nhìn trong gương thấy mặt đẹp, cho là tôi đẹp. Chấp sắc nằm trong Ta: Cho sắc là một phần nhỏ nằm trong cái Ta (lớn). Thí dụ như nói "chân tôi đau " tức chân là một phần của tôi. Chấp Ta nằm trong sắc: Cho Ta là một phần nhỏ của sắc, tức sắc lớn hơn Ta. Thí dụ như nói "Tôi đau bụng " tức Tôi nằm trong sắc (bụng). Chấp Ta có sắc: Cho Ta là cái gì ở ngoài sắc và là chủ của sắc. Thí dụ như nói "Tôi phải săn sóc cái thân". Trên đây là 4 điều lầm chấp về sắc uẩn. Ðối với 4 uẩn còn lại cũng lầm chấp như trên, chỉ thay thế thọ, tưởng, hành, thức vào chữ sắc. Như thế có 20 sự lầm chấp về 5 uẩn; 20 sự lầm chấp này xảy ra trong cả 3 thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Thí dụ chấp cái sắc (thân) hôm qua là Ta, cái sắc hôm nay cũng là Ta và cái sắc ngày mai cũng vẫn là Ta. Như vậy là có 60 (20x3) sự lầm chấp (tà kiến).Thêm vào 2 lầm chấp nữa là chấp thường và chấp đoạn: cho cái Ta này thường còn vĩnh cửu hoặc mất hẳn sau khi chết. Trên đây là 62 tà kiến về Ngã (satkayadrsti). Bạn đọc nên ngẫm nghĩ lại và kiểm chứng trong đời sống hằng ngày hoặc những lúc thiền quán, xem mình chấp ngã kiểu nào và chấp cái gì là Ngã. 3/ Vô chủ Sự chấp ngã của Mạt Na là "câu sinh ngã chấp" tức sự chấp ngã cùng sinh ra một lần với thân mạng. Nhưng thật ra Mạt Na đã chấp ngã trước khi thân mạng được sinh ra. Nó lấy kiến phần (darsanabhaga) của A lại Da làm đối tượng và lầm cho đó là Ngã. Do đó sự chấp ngã này rất là vi tế. Khi thân mạng được sinh ra, Mạt Na có cơ hội củng cố sự chấp ngã của nó, bằng cách gán vào mọi sự vật đối tượng cái nhãn hiệu Ta và của Ta. Như mỗi lần mở miệng ra nói Ta (Tôi) là một lần củng cố thêm sự hiện hữu của cái Ta, trừ trường hợp Ý thức biết đó là một quy ước giả lập (langage conventionnel). Sự chấp ngã của Ý thức là "phân biệt ngã chấp" tức sự chấp ngã do nhận thức sai lầm mà ra. Sự nhận thức sai lầm này là kết quả của vô minh quá khứ, còn gọi là si tức sự không thông hiểu giáo lý Phật pháp như Tứ Diệu Ðế, Tam Pháp Ấn (vô thường, khổ, vô ngã)... Khi nhìn vào cái thân tứ đại này, thay vì ghi nhận một cách đúng đắn: "đây là thân", Ý thức lại ghi nhận: "Ðây là Ta, hoặc đây là thân Ta". Khi đi, thay vì ghi nhận như thật: Thân đang đi, hoặc có một sự đi, Ý thức lại ghi nhận: "Ta đang đi". Ý thức tuy cũng chấp ngã, nhưng nó có khả năng ghi nhận, phân biệt sự vật đúng như thật (yathabhutam). Nếu được học, hiểu, tu tập quán chiếu Vô Ngã, dần dà Ý thức sẽ không còn ghi nhận sai lầm về sự thật nữa mà sẽ hiểu tất cả những sự đi, đứng, nằm, ngồi, nói, năng, v.v... chỉ là một sự tác động vô chủ của 5 uẩn. Không có một cái Ta nào hiện hữu thực chất (substantiel) để làm chủ hay điều khiển 5 uẩn cả. Pháp Thiền Tứ Niệm Xứ rất có công hiệu trong việc thanh lọc và truy luyện Ý thức. Nói đến đây, nhớ lại trong quyển "Thiền Tứ Niệm Xứ", phần Niệm Thọ, tôi có nhấn mạnh rằng khi đau chân, hành giả tuyệt đối không được niệm: "Tôi đang đau, hoặc chân tôi đau", mà phải niệm "có một cảm giác đau nhức đang phát sanh (nơi chân)". Thực thế, làm gì có một cái Tôi nào đau chân? Nếu niệm Tôi đang đau, tức chấp cảm thọ đau là Ta (bạn đọc xem lại 62 tà kiến về Ngã ở trên). Ý thức cần nhận diện cho rõ sự duyên khởi vô chủ của 5 uẩn cũng như của các pháp. Ðể hiểu rõ về vô chủ, ta có thể quán chiếu về mưa. Mưa là gì? Là một hiện tượng thiên nhiên, là sự rơi rớt của những hạt nước từ trên không xuống đất. Gặp trời nắng, nước trong sông, hồ, bốc hơi lên tụ thành mây. Khi khí hậu thay đổi nhiệt độ và áp tiết thì mây biến thành nước và rơi xuống thành mưa. Những hạt nước mưa chảy trở về ao, hồ. Sau đó, nếu gặp trời nóng sẽ lại bốc hơi lên và cuộc tuần hoàn lại tái diễn. Như vậy mưa chỉ là một phần nhỏ của cả cuộc tuần hoàn trên. Không có Ai làm ra mưa! Mưa là một hiện tượng vô chủ, tức không có ai làm chủ hay điều khiển nó. Cũng thế, khi bước đi, bạn không nên cho rằng có một cái Ta bước đi mà chỉ có một sự bước đi , hay đúng hơn là có một cái thân đang bước đi. Sự bước đi này cũng là một hiện tượng vô chủ, diễn tiến như một cơn mưa vậy. Chỉ có một sự đi chứ không có Ai đi cả! Vì sao? Trong tâm có một ý niệm (muốn đi) hiện khởi, ý niệm này tác động vào thân khiến cho thân di động. Chỉ có một sự di động, biến chuyển xảy ra do tác động phối hợp của thân và tâm, thế thôi! Sự kiện này xảy ra "vô chủ". Thế nhưng bởi vô minh chấp ngã, Mạt Na cộng tác với Ý thức, gán vào sự kiện vô chủ đó một ông chủ, tức cái Ta: "Ta đi". Ngay nơi 5 uẩn này đã có một sự chấp Ta rồi, và tệ hại hơn nữa, khi đối đầu với thế giới bên ngoài, tiếp xúc, xưng hô, chúng ta không thể nào không dùng chữ Ta. Vì nếu bỏ, không dùng chữ Ta nữa thì ăn nói làm sao bây giờ? Làm sao phân biệt được đâu là anh, đâu là tôi? Ðến đây bạn đọc cần nhận định rõ có hai loại Ta (ngã): 1. Một cái Ta dường như hiện hữu độc lập, tự tánh (le Je intrinsèque) không tùy thuộc vào nhân duyên bên ngoài, giữ vai trò chủ động, sai khiển 5 uẩn.Thông thường, vì ít khi nào để ý xem cái Ta hiện hữu kiểu nào, có mấy loại, nên chúng ta chấp lẫn lộn cả hai loại trên. Trong hai cái Ta thì cái Ta dường như hiện hữu độc lập tự tánh là một tà kiến cần phải giải trừ, vì thực sự nó chưa và sẽ không bao giờ hiện hữu (exister). Còn cái Ta giả lập là một quy ước tục đế , nó vô hại một khi đã thấu hiểu Vô Ngã. Các vị A La Hán, Bồ Tát, sau khi chứng ngộ vẫn tiếp tục dùng chữ Ta (tôi) để xưng hô hay nói chuyện với người, nhưng trong tâm của các ngài không còn bám víu vào một cái Ta, không còn bóng dáng của một cái Ta hiện hữu độc lập. Tuy cái Ta giả lập này tự nó không phải là một tà kiến, nhưng nếu không hiểu Vô Ngã, thì mỗi lần dùng đến nó như nói: Tôi đi, tôi làm, tôi nói, v.v... chúng ta lại vô tình củng cố thêm sự chấp ngã sâu dày từ đời vô thỉ. Nói đến đây xem như xong phần "Chư pháp Vô Ngã". Chúng ta có thể chuyển sang nói chuyện theo Ðại thừa để thay đổi không khí. |
4/ Có hay Không?
Ða số hay ưa chuộng Bát Nhã, thích tu theo "Không", ít khi nào nói đến "Có", xem "Có" như một tà kiến, rất kî không được nói đến, vì nếu nói đến có thể bị liệt vào Tiểu thừa chấp pháp. "Không" và "Có" là hai khái niệm đối đãi tương sinh. Nếu không có "Không" thì sẽ không có "Có". "Không" và "Có" giống như hai mặt của một đồng tiền, làm sao có thể tách rời được? Nhưng trước khi nói chuyện có Có-Không, thiết nghĩ cần phải xác định lại ý nghĩa cũng như vị trí của hai chữ này. Như ở phần trước, khi nói đến Vô Ngã, cần phải hiểu Ngã là gì? Ta là gì? Chấp ngã là chấp ngã cái gì? Có là có cái gì? Không là không cái gì? Cũng cùng một danh từ mà nói theo trong Ðạo thì một nghĩa, theo ngoài đời thì lại một nghĩa khác. Do đó khi nói chuyện, nhất là chuyện Ðạo, cần xác định lại phương diện vị trí, hoặc theo Chân đế tuyệt đối (paramartha) hoặc theo Tục đế tương đối (samvrti) hoặc Tánh (svabhava) hoặc Tướng (laksana). Vẫn biết Tánh không rời Tướng, Tướng không rời Tánh, nhưng nếu nói lẫn lộn thì thật là khó xử! Thông thường chữ "Có" có nghĩa khẳng định (affirmation), "Không" là phủ định (négation). Thí dụ hỏi: Anh có đi chơi không? Câu trả lời sẽ là hoặc Có hoặc Không. Trong trường hợp này "Có", "Không" là một trợ động từ (verbe auxiliaire), vì "có" là có cái gì? Có (đi chơi). "Ði chơi" là động từ chính. Ngoài ra chữ "Có" trong tiếng Việt có thể hiểu như một động từ (verbe). "Có" (posséder, avoir) như sở hữu, có được: "Tôi có hai căn nhà". Chữ "Có" còn có nghĩa là có mặt, hiện hữu (exister) như: Cái bàn có hay không? "Không" là một danh từ đối lập của "Có". Dù được dùng như trợ động từ hay động từ chính, chữ "Có và Không" vẫn không nằm ngoài hai nghĩa "Khẳng định" và "Phủ định". Nhưng khẳng định là khẳng định cái gì? Phủ định là phủ định cái gì? Không thể khẳng định hay phủ định suông được! Do vậy, "Có và Không" cần phải đi đôi với một túc từ (complément) mới đủ nghĩa. Song le, trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể bỏ rơi túc từ cũng không sao, vì trong nội dung câu chuyện ta vẫn có thể hiểu được. Nhưng trong Ðạo, lời Kinh thường được dịch theo lối Hán-Việt, và nếu không dùng theo văn phạm Việt Nam thì sẽ gây nhiều hiểu lầm. Ðó là trường hợp chữ "Không" của Bát Nhã: "Sắc tức thị không, Không tức thị sắc!""Cái bàn có hay không?" - Cái bàn có mà không! Nói như vậy ai mà hiểu cho nổi! Chữ Không ở đây nó không phải đối lập với Có nữa mà nó phủ định chuyện khác. Xưa kia, Thần Hội đến viếng Lục Tổ Huệ Năng. Tổ có nói câu: - Ta thấy mà cũng chẳng thấy! Thấy là thấy lỗi lầm nơi tâm mình, chẳng thấy là không thấy những việc phải quấy của người khác. Ở đây đối tượng của thấy và chẳng thấy không phải là một mà là hai thứ khác nhau. Cũng thế "Cái bàn có mà không!" là nghĩa làm sao? Cái bàn có mà không có thật! (La table existe en n'existant pas vraiment!) Danh từ "có thật" có hai nghĩa, tùy theo Ðạo hay theo Ðời. Theo Ðời, những gì mắt thấy, tai nghe, tay sờ mó được thì gọi là có thật. Theo Ðạo Phật thì danh từ có thật không có nghĩa như vậy. "Có thật" có nghĩa là có thật tánh, có tự ngã, tự tánh. Thí dụ: Nếu cái bàn có thật thì dù có đem nó ra băm chẻ, thiêu đốt thì nó vẫn là cái bàn, không thay đổi. Trải qua một trăm tỷ năm, không cần ai làm ra nó, không cần ai tạo ra nó mà tự nó vẫn là cái bàn thì đó gọi là có thật. Nhưng thực tế, nếu đem cái bàn ra băm chẻ, thiêu đốt, nó sẽ không còn là cái bàn nữa, và như vậy theo đạo Phật thì cái bàn không có thật (n'existe pas vraiment). Không có thật còn có nghĩa là không có tự tánh (n'ayant pas de nature propre). Cái bàn có mà không có thật đồng nghĩa với cái bàn có mà không có tự tánh. Chữ "Có" ở đây có nghĩa hiện hữu (exister) chứ không phải sở hữu (avoir). Cái bàn có hiện hữu chứ đâu phải không. Nó do nhiều nhân duyên hợp lại như gỗ, đinh, cưa, búa, v.v... mới thành. Vì do nhân duyên hợp nên không thể tự có một mình được. Sự không thể tự có một mình được gọi là không có tự tánh. Như vậy khi nói "cái bàn có mà không", chữ "có" và "không" ở đây không phải là hai danh từ đối đãi trực tiếp như chúng ta thường hiểu mà chữ "có" nó khẳng định một chuyện (có hiện hữu) và chữ "không" lại phủ định một chuyện khác (không có tự tánh). Ðể tránh trường hợp lầm lẫn cho "có" là đối lập của "không" chúng ta có thể thay thế chữ "có" bằng chữ "ảnh hiện" (apparaître). Về chữ "ảnh hiện", có một thí dụ rất hay trong số mười thí dụ nói về pháp Không của Kinh Ðại Bát Nhã, đó là ảo ảnh về sóng nắng (mirage). Khi đi trong sa mạc, đói khát, nhìn đằng xa, ta thấy có một ao nước. Mừng rỡ chạy vội đến. Nhưng khi đến nơi thì chẳng còn thấy ao nước nào cả! Ao nước rõ ràng hiện bày trước mắt, nhưng khi tìm lại thì không thấy. Vậy ao nước có hay không có? Nếu bảo là có, vậy sao tìm không thấy? Nếu bảo là không thì sao mắt lại thấy? Vậy phải trả lời làm sao đây? Có hai cách: - Vừa có, vừa không.Thật ra, không có cũng không không đồng nghĩa với vừa có vừa không. Hai cách trên chúng ta không nên dùng vì nó hơi "Thiền" quá! Nhiều khi chính chúng ta không hiểu mà làm cho người khác cũng không hiểu luôn. Nói chuyện mà không ai hiểu ai thì cuộc nói chuyện trở thành vô ích. Cách cuối cùng là nên trả lời dài dòng nhưng đầy đủ ý nghĩa, tức là: Ao nước có ảnh hiện nhưng không có thật - Ðây chính là Sắc tức thị Không. Ao nước tuy không có thật nhưng vẫn ảnh hiện - Không tức thị Sắc. Theo Chân Ðế tuyệt đối thì các pháp không có thật, không có tự tánh, không thể nắm bắt, nên không sinh, không diệt, tương ưng với chữ Chân Không. Nhưng Chân Ðế không lìa Tục Ðế. Các pháp tuy không có thật, không có tự tánh, nhưng chúng vẫn duyên khởi, vẫn ảnh hiện và vẫn diệu hữu. Thế nào là tuyệt đối, là tương đối? Sau một cuộc truy lùng, tìm kiếm cùng cực tới mức tối hậu (recherche ultime) mà ta thấy được một điều gì thì điều này được xem là tuyệt đối (ultime).Như thí dụ trên: Sau khi tìm kiếm ao nước trong sa mạc, ta không thấy gì cả. Sự không thấy gì cả là một cái thấy tuyệt đối, còn có nghĩa là tối hậu. Lúc sống bình thường, không cần tìm liếm, quán chiếu mà vẫn thấy, cái thấy này được xem là tương đối (relative) tựa như thấy ao nước trong sa mạc. Cái thấy tương đối (vue relative) đều được mọi người chấp nhận dễ dàng như: lửa nóng, nước lạnh, đàn ông, đàn bà, nhà, cửa, v.v... không cần tu hành gì mà cũng thấy được nên gọi là Tục đế (vérité conventionnelle). Cái thấy tuyệt đối (vue ultime) là cái thấy của các bậc tu hành, trải qua thời gian quán chiếu mới nhận ra, và nó có khả năng đưa đến giải thoát nên gọi là Chân đế (vérité ultime). Vô Ngã, tức không có
cái Ta (tự tánh) thuộc Chân đế,
cái Ta (giả lập) thuộc Tục đế.
Ghi chú: [1] Danh từ "Tiểu thừa" (Hinayana) ngày nay không còn ứng dụng mà nó được thay thế bởi danh từ "Nguyên Thủy" (Theravada). Tuy nhiên ở đây tôi vẫn tạm dùng danh từ "Tiểu thừa" để đối lại danh từ "Ðại thừa" (Mahayana), chứ hoàn toàn không có ý khinh thị hay hạ miệt Phật giáo Nam tông. [2] Ở đây giải theo kiểu chiết tự nên tôi thêm vào một loại từ ngữ thứ hai (Pháp văn) để bạn đọc dễ hiểu hơn. Tuy nhiên có nhiều lúc cũng không được chính xác cho lắm, vì chữ "pensée" thường được dịch tổng quát là ý tưởng, ý niệm, ý nghĩ. [3] Prajnapãramita, E. Lamotte, quyển IV, tr.1999 -oOo- |
[ Trở Về ] [ Ðầu trang ]