4. Bố
thí có mấy loại?
Nếu ta là người học Phật lâu năm
ta sẽ nhanh nhẹn trả lời rằng có 3 loại:
1) Tài thí: tức bố thí
tiền.
2) Pháp thí: tức bố thí pháp.
3) Vô úy thí: tức bố thí sự không
sợ hãi.
Trả lời như vậy xong, ta yên chí
cho là mình đã hiểu xong Bố thí Ba La Mật, rồi ta bỏ qua,
đi lấy Kinh Hoa Nghiêm ra đọc, hoặc lấy sách Tổ Sư Thiền
ra coi. Nhưng than ôi! Ta đã lầm to, Bố thí Ba La Mật đâu
phải chỉ có bấy nhiêu thôi!
Khi nói đến sự bố thí, thì ta
nhận ra có ba yếu tố tạo ra nó, đó là: người cho (năng
thí), món đồ (vật thí), và người nhận (sở thí).
Ba món Bố thí mà ta vừa kể trên
(Tài, Pháp, Vô úy) thuộc về vật thí. Còn người cho và người
nhận, ta đã sơ xuất bỏ quên. Ba yếu tố cho ra sự Bố thí
quan trọng lắm, nếu thiếu một trong ba cái đó thì sẽ không
có sự Bố thí.
Có người cầm trong tay một món
đồ muốn cho mà không có ai nhận thì không có sự bố thí.
Có món đồ mà không có người cho và người nhận thì cũng
không có sự bố thí. Có người sẵn sàng nhận đồ mà không
có ai cho thì cũng không có sự bố thí.
Nếu muốn phân loại thì ta phải
căn cứ trên ba yếu tố của sự Bố thí mà phân loại:
- Trên phương diện người
cho (dayaka) thì có hai loại: Bố thí trong sạch (visuddhadàna)
và không trong sạch (avisudha).
- Trên phương diện vật thí (deya)
thì có ba loại: Tài thí (Dravyadàna), Pháp thí (Dharmadàna) và
Vô úy thí (Abhayadàna).
- Trên phương diện người nhận
(tức đối tượng của sự bố thí), còn được gọi là ruộng
phước (phước điền) thì có hai loại: ruộng phước nhỏ
(karunàpunyaksetra) và ruộng phước lớn (satkàrapunyaksetra).
Trên đây chỉ là tạm phân loại tổng
quát thôi, vì mỗi loại lại được phân ra làm các phần
nhỏ nữa mà ta sẽ đi sâu vào chi tiết sau.
I. Trên phương
diện người thí
Có hai loại bố thí: Trong sạch
và không trong sạch.
1) Thế nào là bố thí không trong
sạch?
Ðó là bố thí vì: tư lợi,
bất kính, chán ghét, yếu hèn, muốn dụ dỗ, sợ chết, muốn
chọc tức, ghen tức, ganh đua, kiêu ngạo, cầu danh, tránh né
sự nguy hiểm, muốn mê hoặc lòng người,... Tóm lại bố
thí vì một cái tâm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui hay
lợi ích cho người nhận.
2) Thế nào là bố thí trong sạch?
Nói một cách giản dị,
đó là sự bố thí có tánh cách ngược lại những gì đã
tả ở phần trên. Còn có nghĩa là Bố thí mà muốn đem lại
lợi ích cho người nhận.
Vừa kể trên là sự bố thí trong
sạch cho tất cả mọi người. Riêng cho Phật tử thì Bố
thí trong sạch còn có nghĩa là bồi đắp công đức cho sự
giải thoát, tức Niết Bàn (Nirvàna).
Phải bồi đắp cách nào? Bằng
cách bố thí với tâm trong sạch, không cầu phước báo của
Trời (Deva), người (Manusya), không cầu sự sung sướng trong
đời này và đời sau, chỉ cầu giải thoát của Niết Bàn,
bố thí với tấm lòng cung kính (satkàra) hoặc từ bi (maitrìkarùna).
Trong lúc chưa chứng được hoàn toàn quả Niết Bàn, ta vẫn
tái sinh ở cảnh an vui của Trời, người (mặc dù không cố
ý cầu), đó là do nghiệp báo tốt của sự bố thí trong sạch.
Ðức Phật có nói rằng: 'Trên đời này có hai hạng người
rất là hiếm có: 1) Một vị Tỳ Khưu đã hoàn toàn giải
thoát trong số các tu sĩ lang thang (pravajita); 2) Một người
biết bố thí trong sạch trong số các cư sĩ tại gia' (Anguttara
I).
II. Trên phương
diện vật thí
Có ba loại: Tài thí, Pháp thí và
Vô úy thí.
Trong mỗi loại trên lại chia ra:
chân chính và không chân chính.
1) Tài thí
Tài thí lại chia ra hai loại: Ngoại
thí và Nội thí.
a) Ngoại thí (bàhyadàna): Ngoại
thí là bố thí những đồ vật bên ngoài như: vàng, bạc,
của cải, quần áo, đồ ăn thức uống...
b) Nội thí (àdhyàtmika): Nội thí
là bố thí những gì trong thân thể con người chúng ta; như
xưa kia đức Phật còn làm Bồ Tát đã bố thí đầu, mắt,
chân, tay... Ngày nay ta không làm nổi như vậy thì ta có thể
ra công giúp sức như làm công quả cho chùa, kéo xe cho người
già, v...v... Hoặc tiếp máu cho bệnh nhân ở nhà thương, hoặc
ký giấy cho những bộ phận trong thân thể mình nếu bị chết
bất đắc kỳ tử.
c) Tài thí chân chính: là những
đồ vật được bố thí không phải do từ trộm cắp hay cướp
giật. Nếu ngược lại là tài thí không chân chính.
Ngoài ra nếu ta bố thí trong những
trường hợp sau đây thì phước báo sẽ tăng lên gấp bội:
1. Bố thí đúng lúc. Có
nghĩa là bố thí cho: những người đi xa, người từ xa mới
đến, người bịnh, người trông coi kẻ bịnh, trong những
mùa giá lạnh.
2. Bố thí luôn luôn mà không thấy
mệt mỏi hay chán nản.
3. Bố thí tùy theo sở thích của
người xin.
4. Bố thí những vật quí giá.
5. Bố thí cho những người làm
việc cho Chùa, làm vườn, đào mương ...
6. Bố thí cho chư Tăng.
7. Bố thí mà kính trọng người
nhận.
8. Bố thí cho những người có
đức hạnh.
9. Bố thí tất cả những gì mà
mình có.
* Sự bố thí toàn vẹn của Họa
sĩ Karna (Sùtralamkara).
Thuở đó ở làng Puskaravàvati có
một người họa sĩ tên là Karna. Vì làm ăn không khá nên
anh ta đã từ giả gia đình vợ con, lên đường một mình
sang nước lân cận là Taksasila. Nơi đây anh ta tận tụy làm
việc, kết quả là sau mười hai năm, anh ta đã dành dụm được
ba chục đồng tiền vàng. Hớn hở, anh ta trở về quê cũ,
trên đường về làng nghe thấy một hồi chuông trống báo
hiệu sắp có một cuộc hội họp quan trọng của Chư Tăng,
thế là anh ta lần mò đến. Với một đức tin trong sạch
anh đi gặp vị Tăng Tri sự (tức vị Tăng phân phối chỉ
huy buổi họp) mà hỏi rằng: 'Thưa ngài, buổi họp như vậy
nếu kéo dài một ngày thì phải cần chi phí bao nhiêu để
có thể cúng dường (vật thực) đầy đủ cho chư Tăng?' Vị
Tăng Tri sự trả lời: 'Khoảng ba mươi đồng vàng thì đủ
cho một ngày'. Nghe vậy xong, anh liền móc túi lấy ra ba mươi
đồng vàng đưa hết cho vị Tri sự mà thưa rằng: 'Con xin
thành tâm, dâng cúng vật thực một ngày cho chư Tăng'. Sau
đó anh ta trở về nhà với hai bàn tay trắng.
Về đến nhà, vợ anh mừng rỡ
chạy ra đón và hỏi: 'Trong suốt mười hai năm anh đã làm
được bao nhiêu tiền?' Anh ta trả lời: 'Ðược ba mươi đồng
vàng'. Vợ anh hỏi tiếp: 'Thế ba mươi đồng vàng đâu anh
hãy cho xem?' Anh ta nói: 'Tôi đã gieo tất cả vào một ruộng
phước (punyaksetra) rồi'. Vợ anh hỏi ruộng phước nào thì
anh trả lời: 'Tôi đã cúng dường hết cho Giáo đoàn Tăng
Già (Sangha)'. Vừa nghe như vậy xong, người vợ liền nổi
giận la hét mắng chửi và đánh đập anh, rồi lôi kéo anh
ra tòa nhờ quan trên xét xử và trừng phạt anh. Ra đến tòa,
quan hỏi có chuyện gì thì vợ anh thưa rằng: 'Chồng tôi là
một tên khùng nặng ! Trong suốt mười hai năm trời đi làm
ở nước ngoài, dành dụm được ba mươi đồng vàng. Nhưng
về đến đây không biết nghĩ và thương hại đến vợ con,
nên chồng tôi đã phung phí, cho người ta hết không còn đồng
nào. Chiếu theo pháp luật, tôi lôi anh ta đến đây xin quan
trên xét xử'. Quan tòa hỏi người chồng: 'Tại sao anh lại
đưa cho người ta hết thay vì đem về đưa cho vợ con?' Anh
trả lời: 'Trong những kiếp sống trước của tôi, tôi đã
không biết làm các hạnh lành, vì thế nên trong kiếp này
tôi phải chịu cảnh nghèo và cực khổ. Nhưng cũng trong kiếp
này, tôi có duyên may gặp được một ruộng phước, và nếu
tôi không nắm lấy cơ hội gieo vào đó những hạt giống
lành, thì chắc chắn trong những kiếp vị lai tôi sẽ phải
chịu mãi mãi cảnh nghèo khổ không biết đến bao giờ mới
hết. Vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo khổ nên ngày hôm nay
tôi đã cúng dường hết số vàng của tôi cho đoàn Tăng Già'.
Vị quan tòa này lại là một Ưu
bà tắc (Upàsaka), có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nên
sau khi nghe anh họa sĩ trả lời như thế, liền hết lòng tán
thán: 'Việc làm của anh quả thật là cao thượng, anh đã
biết bố thí toàn vẹn cho Giáo đoàn số tiền dành dụm được
sau bao năm làm lụng cực khổ. Thật là cao quý, tôi đây thiệt
không bằng'. Thế rồi vị quan tòa liền tháo cái vòng ngọc
đang đeo ở cổ đưa tặng anh ta, cùng lúc cho anh ta con ngựa
của mình đang cưỡi và một làng nhỏ. Rồi cuối cùng quan
tòa lại nói thêm: 'Anh vừa mới hiến tặng cho Giáo đoàn,
thì tôi đây cũng xin hiến tặng lại anh, nhưng đó chỉ gọi
là một chút quả báo hiện tại, chắc chắn trong những kiếp
tới phước đức quả báo của anh sẽ vô lượng'.
* Sự cúng dường của Ma Ha
Ca Diếp (Maha Kasyapa)
Ca Diếp có nghĩa là Ẩm Quang, vì
thân hình của ngài lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng rực rỡ
và trang nghiêm. Do nhân duyên nào mà được như thế? Trong
một tiền kiếp quá khứ xa xưa vào thời Ðức Phật Tỳ Bà
Thi (Vipasyin), lúc đó tôn giả Ca Diếp tiền thân là một thợ
bạc chuyên đúc tượng. Một ngày nọ, có một thiếu nữ
nghèo vào tiệm trên tay mang theo một thoi vàng, nhờ ông đúc
một pho tượng Phật. Người thợ bạc thấy thế liền hỏi
: " Vàng ở đâu mà cô có? " Thiếu nữ trả lời :" Trên đường
đi lễ Phật về đã nhặt được."
Người thợ bạc lấy làm ngạc
nhiên hỏi : " Tôi thấy cô nghèo khổ quá, không đủ cơm ăn,
áo mặc, sao cô không đem vàng này bán đi để chi dụng cho
cuộc sống mà lại đem đúc tượng Phật? "
Thiếu nữ nói : "Vì tôi có phát
lời nguyện tại chùa là nếu có đủ thuận duyên thì tôi
sẽ đúc một pho tượng Phật bằng vàng đẻ cho chúng sinh
chiêm ngưỡng lễ bái. Và hôm nay làm được như vậy là tôi
mãn nguyện lắm rồi, không còn mong cầu chi khác hơn."
Cảm động trước sự phát tâm
bố thí cúng dường quá rộng lớn của thiếu nữ, người
thợ bạc cũng phát tâm : " Ðược, tôi sẽ đúc cho cô pho
tượng Phật này và tôi cũng xin nguyện cúng dường không
lấy tiền công."
Do nơi công đức bố thí và cúng
dường này mà chín mươi mốt kiếp sau, hai người sinh ra lúc
nào thân hình lúc nào cũng trong sáng trang nghiêm và gặp được
nhiều thiện hữu tri thức, cho đến kiếp sau cùng sinh vào
nước Ấn Ðộ gặp Phật Thích Ca xuât gia học đạo đồng
chứng quả A La Hán.
2) Pháp thí
Thế nào là pháp thí?
Ðược xem là pháp thí gồm có:
1. Tất cả những lời nói
chân thật, hữu ích có thể đem lại an lạc cho người nghe.
2. Giảng dạy chánh pháp của đức
Phật (Buddhadharma).
3. Giảng dạy ba Tạng pháp: Kinh
(Sùtra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma).
4. Giảng dạy cho người biết hai
pháp: Thanh văn (Sravaka) và Bồ Tát (Bodhisattva).
Nghi vấn: Tại sao Ðề Bà Ðạt Ða
(Devadatta) cũng giảng dạy ba Tạng pháp, pháp Thanh văn và Bồ
Tát mà lại bị đọa xuống Ðịa ngục? Lý do tại sao?
Ai cũng biết Ðề Bà Ðạt Ða là
người chuyên môn ganh đua tìm cách hại đức Phật, lại còn
hay chia rẽ phá rối sự hòa hợp của Tăng đoàn. Ngoài hai
trọng tội này ra, Ðề Bà Ðạt Ða lại còn tạo rất nhiều
tội về tà kiến. Sự giảng dạy thuyết pháp của Ðề Bà
Ðạt Ða không phải là một sự bố thí Pháp trong sạch, nhằm
cầu sự giải thoát, mà là cầu danh, cầu lợi, cầu sự kính
trọng, ... Chính vì sự Pháp thí không trong sạch này nên Ðề
Bà Ðạt Ða chẳng gặt hái được công đức nào, và vẫn
bị xuống địa ngục như thường.
* Pháp thí không chân chính
là giảng dạy những giáo pháp của ngoại đạo, không đưa
con người đến sự giải thoát sinh tử luân hồi (như dạy
xuất hồn, dạy làm bùa phép, v...v...)
* Pháp thí chân chính là giảng dạy
những giáo pháp đưa con người đến giải thoát rốt ráo
của Niết Bàn (Nirvàna).
3) Vô úy thí
Vô úy thí có nghĩa là bố thí sự
không sợ hãi, tức là làm cho người khác được an tâm yên
chí, không sợ gì cả.
Theo nguồn gốc Kinh tạng nguyên
thủy (Anguttara, Itivuttaka) thì chỉ có hai loại Bố thí, đó
là Tài thí và Pháp thí. Nhưng theo giáo lý Ðại thừa (Mahayàna),
có thêm vào một loại bố thí thứ ba là Vô úy thí.
Theo ý kiến cá nhân, thì tôi thấy
Vô úy thí nằm trong Tài thí hoặc Pháp thí. Vì sao? Vì khi
bố thí, tức là cho, thì có hai cách: một là cho bằng hành
động, hai là cho bằng lời nói. Nếu bằng hành động thì
đó thuộc Tài thí, còn nếu bằng lời nói thì đó thuộc
Pháp thí.
Thí dụ:
* Nếu có một người đi
đường ban đêm sợ cướp giật, thấy thế ta liền đi theo
bảo vệ cho người đó hết sợ. Ta gọi đó là Vô úy thí.
Nhưng hành động đi theo của ta chính là thân thí (có nghĩa
là vác cái thân của ta đi theo người đó), vậy tức là thuộc
tài thí rồi.
* Nếu có người sợ chết, sợ
xuống địa ngục, ta liền đem giáo lý an ủi họ, chỉ cho
họ làm lành hoặc biết niệm Phật thì sau khi chết sẽ về
Cực Lạc. Nhờ đó họ không còn sợ chết nữa. Ta gọi đó
là vô úy thí. Nhưng những lời lẽ mà ta an ủi họ, đó chính
là Pháp thí rồi.
Ta không thể nào tự nhiên làm cho
người khác hết sợ hãi được. Ta phải làm một cái gì
đó (một lời nói, một sự hiện diện, một sự an ủi, một
sự giúp sức,...) cho người ấy thì người ấy mới hết
sợ (vô úy) được. Sự hết sợ chính là kết quả của Tài
thí hoặc Pháp thí. Vì vậy Vô úy thí không thể được xem
là một loại bố thí riêng biệt không tùy thuộc gì nơi hai
sự bố thí kia cả (Tài và Pháp thí).
* Thế nào là vô úy thí chân
chính?
Vô úy thí chân chính hay không chân
chính đó là tùy thuộc ở Tài thí và Pháp thí có chân chính
hay không? Thí dụ:
- Có một người sợ chết.
Ta bảo họ đừng sợ, cứ lo niệm Phật, ăn chay, làm phước,
đến khi chết sẽ về Cực Lạc. Thế rồi họ nghe theo và
hết sợ chết. Ðó là vô úy thí chân chính.
- Cũng cùng một người, nếu ta
bảo họ đừng sợ chết, vì chết là hết, không có gì phải
lo cả, không có địa ngục, không có thiên đàng. Nếu họ
tin ta mà không sợ chết nữa, thì đó là Vô úy thí không
chân chính (vì ta dạy họ chấp đoạn).
4. So sánh ba loại Bố thí
Vì thấy Vô úy thí nằm trong Tài
thí hoặc Pháp thí nên ở đây tôi chỉ so sánh Tài thí với
Pháp thí thôi.
Ða số chúng ta ai cũng biết trước
là Pháp thí quý hơn Tài thí. Chính đức Phật đã nói: 'Trong
hai loại Bố thí này, thì Pháp thí là trên' (Anguttara I). Vì
sao? Vì nhiều lý do:
- Phước báo của Tài thí
vẫn thuộc cõi Dục giới (Kàmadhatu) còn phước báo của Pháp
thí có thể nằm trong ba cõi (Traidhàtuka) hoặc ngoài ba cõi.
- Sự Bố thí tài (tiền của, đồ
vật) có giới hạn, còn sự Bố thí Pháp không có giới hạn
(apramàna), vì tiền cho lâu rồi cũng hết, còn giáo pháp cho
hoài không bao giờ hết.
- Quả báo của Tài thí còn thuộc
về hữu lậu, trong khi quả báo của Pháp thí thuộc vô lậu.
- Bố thí tài cần phải đòi hỏi
nhiều sức lực, ra công trong khi bố thí pháp chỉ cần sự
thông minh và trí tuệ.
- Chỉ có bố thí Pháp mới có thể
gặt hái được những phước báo giống như các hàng Thanh
Văn (Sravaka), Bích chi Phật (Pratyekabuddha) hay Bồ Tát (Bodhisattva).
- Chỉ có bố thí Pháp mới có thể
dẫn người khác đến con đường giác ngộ (Bodhimàrga).
- Ta có thể thực hành Tài thí trong
bất cứ thời đại (Kalpa) nào, dù có Phật hay không có Phật
ở đời. Ngược lại, chỉ trong thời đại có một đức
Phật ra đời ta mới có thể thực hiện Pháp thí được.
Vì thế Pháp thí hiếm hơn Tài thí.
Ta có thể nêu ra nhiều lý do nữa,
nhưng tóm lại bố thí Pháp sẽ gặt hái được nhiều công
đức hơn bố thí tài.
III. Trên phương
diện người nhận hay ruộng phước
Tại sao lại gọi người nhận (pratigràhaka)
ruộng phước (punyaksetra)? Tại vì chính ở nơi họ mà ta gieo
hạt giống phước đức nên gọi là ruộng phước. Nhờ có
họ mà ta mới thực hiện được sự Bố thí.
Có hai loại ruộng phước:
1) Ruộng phước nhỏ (Karunàpunyaksetra)
: Vì lòng thương hại (karunà) người nhận nên ta phát tâm
bố thí. Những hạt giống thương hại sẽ cho ra những cây
lúa nhỏ, nên gọi là ruộng phước nhỏ.
2) Ruộng phước lớn (satkàrapunyaksetra)
: Vì có tâm kính trọng (satkàra) người nhận nên ta phát tâm
bố thí. Những hạt giống kính trọng sẽ cho ra những cây
lúa lớn, nên gọi là ruộng phước lớn.
* Sự Bố thí của vua A Dục
(Asoka)
Một hôm đức Phật đi tản bộ
cùng với ngài A nan trên thành Vương Xá (Ràjagrha). Ðến một
quãng đường có hai trẻ nhỏ Jaya và Vijaya đang vui đùa lấy
đất sét nắn thành những cái nhà nhỏ. Khi thấy đức Phật
đến gần, chúng rất vui mừng hớn hở. Jaya lấy đất sét
nắn thành một cái bánh, thành kính cúi đầu cúng dâng cho
đức Phật, còn Vijaya lức đó cũng chắp hai tay lại cúi lạy
theo bạn. Jaya, trong lúc cúng dường cái bánh đất, phát nguyện
rằng sau này sẽ làm vua an trị cả một thế giới, rồi em
tụng lên một bài kệ cúng dường đức Phật. Ðức Phật
hoan hỷ đưa tay đón nhận cái bánh đất của em và mỉm cười.
Thấy đức Phật mỉm cười, ngài A nan lấy làm lạ nên hỏi
lý do, và đức Phật trả lời rằng: 'Một trăm năm, sau khi
ta nhập Niết Bàn, đứa bé này sẽ là một vị Chuyển luân
thánh vương (Cakravartin) trông coi một trong bốn châu thiên
hạ, và trong thành phố Kusumapura (Pàtaliputra), nó sẽ làm một
vị minh vương tên là A Dục (Ásoka). Sau khi chia phát những
xá lợi của ta xong, nó sẽ xây cất 84.000 bảo tháp để làm
lợi ích cho muôn loài'.
Sự tích trên cho ta thấy ý nghĩa
phước báo của một sự bố thí với lòng kính trọng người
nhận, tức ruộng phước lớn.
* Sau khi phân tách tỉ mỉ,
đi sâu vào chi tiết từng loại bố thí, ta có thể tóm tắt
lại như sau:
Một sự bố thí được xem là trong
sạch và đem lại phước đức quả báo vô lượng vô biên
cần phải có ba yếu tố sau đây:
1) Người bố thí phải có
tâm trong sạch.
2) Vật được thí phải chân chính.
3) Người nhận phải được kính
trọng tối đa.
-oOo-
|