Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


 
 
Quyển thứ mười tám

-ooOoo-

Kiền độ về y Ca Thi Na (Kathina).

Hỏi: - Bao nhiêu người thì được thọ y Ca Thi Na?

Ðáp: - Tối thiểu là năm người tiền an cư mới được thọ y Ca Thi Na. Người phá an cư, người hậu an cư, người ở trú xứ khác không được. Nếu trú xứ không đủ năm người thì được phép mời chúng tăng ở chùa khác đến cho đủ túc số để thọ. Tỳ kheo khách đến cho đủ túc số thì không được thọ (chia phần y).

Nếu trú xứ có bốn tỳ kheo và một Sa di, an cư sắp xong, cho sa di ấy thọ đại giới để đủ túc số năm người thọ y Ca Thi Na. Vị tân tỳ kheo ấy cũng được thọ.

Một tỳ kheo và bốn sa di thọ đại giới cũng như trên.

Một trú xứ có năm hay trên năm tỳ kheo nhưng không biết cách thọ y Ca Thi Na, được phép thỉnh một tỳ kheo biết pháp ở trú xứ khác đến tiến hành pháp yết ma thọ y Ca Thi Na. (Vị ấy) được phép tiến hành pháp yết ma nhưng không được chia phần y.

Pháp sư nói: - Người nào được phép dâng y Ca Thi Na cho chúng tăng?

Ðáp: - Y của cả bảy chúng và y của chư thiên đều được nhận để làm y Ca Thi Na.

Nếu người không hiểu cách làm y Ca Thi Na đến hỏi thì tỳ kheo nên dạy họ. Y Tăng Già Lê (y nhiều lớp), Uất Ða La Tăng (y vai trái) hay y An Ðà Hội (y nội), bất kỳ loại nào cũng được thọ làm y Ca Thi Na.

Vào ngày 16 khi minh tướng xuất hiện, đem vải để may y Ca thi na đến giao cho tăng. Tỳ kheo nên nói với chủ y rằng cần có số lượng kim, chỉ và tỳ kheo làm y, nhuộm y.

Nghe xong, thí chủ nên cúng dường thức ăn uống theo (số lượng) tỳ kheo làm y. Người thọ y Ca thi na cho tăng phải biết cách thức thọ y. Nếu là vải may y, trước tiên phải giặt sạch đưa cho nhiều tỳ kheo cùng nhau cắt, ráp, may lại và ngay ngày hôm ấy phải nhuộm, làm dấu xong rồi thọ.

Nếu có nhiều người đưa y Ca thi na đến, chỉ thọ một y, phần còn lại thì phân chia, nên yết ma để thọ.

Tăng đem y Ca thi na dâng cho ai? Nên dâng cho vị mà y bị rách. Nếu số tỳ kheo có y hư rách nhiều thì chọn vị già để dâng. Nếu không có vị già thì chọn lớn tuổi hạ nhất, không được dâng cho người tham lam keo kiệt.

Phật bảo các tỳ kheo: - Nên thọ trì pháp yết ma về y Ca thi na như vậy.

Trong luật đã nói rằng nếu y (may) chưa xong thì gọi một tỳ kheo khác cùng làm cho xong, không được nói (mình có) đạo đức để trở ngại việc may y, trừ người bệnh.

Pháp sư nói: - Tại sao đối với y Ca thi na có sự ân cần như vậy? Vì được chư Phật khen ngợi.

Thời quá khứ, đức Phật hiệu Liên Hoa có đệ tử Thanh văn tên Tu Xà Ða. Vị này làm y Ca thi na chưa xong (trong ngày) nên được đức Phật sai một vạn sáu ngàn tỳ kheo tập trung đến cùng (giúp) làm y Ca thi na.

Sau khi được làm xong, vị tỳ kheo trì y xả y Tăng Già Lê đang thọ trì (và nói rằng) đây là y Ca thi na, tôi xin thọ trì - nói ba lần như vậy. Sau khi nói ba lần, đặt y này trên người, mặc y bày vai trái đi đến trước thượng tọa, chắp tay hướng về chư tăng thưa rằng đại đức, con theo đúng pháp thọ trì y Ca thi na của tăng, xin tăng tùy hỷ.

Vị thượng tọa đứng dậy, mặc y bày vai trái, chắp tay hướng về Tăng mà nói rằng trưởng lão thọ trì y Ca thi na này của tăng đúng pháp, tôi xin tùy hỷ.

Tuần tự đến các vị hạ tọa cũng nói như vậy. Chư tăng hay nhiều người đều không được thọ y Ca Thi Na. Y Ca thi Na chỉ được thọ với một người. Chư tăng, nhiều người tùy hỷ theo thì sau đó cũng thành tựu y Ca thi Na.

Nếu người nào đem cả ba y dâng đến tăng để làm y Ca thi Na và họ nói rằng vị nào thọ y Ca thi Na thì được cả ba y (này) thì tùy theo lời thí chủ mà dâng cả ba y đến người thọ y, các vị khác trong tăng không được nhận.

Y Ca thi Na được thọ xong, chư tăng được dâng các lợi dưỡng, vật thường thì được phân chia, vật quý trọng thuộc về tứ phương tăng.

Nếu trong một cương giới bố tát có nhiều trú xứ thì không được thọ y Ca thi Na riêng, nên hòa hợp lại một chỗ để theo pháp thọ một y Ca thi Na, không được may sẵn, chỉ nên (đo) lấy dấu sẵn, người được giữ y mang y chưa may ra ngoài cương giới.

Ngoài cương giới là chùa khác.

Pháp sư nói: (người được chọn) thọ y Ca thi Na rồi, nhận lấy (vải may y) và ra ngoài cương giới (đến chùa khác để làm y).(?)

Vì muốn sống an lạc nên không có ý trở lại: tỳ kheo ra khỏi cương giới rồi, thấy trú xứ (mới) có phòng ở tốt, nên có ý không trở lại thì bị mất trú xứ trước, sau đó mất công đức y... Các cău văn khác trong luật đã nói rõ.

Ta không (nhận) làm y và cũng không trở về: nếu đã có ý nghĩ này thì cả trú xứ và công đức y đều mất.

Mất do (không đúng với) thời gian làm y: người được làm y, trước mất trú xứ, sau đó mất y công đức.

Mất do nghe: trước mất y công đức, sau mất trú xứ.

Không còn sự mong cầu (có đủ vải để may y): trước mất trú xứ, sau khi mất sự mong cầu (vải) thì lại có (vải) theo sự mong cầu hoặc là có (vải) nhưng không do mong cầu.

Văn này trước sau thay đổi nhau nên thành nhiều câu chứ không có ý nghĩa sâu xa, trong luật đã nói rõ.

Hết phần Kiền Ðộ Ca thi Na (Kathinakkhandhakavan-nanà nitthità).

-ooOoo-

Người đang hành pháp biệt trú, nếu có người thỉnh hoặc cho người khác thọ giới thì được phép tạm thời ngừng hành pháp, sau khi xong việc trở lại tiếp tục hành.

Khi xả hành pháp (biệt trú) nên nói thế này: tôi xin xả pháp Ba Lị Bà Sa (parivàsa - hành biệt trú), nói ba lần.

Ðối với việc hành biệt trú pháp Ma Na Ðỏa (Mànatta - tùy thuận sự giáo dục của Tăng), người đang chấp hành pháp này mà các tỳ kheo (ở đó) đi vắng hết, thì chỉ cần tâm niệm rằng nếu có tỳ kheo đến, ta sẽ thưa (với họ). Nếu trong suốt sáu ngày (hành pháp này) không có tỳ kheo nào để thưa trình thì cũng được xuất tội.

Nếu trong chùa có nhiều tỳ kheo lai vãng nên khó thưa trình, vào ngày được xả hành pháp, khi minh tướng chưa xuất hiện, đưa bốn hay năm tỳ kheo ra ngoài cương giới, ngoài tầm đá ném, người thọ hành pháp bạch tăng rằng con hành pháp đã qua... ngày, còn lại... ngày.

Nếu trong cương giới có tỳ kheo đi ra đến nơi đang hành pháp thì nên bạch (với họ). Nếu không bạch thì bị mất đêm (số ngày đã hành pháp).

Nếu có tỳ kheo đi theo, thọ hành pháp xong, khi họ trở về nên để lại một vị chờ minh tướng xuất hiện để xả hành pháp rồi cùng nhau về chùa (làm) theo như pháp trước đây, đủ sáu đêm thì được xuất tội.

Pháp xuất tội trong luật bản đã nói rõ nên không nêu ra nữa.

Bấy giờ, tại một trú xứ ở Câu Diệm Di có hai tỳ kheo: một vị luật sư, vị kia là kinh sư.

Một hôm, vào nhà xí, sau khi sử dụng chậu nước để rửa xong, vị kinh sư không đổ nước (thừa) ra và úp chậu xuống. Vào nhà xí, thấy còn để nước thừa trong chậu rửa, vị luật sư hỏi kinh sư rằng ai vào nhà xí mà không đổ nước thừa và úp chậu xuống?

Vị kinh sư đáp: - Chính tôi.

Vị luật sư hỏi: - Thầy biết tội tướng không?

Vị kinh sư đáp: - Tôi thật không biết tội tướng.

Luật sư nói rằng: - Thầy phạm tội Ðột-cát-la.

Vị kinh sư nói: - Nếu phạm tội Ðột-cát-la thì tôi phải sám hối.

Luật sư nói: - Thầy có cố ý làm không?

Kinh sư nói: - Không cố làm.

Luật sư: - Nếu không cố ý làm thì không có tội.

Vị kinh sư nghe rõ lời luật sư nói là không có tội.

Trở về phòng, vị luật sư nói với đệ tử của mình rằng: vị kinh sư kia không biết phạm, chẳng biết không phạm.

Nghe thầy mình nói như vậy, đệ tử vị luật sư nói với đệ tử vị kinh sư rằng thầy ông không biết phạm hay không phạm gì cả.

Nghe như vậy, đệ tử vị kinh sư đến nói với thầy mình về sự việc ấy.

Nghe đệ tử mình nói, vị kinh sư bảo họ rằng luật sư này trước đây nói ta vô tội, nay lại nói ta có tội, luật sư ấy nói dối.

Nghe thầy mình nói như vậy, đệ tử của kinh sư nói với đệ tử luật sư rằng thầy ông phạm tội nói dối.

Nghe nói như vậy, đệ tử vị luật sư đem thưa lại thầy mình. Cứ như vậy, sự việc này lan rộng ra trở thành cuộc tranh cãi lớn. Sau đó, vị luật sư tìm được lỗi của kinh sư nên tập họp tăng để cử tội vị này và tác pháp yết ma cử tội. Do đó, trong luật nói hòa hợp cử tội.

Hỏi: - Tại sao bằng năng lực thần thông, đức Phật rời chỗ ngồi đi đến nước Xá Vệ mà không nói với các tỳ kheo?

Ðáp: - Nếu ở giữa chúng tăng, đức Phật làm vị phán quyết thì người thắng lý sẽ hoan hỷ, người thua lý sẽ nói rằng đức Phật thiên vị cho nhóm người kia và phỉ báng Như Lai rằng Ngài có yêu thương và ghét bỏ. Do phỉ báng Phật nên khi qua đời họ bị đọa địa ngục. Cho nên đức Phật rời chỗ ngồi ra đi mà không chịu phán quyết cho họ.

Hết phần Kiền Ðộ về Câu diệm di (Kosambhikkhandh-akavannanà nitthità).

-ooOo-

Phần Chiêm ba kiền độ không giải thích (Campeyyak-khandhakavannanà nitthità).

Tranh cãi nhau bằng lời thì diệt bằng hai pháp tỳ ny (là) hiện tiền tỳ ny (Sammukhàvinaya) và đa mích tỳ ny (Yebhuyyasika-phán đoán theo số đông có đạo đức). Ưùc niệm tỳ niệm (Sativinaya) chỉ áp dụng cho bậc tỳ kheo ái tận cho đến bậc A Na hàm chứ không dùng cho phàm phu.

Ða mích tỳ ny là đến khắp nơi tìm các vị tỳ kheo biết pháp để phán quyết nên gọi là đa mích (tìm nhiều) tỳ ny.

Ma Di (Màtika) là hai bộ ba la đề mộc Xoa (giới bản của tăng và ny).

Nếu hành Xá La (Salaka-thẻ bỏ phiếu) mà bên nhiều thẻ (là) phi pháp thì thu thẻ xướng lên rằng sáng mai tiến hành phát thẻ lại.

Trong thời gian đó, lại tìm kiếm những người cùng phe như pháp.

Nếu thượng tọa lấy thẻ phi pháp thì người đếm thẻ nói nhỏ riêng rằng thượng tọa tuổi già sao nắm lấy thẻ phi pháp như vậy, nên bắt lấy thẻ đúng pháp.

Hết phần bảy pháp diệt sự tranh cãi (Satta adhikaranasamathà).

-ooOoo-

Kiền độ về tỳ kheo ny:

Tại sao đức Phật không cho người nữ xuất gia? Vì cung kính pháp vậy. Nếu độ cho người nữ được xuất gia thì chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm. Do đức Phật chế tám pháp tôn kính cho tỳ kheo ny nên chánh pháp lại được tồn tại một ngàn năm.

Pháp sư nói: - Sau một ngàn năm, Phật pháp bị diệt tận (phải không?).

Ðáp: - Không phải bị diệt tận, trong một ngàn năm (đầu có người) đắc tam đạt trí; trong một ngàn năm tiếp theo đắc ái tận A la hán, không có chứng tam đạt trí; trong một ngàn năm tiếp theo đắc A Na Hàm; trong một ngàn năm sau nữa chứng Tư Ðà Hàm; trong một ngàn năm nữa chứng Tu Ðà Hoàn; học pháp trong năm ngàn năm tiếp theo, trong năm ngàn năm này có đắc đạo; sau năm ngàn năm này có học mà không đắc đạo; sau một vạn năm (10,000) kinh sách bằng văn tự đều bị tiêu diệt hết, chỉ còn có biểu hiện sự cạo tóc, mặc pháp phục mà thôi.

Hết phần kiền độ tỳ kheo ny.

-ooOoo-

Vật có giá trị lớn không được phân chia: không được đem ruộng vườn, ao giếng của tăng bán đổi lấy vật khác, chỉ trừ trao đổi (vật cùng loại).Những vật của tăng như giường, tòa ngồi, vật dụng không được phân chia, không được bán, trừ trao đổi. Ống đựng thuốc nhỏ mắt, cây ráy tai, kim chỉ, dao nhỏ, khóa cửa, tích trượng, tiểu hoàn(?) vật dụng bằng sắt thì được phân chia, những vật dụng khác không được phân chia trừ dao (búa) chẻ cây chà răng, trừ dao nhỏ, dép da, dù thì được phân.

Nếu có người dâng cúng tre, cỏ và đất thì không được phân, dâng thuốc thì được phân, dâng tủ rương thì không được phân. Nếu họ dâng vật dụng trong phòng tăng thì không được phân chia gì cả, trừ ống đựng dầu.

Hết phần kiền độ về pháp (Vattakkhandhaka).

(Xin xem tiếp Phần 18.b - Phụ lục)

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế



Trở Về