Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


 
 
Quyển thứ mười bốn

-ooOoo-

Pháp Tăng tàn 13 (Sanghàdisesa 13)

Bấy giờ, đức Phật ở tại tinh xá vườn Cấp cô độc, nước Xá Vệ.

Gây tiếng xấu ở nhà người: có hai tỳ kheo, một vị tên Mã sư (Assaji), một vị tên Mãn-túc (Punabbasuka) cùng trú ở núi Kệ-trá (Kitàgiri) cũng là tên của làng này.

Hai tỳ kheo này thường xuyên sửa sang phòng ở trong ngôi chùa thuộc làng Kệ-trá. Nhân vì việc sửa sang, họ thường xuyên qua lại với những người thế tục để chuyện trò bàn bạc nhưng không biết e dè xấu hổ gì cả.

Tỳ kheo gây tiếng xấu ở nhà ngưòi: Mã sư và Mãn Túc này là bậc thượng tọa trong nhóm sáu tỳ kheo. Cả hai vốn là nông phu làm ruộng cực khổ nên bàn với nhau rằng chúng ta làm ruộng quá khổ cực vậy hãy cùng nhau xuất gia để tự nhiên được ăn mặt trong Phật pháp.

Người kia đáp: Lành thay , rất đúng.

Họ lại cùng nhau tính toán rằng chúng ta nên xuất gia với ai; nên đến xuất gia với tôn giả Xá lợi Phất, Mục Kiền Liên.

Sau khi bàn bạc, họ đến gặp Xá-lợi-Phất, Mục-kiền-liên và xin xuất gia. Họ được Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cho xuất gia, truyền giới cụ túc và dạy hết giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa. Mãn năm hạ, họ có thêm tỳ kheo Hoàng xích và tỳ kheo Từ địa.

Bốn người cùng nhau bàn luận: thành Xá Vệ này có lúc sung túc nhưng cũng có lúc bị đói kém, chúng ta không nên tụ tập mãi một nơi mà hãy phân tán đến các nước khác.

Ba người kia hỏi tỳ kheo Hoàng xích: "Trưởng lão! thầy thích ở nơi nào?"

Tỳ kheo Hoàng xích đáp: - Tôi thích ở thành Xá Vệ. Nước này có 57 vạn hộ dân cư trong (thành) và tám vạn tụ lạc trực thuộc ở ngoại thành. Ðất đai cả nước ngang và dọc đều một trăm do tuần. Ở nước này, các vị hãy trồng nhiều cây hoa trái như xoài (Amba), mít (Panasa), dừa (Nàlikera), có nhiều loại hoa như chiêm bặc, thọ xà đề, mạt lỵ rồi đem những hoa quả ấy khuyến dụ nam nữ cư sĩ. Có cư sĩ nào muốn xuất gia, các vị nên độ cho họ xuất gia, làm cho tăng thêm những người thân cận chúng ta.

Họ lại hỏi tỳ kheo Từ-địa: - Thầy thích ở đâu?

Ðáp: tôi thích ở thành Vương Xá. Thành này bên trong có tám ức vạn hộ nhân dân, bên ngooài có tám vạn tụ lạc trực thuộc. Ðất đai cả nước ngang và dọc đều ba trăm do tuần. Ở nước này, các vị trồng nhiều cây hoa trái và độ người khác xuất gia như nói ở trước.

Họ lại hỏi Mã sư: - Thầy thích ở chỗ nào?

Mã sư đáp: - Tôi thích ở tụ lạc Hắc sơn. Tụ lạc này có thức ăn uống dồi dào, mỗi năm đến ba vụ mùa.

Họ lại hỏi Mãn túc: - Thầy thích ở chỗ nào?

Mãn túc đáp: - Tôi thích ở chung với Mã sư. Hai vị hãy sửa sang chỗ ở cho tốt đẹp, trồng nhiều hoa quả đem khuyến dụ các nam nữ cư sĩ.

Sau khi phân chia nhau như vậy, bốn tỳ kheo ấy trở về chỗ ở của mình, sửa sang cho xinh đẹp để độ người xuất gia. Sau đó, ở mỗi trú xứ số đệ tử thân cận của họ có đến năm trăm người, cộng lại là một ngàn năm trăm vị.

Ðệ tử thân cận của tỳ kheo Hoàng xích (Padukalohitaka) đều giữ giới đầy đủ. Vị này đưa các đệ tử thân cận theo đức Phật du hành các nước, chỉ hộ trì không vi phạm những giới mà Phật đã chế định nhưng lại phạm vào những giới chưa chế. Tại trú xứ của mình, cả ba nhóm này đều không biết tàm quý, vi phạm tất cả những giới mà Phật đã chế hay chưa chế. Những tỳ kheo xấu ác này làm những việc không nên làm, hành động những việc không nên hành động. Việc này trong luật bản có nói rõ.

Trồng hoa, nghĩa là tự mình trồng hay bảo người khác trồng, một loại hoa hay nhiều loại hoa, tự mình tưới cây hay bảo người khác tưới, tự mình đào đất làm ao hay bảo người khác đào ao để trữ nước dùng tắm giặt hay tưới hoa, đều là những việc bất thiện.

Nếu làm ao cho Tăng, hay cho mình, đều không được tự làm hay sai người đào nhưng nếu chỉ nói lời tác tịnh thì không phạm (lời tác tịnh là lời tỳ kheo nói theo luật định để tịnh nhân hay người cư sĩ hiểu và làm theo trong phạm vi cho phép -- người dịch)

Nếu làm vườn cho Tăng, hoặc tự làm cho mình hoặc trồng cây lấy bóng mát đều phải dùng lời nói tác tịnh.

Nếu trồng các loại hoa quả để mua chuộc khuyến dụ nam nữ cư sĩ, tự mình trồng hay bảo ngưòi khác trồng, đều phạm Ðột-cát-la. Nếu trồng cho Phật, Tăng thì không phạm,nhưng không được đào đất làm chết hạt giống. Nếu trồng cây cho Tăng lấy trái ăn thì vô tội.

Nước không có trùng, được phép tự mình hay bảo người tưới cây, vô tội.

Pháp sư nói: Nói lời tác tịnh để bảo người trồng thì được. Lời tác tịnh là gì? (Như bảo rằng) ông hãy làm cho cây này được sống, đừng để nó chết. Nghe vậy, tịnh nhân tùy theo lúc mà xử lý việc tưới cây.

Không được kết vòng hoa cho người thế tục, cho đến không được rãi hoa, bó hoa cho đều... trừ cúng dường Tam Bảo.

Không được múa nghĩa là không được cử động thân thể cho đến tay. Không phạm: nếu người đời bảo tỳ kheo lễ Phật, đọc kinh, chú nguyện, hoặc bảo tỳ kheo đánh khánh, chuông tập họp chúng để bố tát hay làm các pháp sự khác thì được làm theo.

Những câu văn khác trong luật cũng dễ hiểu.

Nếu tỳ kheo bệnh mà không có thuốc thang, đem hoa quả hay các thức ăn uống dư đưa cho người thế tục để đổi lấy thuốc uống thì không phạm.

Tỳ kheo nào tuân theo lệnh người đời sai khiến, khi bắt đầu đi, mỗi bước phạm một Ðột-kiết-la. Nếu được thức ăn uống, nuốt mỗi miếng phạm một Ðột-kiết-la. Thậm chí vì người đời sai bảo, tỳ kheo truyền lại lời nói, tùy mỗi câu hỏi đáp, đều phạm tội Ðột-kiết-la, trừ trường hợp làm theo lời sai khiến của năm chúng xuất gia thì không phạm.

Nếu cha mẹ, chúng Tăng, tịnh nhân bị bệnh, vì tìm thuốc thang nên tỳ kheo phải nghe theo sự sai khiến của người đời, không phạm.

Trên đây đã giảng rộng về giới gây tiếng ở nhà người.

Sau khi hành Ba-lị-bà-sa, tiếp theo cho hành sáu đêm Ma-na-đỏa. Ma-na-đỏa, Hán dịch là chế phục sự kiêu ngạo, cũng gọi là hạ ý. Hạ ý nghĩa là phục vụ chúng Tăng.

Hành A-phù-ha-na giữa chúng Tăng hai mươi vị, A-phù-ha-na, Hán dịch là gọi vào (hoán nhập), cũng gọi là hết tội. Gọi vào hết tội là gì?. Nghĩa là (gọi cho vào) cùng được phép làm các pháp sự như Bố tát, thuyết giới, tự tứ với tăng nên gọi là gọi cho vào (vì) hết tội.

Pháp sư nói: 

- Trên đây là hết phần giải thích mười ba giới Tăng-già-bà-thi-sa. 
(Kuladùsakasikkhàpada - vanna- nànitthità).

-ooOoo-



Hai Pháp Bất Ðịnh (Aniyata)

Khi ấy, đức Phật ở tinh xá Cấp-cô-độc, vườn Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Lúc hỏi nghĩa là: khi thấy không có người thì hỏi nữ Phật tử rằng: "Cô buồn rầu, mệt mỏi, đói khát phải không?”... “chồng cô không nghĩ đến cô phải không?”...hỏi bằng những câu thế tục như vậy.

Khi thấy (có người) thì thuyết pháp như vậy: có nghĩa khi thấy có người khác (đến) thì thuyết pháp cho cô này.

Thuyết pháp nghĩa là thuyết về năm giới, tám giới, bữa ăn thường, bữa ăn do bắt thẻ (Salàbhatta), bữa ăn trong nữa tháng...nói những pháp như vậy cho cô kia.

Nhiều con (Bahupattà): nữ Phật tử này có mười con trai, mười con gái nên gọi là nhiều con.

Nhiều cháu (Bahunattà): mỗi người con trai và gái của nữ Phật tử này đều có hai mươi người con. Tổng cộng cả con và cháu lại là bốn trăm hai mươi người.

Thấy mẹ Tỳ-xá-khư (Visàkhà-Migàramàtà) có nhiều con cháu như vậy, người trong nước cùng nhau bình luận rằng bà ấy tốt. Do đó, khi có các việc cưới hỏi trong gia đình, họ đều đến đón mẹ Tỳ-xá-khư và lấy đó làm phép tắc.

Câu chỗ này này:nơi có thể làm việc dâm dục.

Ngồi nơi chỗ khuất thuận tiện: hoặc tỳ kheo cùng người nữ ngồi chung, hoặc người nữ ngủ mà tỳ kheo ngồi, hoặc tỳ kheo ngủ mà người nữ ngồi, hoặc cả hai cùng ngủ hay cùng ngồi. Thế nên trong luật có nói rằng khuất mắt và khuất tai.

Thế nào là khuất mắt? - Ðối trước người không thấy.

Thế nào là khuất tai? - Ðối trước người không nghe, hoặc đối trước người mù, hoặc đối trước người nữ mà có người đang ngủ.

Người có lời nói đáng tin (Saddheyyavacasa): vị nữ Phật này là vị đệ tử Thanh văn. Do đó, trong luật nói là vị đã đắc quả Thánh, vị này được gọi là nữ Phật tử có lời nói đáng tin.

Nếu tỳ kheo nói: tôi cùng ngồi với người nữ Phật tử thì trị phạt mỗi tội tùy theo lời nói của tỳ kheo chứ không trị phạt theo lời nói của nữ Phật tử.

Tại sao? - Có thể thấy hay nghe không rõ ràng.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ nói về việc này. Trong tinh xá vườn Ma-la (Mallàràma-vihàra) có một vị tỳ kheo không còn khát ái. Một hôm, vị này đến nhà thí chủ và ngồi trong phòng. Trước tỳ kheo này, có một nữ Phật tử đang đứng dựa vào giường khác. Bên ngoài, có một tỳ kheo phàm phu đang đi vào nhà để khất thực, trông thấy tỳ kheo kia đang đối diện với người nữ. Vì cho rằng cùng ngồi chung một giường nên tỳ kheo này cứ nhìn mãi.

Vị ái tận tỳ kheo suy nghĩ: tỳ kheo này sẽ nói rằng ta cùng người nữ ngồi chung giường.

Sau khi cả hai cùng về trú xứ, vị tỳ kheo khất thực muốn cử tội vị kia nên đến phòng tỳ kheo ái tận và gõ cửa muốn vào để nói.

Ðã biết tâm ý của vị này, với năng lực thần thông, vị tỳ kheo ái tận đi ra khỏi phòng theo chỗ cây đòn dông và ngồi trên hư không.

Vào trong phòng, tỳ kheo tìm khắp nhưng không thấy. Thấy tỳ kheo ái tận kia ngồi trên hư không, tỳ kheo này nói rằng: "Ðại đức! Ngài có thần lực như vậy, vì sao lại vào nhà thế tục và cùng ngồi với người nữ chung giường một cách riêng tư?

Vị tỳ kheo ái tận đáp: - Trưởng lão! Ðây là tội đi vào nhà thế tục một mình. Trưởng lão hộ trì cho tôi, thật tốt đẹp.

Pháp sư nói: - Ðây là thấy không rõ, thuộc về tội đi một mình vào nhà thế tục. Do đó, chỉ thấy thì không thể tin hẳn được.

Tỳ kheo nào muốn vào làng xóm để thích cùng người nữ ngồi ở chỗ khuất: khi mặc y, mang bát thì phạm tội đột-cát-la; khi phát xuất, mỗi bước đi phạm mỗi tội đột-cát-la; vào nhà thí chủ và ngồi ở chỗ khuất thì phạm tội Ba-dật đề; nếu bước ra rồi lại trở vào ngồi, cứ mỗi lần ngồi là một tội Ba-dật-đề. Nếu có nhiều người nữ cùng ngồi chung thì bị phạm nhiều tội ba-dật-đề. Nếu tỳ kheo đã ngồi ở chỗ khuất trước, người nữ đến lễ bái, thưa hỏi thì không phạm. (Tánh cách tội của giới này) phát sinh từ thân và tâm.

Trên đây đã giải thích pháp bất định thứ nhất. 
(Pàtha-màniyatavannanànitthità).



Pháp Bất Ðịnh Thứ Hai (Aniyata)

Bấy giờ, đức Phật ở tinh xá Cấp cô độc, vườn Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Chỗ trống trải (Raha paticchanna) là không phải chỗ khuất kín đáo.

Một tỳ kheo và một người nữ: nơi này không có người nam và có thể nói lời thô tục (Dutthullà vàcà). Trừ trường hợp có đàn ông hiểu biết (thì được ở chỗ trống trải này).

Các câu văn khác (ý nghĩa) như giới bất định thứ nhất ở trên.

Các trường hợp không phạm tội: (phạm) đầu tiên khi chưa chế giới, điên cuồng, loạn tâm ý, đau khổ bức bách. Tánh cách tội của giới này phát sanh từ thân và tâm, thuộc về lạc thọ và xả thọ.

Trên đây là giải thích về giới bất định thứ hai. 
(Aniyatavannanà nitthità).

-ooOoo-

Tiếp theo là ba mươi pháp Ny-tát-kỳ (Nissaggiya-pàcittiya)

1. Giới thứ nhất (Nissaggiyapàcittiya 1)

Bấy giờ, tại đền Cù-Ðàm (Gotamakacetiya), nước Tỳ-xá-ly, đức Phật cho phép các tỳ kheo thọ trì ba y (Ticìvara). Ba y là:

1) An-đà-hội (Antaravàsaka)
2) Uất-đa-la-tăng (Uttaràsangha)
3) Tăng-già-lê (Sanghàtì)
Pháp sư nói: giải thích về ba y, trong phẩm Kiền-đà-ca- kỳ-bà (Khandhakajivakavatthu) sẽ nói rõ.

Dùng y khác (với ba y) đi vào làng xóm: vào phòng mặc y khác, vào làng xóm mặc y khác, như vậy có đến chín y.

Phật đã cho phép chúng ta chứa ba y, nhân đó mỗi loại y đều có ba tấm y, vì vậy thành chứa chín y.

Muốn cho trưởng lão Xá-lợi-phất: khi ấy, trưởng lão A-nan nói rằng trừ đức Phật Thế Tôn, các đệ tử Thanh văn khác đều không sánh bằng Xá-lợi-phất.

Do đó, khi được ca-sa, A-nan đem nhuộm, chà láng, điểm tịnh (Bindukappa - làm dấu) xong, rồi dâng y tốt đến Tôn giả Xá-lơi-phất. Khi được thức ăn đúng thời (Yàvakàlika), có thức ngon thì A-nan đem dâng cho Tôn giả Xá-lợi-phất trước. Nếu được nước uống phi thời (Yàmakàlika), thuốc bảy ngày (Sattàyàmakàlika); thuốc trọn đời (Yàvajivika), trong ấy có vật nào ngon thì A-nan đem dâng đến Xá-lợi-phất.

Nếu có những người con cũa trưởng giả muốn xuất gia đến cầu A-nan. A-nan dạy họ đến gặp Xá-lợi-phất để cầu làm hòa thượng hoặc A-xà-lê.

Với ý nghĩ rằng con người trưởng giả phải cung phụng cha mẹ, thế nên ta phải cúng dường Thế Tôn, A-nan đã làm hết những việc ấy và ta không phải làm gì cả, cho nên Xá-lợi-phất thường kính trọng A-nan. Khi được y phục, thức ăn, Tôn giả Xá-lợi-phất đem những vật ngon tốt cho A-nan trước. Thế nên, trong luật bổn nói muốn dâng đến Xá-lợi-phất.

Phật hỏi A-nan: - Bao giờ Xá-lợi-phất trở về?

A-nan đáp: - Có thể trong chín hay mười ngày.

Hỏi: - Vì sao trưởng lão A-nan biết trong chín hay mười ngày nữa Tôn giả Xá-lợi-phất sẽ trở về?

Ðáp: - Biết như vậy là vì khi trưởng lão Xá-lợi-phất muốn du hành các nước khác, đến gặp A-nan và bảo rằng ta muốn du hành đến nước ...nước...vào lúc...ngày...sẽ trở về. Trưởng lão nên cúng dường Thế Tôn một cách tốt đẹp, cẩn thận chớ biếng nhác. Nếu Thế tôn thuyết pháp cho bốn chúng hay trời rồng...thì trưởng lão hãy ghi nhớ. Khi ta trở về, trưởng lão sẽ nói lại cho ta nghe. Khi nào Thế Tôn tìm ta, trưởng lão hay sai người báo cho ta biết.

Khi ở các nước khác, Xá-lợi-phất sai người đem lời đến thăm Thế Tôn rồi sau đó đến gặp A-nan và bảo rằng Xá-lợi-phất thăm hỏi đại đức có ít bịnh, khỏe mạnh và sống an lạc không; sau khi thăm hỏi, bảo với A-nan rằng vào ngày...tôi sẽ trở về. Do đó, A-nan biết được trong vòng chín hay mười hôm nữa Xá-lợi-phất sẽ trở về.

Thế nên, trong luật bản có nói: Phật bảo các tỳ kheo rằng cho phép chứa y dư trong mười ngày.

Pháp sư nói: - Nếu A-nan nói rằng một tháng hay nữa tháng Xá-lợi-phất sẽ trở về thì đức Như Lai cũng theo (số ngày ấy) mà chế giới. Vì A-nan nói trong mười ngày (Xá-lợi-phất) trở về nên đức Như Lai cho phép chứa y dư trong mười ngày không phạm (Atireka-Civara).

Hỏi: - Tại sao Như Lai chế giới vì có lời nói của A-nan?

Ðáp: - Ðây là chế tội chứ không phải là tánh tội nên (đức Phật) tùy theo lời nói của A-nan mà chế giới.

Y đã xong (Nitthitacìvara): tùy theo sự việc mà có được y xong, hoặc y chờ (vọng y) đã xong, hoặc không còn mong được y nữa (Civarapalibodha).

Làm (y): đo, cắt (vải), ráp lại, may thành (y).

Xong: các việc đã chấm dứt.

Mất y (Ubbhata kathina): hoặc bị đoạt, bị mất, bị cháy, bị trôi, bị hư; không còn mong được y nữa hoặc hết tháng Ca-đề (Kattika) hoặc xả y công đức. Với những trường hợp như vậy gọi là các việc đã chấm dứt.

Phật dạy các tỳ kheo: có tám trường hợp xả y Ca-hy-na (Kathina). Ðó là:

1. cùng bỏ đi; 2. đã làm y xong; 3. quyết bỏ không về; 4. y bị hư mất; 5. nghe đã xả; 6. không mong được nữa; 7. ra ngoài cương giới; 8. cùng nhau xả. (Xem luật xuất gia Ngài Hộ Tông trang 485+97).

Pháp sư nói: tám việc này sẽ nói lại trong phần Kiền-đà-ca (Kathina-Kkhadhaka).

Tăng cùng xả: tác bạch yết ma để xả.

Mười ngày: là thời gian y này được phép chứa trong mười ngày, không được nhiều hơn.

Từng loại trong sáu loại y: sáu loại y là: 1. Khiển-ma (Khoma - sợi gai); 2. Cổ-bối (Kappàsika - bông); 3. Cú-xa-da (Koseyya - tơ); 4. Khâm-bà-la (Kambala - lông thú); 5. Sa-na (Sàna - vỏ cây); 6. Bà-hưng già (Bhanga- trộn cả 5 loại trên). Ðối với từng loại y này, trong mười ngày phải thuyết tịnh (gởi y). Nếu (vải) y dài hai gang tay, rộng một gang tay thì phải thuyết tịnh. Nếu không thuyết tịnh, để quá 10 ngày thì phạm xả-đọa. Thế nên trong luật bản nói rằng Ta (Phật) cho phép các tỳ kheo thuyết tịnh (tấm vải) y dài tám ngón tay. Ðây là ngón Tu-già-đà (Sugatangula: chiều dài đo theo ngón tay đức Thiện Thệ), rộng bốn ngón tay là (tấm vải) y nhỏ nhất (y ở đây là tấm vải để may y. ND).

Ny-tát-kỳ (Nissaggaya) Hán dịch là xả. Ðây là luật pháp, tội Ba-dạ-đề cần phải sám hối.

Pháp sư nói rằng: - Khi nào thì bị (tội) ny-tát-kỳ?. Khi A-lưu-na (Arunuggamana-Hán dịch minh tướng mặt trời mọc) xuất hiện thì bị tội.

Nếu có nhiều y, cột lại để một chỗ, để quá 10 ngày thì phạm một tội. Nếu y để rời ra không buộc lại thì tính theo số y nhiều ít mà kết tội. Sau khi xả rồi mới sám hối.

Pháp sư nói: - Thế nào là xả? Như trong luật bản nói: Phật bảo các tỳ kheo rằng ông nên xả theo trình tự: mặc y phục đàng hoàng, chừa vai phải, đến giữa tăng chúng, làm lễ vị thượng tọa, quỳ xuống chắp tay và thưa rằng đại đức tăng xin ghi nhận cho, con là tỳ kheo tên...cố ý chứa y dư quá mười ngày, phạm tội Xả-đọa, nay xả cho tăng.

Nếu một y thì thưa một lần, hai y thì nói hai lần, ba y hay nhiều y thì nói có nhiều.

Sau khi trong chúng đã biết rõ, (các) tỳ kheo hiểu pháp nên tác bạch pháp yết ma để nhận sự sám hối của tỳ kheo kia: Ðại đức tăng xin lắng nghe, tỳ kheo tên...cố ý chứa y dư quá mười ngày phạm Xả-đọa, nay thấy tội nên đến giữa tăng phát lộ sám hối. Nếu thời gian thích hợp với tăng, tăng đồng ý thì tôi chấp nhận cho tỳ kheo tên...sám hối. Ðây là lời tác bạch.

Sau khi yết ma, hỏi tỳ kheo kia rằng: ông có thấy tội không?

Ðáp: - Dạ, có thấy.

Nói: - Trong tương lai ông đừng phạm nữa.

Ðáp: - Xin vâng.

Sau đó, tăng cho họ sám hối. Nếu xả giữa một, hai hay ba người thì nói rằng: Ðại đức ghi nhận cho, con là tỳ kheo tên...chứa tài sản (là y dư) quá mười ngày nên phạm Xả-đọa, nay con xin xả (y ấy) cho các đại đức và sám hối tội Ba-dật-đề.

Nếu giữa ba người thì một người thưa với hai người (kia) rằng: các trưởng lão ghi nhớ cho rằng tôi nhận sự sám hối của tỳ kheo tên...xin nhớ cho.

Người nhận sám hối của tỳ kheo kia, đối đáp giống như ở giữa tăng chúng. Một người giữa tăng nên xướng ba lần việc trả lại y cho tỳ kheo kia với lời văn thế này: đây là y ny-tát-kỳ, nay tăng xả cho trưởng lão.

Xướng như vậy ba lần: Ðây là tác pháp để xả. Trong tăng (lần lượt) dù cho đến một người (cuối) cũng nên trả lại y cho tỳ kheo kia thì tốt.Nếu ai không trả thì phạm tội Ðột-cát-la.

Ai phạm tội xả đọa mà y không xả, không sám hối thì mỗi lần mặc là phạm một tội Ðột-cát-la. Nếu chỉ mặc một lần, dù không cởi ra, dù bị rách hư cũng phạm một tội Ðột-cát-la, đối với y đã bị phạm ny-tát-kỳ.

Các trường hợp vô tội: trong thời gian mười ngày, y này có thuyết tịnh, hay bị mất.

Các tỳ kheo nghĩ rằng đức Như Lai đã cho chứa ba y, nay đối với các y dư khác như y tắm mưa, tọa cụ, y che ghẻ, tấm lót nằm, khăn tay, khăn lau (Vassikasàtika, nisìdana, paccattharana, kandupaticchàdin, mukhapunja-nacolaka, parikkhàracolaka), không biết làm thế nào, phải thuyết tịnh hay vẫn thọ trì?.

Sau khi nghĩ như vậy, họ đến bạch Thế Tôn. Phật dạy các tỳ kheo rằng ba y thọ trì, không cần thuyết tịnh. Y tắm mưa thọ trì bốn tháng (mưa), qua bốn tháng ấy phải thuyết tịnh. Tọa cụ thọ trì không cần thuyết tịnh. Y che ghẻ không cần thuyết tịnh, nhưng sau khi hết ghẻ phải thuyết tịnh. Tấm trải nằm thọ trì không cần thuyết tịnh. Khăn lau thọ trì không cần thuyết tịnh. Khăn tay (khăn lau mặt) thọ trì không cần thuyết tịnh.

Hỏi: - Thọ trì ba y như thế nào?

Ðáp: - (Y) Sau khi may xong, nhuộm, điểm tịnh (làm dấu), đúng cỡ, sau đó thọ trì.

Hỏi: - Thế nào là cỡ? 

Ðáp: - Cỡ của y tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng với loại thượng thì nhỏ hơn của đức Thiện Thệ, loại hạ dài bốn khủy tay rưỡi, rộng hai khủy tay rưỡi. Y An-đà-hội thì dài bốn khủy tay rưỡi, rộng hai khủy tay. Nếu giảm chiều dài hay rộng thì tùy theo đó mà làm.

Chu-la-ba-lỵ-ca-la y: Hán dịch là y tạp toái (khăn lau).

Thọ trì ba y. Thọ trì như thế nào?. Nếu đã có thọ trrì Tăng-già-lê thì xả cái cũ và thọ trì cái mới (bằng cách) đem thân đối trước đại đức tỳ kheo và miệng thưa. Nếu không có đại đức tỳ kheo thì chính tay nắm lấy tăng-già-lê và tự nói. Nếu không nắm lấy y thì nói không thành tựu. Nên nói rõ tên mình ra.

Pháp sư hỏi: - Ba y đã bị xả, đem ra thọ trì thành khăn lau, không cần thuyết tịnh phải không?

Ðáp: - Cần phải thuyết tịnh.

Ðối với tọa cụ chỉ được thọ trì một cái, không được hai.

Tấm trải nằm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, có độn sợi lông, dù ít hay nhiều cũng được dùng.

Y che ghẻ chỉ được giữ một tấm, không được nhiều hơn.

Khăn tay được giữ hai cái.

Khăn lau ít nhiều cũng được, thuyết tịnh rồi thọ trì.

Giường, nệm, chiếu, tấm bọc, tấm nỉ trải, đều thuộc về vật của phòng ở, không cần phải thuyết tịnh.

Hỏi: - Ba y đã thọ trì, trường hợp nào bị mất (sự thọ trì)?

Ðáp: - Hoặc cho người, bị cướp đoạt, bị mất, hoặc hoàn tục, hoặc xuống làm Sa-di lại, bị chết, bị chuyển căn, hoặc xả, bị lủng, hoặc ngủ lìa y cách đêm.

Hỏi: - Thủng như thế nào?

Ðáp: - Lủng lỗ lớn như móng tay.

Hỏi: - Móng tay nào?

Ðáp: - Móng ngón tay út. Nếu ngay trong lỗ thủng còn có một sợi chỉ nằm ngang qua thì cũng chưa mất y. Ðối với y Tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng rách theo chiều rộng từ biên trở vào tám ngón tay thì chưa mất y (rách dài hơn thì mất); rách theo chiều dài từ biên trở vào một gang thì chưa mất y (dài hơn thì mất). Ðối với y An-đà-hội, rách theo chiều rộng từ biên trở vào bốn ngón tay thì chưa mất y (như trên), rách theo chiều dài từ biên trở vào một gang thì chưa mất y (như trên). Ngoài (chỗ rách) theo chiều rộng và dài kể trên, y lủng lỗ lớn hơn móng tay út thì bị mất. Y đã bị mất rồi, để quá mười ngày thì phạm xả-đọa. (Y chứa quá 10 ngày) sau khi vá, cũng phải thọ trì lại.

Ðối với tọa cụ, y che ghẻ, y tắm mưa, tấm trải, khăn tay đã thọ trì rồi bị lủng cũng không mất. Nếu y sắp rách hư một điều hoặc hai điều mà chưa bị lủng, trước tiên dùng vải vá lại, sau đó cắt bỏ phần hư mục thì không mất sự thọ trì. Ðối với ba y có hai lớp, một lớp bị lủng, một lớp không lủng, không mất sự thọ trì.

Hỏi: - Chỗ y ca-sa trên vai muốn rách, muốn đổi chỗ vải ở giữa ra hai bên, làm sao chuyển đi mà không bị mất sự thọ trì?

Ðáp: - Trước tiên lấy phần vải (may chồng lên) ở hai biên ra và may dính lại, rồi vá vào chỗ vải bị hư (trên vai). Sau đó dùng dao cắt phần vải hư ấy ra, vá trở lại chỗ vải đã lấy ra ở hai biên y, thì không bị mất pháp thọ trì.

Ðối với ca-sa quá lớn, cắt nhỏ lại thì không bị mất pháp thọ trì. Nếu ca-sa nhỏ, nối thêm vải cho lớn thêm cũng không mất pháp thọ trì.

Hỏi: - Nếu khi giặt, ca-sa bị phai màu có bị mất pháp thọ trì không?

Ðáp: - Không mất.

Nếu dùng tấm vải cỡ nhỏ nhất, dài một thước sáu tấc, rộng tám tấc (thước tàu) để vá (vào y) thì phải thuyết tịnh. Nếu dùng miếng vải nhỏ hơn cỡ trên để vá thì khỏi thuyết tịnh.

Thuyết tịnh (Dvevikappà) có hai cách:

1. Ðối diện tịnh (Sammukhàvikappa)
2. Triển chuyển tịnh (Parammukhàvikappa)
Ðối diện tịnh nghĩa là đem cả tấm y (nhiều tấm vải) ấy đến trước một tỳ kheo, quỳ xuống thưa rằng: tôi có y dư này, để được tịnh, tôi xin giao cho trưởng lão.

Vị giao y vẫn được phép giữ y chứ không được dùng.

Trường hợp nào được dùng? Nếu vị nhận thí y nói rằng đây là y của tôi, trưởng lão được xử dụng tùy ý. Nếu vị nhận thí y nói vậy thì (vị giao y) được xử dụng, vô tội. Ðây gọi là đối diện chân thật tịnh (thí).

Thế nào là triển chuyển tịnh? Chọn một người trong năm chúng xuất gia làm người chủ nhận y rồi đem y dư đến gặp tỳ kheo (nào đó) và nói rằng: tôi tỳ kheo tên...có y dư này chưa tác tịnh, xin được triển chuyển tịnh nên giao cho trưởng lão.

Vị nhận y nói rằng đại đức có y dư này chưa tác tịnh, vì muốn triển chuyển tịnh nên giao cho tôi, tôi đã nhận, vậy chủ nhận y là ai?

Ðáp: - Tỳ kheo tên...

(Vị nhận y) lại nói rằng: - Ðại đức có y dư này, vì muốn tác tịnh nên giao cho tôi. Tôi đã nhận, đây là vật của tỳ kheo tên... Ðại đức nên giữ gìn cho tỳ kheo tên...dùng lúc nào cũng được cả, không cần phải hỏi chủ.

Ðây là triển chuyển tịnh (thí).

Pháp sư nói: - Nếu người nhận y chỉ biết đáp rằng tốt mà không biết nói (như trên) thì không thành thuyết tịnh, phải tìm người biết pháp đến nói đưa cho người trước.

Thế nào là thành tựu? Thế nào là không thành tựu?

Nếu nói giao cho đại đức hay nói xả cho đại đức thì sự chân thật tịnh thí này mới thành tựu xả.

Thế nào là triển chuyển tịnh thí thành xả?

Nếu nói vì triển chuyển tịnh nên giao cho đại đức, hoặc nói vì triển chuyển tịnh nên xả cho trưởng lão, hoặc nói vì triển chuyển tịnh nên đưa cho trưởng lão. Nói một trong các cách trên đều thành xả.

Thế nào là không thành xả?

Nếu nói mong rằng đại đức nhận y này, mong rằng nó trở thành y của đại đức. Ðây gọi là chân thật triển chuyển tịnh thí, không thành chân thật tịnh xả.

Thế nào là thành thọ không thành thọ?

Nếu nói rằng tôi lấy hoặc nói tôi nhận thì gọi là chân thật tịnh thành thọ.

Thế nào là không thành thọ?

Nếu nói tôi sẽ lấy, hoặc nói tôi muốn lấy, hoặc nói làm vật của tôi, hoặc nói thành vật của tôi thì gọi là chân thật tịnh không thành thọ.

Nếu (vị nào đó) được thỉnh làm người nhận y (chủ nhận thí) thì không được không thọ. Ai không thọ là hành động trái với luật.

Pháp sư nói rằng: - Tuần tự các câu văn dễ hiểu. Nếu đã thọ (y của họ) rồi không được không trả lại. Nếu không trả lại thì phạm tội đột-cát-la.

Nếu thọ rồi, biết rõ không phải vật của mình, lại dựa vào sự việc thí này, tạo điều kiện trộm lấy vật ấy, bị kết tội tùy theo giá trị của vật.

Giới này phát sanh từ thân, miệng và tâm, có y dư mà không thọ trì, không tịnh thí, quá 10 ngày thì bị tội; không tưởng là đã xả, biết quá 10 ngày bị tội, không biết quá 10 ngày cũng bị tội. Giới này bao gồm cả ba thọ. 

Trên đây là phần giải thích giới chứa y dư 
(Pathamakathinakkhàpadavannanànitthità)

(Xin xem tiếp Phần 14.b)

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Trở Về