Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


 
Quyển thứ tám

-ooOoo-

Ðã nói tổng quát để biết về các dục trong văn giới, quí vị nên biết rằng khi hành động có ý thức thì (tùy theo hành động) sẽ có nghiệp công đức hay tội thế gian.

Phát sinh nghĩa là theo giới bản, giới phát sinh từ sáu câu nói về giới.

Pháp sư nói: - Sau sẽ giải rộng, nay nói lược. Giới sau nhân vào sáu loại giới mà phát sinh. Có giới phát sinh từ bốn loại. Có giới phát sinh từ ba loại. Có giới phát sinh từ Ca-hy-na. Có giới phát sinh từ lông dê. Có giới phát sinh từ tâm xả (Atthikathinasamutthànam, atthi elakalomosamutthànam, atthi dhuramikkhepàdisamutthànam). Trong này, có trường hợp phát sinh do làm. Có trường hợp phát sinh vì không làm. Có trường hợp phát sinh do làm và không làm. Trong này, có biết được thoát (tội), có biết không được thoát (tội). Trong giới này, có tâm được thoát nghĩa là có biết nên được thoát. Ngoài ra, không phải là biết mà được thoát. Lại có giới vô tâm, có giới hữu tâm.

Hỏi: - Có giới hữu tâm nghĩa là gì?

Ðáp: - Hành động có tâm nên có tội.

Hỏi: - Thế nào là vô tâm?

Ðáp: - Tâm không tự chủ được nên bị tội. Ðây là tất cả tội thuộc thế gian. Chế giới tội có hai, nay trình bày về các tội tướng.

Hành thiện thọ nghĩa là có giới thuộc thân nghiệp, có giới thuộc khẩu nghiệp.

Hỏi: - Thế nào là thân nghiệp?

Ðáp: - Nhân hành động của thân mà phạm tội nên gọi là thân nghiệp. Nhân hành động của miệng mà phạm tội nên gọi khẩu nghiệp. Lại có giới thiện và giới bất thiện. Ba mươi hai tâm bất thiện phi bất thiện sinh tội. Dục giới có tám thiện tâm, mười hai bất thiện tâm, mười tâm vô ký. Từ thiện tâm, vô ký tâm có hai tri tâm. Trong các tâm này, do thiện tâm mà bị tội thì gọi là thiện tội. Ngoài ra, tuần tự cũng được nói như có giới ba thọ, có giới hai thọ, có giới một thọ. Trong ba thọ, nhân vì ba thọ mà bị tội gọi là ba thọ; hoặc do thọ lạc, hoặc do xả thọ bị tội, gọi là hai thọ. Hoặc do khổ thọ bị tội, gọi là một thọ. Như vậy là nhân vào tưởng vô ký, hữu tâm, gây tánh tội vì hành động theo thiện thọ. Các vị đã biết sự phức tạp này rồi, trong các sự phát sinh thì Ba-la-dy nhân vào đâu mà có, chính là nhân vào một loại mà phát sinh. Xét theo chi thì có hai chi. Ðó là dựa vào thân và tâm phát sinh. Hành động với hai chi đó nên bị tội, gọi là nhân của hành động. Tưởng nghĩa là tưởng trụ, nếu không tưởng dục thì thoát tội. Trường hợp vô tội là không biết, không cảm giác, không hưởng thọ, không thích thú. Hữu tâm là hành động với tâm dục, sau đó bị tội. Tánh tội là tội tự nhiên. Nếu thân và tâm cộng tác thì sau đó bị tội. Hành động do tham thì gọi là bất thiện. Do hai pháp là lạc hay xả mà bị tội thì gọi là hai thọ.

Pháp sư nói: - Tất cả tội tướng đã nói rõ như trên, các vị hãy biết lấy.

Di hầu Bạt-Xà-Tử Lão xuất gia cập lộc.

(Makkhati Vijjputtà ca-pe-buddhapabbajito migo).

Kệ này gọi là Ưu-đà-na (udàna). Ðể cho các luật sư đời sau dễ nhớ nên Thế Tôn dạy kệ này cho Ưu-Ba-Ly. các vị hãy xét kỹ tội tướng. Việc Di-hầu Bạt-Xà-Tử là tùy chế. Bạch y nghĩa là hành dâm với kẻ thế tục (mặc y phục trắng). Áo cỏ nghĩa là ngoại đạo kết cỏ làm y phục. Áo vỏ cây nghĩa là y phục làm bằng vỏ cây đã lột. Áo mảnh ván nghĩa là dùng tấm ván che trước và sau y phục. Phát Khâm-bà-la (Kesakambala) là người dệt tóc, người làm y phục. Mao Khâm-bà-la (vàlakambala) là dùng lông đuôi con trâu ly (Camaravàla) để dệt y phục. Giác diên xí y (Ulùkapakkha) là kết những cánh chim diều hâu lại làm y phục. Lộc bì y (ajinakkhipa) là dùng da đùi nai còn cả lông làm y phục.

Hỏi: - Trường hợp nào giết người mà không bị tội Ba-la-dy?

Ðáp: - Vốn vì thích thú sự mềm mại chứ không có tâm giết nên chỉ phạm tội tăng-già-bà-thi-sa. Tỳ kheo ny Uất-ba-La-Hoa (Uppalavannà) vốn là trưởng giả nữ ở nước Xá-vệ. Trong quá khứ trăm ngàn kiếp, Tỳ kheo ny này đã làm các việc lành nên rất xinh đẹp yêu kiều. Sắc đẹp vị này như hoa Ưu-bát-la. Do đã viễn ly các phiền não, Tỳ kheo này càng xinh đẹp thêm nên có tên Tỳ kheo Liên-hoa-sắc.

Nhiễm trước nghĩa là từ khi là bạch y đến nay, lúc này mới bị đàn ông làm ô nhiễm.

Nằm ngủ trên giường nghĩa là khi đi khất thực, ăn xong trở về, mở cửa phòng bước vào, vì tối nên không thấy có đàn ông ở trong, Tỳ kheo ny này cổi y phục để nghỉ. Bà-la-môn này từ dưới giường chui ra và xâm phạm Tỳ kheo ny.

Phạm là xâm phạm thể tánh Tỳ kheo ny.

Tỳ kheo ny này thanh tịnh không còn dục nhiễm, thấy như sắt nóng chạm vào thân nên không phạm giới. Sau khi hành dục, đàn ông này bỏ đi. Mặt đất này có thể nâng đỡ núi chúa Tu-di nhưng không thể đỡ nổi tấm thân bảy thước của kẻ ác. Thế nên mặt đất nứt ra và kẻ ác này liền rơi xuống địa ngục A-tỳ, bị chụp trong lưới lửa.

Nghe như vậy, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo: - Tỳ kheo ny này không có thích thú nên gọi là vô tội.

Nhân sự việc này, Phật nói kệ:

Như hoa sen trong nước,
Hạt cải đặt đầu kim,
Với dục, ai không nhiễm,
Ta gọi Bà-la-môn. -- (Dhammapada.401).
Câu 14, thành nữ căn nghĩa là vào nửa đêm khi ngủ say, tướng râu răng của đàn ông biến mất và biến thành tướng nữ. Phật cho phép vẫn theo hòa thượng và giới cụ túc như cũ, không cần phải thỉnh hòa thượng khác và thọ lại giới cụ túc. Tuổi hạ tính theo từ khi mới thọ. Phật cho phép đến ở chung với Tỳ kheo ny và giữ theo tuổi hạ cũ. Trong này có việc khác là nếu phạm tội cố xuất tinh (Sukkavissathika) khi chuyển căn (Lingaparivattana) thì mất tội. Nếu trở thành đàn ông lại, cũng không còn tội.

Pháp sư nói: - Ðây là giải thích theo từng câu, sau đây giải rộng. Trong hai căn thì nam căn hơn nữ căn. Vì sao? Nếu đàn ông nhiều tội thì mất nam căn và biến thành nữ căn. Người nữ nhiều đức hạnh thì chuyển thành nam căn. Như vậy, hai căn này thì do nhiều tội mà mất, do nhiều đức mà thành đàn ông. Có hai Tỳ kheo, cùng ở một chỗ để học hỏi thuyết giảng đọc tụng kinh điển. Vào nửa đêm, một Tỳ kheo chuyển căn trở thành người nữ. Như vậy, hai người bị phạm tội ngủ chung. Biết ra, một trong hai người phiền muộn oán trách khóc lóc với người kia. Người chung phòng nên bảo: Bạn chớ nên buồn rầu, với tội lỗi ba cõi như vậy đức Phật đã mở cho lối thoát; Tỳ kheo, Tỳ kheo ny nào gặp phải như vậy đều không bị đóng cửa thiện lại.

Sau khi an ủi như vậy, nên bảo người kia: Bạn hãy đến ở với ny chúng.

Nếu chuyển căn Tỳ kheo ny hỏi: - Ðại đức! Thầy có quen biết vị Tỳ kheo ny nào không?

Nếu có đáp có, không đáp không.

Nếu chuyển căn Tỳ kheo ny nói: - Hãy đưa tôi đến chỗ ny chúng.

Vị Tỳ kheo ở chung kia nên đưa vị này đến giao cho Tỳ kheo ny quen biết. Nếu không có người quen, thì đưa vị này đến chùa ny (Upassaya). Khi đi, không được đi hai người. Nếu có bốn năm Tỳ kheo mới được đi và phải cầm đuốc sáng (jotika), cây gậy (kattaradanda), cùng nhau lân mẫn đưa vị kia đến chùa ny. Nếu chùa ở xa, bên ngoài làng xóm, lội qua sông nên cùng ở với chúng tăng thì không có tội.

Khi đến chùa ny, nên đem danh hiệu của Tỳ kheo (chuyển căn) này hỏi các Tỳ kheo biết không. Nếu biết, Tỳ kheo ny đáp biết. Tăng chúng bảo họ: - Tỳ kheo này đã chuyển sang nữ căn, các Tỳ kheo ny nên lân mẫn Tỳ kheo ny này.

Ny chúng nên đáp: - Lành thay! Chúng tôi sẽ cho Tỳ kheo ny này cùng nhau tụng kinh, nghe pháp.

Sau khi giao phó Tỳ kheo ny ấy, các Tỳ kheo trở về chùa mình.

Tỳ kheo ny chuyển căn phải tùy thuận ny chúng, không được làm trái ý họ. Nếu các Tỳ kheo ny không có tâm tàm quý và không đồng ý giúp đỡ, được phép đi qua chùa ny khác và tìm thầy y chỉ để học tập kinh pháp và tùy thuận sống theo pháp luật Tỳ kheo ny. Vị ny chuyển căn này được phép độ đệ tử và nhận làm y chỉ. Các Tỳ kheo ny không được hiềm khích và có tâm bỉ thử. Ðối với sa di của mình khi còn là Tỳ kheo, thì đem giao cho các Tỳ kheo khác. Ðối với y bát khi còn là Tỳ kheo thì đã mất pháp thọ nên thọ lại bát và năm y ở chỗ Tỳ kheo ny. Ðối với y bát dư ngoài số đã thọ trì, phải đem ra thuyết tịnh để dùng. Ðối với thuốc bảy ngày đã thọ khi còn là Tỳ kheo, đã mất pháp thọ, nên phải thọ lại. Ðối với thuốc bảy ngày đã thọ, vừa đủ bảy ngày thì chuyển căn, được phép xử dụng thêm được bảy ngày. Ðối với thí chủ khi còn là Tỳ kheo nay là Tỳ kheo ny, vẫn không mất. Ðối với tất cả các vật bố thí chung khi còn là Tỳ kheo, nay được phép lấy phần như trước. Theo luật bản (Paivana) nói: Ðối với thuốc bảy ngày như bơ, dầu, đường, mật của người nào đã thọ mà chưa hết hạn, có duyên sự mà mình lấy dùng thì bị tội. Người có trí tuệ hãy suy nghĩ về ý nghĩa này. Ðây là những câu hỏi dành cho người chuyển căn.

Thọ nghĩa là trường hợp bị mất hay không mất, chuyển căn hay chết, bỏ đạo, hoàn tục, bị giặc cướp, với những tâm xả như vậy thì gọi là mất phép thọ. Vừa thọ xong chỉ một trái xoài mà chuyển căn thì cũng mất phép thọ này. Ðối với những vật dụng riêng của mình khi còn là Tỳ kheo, thì được mang theo dùng, cho đến như phòng, thất riêng cũng vẫn thuộc về mình. Nếu là vật mà trước đây của tăng cung cấp thì giao lại cho tăng. Nếu trước đây, có ân với tăng, muốn cho phòng tốt, ngọa cụ mà chưa cho nhưng khi chuyển căn thành ny, Tỳ kheo tăng nên đưa cho họ như là cho Tỳ kheo. Nếu bị phạm tăng tàn (sanghàdisesa), nên cho hành pháp Ma-na-đỏa (Mànatta) nửa tháng rồi xuất tội. Nếu là Tỳ kheo đang hành Ma-na-đỏa chưa xong mà chuyển căn thành Tỳ kheo ny, ny chúng nên cho hành nửa tháng Ma-na-đỏa rồi xuất tội. Nếu đã hành Ma-na-đỏa xong, mà chuyển căn thành Tỳ kheo ny thì cho họ xuất tội (abbhàna). Nếu hành chưa xong nửa tháng Ma-na-đỏa, họ lại chuyển căn trở thành Tỳ kheo, nên cho họ hành sáu đêm Ma-na-đỏa để xuất tội. Nếu hành Ma-na-đỏa xong, họ lại chuyển căn, Tỳ kheo tăng nên cho họ xuất tội. Trên đây là nói về các trường hợp Tỳ kheo chuyển căn.

Tỳ kheo ny nào làm việc mai mối (sancaritta) mà che dấu không phát lộ, lại chuyển căn thành Tỳ kheo thì không cần trị tội phú tàng, chỉ cho hành sáu đêm Ma-na-đỏa rồi xuất tội. Nếu Tỳ kheo ny đang hành nửa tháng Ma-na-đỏa mà chuyển căn thành Tỳ kheo thì không cần phải hành Ma-na-đỏa nữa, cho xuất tội ngay. Nếu đã hành Ma-na-đỏa xong, họ chuyển căn thành Tỳ kheo, nên cho yết-ma xuất tội. Nếu họ lại chuyển căn thành Tỳ kheo ny, nên cho hành nửa tháng Ma-na-đỏa rồi xuất tội.

Pháp sư nói: - Hiểu rõ theo tuần tự như trên.

Mềm dẻo, nghĩa là trước đây Tỳ kheo này là vũ công nên xương sống mềm dẻo. Trường căn là nam căn của Tỳ kheo này dài.

Dùng đất vẽ hình, nặn tượng người nữ. Hình tượng là hình vẽ người nữ. Tượng gỗ nữ là điêu khắc gỗ thành tượng người nữ. Làm tượng phụ nữ bằng vàng, bạc, đồng, thiết, sắt, sáp, gỗ đều phạm tội Ðột-cát-la. Nếu muốn làm tượng với ý định cho xuất tinh, tinh xuất, Tăng-già-bà-thi-sa; tinh không xuất, Thu-lan-dá. Vuốt ve người nữ bằng gỗ, đều Ðột-cát-la.

Tuấn tú nghĩa là Tỳ kheo xinh đẹp này là người thành Vương xá, tướng mạo tuấn tứ, xuất gia với tín tâm, nên có tên là Tuấn tú. Thấy Tỳ kheo này đang đi trên đường của vua với tướng mạo tuấn tú, có cô gái sinh tâm dục muốn ngậm lấy nam căn của Tỳ kheo. Tỳ kheo này là bậc A-na-hàm nên không có ý tưởng ưa thích (nên không tùy thuận).

Câu tiếp theo là các Tỳ kheo ngu si khác thì theo lời người nữ. Pháp sư nói: - Ba câu kệ này rất dễ hiểu. Miệng mở rộng là thở hơi ra được. Tỳ kheo nào hành dục vào miệng, tiếp xúc vào bốn bên, Ba-la-dy. Không tiếp xúc vào bốn bên và đầu, đột-cát-la. Phần đầu của căn đưa vào phía trong răng, Ba-la-dy. Căn vào trong nhưng da bọc căn ở ngoài răng, Ba-la-dy. Căn ở ngoài răng nhưng không da bọc, Thu-lan-dá. Ðưa lưỡi ra ngoài tiếp xúc lưỡi để hành dục, Thu-lan-dá. Người khác đưa lưỡi vào lưỡi mình để hành dục, Thu-lan-dá. Dùng lưỡi liếm nam căn, Thu-lan-dá. Hành dâm vào cổ, vào miệng của đầu thây chết bị đứt lìa, Ba-la-dy. Hành dục vào cổ thây chết (bị đứt đầu), Thu-lan-dá. Ðối với xương trắng (Atthikavatthumhi susànam gacchantassàpi dukkatam) Tỳ kheo nào vừa có ý đi đến, Ðột-cát-la. Nếu thu nhặt liên kết lại mà ham thích sự mềm nhỏ, hành động với tâm dâm dục, mang vào, tinh xuất hay không xuất đều Ðột-cát-la. Nếu hành động và xuất tinh theo ý muốn, Tăng-già-bà-thi-sa. Không xuất tinh, Thu-lan-dá. Long nữ là rồng cái hóa ra hình người nữ, hoặc khẩn-na-la nữ. Tỳ kheo hành dâm cùng các loài này, đều Ba-la-dy. Dạ-xoa là chỉ chung các loại quỉ thần. Ngạ quỉ là tất cả loài quỉ đói. Có loài ngạ quỉ, nữa tháng chịu tội, nữa tháng không, không khác loài trời. Khi chúng hiện thân mà có thể nắm bắt được, Ba-la-dy. Không hiện ra mà có thể nắm bắt được, Ba-la-dy. Không hiện ra, không nắm bắt được, vô tội. Nếu các quỉ thần này dùng thần lực bắt Tỳ kheo (hành dâm), Tỳ kheo không có tội.

Pháp sư nói: - Theo thứ tự câu văn thì hiểu được.

Nếu nam căn bị bệnh nghĩa là nam căn bị mọc thịt gọi là bứu, hành dâm cùng người nữ, có cảm giác hay không đều Ba-la-dy.

Ðể gần nữ căn nghĩa là khi Tỳ kheo này muốn hành dâm với người nữ, nhưng hối hận nên chỉ để nam căn bên ngoài không cho vào nữ căn, Ðột-cát-la.

Bắt đầu việc dâm dục nghĩa là nắm tay hay từng bộ phận thân thể nhưng chưa đưa vào nữ căn, Ðột-cát-la. Ðưa vào nữ căn, bị tội trọng.

Khi muốn ngủ, trước tiên Tỳ kheo phải đóng cửa. Thế nên trong luật nói: Phật bảo các Tỳ kheo rằng ngủ không đóng cửa là trường hợp nhập định vào ban ngày. Tỳ kheo nhập định vào ban ngày cũng nên đóng cửa.

Pháp sư nói: - Trong luật nói không đóng cửa nhưng không nói có tội.

Mở cửa mà ngủ, theo như trong Càn-đà-ca (Khandhaka) nói: Phật bảo các Tỳ kheo rằng ban ngày mà muôn nhập định nên đóng cửa rồi mới nhập định. Nếu ai không đóng cửa, bị tội Ðột-cát-la.

Ưu-Ba-Ly và các Tỳ kheo biết ý Phật,... được nói đầy đủ trong luật.

Câu này nói rằng ban ngày có phạm tội nhưng nữa đêm thì không tội. Ý nghĩa câu này theo câu ở trước.

Pháp sư nói: - Có loại cửa đóng được, có loại không đóng được.

Ðáp: - Có loại cửa mà khung làm bằng cành cây, cành tre, sau đó tùy theo điều kiện mà làm cánh cửa. Nếu dưới cánh cửa có cối đỡ thì trên có chốt giữ. Nếu cánh cửa di chuyển, nên dùng cánh cửa như chuồng bò, dùng hai ba cây ngang để đóng cửa. Loại cửa mà dưới cánh lắp bánh xe để đẩy thì dùng tấm ván làm cửa, hay làm bằng tre, hoặc làm mành tre, hoặc làm tấm vải màn. Tay này đang cầm bát mà tay kia đóng cánh cửa, trừ khi cửa bằng tấm màn vải thì không tội, ngoài ra đều phạm Ðột-cát-la. Tỳ kheo nhập định vào ban ngày, đối với cánh cửa di chuyển được nên đóng lại, không đóng bị tội. Với các loại khác, không đóng mà nhập định hay ngủ, không bị tội.

Pháp sư nói: - Ðối với loại cửa dưới có cối đỡ mà trên có chốt cửa, nên đóng, không đóng thì bị tội. Nếu đóng nên gài chốt. Nếu không có chốt thì khép cửa lại và đặt vật bén trước cửa cũng thành đóng. Cửa đóng lại còn hở một ít ở trên đầu cũng thành đóng nhưng khoảng cách nhỏ mà đầu người không lọt vào thì được. Nếu có nhiều người ở bên ngoài như Tỳ kheo, sa di, trưởng lão, thì mình có thể nói rằng các vị trông chừng cho, rồi sau đó nhập định, không tội. Nếu có người đang kinh hành hay làm việc ở ngoài, với ý nghĩ rằng Tỳ kheo này trông coi bên ngoài, thì vị này được ngủ không có tội.

Trong Cưu-luân-đà (kurunatthakathà) nói rộng: Nói với Ưu-bà-tắc nhờ trông cửa cũng được, không được bảo Tỳ kheo ny hayngười nữ. Nếu cánh cửa hay chỗ gài cửa bị hư mất hay không có, hoặc đang làm việc trước phòng, không nên đóng cửa, có ý nghĩ như vậy mà ngủ thì không tội. Nếu không có cửa, vô tội. Nếu nhập định trong phòng lầu phải bắt thang (mới lên được) thì không có tội. Nếu phòng không bắt thang, đóng cửa dưới lại, ngủ không tội. Ngủ trong phòng nên đóng cửa lại. Nếu sau phòng lớn có phòng nhỏ, đóng cửa phòng lớn, ngủ ở phòng nhỏ không bị tội. Nếu ngủ phòng nhỏ thì chỉ đóng cửa phòng nhỏ, không đóng cửa phòng lớn, không tội. Nếu một phòng có hai cửa, nên đóng cả hai, ngủ không tội. Nếu lầu ba tầng, tầng dưới cùng thượng tọa ở, tầng giữa và trên thì Tỳ kheo ngủ, nên có ý nghĩ: Thượng tọa đã ở tầng dưới, ta ngủ, không có tội. Nếu có người giữ cửa, nên bảo họ rằng hãy xem chừng cửa. Có nói như vậy, ngủ không tội. Nếu không có thượng tọa hay người giữ cửa, mà có nói với các Tỳ kheo, sa di, bạch y, ngủ không tội. Nếu hai người cùng đi khất thực, người về trước nên suy nghĩ rằng người về sau sẽ đóng cửa.

Pháp sư nói: - Với loại cửa có cối đỡ (khép mở được), không đóng, bị tội. Ðối với các cửa khác, vô tội. Tuy có cửa đóng khép được nhưng phòng không có mái, không đóng không có tội. Nửa đêm về sáng, mở cửa ngủ quên, không tội; mãi đến sáng mới thức dậy, không tội; đã thức dậy rồi ngủ lại, bị tội. Khi ngủ (mà chưa đóng cửa) Tỳ kheo suy nghĩ: Ta ngủ đến sáng mới thức dậy, bị tội.

Có Tỳ kheo đi đường xa, nữa đêm mới ngủ được, chân còn dưới đất đã ngủ, ngủ say không biết, không tội. Nếu đã để chân lên giường, mà ngủ không biết, có tội. Tỳ kheo ngồi ngủ quên, không đóng cửa, không tội. Ði kinh hành trong phòng, quá buồn ngủ, ngủ quên trên đất, không đóng cửa, không tội. Ðã thức dậy, ngủ lại, có tội. Bị dạ-xoa bắt và ép ngủ, Tỳ kheo thuận theo, bị tội. Trong Cưu-luân-đà nói rõ: Nếu không cố tâm ngủ, không tội.

Pháp sư nói: - Ðại đức Ba-Ðầu-Ma nói rằng biết hay không biết đều có tội. Tỳ kheo Ba-Nậu-Ca-Sa-Ca (Bhàrukacchaka) nói rằng không phải Ưu-Ba-Ly làm ngược ý Phật, và cho là vô tội. Sau khi công bố như vậy, vị này hỏi Phật và được Ngài khen rằng: Lành thay!

Pháp sư nói rằng: - Tuần tự các câu sau dễ hiểu.

Ðồng tử Ly-Xa (Licchavikumara), Ly-Xa là họ, tên đặt theo họ. Những đồng tử này vì dâm dục nên bắt Tỳ kheo khiến hành dâm. Do việc làm phi pháp này nên bại hoại gia đình.

Ông già xuất gia trở về nhà thăm vợ cũ, đây là Tỳ kheo xuất gia vào lúc tuổi già, vì lân mẫn nên về thăm. Vợ cũ hỏi: - Ðại đức! Con cái rất nhiều, lại không ai nuôi dưỡng, đại đức hãy hoàn tục.

Thấy Tỳ kheo không đáp, biết vị này không chịu hoàn tục, vợ cũ xô xuống đất. Tỳ kheo già suy yếu không còn sức nên chỉ quơ quào chứ không thoát được. Vợ cũ nhào lên ông ta để hành dâm, đến khi thỏa mãn mới chịu xuống. Vị Tỳ kheo này là bậc A-na-hàm, đã hết dục của ba cõi nên không còn thọ lạc.

Câu nói về lộc tử (Migapotakavatthu) dễ hiểu tất cả. Phần trên đã nói xong phần đầu của phẩm Ba-la-dy (Pathamapàràjikavannanà nitthità).

Khéo thấy tất cả tướng,
Luật bản không che dấu,
Ðầu, đuôi, giữa đều thiện,
Nên gọi là toàn thiện,
Như Lai dạy chúng sinh,
Luật là pháp tối thượng,
Vì thương xót chúng sinh,
Nên thuyết tạng Tỳ-ny.
Phật dạy pháp không hai thứ hai.
Thối đọa, Ba-la-dy đứng đầu.
Khi ấy, đức Phật ở núi Kỳ-Xà-Quật, thành Vương xá. Thành Vương xá là tên nước.

Hỏi: - Vì sao gọi là Vương xá?

Ðáp: - Vào thời kiếp sơ, bắt đầu có hai vị Thánh vương Mạn-Tha-Ða và Cù-Bần-Ðà (Mandhàtu, Mahàgovinda) xây dựng nhà cửa ở vùng đất này nên gọi là Vương xá (nhà của vua).

Lại có sự giải thích khác là tại vùng đất này, khi có Phật ra đời và Chuyển luân thánh vương (Cakkavattin) xuất thế thì lập quốc tại đây. Nếu không có Thánh vương xuất thế thì dạ-xoa làm chủ đất này. Ðây là vùng đất chúng đi lại.

Lại nói trong núi Kỳ-Xà-Quật (Gijjhakùta), nơi đây là trú xứ của đức Phật. Kỳ-Xà là tên chim kên kên (thứu), quật là đỉnh núi. Sau khi ăn, chim kên kên bay lên đậu trên đỉnh núi, nên gọi là núi Kỳ-xà-quật. Lại có pháp sư giải thích, đỉnh núi có tảng đá hình dáng chim kên kên, nên gọi là núi Kỳ-xà-quật.

Chúng, như trong luật văn nói rằng ba người, trên ba người gọi là tăng. Nhưng theo văn kinh thì ba người gọi là chúng. Ðây dùng theo văn kinh.

Người quen biết là người quen nhau cùng ở một trú xứ nhưng không thân thiết. Kỳ cựu là bạn thân cùng ăn mặc chung. Bên núi Y-tư-kỳ-lê (Isigilipassa), Y-tư nghĩa là người xuất gia, kỳ lê nghĩa là ăn mất. Gọi như vậy vì bấy giờ có 500 vị Phật Bích Chi (Paccekabuddha) đi đến nước Ca-tư-câu-sa-la, sau khi khất thực, đi vào núi này, cùng nhau nhập định luôn. Khi ấy, mọi người thấy các Phật Bích-Chi vào núi mà không thấy đi ra. Có người nói rằng núi này luôn ăn mất người xuất gia. Từ đó về sau, núi này được gọi Y-tư-kỳ-lê.

Làm các nhà tranh trong núi này, nghĩa là làm nhà toàn bằng tranh. Cùng nhập hạ ở đây, 500 Tỳ kheo đều tự mình làm am cỏ tranh. Việc đầu tiên (nhập hạ là làm phòng ở) với lá đa-la. Vì sao? Vì đức Như Lai đã chế giới. Phật bảo các Tỳ kheo rằng nếu muốn nhập hạ, trước hết phải sửa sang phòng ở, ai (nhập hạ) mà không có phòng ở, Ðột-cát-la. Thế nên, khi nhập hạ, có phòng ở sẵn thì rất tốt. Nếu không có thì nhờ người khác làm, không được nhập hạ nếu không có phòng ở. Vì sao? Chư Phật quá khứ đều nhận phòng ở. Các Tỳ kheo làm phòng ở xong, nhập hạ trong ba tháng, ngày đêm siêng năng tu tập ba học.

Ðại đức Ðàn-ny-ca là tên (Dhaniya) là người đầu tiên phạm Ba-la-dy thứ hai. Ðàn-ny-ca là tên. Gia đình vị này sinh sống bằng nghề làm đồ gốm. Tỳ kheo Ðàn-Ny-Ca làm một am tranh nơi thanh vắng. Mãn hạ, nghĩa là sau khi tự tứ vào đầu tháng không trăng. Tháo dỡ nhà tranh nghĩa là tháo dỡ ra từng phần, không cho hư nát rồi cột lại treo chặt lên cành cây. Vì sao? Nếu ai muốn ở lại thì dùng cỏ tranh này để làm nhà. Khi ra đi, nói thế này: Nếu có chùa nào dùng hay Tỳ kheo khác lấy làm nhà thì được dùng theo nhu cầu. Vì sao nói như vậy? Chính vì Tỳ kheo ở a-lan-nhã khó tìm được cây, cỏ để làm nhà, nên cột chặt lại hay cất đi. Sau khi ở a-lan-nhã, nếu Tỳ kheo ra đi cũng phải tháo dỡ ra, xếp cột lại và treo lên, đừng cho mối mọt làm hư để sau này các vị đồng học sử dụng. Sau khi làm như vậy, các Tỳ kheo ra đi tùy ý du hóa các nước. Trưởng lão Ðàn-Ny-Ca con người thợ gốm đang ở đó. Cho đến ba lần, người lấy củi cho rằng nhà không người ở nên phá dỡ đem đi. Cho rằng mình có kỹ thuật làm đồ gốm thì đối với việc này không khó gì cả. Ðàn-Ny-Ca Tỳ kheo trộn bùn làm nhà với khung cửa sổ, cửa đi đều bằng đất, chỉ cánh cửa bằng cây, đất đỏ phết bên ngoài, dùng cây, củi, phân bò và cỏ nung căn nhà đất này. Sau khi nung chín, căn nhà có màu đỏ như lửa, gõ vào kêu vang như là tiếng linh, gió thổi vào cửa sổ nghe như tiếng nhạc.

Phật hỏi các Tỳ kheo: - Ðấy là cái gì mà màu đỏ như vậy?

Phật biết mà cố ý hỏi, vì sao? Vì lý do chế giới.

Các Tỳ kheo đáp: Thế Tôn! Ðấy là nhà màu đỏ như lửa của Ðàn-Ny-Ca con người thợ gốm.

Ðức Phật dùng vô số cách mắng Tỳ kheo này: -Tại sao kẻ ngu si này không có tâm từ bi mà tàn hại chúng sinh.

Từ nghĩa là đi trước bi với nghĩa là ủng hộ. Bi nghĩa là nhân vì kẻ kia khổ nên tâm xúc động, gọi là bi. Không tàn hại, là không làm tổn hại mạng của chúng sinh. Vì ngu si nên đào đất nhào thành bùn đem lửa nung thiêu đốt làm chết các chúng sinh.

Thế nên trong luật nói: Ngươi là kẻ ngu. Trong tương lai, chúng sinh sẽ nói rằng khi Phật còn tại thế, Tỳ kheo đã tàn sát chúng sinh như vậy nhưng vô tội. Cho nên, cần phải làm cho họ không có ý nghĩ như vậy.

...Sau khi trách mắng Ðàn-Ny-Ca xong, Như Lai bảo các Tỳ kheo rằng từ nay về sau không được trộn bùn làm nhà, ai vi phạm, Ðột-cát-la.

Phật chế định giới này do sự việc làm nhà bằng đất nhưng Tỳ kheo Ðàn-Ny-Ca không có tội vì phạm đầu tiên. Phật dạy những người vi phạm sau đều bị tội Ðột-cát-la, người ở cũng bị tội như vậy. Làm nhà, được phép dùng tranh trộn đất bùn, nếu dùng toàn đất bùn, bị tội.

Các Tỳ kheo đáp: - Lành thay!

Phật bảo: - Các ông hãy phá căn nhà ấy đi.

Nghe lệnh, các Tỳ kheo đến nhà ấy và dùng cây đá phá tan ngôi nhà. Ðây là duyên khởi do Tỳ kheo Ðàn-Ny-Ca.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ tuần tự trình bày như sau:

Khi ấy, vào ban ngày, đang nhập định ở bên cạnh ngôi nhà, nghe tiếng các Tỳ kheo đập phá căn nhà đất, Tỳ kheo Ðàn-Ny-Ca hỏi: - Ối ối! Này các vị, vì sao đập phá nhà tôi?

Các Tỳ kheo đáp: - Thế Tôn sai đập.

Nghe nói vậy, Ðàn-Ny-Ca phải vâng lệnh, nói rằng nếu Phật sai làm thì đúng.

Pháp sư nói: - Tỳ kheo Ðàn-Ny-Ca làm nhà bằng chính vật liệu của mình, vì sao Phật bảo phá?

Ðáp: - Phật bảo phá, bởi vì nhà này bất tịnh, làm theo pháp ngoại đạo (Titthiyadhaja), còn có nghĩa khác là không có tâm từ bi với chúng sinh nên làm nhà bằng đất bùn. Nếu Tỳ kheo có hiểu biết về luật thấy các Tỳ kheo khác làm việc phi pháp trái với luật như vậy thì đập phá, không bị tội. Bị phá như vậy, người chủ vật không được nói rằng đại đức đã phá nhà tôi, hãy đền bù lại bằng giá trị khác.

Nếu Tỳ kheo dùng lá đa la làm dù lọng, trang trí ngũ sắc trong ngoài, kết bằng dây lụa xinh đẹp thì dù lọng này bất thiện. Nếu dùng hai màu đỏ, vàng, dùng dây lụa kết trong ngoài, cột với cán cho chắc chắn chứ không vì hoa hòe thì được. Nếu điêu khắc, khảm làm các hình dạng cầm thú... (trên cán dù) thì không được. Nếu khắc chạm hình bán nguyệt , hình cái bình, cái thuổng, mắt che... đều không được. Cho phép đẽo cán dù hình vòng tròn để buộc dây cho chắc thì được.

Theo pháp làm ca-sa, không được may theo hình chân rết, không được thêu hình hoa văn, không may theo hình mắt xích, có thể may lùi mũi. Nếu làm dây nút, được làm bốn góc, không được làm mười sáu góc. Nút không được làm hình cái chùy, hình voi, hình mắt cua. Pháp của góc ca-sa nên có nút và dây móc nhưng không cho nổi cộm lên. Không được dùng nước hồ để hồ ca-sa. Nếu trước đã có sẵn thì được dùng vì để bụi đất không bám. Khi nhuộm, không được dùng nước thơm, dầu, keo. Khi đã nhuộm xong, không được dùng trái tần-bà-la và trái châu ma-ny để hồ ủi cho y láng bóng. Khi nhuộm không được dùng chân đạp, không được dùng tay chà, và đập ca-sa vào trong nồi nhuộm, không được dùng tay đập, nên vò nhẹ, từ từ bằng tay. Nếu dùng dây cột góc ca-sa, nên cột chỗ rủ nước được, nhuộm y xong thì tháo ra. Trong luật có nói rằng Phật bảo các Tỳ kheo Ta cho phép dùng dây cột góc ca-sa. Pháp sư nói: - Không chỉ ở góc mà bên cạnh y cũng tốt, vì nhuộm cho đều, nếu giữ lấy một chỗ thì không nhuộm được đều. Y phải cắt rọc mới được dùng.

Về pháp của bát và vật dụng như bát thì không được điêu khắc ở trong và ngoài. Nếu đã có sẵn thì làm cho mất đi. Ðốt bát không được có màu ma-ny, nên làm như màu dầu. Bát không được chạm khắc, nhưng có thể chạm khắc có ngấn như hàm răng. Nếu vì che nước thì được làm nắp che cả miệng và hông bát nhưng không được khắc hình kỳ lạ. Nắp và dưới miệng có thể làm (khắc) chỗ để cột dây.

Pháp làm dây đai lưng, dùng một hoặc hai sợi se lại, không được làm hình mắt cua, hai đầu kết tua lại như hình chim cưu hay hình miệng cá Ma-kiệt (makaramukha), không được làm hình đầu khí giới, dệt các hình hoa văn xinh đẹp, trừ hình xương cá, cây kha, hoa la, dệt đầu đẹp, không được để có tua nhiều hơn bốn tua. Nếu dùng nguyên sợi dây, chỉ cột một vòng rồi vấn theo, có thể xếp thành hai ba đoạn để cột, không được làm dây tám tướng. Ðầu dây cho phép đặt hai gút như hình cái bình.

Làm ống đựng thuốc, không được khắc hình nam nữ, hình chúng sinh hai chân bốn chân, hình hoa đảo cự, hình phân trâu. Nếu được các loại ống có khắc hình như vậy, nên cạo bỏ hình. Nếu dùng dây, sợi cột cho chắc thì được dùng. Gặp loại ống hình vuông, tròn, tám cạnh, mười sáu cạnh..., thì nơi đáy hoặc nắp đậy được làm hai ba vòng để cột dây cho thuận tiện.

Chày giã thuốc không được dùng loại có màu sắc đẹp, túi đựng cũng vậy.

Khóa cửa, và túi đựng không được dùng loại màu sắc đẹp, nên một màu thì tốt. Không được chạm khắc hình thú vật.

Dao cạo, không được chạm nổi hình thú vật, cho phép làm bao đựng. Dao nạo móng tay chân, được làm ở giữa (cái kẹp và) như hình cái dùi.

Vật lấy lửa không được chạm khắc hình các loại hoa văn, chỉ làm cái vòng.

Làm kim, dùng kìm kẹp đặt vào lò, không để bị rơi, cũng không được chạm khắc các loại hình dạng.

Dao chẻ cây xỉa răng không được chạm khắc, chỉ làm bằng sắt.

Làm cán búa, được bốn cạnh hay tám cạnh.

Làm tích trượng (kattaradanda), không được dùng cây đẹp, được phép niền vào bằng ba bốn cái vòng cho chắc, đầu hình tròn.

Ống đựng dầu, dùng ống tre, trái bầu, gỗ cứng, không được làm hình nam nữ.

Làm giường, túi đựng đồ, vật che đất, tất mang đi kinh hành, khăn phủ ghế, chổi quét, giỏ đựng phân, bồn nhuộm, bồn lược nước, vật chà chân, cục đá tắm, kệ để bát, chân đế bát, nắp bát, lá đa la, quạt (Mancapitha, Bhisibimbohana, Bhummattharana, Pàdapunchana, Cankamanabhisi, sammujjani, Kacavarachaddanaka, Rajanadonikà, Pàniyanlunka, pàniyaghata, pàdakathalikà, phalakapithaka, valàyadharaka, dandadhàrika, pattapidhàna, Ttàlavantavìjana) những vật này được phép làm ngược lại, lớn và chạm khắc các vật chính đáng.

Phòng ở, cửa đi, cửa sổ được phép làm bằng bảy loại báu, hay thủy tinh cũng được. Trong phòng được phép bày biện bàn ghế, trừ nạn phòng.

Hỏi: - Nạn phòng là gì?

Ðáp: - Phòng làm ở chỗ nhà vua có thế lực và trong giới trường của người khác. Nên nói với chủ phòng rằng không đợc làm phòng ở đây. Nếu họ cố chấp không nghe thì nên nói lại với họ rằng không nên làm ở đây vì khi chúng tôi tự tứ, bố tát phải bị trở ngại. Giả như họ đã có sẵn thì cũng không được cho làm phòng ở nơi đó. Nếu nói đến ba lần mà họ vẫn cố làm thì những vị có tàm quí trong chúng nhiều Tỳ kheo phải dở phòng ấy, chỉ để lại điện Phật và cây Bồ đề. Sau khi phá dỡ, không được xử dụng mà thứ tự xếp cất, đưa đến Tỳ kheo chủ phòng, được được lấy số cỏ tranh còn thừa. Nếu lấy thì tốt, không lấy thì cỏ tranh sẽ hư mục, hoặc bị kẻ xấu đốt cháy nên phá dỡ không có tội. Do đó, Tỳ kheo chủ nhà không được trách cứ và bồi thường.

Bị phá căn nhà đất như vậy, Ðàn-Ny-Ca muốn làm lại nên đến gặp người giữ rừng. Tìm mãi không gặp người giữ rừng, Ðàn-Ny-Ca đến gặp người giữ cây gỗ trong thành. Người chủ cây nói: Ðây là vật của vua để bảo vệ đất nước. Khi trong thành có chỗ hư hoại, đề phòng khi có nạn gấp, hoặc bị hỏa hoạn, hoặc bị địch đến tấn công, hoặc chuẩn bị làm các chiến cụ, dùng vào các việc cần khác nên giữ kỹ hết số gỗ này.

Chặt ra từng đoạn, Ðàn-Ny-Ca tự ý chặt ra từng khúc, xử dụng theo ý mình, hoặc gốc hay ngọn. Bà-Sa-Ca-La (Vassakàra) là tên của Bà-la-môn làm quan nước Ma-yết thống lĩnh sự việc trong nước, giàu có vô cùng.

Trải qua nghĩa là vị đại thần này đi xem xét các cây gỗ trong thành.

Bà-na (Bhane) là vị đại thần sang trọng.

Gọi nhỏ nghĩa là Bà-la sai người trói người giữ cây lại đem đến gặp vua.

Bà-la-môn này đến tâu vua: - Có thật ngài đem gỗ cho Ðàn-Ny-Ca không?

Vì vua đáp không cho nên vị đại thần trói ông kia lại. Thấy người giữ cây bị trói, Ðàn-Ny-Ca phân vân lo lắng với ý nghĩ người kia đem cây cho ta nên bị vua bắt trói, vậy ta nên đến cứu ông ta. Do đó, ngày đêm, Ðàn-Ny-Ca tìm cách giúp đỡ.

Vì sao? Vì người giữ cây gỗ đưa tin đến cho Ðàn-Ny-Ca rằng: Ðại đức ơi! Khi tôi chưa bị giết, hãy mau đến phân giải. Nếu tôi bị giết rồi, có đến cũng vô ích, (đại đức hãy đến gặp vua và nhắc lại rằng) khi bắt đầu lên ngôi, nhà vua có tuyên bố rằng Sa-môn, Bà-la-môn nào cần dùng cây cỏ hay nước thì được tùy ý. Ðây chính là lời vua nói ra, vậy vua có nhớ không?

(Ðàn-Ny-Ca gặp vua thưa ): - Khi vua mới lên ngôi, đánh trống tuyên bố, các Sa-môn, Bà-la-môn được tùy ý xử dụng cây cỏ và nước. Thế nên, tôi mới lấy cây của vua.

Vua đáp: - Trước đây, ta có cho phép những Sa-môn, Bà-la-môn có tàm quí, chứ không phải cho hạng người không tàm quí như ông. Theo lời ta nói là cho phép lấy những vật vô chủ ở A-lan-nhã, chứ không nói đến những vật có chủ.

Nhờ có lông nên được thoát (chết), bởi vì người xuất gia mặc ca-sa như lông. Vì sao? Như ngoài đời có người trí muốn ăn nhiều thịt cừu nhưng không cách nào được nên tìm mưu chước để mua thịt. Ông ta ghi nơi đầu con cừu có bộ lông đẹp của người thân đang cột trước cửa rằng sẽ giết nó. Mọi người tập trung lại xem, vì tham bộ lông cừu đẹp nên tranh đổi lấy bộ lông với giá cao, nhờ vậy cừu thoát chết. Tỳ kheo Ðàn-Ny-Ca cũng như vậy, nhờ có ca-sa nên thoát khỏi tội.

Trước vua, mọi người chê trách Ðàn-Ny-Ca. Chê trách nghĩa là nói rằng ông không phải Sa-môn, và nhìn một cách giận dữ, nói lên hành động của vị này cho mọi người biết là không phải là pháp Sa-môn, không phải là Thích-tử.

(Xin xem tiếp Phần 8.b)
-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Trở Về