Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [ Trang Chủ  ]

Lịch sử Phật giáo Việt Nam
Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Chương IX
Sơ Thám về Huệ Lâm và Quán Thiện Luận
Qua nghiên cứu về Sáu lá thư xưa nhất cuả lịch sử văn học và Phật giáo nước ta ở trên, chúng tôi đã có dịp giới thiệu và phân tích sơ về một nhà sư Trung Quốc bị đuổi ra nước ta vào giữa thế kỷ thứ V tên Huệ Lâm và tác phẩm Quân thiện luận của ông. Con người cũng như tác phẩm của nhà sư này qua thế kỷ đã gây ra nhiều bàn cãi khá lôi cuốn. Không những thế, chính trong những phát biểu ở Quân thiện luận đã tạo cơ hội cho sự ra đời của sáu lá thư vừa nói, nhằm trả lời và bác bỏ những kết luận mà Quân thiện luận đề lên. Ngoài ra, Lâm có thể đóng góp không ít vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa Lý Trường Nhân. Do vậy, con người và tác phẩm Huệ Lâm càng lôi cuốn hơn nữa đối với công tác nghiên cứu văn học Phật giáo và chính trị Việt Nam. Chúng tôi vì thế đề nghị tìm hiểu ở đây cuộc đời của Huệ Lâm và dịch lại bản Quân thiện luận vừa kể nhằm cung hiến một phần nào tư liệu cho những tra khảo sau.

Về cuộc đời Huệ Lâm [^]

Cuộc đời của Huệ Lâm, cứ Cao Tăng truyện quyển 7 ĐTK 2059 tờ 368 a11-21, thì như thế nay: "Đệ tử cuả Đạo Uyên là Huệ Lâm vốn họ Lưu, người Tần quận, giỏi hết các kinh điển và Trang Lão, hay đùa giỡn, ưa nói cười, sở trường về việc viết lách nên có Huệ Lâm tập 10 quyển, nhưng tính kiêu ngạo, lại hay tự khoe khoang. Uyên thường đến thăm Phó Lượng, Lâm tới chỗ trước, bèn ngồi. Đến khi Uyên tới, Lâm không trí lễ. Uyên giận, nóng cả mặt, Lượng bèn phạt Lâm 20 trượng. Tống Thế Tổ kính trọng Lâm, cho dẫn tới thăm thì Lâm thường lên ngồi trên cái giường một. Nhan Diên Chi, mỗi khi có dịp, đều chê trách. Vua liền không vui. Sau đó, Lâm viết Bạch hắc luận, trái với lý nghĩa Phật giáo. Thái thú Hoạnh Dương Hà Thừa Thiên cùng Lâm đọ giáp, giúp nhau kích dương, làm ra Đạt tín luận, cũng câu nệ một bên, mà chê trách Thích giáo. Nhan Diên Chi và Tôn Bính Kiểm bác hai cuốn luận ấy, mỗi người hơn một vạn lời. Lâm, khi huỷ phá áo pháp cuả mình, bị đuổi ra Giao Châu, đời nói: "Uyên công thấy ma tinh tức là con người này vậy".

Đọc qua tiểu truyện này của Lâm, một kiểm soát tư liệu ngoại tại chứng thực cho ta những chi tiết sau. Thứ nhất, về truyện "Lâm lên ngồi trên cái giường một" và sự "chê trách" của Nhan Diên Chi, chúng ta có thể tìm thấy trong tiểu sử cuả Nhan Diên Chi ở Tống thư quyển 73 tờ 7a4-6: "Lúc bấy giờ Sa môn Thích Huệ Lâm vì có tài ba và học thức nên được Thái Tổ quí trọng thương yêu. Mỗi khi cho gọi vào thăm, Lâm thường lên ngồi trên giường một. Diên Chi rất ghét, nhân đang say, bạch với vua rằng: "Xưa Đồng Tử tham cùng cỡi xe, Viên Ty nghiêm sắc mặt. Đấy là chỗ ngồi cuả bậc tam thai, há lại có thể khiến kẻ hình dư cùng ở? Vua đổi sắc luận.

Tống thư do Tề Vũ đề vào mùa xuân năm Vĩnh Minh thứ 5 (487) ra lệnh cho Trầm Ước viết và viết xong vào tháng 2 năm Vĩnh minh thứ 6 (488) Huệ Hạo viết Cao Tăng truyện khoảng năm 530 và chắc chắn là sau năm 519, do thế hẳn phải lấy chi tiết vừa nói ở Tống thư. Kiểm soát này giúp ta đính chánh một sai lầm khá to lớon, mà hình như tất cả những bản khắc từ thời Triệu Tống trở đi của Cao Tăng truyện đều phạm phải, đấy là Tống Thái Tổ của nhà Lưu Tống yêu thương và quí trọng Lâm, chứ không phải là Tống Thế Tổ, như chúng đã có. Tống Thái Tổ tức Tống Văn đế, trị vì giữa những năm 424-453; còn Tống Thế Tổ tức Tống Hiếu Vũ đế, trị vì những năm 454-464.

Chi tiết thứ hai liên quan tới chuyện Lâm viết Bạch hắc luận và đọ giáp với Hà Thừa Thiên. Văn cú cuả hai chi tiết, Hạo chắc phải rút từ bài văn "trả lời Tống Văn đế về việc tán dươong Phật giáo" của Hà Thượng Chi trong Hoằng minh tập quyển 11 ĐTK 2102 tờ 69a13-b4; "Lúc bấy giờ có Sa-môn Huệ Lâm, giả mặc áo thầy tu, mà hủy báng giáo pháp của mình, viết ra cuốn Bạch hắc luận. Thái thú Hoạnh Dương Hà Thừa Thiên cùng Lâm đọ giáo, giúp nhau kích dương, viết Đạt tính luận, cũng câu trệ về một phía, mắng chê Thích giáo. Thái thú Vĩnh gia Nhan Diên Chi và thái tử trung xá nhân Tôn Bính đều là những ngưòi tín đạo, kiểm bác hai cuốn luận ấy mỗi người hơn một vạn lời. Lâm và Thiên ban đầu cũng có thư từ lui tới, nhưng cuối cùng bị bẻ lý, họ bèn thôi. Bính nhân đó viết quyển Kinh Phật luận, để mở rộng tôn chi cuả mình. Vua khen hay".

Hà Thương Chi, cứ tiểu sử của ông trong Tống thư quyển 66 tờ 3a2-6b, sinh năm 382 và mất lúc 79 tuổi vào năm 460.

Về những chi tiết khác, chúng ta không có những tư liệu ngoại tại, mà văn cú đã được Huệ Hạo dẫn nguyên văn như hai chi tiết vừa thấy. Tuy thế, đối với một số nhân vật và chi tiết như Đạo Uyên, liên lạc của Uyên với Phó Lượng, tài ba của Huệ Lâm và việc Lâm bị đuổi ra nước ta đều có thể kiểm chứng. Thứ nhất, về Đạo Uyên, thầy Huệ Lâm, Hạo đã ghi lại thế này trong Cao Tăng truyện quyển 7 tờ 368a2-11: "Thích Đạo Uyên, họ Quan, không biết người xứ nào, xuất gia dừng lại chùa Đồng An ở kinh sư, nhỏ giữ giới luật, lớn học nghĩa tôn, các kinh những luật không gì là không thông đạt, nhưng tiềm quang ẩn đức, đời chẳng ai biết. Sau ở chùa Đồng An mở hội giảng, Uyên phẩu chiết mọi nguyên vy, làm srõ hết những chỗ sâu sắc, khiến cho tất cả những tích trệ xưa này đều bỗng nhiên bừng sáng băng giải. Từ đấy, học đồ đổi nhìn, ùa theo lập đức. Sau Uyên dời tới ở chùa Bành Thành. Tống Văn đế cho Uyên lấy đức hạnh làm vật quí, sắc đến ở chùa. Sau khi tới nhậm, Uyêm mất ở chỗ mình ở, xuân thu 78 tuổi".

Bản tiểu sử này cuả Uyên không những thiếu chính xác và thiếu đầy đủ, mà còn quá ngắn, khi so với bản tiểu sử phụ tuỳ của người đệ tử ông là Huệ Lâm. Thiếu chính xác, bởi vì nói không nói rõ chẳng hạn ngôi chùa mà Tống Văn đế sắc Uyên tới ở chùa nào. Thiếu đầy đủ, bởi cứ trong những tiểu sử khác, ta biết Uyên đã đến thụ giáo với Cưu Ma La Thập ở Trường An và tham dự vào những công tác dịch thuật vĩ đại của người này. Bản tiểu sử của Trúc Đạo Sanh trong cùng quyển đã ghi lại lời bình sau "Người đương thời bình luận rằng:

Sanh, Duệ phát thiên chân
Nghiêm, Quan oa lưu đắc
Huệ Nghĩa bành hành tấn
Quan Uyên vu mặc tắc.
Quan Uyên tức Đạo Uyên họ Quan vừa nói. Ông như vậy được xếp ngang hàng với danh sĩ Phật giáo đương thời, đây là Trúc Đạo Sanh, Huệ Duệ, Huệ Nghiêm, Huệ Quan và Huệ Nghĩa; và những người nà đều là môn đồ của La Thập, sống tại miền Nam. Sanh mất năm 435, Nghiêm năm 444, Nghĩa năm 445, còn Duệ và Quan thì chỉ biết mất trong khoảng Nguyên gia, tức những năm 424-453. Uyên cũng mất trong khoảng Nguyên gia. Niên đại ông do thế rơi vào khoảng 370-440.

Về chi tiết liên lạc giữa Huệ Lâm, Đạo Uyên và Phó Lượng, cứ tiểu sử của Lượng trong Tống thư quyển 43 tờ 10a6-17b6 và Nam sử quyển 15 tờ 11a3-12a5 thì không thấy nói. Lượng dĩ nhiên là vị công thần khai quốc của nhà Lưu Tống. Vì vụ phế thí Thiếu đế và lập ngôi Văn đế, mà Lượng sau đó đã bị Văn đế giết lúc mới 53 tuổi cùng với Từ Thiện Chi vào năm 426. Uyên và Lâm, nếu có đến thăm Lượng, thì chắc chắn phải trước năm ấy. Hơn thế nữa, chính vào năm 426, Văn đế cho gọi Huệ Lâm vào cung để bàn bạc triều chính. Cứ Tư trị thông giám quyển 120 tờ 11a13-b7, Nguyên gia năm thứ 3 (426) tháng 3 ngày tân tỵ, vưa trở về Kiến Khương, trưng Tạ Linh Vận làm bí thư giám, Nhan Diên Chi làm trung thứ thị lang, thưởng đãi rất hậu. Vua cho nhà sư Huệ Lâm giỏi bàn luận, nhân thế cùng bàn nghị triều đình đại sự, từ đó tham dự vào quyền yếu, khách khứa lui tới đông đúc, xe cộ trước cửa thường có vài chục cặp, bốn phương nối nhau dân gởi đồ biếu, chiếu vuông bảy tám bức luôn luôn đầy người. Lâm thường đi guốc cao, mặc áo lông chồn, đặt chức thông tình và thơ tá, Khổng Khải từ Hội Khế thường đến thăm, gặp khách khứa đầy nhà chào hỏi nhau mà thôi. Khải khái nhiên hỏi: "Bèn lại có tể tướng áo nâu, có thể nói là quan lý mất chỗ vậy".

Về việc cho gọi Lâm cùng Tạ Linh Vân và Nhan Diên Chi vào làm việc này, Hồ Tam Tỉnh đã chú thích là, "khi Lô Lăng vương bị phế thì người đấy bị đuổi đi, khi Từ Tiện Chi và Phó Lượng bị tru thì ba người này được tiến, có thể nói là kiểu uổng quá chính vậy". Việc tham dự vào triều chính cuả Lâm, chúng ta sẽ có dịp bàn rộng hơn ở dưới. Ở đây, ta biết, nếu Lâm vào năm 426 đã tham dự vào "triều chính đại sự", thì chắc hẳn Lượng không thể phạt Lâm hai mươi trượng vài năm trước đấy. Chuyện Lượng phạt Lâm do thế hẳn phải xảy ra khoảng trước năm 420, khi Lưu Dụ lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Lưu Tống và Lượng đạt tột đỉnh quyền hành của mình, nếu không là trước đó năm, mười hay mười lăm năm.

Chi tiết về tài ba của Lâm có thể kiểm soát qua nhiều tư liệu khác nhau. Thứ nhất, như những dẫn chứng trên từ Nhan Diện Chi cho tới Tư Mã Quang cho thấy, ai cũng nhận Lâm "vì có tài ba học thức"_1 nên được Văn đế kính trọng và hỏi bàn việc nước. Tiếp đến, cả Tống thư quyền 97 tờ 6b9-8b13 lẫn Nam sử quyển 78 tờ 10a12-b8 đều có tiểu sử của Lâm, một vinh dự ít thấy cho những nhà sư khác.

Vì bản tiểu sử trong Nam sử đầy đủ chi tiết và gọn ghẽ hơn là bản tiểu sử của Tống thư, dẫu chúng hoàn toàn đồng nhất với nhau, chúng tôi xin dịch nói ra đây: "Huệ Lâm người Tần huyện, Tần quận, nhỏ xuất gia ở chùa Trị Thành, có tài văn chương, học kiêm nội ngoại, là chỗ bạn bè của Lô Lăng vương Nghĩa Chân. Ông thường viết Quân thiện luận, rất chê bai Phật pháp, nói rằng: "Có một bạch học tiên sinh cho thánh nhân Trung Quốc kinh luân bách thế, đức họ đã rộng, trí họ lại bao trùm mọi hiện tượng, nguyên lý của trời người họ đều rõ hết, đạo họ không có chỗ che dấu, giáo pháp họ không có chỗ thiếu sót hở hang, họ thông tuấn dới triết, thì cần gì phải nhờ đến những học thuyết khác. Có một hắc đạo sỹ khinh chê những vị đó, họ cho là không rõ con đường ư minh, chẳng đề cập đến sự biến hóa của đời sau, tuy có thể hư tâm, nhưng chưa chắc có thể hư sự, nên không thể bằng được sự thâm thúy cuả học thuyết Tây Vức. Rồi đặt hai người này làm chủ khách, đối đáp nhau, mà kết luận là "Lục độ với ngũ giáo cùng được thực hành, tín thuận với từ bi đều được thiết lập". Cuốn luận ấy ban hành ra ở đời, cựu tăng cho nó là biếm truất họ Thíh, muốn gia tẫn đuổi. Văn đế thấy nói khen thưởng. Trong khoảng Nguyên gia; Lâm tham dự vào quyền yếu, triều đình đại sự đều cùng bàn cãi. Khách khứa lui tới đông đúc, xe cộ trước cửa thường vài chục cặp, bốn phương nối đuôi nhau gởi đồ dâng biếu, thế khuynh một thời, chiếu vuông bảy tám chiếc, trên đó luôn luôn đầy người. Lâm mang guốc cao, mặc áo lông chồn, đặt chức thông trình và thơ tá, quyền hành sách với bậc tể tướng. Khổng Khải từ Hội khể thường đến thăm Lâm, gặp khách khứa chỉ ồn ào hỏi thăm mà thôi. Khải bùi ngùi nói: "Lại có tể tướng áo nâu sao? Có thể nói quan chức không đúng chỗ vậy". Lâm chú thích Hiếu kinh à thiên Tiêu diêu của Trang Tử; văn luận của ông còn truyền ở đời".

Đấy là cuộc đời Lâm theo Nam sử, Tống thư cũng chép chừng ấy truyện, nhưng nó chấm dứt sau câu "thế khuynh một thời" để tiếp kể tác phẩm của Lâm. Chỉ khác một chỗ là, trong khi Nam sử tóm tắt Quân thiện luận, thì Tống thư cho chép lại hoàn toàn, từ đó sẽ là nguồn tư liệu Quân thiện luận cuả ta sau này.

Cứ tiểu sử ấy, thì Lâm là bạn bè cuả Lô lăng vương Nghĩa Chân. Chân là con thứ hai của Vũ đế. Khi Vũ đế băng hà, người anh lên ngôi tức Thiếu đế, nhưng vì hung bạo hoang tàn, nên bị phế vào năm 423. Chân đáng lý kế ngôi, song bị Từ Tiện Chi ghét, do thế bị giết vào cùng năm. Tiện Chi cùng Phó Lượng rước người con thứ ba của Vũ đế tức Nghĩa Long về nối vị, lấy hiệu là Văn đế, cải nguyên là Nguyên gia bắt đầu năm 424. Chân bị giết lúc mới 18 tuổi. Liên lạc với Chân với Huệ Lâm được Tống thư quyển 61 tờ 2a13-b6 và Nam sử quyển 13 tờ 7b5-11 viết thế này: "Nghĩa Chân thông minh, ái mộ văn học, nhưng khinh cử không có đức nghiệp. Chân cùng với Tạ Linh Vận từ Trần quận Nhan Diên Chi từ Lang Nha và sư Huệ Lâm đi chơi khắp chốn một cách khác thường, nói rằng: "Tới ngày đắc chí thì ta sẽ lấy Linh Vận hay Diên Chi làm tể tướng, Huệ Lâm làm đô đốc Tây Dự Châu".Từ Tiện Chi và những người khác rất ghét sự khinh nhờn quá sức của Nghĩa Chân và Linh Vận, Diên Chi, nên sai Phạm Yến nhẹ răn Nghĩa Chân rằng; "Linh Vận rộng thưa, Diên Chi bạc bẽo hẹp hòi. Văn đế nhà Ngụy nói: "Văn nhâ là những kẻ ít khi có thể dùng danh tiết của mình mà tự lập". Nhưng tánh tình của Chân vì đã quen thói, chưa thể quên lời, khi gặp tặng thưởng,nên vẫn tiếp tục giao du, đem đến cùng thuyền của Nghĩa Chân đơn sơ không bằng thuyền của mẹ Chân là Tôn Tử Nghi. Nghĩa Chân cùng Linh Vận, Diên Chi, Huệ Lâm cùng ngồi xem ngũ bộ, nhân thế thiết yến ở trong thuyền, bèn sai tả hữu cắt thuyền cua mình ra khỏi thuyền bà mẹ, đem thuyền ấy tới trình để xin lấy cái đẹp nhất..." Vì Chân chết lúc mới 18 tuổi, liên lạc giữa Chân và lâm cũng như Tạ Linh Vận và Nhan Diên Chi chắc hẳn không bắt đầu thực sự khoảng ba bốn năm trước đấy, tức khoảng năm 420 trở đi. Lâm có liên lạc ấy, bởi vì tài đức của mình.

Tài ba và học thức ấy, bản tiểu sử cuả Tạ Linh Vận ở Tống thư quyển 67 không nói đến, nhưng bản tiểu sử của Nhan Diên Chi đã vạch ra, như thấy trên. Không những thế, nó đã sáng chói, để một nhà sử gia nổi tiếng kiểu Phạm Việp bình luận. Việp viết Hậu Hán thư quen thuộc ngày nay. Tiểu sử ông ở Tống thư quyển 69 tờ 9a4-10 báo cáo một chi tiết lôi cuốn sau: "Việp tính tinh vi, có nghĩ suy, đụng việc thì phần nhiều rất giỏi. Áo quần y phục của Việp không gì là không do Việp đo cắt, người đời đều lấy phép tắc. Việp soạn Hòa hương phương cái tựa nói rằng: "Xạ vốn kỵ nhiều, dùng quá phân là giết. Trầm thật dễ hòa, nhiều cân không hại. Linh hoắc hễ khô là hư. Chiêm đường hễ ướt là dắn. Cam tùng, tô hiệp, an tức, uất kim và nại đa hòa la đều là những thứ quí giá ở nước ngoài, nhưng vô dụng ở đất Trung Quốc. Còn táo cao hễ kín thì đóng cục, giáp tiễn hễ cạn thì hôi, chúng không những không giúp ích gì cho sự thơm tho, mà còn làm cho bệnh càng nặng thêm nữa". Cái, mà cái tựa đầu muốn nói, là muốn đem những gương ấy sánh với Dữu Bính Chi. Linh hoắc hễ khô là hư, tức sánh với Trần Diễn Chi. Chiêm đường hễ ước là dắn, tức sánh với Trần Diễn Chi. Táo cao hễ kín thì đóng cục, tức sánh với Dương Huyền Đảo, Giáp tiễn hễ cạn thì hôi, tức sánh với Từ Trạm Chi, Cam tùng, tô hiệp, tức sánh với Huệ Lâm đạo nhân. Và trầm thật dễ hòa, tức sánh mình vậy", Việp như vậy, mặc dù coi Huệ Lâm "bất thú ư trung thổ", khi so sánh với cam tùng và tô hiệp, đã coi Lâm là "những thứ quí giá ở nước ngoài".

Về những liên lạc giữa Lâm và Tạ Linh Vận, tiểu sử của Vận trong Tống thư quyển 67 lẫn Nam sử không nói gì đến. Nhưng một sưu tập của Đạo Tuyên trong Quảng hoằng minh tập đã giữ lại một số văn kiện trao đổi giữa hai người này. Như đã thấy trên, Vận là bè bạn của Nghĩa Chân. Tống thư quyển 67 tờ 6b8-10 viết: "Lô lăng vương Nghĩa Chân nhỏ thích văn học, cùng Linh Vận tình khoản khác thường. Tới khi Thiếu đế tức vị, quyền hành đều tại tay những đại thần. Linh Vận gây xúi dị đồng, phê bình huỷ báng những kẻ chấp chính Tư đồ Từ Tiên Chi và những người khác do thế không thích, bèn đổi Vận ra làm thái thú quận Vĩnh gia". Thế cũng có nghĩa, Vận ra Vĩnh gia vào năm 423. Trong khi làm thái thú quận này, ngoài việc du hí, Vận còn viết một tiểu luận nhan đề Biện tôn luận, mà Quảng hoằng minh tập quyển 18 ĐTK 2103 tờ 224c25-225a9, đã ghi lại cùng với vấn nạn của những người khác, trong đó có trả lời vấn nạn của Huệ Lâm ở tờ 226b6-227a25.

Biện tôn luận viết: "Cùng đi chơi với các đạo nhân đều là những vị chuyên tu đạo tâm thần, chuyên tìm hiểu ngoài lời nói. Tôi đau gối giưòng, việc ít, lại có nhiều ngày rảnh, nhân thế xin trình bày ý kiến của mình về do lai của đạo nhằm xác định sự tìm hiểu tôn chỉ.

Họ Thích bàn luận Thánh đạo tuy cao xa, nhưng phải học nhiều mới hay đến, ràng buộc hết thì sự rõ ràng mới sinh, mới có thể đáp lại sự tiện ngộ. Họ Khổng bàn luận Thánh đạo đã hay, tuy Nhan Hồi chờ nhiều, hể đạo không rõ khắp, nhưng lý về một cực. Có một đạo sỹ đưa ra học thuyết mới, cho rằng sự lặng soi vi diệu không dừng từng bậc, học nhiều không hạn, sao phải tự dứt. Nên nay bỏ quan niệm tiệm ngộ của họ Thích mà dùng lấy quan niệm có thể đến, bỏ quan niệm chờ nhiều của họ Khổng mà giữ lại quan niệm một cực. Quan niệm một cực khác với quan niệm tiệm ngộ. Quan niệm một cực khác với quan niệm tiệm ngộ. Quan niệm có thể đến chẳng qua là quan niệm chờ nhiều. Cho nên, lý do cho việc bỏ đi tuy giống nhau, cho việc giữ lại thì Khổng Thích hai đường xa khác.

Tôi cho rằng hai bàn luận trên là những lời cứu vật, xướng lên học thuyết đắc ý cuả các nhà tu hành. Tôi dám lây chúng chiết trung, tự trộm gọi là học thuyết mới vậy, nhằm đáp lại những ý kiến thấp thỏi, đợi chờ có sự hiểu biết thêm về sau".

Giữa những ý kiến mà Vận "xin đáp lại dưới đây, đợi chờ có thêm sự hiểu biết", có cả chúng vấn nạn của Huệ Lâm và Pháp Vương, người Huệ Lâm sẽ viết truy điệu hơn mười năm sau. Trong đầu mở đầu cho trả lời vấn nạn hai nhà sư này, Vận đã viết: "Vừa xem xong hai vấn nạn, mừng vui như được thấy mặt, văn đẹp ý rộng, phất phới đầy mắt, có thể nói chúng là đến từ miệng của thắng nhân" - phi lãm song nạn, hân như tạm đối, tháo phong luận bác, uý nhiên mãn mục, khả vị thắng nhân chi khấu. Chỉ cần đọc một câu mở đầu này, ta cũng có thể thấy, Vận và Lâm đã có những tình khoản gì với nhau.

Qua những liên lạc mật thiết này với những danh sỹ thời ông, tài ba và học thức của Lâm tất không phải tầm thường gì. Ngoài Quân thiện luận mà ta sẽ cho bàn riêng dưới đây, cứ theo đoạn văn dẫn trên từ Nam sử và Tống thư cùng Cao Tăng truyện, Lâm đã chú thích Hiếu kinh, thiên Tiêu diêu của Trang tử và có Huệ Lâm tập mười quyển. Một kiểm soát kinh tịch chí của Tuỳ thư quyển 32, 34 và 35 cho thấy, những tác phẩm sau hiện còn tới giữa thế kỷ thứ 7: 1) Hiếu kinh 1 quyển, Thích Huệ Lâm chú. 2) Lão tử đạo đức kinh 2 quyển, Thích Huệ Lâm chú và 3) Tống Sa-môn Thích Huệ Lâm tập 5 quyển, thư mục đời Lương có tới 9 quyển và 1 quyển lục. Thêm vào đó, ta phải kể 2 bài truy điệu do Lâm viết cho Trúc Đạo Sanh và Thích Pháp Cương, cùng với những trao đổi thư từ với Tạ Linh Vận, mà Quảng hoằng minh tập ghi lại. Ngoài ra, cứ báo cáo trên của Hà Thượng Chi thì Lâm có trao đổi thư từ với Tôn Bính và Nhan Diên Chi về cuốn Bạch hắc luận, nhưng ngày nay không một lá thư đã được bảo tồn. Trong bản mục lục Pháp luận do Lục Trừng viết vào khoảng 465-469 và Tăng Hựu chép lại trong Xuất tâm tạng ký tập quyển 12 ĐTK 2145 tờ 85a25-2a, ta thấy ngoài Quân thiện lua65n, Lâm còn tác giả 3 luận văn khác: 1) Thích Huệ Lâm nạn, 2) Hôn nông vô thượng luận và 3) Vấn nạn. Nhan đề của luận văn thứ hai tỏ ra lôi cuốn vì nó đề cập tới hôn nhân và nông nghiệp. Tóm tắt, trừ Bạch hắc luận và những bài truy điệu cùng thư từ với Tạ Linh Vận, những tác phẩm của Lâm ngày nay hầu hết đã tán thất. Dẫu thế, chỉ một cuốn Bạch hắc luận cũng đủ làm cho tiếng tăm Lâm vang dội và trở thành đầu đề bàn cãi của những trí thức lãnh đạo thời ông, đặc biệt là Hà Thừa Thiên.

Hà Thừa Thiên là một nhà thiên văn học nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại. Tiểu sử ông tìm thấy trong Tống thư quyển 64 tờ 6b13-13b1. Ông sinh năm 370 và mất năm 448 lúc 78 tuổi. Cứ vào tiểu sử đây thì hình như Thiên không có một liên lạc nào hết với Huệ Lâm. Điểm may mắn là Tăng Hựu đã cho sưu tập lại phần lớn những phát biểu của thiên về Phật giáo và dành hầu như hoàn toàn hai cuốn thứ 3 và thứ 4 của Hoằng minh tập cho chúng. Chúng ta nhờ thế biết tường tận quan điểm và cảm nghĩ của Thiên đối với Lâm. Trong lá thư đầu tiên viết cho Tôn Bính, để gởi kèm cuốn Bạch hắc luận của Lâm, Thiên viết: "Đạo nhân Huệ Lâm ở chùa Trị Thành làm ra Bạch hắc luận, bèn bị chúng Tăng bài tẫn, may nhờ gặp Minh chúa khéo cứu, nên miễn được tội ba la di. Đã làm Tỷ-kheo, mà không chịu rõ điều ấy. Huống nữa hàng cư sỹ như tôi, sao lại không nói"

Trong lá thư trả lời, Bính không những phân tích một cách khá chi ly tác phẩm của Lâm và phê bình những kết luận của nó, trái lại còn dẫn những người từ Kỳ Vức cho tới Đạo An, Đạo Lâm và Huệ Viễn, rồi hỏi: "Thần lý phong tháo cuả họ hình như rất không sau tỷ kheo Huệ Lâm, thì đâu lại có chuyện họ bỏ bậy nhân lý, cạo vứt tóc râu, để tin theo sự giáo hóa của người không thật?". Đáp lại lá thư vừa dẫn của Bính, Thiên viết: "Túc hạ đã biết, người thường không thể ngay cả lường đo việc gần, thì nay làm sao mà họ có thể hơn được trong việc lường đo việc trăm năm về trước hay ngàn dặm nước ngoài? Lâm Tỷ kheo dù dáng mạo thầy tu, nhưng bẩm tính ngay thật, hình như sâu biết sự chân ngụy, lại rất không chịu kiêng sợ việc hộ kinh, thờ thầy, để ăn nói bằng những lời xảo mỹ. Tôi do đó mà có lòng kính trọng đối với ông ta". Hà Thiên đối với Lâm là thế.

Điểm đáng chú ý hơn nữa là thái độ của Tôn Bính trong câu trả lời nhận xét vừa nêu của Thiên. Bính viết trong lá thư trả lời cho Thiên rằng: "Tôi quả không quen biết Lâm tỷ kheo lại cũng không từng bàn luận việc đời với ông ấy. Nhưng nếu túc hạ cho ông đó ngang hàng với Dữu Văn Bính, từ đó có thể không thua gì Đạo Thúy, thì cũng đang còn thua Trúc Pháp Hộ và Vu Pháp Lan. Lời bình trước chưa hẳn là đã thất ngôn. Nếu Lâm thật có thể có mặt mũi thầy tu, bẩm tính ngay thẳng sâu biết chân ngụy, thì hà tất chẳg hóa làm Thiên đế thích, để khích lệ người mau thành Phật sao?".

Nhận xét vừa kể phải nói là đáng ngạc nhiên, nhất là khi Bính xếp Lâm lên ngang hàng với Vu Đạo Thúy, nếu không là với Vu Pháp Lan và Trúc Pháp Hộ. Đạo Thúy cố nhiên là một nhân vật quan trọng trong thời Phật giáo du nhập Trung Quốc. Ông mất trên đường qua Ấn Độ tại nước ta vào khoảng năm 320. Đạo Lâm đã ca ngợi ông với bài minh sau:

Anh anh thượng nhân
Biết rõ lẽ trong
Trí ngời ngọc chiếu
Tiếng đức thơm lan.
Giả như Lâm ngang hàng với Thúy theo xác định của Bính, thì tối thiểu vị trí của Lâm trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc cũng không phải nhỏ mọn gì. Tôn Bính có tiểu sử trong Tống thư quyển 93 và Nam sử quyển 75 tờ 3b3-4a6. Sống giữa những năm 374-443, Bính là một phật tử thuần thành, đóng góp không ít trong việc giải thích Phật giáo cho người Trung Quốc. Ông là đệ tử của Huệ Viễn (344-416), một nhân cách vĩ đại và hiếm có của lịch sử Phật giáo Trung Quốc và thế giới. Nhận xét của Bính về Lâm do thế không phải là thường.

Đối với vấn đề tham dự quyền yếu, tiểu sử của Lâm trong Tống thư chỉ bằng lòng ghi: "Trong khoảng Nguyên gia, Lâm tham dự quyền yếu..., thế khuynh một thời". Nhưng Nam sử đã thêm câu nhận xét của Khổng Khải về cuộc đời khá bận rộn và khá phong lưu của Lâm như đã thấy trên. Khổng Khái có tiểu sử ở Tống thư quyển 84 tờ 15a5-21a3. Cứ theo đó thì Khải bị chém trong vụ gây hấn Nghĩa gia năm 466, lúc mới 51 tuổi. Năm Khải sinh như vậy rơi vào khoảng 416. Thời gian để Khải phát biểu nhận xét trên về Lâm chắc chắn phải sau năm 435 trở đi. Sau năm 435, Lâm do đó phải đang còn giữ chức "tể tướng áo nâu" tại triều Văn đế. Kết luận này có thể chứng thực một cách dễ dàng bằng cách đọc lại tiểu sử của Nghĩa Khương ở Tống thư quyển 68 tờ 1a6-6a5 và Nam sử quyển 13 tờ 8a9-10a9.

Khương là người con thứ tư của Vũ đế và em khác mẹ cuả Văn đế. Trong khoảng thời gian từ năm 435 cho đến 440 Văn đế đau yếu, quyền hành đều do Nghĩa Khương xử dụng cùng với bộ hạ của mình là Lưu Trạm, Lưu Kỉnh Văn và Khổng Dân Tú. Đến năm 440, khoảng tháng 4 bệnh bớt, Văn đế nghe phong phanh Dẫn Tú bàn việc lập Khương làm hoàng đế. Trạm lại gây oán với Ân Cảnh Nhân. Đến tháng 10, Nhân cùng Văn đế ra chiếu bắt Trạm cùng các con và đảng bộ giao cho đình uý xử. Khương khiếp sợ, dâng biểu tốn vị, xin đổi ra làm thứ sử Giang Châu. Trước lúc đi, "Khương lưu lại trong điện vua hơn 10 ngày. Quế Hương hầu Nghĩa Dung, Tần du hầu Nghĩa Tôn, Bí thư giám Từ Trạm chi đều lui tới thăm hỏi yên ủi. Đến ngày nhận chức, rời để xuống chữ thượng, Khương tới gặp vua, chỉ biết nhìn và khóc, không biết nói năng gì. Vua sai Sa-môn Thích Huệ Lâm đến xem. Nghĩa Khương hỏi: "Đệ tử có thể được trở về chăng" Huệ Lâm trả lời: "Chỉ tiếc ngài không chịu đọc vài trăm cuốn sách". Khương từ đấy trở đi thất sủng, để cuối cùng bị bàn tay của Văn đế giết mười năm sau vào năm 451, lúc ông 43 tuổi. Khương bị nhận cổ chết, vì ông từ chối uống thuốc do Văn đế gởi bởi "Phật dạy tự sát thì không được lại thân người". Đến năm 440 như vậy Lâm đang còn làm việc cho Lưu Nghĩa Long. Kể tử ngày Long gọi Lâm cùng Tạ Linh Vân và Nhan Diên Chi vào triều cho tới lúc đấy đúng mười ba năm.

Cuộc sống của Lâm trong giai đoạn ấy, như Nam sử báo cáo, tương đối khá phong lưu, nếu không là khá thế tục. Ông mặc áo lông con điêu, mang guốc gỗ cao, có những tên thư ký với những chức thông trình và thơ tá. Khách khứa lui tới rộn rịp, xe cộ đầy ngõ. Nhà cửa ồn ào tiếng người hỏi han. Cũng chính trong khoảng thời gian này, một vài chi tiết khá linh động về đời sống và tính tình Lâm được ghi lại. Tiểu sử cuả Tạ Hoằng Vi ở Tống thư quyển 58 tờ 2b6-3b10 kể chyện, vào năm 427 anh của Vi là Ta Diệu mất "Hoằng Vi ăn chay lâu ngày, buồn rầu quá lễ, năm tang tuy đã hết, nhưng vẫn không chịu ăn thịt cá, Sa-môn Thích Huệ Lâm đến thăm Hoằng Vi, Hoằng Vi cùng ngồi ăn, song vẫn một mình ăn đồ chay. Huệ Lâm nói: "Đàn việt bản thân đã nhiều bệnh, lúc này xương thịt lại gầy gò; sau ngày tang, sao vẫn không chịu ăn uống như thường? Nếu lấy cái việc vô ích để làm hại đời sống, thì đâu có đúng lẽ được. Hoằng Vi đáp: "Việc đổi áo mũ tang, ấy bởi lễ không vượt, nhưng lòng vẫn còn buồn chưa thôi, nên phải vậy". Rồi bèn bỏ ăn, khóc lóc nghẹn ngào khôn xiết".

Từ chi tiết này, ta có thể rút ra hai kết luận sau: Thứ nhất, Lâm có một cái nhìn khá thực tiễn về lễ nghĩa. Hoằng Vi dĩ nhiên là một trong năm trọng thần của đầu triều Nguyên gia cùng ngang bậc với Vương Hoa, Vương Đàm Thủ, Ân Cảnh và Lưu Trạm. Việc Lâm can gián Vi, do thế chứng tỏ Lâm không những có liên lạc mật thiết với những người cao cấp này, mà còn có những quan hệ tình cảm riêng tư khá gần gũi, dẫn tới chuyện muốn đem quan niệm lễ giáo của mình để ảnh hưởng Hoằng Vi. Thứ hai, bữa ăn của Lâm với Vi chắc là một bữa ăn mặn, bởi vì trong bữa ăn hai người ấy thì "Hoằng Vi dữ chi cộng thưc, do độc tố thực" - chỉ một mình Vi ăn chay, giả thiết Lâm chắc ăn cá thịt. Cũng cần nhớ là Vy rất giỏi nấu nướng, đến nỗi cả Văn đế cũng đến nhà Vi xin nấu ăn - thượng dĩ Hoằng Vi năng doanh thiện tu, thượng tựu cầu thực - Bữa ăn do Vi đãi Lâm vì thế chắc một bữa ăn mặn. Đương nhiên, việc ăn mặn này không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, bởi vì thủ tục ăn chay chưa trở thành phổ quát vào thời ông. Tăng sĩ ăn chay là một ngoại lệ hơn là thông luật, nên Huệ Hạo đã có dịp ca ngợi một cách nồng nhiệt những vị sư triệt để thi hành ngoại lệ ấy trong Cao Tăng truyện.

Chi tiết thứ hai được Giản Văn đế nhà Lương ghi lại trong Kim lâu tử quyển 6 tờ 7b8-8a4. Nó đọc thế này: "Hà Thừa Thiên ở tại ghế Thái Tỏ nói giễu Dữu Đăng Chi rằng: "Nhân họa đổi thành phúc, ấy chưa chắc đều là thông minh". Dữu Đăng Chi trả lời: "Tôi cũng từng vơi ba cây ấy cùng giết". Thừa Thiên, khi Tạ Hối làm loạn, viết biểu cho Hối nói: "Đương thả thuyền xuống phía đông, giết ba cây ấy". Cho nên ông Dữu lấy cái chuyện ba cây để giễu. Thừa Thiên thất sắc. Thừa Thiên lại cùng với đạo nhân Huệ Lâm ngồi với Thái Tổ. Thái Tổ sử hai người đánh cờ. Lâm công chỉ ba con cờ mà gọi Thừa Thiên nói: "Chỉ nên theo dòng thẳng xuống giết ba cây đó". Lâm lập lời nói tới ba lần. Thừa Thiên lưng toát mồ hôi, hoảng hốt khiếp sợ, đến nỗi bèn thua cuộc".

Chi tiết này dĩ nhiên nhắc lại việc Thiên tham dự vào cuộc kháng chiến cuả Tạ Hối chống lại sự giết Từ Tiên Chi và Phó Lượng của Văn đế vào mùa xuân năm 426. Hồi đóng ở Giang Lăng, thả thuyền xuống phía đông tức xuống Giang Khẩu, nhưng bị viện binh của Đàm Đạo Tề đánh lại. Hối chạy lên bắc Ngụy mượn viện binh Thừa Thiên ra đầu hàng, được sống: Từ ngày ra hàng đến năm 430, Thiên được thăng từ chức như man phủ sự lên thượng thư điện trung lang kiêm tả thừa. Tới lúc Ân Cảnh Nhân được cất làm thượng thư bộc xã vào năm 432 thì Thiên bị Ân đổi làm nội sử Hoạnh Dưong, bởi vì "tính Thiên cương trực, không chịu khuất ý, bạn bè ở triều đình thường hay bị khinh vũ, nên đông liệt không bàn tán Thiên cho Nhân biết". Đến năm 439, Thiên được gọi về triều, giao chức trước tác tả lang, để viết quốc sử. Qua năm 442, được bổ làm quốc tử bác sỹ giảng Hiếu kinh cho Hoàng thái tử. Từ năm 446, đổi làm dình uý. Chưa tới nhiệm sở thì vua muốn phong cho làm thượng thư bộ lại. Vì tiết lộ ý muốn đó, Thiên bị miễn quan, rồi mất hình như cùng năm, thọ 78 tuổi. Cứ vào bảng liệt kê vừa thấy, Lâm chỉ đánh cờ với Thiên từ năm 439 trở về sau, khi Thiên đã hơn 70 tuổi và ở lại trong triều. Tống thư viết: "Thừa thiên rất ưa đánh cờ, thường hay đánh bỏ việc. Thái Tổ cho một bộ cờ. Thiên dâng biểu trần tạ. Vua đáp: "Cho bộ cờ, sao quyết chẳng phải là thứ vàng Trương Vũ?". Việc Lâm lập lại ba lần câu nói trào lộng cuả mình, có lẽ là nguồn gốc cuả cái mô tả trên của Huệ Hạo về chuyện "Hay đùa giỡn, ưa nói cười" của Lâm.

Cuối cùng, về chi tiết Lâm bị đuổi ra nước ta. Chi tiết gồm có hai vấn đề. Thứ nhất là vấn đề Lâm bị đuổi và thứ hai là vấn đề nơi Lâm bị đuổi đến. Vấn đề đầu, tất cả những tư liệu trước thời Huệ Hạo cũng như sau ông đều nhất loạt nói tới. Chúng ta có báo cáo của Hà Thượng Chi, Hà Thừa Thiên, Trầm Ước, Lý Diên Thọ, Đạo Tuyên và Hoài Tín. Lý do cho việc đòi đuổi Lâm nằm trong truyện Lâm viết Bạch hắc luận hay Quân thiện luận. Thế thì cuốn luận nay viết ra lúc nào? Ở trên, chúng tôi đã vạch ra cái báo cáo của Hà Thượng Chi, nhưng đã vạch ra một cách nửa chừng, bởi vì trước khi bắt đầu với "lúc bấy giờ", Chi đã cho ta biết "lúc bấy giờ" ấy là lúc nào.

Toàn phần báo cáo đấy bây giờ có thể đọc thế này: "Nguyên gia năm thứ 12 tháng 5 ngày Ất Dậu có ty tấu Đan dương doãn là Tiêu Mộ Chi dâng lời nói rằng: "Phật giáo đã phát triển tới Trung Quốc trải tới bốn triều đại, chùa tháp hình tượng ngày nay kể tới số ngàn, có thể làm động lòng đùn bước để được chiêu khuyến. Nhưng từ mấy lúc nay, lòng tín của người ta ít ỏi. Họ không lấy sự tinh thành làm mục đích, lại lấy sự cạnh tranh xa hoa là quí trọng. Chùa cũ đổ nát thì chẳng có ai sửa chữa, mà một người lại muốn riêng tạo ra một chùa mới, để tự khoe khoang với nhau. Nên đất hẹp nhà sang đến nay đều hết. Săng gỗ tre nứa, vàng đồng, gấm vải, tốn không kể xiết. Thật là vượt sự vừa phải, trái với chế định, nên gia kiểm soát. Nếu không làm để ngăn ngừa giòng tục chưa dứt. Xin rằng, từ nay trở đi ai muốn đúc tượng đều phải đến kinh sư để xin phép, ai muốn tạo dựng chùa tháp tinh xá trước hết phải đến châu thú sở tại, trình bày đầu đuôi rõ ràng, y việc bày lời, các châu tất phải báo cho phép, sau đó mới được khỉ công. Giả như có ai tự túc tượng đồng, tự làm chùa tháp thì vì không dựa vào chiếu thư luật luận, đồng vàng săng gỗ ngói gạch đều thu nhập quan khố. Vua đồng ý với lời tấu. Lúc bấy giờ có Sa-môn Huệ Lâm giả mặc áo thầy tu mà tự phá hoại đạo mình, làm ra quyển Bạch hắc luận. Thái thú Hoạnh Dương Hà Thừa Thiên cùng Lâm đọ giáo, giúp nhau kích dương, viết Đạt tính luận..." Nguyên gia năm thứ 12 tức năm 435. Vào năm 435 như vậy Bạch hắc luận đã ra đời, để cho Hà Thượng Chi kết tội Lâm là "giả mặc áo thầy tu mà tự phá hủy đạo mình" Do đó chúng ta biết chắc chắn là, Lâm phải viết nó trước năm 435.

Tiếp đến, trong những thư từ qua lại giữa Tôn Bính và Hà Thừa Thiên về cuốn Bạch hắc luận, mà Tăng Hựu đã cho sưu tập lại trong Hoằng minh tập quyển 3, Bính luôn luôn gọi Thiên là Hà Hoạnh Dương, tức ông họ Hà ở Hoạnh dương. Cứ bảng liệt kê chức tước của Thiên trên, ta biết năm 432 Ân Cảnh Nhân đổi Thiên ra làm nội sứ quân Hoạnh Dương. Thiên làm việc ở quận này cho tới năm 439 mới được gọi về triều. Như báo cáo của Hà Thượng Chi nêu lên, năm 435 Thiên đã cùng với Lâm giúp nhau kích dương Bạch hắc luận. Do vậy, mặc dù tiểu sử của Thiên không bao giờ nói Thiên giữ chức thái thú quận Hoạnh Dương, như Thượng Chi điểm chỉ và Huệ Hạo ghi lại, điểm chắc chắn là, Bạch hắc luận phải ra đời trước năm 435 và rất có thể trước năm 433.

Rất có thể trước năm 433, bởi vì trong lá thư đầu tiê gởi kèm theo cuốn Quân thiện luận cho Tôn Bính đọc và phê bình Hà Thừa Thiên kể việc Huệ Lâm, sau khi viết Quân thiện luận, bị chúng tăng đòi tẩn xuất, vì họ coi sự viết nó như một ba la di, nhưng nhờ che chở của Văn đế mà được cứu. Để một nhà sư có uy lực và danh tiếng như Huệ Lâm bị đòi lột áo thầy tu và đuổi cổ; đặc biệt khi chúng ta biết Lâm vào năm 426 đã chính thức vào làm cố vấn cho Văn đế và đã có những liên lạc khá mật thiết với những danh sĩ đương thời như Tạ Linh Vận, mà cao đức Huệ Viễn gần hai mươi năm trước đây đã cho người gọi về Lô sơn viết tán, chắc hẳn một công luận đã được tạo ra. Thời gian để cho một công luận như thế thành hình, sau khi ra đời của Bạch hắc luận tất không thể ngắn ngủi, cứ vào phương tiện truyền đạt và thông tin thời bấy giờ. Hà Thừa Thiên đã chú ý đến nó, sau lúc nó đã tạo ra những bàn tán xôn xao và dị nghỉ chỉ trích, như chính việc nói tới ba la di trong lá thư của ông. Vì vậy, giả như Thiên nhận được cuồn luận cuả Lâm chậm nhất là vào năm 433, thì tối thiểu một năm phải trôi qua trước khi nhận sự việc do Thiên ghi lại xảy ra. Quân thiện luận do thế có thể viết năm 433 hay sớm hơn.

Nói năm 434 là năm chậm nhất, để Thiên nhận cuốn luận của Lâm, bởi vì mùa hè năm 435 Hà Thượng Chi và Tống Văn đế đã nói tới cuộc bút chiến giữa Tôn Bính, Nhan Diên Chi và Thiên. Năm 34 từ đó phải để ra cho cuộc bút chiến xảy ra. Ít nhất là 12 lá thư và luận văn đã viết về Quân thiện luận và vấn đề nó đề lên, như Hoằng minh tập ngày nay đã có. Thời gian cho số lượng thư từ này lui tới tối thiểu cũng phải sáu tháng cho đến 1 năm, đặc biệt khi những người liên hệ không một ai đã sống tại kinh đô Kiến Nghiệp. Quân thiện luận như vậy phải viết năm 433, nếu không sớm hơn, sau vụ bàn cãi Biện tôn luận của Tạ Linh Vận vào năm 423.

Khi đã viết Quân thiện luận, Lâm gặp phải những phản ứng khá mãnh liệt từ tập thể tăng già Trung Quốc thời bấy giờ, biểu hiện qua việc đòi lột áo thầy tu của Lâm. Họ coi Lâm đã phạm một ba la di khi viết nó. Quả thật, nếu Lâm dám bảo "Thích Ca biện nhi bất thật" thì người ta có thể hỏi, sao Lâm vẫn còn nhận mình là "người con tinh thần cuả Thích Ca", là "Thích Tử". Để hiểu tại sao một sự tình như thế này có thể xảy ra, ở đây mặc dù phê bình một số học thuyết của "Phật giáo", một số Phật tử vẫn nhận mình là "con Phật", chúng ta cần nhìn đến tình trạng Phật học tổng quát của giới trí thức và Tăng lữ lúc ấy.

Kể từ ngày Phật giáo truyền tới Trung Quốc, kinh điển thường là những suối nguồn cuả tin yêu nhiều hơn là bàn cãi. Nhưng bắt đầu cuối thế kỷ thứIII đầu thế kỷ thứ IV, một phong trào Phật thực sự ra đời, phát triển song song với và cung cấp chủ đề nghĩ suy cho phong trào huyền học thanh đàm, và Vu Đạo Thúy có thể coi như là người khởi xướng, và chủ đề bàn cãi là vấn đề sắc không của kinh Bát nhã. Viết tựa cho Tỳ ma la cật đế kinh nghĩa sớ vào khoảng năm 409, Tăng Duệ nói: "Từ gió huê đông thổi, lời pháp chảy vang đến nay, tuy ngày àng thêm chỗ tiảng, nhưng sự cách nghĩa xa vời, trái với lời cỗi gốc, nên sáu nhà thiên trệch mà không rõ tôn chỉ của tính không".

Sáu nhà là ai? Nhờ một chút dẫn của Nguyên Khương đời Đường trong Triệu luận sớ, người ta biết, sáu nhà này là sáu nhà chủ trương những cắt nghĩa khác nhau về vấn đề sắc không. Đó là thuyết bản vô của Đạo An, bản vô dị của Pháp Thân, tức sắc của Chi Đạo Lâm, thức hàm của Vu Pháp Khai, huyễn hóa cuả Đạo Nhất, vô tâm vô của Pháp Ôn và duyên hội của Vu Đạo Thúy, trong đó thuyết của An và Thâm hình như bị Duệ đồng nhất. Trong số sáu học thuyết về sắc không này, thuyết của Thúy dĩ nhiên là xưa nhất, bởi vì Thúy sinh khoảng 290 tại Đôn hoàng và mất trên đất nước ta khoảng năm 320 lúc mới 31 tuổi. Cứ Trung luận sở-ký, "Vu Đạo Thúy viết Duyên hội nhị đế luận, nói rằn, Duyên gặp nhau nên có, ấy là tục đế, suy chiết nó thì không, ấy là chân đế, ví như săng gỗ hiệp lại làm thành nhà, nha không có cái thực chất hiện hữu ở trước nó, nó do thế có tên mà không có thực, cho nên Phật bảo La-đa: "Sắc tướng diệt hoại thì thấy được cái không". Chỉ một vấn đề sắc không, mà trong một thế kỷ tối thiểu sáu học thuyết khác nhau đã ra đời.

Tình trạng ấy bước đến đầu thế kỷ thứ V càng trở thành trầm trọng hơn, vì những trường phái Phật giáo mới xuất hiện ở Ấn Độ và sự giao thương liên tục giữa Trung Quốc và Ấn Đô của những nhà truyền giáo và tìm đạo, dẫn tới việc truyền thừa nhiều kinh điển chứa đựng những học thuyết khác nhau. Mỗi một người theo một trường phái kích bác những trường phái khác, cho chúng là tà thuyết. Mỗi một người theo một giới luật, kích bác những giới luật khác, cho chúng là phi pháp. Ta có trường hợp Giác Hiền, dịch giả của Bộ Hoa Nghiêm vĩ đại, bị tẩn xuất khỏi dịch trường La Thập. Ta có sự tình Đạo Sanh bị tẩn xuất khỏi chùa Thạch viên và phải đến ở núi Hổ Khưu, vì giảng thuyết xiển đề có thể thành Phật, mà Huệ Hạo viết: "Cựu học cho là tà thuyết, chê bai tức giận rất nhiều, họ liền trình ra cho đại chúng, đại chúng lột áo đuổi cổ đi". Thậm chí có cái thuyết khá tân kỳ của Pháp Độ, "nói rằng, chỉ chuyên học tiểu thừa, cấm học Phương đẳng, chỉ lạy Thích Ca, không lạy thập phương Phật, ăn dùng bát đồng, không dùng gì khác, lại khiến các ni nắm tay nhau mà đi". Huệ Hạo phải nhận xét: "Nhưng cũng may đạt lượng quân tử chưa từng quay gót bước lui, chỉ ni chúng dễ tin, trước theo sự giáo hóa của nó. Thật nữ nhân lý giải khó thỏa, sự tích dễ bày, nghe nhân quả thì tức khắc quay lưng, thấy biến thuật thì bôn ba theo chạy. Cái gọi là theo nhau mà rớt, chính là đây vậy". Rồi có chuyện ngồi xoạc chân ra mà ăn, như những cãi cọ giữa Phạm Thái, cha của Việp, và Huệ Nghĩa, Huệ Quan, mà Tăng Hựu cho phép ra trong Hoằng minh tập. Cũng chính trong cuộc cãi cọ này, Thái ghi lại cái thuyết "vô sanh Phương đẳng giải thị ma thơ".

Quả thật, Phật giáo tiền bán thế kỷ thứ V tại Trung Quốc đang rơi vào một giai đoạn trưởng thành mới. Trong tình trạng đó, nếu Huệ Lâm có bị tẩn xuất, chúng ta cũng không có gì ngạc nhiên hết. Ngay cả một người với phẩm cách của Đạo Sanh, mới chỉ nói tới xiển đề thành Phật, là đã bị gọi là nói tà thuyết và bị lột áo. Huống nữa là Lâm vói những ăn nói kiểu "Thích Ca biện nhi bất thật". Điểm đáng chú ý hơn nữa là, trong khi Hạo chỉ ghi Lâm bị "đuổi ra Giao Châu", cả Tống thư lẫn Nam sử đều xác định một cách rõ ràng, kẻ chủ động trong vụ tẩn xuất là "cựu tăng", một từ ngữ, mà Hạo đã dùng khi mô tả việc Sanh bị đuổi.

Lâm viết Quân thiện luận năm 433. Những bàn cãi trên cho thấy, Lâm vẫn đang còn tại kinh đô Kiến nghiệp cho tới tối thiểu khi Văn đế bị bàn tay con mình giết vào năm 453 và sự che chở của Văn đế chấm dứt. Như trường hợp của Đạo Sanh, khi bị đuổi, Lâm chắc rời chùa Trị Thành đến ở những chùa khác. Đạo Sanh sau lúc bị đuổi, tới núi Hổ Khưu, rồi một thời gian sau dời tới ở Lô Sơn và mất ở đấy vào tháng 10 năm Nguyên Gia thứ 11 (434). Đưa đám Sanh, Lâm đứng ra làm bài truy điệu. Một tháng sau, Pháp Cương, người đã viết thư chung với Lâm cho Tạ Linh Vận, cũng mất tại núi Hổ Khưu. Một lần nữa, Lâm nhận trách nhiệm viết truy điệu Cương. Cả hai bài truy điệu này, Đạo Tuyên đã bảo tồn lại trong Quảng hoằng minh tập quyển 23 ĐTK 2103 tờ 265b3-266b2. Đọc qua chúng ta sẽ có dịp thấy Lâm có những tình tự gì đối với đồng đạo của mình, sau khi lên tiếng phê bình gắt gao Phật giáo thời ông. Bài truy điệu về Sanh đã làm tư liệu cho Huệ Hạo, khi Hạo, khi Hạo viết tiểu sử của Sanh trong Cao Tăng truyện quyển 7, nhưng không đóng góp một cách trực tiếp vào sự hiểu biết hành trạng của Lâm trong liên hệ với Sanh. Tuy thế, để cho thấy Lâm đã có những tình tự gì đối với đồng đạo mình và văn tài siêu việt thế nào, chúng tôi cho dịch lại từ đây.

"Nguyên Gia năm thứ 11 mùa đông tháng 10 ngày Canh Tý Đạo Sanh pháp sư mất ở Lô Sơn. Ô hô ai tai! Người hiền cáo tận! Sự đau xót ấy không cạn, Lẽ chung bảo mất, sự tiếc thương âý lại sâu. Pháp sư vốn giòng họ Ngụy, người Bành Thành vậy. Cha là huyện lịnh Quảng Thích, nhỏ mà kỳ tài, dắt tới Pháp Thải pháp sư, đổi áo theo học, thiên bẩm thông mậu, tự ngộ xưa cao. Năm đang chí học, đã lên tòa giảng. Vọng đạo tài năng, sĩ phu tiếng nổi, thời ấy chẳng ai mà chẳng hết lời cùng nghĩ, phục sự tinh trí, Lỗ Liên làm chịu Điền Ba, Hạng Thác bả lý già, Khổng, thật không kịp vậy. Gia dĩ tính tình trầm lặg và cương trực, khí ý hòa hiệp mà dễ theo, hỷ xả để mà cứu dụ, nên người càng trọng.

Đến tuổi trung niên, du học rộng tìm dị văn từ miền Dương Việt lên tới Tây Tần, trèo núi Lỗ Nhạc, đạp lối Hoạnh Sơn, ý nghĩa Đại thừa của La Thập, yếu chỉ tiểu đạo của Đề Bà, người đều rõ biết, rộng nắm sự sâu sắc. Chỗ nghe càng ưu, chỗ thấy lúc mỗi cao; nên đã hiểu rằng, hình tượng là chỗ nương của lý lẽ, ôm chặt hình tượng, lẽ tất phải mê, lời dạy là nhân có giáo hóa, giữ chặt lòi dạy, giáo hóa phải ngu. Do thế, trưng danh trách thật thì tất phải lầm sai ở việc hư đản, tìm tâm ứng sự thì tất phải mê muội trước lời cách nghĩa.

Từ ngày Phật giáo truyền tới, Trung Hoa học theo, chưa từng hay sản xuất một người thành công như thế đấy, bèn bắt mê riêng đổi, để dấu còn tích, các kinh mây vạch, mọi nghi sạch rõ, ý chỉ Thích Ca nhạt tỏ dễ tìm, quái gỡ những lời, đều thành bàn suốt. Làm duỗi danh giáo Đam Chu, nắm lấy huyền tâm Tú Bật, nhờ thế mà dễ.

Nhưng, vật sợ sáng lạ, ngưòi ghét cao trình, giận nhóm đồng phục, ưa bè kết lũ. Chúng bèn dang cánh co chân, dẹp ảnh người vào nơi hang huyệt, theo che chí đạo, quăng dấu ngưòi tới chốn ông Ngu. Vết chân lên thuyền, có đi không lại, mạng bỏ núi non, buồn khắp đô thị. Ô hồ buồn thay!.

Dòng trong Tứ Biện
Núi cao Lữ lương
Trong kinh chốn ấy,
Đức minh tuấn này
Như lan của cỏ
Như ngọc của đá
Chẳng phải xông khắc,
Cũng thành sặc sỡ
Lúc nhỏ dốc học,
Lòng ôm huyền lý
Nghe qua đã rõ
Vạch văn tìm ý
Nhỏ đã giảng tòa,
Lời chương đều chẻ
Nói ít nhằm lành
Không kể văn vẻ
Người biết trọng theo
Trung niên xét dại
Chưa rõ hết lẽ
Vì thế ra đi
Tìm học uyên vi
Tuy gặp lời hay
Càng biết gần giống
Đường cùng hết ngõ
Quay xe trở lui
San bằng mọi khó
Xiển dương giáo pháp
Chân gì cũng tuôn
Tối gì cũng tỏ
Như trời mới rạng
Ánh tỏa sáng rõ
Tứ quả thập địa
Dựa để sóng gió
Đổi làm ngựa trâu
Chứa đựng chim cá
Ai vạch thật này
Chẳng mê đạo đó
Nghĩ mãi điều đây
Cùng người mở nói
Đạo thành ở đây
Chúng nghe đều đông
Không chỉ chống lại
Trách chê đa văn,
Ta cho không hại
Khuyên nên nói truyền
Người biết trinh thành
Hiểu dạy càng chuyên
Lặng lẽ bỏ lớn
Thôi không lên tiếng
Ở nhiều thành tật
Sống ẩn rừng tre
Nghĩ nấp đầu suối
Trải nhiều nhàn gởi
Nói: Nhân giả thọ
Mạng sống sợi treo
Tằng không vĩnh cửu
Lan bồ nối loại
Khí chợt bi thương
Ô hô buồn thay!
Nghĩ mới vừa thăm
Ba thu đang nhớ
Gió lạnh dòng trong
Mây cao rừng trắng
Đưa nhau bến nam
Chia tay rẽ ngõ
Đi đứng mang mang
Buồn buồn tình ngó
Ẩn dật quen dòng
Mỗi theo lối cũ
Lo sợ mãi chia
Trở thành vĩnh cửu
Ô hô buồn thay!
Gió ngược lên làm tiếng dứt
Mây đưa đi khiến không còn.
Ba động xa tít đã hết
Tuổi hiền chuyển tới xuân đang
Nghe tiếng chim ca mà lòng rộng
Ngắm khí trời mà hòa chan
Nghĩ sở trường dưới trăng ấy
Tin đạo nghiệp vào lúc lành
Nhớ giảng đường khi thăm vắng
Thương cao tòa lúc nghe không
Tham việc nhân để xót lý
Buồn duyên khả để nhớ ông
Ô hô buồn thay!
Trời đất khả thám
Lẽ không một mai
Chúng đều cùng nhóm
Ngắn ngủi gọn tình
Tình còn để lại
Ngắn lời không đủ
Nhờ để tả buồn
Ô hô buồn thay!".
Bài truy điệu này, như chính câu mở đầu thú nhận viết vào tháng 10 năm Nguyên Gia thứ 11, tức năm 434. Nột số văn cú đã để lộ ra không ít những quan hệ tình cảm và lý thuyết giữa Huệ Lâm và Đạo Sanh. Không khác gì Lâm, Sanh sau khi bị tẩn xuất khỏi chùa Thanh Viên, khi ông tuyên truyền thuyết xiển đề thành Phật, dựa trên quan niệm kinh Niết bàn do Pháp Hiển mang về Trung Quốc vào năm 412. Đây là theo báo cáo của Cao Tăng truyện. Cứ chính truy điệu của Lâm, thì Sanh bị tẩn xuất vì đã phê bình một số nhà sư dùng "tứ quả thập địa, dựa lên để làm sóng gió" để "mê hoặc mọi người với chuyện hư đản", ăn nói "những lời quái gở". Chúng ta dĩ nhiên không thể xác định một cách quái gở". Chúng ta dĩ nhiên không thể xác định một cách dứt khoát sự thật, bởi vì chúng đều đúng. Hạo vì những ác cảm đối với Lâm, hắn đã bỏ lý do cá nhân mà Lâm ghi lại.

Cứ vào bài truy điệu, Lâm đã có những liên lạc với Sanh, khi Sanh trở về Kiến Nghiệp, sau buổi đi học với La Thập, lúc Sanh sống ở chùa Thanh Viên, khoảng những năm 414. Từ đấy cho tới khi Sanh chết trước 3 năm, chúng ta không biết một tí gì hết. Nhưng ba năm trước khi Sanh mất, Lâm đến thăm, như những mô tả buổi chia tay đầy thương yêu và xót xa cuả Lâm chứng tỏ. Bằng những lời lẽ của bài truy điệu, đặc biệt là ở 4 câu cuối cùng "ngắn ngủi gọn tình, tình còn để lại, đoàn chương không đủ, nhớ để tả buồn", thì Lâm và Sanh vẫn tiếp tục thăm viếng nhau, kể từ khoảng năm 414 trở đi, khi Sanh bị đuổi khỏi chùa Thanh Viên, và đã có những mối tình đậm đà với nhau. Lâm chắc hẳn đóng một vai trò nào đấy trong quyết định tuyên bố quan điể mình của Sanh, bởi Lâm viết: "Ta cho không hại, khuyên nên nói truyền".

Bài truy điệu cuả Lâm như vậy nói lên khá nhiều tình tự của Lâm như một nhà sư Phật giáo. Nhưng bài truy điệu viết nhân lúc Pháp Cương mất lại càng để lộ ra nhiều hơn nữa, cho ta thấy một cách hầu như phơi bày tất cả tâm niệm khá đau lòng cũng như những u tình rất trắc ẩn cuả cuộc đời Lâm. Nó có thể nói phản chiếu trọn vẹn khuôn mặt nội tâm cuả một con người, mà Huệ Hạo đã mô tả một cách khá sai lầm là "ưa đùa giỡn, hay nói cười". Nó đọc thế này:

"Nguyên Gia năm thứ 11 tháng 11 ngày Tân Tỵ, Pháp Cương pháp sư mất. Ô hô buồn thay! Rằng, đứng cao sửa vuông đa hại suốt thông, theo thấp sánh tròn lại thiếu cứng sạch; ở núi mắc cái tội ốm gầy, sống làng gặp cái bệnh ồn hẹp. Chọn lấy hai tình mà bỏ đi đôi việc, pháp sư quả đã có chúng vậy. Ít đến kinh thành, luôn ngại rừng thẳm, vui chí mà đi, theo tình mà đến, chán nhàm giòng đời, tìm nhàn nơi cây đá, lòng luyến hang động, mong vui ở ngoại vật. Chứng cho không đặc tháo, ta thấy bậc làm thầy, thật vậ. Tính trời minh thông, luyện dần phong vị, tình lý thung dung, thường giỏi văn nghĩa. Giao du chân thật hết chỗ giống. Nhắm đích mến yêu đạo trường tồn. Chôn thân áo pháp, lụy cân đai sớm dứt. Cao gót đất thần, chướng dân vua xưa bỏ. Huống nữa, vết cao xa cuả tăng môn, há dẫn đường bọn xu phục? Xưa nhân gặp gỡ, xuống đỗ xe kết giao, cùng nhau xuống tóc, càng hiệp vui hơn, bày nhung giải nhớ, để gởi tháng năm. Bèn dắt tay đi Lương, đọ cánh đến Đặng, hưởng gió núi thiêng, mang đạo bến thẳm, so vui bằng yến; ngàn dặm một khắc, từ đấy rừng đổ chim bay, bỗng chốc đầy tuổi. Người đậu cành cao, ta chìm bùn cặn, thường mong gặp Tăng Bốc cùng ở, thì hóa thành mối sông núi biệt ly của Lương Cao. Sóng đông không lại, tây cảnh chẳng thu, hết chỗ dòng trôi, cốt về đồi Tặng. Ô hô buồn thay! Xin truy điệu rằng:

Dòng ông họ Ân
Thật con cháu Thang
Tiếng vinh dấu ẩn
Nguyên lưu sáng choang
Nhỏ gặp đau yếu
Nhà không áo manh
Cô hiền nuôi nấng
Nhờ thế dưỡng thành
Đến thời ba bốn
Dĩnh đặc thông minh
Sánh Song Kỳ đẹp
Ngang Ngẩu La thông
Lòng chê Trung Quốc
Trí với cảnh thần
Cởi bỏ đời gần
Mến yêu duyên vĩnh
Đã theo dấu huyền
Rõ hiểu danh tích
Nhân nghĩa bỏ ngoài
Toàn không chút tiếc
Ý nhà chẳng thỏa
Rồi cũng phải thích
Không thèm quan chức
Chọn sống động hang
Đến không ướt chân
Đi không mất cánh
Lừng lựng bay lên
Tới lui thêm bớt
Ta ghét phù ba
Người hay tức tâm
Đồng vung ơn đạo
Cùng nhóm rừng đức
Gió hòa cùng phới
Cùng nghe tiếng bậc
Ta bước về đô
Người như trước mặt
Đi giảng xa xôi
Lòng nhớ dằng dặc
Đến khi rời xa
Đạo thời vằng vặc
Người xa núi xưa
Ta về cung bặt
Với nhau cùng xe
Dưới bóng nghỉ mát
Tro lạnh khói tàn
Lá rụng chẳng dứt
Ước trái không theo
Người bèn xuống đất
Chúng bảo mất mang
Gió nhớ ức uất.
Ô hô buồn thay! Đêm đông lạnh lẽo, tiêu điều ven sông, gió xe màn toạc, tuyết rot vào tròng... mạng người ngắn đứt, đường về ngái mong, xót xa kẻ mất, lặng lẽ khóc ròng, một mình cô lữ, Trời đất chẳng trông. Ô hô buồn thay! Mong đến sống đất Hổ Khưu, thương mất mờ nơi Lô Lĩnh, nghĩ hái lộc tại hoa kinh, nhớ dắt tay ngoài phiên cảnh, tình phiêu diễu ở đôi sườn, trí triền miên miền Lưỡng Tỉnh, sao ràng buôc hề không dứt, lòng nhớ nhung hề dằn vặt, gió đông hề đã hết, nắng hè nực hề vừa mất, bốn mùa đổi thay rối rít, tình càng sâu để dấu lâu, nếu lai duyên quả chẳng mất, xin gói trọn sanh niên để xót xa. Ô hô buồn thay!".

Đấy là bài truy điệu do Lâm viết cho pháp sư Pháp Cương. Đọc nó, ta có thể thấy một cách khá trọn vẹn nỗi đớn đau tâm trạng của Lâm, không những đối với người bạn vừa chết, mà còn đối với thân phận của chính mình. So với bài viết cho pháp sư Đạo Sanh, mà như đã nói, Lâm hẳn đã có những liên lạc mật thiết, bài đây quả phải kể như một tiếng khóc thầm cuả lòng một con người mà bên ngoài. "Ưa nói cười hay đùa giỡn". Nếu Lâm trong cuộc sống thường ngày có "ưa nói cười hay đùa giỡn" thì đó là một che lấp những đớn đau tan nát của nỗi lòng bên trong.

Lâm, như đã vạch ra trên, là một nhân vật trọng yếu của chính quyền Nguyên Gia, là một tinh hoa không những của Phật giáo thế kỷ thứ V mà còn của nền trí thức Trung Hoa cùng thời. Ông đã có những liên lạc thâm giao hầu như với hết cả những trí thức nổi tiếng của thời ông từ khoa học cho đến thi ca, từ Hà Thừa Thiên cho tới Tạ Linh Vận. Thế mà, Lâm đã thố lộ "người đậu cành cao, ta chìm bùn cặn". tử bạc cao kha, dư luân nê chỉ. Quả thật, thổ lộ ấy có thể tóm tắt hết cả tâm trạng đau thương của cuộc đời ông. Chưa bao giờ ta thấy một nhà sư viết truy điệu cho đồng đạo cuả mình đã nói lên những lời như vậy. Chưa bao giờ ta thấy một tiếng khóc đầy đau thương của một người, mà sử gia từ thời Thẩm Ước, Lý Diên Thọ trở đi đã được bảo là "quyền mâu tể phụ" và "hắc y tể tướng" thể hiện trong một truy điệu viết cho bạn mình.

Đọc những bài truy điệu loại này, ta mới hiểu tại sao Lâm đã viết những dòng đầy đanh thép và có vẻ "hủy báng" Phật giáo trong cuốn Quân thiện luận của ông, và tại sao, sau khi viết chúng, Lâm vẫn tiếp tục sống cuộc đời của một nhà sư, dẫu những kẻ quyền thế khác kiểu Hà Thượng Chi năm sau đã chửi bới là "giả làm thầy tu để tự hủy phá đạo mình". Huệ Lâm "có tự hủy phá đạo mình" hay không, chúng ta sẽ có dịp bàn cãi trong mục nói về Quân thiện luận. Ở đây, chỉ cần vạch ra là vai trò của Lâm trong việc phát triển và truyền bá Phật giáo tại Trung Quốc không phải nhỏ mọn gì, đến nỗi một người viết sử như thầy Mật Thể đã dành dịp kể tới tên ông trong bảng tóm tắt lịch sử Phật giáo Trung Quốc ngắn ngủi của thầy.

Thế thì, Pháp Cương là ai? Cho đến nay, ngoài bài truy điệu vừa kể và lá thứ viết chung với Lâm cho Tạ Linh Vận chỉ một mẫu tin khác đã tìm thấy liên quan tới ông trong thiên văn học của Thế thuyết tân ngữ quyển thượng tờ 28a2-b1, mà Lưu Nghĩa Khánh (403-444) đã ghi lại và làm tư liệu cho tiểu sử của Tăng Già Đề Bà trong Cao Tăng truyện quyển 1 do Huệ Hạo viết sau đấy. Chuyện Nghĩa ghi lại thế nà: "Đề Bà lúc mới tới kinh sư, giảng A tỳ đàm cho Đông đình hầu ở nhà. Mới ngồi nghe giảng được một nửa thì Tăng Di liền nói: "Đều đã hiểu rồi". Tức rời chỗ ngồi mình cùng vài bổn đạo nhân, đến nhà riêng của mình mà tự giảng. Đề Bà giảng xong, Đông đình hỏi đạo nhân Pháp Cương: "Đệ tử đều chưa hiểu, em Di cuả đệ tử sao có thể hiểu liền ngay như vậy?". Pháp Cương trả lời: "Đại khái thì ngay như vậy?" Pháp Cương trả lời: "Đại khái thì những gì Di giảng đều đúng, chỉ có một số chi tiết nhỏ mọn là chưa vạch rõ thôi". Chú thích đoạn văn vừa dẫn, về Pháp Cương, Lưu Hiếu Tiêu (462-521) bảo "thị tộc chưa rõ". Còn về sự tinh chung, ông cho dẫn một đoạn văn từ Xuất kinh tự "Xuất kinh tự nói rằng; "Đề Bà vào khoảng đầu Long an đến kinh sư, Đông đình hầu Vương Tuân nghênh đến nhà mình giảng A tỳ đàm. Đề Bà rõ tôn chỉ mà còn phát lộ nghĩa sâu. Vương Tăng Di cỉ một lần nghe, liền tự giảng. Sự rõ nghĩa để mở lòng người của ông là nhưi vậy. Chưa rõ năm ông mất".

Đúc kết hai mẫu tin vừa dẫn, Hạo viết Cao Tăng truyện: "Đến Long An năm thứ nhất, Đề Bà tới kinh sư. Vương Công và phong lưu danh sĩ triều Tấn, chẳng ai là chẳng đến chỗ ông giảng trí kinh. Lúc bấy giờ, vệ quân Đông đình hầu Vương Tuân đât Lang Nha hiền lành có lòng tin sâu sắc, phù trì chánh pháp, kiến lập tinh xá, rộng mời học chúng. Khi Đề Bà tới, liền cùng cung thỉnh, xin đến giảng A-tỳ-đàm. Danh tăng đều nhóm nghe, Đề Bà đã rõ tôn chỉ, lời lẽ lại chính xác, nên nêu phát nghĩa lý, làm cho người nghe đều vui hiểu. Lúc ấy, Vương Tăng Trân (đúng ra phải sửa thành Vương Tăng Di - Lê Mạnh Thát chú) cũng tại giảng đường nghe giảng. Sau ở nhà mình, Di tự giảng. Tuân hỏi đạo nhân Pháp Cưong: "Sở đắc của Tăng Trân thế nào?". Cương trả lời: "Đại lược thì đều đúng, chỉ tiểu tiết là chưa xét". Sự trình bày rõ ràng dễ làm lòng người hiểu của Đề Bà là như thế đấy".

Vương Tuân là em Vương Tăng Di dĩ nhiên đều là những danh thần của triều Đông Tấn. Tuân sinh năm 349 và mất năm 400. Di sinh năm 361 và mất năm 388. Long An nguyên niên tức năm 397 Do thế, Đề Bà không thể đến kinh sư nhà Tấn vào khoảng Long An được, ob73i vì Vương Tăng Di đã mất gầ 10 năm trước đó. Có lẽ ông phải giảng kinh chậm lắm thì cũng khoảng vào năm 388. Dẫu sao chăng nữa, Cương đã có những liên lạc với Tuân cũng như Đề Bà_1. Gần bốn mươi năm cho tới lúc chết năm 434, Cương như vậy đã là một "danh tăng" như Hạo bảo. Mặc dù bài truy điệu Lâm viết không ghi rõ Cương mất lúc mấy tuổi. Cứ vào dữ kiện vừa nêu, ta có thể giả thiết là, Cương tối thiểu cũng phải trên dưới ba mươi tuổi, lúc Tuân hỏi ông. Nói cách khác, Cương phải sinh khoảng năm 350-360. Bấy giờ, bài truy điệu bảo, Cương sống ở Hồ Khưu. Núi này Trúc Hạo Nhất của Cao Tăng truyện quyển 5 đã nhờ vào sự kính mộ của anh em Vương Tuân làm nên hai ngôi tinh xá, mà sau đấy thành chùa Đông và chùa Tây, vào khoảng năm 368. Em của Tuân dĩ nhiên là Vương Dân, tự Tăng Di. Đầu năm ấy, Nhất ra ở chùa Ngỏa quan tại Kiến Nghiệp để học với Pháp Thải. Đến khi Giản Văn đế mất, tức khoảng năm 372, Nhất về Hổ ngưu. Khoảng năm 397-401, Nhất mắc bệnh, chết ở núi ấy, thọ 71 tuổi. Pháp Cương với những liên lạc với Vương Tuân và Vương Dân do thế hẳn đã có một quan hệ nào đấy với Đạo Nhất, nhất là khi ông sống tại ngọn núi do Nhất khai sơn. Cương, cứ bài truy điệu đã đi lên Lương Châu để sống ở núi Đặng Ta không biết chuyến du cư này xảy ra năm nào. Nhưng bằng vào việc Đạo Sanh, khi bị đuổi khỏi chùa Thanh Viên, đã đến ở Hổ Khưu, chúng ta có thể giả thiết, Cương đã có mặt tại núi này vào khoảng ấy, tức khoảng năm 414, bởi vì Cương là bạn cuả Lâm và Sanh lại tuyên giảng "tà thuyết" của mình dưới sự thúc đẩy của Lâm Sanh đến ở như vậy qua trung gian của Lâm. Chính Lâm nhắc đến chuyện Sanh mất ở Lô sơn trong bài truy điệu Cương ở câu "thương mất mờ nơi Lô lĩnh", tỏ ra Cương Lâm và Sanh có những tương giao rất mật thiết.

Tất cả biết về Cương từ đó có thể nói gồm những chi tiết sau. Sinh khoảng năm 360, Cương nhỏ đau yếu, nhà nghèo nhờ người cô nuôi. Lớn lên không chịu ra làm quan, mặc dầu Cương là con cháu một nhà quí tộc. Lưu Hiến Tiêu bảo không rõ giòng họ của Cương, nhưng bài truy điệu nói, Cương "quyết tộc thị Ân, thật Thang chi duệ". Cương đi tu, khoảng năm 397 Cương trở thành danh tăng ở kinh sư. Sau đấy ông chắc sống ở Hổ Khưu khoảng trước năm 414 vài năm ông du lịch Lương Châu. Sau năm 414, ông sống ở Hổ Khưu với Trúc Đạo Sanh, và mất ở đấy năm 434 tháng 1q ngày tân mùi, sau lúc Sanh mất một tháng.

Trong khi ông còn sống, Lâm chắc đến viếng thăm và tâm sự nhiều lần. Tình tự giữa ông và Lâm thế nào, ngày nay ta không có một tư liệu nào khác, ngoài bài truy điệu trên. Cứ nó thì Cương có thể nói là người tri âm và tri kỷ của Lâm là một người hiểu Lâm và Lâm hiểu. Cho nên, khi ông mất, Lâm viết: "Xót xa kẻ mất, lặng lẽ khóc ròng, một mình cô lữ, trời đất chẳng trông" - muộn muộn tức tận, tịch tịch ai hào, cô lữ như bạc, quân hóa vô bào. Viết truy điệu cho Vương như vậy, Lâm không những truy điệu Cương, mà còn truy điệu chính cái chết của phần cuộc đời của mình. Cương mất một tháng, sau khi Sanh mất năm 434. Đến năm 440, ta đang còn thấy Lâm làm việc với Văn đế, nhưng có lẽ làm việc như một cô lữ, làm việc cho tới khi Văn đế bị chính con mình giết năm 453, và để cuối cùng bị đuổi ra nước ta, lúc Hiếu Vũ đế lên ngôi năm 454.

Đọc hai bài truy điệu trên, ta bây giờ mới có thể thấy tâm hồn Lâm đã chan chứa những cảm niệm nào đối với đồng đạo của mình. Ta cũng sẽ thấy, Phật giáo theo Lâm phải được định nghĩa ra sao. Cho nên, khi ông nói "Thích Ca biện nhi bất thật" về chuyện u minh, ta phải hiểu ông nhắm đến một thứ Phật giáo nào đấy, chứ không phải là toàn thể Phật giáo. Hai câu cuối cùng trong bài truy điệu Pháp Cương "nếu lai duyên quả chẳng mất, xin gói trọn sinh niên để xót xa" - cẩu lai duyên chỉ phỉ vong, quyên sinh niên dĩ tăng trắc - để lộ một phần nào quan niệm Phật giáo của ông. Chúng nói, nếu pháp sư sau khi chết, không hoàn toàn tận diệt, thì xin chứng dám cho tôi đây là, tôi xin đem gói hết những năm mình đang còn sống để thương nhớ pháp sư. Một nhà sư Phật giáo nghi ngờ về đời sau quả là một đặc biệt.

Cố nhiên, với những bạn bè của ông như Hà Thừa Thiên và Phạm Việp, chúng ta tất không có gì phải ngạc nhiên Chuyện Thiên đã nói trước. Về Việp, có một cố sự do Trầm Ức ghi lại trong Tống thư quyển 69 tờ 8b11-12. Sau khi Nghĩa Khương bị truất chức ở kinh sư năm 440. Khổng Hy một người chịu ơn Khương bày mưu lật đổ Văn đế. Nhưng sự bại lộ vì việc phản gián của Từ Trạm Chi. Việp bị bắt, hạ ngục và giết năm 445, lúc mới 48 tuổi. Theo Ước, thì "Việp thường nói người chết, tinh thần sẽ mất, muốn viết sách Vô quỉ luận, đến đấy (túc lúc bị ngục) bèn cùng với Từ Trạm Chi viết thư, nói "Chúng ta sẽ phải cải án nhau ở dưới đất". Ước bậy bạ của Việp là như thế đó - Lâm, như Việp, phải đợi tới khi đối diện với sự chết, mới hy vọng có đòi sau, trong trường hợp Việp đã cãi về việc gian trá của Từ Trạm Chi, và trong trường hợp Lâm để mong pháp sư Pháp Cương hiểu sự xót xa cuả lòng mình. Quả là đặc biệt.

Việc Lâm bị đuổi như vậy thực tế đã xảy ra, kiểu Đạo Sanh đã bị, vì họ đã có những quan niệm Phật giáo khác với phần lớn những người làm nên tập thể tăng lữ và Phật giáo bấy giờ. Nó vì thế không có một ảnh hưởng quyết định nào hết trên thâm cản đối vói Phật giáo và bè bạn Phật giao cuả họ. Sanh tiếp tục tin tưởng quan niệm Phật giáo cuả mình. Huệ Lâm cũng vậy. Nhưng đặc biệt hơn là, với Lâm, Huệ Hạo viết thêm: "Lâm khi đã huỷ phá áo pháp cuả mình, bị đuổi ra Giao Châu". Vấn đề thời gian và nơi chốn Lâm bị đuổi tới từ đấy mang một ý nghĩa lôi cuốn với chúng ta. Như đã nói, mọi tư liệu đều nhất loạt ghi lại việc Lâm "Bị gia tần xuất". Nhưng địa điểm Lâm bị đuổi tới, thì cho tới nay chỉ hai giữa hơn bảy nguồn tư liệu về cuộc đời Lâm nói đến, đấy là Cao Tăng truyện và Thích môn tự cảnh lục.

Thích môn tự cảnh lục do Hoài Tín viết khoảng năm 830 và như nhan đề nó chỉ điểm, chỉ là một cuốn sách đầy mùi vị đạo đức nhằm răn dạy đồng đạo của Tín về đức độ và hành động. Nó ghi lại tiểu sử của Lâm ở quyển thượng ĐTK 2083 tờ 809b21-c8, trong đó ta biết thêm là "vài năm sau khi bị đuổi ra Giao Châu, Lâm bị mù mắt, kết phẫn rồi chết", với mục đích cho thấy, mặc dù Lâm trải qua phần lớn cuộc đời mình trên nhung lụa và quyền hành cuối cùng ông ta cũng bị quả báo mù mắt và chết nơi xa xôi vì dám nói "Thích Ca biện nhi bất thật". Chi tiết về những ngày cuối cùng của Lâm tại nước ta này, tuy quí giá mang nhiều màu sắc đạo đức để được tin chắc chắn phải mất tại nước ta và có lẽ bị mù trước khi mất. Trước Huệ Hạo như vậy không một tư liệu nàn nói việc Lâm bị đuổi tới của Hạo do đó gặp phải khó khăn thứ nhất của nó.

Khó khăn thứ hai là, cứ theo báo cáo của Hà Thừa Thiên và Thẩm Ước thì Lâm "bị chúng tăng bài tẩn", sau khi viết ra Quân thiện luận, nhưng nhờ "che chở của minh chúa nên được miễn ba la di". Nói cách khác, viết xong Quân thiện luận khoảng 433, Lâm bị đuổi, nhưng Văn đế che chở nên khỏi. Đấy cố nhiên là một sự thực, bởi vì chúng ta đã thấy là, cho tới giữa những năm 439-440 Lâm đang còn sống tại Kiến Nghiệp với "quyền mâu tể phụ" đánh cờ với Hà Thùa Thiên và tra vấn Lưu Nghĩa KHương. Vậy thì, Lâm bị "đuổi ra Giao Châu" từ bao giờ? Nếu chúng tăng hay cựu tăng, sau năm 431, đã tẩn xuất không thành công, vì sự can thiệp của Văn đế, thì phải chăng họ đợi khi Văn đế mất để làm một tần xuất thứ hai? Hay Lâm đã bị tẩn xuất vào những năm cuối cùng của Văn đế khoảng từ 450 trở đi? Những câu hỏi này, ngày nay không thể nào trả lời được và đó là khó khăn thứ hai của chuyện Lâm bị đuổi, bởi vì không tư liệu đã được bảo tồn. Những bằng cớ trùng hợp như lá thư của Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu, không có một tính quyết định nào hết về việc lâm có bị đuổi hay không bị đuổi ra nước ta. Tình trạng tổ chức quyền hành Phật giáo dưới thời Hiếu Vũ đế lại không được biết một cách chi tiết rõ ràng. Thời gian Lâm bị đuổi từ đó hầu như hoàn toàn không thể giải quyết. Chúng tôi vì thế phải giải thiết là, Lâm bị đuổi ra nước ta, khi Hiếu Vũ đế lên ngôi, khoảng năm 454, bởi vì vào khoảng đấy sự che chở của Văn đế không còn và tập thể tăng lữ Phật giáo lúc bấy giờ thực sự thi hành quyết định tẩn xuất.

Cứ vào những phân tích trên, cuộc đời Lâm như vậy có thể trình bày thế này. Sinh khoảng năm 380, cùng một khoảng với Tạ Linh vận và Nhan Diên Chi tại Tần huyện Tần quận, tức phía nam tỉnh Cam Túc ngày nay, Lâm xuất gia với Đạo Uyên có lẽ ở chùa Đồng an. Khoảng năm 400, Lâm đã có những liên lạc với Pháp Cương ở Hổ Khưu. Khoảng năm 414, Lâm giục Đạo Sanh tuyên giảng lý thuyết xiển đề thành Phật, dẫn tới việc Sanh bị trục xuất khỏi chùa Thanh Viên, và đến sống nhờ ở Hổ Khưu với Cương. Khoảng những năm 420, Lâm có những giao du với Phó Lượng, nếu không là sớm hơn. Trong cùng thời, ông làm bạn với Lưu Nghĩa Châu, Tạ Linh Vận và Nhan Diên Chi. Năm 423, Lâm cùng Cương bàn cãi về Biện Tôn luận với Vận. Khoảng 431, Lâm viết Quân thiện luận. Không lâu sau đấy, có lẽ sau quyết nghị tẩn xuất của tập thể tăng lữ thời bấy giờ, Lâm đến thăm Đạo Sanh ở Lô Sơn.

Ba năm sau, Sanh mất, Lâm đứng ra đưa đám Sanh và viết truy điệu cho Sanh. Một tháng sau, người bạn tâm sự của Lâm là Pháp Cương theo gót Sanh và mất ở Hổ Khưu. Một lần nữa, Lâm đưa đám và viết truy điệu cho Cương. Trong thời Cương còn sống khoảng từ năm 410 trở đi, Lâm chắc đã lui tới Hổ Khưu nhiều lần. Trong khoảng ấy, bài truy điệu Cương của Lâm có nói tới việc Lâm "phản hà duệ" - trở ề từ miền xa - Chúng ta không biết "miền xa", mà Lâm đề cập ở đây, muốn chỉ miền nào, và chuyện Lâm đề cập ở đây, muốn chỉ miền nào, và chuyện Lâm để chân lên nó xảy ra lúc mô. Có lẽ đó là miền Lương Châu, nhưng ta không chắc. Sau khi Cương mất, Lâm có lẽ tiếp tục sống tại chùa Trị Thành và ra vào cung cấm làm việc cho Văn đế.

Trong giai đoạn này, ngoài chùa Trị Thành, Lâm chắc có một văn phòng làm việc của riêng ông, dẫn tới cái mô tả của Tống thư và Nam sử về chuyện "khách khứa lui tới đông đúc, xe cộ trước cửa thường có vài chục cặp, bốn phương nối nhau gởi dâng đồ biếu, thể khuynh một thời, chiếu vuông bảy tám chiếc, trên đó luôn luôn đầy. Lâm mang guốc gỗ cao, mặc áo lông chồn, đặt chức thông trình và thơ tá, quyền hành sánh với bậc tể tướng. Khổng Khải từ Hội khể đến thăm Lâm, gặp khách khứa chỉ ồn ào hỏi thăm nhau mà thôi".

Giai đoạn làm việc này nổi bật với ba chi tiết khá lôi cuốn. Chi tiết thứ nhất, xảy ra vào năm 428, khi Lâm đến thăm Tạ Hoằng Vi. Chi tiết thứ hai liên quan với vai trò của Lâm trong vụ tranh chấp quyền hành giữa Văn đế và Lưu Nghĩa Khương, dẫn tới sự tốn vị của Khương và cái chết của Khương và đồng đảng, vào năm 440. Và cuối cùng là chi tiết về chuyện Lâm đánh cờ với Hà Thừa Thiên trong khoảng thời gian từ 439 đến năm 447 lúc Thiên mất.

Sau năm 447 này, chúng ta không biết Lâm đã làm gì. Cứ Huệ Hạo thì Lâm bị đuổi ra nước ta. Hoài Tín bảo, Lâm mất tại Bắc bộ trong một tình trạng mù lòa vài năm sau khi bị đuổi. Tất cả những việc này có lẽ xảy ra khoảng sau năm 454 và chắc chắn là sau năm 447. Hai chữ "vài năm" - sổ niên - của Tín có thể cắt nghĩa như chỉ hay hay ba năm, nhưng có thể cắt nghĩa như "nhiều năm", nghĩa là bảy tám năm trở lên. Lâm do thế rất có thể sống tại nước ta cho tới lúc Lý Trường Nhân thực sự thành lập chính quyền độc lập của mình năm 468. Dẫu sao đi nữa, nếu Lâm tới nước ta năm 454, ông đã tạo nên khá nhiều bàn cãi giữa tập thể tăng lữ và Phật tử nước ta, dẫn tới sự ra đời của sáu lá thư và cái chết tự thiêu của Đàm Hoằng.

Khi nghiên cứu về sáu lá thư xưa nhất của lịch sử văn học và Phật giáo nước ta ở trên, chúng tôi đã giả thiết sự ra đời của Sáu lá thư có thể định tự vào khoảng giữa những năm 434 khi Quân tiện luận ra đời và năm 456, khi Đàm Hoằng tự thiêu tại chùa Tiên (châu) Sơn. Trong bản tiểu sử của Hoằng do Hạo ghi lại, chúng ta không được bảo tại sao Hoằng chọn năm 456 để tự thiêu, ngoài việc chép Hoằng thệ nguyện về An dưỡng. Lý Miễu nêu lên vấn đề "không thấy hình Phật", dĩ nhiên là một tiếng vang khá rõ rệt câu nói sau đây của Lâm trong Quân thiện luận: "Học đòi theo ánh thần ma không có một tấc sáng, nghiệm lấy linh biến mà chẳng có một chút lạ, kẻ cần thành không thấy được mặt mũi của đấng thiện cứu, người dốc học không tìm được sự thật của chuyện lăng hư; bảo đại là có sự sống lâu vô lượng, những ai thấy được một ông già trăm tuổi? Thiết tha về sự kiên cố của kim cương, nhưng ai ngó được một vật không hủ?".

Chính cái câu "đồ xưng vô lượng chi thọ, thục kiến kỳ di chi tẩu" với ý nghĩa của nó đích nhiên nhắm tới những người tin tưởng Tịnh độ và đức Phật A Di Đà, có lẽ đã thúc đẩy Đàm Hoằng, một người tu tịnh độ và chuyên trì kinh Vô lượng thọ, tới việc tự thiêu năm 456, hai năm sau khi Lâm tới nước ta. Bản tiểu sử của Hoằng dĩ nhiên phải đến tay Huệ Hạo qua trung gian những Phật tử và tăng sĩ nước ta, chữ tất không thể qua ai khác. Và nó ghi việc "ngày hôm ấy dân làng đều thấy Hoằng, thân sắc vàng, cỡi một con nai vàng, đi về phía tây rất nhanh, không dừng hỏi han; tăng và tục mới hiểu được sự thần dị, cùng nhau thu lượm tro cốt, để dựng tháp thờ", chứng tỏ tối thiểu là, chỉ sau khi Hoằng tự thiêu với những hiện tượng vừa mới dẫn thì Tăng và tục mới hiểu được sự thần dị. Nói cách khác, trước khi Hoằng tự thiêu, tăng sỹ và Phật tử nước ta có người đã không tin vào sự thần dị, một điều khá điển hình những ăn nói của Huệ Lâm và Lý Miễu. Hoằng muốn chấm dứt sự hoài nghi của những người này, nên đã tự thiêu mình, để "dĩ thân tác tắc", để làm gương. Chuyện đến nước ta của Lâm như vậy có thể coi như một biến cố.

Cố nhiên, Sáu lá thư có thể viết, vì sự có mặt cuả Quân thiện luận, chứ không cần phải có mặt của Lâm. Việc tự thiêu của Đàm Hoằng cũng thế. Nó rất có thể là một trả lời cụ thể cho những vấn đề Quân thiện luận nêu lên, chứ không cần phải có Lâm tại nước ta hay tại chùa Tiên (châu) Sơn. Dẫu thế, cứ vào sự xa xuôi giữa nước ta và Kiến Nghiệp cũng như giữa Phật giáo nước ta và Phật giáo Trung Quốc. Nếu Lâm không hiện diện tại Việt Nam thì Quân thiện luận của ông khó mà có thể gọi lên những phản ứng đồng thời và đồng điệu kiểu sáu lá thư và cái chết của Đàm Hoàng.

Hơn thế nữa, trong lịch sử nước ta chưa từng có một người được ghi lại là đã sống nhờ tổ chức Phật giáo rồi sau phản lại nó, như câu ca dao khá hóm hỉnh "Ăn cơm Phật, đút râu thầy chù" điểm chỉ. Câu ca dao này, chúng tôi nghĩ, rất có thể đã xuất hiện vào khoảng Huệ Lâm đến nước ta, tức khoảng năm 454. Nó có lẽ do một số tăng sĩ nước ta nói cho Phật tử nước ta thời bấy giờ, tại sao Lâm một nhà sư quyền thế và uy danh của "thiên triều" bị đuổi ra sống tại những ngôi chùa Việt Nam xa xuôi, cắt nghĩa cho họ rõ Lâm đã làm và viết gì về Phật giáo.

Lâm, như ta sẽ thấy trong Quân thiện luận, chống lại việc làm chùa, chống lại việc đúc tượng, chống lại việc ăn nói những chuyện thiện ác thiên đường, địa ngục kiếp trước, kiếp sau. Tất cả chúng, theo ông là những xa xỉ vô ích, làm hại đạo đức xã hội. Cùng một lúc, Lâm lại đề ra quan niệm Phật giáo của mình, mà cốt tủy là "ngũ giáo với lục độ cùng hành, tín thuận và từ bi đều đúng", khẳng định như vậy, đức Phật phải tôn trọng như tôn trọng Chu Công, Khổng Tử. Với những luận đề loại này, mà về một phía Lâm vẫn "ăn cơm Phật" vì nói tới lục độ và từ bi, và về phía khác Lâm lại muốn "đút râu thầy chùa", bởi Lâm chống những việc làm chùa đúc tượng cúng kính, ta có thể thấy, tại sao câu ca dao "ăn cơm Phật, đút râu thầy chùa" đã ra đời.

Hiển nhiên, khía cạnh hóm hỉnh của nó nằm ở chỗ, thầy chùa tất cả không bao giờ có râu, vì luật lệ Phật giáo không cho phép. Cho nên, khi nói "đút râu thầy chùa" các nhà sư nước ta không những cho Phật tử Việt Nam thấy là, râu thầy chùa không bao giờ có thể đứt, vì nó không bao giờ có, nghĩa là sự chống lại những việc như làm chùa đúc tượng tất không gì hơn là một công trình hảo không bao giờ thành công. Ngược lại, nó còn muốn làm cho họ cười một cách tha thứ và đầy tự tin, bởi giả như có người muốn đút râu thầy chùa, thì cũng không hại gì, vì không bao giờ có thứ gọi là "râu thầy chùa". Trong liên hệ này, cần vạch ra là, nếu phân tích và giả thiết vừa nêu là đúng, thì danh từ "thầy chùa" quả có một lịch sử khá lâu dài và vào thế kỷ thứ V chắc mang những ý nghĩa khá đặc biệt khác với những gì ta hiểu ngày nay. Nó hình như có một điển trình đoạ lạc ý nghĩa tương tự với chữ "thằng" ở thế kỷ thứ XII và hiện nay.

Cứ vào những bằng cớ và trường hợp và diễn dịch vừa nêu, chúng tôi do thế nghĩ rằng, việc Lâm bị đuổi ra nước ta khoảng năm 454 có một ảnh hưởng quyết định đến sự ra đời của sáu lá thư của Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu giữa những năm 454-456 và cái chết tự thiêu của Đàm Hoằng năm 456. Hành trạng những năm cuối cùng của cuộc đời Lâm tại nước ta vì vậy tất là đã hoàn toàn bất khả thám. Sau khi Lâm bị đuổi ra nước ta, ông chắc chắn tiếp tục một cuộc sống tích cực, tạo nên những biến cố văn học và tôn giáo vừa kể.

Chúng ta không biết ông sống tới bao nhiêu tuổi, điểm đương nhiên là, ông phải mất sau năm 456. Nếu ông mất sau năm 456 một năm chẳng hạn, thì chữ "sổ niên" của Hoài Tín nói trên có thể cắt nghĩa một cách tương đối dễ hiểu và dễ nhận là "vài năm". Giả như ông sống cho tới lúc Trí Bân tới nước ta giữa những năm 466-467 và đón mừng cũng như rất có thể làm cố vấn cho cuộc vận động độc lập thực sự của Lý Trường Nhân, thì "sổ niên" bấy giờ có nghĩa "nhiều năm". Thông thường "sổ niên" có nghĩa "vài năm" nhưng không nhất thiết la phải luôn luôn như thế.

Dẫu với trường hợp nào đi nữa, Lâm phải mất sau năm 456 và, nếu Hoài Tín có thể tin được, thì ông đã mất trong một tình trạng mùa lòa. Bệnh chứng mù lòa này dĩ nhiên không thể dựa vào để đoán định số tuổi của Lâm, lúc Lâm mất, nhất là khi ta không biết một chút gì hết về tình trạng sức khỏe của mắt Lâm cũng như thân thể Lâm trước đấy. Tuy thế ta có thể giải thiết Lâm rất có thể mắc chứng mắt diễn tiến, mà hậu quả là mù lòa ở tuổi già. Nếu chấp nhận giả thiết ấy, Lâm rất có thể sống tới 80 tuổi và mất khoảng những năm 385-470, một cuộc đời khá dài và sống đầy đủ. Ta có thể nói Lâm là một nhà tư tưởng Phật giáo sâu sắc và đi trước đời ông tới hàng năm. Sự kính trọng Lâm của những người như Hà Thừa Thiên tất phải một điều khá tự nhiên.
 

| Mục lục | I | II | III | IV | IVb | V | VI | VII | VIII | VIIIb | IX | IXb | X | XI | XII |