Người Cư Sĩ [ Trở Về ]
Không Có Ngã hay Không Phải Ngã (Vô Ngã hay Phi Ngã)
(Nguyên tác: No-self or Not-self, của tỳ khưu Thanissaro. Việt dịch: TKN Giải Nghiêm)
(Bản quyền 1996, Thanissaro Bhikkhu. Nguồn www.accesstoinsight.org version 1996. Có thể sao, in phổ biến bất kỳ ở đâu. Tuy nhiên, sự phổ biến phải hoàn toàn miễn phí, theo nguyện vọng của tác giả, các bản dịch và trích dẫn cũng phải được ghi rõ như vậy.)
Một trong những chướng ngại đầu tiên người Tây phương vấp phải khi học Phật là giáo lý Anatta, thường được dịch là Vô Ngã (no-self.) Giáo lý này làm họ hụt hẫng vì hai lẽ:Thứ nhất, ý niệm không có một cái ngã dường như không phù hợp với những giáo lý khác trong đạo Bụt như Nghiệp (Karma) và Luân Hồi (Rebirth.) Nếu không có Ngã, cái gì phải gánh chịu nghiệp quả (kết quả của nghiệp) và phải tái sinh?
Thứ hai, ý niệm Vô Ngã không phù hợp với truyền thống Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo của Tây phương, vốn đặt nền tảng trên tiên đề có một linh hồn vĩnh cửu (hay một cái ngã thường hằng.) Nếu không có Ngã thì đời sống đạo đức, tâm linh còn có ý nghĩa gì?
Nhiều cuốn sách đã cố gắng trả lời những câu hỏi này. Nhưng nếu tham khảo Kinh Tạng Pali - văn kiện xưa nhất ghi chép lại lời dạy của Bụt -- ta sẽ không thấy những câu hỏi loại này được đả động đến ở bất cứ chỗ nào. Kỳ thực, ở đoạn Kinh duy nhất, khi Bụt được hỏi một cách rạch ròi: 'Có hay không có Ngã?', Bụt đã từ chối trả lời. Sau đó được hỏi tại sao, Ngài đáp chấp vào ý niệm 'Có Ngã' hay 'Không Có Ngã' đều rơi vào hai biên kiến, chướng ngại cho con đường tu tập. Vì vậy câu hỏi này cần phải được đặt qua một bên. Sự im lặng của Bụt cho chúng ta biết gì về ý nghĩa của Anatta? Muốn hiểu điều này, trước hết ta phải xem lời Bụt dạy về cách xử lý vấn đề: câu hỏi cần được đặt như thế nào và trả lời ra sao? và câu trả lời của Ngài cần phải được diễn dịch (hiểu) thế nào cho đúng?
Bụt phân các câu hỏi thành bốn loại:
1/ loại cần phải được trả lời xác quyết (xác nhận hay phủ nhận); - (quyết định đáp)
2/ loại cần phải được trả lời qua sự phân tích, định nghĩa và xác định tính chất của các danh từ dùng trong câu hỏi; - (phân biệt đáp)
3/ loại cần phải đáp bằng cách hỏi ngược lại, dội banh về lại sân của nguời hỏi. -(Nghi đáp)
4/ loại câu hỏi phải đặt qua một bên. - (yên lặng mà đáp)
Loại chót, bao hàm những câu hỏi không đưa đến sự chấm dứt khổ đau ràng buộc. Khi được hỏi, bổn phận đầu tiên của vị thầy là định ra xem câu hỏi thuộc loài nào rồi trả lời cho phù hợp. Ta không trả lời xác nhận hay phủ nhận (yes or no) cho một câu hỏi cần phải được đặt sang một bên.
Nếu ta là người đặt câu hỏi và được trả lời, ta cần phải định xem câu trả lời cần được diễn dịch đến mức độ nào. Bụt nói có hai hạng người trình bày sai (xuyên tạc) lời nói của Ngài: hạng suy diễn thêm những lời không nên suy diễn thêm, và hạng không suy diễn thêm từ những lời cần phải được suy diễn.
Đó là những nguyên tắc cơ bản để hiểu lời Bụt dạy. Nhưng nếu nhìn vào cách luận giải giáo lý Anatta của phần lớn các tác giả, chúng ta thấy các nguyên tắc này bị bỏ qua. Một số tác giả tìm cách chứng minh thuyết Vô Ngã (no-self) nói rằng Bụt bác bỏ sự hiện hữu của một cái ta thường hằng hay riêng biệt, nhưng đó là đưa ra câu trả lời có tính cách phân tích cho một câu hỏi đã bị Bụt đặt sang một bên. Một số tác giả khác lại tìm cách rút ra những hệ luận từ một vài câu nói trong Kinh có vẻ ẩn tàng ý không có Ngã, nhưng ta có thể không ngần ngại giả thiết rằng nếu cố ép những câu Kinh kia cung cấp đáp án cho một câu hỏi cần phải được gạt sang một bên, người ta đang phạm vào lỗi suy diễn thêm từ những lời không nên suy diễn nữa.
Do đó, thay vì trả lời 'Không' cho câu hỏi 'Có Ngã hay không có Ngã?', 'cái Ngã là liên đới (interconnected) hay riêng biệt? trường cửu hay không trường cửu?', Bụt nhận thấy câu hỏi đưa người ta đi về hướng sai lạc ngay từ đầu. Vì sao? Dù bạn có phân định ranh giới giữa 'Ngã' và 'Tha' (kẻ khác) như thế nào đi nữa, ý niệm 'Ngã' luôn kéo theo yếu tố tự đồng nhất (Ngã chấp) và bám giữ (Thủ), tiếp nối theo là khổ đau và ràng buộc. Điều này ứng cho trường hợp cái Ngã là riêng biệt hay cái Ngã là liên đới, bao trùm tất cả không loại ra ngoài một cái gì (không có 'Tha'.) Nếu đồng nhất mình với tất cả vạn vật, người ta sẽ luôn luôn sầu muộn bởi lá úa cành khô. Điều này cũng đúng khi cho rằng cái Ngã là một vũ trụ (cảnh giới) hoàn toàn khác, trong trường hợp này, cảm giác xa vời, phù phiếm sẽ làm suy nhược tinh thần, khiến cho công cuộc tìm kiếm hạnh phúc cho mình và cho người trở nên không sao thực hiện nổi. Vì những lý do này, Bụt khuyên không nên để tâm đến những câu hỏi như 'Tôi có?' hay 'Tôi không có?'
Để tránh cái đau khổ hàm chứa trong những câu hỏi về 'Ngã' (ta) và 'Tha' (kẻ khác), Bụt đưa ra một giải pháp khác, chia kinh nghiệm ra thành từng chặng: Bốn Sự Thật Cao Quý về Khổ, Nguyên Nhân của Khổ, Sự Chấm Dứt của Khổ và Con Đường Chấm Dứt Khổ. Ngài nói: những sự thật này, thay vì xem chúng thuộc về ai - ta hay người - hành giả nên trực tiếp chứng nghiệm từng sự thật, nhận diện chúng một cách đơn thuần như tự thân của chúng, rồi thực hiện những gì cần làm, ứng với mỗi sự thực: Khổ cần được hiểu, Nguyên Nhân Khổ phải đoạn trừ, Sự Chấm Dứt Khổ phải được thực hiện, và Con Đường dẫn đến sự diệt khổ phải được khai mở, thực tập. Giáo lý Anatta cần phải được hiểu một cách đúng đắn trong chiều hướng của những việc cần làm này.
Nếu bạn phát triển con đường Giới hạnh, Định lực và Trí tuệ đến một trạng thái tĩnh lạc và dùng sự tĩnh lạc này chiêm nghiệm Tứ Đế, câu hỏi hiện ra lúc đó không phải là 'Có Ngã không? Tôi là gì?' mà là: 'Có phải tôi khổ vì tôi nắm níu lấy hiện tượng này? Đó có phải thực sự là Tôi, là Của Tôi?' Nếu đó là Khổ nhưng không thực sự là Tôi, là Của Tôi thì tại sao phải nắm níu lấy?' Những câu hỏi cuối này xứng đáng được đáp lại bằng những câu trả lời xác quyết, bởi vì chúng giúp ta hiểu rõ về khổ và đốn bỏ những ái, thủ -- Ngã Kiến (đồng nhất mình với một cái gì) còn sót lại - đã gây nên khổ đau, cho đến khi mọi dấu vết của Ngã Kiến hoàn toàn chấm dứt, chỉ còn lại tự do không bến bờ.
Theo nghĩa này, giáo lý Anatta không phải là chủ thuyết 'Không Có Ngã' mà là một chiến lược (pháp môn) 'Không Phải Ngã' (not-self strategy), cốt làm rơi rụng khổ đau bằng cách buông bỏ nguyên nhân của Khổ, đưa đến chỗ an lạc tuyệt vời bất diệt. Đến đây, những câu hỏi về Ngã (self), Vô Ngã (no-self) và Phi Ngã (not-self) đều rơi rụng. Một khi đã chứng nghiệm cái tự do tuyệt đối, đâu sẽ là đất đứng cho những thắc mắc: ai đang chứng nghiệm, có hay không có Ngã?
Giải Nghiêm dịch 2001
[ Trở Về ]