Người Cư Sĩ [ Trở Về ]
Các câu hỏi thông thường về Ðạo Phật Tỳ
khưu Shravasti Dhammika
Nguyên tác: Good Question, Good Answer |
---*--- 6. THIỀN VẤN: Thiền là gì? ĐÁP: Thiền là một sự nỗ lực có ý thức để làm thay đổi sự vận hành của tâm. Tiếng Phạn Pàli cho chữ Thiền là "Bhavana", nghĩa là "làm tăng trưởng" hay "phát triển". VẤN: Thiền có quan trọng không? ĐÁP: Vâng, thiền rất quan trọng. Cho dù chúng ta muốn tốt đẹp bao nhiêu, cũng khó mà thay đổi được tâm ý, nếu chúng ta không thể thay đổi những tham dục vốn đã tạo nên cách hành xử của chúng ta. Ví dụ, một người có thể nhận ra rằng mình hay nóng nảy với vợ, và anh ấy tự hứa "Từ đây về sau, tôi sẽ không nóng nảy như thế". Nhưng một giờ sau, anh ấy có thể la mắng vợ mình, đơn giản là vì anh ấy không tự tỉnh thức, sự nóng nảy đã phát khởi mà anh không biết được. Hành thiền giúp phát triển sự tỉnh thức và năng lực cần thiết để chuyển hóa các thói quen đã ăn sâu trong tâm ý. VẤN: Tôi nghe nói rằng hành thiền có thể rất nguy hiểm. Ðiều nầy có đúng không? ĐÁP: Chúng ta cần có muối để sống. Nhưng nếu bạn ăn một kí lô muối, thì nó sẽ giết bạn. Để sống trong thế giới hiện đại, bạn cần có xe ô tô; nhưng nếu bạn không tuân theo luật giao thông, hay trong lúc lái xe, bạn lại say rượu, thì xe ô tô trở thành cái máy nguy hiểm. Hành thiền cũng giống như thế, nó cần thiết cho sự an lạc tinh thần, nhưng nếu bạn thực hành một cách ngu xuẫn, nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Một số người có vấn đề như buồn nản, sợ hãi vô lý hay bệnh tâm thần, họ nghĩ rằng thiền là một phương cách điều trị tức thời cho những vấn đề của họ. Họ bắt đầu hành thiền và đôi khi vấn đề của họ trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn có vấn đề như thế, bạn nên tìm sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm lý; sau khi bạn cảm thấy khá hơn, bạn mới nên hành thiền. Một số người khác, khi hành thiền, lại cố gắng quá mức, thay vì hành thiền từ từ từng bước một, họ lại thực hành với quá nhiều năng lực, và chẳng bao lâu họ kiệt sức. Nhưng có lẽ phần lớn những vấn đề trong khi hành thiền xảy ra là do loại "thiền Kăng-ga-ru", hay "thiền chạy nhảy" (Kangaroo, Đại thử, là một loài thú lớn có túi trước bụng, đặc biệt ở Úc, có thể nhảy xa bằng hai chân sau rất khỏe). Một số người đi đến một vị thầy để học thiền rồi áp dụng phương pháp thiền của vị ấy trong một thời gian; sau đó, họ đọc sách rồi quyết định thực hành theo sự chỉ dẫn trong sách; một tuần sau, có một thiền sư nổi tiếng viếng thăm thành phố của họ và họ quyết định phối hợp một số lời dạy của vị ấy vào trong việc tu thiền của họ; và chẳng lâu sau đó, họ rơi vào tình trạng hoang mang, thất vọng. Chạy nhảy giống như con Kăng-ga-ru, từ một phương pháp này sang một phương pháp nọ, là một việc làm sai lầm. Dù sao, nếu bạn không có vấn đề nghiêm trọng về bệnh tâm thần, và bạn hành thiền đúng chừng mực, Thiền là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể tự làm cho chính mình. VẤN: Có mấy pháp hành thiền? ĐÁP: Ðức Phật dạy nhiều pháp hành thiền khác nhau, mỗi pháp để đối trị một vấn đề đặc biệt, hay để phát triển một trạng thái tâm lý đặc biệt. Tuy nhiên, hai pháp thiền phổ thông và hữu dụng nhất là quán niệm hơi thở (anapana sati) và quán từ bi (metta bhavana). VẤN: Làm thế nào để hành thiền quán niệm hơi thở? ĐÁP: Bạn làm theo bốn bước đơn giản: chọn nơi chốn, giữ tư thế ngồi, theo dõi hơi thở, và đối phó những trở ngại.Trước hết, bạn tìm một nơi thích hợp, có thể một căn phòng không ồn ào và tại nơi đó, bạn không bị quấy rầy. Thứ hai, ngồi trong tư thế thoải mái. Tư thế tốt là ngồi với chân xếp lại, dưới mông có kê một cái gối, lưng thẳng, hai bàn tay xếp lên nhau đặt trên bắp đùi, và mắt nhắm lại. Cách khác, bạn có thể ngồi trên ghế nhưng cần phải giữ lưng cho thẳng. Bước tiếp theo là phần thực hành. Trong lúc ngồi yên tịnh với mắt nhắm lại , bạn tập trung vào sự chuyển động của hơi thở vào và hơi thở ra. Thực hiện điều này bằng cách đếm hơi thở hay theo dõi sự phồng xẹp của bụng. Trong khi hành thiền, vài vấn đề và khó khăn có thể sinh khởi. Bạn có thể thấy ngứa ngáy khó chịu trên cơ thể hay đau nhức ở đầu gối. Nếu điều này xảy ra, hãy cố gắng giữ cơ thể thư giản, không nhúc nhích, và tiếp tục để tâm vào hơi thở. Có thể sẽ có nhiều ý nghĩ xuất hiện ở tâm bạn và làm xao lãng việc chú tâm vào hơi thở. Cách duy nhất để xử lý vấn đề này là kiên nhẫn tiếp tục đem tâm trở lại với hơi thở. Nếu bạn tiếp tục làm như thế, cuối cùng, các ý nghĩ kia sẽ yếu đi, việc định tâm của bạn sẽ mạnh hơn, và bạn sẽ có được những giây phút đi sâu vào sự an lạc và thanh tịnh nội tâm. VẤN: Tôi nên hành thiền bao lâu? ĐÁP: Tốt nhất là hành thiền mỗi ngày 15 phút trong một tuần lễ; rồi gia tăng thêm 5 phút mỗi tuần, cho đến khi bạn có thể hành thiền trong 45 phút. Sau vài tuần lễ hành thiền đều đặn mỗi ngày như thế, bạn sẽ bắt đầu thấy việc định tâm trở nên tốt hơn, những ý tưởng tán loạn sẽ giảm dần và bạn sẽ có những giây phút an hòa và tĩnh lặng thật sự. VẤN: Còn quán Từ bi là sao? Phương cách thực hành như thế nào? ĐÁP: Khi bạn quen thuộc với pháp thiền quán niệm hơi thở và thực hành đều đặn rồi, bạn có thể bắt đầu hành thiền Quán Từ bi. Pháp hành này nên được thực hiện hai hay ba lần mỗi tuần, sau khi bạn hành thiền quán niệm hơi thở. Trước tiên, bạn chú tâm vào chính mình và tự nói những lời như: "Xin cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc. Xin cho tôi được bình an và tĩnh lặng. Xin cho tôi thoát khỏi mọi hiểm nguy. Xin cho tâm tôi không còn sân hận. Xin cho tâm tôi tràn đầy tình thương. Xin cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc". Sau đó, bạn nghĩ đến những người khác, từng người một, từ người thân thương cho đến những người bạn bình thường - nghĩa là người mình không thương mà cũng không ghét, và cuối cùng là đến những người mà mình không ưa thích; ước nguyện cho họ an vui như bạn đã ước nguyện cho chính mình. VẤN: Pháp hành thiền quán từ bi này có lợi ích gì? ĐÁP: Nếu bạn thực hành Thiền Quán Từ bi này một cách đều đặn và với thái độ đúng đắn, bạn sẽ thấy trong bạn có nhiều thay đổi tích cực. Bạn sẽ thấy mình có thể chấp nhận và tha thứ cho chính mình. Bạn sẽ thấy tình cảm dành cho người mình thương gia tăng thêm. Bạn sẽ thấy mình thân thiện hơn với người mà trước đây mình thờ ơ và không quan tâm; và bạn sẽ nhận thấy những ác ý hay sân hận mà bạn đã có với người nào đó nay sẽ giảm đi, và cuối cùng sẽ tan biến. Thỉnh thoảng nếu bạn biết ai đó đang lâm bệnh, buồn khổ hay gặp khó khăn, bạn có thể nghĩ đến họ trong lúc hành thiền từ bi, và thường thì bạn sẽ thấy tình cảnh của họ được cải thiện. VẤN: Ðiều ấy có thể xảy ra như thế nào? ĐÁP: Tâm ý, khi được phát triển đúng đắn, là một công cụ rất hùng mạnh. Nếu chúng ta biết tập trung năng lực tinh thần và hướng nó đến người khác, nó có thể có ảnh hưởng đến họ. Hẳn bạn đã có kinh nghiệm như thế. Có thể bạn đang ở trong một phòng đông người và bạn có cảm giác rằng ai đó đang chú ý đến mình. Bạn xoay một vòng xem và biết chắc là ai đang nhìn chằm chằm vào mình. Ðiều này đã xảy ra khi bạn bắt được năng lực tinh thần của người khác. Thiền quán từ bi cũng giống như vậy. Chúng ta hướng năng lực tích cực của tinh thần tới người khác và dần dần sẽ chuyển hóa được họ. VẤN: Tôi có cần một vị thầy hướng dẫn hành thiền không? ĐÁP: Một vị thầy thì không tuyệt đối cần thiết, nhưng có được sự hướng dẫn cá nhân của một người có kinh nghiệm hành thiền thì chắc chắn có lợi ích. Tiếc thay, có một số tu sĩ và cư sĩ tự xem mình là thiền sư, nhưng kỳ thực, họ không biết họ đang làm gì. Bạn hãy cố gắng tìm một vị thầy có tiếng tốt, có nhân cách thăng bằng và trung thành với những lời Phật dạy. VẤN: Tôi nghe nói rằng thiền định ngày nay được các chuyên gia về tâm thần và các nhà tâm lý học áp dụng rộng rãi. Ðiều đó có đúng không? ĐÁP: Vâng, đúng như thế. Ngày nay, thiền được chấp nhận như có một ảnh hưởng cao cấp để trị liệu tâm thần, và được nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần sử dụng, để giúp làm thư giản, vượt qua những ám ảnh và mang đến tỉnh thức cho chính mình. Sự hiểu biết thâm sâu của Ðức Phật về tâm ý nhân loại đang giúp rất nhiều cho con người hôm nay cũng giống như đã từng giúp cho con người thời xưa. ---*--- [^] 7. TRÍ TUỆ VÀ TỪ BI VẤN: Tôi thường nghe người Phật tử nói đến "Từ bi" và "Trí tuệ". Hai danh từ này nghĩa là gì? ĐÁP: Vài tôn giáo tin rằng từ bi hay tình thương (hai danh từ này có ý nghĩa rất gần nhau) là phẩm hạnh tinh thần vô cùng quan trọng, nhưng không mấy chú trọng đến công trình trau giồi trí tuệ. Kết cuộc, họ trở thành người tốt bụng khờ dại, một người hảo tâm, có rất nhiều thiện ý nhưng thiếu kém hiểu biết, hoặc không hiểu biết gì. Những hệ thống tư tưởng khác, như khoa học chẳng hạn, tin rằng trí tuệ có thể được trau giồi tốt đẹp nhất khi ta gác qua một bên tất cả những cảm xúc, trong đó có tình thương. Rốt cùng, khoa học bận tâm với kết quả mà lửng quên rằng mục tiêu của mình là phục vụ chớ không phải kiểm soát và chinh phục con người. Nếu không phải vậy, vì sao các nhà khoa học sử dụng tài năng và kiến thức của mình để chế tạo bom nguyên tử, những khí giới để dùng trong chiến tranh vi trùng và các loại khí giới khác tương tự? Tôn giáo lúc nào cũng xem lý trí và trí tuệ là đối nghịch của những cảm xúc như tình thương và đức tin là thù nghịch lới lý trí và thực tế khách quan. Và lẽ dĩ nhiên, khi khoa học tiến hóa thì tôn giáo thoái bộ. Phật Giáo đằng khác, dạy ta nên giữ thật sự cân bằng và trọn vẹn cả hai, phải trau giồi cả hai, trí tuệ và từ bi. Và bởi vì đây không phải là tín điều độc đoán mà là lời khuyên dạy căn cứ trên kinh nghiệm, Phật Giáo không có gì phải sợ khoa học. VẤN: Như vậy, theo Phật Giáo, "Trí tuệ" là gì? ĐÁP: Trí tuệ cao siêu nhất là thấy rằng thực tướng của tất cả mọi hiện tượng đều không trọn vẹn hoàn thành, luôn luôn biến đổi, và không phải là ta. Sự hiểu biết này giải phóng hoàn toàn và đưa đến tình trạng châu toàn và hạnh phúc tối thượng, gọi là Niết Bàn. Tuy nhiên, Đức Phật không nói nhiều về mức độ trí tuệ cao thượng này. Không phải là trí tuệ, nếu ta chỉ giản dị tin những gì người ta nói với mình. Trí tuệ thật sự là tự mình trực tiếp thấy và hiểu biết. Đến mức này, trí tuệ là hiểu biết với tâm rộng mở, thay vì gài kín mít cái tâm; lắng nghe quan điểm của người khác, thay vì mù quáng tin càng; là thận trọng khảo sát những sự việc không phù hợp với niềm tin của mình, thay vì chôn vùi đầu mình dưới cát (lời người dịch: như chim đà điểu trong sa mạc, khi gặp nguy thì vùi đầu trong cát để tránh); là khách quan nhìn sự vật, thay vì thiên kiến dự tưởng và bè phái; là chậm rãi suy tư trước khi tin tưởng và có ý kiến, thay vì vội vã chấp nhận điều nào cảm kích mình trước hết và nhiều nhất; và luôn sẵn sàng thay đổi niềm tin một khi sự thật tương phản lại ta. Người có thái độ như vậy quả thật là có trí tuệ và chắc chắn rồi đây sẽ thật sự hiểu biết chân chánh. Con đường của Phật Giáo đòi hỏi phải can đảm, nhẫn nhục, mềm dẻo và thông minh. VẤN: Tôi nghĩ rằng ít có người làm được như thế. Vậy quan điểm của Phật Giáo là như thế nào nếu chỉ một ít người có thể thực hành lời dạy? ĐÁP: Đúng thật rằng không phải mỗi người đều sẵn sàng để thực hành đúng theo lời Đức Phật dạy. Tuy nhiên, nếu vì đó mà nói rằng ta cần phải quảng bá một tôn giáo sai lạc nhưng dễ hiểu, để mỗi người dễ thực hành, thì rõ ràng là phi lý. Phật Giáo nhắm thẳng vào chân lý, và nếu người nào đó chưa sẵn sàng hoặc chưa có đủ khả năng để lãnh hội, có lẽ trong một kiếp sống vị lai, họ có thể lãnh hội được. Tuy nhiên, có nhiều người mà chỉ nghe được những lời chân chánh hay khuyến khích là có thể tăng trưởng sự hiểu biết của họ. Và vì lẽ ấy, người Phật tử trầm lặng và hiền hòa, cố gắng chia sẻ với người khác kiến thức của mình về Phật Giáo. Đức Phật dạy chúng ta dưỡng nuôi lòng từ bi, và vì lòng từ ái và bi mẫn, ta chia sẻ kiến thức với người khác. VẤN: Giờ đây, hãy bàn đến danh từ "Từ bi". Theo Phật Giáo, từ bi là sao? ĐÁP: Cũng như trí tuệ bao gồm phần trí năng hay sự hiểu biết trong bản chất thiên nhiên của ta, từ bi gồm khía cạnh xúc cảm hay cảm giác trong tâm tánh thiên nhiên của ta. Cũng như trí tuệ, từ bi là phẩm hạnh đặc thù của con người. Khi ta thấy người nào đang ở trong cơn phiền muộn sầu não mà ta động lòng trắc ẩn, cố gắng làm vơi hay chấm dứt nỗi khổ của họ, đó là từ bi. Như vậy, tất cả những gì tốt đẹp nhất trong con người, tất cả những đức hạnh "giống hạnh Phật" như chia sớt, sẵn sàng giúp cho người khác với tinh thần thoải mái, thiện cảm, chăm lo và ưu tư -- tất cả đều là những biểu hiện ra ngoài của lòng từ bi tiềm tàng bên trong. Ta sẽ hiểu biết những điều gì tốt đẹp nhất cho chính ta. Chúng ta thông cảm người khác khi ta thông cảm chính ta. Như vậy trong Phật Giáo, phẩm hạnh cao đẹp của ta sinh sôi nảy nở một cách rất tự nhiên trong niềm ưu tư của ta đối với người khác. Đời sống của Đức Phật cho thấy rõ điều này. Ngài trải qua sáu năm dài dẳng chiến đấu để tìm trạng thái an lành cho chính Ngài. Sau đó, Ngài có thể ban rải những lợi ích ấy cho toàn thể nhân loại, và đó là nguồn hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. VẤN: Vậy thì Sư nói rằng có thể giúp người khác hữu hiệu nhất khi ta tự giúp ta. Đó có phải là ích kỷ một chút nào đó hay không? ĐÁP: Chúng ta thường xem lòng vị tha, ưu tư cho người khác trước khi nghĩ đến mình là đối nghịch với tánh vị kỷ, lo cho mình trước rồi mới lo cho người khác. Phật Giáo không phân biệt, tách rời hai sự việc ấy; trái lại, cái nhìn của Phật Giáo là thấy chúng hòa lẫn với nhau. Niềm ưu tư, thành thật lo lắng cho mình, sẽ dần dần tăng trưởng, thuần thục và trở nên ưu lo cho người khác, bởi vì ta thấy rằng người khác thật sự cũng như ta. Đó thật sự là từ bi. Lòng từ bi quả thật là viên ngọc báu kim cương được tôn trí trên vương niệm của Pháp Bảo, những lời dạy vàng ngọc của Đức Tôn Sư. ---*--- [^] 8. ĂN CHAY VẤN: Người Phật tử phải ăn rau đậu hay ăn chay, có đúng vậy không? ĐÁP: Không nhất thiết. Đức Phật không trường chay. Ngài không dạy hàng môn đệ phải ăn chay, và cho đến nay, có rất nhiều người Phật tử thuần thành mà không trường chay. VẤN: Nhưng nếu Sư dùng thịt cá, ắt Sư gián tiếp có trách nhiệm về cái chết của con vật. Có phải chăng đó là vi phạm giới thứ nhất? ĐÁP: Đúng rằng khi ăn thịt cá, ta gián tiếp và có phần nào trách nhiệm về tội sát sanh con vật, nhưng điều này cũng đúng y như vậy, khi ta ăn rau cải. Người nông dân xịt thuốc, dùng thuốc độc giết côn trùng để lúc nào cũng có những lá rau, lá cải không bị sâu rầy đục khoét được dọn lên trên bàn ăn. Lại nữa, những con thú bị giết để cung ứng da làm giây nịt hay làm túi xách, dầu và xà bông mà ta dùng và trăm ngàn sản phẩm khác. Không thể sống mà không gián tiếp trách nhiệm về cái chết của chúng sanh này hay chúng sanh khác, bằng cách này hay cách khác. Khi xin thọ trì giới đầu tiên ta nguyện cố gắng tránh xa trực tiếp sát sanh, trực tiếp trách nhiệm sát hại sanh linh. VẤN: Người Phật tử theo truyền thống Mahayana (Đại Thừa) không ăn thịt cá? ĐÁP: Điều này không đúng. Người Phật tử Đại Thừa Trung Hoa thường chú trọng đến việc phải ăn chay. Nhưng những bậc xuất gia và hàng cư sĩ nam nữ theo truyền thống Đại Thừa ở Nhật Bản và ở Tây Tạng lại thường ăn thịt cá. VẤN: Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng người Phật tử phải ăn chay. ĐÁP: Giả sử có người kia trường chay rất nghiêm chỉnh mà ích kỷ, gian dối, bất lương và đê tiện, và một người khác không ăn chay mà biết lo nghĩ đến kẻ khác, chân thật, liêm khiết, quảng đại và hiền lương, trong hai người ấy người nào là Phật tử tốt hơn? VẤN: Người chân thật và hiền lương. ĐÁP: Tại sao? VẤN: Bởi vì người như thế đó hiển nhiên là có tâm địa tốt. ĐÁP: Hẳn như vậy. Người ăn thịt cá cũng như người ăn rau đậu đều có thể có tâm trong sạch, mà cũng có thể có tâm nhơ bẩn. Trong giáo huấn của Đức Phật, điều quan trọng là phẩm chất của tâm, mà không phải là loại thức ăn của ta. Có những người Phật tử rất thận trọng, không bao giờ ăn thịt cá, nhưng ít bận tâm tự xét mình có ích kỷ, thiếu chân thật, hung tợn hay ganh tỵ hay không. Sửa đổi thức ăn là dễ, nhưng sửa đổi tâm tánh là việc khó làm, nên thường hay bị hờ hững lãng quên. Vì vậy, cho dù ta ăn chay hay không, nên nhớ rằng điều tối quan trọng trong Phật Giáo là thanh lọc tâm, làm cho tâm trở nên trong sạch. ---*--- [^] 9. MAY MẮN VÀ THỜI VẬN VẤN: Đức Phật dạy thế nào về bùa phép và bói quẻ? ĐÁP: Đức Phật xem những công việc như bốc số bói quẻ, đeo bùa phép hộ mạng, xem địa lý, xem ngày v.v. là vô ích, và Ngài khuyên đệ tử không nên thực hành. Ngài gọi đó là "nghệ thuật thấp kém", và dạy rằng: "Có vài đạo sĩ, trong khi sống nhờ vật thực mà tín đồ dâng cúng, lại tìm cách sinh sống bằng những nghệ thuật thấp kém, những nghề sinh sống như xem chỉ tay, xem tướng số, bàn mộng, cúng vái cầu thần tài ... xem địa lý để xây cất nhà cửa, Tôn Giả Cồ Đàm (Gotama) tránh xa những nghệ thuật thấp kém, những nghề nuôi mạng tương tự" (Trường Bộ, I. 9-12). VẤN: Vậy tại sao đôi khi người ta làm những chuyện tương tự và đặt tin tưởng vào đó? ĐÁP: Vì lòng tham, vì tánh hay lo sợ, và vì vô minh. Ngày nào mà người ta thấu hiểu những lời dạy của Đức Phật, họ sẽ nhận thức rằng một cái tâm trong sạch có thể bảo vệ mình vững chắc hơn nhiều so với những mảnh giấy, những miếng kim khí và một vài câu kinh đọc tụng, chừng đó, họ sẽ hết ỷ lại nơi những điều tương tự. Trong giáo huấn của Đức Phật, lòng chân thật, tánh cương trực và những đức hạnh tốt đẹp khác thật sự bảo vệ và đem lại cho ta trạng thái phong phú, thịnh vượng thật sự. VẤN: Nhưng nhiều bùa phép quả thật linh thiêng, bạch Sư, có phải thế không? ĐÁP: Tôi có biết một người sinh sống bằng nghề bán bùa phép. Người ấy khoe rằng bùa của ông ta có thể đem lại may mắn, thạnh vượng, và đảm bảo rằng ông ta sẽ chọn đúng ba số trúng cho các kỳ sổ xố. Nhưng nếu đúng như lời ông ấy khoe, tại sao chính ông ấy không trở thành triệu phú? Nếu bùa phép quả thật linh thiêng, tại sao ông ấy không trúng số hết tuần này qua tuần khác? Điều may mắn duy nhất của ông ấy là được có nhiều người khá điên rồ đến mua bùa của ông ta. VẤN: Vậy có những chuyện như may mắn không? ĐÁP: Tự điển giải thích "vận mạng" (fortune) hay "may rủi" là "tin rằng bất cứ gì, dầu tốt hay xấu, xảy diễn đến một người, đều là ngẫu nhiên, do thời vận hay số mạng". Đức Phật phủ nhận hoàn toàn lối tin tưởng như vậy. Tất cả những gì xảy diễn đều do một hay nhiều nguyên nhân và phải có vài liên hệ nào đó giữa nguyên nhân và hậu quả. Thí dụ như lâm bệnh, là do những nguyên nhân chính xác. Ta phải có tiếp xúc với vi trùng và cơ thể ta đủ yếu để cho vi trùng có thể bám vào và nảy nở. Có mối liên hệ nhất định giữa nhân (vi trùng và cơ thể yếu) và quả (chứng bệnh), vì ta biết rằng vi trùng tấn công những bộ phận của cơ thể và làm cho ta bệnh. Nhưng chúng ta không thấy có liên hệ nào giữa sự việc đeo một lá bùa với việc trở nên giàu có hay thi đậu. Phật Giáo dạy rằng bất luận cái gì xảy đến cho ta đều do một hay nhiều nguyên nhân, chớ không do ngẫu nhiên, thời vận rủi may hay số mạng. Người chú trọng đến thời vận thường muốn được một điều gì -- tiền bạc hoặc của cải. Đức Phật dạy rằng điều quan trọng hơn nhiều là trau giồi và phát triển tâm và trí: Được rèn luyện đúng mức và nói đúng chánh ngữ; Đó là vận mạng tốt nhất. Phụng dưỡng cha mẹ, thương
yêu nuôi nấng vợ con
Quảng đại bố thí, công minh
chánh trực,
Tránh xa hành động bất thiện,
say sưa,
Kỉnh mộ, khiêm tốn, tri túc,
tri ân
(Kinh Đại Hạnh Phúc,
Tiểu Bộ)
10. KINH ĐIỂN VẤN: Hầu như tất cả các tôn giáo đều có thánh kinh. Thánh kinh của Phật Giáo là gì? ĐÁP: Thánh kinh, hay kinh điển, của Phật Giáo gọi là Tam Tạng (Tipitaka). Bộ kinh nầy được viết bằng tiếng Ấn Độ cổ xưa gọi là Phạn ngữ Pàli, rất gần với ngôn ngữ do Đức Phật nói. Tam Tạng là một tập hợp kinh điển đồ sộ. Bản dịch Anh ngữ chiếm khoảng 40 bộ. VẤN: Tam Tạng nghĩa là gì? ĐÁP: Tam Tạng (Tipitaka) gồm 2 từ: "Tam" nghĩa là "ba" (Ti), và "Tạng" là "giỏ chứa" (Pitaka). Đó là vì kinh điển Phật Giáo gồm có ba tạng. Tạng thứ nhất, gọi là Kinh Tạng, gồm các bài giảng của Đức Phật và của các vị đệ tử đã giác ngộ. Nội dung của Kinh Tạng rất đa dạng và phong phú vì ghi lại các lời truyền thông về chân lý mà Đức Phật đã dạy cho đủ mọi hạng người. Nhiều bài kinh có dạng thuyết giảng, và nhiều bài khác có dạng đối thoại. Nhiều phần khác như kinh Pháp Cú (Dhammapada) trình bày lời dạy của Đức Phật qua các câu kệ thơ. Bộ Chuyện Tiền Thân (Jataka), một ví dụ khác, lại bao gồm có câu chuyện lý thú mà nhân vật chánh thường là loài thú vật. Tạng thứ hai gọi là Luật Tạng. Tạng nầy bao gồm các điều giới luật cho hàng tu sĩ, các lời cố vấn để quản lý Tăng đoàn và các nghi thức, và ghi lại các sự kiện lịch sử trong thời kỳ nguyên khai khi Tăng đoàn được thành lập. Tạng thứ ba gọi là Thắng Pháp Tạng, hay Vi Diệu Pháp Tạng. Đây là tập hợp các bài giảng phức tạp, thâm diệu để phân tích và phân hạng các yếu tố cấu tạo nên một cá nhân. Mặc dù Thắng Pháp Tạng xuất hiện sau, nhưng không chứa điều gì trái nghịch với hai tạng đầu. Bây giờ, xin giải thích thêm về chữ "Tạng" hay "giỏ chứa" (Pitaka). Tại xứ Ấn Độ cổ xưa, những người thợ xây dựng thường chuyển tải vật liệu bằng cách chuyền qua các giỏ chứa. Họ đặt giỏ chứa trên đầu, bước đi một quảng, rồi chuyền cho người kế tiếp, cứ thế mà tiếp tục. Mặc dù chữ viết đã được hình thành trong thời của Đức Phật, nhưng không đủ mức tin cậy như trí nhớ con người. Loại giấy viết thời đó thường bị mục nát do độ ẩm trong mùa mưa hay bị mối mọt ăn, nhưng trí nhớ của một người vẫn có thể tồn tại khi người ấy vẫn còn sống. Vì thế, các vị Tăng Ni một lòng ghi nhớ tất cả những lời Phật dạy và truyền đọc cho nhau, tương tự như các người thợ xây dựng chuyền gạch và đất cát qua các giỏ chứa. Vì thế, ba tập hợp lớn của kinh điển Phật Giáo được gọi là ba Tạng, hay ba Giỏ chứa. Sau khi truyền giữ theo phương cách nầy qua nhiều trăm năm, cuối cùng, Tam Tạng được viết xuống một loại giấy bằng lá bối, tại Tích Lan, vào khoảng năm 100 Tây Lịch. VẤN: Nếu kinh điển chỉ được ghi trong trí nhớ qua một thời gian dài như thế, ắt là không còn đáng tin cậy. Có thể phần lớn các lời giảng của Đức Phật đã bị mất, hay đã bị thay đổi không? ĐÁP: Việc gìn giữ kinh điển là một nỗ lực chung cho hàng Tăng Ni. Các vị này tụ họp thường xuyên và tụng đọc từng phần hay toàn thể bộ Tam Tạng. Điều này khiến cho việc sửa đổi hay thêm thắt hầu như không thể xảy ra. Hãy thử nghĩ như thế này: Nếu có một nhóm cả trăm người đều thuộc lòng một bài nhạc, và trong khi họ đồng ca bài đó, có một người hát sai một câu hay tìm cách xen vào một câu mới, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đa số những người thuộc lòng bài nhạc sẽ ngăn cản một cá nhân nào muốn sửa đổi bài ấy. Điều quan trọng cần phải nhớ là vào thời đó, không có các đài truyền hình TV, không có báo chí hay quảng cáo lăng nhăng làm xao lảng, khuấy động tâm thức. Hơn nữa, các vị Tăng Ni thường dành nhiều thì giờ để hành thiền, nên họ có trí nhớ cực kỳ tốt. Ngay cả ngày nay, khi kinh điển đã được in ra sách, vẫn còn có những vị tu sĩ có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Tam Tạng, chẳng hạn như ngài thiền sư Mengong Sayadaw ở Miến Điện, và tên của ngài đã được ghi vào quyển Guinness Book of Records như là người có trí nhớ tốt nhất trên thế giới. VẤN: Đối với Phật tử, kinh điển có tầm mức quan trọng ra sao? ĐÁP: Người Phật tử không xem kinh điển như là những điều mặc khải thiêng liêng, tuyệt đối từ một vị thần linh, và phải tin theo từng chữ. Đây chỉ là tài liệu ghi lại các lời giảng dạy của một bậc đại nhân để giải thích, cố vấn, hướng dẫn, khuyến khích, và chúng ta phải đọc thấu đáo và kính trọng. Mục đích của chúng ta là thông hiểu những gì đã dạy trong Tam Tạng, không phải chỉ tin suông, và do đó, lời Phật dạy phải luôn luôn được kiểm nghiệm qua sự thực chứng của chúng ta. VẤN: Sư có đề cập đến Kinh Pháp Cú. Đó là gì? ĐÁP: Kinh Pháp Cú là một trong các bộ kinh thuộc Tiểu Bộ của Kinh Tạng. Tên gọi "Dhammapada" có thể dịch là "Con đường của Chân lý" hay "Các câu kệ của Chân lý". Kinh gồm có 423 câu kệ, có câu rất tinh yếu, có câu ý nghĩa thâm sâu, có câu chứa các ví dụ súc tích, có câu tuyệt mỹ, tất cả đều do Đức Phật thốt ra. Vì thế, Kinh Pháp Cú là một tài liệu phổ thông nhất trong văn học Phật Giáo. Kinh này đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới, và được xem như là một trong những tuyệt tác của văn chương tôn giáo toàn cầu. VẤN: Có người bảo tôi không bao giờ nên để một cuốn kinh nào trên sàn nhà hay cắp dưới nách, mà lúc nào cũng phải để kinh sách nơi chỗ cao. Có đúng thế không? ĐÁP: Ngày xưa, ở Âu châu cũng nhưng ở các xứ Phật giáo Á châu, tư liệu sách rất hiếm và được xem là những vật có giá trị cao. Cho nên, người ta rất quý trọng kinh điển, và điển hình là các phong tục mà bạn vừa nêu ra. Tuy nhiên, mặc dù phong tục và truyền thống như thế là những điều tốt, hầu như đa số mọi người ngày nay đều đồng ý rằng phương cách tốt nhất để kính trọng kinh điển Phật Giáo là thực hành những lời dạy ghi trong đó. VẤN: Tôi thấy rất khó đọc kinh điển Phật Giáo. Các bài kinh thì dài, lặp đi lặp lại, không hấp dẫn. ĐÁP: Khi chúng ta cầm lên một quyển kinh tôn giáo, ta mong được đọc các dòng chữ khích lệ, hân hoan hay ca ngợi để thúc đẩy và tạo hứng khởi cho ta. Do vậy, vài người khi đọc kinh điển Phật Giáo thì cảm thấy hơi thất vọng. Mặc dù một vài bài kinh của Đức Phật có chứa những đoạn rất thích thú và tươi đẹp, đa số các bài kinh thường giống như các bài luận văn triết học với định nghĩa về các thuật ngữ, các luận cứ được trình bày cẩn thận, các hướng dẫn chi tiết về giới đức hay về hành thiền, và các sự thật được trình bày chính xác. Các bài kinh đó nhắm đến phần lý trí, không nhắm đến các cảm tính. Khi chúng ta không còn so sánh kinh điển Phật Giáo với kinh điển của các tôn giáo khác, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp riêng biệt của kinh điển Phật Giáo: đó là vẻ đẹp của sự tỏ tường, của chiều sâu, và của trí tuệ. ---*--- [^] 11. TU SĨ VẤN: Tăng đoàn có vai trò quan trọng trong Phật Giáo. Mục đích của các tu sĩ là gì, và các vị đó phải làm gì? ĐÁP: Mục đích của Đức Phật khi thành lập giáo đoàn các tu sĩ nam và nữ (Tăng và Ni) là để tạo ra một môi trường thích hợp để phát triển tâm linh. Cộng đồng cư sĩ hỗ trợ cộng đồng tu sĩ qua cúng dường tứ vật dụng: thức ăn, y áo, chỗ ở, và thuốc men; nhờ đó, các vị tu sĩ có thể dành toàn thì giờ để tu học và thực hành Giáo Pháp. Đời sống đơn giản, có kỷ cương tại tu viện tạo thuận lợi cho an bình nội tâm và hành thiền. Đáp lại, các vị Tăng Ni phải chia sẻ những gì họ biết với cộng đồng cư sĩ, và làm gương sáng về đời sống thiện lành cho các Phật tử noi theo. Trên thực tế, sứ mạng cơ bản này đã được nới rộng, vượt qua khỏi những gì mà Đức Phật có ý định đầu tiên; và ngày nay, nhiều vị Tăng Ni đôi khi hoạt động như là các giáo viên, cán sự xã hội, nghệ sĩ, bác sĩ, ngay cả chính trị gia. Có người cho rằng đảm trách thêm các vai trò đó thì cũng tốt, nếu giúp phát triển Phật Giáo. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu làm như thế, e rằng các vị tu sĩ sẽ dễ bị vướng bận vào các chuyện thế sự mà quên đi mục đính chính khi họ gia nhập tu viện lần đầu tiên. VẤN: Hạng người nào có thể trở thành tu sĩ? ĐÁP: Đa số chúng ta có nhiều mối quan tâm khác nhau trong đời sống của mình, như: gia đình, nghề nghiệp, thú vui, chính trị, tôn giáo, v.v. Trong các mối quan tâm nầy, có thứ là quan trọng hàng đầu, có thứ kém quan trọng hơn. Khi sự học tập và thực hành những lời dạy của Đức Phật trở thành một việc tối quan trọng cho một người nào đó, khi việc ấy chiếm ưu tiên hơn các việc khác, do đó, người ấy có thể sẽ có khuynh hướng trở thành một tu sĩ, Tăng hay Ni. VẤN: Có cần phải là tu sĩ để được giác ngộ? ĐÁP: Dĩ nhiên là không. Vài vị đệ tử thành tựu nhất của Đức Phật chỉ là nam hoặc nữ cư sĩ. Có vài vị đã phát triển tuệ giác, và để lại những bài giảng thâm sâu. Trong Phật Giáo, cấp độ trí tuệ của một người là điều tối quan trọng, và điều đó không liên hệ chi đến y áo của một người, mà cũng không liên hệ chi đến việc người đó sống ở tu viện hay sống tại nhà. Có người thấy rằng đời sống tu viện, với những thuận lợi và những khó khăn, là môi trường tốt nhất để tăng trưởng tâm linh. Cũng có người thấy rằng ở nhà riêng, với tất cả niềm vui và nỗi khỗ, là thích hợp nhất. Mỗi người đều có những tình huống, hoàn cảnh riêng. VẤN: Tại sao các tu sĩ Phật Giáo mặc y màu vàng? ĐÁP: Ngày xưa, khi người Ấn Độ nhìn vào rừng, họ luôn luôn có thể nói những lá cây nào sắp sửa rơi rụng vì chúng có màu vàng, cam, hay nâu. Do đó, tại Ấn Độ, màu vàng trở thành màu của sự dứt bỏ. Màu y của các tu sĩ là màu vàng vì màu đó giúp nhắc nhở đến tầm quan trọng của sự không chấp thủ, của sự xả ly, buông bỏ. VẤN: Trở thành tu sĩ là một điều tốt, nhưng việc gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều trở thành tu sĩ? ĐÁP: Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi tương tự như thế cho các nghề nghiệp khác. "Trở thành nha sĩ là một điều tốt, nhưng việc gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều trở thành nha sĩ? Như thế, sẽ không còn có các giáo viên, đầu bếp, tài xế lái xe taxi, ...." Rồi, "Trở thành giáo viên là một điều tốt, nhưng việc gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều trở thành giáo viên? Như thế, sẽ không còn có các nha sĩ, đầu bếp, tài xế lái xe taxi, ..." v.v. Đức Phật không đề nghị tất cả mọi người nên trở thành tu sĩ, và thật thế, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, bao giờ cũng có một số người thích đời sống đơn giản và xả ly, và họ vui thích các lời dạy của Đức Phật, nhiều hơn tất cả các sự việc khác. Và cũng như các nha sĩ, những tu sĩ đó có các khả năng và kiến thức đặc biệt để phục vụ xã hội mà họ đang sống. VẤN: Điều đó có thể đúng cho các vị tu sĩ thuyết giảng hay viết sách. Còn các vị tu sĩ chỉ biết hành thiền thì sao? Họ giúp được gì cho xã hội? ĐÁP: Bạn có thể so sánh một vị sống ẩn tu với một nhà nghiên cứu khoa học. Xã hội hỗ trợ nhà nghiên cứu khoa học để ông ấy ngồi làm việc miệt mài trong phòng thí nghiệm vì chúng ta hy vọng rằng cuối cùng, ông ấy sẽ khám phá hoặc phát minh được việc gì đó có lợi ích chung. Cũng như thế, cộng đồng Phật Giáo hỗ trợ nhà sư hành thiền (mà thật ra, nhu cầu của vị ấy rất ít oi) bởi vì chúng ta mong rằng vị ấy sẽ thành tựu trí tuệ và minh triết, để mang đến lợi ích chung. Ngay cả trước khi điều ấy xảy ra, hoặc nếu điều ấy không xảy ra, một nhà sư ẩn cư hành thiền vẫn mang lợi ích đến cho người khác. Trong các xã hội hiện đại, chủ trương "Lối Sống của Người Giàu và Nổi Tiếng", với các điều xa hoa, tiêu thụ phung phí và ích kỷ, thường được xem như là một lý tưởng, được nhiều người mơ ước. Tấm gương sống đơn giản của một vị thiền sư nhắc nhở rằng ta không cần phải giàu có để được an lạc, thỏa lòng. Tấm gương đó cho ta thấy được một lối sống dịu dàng và giản dị cũng mang lại rất nhiều lợi ích. VẤN: Tôi nghe nói là hiện nay không còn có các nữ tu sĩ nữa. Có đúng thế không? ĐÁP: Khi còn tại thế, Đức Phật thành lập giáo đoàn các vị nữ tu sĩ, gọi là Tỳ-khưu Ni. Trong 500 năm tiếp theo, Ni đoàn đã có một vai trò rất quan trọng trong công tác phát triển và hoằng dương Phật Giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội và văn hóa thời đó, các vị Tỳ-khưu Ni không được nhiều ưu đãi như các nam tu sĩ (Tỳ-khưu). Sau đó, không rõ chính xác vì các lý do gì, Ni đoàn Nam tông ở Ấn Độ và Đông Nam Á không còn tồn tại nữa. Mặt khác, Ni đoàn Bắc tông ở Trung Hoa, Đài Loan, Hàn quốc, Nhật Bản và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Hiện nay, tại Tích Lan và Thái Lan, đã có những nỗ lực để tái phục hồi Ni đoàn Nam tông, bằng cách tiếp nhận truyền giới từ Ni đoàn Bắc tông của Đài Loan, mặc dù có nhiều người trung thành với truyền thống cũ đã không ủng hộ việc nầy. Dù sao, để gìn giữ ý định nguyên thủy của Đức Phật, chúng ta cần phải tạo ra những cơ hội đồng đều cho cả nam lẫn nữ Phật tử để sống đời sống xuất gia, nếu họ muốn, và được lợi lạc trong đời sống đó. ---*--- [^] 12. TRỞ THÀNH PHẬT TỬ VẤN: Đến đây, những lời Sư nói làm cho tôi rất thích thú. Làm thế nào tôi có thể trở thành một Phật tử? ĐÁP: Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một người tên là Upàli. Ông ấy là tín đồ của một tôn giáo nọ, đến gặp Đức Phật để tranh luận và cố gắng thuyết phục Ngài. Nhưng sau khi đàm thoại, ông ấy rất cảm kích và quyết định xin làm tín đồ Phật Giáo. Nhưng Đức Phật bảo ông: "Trước tiên hãy suy xét tận tường. Một người nổi tiếng như Ông cần nên tìm hiểu kỹ lưỡng". Ông Upàli đáp: "Giờ đây, tôi càng thỏa thích hơn và mãn nguyện khi Ngài bảo tôi: 'Trước tiên hãy tìm hiểu kỹ lưỡng'. Bởi vì nếu những người ở một tôn giáo khác được tôi xin làm đệ tử thì họ sẽ diễn hành khắp phố phường với biểu ngữ, 'Upàli đã theo về tôn giáo chúng ta'. Nhưng Đức Tôn Sư nói với tôi: 'Trước tiên hãy suy xét tận tường. Một người nổi tiếng như Ông cần nên tìm hiểu kỹ lưỡng'!". Trong Phật Giáo, hiểu biết chân chánh là quan trọng, và hiểu biết chân chánh cần phải dành nhiều thì giờ. Vậy, không nên vội vã hấp tấp. Hãy đợi chờ, nêu lên những vấn đề thắc mắc, thận trọng suy xét, và chừng đó sẽ quyết định. Đức Phật không quan tâm nhiều đến việc có đông tín đồ. Ngài chú trọng hơn đến việc người ta thực hành đúng theo lời dạy, sau khi thận trọng khảo sát và suy xét tận tường. VẤN: Nếu tôi làm y như vậy, và thấy giáo huấn của Đức Phật là thích hợp, tôi phải làm sao nếu muốn trở thành Phật tử? ĐÁP: Tốt hơn hết là nên tham gia sinh hoạt trong một ngôi chùa hay một nhóm Phật tử tốt, hỗ trợ họ và được họ hỗ trợ, và tiếp tục học hỏi Phật Pháp, tức những lời dạy của Đức Phật. Chừng đó, được chuẩn bị đầy đủ, bạn sẽ chánh thức trở thành Phật tử bằng cách quy y Tam Bảo. VẤN: Quy y Tam Bảo là thế nào? ĐÁP: Quy y là trở về nương tựa. Chỗ nương tựa là nơi chốn mà người ta vào ẩn náu trong cơn sầu muộn hoặc khi cần được an toàn. Có nhiều loại nương tựa. Khi con người cảm thấy bất hạnh, họ tìm bạn bè; khi lo âu kinh sợ hãi hùng, họ có thể tìm nương tựa trong những niềm hy vọng ảo huyền, những niềm tin vô căn cứ. Khi lâm chung, họ có thể tìm nương tựa trong sự tin tưởng vào một cảnh trời vĩnh cữu. Nhưng Đức Phật dạy, không chỗ nào trong những nơi ấy là chỗ nương tựa thật sự, vì không nơi nào thật sự cung ứng cho ta trạng thái thoải mái và châu toàn. Ngài nói: "Đúng vậy, những nơi ấy không phải là nơi nương tựa châu toàn, không phải là nơi nương tựa tối thượng. Ta có thể vượt ra khỏi mọi sầu muộn. Nhưng về nương tựa nơi Phật, Pháp Tăng Và chân chánh thấu triệt Tứ Diệu Đế. Khổ, nhân sanh khổ, Vượt thoát ra khỏi đau khổ, và Bát Chánh Đạo, dẫn thoát Ra khỏi mọi đau khổ. Đó quả thật là nương tựa châu toàn, Quả thật là nương tựa tối thượng, Đó là nương tựa mà từ đó Ta có thể vượt thoát ra khỏi mọi sầu muộn". (Kinh Pháp Cú, câu 189-192)
VẤN: Từ ngày Sư quy y Tam Bảo, có gì thay đổi trong đời Sư? ĐÁP: Cũng như vô số triệu người khác trong suốt 2.500 năm qua, tôi nhận thức rằng trong thế gian đầy khó khăn này, giáo huấn của Đức Phật rõ ràng là rất hữu lý, nó đem lại ý nghĩa cho một đời sống vô nghĩa lý, nó cho tôi một nền luân lý nhân đạo và từ ái, bi mẫn, để hướng dẫn cuộc sống của tôi, và rọi sáng, chỉ đường dẫn lối cho tôi tiến đến trạng thái trong sạch và toàn hảo trong kiếp sống tới. Một thi hào người Ấn vào thời xưa có viết về Đức Phật như sau: "Đến tìm nương tựa nơi Ngài, hát lên để tán dương công đức Ngài, lễ bái và ẩn náu trong Giáo Pháp là hành động với sự hiểu biết". Tôi hoàn toàn đồng ý với những lời ấy. VẤN: Tôi cũng hoàn toàn đồng ý như vậy. Bạch Sư, tôi có một người bạn luôn cố gắng thuyết phục tôi theo đạo anh ta. Tôi thật sự không thích đạo ấy, tôi đã nói cho anh ta biết, nhưng anh ta vẫn không để tôi yên. Tôi có thể làm gì đây? ĐÁP: Trước tiên bạn phải hiểu rằng người ấy thật sự không phải là một người bạn hữu. Một người bạn chân thành là người phải biết chấp nhận bạn mình và tôn trọng nguyện vọng của bạn mình. Tôi cho là người này chỉ giả vờ làm bạn để có thể cải đạo bạn mà thôi. Người nào muốn áp đặt ý muốn của họ vào bạn, thì chắc chắn người ấy không phải là một thân hữu. VẤN: Nhưng anh ta nói là muốn chia sẻ đạo của mình với tôi. ĐÁP: Chia sẻ tín ngưỡng của mình với người khác là một điều tốt. Nhưng tôi thấy người bạn đó không nhận ra được sự khác biệt giữa việc chia sẻ và áp đặt. Nếu tôi có một trái táo, tôi tặng bạn một nửa và bạn chấp nhận, đó là tôi đã chia sẻ với bạn. Nhưng nếu bạn nói với tôi "Cám ơn, tôi đã ăn rồi", mà tôi vẫn tiếp tục ép bạn lấy nửa trái táo đến khi bạn chịu thua trước áp lực của tôi, điều này khó có thể gọi là chia sẻ. Những người giống như "người bạn" ấy, cố che dấu hành vi xấu bằng cách gọi đó là "chia sẻ", "thương yêu" hay "rộng lượng"; nhưng cho dù tên gọi của nó là gì, hành vi của họ vẫn là khiếm nhã, thô lỗ, và ích kỷ. VẤN: Làm sao tôi có thể ngăn cản anh ta? ĐÁP: Cũng đơn giản thôi. Trước hết, bạn phải tự biết rõ là bạn muốn gì. Thứ hai là nói rõ ràng, ngắn gọn với người ấy. Cuối cùng, khi người ấy hỏi bạn những câu hỏi như: "Niềm tin của anh là về vấn đề này là gì? Tại sao anh không muốn đến cuộc họp với tôi?", bạn phải rõ ràng, lịch sự và nhắc lại một cách kiên định câu nói đầu tiên của bạn: - "Niềm tin của tôi là dựa theo những lời dạy của Đức Phật. Cám ơn lời mời của anh, nhưng tôi không đến thì hơn".Nếu bạn lập lại lời mình một cách rõ ràng, kiên nhẫn, liên tục, và từ chối, không để anh ta lôi kéo bạn vào cuộc tranh luận, cuối cùng anh ta sẽ bỏ cuộc. Thật là phiền toái khi bạn phải làm như thế, nhưng lại rất quan trọng để người ta hiểu rằng họ không thể áp đặt lòng tin hay ý muốn của họ lên người khác. VẤN: Người Phật tử có cố gắng chia sẻ giáo pháp với người khác không? ĐÁP: Vâng, người Phật tử nên làm điều đó. Và tôi nghĩ hầu hết các Phật tử đều hiểu sự khác biệt giữa việc chia sẻ và việc áp đặt. Nếu người ta hỏi bạn về Ðạo Phật, hãy nói cho họ biết. Thậm chí bạn có thể nói cho họ biết về các lời dạy của Đức Phật, mà không cần họ hỏi. Nhưng nếu họ có lời nói hay hành động cho thấy họ không quan tâm, không muốn nghe, thì bạn nên tôn trọng ý muốn của họ. Ðiều quan trọng khác cần nên nhớ là bạn chia sẻ với họ về Phật Pháp một cách có hiệu quả qua các hành động của mình, hơn là chỉ thuyết giảng suông. Xiển dương Phật Pháp bằng sự quan tâm, lòng từ ái, khoan dung, chánh trực và chân thành. Hãy để Phật Pháp tỏa sáng qua lời nói và hành động của bạn. Nếu mỗi người chúng ta, bạn và tôi, thông hiểu Phật Pháp rốt ráo, thực hành Pháp một cách toàn vẹn và chia sẻ rộng rãi với người khác, chúng ta sẽ là nguồn lợi ích to lớn cho chính mình và cho người khác. ---*--- [^] 13.
CĂN BẢN PHẬT GIÁO:
* Phật Giáo là gì? Phật Giáo là một tôn giáo có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Danh từ Phật Giáo (Buddhism) xuất nguyên từ chữ "buddhi", có nghĩa "giác ngộ", "thức tỉnh". Phật Giáo phát nguồn từ hơn 2,500 năm trước, khi Ngài Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), hay Đức Phật, tự mình giác ngộ vào lúc 35 tuổi. * Phật Giáo chỉ thuần là một tôn giáo? Đối với nhiều người, Phật Giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn là một triết học, hay "một lối sống". Phật Giáo là một triết học, vì danh từ "triết học - philosophy" có nghĩa là "sự yêu chuộng trí tuệ", và con đường của đạo Phật có thể tóm tắt như sau: - sống có đạo đức,* Phật Giáo giúp tôi bằng cách nào? Phật Giáo giải thích mục đích của đời sống, giải thích hiện tượng bất công và bất bình đẳng trên thế gian, và cung ứng một phương cách thực hành hay một lối sống để đưa đến hạnh phúc thật sự. * Tại sao Phật Giáo trở nên phổ biến? Phật Giáo ngày càng phổ biến ở các nước Tây phương vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì Phật Giáo có những giải đáp cho nhiều vấn đề trong các xã hội vật chất hiện đại. Tiếp đến, cho những ai có chú tâm, Phật Giáo cung ứng một sự thông hiểu sâu sắc về tâm trí con người và các cách trị liệu tự nhiên, mà các nhà tâm lý nổi tiếng trên thế giới đều công nhận là rất cao cấp và rất hiệu quả. * Đức Phật là ai? Ngài Siddhartha Gotama sinh ra vào năm 563 trước Tây Lịch, trong một hoàng tộc tại Lumbini, nay thuộc xứ Nepal. Vào năm 29 tuổi, Ngài nhận thức rằng tiện nghi vật chất và an ninh trong thế gian không bảo đảm hạnh phúc; vì thế, Ngài đi tìm học các lời dạy, tôn giáo và triết học thời đó, để tìm kiếm chìa khóa đưa đến hạnh phúc. Sau sáu năm học tập và hành thiền, Ngài tìm ra con đường "Trung Đạo" và giác ngộ. Sau khi chứng đắc, Ngài dùng quảng đời còn lại tại thế gian để truyền giảng các nguyên lý trong đạo Phật -- gọi là Pháp, hay Chân lý, cho đến khi Ngài nhập diệt vào năm 80 tuổi. * Có phải Đức Phật là Thượng Đế? Không, Ngài không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố như thế. Ngài là người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài. * Phật tử có tôn thờ các thần tượng không? Những người Phật tử tỏ lòng tôn kính các hình ảnh của Đức Phật, nhưng không tôn thờ, cũng không van xin những điều lợi lạc. Một pho tượng Phật ngồi trong tư thế với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười từ bi, nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Lễ lạy tượng Phật là để tỏ lòng biết ơn về các lời dạy của Ngài. * Tại sao nhiều quốc gia Phật Giáo lại nghèo như vậy? Không hẳn đúng như vậy. Nhật Bản là một quốc gia có truyền thống Phật Giáo sâu đậm và ngày nay cũng là một quốc gia có kinh tế giàu mạnh. Thái Lan, với Phật giáo là quốc giáo, cũng có một nền kinh tế tương đối vững mạnh và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng một trong các điều dạy của Phật Giáo là tài sản của cải không bảo đảm được hạnh phúc, và tài sản của cải cũng không bao giờ thường còn. Dân chúng trong bất kỳ quốc gia nào cũng chịu đau khổ, cho dù họ giàu sang hay nghèo nàn. Chỉ những người nào thông hiểu các lời dạy trong Phật Giáo thì mới có thể tìm được hạnh phúc thật sự. * Có phải có nhiều tông phái Phật Giáo không? Có nhiều tông phái trong Phật Giáo là vì có những khác biệt về văn hóa và truyền thống của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, căn bản của Phật Giáo vẫn không thay đổi, đó là Pháp hay Chân lý. * Có phải các tôn giáo khác đều sai lầm? Phật Giáo cũng là một hệ thống tín ngưỡng có tính bao dung đối với các tín ngưỡng hay tôn giáo khác. Phật Giáo chấp nhận các lời giảng đạo đức của các tôn giáo khác, nhưng Phật Giáo còn tiến xa hơn bằng cách cung ứng một mục tiêu dài hạn trong sự hiện hữu của chúng ta, qua trí tuệ và sự hiểu biết thật sự. Phật Giáo chân chính thì rất bao dung, và không quan tâm chi đến các nhãn hiệu như là "tín hữu Ky-tô", "tín hữu Hồi giáo", "tín hữu Ấn-độ giáo", hay "Phật tử". Vì vậy, trong lịch sử, không bao giờ có các cuộc thánh chiến mang danh Phật Giáo. Cũng vì thế mà những người Phật tử không đi truyền giảng hay cải đạo người khác; họ chỉ giảng giải nếu được ai hỏi đến. * Phật Giáo có tính khoa học không? Khoa học là tri thức được kết hợp thành hệ thống, qua các dữ kiện được quan sát và thực nghiệm và đề ra các định luật tổng quát của thiên nhiên. Cốt lõi của Phật Giáo phù hợp với định nghĩa đó, bởi vì Tứ Diệu Đế (xem tiếp bên dưới) có thể được thử nghiệm và minh chứng bởi bất kỳ người nào, và ngay chính Đức Phật cũng đã từng nói với các đệ tử rằng họ phải thực chứng các lời dạy của Ngài, mà không nên chỉ tin suông. Phật Giáo dựa nhiều trên trí tuệ, hơn là lòng tin. * Đức Phật đã dạy những gì? Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản trong Phật Giáo có thể tóm tắt trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. * Diệu đế thứ nhất là gì? Khổ Đế, hay chân lý đầu tiên, nói rằng đời sống là đau khổ, nghĩa là phải chịu đau đớn thể xác, già nua, bệnh hoạn, rồi chết. Ta cũng phải chịu đau khổ về mặt tâm lý như cô đơn, phiền giận, bực bội, sợ hãi, bối rối, thất vọng, sân hận. Đây là một sự kiện hiển nhiên, không thể chối cãi. Đây là thực tế khách quan, không phải bi quan; vì bi quan là mong đợi những điều gì trở nên tệ hại. Mặt khác, Phật Giáo giải thích cách thức giải quyết các đau khổ đó và cách thức để có hạnh phúc thật sự. * Diệu đế thứ nhì là gì? Tập Đế, chân lý thứ nhì, dạy rằng tất cả mọi đau khổ đều do ái dục và tham thủ. Ta sẽ bị phiền khổ nếu ta mong đợi người khác phải tuân theo ý muốn của mình, phải làm giống như mình, nếu ta không được những gì mình muốn, v.v. Ngay cả khi ta muốn và được, điều này cũng không bảo đảm có hạnh phúc. Tâm khát khao ham muốn cướp đoạt của ta niềm vui được thỏa lòng và hạnh phúc. Thay vì kiên trì chiến đấu để thành đạt điều mong muốn, hãy cố gắng sửa đổi chính cái lòng ước muốn của mình. * Diệu đế thứ ba là gì? Diệt Đế, hay chân lý thâm diệu thứ ba, là có thể chấm dứt đau khổ và đạt được trạng thái thỏa lòng và hạnh phúc. Khi ta dứt bỏ ái dục, vốn là vô ích, và tập sống từng ngày, chúng ta bắt đầu sống an vui và tự do. Chúng ta sẽ có nhiều thì giờ và năng lực để giúp đỡ người khác. Trạng thái ấy được gọi là Niết Bàn. * Diệu đế thứ tư là gì? Đạo Đế, hay chân lý thâm diệu thứ tư, là con đường đưa đến chấm dứt đau khổ. Con đường này gọi là Bát Chánh Ðạo. * Bát Chánh Đạo là gì? Là con đường gồm 8 yếu tố chân chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Đây là con đường của đạo đức và tỉnh thức -- qua lời nói, ý nghĩ và hành động, và phát triển trí tuệ bằng sự nhận thức rõ ràng về Tứ Diệu Đế và bằng sự tăng trưởng lòng từ bi. * Ngũ giới là gì? Năm điều giới luật đạo đức của Phật Giáo là: không sát hại, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không dùng các chất say làm lu mờ trí óc. * Nghiệp là gì? Nghiệp hay "nghiệp-quả" là một định luật cho biết rằng mỗi một nguyên nhân đều tạo ra một hậu quả, có nghĩa là các hành động của ta đều có những hậu quả. Định luật đơn giản này đã giải thích nhiều vấn đề: sự bất công trên thế gian, tại sao có người sinh ra lại có phế tật, có người lại có nhiều tài năng, có người có đời sống rất ngắn ngủi. Nghiệp cho thấy tầm quan trọng về việc tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính mình, trong quá khứ và hiện tại. Làm thế nào để thử nghiệm tác động nghiệp quả của các hành động của ta? Câu trả lời được tóm tắt bằng cách hãy nhìn xem: (1) ý định đằng sau của hành động, (2) hậu quả của hành động vào chính mình, và (3) hậu quả vào những người khác. * Trí tuệ là gì? Trong Phật Giáo, Trí tuệ phải được phát triển cùng với Từ bi. Trong một cực đoan, bạn có thể là một người tốt bụng nhưng khờ dại, và trong một cực đoan khác, bạn có thể có nhiều kiến thức nhưng lại không có tình cảm. Phật Giáo dạy ta nên giữ thật sự cân bằng và trọn vẹn cả hai, phải trau giồi cả trí tuệ lẫn và từ bi. Trí tuệ cao nhất là thấy rõ ràng rằng trên thực tế, mọi hiện tượng đều không hoàn toàn, không thường còn, và không có một thực thể cố định. Trí tuệ thật sự không phải chỉ vì tin vào những gì được dạy, mà phải chứng nghiệm và thông hiểu chân lý và thực tế. Trí tuệ đòi hỏi phải có một tâm ý rộng mở, khách quan, không cố chấp. Con đường của Phật Giáo đòi hỏi phải can đảm, nhẫn nhục, mềm dẻo và thông minh. * Từ bi là gì? Từ bi bao gồm các phẩm hạnh của lòng san sẻ, sẵn sàng an ủi người khác, thiện cảm, chăm lo và ưu tư. Trong Phật Giáo, ta chỉ thật sự cảm thông người khác khi nào ta thật sự cảm thông chính ta, qua trí tuệ. * Tôi phải làm thế nào để trở thành một Phật tử? Bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu và thực nghiệm các lời dạy của Đức Phật. Ngài dạy rằng lời giải đáp cho mọi vấn đề của chúng ta là ở bên trong chúng ta, không phải ở bên ngoài. Ngài nói với các đệ tử không được tin ngay vào lời dạy của Ngài, mà họ phải tự thử nghiệm các lời dạy đó. Như thế, mỗi người tự có quyết định và tự chịu trách nhiệm về các hành động và sự hiểu biết của mình. Điều này cho thấy Phật Giáo không phải là một tập hợp cố định các tín điều cần phải được chấp nhận trọn vẹn. Đây là những lời dạy để mỗi người tự tìm hiểu, học tập và áp dụng theo tình huống riêng của mình. --ooOoo-- |
[ Trở Về ]