Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]                  [ Tác giả ]

Người mưu thần chước quỷ


Omura Masujiro
(Murata Zoroku)
1824 - 1869

Tác giả: Shiba Ryotaro
Người dịch : Phạm Vũ Thịnh
 

Lời người dịch :
Chuyện đời của nhân vật thần kỳ Omura Masujiro đã làm đến chức Thứ trưởng Bộ Hải-Lục quân thời Minh Trị, được xem là người khai sáng quân đội hiện đại Nhật Bản.
Truyện ngắn "Kibo no hito" của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ nhất trong tập truyện "Hitokiri Izo" (Sát thủ Izo), bản bỏ túi, do nhà Shincho Bunko tái bản lần thứ 67 tháng 7 năm 1997.
Shiba Ryotaro còn viết truyện dài "Kashin" (Thần hoa) về cuộc đời của nhân vật Omura Masujiro - Murata Zoroku này, được quay thành phim kịch tràng giang Taiga Drama chiếu trên đài TV Quốc gia Nhật Bản NHK năm 1977.
(Xem một bản dịch "Kibo no hito" tiếng Trung: http://famana.com/ybs/gmzr.htm)
-"Có nhân vật này kỳ lạ lắm!"

Katsura Kogoro [1] cũng đã nghe như thế. Nhân vật ấy tên là Murata Zoroku. Nghe đâu cũng là người phiên trấn Choshu. Thời bấy giờ, phiên trấn Choshu nôn nóng muốn cải tiến chế độ binh bị theo Tây phương nên cuống cuồng tìm người đọc được sách tiếng Hà Lan. Katsura nghĩ phiên trấn nhà có được nhân vật tài năng đến như thế mà mình lại không biết thì thật là thiếu ý tứ quá.

-"Đúng là người Choshu thật à?"

Katsura đã cho điều tra ở dinh phiên trấn trú đóng tại Edo [2]. Biết được rằng Murata Zoroku chẳng phải thuộc giới võ sĩ. Mà cũng chẳng phải là hương sĩ (võ sĩ về quê làm ruộng) hay hào lý gì. Ngay cả cấp bộ tốt cũng không phải. Thế nên bảo là điều tra xuất xứ, nhưng cũng như vói tay nắm mây, rốt cuộc chẳng hiểu được gì thêm. Katsura lại quá bận bịu công việc, nên chỉ nhớ được mỗi cái tên Murata Zoroku mà quên đi mọi điều gì khác về anh ta.

Bận bịu đến mức nào thì chỉ cần nhìn vào sổ biên niên của Kido Takayoshi (Katsura Kogoro) trong năm đó, Ansei thứ 6 (1859), cũng hiểu được:

-Tháng 9: nhận lệnh trú đóng ở Edo, chức Đại-kiểm-sứ (lo việc kiểm soát tài chính, kho lẫm)

-Ngày 27 tháng 10: Yoshida Shoin [3] bị Mạc Phủ chém đầu ở pháp trường Kozukappara

-Ngày 13 tháng 11: nhận lệnh làm Chủ nhiệm ở Yu-bikan

Yu-bikan là trường huấn luyện quân sự của phiên trấn Choshu ở trong dinh cơ phiên trấn tại Edo trong khu Sakurada. Katsura nhậm chức Chủ nhiệm lo mọi việc điều hành ở trường này. Lúc ấy, Katsura 27 tuổi.

Vốn được phiên trấn Choshu phái lên Edo chỉ như một môn sinh học kiếm trong võ đường của Saito Yakuro, nhưng Katsura đã nổi danh là nhà lý thuyết quân sự tiên phong của phiên trấn, được Lãnh Chúa của Choshu nể trọng. Và cũng bắt đầu nổi tiếng là nhà lý luận chủ trương Nhương Di (đánh đuổi bọn man di Tây phương) xuất sắc trong giới chí sĩ ở khắp các phiên trấn.

Katsura có ý thức sứ mệnh mãnh liệt, tâm nguyện nhiệt thành sẽ xây dựng phiên trấn Choshu thành phiên trấn võ trang hùng mạnh nhất Nhật Bản, cống hiến cho sự nghiệp đánh đuổi bọn man di Tây phương. Mà lúc bấy giờ, lịch sử (Nhật Bản) chỉ mới tiến đến giai đoạn tư tưởng Nhương Di bắt đầu lưu hành mà thôi, còn phải đợi thêm 4, 5 năm chuyển đổi cong quẹo nữa mới đến được thời kỳ thuyết Nhương Di ấy nhập chung thành đồng nghĩa với thuyết Cần Vương Đảo Mạc (phò vua đánh đổ Mạc Phủ Tokugawa).

Trước đấy, vào năm Kaei thứ ba (1850), phiên trấn Choshu đã báo cáo lên Mạc Phủ Tokugawa về năng lực điều động quân đội của phiên trấn mình, nếu vạn nhất có quân ngoại quốc tấn công vào, như sau: quân số 33 ngàn 970 người, súng lớn 558 cỗ, súng nhỏ 11 ngàn 568 khẩu. Một lực lượng đáng kể so với quy mô của một phiên trấn công xưng 37 vạn hộc [4] (thực thu 100 vạn hộc mỗi năm).

Thế nhưng, Katsura đã sớm theo các thầy là học giả Dương học (học theo Tây phương) trong đó có Egawa Tan-an, mà biết được tuy còn mơ hồ, tình hình quân sự ở hải ngoại, nên hiểu rằng loại võ trang còn nguyên hình tích của thời Chiến quốc [5] này thì đã chậm đi hai thế kỷ so với quân đội của các nước Tây phương rồi, chỉ đáng làm đồ trưng bày trong viện bảo tàng mà thôi. Katsura tự đặt cho mình sứ mệnh phải cải tiến võ trang phiên trấn Choshu cho bằng Tây phương. Đồng thời phải tạo luồng tư tưởng mới trong thành phần đầu não của phiên trấn Choshu chứ không rập khuôn theo đám công khanh của triều đình Thiên hoàng ở kinh đô Kyoto chủ trương Nhương Di chỉ để bảo thủ quốc hồn quốc túy Nhật Bản. Để đạt được mục đích ấy, không thể không có những nhân tài biết đọc chữ Hà Lan (là nước Tây phương duy nhất được phép giao lưu buôn bán với Nhật Bản, ở Dejima gần cảng Nagasaki). Mặc dù cũng đã có một vài y sĩ Lan học (học theo Hà Lan) trong phiên trấn, nhưng còn cần rất nhiều người nữa. Phiên trấn Choshu đang nỗ lực không ngừng để tìm kiếm thêm nhân tài như thế.

Trong sổ biên niên của Katsura có đoạn

"Ngày 27 tháng 10: Yoshida Shoin bị Mạc Phủ chém đầu ở pháp trường Kozukappara......"

Lúc ấy, Katsura tuy không phải là đệ tử của Shoin nhưng xem ông như người anh, người anh ấy đã bị Mạc Phủ giết. Đau buồn tức giận, Katsura đã dắt ba phiên sĩ (sĩ phu, võ sĩ có chức vụ) trú đóng ở Edo cùng là môn sinh của Shoin là Iida Shohaku, Odera Shinnojo, Ito Shunsuke [6] (hay Risuke, sau này đổi thành Hirobumi) tức tốc đến pháp trường nhận thi hài của Shoin, an táng ngay trong đêm đó ở mộ địa của chùa Eko-in trong vùng. Trong vài ngày sau đấy, lại lui tới chùa Eko-in mỗi ngày, dựng bia khắc chữ: Dũng sĩ nhị thập nhất hồi Shoin [7] trước mộ.

Trong khoảng mỗi ngày lui tới chùa Eko-in, một hôm Katsura nghe sư tăng trong chùa cho hay:

-"Hôm nay sắp có cuộc giải phẫu xác tù nữ trong ngôi chùa nhỏ gần pháp trường đấy"

-"Giải phẫu xác tù nữ à?"

Giải phẫu xác đàn ông thì trong giới y sĩ Lan học đã có rồi, nhưng giải phẫu xác đàn bà thì chưa hề có. Katsura vốn là con nhà y sĩ phục vụ cho Lãnh Chúa nên cũng đã biết như thế.

-"Thế thì hiếm có lắm! Nhưng mà, lén lút giải phẫu xác tù nữ thế kia, Mạc Phủ mà biết được thì tội nặng lắm đấy".

-"Không, chuyện này là do lệnh của Mạc Phủ đấy chứ".

Vị sư tăng này hẳn đã biết chuyện rất rõ. Bởi ngôi chùa nhỏ được chỉ định làm chỗ giải phẫu là chùa phụ thuộc của chùa chính Edo-in này, lệnh của Mạc Phủ đã truyền qua Edo-in trước. Ở khu Otamagaike có Sở Chủng đậu của Mạc Phủ, sau này trở thành Sở Y học Tây Dương, chính sở này đã đệ đơn lên Mạc Phủ xin phép thực hiện cuộc giải phẫu này. Theo lời vị sư tăng ấy thì xác đàn bà kia là của một nữ tù 37 tuổi, vốn là kẻ không nhà ở khu Senju, tuy đã sống trong tù lâu năm nhưng thân thể cường kiện, không có vẻ gì suy yếu cả, rất thích hợp cho cuộc giải phẫu. Thế nhưng trong đám y sĩ Lan học ở Edo hiện nay thì không có ai có tự tín đứng ra giải phẫu cả. Thế nên Sở Chủng đậu của Mạc Phủ phải nhờ đến một y sĩ Lan học đang được phiên trấn Uwajima thuê trú đóng tại dinh cơ của phiên trấn ấy ở Edo này. Nghe đâu người ấy xuất thân từ trường Lan học của Ogata Ko-an ở Osaka.

-"Ai thế?". Katsura hỏi chơi cho biết.

-"Nghe đâu tên là Murata Zoroku đấy"

Katsura kinh ngạc đến ngưng thở.

-"Murata Zoroku à?"

-"Đúng thế".

-"Nếu quý tăng biết thì xin chỉ giáo cho. Tiên sinh Murata Zoroku ấy có phải là đồng hương Choshu với chúng tôi không?"

-"Không, có thế đâu!". Vị sư tăng thản nhiên đáp. -"Nghe đâu là người được phiên trấn Uwajima đất Iyo thuê mà. Và có lẽ còn giúp việc cho giáo thụ Sở Điều nghiên sách sử (Tây phương) của Mạc Phủ, nghe đâu lại còn lãnh phụ cấp từ phiên trấn Kaga nữa".

-"......"

-"Ngài Katsura nếu quan tâm đến thế thì cứ bảo là người của chùa này mà đến xem giải phẫu cũng được đấy".

Vị sư tăng này có lẽ đã tưởng lầm là người phiên sĩ Choshu trước mặt mình quan tâm đến việc giải phẫu xác tù nữ. Nhưng thật ra, tuy Katsura vốn sinh ra trong nhà y sĩ thì ít nhiều cũng có quan tâm đến chuyện y học thật, nhưng hơn thế nữa, quan tâm của anh chính là ở nhân vật Murata Zoroku kia.

Murata Zoroku ấy, sau này được biết đến với tên mới là Omura Masujiro. Chiến thuật gia thiên tài này xuất hiện như một ngôi sao chổi trong vai trò Tham Mưu Trưởng quan quân triều đình ở giai đoạn tàn mạt của Mạc Phủ Tokugawa, đã được Katsura biết đến lần đầu như thế, ngay từ đầu đã bao phủ trong một không khí kỳ dị. Khiến Katsura cho đến cuối đời vẫn tin rằng: có lẽ Shoin ở dưới ba tấc đất kia đã xui khiến như thế chăng.

Rời chùa Eko-in, Katsura bước vội đến ngôi chùa nhỏ được chỉ định cho cuộc giải phẫu. Thật đúng là thứ chùa nhỏ bên cạnh pháp trường, chung quanh chính điện thô sơ lợp lá cỏ chỉ có la liệt những mồ mả dựng những trụ gỗ xiêu vẹo ghi tên người chết. Trong góc có giăng một khung căng màn vải trơn không có hoa văn phù hiệu của nhà nào cả.

Trời về chiều. Katsura bước vào trong khung thì thấy đã đầy cả đám đàn ông có phong thái y sĩ. Thế này thì chẳng thấy gì được! Chỉ nghe tiếng người nói vang lên từ chính giữa đám đông. Nghe nói Murata cỡ tuổi 36, mà giọng nói này lại nghe như của một bà lão nào đấy. Anh ta là người như thế nào nhỉ? Katsura lắng tai nghe.

Như những người kề cận Murata Zoroku cho biết thì thật ra, chính Murata cũng chưa hề có kinh nghiệm giải phẫu xác đàn bà. Nhưng anh ta là người vô cùng tự tín. Khi nghe phía Mạc Phủ nhờ thực hiện giải phẫu, anh ta đã nói: -"Vừa đọc sách vừa làm thì được chứ gì!", và nhận lời ngay, mặt không lộ vẻ ngần ngừ chút nào. Anh ta đã đọc rất nhiều loại sách y học Hà Lan về giải phẫu, và đã tự tay viết, tuy chưa công bố, một tập "cẩm nang giải phẫu". Ngay tại khu mộ địa này, anh ta vừa lật xem các trang sách mình đã viết ấy đặt ngay bên cạnh, vừa tiến hành phẫu thuật. Cắt ra xong một bộ phận nào, anh lại giải thích: -"Đây là tử cung, cửa tử cung, buồng trứng, ống loa,......", nói cả chuyện -"Những bộ phận này thì không có trong cơ thể đàn ông", như thể người ta chưa biết!

Trong đám người đứng xem có vài câu hỏi được nêu lên. Murata Zoroku có lẽ do thói quen, không trả lời ngay. Anh ta im lặng một lúc rồi trả lời thật vắn tắt, và thật khẳng định, nghe như không cho phép hoài nghi gì nữa. Thật là lối nói thích hợp với nhà quân sự hơn là y sĩ. Katsura nghĩ thầm: có vẻ là con người kỳ lạ lắm đây.

Cuộc giải phẫu chấm dứt lúc trời sắp tối. Đám đông tản ra. Nhìn qua khoảng trống giữa đám đông, Katsura thấy được nhân vật có vẻ là Murata Zoroku ấy đang rửa tay dưới làn nước do người giúp việc nghiêng bình rót hộ. Chẳng phải là phong thái y sĩ. Tóc búi theo kiểu võ sĩ tuy chỉ có chút đỉnh chỏm tóc chừa lại trên đầu đã cạo sạch. Trang phục võ sĩ, áo choàng bằng vải đen có hoa văn, dắt hai thanh kiếm dài ngắn trông có vẻ thô tạp.

Murata Zoroku bước ra ngoài khung.

-"A, lâu ngày không được gặp tiên sinh". Katsura lên tiếng.

Murata Zoroku quay đầu lại. Dung mạo kỳ dị đến khiến cho Katsura Kogoro bất giác nín thở. Dung mạo dị thường mà về sau này người ta lén đặt cho hỗn danh "Đạt Ma phun lửa" ấy, nhìn trừng trừng vào Katsura. Trán cao tít, lông mày um tùm mọc thành chùm đen kịt, miệng gãy khúc ở giữa như hình mái nhà, cằm nhô căng ra trước, hốc mắt lõm sâu vào trong. Chẳng phải loại khuôn mặt bình thường. Về sau này, người trở thành bộ hạ tâm phúc của anh ta là Funakoshi Yonosuke (sau Duy Tân đổi tên là Mamoru, chức Nam tước, chết năm Taisho thứ hai, 1913) đã nói về tướng mạo dị thường ấy như sau: -"Dung mạo cổ quái, trong bụng nghĩ gì chẳng thể nào biết được". Nói gọn là xấu xí lắm.

-"Vị nào đấy?". Murata Zoroku hỏi.

-"Tôi là gia thần của ngài Mori Daizen Dayu, tên là Katsura Kogoro, đang làm Chủ nhiệm trong trường huấn luyện quân sự của phiên trấn. Hân hạnh được làm quen với tiên sinh".

-"Thế ạ?". Thật ra thì Murata đã biết Katsura rồi, nhưng không lộ ra mặt đó thôi. -"Thế có việc gì kia?". Câu hỏi ngắn gọn, có vẻ anh ta là người không nói lời nào dư thừa.

-"Không, chẳng có việc gì lúc này, nhưng xin sẽ đến chơi một ngày nào khác, có được không ạ?"

-"Được chứ. Tôi lúc trước ở trong dinh cơ của phiên trấn Uwajima nhưng nay đã dời đến lô đất số 1 xóm Shindo phường Kojimachi. Trong khu Ichigaya-Mitsuke, ngay trước xóm Mitsuke, chỗ cửa vào số nhà 16, tầng dưới".

Lối chỉ dẫn thật gọn gàng mà rõ ràng, phản ảnh tính cách của anh ta.

Thế nhưng, anh ta lại nói tiếp:

-"Tôi không thích đám chí sĩ của các phiên trấn nên không giao du. Việc của ngài chắc không phải là chuyện luận thuyết trống rỗng đang lưu hành đấy chứ?"

Katsura đâm ra bực bội, không đáp thẳng mà chỉ nói:

-"Thế thì sẽ gặp lại".

rồi rời đấy ngay.

Trở về dinh cơ phiên trấn ở Sakurada, Katsura thẫn thờ suy nghĩ một hồi. Có gì như là cơn hưng phấn chưa yên. Trong đời, Katsura đã từng gặp nhiều nhân vật khác thường, nhưng trường hợp Murata Zoroku là đặc biệt gây cho anh cơn xung động kỳ lạ. Có phải vì tướng mạo dị kỳ của anh ta chăng? Có lẽ cũng có một phần vì thế thật. Nhưng chẳng phải chỉ có thế, mà toàn bộ con người anh ta đã tạo ra cảm giác kỳ dị ấy. Có vẻ anh ta là người có lối xử sự không khéo léo đối với người khác, nhưng cũng chẳng phải là vô lễ hay ngang tàng gì. Có điều lời nói quá ngắn gọn, không có chữ nào dư thừa. Katsura nhớ lại lúc đó, Murata Zoroku đã chẳng thi lễ một lần nào cả. Người kỳ lạ thật! Katsura lại cảm thấy ấn tượng về dung mạo ấy lưu lại dai dẳng khác thường.

Katsura cho gọi Ito Shunsuke đến phòng mình. Chàng trai này xuất thân nông dân, được dắt theo lên Edo làm người hầu cận Katsura, hiện nay được thuê làm phiên sĩ ở cấp thấp nhất. Anh ta là người chu đáo, tỉ mỉ. Katsura đưa cho một số tiền túi, bảo anh ta đi dò hỏi về Murata Zoroku. Khoảng một tháng sau, Ito báo cáo:

Murata Zoroku có vẻ không được biết đến bao nhiêu trong giới học giả Lan học với nhau ở Edo. Một phần có lẽ là vì anh ta ghét giao du, phần khác là vì mới đến Edo chỉ được ba năm nay thôi. Xuất thân là môn sinh lứa xưa cũ nhất trong trường Lan học (Tekijuku, tiền thân của Đại học Y khoa Osaka ngày nay) của thầy Ogata Ko-an (1810-1863) ở Osaka. Thời bấy giờ, nói đến Lan học thì phải là Osaka, chứ giới học giả Lan học ở Edo chỉ được xem là hạng nhì mà thôi. Murata nhập học năm Koka thứ ba (1849), là đàn anh học trước nhiều năm so với lứa học giả nổi danh sau này như Sano Tsunetami, Hashimoto Sanai, Otori Keisuke, Nagayo Sensai, Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát),......

-"Gốc ở làng Susenji (ngày nay thuộc thành phố Yamaguchi) của phiên trấn nhà đấy". Ito nói, có vẻ chế nhạo.

Dân làng đó là thứ cùng đinh, tuy cha của Zoroku là Takamasu là y sĩ được dân làng có phần kính nể. Murata Zoroku trong lúc còn ở trường của thầy Ogata Ko-an, đã đi Nagasaki du học khoảng một năm, trở về trường được thăng lên chức Hiệu trưởng. Thời bấy giờ, làm đến chức Hiệu trưởng của trường ấy thì phải là người có học vấn xuất chúng đặc biệt. Nhưng năm 27 tuổi, Murata đã trở về quê cũ là làng Susenji quận Yoshiki xứ Suo để nối nghiệp nhà làm y sĩ trong làng.

-"Thật đáng tiếc!"

Nghe Ito kể đến đó, Katsura bất giác thở dài mà thốt lên như thế. Bởi người có năng lực học vấn đến mức làm Hiệu trưởng của một trường danh tiếng như thế mà lại không tiếp tục sự nghiệp học giả ở Kyoto-Osaka hay Edo, cũng không được thu nạp làm việc cho phiên trấn Choshu, lại về làm thầy thuốc trong làng quê!

-"Nghe đâu người cha là Takamasu đã gọi về làng đấy"

Ito Shunsuke đã dò hỏi cặn kẽ lắm. Đã sai chân chạy việc cấp tốc của phiên trấn đến làng Susenji xác nhận từ sở quản lý làng xã ngay tại địa phương.

Qua năm sau, Murata Zoroku lấy vợ là Kotoko con nhà nông ở làng bên, một phụ nữ hiền hậu có khuôn mặt tròn trịa.

-"Thế tiếng tăm thầy lang trong làng thì sao nào?"

-"Xấu tệ!". Ito đáp.

Katsura nghĩ: hẳn là thế rồi. Người như thế thì chẳng làm y sĩ cho nông dân được.

Tiếng đồn về ông lang vườn làng Susenji vang khắp cả trong quận Yoshiki nữa. Chẳng phải vì ông lang chẩn bệnh sai lầm, mà vì ông chẳng thèm mở miệng nói gì bao nhiêu, ngay cả với thân nhân của người bệnh của ông nữa. Dân làng ấy truyền tụng rằng: khi nào người làng gặp thầy lang mà chào hỏi:

-"Chào tiên sinh, hôm nay nóng quá nhỉ".

thì Murata Zoroku chẳng thèm mỉm cười, lại nói:

-"Mùa hè thì nóng là đương nhiên rồi!".

Đến mùa lạnh, người ta chào hỏi:

-"Thưa tiên sinh, trời lạnh quá nhỉ"

thì tiên sinh lại bảo:

-"Mùa đông thì phải lạnh chứ!"

Zoroku không lý giải được tại sao lại có những lời chào hỏi dư thừa như thế trong xã hội loài người! Anh ta cũng chẳng hề tạo nét mặt tươi cười với ai. Zoroku nghĩ rằng tạo nét mặt tươi cười vô cớ như thế là không hợp lý. Suy luận của Zoroku là việc gì không hợp lý đều là dư thừa vô ích.

Katsura buột miệng: -"Người kỳ lạ thật!"

-"Anh ta bảo: đàn bà thì chỉ vợ nhà là đủ! Thậm ghét chuyện chơi gái ở thanh lâu kỹ viện".

Katsura nghĩ: hẳn là thế rồi. Mặt mày thế kia thì gái nào muốn đến gần! Katsura chợt nhớ lại lúc Zoroku vừa lên tiếng giảng giải với giọng nói như của một bà lão, vừa cắt ra các bộ phận phụ nữ từ xác người nữ tù. Xem thế thì quan tâm của Murata Zoroku về phụ nữ chẳng phải ở tình cảm mà chỉ là những phân tích về vật thể, đây là tử cung, đây là buồng trứng,...... thế thôi.

Zoroku đã ở quê nhà ba năm. Phiên trấn Choshu bỏ quên Zoroku mất. Trong khoảng thời gian đó, Zoroku bắt đầu quan tâm đến khoa quân sự, cần mẫn phiên dịch binh thư Hải Lục quân Hà Lan. Tất nhiên, sảnh đường của phiên trấn Choshu vẫn hoàn toàn không để ý là trong dân chúng của phiên trấn nhà lại có được một học giả về quân sự như thế. Mà khắp thiên hạ, cũng chẳng ai hay. Duy chỉ có một người biết. Đó là thầy Ogata Ko-an của Murata Zoroku ở Osaka. Thầy Ogata Ko-an nhìn thấy được bên trong Murata Zoroku tiềm ẩn một thiên tài quân sự, nên khi Zoroku từ tạ trở về quê, thầy đã khuyên:

-"Y sĩ thượng hạng thì chữa bệnh cho đất nước. Anh cũng có tài về y thuật, nhưng trong lúc nước nhà gặp cơn nguy cấp thì nên tiến về đường quân sự vẫn hơn".

Nhưng Zoroku thưa:

-"Chỉ là nghiệp dư đấy thôi. Cha tôi ở quê nhà đang mong mỏi tôi trở về nối nghiệp nhà làm y sĩ trong làng, tôi không thể làm trái ý người được"

Zoroku đã không theo lời của thầy Ogata Ko-an, một phần cũng vì cho dù anh có muốn cải tiến binh chế cho xứ nào đi nữa, cũng đâu có phiên trấn nào dùng đến anh. Ngay cả phiên trấn nhà là Choshu cũng bỏ quên anh nữa là!

Trong thời làm thầy lang trong làng, có lần Zoroku đã cùng người làng đến Hagadai để xem cuộc thao luyện đại quy mô theo binh pháp cổ truyền của phiên trấn, có ba vạn quân và hai ngàn ngựa tham gia. Nhìn khói thuốc súng và đám bụi mù ấy, có lẽ Zoroku đã rất ước muốn được dùng tài năng bày binh bố trận của mình. Nhưng đành im lặng mà chịu đựng thân phận không may mắn. Murata Zoroku vốn không phải là người khoái hoạt đến mức tự mình tuyên truyền cho mình được.

Thế mà lại có phiên trấn nhảy ra muốn mua tài năng của anh ta! Mùa thu năm Kaei thứ 6 (1853), khi Zoroku làm y sĩ ở làng được ba năm, phiên trấn Uwajima ở xứ Iyo bên kia biển đã ngầm sai sứ giả đến viếng, mời anh sang làm việc cho họ. Lãnh Chúa của phiên trấn Uwajima là Date Munenari cùng với Lãnh Chúa Shimazu Nariakira của phiên trấn Satsuma là hai Lãnh Chúa thông hiểu về Dương học nhất trong tất cả các Lãnh Chúa thời bấy giờ. Hai phiên trấn ấy đã tiến trước các xứ khác rất xa về mặt cận đại hoá binh chế. Chính phiên trấn Uwajima đã âm thầm cho đổi tên để thu dụng Takano Nagahide [8] đang trên đường lưu vong. Khi Takano trở về Edo, cần tìm người thay thế mình, mới nhờ Ogata Ko-an giới thiệu nhân tài. Ogata Ko-an đề cử:

-"Trong thiên hạ, không còn ai khác hơn Murata Zoroku ở phiên trấn Choshu!"

Nguyên do là như thế, nên mới có chuyện sứ giả từ đảo Shikoku lặn lội sang gặp Murata. Murata quyết tâm ra làm việc cho phiên trấn Uwajima, tháng thứ ba kể từ ngày hạm đội của Perry đến Nhật Bản, năm Kaei thứ 6 (1853), khắp thiên hạ đang sôi nổi trong cơn sốt phòng vệ lãnh hải.

-"Sau khi đến phiên trấn Uwajima, Murata mới đổi tên là Zoroku đấy". Ito nói.

Katsura hỏi cho biết: -"Thế trước đấy tên là gì?"

-"Murata Ryoan".

-"Thế à?". Katsura biến sắc. Anh chợt nhớ ra điều gì đấy. -"Có đúng thế không?"

-"Thưa, không sai chút nào".

Katsura nghĩ: người mang tên đó chắc chắn đã có lần đến thành Hagi rồi, mà đến ngay tư dinh của mình nữa. Anh ta bảo là có ý kiến muốn trình về chuyện đảo Takeshima, nhưng không có thư giới thiệu của ai cả. Takeshima là một hòn đảo trong hải vực Triều Tiên, thời bấy giờ, phiên trấn Choshu đang có cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện khai thác đảo ấy làm bàn đạp để tiến vào Triều Tiên - Mãn Châu. Nhưng lúc ấy, Murata Ryoan chỉ là cái tên lạ tai của một người nông dân. Hơn nữa, rủi thay lại nhằm lúc Katsura đang nằm dưỡng bệnh nữa. Nên Katsura đã bảo người nhà từ khước mà mời đi chỗ khác.

-"Thế ạ?". Murata cũng chẳng vì thế mà tức giận gì, lại nhân có người nhà của Katsura đấy, bèn giải thuyết dài dòng về những chi tiết ghi trong các sách hàng hải Hà Lan về hòn đảo Takeshima, cuối cùng, đã êm thấm ra đi sau khi để lại lời nhắn rằng:

-"Xét về Công pháp quốc tế, cũng nên chiếm lấy đảo ấy càng sớm càng tốt".

Có lẽ anh ta chỉ muốn nhắc nhở phiên trấn nhà biết rằng có điều ghi trong sách hàng hải như thế đấy.

Katsura hối tiếc: phải rồi, đúng là người đó. Hoá ra chính mình cũng là một kẻ đã đẩy Murata Zoroku từ phiên trấn Choshu sang làm việc ở phiên trấn khác mất! Nhưng mà, nếu thế thì tại sao lúc gặp nhau trong khuôn viên ngôi chùa nhỏ ở Kozukappara, mình đã xưng là gia thần của ngài Mori Daizen Dayu, tên là Katsura Kogoro,...... mà Murata Zoroku lại chẳng nhắc đến chuyện trước nhỉ? Lúc ấy, Murata Zoroku chỉ nói: -"Thế à?", mặt chẳng lộ vẻ gì khác lạ cả. Thật là một nhân vật khó hiểu quá.

Thật ra, đối với Katsura là người đã sinh vào một nhà quyền quý trong thành Hagi, kế thừa nghiệp nhà là phiên sĩ cao cấp, lại còn được Lãnh Chúa sủng ái nữa, thì tâm sự của một thứ dân như Zoroku là thứ khó mà hiểu được. Có lẽ chuyện trước, đối với Zoroku là một điều khuất nhục mà anh ta không muốn nhắc lại.

Katsura lại thôi thúc Ito: -"Rồi sao nữa?"

-"Vâng...". Ito nói tiếp.

Ở phiên trấn Uwajima, Murata Zoroku được thu dụng như võ sĩ cấp cao, lãnh lương 100 hộc. Tuy nhiên, không phải là phiên sĩ, mà với tư cách nhân viên biệt phái từ phiên trấn khác đến. Dù vậy, Zoroku đã bằng lòng với sự đãi ngộ ấy. Anh ta đã đi vòng đường biển Shikoku, vượt qua nhiều đèo núi, dẫm chân lên khắp các vùng đất Uwajima kẹp giữa núi và biển. Công việc của Murata Zoroku ở Uwajima chẳng phải là hành nghề y sĩ Lan học, mà việc chính là phiên dịch và giảng giải binh thư ngoại quốc. Anh ta dịch sách thao luyện bộ binh, giảng dạy cách thiết kế xây dựng pháo đài,......, ngày nghỉ thì âm thầm giải phẫu mèo, hay chuốt gọt bọt biển. Có lúc được phiên trấn Uwajima phái đến cảng Nagasaki để học hỏi trực tiếp từ người Hà Lan trú ngụ ở đấy về cách chế tạo và sửa chữa tàu chiến. Trường Huấn luyện Hải quân Nagasaki của Mạc Phủ sau này sản xuất ra các nhân vật nổi tiếng Katsu Kaishu, Enomoto Takeaki,... thì lúc bấy giờ thực chất chưa phát triển mấy, nên có thể nói Murata Zoroku đã là nhân vật kiệt xuất nhất về mặt đó. Từ người Hà Lan, Murata Zoroku đã học được các môn hàng hải, hải vận, tạo thuyền, pháo thuật, dụng cụ trên tàu thuyền, trắc lượng, toán học cao đẳng, động cơ tàu thuyền, và thực tập pháo thuật. Sau đó, năm Ansei thứ ba (1856), đã theo Lãnh Chúa Uwajima lên trú nhậm ở Edo, nhưng ghét sinh hoạt sứ thần ru rú trong dinh cơ của phiên trấn nên đã táo bạo đệ trình nguyện vọng muốn mở trường dạy học tư, cuối cùng cũng đạt được sở nguyện, vẫn lãnh bổng lộc từ phiên trấn Uwajima mà còn được mở trường riêng gọi là Kyukyodo (Câu cư đường). Địa chỉ thì đúng như đã cho Katsura lúc gặp ở Kozukappara, là: -"Trong khu Ichigaya-Mitsuke, ngay trước xóm Mitsuke, chỗ cửa vào số nhà 16, tầng dưới". Nguyên nơi đó là nhà ở của một gia thần trong phiên trấn Uwajima, Murata Zoroku đã mua lại với giá 36 lạng bạc.

-"Thế bây giờ vẫn còn trường đó chứ?"

-"Đúng thế".

-"Dạy những gì nào?"

-"Thưa, dạy tiếng Hà Lan, binh pháp và y học. Phiên sĩ từ các phiên trấn khác đến học đông lắm". Ito nói. -"Điều lạ lùng nhất là có cả ngài Kusaka Genzui của phiên trấn nhà đến học nữa, tuy chỉ trong khoảng một tháng".

-"Thế kia à?"

Katsura nhớ ra. Ngôi trường mà Kusaka đã đến học rồi bực tức vì khả năng tiếng Hà Lan của mình kém, đến bỏ học mà trở về Hagi ấy, hoá ra là trường tư của Murata Zoroku! Katsura nghĩ: thế thì Murata Zoroku cũng tệ quá! Hẳn là anh ta đã không thèm cho Kusaka biết là đồng hương Choshu đấy. Bởi nếu biết thế thì người nhiệt tâm với xứ sở của mình như Kusaka hẳn là đã tự hào mà khoe với mọi người rằng Murata Zoroku cũng là người Choshu.

Rồi chính Mạc Phủ chứ không phải là phiên trấn Choshu, đã để ý đến Murata Zoroku. Vẫn để nguyên là nhân viên của phiên trấn Uwajima, Mạc Phủ thuê Murata Zoroku giúp việc cho giáo thụ của Sở Điều nghiên sách sử (Tây phương) của Mạc Phủ, với danh nghĩa là trợ giáo, thực chất là nhân viên phiên dịch, cấp cho mỗi tháng suất gạo của võ sĩ có 20 bộ hạ, và mỗi năm thêm 20 lạng bạc. Sau đó, lại cho kiêm luôn chức giáo thụ về bộ môn pháo thuật ở Sở Giảng Võ của Mạc Phủ nữa. Có lẽ thời bấy giờ, khắp Edo hiếm người có được nhiều chức danh như Murata Zoroku: làm Hiệu trưởng một trường tư, kiêm giáo quan của hai bộ môn trong hai trường của Mạc Phủ, lại còn làm việc cho phiên trấn Uwajima, và còn lãnh phụ cấp từ phiên trấn Kaga làm thêm việc dịch thuật nữa.

Katsura mỉm cười khổ sở: -"Hoá ra chỉ có Choshu, phiên trấn nhà là không biết đến anh ta mà thôi!". Bèn tức tốc bàn với trọng thần cai quản dinh cơ của phiên trấn Choshu ở Edo là Sufu Masanosuke để kiếm cách triệu thỉnh Murata Zoroku về làm việc cho phiên trấn nhà. Sufu Masanosuke là mẫu người ưa hành động hơn là suy tư, nhưng ngay cả nhà hành động hơn người này nữa, cũng phải ngần ngừ trước lời đề cử của Katsura. Bởi Murata Zoroku ở các phiên trấn khác thì không biết sao, chứ ở phiên trấn Choshu thì chỉ là thứ dân cùng đinh mà thôi. Tập quán truyền thống của phiên trấn Choshu không cho phép triệu thỉnh loại thứ dân cùng đinh như thế ra làm quan. Sufu Masanosuke mặc cả: -"Nếu chỉ cỡ phiên dịch thuê thì được".

Katsura nói: -"Vậy thì để tôi thương lượng xem sao, nhưng chắc là anh ta sẽ từ chối thôi".

Bởi chẳng phải là phiên sĩ, nên Murata Zoroku đã thu thập được kiến thức học vấn bằng sức lực, tiền bạc của chính mình, chứ chẳng nhờ gì ở phiên trấn Choshu. Katsura thầm lo, vì Murata Zoroku tính khí cương cường như thế mà lại đã chẳng được ơn nghĩa gì từ phiên trấn nhà cả.

Katsura đến viếng, gặp lúc Murata Zoroku đang hướng dẫn môn sinh đọc bài. Zoroku sai người làm bảo Katsura chờ đấy, rồi cứ tiếp tục hướng dẫn môn sinh. Lúc xong lớp ấy thì đã lên đèn rồi. Katsura khoanh tay ngồi đợi ở khoảng trống ba chiếu [9] sau ngưỡng cửa, chỉ có một lò than nhỏ để sưởi. Than tàn thành tro cả rồi mới thấy Zoroku bước đến. Chẳng thèm xin lỗi đã bắt khách phải chờ lâu, Zoroku chỉ nói:

-"Tôi sắp ăn tối, sau đó phải dịch phương pháp thao tác của súng Goebel cho Mạc Phủ, thế nên thời gian chỉ có thể là trong vòng một giờ lúc ăn tối đó thôi, có được không?"

Katsura gắng dằn lòng tức giận. Nghĩ lại thì ngày trước, chính mình đã xua đuổi anh ta ở ngưỡng cửa nhà mình rồi, nên nay không thể hùng hỗ được, đành giữ vẻ mặt hoà dịu mà gật đầu: -"Cũng được!".

Katsura được đưa vào chỗ ăn tối cũng là thư phòng của Murata Zoroku. Khay thức ăn của Katsura có một bát đầy đậu hủ. Thức ăn chỉ có thế. Khiến Katsura ngẩn người.

-"Ngài không thích đậu hủ à?"

Murata Zoroku nói, tự mình thì cầm ngay đũa lên, bắt đầu ăn. Cứ đều tay chấm đậu hủ vào nước tương mà đưa lên miệng nhai. Về sau này, khi phiên sĩ Choshu là Yamada Akiyoshi (Bá tước, Lục quân Trung tướng, 1844-1892) lập chiến công trong trận Hakodate, Murata Zoroku đã mời đến khoản đãi thưởng công, cũng cho ăn đậu hủ. Yamada tức tối, không đụng đến đũa.

Katsura không làm sao hơn, đành ăn. Vừa ăn vừa nhìn khuôn mặt dị tướng của Murata Zoroku, càng thấy đậu hủ khó nuốt.

Zoroku nói: -"Đậu hủ có nhiều chất dinh dưỡng. Giống như phó mát của Tây phương. Đủ để nuôi sống người ta".

Katsura nói sang chuyện chính. Zoroku đáp:

-"Phiên trấn Choshu muốn mời tôi ra làm việc à? Tôi có hộ tịch võ sĩ ở phiên trấn Uwajima và lãnh bổng lộc của Mạc Phủ nữa. Đấy mới là Murata Zoroku!"

-"Nghĩa là thế nào ạ?"

-"Đối với Mạc Phủ và phiên trấn Uwajima thì tôi là Murata Zoroku. Còn đối với phiên trấn Choshu, tôi chỉ là Munetaro (tên thuở bé) ở làng Susenji trong lãnh địa mà thôi. Tên Munetaro ở làng Susenji ấy có lập thuyết, có lý luận bao nhiêu đi nữa, cũng đâu có được nghe cho. Vì thế, tôi từ chối!".

-"Nhưng mà......"

-"Khoan đã! Người quân tử thì phải lãnh chịu trách nhiệm về lời nói của mình chứ. Bằng chứng là ý kiến của y sĩ cho nông dân là Murata Ryoan thì chính ngài Katsura đã không thèm biết đến kia mà!".

Katsura cúi mặt xuống, thầm nghĩ: Anh ta nhớ lại chuyện trước rồi. Miếng đậu hủ trong miệng lại càng khó nuốt!

Zoroku thẳng thừng: -"Tôi không ra làm quan cho phiên trấn Choshu đâu!"

Ngày hôm sau, Katsura lại đến. Zoroku lãnh đạm bảo rằng chuyện hôm qua có nói thêm cũng mất thì giờ vô ích mà thôi. Nhưng Katsura vẫn lễ độ mà thuyết phục:

-"Vậy thì xin đề nghị như thế này: Ngài không ra làm quan, nhưng phiên trấn Choshu nhờ ngài phiên dịch binh thư, thì sao nào?"

Katsura đã tính toán rất khéo léo. Thật ra, chuyện Zoroku ra làm quan thì Sufu Masanosuke đã nói rồi, không thể có cách nào đưa một người thứ dân cùng đinh như thế ra làm quan cho phiên trấn Choshu được. Cùng lắm thì cho làm cỡ cảnh sát, tùy phái, hay bộ tốt mà thôi. Thế nhưng chẳng lẽ lại mời giáo thụ Sở Giảng võ của Mạc Phủ là Murata Zoroku ra làm bộ tốt! Do đó, nhờ phiên dịch binh thư là đích nhắm trong bụng Katsura ngay từ đầu rồi.

-"À, phiên dịch thì được!".

Zoroku đã nhận lời thật dễ dàng. Bởi cũng đang dịch sách cho các phiên trấn Uwajima và Kaga nữa mà.

-"Các phiên trấn cải tiến binh chế theo sách dịch của tôi thì còn gì bằng".

Zoroku cố ý nói "các phiên trấn" có vẻ để tỏ ý không xem Choshu là "phiên trấn nhà" đặc biệt gì cả.

Sau này, Murata Zoroku đã dịch cho phiên trấn Choshu ba tập sách. Về năng lực ngoại ngữ của người đã học tập ở trường của thầy Ogata Ko-an này, trọng thần của Mạc Phủ là Otori Keisuke đã bình rằng:

-"Công việc phiên dịch binh thư ở Sở Giảng võ của Mạc Phủ đã hoàn toàn thay đổi từ ngày ông ấy đến làm việc. Đến nỗi hễ có câu nào khó hiểu trong nguyên tác thì các giáo thụ khác lại bảo sang hỏi thầy Murata Zoroku".

Trong phiên trấn Choshu có y sĩ Lan học Aoki Shuhitsu (1803-1863?là đệ tử trực tiếp của y sĩ Hà Lan Siebold. Ngay cả Aoki này đọc bản dịch của Murata Zoroku cũng phải cảm thán:

-"Thưa ngài Katsura, phải là quỷ thần mới dịch ra được như thế!"

Chính Katsura cũng kinh ngạc. Bởi bản dịch của Murata Zoroku không chỉ giải thích được binh chế Hà Lan, mà còn được chỉnh đốn sao cho dùng được ngay vào hiện tình của các phiên trấn ở Nhật Bản, đáng được xem là bản đề án cải tạo binh chế hơn là bản dịch. Chẳng hạn, đọc bản dịch của Zoroku "Quy tắc huấn luyện binh sĩ bắn súng của Hải quân", thì thấy nói đến "bộ tốt" như sau:

"Bộ tốt, bồi thần, nông dân, thị dân, tất thảy đều là binh lính chủ lực được cả. Trông cậy vào võ khí, sẽ quyết định thắng bại trên chiến trường, ở đồng bằng hay cao nguyên".

Nghĩa là, dùng cả thứ dân làm quân chủ lực. Dựa trên điều khoản này mà về sau Takasugi Shinsaku đã khai sáng ra loại bộ đội đặc biệt (gồm toàn thứ dân chứ không phải võ sĩ).

Lại nữa, phần giải thích về "sĩ quan" trong quân đội Tây phương thì phá vỡ quan niệm truyền thống Nhật Bản trong các phiên trấn về thân phận và giai cấp võ sĩ, gia thần, võ sĩ cao cấp,...... Bản dịch của Zoroku ghi:

"Sĩ quan: cần phân biệt với giai cấp võ sĩ theo truyền thống. Sĩ quan ở đây chỉ khác với binh lính ở điểm có có chức vụ và lương bổng cao hơn mà thôi. Trong binh chế Tây phương, sĩ quan chỉ huy binh lính nên cần có học vấn đủ để áp dụng phương sách mưu lược mà chỉ đạo".

Zoroku nhấn mạnh ở điểm "chỉ đạo".

"Có nhiều người đồng hoá khả năng dùng đao kiếm thương kích với tư cách của bậc , đó là điều sai lầm. Dùng đao kiếm thương kích súng ống là việc của binh lính".

Đọc đến đó, Katsura kinh ngạc đến ngưng thở. Là võ sĩ cao cấp trong phiên trấn, Katsura nhận ra rằng đây không chỉ là sách binh pháp, mà còn có tính chất cách mệnh nữa. Nếu áp dụng binh chế mới theo đúng trong sách này thì sẽ phải phủ nhận cả giai cấp võ sĩ đồng thời làm băng hoại cả thể chế phiên trấn nữa.

Đến tháng hai Man-en nguyên niên (1860), phiên trấn Choshu mua vào một ngàn khẩu súng trường Goebel từ cảng Nagasaki, bắt tay vào việc cải cách binh chế. Trong đám gia thần của Lãnh Chúa cũng có vài người đã biết sơ qua binh thuật Tây phương, như y sĩ Lan học Aoki Shuhitsu, Tahara Genshu, Tojo Eian,...... nhưng không ai có khả năng về binh bị cả. Aoki Shuhitsu mới đề nghị với Katsura:

-"Phải gọi Murata Zoroku mới được. Thế nào cũng phải lấy lại ông ấy từ Mạc Phủ và phiên trấn Uwajima".

Katsura đem việc ấy bàn với Sufu Masanosuke. Sufu sửng sốt:

-"Nhưng anh ta là thứ dân cùng đinh mà!".

Sufu Masanosuke phải thỉnh ý Lãnh Chúa là Mori Takachika. Kết quả cũng chẳng khá hơn. Nếu thình lình mà thu dụng thứ dân cùng đinh làm phiên sĩ thì đám gia thần sẽ bất mãn dao động mất. Cuối cùng, Sufu Masanosuke đành phải quên đi chuyện thu dụng Murata Zoroku làm phiên sĩ, chỉ thuận cho bổng lộc mỗi năm 25 bao gạo, rồi từ từ tăng thêm mà thôi. Và lấy danh nghĩa là môn nhân coi như con nuôi của Aoki Shuhitsu. Aoki Shuhitsu là phiên sĩ cao cấp của phiên trấn Choshu, con nuôi của Aoki Shuhitsu thì cũng được liệt vào cấp võ sĩ.

-"Kogoro này, Zoroku có chịu điều kiện như thế không nhỉ?"

Sufu Masanosuke hỏi, nhưng nghĩ hẳn là Zoroku không chịu rồi. Có người nào ngu độn đến mức bỏ chức giáo thụ của Mạc Phủ, bỏ thân phận võ sĩ ở phiên trấn Uwajima, chịu giảm bổng lộc còn có một phần ba, mà thân phận lại rơi xuống ngang với cấp bộ tốt, nhận chịu điều kiện như thế mà làm việc cho phiên trấn Choshu? Katsura phì cười khi nghe chuyện như thế. Sufu Masanosuke cũng cười khổ sở mà nói:

-"Sau này sẽ kiếm cách bù trừ mà".

-"Nhưng Zoroku biết có bằng lòng như thế không?"

-"Bằng lòng chứ!"

Sufu Masanosuke chịu khó công tác ngay ở quê nhà của Zoroku. Quan Chưởng quản việc Địa phương ở làng Susenji cho gọi ông cụ Takamatsu đến, khéo léo chiêu dụ ông ráng thuyết phục con ông là Murata Zoroku trở về làm việc cho phiên trấn nhà.

-"Không muốn dùng đến quyền lực ép buộc, nhưng phiên trấn nhà không thể để cho Mạc Phủ hay phiên trấn nào khác sử dụng người của xứ này được".

Kế sách ấy của Sufu Masanosuke vậy mà đã thành công! Khi phiên trấn Choshu tổ chức hội thảo về Thực nghiệm Hoá học trong dinh cơ của phiên trấn ở Azabu, Edo, Murata Zoroku đã đến dự, giao du thân mật với các học giả Dương học của Choshu như Tojo Eian, Tezuka Ritsuzo,... và với Aoki Shuhitsu là người đã quen biết từ trước. Trong lần đó, đám học giả đã bàn nhảy sang lý thuyết đạn đạo. Mọi người đặt câu hỏi với Murata Zoroku. Zoroku giải thích căn cứ của lý thuyết đạn đạo bằng những phương trình toán học phức tạp, khiến cho cử toạ tròn mắt thán phục. Zoroku nói:

-"Có gì đâu! Những lý luận tột cùng như thế này thì có thời gian là giải ra được thôi. Nhưng đâu có phải cứ áp dụng thật đúng phương trình toán học là bắn đạn được! Những người đầu óc thông thái quá mà động đến pháo thuật thì cứ mê man theo sự hấp dẫn của phương trình toán học, cuối cùng lại chẳng bắn ra được một phát đạn nào".

Katsura thán phục. Zoroku chẳng phải chỉ là học giả giỏi lý thuyết suông mà thôi.

Trên đường về, Katsura sánh vai cùng Zoroku. Chợt Zoroku hỏi, có phần bí ẩn:

-"Phiên trấn Choshu cần đến tôi à?"

-"Cần lắm"

-"Cần đến mức nào, xin nói rõ cho".

Zoroku cho biết đã được cha mình khuyên nên trở về phục vụ cho phiên trấn nhà, và chính mình cũng có ý như thế, nên muốn biết mức độ ước muốn của phiên trấn Choshu cụ thể bằng số lượng. Số lượng của Murata Zoroku hẳn là số lương bổng, cấp bậc của võ sĩ rồi. Đúng là lối nói chính xác số lượng, không dư thừa chữ của anh ta.

Katsura đành phải thành thật cho biết: -"Mức độ 25 bao gạo mỗi năm".

Katsura nhìn Zoroku, nơm nớp lo có lẽ Zoroku nổi giận, có lẽ Zoroku từ khước,...

Nhưng Zoroku lại bình thản đáp: -"Xin nhận lời".

Katsura thật không ngờ! Trong bộ quần áo vải thô, áo choàng ngắn, bước chân có hơi vòng kiềng, Murata Zoroku nhìn thẳng vào mắt Katsura, nghiêm trang nói:

-"Giống như lý thuyết đạn đạo ấy. Thế giới người ta cũng không giống hệt phương trình toán học được"

Katsura bất giác nhìn lảng đi. Hẳn là Zoroku đã biết được phiên trấn Choshu công tác như thế nào rồi.

Vấn đề đưa Murata Zoroku trở về Choshu chưa xong được ở đấy. Bởi còn phải nói sao với Mạc Phủ và phiên trấn Uwajima đã thuê Zoroku nữa. Rất may là Lãnh Chúa Date Munenari của phiên trấn Uwajima lại là thâm giao của Thế tử Motonori của phiên trấn Choshu nên đã dàn xếp được ổn thoả. Phía Uwajima còn nói có vẻ mỉa mai:

-"Trước nay vẫn lấy làm lạ sao người tài ngay trong xứ như Murata Zoroku mà phiên trấn Choshu lại bỏ quên như thế được!"

Có điều Uwajima không chịu để Choshu độc chiếm Murata Zoroku, nên lấy lý do thỉnh thoảng Uwajima cũng muốn nhờ phiên dịch, để đặt điều kiện: muốn cấp bổng lộc hàng năm cho Zoroku, nếu Choshu không chịu như thế thì không đồng ý cho Murata Zoroku trở về Choshu. Phiên trấn Choshu đành phải chấp nhận.

Và chính Murata Zoroku cũng đặt điều kiện với Sufu Masanosuke và Katsura Kogoro, rằng sẽ tiếp tục mở trường riêng để dạy cho sĩ phu từ các phiên trấn khác nữa, có gì ngăn trở không? Hai vị quan lớn của Choshu đành phải đáp: -"Không sao!".

Về phía Mạc Phủ thì cũng suôn sẻ không ngờ. Tuy Murata Zoroku đang kiêm nhiệm ba chức giáo thụ của Mạc Phủ, ở Sở Điều nghiên sách sử, Sở Giảng võ và Sở Huấn luyện Quân hạm, nhưng thực tế, thân phận chẳng phải là gia thần của Mạc Phủ, nên chuyện hộ tịch không thành vấn đề.

Thế là Zoroku đóng cửa trường Kyukyodo, dời sang dinh cơ phiên trấn Choshu ở Azabu, mở trường mới ở đấy. Môn sinh theo học đến từ 54 phiên trấn khác nhau. Tuy nhiên, công việc của anh ta ở phiên trấn Choshu chỉ là nhân viên phiên dịch và giáo sư ngữ học mà thôi. Phiên trấn Choshu chỉ dùng chút tài năng ấy của anh ta thôi.

Thỉnh thoảng, Sufu Masanosuke lại nhớ đến mà hỏi Katsura:

-"Đạt Ma phun lửa ấy ra sao rồi?"

Người ta bảo hỗn danh ấy đã do Takasugi Shinsaku đặt, có người lại cho là chính Sufu Masanosuke đặt ra. Bởi mặt mày Murata Zoroku trông giống như mặt ông Đạt Ma sư tổ đang phun lửa phun trúc gì đấy.

Katsura đáp: -"Chả biết".

Một khi Murata Zoroku đã về làm việc cho phiên trấn Choshu rồi thì Katsura vì công việc khác hẳn, mà chỗ ở cũng khác, Katsura ở ngay trong bản doanh Edo của phiên trấn ở Chofu, khu Sakurada, còn Zoroku ở dinh cơ phụ của phiên trấn ở Azabu, cách trở địa lý ấy cũng khiến Katsura quên khuấy đi mất Zoroku. Katsura chỉ nghe đồn là dạo này Zoroku thường đến khu Kanagawa để học Anh ngữ. Nghe đâu thầy dạy là nhà truyền đạo người Mỹ J.C. Hepburn ngụ tại Kanagawa.

Sufu Masanosuke lắc đầu: -"Người khác đời thật! Ngôn ngữ ngoại quốc lại hấp dẫn anh ta đến thế kia à!"

Ngay sau đó, Mạc Phủ quyết tâm xây dựng Lục Hải quân theo kiểu Tây phương nên đã triệu thỉnh học giả Binh học Tây phương của phiên trấn Choshu là Tojo Eian, cho làm bộ tướng của Mạc Phủ. Tojo Eian cũng giống như Murata Zoroku, vì không phải xuất thân là võ sĩ nên cũng đã bị phiên trấn Choshu đối xử lạnh nhạt, chỉ cho làm việc phiên dịch mà thôi.

Bị Mạc Phủ đoạt mất Tojo Eian, phiên trấn Choshu mới cuống cuồng lên. Giá mà đã cho Tojo Eian làm phiên sĩ thì Mạc Phủ đã chẳng cướp đoạt được dễ dàng như thế. Katsura nói với Sufu Masanosuke:

-"Chúng ta bảo là Mạc Phủ làm việc bất nhất, thế nhưng khi cần người, thì ngay cả thứ dân cùng đinh, Mạc Phủ cũng cho làm võ sĩ cận thần của Chúa đấy. Hoá ra, các phiên trấn chư hầu lại cố chấp vào chế độ giai cấp võ sĩ hơn là Mạc Phủ! Murata Zoroku còn tài giỏi hơn Tojo Eian nữa, chắc chắn Mạc Phủ sẽ không bỏ qua được đâu"

-"Ta hiểu rồi".

Lúc đó, Murata Zoroku đang theo lệnh của phiên trấn lên đường trở về thành Hagi trong phiên trấn Choshu để xây dựng trường học theo Tây Dương đặt trọng tâm vào khoa quân sự. Sufu Masanosuke bàn với các quan đầu não của phiên trấn, lập tức thăng Murata Zoroku lên thành phiên sĩ cao cấp thuộc tổ Tiên phong, ban khen là "Nhiều năm học tập xuất sắc Lan học", và thưởng cho mười lạng bạc chẳng hiểu dựa trên căn cứ gì. Chừng như chưa đủ an tâm, Sufu Masanosuke còn gửi thư cho bạn ở tại xứ là Aoki Kenzo?1815-1870, em của Aoki Shuhitsu?rằng: "Tôi nghe rằng Tojo Eian đã theo Mạc Phủ triệu thỉnh mà đi rồi, Hải quân ta hẳn là phải cần người lắm. Vậy có Murata Zoroku trở về xứ đấy, hãy cho phục vụ ngay đi", và dặn dò hãy đối xử ân cần để Murata Zoroku khỏi bất mãn chuyện gì ở quê nhà. Thế là phiên trấn Choshu đột nhiên mà đối xử tốt với Murata Zoroku.

Trường học binh thuật Tây Dương của phiên trấn xây dựng xong xuôi ở gần thành Hagi, được đặt tên là Hakushudo (Bác tập đường), thực chất là trường đào tạo sĩ quan cho phiên trấn Choshu. Trường có các học khoa Binh pháp, Hải quân, Pháo thuật. Murata Zoroku dạy ở cả ba khoa ấy. Sách học thì bỏ chuyện học sách nguyên tác ngoại ngữ, mà dùng bản dịch cả. Zoroku nói:

-"Học tập bằng sách ngoại ngữ thì mất mười năm. Học xong mười năm sách ngoại ngữ ấy, bọn sĩ quan tóc bạc trắng mất"

Điểm phi thường ở Zoroku là mặc dù chính mình đã thu thập tri thức phần lớn chỉ từ sách vở, nhưng dạy cho học trò thu thập tất cả bằng thực nghiệm. Ví dụ trong học khoa Binh pháp có bảy môn học: công binh chiến trường, quy tắc đóng đồn, quy tắc hành quân, công tác tiên phong, thuật cận chiến, thuật chiến đấu, thuật chỉ huy; tất cả đều thực hành ở sân tập, do Zoroku hướng dẫn tập luyện thực địa.

Và Zoroku đào tạo nhanh chóng bằng cách khuyến khích sự năng nổ của học trò. Các môn học phổ thông như lịch sử, địa lý, phân tích, toán học, thiên văn thì Zoroku bảo: -"Nếu có sức thì học thêm".

Đám phiên sĩ cao cấp ở gần thành Hagi đối với giáo quan binh pháp Murata Zoroku thì lãnh đạm và khinh thị xuất thân thấp hèn của anh ta. Có lần, một kẻ trong bọn thấy Zoroku mặc quần áo thường, đã hỏi:

-"Murata tiên sinh, đã là phiên sĩ cao cấp, sao lại lúc nào cũng mặc áo cộc như hạng người thô tạp thế kia?"

Zoroku thản nhiên đáp: -"Bởi tôi không cưỡi ngựa được".

Ra cái điều không cưỡi ngựa nên không cần phải mặc áo khoác dài của võ sĩ, nghe cũng có lý do rõ ràng. Tuy võ sĩ mà không cưỡi ngựa được thì người ta cho là điều sỉ nhục. Vậy mà Zoroku vẫn thản nhiên như không.

Có người đã hỏi Zoroku: -"Tiên sinh dùng kiếm theo môn phái nào?"

Zoroku đáp thẳng: -"Tôi không học kiếm thuật".

Người ta đồn là Zoroku không biết cả cách rút kiếm nữa kia. Có kẻ cắc cớ đã tán chuyện giám định đao kiếm, rồi bảo Zoroku rút kiếm cho xem. Thông thường, phải bật đốc kiếm trước mới rút kiếm ra dễ dàng được. Nhưng Zoroku chỉ bậm môi lôi kiếm ra, loay hoay một hồi mới kéo ra được, đứng thở một hơi dài. Cả đám gia thần võ sĩ được dịp cười chế nhạo: -"Thật là một võ sĩ đáng nể!".

Đối với sự chế nhạo ấy, Zoroku đã đáp lại trong buổi dạy ở Hakushudo:

-"Cấp sĩ trong binh học của ta không phải là những kẻ lãnh bổng lộc cao trong các phiên trấn. Võ khí của cấp sĩ không phải là đao kiếm cung thương, mà là binh lính trong đội. Tài năng của cấp sĩ không phải ở lưu phái kiếm thuật mà là năng lực chỉ huy binh lính. Với những kẻ cứ khoe mình là võ sĩ võ sĩ, thì không thể giao sự an nguy của xứ sở vào tay họ được".

Sau đó, Zoroku trở lại Edo trú đóng, trở lại sinh hoạt dịch thuật và giảng dạy binh thư trong một góc của dinh cơ phiên trấn ở Azabu.

Nhưng rồi thời thế biến chuyển ngay. Tháng 5 năm Bunkyu thứ 3 (1863), phiên trấn Choshu đơn độc thực hành việc đánh đuổi bọn man di Tây phương, đã pháo kích tàu thuyền ngoại quốc ở eo biển Bakan; ngày 18 tháng 8, biến động chính trị ở Kyoto (30 tháng 9, 1863, Hoàng thân Nakagawa cùng các phiên trấn Satsuma, Aizu phe chủ trương triều đình và Mạc Phủ hợp tác, đánh đuổi quân phiên trấn Choshu phe Cần Vương Nhương Di ra khỏi kinh đô) khiến cho thế lực Choshu bị triều đình gạt ra ngoài; qua năm sau, Genji nguyên niên (1864), biến cố Ikedaya (Shinsengumi chém giết lãng sĩ Cần Vương) xảy ra vào tháng 6; đến tháng 7 lại có biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành (quân phiên trấn Choshu gây rối); tháng 8, Mạc Phủ tuyên cáo sẽ chinh phạt phiên trấn Choshu; rồi quân Choshu bắn nhau với hạm đội của liên quân Anh Mỹ Pháp Hà Lan ở eo biển Bakan, và thảm bại tan tác. Trong khoảng thời gian đó, Sufu Masanosuke cảm khái vì thời thế mà mổ bụng tự sát, Katsura thì lâm vào biến cố ở cửa Hamaguri, phải trốn chạy khỏi kinh đô Kyoto, không biết trốn đi đâu.

Zoroku trở về xứ. Năm đó, vừa 40 tuổi. Chức vụ chỉ là nhân viên điều nghiên về súng đạn. Zoroku đi một vòng xem xét các pháo đài ven bờ biển đã bị bắn phá tan tành trong trận đại bại trước hạm đội liên quân ngoại quốc. Zoroku ngậm ngùi: "Một trận mưa qua, sấm sét im tiếng. Một trận đánh vô mưu thậm tệ. Nếu là mình chỉ huy toàn quân thì hẳn đã không đến nỗi đại bại như thế". Nhưng Zoroku đành im lặng.

Chỉ đến khi nghe tin đồn ầm lên rằng Mạc Phủ sắp sửa động binh chinh phạt Choshu lần thứ hai, phiên trấn Choshu mới bắt đầu thật sự dùng đến Murata Zoroku.

Khoảng ấy, Katsura lẩn trốn ở Tajima vừa mới trốn về được đến Choshu. Suốt trong đời Katsura, đây là thời kỳ hoạt động vang dội hiển hách nhất: đúc kết các ý kiến, khuynh hướng trong phiên trấn Choshu; mua vào bốn ngàn khẩu súng kiểu tối tân Minié; qua trung gian của Sakamoto Ryoma (1836-1867) và Nakaoka Shintaro (1838-1867) của phiên trấn Tosa mà bí mật liên kết công thủ với đồng minh là phiên trấn Satsuma, củng cố lực lượng chống Mạc Phủ. Về xứ không bao lâu, ngay tại sảnh đường của phiên trấn, Katsura đã tức giận hỏi: -"Tại sao lại không trọng dụng Murata Zoroku?".

Trong khoảng Choshu đại bại, Murata Zoroku mới được sung vào tổ Kỵ mã Cận vệ, lãnh lương 100 hộc, cuối cùng đã thực thụ trở thành võ sĩ cả danh lẫn thực. Năm thứ 6 sau ngày trở lại phiên trấn nhà trong Man-en nguyên niên (1860), Murata Zoroku mới lên được cùng mức đẳng cấp với thời anh ta làm việc cho phiên trấn Uwajima.

Ngay sau đó, do Katsura đề cử, Zoroku trở thành một trọng thần lo về quân đội. Tháng 12 cùng năm, theo lệnh của phiên trấn, đã đổi tên thành Omura Masujiro. Có lẽ phiên trấn Choshu đã đoạn giao với Mạc Phủ rồi, cái tên Murata Zoroku đã có trong sổ bộ của Mạc Phủ thì bây giờ không còn thích hợp nữa. Năm ấy, Omura Masujiro 42 tuổi. Chiến lược gia Omura Masujiro danh tiếng trong lịch sử Nhật Bản đúng là đã xuất hiện như một ngôi sao chổi sáng chói trong năm đó.

Tháng 7 năm Keio thứ hai (1866), Mạc Phủ hạ lệnh cho 36 phiên trấn chư hầu tiến đánh hai phiên trấn Choshu và Boshu ở các cửa Geishu, Sekishu, Kogura, Oshima. Đối kháng lại, phiên trấn Choshu đặt toàn quân Choshu và Boshu vào tư thế kháng chiến, với Tổng đốc Hải quân là Takasugi Shinsaku, và Lục quân tuy không chính thức phong Tổng đốc, nhưng Murata Zoroku nay có tên là Omura Masujiro đảm trách toàn bộ kế hoạch tác chiến, và chính Omura tự đặt mình làm Tham mưu đội quân giữ cửa Sekishu, có mặt trên chiến trường.

Hầu hết các phiên sĩ Choshu đều lo lắng: "Dùng Đạt Ma phun lửa liệu có chống nổi Mạc Phủ không?". Đêm trước khi Omura Masujiro dẫn đại quân tiến ra cửa Sekishu vùng San-in, ngay cả Katsura cũng đâm lo:

-"Này anh Omura, hay là anh ở trong doanh trại sắp đặt kế hoạch tác chiến, còn thực chiến thì giao cho các tướng?".

Omura đáp: -"Tôi sẽ ra trận. Chỉ khổ là trời hơi nóng thôi.". Cũng chẳng cười.

Lúc đó là tháng 6 theo lịch cũ. Sáng sớm hôm đó, bộ đội chống giữ cửa Sekishu đã lên đường từ trước sảnh đường phiên trấn ở Yamaguchi. Binh lính võ trang theo kiểu Tây phương, sĩ quan cưỡi ngựa. Katsura nhìn đưa theo. Nhưng chẳng thấy quan Tổng Tư lệnh Omura trên lưng ngựa nào cả. Katsura mở tròn mắt nhìn đoàn quân bắt đầu lên đường. Hồi lâu sau mới thấy Omura. Một anh chàng mặc kimono. Mà chỉ là loại kimono mỏng mặc đi tắm, quần cộc kiểu Iga, chân mang dép rơm, đầu đội nón cói nông dân sụp che cả mặt, tay cầm quạt phe phẩy, bước chân nhàn tản.

Nghe đâu Lãnh Chúa Mori Takachika (1836-1869) đã lo lắng hỏi:

-"Katsura này, Omura như thế liệu có sao không?"

Katsura cũng lo. Omura cũng chẳng đeo kiếm theo nữa. Anh ta bảo lúc hành quân đeo kiếm thêm vướng vít nên cho quân hầu gánh theo. Katsura phải tìm lời trấn an Lãnh Chúa:

-"Thưa, Gia Cát Khổng Minh cũng không mặc giáp trụ, chỉ cầm quạt mà chỉ huy ba quân đấy thôi. Omura như thế cũng được".

Trong bụng Katsura vái thầm cho Omura cũng giống được như Gia Cát Khổng Minh. Chứ nếu không, quân Choshu chẳng còn chiến lược gia nào khác ngoài Omura, sẽ không tránh nổi cảnh hoại diệt trước binh lực của 36 phiên trấn phe Mạc Phủ.

Sắp vào đến đất địch thì Omura tiến ra trước hàng quân, chung quanh luôn luôn có đám học trò chính mình đào tạo. Lúc lâm chiến thì không ngừng sai phái đám học trò ấy đến các đội quân, truyền lệnh và chỉ đạo chiến đấu. Trận địa phía Omura bị con sông ngăn chận, không có cầu. Địch từ bờ bên kia bắn sang. Omura phe phẩy quạt cầm tay, đến hỏi đại đội trưởng:

-"Còn chờ gì nữa?"

-"Thưa, đang đợi gọi công binh đến bắc cầu".

-"Thế à?"

Omura cho tập trung binh sĩ đến bờ sông. Rồi hô lớn: -"Toàn đội! Nhảy xuống!"

Binh sĩ giật mình theo nhau nhảy xuống sông, ai ai cũng rủa thầm: có thứ quan chỉ huy ẩu tả thế này kia à!

Nhưng trận đột kích ấy đã thắng lợi. Mà khi đoàn quân ấy từ chiến trường trở lại thì đã thấy có cây cầu bắc qua sông rồi. Các sĩ quan chỉ huy đại đội tức tối chì chiết:

-"Lang băm cho thuốc là thế này đây".

Omura vừa gãi chỗ muỗi cắn đầu gối, vừa đáp:

-"Đối đầu với địch ở bên kia sông thì thế nào binh sĩ cũng nhát sợ. Nếu không có cách làm cho binh sĩ phấn khích thì không đột kích địch được. Thế nhưng, trên đường về thì binh sĩ đã hết phấn khích rồi, không muốn nhảy xuống sông lội qua một lần nữa. Vì vậy mà ta đã cho làm cầu sẵn".

Ngày trước khi ra trận, thế nào Omura cũng mang theo bảng đá, một mình ra đi. Trinh sát địa hình trận địa đấy. Mặc áo kimono dùng đi tắm, lưng chẳng đeo theo thứ gì, nên quân địch có thấy cũng đâu ngờ đó là quan Tham mưu của Choshu. Lúc trở về, Omura triệu tập các sĩ quan chỉ huy, vẽ địa đồ trên bảng đá mà dặn:

-"Ngày mai, ta làm như thế này...... Địch chắc sẽ đánh như thế này......"

Thực tế, dự tính của Omura đã trúng trăm phần trăm, chẳng sai lần nào cả.

Trận đánh ở sông Yokota cũng vậy, khoảng chiều tối, Omura cầm quạt ra đi một mình. Đến sông thì thấy không có cầu. Bèn đến một nhà nông gần đấy, nhờ đưa thuyền ra, nhưng bị từ chối. Omura dụ trả mười lạng bạc. Người nông dân ngạc nhiên, nhưng cũng chịu đưa Omura bằng thuyền đi thám thính tận bên kia sông rồi đưa về.

Ở núi O-asayama của phiên trấn Sekishu, đội quân rất đông của Mạc Phủ dựng đồn lũy chờ quân Choshu đến. Omura lại cũng mang theo bảng đá ra đi vào hôm trước trận đánh, đến tối thì ngồi uống rượu. Một tướng trẻ đề nghị: -"Ta đánh đêm nay đi!", nhưng Omura bảo đêm tối là lúc đi ngủ, rồi đi ngủ mất. Thế nhưng trời chưa sáng đã thức dậy, đến doanh trại của đội pháo binh, bảo kéo đại bác theo mình đi đường phụ lên ngọn đồi đối diện với thung lũng núi O-asayama. Trên ngọn đồi này có nhà hào lý lớn tên là Miura. Hào lý trên đất địch đấy, vậy mà Omura đã thương lượng trước được để kéo đại bác vào trong sân mà bố trí. Đồng thời, cho học trò của mình chạy về truyền lệnh cho các đội bộ binh kéo đến núi O-asayama. Quân bộ vừa đến nơi, Omura cho nã đại bác từ sân nhà Miura vượt qua thung lũng, kích phá các cứ điểm trên núi. Đúng lúc binh lính Mạc Phủ trên núi sắp sửa ăn sáng, tổ Vật dụng Lương thực đang nấu cơm, nồi cơm lớn lãnh ngay một viên đạn đại bác. Tổ Vật dụng Lương thực la hét náo động, khiến quân Mạc Phủ vừa thức giấc đã hoảng hồn ném cả súng ống chạy trốn.

Lúc toàn quân Choshu tập trung trên đỉnh núi, người sĩ quan chủ trương đánh ngay đêm qua đến gần Omura đề nghị đuổi giết địch ngay. Omura ung dung đáp:

-"Đuổi giết làm gì, địch thì chỉ cần đánh cho chạy là đủ. Chẳng cần phải giết".

Đêm đó, quân Choshu hành quân ban đêm trong rừng tiến về Hamada. Omura cho treo đuốc trên các cành cây để binh sĩ theo sau khỏi lạc đường. Hiển nhiên là anh ta có trí tuệ thực tiễn như một hạ sĩ quan có kinh nghiệm thực chiến đầy mình.

Sáng sớm hôm sau, ra đến đường phố, Omura cho binh sĩ khiêng thang theo, thỉnh thoảng lại bảo: -"Bắc thang vào nhà này", rồi leo thang lên mái nhà quan sát tứ phương. Trinh sát xem có phục kích ở đâu đấy không, nhưng trông Omura cứ như là một người nhàn tản lên mái nhà hứng gió mát buổi chiều!

Về sau này, có sĩ quan thuật lại về thời kỳ ấy như sau:

"Cho đến lúc ấy thì tiên sinh thường chỉ im lặng, không nói gì, khiến cho mọi người chế giễu là người kỳ quái, chẳng có gì hào hứng cả. Thế nhưng trong cuộc hành quân ấy, càng lúc càng thấy tất cả các chiến thuật mưu kế của tiên sinh đều ứng nghiệm thành công, nên dần dần ai ai cũng đâm ra kính nể tiên sinh vô cùng. Thật là người kỳ dị! Nhiều chuyện ly kỳ được truyền tai nhau lúc ấy. Chẳng hạn, ở những chỗ ai cũng cho là chẳng đáng kể, tiên sinh lại phái binh ra đấy. Vậy mà quân Mạc Phủ thua trận ở đâu đó lại chạy qua đấy. Có vẻ tiên sinh đã dự đoán được địch tình như nắm trong lòng bàn tay. Tiên sinh đã kết hợp được binh thư Hà Lan với binh pháp Nhật Bản thành một thứ binh học riêng của chính mình rồi...... Tiên sinh là người ít nói, nhưng thấy có binh sĩ sợ hãi chuyện trúng đạn thì ôn tồn bảo: Người ta ra chiến trường cũng ít khi trúng đạn. Mà lỡ trúng đạn thì cũng chỉ chết anh dũng ở mặt trận là cùng chứ gì!". (Theo hồi ký của Ozawa Takeo, sau này là Nam tước).

Thời ấy, Omura Masujiro đã chỉ huy đội quân hướng đến Sekishu khởi từ Yamaguchi tiến qua Yokota, Ogihara, chiếm thành Masuda, chiếm trận địa dã chiến ở núi O-asayama, rồi tiến theo hướng San-in, bao vây bản doanh đội quân Mạc Phủ ở thành Hamada. Phiên trấn Hamada sáu vạn hộc của Lãnh Chúa Matsudaira Takeakira là thân tộc của Chúa Tokugawa. Tuy là phiên trấn nhỏ nhưng thành lũy nổi tiếng vững chắc. Trong quân Choshu, có người bàn:

-"Nếu công thành Hamada thì phiên trấn Izumo bên cạnh của nhà Matsudaira sẽ cử viện binh đến giúp địch. Chắc chắn là trận này khó khăn lắm đây"

Omura nói: -"Dù là phiên trấn thân cận đi nữa, cũng không hẳn như thế đâu. Ngày xưa, đám lãng sĩ Ako [10] tấn công vào nhà Kira, một lãng sĩ đã lo ngại rằng nhà Uesugi là bà con của nhà Kira, hẳn sẽ kéo nhiều người đến cứu, nhưng thủ lãnh Ako là Oishi Kuranosuke đã trấn an đồng đội rằng sẽ không có chuyện đó xảy ra. Chuyện này cũng thế, cho dù Hamada thành bãi chiến trường đi nữa, các phiên trấn lân cận như Izumo cũng chẳng nhắm mắt mà cử binh sang cứu đâu. Bởi tình hình không cho phép họ làm như thế"

Quả đúng như lời Omura, ngày 18 tháng 7, chủ thành Hamada đã phải đốt thành mà chạy trốn bằng đường biển. Sau đó, như trong chớp mắt, toàn cõi Sekishu đã lọt vào tay quân Choshu. Omura trở về Yamaguchi chỉ đạo tác chiến cho các mặt trận khác. Đến ngày 1 tháng 8, với thất bại đến mất thành Kogura, quân Mạc Phủ đại bại rút lui khỏi tất cả các mặt trận.

Mùa xuân năm sau, Keio thứ ba (1867), Omura lại trở thành giáo quan binh thuật, làm việc phiên dịch ở sảnh đường của phiên trấn ở Yamaguchi. Ít khi cười giễu người khác như Katsura mà lúc ấy cũng không khỏi lấy làm buồn cười, nói giễu:

-"Đạt Ma phun lửa lại làm mặt như đâu có biết chiến tranh là gì, ở đâu!"

Đến Tết năm Keio thứ tư (1868), quân Mạc Phủ bị liên quân Satsuma-Choshu đánh bại ở trận Toba-Fushimi. Tướng quân (Chúa Tokugawa) Yoshinobu bỏ chạy về Edo, vùng Kyoto-Osaka được đặt dưới quyền chính phủ mới. Omura lên Kyoto, lãnh một chức nhỏ trong chính phủ mới là phụ tá phán sự trong Cục Hành chính của quân đội. Bảo là Cục Hành chính của quân đội, chứ Cục trưởng vẫn là một Hoàng thân, các quan cao cấp vẫn là các công khanh trong triều đình, nên thực quyền nằm trong tay nhà binh học Omura. Quân sĩ phiên trấn Satsuma lần đầu thấy được người Quân sư nay nổi danh là Thiên hạ đệ nhất sau cuộc chiến Mạc Phủ chinh phạt Choshu, chứ trước đó hoàn toàn chẳng biết.

-"Đấy là Đạt Ma phun lửa đã đánh bại quân Mạc Phủ trong cuộc chiến chinh phạt Choshu đó sao?"

Vị Quân sư ấy vẫn cứ ghét Âu phục nên lúc nào cũng ăn mặc theo lối riêng: quần cộc vải đen, áo choàng ngắn, tay áo rộng, đội nón nông dân sụp xuống che cả mặt. Chẳng phải anh ta thích ăn mặc khác đời, mà chỉ là chủ nghĩa hợp lý: mặc vậy cho thoải mái.

Omura lập doanh trại ở Sở Chưởng quản Fushimi cũ (nơi trước đây Shinsengumi đã đóng đồn trong trận Toba-Fushimi) thu nạp "quan quân triều đình" do các phiên trấn phái đến. Và mặc dù chính mình ghét Âu phục, Omura không cho phép binh sĩ mặc áo quần Nhật Bản, bắt phải mặc quân phục quần tây, áo ống kiểu Tây phương.

Ngày 6 tháng tư, hơn một tháng sau trận Toba-Fushimi, có cuộc thao diễn ở bãi tập ngựa trong thành Osaka, để đón mừng Thiên hoàng Minh Trị (Meiji) vừa làm lễ Thành nhân xong, đến duyệt binh. Mục đích là để thị uy đối với Mạc Phủ và các phiên trấn chư hầu, cuộc thao diễn này có binh sĩ của các phiên trấn Satsuma, Choshu, Chikuzen và Hizen tham gia. Omura vẫn mặc áo quần thường ngày, chỉ huy mọi việc. Trong đám quan quân triều đình, ngoài Omura ra, chẳng có ai biết cách thao diễn duyệt binh theo kiểu Tây phương cả.

Thế nhưng, lúc binh sĩ các phiên trấn sắp hàng tề chỉnh, sắp mời Thiên hoàng lên khán đài danh dự thì công khanh Madenokoji Michifusa đặc trách quân sự của nhà vua quát bảo Omura:

-"Anh kia! Đối với Thiên tử đáng kính đáng sợ, mà anh lại định cho quân sĩ cứ đứng như thế mà thi lễ thì không được!".

Ông ta cho rằng quân sĩ đứng bồng súng, chào, kiểu như thế là bất kính đối với Thiên hoàng. Omura phải trình sách tiếng Hà Lan, sách tiếng Anh, để chứng minh rằng đấy là cung cách thi lễ tối cao của quân đội kiểu Tây phương, nhưng đám công khanh đồng bọn như Shijo Takauta, Washino-o Takatsumu tiến đến, phụ hoạ:

-"Thế thì không được, không được!"

Omura mặt mày bí xị.

Về sau, Funakoshi Mamoru (Yonosuke) kể lại rằng: Omura mặt mày bí xị như thế có lẽ là lần duy nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của ông ấy.

Cuối cùng, lá cờ gấm được sĩ quan kéo lên trong tiếng tù và ra trận của sư tăng, vị Thiên tử 17 tuổi mặc lễ phục lên khán đài an toạ. Toàn quân đặt súng ống xuống đất, quỳ xuống thi lễ. Omura nghĩ thầm: "Trông cứ như là đầu hàng vậy!".

Trước cuộc duyệt binh này ở thành Osaka, quan quân triều đình đã chia đi các lộ, tấn công trấn áp các phiên trấn phía đông, và hoàn tất cuộc chuyển giao thành Edo ngày 11 tháng 4. Phần lớn việc điều động quân sĩ và tác chiến đều do Omura ở bản doanh Kyoto chỉ đạo. Thế nhưng tuy đã vô sự mà thu được thành Edo rồi, trong vùng Kanto vẫn còn đội võ trang Shogitai (Chương nghĩa đội) ở Edo, cùng bại binh Mạc Phủ dưới quyền Otori Keisuke, Hải quân Mạc Phủ dưới quyền Enomoto Takeaki, và bọn quân sĩ giương cờ xí chẳng rõ là của phiên trấn nào trong đám các phiên trấn liên minh Ou. Cuộc chiến Boshin (Mậu Thân 1868) chỉ mới bắt đầu mà thôi.

Khó trị nhất là bọn Shogitai hai ngàn quân chủ lực đóng chốt ở Edo, lì lợm tấn công quan quân triều đình. Tham mưu thứ nhất trong Phủ Tổng đốc của quân triều đình đóng ở trong thành Edo là Saigo Kichinosuke [11] (Takamori) ra phương châm là "càng khoan dung càng tốt". Saigo đã hứa hẹn với Katsu Kaishu và Yamaoka Tesshu của phía quân Mạc Phủ trong việc chuyển giao hoà bình thành Edo tránh tàn phá và đổ máu, nên trên bề mặt muốn giữ đạo nghĩa mà nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi bạo nghịch của bọn Shogitai. Saigo ra nghiêm lệnh cho các đội quân triều đình, cấm ngặt không cho phản ứng mạnh, mặc cho bọn Shogitai có khiêu khích đến đâu đi nữa. Saigo bảo là đã nhờ Katsu Kaishu và Yamaoka Tesshu thuyết phục bọn Shogitai giải tán.

Nghe có vẻ đạo nghĩa thật, nhưng thực tế, Saigo không thể không giữ đạo nghĩa, bởi lực lượng hai bên không chênh lệch nhau bao nhiêu: quan quân triều đình tổng cộng có hơn ba ngàn, mà Shogitai cũng có cỡ hai ngàn người. Nếu đánh nhau ngoài bãi thoáng thì có thể thắng nổi với số quân chênh lệch ấy, nhưng bao vây công thành thì ba ngàn quân khó mà thành công được. Vả lại, ba ngàn quân ấy lại gồm quân ô hợp từ nhiều phiên trấn khác nhau. Saigo không sao tự tin được.

Sau khi Edo đã hết loạn lạc, Saigo đã gửi thư cho bạn đồng hương là Okubo Toshimichi[12] ở Kyoto như sau: "Tôi nghĩ rằng trong đội quân triều đình này, ít có phiên trấn nào thực lòng muốn đưa quân ra trận cả. Hiện trạng là chỉ có thể tin cậy vào quân sĩ phiên trấn Choshu của mình mà thôi."

Quân sĩ phiên trấn Tosa thì không có ở Edo.

Ban Tham mưu trong Phủ Tổng đốc ở thành Edo lại có hai phe Satsuma và Choshu, phe Satsuma chủ trương dùng chính trị để giải quyết trong khi phe Choshu lại muốn dùng võ lực. YÙ kiến của phe Satsuma thắng thế. Đám Tham mưu phe Choshu như Terashima Akisuke (học trò của Omura),... cũng không mấy tự tín là thắng được nên đành phải dè dặt. Cho dù có thắng được đi nữa, mà phải đốt phá tan tành phố xá Edo thì cũng không nên. Đốt phá Edo thì sẽ bị một triệu mấy mươi vạn dân căm hận. Chính phủ mới không có tự tín là có thể đánh mạnh bất chấp dân Edo căm hận như thế. Cả Công sứ Anh quốc lúc ấy được xem như đại diện cho ngoại giao đoàn của các nước ngoài cũng phản đối chuyện biến Edo thành bãi chiến trường. Phủ Tổng đốc của quan quân triều đình hầu như mỗi ngày nôn nao bàn luận, kiếm cách nào thảo phạt bọn Shogitai mà khỏi phải đốt phá Edo. Ngày qua ngày, vẫn không bàn ra được phương cách gì, chỉ có tiếng thở dài mà thôi. Họ không chỉ cần chiến thuật mà còn cần đến cả kỹ thuật nữa.

Khoảng ngày 20 tháng 4, Terashima Akisuke bàn với đám Tham mưu thuộc phe Satsuma:

-"Có thể Omura tiên sinh ở Kyoto nghĩ ra được diệu kế không chừng".

Kaieda Nobuyoshi (Takeji, Tử tước, tên cũ là Arimura Shunsai, 1832-1906) hỏi, mặt lộ vẻ mỉa mai:

-"Omura tức là nhân vật có hỗn danh là Đạt Ma phun lửa đấy phải không?"

Kaieda đã tham gia hoạt động Cần Vương sớm nhất trong phiên trấn Satsuma, cùng thời với Saigo Takamori và Okubo Toshimichi, nhưng bản tính hẹp hòi, lắm tật xấu, thỉnh thoảng lại gây ra ma sát vô ích với người của phiên trấn Choshu.

Terashima Akisuke đành phải đáp:

-"Đúng đấy".

-"Nghe nói xuất thân là y sĩ?"

Có vẻ Kaieda Nobuyoshi muốn nói: thầy thuốc làng cho nông dân đấy. Thật ra, Kaieda Nobuyoshi nguyên có tên là Shunsai, nghe tên cũng biết xuất thân chỉ là người hầu trà cho Lãnh Chúa Shimazu Nariakira, chẳng danh giá gì hơn. Kaieda Nobuyoshi không biết gì về chiến tranh quy mô lớn, mà chẳng phải chỉ mình Kaieda, hầu hết các quan Tham mưu của các đạo quân triều đình đều là chí sĩ Cần Vương được đề bạt lên, nên hầu như hoàn toàn chẳng có ai là kỹ thuật gia quân sự có thể hoạch định tác chiến cho quân đội quy mô lớn cả.

Bọn Shogitai bắt đầu lộng hành. Phiên sĩ Satsuma bị chém chết một người ở xóm Yanaka Misaki, một người ở Dozaka, một người ở Komagome Sendagi; phiên sĩ Chikuzen một người bị giết ở Sanbashi (Sanmaibashi); rồi đội vận chuyển đạn dược của phiên trấn Onshu bị phục kích, cướp đoạt mất quân trang vật liệu.

Tình hình như thế được cấp báo về Kyoto. Omura lúc bấy giờ ở trọ nhà Heibee tiệm Tanbaya là một nhà may áo cho sư sãi trước chùa Nishi Honganji, từ đó đi làm ở Cục Hành chính của quân đội trong Hoàng thành. Tiệm Tanbaya được chùa Nishi Honganji vốn có quan hệ mật thiết với phiên trấn Choshu, nhờ cho Omura trú ngụ, nhưng chẳng biết anh ta làm công việc gì. Lúc đầu tưởng anh ta là người ở quê lên mua đồ cổ, nhưng lại đeo hai thanh kiếm dài ngắn. Mà đeo kiếm như thế thì chắc là võ sĩ rồi, nhưng trông cách đeo kiếm vụng về quá, chẳng ra vẻ gì là võ sĩ thực thụ cả, nên càng khó hiểu được là người gì. Omura hầu như chẳng nói năng gì với người trong nhà, đi đâu về thì lại ru rú trong phòng mà thôi. Chỉ có cô con gái nhà ấy lo việc giúp đỡ Omura, nên có dịp nói chuyện đôi chút. Thoạt đầu, Omura hỏi tên cô ấy.

-"Thưa, tên là Koto ạ".

Omura nhìn cô chăm bẳm.

-"Ở Kyoto này có bao nhiêu phụ nữ tên là Koto?"

Câu hỏi chẳng ai làm sao mà trả lời cho được.

-"Thưa, không biết".

-"Biết được thì tốt. Tôi thì cho đến nay đã gặp được hai người cùng tên là Koto".

-"Người kia là ai thế?"

-"Vợ tôi đấy".

Omura đáp, mặt không cười. Và chỉ nói chuyện chừng đó thôi.

Một ngày nọ, Omura gọi cô, đưa cho một số tiền lớn mà bảo:

-"Đến tiệm sách ở xóm Kawahara tìm địa đồ Edo, có bao nhiêu loại mua cả về đây hộ tôi".

Mua về xong, Omura ngồi trong phòng mỗi ngày giở bản đồ ra, cầm viết chì hí hoáy viết vào đấy suốt ngày. Có hôm, cô gái dòm vào phòng hỏi:

-"Ngài định du lịch Edo đấy à?"

Omura im lặng một hồi rồi đáp: -"Đúng đấy".

Omura cho tất cả địa đồ ấy vào túi xách, lên tàu đi Edo vào sơ tuần tháng tư nhuận năm ấy. Không phải là Tham mưu, mà lãnh chức mới là quan Phán sự Quân vụ, do chính phủ mới đặt ra, phái đi Edo "làm việc", chứ chẳng phải "ra trận". Hình thức là chuyển đổi chức vụ một cách hoà bình mà thôi.

Omura vào đến khu Nishinomaru của thành Edo thì yêu cầu Saigo triệu tập toàn bộ Tham mưu. Trong lịch sử chiến đấu của quan quân triều đình, đấy là lần đầu tiên một nhân vật thực sự có năng lực quân sự xuất hiện, thế mà đám Tham mưu thì chỉ nghĩ đơn giản là bọn quan liêu hành chánh ở Kyoto muốn bày trò cho qua thì giờ, nên rất phiền bụng.

Trong buổi họp, Omura chỉ im lặng lắng nghe giải thích về tình hình, đến lúc xong buổi họp cũng chẳng nói ý kiến của mình. Sau đó, Omura bảo một người quản lý kho lẫm đưa đi xem khắp nơi trong thành Edo, bảo mở kho ở Nishinomaru, lấy các món đồ mỹ thuật cổ ra xem thật chăm chú. Sở thích của anh ta chỉ là thưởng ngoạn đồ cổ mà thôi. Khi kể lại chuyện xưa, Funakoshi Mamoru cho biết rằng sau Duy Tân cũng thế, Omura hễ buồn buồn lại đi kiếm mua đồ cổ. Nhưng con người chuộng chủ nghĩa hợp lý, ưa lập kế hoạch đến mức siêu nhân ấy, nếu thấy đồ cổ đắt hơn một lạng bạc thì dù quý hiếm đến mấy cũng không mua. Trong đầu đã định sẵn là chỉ mua thứ gì đến mức một lạng bạc mà thôi. Omura bảo là:

-"Người ta ai cũng phải có thú vui gì đấy, nên ta cũng thích chơi đồ cổ. Nhưng ta vẫn định sẵn cho mình một mức giá tối đa, trên mức đó thì nhất quyết không mua".

Kho Nishinomaru xứng đáng là kho báu của nhà Chúa Tokugawa, đầy cả những phẩm vật quý hiếm. Omura đang vui thích xem xét, thình lình Tham mưu bên phiên trấn Satsuma là Kaieda Nobuyoshi bước vào quát lớn:

-"Làm gì đấy?"

như thể Omura đang thừa dịp cháy nhà mà làm chuyện hôi của.

Omura liếc nhìn Kaieda nhưng không thèm chấp. Thái độ như khinh thị ấy khiến cho Kaieda Nobuyoshi thù hận mãi về sau này. Kaieda Nobuyoshi đã nói với ký giả như sau, trong hồi ký "Thực lịch sử truyền": "Tình cờ tôi dòm vào một phòng trong thành thì thấy la liệt những món đồ quý, từ những thư hoạ hiếm có, đến những vàng bạc châu báu quý giá, cùng những món đồ chơi trân quý,... và đang có một người trong phòng ấy!".

Thật ra, Omura lập kế hoạch tấn công bọn Shogitai, bắt đầu từ việc kiếm tiền lo kinh phí hành quân. Quan quân triều đình gồm liên hợp quân binh của các phiên trấn, hầu như chẳng còn đồng nào. Omura định dùng các món cổ ngoạn của nhà Chúa Tokugawa để lại, làm thế chấp đảm bảo để vay tiền người ngoại quốc trú ngụ ở cảng Yokohama. Hồi ký của Terashima Munenori, thẩm phán toà án Yokohama thời bấy giờ (sau này là Bá tước) có ghi: "Omura Masujiro ở trong thành Edo lập kế hoạch tấn công bọn sĩ phu còn sót lại của Mạc Phủ tập kết ở núi Ueno mưu toan phản nghịch. Một hôm, sứ giả của Omura đến mời tôi vào thành Edo. Omura bảo: Đang bố trí tấn công nhưng không có tiền kinh phí, nhờ ông lo giùm việc mượn tiền người ngoại quốc ở Yokohama".

Thế nhưng có một duyên may xảy đến bất ngờ ngay trước mắt Omura nên kế hoạch kinh tài kia không còn cần thiết nữa. Nhằm lúc Okuma Hachitaro (sau này là Shigenobu, Hầu tước, Đại Ôi Trọng Tín, 1838-1922, Thủ tướng chính phủ 1914-1916) giữ chức Phán sự trong Cục Đối ngoại của chính phủ mới ở Kyoto, thu vét sạch kho bạc của chính phủ được 25 vạn lạng bạc, mang lên tàu đi về hướng đông. Nhiệm vụ của Okuma là dùng số bạc ấy trả tiền mua các chiến hạm mà Mạc Phủ đã đặt mua từ Mỹ quốc, lúc này đã cập bến Yokohama. Thế nhưng, quan Công sứ của Mỹ giữ lập trường trung lập giữa hai phe trong nội chiến của Nhật Bản nên không chịu giao chiến hạm cho chính phủ mới. Nhờ vậy, Omura mới có được số 25 vạn lạng bạc ấy mà quyết tâm công phá Shogitai.

Omura thuyết phục phía Satsuma, nhưng Kaieda Nobuyoshi phản đối ý kiến thảo phạt tức khắc của Omura:

-"Binh lực của quân triều đình còn ít quá. Nếu mặt trận vỡ lở, gây nguy hiểm đến Phủ Tổng đốc thì làm thế nào?".

Omura làm thinh. Kaieda thêm:

-"Cho dù có thắng đi nữa, mà lôi Edo vào vòng lửa đạn thì cũng không được".

Omura im lặng, giở bản đồ ra. Omura không nói nhiều vì hiểu rằng mình không có tài hùng biện. Mở miệng ra như đã nói về chuyện trời nắng trời mưa với đám người làng ngày trước thì chỉ làm tổn thương tình cảm của người đối thoại mà thôi. Omura giao cho học trò là Terashima Akisuke trình bày ý định của mình. Terashima hùng biện:

-"Bao vây địch lại, cắt từ sông Kandagawa trở đi là khu mặt trận. Lý tưởng nhất là dồn địch vào núi Ueno mà bao vây, hạn định khu chiến đấu chỉ ở núi Ueno mà thôi. Như thế, không làm phiền gì đến thị dân Edo cả".

Kaieda Nobuyoshi đập bàn hỏi:

-"Nhưng bao vây như thế thì binh lực quá ít thế này làm sao được chứ? Đừng nói như nằm mơ ấy!"

-"Làm được!". Lúc ấy, Omura mới mở lời. -"Ông không hiểu chiến trận nên mới lo như thế!"

Kaieda Nobuyoshi nổi giận, hực lên một tiếng trong họng, xáp lại phía Omura. Tham mưu của một đạo quân mà bị nói là không hiểu chiến trận thì còn sỉ nhục nào bằng!

Nhưng đối với Omura thì chỉ là nói ra sự thật theo cách nói chính xác khoa học, thế thôi. Tiếc rằng lời nói như lỡ lời của Omura đã khiến Kaieda Nobuyoshi thù hận, kết cuộc đã rút ngắn cuộc đời của Omura về sau này. (Suy luận rằng phía sau vụ ám sát Omura Masujiro chắc chắn là đã có bàn tay của Kaieda Nobuyoshi lúc bấy giờ giữ Bộ Hình, cho đến ngày nay vẫn được tin là có nhiều phần sự thực trong đó).

Kaieda Nobuyoshi gầm lên:

-"Không hiểu chiến trận, là thế nào?"

Omura vẫn điềm nhiên nói:

-"Tôi từ thuở sinh ra đến giờ chưa hề thốt ra lời nào vô trách nhiệm cả. Trận đánh này thì binh lực hiện tại là đủ rồi".

Kaieda Nobuyoshi nói: -"Khoan đã..." định nói gì thêm, nhưng Saigo đã ngăn lại, lần đầu tiên lên tiếng trong buổi họp:

-"Xin cố gắng cho. Omura tiên sinh đã nói như thế rồi. Mà lại lấy bản thân ra nhận chịu trách nhiệm nữa. Thế thì chúng ta hãy tin tưởng mà giao việc cho tiên sinh xem sao nào".

Thật ra, Omura đã nói chuyện trước với Saigo và xin lãnh việc chỉ huy trận ấy. Saigo không đặt vấn đề chi tiết tác chiến của Omura, chỉ nghĩ rằng: người này đã nhiệt tâm trình bày đến như thế thì hẳn là đã có cơ thắng lợi rồi. Vả lại trong trường hợp này, để cho phía phiên trấn Choshu lập chiến công thì sau này chắc chắn sẽ giúp ích cho việc dung hoà hai phiên trấn lớn nhất trong liên minh Cần Vương, là Satsuma và Choshu.

Thế là quyền Tổng chỉ huy trận tấn công Shogitai lọt vào tay Omura Masujiro.

Sổ biên niên của Đại Giám sát sứ Sanjo Usanetomi có ghi: "Quan quân triều đình muốn tiến đánh Shogitai mới triệu tập cuộc họp tất cả các đội trưởng từ các phiên trấn. Quan Tham mưu Hayashi Ganjuro nói rằng: để bình định được vùng Kanto, cần phải có hai vạn binh. Vì thế, lúc này tạm thời đình chỉ chiến đấu. Quan Phán sự Quân vụ Omura Masujiro mới đến Edo bảo là đã thấy có ba ngàn quân trong Phủ. Ưu thế binh số này đủ để phá được quân địch. Đại Giám sát sứ Sanjo Usanetomi thâu nhận ý kiến ấy, miễn chức Tham mưu của Ganjuro, thay bằng Omura Masujiro để chuẩn bị trận chiến. Kế hoạch tác chiến của Phủ Tổng đốc giao vào tay Omura Masujiro".

Thực tế, quan quân triều đình lo ngại như thế không phải là không có lý. Đội Shogitai chẳng phải là toán quân ô hợp, mà đường đường là đội quân chuyên nghiệp. Đơn vị chiến đấu nhỏ nhất của Shogitai là tiểu đội có tiểu đội trưởng chỉ huy cùng một phụ tá và nhiều trưởng tổ. Hai tiểu đội lập thành một trung đội có trung đội trưởng chỉ huy. Trung đội 1 cho đến Trung đội 18 kết thành Đại đội có Đại đội trưởng gọi là Đầu-thu chỉ huy. Ngoài bộ đội chủ lực ấy ra còn có các bộ đội hiệp đồng như: đội du kích, đội bộ binh, đội pháo binh, và các đội chí nguyện mang tên riêng như đội Junchu, đội Garyu, đội Asahi, đội Manji, đội Shinboku, đội Kosho, đội Shoseki, đội Koki, đội Suishin, ...... tổng cộng lên đến gần ba ngàn người.

Các quan Tham mưu phía phiên trấn Satsuma quả quyết rằng: -"Tập kích ban đêm là tốt nhất!". Thường thức chiến thuật cổ kim đông tây vẫn dạy rằng tấn công trận địa bằng quân số ít thì phải là tập kích ban đêm chứ không còn gì khác. Hội nghị tác chiến của Phủ Tổng đốc trong khu Nishinomaru của thành Edo ngay từ đầu đã chủ trương tập kích ban đêm rồi. Saigo tiếp tục giữ im lặng, bởi đương nhiên là mặc nhận lý do hùng hồn của phía chủ trương đánh úp ban đêm. Omura cũng chẳng nói năng gì. Bọn Satsuma cảm thấy bực bội quá mới hỏi:

-"Tiên sinh nghĩ sao nào?"

Nhưng Omura không đáp. Mở miệng thì chỉ thốt ra những lời luận lý làm tổn thương tình cảm người khác thôi. Omura ngại chọc giận đám người Satsuma. Nhưng bị thôi thúc mãi, Omura đành phải nói: -"Chúng ta là quân sĩ của Thiên hoàng. Phải dùng cách đánh đường đường chính chính ban ngày mới đúng". Chờ một lúc, Omura nói tiếp: -"Đó là lý do thứ nhất. Lại nữa, nếu ta đánh úp ban đêm, thế nào quân địch cũng sẽ phóng hoả đốt các nơi để chiếu sáng. Edo thành ra tro mất".

Omura chỉ nói có thế. Ngắn gọn mà thẳng thừng. Đến nỗi học trò đồng hương Choshu cũng lắc đầu: "Mặt mày kỳ dị, trong bụng nghĩ gì chẳng làm sao đoán nổi!"

Đám người Satsuma thì hầm hầm tức giận: "Bộ muốn chế nhạo bọn ta sao chứ?"

Saigo thấy thái độ Omura như thế thì đoán là anh ta có mưu chước gì đấy rồi. Mà cứ tiếp tục cho tranh cãi như thế này thì chẳng ích lợi gì, mà còn chia rẽ thêm ra, nên Saigo chấm dứt buổi họp, về phòng ngồi chờ Omura đến.

Saigo là người có trực giác bén nhạy, bắt đầu hiểu được phần nào con người dị tướng này của phiên trấn Choshu. Cách tiếp xúc đối xử với người đời của anh ta thật là vụng về đến tưởng như là người ở đâu lạc vào thế giới này vậy. Có điều anh ta lại là người có thiên tài dụng binh, chỉ với mỗi một thứ tài năng đó mà xuất hiện trong thời gió bão tao loạn này. Người kỳ dị thật đấy, nhưng có lẽ trời còn thương liên minh Satsuma-Choshu thiếu tay mưu lược quân sự nên đã cho xuống một con người dị kỳ mà có thiên tài như thế chăng?

Quả đúng như Saigo đoán, Omura đến phòng Saigo, ôm theo bản đồ, sách vở, bảng đá. Saigo thi lễ rồi nói đùa một lời. Nhưng Omura không để ý. Chỉ im lìm giở bản đồ ra.

-"Hội họp đông người thì không đi đến đâu. Tôi muốn được ngài chấp thuận cho kế hoạch tấn công như thế này đây. Xin ngài xem kỹ cho".

Saigo xem kỹ. Mặt đổi ra màu kinh ngạc. Thấy trong tất cả các trận địa, quân phiên trấn Satsuma phải đảm nhận cửa Kuromon là nơi dự tưởng sẽ phải tấn công mãnh liệt nhất, kịch chiến với lực lượng mạnh nhất của địch. Tuy có được quân phiên trấn Higo và Onshu hiệp lực. Còn quân Choshu đảm trách phía Hongo coi như hậu phương, với sự hiệp lực của bộ đội các phiên trấn Hizen, Chikugo, Omura và Sadohara. Quân phiên trấn Higo và Chikugo tấn công từ dinh cơ phiên trấn Toyama. Quân phiên trấn Bizen, Sadohara và Oshu tấn công từ dinh cơ phiên trấn Mito. Ngoài ra, bộ đội dự bị hoặc chặn đường rút quân của địch thì có các đội quân của các phiên trấn nhỏ, thiếu ý chí chiến đấu và trang bị bằng võ khí cũ. Như phiên trấn Awa giữ đoạn đường từ cửa Hitotsubashi đến Suidobashi; phiên trấn Oshu giữ từ cửa Suidobashi đến dinh cơ phiên trấn Mito; phiên trấn Shibata giữ khu vực nhà thờ; phiên trấn Bizen giữ khu Morikawashuku Oiwake; phiên trấn Kishu giữ khu Ogawabashi, phiên trấn Onshu giữ khu Senju Ohashi; phiên trấn Higo giữ các khu Okubo-yoichi, Numata ở Kawaguchi; phiên trấn Bizen giữ khu Todagawa; phiên trấn Hizen giữ khu Shimousa Koga; phiên trấn Geishu giữ khu Bushuoshi; phiên trấn Chikuzen giữ khu Bushugawa. Hiển nhiên, cửa Kuromon coi như là cửa chính vào một thành bị công phá, nên phía Shogitai chắc chắn đã tập kết đại bộ phận binh lực, hoả lực tại đấy rồi.

Omura vẫn lặng thinh. Saigo cũng im lặng, xem xét kỹ các điểm tấn công. Cảm nghĩ của Saigo Takamori trong lúc ấy, về sau được ghi lại trong hồi ký lịch sử Satsuma-Choshu như sau: "Omura Masujiro trình bày các lộ tấn công. Saigo xem kỹ rồi nói: Quân sĩ Satsuma mà chết hết thì cũng là do lệnh của triều đình đấy à? Omura nhẹ xoè quạt ra xếp quạt lại, mặt ngẩng lên trời, im lìm. Một lúc lâu sau mới nói: Đúng thế. Saigo lại làm thinh, đi ra".

Thật ra, Omura suy tính rằng thắng bại ở cửa Kuromon là chìa khoá của trận tấn công này. Nhưng tính về binh lực thì quân phiên trấn Satsuma mạnh hơn quân phiên trấn Choshu, mà trang bị cũng tốt hơn. Đó là lý do Omura muốn quân Satsuma đảm trách mặt tấn công nguy hiểm nhất. Có nói thật ra như thế, hẳn là Saigo Takamori cũng hiểu mà không cảm thấy bất nhẫn. Vậy mà Omura chỉ xoè quạt ra xếp quạt lại một hồi rồi nói: Đúng thế, mà thôi.

Đến lúc bọn Kaieda Nobuyoshi, phiên sĩ Satsuma nghe được, nổi giận lên, kéo theo mấy tay kiếm định đi chém Omura, may mà Saigo can ngăn được mới khỏi có chuyện lớn. Nhưng cũng vì chuyện này mà người Satsuma thêm thâm thù Omura Masujiro.

Tin đồn sắp tấn công Shogitai loan ra khắp thành phố Edo. Đồng thời, dự đoán của Omura dễ dàng thành sự thật. Phía Shogitai rút quân, bỏ hết các đồn trại, cư xá trong thành phố, tập kết toàn lực trên núi Ueno, chỉ trừ một trận địa duy nhất ở Hirokoji. Hirokoji trong khu Shitaya là con lộ chính và lớn đưa vào Ueno, hai bên san sát nhà dân. Shogitai chặn ngang con lộ này, chất đống chiếu cói làm rào cản, mỗi đêm cho một đội súng trên núi xuống canh giữ, đề phòng quân triều đình đánh úp ban đêm. Nhưng lúc trời sáng thì rút lên trên núi. Omura biết được quy luật hành động ấy. Có ý kiến đem quân đến dẹp tan cứ điểm ấy, nhưng Omura gạt đi.

Đã vào mùa mưa dầm. Trời chưa sáng ngày 15 tháng 5 Minh Trị nguyên niên (1868), Phủ Tổng đốc ra lệnh cho binh sĩ các phiên trấn tập kết ở Ogeba (ngày nay là khoảng ngoài Nijubashi). Mưa từ đêm qua đã nhỏ lại nhưng dưới chân vẫn còn lầy lội. Quân sĩ các phiên trấn tập trung lại rồi, quân hầu cầm đèn lồng đưa Omura đến. Vẫn đội nón nông dân che cả mặt, quần cộc vải đen, áo choàng tay ống rộng, trong ánh đèn lồng, Omura tuyên bố: -"Khởi sự tấn công Shogitai ở Ueno!". Omura phân phát các bản đồ kế hoạch tấn công tự tay mình, vốn có khiếu hội hoạ, vẽ sẵn cho từng đội quân, rồi rút đồng hồ trong túi ra. Chừng mười phút sau, Omura ra lệnh: -"Xuất phát!".

Bóng các đội trưởng gật đầu, rồi đoàn quân âm thầm tản ra. Ở giây phút đó, với chỉ một lời hiệu lệnh nhỏ nhẹ trong cơn mưa lất phất, lịch sử đã bắt đầu chuyển biến kinh động. Vậy mà đương sự ra hiệu lệnh lại hoàn toàn bình thản, âm thầm quay bước trở lại bản doanh ở khu Nishinomaru.

Omura đã tính toán chu tất cả rồi. Hiệu lệnh kia chỉ là kết quả tất nhiên mà thôi. Cũng giống như nhà hoá học trong phòng thí nghiệm. Không, anh ta chính là nhà hoá học đó rồi. Đã chuẩn bị tất cả các phương trình phản ứng, thuốc hoá học và dụng cụ, chu toàn cả. Sau đó thì chỉ việc giao cho thực nghiệm sinh. Chỉ cần ra lệnh ngắn gọn: -"Thí nghiệm đi!" là xong. Omura trở lại Phủ Tổng đốc ở Nishinomaru trong thành Edo, tựa đầu vào cột trụ, ngồi chờ kết quả thí nghiệm.

Trời sáng dần. Các đội quân tiến trong mưa đến các mục tiêu tấn công. Phía Shogitai vẫn theo thói quen thường ngày, trời vừa sáng là đội súng canh rời khỏi rào cản bằng chiếu cói ở Hirokoji, rút hết lên núi. Quan quân triều đình tiến vào dễ dàng. Cuộc thí nghiệm thành công bước đầu.

Cũng có trục trặc ít nhiều. Trong đám quân sĩ Choshu hướng đến Hongo, có Trung đội 4 đại đội 1 do Arichi Shinanojo (1843-1919, Nam tước) làm Trung đội trưởng, vài ngày trước vừa mua được loại súng Schneiden tối tân nạp đạn đằng đuôi từ thương nhân ngoại quốc ở Yokohama về trang bị cho đội, được Omura đặt nhiều hy vọng vào năng lực tấn công, thế nhưng đến lúc cần đột kích thì binh sĩ lại hốt hoảng vì chưa quen cách sử dụng loại súng mới. Bởi mới chỉ được tập bắn thử có một lần, nên từ đội trưởng trở xuống, chẳng ai rành cách sử dụng cả. Người mua súng là Tham mưu Choshu Kinashi Sei-ichiro (1845-1910, Nam tước) đặt bộ chỉ huy ở dinh cơ phiên trấn Kaga ở khu Hongo. Kinashi phải cho binh sĩ dừng lại, phái một số người trở về dinh cơ phiên trấn Kaga học cách sử dụng súng ấy. Vì thế, cuộc hành quân đã có hỗn loạn phần nào. Và phiên trấn Satsuma có lẽ có phản cảm với Omura nên giữ quân chủ lực ở Yushima, lúc đầu chỉ đưa đội bộ tốt và nửa đội du kích đến mục tiêu là cửa Kuromon. Nhưng phía ấy, mặt trận vang rền tiếng súng nổ, nên đành phải đưa thêm nhiều quân đến.

Dù có vài trục trặc như thế nhưng cuộc thí nghiệm của Omura tiến đúng như dự tưởng. Trong lúc ấy, Omura đang chỉ đạo thực hiện tờ nhật trình có tên là "Nhật chí thành Edo". Ngay từ ngày đến Edo, Omura đã bắt đầu cho làm báo này, ra hàng ngày một ngàn tờ. Chọn tám người thợ khắc chữ, cho ở trong thành Edo, in tay. Chẳng phải do sở thích của Omura, chỉ vì anh ta nghĩ cần có tờ báo để truyền đạt thông suốt mệnh lệnh trong quân xuống đến tất cả binh sĩ.

Omura cho in bản đặc biệt, loan báo: "Đã diệt trừ xong Shogitai chỉ trong một ngày!". Theo Omura tính toán thì chỉ cần một ngày là diệt được Shogitai. Bản đặc biệt ấy, Omura định in sẵn vài ngàn tờ, chiến đấu vừa xong là phát hành ngay đến toàn quân và cả thị dân trong thành phố Edo nữa.

Trời lại mưa nặng hạt. Ở khu vực chiến đấu quanh núi Ueno, nước mưa ngập đầy hồ và các rãnh nước, đường sá lầy lội, nhiều chỗ lút chân, quân sĩ chiến đấu thật khổ nhọc. Hơn nữa, Shogitai đánh trận lì lợm hữu hiệu hơn dự tưởng, lúc đầu cầm cự rất lâu ở Sanbashi, sau rút về cố thủ cửa Kuromon, dàn trận súng pháo mãnh liệt suốt trong vài giờ, không cho quân triều đình tiến lên được bước nào. Phía Shogitai có 7 cỗ bích kích pháo (pháo nòng ngắn) kiểu Pháp cỡ 4 pound của quân Mạc Phủ cũ để lại, trong đó, 2 cỗ đặt ở Kuromon, 2 cỗ đặt ở Sannodai, còn lại 3 cỗ chia đi các chỗ xung yếu phía sau; hoả lực của các cỗ súng này làm quân triều đình khốn khổ vô cùng. Trận địa pháo binh của quân triều đình thì đặt ở dinh cơ của hai phiên trấn Kaga và Toyama ở Hongodai, nhắm pháo kích núi Ueno qua hồ Shinobazu, gồm hai cỗ đại bác Armstrong do phiên trấn Nabeshima xứ Hizen đã mua được từ Anh quốc trước chính biến. Đạn đại bác ấy không phải hình cầu mà là hình quả đấu (acorn) có mũi nhọn, sức phá hoại, sức giết hại là vô địch trên thế giới thời bấy giờ. Loại đại bác này thì đương thời, ngoài nước Anh ra, trên khắp địa cầu, chỉ có phiên trấn Nabeshima (Saga) xứ Hizen có được mà thôi. Bộ Hải quân Anh lúc đầu cũng không dùng loại đại bác này vì có ít nhiều nguy hiểm trong cách thao tác (xin xem "Đại bác Armstrong" cũng của Shiba Ryotaro, Phạm Vũ Thịnh dịch), sau khi dùng thử trong cuộc chiến giữa hạm đội Anh quốc với phiên trấn Satsuma, thấy có công hiệu nên đặc biệt quan tâm nhưng vẫn chưa dám chính thức thu dụng. Pháo thuật trưởng R.E. Trace của soái hạm Anh quốc trong cuộc chiến giữa hạm đội Anh quốc với phiên trấn Satsuma đã viết báo cáo về bản quốc như sau: "Có thể nói rằng trong tất cả các loại súng pháo được sử dụng hiện tại, loại đại bác này có lực phá hoại lớn nhất. Hiệu lực của loại đại bác dùng đạn phát tán có nhét ngòi nổ này, phải nói là có tán dương đến mấy cũng không đủ".

Hôm trước ngày tấn công Ueno, Omura đã đặc biệt cho gọi người pháo đội trưởng đảm trách hai cỗ đại bác này của phiên trấn Nabeshima xứ Hizen đến bảo:

-"Đại bác này là bức trường thành bảo vệ quan quân triều đình đấy. Nếu quân địch xông tới thì phải thối lui, đừng để địch lấy mất".

Mà đạn đại bác này cũng không có nhiều, hơn nữa, ngay từ đầu cuộc chiến đấu mà đã bắn đại bác này thì quân địch sẽ biết vị trí mất, do đó Omura dặn là đừng bắn sớm, chờ đến buổi chiều, khi chiến đấu đến hồi kịch liệt nhất thì mới bắt đầu bắn đại bác.

Đúng như lời dặn ấy, chiều hôm đó, tiếng nổ long trời đặc sắc của loại đại bác này đã vang rền đến tận khu Nishinomaru trong thành Edo. Đang lim dim tựa đầu vào cột trụ, Omura mở mắt, rút đồng hồ trong túi ra xem, rồi cho vào túi lại, nhắm mắt tiếp.

Tình hình chiến đấu được cấp báo về thành Edo mỗi giờ, nhưng không thấy tiến triển như ý, mà thời gian lại trôi qua nhanh chóng. Ngay cả bọn Tham mưu, phó Tham mưu của phiên trấn Choshu cũng bắt đầu xầm xì:

-"Cứ điệu này chắc phải đánh luôn ban đêm nữa!"

-"Đạt Ma phun lửa đang làm gì kia chứ?"

Bàn tán xôn xao khiến bọn Satsuma nghe thấy, cũng xúm lại cùng đi cật vấn Omura. Cả bọn xông vào phòng Phủ Tổng đốc thì chẳng thấy Omura đâu cả. Mới hỏi người trong phòng:

-"Đạt Ma phun lửa đâu rồi?"

Người trong phòng đáp là mới đi ra đó, có lẽ leo lên tháp ngắm núi Phú Sĩ rồi.

Nghe thế, cả bọn theo nhau leo lên tháp. Quả thật có Đạt Ma phun lửa ở đó, đang tựa đầu vào cột. Tham mưu Terashima Akisuke đại diện mọi người hỏi:

-"Xin tiên sinh cho hỏi. Lúc đầu tiên sinh bảo là tuyệt đối không được đánh ban đêm. Bảo là sẽ xong xuôi nội trong ban ngày. Thế nhưng với tình hình chiến đấu này thì đến chạng vạng cũng chưa phá nổi vòng ngoài của quân địch. Thế thì hóa ra là phải đánh ban đêm rồi. Mà đánh đêm như thế chỉ vì phải đánh tiếp trận ban ngày chứ đâu có còn lợi thế gì. Tiên sinh tính sao?"

Omura như còn đang suy tính chuyện gì lung lắm nên không tỏ phản ứng gì trước lời cật vấn ấy. Tiếp tục suy nghĩ một hồi lâu, rồi như chợt để ý đến bọn kia, Omura rời lưng khỏi cột trụ, chỉ tay vào đồng hồ mà nói:

-"Đến giờ rồi. Thu dọn thôi".

Cứ như là kim đồng hồ ấy có uy lực kết thúc chiến trường được vậy.

Thế mà, như hô ứng với lời nói của Omura, bên ngoài cửa sổ, phía Ueno bùng lên đám khói đen nghịt, có cả lửa đỏ ngùn ngụt bốc lên. Omura quay mặt nhìn cả bọn:

-"Có vẻ đã dứt điểm rồi đấy". Omura lấy ngón tay gạt mồ hôi trán, bắt đầu nói dài dòng khác với lệ thường, như bình giảng về cuộc thí nghiệm: -"Ngọn lửa kia là do quân địch đốt bỏ núi Ueno để bại tẩu đó. Bọn nghịch tặc ấy không còn lý do để ở đấy nữa. Ngọn lửa kia là dấu hiệu bọn ấy trốn chạy, không chừa tên nào cả".

Chẳng bao lâu sau, tin chiến thắng được báo về. Omura ra lệnh phân phát tờ Nhật chí thành Edo trong thành và trong các phố. Rồi bảo người giúp việc ban Tham mưu là Shionoya Ryokan chuẩn bị áo xống cho mình, và đi ra khỏi thành. Có Shionoya Ryokan, Oya Onojiro và hai người phiên sĩ Choshu đi theo. Omura vẫn đội nón cói nông dân che cả mặt như thường lệ, ngồi lắc lư vụng về trên lưng ngựa.

Omura đi thị sát dấu vết chiến trận. Thấy phía trước tiệm Matsuzakaya ở Ueno Hirokoji tán loạn những chiếu cói quân triều đình đã dùng để chắn đạn địch; bên hông Matsuzakaya ngổn ngang những thùng đựng rượu, những gói lá đựng cơm nắm; ở cửa vào xóm Sanmaibashi Nakacho có 5, 6 xác quân triều đình; gần cửa Kuromon còn 7 xác quân Shogitai. Xuống qua chùa Kiyomizudo thì thấy tháp chuông nhô lên giữa đám than tro, Omura ghé vào xem phòng trong, đến khi mặt trời lặn mới quay về thành, miệng lẩm bẩm: -"Thành phố không bị cháy".

Có lẽ Omura muốn chính mắt mình kiểm nhận thành công của cuộc thí nghiệm.

Trong thành phố, đám thị dân nán lại không chạy loạn, bây giờ tụ tập ở các ngả ba ngả tư. Chẳng ai chú ý gì đến người đàn ông đội nón che cả mặt, quần cộc, áo choàng tay ống ấy cả. Có lẽ cho dù có bảo họ đấy là người quân sư đã lập kế hoạch, bố trí và thực hiện trận tấn công Ueno này, hẳn là họ cũng không tin.

Ngay sau đó, cuộc chiến bình định vùng Đông Bắc (Nhật Bản) rồi tiến đánh Hakodate đã bắt đầu, nhưng Phủ Tổng đốc của quan quân triều đình vẫn đóng ở thành Edo, và Omura cũng không rời thành này một bước nào. Trước trận tấn công Shogitai này, đối với đám quân sĩ còn lại của Mạc Phủ cũ còn cố thủ trong thành Utsunomiya dưới sự chỉ huy của Otori Keisuke, Matsudaira Taro, Hijikata Toshizo, thì bộ đội của Tổng đốc đạo Tosando mà chủ lực là quân phiên trấn Tosa lãnh phần thảo phạt, nhưng quân triều đình đã thua trận ở Oyama và chiến đấu khó khăn ở các mặt trận khác, tình hình chiến sự ở hướng ấy không khả quan mấy. Thư yêu cầu tiếp viện tới tấp truyền về Phủ Tổng đốc. Nhưng Omura đều xé bỏ cả. Quan quân ở tiền tuyến tức giận, có người đòi chém chết Omura. Chịu không thấu, hai đội trưởng Kawada Sakuma của phiên trấn Onshu và Tarasaki Gozan của phiên trấn Choshu từ tiền tuyến thay ngựa nhiều lần mới chạy về được đến Edo, khẩn cấp báo cáo tình trạng nguy khốn ở các mặt trận. Tarasaki nói nếu Omura không phái binh cứu viện thì dù là đồng hương Choshu, sẽ liều tự tay mình chém Omura rồi ra sao thì ra! Tarasaki Gozan xuất thân là phiên sĩ cao cấp của phiên trấn Choshu, lại được Thế tử sủng ái, do tài ba về kiếm thuật mà được làm cận vệ thân thích với Thế tử, thời Mạc Phủ chinh phạt Choshu, đã chiến đấu dũng mãnh ở mặt trận cửa Geishu. Thường chỉ xem Omura là thứ y sĩ nông dân mà khinh thị.

Tarasaki sùi bọt mép kể lể tình hình chiến đấu khổ nhọc, nhưng Đạt Ma phun lửa Omura vẫn điềm nhiên ngồi nghe.

-"Ở tiền tuyến, hiện nay súng trường đang phải bắn suốt từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều mỗi ngày đấy!". Tarasaki phải trưng dẫn đến mức cực đoan như thế.

Tính Omura lại không ưa chuyện khoác lác, nên lạnh lùng bảo:

-"Này cậu, khoác lác thì không nên!"

Tarasaki đứng vùng dậy:

-"Khoác lác chuyện gì?"

Omura điềm tĩnh đáp:

-"Chuyện khoác lác thì phải nói là khoác lác thôi. Súng trường mà bắn suốt 3, 4 giờ thì nóng đến nỗi chạm tay vào là phỏng ngay. Nếu không lấy nước làm nguội lại thì không thể nào bắn tiếp được. Vậy mà lại bảo là súng trường đang phải bắn suốt từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều thì khoác lác quá! Nếu cậu bảo không khoác lác thì ngay tại đây, cậu bắn suốt 4, 5 giờ xem nào! Vả lại, nghe cậu nói thế thì hiểu là binh sĩ vẫn còn mỗi người khoảng hai trăm phát đạn đấy chứ gì. Với quân lực như thế thì làm sao có thể cấp thêm đạn dược, chứ đừng nói gì đến viện binh".

Omura đã phản luận bằng lý do vững chắc không có khe hở. Nhưng cách nói không khéo. Tất nhiên, Tarasaki và Kawada đã phải rút lui, chịu thua chuyện tranh luận, nhưng đã chất chứa thêm oán thù. Oán thù ấy không chỉ ở hai người này, mà còn lan ra khắp đám quân sĩ ở tiền tuyến nữa. Nhất là đối với người Satsuma, và cả bọn đội trưởng trong phiên trấn Choshu mà không phải là học trò của Omura, thì oán hận ấy đã bám rễ sâu trong lòng họ.

Trong chiến dịch tiến đánh Hakodate về sau này cũng thế. Tham mưu của quân triều đình là Kuroda Ryosuke lo ngại không đủ binh lực tấn công, mới bảo một sĩ quan người Satsuma lên quân hạm về Edo xin Omura cấp tốc phái viện binh thêm. Omura thản nhiên bảo:

-"Chừng đó đủ rồi! Trước khi anh quay trở lại Hakodate thì đã xong rồi đấy!".

Quả đúng như lời Omura thật. Nhưng dự tưởng của Omura đúng quá lại làm cho người ta mất mặt. Omura không hiểu được những điều tế nhị như thế trong tâm tình người khác.

Sau cuộc chiến Oshu, lại có câu chuyện truyền tụng như thế này. Quan Tham mưu trưởng là Saigo Takamori (thuộc phiên trấn Satsuma) từ tiền tuyến trở về, lâu ngày lại cùng làm việc với Omura trong sảnh đường ở Edo. Mọi người trong sảnh đường hy vọng là hai vị đầu não của quân triều đình gặp nhau thì hẳn là có chuyện luận bàn hấp dẫn lắm đây. Thế nhưng, Saigo vẫn ngồi yên, mặc nguyên áo choàng, mà Omura cũng chỉ nhìn quanh, chẳng nói gì cả. Đến giờ về, hai người mới nhìn nhau mỉm cười ngượng nghịu rồi ai về nhà nấy ngay. Có lẽ cuộc chiến là hành động chung đã chấm dứt, giữa hai người chẳng còn có gì chung để tán chuyện cả. Nhưng người trong sảnh đường thì thấy hai đầu não cùng im lìm như thế là chuyện quái dị, khiến họ đồn đại, bàn tán một thời gian. Mà chuyện đồn đại này lại càng làm cho người phiên trấn Satsuma bất bình thêm đối với Omura. Họ cho rằng đó là thái độ vô lễ đối với người lãnh đạo lão luyện của họ.

Tháng 6 năm Minh Trị thứ hai (1869), Omura nhậm chức Phó Bộ Trưởng bộ Binh trong chính phủ mới. Vào thời kỳ này, Omura đều đặn gửi tiền xài dư về quê cho vợ là Kotoko, và chỉ dẫn sử dụng theo kiểu Omura:

"Ta gửi một ngàn năm trăm lạng bạc là tiền còn lại trong lương tháng, trong đó một ngàn là để gửi nhờ Ueda Shozo giữ hộ, khi nào cần thì nhờ đưa cho. Còn năm trăm lạng kia thì giữ lấy, có ai tin cẩn được thì cho họ vay, hoặc để mua ruộng đất".

Trong các thư gửi cho vợ, lại có thư như thế này:

"Bảo người nhà đặt gấp mười bốn tấm chiếu ở tiệm chiếu Mukoyama. Chiếu loại trung là được".

Thư gửi về quê thì như thế, nhưng một mặt, trong thời kỳ này Omura đã tiến hành việc xây dựng quân đội (Nhật Bản) thật là to lớn và tinh vi đến mức kinh dị. Có thể nói là thiên tài làm phép lạ!

Là người hễ đi tàu thuyền thì say sóng, nên chưa từng ra nước ngoài bao giờ, thế mà Omura áp dụng được hoàn hảo những binh chế và sở trường của quân đội kiểu Tây phương để thiết lập các chế độ và cơ sở binh bị tân tiến cho Nhật Bản. Có lẽ trong tất cả các nhân tài còn sống sót để đóng góp cho công cuộc Duy Tân, Omura Masujiro là người không thể thiếu được.

Có điều, Omura đã cảnh giới quá đáng đối với phiên trấn Satsuma. Khoảng đầu cuộc Duy Tân, Omura đã âm thầm tưởng định rằng kẻ địch của chính phủ mới sẽ là phiên trấn Satsuma, và đã không ngừng giáo dục như thế cho Saionji Kinmochi lúc bấy giờ còn trẻ lắm. Lý do thì như còn ghi lại trong tư liệu của Saionji về sau này, là Omura đã nói: "Nếu đất Kyushu mà có nhân vật giống như Ashikaga Takauji (1305-1358, sáng lập Mạc Phủ Ashikaga năm 1333, chấm dứt Mạc Phủ Kamakura) nổi lên thì đại thế trong thiên hạ sẽ ra sao, không ai tưởng tượng được. Lúc đó, hẳn là phải chọn từ đám công khanh của triều đình ra một nhân vật nghiêm túc và có tiếng tăm mới tiếp tục trị nước được. Do vậy, từ bây giờ phải tìm kiếm ngay. Ngài Saionji đúng là nhân vật như thế".

Tháng tiếp theo ngày Omura gửi thư về quê dặn vợ đặt mua chiếu, ngày 4 tháng 9 năm Minh Trị thứ hai (1869), khoảng sau 6 giờ chiều, trong căn phòng cuối lầu trên của lữ quán trong xóm Kiyamachi khu Sanjo ở Kyoto, một bọn thích khách đã đột nhập chém Omura trọng thương.

Tin cấp báo đến Katsura Kogoro lúc ấy đang dưỡng bệnh lao phổi trong vùng núi Hakone. Nhật ký của Katsura ngày 10 tháng 9 ghi rằng:

"Sáng mưa nhỏ, đến chập tối lại mưa lớn. Sáng sớm có sứ giả khẩn cấp là Kawamura Kenzo đến, (.........). Tối ngày 4 vừa qua, một bọn thích khách 7, 8 người đã xông vào phòng trọ của Omura Masujiro trong lữ quán ở lô đất số 3 xóm Kiyamachi, Kyoto, chém chết Shizuma Hikojiro và Adachi người phiên trấn Kashu. Người nhà của Omura Masujiro thì một người bị nhiều vết thương, chết vào hôm sau là ngày 5, còn một người bị thương nặng. Nhờ ơn Trời, Omura Masujiro tuy bị thương nặng mấy chỗ, nhưng tin cho biết không hại đến tính mạng. Tôi đã vô cùng kinh ngạc. Rồi thấy tính mạng Omura không đến nỗi nào, nên cũng an lòng".

Qua ngày 2 tháng sau đó, Omura được đưa vào bệnh viện Osaka ở xóm Suzuki, để y sĩ ngoại khoa Hà Lan là H.F. Bauduin giải phẫu cho. Nhưng do chứng bại huyết, Omura chết ngày 5 tháng 11. 46 tuổi.

Lúc sắp chết, Omura đã cho gọi quan Tham sự bộ Binh là Funakoshi Mamoru đến bên gối mà dặn dò lời cuối rằng:

-"Hãy chế tạo loại bích kích pháo cỡ 4 pound, càng nhiều càng tốt".

Omura đã dự đoán cuộc chiến vùng Tây Nam năm Minh Trị thứ 10 (1877, từ cuối tháng Giêng, mười ba ngàn quân võ sĩ Satsuma nổi dậy chống triều đình truất bỏ đặc quyền của giai cấp võ sĩ; cuộc khởi nghĩa thất bại và Saigo Takamori tử trận cuối tháng 9 cùng năm ), bảo đó sẽ là cuộc nội chiến cuối cùng.

Thật ra, bọn thích khách gồm mười hai người, đều là những kẻ cuồng tín theo chủ nghĩa "Nhương Di quốc túy" (tuyệt đối không chấp nhận bọn man di Tây phương), đã công bố thư "trảm gian" hài tội Omura là đã "cắm đầu mô phỏng Tây Dương, làm ô uế quốc thể, làm nhục triều đình, nuôi dưỡng thói quen man di càng ngày càng sâu đậm".

Có điều bất hạnh cho Omura Masujiro là trong số mười hai tên ấy có đến ba tên là phiên sĩ đồng hương Choshu. Ngoài ra, có năm tên là phiên sĩ Tosa, và bốn tên thuộc các phiên trấn khác. Cả bọn đều bị bắt. Nội các chính phủ mới xử tử hình, án trình lên Thiên hoàng phê chuẩn, qua quan đại diện đưa đến Kyoto để quan Tổng trấn phủ Kyoto là Nagatani chỉ huy việc xử hình ở pháp trường Awataguchi vào ngày 20 tháng 12. Vậy mà đúng lúc sắp xử tử bọn phạm nhân, đột nhiên lại có mệnh lệnh quái kỳ: "Ngưng xử hình!" từ bộ Hình ở Edo truyền đến. Phủ Kyoto chẳng rõ hư thực ra sao nhưng cũng đành cho bọn phạm nhân vào ngục trở lại. Hình bộ Đại thần (Bộ trưởng Tư pháp) lúc bấy giờ lại là Kaieda Nobuyoshi, ngày trước đã là Tham mưu của quân triều đình, xuất thân từ phiên trấn Satsuma. Về sau, rõ ra đó chỉ là lệnh riêng từ Kaieda Nobuyoshi, nên Phủ Kyoto lại đem bọn phạm nhân ấy ra xử hình.

Đương thời, người ta gần như công nhiên mà tin vào thuyết: chính Kaieda Nobuyoshi đã xúi giục bọn hung thủ ấy ám sát Omura Masujiro. Ít nhất thì Katsura Kogoro là người đã phát hiện nhân tài Omura Masujiro, tiến cử làm người chỉ đạo cuộc chiến tranh tiêu diệt Mạc Phủ, đã tin như thế. Katsura Kogoro đã gửi một bức thư đề ngày 26 tháng 7, đúng ngày trước hôm Omura lên đường từ Tokyo (tên mới của Edo) đi Kyoto, thư gửi cho quan Tham sự Kyoto là Masamura Hanjiro, có lời cảnh báo như sau:

"Hôm trước, tôi cũng đã nghĩ đúng như ý ngài rằng những lời tuyên bố mập mờ hai mặt của Kaieda càng làm phát sinh nghi hoặc trong lòng người, giúp cho bọn phiến động sắp sửa nắm lấy cơ hội mà ra tay".

Rồi sau khi vụ ám sát Omura xảy ra, Katsura lại gửi cho đồng hương Choshu là quan Tham nghị Hirosawa Saneomi bức thư như sau:

"Về vụ Omura thì có thuyết lưu hành kín đáo rằng đó rõ ràng là do Kaieda xúi giục".

Vụ này cũng có ghi trong Nhật ký do Okubo Toshimichi để lại, trong số tư liệu của phiên trấn Satsuma. Đại ý là:

"Ngày 25 tháng 12, Kaieda đến, bảo là bộ Hình thì muốn đình chỉ việc hành hình các phạm nhân, nhưng tôi đã thuyết phục đừng làm thế. (.........). Buổi tối, Kaieda lại đến, khẩn thiết bàn luận về vụ ám sát Omura".

Hai hôm sau, Kaieda Nobuyoshi lại đến chỗ Okubo Toshimichi.

"Kaieda bước vào, bàn về chuyện xử trí các phạm nhân trong vụ ám sát Omura, bảo là khó mà đồng ý với cách xử trí của Nội các".

Rồi ngày sau đó, 28 tháng 12, nhật ký ấy lại cũng ghi việc tương tự như thế nữa.

Có đúng là Kaieda Nobuyoshi đã chỉ thị cho bọn thích khách ấy ám sát Omura Masujiro hay không, đến nay vẫn chưa rõ ràng. Chỉ biết rằng, Omura Masujiro đã đột ngột xuất hiện khi lịch sử cần đến, rồi lúc sứ mệnh xong xuôi, đã biến đi thật vội vã. Đến mức thần bí nữa.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 05/09-11/11
Chú thích:

[1] Katsura Kogoro : (Kido Takayoshi, 1833-1877), phiên sĩ Choshu, kiếm hào, chính trị gia, một trong Duy Tân tam kiệt (hai người kia là Saigo Takamori và Okubo Toshimichi) lãnh đạo phe Cần Vương đánh đổ Mạc Phủ Tokugawa mở đường cho công cuộc Duy Tân thời Minh Trị. Thực chất là Tể tướng/Thủ tướng đầu tiên trong chính quyền Minh Trị.

[2] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo. Phủ Chúa đặt ra lệ bắt các Lãnh Chúa (Daimyo) mỗi năm phải đổi chỗ trú ngụ, năm này ở Edo, năm sau ở lãnh địa của mình, do đó các phiên trấn có dinh cơ của phiên trấn ở Edo để các gia thần và thuộc hạ của Lãnh Chúa trú đóng ở Edo trú ngụ và làm việc.

[3] Yoshida Shoin (1830-1859) : một trong những nhà trí thức nổi danh nhất cuối thời Mạc Phủ, đã mở trường dạy binh học và chính trị, đào tạo nhiều chí sĩ sau này đã góp sức hữu hiệu vào việc đánh đổ Mạc Phủ và đổi mới nước Nhật.

[4] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ, hay lực kinh tế của phiên trấn thì khoảng 150 kí gạo, khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít.

[5] Thời Chiến quốc : 1467-1568, các sứ quân cát cứ các nơi đánh nhau hỗn loạn, cho đến khi Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu tiếp nhau hoàn thành cuộc thống nhất, mở ra thời Phủ Chúa Tokugawa.

[6] Ito Hirobumi (Hirofumi/Hakubun/Shunsuke, Y Đằng Bác Văn, 1841-1909) : đồ đệ của Yoshida Shoin, một trong 5 người du học Anh quốc, 4 lần nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản năm 1885, 1892, 1898, 1900.

[7] Nhị thập nhất hồi : họ Yoshida viết chữ Yoshi (cát) chiết tự thành ba chữ Thập nhất khẩu, và chữ Da (điền) chiết tự thành chữ Thập và chữ khẩu; chữ Yoshida chiết tự và tổng cộng lại thành Nhị thập nhất (21) thêm hai chữ khẩu nhập vào nhau thành chữ hồi. Yoshida Shoin thời thơ ấu mang họ là Sugi (sam) chiết tự thành ba chữ: thập, bát và tam, cộng lại thành 21, nên có thêm tên hiệu là Nhị thập nhất.

[8] Takano Nagahide (1804-1850) : nhà tư tưởng Lan học, bạn của y sĩ Hà Lan Siebold (là người có ảnh hưởng lớn đến trào lưu Lan học của Nhật Bản), đã viết sách cổ xướng việc mở cửa giao thiệp với ngoại quốc, vì vậy mà bị tống giam năm 1842. Ba năm sau, nhân hoả hoạn trong tù, ông trốn thoát, cho đến năm 1850, tự sát vì sự lùng bắt ráo riết của cảnh sát.

[9] Chiếu: tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.

[10] Ako Roshi (lãng sĩ xứ Ako): chuyện 47 lãng sĩ trung thần báo thù cho chủ là Asano Naganori tước Takumi-no-kami, Lãnh Chúa của phiên trấn Ako, khoảng năm 1701, thời Chúa Tokugawa Tsunayoshi; đề tài của loại tuồng hát Chushingura.

[11] Saigo Takamori : (Kichinosuke, 1827-1877), phiên sĩ Satsuma, chính trị gia, một trong Duy Tân tam kiệt lãnh đạo phe Cần Vương đánh đổ Mạc Phủ Tokugawa mở đường cho công cuộc Duy Tân. Về sau, lãnh đạo cuộc nổi loạn của giới võ sĩ ở quê nhà Kagoshima chống chính quyền Minh Trị muốn phế bỏ mọi đặc quyền của giai cấp võ sĩ, thất trận, tự sát năm 1877. Được xem là The Last Samurai, người võ sĩ cuối cùng của Nhật Bản.

[12] Okubo Toshimichi (1830-1878), phiên sĩ Satsuma, chính trị gia, một trong Duy Tân tam kiệt lãnh đạo phe Cần Vương đánh đổ Mạc Phủ Tokugawa mở đường cho công cuộc Duy Tân. Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Minh Trị. Bị ám sát năm 1878. Được xem là một trong những người xây dựng nên nước Nhật Bản hiện đại.