Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 

Vang rộn tiếng ve - Semishigure 

Nguyên tác: Fujisawa Shuhei 
Bản dịch Việt ngữ© Phạm Vũ Thịnh 

 Chương 7 - Tiếng lá rơi
1 

Bunshiro và Inukai Hyoma vừa bắt đầu tỉ thí, thì chung quanh, tiếng kiếm tre dần dần im lặng. Như mọi ngày, các môn sinh khác chờ xem các thế kiếm của hai người.

Động tĩnh chung quanh, Bunshiro đều biết được, nhưng anh không quan tâm. Từ giây phút cầm thanh kiếm tre đối mặt nhau, toàn bộ ý thức của anh tập trung vào cử động của đối thủ. Một cử chỉ dù nhỏ đến mấy đi nữa, một biến đổi dù nhậm lẹ đến đâu đi nữa, cũng đủ thì giờ đối ứng được, là điều anh nhắm đến, nên anh vừa uốn người giữ cho tứ chi mềm dẻo, vừa chăm chú dò xét tình hình đối phương.

Nhưng anh thấy không gì khó bằng dò tìm động tĩnh của Inukai Hyoma. Khuôn mặt hắn vốn gầy ốm xanh xao, thêm vào đó, đôi mắt không tỏ lộ chút gì là tình cảm hỉ nộ ai lạc cả. Đôi mắt khô khan lạnh lùng lúc thường đã khiến người nào nhìn vào phải chùn bước ấy, khi cầm kiếm đối mặt với nhau, lại biến thành bí ẩn cùng cực, không ai đoán được hắn đang suy nghĩ gì.

Bunshiro giương kiếm đứng tấn, đầu ngón chân dọ dẫm trên sàn, vòng qua phía phải. Cử động ấy chỉ để dụ Hyoma ra tay, nhưng Hyoma vẫn không đổi thế. Hắn cũng chỉ chuyển nhẹ người vòng qua phía phải mà thôi.

Hyoma cũng giương kiếm đứng tấn theo thế Bát song (9) cơ bản của môn phái, nhưng vị trí cườm tay, và cách xoạc chân tấn có phần khác với phái Kudon, tạo cảm giác nguy hiểm khó đoán ra được động tác tiếp theo. Không hiểu hắn học theo lưu phái nào trước rồi, nhưng cách tấn Bát song của Hyoma có vẻ còn chịu ảnh hưởng của môn phái cũ.

Đột ngột, Hyoma bấm chân sấn tới, không gây tiếng động nào cả. Thanh kiếm tre vươn nhanh vút xuống đầu thật mãnh liệt. Bunshiro không tránh, anh cũng sấn tới đánh bật kiếm đối phương. Nhân lúc tư thế của Hyoma hơi nghiêng đi, anh sấn tiếp, nhanh nhẹn chém vào tay cầm kiếm của đối thủ, nhưng Hyoma thối lui còn nhanh hơn, thoáng chốc đã cách anh ba tầm kiếm. Lưng không dao động, bước lui thật tinh diệu.

Bunshiro lại giương kiếm đứng tấn theo thế Bát song thì Hyoma cũng tấn theo Bát song. Hai bên từ từ rút ngắn khoảng cách, lần này Bunshiro chém trước. Anh tấn công ngay trước khi vào trong tầm xáp chiến của nhau. Xấn tới, chém mạnh vào vai đối thủ.

Hyoma né tránh. Vừa rút vai và chân lại tránh đòn, vừa lướt kiếm thành thế đỡ. Từ thế đỡ ấy biến ngay ra thế tấn Bát song bên trái để phản công tức thì, là chỗ phi phàm của Hyoma. Cú đánh nổi gió ấy vút vào ngang hông Bunshiro. Nếu thối lui không kịp thế nào anh cũng bị đánh trúng có thể gãy xương sườn. Nhưng thế chém của Bunshiro đã có thể chuẩn bị sẵn bước tiếp theo. Từ vị trí chém xuống vai, anh tức thì chuyển sang thế công mới.

Thế phản công của Hyoma nguy hiểm, nhưng thế chém hai giai đoạn và tốc độ của bước sấn tới của Bunshiro có phần thắng thế hơn một chút. Thanh kiếm của Hyoma trượt qua hông Bunshiro vừa lúc ngay giữa trán hắn bị đánh trúng. Đến Yada Sakunojo hồi còn sống chắc cũng phải ngậm miệng mà chịu phục cú chém vào mặt sắc sảo như thế.

Chắc chắn là Hyoma bị rúng động rồi, nhưng hắn mặt không đổi sắc, chỉ nói: "Chưa đâu!", rồi lại giương kiếm tấn theo thế Bát song.

Bunshiro cũng nhanh nhẹn quay về thế tấn Bát song. Anh thận trọng theo dõi xem mắt Hyoma đổi sắc như thế nào. Khuôn mặt hắn thì vẫn trơ lì khó đoán như trước, nhưng chăm chú nhìn hắn một hồi, Bunshiro phát hiện ra chút sơ hở nơi vai trái đối thủ. Chỗ sơ hở rất nhỏ, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa. Chỗ sơ hở ấy hiển hiện rõ ràng trong mắt anh như mời mọc chém vào đó. Nhưng anh vẫn còn dò xét kỹ xem mặt Hyoma có biểu lộ tình cảm gì khác lạ không. Đối thủ vẫn thủ thế bình thản. Anh liếc nhìn chỗ sơ hở nơi vai trái đối thủ. Nhưng ngay lúc đó, Bunshiro chợt hiểu ra là đã bị lừa. Đường kiếm như gió lốc, Bunshiro không kịp thấy, đã chém vào vai anh. Sức kiếm mạnh đến mức suýt đánh rớt thanh kiếm tre khỏi tay anh.

-"Chịu thua!". Bunshiro hét lớn, và lùi lại.

Nhưng Hyoma vẫn không dừng tay, uốn quặt tấm thân mảnh khảnh vươn tới chém tiếp. Đường kiếm hung bạo chém gần đến mặt anh, Bunshiro phải giương kiếm chặn lại. Góc đỡ quá tệ, hay vì thế kiếm của Hyoma quá mạnh, thanh kiếm tre của Bunshiro gãy đôi, vang lên một tiếng gãy khô khốc.

Hyoma vẫn bất kể, cứ chồm tới chém tiếp. Bunshiro giương nửa thanh kiếm nát te tua gắng gượng chống đỡ, anh lùi dần vào tường của võ đường.

Cả phòng náo động lên, lanh lảnh có tiếng thét "Dừng tay! Xong rồi!" của thầy Satake Kinjuro.

Hyoma ngừng lại, khuôn mặt lạnh băng không biểu lộ chút gì, mắt đăm đăm nhìn Bunshiro một hồi, rồi hắn quay người, đi mất vào phòng thay áo.

-"Các cậu làm gì thế?"

Satake lại gần, quát lớn, vẻ mặt bực tức. Ông là kỵ binh, lúc Lãnh Chúa về ở trong xứ thì ông không lấy giờ nghỉ nhiều được. Lúc này chỉ có thể đến võ đường 5 ngày một lần thôi. Hôm nay ông cũng đến trễ, lại thấy có chuyện như thế. Có lẽ ông bực vì ông lơ mắt đi chút xíu là bọn hậu sinh này tự chuyên tác quái ngay. Mặt ông hầm hầm.

-"Đấu kiếm vì tư thù là không được!".

-"Thưa không, đấu tập đấy chứ". Bunshiro kháng nghị.

Anh nhìn quanh. Môn sinh gần 20 người, bỏ tập luyện, chen nhau im lặng đứng chăm chú nhìn hai người đấu khẩu. -"Thưa, tôi đã kêu lên là chịu thua rồi".

-"Ohashi!"

Satake gọi Ohashi Ichinoshin từ đám môn sinh đã xem hai người đấu kiếm. Hôm nay các môn sinh huynh trưởng như Maruoka Shinsaku, môn sinh hạng tư là Tsukahara Kannosuke đều nghỉ tập, nên Ohashi lo việc bố trí tập luyện cho đàn em.

-"Bunshiro nói thế có đúng sự thật không?"

-"Thưa vâng, tôi có nghe như thế".

-"Thế sao không cản chúng lại?"

Ohashi cúi đầu, mặt đỏ bừng. Không ai nói ra, nhưng môn sinh trong võ đường lúc này có phần xa cách với Bunshiro, không như trước nữa.

-"Thôi, còn tập một hồi nữa đấy. Gắng lên!".

Satake nói, nhìn khắp mọi người, rồi đi về phía nhà chủ võ đường, như có công chuyện gì đấy.

Môn sinh trở lại tập luyện tay đôi với bạn đã chọn trước. Trong võ đường lại vang động náo nhiệt tiếng kiếm tre đập vào nhau, tiếng thét tấn công, tiếng chân dẫm mạnh trên sàn.

Bunshiro còn lớ ngớ tìm bạn tập thì nghe Ohashi Ichinoshin gọi anh.

-"Giọng cậu hô không rõ ràng khiến ta bị thầy Satake mắng đấy".

Ohashi cằn nhằn với giọng tức giận, mặt nung núc thịt còn điểm lắm vết mụn đỏ bừng lên vì giận.

Ohashi 23 tuổi, con nhà võ sĩ 120 hộc trong thành. Nghe nói là muốn đi làm rể nhà nào đấy cuống quít lên, nhưng mãi chẳng có mối lương duyên nào, nên lúc này hay thậm thụt ra vào mấy quán rượu mờ ám quanh xóm Somekawa hoan lạc ấy, để trút bớt nỗi hậm hực vì hẩm hiu.

Ai cũng nghe rõ ràng mà. Bunshiro nghĩ. Mọi người đều đã ngừng tập, chăm chú theo dõi Bunshiro và Hyoma đấu tập với nhau. Chắc chắn là ai cũng đã nghe rõ ràng lời anh hô chịu thua rồi.

-"Xin tha lỗi. Lần sau sẽ cẩn thận hơn". Bunshiro nói.

-"Hừm. Mà trông cậu bị Hyoma đánh bại đấy, bị kẻ bên ngoài mới vào đánh thua không chống đỡ gì được như thế, thì võ đường này bỏ công rèn luyện cậu để làm gì chứ!". Ohashi càm ràm dai dẳng. -"Sau buổi tập thì ở lại đây, ta luyện cho một hồi nữa".

-"Cảm ơn anh".

Bunshiro nói, nghĩ thầm hôm nay sẽ bị hành hạ tơi tả.

Quả thật, anh chịu đựng Ohashi hành hạ đến khoảng đâu 5 giờ chiều.

Bunshiro ngồi nán lại trên sàn cứng, gồng mình chịu đau từ những vết chém nhức nhối trên vai và cánh tay. Anh mệt mỏi quá, không đứng lên ngay được.

Lọt qua song cửa trên cao, ánh nắng cuối cùng trong ngày nhuộm vàng khung tường ván ép. Nghe có tiếng chân ở cửa ra của võ đường, có vẻ Ohashi thay áo quần xong, ra về.

Ta đã đánh được một nhát kiếm đấy. Bunshiro nghĩ thầm, chầm chậm đứng dậy. Anh đã nhìn ra một chỗ sơ hở, nhanh nhẹn chém một nhát tuyệt đẹp xuống ngay mặt Ohashi, và cũng bởi nhát kiếm ấy mà anh bị Ohashi nổi nóng chém túi bụi vào người, thế nhưng anh bằng lòng với đường kiếm xuất thần ấy lắm.

2

Từ cửa sau ra vườn, múc nước giếng lau mặt, lau mồ hôi lưng ngực, Bunshiro chợt nghe tiếng ho của thầy chủ võ đường từ nhà trong.

Thầy Ishiguri Yazaemon bị cúm, mấy ngày nay không thấy ra ngoài.

Anh im lặng lau mình, lá cây cử bên giếng rơi chạm thành tiếng nhẹ trên thành giếng. Bunshiro đậy nắp giếng lại, trở vào. Anh thay áo quần trong phòng thay đồ đầy mùi mồ hôi xong, kiểm điểm cửa nẻo võ đường đã đóng kỹ, rồi ra về.

Xóm Kaji (thợ rèn) có võ đường Ishiguri này lúc Lãnh Chúa dời đến từ xứ Shimotsuke, thời Genna (Nguyên Hòa 1615-1624), đã là chỗ có nhiều xưởng thợ rèn, nhưng ngày nay thì không còn hình tích nữa, trong xóm phần lớn là nhà ở cũ kỹ. Ngoài ra, gần bờ sông thì có vài nhà buôn nhỏ, chỉ còn là một xóm yên tĩnh. Đám thợ rèn đã dời ra một xóm mới phía nam của thành, gọi là xóm Shin-Kaji, có đủ thợ rèn đao kiếm, súng ống và vật dụng.

Bunshiro đi xuyên qua giữa một quán mì nhỏ và một tiệm đồ cũ vắng khách, ra đến đường ven sông. Lúc trước anh hay qua cầu Chidori gần đấy để về nhà cũ, nhưng bây giờ thì đi dọc theo bờ sông đến tuốt hạ lưu rồi qua cầu gỗ cũ kỹ Kaneyama ở đấy. Xóm này ở mép hướng đông của thành, ra vẻ đúng là xóm hẻo lánh, thường thấy có người đàn ông ở trần, không biết làm nghề gì mà cứ cọ rửa mấy cây cột gỗ trắng, mồ hôi lóe sáng trên da, và đây đó có các lò nung vắng người của đám thợ gạch ngói, ùn ùn tỏa khói. Đi thêm chút nữa thì thấy giữa những nhà mái thấp có những khoảng đất trống chất đầy chiếu cũ và thanh gỗ mối mọt ăn thủng nát. Trẻ con chạy chân không quanh đấy.

Mọi người đứng xem có vẻ hứng thú lắm! Bunshiro nhớ lại cuộc đấu với Hyoma.

Đấu tập thì các cặp môn sinh thích tập với nhau, tự mình tập ở các góc võ đường, chẳng ai phải ngừng tập xem ai khác cả. Thông thường thì ai cũng chuyên chú tập phần mình mà thôi. Thế nhưng khi Bunshiro và Inukai Hyoma bắt đầu đấu tập, thì phần lớn các môn sinh đều ngừng tập, xúm lại quanh hai người để xem. Bunshiro nghĩ là mắt họ có vẻ háo hức như sắp được xem chuyện lạ xảy ra nữa.

Từ ngày biến cố chấn động trong thành mùa hè ấy xảy ra, tất nhiên đàn anh Maruoka Shunsaku, trưởng tràng của võ đường, cùng đàn em Sugiuchi Michizo, và hai, ba bạn nữa, vẫn tiếp xúc với Bunshiro bình thường không khác gì lúc trước, còn mọi người khác thì thay đổi thái độ một cách kỳ lạ. Có kẻ nhìn Bunshiro với vẻ thù hận, có kẻ có thái độ và lối nói xa lánh. Họ từ chối không muốn Bunshiro đến gần như ngày trước. Lâu nay, Bunshiro vốn được xem là tay kiếm trẻ tuổi có triển vọng nhất nên họ thích thú khi thấy Inukai Hyoma xuất hiện như đối thủ xứng tay của anh.

Hyoma là con thứ của một võ sĩ từ trước đã làm việc lâu năm trong nhà việc của phiên trấn trên Edo, nay chuyển về làm việc ở ngay trong phiên trấn, bổng lộc là 300 hộc, thuộc hạng cao cấp trong phiên trấn. Tính hạnh của Hyoma, thì như Ippei đã nói, có phần kỳ quái, gặp người không ưa thì chào hỏi cũng không. Ít nói, khi mở miệng thì cất giọng thị thành Edo đĩnh đạc, kiêu hãnh, lối nói mỉa mai như đâm dao nhọn vào người ta. Không hẳn là ngạo mạn, nhưng thái độ, lối nói ấy của Hyoma dễ bị xem là khinh thị người ở xứ này, vốn thận trọng, thuần phác. Nhưng thật sự trong lòng hắn có nghĩ thế không thì không biết, có thể hắn chỉ là người có tính khác thường, thế thôi. Hyoma chẳng giấu diếm gì tính cách ấy, nên vừa vào võ đường đã tạo phản cảm ngay, nhưng hắn chẳng bận tâm chuyện bị người chung quanh ghét bỏ.

Hắn có vẻ thích tập kiếm, không bỏ tập một ngày nào. Hyoma không mất bao lâu để nhìn ra đối thủ xứng tay từ động tác của Bunshiro vừa trở lại tập ở võ đường. Hyoma quan tâm ngay đến Bunshiro, nên dần dần gạt ra ngoài mọi môn sinh khác, để chọn được Bunshiro làm đối thủ tập kiếm. Nhưng trong lúc tập với Bunshiro, có vẻ Hyoma đã nhận thấy tài nghệ mình vẫn không sao bằng được kỹ thuật và lực lượng của anh, nên từ đó, hắn tìm dịp để khiêu khích anh đấu tay đôi.

Ở võ đường, trong lúc tập hay sau khi tập luyện xong, có tập đấu hai người thì cũng không bị cấm. Còn có thể nói là võ đường khuyến khích việc môn sinh thử dùng những cách thế vừa học để đấu tập với nhau nữa. Thế nhưng, cuộc đấu giữa Bunshiro và Hyoma thường không phải là thứ đấu tập nhẹ nhàng thông thường của võ đường, mà rất hung bạo kịch liệt, dần dần ai cũng để ý. Thầy chủ võ đường, thầy Satake, hoặc trưởng tràng Maruoka Shunsaku bắt đầu phải xem chừng cuộc đấu tập của hai người. Không cho đấu ngay, hoặc cho đấu thì phải có người khán trận, tùy tình hình sẽ can thiệp. Nhưng khi không có ai kiểm soát, cuộc đấu tập của hai người tha hồ triển khai đến mức nào họ muốn.

Mọi người đứng xem hứng thú lắm, như Bunshiro nghĩ, là những khi hai người tha hồ đấu tự do như thế. Anh hiểu những lúc như thế, không khí chung quanh đậm đặc tâm tình người ta muốn hai kẻ họ ghét ấy ra sức đâm chém lẫn nhau, càng tàn độc họ càng thích thú. Đối với anh, họ không chỉ có tâm tình muốn xa lánh đứa con của kẻ phản nghịch, mà từ trước, họ vốn đã có lòng ganh ghét thầm lén đứa con của một võ sĩ hạng thấp, bổng lộc không bao nhiêu, mà lại có tài năng sử dụng kiếm siêu quần. Lòng ganh ghét ấy tỏ lộ sôi nổi đồng loạt trong những lúc xem đấu như thế.

Anh hiểu rõ điều ấy. Nhưng có lúc anh nghĩ: Tội gì mà phải chiều theo họ! Có ngu mới thành người diễn trò cho họ xem. Từ chối làm người diễn trò cũng dễ thôi. Chỉ cần từ chối khiêu khích của Hyoma là xong. Sự thực, anh có lần đã bị trưởng tràng mắng cho vì chuyện đấu kiếm ấy. Manuoka đã nói:

-"Chúng mày có đấu tập đâu. Đánh lộn đấy".

Bunshiro hiểu bị mắng như thế cũng không oan gì. Vậy mà, dù đã hiểu được mọi khía cạnh ấy, Bunshiro vẫn chưa khi nào từ chối thách thức của Hyoma. Bị khiêu chiến là anh nhận đấu ngay. Và khi nhận thách đấu, nắm chặt thanh kiếm tre trong tay, lòng anh lại cuồn cuộn lên cảm giác cay đắng về thế gian dời đổi sau cái chết tức tưởi của cha anh, mà ngày thường phải nấp kín dưới đáy lòng hoang tàn thê lương của anh. Thách đố thô bạo của Hyoma hẳn đã khơi dậy tình cảm thê thảm sâu kín trong lòng anh. Chẳng hiểu lý do tại sao, Bunshiro chỉ biết nắm chặt tay kiếm mà đấu với Hyoma thôi. Hầu như quên hết chuyện phải trái, anh chỉ quyết đấu mãnh liệt như loài thú. Và khi giao đấu, có lúc anh chợt nghĩ có khi đối thủ Hyoma cũng có tâm sự u uất cay đắng gì đấy muốn giải tỏa cả ra, không khác gì anh.

Bunshiro bước nhanh qua xóm nhà thấp, cây lá úa vàng, về đến xóm Fukiya nhà mình. Vai và cánh tay bị Ohashi đánh còn đau nhức, nhưng nỗi thê lương trong lòng đã dịu bớt. Qua khỏi hàng rào cây lá của dãy nhà, Bunshiro mở cửa nhà mình, từ nền đất nói vọng ra sau: "Thưa mẹ, con đã về", thì thấy mẹ anh bước ra ngay.

-"Cô Fuku nhà Koyanagi mới ra về đấy...". Mẹ anh nói, vẻ mặt nôn nao. -"Con không gặp cô ấy trên đường về sao?"

-"Thưa mẹ, không". Bunshiro đáp, có chút ánh sáng thắp lên trong lòng anh. Lâu rồi mới nghe lại tên Fuku.

-"Này con, cô ấy phải lên Edo gấp nên đến chào để đi đấy".

-"Edo à? Thế thì oai quá!"

-"Nghe đâu, ngay ngày mai là đi rồi. Cô vào làm trong nội cung của nhà phiên trấn trên Edo đấy. Mà chuyện đó nói sau cũng được...". Bà chỉ tay ra ngoài. -"Con chạy theo xem sao. Có thể cô ấy mới ra đâu đấy chưa xa..."

-"Thưa mẹ, vâng".

Bunshiro vất kiếm tre và áo quần tập nơi khung cửa rồi phóng ra ngoài. Anh cắm đầu chạy, tìm Fuku trên các đường anh đoán là cô đi qua. Cuối cùng, anh chạy ra đến tận đường bờ sông, vẫn chẳng thấy Fuku đâu cả.

3

Bunshiro qua cầu, ra phía bên kia sông Gokengawa tìm xem. Cũng không thấy dáng cô Fuku.

Anh qua cầu trở lại, tìm trên đường từ xóm Fukiya ra đến bờ sông lần nữa, cũng không thấy.

Thật tiếc. Anh nghĩ. Nếu Ohashi không giữ lại hành hạ thì anh đã kịp gặp cô Fuku rồi. Mà trước đó nữa, giá anh đừng đấu tập với Inukai Hyoma thì đã về nhà từ lâu rồi.

Cô ấy lên Edo à? Anh suy nghĩ. Như mẹ anh nói thì có lẽ không phải cô vào làm phụ bếp hay quét dọn gì trong nhà phiên trấn trên Edo, mà là vào nội cung kia. Như thế có lẽ Fuku vào giúp việc cho bà vợ chính của Lãnh Chúa. Thế là hoàn cảnh thay đổi bất ngờ, giữa anh với Fuku lại có thêm một khoảng cách khó vượt qua.

Dù vậy, Fuku đã chịu khó tìm đến nhà anh, ở cái xóm Fukiya hẻo lánh này. Anh nghĩ hẳn là Fuku đã tự mình quyết định chuyện tìm đến tận nhà anh để chào trước khi lên Edo. Bởi bà mẹ của Fuku là người như thế đấy. Từ lúc biến cố xảy ra, bà không hề đặt chân sang nhà Bunshiro nữa. Ông Jinbee thì tốt bụng, nhưng chẳng phải là người để ý để tứ, nên chẳng phải ông bảo con tìm đến tận đây chào hỏi để đi Edo đâu.

Fuku có lẽ tự mình nghĩ ra mà tìm đến nhà mình. Hẳn là để gặp mình rồi. Bunshiro nghĩ đến điều đó, từ nãy còn giấu kín trong lòng, bây giờ thì đã hiển hiện rõ ràng. Điều suy đoán ấy tuy chẳng có căn cứ gì, nhưng có phần sự thực không chối bỏ được. Có lẽ không gặp mình, cô ấy đã buồn lòng mà trở về rồi. Nghĩ thế, anh cảm thấy tâm tình ấy của Fuku truyền sang anh khiến lòng anh nặng trĩu xuống. Anh không nghĩ đến chuyện nếu gặp Fuku thì như thế nào. Anh cứ tiếc mãi chuyện không gặp được cô mà thôi.

Quay đầu lại thì thấy xóm nhà anh. Đám ruộng đã gặt xong trơ màu đen phủ một làn sương mỏng, ở khoảng đồng ruộng tiếp giáp với xóm nhà, sương có phần đậm màu hơn. Sâu bên trong, thấy có ánh đèn thấp thoáng.

Bunshiro rời đường bờ sông, men theo đường cỏ dại trở về xóm. Yonosuke và cô Fuku lên Edo, Ippei thì vào làm trong thành, không còn gặp nhau như trước nữa. Kiếp sống nhờ vào của bố thí chẳng biết tương lai sẽ ra sao, mà anh càng ngày càng bị cô lập.

Anh về đến đường trước dãy nhà mình đúng lúc có người đàn ông cao lớn bước ra khỏi hàng rào. Anh ta liếc nhìn Bunshiro rồi quay phắt đi, bước ngược về hướng khác, phút chốc hòa lẫn vào bóng tối.

Lại đến nữa! Bunshiro cảm thấy lòng mình trĩu nặng trở lại.

Người võ sĩ trẻ có hình dáng và phong cách hào hoa ấy hay đến nhà di tộc của anh Yada Sakunojo ở khối bên cạnh nhà Bunshiro. Nhà ấy chỉ còn bà mẹ và cô con dâu. Bà mẹ mù, hầu như không hề bước ra ngoài.

Nhà Yada cũng giống như nhà Bunshiro, từ ngày Sakunojo mổ bụng, thì bổng lộc bị cắt giảm, và dọn về ở dãy nhà này cho đến khi có lệnh mới.

Không hiểu người võ sĩ trẻ đến thăm ấy có quan hệ như thế nào với nhà Yada. Nhưng gần đây, từ những lời nói xa xôi của mẹ anh, Bunshiro biết rằng giữa anh ta và người con dâu còn quá trẻ để trở thành góa bụa của nhà Yada, đã có chuyện gì đấy không ổn. Một đêm nọ, có người trong dãy nhà này về trễ, tình cờ mà gặp ngay cô dâu nhà Yada và người võ sĩ trẻ kia nắm tay nhau bước vào từ đường ruộng tối tăm.

Không hiểu lời đồn ấy có thật đã xảy ra không. Mà người võ sĩ trẻ ấy là ai cũng không rõ. Bunshiro chỉ thấy anh ta đến nhà Yada nhiều lần, chẳng biết để làm gì, và đôi khi lại thấy cô dâu nhà Yada, tên là Yoshie, đưa anh ta ra đến hàng rào của dãy nhà này.

Nhưng lời đồn trong dãy nhà đã tạo cho Bunshiro cảm giác khó chịu. Vì thế, gặp mặt cô dâu nhà Yada, anh chỉ cúi chào nhẹ rồi tránh mặt ngay.

Cô dâu góa của Yada là người xinh đẹp. Lúc Bunshiro nhìn thấy cô trong chùa Ryuko, anh đã thấy cô đẹp rồi, mà dưới ánh sáng ngày thường, làn da cô trắng, hồng hào, đôi má mịn màng, đôi mắt đen trong vắt, đuôi mắt có hơi xếch lên ương ngạnh, có góa chồng vẫn còn nét đẹp chói lọi của một người vợ trẻ. Chân tay cô thon dài, dưới lớp áo kimono, khuôn ngực và vòng hông tròn đầy nổi vun lên đẹp chói cả mắt.

Bunshiro không khỏi nghĩ cô và anh Yada đã mất ấy quả là xứng đôi trai tài gái sắc. Anh Yada cao lớn, phong mạo ra dáng đàn ông, đã là một chàng trai tuấn tú vượt bậc. Vì vậy, Bunshiro không muốn hình ảnh đẹp đôi ấy bị hoen ố đi vì những chuyện bê bối. Chuyện tình cảm nam nữ thì Bunshiro chỉ biết tí chút mà thôi, nhưng anh bận tâm vì vẻ tươi tắn có phần quá đáng của cô vợ góa của anh Yada. Bunshiro bực bội vì dự cảm rằng một ngày nào đó, cô ấy có lẽ sẽ phản bội anh Yada đã quá cố.

4

Khi anh trở về nhà, mẹ anh hỏi ngay:

-"Có gặp cô ấy không?"

-"Thưa mẹ, không. Con tìm mãi mà chẳng thấy cô ấy đâu".

-"Tội nghiệp!". Bà Toyo nói.

Dợm bước về phòng, Bunshiro chẳng hiểu bà định nói gì, quay đầu lại dò hỏi thì mẹ anh bảo là nói về cô Fuku đấy.

-"Cô ấy phải lên Edo nên muốn gặp con từ biệt".

-"Có lẽ thế..."

-"Đáng lẽ mẹ đừng trao quà tiễn biệt cho cô ấy, mà để con đến nhà Koyanagi đưa thì tốt hơn".

-"Không, chưa hẳn tốt đâu mẹ ạ". Bunshiro mỉm cười. -"Mẹ đã gặp cô ấy, thế là được rồi".

Bunshiro nói xong, bước về phòng mình, nghe mẹ anh bảo với theo là cơm sắp xong rồi.

Bunshiro nghĩ mẹ anh hiểu cả mọi chuyện. Rằng cô Fuku thật ra là đến để gặp anh, và có lẽ cô ấy giấu nhà mà tìm đến đây.

Bunshiro đập đá lửa thắp đèn. Anh cuốn ống tay áo lên xem lại hai vết thương bị Ohashi đánh nơi cánh tay. Vết trầy đỏ đã biến thành màu đen, có vẻ tự nó sẽ lành, còn chỗ bị chém vào thì bầm xanh đen, có vẻ sưng lên, vẫn còn đau nhói, nếu cứ đau thế này suốt đêm thì trước khi ngủ, có lẽ nên chườm nước lạnh thì hơn.

Anh mơ màng nghĩ: muốn gặp Fuku quá.

Khi nghĩ đến Fuku, lòng anh cảm thấy tươi sáng lạ thường. Có lẽ vì Fuku cũng là người mà anh có thể tin cậy được, tuy trong ý nghĩa có hơi khác với Ippei hay Sugiuchi Michizo. Chắc chắn là Fuku lý giải được cảnh ngộ chua xót của Bunshiro, bỏ ra ngoài tai lời dè bĩu của thiên hạ về anh là con của kẻ phản nghịch hay tội phạm. Cô có tâm tình của người thiếu nữ thùy mị, có chút ngây thơ nhưng hiền dịu và thẳng thắn. Chứng cớ là cô đã cố công tìm đến anh để cho biết việc cô phải lên Edo. Có lẽ cô tìm đến anh để nói với anh rằng mặc cho người chung quanh thay đổi ra thế nào đi nữa, chính cô hoàn toàn không thay đổi chút nào, ngày xưa như thế nào, bây giờ vẫn thế, mà có thể cả khi lên Edo, cô cũng không thay lòng đổi dạ.

Càng nghĩ thế, Bunshiro càng tiếc chuyện không gặp được cô là chuyện qua đi không còn níu kéo gì lại được nữa. Nếu quả thật cô đã mang tâm tình như thế mà tìm gặp anh, thì có phải điều đó không khác gì cô thổ lộ nỗi lòng của cô? Chưa nói đến chuyện anh phải đáp lại như thế nào, chỉ biết trường hợp như thế, anh phải gặp mặt cô ấy mới đúng. Sơ hở khiến anh bỏ mất dịp may có lẽ là cuối cùng, bởi từ nay về sau, có thể không còn gặp được nhau nữa. Nghĩ thế, anh cảm thấy buồn vô hạn.

Đúng lúc ấy, có tiếng mẹ anh từ ngoài gọi vào bảo anh ra cửa đón khách. Tiếng gọi thình lình của mẹ anh đã cứu anh lên khỏi hố thẳm tâm tình yếu đuối ấy.

Bunshiro bước ra ngoài phòng, cảm thấy mặt mình đỏ bừng vì thẹn.

-"Khách là ai thế mẹ?"

Bà Toyo kéo tay áo Bunshiro, ghé vào tai anh thầm thì tên người.

Anh nghĩ thầm thái độ của mẹ thật khác lúc bình thường, bà đâu có dáng điệu mất bình tĩnh như thế. Nhưng quả thật, tên người được thầm thì vào tai đủ sức để khiến Bunshiro kinh động.

Bunshiro vội vàng bước ra cửa. Khung cửa hẹp, đơn giản, không có cả bậc cửa. Trong khoảng nền đất mờ tối, có một người võ sĩ cao lớn đứng đấy. Lễ phục chỉnh tề, có lẽ vừa từ trong thành đến.

Người đàn ông có vẻ trạc tuổi 40 ấy thấy Bunshiro thì nói với giọng vồn vã chân thành.

-"A, cậu là con trai ông Maki Sukezaemon đấy à!".

-"Thưa vâng, tôi là Maki Bunshiro. Xin chào ra mắt ngài". Bunshiro sửa vạt áo ở gối, ngồi xuống nói như thế.

Người võ sĩ gật đầu nhẹ.

-"Ta đã nghe Sukezaemon nói về cậu. Như vừa thưa với mẹ cậu, ta là Fujii Munezo ở xóm Yamabuki, làm Đô thống cai quản quân sĩ trong thành".

-"Thưa vâng, tôi có được nghe tiếng ngài nhiều..."

-"Đáng lẽ ta phải đến đây sớm hơn, nhưng...". Nói đến đây, Fujii chợt ngước nhìn lên trần nhà, và đưa mắt nhìn vào phía trong, rồi hừm một tiếng và nói tiếp. -"Quả thật nhà này hư nát quá, đúng như ta đã nghe nói".

-"Thưa ngài, cũng không dám xin gì hơn được".

-"Mà chuyện đó thì chưa nói vội. Ta mới từ thành về, ghé lại đây vì trước khi mất, Sukezaemon đã có nhờ ta chút chuyện. Lễ thành nhân của cậu đấy".

-"......"

-"Chuyện Sukezaemon nhờ là muốn làm lễ thành nhân cho cậu vào mùa thu này, nhờ ta đứng ra làm người đỡ đầu. Tất nhiên, ta đã vui lòng nhận rồi".

Bunshiro bàng hoàng nhìn ông Fujii. Ông là võ sĩ cao cấp, lương 300 hộc, thân thế vượt hẳn nhà Maki. Chuyện bất ngờ quá làm Bunshiro bối rối.

-"Thưa, cha tôi đã nhờ ngài Fijii là vì..."

-"Cậu có thắc mắc cũng phải thôi. Võ đường Matsukawa ở xóm Goyumi đấy, 20 năm trước đã là võ đường Tomura dạy kiếm thuật phái Choku". Fujii nói. Giọng ông có âm hưởng hoài niệm về những ngày tháng xa xưa. -"Cha cậu và ta đã là đồng môn ở đấy. Thời trai trẻ ấy thì đã cùng nhau tung hoành náo động lắm kia. Ha Ha Ha!"

Fujii vui vẻ bảo là người bạn thân cũ đã nhờ đến nên ông rất hài lòng, thế nào cũng muốn đỡ đầu cử hành nghi lễ thành nhân cho Bunshiro.

-"Nhưng đã có chuyện như thế xảy ra, nên năm nay thì chưa làm được đâu. Mùa xuân năm sau thì sao nào? Ta cũng sẽ bàn với ông Hattori Ichizaemon, nhưng hôm nay đến đây để cho cậu biết mà chuẩn bị trước".

-"Nhưng thưa ngài Fujii...". Bà Toyo từ lúc nãy đã mang đèn lồng đến ngồi sau lưng Bunshiro, lên tiếng. -"Nghe lời ngài ban cho, tôi ứa nước mắt biết ơn ngài khôn xiết, nhưng Sukezaemon là phận bị xử phạt vì tội phản nghịch đối với phiên trấn, cho dù khi còn sống đã có thưa với ngài chuyện ấy, nhưng chỉ sợ ngài có quan hệ gì với gia đình kẻ tội phạm này thì di hại đến ngài chăng?"

-"A, thưa bà Maki". Ông Fujii nói lớn. -"Cảm ơn bà đã nghĩ cho tôi, nhưng xin đừng lo lắng gì về điều đó. Về sự kiện đã xảy ra mùa hè vừa rồi, thì đối với ông Sukezaemon, tôi không phải là kẻ đối địch mà cũng chẳng phải là người đồng bọn. Mà sự kiện ấy cũng không dính dáng gì đến sự thật là Sukezaemon và tôi có thâm giao từ lâu rồi. Bạn thân của tôi đã nhờ thì tôi thế nào cũng phải làm cho xong, nếu có kẻ nào can thiệp vào, thì Fujii Munezo này sẵn sàng đối phó. Chuyện này xin cứ để tôi lo liệu..."

-"......"

-"Riêng tôi thì nghĩ phiên trấn đã làm điều thất sách khi xử cả 12 người phải mổ bụng. Sukezaemon, Ichiyanagi Yaichiro, Yada Sakunojo,... mất đi những người tài giỏi hữu ích như thế, chắc chắn sau này phiên trấn sẽ phải thấm thía về tổn hại ấy. Điều này thì không chỉ mình tôi, mà nhiều người cũng đã nói như thế. Việc tôi làm tròn chút di nguyện của Sukezaemon thì không còn ai dị nghị gì đâu".

-"Thưa, nếu được như thế thì cũng xin ngài làm sơ sài cho..."

-"Thưa bà, chuyện này tôi cũng có chủ ý rồi". Fujii mỉm cười. -"Làm gì khiến người ta chú ý thì họ sẽ làm phiền cả tôi nữa. Xin đừng lo, cứ giao việc này cho tôi và Hattori là được".

Bunshiro đưa ông Fujii ra đến ngoài hàng rào. Ông chào rồi quay bước, đi khuất trong bóng đêm rồi mà Bunshiro vẫn còn đứng trên đường, lặng người nhìn ánh đèn nhỏ nhoi ở đâu khoảng xóm Kanai hay Aobatake phía bên kia sông Gokengawa.

Chuyện thật bất ngờ khiến Bunshiro chưa hết hưng phấn. Thông thường, trưởng tộc hay quan trên trong tổ được nhờ làm người đỡ đầu trong lễ thành nhân, nên khi nghe cha anh bảo sắp phải tìm người đỡ đầu cho anh, Bunshiro nghĩ ông sẽ nhờ người anh ruột của anh, Hattori Ichizaemon, hoặc trưởng tổ Xây dựng. Ông đã nhờ đến Fujii Munezo, cao quan trong phiên trấn, là chuyện vượt quá xa dự tưởng của anh. Ông Fujii xuất hiện, như tăng sức cho Bunshiro lúc đang ở dưới đáy vực của thất vọng.

Khi anh trở vào nhà, mẹ anh thắp đèn trên bàn thờ Phật, chắp tay khấn vái. Bunshiro cũng đến ngồi sau lưng mẹ.

--------------------------
 (9) -  Bát song : Hasso, thế tấn giương kiếm lên trên vai, lưỡi kiếm hơi nghiêng vào trong, làm thành một nửa chữ Bát. Tấn bên vai phải, vai trái, thành hai (Song) nửa của chữ Bát.