Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
Nguyên
tác: Fujisawa Shuhei
|
|
Dãy nhà dành cho tổ Xây-dựng (1) của phiên trấn Unasaka có một đặc điểm không thấy được ở các dãy nhà của các tổ làm việc khác hay của đám tạp dịch. Đó là dòng sông nhỏ chảy qua ngay sau dãy nhà, bề ngang chưa đến hai thước, được người trong tổ sử dụng nâng niu như một vật báu quý giá vô cùng. Từ chân thành cách khoảng không mấy xa về hướng tây nam, có một ngọn đồi nhô cao. Dòng sông nhỏ kia là một trong vài dòng nước chảy xuống từ những mạch sâu trên ngọn đồi ấy; dòng nước chảy ngang qua khoảng ruộng đồng mênh mông, vào đến góc tây bắc ở chân thành, nơi có dãy nhà của tổ thì rời ngay xóm nhà dân mà ngoằn ngoèo như rắn bò về hướng đông bắc, cuối cùng nhập vào hạ lưu sông Gokengawa. Người trong tổ giặt rửa trên sông, múc nước sông tưới vườn rau, hay chùi rửa trong nhà. Dòng nước nông không ngừng chảy thành tiếng róc rách nho nhỏ, nước trong thấy sỏi cát dưới đáy, đến cả vệt lưng đen của đám cá nhỏ thỉnh thoảng lội ngược dòng nước cũng thấy được rõ ràng. Cho nên trong mùa ấm áp, buổi sáng vẫn thấy có người ra bờ sông khoát nước rửa mặt. Dòng sông Gokengawa chảy qua phố chợ là sông lớn có thuyền chở hàng hoá qua lại, có con đường lát đá ra đến bờ nước chỗ sông cạn, dùng làm chỗ bốc giở hàng hoá, và người trong các nhà buôn ra đó giặt rửa, nhưng có lẽ vì chất đất hoặc vì dòng nước đã vấy bẩn sau khi chảy qua phố chợ nên nước có màu vẩn đục. Chẳng có ai rửa mặt bằng nước sông ấy cả. So sánh như thế thì có thể nói rằng người trong tổ Xây-dựng, ai cũng cho chuyện có được dòng nước trong đến rửa mặt được ngay sau nhà mình là một ân sủng trời cho. Tuy không ai vênh vang tự đắc đặc biệt gì về chuyện ấy, nhưng trong lòng, họ thầm hài lòng lắm về ân huệ của trời đất. Maki Bunshiro cũng là một người thầm nghĩ như thế. Bunshiro ra khỏi cổng trước, liền nắm khăn lau đi vòng ra sau nhà. Mẹ anh vốn là người nghiêm chỉnh trong mọi sự, không ưa chuyện người trong nhà dùng nước sông sau nhà để rửa mặt thay cho nước giếng, bảo là thô tục, thế nhưng những ngày trời đẹp thì Bunshiro không cưỡng nổi sự lôi kéo của không khí ngoài trời nên anh hay ra bờ sông sau nhà. Chứ ngay cả cha của anh thỉnh thoảng cũng ra con sông nhỏ ấy rửa mặt, và cất tiếng lớn chào hỏi láng giềng kia mà. Bunshiro là con nuôi của nhà Maki; bà Maki, mẹ nuôi của anh là em của cha ruột anh, tức là cô ruột của anh; nhưng anh có phần thương kính cha nuôi hơn là người mẹ nuôi nghiêm khắc. Cha nuôi của anh, ông Sukezaemon là người đôn hậu ra dáng đàn ông. Dãy nhà của tổ Xây-dựng là chỗ cư trú của đám võ sĩ thuộc hạ lương dưới 30 hộc (2), nên các căn nhà đều nhỏ, nhưng có lẽ nhờ vị trí ở xa phố chợ nơi chân thành, nên căn nào cũng có đất rộng 8, 9 trăm thước vuông, làm vườn trồng rau xong cũng còn dư đất. Giữa các khu đất nhà hay sau vườn các nhà thường trồng những hàng cây lớn như cây cử, sồi, sam, phong, mận,...; mùa đông lá rụng cả rồi thì không thấy gì là nhiều cây cối, nhưng sang hè thì lá cây um tùm đến không thấy được căn nhà bên cạnh. Bunshiro vừa ra đến bờ sông thì thấy cô Fuku (Phúc)nhà láng giềng đang giặt áo ở đấy. -"Chào em". Bunshiro nói. Cô Fuku nghe tiếng, quay nhẹ đầu về phía Bunshiro, gật đầu chào, nhưng không thốt ra lời nào. Đến phiên Bunshiro xoay người ngồi xuống như giấu mặt đi. Khuôn mặt trắng ngà của cô Fuku bị che khuất, thay vào đó, anh thấy bộ mông tròn lẳn của cô gái. -"Hừm". Bunshiro cười thầm. Cô Fuku láng giềng, con gái của ông Koyanagi Jinbee, ngay từ nhỏ vốn ít nói, nhưng lúc trước khi nào thấy Bunshiro cũng thường chào hỏi sáng chiều bình thường như mọi người khác. Bunshiro không nhớ là từ lúc nào, cô ấy đổi sang thái độ hờ hững như ban nãy. Hẳn là khoảng đâu một năm trước đây. Khoảng đó, có lẽ anh đã làm gì phật lòng cô ấy rồi, nhưng anh nghĩ mãi không ra là điều gì. -"Mà chuyện đó thì cũng chả cần phải suy nghĩ. Con gái dậy thì đó thôi". Bạn thân của anh là Owada Ippei đã quả quyết thẳng thừng như thế, khi anh đưa chuyện này ra hỏi. Cùng có mặt lúc đó là một người bạn thân khác, Shimazaki Yonosuke vốn là người nghiêm túc mực thước, nên không hiểu "dậy thì" nghĩa là gì, cứ bắt Owada giảng giải rồi căn vặn đến mức cả hai cùng toát mồ hôi ròng ròng. Cho đến bây giờ, Bunshiro còn nhớ lần đó, nhưng anh vẫn còn nghi ngờ điều mà Owada đã khẳng định dễ dàng như thế. Bởi cô Fuku mới 12 tuổi mà. Nghe đâu mẹ anh là Toyo vào làm dâu nhà Maki Sukezaemon hồi 13 tuổi, người ta bảo ngày xưa chừng đó tuổi đi lấy chồng là chuyện đương nhiên, thế nhưng bây giờ đâu còn giống như ngày xưa nữa. Bunshiro cũng biết rằng thời nay thì gả con gái đi lấy chồng trước tuổi 20 là được rồi. Ngay trong nhà Bunshiro đấy, chị ruột của anh là Kie, mùa thu năm ngoái đã lấy chồng là Ishizuka Han-nojo trong thành, vào tuổi 18 đó thôi. Cô Fuku có lẽ còn nhỏ quá cho chuyện "dậy thì" ấy. Bunshiro khoát nước ào ào để rửa mặt. Nếu có mẹ anh bên cạnh, hẳn là bà đã mắng ngay cho là thô lỗ, nhưng lúc này bên cạnh anh không phải là mẹ, mà là cô Fuku ít nói mà Owada cho là đã "dậy thì". Rửa mặt xong, Bunshiro sẵn tay cầm khăn ướt lau cổ xuống đến ngực và hai cánh tay. Làn da đẫm mồ hôi vì nóng nực suốt đêm qua, bỗng thấy mát mẻ dễ chịu. Trong lòng đầy cảm giác khoan khoái, Bunshiro dõi mắt ngắm những ruộng đồng trải dài phía bên kia sông. Khắp một vùng đồng ruộng xanh tươi đón nhận ánh nắng sớm ban mai dần dần ửng hồng, tuy đằng xa tắp kia, nơi những thôn xóm xanh đen tiếp nối với khu rừng thì vẫn còn phủ một màn sương tiếc nuối bóng đêm. Rồi mù sương bất động ấy đón ánh nắng mai cũng đỏ dần lên. Trong giờ khắc sớm sủa này, đã thấy có bóng người đi xem ruộng. Những bóng người màu đen thẫm chìm trong bóng lúa đến trên đầu gối, chầm chậm dời ra phía xa. Trên đầu, khuất trong bóng lá cây cử, bắt đầu vang tiếng ve sầu. Thoáng chốc, tâm hồn Bunshiro phiêu lạc trong niềm khoan khoái cùng cực. Nhưng bỗng có tiếng thét lớn thình lình giật anh ra khỏi tâm trạng phiêu diêu ấy. Từ bờ đá hướng ra khoảng giữa dòng sông nhỏ, có 3, 4 cọc đóng thẳng xuống đáy sông; những phiến gỗ bắc ngang các cọc ấy, xếp lớp xuống tận sàn đáy sông tạo thành một đập nhỏ, trước đập lót mấy mảnh ván, hay mang một tảng đá lớn đến chôn ở đấy thì có được chỗ để ngồi giặt rửa. Công việc kỹ xảo này thì các nhà trong tổ Xây-dựng đều thông thạo cả. Phía sau nhà nào cũng có một chỗ giặt rửa ngay bờ sông như thế, nhiều năm trôi qua, lòng nước phía trước các chỗ giặt rửa ấy sâu dần xuống, tiếng nước vượt qua đập róc rách suốt ngày. Vị trí của các chỗ giặt rửa thì tùy theo ý thích của mỗi nhà, có nơi nằm ngay giữa phần bờ sông của nhà, có nơi thu gọn về một góc của khu đất. Chỗ giặt rửa của nhà Bunshiro nằm ở góc bên phải, dính liền với chỗ giặt rửa của nhà Koyanagi, chung quanh đó chỉ có vách rào đá sơ sài cho có, để ngăn hai khu đất nhà mà thôi. Tiếng kêu thét đó là từ cô Fuku. Bunshiro nhanh nhẹn nhảy phóc qua hàng rào. Đặt chân lên đất nhà Koyanagi, anh thấy dưới chân Fuku đang đứng sững đấy, một con rắn uốn éo thân mình chạy trốn. Có vẻ là một loại rắn nhỏ chừng 6, 7 tấc. -"Sao thế? Bị rắn cắn hả?" Fuku đang ôm ngón tay, mặt tái mét. -"Vâng". -"Đâu nào". Anh nắm tay Fuku xem thì thấy ngón giữa của bàn tay phải ửng đỏ ở đầu ngón. Có vẻ chỉ là một chút máu chảy ra. Không ngần ngại, anh ngậm ngay ngón tay Fuku vào miệng, hút mạnh chỗ vết thương. Nghe vị máu lan nhẹ trong miệng. Thẫn thờ đưa ngón tay cho Bunshiro ngậm lấy, Fuku nấc lên một tiếng nhỏ. Có lẽ cô khiếp vía vì sợ là rắn độc. -"Đừng khóc". Bunshiro nói, sau khi nhổ nước bọt nhuốm màu đỏ của máu. -"Rắn nhỏ này không độc như hổ mang đâu. Ðừng lo. Mà con nhà võ sĩ, chỉ chừng này thì đâu có khóc". Hút cho hết máu độc ở vết thương đến khi ngón tay Fuku trắng bệch ra, Bunshiro mới buông tay. Anh bảo: -"Có lẽ thế này là khỏi lo rồi, nhưng về nhà cũng nên nói cho người nhà biết là bị rắn cắn nhé". Fuku làm thinh, cúi đầu, chạy về nhà. Có vẻ cô vẫn còn hoảng hốt. Đồ giặt rửa nửa chừng còn tán loạn khắp nơi. Bunshiro ngồi xuống khoát nước súc miệng. Xong anh đứng lên, đi tìm con rắn lúc nãy. Loại rắn nhỏ này nghe nói là không độc, nhưng cũng không thể ơ hờ với chúng được. Anh định tìm thấy là giết đi. Lục tìm đến khoảng giữa nhà anh và nhà Yamakishi phía bên kia, anh tìm thấy con rắn trong bụi tre mờ tối. Anh chộp lấy đuôi rắn, kéo ra khỏi bụi tre. Con rắn xoay đầu lại định cắn nhưng Bunshiro nhanh tay đập đầu nó xuống đất vài lần, cuối cùng lấy hòn đá đập nát đầu rắn cho chết hẳn. Anh được dạy bảo là không nên sát sinh. Trở về nhà, anh không kể cho mẹ nghe chuyện gặp Fuku ở sau nhà hay chuyện giết con rắn. Chỉ im lìm ăn sáng. Anh nghĩ mẹ anh sẽ chẳng vui gì khi nghe chuyện anh hút ngón tay trắng của Fuku hay chuyện đập nát đầu con rắn cho chết hẳn. Gần đây, những chuyện Bunshiro không nói được với mẹ anh tích tụ càng ngày càng nhiều trong bụng, có vẻ hôm nay lại có thêm một chuyện bí mật nữa. Bàn tay anh nắm con rắn dù đã rửa lắm lần rồi mà khi ăn sáng vẫn nghe tanh tưởi quá, không biết phải làm sao. Xong bữa sáng không bao lâu, cha anh rời nhà đi làm việc trong thành. Bunshiro cùng mẹ ra đến ngưỡng cửa, nhìn đưa người cha chui qua chiếc cổng thô sơ ra ngoài. Trong thời gian tổ Xây-dựng bắt tay vào việc, phần nhiều cha anh không vào thành mà đến thẳng nơi xây cất. Những lúc như thế, ông mặc quần thụng có thêm tấm chắn, quấn xà-cạp, mang giày rơm, đội nón bằng cỏ lách, lưng đeo túi cơm trưa mà ra khỏi nhà. Nhưng hôm nay có lẽ không làm việc xây cất nên ông mặc bộ áo lễ đã bắt đầu sờn cũ. Dáng người tầm thước, nhưng trông ông lưng thẳng, vững chãi. Theo sau chân mẹ trở vào bếp, Bunshiro xin mẹ làm cho mình cơm nắm để mang đi ăn trưa. -"Trưa quay về nhà mà ăn cũng được chứ". Mẹ anh gắt. Buổi sáng, Bunshiro phải đến trường của thầy Ikoma Reisuke để học kinh sách, chiều thì đến võ đường Ishiguri ở xóm Kaji để học kiếm thuật phái Kudon. Ngày học của anh là như thế. Vì vậy thỉnh thoảng anh vẫn nhờ mẹ làm cơm nắm mang theo ăn trưa để khỏi phải trở lại nhà. Thế nhưng, nhà Bunshiro trong dãy nhà của tổ Xây-dựng lại ở khoảng giữa xóm Aoyanagi có trường Ikoma và xóm Kaji có võ đường Ishiguri. Mẹ anh có lẽ không muốn anh vắng nhà suốt ngày, hơn là tiếc công làm cơm nắm, nên thường vẫn không bằng lòng chuyện anh muốn mang cơm trưa theo. Nhưng Bunshiro thì có suy nghĩ của Bunshiro chứ. -"Bọn Ippei bạn con hẹn nhau cùng ăn trưa chung hôm nào trời tốt ấy mà". -"Con thì cứ cặp kè với nó mãi thôi". Bà mẹ tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Chừng nửa năm trước đây, cô người làm trong nhà Ippei đột nhiên xin nghỉ việc và về làng mất. Sau đó, chẳng biết từ đâu có lời đồn đại là bởi vì Ippei đã phóng tay quấy nhiễu cô ấy. Owada Ippei 16 tuổi, lớn hơn Bunshiro một tuổi, đã làm lễ thành nhân xong, thân thể cũng to lớn hơn nhiều. Lại đã có ria mép nên trông như người lớn. Tin đồn hẳn cũng từ vẻ người lớn ấy ra, nhưng Ippei đã nói là chuyện bịa đặt đấy. -"Gần mực thì đen, gần son thì đỏ. Con cũng phải coi chừng đó". Mẹ anh cằn nhằn vậy chứ cũng làm cơm nắm cho Bunshiro. Kẹp nách cuốn kinh thư in mộc bản và gói cơm nắm, Bunshiro rời nhà, vác trên vai cây kiếm tre và bộ áo võ sinh. 2 Lúc xáp chiến thì thanh kiếm tre của Yada Sakunojo chạm vào vai Bunshiro, và thanh kiếm tre của Bunshiro đánh chính xác vào phần mặt của Yada. Đường kiếm của Bunshiro có phần nhanh hơn và chạm mạnh hơn làm Yada thốt lên "Ồ..." và đưa tay áp lên khăn quấn đầu. Ở võ đường Ishiguri này, lúc tập luyện kiếm tre thì mang bao tay che chở cho cánh tay, và mang khăn quấn đầu bằng da thú thuộc độn bông gòn. Cú đánh của Bunshiro có vẻ đã thấm đến dưới lớp khăn quấn đầu Yada. -"Thôi, chừng này đủ rồi". Yada nói và thu kiếm lại, tháo bao tay và khăn quấn đầu ra luôn. Trán có vết đỏ hồng. -"Xin lỗi anh". Bunshiro tạ lỗi. Yada là võ sĩ làm việc ở tổ Kế toán và Thu mua của phiên trấn, đệ tử cao cấp xếp hạng 5 của võ đường này. -"Có sao đâu, khỏi phải xin lỗi". Vốn tính ôn hoà, Yada nói thế xong, vừa gấp xếp bao tay và khăn quấn đầu, vừa nheo mắt nhìn Bunshiro. Rồi khen đòn tấn kiếm vừa rồi là có tiến bộ lắm. -"Ta chịu thua đòn ấy". -"Thưa không dám, chỉ là..." -"Khỏi phải khiêm nhượng. Lâu nay không để ý, nhưng cậu đã có tiến bộ thấy rõ". Bunshiro cúi đầu, cố giấu nỗi vui sướng được khen ngợi hiện lên khuôn mặt. -"Bunshiro mấy tuổi rồi?" -"Thưa, 15 tuổi". -"Chưa làm lễ thành nhân à?" -"Thưa, cha em định trong năm nay sẽ tìm người đỡ đầu, rồi mùa xuân sang năm sẽ làm lễ". -"15 tuổi à! Sau này sẽ là tay đáng sợ lắm". Yada mỉm cười. -"Bọn ta cũng sẽ khó mà coi thường được". Lúc nãy, thầy chủ võ đường là Ishiguri vừa lên tiếng bảo là xong buổi tập hôm nay, rồi đi vào trong nhà, nên lác đác còn vài người tiếp tục luyện kiếm. Phần lớn bước ra ngoài giếng, lau rửa mồ hôi vì tập luyện, hoặc trở lại phòng thay áo hay đến góc phòng tập để thay quần áo. Gợi chú ý nhất là Owada Ippei, đã thay quần áo từ lúc nào rồi, đang ngồi xếp bằng trên sàn tập, trò chuyện lớn tiếng với người chung quanh. Ippei bắt đầu buổi tập chậm hơn ai hết, nhưng lúc ngừng tập thì lại là người ngừng sớm hơn ai hết. Vậy mà tay kiếm lại rất là vững chắc. Bunshiro thi lễ với Yada rồi tháo bao tay và khăn quấn đầu. Ðúng lúc ấy, trong góc võ đường vang lên tiếng la hét giận dữ. Mọi người cùng nhìn về phía ấy nên Bunshiro cũng quay đầu nhìn theo. Người nổi cơn giận dữ ấy là thầy dạy kiếm Satake Kinjuro, quát mắng Shimazaki Yonosuke đang cúi gục đầu xuống. -"Nghe đây. Tập chém nhau đấy". Satake quát lớn. -"Không được trốn. Ta đã bảo là cứ chịu đánh đi. Không nhận ra nhịp kiếm thì tập luyện gì được chứ!" Yonosuke dạ bằng giọng nhỏ như tiếng muỗi. Nghe thế, có người khúc khích cười. Thầy dạy quay phắc lại, trừng mắt quát. -"Đứa nào vừa cười đấy?" Các góc phòng lặng thinh. Owada Ippei đang ngồi phanh đùi nói chuyện phiếm, cũng hốt hoảng sửa thế ngồi ngay ngắn lại. Satake chỉ là võ sĩ cấp thấp, lương chưa đến muời hộc, làm kỵ binh trong phiên trấn, nhưng ở võ đường Ishiguri phái Kudon này thì là tay kiếm không có ai địch nổi. Vài năm trước đây, khi Satake chưa thành thày dạy ở võ đường này, có lần trong cuộc tỉ thí với võ đường bạn Matsukawa thuộc phái Itto hằng năm tổ chức ở đền thần-đạo Kumano, ông đã thắng oanh liệt cả năm tay kiếm sừng sỏ, tạo nên một giai thoại cho đến bây giờ vẫn còn lưu truyền trong võ đường. Thế nhưng có lẽ Satake tự mình là người đã khổ nhọc cố gắng vượt qua nhiều trở lực, nên gay gắt đòi hỏi người khác cũng phải khổ nhọc cố gắng, có lúc bộc lộ khí chất hà khắc trong những cách tập luyện bạo liệt, nên đàn em ai cũng khiếp sợ. Bây giờ, con người đáng sợ ấy đã nắm được Yonosuke. -"Hiểu chưa?". Satake quay lại quát vào mặt Yonosuke. -"Chừng nào chưa nếm mùi bị đánh đau thì chưa tiến bộ được đâu". Phái Kudon chuộng các chiêu sấn tới chém ngay từ thế thủ, cực-ý định đoạt thắng bại đặt cược tất cả vào sự nhanh hay chậm của thế chém ấy. Ban đầu dùng kiếm gỗ để học cách đánh, khi đã thuộc lòng cách đánh rồi thì chuyển sang tập luyện bằng kiếm tre. Tập mà sợ bị kiếm tre đánh trúng thì đi ngược lại với lời dạy của môn phái này rồi. Có vẻ Satake tức giận vì thế, nên cuối cùng đã giương kiếm tre trong tay lên, mắt chưa kịp chớp đã chém vụt xuống vai Yonosuke, rồi quay lưng bước rảo vào trong. Yonosuke lảo đảo vì cú chém của Satake. Anh đứng bàng hoàng tại chỗ trong lúc mọi người lao xao thu nhặt đồ đạc ra về. -"Shimazaki, có sao không?" Dợm bước ra cửa phía có giếng nước, Bunshiro gọi với về phía bạn, lúc ấy Yonosuke mới hoàn hồn, ngẩng mặt lên rồi tháo bao tay và khăn quấn đầu ra, chậm chạp bước về phía Bunshiro. Mặt mày vẫn còn xanh mét. Bước trên đường phía sau võ đường ở xóm Kaji một lúc thì ra đến con lộ rộng ven sông Gokengawa, ba người bạn Maki Bunshiro, Owada Ippei và Shimazaki Yonosuke vác vai thanh kiếm tre có buộc thêm bộ áo quần tập kiếm vò tròn. Riêng người lười biếng là Ippei thì không muốn tốn thì giờ cột dây lại, chỉ xỏ áo quần vào kiếm tre, cứ thế vác kiếm lên vai, bước về phía nam trên đường lộ ven sông. Trông cứ như là miếng đậu hủ phơi trên cây sào, khiến người làng đi ngang qua, ai cũng làm mặt nghiêm nhưng bấm bụng cười, còn Ippei thì cứ tỉnh bơ, thản nhiên bước. Mặt trời ngả về chiều, nhưng vẫn còn chiếu nóng gay gắt khắp đường ven sông. Đến thấy nhẹ cả người khi vào được trong bóng râm của các nhánh liễu xanh xanh dọc đường. -"Tớ có lẽ không hợp với chuyện tập luyện ở võ đường rồi". Yonosuke nói. Và nhăn mặt khi cử động bên vai bị Satake chém vào. -"Còn đau à?". Bunshiro hỏi. -"Đâu nào". Ippei nói, vừa nắm vai Yonosuke khiến anh thét lên, lảng tránh. Nhưng bàn tay to lớn của Ippei đã nắm đúng vào chỗ đau ấy rồi. Ippei thân thể to lớn, sỗ sàng ép tấm thân gầy nhỏ, yếu đuối của Yonosuke, tự tiện vạch cổ áo bạn ra dòm vào phía vai. -"Ừ, bị đánh khá nặng". -"Đâu, đâu". Bunshiro cũng ghé nhìn. Vai Yonosuke ửng đỏ, có nhiều lằn nhỏ nổi sưng lên. -"Ông Satake đánh thẳng tay thật". -"Thật đấy". Nghe Ippei và Bunshiro nói với nhau như thế, Yonosuke bảo bạn đừng nói nữa. -"Tại sao?" -"Đừng nói nữa, nghe xấu hổ quá". Bunshiro ngẩng đầu lên, thấy mấy người đi đường đưa mắt tò mò nhìn ba người. Chỗ người ta qua lại, mà Yonosuke để trần vai ra, cho dù là thiếu niên đi nữa, và hai cậu kia dòm vào có vẻ săm soi như thế, chẳng trách người ta tò mò. Ippei cũng để ý nên buông tay ra. -"Nặng lắm à?" Vừa sửa áo lại, Yonosuke vừa hỏi, có vẻ lo lắng. -"Chẳng nặng lắm". Ippei nói. -"Nếu là tớ thì cứ bỏ mặc thế cũng chả sao, nhưng cậu thì yếu đuối, nên về đến nhà, cứ lấy nước lạnh chườm lên là được". -"Chỉ thế thôi à?" -"Nếu còn lo thì thoa thêm thuốc mỡ vào". -"Tớ chắc là phải bỏ tập ở võ đường thôi". Yonosuke nói. -"Điên à! Chỉ mới bị ông Satake đánh thôi mà". Bunshiro nói, và cười trấn an. -"Có võ đường nào vừa xoa đầu vừa dạy cho đâu nào". -"Không, không phải thế". Yonosuke lắc vai không đau, để sửa lại ngay ngắn những món vác trên vai. Trên thân người gầy yếu của Yonosuke, chỉ thanh kiếm tre buộc thêm gói áo quần tập ấy mà đã trông như là cả một gánh nặng hành lý. Yonosuke nói tiếp. -"Tớ đang lưỡng lự có nên bỏ tập luyện ở võ đường để chuyên chú vào học vấn mà thôi không". -"Thế à?" Bunshiro và Ippei đưa mắt nhìn nhau. Nếu thế thì hiểu được. Bunshiro nghĩ thế. Bởi Yonosuke được xem là người học giỏi nhất từ ngày mở trường Ikoma, thỉnh thoảng lại thay thầy Reisuke giảng nghĩa sách Luận ngữ cho học trò trong trường nữa. Yonosuke muốn tiến thân về đường học vấn thì chẳng có gì lạ cả. Nhưng Yonosuke nói thêm, nghe còn có vẻ nhảy vọt hơn nữa. -"Không chừng tớ đi Edo (3) đấy. Tuy không phải ngay bây giờ". -"Ôi, ôi! Nói thật sao chứ?" Bunshiro kêu lên. Ba người bước vào khoảng có đá chồng chất ở thượng lưu con sông, dưới cầu Ayame, cùng ngồi xuống. Ở đây khuất trong bóng các cành liễu, có thể chuyện trò mà người qua lại trên đường không ai thấy. 3 Ngồi trên tảng đá cắt hình vuông, Yonosuke ngắt nhánh cỏ vươn lên giữa hai đùi, ngậm vào miệng. Mặt trời nghiêng thấp, sắp lặn xuống giữa xóm nhà buôn bên kia sông và mái nhà chợ cá bên hông, thấp thoáng bóng nhiều người qua lại. Ánh nắng đượm một màu đỏ bầm u uất, chiếu lên khuôn mặt gầy ốm của Yonosuke những vệt tối ưu-tư như người lớn. Yonosuke trở ngược đầu nhánh cỏ, phần cuống hướng về trước, phần hạt cỏ hướng về phía sau, vươn tay ném nhánh cỏ xuống mặt nước. Rồi vẫn vừa dõi mắt nhìn về phía những bóng người bên chợ cá, vừa nói. -"Trước đây, thầy Ikoma đã bảo tớ rồi. Nếu muốn lập thân bằng đường học vấn thì hãy lên Edo, thầy sẽ giới thiệu đến trường Kasai ở đấy cho". -"Chà, thế thì oai quá". Bunshiro nói. Ippei chỉ ậm ừ một tiếng trầm. Trường Lan-học(4) Kasai nổi tiếng có nhiều học giả thâm hiểu học phái Chu tử, đến cả phiên trấn quê mùa này cũng biết. Ippei dù là học trò kém ở trường Ikoma, hẳn cũng biết là thầy hiệu trưởng Ikoma Reisuke đã đành, mà cả thầy giám học Shibahara Kenjiro ở trường của phiên trấn, cả quan lớn Trung-lão(5) Toyama Gyunosuke, cả ông Đội trưởng Cảnh vệ Komoda Shobei cũng đều xuất thân là học trò trường Kasai trên Edo đó. Ippei hỏi: -"Khoảng nào thì cậu đi Edo?" -"Chưa có quyết định gì rõ ràng cả, nhưng nếu đi thì khoảng mùa thu đấy". -"Năm nay à?" -"Ừ". -"Sao gấp quá vậy?" Bunshiro thốt lên. Cả Ippei lẫn Yonosuke đều ngậm miệng. Edo là nơi xa tắp, cách thành Unasaka này đến 120 dặm (khoảng 400 km)! Bunshiro chợt nghĩ thế, và có lẽ cả hai người bạn đang im lìm ngậm miệng kia cũng đang suy tưởng đến chốn thành thị chưa từng thấy bao giờ ấy. Yonosuke vẫn cúi gầm mặt xuống, lại đưa tay rứt một nhánh cỏ khác. -"Nhưng mà, tớ thì không được là người nối nghiệp nhà như các cậu". Giọng nói nghe có vẻ chia biệt xa cách, như thể Yonosuke thường ngày vẫn nghĩ đến điều khác biệt ấy. Yonosuke là con trai thứ của người giữ chức nhỏ trong phiên trấn, thu mua sáp và sơn ở các địa phương. -"Tớ thì phải tự mình quyết định chuyện mình sẽ làm gì". -"Nhưng, đi làm rể cũng được chứ". Bunshiro nói. -"Trong thành này, thiếu gì nhà chỉ có toàn con gái, muốn có rể để nối nghiệp nhà". Lúc nói như thế, Bunshiro nghĩ đến nhà Koyanagi hàng xóm. Nhà ấy có ba người con gái, mà cô Fuku là con đầu lòng. Nhưng Yonosuke than: -"Ở rể à!" rồi hướng khuôn mặt ỉu xìu với nụ cười mỉm gượng gạo về phía Bunshiro. -"Chẳng khác gì chuyện bốc thăm may rủi. Không trúng thì đành chịu thôi". -"Không, Yonosuke nên đi Edo thì hơn." Ippei khẳng định. Bunshiro và Yonosuke nhìn chăm chú vào mắt Ippei. Ippei gật đầu nặng nề như khẳng định một lần nữa. -"Yonosuke không theo nghiệp đao kiếm được đâu". -"Nói gì lạ thế!". Bunshiro kêu lên, phản đối. Yonosuke mỉm cười cay đắng, nhưng Ippei vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị, nói tiếp: -"Lúc nãy nghe ông Satake nói đấy. Vẫn còn bị nói như thế thì chắc chắn là không có hy vọng gì rồi". -"Chính tớ cũng nghĩ như thế nên mới nói là sẽ bỏ tập ở xóm Kaji đấy". Yonosuke nghiêm mặt, không mỉm cười nữa. -"Thế thì tốt. Chuyên chú về đường học vấn thì thích hợp với cậu hơn. Trí tuệ của Yonosuke thì ngay cả ở Edo cũng thành đạt được cho mà xem". Ippei nói. -"Thành đạt hay không thì chưa biết. Phải đến đấy mới biết được chứ". -"Không đâu. Ðến thầy chúng ta cũng khuyến khích nữa thì hẳn sẽ đúng như Ippei nói rồi". Bunshiro nói. -"Quyết tâm lên hẳn Edo mà kiếm đường tiến thành học giả đi thôi". -"Tớ cũng đã nghĩ thế rồi. Hôm nay lại bị ông Satake đánh mắng nên tớ nghĩ mình chỉ còn đường tiến ấy mà thôi". -"Thế thì tốt nhất rồi còn gì". -"Nhưng mà, đi Edo thì phải cần tiền chứ!". Nghe Yonosuke nói thế, Bunshiro ngậm miệng. Anh hoàn toàn không hiểu gì về chi phí cần cho việc du học ấy. Có vẻ Ippei cũng chẳng hiểu gì hơn, nên cũng im lặng một hồi, nhưng rồi như chợt nghĩ ra điều gì, bật nói: -"Tiền đi đường à? Nếu thế thì nhắn một vòng khắp bạn bè để thu góp tiền tiễn biệt, có được không?" Thấy Ippei nhìn mình, Bunshiro lắc đầu nói: -"Không phải đâu. Yonosuke không chỉ nói đến tiền đi đường mà thôi. Sang xứ khác thì ăn, mặc, ở đều tốn tiền lắm. Không như sống ở nhà của mình được". -"À ra thế". -"Cha mẹ tớ bảo là không lo nổi đâu. Bởi nhà tớ nghèo mà". Yonosuke nói, nhưng mặt không có vẻ gì đặc biệt buồn rầu cả. Trong giọng nói còn có chút âm hưởng gì như là thích thú với chuyện nhà nghèo ấy nữa là khác. -"Thầy Ikoma cũng hiểu rõ cho như thế nên đã bảo là sẽ nói giúp với trường trên ấy cho tớ vừa làm giúp công việc vừa theo đuổi việc học đấy". -"Vừa làm việc giúp trường vừa học kia à? Thế thì cực lắm nhỉ". Ippei nói. -"Cực thì hẳn là cực lắm rồi, nhưng được thế thì khỏi phải lo chỗ ở và bữa ăn". Bunshiro nói. -"Đúng thế đấy, nhưng nghe thầy bảo là: thế chứ cũng chẳng phải là ngoài ra không tốn kém gì cả đâu, vì mỗi tháng cũng phải tiêu thêm vào áo quần, ăn uống, và còn tiền sách vở nữa". -"Hẳn là thế". Bunshiro nói. -"Mà đã lên được Edo rồi thì cũng phải đi xem nơi này nơi kia chứ, chẳng lẽ cứ ru rú mãi trong trường, không ra ngoài một bước vì thiếu tiền nhét túi sao được". -"Thì khoản tiền nhét túi ấy..." Yonosuke nói. -"thầy Ikoma bảo là mỗi tháng có thể gửi cho được. Nhưng cảnh nhà thầy cũng thanh đạm thế nên tớ không lòng nào mà nhận được". -"Yonosuke, cậu thật là...". Ippei nói lớn: -"Thầy Ikoma hẳn là thấy cậu có triễn vọng lớn lắm nên mới nói như thế! Cậu hạnh phúc lắm đấy nhé!". -"Thế thì hãy nghe theo lời thầy đi nào". Bunshiro cũng khuyến khích. -"Khi sự nghiệp thành đạt rồi, lúc ấy sẽ trả ơn thầy cũng được mà". Yonosuke có vẻ suy nghĩ lung lắm. Mặt trời đã chìm xuống phía sau xóm nhà bên kia sông. Khắp vùng ruộng đồng thượng lưu sông Gokengawa chỉ còn ánh chiều mờ đỏ thoi thóp. Sau dãy nhà, ở hướng tây nam nổi lên khối đen thẫm của chòm cây trong thành. Từ vị trí xa tắp này, dòng sông Gokengawa chảy qua trước mắt trông như hào nước ngay bên ngoài bờ thành. Trên dòng sông đen sâu thẳm như thung lũng, vài chiếc thuyền chở hàng chầm chậm trôi xuôi, in đậm bóng thuyền và dáng người cắm sào. Làng xóm bắt đầu phủ kín trong màn đêm. Yonosuke ngẩng mặt lên: -"Hiểu rồi. Nhưng để tớ suy nghĩ thêm tí nữa xem sao". Sau lời nói ấy, ba người đứng lên, trở lại đường lộ, rồi thong thả tản bộ về hướng nam. -"Ê, không đi lối kia mà về à?", Ippei hỏi. Nhà Bunshiro, đi qua cầu Ayame về hướng tây thì gần hơn. Nhưng Bunshiro không muốn về nhà vội. Có về ngay bây giờ thì cha anh cũng vẫn còn ở trong thành, chỉ có mẹ anh ở nhà thôi. Chẳng phải anh tránh mẹ anh, nhưng chỉ có mẹ anh thôi, thì chi bằng ở chơi với Yonosuke và Ippei vẫn vui hơn. Anh mơ hồ nghĩ như thế. -"Chả sao. Tớ đưa các cậu về đã". Bunshiro nói. Ippei đáp: -"Cũng được". Trước đây, cũng đã có lần ba người đi thơ thẩn với nhau như thế, không nói chuyện gì nhiều, cứ bước với nhau những bước chân vô định trên đường. Đường tối thêm, không thấy ai qua lại nữa. -"Nhưng Yonosuke đi khỏi rồi thì buồn lắm nhỉ". Ippei nói. Bunshiro cũng cảm thấy như thế. Ba người bàn nhau xem lên Edo học thì bao giờ mới về lại xứ này, nhưng không ai biết chắc được là lúc nào. Đến gần cầu bộ hành bắt ngang qua thượng lưu sông thì thấy bóng vài người võ sĩ mặc áo khoác đang đi trên cầu tối tăm hướng về phía này. Hẳn là các ông đi làm trong thành ra về. Đám ấy qua khỏi cầu thì tất cả đi thẳng khuất bóng về phía xóm nhà, ngoại trừ một người rẽ sang đường ven sông, đi về phía ba người. Tiến đến gần thì thấy là một võ sĩ có vẻ hùng mạnh, trạc 40 tuổi. Thấy ba người cúi đầu chào, võ sĩ ấy dừng bước, gọi: -"Con nhà ai đấy?" -"Thưa, Owada Ippei ở xóm Urushibara ạ". Ippei xưng tên. Owada Ippei từ năm mười tuổi đã mất cha, nên sớm nối nghiệp nhà. Tuy chưa đến tuổi vào làm việc trong thành, nhưng khác với Bunshiro hay Yonosuke, anh đã là chủ nhân của nhà Owada lãnh lương 100 hộc rồi. Người võ sĩ nghe nói thế thì nhìn kỹ như nhận diện Ippei, rồi hỏi cả Bunshiro và Yonosuke nữa. -"Từ võ đường về đấy à?". Võ sĩ giương mắt sắc nhọn nhìn ba người. Ippei thay mặt bạn đáp: thưa vâng. -"Trai trẻ mà đi lang thang ngoài đường tối thì không tốt. Nhanh chân về nhà đi". Nói xong, võ sĩ rảo bước đi mất. Ba người cúi đầu im lặng nhìn theo. -"Khiếp thật. Ông nào thế nhỉ?". Yonosuke hỏi. Cả Ippei lẫn Bunshiro đều chẳng biết tên ông ta. Nhưng do vậy mà Bunshiro quyết định trở về nhà từ cầu bộ hành ấy. Khi đến cầu, anh đưa tay vẫy từ biệt. -"Ê...". Chợt Bunshiro gọi giật hai bạn lại. -"Rắn Yamakagashi (6) thì có độc không đấy?" -"Rắn cắn thì hẳn là độc rồi". Ippei nói. -"Hút máu ra ngay cũng còn độc sao?" -"Hút ra rồi à?" -"Ừ". -"Thế thì không sao đâu. Có ai bị rắn cắn à?" -"...... Không......". Bunshiro ậm ừ. Khi anh về đến nhà, trời đã tối hẳn. Bunshiro xin lỗi mẹ đã về trễ: -"Yonosuke bảo là có thể sẽ lên Edo, nên tụi con nói chuyện một hồi lâu". -"Cậu ấy lên Edo à?..." Mẹ anh có vẻ ngạc nhiên. Bà định nói thêm gì đấy nhưng thôi, quay sang bảo là cha anh về muộn nên anh ăn tối trước đi. Bunshiro muốn hỏi xem bên nhà Koyanagi hàng xóm có gì lạ không, nhưng gắng nhịn. Sáng hôm sau, khi Bunshiro ra bờ sông nhỏ vang rân tiếng ve trên đầu, thì thấy cô Fuku ngồi giặt áo. Fuku thấy Bunshiro thì như một người con gái lớn, đã cởi dây buộc tay áo, đứng lên nói cảm ơn anh về chuyện hôm qua. Đôi má cô vẫn trắng nõn như mọi ngày. -"Vậy ra không sao cả đấy à?". Bunshiro nói. Đôi má Fuku chợt ửng hồng, toàn thân như gợn lên niềm thẹn thùng. Bunshiro bất giác
cũng hốt hoảng dời mắt nhìn Fuku sang nơi khác.
|
(1)
- tổ Xây-dựng : xây thành, xây đê, đắp móng,...
(2) - Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc hàng năm của võ sĩ thì khoảng 150 kí gạo, khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít. (3) - Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo. (4) - Lan-học : chủ yếu học theo Hà Lan là nuớc được phép buôn bán với Nhật thời bấy giờ. (5) - Trung-lão : cấp quan lớn thứ hai trong phiên trấn, sau cấp Gia lão. (6) - Yamakagashi : rắn nhỏ, dài chừng 1 thước |
|