Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

Chữ Vô của Phương Đông

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tắc số 44: Cây trượng của Ba Tiêu (Ba Tiêu trụ trượng)[1].

芭蕉

Bản tắc:

Hòa Thượng Ba Tiêu[2] nói trước chúng tăng môn hạ:

-Nếu các ngươi có được cây trụ trượng[3], ta sẽ cho các ngươi cây trụ trượng. Còn như các ngươi không có cây trụ trượng, ta sẽ lấy lại cây trụ trượng của các ngươi.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Khi qua sông cầu gãy, nó giúp ta tựa vào, đi về làng đêm không trăng tối mịt, nó lại dắt ta [4]. Vật đó nếu ai nhỡ mồm gọi là cây trụ trượng thì sẽ được xuống địa ngục nhanh như tên bắn.

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Chư phương thâm dử thiển,
Đô tại chưởng ác trung.
Sanh thiên tịnh trụ địa,
Tùy xứ chấn tông phong.

諸 方 深 與 淺 
都 在 掌 握 中 
橕 天 並 拄 地 
隋 處 振 宗 風 

(Bốn phương dù sâu cạn,
Đều nắm giữa lòng tay,
Mầy chống trời đỡ đất,
Khắp chốn rạng tông thầy)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Thiền sư Ba Tiêu Huệ Thanh (pháp tôn đời thứ ba của Ngưỡng Sơn) nói gì mà lạ thế? Thông thường, đáng lẽ ông phải bảo: “Nếu các ngươi có cây trụ trượng, ta sẽ lấy lại; còn như các ngươi không có cây trụ trượng, ta sẽ cho” chứ! Nhưng đây “có thì cho, không có thì đoạt” như thể muốn ăn ngang nói ngược thiên hạ. Những ai còn mang lấy cái tâm phân biệt của tự ngã thì sẽ vô cùng lúng túng, không hiểu câu này. Hoặc có người sẽ bảo: “Thiền kiểu ông ta thối quá, phải bịt mũi mất!” rồi bỏ chạy không xem tiếp nữa. Nhưng chính đây mới là điểm then chốt và ta phải bình tĩnh quay lại suy xét.

Trước hết trụ trượng là gì? Bên ngoài, nó chỉ là cây gậy mà các du tăng dùng chống lúc đi đường. Sau đó nó trở thành một pháp cụ họ mang bên mình, giống như cái quạt xưa kia khua ruồi đuổi muỗi sau cũng đã trở thành một pháp cụ. Thế nhưng không chỉ có chừng đó. Bên trong, cây trụ trượng tượng trưng cho “sự giác ngộ” , thường được sử dụng trong các cuộc vấn đáp về thiền. Cho nên mới có câu “ thức đắc trụ trượng tử, nhất sinh tham học sự liễu” (khi hiểu được về cái trụ tượng rồi coi như việc tu thiền đã hoàn tất).

Khi qua sông qua suối, có thể dùng cây trụ trượng để đo mực nước nông sâu, đêm tối không trăng có thể nương theo trụ trượng mà lần về thôn. Tuy nhiên, hễ gọi nó là trụ trượng lại phải sa xuống địa ngục như tên bắn. Cả trong lời bình xướng trên đây của Vô Môn cũng vậy, cây trụ trượng tượng trưng cho chuyện quan trọng nhất của một đời tu học, đó là sự giác ngộ.

Thiền sư Đại Quy Mộ Triết lại có câu nói đơn sơ: “Nếu ngươi có cây trụ trượng, ta sẽ đoạt lấy nó khỏi ngươi, nếu người không có cây trụ trượng, ta sẽ đem tặng cho ngươi” Nếu bảo cây trụ trượng tượng trưng cho sự giác ngộ thì khi nghe câu này, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Thế nhưng ở đây Thiền sư Ba Tiêu lại bảo: “Có thì cho, không có sẽ đoạt!” Câu nói của ông, phải hiểu như thế nào? Người ta đã giác ngộ rồi mà ta còn muốn đem cho, thế thì đem cho cái gì nhỉ? “Cái gì” đây là vấn đề? Còn thêm “cho” và “đoạt” nữa chứ, hiểu được cả ba, phải tốn một chút công phu.

Đầu Tử, Thanh thiền sư có câu nói: “Xưa nay, Hữu và Vô vẫn là hai cửa ải hai lớp (lưỡng trùng quan sở). Ngay người có con mắt nhìn được thấu suốt (chính nhãn) còn khó đi qua lọt nữa là!”. Thiên Đồng, Giác thiền sư lại có câu: “Lúc mà anh có, tất cả là Hữu. Lúc anh không có, tất cả là Vô. Chính ra, việc được cho hay bị đoạt (dữ, đoạt) chỉ hiểu được bởi chính đương sự mà thôi.”

Dù là gì đi chăng nữa, bây giờ ở đây này, chúng ta đang có một cây trượng. Có kẻ trưởng giả dợm bước lên đường. Khi chìa cây gậy ấy ra, nếu là bạn thì bạn sẽ làm gì và nói gì với người ấy?   


 


[1] Thoại này có chép trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 9 chương nói về Ba Tiêu Huệ Thanh.

[2] Hòa Thượng Ba Tiêu Huệ Thanh (không rõ năm sanh năm mất), gốc người Triều Tiên, là một thiền gia đời Đường. Ông thuộc tông Quy Sơn nhận pháp tự của Thiền sư Nam Tháp Quang Dũng (850-938). Tiểu sử có trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 12 và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 9.

[3] Nôm na là gậy để chống. Ở Ấn Độ, dành cho người yếu hoặc bị bệnh, sau thành gậy đi đường của du tăng, pháp cụ để sư gia truyền giáo và trừng phạt học trò phạm lỗi.

[4] Nguyên văn: Phù quá đoạn kiều thủy, Bạn quy vô nguyệt thôn (hai câu này thấy trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 15, chương nói về Linh Ẩn Vân Tri Từ Giác và những sách khác).


 

Trở về



Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

Chữ Vô của Phương Đông

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tắc số 44: Cây trượng của Ba Tiêu (Ba Tiêu trụ trượng)[1].

芭蕉

Bản tắc:

Hòa Thượng Ba Tiêu[2] nói trước chúng tăng môn hạ:

-Nếu các ngươi có được cây trụ trượng[3], ta sẽ cho các ngươi cây trụ trượng. Còn như các ngươi không có cây trụ trượng, ta sẽ lấy lại cây trụ trượng của các ngươi.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Khi qua sông cầu gãy, nó giúp ta tựa vào, đi về làng đêm không trăng tối mịt, nó lại dắt ta [4]. Vật đó nếu ai nhỡ mồm gọi là cây trụ trượng thì sẽ được xuống địa ngục nhanh như tên bắn.

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Chư phương thâm dử thiển,
Đô tại chưởng ác trung.
Sanh thiên tịnh trụ địa,
Tùy xứ chấn tông phong.

諸 方 深 與 淺 
都 在 掌 握 中 
橕 天 並 拄 地 
隋 處 振 宗 風 

(Bốn phương dù sâu cạn,
Đều nắm giữa lòng tay,
Mầy chống trời đỡ đất,
Khắp chốn rạng tông thầy)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Thiền sư Ba Tiêu Huệ Thanh (pháp tôn đời thứ ba của Ngưỡng Sơn) nói gì mà lạ thế? Thông thường, đáng lẽ ông phải bảo: “Nếu các ngươi có cây trụ trượng, ta sẽ lấy lại; còn như các ngươi không có cây trụ trượng, ta sẽ cho” chứ! Nhưng đây “có thì cho, không có thì đoạt” như thể muốn ăn ngang nói ngược thiên hạ. Những ai còn mang lấy cái tâm phân biệt của tự ngã thì sẽ vô cùng lúng túng, không hiểu câu này. Hoặc có người sẽ bảo: “Thiền kiểu ông ta thối quá, phải bịt mũi mất!” rồi bỏ chạy không xem tiếp nữa. Nhưng chính đây mới là điểm then chốt và ta phải bình tĩnh quay lại suy xét.

Trước hết trụ trượng là gì? Bên ngoài, nó chỉ là cây gậy mà các du tăng dùng chống lúc đi đường. Sau đó nó trở thành một pháp cụ họ mang bên mình, giống như cái quạt xưa kia khua ruồi đuổi muỗi sau cũng đã trở thành một pháp cụ. Thế nhưng không chỉ có chừng đó. Bên trong, cây trụ trượng tượng trưng cho “sự giác ngộ” , thường được sử dụng trong các cuộc vấn đáp về thiền. Cho nên mới có câu “ thức đắc trụ trượng tử, nhất sinh tham học sự liễu” (khi hiểu được về cái trụ tượng rồi coi như việc tu thiền đã hoàn tất).

Khi qua sông qua suối, có thể dùng cây trụ trượng để đo mực nước nông sâu, đêm tối không trăng có thể nương theo trụ trượng mà lần về thôn. Tuy nhiên, hễ gọi nó là trụ trượng lại phải sa xuống địa ngục như tên bắn. Cả trong lời bình xướng trên đây của Vô Môn cũng vậy, cây trụ trượng tượng trưng cho chuyện quan trọng nhất của một đời tu học, đó là sự giác ngộ.

Thiền sư Đại Quy Mộ Triết lại có câu nói đơn sơ: “Nếu ngươi có cây trụ trượng, ta sẽ đoạt lấy nó khỏi ngươi, nếu người không có cây trụ trượng, ta sẽ đem tặng cho ngươi” Nếu bảo cây trụ trượng tượng trưng cho sự giác ngộ thì khi nghe câu này, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Thế nhưng ở đây Thiền sư Ba Tiêu lại bảo: “Có thì cho, không có sẽ đoạt!” Câu nói của ông, phải hiểu như thế nào? Người ta đã giác ngộ rồi mà ta còn muốn đem cho, thế thì đem cho cái gì nhỉ? “Cái gì” đây là vấn đề? Còn thêm “cho” và “đoạt” nữa chứ, hiểu được cả ba, phải tốn một chút công phu.

Đầu Tử, Thanh thiền sư có câu nói: “Xưa nay, Hữu và Vô vẫn là hai cửa ải hai lớp (lưỡng trùng quan sở). Ngay người có con mắt nhìn được thấu suốt (chính nhãn) còn khó đi qua lọt nữa là!”. Thiên Đồng, Giác thiền sư lại có câu: “Lúc mà anh có, tất cả là Hữu. Lúc anh không có, tất cả là Vô. Chính ra, việc được cho hay bị đoạt (dữ, đoạt) chỉ hiểu được bởi chính đương sự mà thôi.”

Dù là gì đi chăng nữa, bây giờ ở đây này, chúng ta đang có một cây trượng. Có kẻ trưởng giả dợm bước lên đường. Khi chìa cây gậy ấy ra, nếu là bạn thì bạn sẽ làm gì và nói gì với người ấy?   


 


[1] Thoại này có chép trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 9 chương nói về Ba Tiêu Huệ Thanh.

[2] Hòa Thượng Ba Tiêu Huệ Thanh (không rõ năm sanh năm mất), gốc người Triều Tiên, là một thiền gia đời Đường. Ông thuộc tông Quy Sơn nhận pháp tự của Thiền sư Nam Tháp Quang Dũng (850-938). Tiểu sử có trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 12 và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 9.

[3] Nôm na là gậy để chống. Ở Ấn Độ, dành cho người yếu hoặc bị bệnh, sau thành gậy đi đường của du tăng, pháp cụ để sư gia truyền giáo và trừng phạt học trò phạm lỗi.

[4] Nguyên văn: Phù quá đoạn kiều thủy, Bạn quy vô nguyệt thôn (hai câu này thấy trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 15, chương nói về Linh Ẩn Vân Tri Từ Giác và những sách khác).


 

Trở về