Tắc
số 43:
Gậy
trúc của Thủ Sơn (Thủ Sơn
trúc bề)[1].
首山竹篦
Bản tắc:
Hòa Thượng Thủ
Sơn[2]
chìa ra cây gậy trúc[3]
và hỏi tăng chúng:
-Này cái ngươi, nếu
gọi vật này là cây gậy
trúc sẽ bị coi là động
chạm (xúc), còn nếu không gọi
nó là gậy trúc thì sẽ
bị cho là quay lưng lại (bội).
Hãy nói ta nghe các ngươi gọi
nó là gì?
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Nếu gọi là cây gậy
trúc sẽ bị ràng buộc bởi
cái danh xưng, còn như không gọi
là cây gậy trúc thì thành
ra coi thường nó. Nói cũng dở
mà im lại không xong. Nhanh lên!
Nhanh lên! Trả lời xem ta phải làm
cách nào!
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Niêm khởi trúc
bề, Hành sát hoạt lệnh. Bội,
xúc, giao trì, Phật, Tổ, [4]
khất mệnh.
拈
起 竹 篦
行
殺 活 令
背
觸 交 馳
佛
祖 乞 命
(Chỉ cần que trúc mới
đưa ra, Giết chết, hồi sinh,
một lệnh ta. Đụng chạm, coi
thường, đều phải tội[5], Phật
Đà, sư tổ thảy xin tha).
Lược dịch lời bàn
của Giáo sư Akizuki Ryômin:
Thiền sư Thủ Sơn Tỉnh
Niệm (926-993) là học trò hàng
cháu 5 đời của Lâm Tế
Nghĩa Huyền. Trúc bề, vật mà
ông đưa ra thị chúng là
một cây gậy ngắn dùng như
một pháp cụ cho việc giảng dạy
các học tăng. Nó có tên
của nó nhưng nếu dùng tên
đó để gọi là đã
xúc phạm (xúc = đụng chạm,
vi phạm, chống đối). Tại sao vây?
Chỉ bởi vì trong Phật giáo có
chữ chân như (sự thật tuyệt
đối) và “như” ở đây
là “cứ là thế đấy”,
cho nên vật nào đáng lẽ
cũng không có tên gọi
(danh). Đem một cái tên (danh) để
gán cho một vật xưa nay chưa từng
có tên là chấp vào cái
danh nghĩa, là hãy còn mê lầm
như chúng sinh. Do đó, hành
động gọi trúc bề là trúc
bề tự thể đã là một
sự xúc phạm đến cái “như”
kia rồi.
Dù nói thế, trúc bề
không thể là vật gì khác
ngoài nó. Trên thực tế, nó
có tên là trúc bề và
thiên hạ thông thường vẫn
gọi nó như vậy. Nếu bây
giờ gọi nó là thiết bổng
(gậy sắt) thì sẽ gieo rắc sự
hổn loạn cho người chung quanh trong
cuộc sống thường nhật. Vì
vậy, thiền sư Thủ Sơn mới
bảo là nếu không gọi trúc
bề là trúc bề thì sẽ
quay lưng (bội) lại với sự thực
ban đầu (nguyên sự thực). Ngoài
ý quay lưng, bội còn có là
phản lại, vi phạm nữa. “Xúc”
hay “bội” đều giống nhau ở
chỗ là làm trái với “như”.
Gác nó qua một bên,
thử so sánh tắc 43 Thủ Sơn trúc
bề này với tắc 5 Hương
Nghiêm thượng thụ mà ta đã
có dịp xem qua. Chắc quí độc
giả đã tìm ra điểm hội
tụ của chúng. Thiền gia vì
muốn đánh thức chúng sinh ra
khỏi giấc ngủ bình yên miệt
mài trong chỗ “tự thị phi”
(giống nhau, ấy là khác nhau), mới
chỉ có họ thấy cái “nguy
cơ” có mặt trong cuộc sống
hàng ngày, và xô đẩy họ
đến biên giới một “trạng
thái cực đoan”. Hương Nghiêm
đặt người tu hành trong một
tình trạng “không biết phải
làm sao” (đang lơ lửng, nếu
mở miệng trả lời thì rớt
khỏi cành cây và đâm đầu
xuống vực). Thật ra ông bảo hãy
tự nhìn đi, ngay đây, bây
giờ (tự kỷ, thử xứ, tức
kim), mỗi chúng ta đều đang ở
trong tình trạng không biết phải
làm sao. Thủ Sơn cũng dồn kẻ
tu hành tới chân tường “nói
cũng dở mà im lại không xong”.
Đúng ra ông đang bảo “ Xem
kìa, mỗi một người trong bọn
anh ai nấy cũng đều đang ở
trong tình trạng “không thể lên
tiếng được”!”.
Dù là chuyện thường
nhật nhưng đó là nguy cơ
đấy. Không biết làm sao tiến
thoái. Ông thầy thiền mới dạy
chúng ta vào những lúc nguy cơ
xảy ra, ta không được trốn
tránh, không được tự lừa
dối, mà phải trực diện, xông
vào nắm bắt nguy cơ. Xông ra
chạm trán với những vấn đề
lớn trong cuộc sinh tồn là đi
trên con đường của thiền.
Bão Thạch Cư Sĩ
Hisamatsu Shin.ichi (Cửu Tùng, Chân Nhất),
người đề xướng lối
thiền FAS trong “Một Công Án Cơ
Bản” mà ông chế ra, đã
đặt câu hỏi: “Ngay lúc
này, dù nói gì, làm gì,
nếu bị bảo là không nên
thì phải đối phó ra sao?”
Ông đã kết hợp tinh túy
của 3 công án Triệu Châu Vô
Tự, Hương Nghiêm thượng thụ
và Thủ Sơn trúc bề để
cấu thành công án cơ bản
ấy vậy.
Đây không phải là
một nét độc sáng riêng
của Hisamatsu tiên sinh đâu. Trong thất
(Kanshô-shitsu =Hàn Tùng Thất) của
thầy chúng tôi, Miyata Tômin (Cung
Điền, Đông Mân), bọn chúng
tôi đã bỏ ra trước sau bảy
năm trời để khổ học công
án Chích Thủ Âm Thanh (Tiếng
vỗ của một bàn tay). Vì nghĩ
rằng đây là công án do
Thiền Sư Hakuin[6]
đề ra nên tra cứu hết các
sách vở có liên quan tới ngài,
may ra có gợi ý nào nằm trong
đó chăng. Bất ngờ có hôm
thầy tôi bảo: “Tôi nghiệp
cho anh, cứ vùi đầu trong sách
để đi tìm những vọng
tưởng!” và từ đó mới
hiểu sách vở ấy đều vô
dụng. Rồi từ đó đưa ra
kiến giải nào cũng bị thầy
phủ nhận. Cứ thế mà bảy
năm trời bỏ không được
mà không bỏ cũng không được.
Đến năm thứ bảy thì bằng
một cách vô ý thức đã
bị dồn tới cảnh địa “Nói
cũng dở mà không nói lại
không xong!” Vào lúc đó,
công án và tôi mới hợp
nhất làm một (đả thành
nhất phiến) (xem lời bàn của
công án 1 Triệu Châu cẩu tử),
rồi nhờ duyên dẫn dắt, được
“mạc nhiên đả phát”
và cuối cùng đã có thể
nghiệm “kiến tính” “chẻ
dịch hoàn của con rận ra làm
tám”[7].
Cách tham học theo truyền thống của
chúng tôi có khác với
Hisamatsu tiên sinh vốn dùng cho đối
tượng sinh viên đại học
Kyôto là những trí thức ưu
tú. Cách của ông vì thế
nặng về lý luận hơn và
được gọi là phương pháp
“đối cơ thuyết pháp”
tức nhìn người mà giảng.
Thiền sư Lâm Tế
Lâm Tế Đồ
của Iida Dasoku (Phạn Điền Xà
Túc)
[1]
Thoại không thấy chép
trong Thủ Sơn Lục và Cảnh Đức
Truyền Đăng Lục nhưng có ở
Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển
11, chương Diệp Huyện Quy Tỉnh,
nói về những chuyện nhân duyên
đại ngộ.
[2]
Thủ Sơn Tỉnh Niệm
(926-993) thiền gia Bắc Tống,thuộc
dòng Lâm Tế. Nhận pháp tự
của Phong Huyệt Diên Chiểu (896-973).
Tinh thông kinh Pháp Hoa nên có
biệt hiệu là Niệm Pháp Hoa.
Tác phẩm có Thủ Sơn Tỉnh
Niệm Thiền Sư Ngữ Lục (xem Vạn
Tục Tạng 118-242 hạ trở đi),
cuối sách ấy có phần gọi
là Thủ Sơn Cương Tông Kệ,
được biết như là một
công án “nan thấu” nổi
tiếng. Tiểu sử xin xem Cảnh Đức
Truyền Đăng Lục quyển 13 và
Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển
11.
[3]
Nguyên văn “trúc bề”,
một dụng cụ của sư gia để
dạy học (và làm chuyện khác).
Nó làm bằng trúc chẻ ra và
uốn hơi cong vòng, dài từ 60
cm đến 1m, quấn dây mây xong sơn
lên.
[4]
Phật và Tổ hay Phật Tổ
tùy cách ngắt câu.
[5]
Nguyên văn “giao trì”
tức sắp ngựa tốt bên cạnh
nhau để chạy. Đây có nghĩa
là “trộn lẫn vào nhau”.
Có thể ý nói bất luận
là Phật hay người đi tu.
[6]
Bạch Ẩn (Hakuin, 1685-1768), thiền
sư Nhật Bản dòng Lâm Tế
thời Edo. Tu ở chùa Diệu Tâm,
Kyôto, có công trung hưng tôn
phái. Để lại nhiều tác
phẩm. Thụy hiệu Thần Cơ Độc
Diệu Thiền Sư, Chíng Tông Quốc
Sư.
[7]
Thành ngữ Nhật Bản. Có
lẽ ý nói đã phân tích
được tâm hồn mình một
cách chi ly.
|