Tắc
số 41:
Đạt Ma làm yên lòng (Đạt
Ma an tâm)[1].
達磨安心
Bản tắc:
Đạt Ma[2]
quay mặt vào vách tọa thiền.
Nhị Tổ Huệ Khả[3]
cứ đứng mãi trong tuyết. Tự
chặt rụng cánh tay mình và
nói:
-Tâm đệ tử hãy
còn bất an. Xin thầy giúp cho được
yên.
Đạt Ma mới bảo:
-Được, đem cái
tâm đến đây cho ta. Ta sẽ vì
ngươi giúp cho nó được
yên.
Nhị Tổ Huệ Khả trả
lời:
-Thưa đã cố tìm
khắp mọi nơi nhưng chẳng thấy
cái tâm của mình ở đâu
cả.
Đạt Ma đáp:
-Như thế ta đã làm
cho tâm ngươi yên xong rồi đấy.
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Cái lão Hồ móm
mém (khuyết xỉ lão Hồ)[4]
vượt vạn dặm đường biển
lặn lội[5]
đến đây, đúng là đã
gây ra điều phiền phức như
lúc không có gió mà lại
dậy sóng. Đến khi sắp chết
rốt cuộc mới có được
một mống đệ tử để
truyền nghề mà xem ra hắn là
dân chưa có đủ căn cơ.
Hỡi ôi, sao giống như cái anh Tạ
Tam Lang, đúng là dân mù
chữ[6].
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Tây lai trực chỉ, Sự
nhân chúc [7]
khỉ. Nạo quát [8]
tùng lâm, Nguyên lai thị nhĩ.
西
來 直 指
事
因 囑 起
撓
聒
叢 林
原
來 是 你
(Đi thẳng về Đông
từ phương Tây, Dặn dò?
Chỉ vẽ chuyện như ngây! Giờ
còn làm nhặng inh thiền tự, Trăm
sự đều do một chú mầy!)
Lược dịch lời bàn
của Giáo sư Akizuki Ryômin:
Tổ sư Đạt Ma chín
năm trời quay vào vách tọa
thiền. Lúc đã về già,
ông mới từ bên Thiên Trúc
xa xôi đến Trung Quốc để tìm
người có đủ căn cơ mà
truyền đạo pháp. Có lúc,
Thần Quang, sau này sẽ là Nhị
Tổ Huệ Khả, đứng chờ trong
tuyết mà Đạt Ma vẫn không
thèm quay lại. Cho đến khi người
học trò kiên quyết đi tìm
lẽ đạo đến nổi tự chặt
cả tay mình thì ông mới chịu
quay lại đối đáp về cái
Tâm.
Câu trả lời của Nhị
Tổ nguyên văn: Mịch tâm liễu,
bất khẳ đắc. Dịch thử: “Đã
tìm cái Tâm xong, nhưng hoàn
toàn không lấy được”.
“Liễu bất...” ở đây
có nghĩa là “rồi mà
không...”, “rốt cục không...”.
Thâu lượm một chữ “liễu”
này, Thần Quang đã tinh tiến để
đủ sức thấy được sự
an tâm, điều mà từ bao lâu
nay, ông vẫn chờ đợi. Các
bậc tiền bối ở nước ta đã
có người giải thích như
vậy.
Ngoài ra “bất khả
đắc” dịch “không lấy
được” hàm ý “không
nắm bắt được với tính
cách một đối tượng”.
Cái gọi là Tâm, khi ở tư
thế chủ thể thì tác động,
rồi chính nó lại máy động
để thử trở thành cái nó
muốn là, cho nên không thể
nào coi như một khách thể để
nắm bắt. Cho nên phải nói rằng
đặc tính “không thể nắm
bắt được” (bất khả
đắc) chẳng qua là bản chất
của Tâm mà thôi. Cụm từ
này về sau sẽ được Phật
giáo Đại Thừa cô đọng
lại trong một chữ thôi, đó
là chữ “Không”, nó đồng
nghĩa với “phi thực thể”,
“vô tự tính” và được
xem như là thực tướng của
“chân như”.
Nhị Tổ bộc bạch: “Tâm
đệ tử chưa yên” và
ông “muốn Tâm được
yên”, đi cầu sự an tâm. Đạt
Ma mới đòi đưa cho mình xem
“Cái Tâm chưa được
yên” đó. Dĩ nhiên đào
đâu ra một cái Tâm như thế.
Có lẽ lúc đó phải là
lúc phải nỗ lực “làm
yên” “cái Tâm chưa được
yên” đó.
Thế nhưng việc “thử
làm sao cho Tâm mình yên” tự
thể đã “làm cho Tâm mình
bất an” chứ không có gì
khác. Nỗ lực “đừng làm
động Tâm” ngược lại đã
là nguyên nhân “động cái
Tâm”. Nói cách khác, nó
giống như dùng máu để rửa
vết máu. Cho dù vệt máu trước
có sạch nhưng vẫn bị ố vì
vệt máu sau.
Tuy hãy còn có thể
giải quyết bằng cách nhắm vào
mục đích nào đó, đề
ra một lý tưởng, rồi tìm
cách thực hiện lý tưởng
đó. Ấy là một phương
sách có tính cách lý tưởng
chủ nghĩa, nhưng nó lại đi
ngược với con đường tu hành
của nhà Phật. Muốn có “an
tâm”, muốn có “bất động
tâm”, muốn có “vô tâm”
ư ? Tất cả tự thể là những
lầm lẫn. Chỉ đến khi nói
lên được câu: “Đã
cố tìm khắp mọi nơi nhưng
chẳng thấy cái tâm của mình
ở đâu cả”, Nhị Tổ mới
tự nhiên đạt đến cảnh
địa của sự vô tâm chân
thực hay đạt cái đạo gọi
là “bất nghĩ chi đạo”
(không mô phỏng, không nhắm tới
mà thành tựu). Lúc ấy, cả
đại sư lẫn nhị tổ đều
có cùng một tâm cảnh “diệu
tâm” hay “tâm vô tâm”
như nhau. Không còn cần ngôn ngữ
hay văn tự để thuyết minh, tâm
của cả hai đã hợp thành
một. Đồng kính tương đối,
trung tâm vô ảnh tượng (Đặt
hai cái kính đối xứng với
nhau, ở giữa sẽ không có hình
ảnh). Câu nói cuối cùng của
đại sư (Ta đã làm cho tâm
ngươi yên xong rồi đấy!) có
nghĩa là: “Tâm cảnh ấy
đấy!” Đúng nó rồi!”
và chứng minh được việc các
thầy thiền đã “dĩ tâm
truyền tâm” cho học trò như
thế nào.
Những
lời dè bĩu trong lời bình xướng
và tụng của Vô Môn (ông
thầy khuyết răng, học trò tự
chặt tay không đủ lục căn,
anh chàng mù chữ, kẻ làm
nhặng inh chùa chiền...) chỉ là
cách ăn nói quặt quẹo của
ông để tán thán công đức
và tỏ lòng ngưỡng mộ đối
với tổ sư chứ không gì
khác.
[1]
Thoại này có chép
trong Cảnh Đức Truyền Đăng
Lục quyển 3 và Ngũ Đăng Hội
Nguyên quyển 1 chương noi về Đạt
Ma Tổ Sư.
[2]
Dịch âm Bồ Đề Đạt
Ma từ Phạn ngữ Bodhidharma, từ xưa
vẫn viết gọn là Đạt Ma.
Không rõ năm sinh năm mất vì
có nhiều thuyết (? - 495 hay ? - 436 hay ?
- 528). Được coi như tổ thứ
nhất của dòng thiền Trung Quốc
nhưng điều này chưa hội đủ
chứng cứ lịch sử. Có thuyết
cho rằng tập sách dài “Nhị
nhập tứ hàng” đào lên
được ở Đôn Hoàng Sơn
là sách chép lời của ông
và dựa đó, có thể hiểu
phần nào tư tưởng của ông.
Tiểu sử có chép trong Lạc
Dương Già Lam Ký, Tục Cao Tăng
Truyện và nhiều sử thư khác.
[3]
Huệ Khả Đại Tổ
Thiền Sư (487-593) tên là Thần
Quang, người đời Tùy, nắm
được tinh túy của Thiền
Tông của Đạt Ma và trở
thành tổ thứ hai. Tiểu sử có
chép trong Tổ Đường Tập
quyển 2, Tục Cao Tăng Truyện quyển
16 và Cảnh Đức Truyền Đăng
Lục quyển 3..
[4]
Tương truyền Đạt Ma
bị các học giả các giáo
phái như Bồ Đề Lưu Chi căm
ghét, đánh thuốc độc, tuy
thoát chết nhưng rụng hết răng.
Do đó có dị danh “khuyết
xỉ lão Hồ”.
[5]
Đặc đặc (hiểu như
đắc đắc trong tắc 28), có
nghĩa là “cố tình”.
[6]
Nhiều người dịch là
“không biết chữ Tứ” nhưng
Eshin dẫn tích tăng Huyền Sa Sư
Bị (835-908) nguyên là con thứ ba
nhà họ Tạ, vốn mù chữ,
ngay cả 4 chữ (tứ tự) viết trên
đồng tiền cũng không mò
ra. Ở đây hàm ý chê bai
(giả vờ) Đạt Ma để nâng
lên (áp hạ thác thượng).
[7]
Chúc: giao phó, dặn dò
(như trong chữ di chúc)
[8]
Nạo quát: quấy nhiễu
(nạo), làm om sòm (quát).Nói
lãi nhãi, làm kinh động.
|