Tắc
số 30:
Tâm
tức là Phật (Tức tâm tức
Phật)[1].
即心即仏
Bản tắc:
Có một hôm, Hòa
Thượng Mã Tổ[2]
nhân Đại Mai[3]
hỏi:
-Phật là gì vậy?
Bèn trả lời:
-Tâm, ấy là Phật.
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Nếu có người nào
lĩnh hội được ngay lời dạy
của Mã Tổ thì có thể
mặc áo Phật, ăn cơm Phật,
nói chuyện Phật, hành động
như Phật và, cứ như thế ấy,
anh ta là Phật. Dầu vậy, cái
lão Đại Mai Pháp Thường
này khéo dẫn dắt mọi người
đến chỗ ngộ nhận khi dạy họ
những điều sai trái[4]
như thế. (Đại Mai ơi,) có
biết tại sao chỉ cần mở miệng
nhắc tới chữ Phật là cả
ba ngày phải súc miệng không?
Người mà thông hiểu Phật
Pháp, mới nghe giảng đến câu
kiểu như “Tâm, ấy là Phật”
(Tâm, tức thị Phật), đã
phải bịt tai, nhanh chân chạy trốn
ngay thôi.
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Thanh thiên bạch nhật, Thiết
kỵ tầm mịch. Cánh vấn như
hà, Bão tang[5]
khiếu khuất.
青
天 白 日
切
忌 尋 覓
更
問 如 何
抱
臟 叫 屈
(Dưới trời thanh, nắng
sáng trong, Ngu gì của cấm mất
công tìm hoài. Lại đi hỏi
Phật là ai, Tay ôm tang vật, cổ
dài kêu oan!)
Lược dịch lời bàn
của Giáo sư Akizuki Ryômin:
Tương truyền trong đám
môn hạ của Thiền Sư Mã Tổ
Đạo Nhất có đến hơn 80
thiện trí thức (kẻ có năng
lực chỉ đạo). Mã Tổ là
một đại sư tiêu biểu cho
thời Thiền học hưng thịnh nhất
ở Trung Quốc. Về các cao đồ
của ông, ta có thể kể tới
những tên tuổi như Bách Trượng,
Nam Tuyền, Diêm Quan, Ma Cốc và Đại
Mai Pháp Thường.
Nhân một hôm, Đại
Mai đưa ra câu hỏi: “Như hà
thị Phật?” và tôn sư đã
trả lời: “Tức tâm thị
Phật!” Ta thấy có hai chữ “tức”
trong cái tựa đề “Tức tâm
tức Phật”của công án. Chữ
“tức” thứ hai là một
tiếng phó từ (chỉ trạng thái)
có nghĩa “cứ như thế”
. Nhân vì “thị” là một
hệ từ (để móc nối) được
hiểu đơn thuần như “là”
cho nên câu trả lời của Mã
Tổ có thể hiểu: A cứ như
thế là B (A tức thị B) (Tâm tức
thị Phật). Còn chữ “tức”
thứ nhất là một tiếng để
giới hạn và cường điệu
chữ “tâm” theo sát đằng
sau nó. “Tức tâm” hàm ý
“không gì khác hơn cái
tâm, chính cái tâm”. Mã
Tổ muốn giải thích: “Chính
cái tâm với tất cả tích,
dục, tăng, ái là Phật đấy!”.
Nó không khác mảy may với
những kiểu nói: “Phiền não
tức bồ đề”, “Sinh Phật
nhất như” (chúng sinh với Phật
là một) hay “Bình thường
tâm thị đạo”. Sau khi nghe xong
lời thầy, Đại Mai tức khắc
nhìn thấy hiệu quả của bao năm
khổ công tu hành. Giống như
những gì đã xãy ra giữa
thầy trò Sơ Tổ Đạt Ma và
Nhị Tôn Thần Quang (xem tắc 41 Đạt
Ma an tâm), thầy trò Mã Tổ và
Đại Mai nơi đây cũng đã
đạt đến chỗ an tâm, ý
khí hợp nhất, tự giác được
“diệu tâm”.
Về sau, Đại Mai vào ở
ẩn trong Đại Mai Sơn, ra sức thánh
thai trường dưỡng (tu hành sau
khi liễu ngộ). Nhân lúc trong đám
môn đệ (hội hạ) theo học
Thiền Sư Diêm Quan Trai An có một
tăng sĩ lạc lối trong núi, tình
cờ bắt gặp một kẻ giống
như người rừng đang tọa
thiền. Sau đây là cuộc vấn
đáp giữa hai bên:
Hỏi: Hòa thượng vào
núi này đã được mấy
năm rồi?
Đáp: Ta chỉ nhìn thấy
núi bốn bên lúc xanh, lúc ngã
vàng thôi.
Hỏi: Từ nơi đây ra
thôn xóm, phải đi đường
nào?
Đáp: Cứ lần theo dòng
nước mà đi.
Tăng sĩ đó sau trở
về kể chuyện với thầy. Diêm
Quan biết ngay rằng người rừng
hẳn là Pháp Thường, đồng
môn với mình ở cửa Mã Tổ
mà từ khi vào ở ẩn trong Đại
Mai Sơn, không có tin tức.Ông
mới dặn học trò đi tìm
một lần nữa, mãi về sau, Đại
Mai mới xuống núi, bắt đầu
ra tay cứu độ chúng sinh.
Câu chuyện đến tai Mã
Tổ. Ông mới gửi một ý chỉ
qua người học trò và bảo
anh ta đi gặp Đại Mai. Hỏi rằng:
-Tôi nghe hòa thượng
xưa tham thiền ở cửa Mã Tổ
và đã ngộ đạo. Thế
thì ngày nay đã thể đắc
gì rồi và nói cho kẻ khác
nghe được chăng?
Đại Mai đáp:
- Xưa Mã tôn sư khi ta
đặt câu hỏi, đã trả
lời “Tức tâm tức Phật”.
Bây giờ thì ta sống trong núi
này thôi.
Tăng lại hỏi:
-Thế nhưng gần đây
Mã đại sư lại giảng pháp
cách khác. Không dạy “Tức
tâm tức Phật” nữa mà dạy
“Phi tâm phi Phật (xem tắc 33 Phi tâm
phi Phật) cơ đấy!
Nghe thấy thế, Đại Mai
mới nói:
-Lão già ấy bây giờ
lại còn đặt điều như
thế để lừa bịp thiên hạ
đấy phỏng? Lão muốn nói
gì thì mặc, ta chỉ một đường
theo “Tức tâm tức Phật”!
Mã Tổ nghe thuật chuyện,
bảo rằng:
-Thế sao? Hắn nói thế
à? Quả mai (mơ) đã chín
rồi đấy!
Câu nói đó là
bằng chứng ấn khả mà Mã
Tổ ban cho Đại Mai.
Câu chuyện thiền trên
thật có ý nghĩa và chúng
ta sẽ có dịp đào sâu sau.
Còn bây giờ, nếu không làm
phiền quí vị, xin trình bày
một chuyện khác. Người góp
mặt trong chuyện là Bàng Cư sĩ,
kẻ về sau trở thành đại cư
sĩ trong thiên hạ, vốn có duyên
với cửa Mã Tổ, đã từ
xa xôi đến gặp Đại Mai.
Bàng cư sĩ hỏi:
-Lâu năm ái mộ danh
tiếng hòa thượng Đại Mai.
Dám hỏi quả mai (mơ) đã
chín chưa?
Đại Mai:
-Vừa chín tới nơi. Thế
ông ăn nó kiểu nào?.
-Cắn lấy rồi nhai cho nó
nát nhừ ra.
Đại Mai chìa tay ra:
-Nếu thế trả hạt lại
ta nhé!
Bàng cư sĩ không
biết đáp thế nào, đành
lặng thinh. Lúc đó, mới biết
người tầm cỡ như Bàng cư
sĩ mà cũng chưa thực thấu
triệt lẽ đạo[6].
Do đó, người như
Hòa Thượng Đại Mai, một khi
thấu hiểu “Tâm, ấy là
Phật” đã áp dụng điều
đó ngay trong sinh hoạt thường
nhật, và cứ thế mà là
Phật. Thiền Sư Nhật Bản Dôgen
(Đạo Nguyên) cũng nói: “Uy
nghi tức Phật Pháp. Tác pháp
thị tôn chỉ”, cho nên mặc
áo, ăn cơm cũng là thiền.
Rời Phật ngữ, làm những Phật
hành trong cuộc sống là những
“máy động” của Phật
vậy.
Dầu
nói thế, hãy còn một sự
dị biệt, dù nó chỉ nhỏ
bằng sợi lông thỏ. Ấy là,
những ai hiểu được “tức
tâm tức Phật”, “chúng
sinh bản lai Phật”, có “quan
niệm ngộ” rồi, vẫn không
có quyền chễnh mãng trong việc
“thực tham thực cứu”. Như
thiền sư Nhật Bản Hakuin (Bạch
Ẩn) có đề cập đến,
người ta thường mắc lầm lẫn
rơi vào vòng của cái gọi
là “vô sự bất sinh thiền”
(thiền theo lối vô sự bất sinh).
Có lẽ trong ý nghĩa đó,
Vô Môn mới phê bình Hòa
Thượng Đại Mai đã đưa
người ta đến ngộ nhận. Tuy
nhiên đây cũng là kiểu nói
đùa bỡn (niêm lộng) của
nhà thiền chứ thực ra ông xem
lời chỉ bảo (thùy thị) ấy
của Đại Mai hết sức quí
giá.
[1]
Thoại này có chép
trong Mã Tổ Ngữ Lục. Đối
ứng với tắc thứ 33 Phi Tâm Phi
Phật (Không phải tâm, chẳng
phải Phật) cũng thấy chép ở
đây.
[2]
Mã Tổ Đạo Nhất
(709-788), thiền tăng đời Đường.
Học trò cháu (pháp tôn) ba
đời của Lục Tổ. Khai tổ
của tông Hồng Châu. Ông nhận
pháp tự của Nam Nhạc Hoài
Nhượng (677-744). Với những câu
nói bất hủ “Bình thường
tâm thị đạo”, “Tức
tâm thị Phật”, đã xác
định được chỗ đứng
của Thiền Trung Quốc. Để lại
“Mã Tổ Đạo Nhất Thiền
Sư Ngữ Lục” 1 quyển. Tiểu
sử chép trong Đường Văn Túy
quyển 64, Tổ Đường Lục
quyển 14, Cảnh Đức Truyền Đăng
Lục quyển 6 và Ngũ Đăng Hội
Nguyên quyển 3.
[3]
Đại Mai Pháp Thường
(752-839), người nhận pháp tự
của Mã Tổ Đạo Nhất. Để
lại “Đại Mai Pháp Thường
Thiền Sư Ngữ Lục” 1 quyển.
Tiểu sử chép trong Tổ Đường
Lục quyển 15, Cảnh Đức Truyền
Đăng Lục quyển 7 và Ngũ
Đăng Hội Nguyên quyển 3.
[4]
Nguyên văn : thác nhận
Định Bàn Tinh (nhìn lầm dấu
của ngôi sao ở đầu cán
của chòm sao Thiên Bình) nghĩa
bóng: cố bám víu vào điều
không cần thiết. Ở đây
điều ấy ý nói câu hỏi
“Phật là gì?”
[5]
Bão tang: ôm lấy tang vật.
[6]
Phải chăng Bàng cư sĩ
không hiểu rằng đạo như quả
mơ, dù có chín nhũn vẫn
còn cái hột (không ai có thể
tự phụ đạt đạo) và
không phải dễ nuốt (truyền đạt)
như thế. Xin thỉnh giáo! (LND).
|