Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

Chữ Vô của Phương Đông

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tắc số 26: Hai tăng cuốn rèm (Nhị tăng quyến liêm)[1].

巻簾

Bản tắc:

Hòa Thượng Đại Pháp Nhãn[2] ở Thanh Lương Viện[3], nhân lúc chúng tăng nhân tham thiền trước giờ thu trai[4] đến phòng, không nói không rằng, trỏ tay ra chỗ rèm cửa. Lúc đó, hai tăng sĩ đồng thời bước về phía rèm và cuộn lên.

Thấy vậy, Hòa Thượng Pháp Nhãn mới nói: “Một người được, một người mất!”.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Nói nghe xem, người nào được, người nào mất đây? Nếu lúc ấy mà có con mắt thứ ba nhìn thấu suốt sự vật (nhất chích nhãn hay tâm nhãn) thì có thể hiểu được chỗ thất bại (bại khuyết xứ) của ông hòa thượng Pháp Nhãn tôn quí (Thanh Lương Quốc Sư) này trong sự phán đoán. Xin bỏ khuynh hướng tìm hiểu ai được, ai không (ai đúng, ai sai, ai hơn ai kém) như thế cho tôi nhờ[5]!  

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Quyển khởi minh minh triệt thái không,
Thái không do vị hợp ngô tông.
Tranh tự tùng không đô phóng hạ,
Miên miên mật mật bất thông phong.

捲 起 明 明 徹 太 空
太 空 猶 未 合 吾 宗 
爭 似 從 空 都 放 下 
綿 綿 密 密 不 通 風 .

(Nếu cuốn rèm lên sẽ thấy trời,  
Trời Thiền chưa chắc hợp tông tôi
Nhìn cao chi mãi, thôi, buông xuống,
Buồng kín như bưng, sướng mớ đời!)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Trước giờ trai tòa, khi các tăng tới vấn đạo, thiền sư Pháp Nhãn chỉ đưa tay trỏ cái rèm treo ngoài cửa, không nói không rằng. Thấy hai tăng cùng ra cuốn rèm, ông buông một câu gọn lỏn: “Nhất đắc, nhất thất!” Dịch theo từng chữ một là: “Một được, một mất!”. Có nhà tu thiền suy diễn câu nói ấy ra là: “Một người đã đắc đạo, người kia không!” nhưng như thế là lầm. Hai chữ đắc/thất ở đây không nên hiểu theo nghĩa động từ “được” hay “mất” mà phải hiểu theo nghĩa hình dung từ là “tốt” hay “không tốt” và dùng nó với ý của thành ngữ “thị phi, đắc thất”. Nếu xét câu nói đó như một tôn chỉ thì lối hiểu này tương đương với nghĩa thứ hai của tôn chỉ. Hán ngữ là một thứ tiếng nước ngoài cho nên kiến thức về ngữ học rất cần khi đọc sách Thiền. Khi hiểu nghĩa thứ nhất (đắc/thất = được/mất) xong rồi phải tìm hiểu nghĩa thứ hai nếu để xem có sự đùa bỡn chơi chữ (niêm lộng) nào bên trong hay không.

Trai tòa là một qui định ở các tăng viện có từ bên Ấn Độ, ám chỉ bữa cơm chính trong ngày của các tăng. Lắm lúc, trước giờ cơm, chư tăng có thể đến vấn đạo thầy mình. Đây không có ý nghĩa gì đặc biệt. Chỉ có câu nói “Nhất đắc, nhất thất”, ngôn ngữ biểu hiện (ngôn thuyên) của Pháp Nhãn khi thấy hai người học trò theo ngón tay trỏ của mình ra cuộn rèm là đặt cho ta vấn đề suy nghĩ mà thôi.

Lâm Tế Lục cũng chép lại một câu chuyện tương tự như sau: Một hôm, hai vị đệ nhất tòa của hai tăng đường đông và tây gặp nhau, đồng thời cất tiếng quát. Chúng tăng lấy đó làm vấn đề, đem hỏi Thiền sư Lâm Tế: Thưa, hai bên có bên nào hơn bên nào kém  không? Lâm Tế mới trả lời: Dĩ nhiên hơn kém đã rõ. Nguyên văn lời của vị sư tổ được ghi lại là: Tân chủ lịch nhiên (Chủ khách đã rõ ràng). Thử hỏi qua câu đó, Lâm Tế đã muốn nói gì? [6]

Hiểu công án này theo kiểu được/mất, đúng /sai, hơn/kém thì đang suy xét nó trong phạm vi tu dưỡng đạo đức tinh thần chứ không phải nói chuyện tôn giáo. “Đức” mà “được” rồi thì mọi chuyện coi như đã xong tất. Do đó, Vô Môn mới đề nghị dùng con mắt thứ ba (nhất chích nhãn) để hiểu. Đây là “tâm nhãn” hay con mắt nhìn dọc nếu đem so với hai nhục nhãn nhìn ngang của chúng ta. Nếu dùng tâm nhãn mà xem, theo Hòa thượng Vô Môn, mới thấy Thiền sư Pháp Nhãn đã lộ cái yếu kém, thất sách của mình. Pháp Nhãn “thất bại” ở chỗ nào thế? Có thể vì thế giới của người tu thiền không phải là thế giới của đắc thất, thiện ác, đồng dị. Phải làm cho tự ngã trở thành trống rỗng (không), rồi ở trạng thái vô ngã, mở con mắt thứ ba ra sống với sự  “phân biệt bằng cái vô phân biệt” như một con người chân thực (chân nhân). Lúc đó thì mới hiểu cặn kẻ được thế giới.   

Trong bài tụng, Vô Môn nói rằng: Khi cuốn rèm lên sẽ thấy bầu trời cao xanh không một gợn mây (minh minh triệt thái không), nhưng tông môn của chúng ta chưa đạt tới tâm cảnh trong sáng đó. Cái bình đẳng không có dị biệt là bình đẳng không tốt (ác bình đẳng). Vì vậy, cần phải hạ rèm xuống, trở lại tâm cảnh kín như bưng không thông gió (miên miên mật mật bất thông phong) của tông môn mình. Phủ nhận cái không của thái không, tức là vượt qua được tâm cảnh của Phật (Phật hướng thượng). Thiền thực sự (chân thiền) là sống bình thường như lời Mã Tổ Đạo Nhất (bình thường tâm thị đạo) chứ cứ coi mình đã ngộ tức là còn chưa ngộ vậy (ngộ liễu đồng vị ngộ).


 


[1] Thoại này có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 24 và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 10, chương nói về Pháp Nhãn Văn Ích.

[2] Tức Pháp Nhãn Văn Ích (885-958), còn gọi là Thanh Lương Văn Ích hay Đại Tri Tạng Đại Đạo Sư, thiền tăng đời Đường, tổ của tông Pháp Nhãn.Nhận pháp tự của La Hán Quế Sâm (857-928). Thông thạo giáo lý kinh Hoa Nghiêm, cho nên trong gia phong của tông thấy rõ ảnh hưởng kinh này. Có tác phẩm nổi tiếng Tông Môn Thập Qui Luận, bao gồm pháp ngữ, kệ tụng, chân tán, minh, chú…có đến vài vạn lời. Ngoài ra, còn để lại Đại Pháp Nhãn Văn Ích Thiền Sư Ngữ Lục. Tiểu sử có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 24 và Ngũ Nguyên Hội Đăng, quyển 10.

[3] Do Phạn ngữ uposadha nghĩa là thanh tĩnh, sám hối tội lỗi.

[4] Cơm sáng ở các chùa thiền gọi là chúc vì dọn cháo, cơm trưa gọi là trai. Đây là buổi tu tập lúc đã quá chính ngọ và chưa ăn trưa.

[5] Nguyên văn: thương lượng (hiệp nghị để tìm giải pháp cho hai bên cùng thỏa mãn).

[6] Theo thiển ý, có lẽ hai ông đều thua vì hãy còn cái tâm phân biệt, tranh đua. Xin thỉnh giáo! (LND)


 

Trở về



Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

Chữ Vô của Phương Đông

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tắc số 26: Hai tăng cuốn rèm (Nhị tăng quyến liêm)[1].

巻簾

Bản tắc:

Hòa Thượng Đại Pháp Nhãn[2] ở Thanh Lương Viện[3], nhân lúc chúng tăng nhân tham thiền trước giờ thu trai[4] đến phòng, không nói không rằng, trỏ tay ra chỗ rèm cửa. Lúc đó, hai tăng sĩ đồng thời bước về phía rèm và cuộn lên.

Thấy vậy, Hòa Thượng Pháp Nhãn mới nói: “Một người được, một người mất!”.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Nói nghe xem, người nào được, người nào mất đây? Nếu lúc ấy mà có con mắt thứ ba nhìn thấu suốt sự vật (nhất chích nhãn hay tâm nhãn) thì có thể hiểu được chỗ thất bại (bại khuyết xứ) của ông hòa thượng Pháp Nhãn tôn quí (Thanh Lương Quốc Sư) này trong sự phán đoán. Xin bỏ khuynh hướng tìm hiểu ai được, ai không (ai đúng, ai sai, ai hơn ai kém) như thế cho tôi nhờ[5]!  

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Quyển khởi minh minh triệt thái không,
Thái không do vị hợp ngô tông.
Tranh tự tùng không đô phóng hạ,
Miên miên mật mật bất thông phong.

捲 起 明 明 徹 太 空
太 空 猶 未 合 吾 宗 
爭 似 從 空 都 放 下 
綿 綿 密 密 不 通 風 .

(Nếu cuốn rèm lên sẽ thấy trời,  
Trời Thiền chưa chắc hợp tông tôi
Nhìn cao chi mãi, thôi, buông xuống,
Buồng kín như bưng, sướng mớ đời!)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Trước giờ trai tòa, khi các tăng tới vấn đạo, thiền sư Pháp Nhãn chỉ đưa tay trỏ cái rèm treo ngoài cửa, không nói không rằng. Thấy hai tăng cùng ra cuốn rèm, ông buông một câu gọn lỏn: “Nhất đắc, nhất thất!” Dịch theo từng chữ một là: “Một được, một mất!”. Có nhà tu thiền suy diễn câu nói ấy ra là: “Một người đã đắc đạo, người kia không!” nhưng như thế là lầm. Hai chữ đắc/thất ở đây không nên hiểu theo nghĩa động từ “được” hay “mất” mà phải hiểu theo nghĩa hình dung từ là “tốt” hay “không tốt” và dùng nó với ý của thành ngữ “thị phi, đắc thất”. Nếu xét câu nói đó như một tôn chỉ thì lối hiểu này tương đương với nghĩa thứ hai của tôn chỉ. Hán ngữ là một thứ tiếng nước ngoài cho nên kiến thức về ngữ học rất cần khi đọc sách Thiền. Khi hiểu nghĩa thứ nhất (đắc/thất = được/mất) xong rồi phải tìm hiểu nghĩa thứ hai nếu để xem có sự đùa bỡn chơi chữ (niêm lộng) nào bên trong hay không.

Trai tòa là một qui định ở các tăng viện có từ bên Ấn Độ, ám chỉ bữa cơm chính trong ngày của các tăng. Lắm lúc, trước giờ cơm, chư tăng có thể đến vấn đạo thầy mình. Đây không có ý nghĩa gì đặc biệt. Chỉ có câu nói “Nhất đắc, nhất thất”, ngôn ngữ biểu hiện (ngôn thuyên) của Pháp Nhãn khi thấy hai người học trò theo ngón tay trỏ của mình ra cuộn rèm là đặt cho ta vấn đề suy nghĩ mà thôi.

Lâm Tế Lục cũng chép lại một câu chuyện tương tự như sau: Một hôm, hai vị đệ nhất tòa của hai tăng đường đông và tây gặp nhau, đồng thời cất tiếng quát. Chúng tăng lấy đó làm vấn đề, đem hỏi Thiền sư Lâm Tế: Thưa, hai bên có bên nào hơn bên nào kém  không? Lâm Tế mới trả lời: Dĩ nhiên hơn kém đã rõ. Nguyên văn lời của vị sư tổ được ghi lại là: Tân chủ lịch nhiên (Chủ khách đã rõ ràng). Thử hỏi qua câu đó, Lâm Tế đã muốn nói gì? [6]

Hiểu công án này theo kiểu được/mất, đúng /sai, hơn/kém thì đang suy xét nó trong phạm vi tu dưỡng đạo đức tinh thần chứ không phải nói chuyện tôn giáo. “Đức” mà “được” rồi thì mọi chuyện coi như đã xong tất. Do đó, Vô Môn mới đề nghị dùng con mắt thứ ba (nhất chích nhãn) để hiểu. Đây là “tâm nhãn” hay con mắt nhìn dọc nếu đem so với hai nhục nhãn nhìn ngang của chúng ta. Nếu dùng tâm nhãn mà xem, theo Hòa thượng Vô Môn, mới thấy Thiền sư Pháp Nhãn đã lộ cái yếu kém, thất sách của mình. Pháp Nhãn “thất bại” ở chỗ nào thế? Có thể vì thế giới của người tu thiền không phải là thế giới của đắc thất, thiện ác, đồng dị. Phải làm cho tự ngã trở thành trống rỗng (không), rồi ở trạng thái vô ngã, mở con mắt thứ ba ra sống với sự  “phân biệt bằng cái vô phân biệt” như một con người chân thực (chân nhân). Lúc đó thì mới hiểu cặn kẻ được thế giới.   

Trong bài tụng, Vô Môn nói rằng: Khi cuốn rèm lên sẽ thấy bầu trời cao xanh không một gợn mây (minh minh triệt thái không), nhưng tông môn của chúng ta chưa đạt tới tâm cảnh trong sáng đó. Cái bình đẳng không có dị biệt là bình đẳng không tốt (ác bình đẳng). Vì vậy, cần phải hạ rèm xuống, trở lại tâm cảnh kín như bưng không thông gió (miên miên mật mật bất thông phong) của tông môn mình. Phủ nhận cái không của thái không, tức là vượt qua được tâm cảnh của Phật (Phật hướng thượng). Thiền thực sự (chân thiền) là sống bình thường như lời Mã Tổ Đạo Nhất (bình thường tâm thị đạo) chứ cứ coi mình đã ngộ tức là còn chưa ngộ vậy (ngộ liễu đồng vị ngộ).


 


[1] Thoại này có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 24 và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 10, chương nói về Pháp Nhãn Văn Ích.

[2] Tức Pháp Nhãn Văn Ích (885-958), còn gọi là Thanh Lương Văn Ích hay Đại Tri Tạng Đại Đạo Sư, thiền tăng đời Đường, tổ của tông Pháp Nhãn.Nhận pháp tự của La Hán Quế Sâm (857-928). Thông thạo giáo lý kinh Hoa Nghiêm, cho nên trong gia phong của tông thấy rõ ảnh hưởng kinh này. Có tác phẩm nổi tiếng Tông Môn Thập Qui Luận, bao gồm pháp ngữ, kệ tụng, chân tán, minh, chú…có đến vài vạn lời. Ngoài ra, còn để lại Đại Pháp Nhãn Văn Ích Thiền Sư Ngữ Lục. Tiểu sử có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 24 và Ngũ Nguyên Hội Đăng, quyển 10.

[3] Do Phạn ngữ uposadha nghĩa là thanh tĩnh, sám hối tội lỗi.

[4] Cơm sáng ở các chùa thiền gọi là chúc vì dọn cháo, cơm trưa gọi là trai. Đây là buổi tu tập lúc đã quá chính ngọ và chưa ăn trưa.

[5] Nguyên văn: thương lượng (hiệp nghị để tìm giải pháp cho hai bên cùng thỏa mãn).

[6] Theo thiển ý, có lẽ hai ông đều thua vì hãy còn cái tâm phân biệt, tranh đua. Xin thỉnh giáo! (LND)


 

Trở về