Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

Chữ Vô của Phương Đông

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tắc số 13: Đức Sơn bưng bát (Đức Sơn thác bát)[1].

徳山托鉢

Bản tắc:

Một hôm, hòa thượng Đức Sơn Tuyên Giám[2] bưng bát[3] ra đến trai phòng. Bị đệ tử là Tuyết Phong[4] hỏi:

-Này, chuông hiệu chưa rung, trống hiệu chưa đánh báo giờ cơm mà lão già bưng bát đi đâu thế.

Do đó, Đức Sơn đành quày lại tăng phòng. Tuyết Phong mới kể chuyện đó cho Nham Đầu[5] nghe.

Nham Đầu nói:

-Dù là người giỏi như [6]Đức Sơn lão sư đi nữa, ông vẫn chưa hiểu phần cuối[7] của câu nói.

Nghe được, Đức Sơn cho thị giả gọi Nham Đầu tới, chất vấn:

-Nhà ngươi có gì không phục lão chăng?

Nham Đầu mới thì thầm thưa cái gì với Đức Sơn mà ông an tâm, không bắt lỗi nữa.

Ngày hôm sau, khi bước lên bục giảng[8], Đức Sơn có thần thái hoàn toàn khác với mọi ngày. Nham Đầu mới đến trước tăng đường, vỗ tay cười lớn:

-Vui quá đi thôi. Bây giờ người như Đức Sơn lão sư cũng hiểu được phần cuối của câu nói rồi. Từ nay về sau, thiên hạ không ai còn làm gì ông ta được nữa.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Nếu là “phần cuối câu” (mạt hậu cú) thì có một chỗ mà cả Nham Đầu lẫn Đức Sơn cho dù có nằm mộng cũng chưa từng thấy. Dò đi xét lại thật kỹ lưỡng thì Nham Đầu, Tuyết Phong cũng như Đức Sơn, cả bọn đều là một lũ tượng gỗ con rối mà thôi.

 

Tụng:

Bèn có lời tụng:

Thức đắc tối sơ cú,
Tiện hội mạt hậu cú.
Mạt hậu dữ tối sơ,
Bất thị giả nhất cú.

識 得  最  初  句 
便 會  末  後  句 
末 後  與  最  初 
不 是  者  一  句

(Hiểu được phần đầu câu,
Lại hiểu nữa câu sau.
Phần đầu cộng phần cuối,
Nào phải một câu đâu!)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Một hôm, có việc gì đó mà giờ cơm bị trễ, hòa thượng Đức Sơn mới một mình cầm bát xuống phòng ăn để thụ trai, bị người trách nhiệm cơm nước (điển tòa) và cũng là đệ tử của ông là Tuyết Phong phiền trách. Bị đệ tử nói thế nhưng lão sư chỉ đi thẳng về phòng (hồi phương trượng) chứ không đáp gì. Khi Tuyết Phong đắc ý kể lại cho sư huynh là Nham Đầu nghe, ông ta có ý muốn khai nhãn cho Tuyết Phong nên mới bảo lão sư là người không nắm rõ ý một câu nói cho nên đừng tự cho rằng đã đánh lừa được ông ta.

Phần sau câu chuyện đã được trình bày như trên. Đây là loại công án có tên là “hướng thượng”, thường được đánh giá cao ở các đạo tràng. Hòa thượng Đức Sơn là một thiền sư nổi tiếng về cách dạy dỗ cứng rắn “đối với kẻ hiểu đạo thì cho 30 hèo mà đối với kẻ không hiểu đạo cũng 30 hèo” cho nên đệ tử có trình bày được hay không đều bị thầy cho nếm mùi đòn. Thế nhưng trong công án này, quái lạ, ta chỉ thấy một Đức Sơn chín muồi, trở thành ông già tính tình dễ dãi, và đã bỏ quên cây hèo của mình đâu mất rồi. Thật là một công án lạ lùng hiếm có.

Kinh Thánh Tân Ước kể chuyện Chúa có một môn đồ trẻ tuổi mà người rất yêu dấu, đó là thánh Giăng (Johanes), mệnh danh là “ông thiên lôi”. Tháng Giăng sau khi Chúa chết đã trở thành nhà truyền đạo vùng Tiểu Á Tế Á, đến già vẫn không bớt hăng hái. Lời ông thường dạy là câu: “Hãy yêu thương kẻ lân cận như mình!” Ông thiên lôi năm nào đã trở thành người sứ đồ của tình yêu thương. Lúc tôi còn trẻ vẫn được nghe mục sư Wada Shinji dạy rằng hãy tìm hiểu con người trước và sau khi gặp Phúc Âm, xem họ đã thay đổi như thế nào.

Cái hèo của Đức Sơn, tiếng quát của Lâm Tế”! Thế mà hòa thượng Đức Sơn, con người truyền thiền cơ bằng phương pháp dữ dội ấy, nghe ông học trò nổi nóng lên lại không dám phản ứng gì, chỉ lẳng lặng quay về phương trượng. Các thiền gia Nhật ngày xưa đã nhìn thấy trong phong cách “hồi phương trượng” (trở về phòng) này của ông một thiền ý vô hạn, có múc có chan bao nhiêu cũng không cạn:

Thủy tùy phương thảo khứ,
Hựu trục lạc hoa hồi.

始 随 芳 草 去

又 逐 落 花 回

(Ra đi lần lối cỏ tươi,
Rồi theo mấy cánh hoa rơi ta về)

Cái diệu dụng, “máy động tuyệt diệu” trong trạng thái hoàn toàn vô tâm này, nào phải cần lời nói để giải thích. Chúng ta chỉ còn biết bái phục hòa thượng Đức Sơn - qua cách ứng xử ở đây của ông - đã đạt đến chỗ thâm sâu của thiền.

Khi tôi đọc Chính Pháp Nhãn Tạng đến đoạn Thiền sư Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253) phê bình Đức Sơn, lấy làm tiếc vì ông chỉ phê bình một Đức Sơn thời trẻ mà bỏ qua cảnh giới “Phật hướng thượng” (hướng lên trên cả Phật) của Đức Sơn về già.

Cố lão sư Furukawa Takamichi khi điểm về các tắc Vô Môn Quan trong mật thất đã nhảy qua cái tắc thứ 13 này vì ông chủ trương rằng nó quá quan trọng, chỉ có thể nhắc đến vào giai đoạn cuối trong sự tu học[9]

Hòa Thượng Vô Môn cười ba thầy trò Đức Sơn, xem họ chỉ là những tượng gỗ con rối nhưng xin hiểu cho đó chỉ là lối nói đè xuống để nâng lên (ức hạ thác thượng)[10] của nhà thiền.

Hòa thượng Kobori Nanrei đã đọc những lời sau trước hương linh của Suzuki Daisetsu tiên sinh:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
[11],
Cửu thập ngũ niên chỉ giá nguyện,
Cánh dư nhất nguyện dã phong lưu.
Tiên sinh! Tiên Sinh! Hát!

衆 生 無 辺 誓 願 度

煩 脳 無 尽 誓 願 断

法 門 無 量 誓 願 学

仏 道 無 上 誓 願 成

九 十 五 年 只 這 願

更 余 一 願 也 風 流

先 生 ! 先 生 ! 喝

Nhìn suốt 95 năm cuộc đời của lão sư Suzuki Daisetu, cái điều mà dù sau khi ông chết không hề mai một là “ước vọng duy nhất ” (nhất nguyện) này mà ông để lại. Đó cũng là “phần cuối câu nói” (mạt hậu cú) của ông. Do đó, khi lời nguyện này phát ra là Phật đạo đã thành tựu rồi. “Sơ phát tâm thì, cánh thành chính giác” (Lúc mới phát tâm thời chính giác đã thành), là đây. Ý nói lúc bắt đầu, nếu có lòng thành, tức khắc sẽ “hiểu được phần cuối câu nói”. Bên trên, hướng thượng để cầu tâm bồ đề vì muốn trao nó lại cho chúng sinh phía dưới. Dù nói vậy chứ phần đầu (tối sơ) và phần cuối (mạt hậu) của câu nói không nhất thiết phải giống nhau. Chúng riêng biệt cả đấy, như ý câu thơ sau:

Tầm thường nhất dạng song tiền nguyệt,
Tài hữu
[12] mai hoa hựu bất đồng.

尋 常 一 様 窓 前 月

纔 有 梅 花 又 不 同

(Vẫn ánh trăng quen cài trước cửa,
Mới điểm hoa mai thấy khác rồi)

 

Hoa mai này phải hiểu nó như thế nào?


 


[1] Thoại này có chép Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 16, không ở trong phần nói về Đức Sơn mà phần nói về Nham Đầu.

[2] Đức Sơn Tuyên Giám (782-865), thiền tăng đời Đường, thuộc dòng Thanh Nguyên. Thụ pháp tự của Long Đàm Sùng Tín. Ông chuyên nghiên cứu về Kinh Kim Cương nên lại có dị danh là Chu Kim Cương. Sau tu thiền, hay dùng gậy để dạy học trò cho nên có câu “Đức Sơn bổng, Lâm Tế hát” (cây hèo của Đức Sơn, tiếng quát của Lâm Tế). Tiểu sử xem Tổ Đường Tập quyển 5, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 15.

[3] Đây không phải là bát khất thực nhưng là bát cá nhân ăn cơm.

[4] Tuyết Phong Nghĩa Tồn, học trò của Đức Sơn và sư đệ của Nham Đầu.

[5] Nham Đầu Toàn Hoát (828-887), thiền tăng dòng Thanh Nguyên đời Đường. Nhận pháp tự của Đức Sơn Tuyên Giám.Bị giặc cướp cắt đầu, thét to một tiếng rồi chết. Tiểu sử xem Tổ Đường Lục quyển 7, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 16.

[6] Nguyên văn “đại tiểu đại…”, trong ngôn ngữ đời Tống có nghĩa “dù người lỗi lạc đến thế đi nữa”.

[7] Ý nói kết luận hay chỗ thâm sâu cực ý.

[8] Tức lên tu di đàn trong pháp đường ở giảng cho đại chúng.

[9] Chú ý là giáo sư Akizuki Ryômin đã sắp xếp các tắc theo một thứ tự khác hòa thượng Vô Môn. Ông đi từ dễ đến khó (xin xem thêm lý do trình bày ở cuối sách).

[10] Ba thầy trò Đức Sơn, Nham Đầu và Tuyết Phong đều là những đại sư tên tuổi trong lịch sử Thiền tông.

[11] Những câu kinh này gọi là Tứ Hoằng Thệ Nguyện (Bốn lời cam kết lớn) có chép trong kinh Hoa Nghiêm Tĩnh Hành Phẩm, rất phổ biến và khá dễ hiểu nên xin phép không dịch.

[12] Tài hữu: vừa mới có một ít.


 

Trở về



Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

Chữ Vô của Phương Đông

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

 

Tắc số 13: Đức Sơn bưng bát (Đức Sơn thác bát)[1].

徳山托鉢

Bản tắc:

Một hôm, hòa thượng Đức Sơn Tuyên Giám[2] bưng bát[3] ra đến trai phòng. Bị đệ tử là Tuyết Phong[4] hỏi:

-Này, chuông hiệu chưa rung, trống hiệu chưa đánh báo giờ cơm mà lão già bưng bát đi đâu thế.

Do đó, Đức Sơn đành quày lại tăng phòng. Tuyết Phong mới kể chuyện đó cho Nham Đầu[5] nghe.

Nham Đầu nói:

-Dù là người giỏi như [6]Đức Sơn lão sư đi nữa, ông vẫn chưa hiểu phần cuối[7] của câu nói.

Nghe được, Đức Sơn cho thị giả gọi Nham Đầu tới, chất vấn:

-Nhà ngươi có gì không phục lão chăng?

Nham Đầu mới thì thầm thưa cái gì với Đức Sơn mà ông an tâm, không bắt lỗi nữa.

Ngày hôm sau, khi bước lên bục giảng[8], Đức Sơn có thần thái hoàn toàn khác với mọi ngày. Nham Đầu mới đến trước tăng đường, vỗ tay cười lớn:

-Vui quá đi thôi. Bây giờ người như Đức Sơn lão sư cũng hiểu được phần cuối của câu nói rồi. Từ nay về sau, thiên hạ không ai còn làm gì ông ta được nữa.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Nếu là “phần cuối câu” (mạt hậu cú) thì có một chỗ mà cả Nham Đầu lẫn Đức Sơn cho dù có nằm mộng cũng chưa từng thấy. Dò đi xét lại thật kỹ lưỡng thì Nham Đầu, Tuyết Phong cũng như Đức Sơn, cả bọn đều là một lũ tượng gỗ con rối mà thôi.

 

Tụng:

Bèn có lời tụng:

Thức đắc tối sơ cú,
Tiện hội mạt hậu cú.
Mạt hậu dữ tối sơ,
Bất thị giả nhất cú.

識 得  最  初  句 
便 會  末  後  句 
末 後  與  最  初 
不 是  者  一  句

(Hiểu được phần đầu câu,
Lại hiểu nữa câu sau.
Phần đầu cộng phần cuối,
Nào phải một câu đâu!)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Một hôm, có việc gì đó mà giờ cơm bị trễ, hòa thượng Đức Sơn mới một mình cầm bát xuống phòng ăn để thụ trai, bị người trách nhiệm cơm nước (điển tòa) và cũng là đệ tử của ông là Tuyết Phong phiền trách. Bị đệ tử nói thế nhưng lão sư chỉ đi thẳng về phòng (hồi phương trượng) chứ không đáp gì. Khi Tuyết Phong đắc ý kể lại cho sư huynh là Nham Đầu nghe, ông ta có ý muốn khai nhãn cho Tuyết Phong nên mới bảo lão sư là người không nắm rõ ý một câu nói cho nên đừng tự cho rằng đã đánh lừa được ông ta.

Phần sau câu chuyện đã được trình bày như trên. Đây là loại công án có tên là “hướng thượng”, thường được đánh giá cao ở các đạo tràng. Hòa thượng Đức Sơn là một thiền sư nổi tiếng về cách dạy dỗ cứng rắn “đối với kẻ hiểu đạo thì cho 30 hèo mà đối với kẻ không hiểu đạo cũng 30 hèo” cho nên đệ tử có trình bày được hay không đều bị thầy cho nếm mùi đòn. Thế nhưng trong công án này, quái lạ, ta chỉ thấy một Đức Sơn chín muồi, trở thành ông già tính tình dễ dãi, và đã bỏ quên cây hèo của mình đâu mất rồi. Thật là một công án lạ lùng hiếm có.

Kinh Thánh Tân Ước kể chuyện Chúa có một môn đồ trẻ tuổi mà người rất yêu dấu, đó là thánh Giăng (Johanes), mệnh danh là “ông thiên lôi”. Tháng Giăng sau khi Chúa chết đã trở thành nhà truyền đạo vùng Tiểu Á Tế Á, đến già vẫn không bớt hăng hái. Lời ông thường dạy là câu: “Hãy yêu thương kẻ lân cận như mình!” Ông thiên lôi năm nào đã trở thành người sứ đồ của tình yêu thương. Lúc tôi còn trẻ vẫn được nghe mục sư Wada Shinji dạy rằng hãy tìm hiểu con người trước và sau khi gặp Phúc Âm, xem họ đã thay đổi như thế nào.

Cái hèo của Đức Sơn, tiếng quát của Lâm Tế”! Thế mà hòa thượng Đức Sơn, con người truyền thiền cơ bằng phương pháp dữ dội ấy, nghe ông học trò nổi nóng lên lại không dám phản ứng gì, chỉ lẳng lặng quay về phương trượng. Các thiền gia Nhật ngày xưa đã nhìn thấy trong phong cách “hồi phương trượng” (trở về phòng) này của ông một thiền ý vô hạn, có múc có chan bao nhiêu cũng không cạn:

Thủy tùy phương thảo khứ,
Hựu trục lạc hoa hồi.

始 随 芳 草 去

又 逐 落 花 回

(Ra đi lần lối cỏ tươi,
Rồi theo mấy cánh hoa rơi ta về)

Cái diệu dụng, “máy động tuyệt diệu” trong trạng thái hoàn toàn vô tâm này, nào phải cần lời nói để giải thích. Chúng ta chỉ còn biết bái phục hòa thượng Đức Sơn - qua cách ứng xử ở đây của ông - đã đạt đến chỗ thâm sâu của thiền.

Khi tôi đọc Chính Pháp Nhãn Tạng đến đoạn Thiền sư Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253) phê bình Đức Sơn, lấy làm tiếc vì ông chỉ phê bình một Đức Sơn thời trẻ mà bỏ qua cảnh giới “Phật hướng thượng” (hướng lên trên cả Phật) của Đức Sơn về già.

Cố lão sư Furukawa Takamichi khi điểm về các tắc Vô Môn Quan trong mật thất đã nhảy qua cái tắc thứ 13 này vì ông chủ trương rằng nó quá quan trọng, chỉ có thể nhắc đến vào giai đoạn cuối trong sự tu học[9]

Hòa Thượng Vô Môn cười ba thầy trò Đức Sơn, xem họ chỉ là những tượng gỗ con rối nhưng xin hiểu cho đó chỉ là lối nói đè xuống để nâng lên (ức hạ thác thượng)[10] của nhà thiền.

Hòa thượng Kobori Nanrei đã đọc những lời sau trước hương linh của Suzuki Daisetsu tiên sinh:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
[11],
Cửu thập ngũ niên chỉ giá nguyện,
Cánh dư nhất nguyện dã phong lưu.
Tiên sinh! Tiên Sinh! Hát!

衆 生 無 辺 誓 願 度

煩 脳 無 尽 誓 願 断

法 門 無 量 誓 願 学

仏 道 無 上 誓 願 成

九 十 五 年 只 這 願

更 余 一 願 也 風 流

先 生 ! 先 生 ! 喝

Nhìn suốt 95 năm cuộc đời của lão sư Suzuki Daisetu, cái điều mà dù sau khi ông chết không hề mai một là “ước vọng duy nhất ” (nhất nguyện) này mà ông để lại. Đó cũng là “phần cuối câu nói” (mạt hậu cú) của ông. Do đó, khi lời nguyện này phát ra là Phật đạo đã thành tựu rồi. “Sơ phát tâm thì, cánh thành chính giác” (Lúc mới phát tâm thời chính giác đã thành), là đây. Ý nói lúc bắt đầu, nếu có lòng thành, tức khắc sẽ “hiểu được phần cuối câu nói”. Bên trên, hướng thượng để cầu tâm bồ đề vì muốn trao nó lại cho chúng sinh phía dưới. Dù nói vậy chứ phần đầu (tối sơ) và phần cuối (mạt hậu) của câu nói không nhất thiết phải giống nhau. Chúng riêng biệt cả đấy, như ý câu thơ sau:

Tầm thường nhất dạng song tiền nguyệt,
Tài hữu
[12] mai hoa hựu bất đồng.

尋 常 一 様 窓 前 月

纔 有 梅 花 又 不 同

(Vẫn ánh trăng quen cài trước cửa,
Mới điểm hoa mai thấy khác rồi)

 

Hoa mai này phải hiểu nó như thế nào?


 


[1] Thoại này có chép Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 16, không ở trong phần nói về Đức Sơn mà phần nói về Nham Đầu.

[2] Đức Sơn Tuyên Giám (782-865), thiền tăng đời Đường, thuộc dòng Thanh Nguyên. Thụ pháp tự của Long Đàm Sùng Tín. Ông chuyên nghiên cứu về Kinh Kim Cương nên lại có dị danh là Chu Kim Cương. Sau tu thiền, hay dùng gậy để dạy học trò cho nên có câu “Đức Sơn bổng, Lâm Tế hát” (cây hèo của Đức Sơn, tiếng quát của Lâm Tế). Tiểu sử xem Tổ Đường Tập quyển 5, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 15.

[3] Đây không phải là bát khất thực nhưng là bát cá nhân ăn cơm.

[4] Tuyết Phong Nghĩa Tồn, học trò của Đức Sơn và sư đệ của Nham Đầu.

[5] Nham Đầu Toàn Hoát (828-887), thiền tăng dòng Thanh Nguyên đời Đường. Nhận pháp tự của Đức Sơn Tuyên Giám.Bị giặc cướp cắt đầu, thét to một tiếng rồi chết. Tiểu sử xem Tổ Đường Lục quyển 7, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 16.

[6] Nguyên văn “đại tiểu đại…”, trong ngôn ngữ đời Tống có nghĩa “dù người lỗi lạc đến thế đi nữa”.

[7] Ý nói kết luận hay chỗ thâm sâu cực ý.

[8] Tức lên tu di đàn trong pháp đường ở giảng cho đại chúng.

[9] Chú ý là giáo sư Akizuki Ryômin đã sắp xếp các tắc theo một thứ tự khác hòa thượng Vô Môn. Ông đi từ dễ đến khó (xin xem thêm lý do trình bày ở cuối sách).

[10] Ba thầy trò Đức Sơn, Nham Đầu và Tuyết Phong đều là những đại sư tên tuổi trong lịch sử Thiền tông.

[11] Những câu kinh này gọi là Tứ Hoằng Thệ Nguyện (Bốn lời cam kết lớn) có chép trong kinh Hoa Nghiêm Tĩnh Hành Phẩm, rất phổ biến và khá dễ hiểu nên xin phép không dịch.

[12] Tài hữu: vừa mới có một ít.


 

Trở về