Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

DƯỚI MẮT NGƯỜI NHẬT

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Dẫn Nhập[*]

theo Nishimura Eshin

解説:西村恵信  

Vô Môn Quan cùng với Bích Nham Lục [1] và Thung Dung Lục [2] là một tập công án của thiền tông đời Tống bên Trung Quốc mà người trong hay ngoài thiền môn đều biết đến. Thiền sư Nam Tống tên Vô Môn Huệ Khai (1183-1260) đã tuyển lựa những trao đổi vấn đáp của thiền gia từ trước đến thời đó thành 48 tắc, tập hợp trong một quyển sách giúp cho người mới tu thiền có điểm tựa để tiến lên trên con đường tìm về giác ngộ.

Quá trình xuất hiện của các ngữ lục

Thiền tông khai hoa vào thời Vãn Đường bước qua Ngũ Đại, thế nhưng các vị thiền sư lỗi lạc thời ấy hoàn toàn không thích đem hình thức sinh hoạt thường nhật của mình hay một hai câu nói mà mình phát biểu trong một trường hợp nào đó sao lục lại với chủ ý làm mực thước cho người đời sau. Cố định hóa chúng thành những khái niệm là đi ngược với tinh thần của thiền tông vốn tự do khoáng đạt. Dù vậy, sau khi các bậc tổ sư ấy chết đi, đã thấy xuất hiện những tín hành lục do chư đệ tử ghi chép lại. Chúng đã được truyền lại một cách cẩn thận như di sản tinh thần quí giá để hiểu biết tôn chỉ của thiền tông. Những sách gọi là ngữ lục của các bậc tổ sư đời Đường thường đơn sơ, không tô chuốt. Môn đệ họ cũng không hề phụ thêm vào đó những lời bàn, cứ thế mà họ truyền đi nên các tác phẩm ấy vẫn thể hiện được cách sống thô sơ phác lậu và tràn đầy khí phách của các ngài. Những Mã Tổ Lục, Lâm Tế Lục, Động Sơn Lục, Vân Môn Lục, Triệu Châu Lục chính là những tập ngữ lục thuộc loại này.

Song song với loại ngữ lục mà chúng ta có thể xem như tư liệu gốc để hiểu lịch sử thiền tông, lại có một loại ngữ lục khác, trong đó, người tu thiền hạ bút viết lời phê bình, ghi chép lại điều mình giác ngộ được cũng như nhằm kiểm chứng xem kiến thức đã được truyền thụ từ thầy sang trò hay chưa. Đó là sản phẩm của thời Tống, giai đoạn mà hầu hết các tôn phái thiền Trung Quốc đã đến hồi suy vi. Như chúng ta hẳn biết, từ đời Tống trở đi, người tu thiền đã phải nhận sự bảo trợ từ bên ngoài của tầng lớp sĩ đại phu, nhờ đó, họ thành lập được những cộng đồng sinh hoạt lớn có tên là tùng lâm (tùng = cụm, khóm, lâm = rừng, đây có nghĩa là chùa thiền). Vì lý do đó, những nhà tu thiền đánh mất đi sức mạnh tôn giáo, ngược lại, càng giao lưu thâm sâu trong sinh hoạt với giới sĩ đại phu chừng nào, họ lại bị quí tộc hóa chừng nấy. Tuy nhiên, dần dần, cũng nhờ sự đóng góp của giới này mà nền văn hóa thiền tông đã thành hình. Các ngữ lục vào giai đoạn này vì vậy có cái đặc sắc là đậm đà tính văn nghệ mà điển hình là Bích Nham Lục và Thung Dung Lục.

Dĩ nhiên, những bậc thiền sư đời Tống muốn cứu vãn cảnh chùa thiền đang gặp hồi điêu đứng, mới ra sức gạn đục khơi trong, tạo ra các loại thanh qui nghĩa là qui tắc tu hành và qui chế sinh hoạt phải theo. Vào thời này thấy xuất hiện nhiều tập ngữ lục trình bày, đề cao nghi thức tu tập và truyền thừa thiền đăng của tông phái mình. Thế nhưng, phải nói ngay là loại sách vở này chỉ lấy các ngữ lục và sử truyện của thiền gia đời Đường làm cơ sở nên thiếu độc đáo.

Tuy vậy, nhờ những công phu sáng ý xuất phát từ tinh thần hộ pháp của các thiền sư đời Tống mà cho đến ngày nay, dòng thiền vẫn không cạn mạch. Ví dụ phương pháp khán thoại thiền tức là phương pháp chỉ đạo để dẫn chư đệ tử tới khai ngộ bằng cách dùng những lời dạy dỗ của cổ nhân (cổ tắc thoại đầu) như tấm gương soi (giám) chẳng hạn. Phương pháp này xuất hiện vào đời Tống, đã có công khởi tử hồi sinh hoạt động của thiền môn. Công lao ấy đáng được tán dương. Cũng không thể bỏ qua vai trò của nó đối với việc gìn giữ và phát triển thiền tông trong những giai đoạn lịch sử kế tiếp.Một cuốn Vô Môn Quan là di sản chung đúc nỗ lực của thiền sư Vô Môn Huệ Khai, lúc ấy đang đứng trước những năm tháng quyết định vận mệnh của thiền tông đời Tống.  

Người đã đem Vô Môn Quan vào đất Nhật là một vị tên gọi Pháp Đăng Viên Minh Quốc Sư, Thiên Địa Phường Vô Bản Giác Tâm (1207-1298) tu ở chùa Hưng Quốc Tự ở Yura (tỉnh Hyôgo, gần Kobe bây giờ). Ngài Giác Tâm (Kakushin) tức Pháp Đăng Quốc Sư (Hottô Kokushi) là một thiền tăng Nhật Bản sống vào buổi đầu thời Kamakura. Năm Kenchô thứ 6 (1249), ông đã sang Tống, có duyên gặp gỡ với không ai khác hơn là thiền sư Vô Môn Huệ Khai, người trước tác Vô Môn Quan. Nhà sư Nhật Bản được Huệ Khai truyền thụ thiền pháp, sống bên Trung Quốc cả thảy 6 năm, cho đến năm 1254 mới về lại Nhật.

Tác phẩm Vô Môn Quan đã ra đời như thế nào?

Nếu căn cứ ngày tháng ghi ở bài hậu tự ở cuối quyển Vô Môn Quan viết năm Thiệu Định nguyên niên (1228) thì sách này đã được biên soạn xong 20 năm trước khi sư Giác Tâm nhập Tống. Bài tự cho biết trong năm 1228 này, Vô Môn Huệ Khai đã đến tu hành trong vòng 3 tháng nhân mùa an cư kiết hạ ở chùa Long Tường ở vùng Đông Gia thuộc tỉnh Giang Tô. Lúc ấy, ông đã có cơ hội đem những cổ tắc thoại đầu mình thu thập được từ ngữ lục của các thiền tăng xưa nay để chỉ dẫn, giúp đỡ các học tăng đang đến đó nhập thất. Dần dần ông đã chỉnh lý và nối kết lại những bài nói chuyện trong mùa an cư kiết hạ ấy thành 48 tắc, lồng khung trong một quyển sách gọi là Vô Môn Quan.

Cứ theo lời trình bày ở đầu quyển sách thì Vô Môn Huệ Khai đã ấn hành quyển sách nhằm dịp thánh tiết (sinh nhật) của hoàng đế Lý Tông[3] tức là ngày mùng 5 tháng giêng năm Thiệu Định thứ 2 (1229). Điều đó cho biết từ lúc bản thảo hoàn thành cho đến lúc in ra chỉ có 6 tháng, nghĩa là hết sức nhanh chóng.

Ở cuối sách lại có chép thêm những thiền châm tức là những lời răn bảo người tham thiền. Đến cuối mùa xuân 1230, Vô Môn Huệ Khai lại được nhà sư trụ trì chùa Thụy Nham ở Minh Châu (thuộc tỉnh Giang Tô) tên là Vô Lượng Tôn Thọ (soạn giả Nhập Chúng Nhật Dụng Thanh Qui) mến phục tài đức, mời đến làm thủ tòa để giảng kinh. Nhân dịp này, ông đã sử dụng Vô Môn Quan làm tư liệu diễn giảng lần đầu tiên. Để tạ ơn ông, nhà sư Vô Lượng Tôn Thọ đã viết thêm vào một lời tựa nhan đề Hoàng Long Tam Quan. Sau đó, có người tên Mạnh Củng[4] (con của Tông Chính) tự là Phác Ngọc, thụy là Trung Tương, hiệu Vô Am Cư Sĩ, tiểu truyện được ghi trong Tống Sử, quyển 472, đã thêm lời bạt trong dịp in lại vào mùa hạ năm Thuần Hựu thứ 5 (1245).

Vô Môn Quan hiện tại lưu hành là bản in lần thứ ba, ở cuối bản còn có thêm cả lời bạt của An Vãn viết ở trang viện cạnh Tây Hồ ở Hàng Châu vào mùa hạ năm 1246. An Vãn, con của Nhược Trùng, vốn tên là Trịnh Thanh Chi, tự Đức Nguyên, húy Trung Định, truyện có ghi trong Tống Sử quyển 474. Còn người biên tập lại Vô Môn Quan lần thứ ba này tên gọi tham học tì khưu (tăng sĩ tham gia học tập) Di Diễn Tông Thiệu thì không rõ là nhân vật thế nào. Có thuyết cho là chính Huệ Khai, có thuyết cho là hai môn đệ cùng ký một tên ghép.

Đôi hàng về tác giả Vô Môn Quan

Vô Môn Huệ Khai, nhân vật được xem như tác giả Vô Môn Quan, là ai? Trong các sách được thu thập lại trong Vạn Tục Tạng như Vô Môn Huệ Khai Hòa Thượng Ngữ Lục (thượng hạ 2 quyển), Tục Truyền Đăng Lục, quyển 35, Tăng Tập Tục Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên Tục Lược, Ngũ Đăng Nghiêm Thống cũng như Ngũ Đăng Toàn Thư quyển 53 thì chi tiết cuộc đời của thiền sư này tuy có đấy nhưng chỉ được kể lại rất đơn sơ.

Được biết Vô Môn Huệ Khai ra đời năm Thuần Hy thứ 10 (1183) ở Lương Chữ, Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) dưới triều hoàng đế Hiếu Tông[5] nhà Nam Tống. Cha họ Lương, mẹ họ Tôn. Lớn lên xuất gia học đạo với một vị thầy tên Thiên Long Quăng, sau gửi thân ở chùa Vạn Thọ ở Bình Giang (thuộc Giang Tô), và được Nguyệt Lâm Sư Quán (1143-1217) dạy dỗ.

Nguyệt Lâm Sư Quán là tổ sư thiền đời thứ 7 của phái Dương Kỳ dòng Lâm Tế, hồi mới 14 tuổi đã xuất gia trên Tuyết Phong Sơn. Sau khi đã học thiền với công án Triệu Châu Cẩu Tử (Con chó của Triệu Châu, tắc thứ 1 trong Vô Môn Quan), ngài đến chùa Nhị Thánh ở Kinh Nam và thụ giới vào năm 24 tuổi. Sau lại đến học thiền với Đại Hồng Tổ Chứng ở chùa Tiến Phúc thuộc Nhiêu Châu (tỉnh Giang Tây), chịu cực khổ 10 năm, cuối cùng được ấn khảpháp tự, nói nôm na là được thầy chấp nhận trình độ và chọn để nối nghiệp. Ngài sáu lần đi mở đạo trường rao giảng thiền học ở các chùa như Thánh Nhân ở Ngô Môn, Vạn Thọ ở Tô Châu, Ô Hồi ở Vũ Khang. Đến năm Gia Định thứ 10 (1217) thì thị tịch (chết) sau khi đã trụ thế (sống trên đời) 75 năm.  

Tương truyền khi Vô Môn Huệ Khai đến học thiền với Nguyệt Lâm, ông lại được thầy trao cho công án “Con chó của Triệu Châu” (Triệu Châu cẩu tử) và đã mất 6 năm để suy ngẫm mà vẫn không tìm ra ý nghĩa thực sự của nó. Nghĩ rằng nếu cứ tham thiền mà đầu óc ở trong trạng thái chập chờn thì sẽ làm hư căn tính nên mỗi lần như thế, mới hăng hái đẩy lui cơn buồn ngủ bằng cách đi bộ dọc hiên chùa và đập đầu vào cột cho tỉnh người. Một hôm đang cùng chúng tăng ngồi nghe ngài Nguyệt Lâm giảng kinh, chợt có tiếng trai cổ (trống báo giờ cơm trưa). Sư nghe tiếng trống ấy mà bỗng nhiên khai ngộ, mới viết bài kệ đầu cơ (khai ngộ) như sau:

Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi,
Đại địa quần sinh nhãn khoát khai.
Vạn tượng sâm la tề khể thủ,
Tu Di bột khiếu, vũ Tam Đài.

青 天 白 日 一 声 雷

大 地 郡 生 眼 豁 開

萬 象 森 羅 斉 稽 首

須 弥 勃[6] 跳 舞  三 台


(Ngày tạnh đâu ngờ sấm lọt tai,
Muôn loài mở mắt có trừ ai.
Trời đất núi rừng đều cúi lạy,
Tu Di nhảy cỡn, múa Tam Đài)[7].

Ngày hôm sau, Vô Môn Huệ Khai vào thất của Nguyệt Lâm để báo về sự giác ngộ của mình thì Nguyệt Lâm cất tiếng chào ngay: “ Lúc thấy được thần sẽ hết thấy quỉ”. Vô Môn quát một tiếng và Nguyệt Lâm cũng quát trả một tiếng. Vô Môn lại quát thêm tiếng nữa. Sau nhiều lần như vậy thì ý khí thầy trò hợp nhất với nhau và Vô Môn thu nạp được thiền lý của Nguyệt Lâm.

Tiếp nhận pháp tự của thầy xong và lúc Nguyệt Lâm thị tịch đã được một năm (1218), Vô Môn đến chùa Báo Quốc trên núi An Cát để hoằng đạo. Sau đó, ông lần lượt dời lá tràng (cờ hiệu) của mình đến các chùa Thiên Ninh, Hoàng Long, Thúy Nham ở Hàng Hưng (tỉnh Giang Tây), chùa Phổ Tế ở Tiêu Sơn thuộc phủ Trấn Giang (tỉnh Giang Tô), chùa Khai Nguyên ở phủ Bình Giang, chùa Bảo Ninh ở phủ Kiến Khang. Cuối cùng, năm Thuần Hựu thứ 6 (1246), ông đến được chùa Hộ Quốc Nhân Vương. Cũng vào năm này, An Vãn viết lời bạt cho Vô Môn Quan.

Lúc vãn niên, thiền sư Vô Môn Huệ Khai rời khỏi chùa Hộ Quốc, sống trong am bên cạnh Tây Hồ khoảng nửa năm nhưng môn đệ đến học thiền càng lúc càng đông. Ngày 28 tháng 3 năm Cảnh Định nguyên niên (1260), biết mình sắp chết, Vô Môn mới từ giã bạn bè thâm giao. Khi được một người tên Lý Trai Thừa Tướng hỏi sẽ thị tịch ngày nào, ông cho biết là “Phật sinh nhật tiền” tức ngày mùng 7 tháng 4. Ngày mùng 1 tháng 4, ông nhờ thợ xây tháp, đến ngày 7, sau khi xem xét tháp đã hoàn thành xong thì tự mình soạn khởi khám ngữ, nhập tháp ngữ và để lại di yết như sau: “Hư không bất sinh. Hư không bất diệt. Nếu chứng đắc hư không. Với hư không là một”. Trụ thế 78 năm.  

Vô Môn Quan được truyền bá ở Nhật như thế nào?

Ngài Vô Bản Giác Tâm tức Pháp Đăng Quốc Sư từ Nhật nhập Tống xong, đi học thiền ở nhiều nơi, đến ngày 28 tháng 2 năm Thuần Hựu nguyên niên (1253), nhân lên núi Đại Mai làm lễ trước linh tháp của thiền sư Pháp Thường (752-839) thì tình cờ tạo được kỳ duyên hội ngộ với thiền sư Vô Môn. Số là nơi đây, Giác Tâm lại gặp tăng Nguyên Tâm (Genshin), người bạn Nhật cùng học thiền, được ông này cho biết Vô Môn là một bậc thầy nổi tiếng trong làng thiền. Ông mới đến yết kiến Vô Môn lần đầu vào tháng 9 năm đó ở chùa Hộ Quốc, và chỉ qua vài câu vấn đáp, đã nhận được ấn khả. Sau đó Giác Tâm ra đi và năm sau trở lại chùa Hộ Quốc chào từ giã Vô Môn để về nước. Thiền sư Vô Môn đã tặng Giác Tâm bức tranh vẽ ba người là Đạt Ma cùng với Hàn Sơn và Thập Đắc, hai kỳ tăng đời Đường, một bức tự họa chân dung mình, một cuốn ngữ lục của Nguyệt Lâm Sư Quán và một bản Vô Môn Quan mình soạn ra.   

Bản Vô Môn Quan thiền sư Giác Tâm đem về nước năm 1254 là bản trùng san lần thứ ba (1246) có lời bạt của An Vãn lẫn lời bàn về tắc thứ 49. Sau khi Giác Tâm lên Kim Cương Tam Muội Viện ở núi Koyasan (Cao Dã Sơn, gần Kobe) thuyết giảng, được một người hào mục địa phương là Katsurayama Gorô mời về trụ trì Tây Phương Tự (nay có tên là Hưng Quốc Tự) ở vùng Yura. Có lẽ vào thời điểm này các môn nhân của người đã sao chép lại nhiều lần Vô Môn Quan.

Thế nhưng Vô Môn Quan được in ra lần đầu ở Nhật vào lúc nào? Theo Kawase Ichima trong khi nghiên cứu về những bản in của các chùa thiền Ngũ Sơn (Gozan) thì thời điểm ấy là năm Chính Ứng thứ 4 (1291) và tác giả đã dựa vào lời ghi chép về việc ấn hành các bản còn lưu lại ở Đại Trung Viện chùa Kiến Nhân (Kenninji): “Quyển sách này là một cái chùy đập lộ ra cốt tủy của Phật tổ, mở toang con mắt cho chúng tăng, chưa bao giờ được in ra ở nước ta…”. Trong đó có nhắc đến hai chữ “Chính Mão” được hiểu là năm Chính Ứng Tân Mão (năm thứ tư).

Hiện nay bản Vô Môn Quan đang lưu hành ở Nhật và được xem như bản gốc là bản in trong niên hiệu Ôei (Ứng Vĩnh, 1394-1428) được giữ ở chùa Kôenji (Quảng Viên, thuộc thị xã Hachiôji gần Tôkyô). Theo lời ghi chép trên đó của một người tên gọi tì khưu Jôboku (Thường Mục) thì sách được in lại vào tháng chạp năm Ứng Vĩnh Ất Dậu (1405) vì bản Chính Ứng Tân Mão đã hư hao thất thoát nhiều.Đó là cải bản đã ra đời sau bản chính một thế kỷ. Tiếp theo đó, còn có các bản sao, chép, đề xướng, giảng nghĩa của các nhà tu thiền đời nay, tổng cộng trên 60 loại khác nhau còn được nhắc đến, mà vì khuôn khổ bài viết không thể kê khai hết được. Muốn biết xin tham khảo “Tân Vựng Thiền Tịch Mục Lục” (1962) ở Thư Viện Đại Học Phật Giáo Komazawa (Tôkyô).    

Đặc điểm của Vô Môn Quan

Không biết ở Trung Quốc dưới triều Tống, trong chốn thiền lâm, Vô Môn Quan đã được đánh giá như thế nào. Nói đến con số những cổ tắc được sử dụng thì chỉ chưa đầy phân nửa[8] nếu đem so sánh nó với hai tác phẩm khác, đó là Chính Pháp Nhãn Tạng của Đại Huệ[9] (1147) đã được trân trọng từ một trăm năm trước hay Bích Nham Lục của tăng Viên Ngộ góp mặt chậm hơn khoảng bảy mươi năm sau[10]. Hơn nữa nội dung của Vô Môn Quan tỏ ra nghèo nàn nếu so sánh về tính văn học và sự sâu dày của Bích Nham Lục và Thung Dung Lục. Cho nên ở một nước câu nệ về truyền thống như quê hương Trung Quốc của mình, một tập sách mới như Vô Môn Quan không dược đánh giá cao. Thế nhưng Vô Môn Quan đã được Pháp Đăng Quốc Sư (Giác Tâm) đem về Nhật rất sớm sủa và đó là dịp may cho nó. Các thiền tăng Nhật đồng thời sử dụng cả bộ ba Vô Môn Quan, Bích Nham Lục và Thung Dung Lục. Hơn thế nữa, hãy còn một số lý do khác.

Trước tiên, Vô Môn Quan là một tập công án có đặc sắc của riêng nó. Ví dụ như ngoài bốn tắc có tên là Động Sơn Tam Cân (Tắc 18: Ba cân tơ (gai) của Động Sơn), Câu Chi Thụ Chỉ (Tắc 3: Câu Chi giơ ngón tay), Nam Truyền Trảm Miêu (Tắc 14: Nam Tuyền chém mèo), Ngoại Đạo Vấn Phật (Tắc 32: Kẻ ngoại đạo hỏi Phật), không có tắc nào trùng phức với các tắc trong số 100 được dẫn ra trong Bích Nham Lục. Đối với những người tu học đã đến Long Tường Tự ở Đông Gia để nhập thất thì Huệ Khai đã xem bốn mươi tám tắc của Vô Môn tuy là “dùng công án của cổ nhân như miếng ngói để gõ cửa, rồi tùy cơ mà dẫn dắt người muốn tìm hiểu” nhưng ông lại không dựa vào những công án truyền thống thấy trong Bích Nham Lục mà ai nấy đều biết. Thay vào, ông tuyển chọn theo kiến thức của mình những công án xuất phát từ các ngữ lục của các bậc tổ sư, rồi thêm lời bình và tụng của mình cho từng công án một. Đó là đặc điểm trước tiên của Vô Môn Quan.

Những thoại đầu (đề tài để bàn cãi) của 48 tắc được tuyển lựa này không chỉ là những câu chuyện rút ra từ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (san hành năm 1004), một tập sách cũ, nhưng còn lấy từ tác phẩm lưu hành đương thời là Ngũ Đăng Hội Nguyên (1253) cũng như, cụ thể hơn, từ Tùng Nguyên Tam Chuyển Ngữ (Tắc 20: Đại Lực Lượng Nhân, Đại lực sĩ) của Tùng Nguyên Sùng Nhạc (1132-1202), từ công án của Nguyệt Am Thiện Quả (1079-1152) (Tắc 8: Hề Trọng tạo xa, Hề Trọng chế xe) hay từ công án của Hoặc Am Sư Thể (1108-1179) (Tắc 4: Hồ tử vô tu, Lão Hồ không râu). Như thế, Huệ Khai cũng sử dụng chất liệu mới mẻ, những thoại đầu của người cùng thời với mình. Qua đó, ta bắt gặp cái phong cách muốn tiến thủ nơi Huệ Khai.

Vô Môn Quan sớm được công nhận là một tập công án cũng là nhờ có sự can thiệp của thiền sư Vô Lượng Tôn Thọ của phái Đại Huệ, người vốn là môn đồ từ cửa Ngũ tổ Pháp Diễn nhưng ngày xưa đã tách ra khỏi chi lưu của Vô Môn Huệ Khai. Tôn Thọ mời Vô Môn về chùa Thụy Nham để thuyết giảng về Vô Môn Quan, lúc đó vừa mới in xong. Và để tỏ lòng cảm ơn, ông ta đã viết một lời bạt cuối sách với tựa đề Hoàng Long Tam Quan để đánh giá cao kiến thức của Vô Môn.

Thứ đến, phải để ý đến tính cách không dụng công của Vô Môn Quan. Nó không phải là một tập công án có màu sắc văn chương như Bích Nham Lục và Tùng Dung Lục mà đúng là một tập tài liệu để học tập vì biết đặt thẳng vấn đề. Về cả hai mặt chất lẫn lượng, nó đều rõ ràng gọn ghẽ, đúng là tập ngữ lục mà người tu thiền có thể bỏ túi mang theo bên mình.

Đầu tiên, có lẽ phải có một lý do nào đó để nó chỉ gồm có 48 tắc nhưng vì nó ngừng giữa chừng như thế cho nên An Vãn mới thêm tắc thứ 49 để tiến gần con số may mắn (cát số) trong Kinh Dịch là 50 (đại diễn số). Tại sao tự lúc đầu đã không có 50 tắc? Có thể đây cũng là bằng chứng của tinh thần tự do phóng khoáng nơi thiền sư Vô Môn. Biết đâu ông chẳng nghĩ rằng chỉ dùng 48 tắc là đủ, không cần thêm vào hay bớt đi một tắc nào cả.Mỗi tắc trong sách lại được trình bày chung một thứ tự đơn sơ: bản tắc, bình xướng và tụng. Phần tụng lúc ngắn, lúc dài, rất tự do bôn phóng.

Hơn thế nữa, một đặc điểm khác của Vô Môn Quan là chỉ có một chữ Vô làm mô-típ chung cho toàn thể cuốn sách. Ngay từ tắc thứ nhất “Con chó của Triệu Châu”, soạn giả đã đề ra nguyên lý: “Chỉ lấy một chữ Vô làm cửa ải duy nhất cho tông môn. Khi đã hiểu chữ Vô ấy rồi thì ải ấy gọi “ải không cửa”. Chủ trương này cho rằng toàn thể yếu quyết của Thiền Tông chỉ nằm ở mỗi một chữ Vô mà thôi.

Công án “Con chó của Triệu Châu” đã nổi tiếng từ đời Ngũ Tổ Pháp Diễn ( ? – 1104). Chính trong ngữ lục của Pháp Diễn (Ngũ Tổ Lục) cũng từng nhắc đến. Chỉ một tắc “Con chó của Triệu Châu” cũng đủ sức chém đứt làm đôi cái tâm mê lầm chỉ bám vào sự tư lường phân biệt cái có với cái không. Đến thời thiền sư Đại Huệ Tông Quả, trong Đại Huệ Phổ Giác Thiền Sư Ngữ Lục, ông cũng đã đề cao tính thực dụng của công án này : “Chỉ cần một chữ (Vô) thôi mà phá tan được biết bao nhiêu ác tri ác giác”. 

Thầy của Vô Môn Huệ Khai là Nguyệt Lâm Sư Quán thời trẻ cũng nếm đủ cay đắng với chữ Vô này. Chính Vô Môn cũng mất 6 năm trời để tìm hiểu chữ Vô trước khi ngâm bài kệ để giải thoát tâm thân như đã đề cập đến bên trên. Trong Vô Môn Huệ Khai Hòa Thượng Ngữ Lục, quyển hạ, ông còn để lại bài kệ ngũ ngôn tứ tuyệt mà chỉ vỏn vẹn có 20 chữ Vô đặt liên tiếp bên nhau, và cho rằng, người hiểu được chữ Vô rồi có thể “đứng bên bờ sinh tử mà giữ được đại tự tại”. Điều đó cho thấy công án này có thể dùng như một dụng cụ để tự mình vứt bỏ những gì đã lĩnh hội ở các cổ tắc thoại đầu từ trước đến nay. Có lẽ vì cớ ấy cho nên Vô Môn đã đặt công án “Con chó của Triệu Châu” lên đầu cuốn sách do ông biên soạn.

Vì cuốn Vô Môn Quan được làm ra với mục đích tìm lối giải thoát tuyệt đối cho con người, cho nên nó đã được các nhà tu thiền phái Lâm Tế, vốn chủ trương dùng tọa thiền để kiến tính ngộ đạo, trân trọng một cách đặc biệt. Nó vẫn tiếp tục được dùng cho đến nay trong các đạo tràng chuyên môn.

Trong quá trình đó, những nhà trí thức thiền tông Nhật Bản cận đại đã tìm ra ý nghĩa hình nhi thượng học của chữ Vô và tạo ra một hệ thống triết học với khái niệm “Vô Tuyệt Đối”[11], mở rộng được một chân trời mới chưa từng có cho lịch sử tư tưởng thế giới. Do đó, một lần nữa, Vô Môn Quan trở thành dòng tư tưởng có tính phổ quát ngay giữa thời hiện đại. Ngày nay, Vô Môn Quan đã được dịch ra kim văn cũng như nhiều ngoại ngữ, lại còn được chú giải khiến cho ai nấy đều đọc được, âu cũng tượng trưng phần nào xu thế của thời đại.Theo xu thế đó, lần dịch chú này, chúng tôi (Nishimura Eshin) không muốn bị câu thúc bởi những lối giải thích đã thành khuôn phép mà thử làm việc một cách sáng tạo hơn tuy vẫn bỏ ngỏ để người đi sau có thể tiếp tục tiến xa hơn nữa.

 

Ngày 20 tháng 5 năm 1994.


 


[*] Phân đoạn đều là của người dịch. Đã loại bớt nhiều chi tiết rườm rà.

[1] Sách 10 quyển, theo lời tựa của Vô Đảng, ra đời khoảng năm 1125, trong đó thiền sư đời Tống là Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) trình bày và gia thêm lời bình giảng (thùy thị, bình xướng, trứ ngữ) cho100 cổ tắc (bách tắc tụng cổ) mà Tuyết Đậu Trùng Hiển (980-1052) đã tuyển chọn. Nguyên tựa đề : Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục. Tác phẩm cơ sở của dòng thiền Lâm Tế. Còn gọi là Bích Nham Tập.

[2] Xuất hiện khoảng 100 năm sau (1224) Bích Nham Lục. Là bảo điển của tông Tào Động. Sách lúc đầu do Thiên Đồng Giác Hòa Thượng ( tức Hoằng Trí Chính Giác, 1091-1257) theo dấu Tuyết Đậu Trùng Hiển, chọn lọc 100 công án nổi tiếng viết tụng cổ làm ra Hoằng Trí Tụng Cổ. Sau có thiền sư Vạn Tùng Hành Tú (1166-1246), am chủ Thung Dung Am gia bút những lời thùy thị và bình luận, mới trở thành Hoằng Trí Chính Giác Thiền Sư Tụng Cổ Thung Dung Am Lục, lược xưng Thung Dung Lục (hay Thong Dong Lục).

[3] Hoàng đế thứ 5 nhà Nam Tống, dòng dõi Triệu Đức Chiêu, con Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.

[4] Tướng nhà Tống, từng có công đoạt thành Tương Dương từ tay quân Mông Cổ.

[5] Vua đời thứ 2 nhà Nam Tống, dòng dõi Triệu Đức Phương, con Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.

[6] Dùng tạm thay cho chữ “bột” với bộ “túc” không có trong bộ chữ của người dịch.

[7] Núi Tu Di thì ai cũng biết nhưng Tam Đài khó hiểu hơn. Có lẽ là tam đài tinh (Thượng, Trung, Hạ Đài), theo thiên văn học Trung Quốc là ba ngôi sao bảo vệ Tử Vi Tinh.

[8] Trong khi Vô Môn Quan có 48 tắc thì hai tác phẩm kia dều có 100 tắc.

[9] Đây tác giả muốn nói đến tập công án Trung Quốc gồm 3 quyển do nhà sư đời Tống là Đại Huệ Tông Cảo ra đời năm 1147 (chứ không phải tác phẩm cùng tên bằng tiếng Nhật cùng tên của tăng Nhật Bản Dôgen (Đạo Nguyên) do các đệ tử ghi chép lời giảng của thầy, hoàn tất vào khoảng năm 1235-38)

[10] Không hiểu tác giả tính toán như thế nào. Theo Chân Nguyên trong bản dịch sang Việt ngữ Bích Nham Lục đăng trên mạng, thiền sư Viên Ngộ đã soạn nó giữa khoảng 1111 và 1115 ở Hồ Nam. Vậy thì Bích Nham Lục cũng ra đời trước Vô Môn Quan nhưng phải trên 100 năm và trước cả Chính Pháp Nhãn Tạng. Cũng theo Chân Nguyên, Bích Nham Lục xuất bản và lưu hành ở Tứ Xuyên vào khoảng năm 1300 tức sau Vô Môn Quan (viết xong năm 1228 và in năm 1229) khoảng 70 năm.

[11] Khác với cái Vô Tương Đối, vốn đối lập với cái Hữu . Xin xem thêm phần bình luận về tắc thứ nhất “Triệu Châu Cẩu Tử” (Con chó của Triệu Châu).

 05-05-09

 

Trở về



Trở về

VÔ MÔN QUAN  -  無門関

DƯỚI MẮT NGƯỜI NHẬT

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Dẫn Nhập[*]

theo Nishimura Eshin

解説:西村恵信  

Vô Môn Quan cùng với Bích Nham Lục [1] và Thung Dung Lục [2] là một tập công án của thiền tông đời Tống bên Trung Quốc mà người trong hay ngoài thiền môn đều biết đến. Thiền sư Nam Tống tên Vô Môn Huệ Khai (1183-1260) đã tuyển lựa những trao đổi vấn đáp của thiền gia từ trước đến thời đó thành 48 tắc, tập hợp trong một quyển sách giúp cho người mới tu thiền có điểm tựa để tiến lên trên con đường tìm về giác ngộ.

Quá trình xuất hiện của các ngữ lục

Thiền tông khai hoa vào thời Vãn Đường bước qua Ngũ Đại, thế nhưng các vị thiền sư lỗi lạc thời ấy hoàn toàn không thích đem hình thức sinh hoạt thường nhật của mình hay một hai câu nói mà mình phát biểu trong một trường hợp nào đó sao lục lại với chủ ý làm mực thước cho người đời sau. Cố định hóa chúng thành những khái niệm là đi ngược với tinh thần của thiền tông vốn tự do khoáng đạt. Dù vậy, sau khi các bậc tổ sư ấy chết đi, đã thấy xuất hiện những tín hành lục do chư đệ tử ghi chép lại. Chúng đã được truyền lại một cách cẩn thận như di sản tinh thần quí giá để hiểu biết tôn chỉ của thiền tông. Những sách gọi là ngữ lục của các bậc tổ sư đời Đường thường đơn sơ, không tô chuốt. Môn đệ họ cũng không hề phụ thêm vào đó những lời bàn, cứ thế mà họ truyền đi nên các tác phẩm ấy vẫn thể hiện được cách sống thô sơ phác lậu và tràn đầy khí phách của các ngài. Những Mã Tổ Lục, Lâm Tế Lục, Động Sơn Lục, Vân Môn Lục, Triệu Châu Lục chính là những tập ngữ lục thuộc loại này.

Song song với loại ngữ lục mà chúng ta có thể xem như tư liệu gốc để hiểu lịch sử thiền tông, lại có một loại ngữ lục khác, trong đó, người tu thiền hạ bút viết lời phê bình, ghi chép lại điều mình giác ngộ được cũng như nhằm kiểm chứng xem kiến thức đã được truyền thụ từ thầy sang trò hay chưa. Đó là sản phẩm của thời Tống, giai đoạn mà hầu hết các tôn phái thiền Trung Quốc đã đến hồi suy vi. Như chúng ta hẳn biết, từ đời Tống trở đi, người tu thiền đã phải nhận sự bảo trợ từ bên ngoài của tầng lớp sĩ đại phu, nhờ đó, họ thành lập được những cộng đồng sinh hoạt lớn có tên là tùng lâm (tùng = cụm, khóm, lâm = rừng, đây có nghĩa là chùa thiền). Vì lý do đó, những nhà tu thiền đánh mất đi sức mạnh tôn giáo, ngược lại, càng giao lưu thâm sâu trong sinh hoạt với giới sĩ đại phu chừng nào, họ lại bị quí tộc hóa chừng nấy. Tuy nhiên, dần dần, cũng nhờ sự đóng góp của giới này mà nền văn hóa thiền tông đã thành hình. Các ngữ lục vào giai đoạn này vì vậy có cái đặc sắc là đậm đà tính văn nghệ mà điển hình là Bích Nham Lục và Thung Dung Lục.

Dĩ nhiên, những bậc thiền sư đời Tống muốn cứu vãn cảnh chùa thiền đang gặp hồi điêu đứng, mới ra sức gạn đục khơi trong, tạo ra các loại thanh qui nghĩa là qui tắc tu hành và qui chế sinh hoạt phải theo. Vào thời này thấy xuất hiện nhiều tập ngữ lục trình bày, đề cao nghi thức tu tập và truyền thừa thiền đăng của tông phái mình. Thế nhưng, phải nói ngay là loại sách vở này chỉ lấy các ngữ lục và sử truyện của thiền gia đời Đường làm cơ sở nên thiếu độc đáo.

Tuy vậy, nhờ những công phu sáng ý xuất phát từ tinh thần hộ pháp của các thiền sư đời Tống mà cho đến ngày nay, dòng thiền vẫn không cạn mạch. Ví dụ phương pháp khán thoại thiền tức là phương pháp chỉ đạo để dẫn chư đệ tử tới khai ngộ bằng cách dùng những lời dạy dỗ của cổ nhân (cổ tắc thoại đầu) như tấm gương soi (giám) chẳng hạn. Phương pháp này xuất hiện vào đời Tống, đã có công khởi tử hồi sinh hoạt động của thiền môn. Công lao ấy đáng được tán dương. Cũng không thể bỏ qua vai trò của nó đối với việc gìn giữ và phát triển thiền tông trong những giai đoạn lịch sử kế tiếp.Một cuốn Vô Môn Quan là di sản chung đúc nỗ lực của thiền sư Vô Môn Huệ Khai, lúc ấy đang đứng trước những năm tháng quyết định vận mệnh của thiền tông đời Tống.  

Người đã đem Vô Môn Quan vào đất Nhật là một vị tên gọi Pháp Đăng Viên Minh Quốc Sư, Thiên Địa Phường Vô Bản Giác Tâm (1207-1298) tu ở chùa Hưng Quốc Tự ở Yura (tỉnh Hyôgo, gần Kobe bây giờ). Ngài Giác Tâm (Kakushin) tức Pháp Đăng Quốc Sư (Hottô Kokushi) là một thiền tăng Nhật Bản sống vào buổi đầu thời Kamakura. Năm Kenchô thứ 6 (1249), ông đã sang Tống, có duyên gặp gỡ với không ai khác hơn là thiền sư Vô Môn Huệ Khai, người trước tác Vô Môn Quan. Nhà sư Nhật Bản được Huệ Khai truyền thụ thiền pháp, sống bên Trung Quốc cả thảy 6 năm, cho đến năm 1254 mới về lại Nhật.

Tác phẩm Vô Môn Quan đã ra đời như thế nào?

Nếu căn cứ ngày tháng ghi ở bài hậu tự ở cuối quyển Vô Môn Quan viết năm Thiệu Định nguyên niên (1228) thì sách này đã được biên soạn xong 20 năm trước khi sư Giác Tâm nhập Tống. Bài tự cho biết trong năm 1228 này, Vô Môn Huệ Khai đã đến tu hành trong vòng 3 tháng nhân mùa an cư kiết hạ ở chùa Long Tường ở vùng Đông Gia thuộc tỉnh Giang Tô. Lúc ấy, ông đã có cơ hội đem những cổ tắc thoại đầu mình thu thập được từ ngữ lục của các thiền tăng xưa nay để chỉ dẫn, giúp đỡ các học tăng đang đến đó nhập thất. Dần dần ông đã chỉnh lý và nối kết lại những bài nói chuyện trong mùa an cư kiết hạ ấy thành 48 tắc, lồng khung trong một quyển sách gọi là Vô Môn Quan.

Cứ theo lời trình bày ở đầu quyển sách thì Vô Môn Huệ Khai đã ấn hành quyển sách nhằm dịp thánh tiết (sinh nhật) của hoàng đế Lý Tông[3] tức là ngày mùng 5 tháng giêng năm Thiệu Định thứ 2 (1229). Điều đó cho biết từ lúc bản thảo hoàn thành cho đến lúc in ra chỉ có 6 tháng, nghĩa là hết sức nhanh chóng.

Ở cuối sách lại có chép thêm những thiền châm tức là những lời răn bảo người tham thiền. Đến cuối mùa xuân 1230, Vô Môn Huệ Khai lại được nhà sư trụ trì chùa Thụy Nham ở Minh Châu (thuộc tỉnh Giang Tô) tên là Vô Lượng Tôn Thọ (soạn giả Nhập Chúng Nhật Dụng Thanh Qui) mến phục tài đức, mời đến làm thủ tòa để giảng kinh. Nhân dịp này, ông đã sử dụng Vô Môn Quan làm tư liệu diễn giảng lần đầu tiên. Để tạ ơn ông, nhà sư Vô Lượng Tôn Thọ đã viết thêm vào một lời tựa nhan đề Hoàng Long Tam Quan. Sau đó, có người tên Mạnh Củng[4] (con của Tông Chính) tự là Phác Ngọc, thụy là Trung Tương, hiệu Vô Am Cư Sĩ, tiểu truyện được ghi trong Tống Sử, quyển 472, đã thêm lời bạt trong dịp in lại vào mùa hạ năm Thuần Hựu thứ 5 (1245).

Vô Môn Quan hiện tại lưu hành là bản in lần thứ ba, ở cuối bản còn có thêm cả lời bạt của An Vãn viết ở trang viện cạnh Tây Hồ ở Hàng Châu vào mùa hạ năm 1246. An Vãn, con của Nhược Trùng, vốn tên là Trịnh Thanh Chi, tự Đức Nguyên, húy Trung Định, truyện có ghi trong Tống Sử quyển 474. Còn người biên tập lại Vô Môn Quan lần thứ ba này tên gọi tham học tì khưu (tăng sĩ tham gia học tập) Di Diễn Tông Thiệu thì không rõ là nhân vật thế nào. Có thuyết cho là chính Huệ Khai, có thuyết cho là hai môn đệ cùng ký một tên ghép.

Đôi hàng về tác giả Vô Môn Quan

Vô Môn Huệ Khai, nhân vật được xem như tác giả Vô Môn Quan, là ai? Trong các sách được thu thập lại trong Vạn Tục Tạng như Vô Môn Huệ Khai Hòa Thượng Ngữ Lục (thượng hạ 2 quyển), Tục Truyền Đăng Lục, quyển 35, Tăng Tập Tục Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên Tục Lược, Ngũ Đăng Nghiêm Thống cũng như Ngũ Đăng Toàn Thư quyển 53 thì chi tiết cuộc đời của thiền sư này tuy có đấy nhưng chỉ được kể lại rất đơn sơ.

Được biết Vô Môn Huệ Khai ra đời năm Thuần Hy thứ 10 (1183) ở Lương Chữ, Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) dưới triều hoàng đế Hiếu Tông[5] nhà Nam Tống. Cha họ Lương, mẹ họ Tôn. Lớn lên xuất gia học đạo với một vị thầy tên Thiên Long Quăng, sau gửi thân ở chùa Vạn Thọ ở Bình Giang (thuộc Giang Tô), và được Nguyệt Lâm Sư Quán (1143-1217) dạy dỗ.

Nguyệt Lâm Sư Quán là tổ sư thiền đời thứ 7 của phái Dương Kỳ dòng Lâm Tế, hồi mới 14 tuổi đã xuất gia trên Tuyết Phong Sơn. Sau khi đã học thiền với công án Triệu Châu Cẩu Tử (Con chó của Triệu Châu, tắc thứ 1 trong Vô Môn Quan), ngài đến chùa Nhị Thánh ở Kinh Nam và thụ giới vào năm 24 tuổi. Sau lại đến học thiền với Đại Hồng Tổ Chứng ở chùa Tiến Phúc thuộc Nhiêu Châu (tỉnh Giang Tây), chịu cực khổ 10 năm, cuối cùng được ấn khảpháp tự, nói nôm na là được thầy chấp nhận trình độ và chọn để nối nghiệp. Ngài sáu lần đi mở đạo trường rao giảng thiền học ở các chùa như Thánh Nhân ở Ngô Môn, Vạn Thọ ở Tô Châu, Ô Hồi ở Vũ Khang. Đến năm Gia Định thứ 10 (1217) thì thị tịch (chết) sau khi đã trụ thế (sống trên đời) 75 năm.  

Tương truyền khi Vô Môn Huệ Khai đến học thiền với Nguyệt Lâm, ông lại được thầy trao cho công án “Con chó của Triệu Châu” (Triệu Châu cẩu tử) và đã mất 6 năm để suy ngẫm mà vẫn không tìm ra ý nghĩa thực sự của nó. Nghĩ rằng nếu cứ tham thiền mà đầu óc ở trong trạng thái chập chờn thì sẽ làm hư căn tính nên mỗi lần như thế, mới hăng hái đẩy lui cơn buồn ngủ bằng cách đi bộ dọc hiên chùa và đập đầu vào cột cho tỉnh người. Một hôm đang cùng chúng tăng ngồi nghe ngài Nguyệt Lâm giảng kinh, chợt có tiếng trai cổ (trống báo giờ cơm trưa). Sư nghe tiếng trống ấy mà bỗng nhiên khai ngộ, mới viết bài kệ đầu cơ (khai ngộ) như sau:

Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi,
Đại địa quần sinh nhãn khoát khai.
Vạn tượng sâm la tề khể thủ,
Tu Di bột khiếu, vũ Tam Đài.

青 天 白 日 一 声 雷

大 地 郡 生 眼 豁 開

萬 象 森 羅 斉 稽 首

須 弥 勃[6] 跳 舞  三 台


(Ngày tạnh đâu ngờ sấm lọt tai,
Muôn loài mở mắt có trừ ai.
Trời đất núi rừng đều cúi lạy,
Tu Di nhảy cỡn, múa Tam Đài)[7].

Ngày hôm sau, Vô Môn Huệ Khai vào thất của Nguyệt Lâm để báo về sự giác ngộ của mình thì Nguyệt Lâm cất tiếng chào ngay: “ Lúc thấy được thần sẽ hết thấy quỉ”. Vô Môn quát một tiếng và Nguyệt Lâm cũng quát trả một tiếng. Vô Môn lại quát thêm tiếng nữa. Sau nhiều lần như vậy thì ý khí thầy trò hợp nhất với nhau và Vô Môn thu nạp được thiền lý của Nguyệt Lâm.

Tiếp nhận pháp tự của thầy xong và lúc Nguyệt Lâm thị tịch đã được một năm (1218), Vô Môn đến chùa Báo Quốc trên núi An Cát để hoằng đạo. Sau đó, ông lần lượt dời lá tràng (cờ hiệu) của mình đến các chùa Thiên Ninh, Hoàng Long, Thúy Nham ở Hàng Hưng (tỉnh Giang Tây), chùa Phổ Tế ở Tiêu Sơn thuộc phủ Trấn Giang (tỉnh Giang Tô), chùa Khai Nguyên ở phủ Bình Giang, chùa Bảo Ninh ở phủ Kiến Khang. Cuối cùng, năm Thuần Hựu thứ 6 (1246), ông đến được chùa Hộ Quốc Nhân Vương. Cũng vào năm này, An Vãn viết lời bạt cho Vô Môn Quan.

Lúc vãn niên, thiền sư Vô Môn Huệ Khai rời khỏi chùa Hộ Quốc, sống trong am bên cạnh Tây Hồ khoảng nửa năm nhưng môn đệ đến học thiền càng lúc càng đông. Ngày 28 tháng 3 năm Cảnh Định nguyên niên (1260), biết mình sắp chết, Vô Môn mới từ giã bạn bè thâm giao. Khi được một người tên Lý Trai Thừa Tướng hỏi sẽ thị tịch ngày nào, ông cho biết là “Phật sinh nhật tiền” tức ngày mùng 7 tháng 4. Ngày mùng 1 tháng 4, ông nhờ thợ xây tháp, đến ngày 7, sau khi xem xét tháp đã hoàn thành xong thì tự mình soạn khởi khám ngữ, nhập tháp ngữ và để lại di yết như sau: “Hư không bất sinh. Hư không bất diệt. Nếu chứng đắc hư không. Với hư không là một”. Trụ thế 78 năm.  

Vô Môn Quan được truyền bá ở Nhật như thế nào?

Ngài Vô Bản Giác Tâm tức Pháp Đăng Quốc Sư từ Nhật nhập Tống xong, đi học thiền ở nhiều nơi, đến ngày 28 tháng 2 năm Thuần Hựu nguyên niên (1253), nhân lên núi Đại Mai làm lễ trước linh tháp của thiền sư Pháp Thường (752-839) thì tình cờ tạo được kỳ duyên hội ngộ với thiền sư Vô Môn. Số là nơi đây, Giác Tâm lại gặp tăng Nguyên Tâm (Genshin), người bạn Nhật cùng học thiền, được ông này cho biết Vô Môn là một bậc thầy nổi tiếng trong làng thiền. Ông mới đến yết kiến Vô Môn lần đầu vào tháng 9 năm đó ở chùa Hộ Quốc, và chỉ qua vài câu vấn đáp, đã nhận được ấn khả. Sau đó Giác Tâm ra đi và năm sau trở lại chùa Hộ Quốc chào từ giã Vô Môn để về nước. Thiền sư Vô Môn đã tặng Giác Tâm bức tranh vẽ ba người là Đạt Ma cùng với Hàn Sơn và Thập Đắc, hai kỳ tăng đời Đường, một bức tự họa chân dung mình, một cuốn ngữ lục của Nguyệt Lâm Sư Quán và một bản Vô Môn Quan mình soạn ra.   

Bản Vô Môn Quan thiền sư Giác Tâm đem về nước năm 1254 là bản trùng san lần thứ ba (1246) có lời bạt của An Vãn lẫn lời bàn về tắc thứ 49. Sau khi Giác Tâm lên Kim Cương Tam Muội Viện ở núi Koyasan (Cao Dã Sơn, gần Kobe) thuyết giảng, được một người hào mục địa phương là Katsurayama Gorô mời về trụ trì Tây Phương Tự (nay có tên là Hưng Quốc Tự) ở vùng Yura. Có lẽ vào thời điểm này các môn nhân của người đã sao chép lại nhiều lần Vô Môn Quan.

Thế nhưng Vô Môn Quan được in ra lần đầu ở Nhật vào lúc nào? Theo Kawase Ichima trong khi nghiên cứu về những bản in của các chùa thiền Ngũ Sơn (Gozan) thì thời điểm ấy là năm Chính Ứng thứ 4 (1291) và tác giả đã dựa vào lời ghi chép về việc ấn hành các bản còn lưu lại ở Đại Trung Viện chùa Kiến Nhân (Kenninji): “Quyển sách này là một cái chùy đập lộ ra cốt tủy của Phật tổ, mở toang con mắt cho chúng tăng, chưa bao giờ được in ra ở nước ta…”. Trong đó có nhắc đến hai chữ “Chính Mão” được hiểu là năm Chính Ứng Tân Mão (năm thứ tư).

Hiện nay bản Vô Môn Quan đang lưu hành ở Nhật và được xem như bản gốc là bản in trong niên hiệu Ôei (Ứng Vĩnh, 1394-1428) được giữ ở chùa Kôenji (Quảng Viên, thuộc thị xã Hachiôji gần Tôkyô). Theo lời ghi chép trên đó của một người tên gọi tì khưu Jôboku (Thường Mục) thì sách được in lại vào tháng chạp năm Ứng Vĩnh Ất Dậu (1405) vì bản Chính Ứng Tân Mão đã hư hao thất thoát nhiều.Đó là cải bản đã ra đời sau bản chính một thế kỷ. Tiếp theo đó, còn có các bản sao, chép, đề xướng, giảng nghĩa của các nhà tu thiền đời nay, tổng cộng trên 60 loại khác nhau còn được nhắc đến, mà vì khuôn khổ bài viết không thể kê khai hết được. Muốn biết xin tham khảo “Tân Vựng Thiền Tịch Mục Lục” (1962) ở Thư Viện Đại Học Phật Giáo Komazawa (Tôkyô).    

Đặc điểm của Vô Môn Quan

Không biết ở Trung Quốc dưới triều Tống, trong chốn thiền lâm, Vô Môn Quan đã được đánh giá như thế nào. Nói đến con số những cổ tắc được sử dụng thì chỉ chưa đầy phân nửa[8] nếu đem so sánh nó với hai tác phẩm khác, đó là Chính Pháp Nhãn Tạng của Đại Huệ[9] (1147) đã được trân trọng từ một trăm năm trước hay Bích Nham Lục của tăng Viên Ngộ góp mặt chậm hơn khoảng bảy mươi năm sau[10]. Hơn nữa nội dung của Vô Môn Quan tỏ ra nghèo nàn nếu so sánh về tính văn học và sự sâu dày của Bích Nham Lục và Thung Dung Lục. Cho nên ở một nước câu nệ về truyền thống như quê hương Trung Quốc của mình, một tập sách mới như Vô Môn Quan không dược đánh giá cao. Thế nhưng Vô Môn Quan đã được Pháp Đăng Quốc Sư (Giác Tâm) đem về Nhật rất sớm sủa và đó là dịp may cho nó. Các thiền tăng Nhật đồng thời sử dụng cả bộ ba Vô Môn Quan, Bích Nham Lục và Thung Dung Lục. Hơn thế nữa, hãy còn một số lý do khác.

Trước tiên, Vô Môn Quan là một tập công án có đặc sắc của riêng nó. Ví dụ như ngoài bốn tắc có tên là Động Sơn Tam Cân (Tắc 18: Ba cân tơ (gai) của Động Sơn), Câu Chi Thụ Chỉ (Tắc 3: Câu Chi giơ ngón tay), Nam Truyền Trảm Miêu (Tắc 14: Nam Tuyền chém mèo), Ngoại Đạo Vấn Phật (Tắc 32: Kẻ ngoại đạo hỏi Phật), không có tắc nào trùng phức với các tắc trong số 100 được dẫn ra trong Bích Nham Lục. Đối với những người tu học đã đến Long Tường Tự ở Đông Gia để nhập thất thì Huệ Khai đã xem bốn mươi tám tắc của Vô Môn tuy là “dùng công án của cổ nhân như miếng ngói để gõ cửa, rồi tùy cơ mà dẫn dắt người muốn tìm hiểu” nhưng ông lại không dựa vào những công án truyền thống thấy trong Bích Nham Lục mà ai nấy đều biết. Thay vào, ông tuyển chọn theo kiến thức của mình những công án xuất phát từ các ngữ lục của các bậc tổ sư, rồi thêm lời bình và tụng của mình cho từng công án một. Đó là đặc điểm trước tiên của Vô Môn Quan.

Những thoại đầu (đề tài để bàn cãi) của 48 tắc được tuyển lựa này không chỉ là những câu chuyện rút ra từ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (san hành năm 1004), một tập sách cũ, nhưng còn lấy từ tác phẩm lưu hành đương thời là Ngũ Đăng Hội Nguyên (1253) cũng như, cụ thể hơn, từ Tùng Nguyên Tam Chuyển Ngữ (Tắc 20: Đại Lực Lượng Nhân, Đại lực sĩ) của Tùng Nguyên Sùng Nhạc (1132-1202), từ công án của Nguyệt Am Thiện Quả (1079-1152) (Tắc 8: Hề Trọng tạo xa, Hề Trọng chế xe) hay từ công án của Hoặc Am Sư Thể (1108-1179) (Tắc 4: Hồ tử vô tu, Lão Hồ không râu). Như thế, Huệ Khai cũng sử dụng chất liệu mới mẻ, những thoại đầu của người cùng thời với mình. Qua đó, ta bắt gặp cái phong cách muốn tiến thủ nơi Huệ Khai.

Vô Môn Quan sớm được công nhận là một tập công án cũng là nhờ có sự can thiệp của thiền sư Vô Lượng Tôn Thọ của phái Đại Huệ, người vốn là môn đồ từ cửa Ngũ tổ Pháp Diễn nhưng ngày xưa đã tách ra khỏi chi lưu của Vô Môn Huệ Khai. Tôn Thọ mời Vô Môn về chùa Thụy Nham để thuyết giảng về Vô Môn Quan, lúc đó vừa mới in xong. Và để tỏ lòng cảm ơn, ông ta đã viết một lời bạt cuối sách với tựa đề Hoàng Long Tam Quan để đánh giá cao kiến thức của Vô Môn.

Thứ đến, phải để ý đến tính cách không dụng công của Vô Môn Quan. Nó không phải là một tập công án có màu sắc văn chương như Bích Nham Lục và Tùng Dung Lục mà đúng là một tập tài liệu để học tập vì biết đặt thẳng vấn đề. Về cả hai mặt chất lẫn lượng, nó đều rõ ràng gọn ghẽ, đúng là tập ngữ lục mà người tu thiền có thể bỏ túi mang theo bên mình.

Đầu tiên, có lẽ phải có một lý do nào đó để nó chỉ gồm có 48 tắc nhưng vì nó ngừng giữa chừng như thế cho nên An Vãn mới thêm tắc thứ 49 để tiến gần con số may mắn (cát số) trong Kinh Dịch là 50 (đại diễn số). Tại sao tự lúc đầu đã không có 50 tắc? Có thể đây cũng là bằng chứng của tinh thần tự do phóng khoáng nơi thiền sư Vô Môn. Biết đâu ông chẳng nghĩ rằng chỉ dùng 48 tắc là đủ, không cần thêm vào hay bớt đi một tắc nào cả.Mỗi tắc trong sách lại được trình bày chung một thứ tự đơn sơ: bản tắc, bình xướng và tụng. Phần tụng lúc ngắn, lúc dài, rất tự do bôn phóng.

Hơn thế nữa, một đặc điểm khác của Vô Môn Quan là chỉ có một chữ Vô làm mô-típ chung cho toàn thể cuốn sách. Ngay từ tắc thứ nhất “Con chó của Triệu Châu”, soạn giả đã đề ra nguyên lý: “Chỉ lấy một chữ Vô làm cửa ải duy nhất cho tông môn. Khi đã hiểu chữ Vô ấy rồi thì ải ấy gọi “ải không cửa”. Chủ trương này cho rằng toàn thể yếu quyết của Thiền Tông chỉ nằm ở mỗi một chữ Vô mà thôi.

Công án “Con chó của Triệu Châu” đã nổi tiếng từ đời Ngũ Tổ Pháp Diễn ( ? – 1104). Chính trong ngữ lục của Pháp Diễn (Ngũ Tổ Lục) cũng từng nhắc đến. Chỉ một tắc “Con chó của Triệu Châu” cũng đủ sức chém đứt làm đôi cái tâm mê lầm chỉ bám vào sự tư lường phân biệt cái có với cái không. Đến thời thiền sư Đại Huệ Tông Quả, trong Đại Huệ Phổ Giác Thiền Sư Ngữ Lục, ông cũng đã đề cao tính thực dụng của công án này : “Chỉ cần một chữ (Vô) thôi mà phá tan được biết bao nhiêu ác tri ác giác”. 

Thầy của Vô Môn Huệ Khai là Nguyệt Lâm Sư Quán thời trẻ cũng nếm đủ cay đắng với chữ Vô này. Chính Vô Môn cũng mất 6 năm trời để tìm hiểu chữ Vô trước khi ngâm bài kệ để giải thoát tâm thân như đã đề cập đến bên trên. Trong Vô Môn Huệ Khai Hòa Thượng Ngữ Lục, quyển hạ, ông còn để lại bài kệ ngũ ngôn tứ tuyệt mà chỉ vỏn vẹn có 20 chữ Vô đặt liên tiếp bên nhau, và cho rằng, người hiểu được chữ Vô rồi có thể “đứng bên bờ sinh tử mà giữ được đại tự tại”. Điều đó cho thấy công án này có thể dùng như một dụng cụ để tự mình vứt bỏ những gì đã lĩnh hội ở các cổ tắc thoại đầu từ trước đến nay. Có lẽ vì cớ ấy cho nên Vô Môn đã đặt công án “Con chó của Triệu Châu” lên đầu cuốn sách do ông biên soạn.

Vì cuốn Vô Môn Quan được làm ra với mục đích tìm lối giải thoát tuyệt đối cho con người, cho nên nó đã được các nhà tu thiền phái Lâm Tế, vốn chủ trương dùng tọa thiền để kiến tính ngộ đạo, trân trọng một cách đặc biệt. Nó vẫn tiếp tục được dùng cho đến nay trong các đạo tràng chuyên môn.

Trong quá trình đó, những nhà trí thức thiền tông Nhật Bản cận đại đã tìm ra ý nghĩa hình nhi thượng học của chữ Vô và tạo ra một hệ thống triết học với khái niệm “Vô Tuyệt Đối”[11], mở rộng được một chân trời mới chưa từng có cho lịch sử tư tưởng thế giới. Do đó, một lần nữa, Vô Môn Quan trở thành dòng tư tưởng có tính phổ quát ngay giữa thời hiện đại. Ngày nay, Vô Môn Quan đã được dịch ra kim văn cũng như nhiều ngoại ngữ, lại còn được chú giải khiến cho ai nấy đều đọc được, âu cũng tượng trưng phần nào xu thế của thời đại.Theo xu thế đó, lần dịch chú này, chúng tôi (Nishimura Eshin) không muốn bị câu thúc bởi những lối giải thích đã thành khuôn phép mà thử làm việc một cách sáng tạo hơn tuy vẫn bỏ ngỏ để người đi sau có thể tiếp tục tiến xa hơn nữa.

 

Ngày 20 tháng 5 năm 1994.


 


[*] Phân đoạn đều là của người dịch. Đã loại bớt nhiều chi tiết rườm rà.

[1] Sách 10 quyển, theo lời tựa của Vô Đảng, ra đời khoảng năm 1125, trong đó thiền sư đời Tống là Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) trình bày và gia thêm lời bình giảng (thùy thị, bình xướng, trứ ngữ) cho100 cổ tắc (bách tắc tụng cổ) mà Tuyết Đậu Trùng Hiển (980-1052) đã tuyển chọn. Nguyên tựa đề : Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục. Tác phẩm cơ sở của dòng thiền Lâm Tế. Còn gọi là Bích Nham Tập.

[2] Xuất hiện khoảng 100 năm sau (1224) Bích Nham Lục. Là bảo điển của tông Tào Động. Sách lúc đầu do Thiên Đồng Giác Hòa Thượng ( tức Hoằng Trí Chính Giác, 1091-1257) theo dấu Tuyết Đậu Trùng Hiển, chọn lọc 100 công án nổi tiếng viết tụng cổ làm ra Hoằng Trí Tụng Cổ. Sau có thiền sư Vạn Tùng Hành Tú (1166-1246), am chủ Thung Dung Am gia bút những lời thùy thị và bình luận, mới trở thành Hoằng Trí Chính Giác Thiền Sư Tụng Cổ Thung Dung Am Lục, lược xưng Thung Dung Lục (hay Thong Dong Lục).

[3] Hoàng đế thứ 5 nhà Nam Tống, dòng dõi Triệu Đức Chiêu, con Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.

[4] Tướng nhà Tống, từng có công đoạt thành Tương Dương từ tay quân Mông Cổ.

[5] Vua đời thứ 2 nhà Nam Tống, dòng dõi Triệu Đức Phương, con Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.

[6] Dùng tạm thay cho chữ “bột” với bộ “túc” không có trong bộ chữ của người dịch.

[7] Núi Tu Di thì ai cũng biết nhưng Tam Đài khó hiểu hơn. Có lẽ là tam đài tinh (Thượng, Trung, Hạ Đài), theo thiên văn học Trung Quốc là ba ngôi sao bảo vệ Tử Vi Tinh.

[8] Trong khi Vô Môn Quan có 48 tắc thì hai tác phẩm kia dều có 100 tắc.

[9] Đây tác giả muốn nói đến tập công án Trung Quốc gồm 3 quyển do nhà sư đời Tống là Đại Huệ Tông Cảo ra đời năm 1147 (chứ không phải tác phẩm cùng tên bằng tiếng Nhật cùng tên của tăng Nhật Bản Dôgen (Đạo Nguyên) do các đệ tử ghi chép lời giảng của thầy, hoàn tất vào khoảng năm 1235-38)

[10] Không hiểu tác giả tính toán như thế nào. Theo Chân Nguyên trong bản dịch sang Việt ngữ Bích Nham Lục đăng trên mạng, thiền sư Viên Ngộ đã soạn nó giữa khoảng 1111 và 1115 ở Hồ Nam. Vậy thì Bích Nham Lục cũng ra đời trước Vô Môn Quan nhưng phải trên 100 năm và trước cả Chính Pháp Nhãn Tạng. Cũng theo Chân Nguyên, Bích Nham Lục xuất bản và lưu hành ở Tứ Xuyên vào khoảng năm 1300 tức sau Vô Môn Quan (viết xong năm 1228 và in năm 1229) khoảng 70 năm.

[11] Khác với cái Vô Tương Đối, vốn đối lập với cái Hữu . Xin xem thêm phần bình luận về tắc thứ nhất “Triệu Châu Cẩu Tử” (Con chó của Triệu Châu).

 05-05-09

 

Trở về