Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Qua Trạm Fuda-No-Tsuji (Fuda-No-Tsuji,1963 [1])
Nguyên tác: Endô Shuusaku
Dịch: Nguyễn Nam TrânEndô Shuusaku (1923-1996)
trong thư phòng ở Tamagawa-gakuen, tháng 12 năm 1970
Dẫn Nhập Của Người Dịch Cùng với Yasuoka Shôtarô, Kojima Nobuo, Miura Shumon, Yoshiyuki Junnosuke... nhà văn Endô Shuusaku (Viễn Đằng, Chu Tác, 1923-1996) thuộc thế hệ thứ ba sau chiến tranh, bắt đầu có tên tuổi trên văn đàn từ giữa thập niên 1950 và là một trong những nhà văn Nhật Bản cận đại được Âu Mỹ chú ý nhiều nhất. Ông đoạt tất cả các giải thưởng văn chương lớn ở Nhật từ Akutagawa, Noma, Shinchô đến Tanizaki.
Sinh ra ở Tôkyô nhưng theo gia đình sang Đại Liên thuộc Mãn Châu, Endô Shuusaku chỉ về nước sống với mẹ và anh ở Kobe năm 1933 khi cha mẹ ly hôn, rồi chịu phép rửa tội theo đạo Công Giáo, tên thánh là Paul. Từ đó, tôn giáo trở thành một ám ảnh suốt đời ông, thường làm cho ông bị xâu xé bởi con người Nhật Bản truyền thống và con chiên ngoan đạo cùng ngụ trong bản thân. Năm 1945, ông vào học văn chương Pháp ở Đại Học Keiô, yêu thích F.Mauriac vàd G. Bernanos và các nhà văn công giáo đương thời. Giai đoạn này, ông đăng nhiều bài nghị luận trên tờ Mita Bungaku (Mita là địa danh khuôn viên trường Keiô, sau trở thành tên một trường phái văn học). Ông có sang Pháp du học ở Đại Học Lyon (về sau ông đề cập quãng đời nầy trong Ryuugaku "Du học" và các truyện ngắn khác), du lịch và hành hương nhiều nơi ở Âu Châu và Trung Đông. Đoạt giải Akutagawa với Shiroi Hito " Người trắng " (1955). Sau đó ông viết Umi to dokusô " Biển và rong độc " (1958) nói về những thí nghiệm sinh vật trên lính Mỹ bị Nhật bắt trong chiến tranh. Liên quan đến tín ngưỡng thì có những tác phẩm quan trọng như Chinmoku " Lặng thinh " (1966), Shikai no hotori " Bên bờ Biển Chết " (1973), Yesu no shôgai " Đời chúa Giê-su " (1973), Samurai (1980) . Chinmoku nói về thái độ của một tín hữu trong thời cấm đạo, không biết phải tử đạo hay bội đạo để sống còn. Cuối đời, ông viết Fukai Kawa " Deep River " hay " Sông Sâu", một trầm tư có tính tôn giáo về sự chết. Ông còn có tác phẩm hài hước như tập tùy bút Korian (Hồ Ly Am) và các tập tiểu luận khác. Ngoài ra, Shuusaku được biết đến như là người của sân khấu và điện ảnh nữa .
Truyện ngắn Fuda no Tsuji (1963) dưới đây trích từ một trong ba tập thu thập các truyện ngắn của ông, của toàn tập gồm 15 quyển do Shinchô xuất bản. Nhân vật " Chuột Nhắt " trong tác phẩm này có cái gì gợi nhớ đến Ả Q., Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn hay Chí Phèo của Nam Cao. Thế nhưng kẻ bị vùi dập khinh khi như một loài sâu bọ đó lại có thể đem đến niềm hy vọng cho đồng loại qua một hành động cao cả và để vào phút cuối cùng của cuộc đời, " Chuột Nhắt " đã được ngẩng mặt làm người, khỏi phải mang cái tiếng " sống trong sự hèn nhát và khi chết được chôn chung một lỗ với sự hèn nhát ".
*
Vào Truyện Mỗi lần leo lên xe điện đường trong thành phố Tôkyô, cứ y như rằng gã đàn ông ấy lại nhớ đến thiên tùy bút của Kafuu [2] đọc hồi còn sinh viên. Trong tác phẩm đó, Kafuu kể lại kinh nghiệm của mình khi vừa quan sát đám hành khách lên xuống chiếc xe điện già nua từ một trạm ven đường cho đến trạm cuối cùng, vừa thử tưởng tượng ra cuộc đời của từng người khách. Ngày nay, dù từ lâu gã đã chia tay với cái thế giới của sách vở, thế nhưng mỗi lần leo lên xe điện đường, không hiểu vì sao mẩu tùy bút ấy của nhà văn ấy bao giờ cũng hiện về trong trí nhớ.
Đó là buổi xế trưa một ngày thu, trời đang mưa. Ngả lưng trên chiếc ghế cứng nhắc của toa xe điện, gã đi về hướng Ginza, trung tâm thành phố.
Phải bao nhiêu năm rồi ấy nhỉ, gã mới đi họp hội đồng song để gặp lại mấy đứa bạn cùng lớp một thời đã quây quần bên nhau chung một dãy bàn. Thật tình mà nói, mặc bộ đồ tây nhàu nát và đi đôi giày tàn tạ như bây giờ ra trình diện chúng bạn là điều gã rất ngại ngùng nhưng hôm qua, khi một đứa trong bọn điện thoại đến sở làm, gã vì yếu lòng, đã lí nhí lên tiếng nhận lời có mặt mất rồi.
Toa xe hầm hập một cái mùi quyện đủ thứ, từ mùi ẩm ướt của những chiếc dù, mùi bùn tanh lẫn mùi mồ hôi người. Gã đàn ông vừa quan sát lũ người đi làm và đám học sinh trung học, những người giống như gã nghĩa là chả có gì đặc biệt, và tuy không học đòi bắt chước Kafuu, gã thử hình dung ra cuộc sống của bọn người này. Anh chàng trung niên đứng ngay trước mặt gã trong chiếc áo vét mà ống tay đã sờn kia biết đâu chẳng là một nhân viên chào hàng ngành bảo hiểm. Có thể anh ta đang sống trong căn nhà nhỏ ngoại ô, đi làm xong về đến nhà là đã phải ngồi đối mặt với bà vợ, cau có nhai miếng cơm chiều, xong bữa lại nằm lăn ra lẳng lặng nghe ra-đi-ô. Gã có cảm tưởng những chi tiết một ngày sinh hoạt của người đàn ông trung niên này đang hiện ra trước mắt. Ngồi xế qua một bên là cô con gái mang cái băng quanh cần cổ. Cô ta có lẽ mắc chứng viêm khí quản cho nên tận bây giờ mỗi ngày vẫn còn phải nhẫn nại ngồi như con bò chân chỉ trong phòng đợi của một bệnh viện tối tăm nào đó.
Khi tưởng tượng ra những cảnh đời như vậy, đương nhiên gã đàn ông thực tình ngán ngẫm cho người trong cuộc. Gã có lần nhủ thầm: "Ôi chao, ngày ngày cứ sống như thế thì chán thật!" nhưng trong lúc này, mặc một bộ quần áo cũ nhàu nát trên đường đi dự buổi họp mặt bạn đồng song, gã mới thấy nhận xét kia như đang quay ngược lại để áp dụng cho trường hợp của mình.
Từ khung cửa sổ cáu bẩn của toa xe, phố xá hiện ra sau màn mưa. Cảnh tượng những con đường nhầy nhụa bùn đất được đào xới lên để xây đường cao tốc và những ngôi nhà bị đập vỡ, như đưa khu phố trở lại giữa thời chiến tranh. Trên hàng cột giây thép dơ dáy, thấy dán đủ thứ loại quảng cáo từ oden [3] hiệu Kibun đến máy truyền hình Sanyo.
Một thanh niên mặc áo đi mưa bằng cao-su hợp chất đang sửa chữa chiếc xe tải ngừng lại bên vệ đường. Xưa giờ, gã đàn ông trên xe điện chúa ghét những ngôi nhà bẩn thỉu, những con đường bẩn thỉu và bầu trời mưa gió. Gã không thể nào nghĩ rằng có một vật gì nối kết mình với thế giới bên ngoài cho được.
- Fuda no Tsuji. Thưa quí khách, đã đến trạm Fuda no Tsuji.
Khi nghe cái giọng mệt mỏi của người soát vé vọng lên từ sau lưng đám hành khách, gã đàn ông nãy giờ hững hờ nhìn khung khách phố phường trải ra dưới màu trời đã về chiều, chỉ nhận ra có cái trạm xăng và vài bin-đinh nho nhỏ với gò đất đen và lùm cây bao chung quanh chúng. Đằng sau gò đất là một khu chung cư hạng sang màu trắng, gã còn nhớ ngay trên khu mộ địa nhỏ bé nằm dưới chân nó, người ta có trồng một cây long não [4]. Dù chỉ trong một khoảnh khắc thôi, từ chiếc xe điện đường cũ kỹ, gã lại có dịp nhìn qua khung cửa sổ về hướng gò đất và khu mộ địa, nơi mà hai mươi mốt năm về trước, cũng một ngày mưa như thế này, gã đã có mặt ở đó .
*
Hôm ấy, gã đang đi quanh dưới chân gò với ông thầy dòng người ngoại quốc có biệt danh là "Chuột Nhắt" [5], cả hai đều run rẩy trong mưa lạnh. Thân hình gầy yếu như gập đôi, "Chuột Nhắt" đang cố gắng đi mà giống như là bò lên con đường ngập đầy cỏ gai. Ông ta vụng về thật, ngay cách cầm dù cho gọn cũng không rành. Cái khuôn mặt chuột nhắt bé choắt [6] chứng cứ của bản tính nhát nhúa, giống hệt hỗn danh người ta đặt cho ông, lúc đó đã ướt nhẹp nước mưa.
- Đợi một chút coi, cái cha này ...!
Ra một góc giữa đám cỏ gai, gã đàn ông nấp nửa thân người sau chiếc dù đi mưa, trút hết tất cả những gì chất chứa đầy bọng đái tự nãy giờ, lén đưa mắt trông chừng ông thầy dòng. Hai ống chân gầy guộc xỏ trong cái quần đã dính đầy bùn, ông ta cứ hấp tấp đi tới trước, trông chẳng khác một con chuột nhắt.
- Anh Inoue ơi, xóm Kodenma nằm phía nào vậy?
Cuối cùng, khi đã đặt chân trên đầu mỏm đất, ông thầy dòng mới hỏi. Gã đàn ông nghe tiếng của ông ta lẫn vào trong tiếng mưa và những trận gió tối.
- Chắc là đầu đằng kia! Phía Nihonbashi đó!
Inoue trả lời một cách miễn cưỡng.
- Nhờ anh lên chỗ này xem hộ. Từ đây mình có thấy được nó không?
Nói cái gì vậy kìa, gã đàn ông tặc lưỡi, mặt lộ vẻ bực mình dù chỉ vì một cái cớ không đáng, rồi men con đường mòn leo lên gò.
"Chuột Nhắt" là ông thầy dòng người ngoại quốc hiện giúp việc tại Đại Học G. [7] ở Yotsuya, nơi gã đàn ông theo học. Thầy dòng không phải là linh mục nên ông ta chỉ có quyền tham gia vào công việc trong trường hay chạy vặt cho nhà dòng.
Dĩ nhiên "Chuột Nhắt" không phải tên thật của ông ta. Nghe đồn tên thật của ông là Baflosky hay là Biflosky gì đấy, người Đức gốc Do Thái, một cái tên khó khăn, nếu muốn phát âm, thiếu điều răng phải cắn nhằm lưỡi, nên bọn sinh viên trong trường này không bao giờ gọi đến. Lúc gã đàn ông, sau mấy lần thi nhập học các nơi khác không đỗ, tìm được cách vào ghi danh ở cái đại học nhà chung này, thì từ lâu bọn học trò đã tặng cho ông thầy dòng cái hỗn danh "Chuột Nhắt" kia rồi. Không chỉ riêng hình dáng bên ngoài, cả tính tình ông ta cũng có gì hèn yếu. Mỗi khi ông ta chường cái mặt chuột nhỏ choắt trắng trẻo ra chỗ cửa sổ văn phòng để trao cho ai cái thẻ sinh viên hay giấy chứng nhận đang theo học thì cái dáng điệu của ông họ thấy ông giống hệt con chuột nhát nhúa đang thò đầu ra khỏi cửa hang mình.
"Chuột Nhắt" bị bọn học trò hiếp đáp như thế không chỉ vì cái tính sợ sệt của ông thôi đâu. Khi chiến tranh đến hồi khốc liệt, những người ngoại quốc sống trên đất Nhật, kể cả công dân của các quốc gia đồng minh như Đức, đều trở thành đối tượng của sự hiềm nghi. Đặc biệt một đại học do tổ chức tôn giáo như Hội Truyền Giáo Cơ Đốc đứng ra kinh doanh thì hình như luôn luôn bị cảnh sát và quân đội tìm đủ cách kiểm soát. Nhiều khi học sinh còn gặp cả mật vụ [8] trong khuôn viên nhà trường đang theo dõi những hoạt động nhà chung. Trước khi gã đàn ông nhập học một năm, có xảy ra sự kiện đền thần đạo Yasukuni [9] và đã thành vấn đề. Các báo chí đều đăng tải chuyện các sinh viên có tín ngưỡng riêng đã từ chối lệnh của Bộ Giáo Dục bắt buộc mọi người phải đến đó lạy chào vào những ngày thiên hoàng ban chiếu chỉ.
Một năm sau khi biến cố ấy xảy ra, có một viên trung tá mới từ chiến trường ở miền bắc Trung Quốc trở về, được gửi đến Đại Học G. với tư cách ủy viên quân sự nhà trường.[10]
Những buổi sáng mùa đông, khí trời lạnh sắc như một sợi giây cung căng thẳng, đám sinh viên vẫn thấy viên sĩ quan cưỡi ngựa nhong nhong qua lại bên bờ hào Yotsuya. Đã mang trong người sự bực bội của anh chàng nhà quê lần đầu tiên thấy cảnh tỉnh thành, viên trung tá lại càng muốn phô trương sức mạnh của mình trong cái trường có quá nhiều linh mục ngoại quốc này. Dận trong đôi ủng đánh bóng kỹ lưỡng lên nước một màu đồng sáng loáng, trung tá thường cột ngựa lại trước cửa trường, rồi với cái mặt đỏ bao quanh bằng hàm râu quai nón, ông ta nghiêm nghị đón nhận những cái cúi chào của đám sinh viên. Bọn học trò đang hút thuốc hay đứng choán cả hành lang và trước lớp học, cứ mỗi lần nghe tiếng đôi ủng da cồm cộp tiến gần đều đưa mắt nhìn nhau thật nhanh, dụi điếu thuốc vứt đi và chạy trốn vào trong lớp.
Không chỉ có bọn sinh viên khiếp sợ trung tá. Nhiều khi giữa giờ học, người ta vẫn nghe tiếng ủng da từ phía ngoài hành lang dần dần đến gần. Mấy vị linh mục giáo sư ngẩng đầu lên khỏi trang sách giáo khoa và tỏ ra khó chịu. Và khi tiếng cọt kẹt của đôi ủng da bước ngang qua rồi xa xa dần, các vị ấy vẫn ngóng tai theo, và một hôm, trong đám giáo sư ngoại quốc ấy có một vị thì thầm như nguyền rủa:
- Đồ mất dạy! [11]
Có một câu chuyện bây giờ vẫn làm gã đàn ông rùng mình. Đó là một ngày trời mây mù, nhằm lúc thiên hoàng hạ chiếu. Hôm đó, như qui định, cả đám học sinh đều tụ tập ở cái sân con trong trường để nghe một người đọc chiếu chỉ và cùng chào quốc kỳ. Lá cờ in hình mặt trời mọc màu úa nhạt treo ủ rũ dưới bầu trời nặng mây.
- Nghiêm chào!......
- Tan hàng!
Khi hiệu lệnh ấy vừa được hô lên thì đột nhiên viên trung tá ngăn đám giáo chức đang lục đục chuẩn bị di động. Ông ta leo lên khán đài và trong một lúc lâu, ném những tia nhìn nghiêm khắc xuống đám sinh viên phía dưới. Tuy thấy dáng điệu ấy khôi hài giống như một đưa con nít đang muốn ra tay xem thử sức mình đến đâu nhưng chẳng một ai dám cất tiếng cười hay huýt sáo trước cảnh tượng đó.
- Này, chúng mày........
Trung tá có cái tật là khi hăng tiết lên thường nói lắp.
- ..........là một lũ khố...khốn nạn. Không chỉ chúng mày thôi....mà cả đại học, cả tụi ngoại quốc kia...cả bọn nhân viên đề....đều thối nát hết!
Lúc đó, gã đàn ông có đưa mắt thử nhìn đám giáo chức đang đứng trên khán đài, người nào người nấy không căng thẳng thì cũng đực mặt ra. Trên bầu trời phủ đầy mây như mớ bông gòn cũ, có tiếng ì ầm như tiếng nổ của động cơ máy bay. Một trận gió lốc quét qua một góc sân trường cuốn lên rác rưởi vào trong đám bụi vàng. Thế nhưng mọi người đều nín thinh trước những lời tuyên bố hằn học, vô lễ.
Trong đám sinh viên cũng có kẻ từng xử sự y hệt lời lẽ của viên trung tá. Xử sự giống ông ta có nghĩa là trong quá khứ, họ cũng cố tình miệt thị và chống đối những linh mục giáo sư người ngoại quốc và các thầy dòng nhân viên nhà trường. Thế rồi, với cái bầu không khí như thế, khuôn mặt "chuột nhắt" của cái con người vẫn thập thò cái đầu bên cánh cửa sổ nhỏ để trao những thứ thẻ sinh viên hay giấy chứng minh tòng học càng lúc càng chuyển sang màu tái mét vì sống trong khiếp sợ.
Giữa đám linh mục và thầy dòng người ngoại quốc thân hình to lớn, "Chuột Nhắt" thấp bé một cách đặc biệt. Ngay cả khi đem so sánh với đám sinh viên gầy nhom vì sống thiếu thốn trong hoàn cảnh chiến tranh thì cái khổ người đầu cổ tay chân, tất tất đều nhỏ bé của ông, vẫn đập vào mắt người ta. Không những thân thể thấp bé mà nhân vì động tác và cách diễn tả của ông có phần nào giống Harold Lloyd [12], một danh hề ngày xưa, ông đã trở thành một cái đích để đám sinh viên thiếu suy nghĩ cười cợt. Chúng không ngừng kể đi kể lại cho nhau một loạt những mẩu chuyện chứng minh cái tính nhút nhát yếu đuối của ông ta.
Có thể đưa câu chuyện như sau để làm ví dụ. Mới năm ngoái thôi, một anh sinh viên lớ ngớ làm sao mà rơi từ lớp học trên lầu ba xuống đất. Hình như trong lúc đùa nghịch với bạn bè, anh tựa vào cánh cửa sổ lắp kính, chẳng ngờ khung cửa bị long ra. Khi anh ta đụng phải mặt đất, người chung quanh chạy bay đến nơi thì anh ta đã ngất rồi, tay và chân ghim đầy những miễng kính vỡ. Sau khi họ đem băng ca tới khiêng anh ta đi, đám học sinh có mặt tại chỗ mới nhận ra "Chuột Nhắt" mặt tái mét, đang tựa người vào cái cột giây thép cho khỏi ngã. Hình như chỉ cần nhìn mặt mũi đầy thương tích và bê bết máu của nạn nhân là ông thầy dòng đã hoa cả mắt.
Thêm một vụ này nữa, do cậu con ông y sĩ nhà trường kể lại cho đám sinh viên. Số là cũng cách đây một năm, "Chuột Nhắt" mắc phải chứng viêm màng bụng rất nặng phải nhập viện. Ông thầy dòng của chúng ta không tín nhiệm thầy thuốc người Nhật, khóc lóc van xin cha bề trên gọi một ông bác sĩ ngoại quốc tới bằng được.
- Đừng để tôi chết. Tôi sợ chết lắm!
Người sốt cao, mồ hôi đổ như tắm, "Chuột Nhắt" chẳng chút hổ thẹn và bất chấp người khác đàm tiếu, cứ ỉ ôi kêu khóc với tất cả, từ mấy người y tá đến bọn sinh viên tới thăm. Bên giường bệnh "Chuột Nhắt" có chưng tấm ảnh chụp mẹ và em gái mình. Trong phòng đầy một mùi hăng nồng như phó mát, mùi đặc biệt toát ra từ thân thể những người da trắng. Thế nhưng điều làm bọn sinh viên cười thích thú nhất là câu chuyện bộ phận sinh dục của "Chuột Nhắt" mà cậu con viên y sĩ trong trường kể lại đã trông thấy tận mắt. Cậu ta tiết lộ:
- Con cò thằng chả...........chỉ bé bằng hạt đậu!
Không những thân thể bốc lên một mùi hăng nồng như phó mát, sợ chết đến nỗi kêu khóc như con nít, nay còn thêm cái tội có bộ phận sinh dục không lớn hơn hạt đậu! Câu chuyện này không những làm cho đám sinh viên cười cợt mà còn khiến chúng đâm ra khinh miệt ông thầy dòng ấy nữa. Huống chi trong giai đoạn có chiến tranh với dân da trắng nên lắm khi, bọn sinh viên bày nhiều trò dã man để đày đọa con chuột nhắt nhát nhúa đó.
Gã đàn ông được dịp tiếp xúc với "Chuột Nhắt" một buổi chiều ở vào thời điểm như thế.
Chiều hôm ấy, đã tan học rồi mà gã vẫn còn nấn ná lại trường nhưng không hẳn vì có công chuyện gì đặc biệt. Trong phòng học bụi bặm chẳng còn một bóng sinh viên, gã tựa cằm lơ đãng ngắm bầu trời đỏ bầm ở bên ngoài cùng mặt nước dưới hào và những mái nhà dân đang sẫm màu dần theo bóng chiều.
Giữa khi đang lơ đãng như thế bỗng gã nghe tiếng ủng da cồm cộp từ phía hành lang xa vọng tới. Lúc đầu gã không chú ý vì đâu ngờ lại có tiếng ủng da trong một giờ muộn màng như thế này, nhưng khi ý thức được tiếng động đó một cách rõ ràng thì, tựa một hành động phản xạ, gã vội chạy ra ngoài hành lang như muốn thoát khỏi căn phòng.
- Này, đứng lại cái coi. Sao chú mầy vô phép không chào ta!
Gã luống cuống đứng nghiêm nghe ông ủy viên quân sự trách mắng cái tội thất lễ, hỏi tên hỏi tuổi xong còn ra lệnh cho hắn phải lập lại lời hiểu dụ trong chiếu chỉ thiên hoàng đã ban ra.
Gã đàn ông ấp úng. Gã quên mất mình đã được dặn dò trong những giờ tập huấn là phải luôn luôn thuộc nằm lòng những lời hiểu dụ này. Để chữa thẹn, hắn hơi phác một nụ cười nhẹ trên khuôn mặt và đây là điều lẽ ra hắn không nên làm.
- Đồ khi quân phạm thượng!
Gã lãnh ngay nguyên một quả đấm như búa bổ vào giữa mặt. Đưa tay trái lên để che mặt thì cánh tay ấy lại ăn thêm một quả khác. Và nếu như lúc đó cái người mang tên "Chuột Nhắt" kia không tình cờ bước vào phòng thì gã còn được thưởng thêm mấy đấm nữa.
"Chuột Nhắt" bước vào đấy không phải với chủ tâm giải cứu gã. Chẳng qua đôi khi có dịp mở cửa văn phòng nằm ở cuối hành lang, đưa cái mặt hề Harold Lloyd nhìn vào mà thôi. Ông thầy dòng cứ đứng khựng như chôn chân, đôi mắt sợ sệt chăm chăm nhìn một dòng máu mỏng như tơ rịn xuống từ má gã đàn ông và cái khuôn mặt đỏ thẫm của viên trung tá.
Nếu vào một dịp khác, người sĩ quan ủy viên quân sự hẳn đã bỏ đi rồi nhưng hiện giờ thì cặp mắt của ông ta chạm phải đôi mắt kinh ngạc của thầy dòng đang nhìn mình. Có lẽ chỉ cần đối tượng trước mắt là một người da trắng là đủ làm bùng nổ cái mặc cảm cố hữu đặc biệt của người Nhật nơi ông. La hét hai ba tiếng gì đó mà không ai hiểu muốn nói gì, ông ta đưa tay chụp mạnh người thầy dòng mang tên "Chuột Nhắt" và đẩy dúi ra ngoài hành lang.
- Cá...cái giáo dục của bọn mày cũng như của cái trường này sai lầm từ căn bản, biết chưa?
Sau khi tiếng ủng da của trung tá xa dần, gã đàn ông lấy tay đưa lên chùi máu trên mép và nhổ nước bọt ra ngoài cửa sổ. Nhổ xong, gã quay đầu nhìn lại thì ở một góc hành lang bây giờ đã tối đen, "Chuột Nhắt" vẫn đứng như trời trồng ở đó. Đưa mắt lảng đi chỗ khác, gã đàn ông bước ra ngoài.
Với cái không khí căng thẳng như thế, trong đám các linh mục ngoại quốc và nhân viên nhà trường, cũng có kẻ cố gắng muốn làm một cái gì để giữ cho truyền thống của học đường được tiếp tục. Chẳng hạn một tháng một lần, các sinh viên khoa sử đứng ra chủ trì những cuộc họp của Nhóm Nghiên Cứu Ki Tô Giáo, tổ chức trong một căn phòng đọc sách nhỏ của thư viện nhà trường. Việc này có thể xem như là một hành động đề kháng âm thầm đối với bầu không khí thời ấy.
Tuy gã đàn ông hoàn toàn không có hứng thú gì đối với đạo Ki-Tô nhưng vì muốn thoát ra khỏi cái bầu không khí sát phạt nặng nề để được dễ thở đôi chút nên cũng có đến họp với nhóm, được đâu một lần. Hôm đó, ông giáo sư trẻ tuổi người Nhật của khoa sử đang nói chuyên về một di tích đạo Ki-Tô ở Tôkyô. Gã đứng lơ đãng đằng sau một nhóm sinh viên có đến khoảng ba mươi người và dĩ nhiên nội dung ông giáo phát biểu chẳng có gì lôi cuốn gã. Không những thế, khi nhìn đám sinh viên đang chăm chú ghi ghi chép chép vào tập vở và mấy linh mục ngoại quốc tóc bạc nghiêm trang ngồi nghe, gã còn cảm thấy hối hận không hiểu tại sao đã dẫn xác đến cái chỗ không ăn nhập gì với mình để làm gì.
Chuyện ông giáo kể hắn không hiểu rõ cho lắm nhưng hình như ở cái nơi gọi là Fuda no Tsuji [13] mà ông ta nhắc tới, dưới thời Tướng Quân Iemitsu [14], đã xảy ra cuộc hành hình năm mươi người tín đồ đạo Ki-Tô.
Năm Genna thứ năm (1619) [15], quan binh đi tróc nả nhận được tin mật báo có những tín đồ Thiên Chúa đang ẩn nấp trong thành Edo, bèn tìm bắt và tống tất cả bọn vào nhà ngục ở xóm Kodenma [16] . Hai tháng sau, những người bị giam giữ này, kể cả hai linh mục ngoại quốc, bị bắt trói dẫn từ Muromachi qua các xóm Kyôbashi, Hamamatsuchô, Mita [17], rồi lôi ra bãi hành hình ở Fuda no Tsuji. Ở đó, họ bị cột vào năm mươi cái cọc để đợi thiêu sống.
Gã đàn ông bây giờ vẫn nhớ lõm bõm vài chi tiết của câu chuyện đó. Một trong những điều được kể lại là đời sống trong tù thời ấy mà ông giáo sư trẻ đã đọc cho nghe, trích dẫn từ văn kiện cũ do một nhân chứng đương thời, tu sĩ San Francesco.
Hồi đó, nhà ngục Kodenma chia làm bốn khu. Trần thì thấp, người ta chỉ đục thông mỗi cái lỗ đủ cho cái đĩa đưa cơm nên hầu như không có lấy một chút ánh sáng. Khi vừa đến trước cửa ngục thì ngoại trừ manh khố dưới hạ bộ, tín đồ đã bị tước đoạt tất cả từ quần áo, đồ vật tùy thân cho đến xâu chuỗi mân côi [18] để cầu kinh mà họ trân trọng còn hơn bản mệnh. Và bọn ngục lại cứ như thế xô đẩy và tống tất cả vào bên trong.
Căn nhà lao hẹp và tối như hủ nút, ở đó lũ tù nhân đều ngồi hay quì như chồng chất bên nhau. Khi những người tín đồ vừa mới đặt chân vào chưa yên chỗ thì họ đã va phải những cái thân hình ốm yếu xương xẩu ấy. Cùng lúc, một cái mùi thối tha khủng khiếp bốc lên mũi họ.
Mỗi căn phòng trong nhà lao chiều sâu chỉ có khoảng mươi mét, bề rộng không hơn bốn mét, tù nhân bị bắt phải ngồi dàn ra thành ba hàng. Tù hàng thứ nhất và hàng thứ ba đâu mặt nhìn nhau trong khi hàng thứ hai ngồi xen kẽ ở giữa. Dù ngồi hay quì, họ đang ở trong tình cảnh bị nén lại gần như cơm nắm cá, chẳng cách chi đứng lên được. Tay chân cũng không tài nào duỗi ra. Chấy rận mặc tình bò qua bò lại trên thân người tù bây giờ chỉ quấn độc mỗi manh khố.
Vì thân hình không cử động được nên tù nhân, kể cả những con bệnh nằm ở phía trong, cứ như thế mà đi tiểu đi đại vương vãi ra đấy. Khi chân ướt chân ráo vào tới nhà lao mà đám con chiên đã cảm thấy mùi xú uế chính là vì lý do ấy. Mỗi ngày một bận, cơm nước được cho vào qua cái lỗ bé xíu đậy bằng nắp gỗ. Cơm chưa tới nơi đã bị những kẻ có sức lực đoạt lấy ăn trước. Nước thì chỉ cho có hai lần một ngày nhưng với cái nóng không chịu nổi của nhà tù và cái ngột ngạt vì nhân số quá đông, tù nhân cứ phải luôn miệng xin nước hoặc thè cái lưỡi khô nẻ ra một cách vô vọng.
Ngoài cửa ngục, không kể bọn lính canh gác còn có hai mươi bốn người cai ngục luôn miệng quát tháo, đi tuần tra. Mỗi khi bên trong ngục có gì xôn xao ồn ào, những anh cai ngục này sẽ leo lên bên trên và đổ những đồ xú uế vào. Chính vì bị xối lên người bằng những vật ô uế như thế mà thân thể tù nhân trông bẩn thỉu đến độ không còn phân biệt được ai với ai nữa. Dĩ nhiên không ngày nào lại không có người chết. Đôi khi có những xác chết bị bỏ đó hàng bảy tám hôm. Mùi xác chết dần dần thối rữa quyện lại với mùi cứt đái làm đám tín đồ khổ sở vô cùng.
Buổi chiều tối, khi ông giáo trẻ trưng bức thư tu sĩ San Francesco viết ra như một bằng chứng để trình bày về cuộc sống của nhà tù xóm Kodenma thì trong căn phòng đọc sách, có những tiếng thở dài hay tiếng thở hắt nổi lên, và thân thể mọi người động đậy lao xao như từng cơn sóng nhỏ. Chiến tranh dần dần trở nên khốc liệt, đường phố cũng tối tăm, lương thực mỗi ngày không còn no đủ, thế nhưng Tôkyô bây giờ nếu đem so sánh với Edo thuở đó thì vẫn còn khá hơn nhiều.
Cũng giống như những sinh viên khác, gã đàn ông khi nghe kể lại câu chuyện, có cảm tưởng sự kiện tàn bạo cũng như cảnh tượng thê thảm đó chẳng khác nào một khúc phim câm. Họ thấy những chi tiết đó không có gì quan hệ với cuộc sống của bọn mình và đã hoàn toàn thuộc về một thời đại xa xưa.
Trong đám tín đồ bị tống vào ngục có hai linh mục Tây Ban Nha và một samurai tên Hara Mondo. Mondo thuộc họ Hara, một gia đình dòng dõi đất Chiba, ông ta từng là cận vệ của Tướng Quân Iemitsu. Thế nhưng dù người chung quanh đã thuyết phục và cảnh cáo, ông ta vẫn không chịu bỏ đạo Ki-Tô.
Sau khi Hara bị bắt hai lần, họ cắt đứt nhượng chân và khắc ấn có dấu thập tự lên mặt rồi tống giam ông vào ngục Kodenma.
Lúc nghe chuyện nói về mấy người tuẫn đạo, gã đàn ông có cảm tưởng mình là người đang đứng giữa một trận mưa, trông dõi về xa nơi họ đứng, một ngọn đồi có nắng dọi. Không phải vì những người có đức tin này thuộc về một thời đại đã xa xôi trong quá khứ. Họ thật sự là những người có niềm tin vững chãi và sức mạnh nội tâm mà một kẻ bản chất vô thần như gã không tài nào hiểu được. Nhưng người ta cũng có thể bảo rằng động cơ thúc đẩy họ là sự cuồng tín nữa. Tuy vậy, khi nghe ông giáo dạy sử kể lại những giây phút cuối cùng của đám tín đồ, không biết tại sao gã bỗng đau lòng liên tưởng đến câu chuyện mới xảy ra vài đêm trước, khi mình bị viên trung tá hành hung trong cái hành lang vắng lạnh đó. Gã hãy còn nhớ thật rõ ràng cái cảnh mình căm tức chạy ra khỏi phòng, đưa cánh tay trái lên che lấy mặt.
Trước khi buổi họp chấm dứt, gã đàn ông chợt bắt gặp mình đang nán lại trong một góc phòng đọc sách cùng "Chuột Nhắt" và một đám sinh viên khác. Gã nhớ lại hôm trước, "Chuột Nhắt" cũng bị hạ nhục, đứng một chỗ như trời trồng cho đến khi viên trung tá túm lấy bộ áo nhà dòng, lôi xềnh xệch ra ngoài. Gã thấy việc ông thầy dòng còn đến chường mặt ngồi đây, xem như không hề có chuyện gì, thật buồn cười và có gì giống như hành vi của một con chuột thực. Không, không phải buồn cười, phải nói là ngụy thiện thì đúng hơn. Cảm tưởng của gã về sự ngụy thiện của ông ta bắt đầu từ lúc nhận ra thái độ của "Chuột Nhắt" lúc nhập viện, đến mùi hôi hám giống như phó mát tanh phát ói cũng như cái của quí chỉ lớn bằng hạt đậu của ông ta, cả ba như hòa nhập vào nhau.
Cuộc họp tan, gã đàn ông vừa nén một cái ngáp, vừa lẫn vào trong mùi người chua ngòm của đám đông học sinh đi xuống cầu thang thì đằng sau lưng, với đôi mắt sụp mí núp sau mục kỉnh, "Chuột Nhắt" bước đến sánh vai với gã:
- Này , Fuda no Tsuji là chỗ nào vậy anh?
- Fuda no Tsuji?
- Anh không nghe chuyện về Fuda no Tsuji vừa kể xong à?
Gã đàn ông bâng quơ nhớ lại chuyện năm mươi người tuẫn đạo bị hành hình ở Fuda no Tsuji mới được nhắc đến trong buổi diễn giảng. Thế nhưng gã không hài lòng cho lắm khi thấy thay vì chọn một trong những sinh viên khác để mà hỏi, "Chuột Nhắt" lại đến ngỏ lời với gã. Có lẽ cái cha này vì nghĩ mình cũng là nạn nhân như hắn đêm hôm trước nên mới coi như đồng bọn của hắn đây! Hoặc giả hắn muốn đem sự yếu đuối của bản thân ra bày tỏ cho mình hòng lấy lòng? Nghĩ đến đó, đang đến lưng chừng mấy bậc thang, gã bỗng dừng chân lại và đăm đăm nhìn vào mặt "Chuột Nhắt".
- Vâng, Fuda no Tsuji thì tôi cũng có biết!
- Nếu thế, anh hướng dẫn tôi đến Fuda no Tsuji nhé?
- À, cái đó...
Gã đàn ông bị du vào thế kẹt, miệng ấp úng.
Dù vậy, một buổi chiều trời mưa, hai người cũng đã lên đường về phía Fuda no Tsuji. Xuống trạm xe, cuốc bộ theo hướng Shinagawa một đỗi thì họ gặp một ngôi chùa tên là Chifukuji [19], nó nằm cùng một dãy với mấy hiệu bán thuốc lá và tiệm rau quả. Một chỗ trong chùa này ngày xưa là bãi hành hình, đó là điều "Chuột Nhắt" đã được ông giáo trẻ dạy sử ở buổi diễn giãng kể cho nghe.
Phía sâu trong khuôn viên chùa Chifukuji có mấy nấm mộ, ở cuối dãy mộ là một gò đất màu đen, cỏ gai mọc um tùm. Phía dốc dẫn lên đầu gò, xen vào giữa đám sắn dây bò lan là hai cây cọ cùng một cây long não có đã lâu đời, cành tỏa rộng. Thêm vào đó, phía bên trên hãy còn khu rừng con um tùm những sồi và tầm ma còn sót lại như dấu tích duy nhất của một thời xưa.
Trong màn mưa sương, gã đàn ông và "Chuột Nhắt", hai người cùng giương dù đứng trên gò. Bầu trời trên kia cũng như những ngôi nhà và đường phố đã bắt đầu bị sương mù của buổi chiều cùng với đêm đen bao vây một lượt. Những ống khói của các cơ xưởng phía biển Shinagawa còn làm cảnh vật nhòe nhoẹt thêm ra.
- Thế thì xóm Kodenma là chỗ đằng kia sao?
- Chắc thế!
Dĩ nhiên trong lớp sương mù dày như thế này, nhất định không thể biết xóm Kodenma nằm ở hướng nào nhưng gã đàn ông vì cảm thấy bực mình nên cứ nói đại cho xong chuyện.
Hồi đó, đám tín đồ bị kéo đi vòng vòng từ xóm Kodenma qua các khu Shimbashi, Mita...mỗi người đều bị bắt phải đeo trên vai một tấm biển [20] ghi tên tuổi họ. Nào là Kakuzaemon, Yusaku, Kudayuu, Shinshichirô, Kisaburô...toàn là tên của người dân rất bình thường, có thể tìm ra bất cứ nơi nào trong thành phố Edo. Thế nhưng ở cuối đoàn tín đồ đó, có một người được đặt trên lưng con ngựa không yên, đó là Hara Mondo [21] .
Trên pháp trường, năm mươi chiếc cọc đã được cắm sẵn. Dưới mỗi chiếc cọc, những bó củi chất đống. Người đi xem nhiều đã tụ tập không xiết kể, kẻ mở cơm hộp ra ăn, người nhâm nhi trà nóng trong lúc đợi xem hành hình.
Đột nhiên trong đám tù nhân có một người đàn ông, khi vừa thấy quang cảnh pháp trường, đã bắt đầu khóc toáng lên, xin được phép bỏ đạo. Tức thì hắn được cởi trói lập tức và phóng thích ngay tại chỗ.
Sau khi trói đám tín đồ vào cọc, kẻ chấp pháp đi một vòng để châm lửa. Hôm đó trời có gió nên lửa mượn sức gió bùng lên ngay, rồi lửa và khói trùm kín ngay đám người đang bị trói vào cọc. Hai giáo sĩ Tây Ban Nha chết trước tiên, sau đó là Hara Mondo, trong khi còn tưởng ông ta đang quơ tay như đang ôm lấy một vật gì trên người thì đầu đã xụi xuống một bên vai.
Lúc đang đứng trên bãi hành hình, gã đàn ông có cảm tưởng hình ảnh của khúc phim cũ mấy hôm trước bây giờ lại như đang được diễn lại bên gót chân mình và điều đó không khỏi làm gã thấy trời đất quay cuồng. Gã không thể nào gạt ra khỏi lòng mình cái tình cảm cho rằng thế giới của đám người tín đồ tuẫn đạo này là một cõi trời nào đó thật xa xôi, không có chút liên hệ gì với thế giới gã đang sống. Hành vi phải nói là siêu nhân của họ chỉ có những người mạnh mẽ, đã được tuyển chọn mới hoàn thành được. Cuộc sống của họ không cùng một kích thước, không cùng một thế giới đối với cuộc sống của gã.
Lúc ấy, gã đàn ông mới đưa mắt nhìn qua khuôn mặt ướt đẫm của "Chuột Nhắt" như dò xét. Gã hầu như có thể tưởng tượng ra điều ông thầy dòng này đang suy nghĩ. Mình chỉ là một sinh viên bình thường chứ không phải tín đồ Thiên Chúa cho nên những người tuẫn đạo này đối với mình chỉ là kẻ thuộc về một thế giới nào khác. Riêng người mang cái tên "Chuột Nhắt", tuy tính khí giống như loài chuột thật đi nữa, một khi đã lặn lội đến cái nước Nhật này để làm thầy dòng thì ít nhất ông ta cũng phải biết so sánh đức tin của người ngoại quốc tử đạo với cái tính nhát nhúa ươn hèn của mình mà cảm thấy muôn vàn hổ thẹn chứ! (Thế nhưng coi bộ ông sao không khá chút nào. Tôi đã không ra gì mà ông còn tệ hại quá mức!).
Gã đàn ông cứ suy diễn từ cách hành xử của mình là đủ thấy được những hạn chế nơi "Chuột Nhắt". Kẻ đã hèn thì lúc nào cũng hèn thôi. Làm sao có thể trở thành Hara Mondo hay những con người can đảm và cương nghị như đám tín đồ cùng tuẫn đạo cùng với ông ta. Cả gã và "Chuột Nhắt", đêm hôm đó trong hành lang, đã mặc cho viên trung tá hành hung mà không đủ sức chạy trốn nữa là! Cả hai cùng thuộc về một giống người, không cần đợi cho thân xác bị khủng bố, cuộc sống tinh thần đã bị tước đoạt hết ý nghĩa rồi. Gã hay "Chuột Nhắt" cũng vậy thôi, họ là hạng mà trước khi đặt chân đến di tích pháp trường này, chắc chắn sẵn sàng dẫm chân lên ảnh Chúa [22] hay dẫm lên bất cứ một vật gì.
- Ông còn gia đình bên nước ông không?
Lần đầu tiên gã mới tỏ ra muốn tìm hiểu về cuộc đời của "Chuột Nhắt" cho nên khi câu hỏi vừa buột ra khỏi miệng mình, gã thấy ông thầy dòng hầu như người trong mơ chợt tỉnh giấc, quay người ngạc nhiên:
- Hả?
- Bên Đức ông còn bà con, thân nhân?
- Có, mẹ và em gái tôi sống ở Kohln.
- Cái gì đưa đẩy ông thành thầy dòng vậy?
Tay vẫn cầm dù, "Chuột Nhắt" làm thinh trước câu hỏi của gã. Tuy mưa tạnh rồi nhưng khu vực chung quanh hai người đã chìm hẳn vào trong bóng tối. Gã đàn ông cẩn thận từng bước cho khỏi trượt, đi khỏi gò đất vừa mới leo lên khi nãy và xuống mặt đường.
Thế rồi từ ngày đó, dầu gặp nhau ở trường, gã cũng chẳng có cơ hội trao đổi với "Chuột Nhắt". Chiến tranh ngày một khốc liệt, Nhật đến giai đoạn bắt đầu chịu những trận dội bom. Thay vì đến trường nghe giảng, sinh viên mỗi ngày phải đi làm việc ở các cơ xưởng dưới Kawasaki [23] . Vùng Yotsuya chung quanh nhà trường bị cháy, gã đàn ông cũng chẳng để ý đến việc "Chuột Nhắt" không biết đã mất dạng khỏi văn phòng sinh viên vụ của đại học từ thời điểm nào! Có tin cho hay ông ta bị gửi về bên Đức và gã quên bẵng đi cả việc mình cùng ông ta từng leo lên cái gò ở Fuda no Tsuji.
*
Khi xe điện đường đã qua khỏi trạm Fuda no Tsuji, trong một thoáng, gã nhớ lại chuyện xảy ra hai mươi mốt năm về trước. Nhớ là nhớ vậy chứ trong lòng không thấy có một chút hoài cảm.
Xuống xe ở ga Shinbashi, trong màn mưa chen lẫn ánh đèn nê-ông, những chiếc ô tô buýt và tắc xi chạy bắn cả bùn lên. Chỗ họp mặt của nhóm bạn đồng song là một tiệm ăn tên Fuugetsu. Khi đến đấy, gã mới cảm thấy hôm nay nếu mình ở nhà thì chắc hay hơn. Bộ đồ tây nhàu nát của gã ướt dầm nước mưa trông càng thảm thương, trong khi đám bạn bè có lẽ đến bằng tắc-xi, đầu tóc vẫn rẽ ngôi ngay ngắn, lại diện cả khăn mùi xoa ló trên ngực áo khoác. Cũng có người vỗ vai gã ra điều xúc động vì đã lâu ngày không gặp, thế nhưng khi nhận được một cử chỉ như vậy, lòng gã chỉ nặng trĩu vì có cảm tưởng người ta đang tội nghiệp gì mình.
Gã đàn ông ngồi trong góc cái bàn ăn hẹp và dài, vừa nghĩ tiếp nếu mình không tới chắc lại hay hơn, vừa im lặng nhấp tách trà đỏ. Trên bàn ăn, bọn bạn bè kể lể cho nhau công việc làm ăn buôn bán, tin tức dạo sau này, trao đổi danh thiếp...Thế rồi câu chuyện chuyển qua đề tài tin tức đồn đại chung quanh những người hôm nay vắng mặt cũng như kỷ niệm về các ông thầy cũ. Gã hơi ganh tị đưa mắt nhìn đám bạn bè chung quanh đang ra sức móc nối lại một cách giả tạo những tình cảm cũ.
- Thằng Sayama giờ ra sao?
- Nghe nói ở dưới tỉnh Mie. Làm nghề chở hàng đường biển.
- Úi chà, chở hàng đường biển à?
- Có nhớ ông giáo tên Roku không?
- Có, có chứ! Vẫn đi dạy đó nghe.
Trong lòng gã bỗng dâng lên một tình cảm khó chịu khi thầm nghĩ không hiểu vì cớ gì bọn họ bây giờ lại làm bộ thiết tha đến ngôi trường cũ một cách lạ lùng như vậy. Gã thì chẳng thiết tha đến cái quái gì cả mà cũng chẳng có cảm xúc nào đối với bất cứ một ai trong nhóm bạn học ngày xưa.
- "Chuột Nhắt" thế nào? Nhớ không? Trước làm ở văn phòng đấy!
Chỉ có lúc đó gã đàn ông mới ngừng nhấp trà và ngẩng đầu lên khỏi cái tách, lắng tai nghe. Hơn một phân nửa người trong nhóm vẫn còn nhớ "Chuột Nhắt" là ai. Khi một kẻ trong nhóm vừa cười vừa miêu tả khuôn mặt và dáng điệu của ông thầy dòng nhát nhúa ấy thì họ đã lau nhau:
- A, a, cái cha đó à?
- Nếu là cha đó.....thì tôi có nghe một câu chuyện lạ lắm!
Người vừa nói ra là Mukai, một anh học trò cũ được giữ lại làm giáo sư trong trường. Anh ta kể rằng sau khi trở về Đức, vì là gốc Do Thái, "Chuột Nhắt" đã bị bắt và tống vào trại tập trung. Chỗ ấy có tên là Dachau, một nơi gần biên giới Ba Lan. Thế rồi biệt vô âm tín.
- Có điều gần đây hình như ông Bita đã đọc được một bài báo viết ở bên đó nói như thế này này...
Ông Bita là một linh mục ngoại quốc, giáo sư dạy Luật trong trường. Linh mục đã đọc trong một tờ báo bên nước đó kể lại rằng ở Dachau, có một người thầy dòng đứng ra chịu chết thế cho một người bạn đồng tù. Khi một người Do Thái cũng bị giam chung một trại với ông bị phạt phải bỏ đói cho đến chết, ông thầy dòng này xin được lãnh án thay và sau đó đã chết.
- Họ nói ông đó đã có thời đến Nhật truyền giáo nữa kia!
- Không lẽ "Chuột Nhắt"?
- Chẳng hiểu nữa. Hình như bài báo không ghi chép tên tuổi. Ông Bita chỉ nói...
- Sao lại có thể là "Chuột Nhắt" được! Cứ xem tính tình hắn thì biết...Với lại, thằng chả có tới Nhật truyền giáo hồi nào đâu!
Trong một lúc khá lâu, nhóm bạn bè đó nhắc cho nhau nghe cảnh "Chuột Nhắt" sợ hãi đến nỗi xây xẩm mặt mày, chuyện cái bộ phận đàn ông lớn không hơn hạt đậu của ông thầy dòng, rồi cười nói oang oang. Họ cười anh chàng "Chuột Nhắt" với gương mặt giống vua hề Harold Lloyd, vẫn hay nhô đầu ra khỏi ô cửa phòng học vụ tối tăm để trao cho sinh viên mấy tấm thẻ sinh viên và tem phiếu giảm giá. Cũng là anh chàng "Chuột Nhắt" lúc nào cũng bước hấp tấp đi lòng vòng trong khuôn viên đại học, miệng luôn luôn nở một nụ cười cầu tài. Bọn sinh viên tốt nghiệp có mái tóc rẽ đường ngôi thật ngay ngắn và những chiếc mùi soa nhô lên khỏi ve áo, sau khi hát xong bài ca hiệu đoàn của trường cũ, cuối cùng đã giải tán.
Cuộc họp tan xong, kẻ trước người sau bắt tắc-xi, hướng về phía một quán rượu ngoài phố Ginza để nhậu tiếp đợt hai. Gã đàn ông một mình leo lên xe điện đường ra về giữa cơn mưa. Chiếc xe điện vẫn như hồi chiều nghĩa là hầm hập một thứ mùi ẩm ướt quyện đủ mùi dù đi mưa, mùi bùn đất và hơi người. Gã đàn ông vừa ngắm đám hành khách trong xe, cũng như gã, những con người không có gì đặc sắc, rồi gã lại bắt chước Kafuu để tưởng tượng ra cuộc đời bọn họ. Anh chàng ngồi ngay trước mặt gã đang móc ra cây bút chì hý hoáy viết cái gì đó trên tờ báo chuyên cá độ đua xe đạp mở banh ra trước mặt. Cô gái đi học lớp đêm về ngủ gà ngủ gật, cuốn từ điển Anh văn Reader's Crown nằm trên đầu gối. Cả đám hành khách trong toa với gã nào có khác chi, họ đang sống một cuộc đời tẻ nhạt, chắc chắn là sống trong sự hèn nhát và khi chết cũng sẽ được chôn chung một lỗ với sự hèn nhát. Thế nhưng, khi xe chạy ngang qua trạm Fuda no Tsuji, gã đàn ông đưa mấy ngón tay lên chùi cánh cửa sổ đã nhòe vì nước mưa, dí đầu sát vào đó như muốn nhìn cho rõ phong cảnh bên ngoài.
Đằng sau ánh đèn tù mù của những ngôi nhà và tiệm quán, màu đen của gò đất như nổi hẳn lên. Cái trại Dachau nơi "Chuột Nhắt" bị giam cầm, nó ra sao ấy nhỉ? Mấy năm về trước, gã đã có dịp xem vài cuộn phim thời sự về các trại tập trung nên cũng rõ về quang cảnh những nơi này. Nó không khác bao nhiêu so với nhà ngục xóm Kodenma, nới đám tín đồ Ki-Tô giáo ngày xưa đã bị tống giam. Nếu "Chuột Nhắt" đã từng sống ở một nơi như thế thật thì điều đó đáng làm cho gã phải kinh ngạc. Thế rồi, gã nghĩ, nếu đúng như người ta kể, "Chuột Nhắt" đã vì bạn đồng tù và vì tình yêu thương chịu chết thay người, thì nó không phải chuyện xa xưa mãi tận thời Edo mà là một sự kiện mới đây và ảnh hưởng thấm thía tới tâm tình của chính gã trong lúc này. Ai và cái gì đã thay đổi được thái độ của "Chuột Nhắt"? Ai và cái gì đã nâng "Chuột Nhắt" lên đến một tầm cỡ như thế? Gã đàn ông lắc đầu, hết ngắm cô gái đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế đằng trước mặt đến nhìn anh thanh niên đang chúi mũi vào tờ báo cá độ đua xe đạp. Gã thầm nghĩ, giữa đám hành khách như vậy, vâng đúng thế, trong đám đông bình thường này, chắc hẳn có một người với khuôn mặt khôi hài giống Harold Llyod, mặc cái quần bùn bê bết lên tới đầu gối, đang ngồi đó rung đùi [24]. Đó là "Chuột Nhắt".
(Dịch xong tại Tôkyô ngày 13/ 06/2008)
[1]Văn bản:
- Fuda no Tsuji trong Endô Shuusaku Văn Học Toàn Tập quyển 6, tr. 169-177, tháng 10 1999, Shinchô xuất bản. Nguyên tác Nhật ngữ.
- Fuda no Tsuji, Van C. Gesel dịch sang Anh văn trong Stained Glass Elegies, Stories by Shusaku Endo, 1984, New Directions Paperbook, London, UK.
[2] - Nagai Kafuu (1879-1959), nhà văn sở trường về tiểu thuyết và tùy bút với văn phong duy mỹ, từng sống nhiều năm ở Âu Mỹ, nổi tiếng trên văn đàn từ cuối đời Meiji (1868-1912). Nhan đề tùy bút của Kafuu ông nhắc đến ở đây có thể là Bài Hát Fukakawa (Fukakawa no Uta, 1909).
[3] - Món nhậu bình dân gồm đậu phụ, trứng, củ cải trắng, chả bột cá... ninh trong nước dùng.
[4] - Nguyên văn kusunoki (camphor tree), một loại cây đến từ miền Nam, cao khoảng 20m, toàn thân có hương thơm, tháng 5 ra hoa trắng pha vàng.Thường được trồng ven đường.
[5] - Nguyên tác nezumi, con chuột.
[6] - Nguyên văn hatsuka-nezumi hay nankin-nezumi, tên một giống chuột. Thường chỉ chuột nhắt trong nhà.
[7] - Có thể là Sophia University (Jôchi Daigaku) nơi Shuusaku đã theo học dự bị đại học năm 1942.
[8] - Nguyên văn kempei (hiến binh) nhưng trong bối cảnh Nhật Bản trước thế chiến, không phải hiến binh (cảnh sát tư pháp hay quân cảnh) thuần túy mà có nghĩa là mật vụ chính trị.
[9] - Tịnh Quốc Thần Xã, đến thờ chiến sĩ trận vong của Nhật. Sự tồn tại của nó đã tạo ra nhiều phức tâm và tranh cãi chính trị cho đến cả ngày nay.
[10] - Chế độ haizoku shôkô (phối thuộc tướng hiệu) thời chiến ở Nhật, đặt sĩ quan quân đội trong nhà trường.
[11] - Nguyên văn tiếng Pháp: Paysan! (Đồ nhà quê!).
[12] - Harold Lloyd, 1893-1971, tài tử hài hước điện ảnh Mỹ thời phim câm.
[13] - Fuda = mộc giản, bảng bố cáo. Tsuji = ngã tư đường. Một địa danh vẫn còn trong thành phố Tôkyô.
[14] - Tokugawa Iemitsu (Đức Xuyên Gia Quang, 1604-1651) tướng quân đời thứ ba của giòng họ, người đã bố cáo chính lệnh bế quan tỏa quốc và trong 28 năm cai trị, xây dựng được nền tảng vững vàng cho Mạc Phủ Tokugawa.
[15] - Niên hiệu Nguyên Hòa (1615-1624).
[16] - Tức xóm Ngựa Trạm.
[17] - Tất cả những địa danh này nay đều nằm ở trung tâm Tôkyô.
[18] - Nguyên văn rosario
[19] - Trí Phúc Tự
[20] - Cũng gọi là fuda như trong Fuda no Tsuji.
[21] - Đây không hẳn là một đặc quyền dành cho tội phạm xuất thân từ đẳng cấp samurai. Có thể vì Hara đã bị cắt mất nhượng chân, không thể đi đứng bình thường.
[22] - Nguyên văn fumie tức là ảnh Đức Mẹ Maria, thập tự giá khắc lên gỗ, đồng vv..., các thánh tích mà giáo đồ bắt buộc phải dẫm lên để chứng minh ý chí bội đạo. Fumi =dẫm bằng chân, chà đạp; e =tranh ảnh. Chính quyền Tokugawa đã tổ chức những buổi như vậy trong những ngày đầu xuân khoảng thời gian từ 1628 đến 1857.
[23] - Thành phố kỹ nghệ ở ngoại ô, nằm giữa Tôkyô và Yokohama.
[24] - Nguyên văn binpô-yusuri = rung đùi. Người Nhật cũng xem đây là một cái tướng bần vì thích nhàn, không thể làm việc gì to tát được.
[ Trở Về ]