Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Tỏ tình với người vợ không quen Asada Jirô (1951- )
Nguyễn Nam Trân dịch
Lời người dịch:
(nguyên tác Mishiranu Tsuma E, đăng trong tạp chí Shosetsuhoseki, Số tháng hai , 1995, in lại trong tập truyện cùng tên do nhà Kobunsha, Tokyo, 2001)
Asada Jiro sinh năm 1951 tại Tokyo. Bắt đầu viết văn từ 1991 khi đã 40. Chỉ ba năm sau, ông được tặng giải Tài Năng Mới mang tên nhà văn Yoshikawa Eiji qua tác phẩm Lấy Xe Điện Ngầm (Metoro ni Notte). Năm 1997, Nhân Viên Đường Sắt (Poppoya) mang về cho ông giải Naoki. Năm 2000, ông lại đoạt giải văn học mang tên nhà văn Shibata Renzaburo với Nghĩa Sĩ Đất Kinh Thành (Mibu Gishiden). Văn ông nhẹ nhàng, điềm đạm, mang mang hoài cảm, trầm trầm như bài thơ bình thanh. Độc giả Nhật bình thường, nhất là phụ nữ rất yêu thích. Nhân Viên Đường Sắt nói trên là một trong những tác phẩm cảm động và ăn khách nhất của văn học Nhật Bản đương đại, bán được trên một triệu rưởi cuốn và đã được dựng thành phim với nam tài tử quốc tế Takakura Ken. Asada Jiro hiện có chân trong hội đồng giám khảo giải Akutagawa, giải thưởng văn học danh giá nhất của Nhật, phát mỗi năm hai lần.
Nhà bình luận Hashizume Daisaburo nhân đọc Tỏ Tình Với Người Vợ Không Quen đã xem hình ảnh trò chơi lắp hình (puzzle) nói đến trong truyện này như chủ đề của văn chương Asada, người làm công việc nhặt nhạnh và xếp lại vào khuôn những mảnh đời vỡ nát. Bản thân Asada cũng lắm phong trần. Sinh trong một gia đình có của, bị phá sản, mẹ đành làm chiêu đãi viên quán rượu để nuôi con. Ông sống rày đây mai đó, quen biết với giới du côn anh chị, đăng lính, sau ra buôn bán, trúng mánh làm giàu, cuối cùng mới bước vào làng văn và thành danh nhờ ngòi bút. Do đó, văn ông thường lấy khung cảnh thế giới đen tối của bọn băng đảng, cờ bạc, cá ngựa, rượu chè, đĩ điếm, nhà tù...làm đề tài. Lòng thương đời của ông trải rộng đến những "người nghèo mới", thất cơ lỡ vận, đầu đường xó chợ, kiều ngụ trái phép...trong một xã hội toàn cầu hóa với biết bao nhiêu cô gái ăn sương Hoa, Nga, Đông Âu, Phi, Thái, Việt... đang sống bám theo cơn lốc dục vọng quay cuồng sau lưng nền kinh tế hùng mạnh thứ hai thế giới nầy.
*
Chiều tháng chạp khi những Cây Nô-En hàng phố qua một đêm được trang hoàng trở lại để đủ biến thành bụi tùng cổ truyền đón chào năm mới, Hanada Akira choàng mình thức dậy vì tiếng chuông điện thoại gia đình dưới tỉnh gọi lên.
- Uả, bố đang ngủ ? Bộ ốm à ?
Ậm ừ qua quít, Hanada vỗ tí nước rửa mặt, tỉnh người xong mới cầm lại ống nghe :
- Đâu có, tại đi chơi với mấy ông khách, uống rượu đến sáng mới về, con ạ.
- Tiền bố đã vào ngân hàng hôm qua, mẹ cám ơn bố đấy.
- Bố gửi ít quá, đừng buồn nghe. Bây giờ làm ăn khó, tiền thưởng cuối năm cũng chả thấm tháp.
- Được rồi ông ơi, thời buổi mà, trên Sapporo đây kiếm tiền cũng không dễ đâu. Nhưng bố ạ, con có chuyện này......
Sau câu an ủi cha lém lỉnh như người lớn, giọng trong điện thoại của đứa con gái giữa chừng chợt xen lẫn tạp âm, tiếng được tiếng mất. Hanada vén màn cửa sổ, che bàn tay ngang tầm mắt, nhìn về dãy nhà chọc trời phía Shintoshin, khu trung tâm mới của thành phố, đang in lên mảng nắng cuối ngày.
- Nói gì, con, bố nghe không rõ !
- ........Thì đó, con muốn học trường cấp ba trên Tokyo. Mẹ với anh, hai người ngăn thì ngăn, con cũng lên với bố, bố à. Nói với họ hộ con nghe, bố !
- Nói hộ với không gì hử. Có bao giờ tao được dịp chuyện trò với mẹ mày đâu. Lúc nào cũng mỗi mình mầy chịu điện thoại tao thôi. Thế mẹ đâu, đưa máy bố nói dăm câu đi !
- Mẹ không có nhà, tới tối may ra. Tối bố gọi lại nhé ?
- Sao được hở con. Maa-chan (1) , con hiểu không ? Làm thế bố vô phép với " ông ta ".
Một sự yên lặng nặng nề kéo dài trong giây lát. Suốt mấy tháng nay, giữa người cha và đứa con gái, sự trao đổi qua điện thoại chỉ có từng ấy nội dung. Từ ngày ly dị và giao con cái cho vợ nuôi đến nay đã tròn năm năm , thì người vợ cũ ấy có sống cách nào đi nữa, Hanada thấy mình chẳng có quyền can thiệp. Y đâu ngờ đứa con gái ngày mình bỏ đi hãy còn tiểu học nay đủ đến tuổi để kéo y vào mấy chuyện rối rắm thế này.
- " Ông ta " cái gì, ai thèm biết lão đó. Bố ơi, đừng gửi tiền về nữa, bố nha ! Bộ khùng sao, hở bố !
- Chuyện gửi tiền về là bố hứa với mẹ, can gì con nói hành ông ấy. Dầu sao, phải bàn thêm nghe con. Tết này, anh mày về nhà cơ mà?
- Bố lúc nào cũng nói được bấy nhiêu. Thôi nghe, bố!
Điện thoại bỗng cúp ngang.
Đứa con trai lớn lên học đại học ở Tokyo từ lâu đã không thèm lui tới. Ngoài việc nó chia một căn gác ở Setagaya với cậu bạn đồng hương, Hanada chả biết gì thêm. Thằng anh cũng như mẹ nó chắc chắn không thể tán đồng ý nghĩ quá quắt của con em.
- " Bộ khùng sao ! " Thế hả, con ?...................
Hanada vừa lẩm bẩm, vừa tắt diện thoại cầm tay.
Ngoài mười vạn yen đều đặn mỗi tháng, giữa hè hoặc cuối năm, Hanada bao giờ cũng rán châm thêm chút ít, nói dối gia đình là tiền thưởng của hãng. Gửi về như vậy, không nhất thiết vì kẹt lời hứa miệng với người vợ cũ, cũng không để chuộc lỗi lầm xưa. Lý do duy nhất là mỗi lần dưới tỉnh nhận được tiền, thế nào y cũng có dịp nghe giọng nói của con gái qua điện thoại. Giọng nói ấy là sợi dây gắn bó Hanada với quê hương miền bắc của y. Lúc sau này, từ khi cảm thấy sức khoẻ sa sút, giọng nói đó còn là cái phao giúp y khỏi buông trôi sự sống.
Hanada gập xong cái giường sắt rẻ tiền hay kẽo cà kẽo kẹt, thắng bộ đồ lớn vào cho đúng cái " nhãn " viên chức ngân hàng tự phong. Tém mấy đường lược che những chỗ tóc bạc đã bắt đầu đập vào mắt người ta, y tắt đèn phòng rồi lửng thửng ra Kabuki-cho, bước giữa vùng ánh điện muôn màu của cái xóm ăn chơi này như thể lao mình vào ngọn lửa địa ngục.
Căn phòng đơn trong chung cư Hanada mướn suốt năm năm nay lúc nào cũng thoảng cái không khí của lạnh lẽo, tạm bợ. Chẳng có lý do gì đặc biệt. Chỗ này chẳng qua là nơi dừng chân từ khi Hanada làm sập hãng của mình rồi dắt người tình, một nữ nhân viên, bỏ xứ lên Tokyo. Chỉ một tháng sau, nàng ta đã chịu hết nổi, cuốn gói về lại Sapporo. Căn phòng biến thành chỗ ẩn náu cho người đàn ông trung niên, cô độc, đã đánh mất tất cả. Không có ma nào đến thăm nên chỗ trú chân của một gã bình sinh chuộng sạch sẽ và tính khí tẻ nhạt này chẳng có gì để tạo ra bừa bãi.
Nhưng khi dợm bước khỏi phòng, Hanada bỗng làm rơi tung toé khỏi mặt bàn khung trò chơi lắp hình ráp đã gần xong. Y không nén được tiếng thở dài.
*
Bên cửa tiệm hăm-bác-gơ nhìn ra đại lộ Okubo, bọn con gái ngoại quốc trên đường đi làm đang xếp thành hàng dài.
- Hana-san, Hana-san ! (anh Hana, anh Hana ơi)
Một em da trắng đẫy đà vừa gặm bánh mì nhét hăm-bác-gơ vừa chạy theo Hanada gọi tíu tít, nghe giọng mà đoán, có lẽ người Nga. Hình như cô nàng muốn cảm ơn Hanada đã rước mối hộ, nhưng Hanada không tài nào nhớ nổi từng vụ một.
Trên mặt đường này, mỗi buổi tối có hàng trăm người bắt mối, kéo khách vào các tiệm nhậu. Tuy nhiên, nếu khách là người không chịu theo bài bản phiền phức, họ phải hướng dẩn khách điều đình thẳng với chị em đứng đường bên kia bờ kênh, nơi có trụ sở của Sở Giới Thiệu Việc Làm. Xóm Shinjuku này không biết có mấy nghìn ả như vậy, chúng nó hết đến lại đi thành thử Hanada chả phân biệt được ai với ai.
- Cảm ơn, anh Hana ! Có cái này nè !
Hanada lật đật đẩy trả lại tờ giấy bạc năm nghìn về phía cô gái có lòng thơm thảo và nở một nụ cười hệt như viên chức ngân hàng thứ thiệt:
- Không. Cảm ơn. Tôi có phải dân yakuza (2) đâu, em !
Khẽ vỗ vai cô gái, Hanada rẽ qua con đường nhỏ, cất bước vào vùng ánh sáng náo nhiệt của khu Kabuki-cho.
Đã qua cái tuổi bốn lăm, học lực không hơn mà chẳng kém ai, cắc cớ gì lại đưa chân vào cái nghề này. Nhiều khi trên con đường đến " sở làm " tức đại lộ Okubo, câu hỏi đó cứ ám ảnh trong trí y.
Nhưng từ giờ là lúc phải suy nghĩ cho chín đây. Kiếm công chuyện gì đàng hoàng rồi mướn căn hộ hai buồng ở ngoại ô, rước con gái về. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, Hanada có cảm tưởng mình sẽ bị chôn vùi mãi mãi trong thế giới của hàng vạn bóng nê-ông. Thế rồi, tuy hãy chỉ là đồ chừng, một khi con y đã lên đây học cấp ba thì mẹ nó dưới tỉnh thế nào cũng bước thêm bước nữa. Nội ba tháng sau thôi, chẳng còn ai còn muốn nhận tiền chu cấp của y và liên hệ gia đình rồi sẽ bị cắt đứt vĩnh viễn.
Hanada hết nói cười đùa nghịch với lũ con gái đã bắt đầu tụ tập trên con đường đầy hô-ten nhà chứa, lại bắt chuyện với bọn du côn trấn đóng khu vực. Khi băng qua con lộ có Sở Giới Thiệu Việc Làm, y bắt đầu đi vào khoảng không gian diện tích mỗi một cây số vuông mà đã tập trung đến tám nghìn quán nhậu chật ních người, cái xóm ăn chơi vĩ đại nhất thế giới.
Nơi đây là chỗ Hanada "làm việc" suốt năm năm qua. Trên cái quãng trường vừa náo nhiệt và trơ trẽn này, y đã để mặc giòng đời lôi cuốn mình đi.
Một thằng bắt mối non choẹt từ tiệm xì-phé điện tử bước ra. Hanada làm bộ không thấy, vượt qua mặt thì nó đã đuổi theo bén gót, đi tới ngang tầm :
- Chào anh Hana !
Giỏi thay cho oắt con còn mặt dày mày dạn bày đặt chào với hỏi. Số là mấy hôm trước, vào lúc hừng sáng, chính thằng khỉ này đã mời Hanada đi uống. Ngồi trước quầy nói với nhau dăm chuyện bàn dân thiên hạ xong, nó chợt lỉnh đâu mất. Đang tưởng mình gặp trúng đứa ăn uống chạc thôi thì Hanada đã cảm thấy đầu óc nặng trĩu và buồn ngủ. Y nhanh trí chạy thẳng vào nhà vệ sinh và dấu ngay chút tiền còm dưới bí tất. Khi tỉnh lại, y đã thấy mình đang nằm khềnh sau con hẻm giữa trời mưa.
- Nầy chú em, làm ăn có khó khăn đến đâu cũng đừng muối mặt cướp giật cả đồng bọn nhé.
- Chết, anh hai nói chuyện gì kỳ dzậy.
- Anh sơ ý là lỗi tại anh. Nhưng chú mầy không chôm được đồng nào nên anh cũng đánh chữ đại xá cho chú. Anh đâu đến nỗi ăn phải mấy đòn sơ đẳng của chú để bị đá lăn ra đường đâu.
Nói xong ngoảnh lại thì thằng ma-cô tập sự đã chạy qua bên kia đại lộ, đang đeo sát một người khách. "Khứa" này có vẻ như nhân viên hãng nào dưới tỉnh lên đây công chuyện, tướng còn hoi phèn. Đeo xắc hành lý lang thang giữa giờ này là loại khách dễ xỏ mũi như chơi. Dắt "khứa" vào mấy cái "ba trấn lột", loại hay quảng cáo "chỉ cần đặt năm nghìn tiền cọc", thảy một liều thuốc ngủ vào cốc rượu, là "khứa" sẽ thành bị thịt ngoài hẻm ngay.
Hanada chợt ngước mắt lên khung trời đêm chật chội mà y chẳng có mấy dịp nhìn, suy nghĩ về "chương trình làm việc" của ngày hôm ấy.
*
Cao Hùng (Kao Shiung), do một "má" người Đài Loan kinh doanh, được coi như quán "đứng đắn". "Đứng đắn" có nghĩa là không bỏ thuốc ngủ vào rượu cho khách, không có mấy thằng đứng "ba" vũ trang bằng dùi nhọn chọc nước đá, chứ không phải tử tế như loại "ba" đơn thuần để uống rượu và hát karaoke. Nhưng dù sao, quán nào mở ra trên hai năm cùng một chỗ mà không thay bảng hiệu, không đổi chủ, có thể xem như có "lương tâm nghề nghiệp" rồi.
Bước xuống cầu thang hẹp, đẩy cửa vào tiệm, Hanada đã thấy vòng quanh phòng có đến hơn hai mươi em chiêu đãi viên ngoại quốc ngồi như dán cả vào tường. Trời mới sập tối nên chưa thấy bóng khách.
Hanada vừa đến ngồi bên quầy thì " má" đã chìa phong bì phần tiền thù lao ngày hôm trước, phân bua :
- Tại cái ông khách đầu tiên, tới mà không uống, bỏ về liền. Xin lỗi nhen.
Sự thể ra sao, chỉ có trời biết, nhưng thôi, sá gì mấy chuyện nhỏ nhặt đó mà đòi thêm.
Luật chơi ở đây là hễ rước được khách thì người rước ăn huê hồng bằng phân nửa tiền rượu khách chi. Ở tiệm "đứng đắn" loại Cao Hùng thì có gửi chai (3) chăng nữa, một người khách trung bình bỏ ra khoảng hai vạn Yen. Tiền khách chi không phải là tiền rượu, nó chỉ là thứ lệ phí đóng cho tiệm để được phép lúc mới ngà ngà đã có thể kéo một em ưng ý ra đường. Muốn cô gái ở qua đêm phải mất bốn vạn Yen, trong đó năm nghìn thuộc về tiệm, đương sự lãnh vạn rưỡi, còn hai vạn kia phải đóng cho băng đảng trên thực tế quản lý cô ả.
Tuy nhiên cách phân chia lợi tức rõ ràng này chỉ đặt ra cho những tiệm nào thuộc loại ngon lành.
-Mấy con này sao lạ hoắc. Hay tôi nhìn lầm?
Hanada ngó quanh tiệm rồi đặt câu hỏi. Đã đành những cô nào không hợp nhãn khách phải theo chỉ thị của băng đảng đổi qua chỗ khác nên ít có ai trụ lại được lâu một chổ nhưng sao hôm nay, rặt những mặt lạ.
- Vài bữa nữa, có tin " cớm " sẽ " bố ráp" nên mấy con hết hạn cư-trú phải chạy về trên Ibaraki cả.
- À, ra thế ! Tin tức của ông Dobashi kinh khủng thật. Người đâu mà như thánh sống, biết trước mọi chuyện.
- Tại Dobashi không phải dân Yakuza. Ông quen lớn với cảnh sát đấy.
Quen lớn thế nào không biết nhưng nhiều tiếng đồn cho rằng Dobashi, hiện làm nghề giới thiệu công việc chui, hay "thầu người" cũng thế, trước đây đã từng là nhân viên công lực.
- A, a...nhớ ra rồi. Chú Hana ơi, ông Dobashi có chuyện muốn bàn với chú đó. Ổng đang đợi trên gác. Đừng bày đặt chuyện tào lao nghe mấy cha nội, cho tôi đỡ khổ.
"Má" lo lắng nắm khuỷu tay Hanada giật lia. Chuyện Dobashi muốn bàn, "má" đã đoán già đoán non. Chắc lại có tiệm sắp mở muốn nhờ Hanada đem khách đến. Đối với những quán chỉ sống bám người rước khách, bắt mối là cả một vấn đề sinh tử.
- Lo gì "má". Có mở tiệm mới giữa thời buổi khó khăn bây giờ chắc "thọ" không quá ba tháng.
- Nhưng nếu chú Hana bỏ đi thì tui cũng dẹp tiệm luôn.
Có bóng một người khách được dắt mối giới thiệu tới vừa bước vào cửa. "Má" ra bộ đon đả, xồ tới. Làm nghề này, tuy không mất xu teng trả lương mấy cô chiêu đãi, nhưng khổ cái tiền nhà rất cao. Hết giật chỗ này đến vay chỗ khác còn phải dính vào nợ chui. Số tiệm mỗi tháng có sức trả nợ sòng phẳng không được bao nhiêu. Thế là đành mượn thêm mấy món nặng lãi.
Khổ nỗi, cái đon đả thiếu tự nhiên của má chỉ làm người khách mới vào đâm ra lúng túng.
*
Dobashi ngồi ở tầng trệt quán nước trước mặt con đường có cơ quan hành chánh quận, mắt dán vào cuốn sổ , tay bấm máy tính con.
Cặp kính râm ngày đêm đeo không rời và bộ vó chững chạc chỉ tạo cho hắn một vẻ khiếp đảm. Tuy vậy, dáng dấp đó coi bộ ăn khớp với cung cách nghiêm nghị cần thiết mà anh chàng nhà thầu sức lao động của đám ngoại quốc bỏ xứ lang bạt kiếm ăn cần phải có.
- Nghe nói bác Dobashi dạo này bận lắm? Mấy em út phải dọn lên mãi Ibaraki cơ à ?
Dobashi giật mình nhìn lên và tháo cặp kính ra.
- Con mụ Cao Hùng chết tiệt, miệng không kéo da non. Chẳng có đứa nào lên Ibaraki cả, Kofu thôi.
Hanada trong bụng chắc mẫm là Ibaraki rồi, chớ chẳng chạy vào đâu.
- Muốn bàn gì với em đó, bác. Có tiệm nào sắp mở ?
- Không, không phải.
Vừa nói Dobashi vừa đảo mắt nhìn quanh tiệm. Hắn gọi cho Hanada cà-phê và xăng-uýt.
- Thôi nhé, chuyện rắc rối đừng để dính tới em nghe. Như bữa trước lãnh giữ dùm bác mấy thứ đồ quỷ. Từ rày cho em xin đi !
- Không phải thứ đó nữa đâu mà !
Dobashi khều Hanada ghé mặt sát lại giữa bàn, châm cho y điếu thuốc.
- Ừ, kỳ này không phải giữ giùm nhưng cùng như giữ giùm. Hana, chú có nói tôi biết chú bị "hỏng một lần" rồi phải không. Thế thủ tục ly dị đã xong xuôi chưa ?
- Bây giờ em "cu-ky" một trăm phần trăm .... Nầy, đừng ỡm ờ, mà em độc thân thì đã sao?
- Vậy là " xịn " rồi . Chú lấy vợ cho tôi nhờ, chớ sao?
Hanada giật mình, phun bắn cả cà-phê.
- Đừng đùa, bác Dobashi. Tại sao em lại phải.........
- Có gì đâu, hình thức thôi ! Làm bộ cưới giùm " moả " con Xẩm. Năm trăm ngàn thù lao, chịu không ? Ở cái tuổi chú mày thì còn sợ cóc gì miệng thế gian. Thân hư đã hư mấy kiếp rồi. Này, được không, nói đi !
Giọng điệu Dobashi thúc bách. Giữa cái quán này, nói chuyện xì ke ma túy hay súng đạn cũng không làm ai ngạc nhiên, nhưng rù quến kiểu này thì bụi đời như Hanada cũng chạy mặt.
- Không ổn đâu. Em tuy chẳng trẻ trung lại lỡ cỡ một lần rồi nhưng bề gì cũng có con trai sắp sửa đi làm, con gái đến tuổi lấy chồng, chứ bác.
Làm như chê Hanada ăn nói kiểu thế gian thường tình, Dobashi banh miệng cười.
- Được rồi, như thế này đi ! Không lấy giả, cứ sống chung thẳng thừng với nhau. Chế độ ưu đãi đặc biệt đó nghe, cha nội.
- Thôi bác ơi. Thế còn tệ hơn !
- Thật sao? Nhỏ này ngon lành lắm nghe, chú ! Nấu cơm giặt đồ được hết. Chuyện xong xả rồi cũng không thèm mè nheo chú đâu. Lấy nó còn sướng một chục lần hơn là chạy theo đuôi mấy chị em dưới xóm.
Khéo ăn khéo nói quá đi, Hanada khen thầm. Đến cái tuổi không còn thèm đàn bà chỉ vì xác thịt, nên nội hình ảnh người nội trợ mặc tấm tạp-dề đứng làm cơm trong bếp cũng đủ làm rung động trái tim y.
Tiếng la lối ồn ào của bọn trẻ vọng vào tiệm, một gã ăn mặt loè loẹt ra dáng đầu nậu bước vào. Mới thoáng thấy dáng hắn ta, Dobashi đã chậc lưỡi :
- Làm ăn trên đe dưới búa như kiểu xóm này khó sống quá. Không cách chi phất nổi. Vụ này là sinh mạng "moa" đó. " Toa " rán nghĩ giúp "moa" nghe.
Nắm tờ giấy tính tiền nước, Dobashi đứng dậy, tiến đến chỗ ông anh khi nãy ngang ngược bước vào đang ngồi, chào hỏi xong rồi mới ra cửa và mất hút vào đường phố đêm.
Bên ngoài cửa sổ, bọn dắt mối bắt đầu tụ tập. Quanh vùng này là cứ điểm làm ăn của chúng nó.
Không phải Hanada không hiểu tình thế cấp bách của Dobashi. Từ hồi có chiến dịch tảo thanh tới nay, bọn con gái đứa nào đứng đường cũng bị xét hỏi nghề nghiệp hết.
Nhân viên công lực có thể xuất kỳ bất ý lục soát các tiệm. Ngay cả trường hợp tiệm không bị tình nghi dính vào cái tội rối rắm nhất là chứa gái mãi dâm, nhân viên sở nhập cảnh và cảnh sát vẫn có lý do khác để đổ xô vào tóm cổ bọn con gái đem đi.
Trong cái khu phố đầy những mắc míu cỡ này, bắt buộc phải đối phó với bao nhiêu tổ chức khác nhau, cái nghề " thầu người " của Dobashi thật là một nghề dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Chịu đủ ba món trời hành là tảo thanh cảnh sát, kinh tế suy thoái và nỗi lo mắc phải Sida, hàng họ từ Nô-en bước qua năm mới cứ ế ẩm dài dài, không biết lối nào ra.
*
Thêm một lần nữa, ngày cuối năm lại đến như mọi năm. Mai là mồng một rồi mà sao ngày giờ cứ thủng thỉnh đi qua làm cho Hanada nghĩ mình chẳng cần gì phải tất tả.
Cùng lúc, y lại có cảm tưởng trái ngược mỗi mình mình là người bị bỏ lại bên bờ một giòng thác chảy xiết, nên vừa tỉnh giấc, Hanada đã vội ra khỏi nhà.
Hết khu phố Ichibangai, qua con đường Yasukuni là vùng Shinjuku của mọi ngày mà y đã nằm lòng. Hanada bước đi như thể đang cố tình xô đẩy mình vào cái thế giới hưởng lạc quen thuộc. Y ghé tiệm sách đầu đường mua quyển truyện đang ăn khách mà chắc chắn sẽ không lật lấy một trang, lửng thửng về hướng cửa hàng bách hóa.
Chiều cuối năm, cửa hàng chẳng có mống nào.Trước mắt, không thấy có món gì cần, nhưng chợt nhớ, y mới mua chút quà cho đứa con gái với thằng con trai.
Cho thằng Yoshikazu chiếc đồng hồ đeo tay nhôm ti-tan, con nhỏ Masae sợi dây chuyền bằng bạc hiệu Tiffany's. Về nhà rồi sẽ tạt qua Bưu Điện, gửi cho tụi nó, ba hôm chắc tới.
Còn vợ, hay đúng hơn người đàn bà ngày xưa có thời là vợ mình, thì, nghĩ đi nghĩ lại, thôi kệ. Có mua gì gửi cho, có khi bả lại không vui.
Xách cái bọc giấy ra khỏi tiệm mới sực nhớ hôm nay Bưu Điện đóng cửa. Ngày cuối năm mà lại. Mới dợm trở lại căn buồng, viết bức thư cho hợp tình hợp cảnh để kèm theo món quà, rồi nhờ hãng tư nhân chuyển hàng tận nhà gửi đi vậy.
Lúc đang đợi đèn xanh trên đường Yasukuni, Hanada tự dưng cảm thấy ngao ngán. Từ cái xóm nhộn nhịp không khí Tết nhất kia, chỉ cần băng qua con đường là đã đi vào một khu vực tẻ nhạt, suốt năm không có lấy chút hội hè để thay đổi không khí, không cả dấu hiệu mùa đến mùa đi.
Hanada bước vào quán cà-phê đầu ngã tư không vì lý do gì đặc biệt, cùng lắm là do chút tình cảm quyến luyến với nơi đó. Độ rày, cốc cà-phê bán hai trăm Yen ở mấy chỗ khác đang được yêu chuộng, rẻ mà ngon gấp mấy cốc giá một nghìn Yen trong mấy tiệm khu Kabuki-cho này.
Lơ đãng nhìn đám đông chen lấn, bỗng nhiên y để ý đến bóng một thiếu nữ trạc tuổi con gái mình. Nghe nói con nhỏ được chọn vào đội bóng rổ tranh giải toàn vùng thì chắc nó phải cao to giống mẹ chứ đâu giống mình. Đọc thư nhận được, coi bộ thành tích học tập cũng thuộc loại khá. Từ lúc chia tay tới nay, mỗi đầu tháng nó gửi đều đặn một lá, nhìn tuồng chữ thấy nó viết ngày càng đẹp ra.
Không biết sao Hanada buồn buồn. Con gái y thích chống đối mẹ. Và trong lòng nó, lúc nào hình ảnh cái ông bố xa cách năm năm nay cùng được xem như thần tượng. Mình không đáp lại nguyện vọng của con thì có khác gì thần thánh từ chối lời cầu xin của tín đồ......Nghĩ đến đấy, bất chợt trong đám đông đứng đợi đèn xanh, Hanada bỗng khám phá ra một sự tình cờ đến lạ lùng. Thằng con trai y ! Khoác trên vai cái áo da, thằng nhỏ đang ngồi trên thành rào sắt bên đường cùng đám bạn bè có vẻ sinh viên. Tướng nó nhỏ con, mắt ngay mũi thẳng, chẳng khác năm năm trước bao nhiêu.
Hanada vội phóng ra đường:
- Yotchan, Yotchan (1) ơi !
Miệng cười toe, Hanada đưa tay vẫy vẫy. Thằng con trai hơi kinh ngạc trong giây khắc, bỗng nhấc mông xoay người định biến. Hanada đuổi sát theo giữa đoàn người xuôi ngược, rốt cuộc chộp được tay nó.
- Sao mày , Tết không về nhà hở ?
- Về chớ. Tại chưa lấy được vé xe !
- Này, may quá. Bố định gửi món quà này cho Maa-chan với mày mà Bưu Điện nó lại....
Không thèm nghe hết câu, thằng con giật tay hắn ra và lẫn vào trong giòng người đông nghịt. Đứa bạn tác người cao cao quay lại phía nó với điệu bộ như dò hỏi :
( - Cha đó , ông già mầy hả?
( - Già gì mày, chả nhìn lộn tao với ai chắc.)
Hanada có cảm tưởng nghe những lời xì xào như vậy giữa hai đứa.
Tối hôm đó, Hanada lại đi làm. *
Ngày cuối năm thuận tiện cho mưu đồ của bọn bất lương. Ngân hàng đóng cửa nên thiên hạ ai cũng thủ đầy nhóc tiền mặt trong túi mà không mảy may đề phòng. Đó là một tối dễ dàng nhất trong năm để tìm ra mấy "khứa" chưa hiểu Kabuki-cho là chốn thế nào, dụ họ vào mấy cái "ba" mà vặt lông.
Trong khi chờ đợi khách bị làm thịt, phải đánh một vòng chào hỏi mấy tiệm quen thân nên sau khi ba hoa chích chòe mỗi nơi xong, Hanada mới tạt vào Cao Hùng.
Tiệm trông nhộn nhịp ra phết. Mới ngồi xuống bên quầy, đã thấy " má " với vẻ mặt khó đăm đăm, đẩy ly uýt-ki pha đá về hướng y.
- Sao kìa ! Làm ăn coi bộ phát tài mà !
- Khách gì mấy ông nội nầy. Dân Showa-kai (4) không hè.
Rồi bực bội lẩm bẩm mấy câu tiếng Tàu mà y không hiểu ý nghĩa. Đại khái như là năm hết Tết đến mà lại bị uống rượu chạc, chán bỏ xừ.
- " Má " không biết điều gì hết. Mỗi năm một lần nhằm nhò gì. Cũng phải biết đền ơn trả nghĩa chứ.
- Không, không được đâu. Làm ăn kiểu Nhựt Bổn, lúc nào cũng nhiêu đó.
"Má" vừa dợm nói gì thêm thì đã thấy Dobashi ngồi xuống cái ghế đẩu cao bên cạnh.
-Thiệt há "má". Cuối năm mà nhè ăn chực uống chực, không khá hả " má ".
-Dạ, em đâu dám.
Dobashi khều "má" đưa mặt lại sát mình, gấp mấy tờ giấy một vạn Yen nhét vào chỗ ngực áo hở hang.
- Ấy chết. Em lấy có sao không?
Má bỗng đổi giận làm lành, nhìn về phía khách cười tươi rói rồi chui xuống thành quầy bước ra, cất giọng the thé, nắm tay mời khách hát karaoke với mình.
Bọn yakuza cười hô hố, hết đứa này đến đứa khác dắt các cô gái chúng vừa ý ra khỏi tiệm.
- Coi kìa, bọn nó chuồn hết rồi, đừng xù xụ nữa. Để họ kiếm chác chút rượu cho nó xong đi. Mà này, Hana-san?
Dobashi nghiêng đầu sát tai Hanada, thì thầm.
- Chuyện nói với chú hôm trước, chú tính giúp tôi chưa?
Tưởng đã quên rồi nhưng nghe nhắc lại việc ấy, Hanada cũng thấy lòng nao nao.
- Dobashi-san, bác thấy em có ra hồn người không?
Để tránh phải trả lời ngay, Dobashi nâng cốc ực một hơi.
- Sao vậy, tự dưng .......
- Tình thật, bữa nay em đụng đầu thằng con ngoài đường, bị nó khinh tái.
Dobashi làm bộ ra chiều suy nghĩ, rồi cả cười:
- A ha... té ra có nhiêu đó mà chú đã làm cái bản mặt tẻ ngoét. Tụi lỏi, đứa nào cũng như đứa đó. Không mắc mớ đến bề ngoài của chú mày gì ráo. Con nít tuổi đó ở "mô" nó cũng " rưa rứa".
- Thật vậy sao bác.
- Dĩ nhiên. Nghe này: chú lo cho con trai sắp đi làm, con gái sắp lấy chồng nhưng đối với chúng, chú chỉ gây thêm phiền phức thôi.
- Chứ bác Dobashi có cháu nào không ?
Dobashi chỉ cười hừm hừm bằng mủi.
- Thôi, cứ mần thử con nhỏ rồi " toa " cho " moa " biết. Thế nào "toa" cũng mết nó cho coi.
Vừa nói, Dobashi vừa ngoảnh lại nhìn trong quán:
- Ủa, mới thấy nó đây mà, sao có ai rước rồi hả ?
- Cái gì, cổ là gái Cao Hùng à ?
- Không, bình thường thì ở đằng tiệm Sylvia kia. Nhỏ mới từ Asakasa chuyển xuống sau này thôi. Hana-san không biết nhỏ đâu ! Chắc tại cứ chạng vạng là đã có khách bao nguyên đêm rồi.
Lúc đó, cặp mắt Hanada và Dobashi bỗng giao nhau. Dobashi như thầm nói tuy hắn định dàn xếp một cuộc hôn nhân trá hình nhưng muốn hứa với Hanada rằng người này là một cô gái xứng đáng được bảo bọc.
- Sống là phải biết dứt khoát chọn lựa, chú ơi. Dứt khoát ! Nếu là người biết thương vợ thương con thì ai đi sống lây lất như kiểu tụi mình. Có phải không, Hana-san?
Dobashi nốc một hơi cạn sạch ly uýt-ki xong mới thốt ra câu nói trên như để hả hết chất độc trong người.
*
Khi Hanada đi thu hết phần chia lời từ mấy tiệm nhậu "trấn lột" rồi trở về tới khu chung cư ở Okubo thì cũng sắp đến giao thừa.
Thực tình, y có đầu óc đâu mà vẽ chuyện năm mới năm me. Bây giờ vô buồng tắm, ngâm mình trong bồn nước nóng, ra tợp ngụm rượu ướp lạnh rồi mở ti-vi xem cho có tiếng người ồn ào là đủ để đón chào năm mới rồi.
Nghĩ thế, Hanada vừa ca ư ử, vừa leo lên bậc thang xỉn màu bồ hóng. Khi vòng qua hành lang phía ngoài phòng, chân y bỗng khựng lại. Có bóng ai đang ngồi xệp trước cửa phòng y. Đèn nê-ông của khu hô-ten hắt những mảng màu lên mái tóc xõa xuống ngang đầu gối.
- Ai đó ?
Người đàn bà ngước mặt lên, đưa tay sửa lại cổ áo khoác mỏng dính cho ngay ngắn, đứng dậy.
- Chào Hana-san !
Cô vụng về cất tiếng hỏi thăm.
- Sao, gấp gáp gì dữ vậy. Bộ tối nay không đi khách à?
Cơ sự xảy ra đột ngột nên những điều Hanada định nói thêm như bị ngáng trong họng. Phía bên kia chẳng thấy trả lời, có lẽ cô nàng không hiểu ý nghĩa câu hỏi.
- Hana ! anh Hana !
Cô gái tay ôm một gói lớn, tiến về phía y. Như muốn phân trần điều chi, cô chìa cho Hanada xem một mảnh giấy con trên đó nguệch ngoạc hình vẽ chỉ dẫn đường đến nhà y.
-Không bữa nay thì bữa khác đến cũng được mà !
Suy nghĩ một chút, cô gái nói như để giải đáp sự ngờ vực của Hanada:
- Khách, nó về rồi.
Nói cho cùng, làm thân yakuza chăng nữa, gặp dịp Tết nhất cũng phải biết về với gia đình. Chắc cô gái này làm xong chuyện cái vèo để trở lại tiệm thì vừa vặn được Dobashi chỉ thị phải đến đây.
- Trăm sự nhờ anh nhé, anh Hana !
Có khi cả Dobashi cũng không rành tên thật của Hanada nên cô ấy mới bắt chước gọi theo gọn lỏn như thế. Trên mảnh giấy chỉ viết theo cách đọc ba âm Ha-Na-san. Khi thấy người con gái vừa nói vừa kính cẩn cúi rạp người xuống, y không khỏi cảm thấy có gì bất ổn. Hôn nhân đâu phải trò hề. Cho dầu giả mạo, một nghi lễ quan trọng trong đời người ta không thể bắt đầu bằng cung cách này. Thật kỳ kỳ sao sao ấy.
Bậm môi để khỏi bật cười, Hanada tra chìa vào ổ khóa, mở cửa phòng.
- Thôi, vào đi vậy. Chưa biết tính sao nhưng kể từ hôm nay, cô cứ tạm xem nơi đây như nhà cô nhé. Ừ nhỉ, phải đánh thêm cái "spare key" nữa.
Chẳng thấy người con gái trả lời. Hầu như cô nàng không thông tiếng Nhật lắm. Lại lôi thôi đây, Hanada nghĩ trong bụng. Những cô Phi Luật Tân hay Đài Loan không biết tiếng còn võ vẽ dăm chữ Anh để truyền đạt ý nghĩ. Dân Trung Quốc, ít ai học qua tiếng Anh, nên khi Hanada dùng chữ "spare key" để chỉ cái chìa khóa đúp phải đánh thêm cho cô, cô ta không nắm được ý .
- Lạnh phải không? Chờ tôi lâu quá hử?
Nói mà như để một mình mình hiểu, Hanada vói tay bật đèn. Quay lại nhìn cô gái vẫn đứng lặng ở ngạch cửa, Hanada khẽ rùng mình. Mới thoáng thôi, y đã hiểu ngay cô ta là cái mối lợi lớn nhất trong đám gái mà chủ chứa không bao giờ chịu để đánh mất.
Bỗng dưng, Hanada đâm ra bối rối, vội hướng cái nhìn của mình về phía lò sưởi.
- Cứ tự nhiên nhé. Tôi sửa soạn nước tắm đây.
Người con gái níu tay Hanada khi anh ta dợm bước vào phòng tắm. Cô làm động tác như muốn nói thôi anh để em làm cho. Không những chẳng cởi áo khoác ngoài , lại chẳng sợ ướt tất, cô bắt đầu cọ bồn tắm.
Hanada bật Ti-Vi, vét mấy món nhắm bày lên bàn. Coi bộ nước đã nóng nhưng chưa đầy bồn nên cô nàng không chịu ra. Cô ta loay hoay trông giống một con búp bê trông thật xinh xẻo nhưng chẳng có chút thần hồn.
- Vô ngâm mình trước đi, đừng làm khách mà, cô hai. Please, tắm trước đi.
Người con gái lúc lắc cái đầu ra vẻ không chịu. Cô ta mang túi giấy của mình vẫn nằm ngạch cửa đặt vào một góc phòng, lấy áo khoác phủ lên như ngượng ngùng về mớ hành lý nghèo nàn.
- Uống tí nhé !
Cô gái gật đầu cười. Khi tia nhìn của Hanada bắt gặp cái nụ cười đang ghé sát mặt mình, y thiếu điều bật ngửa vì cô gái nom xinh không chịu được.
- Uýt-ki ?
Cô gái đưa tay chỉ bình rượu nhỏ như muốn bảo cô thích sake hơn.
Thôi thì trước tiên phải nâng cốc mừng, mà mừng cái giống gì không biết nữa, xong, Hanada mới nhớ ra, lấy tập giấy nháp và cây bút liên tử bày lên bàn. Đối với cô Tàu không thông tiếng Nhật, chỉ còn mỗi lá bài ...bút đàm.
Đặt bút viết tên mình bằng ba chữ Hán, Hoa-Điền Chương (Hanada Akira) xong, hắn đã thấy cô gái nhìn theo nét chữ lẩm nhẩm:
- Howa Dien Chan
- Ha-na-da. Hanada Akira. Biết đọc không?
- Ha-na-da?
Người con gái ra vẻ vui mừng, giật lấy cây bút từ tay Hanada, viết mấy chữ Hán trông thật mềm mại liền bên cạnh.
- Lý Linh Minh (Li Lin Min)
Cô ta đọc tên mình với những âm thanh thánh thót như tiếng chuông rung. Bất đồ, cô lấy bút xóa lia lịa chữ Lý. Hanada vội chụp tay cô, chận lại.
- Khoan mà ! Tôi đã hứa hẹn gì đâu, cô !
Cô ta khéo léo vuột khỏi bàn tay của Hanada, dí bút viết Hoa Điền thay vào chỗ chữ Lý vừa mới xoá. Nghiêm trang đặt cây bút bên cạnh, cô ta nhìn về phía Hanada, chắp hai tay, bập bẹ :
- Hanada Lin Min. Hanada-san ơi, Hanada Lin Min được không ?
Không biết cô đang cầu khẩn hay van lơn nhưng khi tia mắt hắn gặp cái nhìn dìu dịu mà chân thành của cô gái, lồng ngực Hanada chợt nóng ran lên. Y không còn nghĩ xa gần về thân thế của cô gái nữa. Đi tìm cái không khí gia đình ư ?... Nó chỉ là thế này thôi !
- Hanada Lin Min. Hanada-san ơi, Hanada Lin Min nhé ?
- Không được ! Phải đọc Hanada Lei Mei (5) chứ !
Nghe thế, Lin Min chợt thở hắt ra như để vợi hết bao lo lắng chứa chất bấy lâu trong lòng.
- Hanada Lei Mei. Tsui (6). Cảm ơn Hanada-san !
Hanada viết con số 46 vào bên cạnh tên mình và cất tiếng hỏi:
- Cô bao nhiêu? Mấy tuổi hử ?
Lin Min ghi lên giấy 27.
Đến đây, ít nhất Hanada đã mường tượng được cô gái này người Trung Quốc, 27 tuổi, tên là Lin Min. Có tí rượu vào, cô nàng liếng thoắng hẳn. Như muốn thông tin thêm về mình, cô ta ghi chi tiết vào tập giấy nháp bằng những chữ Hán giản thể hơi khó hiểu. Có thể cô muốn giải thích hồi nhỏ mình ra sao và hoàn cảnh nào đã đưa đẩy mình đến đây. Tuy nhiên, Hanada lại coi những chuyện đó không phải có gì đáng nói nếu không bảo là y không muốn để ý tới. Ngay khi hai bên hiểu về quá khứ của nhau đến mức nào đi nữa, có lẽ họ chỉ nắm được cái mặt ngoài giả dối mà thôi.
Dầu sao, Hanada tiếp tục đưa mắt nhìn những điều Lin Min ghi trong cuốn sổ. Chương trình ca nhạc Kôhaku (7) trên truyền hình giữa hai đội ca-sĩ nam nữ hoạt náo vừa chấm dứt thì cái tĩnh lặng của đêm trừ tịch đã len đến không biết tự lúc nào. Khi Lin Min để bút xuống cũng là lúc hai người cảm thấy cái sức nặng của ngọn sóng thời gian ồ ạt đã bao trùm lên họ. Thêm một năm nữa đến rồi.
- Shin Nien Hao(8) Lin Min mỉm cười chúc Tết.
- Akemashite, omedeto (8) ! Hanada chúc mừng trả lại. Thôi, mình đi ngủ đi !
Hanada kéo cái chăn của chiếc giường xếp bằng sắt mua ở một tổ hợp chào hàng bằng tạp chí, thảy lên cái gác sát trần nhà.
- Cô nằm giường này đi, tôi lên ngủ trên kia.
Hanada vừa hoa tay để cố diễn tả, thì Lin Min đã nghiêng nghiêng cái đầu, ra dáng không hiểu tại sao.
- Ngại ngùng gì ! Đừng để ý mất công. Thật mà !
Cách giải thích coi bộ khó hiểu cho cô gái. Hanada dắt tay cô đẩy vào phòng tắm, Dù trong đầu đang tưởng tượng đến cái thân hình mềm mại này đẫm ướt hơi nước nóng nhưng Hanada chẳng thấy dậy lên sự thèm muốn nào cả.
Rốt cuộc, Lin Min trong chiếc áo thun dài tay từ phòng tắm bước ra. Tóc đã bới cao lên nên vẻ thanh tú của khuôn mặt cô càng hiện ra rõ nét.
Lin Min thu người nằm xuống ngủ ở một góc giường. Trên sàn nhà, giữa mấy vệt sáng tối mà cái rèm cửa in lên, cái áo thun lót đã cởi ra bỏ lăn lóc.
Khi Hanada rón rén leo cầu thang để lên cái gác con thì Lin Min khẽ nhỏm dậy, kéo gấu áo ngủ qua một bên, nhường chỗ.
- Được rồi, mấy khi đầu năm đầu tháng, cứ thong thả ngủ một mình đi !
Lin Min lắc đầu, hai tay lại chắp trước ngực. Cô này muốn lời hứa thành vợ thành chồng phải được dứt điểm một cách cụ thể hay sao đây ? Trong cái nhìn khẩn khoản không nói không rằng ấy, Hanada đọc được tất cả sự buồn bã của cô.
- Đừng lo nữa, tôi không dối em đâu !
Như chợt nhớ ra, Hanada mở cái gói hàng mua hồi chiều ở tiệm bách hóa vẫn nằm trên sàn và lục ra hộp quà mua cho con gái, để lên đầu gối quần ngủ.
- Đây không phải nhẫn, nhưng cứ coi như mình hứa hôn đi.
Lin Min ngạc nhiên đón lấy cái hộp, cởi thắt nơ ra, thốt lên tiếng kêu kiểu người Trung Quốc biểu lộ khi mừng rỡ.
- Đeo thử ! Cô đeo chắc chắn đẹp.
Choàng sợi dây chuyền lên cổ mình xong, Lin Min bất giác vươn hai cánh tay tròn lẵn, trắng muốt về hướng Hanada.
Trong cái hôn của hai người đã có thoáng hương vị của sự bất hạnh.
Vừa tiếp nhận đôi tay của Lin Min, Hanada vừa nghĩ thầm chắc cô ả đối xử kiểu này với bất cứ thằng đàn ông nào cũng không chừng.
Nhưng sao thân hình của người con gái anh ta đè lên lại săn cứng như gái tân.
*
Khi hai người mở mắt ra thì vừa vặn trưa mồng một.
Đã lâu lắm cả hai mới ngủ được đẫy giấc như vậy. Lin Min khoác tấm chăn lên người, ngồi ở thành giường.
- Shin Nen Hao, Hana-san !
- Ô, chào ! Làm gì đó?
Lin Min đang chí thú lắp lại mấy mẩu hình mà Hanada làm rơi tung tóe lúc ra khỏi nhà và không buồn xếp lại.
- Cha Shi Shem Ma ? Cái này, cái gì?
Chắc cô ta đang tự hỏi nếu mình lắp xong thì trên khung này sẽ hiện ra cái hình thù gì đây.
- Căn nhà đó mà. Đúng hơn là cái chòi con giữa tuyết, giống như chỗ tạm trú của người đi săn, có cả ống khói, nằm giữa rừng tùng bách đại thụ.
Hanada bắt đầu vụng về vẽ một bức tranh trên tập nháp cô gái chìa về phía mình. Đúng là có khung cửa sổ với ánh sáng ấm áp của ngọn đèn, trên hàng hiên, con chó soãi người nằm ngủ. Y tiếp tục đến cả những chi tiết như chiếc xe trượt mà khung xe đã lún phân nửa trong đống tuyết, nằm bên hông nhà..
- Hao ! Lin Min mỉm cười như thể mơ theo.
- Em có sắp lại được cho tôi không ? Đã mất mấy ngày công mới gắn cho ra hình thù, lại lỡ chân đá phải văng tung tóe cả.Tôi thật chán mớ !
Hai người quàng vai chung một tấm chăn và cùng hý hoáy xếp lại khung hình một lúc lâu, tuy không nói không rằng nhưng có cảm tưởng đang nói rất nhiều với nhau.
Tiếng chuông điện thoại cầm tay bỗng reo. Tiếng con gái "Chúc mừng năm mơơơới..." vang vang trong giây nói vừa lọt vào tai là Hanada đã quay phắt lưng về phía Lin Min.
- Nầy bố. Hồi nãy anh con mới gọi điện thoại, nói đã lấy được vé tàu nên mai về tới nhà đấy.
- Thế à. Tốt quá còn gì !
Chắc Yohikazu không hở môi cho ai hay chuyện nó mới chạm trán y.
- Lúc anh ấy gọi, con mới mở miệng nói có việc muốn bàn với ảnh là ảnh đã nổi nóng lên. Chắc bố chưa cho ảnh biết chuyện con bàn với bố hôm trước, hở bố ?
- Tao có biết gì đâu.
- Con bảo con không muốn làm phiền ai cả mà.
- Chắc anh con ghét bố rồi nên con nói thể nào nó cũng chống thôi.
- Bố giúp con nghe bố. Giúp con nghe !
Nghe con gái nói đến câu đó, từ ký ức của Hanada một điều cấn cái bỗng bật tung ra như khi răng cấm cắn nhằm hạt sạn. Chắc chắn đứa con gái đang dùng hết sức bình sinh để giữ chặt y như muốn níu cha nó trở lại cái khung cảnh một gia đình bình thường.
- Thế mẹ đâu?
- Mẹ xuất hành đầu năm với lão ta rồi. Họ định kéo cả con đi nữa. ....À, mà họ về rồi kìa. Thôi, con cúp nghen, xin lỗi bố nhé.
Điện thoại bỗng cắt ngang xương.
Hanada cảm thấy làn da của Lin Min áp lên cái lưng trần của y và hai người ngồi đâu lưng với nhau một đỗi rồi cất tiếng thở dài cùng lúc.
- Vợ hở ?
Trực giác của người đàn bà chăng ?
- Không, vợ ly hôn từ lâu rồi. Nãy là con gái. Hiểu không ? Con gái của anh.
Không biết sao, Lin Min có vẻ hiểu chữ ly hôn có nghĩa là gì. Cô quay lại, gương mặt như vừa trút đi một gánh nặng, áp má mình lên vai Hanada.
- Em cũng ly hôn. Con, một.
Nghĩ ngợi giây lát, Hanada chợt ngẩng đầu lên. Tấm kính trên mặt bàn phản chiếu khuôn mặt Lin Min đang cúi gầm.
- Bỏ con ở lại mà đi hả. Bye bye nó hả ?
Mới vẫy tay ra dấu thì Lin Min đã gật đầu đáp:
- Beijing. Shan-u-men. Con, một.
Beijing đúng là Bắc Kinh rồi. Shan-u-men chắc tên chỗ ở.
Không để cô nàng phải mủi lòng, Hanada mới tự kể chuyện mình :
- Anh, trai, một, gái, một. Hiểu không ? Ở Sapporo. Sapporo trên Hokkaido.
- Sapporo. Tsui. Sapporo.
Cô gái ôm hai cánh tay làm ra vẻ suýt soa như ớn lạnh, chìa bàn tay ra rồi ngước mắt nhìn trời như muốn tỏ ra cô cũng biết Sapporo là một tỉnh miền Bắc, lạnh lẽo và tuyết rơi nhiều.
- Beijing cũng lạnh, rét run. Nhiều tuyết lắm chứ ?
Lin Min gật đầu, mắt nhìn xa xôi ngoài cửa sổ.
Hanada đã từng nghe chuyện trong đám những người lao động trái phép, có những kẻ để chồng con lại, dùng cả thủ đoạn như ly hôn trá hình để rảnh rang sang Nhật kiếm ăn.
-Bỏ đi như thế thì gia đình còn gì !
Biết cô gái sẽ chẳng hiểu mình muốn nói gì nhưng Hanada không kìm được để khỏi thốt ra mấy câu sặc mùi đạo đức. Chính vợ chồng y trước đây cũng giả vờ ly hôn để trốn nợ và để bảo vệ gia đình, ít nhất họ cũng đã làm thủ tục vì mục đích đó. Thế nhưng sự tình mỗi ngày thêm phức tạp, rốt cục, thời gian và không gian đã khiến chuyện thôi nhau trở thành chính thức.
Lin Min không khóc.
Hanada nhìn lên trần nhà và suy nghĩ. Tiền khách bao qua đêm là bốn vạn yen, phần cô gái còn lại trong tay được một vạn đến vạn rưỡi, từ đó mà trừ đi tiền ăn với phần chia tiền mướn phòng, mỗi tháng cô ta giỏi lắm để dành được chừng mười vạn yen. Nhưng mười vạn đó gửi về gia đình trong nước thì có lẽ sẽ là món tiền lớn không tưởng tượng nỗi. Hanada chắt bóp để gửi về Sapporo suốt năm năm nay mỗi tháng cũng chỉ lên tới mười vạn.
Lin Min vẫn loay hoay tìm cách sắp cho được mấy mẩu hình vào khung.
*
Hai thân thể như muốn làm quen với nhau, Hanada và Lin Min quyến luyến không rời , đến lúc họ chợt ý thức ra thì đã hết ngày mồng ba.
Dobashi ghé chung cư thăm họ nhằm chiều mồng bốn.
- Điện thoại chẳng ai thèm bắt. Không thấy mặt mũi đâu cả, tưởng có chuyện gì rồi. May quá !
- Shin nen hao !
Lin Min tươi tắn chào.
- Được rồi, được rồi. Thì Shin nen hao. Ta lên quận đi. Giấy tờ cô này đâu đã vào đó. Còn hơi kẹt chút đỉnh nhưng sẽ thông qua thôi. Không biết Hana-san có tin nổi không chớ đầu năm đầu tháng mà thành được bảy đám rồi. Chắc " moả " là ông mai số một ở xóm Shinjuku này đa.
- Bảy đám !
Ra vẻ không muốn đi vào chi tiết, Dobashi xua xua Hanada ra, và quay lại giải thích cho Lin Min bằng một thứ tiếng Hoa khá lưu loát.
- Khùng hay sao mà mới ra giêng hai vợ chồng đã xúm lại chơi lắp hình. Mà coi bộ lắp gần xong rồi hả. Để tôi tác thành lè lẹ cho mấy người nhờ.
Trong xe Dobashi, Lin Min nín thinh không nói một lời.
Ủy Ban Hành Chánh Quận ồn ào nhộn nhịp chẳng khác phòng đợi sân bay quốc tế. Bên trong quầy các bàn giấy, nhân viên thông dịch tíu ta tíu tíu tít. Bên ngoài, người đủ mọi màu da đứng đợi đông nghẹt.
Lúc nộp đơn làm đám cưới, mọi chuyện rốt cục trót lọt hết. Tháo cặp kính râm ra, Dobashi oai vệ như một viên tư chức, không thèm để ý bọn dân ngoại quốc tới bắt chuyện làm quen. Anh ta lo mọi thủ tục đám cưới cho hai người chẳng khác nào ông mai lành nghề.
- Những lúc này mới thấy công việc của Ủy Ban là quí hóa há. Chúc mừng hai người nghen. Thôi, mình dzọt đi.
Như đám hung thủ chạy trốn khỏi phạm trường, bọn họ bỏ Ủy Ban Hành Chánh Quận lại sau lưng, lẫn vào đám đông. Hanada nhìn quanh quất bốn bên rồi đặt câu hỏi:
- Bây giờ bọn em ra sao đây, bác ?
- Đâu có ra sao ! Dắt mối với chiêu đãi chịu nhau thì lấy nhau, chớ sao ! Tôi chỉ nhúng tay giúp chút đỉnh thôi, ai xía vô được.
- Vậy Lin Min sẽ chồng con đàng hoàng ?
- Ê, giỡn chơi sao chú ! Dobashi la lên và cả cười, tay trao cho Hanada cái phong bì đựng số tiền thù lao đã hứa. Hanada cảm thấy lưng mình nhột nhạt như vướng cái nhìn buồn bã của Lin Min, đang đi sau y một bước.
- Cảm ơn bác, em xin nhé ?
- Được, chú cứ cầm, tôi có đau lòng xót dạ gì đâu ! Tiền này coi như con bé nó vay thêm đấy thôi !
- Thế cô ấy nợ bao nhiêu tất cả ?
- Ai biết bao nhiêu ! Chú muốn tìm hiểu thì cứ dẫn xác đến đằng trụ sở Showa-kai mà hỏi. Đến đó để mà coi ai thiếu ai bao nhiêu à, cái chú Hana này hay thật !
- Nếu cổ trả nợ thì còn tiền gửi về nuôi gia đình không, bác ?
- Chuyện làm ăn, hai bên phải nghĩ cho nhau. Dân yakuza thời buổi này cũng không tàn ác đến nỗi sang đoạt hết để người ta cạn cả tiền gửi về nhà đâu !
Hanada kéo tay áo của Dobashi, đứng lại. Nếu cơ sự đã thế, hắn muốn đặt câu hỏi để xác nhận một chuyện :
- Này bác Dobashi, nếu con bé sạch bách nợ thì được tự do chứ gì ?
Gương mặt Dobashi chợt đanh trở lại đúng như mặt viên thanh tra hình sự :
- Này Hana, chú muốn nói gì ?
- Em định hỏi có ngày cô ấy cũng phải hoàn lương, có chồng có con như ai chứ !
Mấy lần Dobashi muốn trả lời tình thật nhưng cứ bị ngúc ngắc khó nói, rốt cục, như không tự kìm hãm được, hắn phá lên cười ngặt nghẽo, cay độc :
- Nợ nần còn mớ bên nầy với mớ bên kia nữa chớ chú. Đường giây Bắc Kinh lôi thôi lắm. Không biết từ lúc nào họ tính toán như vậy nữa.
Dobashi ấn vai Lin Min, kéo cô rời Hanada.
- Còn chống nổi hai chưn thì cô này còn phải đi làm. Tôi nói chú nghe ! Cả chú với tôi cũng vậy thôi. May có cái đất này mới kiếm được miếng cơm mấy năm nay. Nói chuyện mai sau chi cho nó tức cười.
*
Mãi đến xế trưa hôm sau, Lin Min, mặt mũi hốc hác, mới tra cái chìa khoá đúp vào ổ khóa để mở cửa căn phòng của hai người. Em mới về ! Cô gái nói, nửa muốn nhìn mặt Hanada nửa không dám, rồi vào dưới vòi sen tắm một đỗi lâu.
- Có gì vậy? Trong người mệt hử ?
Hé cửa phòng tắm nhìn vào hỏi thăm, nhưng Hanada thấy Lin Min đang để mặc cho vòi sen tưới ướt lưng, úp mặt vào lòng bàn tay mà khóc.
- Hana-san. Em xin lỗi. Xin lỗi anh nghen.
Không biết học ở đâu, Lin Min quì dưới đất, dập đầu xuống sàn phòng tắm, xin lỗi lấy xin lỗi để hệt như cung cách Nhật Bản.
Tối hôm qua, lòng Hanada đầy thống hận. Tuy nhiên, y nghĩ trong cùng giây phút đó, Lin Min phải đau khổ biết bao khi nằm trong vòng tay những người đàn ông lạ.
- Thôi, xin lỗi làm chi em, số tụi mình nó vậy. Không sao, anh không nghĩ xấu cho em đâu.
- Em, vợ. Vợ Hana-san.
-Biết rồi. Thôi, không khóc nữa. Không được khóc !
Đêm ấy, Lin Min lại dịu dàng đáp lại sự âu yếm của Hanada.
*
Sự việc xảy ra cách đó ít lâu, vào đúng một chiều mưa lạnh. Mưa dai dẳng như thế đã mấy hôm rồi.
Hanada đang lảng vảng kiếm mối trên con đường Ủy Ban Hành Chánh Quận thì bỗng nghe tiếng còi xe cấp cứu hụ chói tai chạy băng qua. Lọt được vào đám đông người hiếu kỳ, hắn vừa kịp thấy xe cấp cứu ngừng trước tiệm Cao Hùng.
- Lại có vụ ăn kẹo đồng nữa rồi. Trời đất quỉ thần!
Người ta khiêng một chiếc băng ca len lỏi giữa đám đông hoảng hốt. Theo sau là nhân viên xe cấp cứu đang hộ tống cho "má" Đài Loan, hai cánh tay băng bó, vừa chạy vừa bù lu bù loa như người loạn trí.
Bọn dắt mối đứa nào đứa nấy mặt mày xanh lét, nhìn về hướng Hanada. Trên xe cấp cứu, một nhân viên cứu thương đang cúi xuống, tất bật làm động tác xoa bóp tim cho người bị nạn.
-Ô kìa, Hanada !
Một nhân viên hình sự quen biết với y, kéo mép nón lên, tiến lại gần. Bọn kiếm mối ngại tai bay vạ gió, lảng đi mất.
- Bộ mày hồi nãy có trong quán à?
- Không, em mới tới tức thì.
-Thế à, may cho mày. Con mụ Cao Hùng bị đạn lạc đó.
- Ai vậy, tụi nào nhắm ai vậy, hở thầy ?
Lúc đó, xe cứu thương rú còi rồi chạy như biến.
- Dobashi chớ ai. Thiệt không khá. Bắn cái đùng trúng chỗ này, chả đang ngồi trên quầy nguyên con.
Nhân viên hình sự vừa giương dù cho Dobashi núp mưa, vừa lấy tay xoa xoa chỗ gân cổ hắn.
- Vô đây, tao hỏi cái nầy coi !
Không đợi ừ hử, anh ta ẩy Hanada vào trong xe đi tuần.
- Mày biết gì về Dobashi nói hết cho tao nghe ! Cha nội có dính vô chuyện làm ăn của nó không ?
- Chuyện làm ăn nào, em sao biết. Em quen chớ đâu có thân !
-Con mẹ mày ! Người hình sự lừ y. Bộ mầy chắc ăn là tụi tao chỉ thảy vô bóp một hai đêm rồi cho về tiếp tục ăn no ngủ kỹ sao chớ. Nè, Hanada, ngoài cái tội cản trở lưu thông công lộ, bọn tao còn thiếu gì luật để "úm " tụi bay.
- Nói thật mà, em có hay biết gì đâu.
- Hả, chắc không ? Mầy chuyên môn trấn lột ở khu này mà. Một ngày thịt được ít nhất ba bốn mống chớ gì. Tao chỉ cần kêu tụi nạn nhân của mầy tới điều tra là có chục đứa đâm đơn kiện liền.
Luật bất thành văn của khu Kabuki-cho là người đi lừa cũng như kẻ bị lừa đều mắc kẹt như nhau. Cảnh sát không thèm ra sức đánh dẹp mấy cái ba trấn lột, họ chỉ thủ mấy lá đơn khiếu nại của nạn nhân để làm áp lực khi cần người điềm chỉ .
- Mầy không làm hôn thú giả là gì ?
Viên hình sự ném một câu hăm dọa vào giữa mặt Hanada, đang ấp a ấp úng.
- Hôn thú giả gì thầy, nói tội nghiệp. Em chỉ....
- Chỉ chỉ cái gì ? Nè, Hanada, đừng giỡn mặt chính quyền ! Mày chớ quên rằng cảnh sát hay hành chánh quận đều là nhà nước hết, nghe chưa !
- Bề gì một bên cũng là dân sự, chứ thầy !
Viên hình sự khuỳnh cái cùi chỏ tay áo ướt nước mưa hích vào cằm Hanada.
- Mở miệng ra là dân sự, dân quyền...Bộ tụi bay là két hay sao ? Nói cho mà biết, xưa giờ giữa cảnh sát tụi tao với bọn yakuza không có lý luận khó khăn kiểu đó. Thằng Dobashi dịch vật không hiểu trời trăng cứ lộn xộn mới lãnh đủ. Hiểu chưa, vi phạm luật chơi là toi mạng !
- Luật chơi nào ?
- Chớ sao ! Ở xóm này, không theo đúng luật pháp chăng nữa cũng ít khi ăn cơm tù nhưng hễ phạm luật chơi là đi đong liền. Rước họa vào thân tại nhiêu đó.
Hanada câm như hến. Viên hình sự rút còng sắt ra, gõ lên đầu gối y.
- Về bót đi. Hanada, tao nói thiệt chớ không hăm đâu. Tội danh lừa đảo chắc chắn lãnh án từ hai tới ba năm. Dân ma cô ma cạo thứ mày là rác rưởi của khu Kabuki-cho này mà.
Như muốn chấm câu cho lời đe dọa, những giọt mưa mùa đông rơi lộp độp trên nóc xe tuần cảnh làm cho toàn thân Hanada phát rét.
Y đành khai hết tự sự.
Lúc thốt ra cái tên Lin Min, tim Hanada bỗng thắt lại. Chắc không vì chuyện này mà cô bé bị liên lụy đâu nhỉ. Nhưng hắn không hiểu tội tình gì mà viên hình sự chép cả tên cô vào cuốn sổ tay.
- Chớ vợ em có bị gì không, thầy ?
- Vợ nào ? Mầy nói ai?
- Thì vợ em chớ ai. Tuy không biết nhau nhiều nhưng cũng là vợ em.
Viên hình sự cười ha hả. Người cảnh sát ngồi bên tay lái cũng quay lại cười góp.
- Thôi, chuyện đó cũng chẳng có gì đáng cười. Yên trí đi, tụi tao không làm được gì bọn bay đâu.
- Không phải chuyện đó, em muốn hỏi từ nay cổ sẽ ra sao thôi ?
Viên hình sự mắt nhìn ra màn mưa dày ngoài đường phố, trả lời :
- Ừ, hớ ! Dobashi đã ra nông nỗi này thì hết hòng làm ăn được ở vùng này rồi. Bọn chung quanh nó không để cho yên đâu. Chuyện đó, tụi Showa-kai nắm hết. Nếu còn thương tình đôi chút thì tụi nó còn để làm ăn nội đêm nay thôi.
Bước xuống khỏi xe tuần cảnh, Hanada cảm thấy bợn dạ và ói ra trên mặt lộ giữa trời mưa. Viên hình sự giương dù che cho cái lưng đang rét run của y, tay chìa vuông mùi-soa.
- Đừng tưởng làm như mầy là cứu giúp được con nhỏ. Đó là cái chắc.
- Thầy nói vậy là ý gì ?
- Thiệt mày khùng hết cỡ. Viên hình sự vừa đảo mắt xem có kẻ hiếu kỳ nào chung quanh không, thì thầm với hắn:
- Tới cơ sự này thì Sở Cư Trú chẳng làm được gì, đuổi về nước cũng không. Có nghĩa là con đó sẽ bị lôi cổ đi khắp địa phận của bọn Showa-kai và bị để xài xể đến hộc cơm luôn. Có thương thì cùng lắm là đợi nó chết rồi tới lãnh xác về. Khôn hồn đừng héo lánh xóm này nữa, tụi yakuza biết thừa là mầy cặp kè với con nhỏ rồi.
Viên hình sự đỡ Hanada đứng dậy rồi vỗ lưng hắn:
- Còn chuyện này hơi thừa nhưng cũng nói cho mà nghe....
Hình sự bỏ nhỏ vào tai y:
-Xe buýt của tụi Showa-Kai cứ mười giờ mỗi tối là đi ruồng. Buýt định kỳ từ Công Viên Trung Ương thẳng đường tới địa ngục đó, nghe con !
*
Căn phòng có ánh đèn.
Trên bếp ga, y như Hanada chỉ dẫn dặn dò, bát canh bột đậu nành miso còn tỏa hơi nóng, nồi cơm điện có tiếng cơm sôi.
- Lei Mei ơi ?
Không thấy cái xắc tay của Lin Min, Hanada kêu tên vợ để kiểm cho chắc.
Chợt tập giấy nháp dùng để bút đàm giửa hai người đập vào mắt y. Mấy hàng chữ Hán viết tháu không biết muốn nói gì. Chỉ thấy ở phía cuối có đề " Tái Kiến " với " Linh Minh " mà thôi.
Hanada đứng khựng, thở dài. Khung trò chơi lắp hình đã sắp xong đâu vào đấy, được đặt ở trên giường. Trên cái đệm ngồi, còn in rõ hình chiếc mông, chứng tỏ cô bé đã dành chút thì giờ còn lại để lắp ráp cho xong.
Từ căn phòng, Hanada vọt ra đường. Y nghẹn ngào không biết bây giờ mình phải làm gì.
Y chộp cái tắc xi đang trờ tới. Không biết từ lúc nào mưa nặng hạt thêm.
Vừa cho người lái xe biết mình muốn đi đâu thì anh ta đã tỏ ra ngờ vực :
- Ông khách nói Công Viên Trung Ương hả. Nó rộng lắm. Khúc nào ?
- Chú cứ chạy cho tui một vòng. Chờ người ta mà !
Tài xế tránh lối đổ vào Shinjuku thường bị kẹt xe, chạy vòng đường tắt sau khu Kashiwagi. Trên mấy ngôi nhà chọc trời mới xây ở khu Shintoshin, ánh đèn đỏ chớp tắt như thể đang đánh dấu thời gian trôi qua.
Chợt Hanada tự đặt câu hỏi trong đầu về cái tương lai u ám của mình. Mai, mốt, ngày tháng rồi sẽ kế tiếp trôi qua mà chắc mình sẽ cứ đứng ngu ngơ, chôn chân một chổ. Cái giòng thời gian rất vô tình, rất bất công ấy, có chờ đợi ai đâu. Bây giờ cũng như biết bao lần, tấm thân y như thể trơ trơ giữa giòng nước xiết vì chẳng biết tiến thoái ra sao. Ôi, cái cảnh phòng đợi ở phi trường Chitose ngày tất tả bỏ quê hương lại đằng sau ! Rồi lúc bước chân đến khu phố Kabuki-cho này, đứng bên bờ cái bồn phun nước của quãng trường kia. Con nhỏ tình nhân, thấy như làm tròn nhiệm vụ, đã đá mình cái rụp, tếch đi mất dạng ngoài ga Ueno. Đứa con trai coi mình chẳng ra cái giống gì trong đám đông xô bồ giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ.
Thêm một tấm thân khác đang đứng tựa trời trồng ở cái chốn này đây.
Chiếc tắc-xi giảm tốc độ, đánh một vòng ngoài thành Công Viên Trung Ương. Trước đền thần đạo trên con phố Junisô, một chiếc xe buýt cỡ nhỏ đã chực sẳn. Tắc-xi lướt chậm qua thì bọn trai trẻ như dân canh chừng cũng đảo mắt nhìn theo.
- Chú ngừng đây, cho tôi xuống.
Bước xuống tắc xi, Hanada tiến lại gần một gã trẻ tuổi quen mặt .
- Ê, cha kia, sao léng phéng ở đây, hả !
Thằng trẻ tuổi xem chừng còn để ý đến cái bóng tối bao chung quanh Hanada hơn là con người y.
- Trong xe có con nhỏ nào tên Lei Mei không ? Tôi muốn gặp cô ta.
-Bộ mơ ngủ hay sao, tía. Ai mà nhớ tên từng đứa một.
Hanada chẳng nói chẳng rằng tiến lại chiếc xe thì thằng kia đã túm lấy cổ áo hắn. Cùng lúc, từ trong bóng tối mấy thằng trẻ khác cũng túa ra.
- Gì mậy, phải mầy dân bắt mối không? Sao dẫn xác tới đây chi ? Ê, muốn cái gì hả ?
Bị đá thốc vào bụng, Hanada ngã nằm giữa vũng nước. Chiếc xe buýt con rồ máy chạy.
- Hana-san, Hana-san !
Lin Min thò đầu ra ngoài khi xe chuyển bánh và gọi thất thanh. Hanada hất tay bọn trẻ, nhảy qua rào sắt và đuổi theo chiếc buýt.
- Anh Hana. Tsai Chien. Xin lỗi nghen. Tsai Chien(9)!
- Ơi, Tsai Chien nhé. Nhớ viết thư. Hiểu không ? Viết thư nghe!
Lin Min thò đầu ra ngoài cửa xe, buồn bã lắc đầu. Có lẽ vì cô ta không biết địa chỉ hoặc không muốn viết thư cũng nên. Không đâu, cô ấy có muốn viết chăng nữa cũng đâu sành tiếng Nhật. Hanada cứ tạm cho rằng cái cử chỉ lắc đầu kia hẳn có nghĩa như vậy.
Bất đồ, Lin Min vạch ngực áo khoác, giật đứt sợi giây chuyền trên cổ ra. Trong khi ấy, Hanada cố gắng đuổi theo chiếc buýt mỗi lúc mỗi tăng tốc độ.
- Hana-san, Hana-san !
-Được rồi, trả lại làm gì. Cái đó, tặng em mà.
-Hana-san, Hana-san !
-Được rồi, có chút đó thôi mà!
-Hana-san, Hana-san !
Không hiểu ý Hanada, Lin Min ném trả sợi dây chuyền về hướng y.
-Rán làm ăn, giữ gìn sức khoẻ nghe.Cố gắng lên!
Thấy dầu mình đang nói những câu chia tay thật tầm thường đang vụt đến trong đầu nhưng trong hoàn cảnh này thì tựa hồ như đang rủa cô ta "Chết phứt đi ! ", Hanada mới dừng chân.
-Hana-san, Hana-san !
Lúc tiếng kêu không đủ sức vọng đến nơi nữa, Lin Min chắp hai tay lại trước bộ ngực trắng ngần.
- Đừng làm thế, Lei Mei ơi !
Hanada vừa lẩm bẩm một mình, vừa nhặt sợi dây chuyền rơi trên mặt đất. Cơn mưa lạnh đã biến thành mưa tuyết.
Lin Min quăng trả sợi dây chuyền biết đâu chẳng có dụng ý xa xôi. Có khi cô nghĩ anh đàn ông đang đuổi theo mình để đòi lại món nữ trang cũng không chừng ?
Trong màn mưa tuyết bốn bề, một mình Hanada lầm lũi.
*
Leo lên cái đình trú chân của công viên, Hanada châm một điếu thuốc.
-Ông hai ơi, còn thuốc lá cho tụi tui xin!
Một bọn vô gia cư không biết kéo đến khu này tự bao giờ, đang xúm xít vây quanh cái lò sưởi tạm. Vừa móc nguyên bao thuốc lá đưa ra, bọn họ liền chuyền cho ít rượu trong cái cốc giấy.
-Ngon thì không ngon nhưng ấm bụng, ông hai ơi. Mà cũng chả dở đâu nhá. Có tới đây lai rai với tụi tui không?
Hanada ngẩng đầu về phía mấy ngôi nhà chọc trời cao nghệu. Dưới chân, từ chỗ này mà nhìn, Hanada thấy những dinh thự ấy chẳng giúp người ta hiểu được gì về cảnh đời đô hội ban đêm. Chúng chỉ giống những tấm mộ bia khổng lồ nhưng vô nghĩa.
Tiếng Lin Min gọi mãi tên mình vẫn còn vang bên tai Hanada. Cúi miệng xuống cái cốc, mùi hăng hắc của một thứ rượu không rõ gốc gác làm Hanada hơi khựng lại.
-Dở khẹt phải không. Kẹt quá cũng uống đại đi. Uống thét rồi quen mà.
Chung quanh cái đình trú chân, những bông tuyết dày rơi xuống nãy giờ đã tụ thành đống. Ngước nhìn chăm chăm về hướng dãy nhà chọc trời, Hanada có cảm tưởng mình và bọn không cửa không nhà đang đáp một chiếc thuyền tạc bằng đá và bơi dần lên thinh không.
Chuông điện thoại trong túi áo bỗng reo lên.
-A-lố, a-lô. Hanada đây !
-Vâng, a-lô, đây cũng là Hanada ạ !
Tiếng đứa con gái tươi sáng, vượt màn đêm đen xa xôi tìm đến với y. Nghe câu chào đầy vẻ nghịch ngợm của con, Hanada bỗng ú ớ không biết trả lời làm sao.
-Uả, có gì thế bố. Sao bố êm ru vậy?
-Maa-chan, chính con mới im đó chứ ! Sao thế ?
-Này nhé bố....Tiếng đứa con gái trở thành ủ dột.
-Anh hai nhất định không cho con đi đâu cả. Ảnh nói chắc bố cũng không muốn con lên.
Giữ im lặng thì không xong nhưng biết nói thế nào trả lời nó đây.
-Nói gì đi chứ bố. Con...con...phải đổi họ đó nghe bố. Lão đó cứ chạy theo bắt con phải đổi họ theo lão, không thì không được.
-Con không lấy họ mẹ được sao?
Hanada chợt nhận ra khẩu điệu của mình sao mà quá lạnh lùng.
-Con không chịu thế đâu. Con muốn con lúc nào cũng mang tên Hanada Masae thôi. Nhưng lão cứ nói mang họ Hanada mà chẳng bao giờ thấy Hanada, người gì như cô hồn vất vưởng đâu đâu. Lão nói khó nghe quá bố nhỉ ? Con chịu hết nổi!
Tiếng đứa con gái nhỏ lại, nghèn nghẹn ở cuối câu.
-Maa-chan, bố không cho phép con ăn nói ngang ngược. Con cứ làm đúng lời ông ấy cho bố nhờ.
-Con, con bỏ nhà con đi cho mà xem. Con lên ở với bố đó, bố lãnh trách nhiệm đó nghe.
Con gái cứng đầu thế này, chẳng hiểu giống ai. Đang không biết tính thế nào, bỗng dưng cái câu mà y bao lần rắp tâm nói vọt bắn ra khỏi cửa miệng:
- Không được nhé Maa-chan! Lúc này bố không đủ sức " cáng " con đâu. Anh con nghĩ về bố thế nào là đúng thế ấy, con ạ.
-Tại sao hở bố. Con ghét bố quá. Làm gì có chuyện như thế !
Đứa con gái khóc. Nó khóc vì van vỉ mà cũng chẳng ăn nhằm. Phía sau tiếng khóc, văng vẳng như có ai đang nói gì. Tiếng người tựa hồ từ máy truyền hình vọng ra, hay là, giữa một trận cãi cọ trong nhà, con gái y trơ vơ thất thế phải chạy ra ôm điện thoại lần cuối để cầu cứu cha. Như một sợi dây mong manh giữ cái cầu treo với bờ đất, tiếng khóc tỉ ti của đứa con gái tưởng chừng sắp đứt đoạn.
Nắm chặt trong bàn tay sợi dây chuyền đã bị bứt đôi, Hanada thu hết can đảm :
-Bố nói thật con nghe, bây giờ bố hết là bố của con rồi, nếu con còn ăn nói kiểu đó, bố không gửi tiền về nữa đâu.
-Con không cần tiền, con thèm vào tiền của bố !
-Thôi, đừng điện thoại cho bố nữa nghe? Nhớ nhé, Maa-chan, bố không muốn bắt điện thoại mày nữa. Đừng làm phiền tao nữa!
Đứa con gái như á khẩu vì ngạc nhiên. Một lúc sau, điện thoại lặng lẽ cúp.
Chắc trên Sapporo, giờ này, trời cũng đang đổ tuyết.
Hanada ôm ngực tức tưởi.
-Nè, ông hai, tới đây " dzô " với tụi tui cái coi.
Bọn vô gia cư như chẳng đành lòng nhìn thảm cảnh của y , lên tiếng rủ rê.
Đưa cái cốc giấy lên môi, Hanada nghĩ thầm : cái thứ rượu này coi vậy mà uống cũng được đến.
Asada Jirô
(Dịch xong ngày 30/05/2003)
Chú Thích"Tỏ Tình Với Người Vợ Không Quen" có đặc điểm sử dụng nhiều tiếng lóng (zogugo) của giới bình dân Nhật Bản. Người dịch cũng cố gắng đi trong chiều hướng đó.
(1) Maa-chan, tiếng gọi tắt và thân mật của Masae cũng như Yotchan là tiếng gọi tắt của Yoshikazu.
(2) Yakuza, đoàn thể phạm tội sinh sống ngoài vòng pháp luật và kiếm ăn bằng cách dùng bạo lực uy hiếp người khác.
(3) Gửi Chai hay Keep Bottle, tập tục bắt nguồn từ việc các hãng mua rượu của quán với giá đắt và đặt chai tại chỗ để nhân viên có thể mời khách hàng đến uống mà không phải bỏ tiền túi ra.
(4) Showa-kai, tên một tổ chức băng đảng yakuza quản lý khu vực Kabuki-cho, xóm ăn chơi giữa trung tâm Tokyo, có lẽ mang tên đó vì thành lập dưới thời thiên hoàng Chiêu Hòa hay Showa (băng đảng thường cực hữu và bảo hoàng)..
(5) Lei Mei la cách đọc chữ Linh Minh theo âm Hán Nhật.
(6) Đối (Tsui trong nguyên văn), tiếng Trung Quốc có nghĩa là vâng, phải rồi.
(7) Kôhaku (Hồng Bạch Ca Hợp Chiến) : chương trình ca nhạc thi đua để định thắng bại giửa hai đội nam (bạch) và nữ (hồng) ca sĩ được tuyển lựa trình diễn vào mỗi đêm giao thừa từ 50 năm nay, rất được khán thính giả Nhật yêu chuộng.
(8) Hai câu đều có nghĩa Mừng Năm Mới. Câu tiếng Hoa là "Tân Niên Hảo".
(9) Tsai Chien (Tái Kiến) tiếng Hoa nghĩa là chào từ biệt.
*
[ Trở Về ]