Chim Việt Cành Nam            Trở Về   ]            [ Trang chủ ]               [ Tác giả ]
           ___________________________________________________________________________________
Cháo khoai
Nguyên tác : Imogayu (1916) 
Tác giả : Akutagawa Ryunosuke (1892-1927)
Người dịch : Nguyễn Nam Trân

Lời Người Dịch:

Nguyên tác Nhật ngữ của Cháo Khoai (Imogayu) mà người dịch sử dụng trích từ tuyển tập bỏ túi (bunkobon) Akutagawa Ryunosuke Sakuhinshu Kaihen (Tuyển Tập Akutagawa Ryunosuke Cải Biên) của nhà Kadogawa Bunko (Tokyo) ấn hành năm 1989.

Tác giả Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) đi ngang qua nền trời văn học Nhật Bản như một ánh sao băng nhưng vai trò trên văn đàn của ông đến nay vẫn chưa ai thay thế nổi. Giải thưởng văn chương mang tên ông từ năm mươi năm nay là một danh dự tối cao của người cầm bút Nhật Bản... Akutagawa được biết nhiều ở nước ngoài nhờ các tác phẩm điện ảnh mượn chủ đề từ văn ông (La Sinh Môn, Địa Ngục Môn. Người con gái đạo thành Nam Kinh...) dầu nhiều tác phẩm ông đã được dịch ra ngoại ngữ kể cả tiếng Việt. Cùng với La Sinh Môn, truyện Cháo Khoai (Imogayu) trên đây là cảm nghĩ thống thiết của ông về thân phận con người.

Akutagawa bi quan chăng khi muốn nói đến cái hụt hẫng của con người lúc sắp đạt được lý tưởng mà lý tưởng chỉ có giá trị khi người ta không đạt đến. Ông lạc quan chăng khi muốn bảo rằng mọi cuộc đời dù hèn mọn đến đâu cũng đều đáng sống, lý tưởng dù nhỏ nhoi thế nào cũng phải ấp ủ. Tuy nhiên, tất cả những đề tài tranh luận đó đã trở thành câu hỏi không lời giải đáp vì trong đêm rạng ngày 24 tháng 7 năm Showa thứ 2 (1927) Akutagawa đã uống hai liều thuốc ngủ trí mạng để tự sát, lúc mới 35 tuổi. Chỉ mong sao ông sẽ giống như triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860), người mà ông "phao tin" trong tác phẩm Kapppa (Hà-đồng) là sau khi tự sát đã thác sinh vào thế giới của loài thủy quái Kappa và vì chán sống ở đấy, đã tự sát thêm lần nữa để trở lại... thế giới loài người.

Chuyện sau đây xảy ra vào cuối năm Gan-gyo (1) hoặc đầu năm Ninna (1) thì phải. Mà thôi, thời đại hay niên hiệu thật chẳng ăn nhập gì với những gì sẽ được kể đâu. Độc giả chỉ biết giùm cho bối cảnh của câu chuyện này là triều đại Hei-an (1) xa lắc xa lơ là đủ. Thuở ấy, trong đám thị tùng ở dinh quan nhiếp chính Fujiwara Mototsune có một anh ngũ-vị (2), hàng chức sắc hạng bét, tên Mỗ.

Đúng ra không có quyền viết Mỗ không khống mà phải nói chức ngũ-vị ấy là ai cho đủ danh đủ tánh, nhưng khổ nỗi, sách cổ (3) chỉ để lại chừng đó chi tiết... Hoặc giả một gã đàn ông quá tầm thường như Mỗ không đáng cho người ta phải nhớ tới tên. Văn nhân đời xưa vốn chẳng thiết tha gì với đám phàm phu tục tử và mấy chuyện vặt vãnh xoay quanh bọn chúng. Ở điểm này, họ khác hẳn những nhà văn thuộc trường phái tả chân Nhật Bản ngày nay. Các cụ ta xưa đâu phải là dân rảnh rỗi...... Nói tóm lại, trong đám người tùng sự ở cửa quan nhiếp chính Fujiwara Mototsune, có anh ngũ vị họ Mỗ, chức sắc hạng thấp nhất, nhân vật chính của câu chuyện.

Thần thái Mỗ ta chẳng có gì khởi sắc. Người đã lùn tịt còn thêm cánh mũi đỏ và hai đuôi mắt xệ. Râu mép dĩ nhiên lưa thưa ba sợi, cặp má lại hóp khiến cho cái cằm choắt đi một cách khác thường. Cặp môi thì......thôi, kể từng thứ một thì biết bao giờ cho hết! Đó là tất cả cái vô cùng bê bối trong tướng mạo của ông bạn họ Mỗ chúng ta.

Mỗ ở đâu chui ra và đến hầu hạ ở phủ Mototsune từ đời kiếp nào, chẳng ai rõ. Điều chắc chắn là không biết từ bao giờ, Mỗ vẫn mặc manh áo khoác bằng vải bô đã bạc màu, đội cái mũ đen nhàu nát, mỗi ngày lập đi lập lại phận sự của mình không biết chán. Đến nỗi những người nhìn thấy Mỗ bây giờ, không ai tưởng tượng được hắn cũng có một thời trai trẻ như ai. (Ngũ-vị thật ra phải trên bốn mươi). Chẳng thế, thiên hạ còn có cảm tưởng cái mũi đỏ vì dạn dày sương gió và ba tí râu cằm để cho ra vẻ kia từ thuở cha sinh mẹ đẻ đã biết nếm mùi những cơn gió luồng thổi tạt qua đại lộ Suzaku (4) rồi. Trên từ ông chủ tức quan nhiếp chính Mototsune đến bọn chăn bò phía dưới, ai cũng yên chí về điều đó nên không hề thắc mắc.

Một gã đàn ông tướng mạo như thế bị người chung quanh đối xử như thế nào, không cần viết ra mọi người cũng hiểu. Bọn kẻ ăn người ở trong phủ coi anh chàng còn tệ hơn ruồi nhặng. Hữu vị hay vô vị (5), tất cả đám tiểu lại gần hai mươi người, chẳng ai đếm xỉa đến khi hắn đi ra đi vào. Ngay khi hắn thưa gửi điều chi, bọn chúng cũng không thèm bỏ giở câu chuyện gẫu đang tán với nhau. Đối với chúng, ngũ-vị cũng thể như không khí, có đó mà không có đó, chẳng bận mắt ai. Bọn kẻ ăn người làm còn đối xử như thế thì nói chi hàng quan chức trong phủ. Việc họ chẳng coi hắn vào đâu cũng là lẽ thường tình. Đối với ngũ-vị, bọn họ dấu đằng sau bản mặt lãnh đạm một chút ác ý rất trẻ con, có bảo ban gì chỉ cần phất tay ra dấu. Nhưng ở đời, ngôn ngữ không phải đặt ra để làm cảnh nên không hẳn lúc nào bọn họ đều phất tay đâu. Nói chung, tất cả dường như nghĩ rằng đầu óc của ngũ-vị lú lẫn nên khi không có việc gì sai bảo, họ thường quét một cái nhìn dò xét trên xuống dưới, dưới lên trên, từ chỏm mũ màu quạ nhàu nát đến gót đôi giép rơm lệch lạc của anh chàng, cười mũi một cái rồi ngoáy đít quay đi. Trước cảnh tượng như vậy, ngũ-vị vẫn không hề tỏ ra tức giận. Gặp bất công mà chẳng cảm thấy bất công để có phản ứng, mới biết anh ta khiếp nhược đến chừng nào.

Bọn đồng sự với ngũ-vị càng ngày càng lấn lướt trêu chọc. Lớp có tuổi một chút thường đem cái dáng dấp lôi thôi lếch thếch của hắn để khơi mào kho truyện tiếu lâm, người trẻ hơn thì lợi dụng những lúc đó để trau dồi tài giểu cợt. Trước mắt ngũ-vị, bọn chúng đàm tiếu không biết chán về cái mũi đỏ cà chua, hàm râu lún phún, vai áo vải bô và chiếc mũ quạ của anh chàng. Đôi lúc chúng còn đem cô vợ lẹm cằm mà ngũ-vị đã thôi nhau từ năm sáu năm trước cũng như tình tiết lem nhem của ả ta với ông sư nát rượu ra mà kháo. Đó là chưa tính đến những lối đùa nghịch trời đánh khác, không đếm hết. Chỉ cần viết ra chuyện bọn chúng lấy ống trúc đựng rượu của ngũ-vị (6), uống cho kỳ hết rồi đái vào đó thì mọi người có thể từ đó tưởng tượng ra bao nhiêu trò khác.

Ngũ-vị lại không mảy may xúc động trước những thí dụ mới đưa ra. Bảo "hình như" không xúc động thì có lẽ khách quan hơn. Ai nói mặc sức nói, sắc mặt của anh ta không thay đổi, chỉ lặng im, mân mê mấy sợi râu cằm rồi làm nốt việc đang bận tay. Ngoại trừ lúc bọn chúng chơi lố như kết tua giấy trên chỏm tóc hay cột giép rơm vào vỏ kiếm thì hắn mới mêu mếu một chút, dở cười dở khóc lên tiếng "không được nghe bay!". Nhìn khuôn mặt và nghe giọng nói đó, bọn mất dạy cũng có lúc chạnh lòng. (Người bị bọn chúng trêu chọc không chỉ có một mình ngũ-vị với cái mũi đỏ của y. Nhiều người bị chọc ghẹo đã mượn vẻ mặt và giọng nói của ngũ-vị để trách móc sự vô tình của chúng ) . Vì vậy, trong thoáng nào đó, cũng có tí thương cảm mơ hồ thấm nhẹ vào lòng của chúng. Nhưng kẻ giữ được lâu dài chút tình cảm đó không có mấy ai. Trong đám hiếm hoi còn chút lòng tốt, có một anh vô-vị, nghĩa là không chức tước gì. Anh ta người xứ Tanba, hãy còn trẻ, trên mép miệng mới nhú chút râu mềm như lông măng. Dĩ nhiên anh chàng này buổi đầu còn bắt chước mọi người, chẳng mắc mớ gì cũng đem cái mũi đỏ của ngũ-vị ra chế nhạo. Đến một hôm, có dịp nghe "Không được nghe bay!" thì câu trách cứ kia không lúc nào rời khỏi tâm trí anh ta nữa. Từ ấy, trong ánh mắt của anh, ngũ-vị là một con người khác. Bởi vì khuôn mặt hom hem, xanh xao và khờ khạo của ngũ-vị đã toát ra tất cả uất ức của một "con người" bị đồng loại áp bức. Mỗi lần nghĩ về ngũ-vị là anh chàng vô (địa) vị này chợt thấy hiện ra trước mắt mọi thấp hèn của giống người. Cái mũi đỏ vì sương ăn và hàm râu thưa thớt kia tự dưng đã đem lại cho anh một chút dịu ngọt trong lòng.

Tình người tốt đẹp chỉ còn sót lại ở mỗi anh bạn ấy. Trừ lúc hưởng chút ngoại lệ trên, ngũ-vị vẫn tiếp tục sống cái kiếp chó ghẻ. Ngũ-vị ta không có cả lấy một tấm áo nên hồn. Thật tình hắn vốn có cái áo khoác bằng vải bô và cái quần cùng một màu xanh thẫm nhưng đến nay thì màu thẫm kia đã bạc thếch thành một thứ màu không biết gọi là xanh hay lam nữa. Cầu vai đã trệ xuống, chỗ cài khuy với đường viền hoa cúc biến thành một thứ màu dị hợm, còn gấu quần thì bên thấp bên cao. Bên trong quần lòi ra cặp chân khẳng khiu chẳng có nổi mảnh hakama (7) che đằng trước. Không đợi đến lời bàn ác nghiệt của bọn đồng liêu, ai mà chẳng tội nghiệp khi thấy cái tướng ngũ-vị bước đi hệt như con bò đói đang kéo xe cho một ông chủ đói. Đó là chưa kể thanh đao to bản hắn đeo hình thù cũng lơ mơ, thếp vàng trên cán đã phai mà nước sơn đen vỏ bọc cũng bong ra. Ngũ-vị vác cái mũi đỏ kia, lệch xệch đôi dép cũ, cong cái lưng vốn còng sẵn, co rút đi dưới bầu trời lập đông. Bước thấp bước cao, mắt hắn nhìn phải nhìn trái như đang tìm kiếm vật gì khiến bọn bán hàng rong bên đường cũng tìm cách trêu chọc. Cả những cơ sự như sau lại còn xảy ra nữa chứ!...

Hôm ấy, lúc ngũ-vị đi từ cửa Sanjobo về phía vườn Shinsen (8) thì bọn trẻ con năm sáu đứa đã tụ tập ven đường, không biết bày trò gì. Tưởng chúng lôi kéo con ngựa con nào chạy vòng vo chơi thì nhìn từ đằng sau mới biết chúng đang thắt thòng lọng trên cổ một chú khuyển lạc chủ, hùa nhau đánh con vật. Ngũ-vị vốn hèn nhát, cho đến nay có đồng tình với ai cũng suy trước tính sau, chưa bao giờ dám tỏ bằng hành động. Tuy nhiên kỳ này, đối thủ là bọn trẻ con nên anh ta bỗng dạn dĩ ra. Ngũ-vị sửa soạn một nụ cười cầu tài, bước đến vỗ vỗ vào vai thằng có lẽ là đầu đảng. "Thôi tha cho nó đi. Chó cũng biết đau chứ, mấy em!." Nghe thế, thằng bé kia quay quắt lại, nhướng mắt trừng trừng nhìn hắn khinh miệt, cái ánh mắt mà ngũ-vị đã từng biết mùi khi cấp trên ném vào bản mặt của hắn lúc không được việc cho họ. "Đừng xía vô chuyện chúng ông!", thằng bé vừa đặt một chân chấm đất, vừa bĩu môi; "Mắc mớ gì mày hở, thằng mũi đỏ!". Ngũ-vị cảm thấy như ăn tát. Thế mà hắn ta vẫn không dám coi đó là hỗn xược, trong lòng cũng không hề loé lên một tia lửa giận. Hắn tự trách tại sao can thiệp làm chi vào chuyện chẳng dính dáng gì tới mình và chỉ mắc cỡ cho bản thân thôi. Hắn lúng ta lúng túng giấu nụ cười gượng gạo, lẳng lặng rảo bước về hướng vườn Shinsen. Sau lưng, bọn trẻ con quàng vai nhau, phùng mang trợn mắt, thè lưỡi làm hề. Dĩ nhiên, hắn không biết chuyện đó, mà có biết thì cái anh ngũ-vị chết khiếp này đã làm được gì nào?...

Nếu bảo nhân vật chính của câu chuyện này ra đời để cho người ta khinh rẻ chà đạp và không có một ước mơ gì thì không đúng đâu. Từ năm sáu năm nay, ngũ-vị hết sức thèm món ăn gọi là cháo khoai. Cháo khoai là cháo trộn với khoai rừng chặt thành miếng và ninh nhừ trong nước cốt của một loài sắn ngọt. Thời ấy, món ăn này được coi như ngon nhất trần đời, cỗ bàn của những bậc giàu sang không thể thiếu nó. Do đó, chỉ vào dịp thết khách ngày mùng hai Tết trong phủ, mỗi năm chàng Mỗ ngũ-vị của chúng ta mới được nếm một lần. Nói là ăn chứ thực tình hắn chỉ húp được một ngụm nhỏ để tráng sơ cổ họng. Ước mơ duy nhất của hắn thuở giờ là làm sao ăn được một bữa cháo khoai thứa bứa. Dĩ nhiên hắn chưa hề thổ lộ ước mơ này cho bất cứ ai. Tuy bản thân không hề ý thức một cách hẳn hoi rằng ăn một bữa cháo khoai cho đã thèm là giấc mộng bình sinh của hắn nhưng có ai bảo hắn sinh ra chỉ để ngồi đợi một nồi cháo khoai thì chắc không oan tí nào...... Con người ta có lúc hiến mất cuộc đời của mình cho một ước mơ, lúc đạt được lúc không, mà nội dung của ước mơ đó chính mình không nắm trọn. Ai mà cười cái điều ngu này là kẻ kết cuộc chỉ đứng bên lề cuộc đời.

Dầu sao đi nữa, cái mộng tưởng "cháo khoai ăn đã đời" đó đã được thực hiện một cách hết sức đơn giản và mục đích của truyện Cháo Khoai nhằm thuật lại đầu đuôi sự việc xảy ra.

***
Một năm vào mồng hai tháng giêng, nhằm lúc tiệc Rinji No Kyaku được thết ở phủ đệ của Mototsune (tiệc này trùng ngày với tiệc tân niên trong hoàng cung, là dịp quan Nhiếp Chính Tể Tướng thết đãi các quan dưới cấp bậc đại thần nhưng nó cũng là một đại yến). Ngũ-vị cùng với bọn thị tùng đồng sự có dịp nếm các cỗ bàn thừa. Thời đó chưa có lệ chia cỗ thừa cho người ngoài, bọn vũ sĩ nhà nào nhà nấy họp nhau trên sảnh hưởng lộc mà thôi. Nói là đại yến nhưng vào thời xưa, đồ ăn tuy nhiều mà món ăn chẳng có bao nhiêu, quanh quẩn bánh dày tươi, bánh dầy rán, bào ngư hấp, khô chim, cá mùa đông ở Uji, cá chép vùng Omi, cá mè sống xắt lát, bọc trứng cá hồi, bạch tuộc nướng, tôm to, cam, quít, quất, hồng khô... Chỉ có điều trong số đó có chút cháo khoai đã nói. Mỗi năm, ngũ-vị lại có dịp thưởng thức món ăn khoái khẩu của hắn. Vì lúc nào nhân số cũng đông, có vài hớp cháo thật chẳng bõ dính mép. Năm nay đặc biệt lượng cháo lại ít, chắc thế nên hắn cảm thấy ngon hơn mọi lần. Sau khi húp xong phần mình, ngũ-vị đăm đăm nhìn đáy bát, vừa lấy tay lau mấy giọt cháo dính trên chòm râu, không biết nói một mình hay nói với ai: "Bao giờ ăn được bữa cháo cho đã đời hả ta!"

- Ông anh ngũ-vị chưa ăn bữa cháo nào sướng miệng hay sao?

Ngũ-vị ta chưa dứt lời đã có kẻ trêu cợt. Giọng ai lanh lảnh, tự tín, ra vẻ con nhà võ. Ngũ-vị ngẩng cái cổ rụt, lấm lét nhìn về hướng đó. Người đang nói chẳng ai khác hơn là Fujiwara Toshihito, con trai Tokinaga, đại thần coi về tài chánh. Toshihito là một trang nam tử lưng dài vai rộng, đang húp rượu sùm sụp và nhai mấy hạt dẻ nướng đưa cay. Coi bộ chàng ta đã ngà ngà.

- Tội nghiệp quan bác quá nhỉ!

Toshihito thấy ngũ-vị ngẩng đầu, bèn thốt ra một câu hỏi nửa thương hại nửa khinh miệt. Anh ta tiếp lời:

- Nếu muốn, Toshihito này sẽ giúp quan bác xơi bữa cháo đến ngấy mới thôi.

Con chó suốt đời bị bắt nạt thì có ai cho miếng thịt cũng chẳng dễ gì đến chụp ngay. Ngũ-vị lại phô ra cái gương mặt dở khóc dở cười cố hữu, hết nhìn Toshihito lại nhìn cái bát không như thể so sánh.

- Sao, chịu không?

.............................

- Hử, nói đi chứ?

.............................

Ngũ-vị cảm thấy tia mắt đám thực khách đang đổ dồn lên mình hắn. Trả lời một câu sẽ bị chế nhạo một câu. Hắn biết nói cách nào chúng cũng giễu cợt cho được nên hơi chần chừ. Toshihito mới lập lại câu hỏi như có ý che chở:

- Muốn sao thì cứ nói đi chứ!

Nếu không nghe thế chắc ngũ-vị mãi mãi tiếp tục hết nhìn anh chàng rồi lại nhìn đáy bát. Lúc đó mới nghe ngũ-vị đáp:

- Thế còn gì bằng.

Câu trả lời suôn đuột của ngũ-vị một lúc đã làm cử tọa giật nẩy.

- Thế còn gì bằng.

Đã có kẻ nào nhại giọng ngũ-vị. Giữa đám mũ áo đang cúi xuống dãy bàn cỗ bàn chén bát la liệt thức ăn xanh đỏ đủ màu, bổng nổi lên trận cười và tiếng nói ồn ào như sóng vỡ bờ. Người cười lớn và có giọng to hơn cả chính là Toshihito.

- Được rồi, mai mốt tôi sẽ mời quan bác.

Vừa nói, hắn ta hơi nhăn mặt một tí. Đã nốc rượu nhiều lại muốn nhịn cười nên hắn cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ:

- Có được không?

- Thế còn gì bằng.

Ngũ-vị mặt đỏ lên, lắp bắp lại câu trả lời và mỗi lần như thế lại gây thêm một tràng cười vỡ chợ. Toshihito cũng không nhịn được, cười rung cả hai vai. Anh chàng thô lỗ người miền Bắc này chỉ biết có hai cách sống : một là uống rượu và hai là cười đùa.

May thay, thực khách rồi cũng bỏ quên hai người và đổi qua đề tài khác. Mặc dầu ngũ vị là cái đích cho mọi sự châm chọc, hình như cử tọa cảm thấy khó chịu khi họ phải dồn tất cả sự chú ý của mình vào cái anh mũi đỏ này. Lúc rượu và thức nhắm bắt đầu cạn, mọi người đang lắng nghe câu chuyện một anh vũ sĩ học việc ngu ngơ đút cả hai chân vào một bên bàn đạp bên hông để hòng trèo lên mình ngựa. Riêng có ngũ vị hầu như chẳng để tâm trí vào mấy chuyện đó vì hai chữ "cháo khoai" đã hớp hồn hắn rồi. Cho dù trước mắt có chim trĩ quay, hắn cũng không buồn đụng đũa, cho dù có bày cơm rượu ngọt (9), hắn cũng chẳng đưa lên miệng. Ngũ vị chỉ biết đặt hai tay lên đầu gối, sượng sùng đếm từng chân tóc đã dạn dày sương gió, bẽn lẽn như gái nhà lành đợi người coi mắt. Đăm đăm nhìn vào cái đáy bát sơn đen, hắn khờ khạo cười một mình.

*
Thế rồi năm sáu hôm sau, vào một buổi sáng, có hai ngươi đàn ông lặng lẽ sóng ngựa trên con đường dọc theo bờ sông Kamo về hướng Awataguchi. Một người mặc bộ quần áo đi săn màu xanh nhạt, bên sườn đeo thanh đại đao, râu tóc đen nhánh. Người kia là một vũ sĩ tuổi trạc bốn mươi, gã ta trùm lên người manh áo vải bô dúm dó. Từ giãi giây lưng thắt luộm tha luộm thuộm đến cánh mũi đỏ ướt rượt nước mũi, toàn thân anh ta toát ra một vẻ tội nghiệp. Hai người cưỡi hai con ngựa chừng ba tuổi, con đầu lông đỏ, con sau lông xám, là loại tuấn mã đủ làm cho bọn bán hàng rong và vũ sĩ đi đường phải ngoái đầu xem. Đằng sau họ, hai kẻ tùy tùng vác hòm xiểng đang rảo bước để đuổi theo kịp bước ngựa. Không nói ai cũng biết đó là bọn Toshihito và ngũ-vị.

Tuy là ngày đông nhưng thời tiết tạnh ráo, êm ả. Không có lấy một ngọn gió làm lay động mấy bụi cỏ bồng khô bên bờ sông nơi giòng nước lặng lẽ trôi giữa mấy phiến đá trắng. Vài cây liễu buông cành trụi lá xuống mặt nước được ánh nắng ngày ve vuốt, in bóng trên đường cái. Dưới mấy cành con, lũ chim chích quẩy đuôi đùa giỡn. Cao hơn vùng lục đậm của rặng Higashiyama, toàn bộ ngọn Hieinoyama hiện ra đầy đặn như hai cánh vai mượt bị sương ăn. Vỏ xa cừ cẩn trên yên lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hai người khách không thèm ra roi, chậm rãi cho ngựa nhắm hướng Awataguchi.

- Mạn phép hỏi tôn ông đưa tôi đi tận đâu?

- Gần đây thôi, không đến nỗi xa như quan bác nghĩ.

- Thế chắc chung quanh vùng Awataguchi thôi nhỉ ?

- Quan bác cứ tạm xem như thế là được.

Sáng nay khi rủ rê ngũ-vị, Toshihito chỉ nói sẽ dẫn hắn đi xem một ngọn suối nước nóng mới phun ở vùng Higashiyama thôi. Anh ngũ-vị mũi đỏ tình thật nghe theo. Lâu ngày không được tắm suối, thân thể đã cảm thấy ngứa ngáy. Nếu vừa có cháo khoai xơi lại có nước khoáng để ngâm thì hạnh phúc nào bằng. Nghĩ tới đây hắn đã thấy Toshihito tiến đến, đành phải thúc con ngựa xám theo lên. Tuy thế, từ lúc cùng ra roi tới giờ, coi bộ Toshihito không hề có ý dừng chân ở gần nơi đây. Chẳng

biết từ lúc nào, hai người đã bỏ Awataguchi lại đằng sau.

- Uả, đây không phải là Awataguchi ?

- Mình vừa đi ngang qua đó đấy.

Toshihito vừa nén nụ cười, cố ý tránh cái nhìn của ngũ-vị, lẳng lặng rong cương. Nhà dân hai bên đường đã bắt đầu thưa thớt và giờ đây, trên cánh đồng hoang trải rộng dưới trời đông chỉ có vài chiếc quạ lẻ kiếm mồi. Chút tuyết nhờ nấp vào bóng núi vẫn chưa tan đang bốc hơi nước như những đợt khói xanh. Tuy ngày tạnh ráo nhưng cảnh những ngọn thù du trơ trụi chọc thủng nền trời đến nhức mắt không khỏi làm khách đi đường gây lạnh.

- Thế mình đã đến quãng Yamanashi chưa ông nhỉ ?

- Yamanashi hử, còn hơi xa chút xíu.

Nói thì nói chứ vừa vặn lúc đó, họ đã qua béng Yamanashi. Rồi không biết tự bao giờ, họ bỏ cả Sekiyama lại đằng sau, qua giờ ngọ, địa đầu vùng Miidera đã hiện ra. Trụ trì chùa Miidera vốn là chỗ tương đắc với Toshihito. Hai người vào thăm nhà sư, xin thụ trai. Cơm nước xong, khách lại tiếp tục ra roi. Quãng đường này so với đoạn trước lại càng hoang vắng. Thời buổi đó rất đỗi nhiễu nhương, đạo tặc như ong. Ngũ-vị rụt thêm cần cổ, nhìn Toshihito dò hỏi :

- Vẫn còn xa hử ông ?

Toshihito mỉm cười, nụ cười của một đứa trẻ chơi trò tinh nghịch bị người lớn bắt gặp. Nếp nhíu ở cánh mũi và bắp thịt dưới mắt đang giãn ra chứng tỏ anh ta chần chừ, nửa muốn cười nửa không. Thế xong, anh ta đáp một mạch :

- Thực tình tôi muốn đưa bác đến Tsuruga cơ !

Toshihito cười, trỏ roi ngựa về hướng chân trời xa. Phía roi trỏ đã thấy mặt hồ Omi loáng bạc dưới ánh mặt trời.

Ngũ-vị đâm ra hoang mang :

- Tsuruga nào, có phải Tsuruga mãi Echizen không ? Cái xứ đó nó .....

Chuyện Toshihito từ ngày làm rể tay hào tộc vùng Tsuruga là Fujiwara Arihito, lại vẫn thường về đấy chơi là điều ngũ-vị không phải không nghe nói. Tuy nhiên phải theo anh ta tận Tsuruga là điều đến giờ phút này hắn thật chưa hề nghĩ tới. Lý do thứ nhất là xứ Echizen đường xa diệu vợi, thứ hai chỉ dắt hai người tùy tùng thì biết có tới nơi an toàn hay không. Chưa kể độ rày thiên hạ đồn đại cường hào vùng này giết người như ngóe... Ngũ-vị nhìn Toshihito, vẻ mặt như van lơn :

- Tưởng là Higashiyama, té ra Yamanashi. Đinh ninh là Yamanashi, lại thành Miidera. Rốt cuộc phải đi Tsuruga tận xứ Echizen. Thế là thế nào hử ông ? Đúng ngay từ đầu, có phải ông đã chủ tâm kéo tôi đến đó rồi không ? Ai đời đi tận Tsuruga!

Ngũ vị thều thào và thiếu điều bật khóc. Nếu không có câu "cháo khoai ăn đã đời" cổ vũ cho lòng can đảm thì chắc anh ta đã rẽ cương lối khác trở về Kyoto rồi cũng nên.

- Toshihito tôi một mình sức địch nghìn người. Quan bác chớ lo chuyện đường xá.

Nhìn vẻ bối rối của ngũ-vị, Toshihito hơi nhíu mày nhưng cả cười. Xong anh ta gọi tên phu khiêng đồ đến, lấy túi tên đeo lên lưng, rút cây cung cứng sơn đen đặt ngang yên, giục ngựa đi trước dẫn đường. Đã đến nước này thì người chết nhát như ngũ-vị cũng chỉ biết nhắm mắt tuân theo ý chí sắt đá của Toshihito thôi. Nhìn phong cảnh hoang vu ảm đạm chung quanh, lòng những lo âu, ngũ-vị lẩm nhẩm niệm mấy câu kinh Quan Âm còn nhớ chữ được chữ mất, cái mũi đỏ cúi gầm xuống gần chạm yên, để con ngựa bước thấp bước cao đưa mình đi.

Tiếng vó câu âm vang rời rạc giữa một vùng cỏ tranh vàng bạt ngàn điểm dăm ba đầm nước lạnh lẽo phản chiếu bầu trời trong khiến buổi chiều đông như sắp đóng giá. Đằng xa, rặng núi có lẽ đúng hướng mặt trời nên không còn chút tuyết tàn, trải thành một vệt tím bầm, chỉ điểm chút màu bạc của mấy bụi lau kkô, nhưng mấy gã tùy tùng có thời giờ đâu mà để ý tới những chi tiết ấy......Vừa lúc đó, Toshihito đột nhiên, hướng về ngũ-vị cất giọng:

- Ấy, sứ giả đến kia, mình nhắn tin cho Tsuruga đi !

Ngũ-vị không hiểu ý nghĩa của câu nói, lo lắng giương mắt nhìn về chỗ Toshihito trỏ cán cung. Dĩ nhiên phía đó tuyệt không một bóng người. Giữa lùm cây nơi có giống giây leo như nho dại bò lan, một chú chồn với bộ lông vàng ấm đang chậm bước dưới ánh nắng chiều... Thoắt cái, chồn ta phóng mình vọt chạy. Chỉ vì lúc ấy Toshihito bỗng quất roi, giục ngựa như bay về hướng đó. Ngũ-vị không còn hồn vía, chỉ biết đuổi theo Toshihito. Hai người tùy tùng cũng cố theo bén gót. Trong một chốc, tiếng vó ngựa đạp trên sỏi nghe cồm cộp phá tan sự yên tĩnh của cánh đồng rộng, rốt cục, đã thấy Toshihito dừng cương, xách chú chồn trên tay bằng hai chân sau và treo ngược nó bên yên ngựa. Có lẽ chồn ta chạy hết nổi, cùng đường phải nằm bẹp dưới chân ngựa để bị bắt. Ngũ-vị vội lấy tay quệt mồ hôi đọng trên bộ râu lưa thưa, tế ngựa đến bên cạnh.

- Này chồn, nghe rõ đây!

Toshihito kéo chồn lên ngang tầm mắt, ra vẽ kênh kiệu nói:

- Nội đêm nay, phải báo dưới ấp có Toshihito sắp xuống Tsugura, hiểu chưa!

Nói vừa dứt lời, Toshihito đã vung tay ném chú chồn vào bụi cỏ đằng xa.

- Trời, coi nó chạy kìa, coi nó chạy!

Hai người tùy tùng đến giờ mới bắt kịp, nhìn về hướng con chồn đang chạy trốn, vỗ tay khen không dứt. Con thú với cái lưng màu lá úa vượt bờ bụi đất lá, thoăn thoắt trong ánh nắng của buổi chiều vàng. Từ chỗ bọn người đang đứng nhìn, tưởng gần như có thể đưa tay ra bắt lấy được. Họ có cảm tưởng như vậy vì trong khi mải đuổi theo con chồn, bọn họ đã đến chỗ cánh đồng đổ thoai thoải xuống lòng một con sông cạn, lúc nào không hay.

- Cái ông sứ giả này khó nhờ quá nhỉ!

Ngũ-vị bây giờ mới ngẩng mặt nhìn con người võ biền có tài lạ sai khiến cả muông thú kia, buột miệng đưa ra một nhận xét ngây thơ, vừa xu phụ vừa thật tình kính nể. Khỏi phải nói, ngũ-vị nhận ra khoảng cách giữa Toshihito và hắn là một trời một vực, có điều cái ý chí nhỏ bé của hắn được cái ý chí mạnh mẽ rộng lớn của Toshihito bao bọc làm hắn thấy yên tâm. Sự a dua có lẽ được sinh ra trong những trường hợp như thế này. Nếu từ đây về sau, độc giả có bắt gặp ở đâu thái độ phường tuồng của anh chàng mũi đỏ thì xin đừng lấy làm kỳ quặc.

Con chồn bị ném kia chạy lăn cù xuống triền dốc, phóng phom phom giữa mấy phiến đá giăng ngang lòng sông cạn rồi sẵn trớn, trèo cheo chéo lên được bờ dốc. Vừa chạy nó vừa ngoảnh lại thấy người vũ sĩ đã chụp được mình và đoàn người tháp tùng vẫn còn ghìm cương giăng hàng trên bờ dốc bên kia, trông xa nhỏ như những ngón tay sắp bên nhau. Hai con ngựa, một bờm hung đỏ, một bờm xám tắm nắng hoàng hôn, như trôi ra từ đợt sương chiều.

*
Như dự định, sáng hôm sau mới khoảng giờ Tỵ, đoàn người đã đến Takashima. Đây là một vùng thôn ổ nhìn xuống hồ Biwa. Dưới bầu trời nặng mây khác hẳn hôm qua, chỉ có vài nếp tranh lơ thơ rải rác. Cạnh kè đá giữa mấy ngọn tùng là mặt nước hồ xám lạnh gợn chút sóng lăn tăn như một tấm gương lâu ngày bám bụi...... Đến quãng này, Toshihito mới ngoái lại nói với ngũ-vị:

- Này, bác xem, bọn người nhà đến đón chúng mình đó.

Đúng thế thật, một đám trai tráng hai ba mươi người, kẻ đi ngựa người cuốc bộ đang dắt hai thớt ngựa đủ cả yên cương, tay áo khoác phần phật trong gió lạnh, từ phía bờ hồ giữa những hàng tùng đang nhanh chân về phía khách. Chẳng mấy chốc bọn họ đã đến nơi, kẻ đi ngựa vội vàng xuống yên, người đi bộ giạt ra quì xuống bên đường, ai nấy đều tỏ ra cung kính chờ đợi cuộc viếng thăm của Toshihito.

- Đúng là chồn ta đã làm tròn nhiệm vụ sứ giả thật.

- Giống thú linh thiêng biết biến hóa như loài chồn thì mỗi việc ấy, làm gì lại chẳng được.

Giữa khi ngũ-vị và Toshihito trao đổi mấy câu như vậy, đoàn bốn người đã đến nơi bọn trai tráng đang chờ.

- Thôi miễn lễ!

Toshihito lên tiếng, bọn người làm đang quì vội vàng bật dậy, hai đứa tiến ra nắm lấy hàm ngựa. Bỗng nhiên cả đám náo hoạt hẳn lên:

- Bẩm tướng công, tối qua có chuyện lạ lắm.

Hai người vừa mới xuống ngựa, chân còn chưa chạm đất thì một lão tá điền tóc bạc, mặc chiếc áo khoác màu chàm, đã tiến tới thưa với Toshihito.

- Cái gì mà lạ?

Toshihito vừa chuyền bầu rượu giỏ cơm mọi người làm mới đem đến mời ngũ-vị, vừa điềm đạm hỏi.

- Thưa đúng thế thật. Tối hôm qua, vào khoảng giờ Tuất, bỗng phu nhân nhà ta chợt lăn ra, nói như người mất hồn: "Ta là hồ tinh ở Sakamoto. Lại đây, vểnh tai nghe cho rõ lệnh tướng công truyền cho các ngươi. Ngài với một đoàn đang trên đường xuống ấp. Các ngươi phải thưa với phu nhân là tướng công mời mấy vị khách đến chơi nhà. Ngày mai khoảng giờ Tỵ, bọn trai tráng nhớ dẫn theo hai con ngựa có đủ yên cương đến Takashima mà đón ngài". Bẩm phu nhân bảo chúng con như thế đấy ạ.

- Nếu thế thì đúng là chuyện hy hữu.

Ngũ-vị hết nhìn Toshihito lại nhìn bọn tá điền như dò xét rồi phát biểu một câu làm cả hai bên đều hài lòng.

- Phu nhân đâu chỉ có nói bao nhiêu đó thôi đâu. Lúc đó, bà phát run như cầy sấy, rồi còn bảo chúng con: "Đừng quên đấy nhá, không được quên. Chớ để tướng công quở trách ta", nói được đến đó thì bù lu bù loa.

- Sau đó sự thể thế nào?

- Phu nhân trở lại bình thường và ngủ say như trẻ con. Lúc chúng con khởi hành thì phu nhân vẫn chưa thức giấc.

- Bác thấy sao? Toshihito sai khiến được cả muông thú, có phải không?

Toshihito nghe bọn người nhà kể chuyện, nhìn ngũ-vị nói với vẽ tự mãn...

- Thế mà không lạ thì gì mới đáng gọi là lạ đây.

Ngũ vị một tay gãi mũi, đầu hơi cúi xuống, mồm há hốc làm như không còn biết nói gì hơn. Trên râu cằm, chỗ rượu uống khi nãy rớt ra đọng lại thành giọt.

Đêm hôm đó, ở một gian trong trang trại của Toshihito, ngũ-vị mắt lao láo, nhìn ánh bấc đèn đêm như người mất hồn ánh bấc đèn đêm, trằn trọc nằm chờ sáng. Cứ như thế, những sự việc xảy ra cho đến tối hôm qua, từ cảnh Toshihito và bọn tá điền cười nói với nhau, ngược lên cảnh rừng tùng, sông cạn, bình nguyên hoang dã, bóng cây, ngọn lá, đất đá, mùi khói ai đốt giữa đồng không...... hiện ra mồn một trong trí ngũ-vị. Nhất là cái thấp thỏm đeo theo hắn suốt hành trình đã biến đâu mất khi rốt cuộc đặt chân tới sơn trang và nhìn thấy những ánh lửa đỏ bập bùng trong lò than thổi cơm hiện ra sau làn sương xám buổi chiều. Bây giờ nằm ở đây mà tưởng bao nhiêu chi tiết đó đã thuộc về đời kiếp nào. Toàn thân trùm dưới tấm chăn màu vàng độn bông dày đến bốn năm tấc (ta), hai chân duỗi thoải mái, ngũ-vị lơ đãng nhìn quanh cái thế nằm của mình. Dưới tấm chăn, ngũ-vị còn mặc phủ lên cả hai lớp áo vải dày màu vàng nhạt mà Toshihito đưa cho mượn. Bao nhiêu lớp như thế thật nóng đến vã mồ hôi. Nhất là trong bữa cơm chiều, hắn đã có vài cút rượu nên càng hừng hực. Cách tấm rèm cửa cạnh gối nằm, bên ngoài khu vườn rộng đang chìm trong sương nhưng cái tấm thân đang nằm ấm cúng nơi đây có cảm thấy gì đâu. Tình cảnh này so với những ngày chịu búa rìu của cấp trên ở Kyoto thì như cực lạc so với địa ngục. Tuy vậy, trong lòng ngũ-vị lúc này vẫn có mối lo khó hiểu. Một phần, hắn thấy thời gian sao mà đi quá chậm, một phần hắn lại chỉ mong cho đêm đừng sáng vội để được kéo dài thời giờ chờ đợi nồi cháo khoai. Nguyên nhân của hai thứ tình cảm đang chống chọi lẫn nhau này có lẽ là diễn biến quá nhanh chóng của hoàn cảnh. Sự bồn chồn trong lòng ngũ vị cũng như khí trời hôm đó, muốn lạnh mà còn ngần ngại. Tất cả những thứ đó như làm rộn ngũ-vị khiến cho chăn ấm nệm êm đến thế mà không tài nào hắn dỗ được giấc ngủ.

Chợt từ ngoài khu vườn rộng, có tiếng ai vọng tới. Nghe giọng mà đoán, có lẽ ông lão tóc bạc đã ra đón đoàn người đang sai bảo ai điều chi. Giọng khô sắc của lão vang vang giữa màn sương, mỗi lời mỗi chữ như cơn lốc xoáy vào xương cốt ngũ-vị.

- Tất cả chúng mày, nghe đây. Tướng công ra lệnh cho bọn bay bất kẻ già trẻ lớn bé đến sáng mai trước giờ Mão mỗi đứa phải đào cho được một củ khoai rừng vòng ngang ba tấc, dài năm thước (ta) và đem đến nộp tại đây. Ngày mai , trước giờ Mão, nhớ rõ chứ?

Lão già lập đi lập lại hai ba lần như thế. Dần dần không nghe rục rịch gì nữa, đêm mùa đông yên tĩnh trở lại. Trong cái yên lặng ấy, chỉ có tiếng reo của ngọn đèn dầu, ánh lửa bần bật như giải lụa đỏ. Ngũ-vị nén một cái ngáp, thừ người suy nghĩ...... Bảo đào khoai rừng mang đến thì nhất định để nấu cháo thôi. Sự bất an cho từ nãy nhờ tập trung nghe ngóng bên ngoài nên quên quấy được đi, nay có dịp trở lại xâm chiếm lòng hắn. Nó như ngọn sóng càng lúc càng dâng cao, và nỗi lo sợ được mời ăn cháo khoai như để trêu chọc, không chịu rời đầu óc hắn. Nhỡ giấc mơ "ăn một bữa cháo khoai cho đã đời" trở thành sự thực thì chẳng hoá ra bao nhiêu năm tháng dài cố chờ đợi cho đến nay chẳng là vô nghĩa hay sao. Nếu được thì khấn sao cho có thương tật gì xui không ăn được cháo và vì không ăn được cháo nên cuộc chiêu đãi này sẽ bị bãi bỏ đi. Ý nghĩ này quây tròn như con vụ trong đầu và ngũ-vị có lẽ mệt mõi vì cuộc hành trình, thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, vừa mở mắt dậy, ngũ-vị đã tiếp tục nghĩ đến chuyện cháo khoai tối hôm trước, vội vội vàng vàng vén rèm nhìn ra ngoài vườn. Thì ra ngũ-vị đã ngủ quên đến quá giờ Mão, và ngoài đó, trên bốn năm tấm chiếu cót dài đã có hai ba nghìn thanh gì dài dài, mập tròn, chồng chất lên nhau như núi, gần đụng mái nhà. Nhìn kỹ thì quả thật là những củ khoai rừng vòng quanh thân đo được ba tấc và độ dài phải đến năm thước (ta).

Dụi cặp mắt còn ngái ngủ, ngũ-vị đảo mắt nhìn quanh, kinh ngạc đến bối rối. Trên khoảng sân rộng, người ta đã đặt liên tiếp bên nhau năm sáu cái nồi chõ cực lớn kê trên những bệ gỗ có lẽ là thân cây vừa mới đẵn. Vài chục người tớ gái trẻ áo trắng đang chạy đi chạy lại chung quanh. Kẻ nhen lửa, người lên than, kẻ khác lại khuân những cái gàu bằng gỗ tạp thi nhau chuyên mật sắn vào nồi. Ai nấy đều chuẩn bị nấu cháo khoai, bận rộn tới lui đến hoa cả mắt. Khói lò và hơi nước từ nồi cháo tỏa ra hòa lẫn với sương sớm chưa tan thành một khối đặc khiến không sao phân biệt cảnh vật trên sân được nữa. Giữa màu khói xám bao trùm lên tất cả là màu lửa đỏ từ phía lò cháy ngùn ngụt. Tiếng động và màu sắc hỗn tạp ồn ào giống như lúc bọn hỏa đầu quân nấu cho đoàn lính ăn ngoài chiến trường. Nhìn cái núi khoai đang từ từ biến thành cháo trong dãy nồi ba mươi kia, ngũ-vị thấy mộng ước của hắn đang thành hình. Rồi hắn nghĩ đến bản thân, vì thèm ăn cháo mà lặn lội từ Kyoto đến tận Tsuruga trong cái xứ Echizen xa xôi này. Càng nghĩ hắn càng không khỏi hổ thẹn cho mình. Cái lòng thèm ăn của ngũ-vị như thể đồng tình với ông chủ của nó, giờ đây, đã hao đi quá nữa?

Chẳng mấy chốc đã đến giờ quà sáng, ngũ-vị đi theo Toshihito và Arihito, ông bố vợ của anh ta, tiến đến bàn ăn. Trên mâm lúc đó chỉ thấy bày một liễn bạc độ chừng một đấu mà hắn đã sợ hãi tưởng nó là cả một biển cháo khoai. Ngũ-vị đã chứng kiến cảnh mấy mươi người trai tráng hoa đao bén, nhanh nhẹn khéo léo vạt ngang chặt dọc đám khoai rừng chất đầy thành núi trước hiên nhà. Thế rồi, bọn đàn bà con gái lăng xăng tíu tít hết xúc lại đổ, hết đổ lại xúc trọn đống khoai vào nồi không chừa một củ. Cuối cùng, khi cái núi khoai kia đã mất dạng để trở lại mấy tấm chiếu cót, ngũ-vị lại được nhìn đến no mắt mấy cột khói dầy đặc tinh mùi khoai rừng và mùi mật sắn, toả lên từ dãy nồi cháo và múa lượn giữa tầng không của buổi sáng đẹp trời. Sau khi đã trông thấy tận mắt từng ấy cơ sự, có lẽ ta sẽ thông cảm được với ngũ-vị nếu chưa húp một ngụm cháo nào mà hắn đã cảm thấy no nê...... Nhìn liễn cháo, ngũ-vị bỗng xuất hạn như người làm điều không phải.

- Quan bác chưa bao giờ ăn cháo khoai cho đã phải không? Thế thì cháo đây, tự nhiên xơi cho nhé!

Ông bố vợ của Toshihito hô bọn tiểu đồng bày lên bàn thêm ít liễn bạc nữa. Liễn nào liễn nấy cũng đầy ắp cháo với cháo. Ngũ-vị nhắm mắt mím miệng - cái mũi thường ngày đã đỏ nay lại ửng đỏ hơn - múc khoảng nửa liễn cháo vào tô sành, ráng húp sạch.

- Nhạc phụ tôi đã nói như thế thì bác đừng khách sáo nhé.

Toshihito đặt thêm liễn cháo mới bên cạnh ngũ-vị, vừa mời mọc lại vừa cười như trêu chợt. Ngũ-vị bị du vào thế khó xử. Nếu cho phép hắn "đừng khách sáo" thì tự lúc đầu, hắn có lẽ đã không muốn đụng đến cháo dù chỉ để hớp một hớp. Thế mà hắn chẳng đã cố gắng ăn được nửa liễn là gì!. Nếu ăn thêm nữa thì cháo chưa qua khỏi cổ họng chắc đã bợn dạ rồi. Bụng thì nghĩ vậy nhưng đồng thời lại sợ mình phụ lòng tốt của hai bố con Toshihito. Hắn bèn nhắm mắt bậm môi, cố gắng húp thêm được một phần ba nửa liễn cháo còn lại nhưng không có hơi sức húp thêm ngụm nào nữa.

- Xin thành thực cảm ơn cụ với ông. Tôi dùng như thế đã đủ. Thật hết sức cám ơn.

Ngũ-vị lắp ba lắp bắp nói. Dù giữa ngày đông tháng giá mà mồ hôi rịn ra trên sóng mũi và mép râu đã đọng thành những hạt to như sắp sửa rơi.

- Sao quan bác ăn ít thế. Ông khách nhà ta lại ngại ngùng gì nữa rồi. Bọn nhỏ đâu, sao cứ đứng xớ rớ đó ?

Lũ tiểu đồng vâng theo lời Toshihito, múc cháo khoai từ trong liễn mới vào tô sành. Ngũ-vị quơ hai tay loạn xạ như đuổi nhặng, cực lực thoái thác.

- Thưa thôi ạ, ăn hết nổi rồi. Xin lỗi, ăn thêm không được nữa.

Nếu lúc đó, Toshihito không đột nhiên trỏ tay ra phía ngoài hiên nhà đằng trước và bảo "Kìa, quan bác xem!" thì Arihito chắc vẫn còn đon đả mời cháo. May thay, nghe tiếng Toshihito nói, mọi cái nhìn đều đổ ra phía hàng hiên. Lúc đó, mặt trời đang chiếu lên hiên nhà bọc bằng vỏ dà. Trong ánh mắt lấp lóa, một con vật với bộ lông mượt mà đang nằm phủ phục thoải mái. Để ý mới thấy đó là con chồn ở Sakamoto ngày hôm kia mà Toshihito đã bắt được khi đoàn người băng qua cánh đồng hoang.

- Chồn nó cũng đến xem quan bác xơi cháo đấy. Bọn bay đâu, cho nó cái gì ăn đi chứ.

Bọn thủ hạ tuân lệnh Toshihito. Con chồn bèn phóng từ hiên ra ngoài sân và sồ vào bát cháo khoai.

Ngũ-vị ngắm con chồn ăn cháo ngon lành, lòng bỗng đâm ra thương nhớ bản thân mình lúc chưa đến chốn này. Đó là cái thằng tôi ngày ở Kyoto bị bọn đồng liêu đem ra làm trò cười, cái thằng tôi thất tha thất thểu như con chó vô chủ trên đại lộ Suzaku trong chiếc áo khoác vải bô và cái quần đã ngả màu, cô độc đến thương tâm. Tuy nhiên cái thằng tôi đó còn có mục đích ở đời là đợi cái ngày đạt được niềm hạnh phúc: ăn một bữa cháo khoai thỏa thuê...... Giờ đây, an tâm là không ăn thêm cháo nữa thì cũng không ai ép uổng, mồ hôi đầm đìa trên mặt ngũ-vị đã dần dần khô, bắt đầu từ sống mũi trở đi. Dù trời tạnh ráo, buổi sáng ở Tsuruga cũng có chút gió lạnh đủ rùng mình. Ngũ-vị lật đật đưa tay lên chận mũi, nhìn về hướng liễn cháo và hắt hơi một tiếng rõ to (10).

(Tháng 8 năm Taisho thứ năm)
Dịch xong ngày 9/6/2002, trên gác trọ nhìn ra vịnh Tokyo
(đã đăng Tạp chí Hợp Lưu tháng 9/02 và duyệt lại ngày 5/4/2003) 
Chú thích

(1) Niên hiệu Nguyên Khánh (Gan-gyo, 877-884) đời Dương Thành thiên hoàng (Yozei tenno) và Nhân Hòa (Nin-na,885-888) đời Quang Hiếu thiên hoàng (Koko tenno) dưới triều Bình An (Hei-an), một triều đại trung cổ Nhật Bản kéo dài 400 năm...

(2) Ngũ-vị (go-i) chức quan thấp nhất trong năm hạng vũ sĩ được phép lên điện.

(3) Sách cổ ám chỉ Kim Tích Vật Ngữ (Konjaku-monogatari) quyển 26 chương 17 và Vũ Trị Thập Di Vật Ngữ (Uji Shu-i Monogatari) quyển 1 chương 18. Akutagawa sử dụng tư liệu dã sử của hai tập này để soạn Cháo Khoai.

(4) Đại lộ Chu Tước (Suzaku Oji) tên con đường lớn phân chia thành Hei-an (Kyoto thời trung cổ) làm hai phần: tả kinh và hữu kinh. Thành nầy rập khuôn thành Trường An nhà Đường.

(5) Hữu vị và vô vị (có chức và không có chức), người dịch muốn giữ cách chơi chữ của tác giả.

(6) Ống trúc dùng để đựng rượu (Sasae).

(7)Hakama: mảnh vải như tấm tạp-dề (tablier) che trước bụng và chân.

(8) Shinsen (Thần Tuyền) tên một ngự uyển của thiên hoàng.

(9) Cơm rượu (amazake) giống như cơm rượu của ta nhưng ngọt và loãng hơn.

(10) Hắt hơi là phản ứng tự vệ của cơ thể. Người Nhật thường nghĩ hắt hơi sẽ đuổi được bệnh. Ngũ-vị có lẽ khoẻ khoắn ra vì hết thắc mắc về "cháo ăn đã đời " ?


[ Trở Về   ]